THIỀN SƯ TRUNG HOA II-14

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

THIỀN SƯ TRUNG HOA

TẬP HAI

H.T THÍCH THANH TỪ

ĐỜI THỨ MƯỜI MỘT SAU LỤC TỔ (tt)

67. THIỀN SƯ NGHĨA HOÀI THIÊN Y

Sư họ Trần quê ở Lạc Thanh Vĩnh Gia, ông cha chuyên nghề chài lưới. Mẹ nằm mộng thấy ngôi sao rơi trong nhà liền có thai Sư. Khi Sư sanh ra có nhiều điềm kỳ lạ. Thuở bé theo cha đánh cá Sư ngồi sau lái thuyền, cha được con cá nào trao cho Sư xỏ mang cột lại, Sư không nỡ làm thế, lén cha thả hết, cha nổi giận đánh Sư, Sư vẫn an nhiên chịu đòn. Lớn lên, Sư đến kinh đô tại chùa Cảnh Đức xuất gia làm đạo, khoảng niên hiệu Thiên Thánh (1023-1030) được thọ giới làm Tăng.

Một hôm, đang đi trong chợ có vị Tăng lạ vỗ vai Sư nói: Vân Môn Lâm Tế. Sư bèn đi đến Kim Loan yết kiến Thiền sư Thiện không khế ngộ, lại đến Diệp Huyện yết kiến Thiền sư Tỉnh cũng không khế ngộ. Sư lại sang phương Đông đến yết kiến Thiền sư Minh Giác nơi Thúy Phong.

Minh Giác hỏi: Ngươi tên gì? Sư thưa: Tên Nghĩa Hoài. Minh Giác bảo: Sao chẳng đặt Hoài Nghĩa? Sư thưa: Đương thời đến được. Minh Giác hỏi: Ai vì ngươi đặt tên? Sư thưa: Thọ giới đến giờ đã mười năm. Minh Giác hỏi: Ngươi đi hành khước đã rách bao nhiêu đôi giày? Sư thưa: Hòa thượng chớ lừa người tốt. Minh Giác hỏi: Ta không xét tội lỗi, ngươi cũng không xét tội lỗi, ấy là sao? Sư không đáp được. Minh Giác đánh, bảo: Kẻ rỗng nói suông đi đi!

Sư vào thất, Minh Giác bảo: Thế ấy chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, thế ấy chẳng thế ấy thảy chẳng được. Sư suy nghĩ Minh Giác lại đánh đuổi ra. Như thế đến bốn lần.

*

Sư làm trưởng ban vận thủy, một hôm nhân gánh nước, đòn gánh gãy rơi cặp thùng, Sư đại ngộ, làm bài kệ hợp cơ:

Nhất nhị tam tứ ngũ lục thất

Vạn nhẫn phong đầu độc túc lập

Ly long thơ hạ đoạt minh châu

Nhất ngôn kham phá Duy-ma-cật.

Dịch:

Một hai ba bốn năm sáu bảy

Chót núi muôn nhẫn một chân đứng

Dưới hàm Ly long đoạt minh châu

Một lời phá được Duy-ma-cật.

Minh Giác nghe, vỗ bàn khen hay!

*

Sau khi Sư trụ có vị Tăng hỏi: Thế nào là Phật? Sư đáp: Trải tóc lót bùn, thân nằm ngang trên đất. Tăng hỏi: Ý chỉ thế nào? Sư đáp: Thế ấy ma-ba-tuần cũng nhíu mày. Tăng thưa: Thế ấy thì tạ ơn Thầy chỉ dạy. Sư bảo: Tây thiên cõi này.

*

Sư thượng đường:

- Trên đảnh Tu-di không đánh chuông, trong ngọn Tất-bát không người nhóm họp. Sơn tăng cỡi ngựa điện Phật, các ngươi mang giày ngược, sớm dạo đàn đặt chiều đến La Phủ. Cây gậy ống kim mỗi người tự nhận lấy.

*

Sư thượng đường:

- Nạp tăng (Thiền sư) nói ngang nói dọc mà chưa biết có con mắt trên đảnh.

Khi ấy, có vị Tăng ra hỏi:- Thế nào là con mắt trên đảnh?

Sư đáp:- Áo rách bày xương gầy, nhà lủng thấy trăng sao.

*

Sư thượng đường:

- Phàm là Tông sư (thầy trong Thiền tông) phải đoạt trâu của kẻ đi cày, cướp thức ăn của người đói, gặp nghèo thì sang, gặp sang thì nghèo, đuổi trâu của người đi cày khiến cho lúa mạ tốt tươi. Cướp thức ăn của người đói khiến họ hằng dứt đói khát. Gặp nghèo thì sang nắm đất thành vàng, gặp sang thì nghèo biến vàng thành đất.

Lão tăng cũng chẳng đuổi trâu của người cày, cũng chẳng cướp thức ăn của người đói. Sao gọi là trâu của người cày, ta nào cần dùng. Thức ăn của người đói, ta nào muốn ăn. Ta cũng chẳng nắm đất thành vàng, cũng chẳng biến vàng thành đất. Sao vậy? Vì vàng là vàng, đất là đất, ngọc là ngọc, đá là đá, Tăng là Tăng, tục là tục. Trời đất xưa nay, nhật nguyệt xưa nay, núi sông xưa nay, con người xưa nay. Tuy nhiên như thế, đập nát cái cổng mê sẽ gặp đức Đạt-ma.

*

Sư thượng đường:

Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tung chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Dịch:

Nhạn bay trong không

Bóng chìm đáy nước

Nhạn không có ý để dấu

Nước không có tâm giữ bóng.

Nếu hay như thế mới hiểu đến trong dị loại mà đi, chẳng cần nối chim le dứt giống hạc, dời núi lấp sông. Buông đi thì trăm xấu ngàn vụng, thâu lại thì co co nắm nắm. Dùng đó thì dám so sự giàu của tám đại Long vương, chẳng dùng thì hoàn toàn chẳng có giá trị bằng nửa phần tiền.

Tham!

Sư ở trong thất hỏi một vị Tăng:

- Người không tay hay nắm, người không lưỡi giỏi nói! Chợt người không tay đánh người không lưỡi, người không lưỡi nói cái gì?

Sư tự đáp:

Chim quốc đêm liền kêu

Cửa viên thông mở rộng.

Tú hú suốt đêm hót

Việc gì cách mây bùn.

*

Sư ở cả thảy bảy đạo tràng, giáo hóa người trong và ngoài nước rất nhiều. Về già, Sư do bệnh cất am ở Sam Sơn thuộc Trì Dương. Có đệ tử là Trí Tài ở Phật Nhật thuộc Lâm Bình thỉnh Sư về hầu hạ. Trí Tài đi thành Tô chưa về, Sư sai người gọi về gấp. Trí Tài vừa về tới cửa, Sư bảo: Giờ đến đi đây. Trí Tài thưa: Thầy có lời gì dạy đệ tử? Sư nói kệ:

Hồng nhật chiếu Phù Tang

Hàn vân phong hoa nhạc

Tam canh quá thiết vi

Tạt chiết ly long giác.

Đất Nhật trời hồng soi

Đảnh hoa mây lạnh quến

Canh ba vượt thiết vi

Sừng ly long bẻ gãy.

Trí Tài hỏi: Tháp trứng đã thành, thế nào là việc cứu kính? Sư đưa tay nắm tay chỉ đó, bèn đến bên giường xô gối mà tịch.

*

68. CƯ SĨ TU TUYỂN TẰNG HỘI

Thuở bé ông cùng Thiền sư Minh Giác ở chung một nhà, đến lớn lên mỗi người đi mỗi đường.

Khoảng niên hiệu Thiên Hy (1017-1020), ông làm Thái thú ở Tri Châu. Một hôm, gặp nhau ở chùa Cảnh Đức, ông bèn dẫn Trung Dung Đại Học, tham cứu Lăng Nghiêm, những chỗ phù hợp với ngữ cú Thiền tông đem ra chất vấn Minh Giác. Minh Giác nói: Cái ấy còn chẳng cùng với kinh điển hợp, huống là Trung Dung Đại Học ư? Học sĩ cần thẳng tắt lý hội việc này. Sư khảy móng tay một cái nói: Chỉ thế ấy tiến lấy. Ông ngay câu này lãnh hội ý chỉ.

Đến niên hiệu Thiên Thánh năm đầu (1023), ông làm Thái thú ở Tứ Minh biên thơ thỉnh Minh Giác trụ trì Tuyết Đậu. Minh Giác đến, ông thưa:

- Tôi gần đây cùng Trưởng lão Thanh bàn về câu ?Triệu Châu khám phá bà già?, chưa rõ được ý chánh có khám phá hay không?

Minh Giác bảo:- Trưởng lão Thanh nói thế nào?

Ông nói:- Lại cùng ấy đi.

Minh Giác bảo:

- Trưởng lão Thanh hãy gác qua một bên. Học sĩ lại biết nạp tăng trong thiên hạ ra chẳng khỏi vòng vây bà già ấy chăng?

Ông nói:

- Trong ấy riêng có chỗ nói, Triệu Châu nếu chẳng khám phá bà già thì một đời chịu thua.

Minh Giác bảo:- Khám phá xong vậy.

Ông cười to.

*

69. THIỀN SƯ Ỷ NGỘ

Ở Pháp Xương

Sư họ Lâm quê ở Chương Châu. Thuở nhỏ, Sư đến chùa Sùng Phước ở quận nhà xuất gia, có ý chí siêu phàm. Sau khi thọ giới cụ túc, Sư đi du phương.

Sư đến Phù Sơn yết kiến Hòa thượng Viễn, Viễn thường chỉ Sư nói với mọi người: Kẻ hậu học này sẽ làm mô phạm trong giới hành khước. Đến Bắc Thiền, Sư yết kiến Thiền sư Trí Hiền. Trí Hiền hỏi: Vừa rồi ở đâu? Sư thưa: Phước Nghiêm. Trí liền hỏi: Hòa thượng Tư Đại lỗ mũi dài bao nhiêu? Sư thưa: Cùng Hòa thượng hiện giờ thấy một loại. Trí Hiền bảo: Hãy nói Lão tăng khi thấy dài bao nhiêu? Sư thưa: Hòa thượng in tuồng chưa từng đến Phước Nghiêm. Trí Hiền cười, nói: Cái loại học ngữ. Lại hỏi: Khi ông đến đây Mã Tổ mạnh chăng? Sư thưa: Mạnh. Trí Hiền bảo: Vừa nói với ngươi cái gì? Sư thưa: Xin Bắc Thiền chớ loạn lắm vậy. Trí Hiền bảo: Nghĩ ngươi mới đến chẳng nỡ đánh ngươi. Sư thưa: Ỷ Ngộ cũng tha lỗi Hòa thượng.

Uống trà xong, Trí Hiền lại hỏi: Quê hương ở đâu? Sư thưa: Chương Châu. Trí Hiền bảo: Tam Bình ở đó làm gì? Sư thưa: Nói thiền nói đạo. Trí Hiền hỏi: Tuổi bao nhiêu? Sư thưa: Cùng cột cái đồng tuổi. Trí Hiền bảo: Có cột cái có thể so sánh, không cột cái tuổi bao nhiêu? Sư thưa: Không cột cái một tuổi cũng chẳng ít. Trí Hiền bảo: Nửa đêm thả gà đen. Nhân đây, Sư kính trọng làm thầy và ở lại rất lâu.

*

Sau, Sư lên ngọn Song Lãnh ở Tây Sơn chọn chỗ sâu vắng cất am dừng ở ba năm với Thượng tọa Anh Thiệu Võ Thắng. Khi Sư nhận thỉnh trụ trì Pháp Xương, từ biệt nhau, Sư nói: ba năm chung họp không việc gì chẳng biết, kiểm điểm sau này ắt có rỉ chảy. Sư cầm gậy vẽ một gạch, nói: Cái ấy gác lại, việc tông phong thế nào? Anh Thắng đáp: Tu-di để trong lỗ mũi. Sư nói: Đến bờ xem mé mắt, chợt đến một trường sầu. Anh Thắng đáp: Cát sâu nổ tròng mắt. Sư nói: Sao chẳng thánh phàm không hai đường, phương tiện có nhiều cửa? Anh Thắng đáp: Rắn sắt dùi chẳng thủng. Sư nói: Có chỗ nào chung bàn. Anh Thắng đáp: Tự duyên căn lực cạn, chớ giận mặt trời xuân. Lại vẽ một gạch nói: Tông phong gác lại, cái ấy việc thế nào? Sư cho một tát tai. Anh Thắng nắm đứng lại, nói: Cái kẻ Chương Châu này đâu không bỏ đi. Sư nói: Anh khởi một loại kiến giải ấy, chẳng đánh lại đợi khi nào. Sư lại đánh thêm một tát tai. Anh Thắng nói: Cũng là ta đến được.

*

Chùa Phước Xương ở phía bắc Phần Ninh, có cả ngàn gộp núi cả muôn cái hồ, mấy gian nhà xưa. Sư đến sống trong cảnh rất đạm bạc, trồng rau cải lấy mà ăn. Tăng chúng các nơi đến, đều không kham chịu nổi nếp sống cơ cực này. Ở đây thật là cô độc.

*

Ngày khai đường, Sư lên tòa nói:

- Ngày nay Pháp Xương khai lô, Tăng hành khước chẳng có một người, chỉ có mười tám vị cao nhân ngồi vây quanh lò làm thinh. Chẳng phải là qui củ thật khó khỏi thấy các người nói lầm. Dù cho miệng giống như cân dùi, chưa khỏi bị lồng đèn khám phá. Chẳng biết đao bặt công huân luống dụng tu nhân chứng quả.

Sư hét một tiếng, nói:

- Chỉ hay một niệm hồi tâm, liền khỏi Nhị thừa ràng buộc.

*

Sư dạy chúng:

- Ở thành Tỳ-da im lặng (Duy-ma-cật lặng thinh) phỏng theo tông thừa, Thứu Lãnh giở cành hoa trở thành thuốc độc, chín năm xây mặt vào vách làm ngu độn tông tổ tiên, nửa đêm truyền y là gạt kẻ hậu học, Mã Tổ tức tâm là Phật in tuồng ôm gốc cây đợi thỏ, Bàn Sơn phi tâm phi Phật có thể gọi là hòa bùn hợp nước. Những tri kiến như thế là bại hoại Tổ phong diệt dòng họ Thích. Nương nơi rỗng tiếp tiếng vang, dối thánh gạt hiền. Hậu học không tội gặp người chỉ chú. Nếu luận về việc này thì chư Phật chẳng từng ra đời, cũng không một pháp cho người. Tổ Đạt-ma chẳng Tây sang, Nhị Tổ chẳng được tủy, liền được gió lành bát ngát, lão quê gõ nhịp ca vang, tâm không chỗ tựa, hạnh không chỗ nương, nghe thiền cùng đạo dường thấy oan gia, nói sắc với tâm như gặp cọp dữ. Nhiên hậu, Pháp Xương cho ông chọn rau rừng giã gạo thái làm cơm hòa la nấu canh cốt đổng, đói thì ăn mệt thì ngủ, không do các vị mà tự sùng cao, chớ học tam thừa mà lập ra thời khóa.

*

Thiền sư Huệ Nam ở Hoàng Long nhắc lại đã dạy Đại Khanh Công khán sanh duyên. Sư nói: Sao chẳng liền đó cho y bặt dứt hết? Huệ Nam nói: Cũng từng vì rắn vẽ chân, bởi y tự chẳng nhìn tới. Sư nói: Hòa thượng vì y thế nào? Huệ Nam đáp: Nhai hết gừng hút sạch giấm. Sư nói: Ông thầy quê theo thế tục lại thế ấy. Huệ Nam hỏi: Hòa thượng làm sao? Sư cầm phất tử liền đánh. Huệ Nam nói: Cái lão già không có nhân tình.

*

Từ Công Hy lúc còn áo vải thường làm bạn với Sư. Trước một ngày sắp tịch, Sư làm kệ gởi cho ông, kệ:

Kim niên thất thập thất

Xuất hành tu trạch nhật

Tạc dạ vấn qui ca

Báo đạo kim triêu kiết.

Năm nay tuổi bảy bảy

Ra đi chọn ngày kiết

Đêm qua hỏi quẻ rùa

Nói rằng sáng nay tốt.

Từ Hy xem xong hoảng hốt, mời Thiền sư Thanh ở Linh Nguyên cùng đến. Sư đang ngồi trong thất đem việc trong chùa dặn dò Tri sự: Ta ở núi này đã hai mươi ba năm, gìn giữ của thường trụ không cho sai sót. Nay ta đi vậy. Các ngươi phải cố gắng tu hành.

Nói xong, Sư cầm gậy nói: Hãy nói cái này trao lại cho ai? Từ Hy cùng Linh Nguyên đều lắng lặng. Sư ném cây gậy, nằm trên giường lấy tay gối đầu liền tịch.

*

70. THIỀN SƯ PHẬT ẤN - Hiệu Liễu Nguyên

Ở Vân Cư - (? - 1098)

Sư họ Lâm quê ở Phù Lương Nhiêu Châu. Khi Sư sanh ra hào quang xông lên, tóc móng tay đều đầy đủ, dung mạo đẹp đẽ khác thường. Lúc còn bé, Sư nói ra câu nào cũng phù hợp kinh sử, mọi người đều gọi là Thần đồng. Lớn lên, Sư thông hết sách sử không cần giở sách ra mà thông suốt cổ kim. Sư tài năng xuất chúng ý chí siêu phàm, lòng mộ Phật giáo nên phát tâm xuất gia. Lão thông kinh luận, Sư quyết chí du phương.

Sư dạo qua các pháp tịch, mà phù hợp nơi Thiền sư Thiện Xiêm ở chùa Khai Tiên Lô Sơn.

Sau, Sư ở chín nơi đạo tràng, nơi nào chúng cũng đông đảo. Khi Sư ở chùa Kim Sơn, Tô Đông Pha gởi thơ đến hẹn gặp nhau, thơ nói: Chẳng cần xuống núi đón, như Triệu Châu tiếp người thượng đẳng. Đông Pha đến, Sư ra đón tiếp.

Đông Pha thăm hỏi Sư, Sư dùng kệ đáp:

Triệu Châu đương nhật thiếu khiêm quang

Bất xuất tam môn kiến Triệu vương

Tranh tợ Kim Sơn vô lượng tướng

Đại thiên đô thị nhất thằng sàng.

Dịch:

Triệu Châu ngày ấy thiếu khiêm nhường

Chẳng đến tam môn đón Triệu vương

Đâu giống Kim Sơn nay lắm tướng

Đại thiên chung lại một chiếc giường.

Đông Pha vỗ tay khen hay.

*

Vua Thần Tông nghe danh đức của Sư ngưỡng mộ ban cho ca-sa của Cao Ly tặng và bát vàng.

Sư thượng đường dạy chúng:

- Lạnh lạnh, gió gõ tiếng tre khô, nước đông cá lội rích, rừng thưa chim ngủ khó, thảy là uy thế của sương. Đâu kham hành khách áo đơn, thôi nghỉ hoa tía núi ngàn đóa, hãy vây lò lửa một phen dùi, buông đi thù du trong không cọc tre, lật ngược Ca-diếp trước cửa cột phướn.

Liền đó, Sư lại nói:

- Chẳng hội suy nghĩ càng không manh mối. Tham!

*

Một hôm, Sư và đồ chúng vào thất, cư sĩ Tô Đông Pha đến thẳng vào thất. Sư nói:

- Trong này không có ghế ngồi, cư sĩ đến đây làm gì?

Đông Pha đáp:

- Tạm mượn thân tứ đại của Phật Ấn làm ghế ngồi.

- Sơn tăng có một câu hỏi, cư sĩ nếu nói được thì mời ngồi. Bằng nói chẳng được thì cổi ngọc đái để lại.

Đông Pha vui vẻ nói:- Xin hỏi.

- Vừa rồi cư sĩ nói ?tạm mượn thân tứ đại Sơn tăng làm ghế ngồi?. Chỉ như Sơn tăng tứ đại vốn không, năm ấm chẳng có, cư sĩ đến chỗ nào ngồi? Tô Đông Pha không đáp được, phải cổi dây ngọc đái để lại.

Sư tặng lại cho Đông Pha lá y Vân Sơn.

Đông Pha làm kệ:

Bách thiên đăng tác nhất đăng quang

Tận thị hằng sa diệu pháp vương

Thị cố Đông Pha bất cảm tích

Tá quân tứ đại tác thiền sàng.

Bệnh cốt nan kham ngọc đái vi

Độn căn nhưng lạc tiễn phong ki

Hội đương (dục giao) khất thực ca cơ viện

Đoạt đắc Vân Sơn cựu nạp y.

Dịch:

Đèn trăm ngàn ngọn ánh sáng đồng

Cả thảy hằng sa Diệu pháp vương

Bởi thế Đông Pha đâu dám tiếc

Mượn anh tứ đại làm giường thiền.

Bệnh xương khó chịu ngọc đái ràng

Căn độn nên rơi máy nhọn tên

Hiểu nên khất thực xa ca kỹ

Nhận lãnh Vân Sơn chiếc y xưa.

*

Lý Công Lân vì Sư viết chiếu. Sư bảo cười, Lý cười. Sư làm bài tán:

Lý công thiên thướng thạch kỳ lân

Truyền đắc Vân Cư đạo giả chân

Bất vị niêm hoa minh đại sự

Đẳng nhàn khai khẩu tiếu hà nhân?

Dịch:

Lân đá lên trời ấy Lý công

Truyền được Vân Cư đạo đó chân

Chẳng bởi niêm hoa rành việc lớn

Rảnh rang mở miệng cười ai đây?

*

Nê ngưu mạn hướng phong tiền khứu

Khô mộc vô đoan tuyết lý xuân

Đối hiện đường đường câu bất thức

Thái bình thời đại tự do thân.

Dịch:

Nằm dưới vũng bùn trâu ngửi gió

Không có cây khô trong tuyết tươi

Rành rành trước mắt đều chẳng biết

Vào lúc thái bình thân tự do.

*

Ngày mùng bốn tháng giêng niên hiệu Nguyên Phù năm đầu (1098) Sư đang cùng khách nói chuyện có người ngộ được tâm, Sư cười một cái rồi tịch.

*

71. THIỀN SƯ HUỆ NHẬT TRÍ GIÁC

Ở chùa Vĩnh Minh Diên Thọ - (904 - 975)

Sư họ Vương quê ở Dư Hàng, thuở bé đã qui tâm về Phật thừa. Lúc thiếu niên Sư không ăn thịt cá, mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Sư trì kinh Pháp Hoa vừa được sáu tuần liền được lão thông, cảm đến bầy dê quì nghe kinh.

Năm Sư hai mươi tám tuổi làm quan trấn ở Hoa Đình, gặp lúc Đại sư Thúy Nham Vĩnh Minh dời về ở chùa Long San truyền bá Thiền tông, Sư thường tới lui hỏi đạo. Vua Văn Mục Vương nước Ngô Việt biết Sư mộ đạo, bèn theo chí nguyện của Sư cho xuất gia.

Sư lễ Thúy Nham xin làm đệ tử, hằng ngày làm việc phục vụ cho chúng trọn quên mình là kẻ làm quan. Mặc chẳng cần đẹp, ăn chẳng nghĩ ngon, áo vải đơn sơ che mưa đỡ gió.

Lên núi Thiên Thai, ở ngọn Thiên Trụ tập định chín tuần, có loại chim tha cỏ làm ổ trong áo của Sư.

Sư đến yết kiến Quốc sư Đức Thiều. Vừa trông thấy Sư, Quốc sư đã chấp nhận, thầm trao huyền chỉ. Quốc sư bảo Sư: Người cùng Nguyên soái có duyên, sau này sẽ làm hưng thịnh Phật pháp.

*

Ban đầu, Sư đến Minh Châu ở núi Tuyết Đậu học chúng rất đông.

Sư thượng đường dạy:

- Trong núi Tuyết Đậu này vươn lên ngàn tầm không dừng mảy thóc, dựa đảnh muôn nhẫn không có chỗ để chân. Tất cả các người nhằm chỗ nào tiến bộ?

Có vị Tăng ra hỏi:- Một lối tắt của Tuyết Đậu làm sao dẫm đi?

Sư đáp:- Bước bước hoa lạnh kết, lời lời suốt đáy băng.

*

Niên hiệu Kiến Long (950), Trung Hiến Vương thỉnh Sư trụ trì chùa mới ở núi Linh Ẩn. Năm sau, lại thỉnh Sư trụ trì đại đạo tràng Vĩnh Minh. Ở đây, chúng tụ họp đến hơn hai ngàn vị.

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là diệu chỉ của Vĩnh Minh?

Sư đáp:- Lại thêm hương đi.

- Tạ Thầy chỉ dạy.

- Hãy mừng chớ giao thiệp.

Sư làm bài kệ:

Dục thức Vĩnh Minh chỉ

Môn tiền nhất hồ thủy

Nhật chiếu quang minh sanh

Phong lai ba lãng khởi.

Biết diệu chỉ Vĩnh Minh

Trước cửa nước một hồ

Trời soi ánh sáng dậy

Gió sang sóng mòi sanh.

*

Tăng hỏi:- Trường Sa kệ rằng:

Học đạo chi nhân bất thức chân

Chỉ vị tùng tiền nhận thức thần

Vô thủy thời lai sanh tử bản

Si nhân hoán tác bổn lai nhân

[Xem T.S.T.H. tập 1 về Thiền sư Cảnh Sầm có bản dịch.]

-Đâu chẳng phải lìa thức tánh riêng có chân tâm ư?

Sư đáp:

- Như Lai Thế Tôn trên hội Thủ Lăng Nghiêm vì ngài A-nan giản biệt rất rõ mà người vẫn cố chẳng tin. Ngài A-nan lấy cái suy xét theo đuổi làm tâm, bị Phật quở đó, cái suy xét theo đuổi ấy là ?thức? vậy. Nếu lấy cái biết pháp, theo tướng là phiền não thì gọi thức, chẳng gọi tâm. Ý là nhớ, nhớ tưởng cảnh trước khởi vọng đều là vọng thức chẳng can gì về việc của tâm. Tâm chẳng phải có không, có không chẳng nhiễm. Tâm chẳng phải cấu tịnh, cấu tịnh chẳng nhơ. Cho đến mê ngộ phàm thánh đi đứng ngồi nằm đều là vọng thức, chẳng phải tâm vậy. Tâm xưa chẳng sanh nay cũng chẳng diệt. Nếu biết tâm mình như thế, đối chư Phật cũng vậy. Cho nên ông Duy-ma nói: ?trực tâm là đạo tràng?, vì không có hư giả vậy.

*

Tăng hỏi:

- Học nhân ở tại Vĩnh Minh đã lâu, vì sao chẳng hội gia phong Vĩnh Minh?

Sư đáp:- Chỗ chẳng hội nên hội lấy.

- Chỗ chẳng hội làm sao mà hội?

- Thai trâu sanh voi con, biển biết dấy bụi hồng.

*

Sư muốn đem giáo pháp một đời của Phật lưu truyền ở cõi này, xem qua lối phán giáo của ngài Thiên Thai, Hiền Thủ, Từ Ân chia các tông tánh tướng v.v... trở thành mâu thuẫn khiến khó khăn thêm cho người học đạo. Sư lấy yếu điểm của Tâm tông (Thiền tông) làm nhân chiết trung, góp các kinh Phương Đẳng v.v... sáu mươi bộ, những lời dạy của ba trăm vị Tổ ở Ấn Độ và Trung Hoa để giúp nghĩa cho Tâm tông, soạn thành bộ sách một trăm quyển tên là Tông Cảnh Lục để lưu truyền hậu thế.

*

Sư ở chùa Vĩnh Minh mười lăm năm, độ một ngàn bảy trăm đệ tử. Niên hiệu Khai Bảo năm thứ bảy (974), Sư lên núi Thiên Thai truyền giới chừng một vạn người, thường cho bảy chúng thọ giới Bồ-tát. Ban đêm cúng thí quỉ thần, ban ngày làm lễ phóng sanh không thể tính hết. Sáu thời tán hoa, hành đạo còn dư sức, Sư tụng một vạn ba ngàn (13.000) bộ kinh Pháp Hoa.

Ngoài bộ Tông Cảnh Lục, Sư còn trước tác thi, kệ, phú, vịnh đến cả ngàn muôn lời.

*

Vua nước Cao Ly (Triều Tiên) xem các tác phẩm của Sư cảm mến sai sứ đem thơ sang, trong thơ tự nhận là đệ tử, dâng cúng Sư y ca-sa tía do kim tuyến dệt thành, mấy hạt châu thủy tinh, chung vàng v.v...

Có ba mươi sáu vị Tăng ở Cao Ly sang học đạo với Sư đều được ấn ký, lần lượt về nước mỗi người giáo hóa mỗi nơi.

*

Đến niên hiệu Khai Bảo năm thứ tám (975) tháng chạp, Sư có chút bệnh. Ngày hai mươi sáu vào buổi sáng, Sư thắp hương từ biệt chúng, ngồi kiết già thị tịch, thọ bảy mươi hai tuổi, bốn mươi hai tuổi hạ.

*

72. THIỀN SƯ CHÍ PHÙNG

Ở chùa Hoa Nghiêm núi Ngũ Vân - (909 - 985)

Sư quê ở Dư Hàng, sanh ra đã không ưa thịt cá, cơ thể thơm sạch. Sư xuất gia tại viện Lãng Chiêm núi Đông Sơn, thông suốt tam học, rành rõ tánh tướng. Những khi mộng, Sư thường thấy đi lên núi Tu-di thấy ba đức Phật ngồi sắp hàng. Trước đức Phật Thích-ca, kế Phật Di-lặc, Sư đều lễ dưới chân, duy chẳng biết đức Phật thứ ba, Sư chỉ ngước nhìn mà thôi. Đức Thích-ca chỉ, nói: đây là Di-lặc bổ xứ và Phật Sư Tử Nguyệt, Sư mới chịu làm lễ. Sau khi thức, nhân xem Đại tạng kinh mới biết hợp với mộng.

*

Khoảng niên hiệu Thiên Phước (947), Sư du phương đến núi Thiên Thai ở đạo tràng Vân Cư tham với Quốc sư Đức Thiều, cơ duyên chủ khách được trùng hợp phát minh huyền chỉ.

*

Một hôm, Sư vào trong điện Phổ Hiền an tọa, chợt có một vị thần quì gối ở trước. Sư hỏi: Ông là ai? Thần đáp: Tôi là thần hộ giới. Sư hỏi: Tôi lo có những tội trước chưa sạch, ông có biết chăng? Thần đáp: Thầy có tội gì, chỉ có một lỗi nhỏ mà thôi. Sư hỏi: Lỗi gì? Thần đáp: Phàm nước rửa bát cũng là vật của thí chủ, Thầy thường đổ đi không nên vậy. Nói xong, vị thần ẩn mất. Từ đây về sau, Sư rửa bát lấy nước uống hết.

*

Vua nước Ngô Việt nghe danh đức của Sư, thỉnh vào triều ban tử y và hiệu là Phổ Giác Đại sư. Ban đầu mời ở viện Lâm An Công Thần, Tăng chúng tấp nập kéo đến.

Sư thượng đường dạy:

- Chư Thượng tọa bỏ một tri thức đến tham với một tri thức, trọn học theo gương của Thiện Tài. Xin hỏi các Thượng tọa: như Thiện Tài từ biệt Văn-thù định lên núi Diệu Phong yết kiến Tỳ-kheo Đức Vân, đến đó rồi vì sao Đức Vân lại ở Biệt Phong trông thấy nhau? Phàm giáo ý Tổ ý đồng một phương tiện không có lý khác. Kia nếu rõ được thì đây cũng rành rành. Chư Thượng tọa hiện nay hiệp đoàn với Lão tăng là thấy nhau hay chẳng thấy nhau? Chỗ này là Diệu Phong hay là Biệt Phong? Nếu hay từ đây tỉnh được, có thể nói chẳng cô phụ Lão tăng, cũng thường thấy Tỳ-kheo Đức Vân, chưa từng có một sát-na xa rời nhau, lại tin đến chăng?

*

Niên hiệu Khai Bảo năm đầu (968), Trung Hiến Vương xây cất Tinh xá Phổ Môn ba phen thỉnh Sư trụ trì, lại tuyên dương pháp yếu.

Sư thượng đường:

- Cổ đức vì pháp đi hành khước chẳng nệ nhọc nhằn, như Hòa thượng Tuyết Phong ba phen trở lại Đầu Tử, chín lần lên Động Sơn, xẩn vẩn qua lại còn cầu con đường vào chẳng được. Xem các ông ngày nay đi tham học, vừa bước đến cửa liền đợi Lão tăng tiếp dẫn chỉ rõ nói thiền. Các ông muốn đến đạo Huyền cực, đâu thể rảnh rang; huống là việc này ngộ phải đúng thời, gấp gáp cầu đâu được. Các ông cần biết đúng thời ngộ chăng? Hiện giờ mỗi người hãy vào nhà thiền ngồi yên lặng, đợi bao giờ ngước xem ngọn núi này gật đầu, Lão tăng sẽ vì ông nói.

*

Tăng hỏi:- Thế nào là gia phong Phổ Môn?

Sư đáp:- Bao người xem chẳng đủ.

- Thế nào là cảnh Phổ Môn?

- Ngươi đến chỗ hãy hỏi gia phong rồi thôi.

*

Niên hiệu Khai Bảo năm thứ tư (971), Sư cố từ chối với Quốc chủ bởi tuổi đã già muốn tịnh dưỡng nơi chốn suối rừng. Khi ấy, Đại tướng Lăng Siêu mới tạo đạo tràng Hoa Nghiêm ở núi Ngũ Vân dâng cúng cho Sư để làm chỗ dưỡng già.

*

Niên hiệu Ung Hy năm thứ hai (985) tháng mười một, Sư có chút bệnh. Đến ngày hai mươi lăm, Sư sai vị Tăng đứng hầu đi thắp hương, lấy nước xúc miệng xong, Sư ngồi kiết già giây lâu, từ biệt chúng thị tịch. Sư thọ bảy mươi bảy tuổi, được năm mươi tám tuổi hạ.

*

73. THIỀN SƯ BỔN TIÊN

Ở chùa Đoan Lộc -(942 - 1008)

Sư họ Trịnh quê ở Vĩnh Gia, lúc bé xuất gia tại viện Tập Khánh, thọ giới nơi chùa Quốc Thanh ở Thiên Thai.

Sư đến tham vấn Quốc sư Đức Thiều, Quốc sư đem câu ?chẳng phải gió phướn động mà tâm nhân giả động?, Sư liền ngộ giải.

*

Sư trụ ở chùa Đoan Lộc, chân chẳng dạo thành ấp, tay chẳng nhận tiền bạc, chẳng sắm mền nệm, không mặc tơ lụa, mỗi ngày ăn một bữa, ngồi thiền suốt ngày, trọn ba mươi năm không thay đổi ý chí.

Sư dạy chúng:

- Ta lúc mới gặp Thiên Thai vừa nghe câu nói liền tiến được. Nhưng khoảng một ngàn ngày (ba năm) trong bốn oai nghi in tuồng có vật ngại nơi ngực, như đồng ở chung với kẻ thù. Một ngàn ngày về sau, một hôm vật ngại bỗng tan, không còn ở chung với kẻ thù, liền đó an vui chợt nhận ra lỗi trước.

Sư liền thuật ba bài kệ:

1. Chẳng phải gió phướn động

Mà tâm nhân giả động.

Phi phong phan động duy tâm động

Tự cổ tương truyền trực chí kim

Kim hậu thủy vân đồ dục hiểu

Tổ sư chân thật hảo tri âm.

Dịch:

Gió phan chẳng động riêng tâm động

Truyền nối từ xưa nhẫn đến nay,

Về sau mây nước dù muốn biết

Tổ sư chân thật bạn tri âm.

2. Thấy sắc liền thấy tâm.

Nhược thị kiến sắc tiện kiến tâm

Nhân lai vấn trước phương nan đáp

Nhược cầu đạo lý thuyết đa ban

Cô phụ bình sanh tam sự nạp.

Dịch:

Nếu là thấy sắc liền thấy tâm

Người sang hỏi đến thật khó đáp

Muốn cầu đạo lý nói nhiều điều

Phũ phàng ba việc người tăng sĩ.

3. Rõ chính mình.

Khoáng đại kiếp lai chỉ như thị

Như thị đồng thiên diệc đồng địa

Đồng địa đồng thiên tác ma hình

Tác ma hình hề vô bất thị.

Dịch:

Nhiều kiếp đến nay chỉ như thế

Như thế đồng trời cũng đồng đất

Đồng đất đồng trời tạo hình gì?

Tạo hình gì rồi thảy đều phải.

*

Sư dạy chúng:

- Cả thảy các ngươi! lại thấy Trúc Lâm Lan-nhã núi nước viện xá người chúng chăng? Nếu nói thấy thì ngoài tâm có pháp. Nếu nói chẳng thấy, mà hiện tại Trúc Lâm Lan-nhã núi nước viện xá người chúng rõ ràng. Lại hội lời dạy thế ấy chăng? Nếu hội thì lanh lợi chẳng ngại, vô sự chớ đứng lâu.

*

Sư dạy chúng:

- Trong Thiên Thai giáo nói ?ba cửa Văn-thù Quan Âm, Phổ Hiền. Cửa Văn-thù là tất cả sắc. Cửa Quan Âm là tất cả thanh. Cửa Phổ Hiền là chẳng dời bước?. Còn ta nói cửa Văn-thù chẳng phải tất cả sắc. Cửa Quan Âm chẳng phải tất cả thanh. Cửa Phổ Hiền là cái gì? Chớ bảo là khác với Thiên Thai giáo nói. Vô sự hãy lui.

*

Sư dạy chúng:

- Tất cả các ngươi! trong ban đêm ngủ mê chẳng biết tất cả. Đã chẳng biết tất cả, thử hỏi, khi ấy các ngươi có tánh xưa nay chăng? Nếu nói khi ấy có tánh xưa nay, mà khi ấy lại chẳng biết tất cả, cùng chết không khác? Nếu nói khi ấy không có tánh xưa nay, mà chợt thức giấc liền biết như xưa? Lại hội chăng? Chẳng biết tất cả cùng chết không khác, ngủ mê chợt thức giấc liền biết như xưa. Những khi như thế là cái gì? Nếu chẳng hội, mỗi người tự thể cứu lấy. Vô sự chớ đứng lâu.

*

Niên hiệu Nguyên Phù năm đầu (1008) tháng hai, bất chợt Sư bảo đệ tử lớn là Như Trú: Nên xây tháp cho ta, rằm tháng tám ta sẽ tịch. Như Trú vâng mạng xây vừa xong xuôi, khi ấy dân chúng quan liêu xa gần đua nhau đến chiêm ngưỡng. Đúng ngày rằm, vẫn tham vấn như thường, đến giờ ngọ, Sư ngồi yên ở phương trượng tay kiết bảo ấn, lại bảo Như Trú: Người xưa nói: ?cỡi đầu cọp nắm đuôi cọp?, việc ở khoảng giữa lại thế nào? Như Trú đáp: Cũng chỉ là Như Trú. Sư bảo: Ngươi hỏi lại ta. Như Trú hỏi: Cỡi đầu cọp nắm đuôi cọp, việc khoảng giữa Hòa thượng nói thế nào? Sư đáp: Ta cũng nói chẳng ra. Nói xong, Sư an nhiên mở nhỏ một con mắt xem, rồi tịch. Sư thọ sáu mươi bảy tuổi, bốn mươi hai tuổi hạ.

Sư có trước tác Trúc Lâm Tập mười quyển hơn một ngàn bài thi, ca, từ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro