THIỀN SƯ TRUNG HOA III-1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

THIỀN SƯ TRUNG HOA

TẬP BA

H.T THÍCH THANH TỪ

ĐỜI THỨ MƯỜI BA SAU LỤC TỔ

I. TÔNG TÀO ĐỘNG ĐỜI THỨ CHÍN.

A- NỐI PHÁP THIỀN SƯ ĐẠO GIAI Ở THIÊN NINH CÓ 26 VỊ:

1. Thiền sư Pháp Thành ở Hương Sơn.

2. Thiền sư Tề Liên ở Đại Trí.

3. Thiền sư Tử Thuần ở Đơn Hà Đặng Châu.

4. Thiền sư Duy Chiếu ở Bảo Phong Hồng Châu.

II. TÔNG LÂM TẾ ĐỜI THỨ CHÍN.

A- NỐI PHÁP THIỀN SƯ HUỆ NAM Ở HOÀNG LONG CÓ 83 VỊ:

1. Thiền sư Tổ Tâm ở Hoàng Long.

2. Thiền sư Khắc Văn ở Phần Đàm.

3. Thiền sư Hồng Anh ở Phần Đàm.

B- NỐI PHÁP THIỀN SƯ PHƯƠNG HỘI Ở DƯƠNG KỲ CÓ 12 VỊ:

1. Thiền sư Thủ Đoan ở Bạch Vân.

2. Thiền sư Nhơn Dũng ở Bảo Ninh.

III. TÔNG VÂN MÔN ĐỜI THỨ SÁU.

A.- NỐI PHÁP THIỀN SƯ TÔNG BỔN VIÊN CHIẾU Ở HUỆ LÂM CÓ 200 VỊ:

1. Thiền sư Thiện Bổn ở Pháp Vân.

2. Thiền sư Tu Ngung ở Đầu Tử.

3. Thiền sư Thiện Ninh ở Kim Sơn.

4. Thiền sư Duy Nhạc ở Tịnh Nhơn.

*

1. THIỀN SƯ PHÁP THÀNH

Ở Hương Sơn

Sư trụ Hương Sơn, Nhữ Châu dạy chúng:

Người biết có Phật, Tổ hướng thượng mới có phần thuyết thoại. Chư Thiền đức! Hãy nói, cái gì là việc Phật, Tổ hướng thượng? Có kẻ con trai nhà người sáu căn chưa đủ, bảy thức chẳng toàn, là đại xiển đề không chủng tánh Phật, gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, Thiên đường thâu chẳng được, địa ngục giữ không cửa, đại chúng lại biết người này chăng? Sư im lặng giây lâu nói: Đối diện chẳng tiên đà, ngủ mê mặc nói mớ. Sư lại nói: Chỉ cái này mang nặng chết người, nhận làm chính mình từ không kiếp, rõ ràng trên đầu thêm đầu, lại nói rơi tại hiện nay nào khác trên tuyết thêm sương, dù được thuần thanh tuyệt điểm vẫn là chân thường lưu chú, hoặc giả chuyển vị hồi cơ giống hệt giữa trưa trốn bóng. Vì thế nói, hai do một có, một cũng chớ giữ, một tâm chẳng sanh, muôn pháp không lỗi. Sư hét một tiếng, nói: Đây quả là tiếng của cái bát nóng, đâu chẳng nghe nói: ?Văn-thù khởi Phật kiến pháp kiến dày đến giữa hai núi Thiết Vi, Thiền tăng khởi Phật kiến pháp kiến sắp ở dưới ba cây đòn tay?. Sư đưa cây phất tử lên nói: Phất tử đêm rồi khởi Phật kiến pháp kiến, hãy nói sáng nay phê phán thế nào? Sư gõ giường thiền nói: Phân phó Đức Sơn Lâm Tế. Sư lại nói: Máy linh riêng chiếu, trí sáng rạng ngời, chớp mắt nhướng mày đã bày dấu vết, cầm chùy dựng phất đâu khởi cấp bậc. Người ngộ đó, tâm siêu số lượng nói nín đều như, trái buông, mặt nắm trọn không nương gá. Người mê đó, vật vật khởi hiểu bỏ lấy có tâm, dù cho trọn được bên kia, chưa khỏi bên này làm ngại. Vì thế nói, trong nhà Thiền bảo là gỡ niêm mở trói tháo chốt nhổ đinh, đã là chạm bén đứt tay, lại nói thể cùng với dụng, chánh cùng với thiên, giống hệt dạy chú học trò ba nhà trong thôn chưa đọc được một quyển Thái Công gia giáo, liền nói văn chương vượt hơn Lý Bạch, Đỗ Phủ. Chư Thiền đức! Nhà y tự có đồng phong, chẳng cần mở sách vở khác.

Sư hỏi vị Tăng: - Người xứ nào?

Tăng thưa: - Tây Xuyên.

Sư hỏi: - Ly hương lúc nào?

Tăng thưa: - Tháng hai năm ngoái.

Sư bảo: - Chưa lìa bản quốc nói một câu xem?

Tăng thưa: - Khắp thân đều là miệng khó vì đối đáp.

Sư bảo: - Vẫn là câu ly gia thất nghiệp.

Tăng không nói được.

Sư đánh một phất tử bảo: - Uổng đi giầy cỏ.

Sư cùng Duy Chiếu đồng kế thừa Phù Dung mà không biết nhau, nhân có Thượng Nhơn Bằng thuật lại bài tán tượng Phù Dung của Duy Chiếu cho Sư nghe.

Bài tán:

Vũ tẩy địch hồng đào ngạc nộn

Phong diêu tiên bích liễu ty khinh

Bạch vân ảnh lý quái thạch lộ

Lục thủy quang trung khô mộc thanh

Di! Nhĩ thị hà nhân?

Dịch:

Mưa rửa sạch hồng đào lá úa.

Gió đùa đi bích liễu tơ bay.

Dưới bóng mây trắng đá lạ hiện.

Trong ánh nước xanh cây khô tươi.

Ôi! Ông là người nào?

Sư nói: Ngày nay mới biết ông ấy gần Thầy tôi. Bằng liền thưa hỏi ý nghĩa. Sư bảo: Há chẳng thấy Pháp Nhãn niêm lời Giáp Sơn rằng: ta ba mươi năm chỉ làm cảnh để hiểu. Bằng liền có tỉnh.

Sau Sư vâng chiếu mời trụ chùa Tịnh Nhơn ở Đông Kinh.

*

2. THIỀN SƯ TỀ LIÊN

Ở Đại Trí

Sư họ Mâu, quê ở Trung Giang Đồng Xuyên, thuở nhỏ đã có chí thoát trần, năm mười ba tuổi xuất gia, đến Hộ Thánh thọ giới cụ túc. Năm sau sang Thành đô theo học Bách Pháp ở chùa Pháp Hoa. Sư lại thông Duy thức, đọc đến câu ?đây là danh pháp vô lậu giới bất tư nghì thiện thường, an lạc giải thoát, thân đại Mâu-ni?, dường như có tỉnh. Vị thầy kia không thể giải thích cho thỏa mãn. Sư than rằng: ?Ta bỏ nhà vì việc lớn, ở đây chỉ đọc lại những lời trên giấy, ví như mặt trời mặt trăng vẽ, há có ánh sáng sao?? Sư liền từ giã sang miền Nam.

Trước tiên, Sư đến tham vấn Đạo giả Đoạn Tý ở Thanh Khê. Đoạn Tý thầm nhận Sư. Sư lại tham vấn Thiền sư Diễn ở Ngũ Tổ, Thiền sư Triết ở Chơn Như, Thiền sư Túc ở Bá Trượng, Thiền sư Tâm ở Hối Đường, ngày đêm tham vấn mà chưa có tỉnh. Khi Sư ở Hối Đường, có người từ Đại Dương đến thuật lại lời dạy chúng của Phù Dung, lòng Sư vui thích, bèn đến đó tham vấn. Mới gặp Phù Dung dường như đã biết lâu rồi. Một hôm, buổi sáng nghe tiếng bảng, Sư hoát nhiên đại ngộ, chạy đến trình với Phù Dung. Phù Dung ấn khả. Phù Dung sai Sư giữ Tạng kinh và phân tòa thuyết pháp, cây dùi trong đãy trồi đầu, trong tùng lâm kính quí, danh tiếng vang xa. Chưa bao lâu, Sư trở về thăm cha mẹ.

Khi Phù Dung đến trụ chùa Tịnh Nhơn, Sư lại đến đó làm thủ chúng ở dưới tòa. Chùa Tịnh Nhơn ở chốn kinh đô mà Phù Dung vẫn giáo hóa hàng Tăng chúng. Người đến hỏi đạo có cả vạn, Sư lo phần ngoại hộ vẫn đầy đủ. Phù Dung nói về Sư, bảo với người rằng: Thủ tọa Liên đi như trâu nhìn như cọp, cơ phong bén nhạy, ngày khác sẽ hoằng hóa đạo của ta.

Khi ấy dân chúng kiến thiết chùa Sùng Ninh, chọn người truyền pháp, Kinh lược sứ Vĩnh Hưng là Vương Công Tự, Đô chuyển vận sứ là Tiết công Thiệu Bành dùng nghi lễ thỉnh Sư. Sư nhận lời, về ở đây năm năm danh tiếng đồn khắp, xa gần kính mộ. Sau đó, dời đến chùa Phổ Ninh ở Nhượng Dương. Đến năm đầu niên hiệu Chánh Hòa (1111), Sư trở về cố hương cất am Diệu Phong để dưỡng già. Lại bị Thiệu Bành thỉnh trụ chùa Năng Nhơn, kế sang chùa Đại Tùy, rồi Vô Vi ở Quảng Hán, Siêu Ngộ ở Thành đô, rốt sau đến chùa Đại Trí.

Lúc sư trụ chùa Đại Tùy, có tín đồ dối tố Sư tại châu. Sư vui vẻ đến ty nhận tội. Khi tra khảo Sư, trời đất tối tăm, có bầy chim bay kêu la, lại có con gieo mình xuống đất. Châu tướng kinh lạ bèn thả Sư ra. Siêu Ngộ là dãy nhà bên cạnh của chùa Đại Từ, sắp bày như cái quán hàng, Sư thường đóng cửa ngồi yên. Những người trọng giới luật thấy đều quí kính. Đạo đức của Sư càng cao, kẻ Tăng người tục muốn được biết mặt Sư, mà chỉ trông thấy lưng cổ. Khi đó, tuổi Sư đã cao, cảm thấy chán muốn bỏ đi, chúng cố mời lại mà không được. Họ bảo nhau, chùa Đại Trí ở phía Tây xa xôi rừng cây sầm uất đáng cho Sư ẩn lúc tuổi già, bèn đưa ý kiến lên quan phủ. Khi ấy Tịch Công làm Chế trí sử đến lễ thỉnh Sư. Sư hoan hỉ hứa khả.

Sư ở Đại Trí tám năm, Thiền khách các nơi tìm đến, ngôi chùa này trở thành Bảo Xã. Song từ đó, Sư ứng tiếp đơn sơ. Chợt Sư khởi bệnh. Có người thăm hỏi, Sư nói: Ta không khổ. Bỗng Sư bảo Chủ sự: Vì ta làm một cái kiệu lam, ta sẽ có chỗ cần. Hôm sau, Sư ngồi kiết già cầm bút viết kệ xong, lặng lẽ mà tịch.

Sư tịch ngày mùng bốn tháng mười một năm niên hiệu Thiệu Hưng thứ mười lăm (1146) thọ bảy mươi ba tuổi.

*

3. THIỀN SƯ TỬ THUẦN

Ở Đơn Hà

Sư họ Cổ, quê ở Kiếm Châu, khoảng hai mươi tuổi đi xuất gia. Nơi hội Thiền sư Phù Dung, Sư được triệt ngộ. Sau Sư trụ núi Đơn Hà tại Đặng Châu.

Sư thượng đường: ?Trong càn khôn giữa vũ trụ, ở trong có một hòn ngọc ẩn tại hình sơn.? Triệu Pháp sư nói thế ấy, chỉ khéo chỉ dấu nói vết, vẫn không thể chỉ bày cho người. Ngày nay Đơn Hà mở hoác vũ trụ đập nát hình sơn, vì mọi người chỉ ra, người đủ mắt biện lấy. Sư cầm cây gậy chao một cái nói: Lại thấy chăng? Cò trắng trên tuyết sắc vẫn khác, trăng sáng hoa lau chẳng giống nhau.

Sư thượng đường, nhắc lại Đức Sơn dạy chúng nói: ?tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người?. Đức Sơn nói thoại thế ấy, đáng gọi là chỉ biết vào cỏ tìm người, bất chợt toàn thân bùn nước. Chín chắn xem ra, chỉ đủ một con mắt. Nếu là Đơn Hà thì không thế. Tông ta có ngữ cú đao vàng cắt chẳng mở, sâu xa chỉ huyền diệu, ngọc nữ đêm mang thai.

Sư thượng đường: Dừng dừng đúng ngọ còn thiếu nửa, lặng lặng canh ba vẫn chửa tròn, sáu cửa chẳng từng biết hơi ấm, lại qua thường ở trước trăng trong.

Sư thượng đường: Trăng sáng chiếu soi đầm trong bày bóng, nước không có ý thấm trăng, trăng không có tâm soi nước, trăng nước cả hai đều quên mới đáng gọi là đoạn. Vì thế nói: Việc lên trời cần phải thổi mất, việc thập thành cần phải dẹp mất, ném vàng vang tiếng chẳng cần xoay nhìn. Nếu hay như thế, mới hiểu nhằm trong dị loại mà đi. Quí vị! Đến trong ấy lại thấu hiểu chăng? Sư im lặng giây lâu nói: Thường đi chẳng cất nhân gian bước, mang lông đội sừng lẫn đất bùn.

Tăng hỏi:- Ngưu Đầu khi chưa thấy Tứ Tổ thế nào?

Sư đáp:- Cúc vàng vừa nở ong đua hút.

Tăng hỏi:- Sau khi thấy thế nào?

Sư đáp:- Mầm khô hoa rụng rõ không nương.

Đến khoảng niên hiệu Tuyên Hòa (1119-1121) vào mùa Xuân, Sư tịch, tháp của Sư ở phía nam Hồng Sơn.

*

4. THIỀN SƯ DUY CHIẾU

Ở Bảo Phong

Sư họ Lý, quê ở Giản Châu, thuở nhỏ đã có tinh thần ghét tục. Một hôm đọc sách đến ?tánh tương cận dã, tập tương viễn dã?, Sư nói: Phàm thánh vốn một thể, do tập nên sai khác, tôi biết đó rồi. Sư liền đến Thành đô làm đồ đệ Sư Thanh Thới ở Lộc Uyển. Đến năm mười chín tuổi, Sư cạo tóc thọ giới cụ túc. Sư Thanh Thới dạy đến chùa Đại Từ học Khởi Tín Luận. Sư liền về phòng nằm, Thanh Thới hỏi lý do. Sư thưa: Đã nói chánh tín Đại thừa, há ở lời nói mà có thể rõ. Sư bèn cất bước tham thiền.

Sư đến yết kiến Phù Dung tại Đại Hồng. Mỗi đêm Sư thường ngồi thiền hành lang trên gác, gặp gió thổi tuyết mỏng tạt vào, lại nghe tiếng la ăn trộm, liền có sở đắc. Sau đó, Sư từ Phù Dung đi. Đến khoảng niên hiệu Đại Quan (1107-1111), Phù Dung mắc nạn. Sư từ Tam Ngô muốn dời đến Nghi Thủy, đứa dẫn đường đi lạc, Sư cầm gậy gõ đó, bỗng nhiên đại ngộ. Sư than: Đất này đâu không phải Ngao Sơn ư? Sư đến Nghi Thủy, Phù Dung trông thấy vui vẻ nói: Nối thạnh tông ta hẳn là bọn ngươi vậy. Nhân đây, Sư ở lại trên bờ hồ nhiều năm.

Sau Sư nhận trụ chùa Chiêu Đề, rồi dời đến Cam Lồ Tam Tổ. Đến niên hiệu Tuyên Hòa có chiếu bổ Sư trụ Viên Thông. Sau rời Viên Thông trụ ở Phần Đàm.

Sư thượng đường: Phật xưa nói ?khi ta mới thành Chánh giác chính thấy chúng sanh trên đại địa thảy đều thành Chánh giác?. Sau Ngài lại nói ?sâu thẳm xa xôi không người hay đến?. Kẻ không kiến thức, khéo đầu rồng đuôi rắn. Sư liền xuống tòa.

Sư thượng đường: Chư Phật quá khứ đã nhập Niết-bàn rồi, cả thảy các ngươi không nên vói nhớ; chư Phật vị lai chưa ra đời, cả thảy các ngươi không nên vọng tưởng; chính hiện ngày nay ngươi là người gì? Tham!

Sư thượng đường: Bá Di tự ải, Liễu Hạ Huệ không kính, quân tử chẳng noi theo. Khi hai bên chẳng lập, trung đạo chẳng an bày thì thế nào? Sư cầm cây gậy nói: Uyên ương thêu rõ mặc ông ngắm, chẳng nắm kim vàng trao cho người.

Sư thượng đường: Dưới cửa thái dương diệu xướng càng cao, trước nhà minh nguyệt tri âm lại ít, chẳng khỏi thuyền ngang sông lạch chèo nhịp sóng xanh, xướng khúc năm Nghiêu hòa nhạc thanh bình, báo cáo như thế khắp mời thừa đương, vừa có nghĩ nghị mây trắng bay muôn dặm.

Sư thượng đường: Xưa tự chẳng sanh nay cũng chẳng diệt, là chết chẳng được mẫu mực. Nơi đây xuất sanh chốn này diệt hết, là hàm sanh chịu qui củ. Bậc đại trượng phu cần phải ở trong dòng sanh tử, nằm trong rừng gai góc, cúi ngước co duỗi tùy cơ lập bày, hay như thế đó là dùng vô lượng phương tiện trang nghiêm tam-muội, cửa đại giải thoát liền mở rộng thênh. Nếu chưa như thế, vô lượng phiền não tất cả trần lao đứng sựng trước mặt bít lấp đường xưa.

Sư thượng đường: Người xưa nói ?rơi thân thể dẹp thông minh lìa hình bỏ trí đồng với đại đạo?, ngay bây giờ hãy nói là người nào san thi thơ định lễ nhạc, lại thấu hiểu chăng? Lễ rằng lễ rằng lụa ngọc là thế ư? Nhạc rằng nhạc rằng chuông trống là thế ư?

Tăng hỏi: - Nghe Thầy nói ?chỗ mây tối tối riêng Tú phong bày hiện, trong trăng mờ mờ ánh nước Phần Đàm sanh?, đâu chẳng phải cảnh Bảo Phong?

Sư đáp: - Nếu là cảnh Bảo Phong nhờ ngươi chín chắn xem.

Tăng hỏi: - Thế nào là người trong cảnh?

Sư đáp: - Xem lấy khi lệnh hành.

Tăng hỏi: - Chỉ như nương lời cần hiểu tông chớ tự lập qui củ, thế nào là tông của Hòa thượng?

Sư đáp: - Nên biết ngoài mây trên ngàn chót, riêng có tùng linh sương lạnh mang.

Tuyết rơi, Tăng hỏi: - Tổ sư Tây sang thì không hỏi, thời tiết nhân duyên việc thế nào?

Sư đáp: - Một mảnh hai mảnh ba bốn mảnh, rơi trong con mắt vẫn không tiến.

Đến niên hiệu Kiến Viêm năm thứ hai (1128) ngày mùng bảy tháng giêng, Sư tịch.

5. THIỀN SƯ TỔ TÂM HỐI ĐƯỜNG HOÀNG LONG

Sư họ Ổ, quê ở Thủy Hưng Nam Hùng, thuở bé làm thơ sanh có tiếng. Năm mười chín tuổi, Sư bị mù mắt cha mẹ nguyện cho xuất gia, con mắt Sư sáng lại. Sư đến nương với Sa-môn Huệ Toàn ở chùa Long Sơn. Năm sau thi Kinh nghiệp, Sư chỉ dâng thi liền được xuất gia. Sư tiếp trụ viện của thầy chẳng thọ giới luật.

Một hôm, Sư bỏ chùa vào tùng lâm yết kiến Thiền sư Văn Duyệt ở Vân Phong, dừng lại đây ba năm. Sư khổ vì chỗ cứng cỏi cô độc, bèn cáo từ Thiền sư Duyệt ra đi. Duyệt bảo: Hãy đến nương với Huệ Nam ở Hoàng Bá. Sư đến Hoàng Bá ở bốn năm, tuy tri hữu mà cơ chẳng phát. Sư từ giã trở lại Vân Phong, đến nơi Thiền sư Duyệt đã tịch. Nhân đó, Sư đến tựa ở Thạch Sương mà không có tham vấn. Sư thử xem Truyền Đăng đến đoạn: ?Tăng hỏi Thiền sư Đa Phước: Thế nào là một vườn tre của Đa Phước? Đa Phước đáp: Một cây hai cây nghiêng, Tăng thưa: Chẳng hiểu. Đa Phước nói: Ba cây bốn cây cong.? Khi ấy, Sư liền giác ngộ hiểu rõ được hai Thầy. Sư liền đi thẳng đến Hoàng Bá. Vừa mới trải tọa cụ, Huệ Nam cười nói: Ngươi vào thất của ta. Sư cũng thích thú vui mừng thưa: Việc lớn xưa nay như thế, Hòa thượng cần gì dạy người khán thoại, hạ ngữ, trăm cách sưu tầm? Huệ Nam đáp: Nếu chẳng dạy ông tầm cứu như thế, đến chỗ không dụng tâm tự thấy tự nhận, là ta đã chôn vùi ngươi vậy. Sư thong thả chìm lặng ở trong chúng, thường đến thưa hỏi về cú ngữ của Vân Môn. Huệ Nam bảo: Biết là việc bên liền thôi, ông dùng nhiều công phu làm gì? Sư thưa: Chẳng thế, con còn có chút nghi, chẳng đến vô học đâu hay bảy dọc tám ngang xoay trời chuyển đất? Huệ Nam hứa nhận. Sau đó, Sư đến yết kiến Thiền sư Khả Chân ở Phong Nham. Khả Chân tiếp Sư lời nói rất lạ. Sư dừng ở đây hai năm, Khả Chân qui tịch. Sư trở lại Hoàng Bá, Huệ Nam dạy phân tòa tiếp độ Tăng chúng. Đến Huệ Nam dời trụ Hoàng Long, Sư sang yết kiến Thiền sư Hiểu Nguyệt ở Phần Đàm. Hiểu Nguyệt dùng kinh luận tinh nghĩa được nhập thần, những vị đồng hàng ở các nơi nghe thế đều cười, bảo là chủ yếu không tự hết đi, lại thả một cây cầu vào hang sâu. Sư nói: Kia cho hữu đắc mà đắc giữ trước ngừa sau, ta cho vô học mà học trăm sông về biển.

Sư do có chút bệnh dừng trụ ở Chương Giang. Chuyển vận phán quan là Hạ Ỷ Công có nhã ý học thiền, gặp Dương Kiệt Thứ Công than rằng: Tôi đến Giang Tây hận không gặp được Thiền sư Huệ Nam. Thứ Công nói: Có Thượng tọa Tổ Tâm ở Chương Giang, Công hãy đến thưa hỏi chẳng thiết gặp Huệ Nam. Ỷ Công liền đến ra mắt Sư, cùng đàm luận tinh thần khoáng đạt, đến bàn về Triệu Luận câu ?hội muôn vật làm chính mình và tình cùng vô tình chung một thể?. Khi ấy có con chó nằm dưới bàn hương, Sư lấy cây thước đè giấy gõ con chó, lại gõ cái bàn, nói: Con chó hữu tình nên đi, cái bàn vô tình vẫn ở, tình cùng vô tình đâu thành một thể. Ỷ Công không thể đáp được, Sư tiếp: Vừa có suy nghĩ liền thành pháp dư, đâu từng ?hội muôn vật làm chính mình??

Thiền sư Huệ Nam qui tịch, Sư tiếp trụ trì Hoàng Long ngót mười hai năm. Song tánh Sư thực lơ là không thích theo việc, năm phen xin nghỉ mới được rảnh việc nhàn cư. Tạ Cảnh Ôn, Sứ trấn thú Đàm Châu thấy Qui Sơn thiếu người, đến thỉnh ba phen Sư vẫn từ chối. Sau Tạ Cảnh Ôn thỉnh Sư đến Trường Sa gặp một lần. Sư liền đến. Cảnh Ôn cầu xin nghe pháp yếu. Sư vì ông nói đại cương: ?Ba thừa mười hai phần giáo, giống như nói ăn, chỉ thức ăn cho người. Đã nhờ đó nói thức ăn, cốt nơi mình nếm lấy. Chính mình nếm được, liền rõ biết mùi vị kia là mặn lạt cay đắng. Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật cũng lại như thế. Chân tánh đã nhân văn tự mà bày, cốt tại chính mình thấy được. Nếu hay thấy được liền rõ biết trước mắt là chân là vọng là sanh là tử. Đã rõ biết chân vọng sanh tử, xem lại tất cả ngữ ngôn văn tự đều là lời nói hiển bày trọn không có nghĩa thật. Như nay không hiểu bệnh tại chỗ nào? Bệnh tại thấy nghe hiểu biết. Vì chẳng biết như thật chỗ đến mé chân, nhận cái thấy nghe hiểu biết này làm cái sở kiến của chính mình. Đâu chẳng biết, cái thấy nghe hiểu biết này đều nhân tiền trần mà có phân biệt. Nếu không cảnh giới tiền trần thì cái thấy nghe hiểu biết này đồng với lông rùa sừng thỏ, trọn không có chỗ nương.? Tạ Cảnh Ôn nghe được điều chưa nghe.

*

Sư đáp câu hỏi của Hàn thị lang Tông Cổ rằng: Nhân nghe: ?khi xưa khai ngộ rỗng thênh không nghi, mà tập khí từ vô thủy đến nay không thể chóng dứt?. Song ngoài tâm không dư một pháp, chẳng biết phiền não tập khí là vật gì mà muốn dứt. Nếu khởi tâm này trở thành nhận giặc làm con. Từ trước đến giờ chỉ có ngôn thuyết, cho đến theo bệnh cho thuốc. Dù có phiền não tập khí, chỉ dùng tri kiến Như Lai trị nó, đều là lời quyền biến phương tiện dẫn dạy. Nếu là quyết định có tập khí để trị, lại là ngoài tâm có pháp, mà có thể hết ấy. Ví như con linh qui lấy đuôi khỏa dấu, dấu lại hiện rõ, nên nói đem tâm dụng tâm lai?thấy bệnh sâu. Nếu hay sáng tâm, ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm, tâm pháp đã không, lại muốn dạy cái gì hết.

Sư dạo kinh đô, Phụ mã đô úy là Vương Công Săn thành tâm lễ đón và cất am ở ngoài Quốc môn. Sư ở đây thời gian, lại sang phương Nam dạo Lô Sơn. Bành Khí Tư trấn thú Cửu Giang gặp Sư, Khí Tư thong dong hỏi: Khi người lâm chung có chỉ quyết chăng? Sư đáp: Có. Khí Tư thưa: Xin được nghe lời này. Sư bảo: Đợi Khí Tư chết liền nói. Khí Tư đứng dậy kính trọng nói: Việc này phải là Hòa thượng mới được.

Sư thường làm bài kệ:

Bất trụ Đường triều tự

Nhàn vi Tống địa Tăng

Sanh nhai tam sự nạp

Cố cựu nhất chi đằng

Khất thực tùy duyên khứ

Phùng sơn nhậm ý đăng

Tương phùng mạc tương tiếu

Bất thị Lãnh Nam Năng.

Dịch:

Chùa triều Đường chẳng trụ

Làm Tăng đất Tống nhàn

Sanh nhai ba vật chánh

Cố cựu một cây hèo

Tùy duyên đi khất thực

Gặp núi mặc tình leo

Thấy nhau chớ cười mỉm

Chẳng phải Năng Lãnh Nam.

Đọc bài thơ này khả dĩ thấy được phẩm cách của Sư.

*

Sư tuổi đã già lại dời am vào chốn rừng sâu, bặt người lui tới hơn hai mươi năm. Mỗi khi đến ngày kỵ của Thiền sư Huệ Nam, Sư làm bài kệ:

Tích nhân khứ thời thị kim nhật

Kim nhật y nhiên nhân bất lai

Kim ký bất lai tích bất vãng

Bạch vân lưu thủy phong bồi hồi

Thùy vân: Bình xích bình, trực trung hoàn hữu khúc

Thùy vân: Vật lý tề, chủng ma hoàn đắc túc.

Khả lân trì trục thiên hạ nhân

Lục lục nguyên lai tam thập lục.

Dịch:

Người xưa ra đi ngày này thực

Ngày nay như cũ người chẳng về

Nay đã chẳng về xưa chẳng đến

Mây trắng nước trôi gió quẩn quanh

Ai bảo: Cân thước bằng, trong ngay lại có cong

Ai bảo: Vật lý đồng, gieo gai lại được lúa.

Đáng thương lận đận thảy mọi người

Sáu sáu xưa nay là băm sáu.

Niên hiệu Nguyên Phù năm thứ ba (1100) giữa đêm ngày mười sáu tháng mười một, Sư viên tịch, thọ bảy mươi sáu tuổi, năm mươi lăm tuổi hạ. Vua ban hiệu là Bảo Giác.

6. THIỀN SƯ KHẮC VĂN CHƠN TỊNH

Ở Phần Đàm

Sư họ Trịnh, quê ở Văn Hương Thiểm Phủ. Họ Trịnh ở thế tục phần lớn làm công khanh. Sư sanh ra có những điều quái lạ, mồ côi mẹ sớm, thờ dưỡng mẫu rất chí hiếu mà không được thương. Dưỡng mẫu hà khắc Sư một cách đau khổ, cha ông thương xót bảo đi du học bốn phương. Sư đến Bắc Tháp ở Phục Châu nghe kỳ túc Quảng Công thuyết pháp, cảm động đến rơi lệ. Sư ở lại đây thờ Quảng Công làm thầy. Quảng Công cho Sư hiệu là Khắc Văn. Đến năm hai mươi lăm tuổi thi sở học, được xuất gia thọ giới cụ túc. Sư học kinh luận đều được thấu đáo. Sư đi học các lớp giáo lý ở Kinh Lạc, nhân đi kinh hành tại hành lang điện Long Môn thấy đắp tượng một vị Tỳ-kheo con mắt như ở trong định. Bỗng nhiên Sư tự mất, bảo người bạn rằng: Chỗ ta chất chứa như Ngô Đạo Tử vẽ người vật, tuy thật là khéo mà chẳng phải sống. Khi ấy, Sư bỏ đi, nói: Ta sẽ sang phương Nam học đạo.

*

Niên hiệu Trị Bình năm thứ hai (1065), Sư an cư tại Đại Qui. Ban đầu nghe vị Tăng tụng lời Vân Môn, ?Tăng hỏi: Phật pháp như trăng trong nước phải chăng, Vân Môn đáp: sóng xanh không đường thoát?, Sư hoát nhiên có tỉnh. Khi ấy Thiền sư Huệ Nam đang ở núi Hoàng Bá, Sư tìm đến đó, gặp Chơn Giác Duy Thắng làm Thủ tọa. Một hôm Huệ Nam nhắc lời cổ đức: ?niệm tán trên lầu chuông, trồng rau dưới chân giường?, bảo chúng hạ ngữ. Duy Thắng nói: Cọp mạnh ngồi ngay lộ. Huệ Nam vui vẻ bèn thối viện để Duy Thắng trụ. Thiền sư Huệ Nam về am Tích Thúy an trụ. Sư đến am ba phen mà lời nói chẳng hợp, tự nói: Lão này chỉ là Tăng tu hành không hiểu lời nói của ta. Sư ra đi, đến Thúy Nham yết kiến Thiền sư Thuận. Thuận tri kiến rất cao mà thích nói sắn bìm, nên các nơi gọi là Thuận bà già.

Thuận hỏi Sư: - Vừa rời chỗ nào?

Sư thưa: - Hoàng Bá.

Thuận hỏi: - Am chủ được an vui chăng?

Sư thưa: - An vui.

Thuận hỏi: - Ông người xứ nào?

Sư thưa: - Quan Tây.

Thuận bảo: - Sao lời nói chẳng giống người Quan Tây?

Sư thưa: - Đi du học hồi nhỏ.

Thuận hỏi: - Làm Tăng tại đâu?

Sư thưa: - Xuất gia với Hòa thượng Quảng tại Bắc Tháp. Hòa thượng Quảng cùng Hòa thượng Tú đồng tham Song Tuyền Úc.

Thuận cười nói: - Thiền sư Khoảnh cùng Nột Tổ Ấn tham vấn hai vị đại lão này mà không hiểu ngữ thoại kia. Đến tôi hiện nay tham được chút ít thiền cần thấy hai vị mà đã thiên hóa. Thuận lại hỏi: Tân trụ trì Hoàng Long thế nào?

Sư thưa: - Khỏe mạnh.

Thuận nói: - Y chỉ hạ được một chuyển ngữ hay liền trụ Hoàng Long, về thiền còn chưa mộng thấy.

Sư nhân đây đại ngộ tông chỉ Lâm Tế, liền thấy chỗ dùng của Huệ Nam, Sư bèn làm mấy bài tụng gởi về. Huệ Nam đọc qua rất tán thưởng. Sư trở về tham lễ.

Huệ Nam hỏi: - Từ chỗ nào lại?

Sư thưa: - Thúy Nham.

Huệ Nam bảo: - Vừa gặp Lão tăng không ở nhà.

Sư hỏi: - Chưa biết đi đâu?

Huệ Nam nói: - Phổ thỉnh ở Thiên Thai, vân du tại Nam Nhạc.

Sư thưa: - Nếu vậy học nhân cũng được đi tự tại.

Huệ Nam hỏi: - Giầy mang dưới chân được ở đâu?

Sư thưa: - Lô Sơn bảy trăm tiền mua được.

Huệ Nam bảo: - Đâu từng tự tại?

Sư chỉ thưa: - Đâu từng chẳng tự tại.

Huệ Nam kinh ngạc. Ở đây thời gian lâu, Sư từ giã đến dưới hội Thúy Nham Thuận.

*

Thiền sư Huệ Nam trụ Hoàng Long, Sư cùng đến đó.

Huệ Nam bảo: - ?Vừa rồi sai thị giả cuốn rèm, hỏi y: Khi cuốn rèm lên thì thế nào? Y đáp: Xem thấy thiên hạ. Hỏi: Khi buông rèm xuống thì thế nào? Y đáp: Nước rỉ chẳng thông. Hỏi: Khi chẳng cuốn chẳng buông thì thế nào? Y đáp không được.? Ngươi thử đáp thay xem?

Sư thưa: - Hòa thượng thế thị giả xuống nhà Niết-bàn mới được.

Huệ Nam gằn giọng nói: - Người Quan Tây quả không đầu não, bèn nhìn Tăng bên cạnh.

Sư chỉ vị Tăng ấy nói: - Chỉ vị Tăng này cũng chưa mộng thấy.

Huệ Nam cười to.

*

Sau khi Thiền sư Huệ Nam qui tịch, Sư dạo Hoành Nhạc, trở lại thủ chúng ở Ngưỡng Sơn. Đến niên hiệu Hy Ninh thứ năm (1072), Sư đến Cao An, Thái thú Tiền Công Dặc Tiên Hầu ra mắt Sư. Sư lại đến ra mắt Tiền Công, trong bình phong có con chó chạy ùa ra sủa, Sư đứng tránh một bên.

Tiền Công giễu nói: - Thiền giả vẫn hay giáo hóa rắn cọp mà lại sợ chó sao?

Sư đáp: - Cọp trong núi dễ dẹp, rồng giữ nhà khó trừ.

Tiền Công khen rằng: - Thật danh chẳng dối.

Tiền Công mời Sư trụ Động Sơn, sau trụ Thọ Thánh.

Tại Động Sơn, Sư thượng đường dạy chúng: Dưới cửa Động Sơn có khi hòa bùn hợp nước, có khi vách đứng ngàn nhẫn. Cả thảy các ông! Nghĩ nhằm chỗ hòa bùn hợp nước thấy Động Sơn. Động Sơn chẳng ở chỗ hòa bùn hợp nước. Nghĩ nhằm chỗ vách đứng ngàn nhẫn thấy Động Sơn. Động Sơn chẳng ở chỗ vách đứng ngàn nhẫn. Nghĩ nhằm tất cả chỗ thấy Động Sơn. Động Sơn chẳng ở tất cả chỗ. Ông chẳng cần thấy dây mũi của Động Sơn. Ở trong tay Động Sơn, toan ngủ mê nắm dây mũi kéo một cái, chỉ thấy con mắt định động lại chẳng biết nhau. Lại chẳng cần biết Động Sơn, hãy biết chính mình là được.

*

Sư trụ trì được mười hai năm, chán sự ồn náo, xin nghỉ việc đi dạo Tam Ngô. Khi Sư đến Kim Lăng, Vương Kinh Công mới về hưu ở tại Định Lâm, nghe Sư đến ra nghinh đón. Ông rất vui mừng đàm đạo trọn ngày.

Công hỏi: - Các kinh ở đầu đều có nêu thời, xứ, riêng kinh Viên Giác không thấy là sao?

Sư đáp: - Giáo lý đốn ngộ diễn bày là chỉ thẳng cho chúng sanh chỗ nhật dụng hiện tiền chẳng thuộc xưa nay. Hiện nay Lão tăng cùng Tướng công đều nhập Đại Quang Minh tạng, du hí tam-muội lẫn làm chủ khách không can dự thời xứ.

Kinh Công rất vui, cùng em lập một ngôi chùa, thỉnh Sư làm Tổ khai sơn thứ nhất.

*

Sư đăng tòa nói: Đại chúng! Một hội ngày nay cần biết chăng? Là tịnh duyên thời tiết thành Phật của đại chúng. Hội hôm nay là do Thừa tướng Kinh Quốc Công cùng Phán Phủ Tả thừa cúng nhà, hiến vườn rừng làm chùa, thỉnh Sơn tăng xiển dương Tổ ý. Quí vị lại hiểu chăng? Chỉ thẳng cho đại chúng tức tâm kiến tánh thành Phật. Đại chúng tin được chăng? Nếu tự tin được liền biết tánh mình xưa nay thành Phật. Dù có chưa tin cũng sẽ thành Phật. Chỉ vì mê đã lâu, chợt mới nghe nói thật khó mà tin được. Tất cả thiện tri thức trong thiên hạ xưa nay, tất cả thiền đạo, tất cả ngữ ngôn, đều là từ trong Phật tánh của thiện tri thức lưu xuất dựng lập. Song lưu xuất đó là ngọn, Phật tánh là gốc. Gần đây Phật pháp đáng thương, phần nhiều bỏ gốc theo ngọn, bội chánh hợp tà. Chỉ nhận ngôn cú của cổ nhân làm thiền làm đạo, có gì giao thiệp. Dù cho Tổ Đạt-ma Tây sang cũng không thiền có thể nói, chỉ cốt đại chúng tự chứng tự ngộ, tự thành Phật, tự dựng lập tất cả thiền đạo. Huống là thần thông biến hóa, chúng sanh vốn tự đầy đủ chẳng nhờ tìm bên ngoài. Hiện nay phần nhiều người tìm cầu bên ngoài, bởi cội gốc tự không có chỗ ngộ, một bề làm khách đếm trân bảo cho người, trọn là hư vọng chẳng khỏi trôi lăn trong sanh tử. Đại chúng! Ngày nay hai Tướng công kiến lập đại đạo tràng này, làm đại Phật sự, đưa chúng sanh ra khỏi khổ trôi lăn sanh tử, bày hiện diệu tâm tịch diệt rộng lớn xưa nay, khai phát thần thông đại quang minh tạng xưa nay. Chỉ vì mê nên ở trong hàng phàm phu, ngộ thì chính nay là Hiền Thánh. Đại chúng! Nói nhiều ắt cách đạo càng xa, làm trò cười cho hàng đạo nhân mắt sáng, trong chúng có người mắt sáng chăng? Thời nay Phật pháp lẫn lộn cốt phân tà chánh khiến mọi người chẳng rơi vào tà kiến, làm con mắt chánh cho trời, người. Có chăng? Có chăng? Sư im lặng giây lâu nói: Tôi trọn chẳng dám khinh các người, các người đều sẽ làm Phật. Sư xuống tòa.

*

Kinh Công rất vui. Ông kể đạo hạnh của Sư tâu về triều, vua ra chiếu ban hiệu cho Sư là Chơn Tịnh Thiền sư. Không bao lâu, Sư chán sự ồn náo trở về Cao An cất am dưới núi Cửu Phong để tên là Đầu Lão. Học giả bốn phương kéo đến. Được sáu năm, Sư lại ra trụ trì Qui Tông. Hai năm sau, Trương Thiên Giác gặp Sư ở Lô Sơn, cố thỉnh Sư trụ trì Phần Đàm. Không bao lâu, Sư lui về ở Vân Am.

*

Niên hiệu Sùng Ninh năm đầu (1102) ngày mùng một tháng mười, Sư mắc bệnh. Đến ngày rằm, bệnh Sư nhẹ. Hôm nay, Sư đem mọi dụng cụ cần thiết của Sư phân phối cho đệ tử hết. Giữa đêm mười sáu, Sư tắm gội rồi ngồi kiết già, chúng thỉnh thuyết pháp, Sư cười nói:

Năm nay bảy mươi tám

Bốn đại sắp rời rã

Gió lửa đã ly tán

Sắp đi còn gì nói.

Nói xong, Sư viên tịch, thọ bảy mươi tám tuổi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro