Hồi chín (1): Tàn chiến anh hồn lai địa phủ / Vong Xuyên bèo con cưỡi sóng cồn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Liễu Thăng y theo bản đồ của Quận, ruổi ngựa đi suốt một ngày trời. Đến đâu cũng gặp cảnh xóm thôn trơ trọi quạnh hiu, làng mạc tiêu điều xơ xác mà cậu chột dạ.

Liễu Tử Tiêm chợt ý thức được những gì mà thường dân hai nước phải trải qua một khi chiến tranh nổ ra. Chiến tranh, chiến hoả, đấu tướng, đấu mưu, chiến công hiển hách...v.v... tất cả những mĩ từ ấy chợt được tóm lại thành hai chữ " bi ai ", giống như cái thây ngoài sa trường gói trong tấm da ngựa.

[ Anh hùng... trước đây mình cứ nghĩ Quan Vũ, Tiết Nhân Quý...v.v... là những bậc anh hùng. Thế nhưng, ném thường dân vào vạc lửa là điều mà anh hùng làm ư? ]

Liễu Thăng thấy lòng rối như ai vò. Những gì cậu biết, cậu tin từ đó đến giờ như bị khung cảnh thảm thương trước mắt đập tan tành.

Có xuôi nam, cậu mới biết những người cậu vẫn cho là man di ấy cũng đáng yêu, đáng quý, đáng tôn trọng và khâm phục. Tạng Cẩu là một, Quận Gió cũng vậy.

Tâm phiền, ý loạn, Liễu Thăng cứ cho ngựa chậm rãi dộng vó lên mặt đường sỏi đá. Lộc cộc, lộc cộc. Liễu Thăng căng tai lên nghe, nghe kỹ lắm cũng chỉ bắt được tiếng vó ngựa vẳng lại từ xa thôi. Im lặng quá. Cái im lặng của cái chết chùm lên thôn xóm. Chẳng còn ai ở lại cả, hoặc đã chạy nạn, hoặc là đã chết nơi đầu đường xó chợ nào rồi. Những gian phòng trống vắng, khoảnh sân trước đìu hiu như in vào lòng cậu. Cái vắng vẻ của không gian phản chiếu thành cái trống rỗng của nhân tâm.

Liễu Thăng bắt đầu tự hỏi cái gì là đúng, là sai. Cậu bỗng dưng thấy muộn phiền quá. Một thứ tư tưởng mới chợt nhú lên trong lòng. Nó xung đột trực tiếp với niềm tin Đại Hán đã thâm căn cố đế trong cậu. Lần đầu tiên cậu tự hỏi lòng, nhân dân hai nước có gì khác nhau? Nguyên nhân là do đâu mà người Hán là thượng đẳng, còn các tộc khác chỉ đáng xếp sau, thậm chí bị miệt thị là man di mọi rợ suốt chừng đó năm ròng.

Không ai trả lời cả...

Chỉ có con ngựa thỉnh thoảng hí lên mấy tiếng. Thanh âm dội vào tai Liễu Thăng, xa gần gần xa.

Con ngựa bị Liễu Thăng thả cương, cứ đủng đỉnh đi. Có lúc nó xà vào bụi tre gặm mấy nhánh cỏ, cậu cũng chả buồn giật cương. Liễu Thăng lấy làm lạ. Tre nhiều quá. Chốn nào cũng có. Không như ở phương bắc tre mọc thành bụi, thành rừng. Ở chốn trời Nam này, tre mọc thành từng luỹ như tường thành vậy. Làng nào cũng có luỹ tre, xanh mát quanh năm.

Rì rào tiếng lá tre xô nhau, như đàn như hát.

Liễu Thăng bẻ lấy một cành tre đường kính cỡ hai ngón tay, vung thử mấy nhát. Thứ tre ngà xạm vàng vì lửa từ ngựa sắt Phù Đổng chắc và thẳng thớm, từng đốt dãn nhau đều tăm tắp. Cây thương nặng Liễu Thăng đã để lại doanh trại, bèn lấy luôn cây gậy tre này phòng thân.

Giữa đường, cậu ghìm ngựa lại buộc vào một hàng rào, sau đó xuống ngồi nghỉ dưới dàn bầu. Liễu Thăng thử luyện mấy chiêu bổng Bạch Đằng Giang, song chỉ được một lúc lại phải thôi.

Khi dậm mạnh chân xuống, một lực phản chấn tương đương được sinh ra. Ấy là nguyên lí cơ bản của Lôi Bộ - bộ pháp căn bản của Bạch Đằng Giang. Người luyện Lôi Bộ sẽ lợi dụng các bó cơ ở đùi, hông, vai để dẫn chấn lực này lên cánh tay hoặc cổ tay, từ đó tăng mạnh lực tấn công. Trong võ thuật hiện đại, Bát Cực quyền – quyền pháp được mệnh danh là băng hám đột quyết – cũng sử dụng bộ pháp tương tự.

Bạch Đằng Giang là bổng pháp mà các chiêu đều được đánh hất từ dưới lên, thành ra kình lực không thể hàm hậu bằng những loại bổng pháp vụt dọc, phạt ngang thông thường. Lôi Bộ là một cách để đền bù lại yếu thế về lực đánh của Bạch Đằng Giang. Liễu Thăng muốn luyện bổng, thế nhưng chân trái cậu vẫn chưa lành hẳn, thành thử cũng có phần lực bất tòng tâm.

Sắc trời muộn dần, mặt trời đậu lên ngọn tre, đỏ ửng lên một lần cuối cùng trước khi tắt hẳn. Nhác thấy tà dương đã muốn lặn, Liễu Thăng trèo lên mình ngựa, thúc cương...

Con ngựa chồm lên, lao vụt tới theo hướng ghi trên tấm bản đồ mà Quận Gió đã trao cho Liễu Thăng. Cậu cứ ra roi chạy, không hề biết rằng có mấy bóng người đang âm thầm bám theo mình. Chúng lẩn khuất giữa trong các xó tối, lặng lẽ trườn qua từng mảng bóng đen mà mái nhà tán cây dội xuống nền đất...

Quay trở lại với Khiếu Hoá Tăng và Tạng Cẩu. Ông sư ăn xin chậm rãi nâng cánh tay lên, thủ thế. Tay phải thu thành quyền, động tác khá là tiêu chuẩn. Nhưng hình dáng tay trái lại kì quặc. Năm ngón tay ông cong lại như hổ trảo của hổ hình quyền. Song khác với hổ trảo của võ Thiếu Lâm, các ngón tay trừ ngón cái lại đặt sát nhau.

Ông từ từ giương thẳng cánh tay phải, đầu nắm đấm dựa sát vào lớp vỏ cây sần sùi. Hông Khiếu Hoá Tăng trầm xuống thế trung bình tấn.

" Đừng vì võ này phỏng theo hình con chó mà coi thường. Có thể nó không có danh xưng mĩ miều, cũng thiếu hẳn cái vẻ oai vệ hùng dũng như võ hổ, võ rồng của người Tàu. Song... một môn võ thắng ở tính thực chiến, chứ không phải cái mã bên ngoài.

Rồng thì chưa ai từng thấy, cái thần vận của nó cũng phải tưởng tượng ra. Hạc sống nơi núi cao, rắn bò trong hang thấp, hổ báo hùng cứ nơi rừng sâu núi thẳm. Tìm chúng nó đã khó, quan sát lại càng khó hơn. Trừ khi là bậc nhân tài khó gặp, bằng không sao lĩnh hội được cái hồn của chiêu thức tới tột cùng?

Võ chó thì lại khác. Chó là loài vật gần gụi, có thể thấy hàng ngày, lại sống cả đời với người. Tiền bối sáng tạo ra bộ võ này đã lĩnh hội thần vận của nó đến mức tột đỉnh cao thâm, lại kết hợp với tinh hoa của cha ông là các câu tục ngữ mà phả vào chiêu thức...

Chiêu thứ nhất: chó cậy gần nhà! "

Khiếu Hoá Tăng hô lên một tiếng, vai trái nghiêng ra sau đẩy vai phải tiến lên. Đồng thời, các cơ bắp ở chân eo lưng và vai đồng thời co dãn, nội kình hùng hậu được khuếch đại mấy lần, tạo thành một cơn sóng thần.

Bốp!

Lá xoài rụng lả tả, một đấm gần sát không cần lấy đà của Khiếu Hoá Tăng cũng đủ làm thân cây rung chuyển dữ dội. Thủ pháp vận lực của Chó Cậy Gần Nhà gần tương tự với Nhất Thốn Quyền hiện đại.

" Bé Chó, để ý này. Tay phải mô phỏng đầu chó, nơi có hàm răng. Tay trái lại giả chân chó, dùng để kiềm hãm cào xé. Chiêu thứ hai: Chó cắn áo rách! "

Ông lui ra sau hai bước, bàn tay trái vung ra. Mục tiêu tấn công lần này là những cái lá xoài đang lả tả rơi xuống sân gạch như một cơn mưa.

Ngón tay, cạnh bàn tay, hổ khẩu, lưng bàn tay... có cảm giác như mọi vị trí của bàn tay trái đều dược dùng để tấn công vậy. Vừa đánh, ông vừa lí giải:

" Đây vốn là chiêu lấy công làm thủ, lấy vòng đánh thẳng dùng ngắn chế dài. Cứ nhắm vào nhược điểm, yếu điểm của kẻ địch thì y tự khắc thấy bó tay bó chân. "

" Chiêu thứ ba: Chó Cùng Cắn Càn. Tinh tuý của chiêu này nằm ở chữ càn! Phát chiêu phải loạn xạ chẳng cần chương pháp, hung hãn điên cuồng như con chó bị dồn vào bước đường cùng. Khi ấy thì tay, chân, vai, gối đều phải dùng để công kích. Thế nhưng lúc sử chiêu không thể bị cuốn theo ý cảnh mà mất đi sự tỉnh táo, bằng không nếu gặp phải cao thủ sẽ bị bắt thóp ngay. Lúc ra chiêu lòng phải thanh tĩnh, tâm không được loạn mới là cảnh giới tột cùng của chữ Càn. "

...

Miệng nói, chân bước, tay vung. Khiếu Hoá Tăng liên tục sử các chiêu đấm, chộp, quét chân, lên gối, thúc sườn... Động tác của ông đơn giản, dứt khoát, mạnh mẽ song cũng không thiếu đi tính tinh diệu và hiểm hóc. Lá xoài đang rơi hễ mà bị kình phong thổi trúng, là xoay tròn tít mù rồi bắn ngược lên cây. Tràng cảnh trông vừa kì quặc, vừa huyền diệu.

Tạng Cẩu chăm chú dõi theo từng động tác của Khiếu Hoá Tăng, mắt không rời khỏi ông dù chỉ một phần mười giây. Đến chớp mắt nó cũng thấy tiếc.

Khiếu Hoá Tăng chợt ngồi xuống, rồi lăn tròn một vòng. Hai chân ông mượn đà vung lên, cẳng chân như sắt quệt một đường mạnh qua không khí.

" Đây là chiêu chó chui gầm chạn, dùng để né đòn hiểm của đối thủ và phản kích cùng một lúc. Tư thế hơi xấu, nhưng còn thực dụng hơn chiêu Vĩ Lư Đả Cổn của Tàu. "

Nhà sư ăn mày co chân bật nhổm dậy, trở lại tư thế đứng thẳng.

" Hai chiêu cuối cùng, một là Chó Ngáp Phải Ruồi. Cái thần vận của chiêu này chính nằm ở ý nghĩa của câu tục ngữ. Phán đoán cử động của địch thủ, công kích đánh gãy hắn giữa lúc đang thi triển chiêu thức.

Chiêu còn lại: Nhất Chó Sủa Dai, Nhì Người Nói Lặp. Đây là chiêu thức dùng nội lực khuyếch đại âm thanh, công kích đối thủ. Chiêu này cần phải có công lực cao minh mới dùng được, nên tạm thời chỉ dạy cho con cách vận khí thôi. "

Khiếu Hoá Tăng xoa đầu Tạng Cẩu, dặn nó phải cố luyện cho thuần thục, chớ có mắc lại lỗi lúc trước. Nói đoạn, ông đủng đỉnh ra ngoài, khép cửa để yên cho nó lĩnh hội chiêu thức.

Hồ Đỗ vung rìu ra sau, toan chém Mộc Thạnh.

Giữa lúc hai phe đang giao chiến, xách đầu một trong hai thống lĩnh địch quân chẳng khác nào giáng một đòn nặng lên sĩ khí của đối phương. Có như vậy, quân Hồ bị mai phục mới có thể bảo toàn quân số mà tái chiến.

Mộc Thạnh biết mình khó tránh nổi cái chết, bèn nghển cao đầu. Bỗng nhiên trông lão ta thanh thản đến lạ. Nhìn vầng trăng treo cao, Thạnh nói:

" Chém đi! "

Hồ Đỗ gầm lên, phạt rìu xuống bằng cả sức bình sinh. Lưỡi việt sắc lẻm rơi nhanh, cách cần cổ Mộc Thạnh ngày càng gần.

Chiến thắng Mộc Thạnh, lại đang lo lắng cho ba quân khiến Hồ Đỗ không tập trung tinh thần được, đầu óc cứ trên mây trên gió. Hắn chỉ muốn chém Thạnh thật nhanh, rồi cầm đầu tướng địch băng rừng đến viện trợ cho quân Đại Ngu và Hồ Xạ.

Thế mà có ngờ đâu, chỉ một phút thất thần thế thôi cũng quá đủ để y trả một cái giá đắt.

Phập!

Lưng Hồ Đỗ trúng liên tiếp mấy thanh ám khí. Chuỷ thủ có, thấu cốt đinh có, thiết tật lê cũng có. Đáng sợ nhất là hai bộ kê trảo từ đâu bay tới, chộp trúng hai bả vai Hồ Đỗ. Cuối trảo có gắn một sợi xích sắt dài độ một thước ta, lúc bay từng đoạn thiết liên khua vào nhau kêu lẻng xẻng.

Lưỡi dao nhọn hoắt, cong vút cắm ngập vào thịt, làm máu Hồ Đỗ ứa ra đầy áo. Hai sợi xích căng lên, người điều khiển kê trảo dùng sức giật một cái. Tức thì kình lực cực lớn kéo phăng Hồ Đỗ về phía sau. Y liên tiếp lui lại mấy bước thì giữ được thế quân bình.

Đỗ thoáng giật mình, biết đối phương ắt phải là hạng có số có má. Y không dám lỗ mãng gỡ kê trảo ra, bởi chỉ cần hơi phân tâm thì đối thủ sẽ vận kình kéo đi. Thành thử, tạm thời Hồ Đỗ chỉ có một cách là đứng đực tại chỗ.

Mộc Thạnh đã ở trong gang tấc mà không làm gì nổi. Đỗ căm lắm. Đám người đằng kia thì nào có để y yên, liên tục ném ám khí tới tấp vào người. Đỗ liên tục tránh đông né tây, cố không để ám khí đánh lén của địch thủ lia trúng đầu. Thế nhưng khoảng không cho hắn di chuyển đã bị đôi kê trảo hạn chế gắt gao.

Huống hồ, càng cử động mạnh, máu từ các vết thương khắp người rỉ ra càng nhiều.

Tránh được vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Kẻ địch thấy Hồ Đỗ né tránh liền liền, bắt đầu tìm cách nhắm vào các bộ vị khác trên người y như đùi, bắp chân, cẳng tay.

Máu Đỗ chảy ròng ròng. Đối thủ muốn từ từ mài chết hắn đây mà. Đầu của Đỗ bắt đầu hoa lên ong ong, hai mắt mờ đi trong sự xoay vòng của cảnh vật. Y đã mất quá nhiều máu.

Nghiến chặt răng, Hồ Đỗ vác rìu lên quăng mạnh một cái. Mộc Thạnh đã ngay trước mặt mà không làm gì được lão, nên y căm, căm lắm. Rìu của đỗ văng về phía Thạnh, xoay tròn như một lốc xoáy. Kình phong từ lưỡi rìu thổi cả đám cỏ rạt sang hai bên.

Máu chảy càng nhiều, sức mạnh do Lý Thân thần công đem lại càng lớn. Lưỡi việt này mà cứa trúng người thì ắt không phải chuyện tốt đẹp gì...

Mộc Thạnh nén đau, chỉ kịp đổ sụp người xuống là thanh việt đã bay tới nơi rồi. Lưỡi rìu sắc lẻm trượt qua đầu, chém văng mũ và khăn buộc, tiện thể hớt luôn một đám tóc của y. Tóc Thạnh rụng lả tả xuống bên người, còn thanh việt của Đỗ thì găm mạnh vào một thân cây cách đó không xa, lưỡi bén ngập vào thân cây cả tấc.

Đỗ ném rìu xong, cũng chẳng còn thời giờ mà quản Mộc Thạnh sống hay là chết nữa. Y gầm lên, sau đó vươn tay ra sau lưng chộp luôn lấy hai sợi dây xích đang móc vào cặp kê trảo rồi vận lực toan giật tung xích sắt, song vô hiệu.

Ở bên kia rừng, chợt có tiếng ai vang lên the thé, ngữ khí sặc mùi mỉa mai:

" Hôm nay nhà ngươi thua đã là chuyện nhất định rồi, cần gì phải ngu ngốc làm cái chuyện vô bổ châu chấu đá xe? "

Đầu óc Hồ Đỗ vốn đã chậm chạp, nay mất máu nhiều nên càng mơ hồ hơn.

Phịch.

Y ngã xuống, nằm yên, rất nhẹ. Máu vấy ra, lan dưới thân y. Những ngón tay đang siết vào nhau thật chặt lỏng dần, rồi hé mở.

Đối phương thấy hắn không cử động, mới an tâm hơn. Y giật giật hai sợi thiết liên mấy cái, kê trảo cắm ở vai đỗ ngọ nguậy cứa vào từng thớ thịt, song y chỉ hơi run lên chứ không còn cử động mạnh nữa.

" Hầu gia, để ngài phải hoảng sợ rồi. "

Người nọ cất tiếng, giọng y nói the thé và sắc, rất khó nghe.

Mộc Thạnh nén đau bịt chỗ vai cụt lại, máu rỉ qua từng kẽ tay. Lão cố ngẩng đầu lên nhìn về phía có tiếng người.

Là một nhóm bốn người. Dẫn đầu là một trung niên thể hình vạm vỡ. Ông ta ăn mặc theo lối quý tộc xưa, với áo vạt chéo bên ngoài, áo cổ tròn lót trong.

Một dải thắt dây lưng lụa ôm quanh vòng eo gấu, mái tóc hoa râm được chít bằng một tấm khăn vuông đen tím. Chòm râu quai nón của lão đã chuyển dần sang trắng cước của tuổi già. Nhưng nhìn dáng đi dáng đứng thì xem chừng xương chân xương tay lão ta hãy còn cứng cáp, bắp thịt cả người vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Đôi bàn tay lão ta nắm chặt một đôi xích sắt, chính là cặp gắn vào đôi kê trảo đang chôn vào vai Hồ Đỗ. Lão nhìn thẳng vào Mộc Thạnh đang ghé mình dưới đất, cười nói thản nhiên. Tiếng Hoa của lão khá là trúc trắc, song đủ để hiểu.

Trung niên ấy chính là một trong bốn Tinh của sơn trang Bách Điểu: Bạch Kê Tinh Mạc Viễn, chính là anh em với Mạc Thuý - người vừa hàng quân Minh ở sông Phú Lương không lâu trước đây.

Nói đoạn, hắn quay đầu nguýt ba thanh niên phía sau, nói:

" Bọn nhỏ, còn không mau dâng thuốc cho Hầu gia liệu thương cầm máu? "

Ba thanh niên, hai nữ một nam đồng thanh dạ ran. Ba người ăn mặc tương tự nhau, rõ ràng là người cùng một phái. Khác biệt ở chỗ tên thanh niên thì có một cặp kê trảo đeo ở tay, còn hai cô gái thì mỗi người dắt một sợi lông chim ở mép tai thay cho trang sức.

Cô nhỏ hơn mặc áo trắng tiến đến chỗ Mộc Thạnh, rịt thuốc băng bó vét chém ở vai cho y.

" Các... người là? "

Mộc Thạnh thở hắt ra, ánh nhìn của lão bắt đầu lấy lại vẻ thâm sâu lúc ban đầu. Nhìn cánh tay bị chém đứt lìa nằm chỏng chơ ở nơi xa, lão không nén nổi một cơn giận dữ cùng với nể sợ.

" Hầu gia chớ lo, chúng ta là người của sơn trang Bách Điểu. Thiên quân muốn hỗ trợ tông thất triều Trần diệt Hồ phục quốc, người dân Đại Việt chúng tôi ai cũng có bổn phận phải giúp đỡ. "

Tên thanh niên ở đằng xa bỗng mở lời. Hắn vốn xuất thân dòng dõi con buôn, nên từng có dịp qua Đại Việt, học tiếng ta. Ngày ấy chính hắn từng làm thông dịch cho Trần Thiêm Bình lúc y sang Đại Minh mượn binh đánh Hồ.

Y chỉ là một tiểu nhân vật, Thạnh nhất thời không nhớ ra là ai. Song thấy đối phương biết nói tiếng mình thì cũng đủ mừng rồi. Lão nhìn về phía trung niên, định chắp tay làm lễ cảm ân thì bỗng sững sờ. Thạnh nhìn bả vai cụt lủn của mình mà nghiến răng nghiến lợi.

Mạc Viễn bước chậm về phía Thạnh, ra dấu nói lão cứ yên tâm ngồi xuống nghỉ ngơi. Rồi y bước về phía Mộc Thạnh, hai tay nắm thành quyền, vận lực chuẩn bị sẵn. Chỉ chờ Hồ Đỗ vùng dậy là sẽ phản kích ngay.

" Thì ra là đám người sơn trang Bách Điểu các ngươi. "

Mạc Viễn cười khẩy, đang định nói mình đã tiên liệu trước được mọi chuyện thì nơi đáy mắt đã phản chiếu nắm đấm đang liên tục lớn dần của đối phương. Y hốt hoảng, hai tay cong thành ưng trảo với ngón cái, trỏ giữa cong lại như móc câu, ngón út và ngón đeo nhẫn thì nắm lại. Lão nghiến răng nghiến lợi vận kình chộp vào cổ tay đối phương, thầm nghĩ phải vặn gãy cổ tay Hồ Đỗ.

Bốp!!

Nào ngờ lực đấm của Đỗ quá mạnh, tay hắn vừa mới vồ trúng đã gãy ngón, leng bàn tay rách một đường. Liền ấy, vành bụng trúng một cú nặng, Mạc Viễn lập tức thấy ngũ tạng rung động dữ dội khác nào có địa chấn trong người. Ấy là bởi yếu huyệt Thần Đình ở chính giữa rốn bị đánh trúng.

Mặc dù đã đề phòng Hồ Đỗ đánh lén, song Viễn lại không biết Hồ Đỗ càng bị thương thì sức lực lại càng mạnh, kình lực phát ra càng hùng hậu.

Viễn phun máu, bị Đỗ đánh cho văng ngược ra sau. Thân hình nặng hàng mấy chục cân của hắn đè lên hai đệ tử trẻ của sơn trang Bách Điểu đứng đằng sau. Hai người vội đưa tay lên đỡ theo bản năng, thế nhưng kình lực phá núi của Đỗ trên người Mạc Viễn còn chưa tan hết. Nay từ lưng truyền đến chấn thẳng vào cánh tay của hai người kia.

Rắc! Rắc!

Hai người kia ngã ngửa, hai cánh tay đã gãy lìa thì chớ, lại còn bị thân hình cao lớn của Mạc Viễn đè lên. Đau tới nỗi hai đệ tử của sơn trang bất tỉnh luôn. Hồ Đỗ lắc mình đứng lên, thở dốc. Cổ y lừ lừ quay sang chỗ Mộc Thạnh một cách máy móc, chậm rãi. Dưới ánh trăng mờ mờ, đôi mắt vô thần của y trông càng dễ sợ hơn. Mặt Hồ Đỗ nay đã đỏ bừng lên một màu máu tươi roi rói. Đám người Mộc Thạnh rùng mình lên, một dự cảm chẳng lành xuất hiện trong tâm khảm.

" Ác ma. Tên An Nam này đích thị là ác ma chuyển thế... "

Mộc Thạnh lắp bắp. Lão không nhận ra cơ thể mình đang co lại theo bản năng hòng cố gắng né tránh ánh nhìn của Hồ Đỗ. Sau lưng y, tay phiên dịch thì ngã ngồi, ba chân bốn cẳng bò đi tìm đường trốn. Chỉ có thiếu nữ áo trắng là hẵng còn giữ được bình tĩnh.

Hồ Đỗ bước về phía họ. Trông y như một con quỷ vừa tắm trong máu tươi mà bước ra. Y nhặt thanh việt lên, nắm chuôi kéo nó theo. Lưỡi rìu cày một đường vừa sâu vừa rộng trên mặt đất.

Không ai là không hoảng. Mộc Thạnh nghiến răng, bàn tay trái đặt lên bả vai phải. Ánh mắt lão lần đầu tiên hiện lên vẻ tuyệt vọng.

[ Chẳng lẽ ta phải bỏ mạng ở đất Nam này ư? ] - lão nghĩ.

Gã thanh niên thì không cần phải nói. Hồ Đỗ còn chả thèm nhìn y lấy một giây, nhưng y cũng chỉ thiếu điều tự làm ướt quần mình mà thôi.

Trong ba người, chỉ có thiếu nữ áo trắng là còn tỉnh táo. Mặc dù cũng sợ đến nỗi run cả người, song cô vẫn tin rằng Hồ Đỗ chỉ đang gắng gượng chống chọi. Y đã mất máu quá nhiều, chưa bất tỉnh hoàn toàn dựa vào ý chí kiên cường mà thôi.

Cô không tin trên đời có một thứ võ công nào khiến người luyện thoát li được khỏi phạm trù " con người ".

Tuy nhiên, trí óc con người cũng luôn là cội nguồn của những thứ kì diệu và không tưởng. Một thứ bí ẩn mà tiềm năng của nó thậm chí chưa thể lí giải bằng khoa học hiện đại. Có những lúc, chỉ bằng sự kiên cường, con người có thể làm những điều không tưởng như tải hàng chục cân lương thực vượt mấy cây số đường rừng.

Hồ Đỗ đã kéo thanh việt dài đến trước ba người. Mặt y tối sầm lại do khuất ánh trăng. Chỉ có đôi mắt trợn to, đầy tơ máu là hiện rõ. Ánh nhìn ấy in sâu vào kí ức của ba người chứng kiến nó, trở thành một vết sẹo ác mộng.

Đỗ chậm rãi giơ cao thanh rìu chiến lên, lưỡi rìu soáng loá như muốn xả đôi mảnh trăng trên đầu.







Phịch.

Tạng Cẩu ngồi một mình trong khoảnh sân vắng vẻ. Lá xoài rụng lả tả quanh người, bám cả vào vai vào tóc nó. Nó ngơ ngác nhìn vào lòng bàn tay mình.

" Mình được gọi là Chó Bẩn, dùng võ chó cũng hợp lắm chứ. "

Nó lẩm bẩm, đoạn hít sâu một hơi rồi đứng dậy. Tạng Cẩu khẽ vươn vai, các khớp xương duỗi ra lách cách. Trong đầu nó hệ thống lại một lần những gì Khiếu Hoá Tăng vừa giảng giải, rồi mới đi quyền đầu tiên.

Phách!

Yếu. Thực là rất yếu. Đòn đấm không lấy đà " Chó cậy gần nhà " của Tạng Cẩu không có một chút uy lực nào hết.

Nó thấy vậy thì chặc lưỡi kêu khó, toan đổi qua luyện chiêu khác thì tay bỗng ngừng lại không nhúc nhích nữa.

[ Mới gặp có một chút khó khăn đã bỏ cuộc thì trả thù bằng cách nào hả Cẩu? Không được. Mình phải luyện tiếp. ]

Tạng Cẩu hít sâu, sau đó vận sức nhấn về phía trước như Khiếu Hoá Tăng vừa làm. Song vô ích... Nó có thể cảm nhận được sự yếu ớt và bất lực của cú đánh.

Luyện thêm chừng hai chục lần, Tạng Cẩu đã thấm mệt ngồi phịch xuống đất mà thở hổn hển. Nó lấy tay quyệt mồ hôi trán, nghĩ:

[ Không ổn, cứ nhắm mắt làm theo thì không hiệu quả. Tại sao chiêu thức lại tên là Chó Cậy Gần Nhà? Chữ " gần " ấy có ý nghĩa là gì? ]

Tạng Cẩu vò đầu. Một chiêu đầu tiên của võ chó cũng đã khiến nó bế tắc, thì luyện những chiêu đằng sau còn khó khăn tới mức nào??

Cẩu không hề biết, ngoại trừ hai chiêu Khiếu Hoá Tăng không dạy nó, thì Chó Cậy Gần Nhà là khó luyện nhất. Muốn thi triển được nó thì người luyện phải khống chế, dung hoà được lực do các bó cơ ở chân, eo, hông, lưng, vai, cánh tay và cổ tay phát ra. Đấy cũng là cách ông dằn mặt nó, nhắc nhở nó chớ có tự kiêu tự đại.

Tạng Cẩu nghĩ mãi mà chẳng thông, lại nhẩm tính thì chắc hẳn đã đến canh ba, chỉ còn hai canh nữa là trời sáng. Thế mà nó vẫn đang loay hoay chưa đánh được chiêu nào cho ra ngô ra khoai.

Sáng sớm mai nếu nó thua, Hương sẽ không đưa đao cho nó mượn, thế thì chẳng phụ một phen nhọc lòng của Khiếu Hoá Tăng hay chăng?

Tạng Cẩu dùng hai tay vỗ vào mặt đánh bốp một cái. Nói đoạn, nó ra chum nước, vốc mấy vốc tay vào mặt cho tỉnh ngủ. Nó mon men đi qua khoảnh sân trước, đang định lui về sau trai phòng chỗ có cây xoài thì bỗng nghe có tiếng người thì thầm to nhỏ.

Âm thanh vọng ra từ trong chính điện, ánh nến hãy còn để đượm.

[ Hay thần linh trong miếu hiển linh? Dám lắm. Mình với Phiêu Hương, Khiếu Hoá Tăng vào ở không xin phép đã đành, lại còn nghịch ngợm làm loạn chốn thanh tịnh. Khiến cho hương hoả vung vãi khắp sân. Chết! Có khi nào thần về trách tội hay không? ]

Tạng Cẩu càng nghĩ càng thấy sợ. Nó từng nghe kể thời nhà Lý tuyệt tử tuyệt tôn, sông Tô Lịch bị thu hẹp lại là do lời nguyền báo oán của ông Dầu bà Dầu. Nhỡ thần linh cho rằng ba người họ phạm thượng, xuống trách phạt vặn cổ cả nút thì sao? Thành thử, Tạng Cẩu lấy tìm mấy que hương, rồi rón rén đi tới sát cửa.

Qua khe cửa, dưới ánh nến sáng trưng, nó thấy Khiếu Hoá Tăng đang ngồi trước hương án mà xuýt xoa. Thanh đao Lĩnh Nam đặt ngang trên bát hương. Lưỡi đao mỏng như lá lúa, làm từ đồng đen bóng loáng.

Lão sư ăn mày dùng mấy ngón tay đụng khẽ lên sống đao, động tác rất chậm và nhẹ. Như thể lão sợ làm thần binh phật ý vậy. Cảm nhận cái sự trơn bóng và mát lạnh khác nào ngọc quý mấy ngàn năm của đồng đen huyền thoại, lòng lão sướng rơn như có kiến bò.

Phiêu Hương đang ngồi ở cánh tả phòng, trên một cái bàn đơn khá dài lúc trước được dùng để đặt đồ vàng mã. Cô bé cầm chiếc lược con, nhẹ nhàng chải lại mái tóc của mình.

" Này, tôi chỉ cho lão mượn xem đến đúng sáng mai thôi đấy. Nhớ giữ lời, không là tôi loan tin khắp thiên hạ. "

Khiếu Hoá cười hì hì, nói:

" Yên tâm, yên tâm. Ta nhớ rõ thỏa thuận với nhóc mà. Đúng thật là. Mai đánh cái là rõ ràng ngay Khiếu Hoá Tăng này không dạy nó dăm đường võ chợ, còn phải dùng trò này để thử lão ăn mày nữa. "

" Ai mà biết được! Lão võ công cao như thế. Ngộ nhỡ dạy cho Tạng Cẩu mấy ngón chỉ chuyên khắc chế võ công của tôi, đối phó với người ngoài lại vô tích sự thì tôi biết phải khóc với ai bây giờ? "

Hương táo tợn trợn mắt lên trừng lại lão sư ăn xin. Khiếu Hoá Tăng nhún vai, quay đi tiếp tục thưởng thức thanh đao Lĩnh Nam. Một người đã đạt đến cái địa vị của lão há lại đi đôi co tranh chấp với một đứa bé?

" Con nhóc này, ai không biết chuyện của hai đứa chúng mày có khi còn nghĩ nhóc muốn gả cho bé Chó nữa đấy. "

" Lão còn nói linh tinh nữa là tôi đòi lại thanh đao nha. "

Tạng Cẩu ở ngoài điện, nghe thấy hết thảy. Nó chỉ biết quay đi, hướng về phía sân sau mà rảo bước.

Cẩu ngồi xuống, hồi tưởng lại cách Khiếu Hoá Tăng thi triển từng chiêu từng chiêu của võ chó. Rồi, chẳng rõ bản thân từ lúc nào mà Cẩu đã nhập mộng.

Sớm hôm sau...

Phiêu Hương đang say giấc nồng thì thình lình bị đánh thức bởi tiếng huyên náo. Nghĩ là Khiếu Hoá làm, cô bé bèn quay đầu nhìn qua. Chỉ thấy lão sư ăn xin vừa mới viết xong chữ cuối cùng vào quyển sách mang theo bên người. Nét mực nơi đầu bút hãy còn chưa khô.

Tò mò, cô bé đến bên cạnh ông ta, đưa mắt nhòm vào trang sách. Thì thấy bên trái ghi ba chữ Nôm: đao Lĩnh Nam, phần còn lại là đặc điểm cụ thể của thanh đao như hình dáng, cân nặng, chiều dài, trang trí.

" Đao Lĩnh Nam, dài ba thước ba tấc, nặng bốn cân năm lạng, thuộc loại đoản đao. Lưỡi cong thẳng, mỏng như tờ giấy, được đúc hoàn toàn từ đồng đen nguyên chất. Mặt đao trơn, bóng loáng và mát lạnh như ngọc trai chôn dưới băng cứng. Cuối lưỡi đao, gần hộ thủ có chạm chìm hai chữ Nôm Lĩnh Nam.

Nghi vấn: đao báu có thể là do tổ nghề đúc đồng Không Lộ tự mình làm ra.

Này... ông Khiếu Hoá, ông có đem cân với thước theo hả? "

Khiếu Hoá Tăng đáp:

" Cần gì phải cân với thước cho rườm rà? Lão viết cuốn Thần Binh Phổ này đã nửa đời người, quen việc lắm rồi. "

Rầm! Rầm!

Đúng lúc ấy, cánh cổng trước của ngôi miếu cũ bị xô đổ. Hai tấm gỗ dày cộm nặng nề nện xuống sân gạch, làm một đống bụi mù bắn tung lên không trung. Nói đoạn, có một thiếu niên ngã sấp vào trong sân trước, toàn thân bê bết những máu và mồ hôi.

Phía đông thình lình vang lên bảy tiếng vỗ tay, khiến thiếu niên tức khắc trở nên cảnh giác. Được một chốc, thì đằng đông cũng có mấy tiếng huýt gió đáp lại. Tiết tấu dài ngắn khác nhau, chứng tỏ đây hẳn là ám hiệu của một bang phái giang hồ nào đấy.

Thiếu niên nọ không ai khác chính là Liễu Thăng. Nghe tiếng huýt gió, cậu lập tức biết ngay ắt là có chuyện chẳng lành sắp xảy ra với mình. Thế là vội vàng nén đau lết dậy, kéo tấm thân đầy thương tích về phía chính điện. Liễu Tử Tiêm nhấn từng bước một, bước sau lại nặng hơn bước trước. Mồ hôi cậu tứa ra đầy trán.

" Này! "

Tiếng gọi bật lên ở phía xa xa, nghe sao mà quen thuộc. Liễu Thăng gắng gượng ngẩng đầu dậy, nhưng bóng tối đã trùm lên đôi mắt trước khi cậu kịp nhận ra người vừa mới lên tiếng.

Phịch.

Gục xuống giữa sân, Liễu Tử Tiêm như cảm thấy ánh nắng cứ xa dần... xa dần... Mãi đến khi chìm hẳn vào tối tăm và lạnh lẽo mới thôi.

Tạng Cẩu vực Liễu Thăng vào trong chính điện. Bấy giờ Khiếu Hoá vẫn đang ngồi thu lu một góc chờ mực khô, còn Phiêu Hương đã đòi lại thanh Lĩnh Nam từ tay lão.

Nhác thấy bóng Tạng Cẩu, cô bé lập tức vỗ tay reo lên:

" Đến rồi à Cẩu? Hay lắm, chúng ta đánh đi... "

Hương còn chưa kịp quyết định hình phạt thì bóng dáng bê bết máu của Liễu Thăng đã xuất hiện nơi bậc thềm của chính điện. Mặt cậu tái hẳn đi, tóc bết dính lại trông đến là thảm. Trông Tử Tiêm lúc này chẳng khác gì Tạng Cẩu vào cái ngày hai đứa lần đầu tiên gặp gỡ cả.

Còn không đợi Tạng Cẩu phản ứng lại thì Khiếu Hoá Tăng đã lướt đến, nhẹ như một làn gió. Ông đưa mấy ngón tay kiểm tra mạch tượng của Liễu Thăng, rồi nói:

" Không có gì. Nó vận động quá sức với bị mấy vết thương ngoài da thôi. Dùng chút thuốc cầm máu là khỏi. Tạng Cẩu, con còn giữ đống lõi chuối hôm qua không? Đắp lên cho nó đi. "

Tạng Cẩu vâng dạ, rồi lóc cóc đi ra sau vườn để kiếm mớ lõi chuối tối qua. Phiêu Hương đang chẳng có chuyện gì để làm, bèn nhảy xuống khỏi bàn theo sau. Vừa đi, cô bé vừa tò mò:

" Này! Hôm qua đằng ấy được Khiếu Hoá Tăng dạy môn gì thế? "

" Bí mật... "

Tạng Cẩu nhún vai, nói bằng chất giọng trêu tức học của chính cô bé. Dù biết Hương làm vậy là muốn báo ơn cho nó, nhưng chẳng rõ vì sao nó không thích điều ấy một chút nào cả. Trái lại, nay Cẩu có cứ có cảm giác nó mắc nợ Phiêu Hương.

Cô bé bị nó trêu ngược lại, tính trẻ con háo thắng lại nổi lên. Thế là Hương bám riết lấy nó, hỏi đi hỏi lại, hết nài nỉ lại đến làm nũng, nhõng nhẽo không được lại vờ như giận dỗi. Tạng Cẩu chỉ chịu được một chặp là thấy đau đầu, bèn ba chân bốn cẳng dùng Lăng Không Đạp Vân bỏ chạy. Ấy vậy mà vẫn cứ bị đuổi theo sát rạt không tha.

Hai đứa vừa trêu nhau vừa đuổi bắt, thoắt cái đã ra đến khoảnh sân có cây xoài. Tạng Cẩu tìm một lúc là thấy ngay đống lõi chuối. Hoá ra tối qua nó mệt, nên kê làm gối ngủ luôn.

Các vết thương trên người Liễu Thăng đã được Khiếu Hoá Tăng xử lí, sát trùng. Ông đắp lõi chuối lên rồi băng lại để cầm máu, rồi để cậu nằm nghỉ.

Nói đoạn, lão sư ăn mày gọi Hương với Cẩu ngồi sát mình, dặn hai đứa nó trong ngày hôm nay tốt nhất đừng có ra khỏi chính điện. Tạng Cẩu thì trầm tính hướng nội, lại nghe lời nên không sao. Phiêu Hương tinh nghịch từ bé, thấy phải bó chân bó tay nguyên ngày trong phòng nên mặt cứ xịu xuống.

Khiếu Hoá nhún vai:

" Hai đứa không nghe lời lão ăn mày này cũng được. Cùng lắm lão này hốt xác hai đứa về bàn giao với lão gió thôi. "

Hết cách, Cẩu đành kéo Phiêu Hương ra ngoài sân, nhặt vội mấy cái lá với cành cây nhỏ rồi chạy vào.

Hồ Xạ và hơn một vạn quân Đại Ngu còn sống bị vây chặt dưới chân gò. Phía xa, pháo vẫn đang gầm thét, rít gào khản đặc cả cổ.

" Tướng quân... chúng ta nên làm gì bây giờ? "

Trần Đĩnh kéo sát lại, lưng đối lưng với Hồ Xạ. Y tránh không nhìn lên đỉnh gò, nơi chiến hữu đang bị dội hàng đống đạn lên đầu. Xa xa, truyền lại những tiếng kêu tham

Yếu dần... rồi tắt hẳn.

Có thể là đội cung binh Đại Ngu đóng trên đỉnh gò đã bị pháo nã tan tành kẻ may thì trốn thoát người xui thì bỏ mệnh, cũng có thể họ chẳng thèm kêu gào nữa. Im lặng, không còn một tiếng động nào. Mọi dấu hiệu của sự sống bị những tiếng gào rền vang của hoả pháo che kín.

Pháo ngừng bắn.

Trương Phụ tiến lên chỗ cao, chum tay quanh miệng hét lớn:

" Quân Đại Ngu nghe đây, Lê Quý Li thân là thần, mà lại ám hại quân chủ, lật đổ nhà Trần. Trương Phụ ta được Minh thành tổ uỷ thác giúp các người khôi phục cựu triều, còn đợi gì mà không quy hàng? "

" Nên đánh hay không, xin theo tướng quân. " - Một tiểu tốt đến sát bên, cất tiếng hỏi. Hồ Xạ nhìn qua. Thấy y hãy còn trẻ. Quá trẻ. Đôi tay cầm thương hãy còn run lập cập, lóng ngóng chưa quen.

" Đánh được không đây? "

" Tôi nhận ra chúng. Thần Cơ sang pháo đây mà. "

" Trời ơi! Thế thì chết! Chết hết mất thôi... "

Hồ Xạ nghe thấu từng tiếng bàn tán của đám binh sĩ bên cạnh hắn, ngay cả khi họ đã cố đè thấp giọng xuống. Xôn xao... tiếng người, lẫn cả tiếng lòng.

" Đánh! Tất nhiên phải đánh! "

Hắn cắn chặt răng mình, đôi tay xiết lại. Chẳng nhẽ lại thua ở đây? Gần năm vạn quân, coi như tính thêm số thương vong trong trận thuỷ chiến hồi sáng cũng còn ngót bốn vạn hơn. Lẽ nào không thể liều một phen? Thế là Hồ Xạ rút luôn hai mũi tên ra, vạch một cái lên bắp cánh tay mình. Máu đổ thành dòng xuống đất, nhỏ thành một dải dài.

" Anh em trên gò, dù còn chiến đấu hay đã mãi mãi đi xa, Hồ Xạ kính trọng mọi người. Giữa chiến trường không có rượu, xin dùng máu tươi tế hồn, lấy đầu giặc làm thức cúng tiễn vong anh em về chốn Tản Viên, hoà vào sông Đà. "

Nói đoạn, vẫn mũi tên đầy máu, y ném mạnh chúng về phía Trương Phụ đang đứng. Mũi tên nhuộm thắm dòng máu Đại Việt lao vút đi...

Phập!!

Trương Phụ vẩy quan đao, gạt phăng hai mũi tên của Xạ xuống đất. Mép y khẽ nhếch, nói to:

" Được! Xem như ta đã tiếp nhận chiến thư của mấy người! Quân bay! "

" Dạ!! "

" Dạ!! "

Chỉ sau một câu lệnh của Phụ, hàng chục vạn nòng súng mũi tên quân Minh đã giương hết vào quân Đại Ngu. Quá nửa trong số chúng nhắm vào Hồ Xạ.

" Kẻ nào dám tiến thêm một bước, lập tức bắn hắn thành cái sàng! "

" Rõ! "

Mấy vạn quân Minh đồng thanh hét vang. Âm thanh họ vang và cứng như đồng như sắt, khí thế còn mạnh mẽ hơn lúc trước.

Trần Đĩnh quay sang Hồ Xạ, thắc mắc:

" Địch không bắn tiếp ư? "

" Tại sao lại thế nhỉ? "

" Kéo dài thời gian mà thôi. Đừng cho chúng thoả nguyện. Anh em phía sau bán mạng cản đường cho quân ta đấy. "

Hồ Xạ chỉ muốn dấy quân tiến đánh. Chỉ cần vượt qua một khoảng ngắn cỡ nửa sào đất thôi, thì hai đội quân Minh - Ngu sẽ hoà làm một. Lúc ấy thì sợ gì hoả pháo nữa? Nhưng khi hắn nhìn quanh mình, vẻ do dự của các binh sĩ hiện rõ nơi đáy mắt hắn. Không phải không thể, mà không muốn tiến...

Bất chợt, trận thế của quân Minh tách ra một con đường. Một tốp chừng trăm sĩ binh giải khoảng trăm người bị trói nghiến bằng dây thừng ra giữa hai quân. Quân Minh nắm tóc, giật đầu cho họ ngửa mặt lên.

Dưới gương mặt đầy đất bùn là lớp da cổ cháy nham cháy nhở. Gương mặt họ đờ đẫn cả ra, đôi mắt đục ngầu đi. Chỉ ông trời mới biết những người này đã bị tra tấn dày vò đến mức nào.

Trương Phụ hoành đao, cao giọng:

" Bớ Hồ Xạ, đây chính là tù binh bọn ta bắt được suốt từ trận Đa Bang đến giờ! Nhưng thiết nghĩ binh sĩ thân bất do kỷ, lòng vẫn còn hướng về Trần triều nên thiên triều ta cũng muốn mở lượng hải hà.

Nếu bây giờ ngươi đầu hàng, ta hứa sẽ thả hết binh tướng các người, còn dâng chiếu lên thánh thượng tha tội cho. Nhược bằng không... "

Lão ta dừng lại một chút, sau đó cười khẩy.

Phập!

Một cái đầu người lập tức rụng xuống. Trương Phụ lại giục cương, con ngựa chồm vó lên.

Cốp!

" Còn nếu không, trước lấy mạng bọn này tế cờ, sau lại giết sạch đám quân phụng sự nhà Hồ. "

Quân tâm Đại Ngu hỗn loạn.

Hồ Hán Thương phân cho Hồ Xạ, Hồ Đỗ năm vạn quân. Nhìn thì có vẻ như độ lượng, kì thực dưới trướng hai người này quá nửa đều là cựu binh nhà Trần. Vốn họ đã chẳng ưa gì triều đình Đại Ngu cho cam. Nay tình cảnh lại bi đát thế này, khiến nhiều người bắt đầu sinh lòng thoái ý.

" Tướng... quân... hay là chúng... ta... "

" Ai dám nói chữ " hàng ", làm lòng quân nhiễu loạn thì chớ trách mũi tên trong tay Hồ Xạ này! "

Hồ Xạ nghe xong, nạt ngay. Y cứ nghĩ đến cảnh bụi tung mù mịt lúc trước, mà trong tim như đốt lửa.

Nay mà hàng, thì ăn nói sao với những anh em đã ngã xuống?

Y quá non so với Trương Phụ.

" Anh em ơi, ta là Tông Đỗ đây... ở đây đều là các anh em đã vào sinh ra tử. Nam dẹp Chiêm, tây đánh Ai Lao... Hồ Xạ, Hồ Hán Thương đều là lũ vô tình bạc nghĩa chỉ coi chúng ta là quân cờ dùng xong rồi vứt. Chẳng lẽ anh em vào sinh ra tử với Tông Đỗ này cũng thế ư? "

Một tên tù binh bỗng cao giọng, xướng lên thống thiết. Mắt y trào lệ máu, men theo những dải tóc khô bết dính vào gò má đầy đất bùn thành dòng mà rỉ xuống tận cằm. Trông có khác nào loài quỷ đói dưới địa phủ?

" Tông Đỗ tướng quân đấy ư? "

" Ngày xưa ngài ấy từng cứu chúng ta một mạng đó! "

" Nhớ lúc ấy trong rừng có nạn vắt không?? Ngài ấy lấy lửa hơ cho từng người, còn tự mình cõng các anh em về tận miền xuôi... "

Giữa ba quân vang lên tiếng người, chủ yếu là kể lể công lao Nguyễn Tông Đỗ từng làm khi còn đánh nam dẹp tây dưới triều Trần. Là chân tâm thực ý hay thủ đoạn thu phục nhân tâm? Không ai dám nói điều gì. Nhưng sự thực rành rành ra đấy, Nguyễn Tông Đỗ thực sự đã làm những việc này.

" Hửm? Vậy là ngươi bỏ rơi họ sao Hồ Xạ? Trong quá khứ các ngươi đều từng phụng sự cho triều Trần, không phải sao? Sắt đá lắm! Máu lạnh lắm! Khá khen cho Hồ Xạ ngươi, Trương Phụ này tự thẹn không bằng đám vua quan giặc cướp mấy người. "

Trương Phụ vừa nói xong, lại nâng đao chém một nhát. Kẻ bị tế cờ lần này không phải ai khác, chính là Nguyễn Tông Đỗ. Với khuôn mặt bê bết máu, y vội la lên:

" Khoan đã! Hầu gia, ngài đã... "

Phập!

Nhưng đã quá muộn. Trương Phụ nhớ rõ mình đã hứa nếu Nguyễn Tông Đỗ chịu hợp tác, lão sẽ tha cho y một mạng. Nhưng xét thấy hiện giờ y chỉ là một con chó già trung thành mà không nanh chẳng vuốt, đã không còn giá trị nào để mà giữ lại nữa. Một đao bổ xuống, kết liễu đời Nguyễn Tông Đỗ - bại tướng thành Đa Bang - cũng thuận tiện khiến quân sĩ Đại Ngu càng do dự muốn hàng.

" Tướng quân!!! "

Trong quân có tiếng thét thất thanh hoà cùng tiếng nấc.

Đúng lúc này, có một bóng người chạy vụt lên đỉnh gò, hét vang:

" Hồ Xạ chỉ lo cho hắn và vây cánh của nhà Hồ thôi! Chúng nó không coi anh em binh sĩ triều Trần chúng ta ra cái đinh gì đâu! Trong mắt nó, ta chỉ là công cụ dùng xong là vứt thôi. Anh em thấy Tông Đỗ bị đối xử ra sao rồi đấy.

Cho nên hãy nghe theo tôi, để chúng nó biết ai mới là quân cướp nước hèn hạ! Phục hưng triều Trần!! "

Đứng trên đỉnh gò, mặc chiến giáp sáng choang và thanh gươm chói loà trên tay không ai khoác ngoài Nguyễn Công Khôi. Sau lưng y phấp phới hai lá cờ cắm chéo nhau. Là cờ vuông vức truyền thống, với những tua dài như ngọn lửa và nền vàng rực rỡ. Mặt cờ thêu một chữ " Trần " rất lớn.

Quân sĩ nhìn nhau, rồi lại nhìn Hồ Xạ.

" Anh em chớ nghe giặc hồ ngôn xảo ngữ! Chúng chỉ muốn cướp nước ta đó thôi! "

" Hồ Hán Thương vốn là tên phản trắc vô ơn! Ngày hôm qua Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng bị giam ra sao? Chuyện này trong quân có không ít người biết đâu!

Anh ruột mình mà Hồ Hán Thương còn nhẫn tâm hạ ngục được, thì chúng ta trong mắt y khác gì sâu kiến? Hôn quân vô đạo như thế có đáng để chúng ta theo hầu hay chăng? "

Nguyễn Công Khôi lại ngoạc mồm ra kêu gào.

Hồ Xạ nghe hắn trắng trợn đổi trắng thay đen như thế mà máu sôi sùng sục. Còn nhớ hồi hôm tên Nguyễn Công Khôi này vào hùa với Tông Đỗ hết lời bợ đỡ Hồ Hán Thương, tìm đủ cớ hãm hại Hồ Nguyên Trừng. Thế mà nay đã tỏ vẻ bất bình ra mặt, tiếc thương cho tả tướng quốc ghê lắm. Thật đúng là lưỡi không xương lưỡi lươn lưỡi lẹo.

" Mẹ kiếp! Tường thành Đa Bang mà dày bằng nửa cái mặt mày thôi thì giặc đánh thế chó nào được? "

Một người thích nói chữ như Hồ Xạ nay cũng đã phải văng tục, đủ thấy hắn đã điên tiết lắm rồi. Nguyễn Công Khôi bị chửi thì cũng thấy nóng mặt. Hắn lại nhớ đến bản thân, vì ham mê tửu sắc mà bại thê thảm ở Mộc Hoàn, bất giác sinh lòng tự ái ghê gớm. Song hắn lại sợ cái lườm của Trương Phụ hơn.

Thuận theo ý Phụ thì chẳng những sống khoẻ mà còn được sang giàu, nhược bằng không thì e đầu phải đổi chỗ. Nguyễn Công Khôi lựa chọn làm điều mà hắn cho là hợp lí nhất.

Hắn lại nghĩ:

[ Thằng Xạ này có tài ném tên hay nức tiếng. Mình mà léng phéng ở đầu đoàn quân khéo nó ném cho toạc trán. ]

Thế là hắn lủi ngay vào giữa đoàn quân. Giáp eo lúc lắc theo từng cử động của hông Công Khôi, trông chẳng khác nào con chó ghẻ chui vào lỗ.

Phụ cười khẩy, vung tay.

Phập!

Một cái đầu người nữa lại lăn xuống đất. Máu trào ra, tràn lên cuốn lấy đầu mũi tên của Hồ Xạ. Lần này, Trương Phụ tự mình thúc ngựa đến, quăng cái thủ cấp vào giữa quân trận nhà Hồ. Y cười khẩy, nói:

" Quân sĩ triều Trần, còn không mau lựa chọn?? Ơn trên của thiên triều ta sâu dày, song cũng có hạn thôi đấy. "

" Khốn nạn! "

" Tả tướng quốc công to bằng trời còn bị đối xử như thế, Tông Đố tướng quân không có công lao cũng còn khổ lao. Thế mà bị cũng bị vứt đi như vứt rác. Thế thì đám tiểu tốt chúng ta sẽ còn thế nào nữa?? "

" Thôi đi! Hi sinh vì nước thì có cái gì? Nếu như Tông Đỗ thực là anh hùng, nên khảng khái mới phải! "

Cự cãi, xung đột như một mồi lửa bị vứt vào đám dầu đốt, cháy phừng lên tận trời...

Dần dần, quân của Hồ Xạ vì những lời lẽ kích động ấy mà bắt đầu bị phân hoá làm hai bộ phận. Có đến gần một vạn binh mã bắt đầu lục tục quay gươm chĩa giáo về phía Hồ Xạ. Những người này đa phần là binh sĩ cựu triều, có không ít người từng tham gia trận kháng Chiêm Thành năm xưa. Hồ Quý Li soán ngôi xưng đế, họ đã muốn giải ngũ từ lâu. Chẳng qua vì tôn trọng Hồ Nguyên Trừng mà ở lại trong quân.

Năm ngàn quân, hoặc là đám cỏ lau gió chiều nào thì nghiêng qua chiều ấy, hoặc là những tên sợ chết đã sớm muốn tìm cho mình một cái cớ để quy hàng quân Minh. Nay Công Khôi đã cho chúng một cái cớ quá là tuyệt vời. Đúng! Chúng đâu có " phản ", chẳng qua là do Hồ Hán Thương, do nhà Hồ thất đức cả mà thôi.

Tính ra chỉ có gần hai phần mười số binh sĩ còn lại, cỡ hai ngàn người, là có giữ một chút lòng tin vào tướng quân của mình, hoặc không nở bỏ y lại.

" Anh em, nhà Hồ đốn mạt cướp nước lạm quyền, hãy theo tôi quy thuận thiên triều, lật đổ nó! "

Mạc Thuý xuất hiện bên cạnh Công Khôi, theo sau là một đội quân đông chừng hai vạn. Chẳng những có hàng binh khi trước, mà còn thấy cả những cung binh hồi nãy bị pháo nã trên đỉnh gò nhưng sống sót được xuất hiện hoà cùng cánh quân đang tràn xuống.

Sững sờ đến chết lặng, Hồ Xạ chẳng dám tin vào mắt mình kia là những con người mới rồi còn gắng gượng cố thủ trên đỉnh đồi nữa.

Giống như một con cờ domino vừa bị đẩy đổ, quân Đại Ngu gia nhập hàng ngũ phản quân càng lúc càng đông. Nháy mắt phản quân đã tràn đến chỗ Hồ Xạ đang đứng.

Hồ Xạ bước lên trước. Thương mâu chĩa tua tủa quanh hắn. Hắn nhận ra những mũi thương ấy nhuốm máu của ai, nhưng các gương mặt hiện lên nơi chuôi thương nhìn sao xa lạ quá? Ánh mắt họ xoáy vào hắn. Có căm hận, nhưng ít như lá mùa thu. Hả hê, thoải mái, nhẹ nhõm... thì sao mà chi chít tựa sao trời.

" Mẹ kiếp, Hồ Xạ! "

" Mày nên chết mẹ nó đi, thằng hèn! "

Hồ Xạ nay đã nhận ra nhà Trần chẳng qua chỉ là một cái cớ, một khẩu hiệu mĩ miều được treo trên miệng của cả Trương Phụ lẫn những cựu binh kia mà thôi. Thân là tiểu binh, có mấy ai quan tâm mình phục vụ kẻ nào? Có những người hành động cũng chỉ như con vật mà thôi. Ai cho ăn thì thờ, cho ở thì sùng, cho đàn bà thì quỳ lạy.

[ Ôi... nếu như chỉ cần lí tưởng đứng đắn sẽ nhất hô bá ứng, thì Hai Bà Trưng đã đâu đến nổi phải chịu cảnh lấy một địch trăm năm xưa? Và thế thì cũng chẳng có Việt gian. ]

Hồ Xạ thấy mình ngây thơ quá. Hắn đọc về ba cuộc kháng chiến Nguyên Mông, về những gương anh dũng xả thân vì nước mà nhiệt huyết sôi trào cả lên. Nhưng... thực tế lại luôn là một gáo nước lạnh tàn nhẫn tát vào mặt những kẻ mộng mơ.

Hồ Xạ ngửa đầu lên, giữa lúc hai ngàn binh mã của hắn cứ mòn đi dần.

Khắc ghi vào trong tâm hắn là ánh nhìn khẩn khoản, đau đớn của sĩ tốt trước lúc hơi thở cuối cùng bị đoạt đi khỏi hai lá phổi. Tỉnh? Mơ? Chẳng còn quan trọng nữa. Nỗi đau ấy dù ở trong mộng cảnh hay ở thực tại, thì nó cũng chân thực đến thắt tim cả.

" Giết lũ quỷ sứ nhà Hồ! "

" Chém chết bọn Việt gian bán nước! "

Chẳng biết ai khởi xướng, nhưng hai cánh quân Đại Việt lao thẳng vào nhau. Tiếng binh khí va chạm leng keng vẳng mãi ra xa, như chẳng muốn dừng lại.

Phập!

Thương nhọn hoắt đâm vào ổ bụng, xoắn đứt hết thảy.

Gương sáng loáng loé lên trong tối, một nhát bay đầu.

Máu Đại Việt đã chảy... thây Lĩnh Nam đã chất chồng... nhưng đâu phải vì núi Tản sông Đà hay hào khí Đông A? Binh sĩ ngã xuống hết lớp này đến lớp khác vì tính vị kỉ, vì ham muốn cầu sinh của chính người mà họ từng cùng thề sống chết.

Có người quê ở phía Nam, uống nước sông Hương mà lớn. Lại có kẻ sinh ra trên miền Kinh Bắc, tắm nước sông Hồng trưởng thành. Song... tiếng khóc than của đất mẹ Âu Cơ ngày hôm nay bị gần một vạn con người bỏ ngoài tai vì khúc xương hôi thối kẻ xâm lược vứt ra. Hai chữ đồng bào, bị bàn chân đất Giao Chỉ dày xéo, bị xối lên bởi máu Lĩnh Nam.

" Yaaaaaaaaaaaaaa! "

Trần Đĩnh dùng kiếm chém bay đầu hai lính cựu triều, máu đỏ vấy đầy mặt hắn. Thấy hắn dũng mãnh, nên tạm thời đám hàng binh không dám quấy rầy hắn nữa mà đi tìm cho mình một mục tiêu dễ dàng hơn. Trần Đĩnh được dịp thở dốc, kiếm chống xuống đất giữ vững thân hình đang lung lay.

Đôi mắt hắn thấu đỏ lên, nhìn Trương Phụ ở nơi xa. Giữa ba quân phương bắc, gã vương hầu thản nhiên ngồi trên lưng con ngựa chiến của mình, nhìn vào cuộc thảm chiến của dân Đại Việt bằng ánh mắt đầy như xem trò vui. Ấy là cái nhìn của một tên mê đá gà nhìn hai con chiến kê cùng mẹ tàn sát nhau.

Hồ Xạ thích nói chữ kiểu đao to búa lớn, trước hết hắn phải hiểu được đạo nghĩa to lớn tương đương. Tổ quốc, dân tộc. Ấy đều là những thứ lớn lao, vĩ đại. Cuối cùng, mỉa mai khác nào câu nói chữ cuối cùng trong đời Xạ, chẳng mấy ai hưởng ứng hắn.

" Mẹ lũ chó! "

" Im đi thằng óc lợn bẩn thỉu! "

Chẳng còn giọng hò đánh giặc nữa. Chỉ có tiếng mắng chửi nhau, gào thét trong cuồng nộ. Người Việt chửi dân Việt là chó, là lợn, là đủ thứ xấu xí và thấp kém mà chẳng cần biết hai bên vốn là con một nhà là gà một mẹ. Gươm, mác từng gác cạnh nhau trên cùng giá đỡ nay va vào, miết vào, chém vào nhau đến toé lửa.

Máu nhỏ xuống tựa dòng nước mắt, tiếng binh khí kêu như tiếng khóc than.

Một bản bi ca... Câu nói " Khôn ngoan đá đáp người ngoài / Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau? " có chăng chỉ còn là khẩu hiệu treo bên ngoài miệng. Xa xa, dòng sông Hồng bỗng cuộn xiết hơn, khác nào dòng nước mắt của mẹ Âu Cơ. Bầu với bí nay chỉ muốn đạp nhau xuống dàn.

Âu cũng đành vậy. Chín người thì mười ý, lắm thầy thì nhiều ma. Nếu ai cũng biết vì nước quên mình, thì có lẽ tên của Trần Bình Trọng đã không được lưu vào thanh sử, để con dân Đại Việt kính ngưỡng đến muôn đời. Đến con chó cũng có dăm bảy loại kia mà.

" Anh em... "

Xoạt!

Bất chợt, sau lưng Hồ Xạ tung lên một chùm máu. Cơn đau ập đến quá bất ngờ. Hồ Xạ không nghĩ giữa vòng bảo hộ của anh em, tấm lưng của hắn sẽ bị đánh lén.

Phập!

Kẻ đánh lén rên lên rồi ngã gục xuống, một mũi tên găm ngay giữa ngực y. Máu tràn ra, lấn vào cùng những bãi máu rải rác khắp chiến trường.

" Tại sao? "

Hồ Xạ ngoái đầu nhìn y, khẽ hỏi.

Kẻ ra tay đánh lén Hồ Xạ chính là cậu thiếu niên lúc trước, giờ đang co quắp với mũi tên trước ngực. Vẻ nanh ác vừa thoáng hiện lên trên gương mặt cậu ta. Ánh mắt trong một khoảnh khắc ra tay giống hệt như cái nhìn của loài dã thú. Nó khác hẳn với dáng run lẩy bẩy nắm thương hồi nãy khi y hỏi Hồ Xạ. Y là một lính " mới ", đầu quân cho triều đình sau khi Hồ Hán Thương lên ngôi chứ không phải lính cựu triều.

Trong trí nhớ của Hồ Xạ, cậu nhóc này hướng nội, ít nói lắm. Chỉ thỉnh thoảng lúc đã ngà ngà, bị anh em gặng hỏi bên bếp lửa mới lí nhí kể về quá khứ. Hồi ức cậu nhắc lại với nước mắt đầm đìa gương mặt thường là một vùng quê nghèo tầm thường nơi sỏi đá vương đầy những luống cày, khắp nơi là ruộng chua và đất mặn bạc cả màu.

Trước khi chết, tấm lưng còng còng, manh áo nhuộm bùn lam lũ với mái đầu dãi mưa sương với hai thứ tóc của mẹ là điều cuối cùng cậu nhớ về. Không biết sau mấy năm, bà có già thêm không, có thay đổi không. Lúc đâm ra phát thương cuối cùng của đời mình, nhắm vào chính vị tướng quân cậu hằng thần tượng, thiếu niên đã tưởng tượng ra viễn cảnh đoàn viên. Về quê, rồi không nhận ra mẹ mình đã già đến thế nào. Nói dối mẹ rồi bị lật tẩy ra làm sao. Kế đó, mẹ sẽ mắng cậu là thằng hèn, từ mặt cậu. Thiếu niên sẽ quỳ suốt đêm ngoài hiên...

Rồi bà sẽ ôn tồn bước ra, đưa bồ kết cho tắm, dặn:

[ Để tao cố đi làm thuê làm mướn, rồi kiếm một đám nào đấy cho mày. Không biết người ta có thèm thằng đào ngũ trốn về như mày không nữa. Thôi chịu khó lấy con bé nào đấy xấu xấu một tí vậy... tao sẽ cố tìm cho một đứa đảm đang. ]

Tất cả những điều ấy bị xuyên thủng bởi một mũi tên.

Hơi thở thiếu niên đứt quãng dần, cảnh trí trước mắt mờ đi trong tấm áo choàng xám ngoét của tử thần. Thế nhưng, hắn vẫn kịp thều thào được hai chữ:

" Xin... lỗi... "

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro