THIỀN SƯ TRUNG HOA III-6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

THIỀN SƯ TRUNG HOA

TẬP BA

H.T THÍCH THANH TỪ

ĐỜI THỨ MƯỜI LĂM SAU LỤC TỔ (tt)

36. THIỀN SƯ HUỆ CẦN PHẬT GIÁM

Ở Thái Bình

Sư họ Uông xuất gia thuở nhỏ, học thông kinh điển, mỗi khi đọc đến câu ?chỉ đây một sự thật còn hai thì chẳng chân?, liền có tỉnh. Sư đi tham vấn các bậc tôn túc, qua lại chỗ Thiền sư Pháp Diễn mấy phen. Sư bực Pháp Diễn không ấn chứng, nên kết bạn với Viên Ngộ cùng đi. Đến khi Viên Ngộ trở lại chỗ Pháp Diễn mới được triệt ngộ. Bỗng Sư tìm đến, ý còn muốn đi nơi khác, Viên Ngộ khuyên nên ở lại. Viên Ngộ nói: - Tôi cùng huynh mới cách nhau hơn tháng, so lại khi gặp nhau lúc trước thế nào?

Sư đáp: - Chỗ tôi nghi là ở đây.

Sư liền dừng lại đây.

*

Một hôm, Sư nghe Pháp Diễn nhắc việc Tăng hỏi Triệu Châu: ?Thế nào là gia phong của Hòa thượng? Triệu Châu nói: - Lão tăng lãng tai hỏi to lên đi. Tăng lại hỏi to lên. Triệu Châu nói: - Ông hỏi gia phong của ta, ta lại biết gia phong của ông rồi.? Sư liền hoát nhiên đại ngộ thưa: - Xin Hòa thượng chỉ bày chỗ tột?

Pháp Diễn đáp: - Sum la và vạn tượng là sở ấn của một pháp.

Sư liền lễ bái. Pháp Diễn cử Sư làm thư ký.

*

Sư cùng Viên Ngộ luận đạo bàn việc Đông Tự hỏi Ngưỡng Sơn hạt minh châu trấn hải, đến chỗ không lý có thể bày. Viên Ngộ gạn lại Sư: - Đã nói nhận được, đến khi đòi hạt châu, lại nói không lời có thể đáp không lý có thể bày là sao?

Sư không thể đáp được. Hôm sau, Sư nói với Viên Ngộ: - Đông Tự chỉ đòi một hạt châu, Ngưỡng Sơn ngay đó trút cả giỏ.

Viên Ngộ thừa nhận đó, lại khuyên Sư: - Lão huynh lại nên thân cận lão Hòa thượng.

Một hôm, Sư đến phương trượng chưa kịp nói gì, bị Pháp Diễn mắng chửi thậm tệ rồi lui. Về liêu, Sư đóng cửa nằm ngủ, hận Pháp Diễn vô cùng. Viên Ngộ đã thầm biết đến gõ cửa.

Sư hỏi: - Ai?

Viên Ngộ đáp: - Tôi.

Sư liền mở cửa. Viên Ngộ hỏi: - Huynh đến lão Hòa thượng thế nào?

Sư đáp: - Tôi vốn không đi, bị huynh lừa nhiều lần, tôi bị lão ấy mắng chửi.

Viên Ngộ cười hả! Hả! Nói: - Huynh nhớ được lời ngày trước chăng?

Sư hỏi: - Là lời gì?

Viên Ngộ nói: - Huynh lại nói, Đông Tự chỉ đòi một hạt châu, mà Ngưỡng Sơn trút cả giỏ.

Sư ngay đây liền tan vỡ. Viên Ngộ bèn hướng dẫn Sư đến phương trượng. Pháp Diễn vừa thấy Sư đến liền nói: - Huynh Cần đáng mừng đại sự xong rồi.

Năm sau, Pháp Diễn cử Sư làm Đệ nhất tọa.

*

Gặp khi Linh Nguyên về trụ Hoàng Long, thiếu người ở Thái Bình, Linh Nguyên tiến cử Sư với Thái thú Thơ Châu là Tôn Đảnh. Tôn Đảnh thỉnh Sư trụ trì Thái Bình. Khi Sư từ biệt, Pháp Diễn trao pháp y. Sư nhận và đưa lên nói với chúng: - ?Phật Thích-ca thuở xưa dùng ca-sa Kim Lan trượng sáu đắp thân Phật Di-lặc ngàn thước, thân Phật chẳng dài ca-sa chẳng ngắn, hiểu chăng? Tức dạng này không dạng khác.? Từ đây pháp đạo truyền rộng.

*

Niên hiệu Chính Hòa năm đầu (1111), chiếu vua mời Sư trụ trì chùa Trí Hải ở Đông Đô. Sau năm năm, Sư xin trở về, lại có chiếu chỉ mời Sư trụ Tương Sơn.

Tăng hỏi: - Thế nào là ý Tổ sư Tây sang?

Sư đáp: - Ăn giấm biết chua, ăn muối biết mặn.

Tăng hỏi: - Khi tên hết cung gãy thì thế nào?

Sư đáp: - Một trường bối rối.

Tăng hỏi: - Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?

Sư đáp: - Bổ nát cột cái.

Tăng hỏi: - Về quê không đường thì sao?

Sư đáp: - Lộ trình của vua có hạn.

Tăng hỏi: - Trước ba ba sau ba ba là sao?

Sư đáp: - Sáu lần sáu là ba mươi sáu.

Tăng hỏi: - Được nghe Hòa thượng thân thấy Ngũ Tổ Diễn phải chăng?

Sư đáp: - Trâu sắt nhai nát cỏ vàng ròng.

Tăng thưa: - Thế ấy là thân kiến Ngũ Tổ Diễn?

Sư bảo: - Ta cùng ông có oán thù gì?

Tăng hỏi: - Chỉ như Đạt-ma thấy Võ Đế ý chỉ thế nào?

Sư đáp: - Lời Hồ dễ biện tiếng Hán khó rành.

Tăng hỏi: - Vì sao lặng lẽ thầm qua sông?

Sư đáp: - Nhân gió giúp tiện.

Tăng hỏi: - Thế nào là khách trong chủ?

Sư đáp: - Tiến trước lùi sau buồn chết người.

Tăng hỏi: - Thế nào là chủ trong khách?

Sư đáp: - Lời chân thật thành vọng ngữ.

Tăng hỏi: - Thế nào là khách trong khách?

Sư đáp: - Phu Tử dạo đi ách tại Trần.

Tăng hỏi: - Thế nào là chủ trong chủ?

Sư đáp: - Trọn ngày đồng đi chẳng bạn bè.

Tăng hỏi: - Chủ khách đã nhờ Thầy chỉ dạy, việc hướng thượng trong tông thừa thế nào?

Sư đáp: - Búa lớn chặt rồi tay bóp xoa.

Tăng hỏi: - Tức tâm tức Phật thì chẳng hỏi, phi tâm phi Phật việc thế nào?

Sư đáp: - Hôm qua có Tăng hỏi, Lão tăng chẳng đáp.

Tăng hỏi: - Chưa biết cùng tức tâm tức Phật cách nhau bao nhiêu?

Sư đáp: - Gần thì ngàn muôn dặm, xa thì chẳng cách mảy tơ.

Tăng hỏi: - Bỗng bị học nhân cắt đứt hai đầu, về nhà ngồi yên lại là sao?

Sư hỏi: - Ông ở chỗ nào?

Tăng thưa: - Một thân tự do trong đại thiên sa giới.

Sư bảo: - Chưa đến nhà, nói lại.

Tăng thưa: - Học nhân đến trong đây liền được đông tây chẳng biện, nam bắc chẳng phân.

Sư bảo: - Chưa là phần ngoại.

*

Sư thượng đường: Chí đạo không khó, chỉ hiềm giản trạch, hoa đào hồng hoa lý bạch, ai bảo chung chung chỉ một sắc, chim yến kêu hoàng oanh hót, ai bảo đồng đồng chỉ một tiếng. Chẳng thấu được then chốt cửa Tổ sư, nhận suông núi sông làm tròng mắt.

Sư thượng đường: Nhật nhật nhật tây chìm, nhật nhật nhật đông lên, nếu muốn học Bồ-đề. Sư ném cây gậy nói: - Chỉ xem khuôn mẫu này.

Tuần giáp năm Thiền sư Pháp Diễn, Sư thượng đường: Năm trước cũng ngày này, lò hồng mảnh tuyết bay, ngày nay cũng năm trước, bọn gái đọc bia đêm. Một câu ở rốt sau, mắt Phật cũng khó thấy, sen trắng trên đảnh núi, trời đỏ nhiễu Tu-di, chim mổ cây san hô, cá kình nuốt trâu nước, Thái Bình gia nghiệp ấy, ngàn xưa noi Dương Kỳ.

Sư thượng đường cầm ngang cây gậy nói: - Trước chiếu sau dụng. Dựng đứng cây gậy nói: - Trước dụng sau chiếu. Xoay tròn cây gậy nói: - Chiếu dụng đồng thời. Đưa lên một cái nói: - Chiếu dụng bất đồng thời. Cả thảy các ông bị một cái miệng cây gậy nuốt hết rồi, chính là các ông không biết. Nếu nhằm trong ấy nói được một câu chuyển thân, khỏi thấy một trường hơi ngạt. Nếu chưa như thế, Lão tăng ngày nay thất lợi.

Sư thượng đường: Quạ vàng gấp thỏ ngọc chóng, sáng trôi gấp gấp mười tháng bảy. Du Tử không cùng chẳng về nhà, dù về chỉ ở trước cửa đứng. Trước cửa đứng, nắm tay lôi gã chẳng chịu vào, muôn dặm xem xem tất cỏ không, hoa rơi đầy đất không người lượm. Không người lượm một lần mưa qua một lần ướt.

Sư thượng đường: Thế Tôn có mật ngữ Ca-diếp chẳng che giấu. Sư bảo: - Ngươi bình thường nói vàng nói đen bình phẩm cổ kim, há chẳng phải mật ngữ. Ngươi bình thường bẻ quanh cúi ngước lấy muỗng cầm đũa chắp tay vái chào, là che giấu chẳng che giấu. Bỗng nhiên đầy đất đi cũng không thể biết. Cần hiểu chăng? Thế Tôn có mật ngữ, đông đến hàn thực trăm lẻ năm. Ca-diếp chẳng che giấu, nước rỉ chẳng thông đã bày tang vật. Thiền tăng lanh lợi nếu hiểu được, một lớp trên tuyết một lớp sương.

*

Sư thượng đường: Việc ngày mười lăm về trước trên gấm thêu hoa, việc ngày mười lăm về sau như biển nổi hòn bọt, chính ngày mười lăm giống hệt chiếc gương một thước soi hình tượng ngàn dặm. Tuy là chân không bặt dấu, ngại gì hải ấn phát quang, mặc tình cột cái nở hoa, nói gì mặt Phật trăm xấu. Cớ sao? Đến nơi trăng đêm sương, dần dà rơi suối trước.

Sư thượng đường nhắc lại Tăng hỏi Triệu Châu: - Thế nào là nghĩa chẳng đổi? Triệu Châu lấy tay làm thế nước chảy. Vị Tăng có tỉnh. Lại vị Tăng hỏi Pháp Nhãn: - ?Chẳng thủ nơi tướng như như bất động?, thế nào chẳng thủ nơi tướng thấy được như như bất động? Pháp Nhãn nói: - Trời mọc phương Đông tối lặn Tây. Tăng ấy có tỉnh. Nếu nơi đây thấy được, mới biết nói: ?Xoay non ngã núi xưa nay thường lặng, sông rạch đua tràn vốn tự chẳng chảy.? Nếu chưa như thế, chẳng khỏi lại vì buông lời, trời xoay trái, đất xoay mặt, xưa qua nay lại trải bao phen, gà vàng bay thỏ ngọc chạy, vừa mới ra cửa biển, lại rơi sau núi xanh, sông rạch sóng ào ào, Hoài, Tế lượng ầm ầm, thẳng vào sông cái ngày đêm chảy. Sư liền lớn tiếng nói: Chư Thiền đức! Lại thấy như như bất động chăng?

*

Trong thất Sư dùng gỗ làm sáu cái đầu tử mỗi mặt đều khắc chữ công. Tăng vừa vào, Sư liền ném nói: - Hội chăng? Tăng nghĩ hay chẳng nghĩ. Sư liền đánh đuổi ra.

*

Ngày mùng tám tháng chín, Sư thượng đường: Tâm ấn Tổ sư dáng giống máy trâu sắt, đi liền ấn đứng, đứng liền ấn phá, dù cho chẳng đi chẳng đứng cũng chưa phải là chỗ hành lý của Thiền tăng. Làm sao phải chỗ hành lý của Thiền tăng? Đợi tháng mười trước sau vì các ông chú phá.

*

Đến ngày mùng tám tháng mười, Sư tắm gội đắp y ngồi ngay thẳng, tay cầm bút viết một số thơ từ biệt bạn cũ, dừng bút Sư tịch.

*

37. THIỀN SƯ THANH VIỄN PHẬT NHÃN

Ở Long Môn

Sư họ Lý, quê ở Lâm Ngang, dáng vẻ nghiêm chỉnh ít nói. Năm mười bốn tuổi Sư xuất gia chuyên học luật. Nhân đọc kinh Pháp Hoa đến câu ?pháp ấy không phải chỗ suy nghĩ phân biệt hay hiểu?, Sư đem hỏi Giảng sư. Giảng sư không thể giải được, Sư than rằng: Nghĩa học danh tướng không phải nguyên nhân liễu việc lớn sanh tử. Sư bèn sửa soạn hành lý đi hành cước phương Nam.

*

Sư đến Thơ Châu ở chùa Thái Bình vào pháp hội Thiền sư Pháp Diễn. Nhân đi quyên tởi ở Lô Châu, Sư trợt chân té nhào xuống đất, phiền não dấy động. Bỗng nghe hai người chửi lộn, người can nói: - Ông vẫn tự phiền não.

Sư nhân lời này có tỉnh. Trở về chùa, Sư có hỏi lời gì, Pháp Diễn đều bảo: - Ta chẳng bằng ông, ông tự hội được thì tốt.

Hoặc nói: - Ta chẳng hội, ta chẳng bằng ông.

Sư càng nghi liền đến thưa hỏi Thủ tọa Nguyên Lễ. Lễ bèn đưa tay nắm lỗ tai Sư đi quanh lò mấy vòng, vừa đi vừa nói: - Ông tự hội được thì tốt.

Sư thưa: - Có lòng mong khai phát có phải đùa với nhau sao?

Lễ bảo: - Ông về sau ngộ rồi mới biết được việc khúc chiết ngày nay.

Pháp Diễn sắp từ Thái Bình dời đến Hải Hội. Sư tức giận nói: - Ta mang bát mới về tham vấn lại, giờ đây theo đến một viện hoang, đâu thể giải quyết được việc của mình.

Sư bèn làm kệ cáo từ đến Tương Sơn nhập hạ.

*

Gặp được Thiền sư Linh Nguyên ngày càng thêm thân mật, trong khi thong thả bàn luận nhau Sư nói: - Xưa gặp một tôn túc ở Đô Hạ ngôn cú dường như có duyên.

Linh Nguyên bảo: - Diễn Công là Tông sư bậc nhất trong thiên hạ, cớ sao lại bỏ mà đi xa? Nói là có duyên đó, tức bậc thầy tri giải cùng huynh lúc sơ tâm phù hợp.

Sư nghe theo lời khuyến khích liền đi thẳng đến Hải Hội. Sau Pháp Diễn đặt Sư làm Điển tọa. Gặp lúc đêm lạnh, Sư ngồi một mình vạch trong lò thấy một đóm lửa bằng hạt đậu, bỗng nhiên tự mừng nói: - Vạch sâu sâu đóm nhỏ xíu, việc bình sanh chỉ như đây.

Sư đứng dậy đến bàn, xem bộ Truyền Đăng Lục, đến nhân duyên ngài Phá Táo Đọa, bỗng nhiên đại ngộ. Sư làm kệ:

Đao đao lâm điểu đề

Phi y chung dạ tọa

Bác hỏa ngộ bình sanh

Cung thần qui Phá Đọa.

Sự kiểu nhân tự mê

Khúc đạm thùy năng hòa

Niệm chi vĩnh bất vong

Môn khai thiểu nhân quá.

Dịch:

Vang vang rừng chim hót

Mặc áo trọn đêm ngồi

Vạch lửa ngộ bình sanh

Thần tột về Phá Đọa.

Việc rõ người tự mê

Nhạc nhẹ ai hòa được

Nhớ đó mãi chẳng quên

Cửa mở ít người đến.

Viên Ngộ có việc đến liêu Sư, nhắc lại lời Thanh Lâm ban đất để nghiệm Sư, nói rằng: - Xưa nay không người ra được, huynh hiểu thế nào?

Sư đáp: - Cũng có rất khó.

Viên Ngộ nói: - Chỉ như kia nói: ?xe sắt thiên tử hoàn trung chỉ? ý thế nào?

Sư đáp: - Tôi nói: ?trong cung Đế Thích thơ phòng xá?.

Viên Ngộ trở về nói với người: - Đáng mừng huynh Viễn có câu sống người.

Từ đây Sư ở ẩn am Đại Trung tại Tứ Diện. Thái thú Vương Công Hoán thỉnh Sư khai pháp tại chùa Vạn Thọ. Kế đó, lại bổ Sư trụ trì chùa Long Môn. Tiếng tăm Sư từ đó vang dội.

Sư thượng đường: Trên đường Đài Sơn khách qua rất ít, trước nhà Phá Táo cảm ân vô cùng, tuyết chôn cây bá trước sân, băng bủa đầy tràn khe suối, tuy ở phương Nam làm trưởng nhà trù, mà chẳng vào nhà trong vò tiêu ớt. Xem! Xem! Ngày ba mươi tháng chạp, bèn là đầu xuân vẫn lạnh. Cả thảy các ông, mỗi người phải nỗ lực hướng trước, tối kỵ tự sanh lui sụt.

Sư thượng đường lia cây gậy nói: Trò sáng rõ biết chẳng do tâm niệm, chấp với chết cốt nói rơi hầm lọt hố, cứu kính thế nào? Sư liền tựa cây gậy xuống tòa.

Sư thượng đường: Bào huyễn đồng không ngại, tại sao chẳng liễu ngộ? Con ngươi trong mắt kêu người thổi, đạt pháp ở trong ấy. Chẳng phải nay cũng chẳng phải xưa, sáu chiếc đầu tử đỏ đầy bồn. Đại chúng! Thời nhân vì sao ngồi dưới đất xem bát bồn ở Dương Châu để gá vào mẫu mới, trên trâu cỡi trâu cười chết người.

*

Sư thượng đường: Triệu Châu chẳng thấy Nam Tuyền, Sơn tăng chẳng biết Ngũ Tổ (Pháp Diễn), dưa ngọt tận gốc ngọt, dưa đắng cùng rễ đắng.

*

Sư thượng đường: Một lá rụng thiên hạ xuân, không đường suy nghĩ cười chết người. Dưới là trời trên là đất, lời này chẳng nhập ý thời lưu. Nam làm Bắc Đông làm Tây, động mà dừng mừng mà buồn, đầu rắn đuôi rết một thứ đó, trong miệng cọp dữ chim sẻ sống, là lời gì? Về nhà đi.

*

Sư thượng đường: Nói ngàn nói muôn không bằng chính mặt thấy, dù chẳng nói cũng tự phân minh. Dụ đao báu vương tử, dụ đám mù rờ voi, trong thiền học việc cách sông đưa tay ngoắt, việc trông châu đình thấy nhau, việc xa bặt chỗ không người, việc chỗ núi sâu bờ cao, đây đều chính mặt thấy đó, chẳng ở nói vậy.

*

Sư thượng đường: Tô Võ chăn trâu nhục mà chẳng khuất, Lý Lăng trông Hán vui mà quên về, là ở ngoại quốc ở bản quốc? Trong nhóm đệ tử Phật, có người hai chân nhảy khỏi hầm, có người nghe đàn đứng múa, có người thân vùi đống phân, có người quở mắng thần sông, là tập khí hay diệu dụng? Đến như cầm nạn đập đất, dựng phất tử gõ giường thiền, Mục Châu một bề đóng cửa, Lỗ Tổ trọn năm ngó vách, là vì người hay chẳng vì người? Biết chắc tất cả phàm phu kho báu bị chôn vùi, sao chẳng trượng phu? Các người sao không thể gay chèo trương buồm bỏ sông qua bờ nghỉ, lại thả neo cột cọc ngày nào đến nhà? Đã làm người Tào Khê, lại là kẻ trong nhà, lại thấy việc trong nhà chăng?

Tăng hỏi: - Kiếp hỏa cháy rực Đại thiên đều hoại, chưa biết cái này hoại chẳng hoại?

Sư đáp: - Trong thùng sơn đen sắc vàng ròng.

Tăng hỏi: - Đạo xa vậy thay, chạm việc là chân, thế nào là đạo?

Sư đáp: - Trên đảnh tám thước năm.

Tăng hỏi: - Lý này thế nào?

Sư đáp: - Vuông tròn bảy tám tấc.

Tăng hỏi: - Trước kiếp hỏa Oai Âm riêng là một bầu trời, trước ngự lầu săn bắn, chẳng phải cắt tranh ruộng.

Tăng liền hét.

Sư đáp: - Cột cái chứng minh, Sư nghe tiếng bảng nói: - Cứ điều lệ kết án.

Sư thường đề ngữ trên vách nhà Diên Thọ tại Long Môn: Phật cho người có bệnh phải điều trị, cho có chỗ sắp tắt thở, trong thiền lâm có nhiều tên. Hoặc nói: Niết-bàn, thấy pháp thân thường trụ rõ pháp chẳng sanh. Hoặc nói: Tỉnh hành, biết duyên trói buộc này đều từ hành khổ. Hoặc nói: Diên Thọ, muốn được thọ mạng gìn giữ sắc thân. Kỳ thật khiến người rõ chỗ sanh tử. Phần nhiều thấy có chút ít bệnh liền vào nhà này. Nếu không chống lại lời tôi, liền có bổ ích. Đến người mắc bệnh lâu bèn nghĩ nhớ quê hương là không tốt, phải nghĩ lui lại để diệt trừ gốc bệnh. Thánh trước nói: Bệnh là thuốc hay của chúng sanh, nếu khéo uống đều được lành bệnh vậy.

*

Đến niên hiệu Tuyên Hòa năm đầu (1119), Sư do bệnh, từ nhiệm trở về nhà Đông ở Tương Sơn. Năm sau, một hôm thọ thực xong, Sư ngồi kiết già bảo đồ chúng rằng: Những bậc lão túc các nơi sắp tịch để kệ từ biệt thế gian. Thế gian có thể từ sao? Sắp đi an ổn, Sư bèn chắp tay vui vẻ thị tịch. Môn đồ xây tháp bên cạnh Linh Quang đài ở Long Môn thờ Sư.

*

38. THIỀN SƯ ĐẠO NINH

Ở Khai Phước Đàm Châu

Sư họ Uông, quê ở Thiệp Khê, thuở tráng niên làm đạo nhân ở chùa Sùng Quả làm người lo việc nhà tắm. Một hôm muốn rửa chân, chợt tụng kinh Kim Cang đến câu ?nơi chương cú này hay sanh lòng tin cho là thật?, liền quên mất sở tri, bỗng đẩy chân vô nồi nước sôi, phát minh việc nơi mình. Sau Sư thế phát tại Tương Sơn và nương với Thiền sư Lão Lương ở Tuyết Đậu. Ở đây được hai năm, Sư bèn dạo các tùng lâm tham vấn chư danh túc. Sau cùng, Sư đến chùa Bạch Liên nghe Thiền sư Pháp Diễn trong buổi tiểu tham nhắc lại lời Trung Quốc Sư về cổ Phật tịnh bình và Triệu Châu con chó không Phật tánh, liền thấu triệt pháp nguyên.

Khoảng niên hiệu Đại Quan (1107-1111), Đàm soái Tịch Công thỉnh Sư trụ chùa Khai Phước, Tăng lữ tụ họp tham vấn.

*

Ngày tắm Phật, Sư thượng đường: Chưa rời Đâu-suất đã giáng Vương Cung, chưa ra khỏi thai mẹ độ người đã xong. Chư Thiền đức! Ngày ngày mặt trời từ bờ Đông lên, sớm sớm gà nhằm canh năm gáy. Tuy nhiên chẳng phải đào hoa động, xuân đến hoa đào cũng đầy khe. Sư lại nói: Trong vườn Tỳ-ni giáng sanh hông mặt, khắp đi bảy bước nhìn xem bốn phương, ?trên trời dưới trời chỉ ta hơn hết?. Giống hệt ?thích xem trăng trên trời, mất đi châu trong tay?. Lại biết chỗ rơi chăng? Nếu biết chỗ rơi mới là con hiếu cháu hiền. Nếu chưa được như thế, chưa khỏi lập lại chú cước. Sư im lặng giây lâu nói: Trời sanh kỹ lưỡng hay kỳ quái, chưa đến xe người một trường đùa.

*

Sư dạy chúng: ?Trời thu sáng đầy không, sông thu tẩm màu biếc, thương thay người cửa ngoài, nơi nơi tìm Di-lặc. Trên đường chợt gặp nhau, gặp nhau mà chẳng biết.? Chư Thiền đức! Đã là gặp nhau vì sao lại chẳng biết nhau? Cắt hết trước sân trúc, đến khe chẳng hóa rồng.

*

Sư thượng đường: Khắp cõi chẳng từng che toàn thân không ảnh tượng. Gặp nhau chớ than rất ngu si, nhiều kiếp đến nay không kỹ lưỡng. Không kỹ lưỡng ít người hay, đại để trả kia xương thịt tốt, đâu cần đến kiếng vẽ chân mày.

*

Su thượng đường: Chánh lệnh Ma-kiệt chưa khỏi gập ghềnh, thùy từ Thiếu Thất sớm chạm phong cốt, lưng đãy tay thương cô phụ bình sanh, luyện hạnh khôi tâm thay nhau cùn lụt. Đâu giống mưa xuân tạnh núi xuân xanh, mây trắng ba mảnh bốn mảnh, hoàng oanh một thanh hai thanh, đại bi ngàn mắt xem chẳng đủ, Vương Duy tuy khéo vẽ khó thành. Dù cho liền thế ấy, vẫn tự dính đồ trình, chẳng dính đồ trình một câu làm sao nói? Người từ Biện Châu lại, chẳng được tin Đông Kinh.

*

Tăng hỏi: - Hoa sen khi chưa ra khỏi nước thì thế nào?

Sư đáp: - Người trời chắp tay.

Tăng hỏi: - Sau khi ra khỏi nước thế nào?

Sư đáp: - Chẳng ngại qua lại xem.

Tăng hỏi: - Thế nào là câu đến mà ý chẳng đến?

Sư đáp: - Cỏ lành vốn không gốc, tin nhận nhổ đem dùng.

Tăng hỏi: - Thế nào là ý đến câu chẳng đến?

Sư đáp: - Nhận lấy ý đầu lưỡi câu, chớ chấp trái cân bàn.

Tăng hỏi: - Thế nào là ý câu đều đến?

Sư đáp: - Đại bi chẳng xòe tay, khắp thân là tròng mắt.

Tăng hỏi: - Thế nào là ý câu đều chẳng đến?

Sư đáp: - Anh đến Tiêu Tương tôi đến Tần.

*

Niên hiệu Chánh Hòa thứ ba (1113) ngày mùng bốn tháng mười một, Sư cạo tóc tắm gội xong. Hôm sau thọ trai rồi tiểu tham, Sư khuyến khích chúng hành đạo lời rất thiết tha. Đến giờ Dậu, Sư ngồi kiết già thị tịch.

39. THIỀN SƯ NGUYÊN TĨNH

Ở Nam Đường Đại Tùy

Sư là con nhà đại nho Triệu Công Ước Trọng. Lúc mười tuổi, Sư bị bệnh nặng, bà mẹ khấn vái cảm điềm mộng lạ, bèn cho xuất gia. Sư là cháu trong dòng Đại Từ Bảo Sanh Viện ở Thành đô. Niên hiệu Nguyên Hựu thứ ba (1088), Sư thông kinh được độ làm Tăng. Sư ở lại các hội giảng kinh mấy năm, mới đi dạo phương Nam.

*

Ban đầu Sư tham vấn Thiền sư Ân ở Vĩnh An, câu ba gậy của Lâm Tế, Sư được phát minh. Kế Sư đến các bậc danh túc, mà không có chỗ nào hợp ý. Sư nghe Thiền sư Pháp Diễn ở núi Ngũ Tổ cơ phong cao vót, bèn muốn đến đó. Sư liền đến núi Ngũ Tổ tham vấn. Pháp Diễn nói: - Ta trong đây chẳng sánh với chư phương, phàm ở trong thất chẳng cần ông tiến trước lùi sau, dựng ngón tay đưa nắm tay, nhiễu giường thiền làm người nữ bái, đưa tọa cụ lên, ngàn thứ kỹ lưỡng. Chỉ cần ông ngay một câu nói cho thích hợp, bèn là chỗ ông thấy.

Sư mờ mịt thối lui. Trải qua ba năm, một hôm Sư nhập thất xong, Pháp Diễn bảo: - Chỗ hạ ngữ của ông đã được mười phần, thử lại vì ta nói xem? Sư liền trình bày rành mạch. Pháp Diễn bảo: - Nói cũng nói được mười phần, lại vì ta đoạn xem.

Sư theo chỗ hỏi mà phán xét. Pháp Diễn bảo: - Hay là hay, chỉ là chưa hiểu lời nói của Lão tăng. Sau ngọ trai nên đến chỗ tháp Tổ sư vì ông mỗi mỗi xét qua mới được. Khi đến nơi, Pháp Diễn liền lấy những câu: ?tức tâm tức Phật, phi tâm phi Phật, Mục Châu kẻ gánh bảng, Nam Tuyền chặt con mèo, Triệu Châu con chó không Phật tánh, có Phật tánh?, hỏi Sư. Sư đáp không có chỗ ngăn ngại. Đến câu con chó của Tử Hồ, Pháp Diễn nghiêm sắc mặt bảo: - Chẳng phải.

Sư thưa: - Chẳng phải lại thế nào?

Pháp Diễn nói: - Đây chẳng phải thì những cái trước đều chẳng phải.

Sư thưa: - Mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy.

Pháp Diễn nói: - Xem kia nói: ?Tử Hồ có một con chó, trên cắn đầu người, giữa cắn lưng người, dưới cắn chân người, người vào cửa xem kỹ. Vừa thấy Tăng vào cửa liền nói: - Xem chó.? Nhằm chỗ Tử Hồ nói ?xem chó? hạ một chuyển ngữ khiến Tử Hồ phải đớ lưỡi, Lão tăng phải câm họng, là chỗ ông liễu đáng.

Hôm sau vào thất, Sư thầm thưa lời kia. Pháp Diễn cười nói: - Chẳng nói ông là người thiên liễu bách đáng, lời này chỉ giống Tiên sư hạ ngữ.

Sư thưa: - Con là người gì mà được giống Hòa thượng Đoan?

Pháp Diễn nói: - Chẳng vậy, Lão tăng tùy thừa kế Tiên sư, vẫn nói lời Tiên sư vụng. Vì vậy chỉ dùng thủ đoạn Viễn Lục Công tiếp người. Được như Lão tăng cùng Viễn Lục Công bèn cùng Bá Trượng, Hoàng Bá, Nam Tuyền, Triệu Châu, nắm tay cùng đi, vừa thấy lời vụng liền không chịu.

Sư cho là không đúng bèn chống gậy qua sông. Vừa gặp lúc nước sông dâng tràn, đành phải lưu lại. Hai năm sau, Pháp Diễn mới hứa khả. Thường thương lượng cổ kim, Pháp Diễn nắm tay Sư nói: - Được ông nói, phải là ta nhắc, được ta nhắc, phải là ông nói, từ nay về sau bí yếu Phật Tổ khóa cửa các nơi không thoát khỏi tay ông.

Pháp Diễn liền lập nhà Nam để cho Sư ở. Khi ấy danh tiếng Sư đồn khắp.

*

Nguyên soái Tịch Công ở Thành đô thỉnh Sư khai pháp tại Gia Hựu, chưa bao lâu lại mời đến Chiêu Giác, rồi dời lại Năng Nhơn và Đại Tùy.

Sư thượng đường: Quân vương rõ rõ tướng soái tỉnh tỉnh, một phen đắc thắng sáu nước thanh bình.

Sư thượng đường: Nhắc lời Lâm Tế tham vấn Hoàng Bá, Hòa thượng Bạch Vân Đoan tụng rằng: ?Một thoi thoi ngã lầu Hoàng Hạc, một đạp đạp nhào Châu Anh Võ, khi có ý khí thâm ý khí, chỗ chẳng phong lưu cũng phong lưu.? Sư nói: Đại Tùy (Sư) tức chẳng vậy, ?tuổi đời bảy chục già lù khù, con mắt sáng ngời tai chẳng ù, bất chợt có người tỏ khinh bỉ, một thoi té ngã đến Quan Đông?.

*

Sư thượng đường vấn đáp xong, bèn nói: Có Tổ đến giờ người đời lầm hiểu, chỉ đem ngôn cú dùng làm thiền đạo. Đâu chẳng biết đạo vốn không thể, nhân thể được tên, đạo vốn không tên nhân tên mà lập hiệu. Chỉ như vừa rồi Thượng tọa thế ấy ra đây, liền thế ấy về chúng. Hãy nói đủ mắt chẳng đủ mắt? Nếu nói đủ mắt, vừa thế ấy ra đây mắt ở chỗ nào? Nếu nói chẳng đủ mắt, đâu nên liền thế ấy đi? Chư nhân giả! Nơi đây thấy được thấu suốt rõ ràng thì biết Nhị Tổ lễ bái đứng y chỗ cũ thật được tủy kia. Chỉ chút xíu này là mạng căn chư Phật ba đời, là mạng mạch sáu đời Tổ sư, là chỗ an thân lập mạng chư lão Hòa thượng trong thiên hạ. Tuy nhiên như thế, phải là thân mới đến được.

*

Sư thượng đường: Vườn ruộng chính mình mặc sức cày, móng nền tông Tổ gắng làm hay, ngộ được ngàn thánh chỗ ngồi ấy, dụng nhắm tam đồ thẳng bước ngay.

Tăng hỏi: - Tổ sư tâm ấn thỉnh Thầy chỉ thẳng?

Sư đáp: - Ông nghe nóng chăng?

Tăng thưa: - Nghe.

Sư bảo: - Vả chăng nghe lạnh.

Tăng thưa: - Hòa thượng lại nghe nóng chăng?

Sư đáp: - Chẳng nghe.

Tăng hỏi: - Vì sao chẳng nghe?

Sư cầm quạt quạt nói: - Vì ta có cái này.

Tăng hỏi: - Thế nào là đoạt nhân chẳng đoạt cảnh?

Sư đáp: - Bắt sống ma vương xỏ lỗ mũi.

Tăng hỏi: - Thế nào là đoạt cảnh chẳng đoạt nhân?

Sư đáp: - Ở giữa cái cây thuộc tôi xem.

Tăng hỏi: - Thế nào là nhân cảnh cả hai đều đoạt?

Sư đáp: - Một lưỡi câu ba núi dính sáu trạnh.

Tăng hỏi: - Thế nào là nhân cảnh đều chẳng đoạt?

Sư đáp: - Ban ngày cỡi trâu qua chợ búa.

*

Tăng hỏi: - Hoa sen khi chưa ra khỏi nước thì thế nào?

Sư đáp: - Tốt.

Tăng hỏi: - Sau khi ra khỏi nước thì sao?

Sư đáp: - Tốt.

Tăng hỏi: - Thế nào là hoa sen?

Sư đáp: - Tốt.

Vị Tăng lễ bái.

Sư bảo: - Cùng kia ba cái tốt, muôn việc một lúc thôi.

*

Tăng hỏi: - Thế nào là thiền trong núi?

Sư đáp: - Ngoài sân trúc ốm sanh măng trước, khe suối tùng khô cành lão dài.

Tăng hỏi: - Thế nào là thiền trong chợ?

Sư đáp: - Sáu đường chuông trống vang đùng đùng, chính chỗ bày vàng thế giới trung.

Tăng hỏi: - Thế nào là thiền trong thôn?

Sư đáp: - Trộm cắp hết rồi tằm lúa chín, vui ca múa hát nhạc thăng bình.

*

Có vị lão túc nói: Đầu đường chữ thập (+) cất một nhà cầu bằng tranh, chỉ là không cho người ỉa. Có vị Tăng đem lời này hỏi Sư. Sư bảo: Chính ông ỉa trước rồi, lại bảo người nào ỉa. Lão túc nghe thắp hương trông xa về Đại Tùy lễ bái tạ đó.

*

Niên hiệu Thiệu Hưng vào mùa thu năm Ất Mão tháng bảy mưa to trong núi tuyết có tướng lạ. Sư bảo: Hạn kỳ của ta đến vậy. Ngày mười bảy, Sư từ biệt Quận thú, ba ngày sau có chút bệnh ở Thiên Bành. Đến hai mươi bốn, Sư bảo vị Tăng thị giả: - Khi trời sáng không trăng thì thế nào? Thị giả không đáp được. Sư bảo: - Nói ngược ta vì ông châm lửa mới được. Hôm sau lại Bằng Khẩu ở Giải Viện, Sư để lời dặn dò xong, thoát nhiên thị tịch. Đệ tử thỉnh toàn thân về, trà-tỳ mùi hương khắp nơi, cái lưỡi vẫn còn nguyên.

40. THIỀN SƯ TÔNG THỚI

Ở Vô Vi Hán Châu

Sư quê ở Bồi Thành, từ khi ra khỏi quê hương dạo khắp tùng lâm. Sư đến núi Ngũ Tổ yết kiến Thiền sư Pháp Diễn. Ngày cúng hương, Pháp Diễn nhắc lời Triệu Châu ?rửa bát đi? để tham. Đến khi vào thất cũng nhắc lời này hỏi Sư rằng: - Ông nói Triệu Châu nói với y thế nào, mà vị Tăng này liền ngộ?

Sư thưa: - Rửa bát đi, ghê!

Pháp Diễn bảo:-Ông chỉ biết việc trên đường, chẳng biết mùi vị trên đường.

Sư thưa: - Đã biết việc trên đường, trên đường có mùi vị gì?

Pháp Diễn nói: - Ông chẳng biết sao?

Pháp Diễn lại hỏi: - Ông từng dạo Chiết chưa?

Sư thưa: - Chưa.

Pháp Diễn nói: - Ông vẫn chưa ngộ.

Từ đây đến năm năm Sư không thể đáp.

*

Một hôm Pháp Diễn đăng đường nhìn chúng nói: - Ông già tám mươi đánh tú cầu.

Liền xuống tòa. Sư vui vẻ ra chúng thưa: - Hòa thượng, thử đánh một cái xem?

Pháp Diễn lấy tay làm thế đánh trống, dùng âm xứ Thục xướng bài ca Miên Châu: ?Núi Đậu Tử đánh trống ngói, núi Dương Bình rải mưa trắng, mưa trắng rơi tận Long Nữ, dệt lụa được hai trượng ngũ, một nửa thuộc La Giang, một nửa thuộc Huyền Võ.?

Sư nghe đại ngộ, liền bụm miệng Pháp Diễn nói: - Chỉ nên xướng đến trong đây.

Pháp Diễn cười to rồi về.

*

Sau Sư trở về đất Thục, tứ chúng thỉnh khai pháp ở Vô Vi, rồi dời đến Chánh Pháp.

*

Sư thượng đường: Một đại sự nhân duyên này, từ Thế Tôn đưa cành hoa Ca-diếp cười chúm chím. Thế Tôn bảo: - Ta có chánh pháp nhãn tạng phân phó cho Ma-ha Ca-diếp. Về sau đèn đèn nối nhau, Tổ Tổ truyền nhau, thẳng đến ngày nay liên miên chẳng dứt, liền được khắp chỗ sanh hoa, cho nên gọi: Niết-bàn diệu tâm, cũng gọi: Bản tâm, cũng gọi: Bản tánh, Bản lai diện mục, Đệ nhất nghĩa đế, Thước-ca-la nhãn, Ma-ha đại bát-nhã. Tại nam gọi: Nam, tại nữ gọi: Nữ. Cả thảy các ông chỉ tự ngộ lấy, những lời này thảy là ngôn ngữ nhàn. Sư cầm cây phất tử lên nói: Hội rồi bảo là thiền. Chưa ngộ quả nhiên khó khó khó, trước mắt như cách núi Tu-di. Ngộ rồi dễ dễ dễ, tin miệng nói ra đều là phải.

*

Tăng hỏi: - Thế nào là Phật?

Sư đáp: - Ai dạy ngươi hỏi thế ấy?

Tăng suy nghĩ. Sư bảo: - Xong.

41. THIỀN SƯ BIỂU TỰ

Ở Ngũ Tổ Kỳ Châu

Sư quê ở Hoài An, buổi đầu nương theo Thiền sư Pháp Diễn ở Ngũ Tổ, rất lâu mà không có tỉnh. Lúc đó Viên Ngộ làm Thủ tọa, Sư đến thưa thỉnh. Viên Ngộ bảo: - Huynh có chỗ nghi thử nói tôi xem. Sư liền nhắc lại Đức Sơn tiểu tham không đáp thoại, hỏi thoại ăn ba mươi gậy.

Viên Ngộ bảo: - Lễ bái đi ta làm thầy được ông, nhắc thoại còn chẳng hội.

Sư làm lễ xong, Viên Ngộ bảo nhắc lại thoại trước. Sư thưa: - Đức Sơn tiểu tham không đáp thoại.

Viên Ngộ bụm miệng Sư nói: - Chỉ thế ấy khán.

Sư to tiếng nói: - Bậy! Bậy! Đâu có công án, chỉ dạy người khán một câu đạo lý.

Có một vị bảo Sư: - Huynh không nên nói như thế, Thủ tọa phải có phương tiện.

Nhân đây, Sư tịnh tọa thể cứu một tuần, bỗng giải được chỗ nghi. Sư đến Viên Ngộ lễ tạ.

Viên Ngộ nói: - Huynh mới biết tôi chẳng khi huynh.

Sư lại đến phương trượng, Pháp Diễn đón Sư vui vẻ. Từ đây càng ngày Sư càng thâm nhập huyền áo. Pháp Diễn sắp qui tịch, để thơ cùng Huyện thú giới thiệu Sư trụ trì. Tăng chúng bốn phương vẫn kéo tới đông đảo.

Sư yết bảng trước cửa liêu thị giả rằng: ?Đông Sơn có ba câu, nếu người nói được liền đeo mang.? Chư Tăng đều không nói được. Một hôm, có vị Tăng mang tọa cụ đi thẳng đến phương trượng, thưa Sư rằng: Con nói chẳng được chỉ cần đeo mang. Sư rất vui, gọi: Duy-na ở dưới cửa sổ an bày.

Sư thượng đường: Khi Thế Tôn đưa cành hoa, Ca-diếp cười chúm chím, người chỉ biết đưa hoa cười chúm chím, vẫn không biết Thế Tôn.

Có vị Tăng hỏi: - Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang?

Sư đáp: - Trong rừng gai góc múa Chá Chi (tên bản nhạc).

Tăng hỏi: - Thế nào là Phật?

Sư đáp: - Mới sanh hài tử ném bồn vàng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro