Hồi mười ba

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi mười ba

Trên thế gian lắm chuyện li kì

Trong thiên hạ nhiều người quái lạ

Sau khi diệt đi nhà Hồ, nước Đại Việt chính thức bị đặt làm một quận dưới triều nhà Minh. Bấm đốt tay nhẩm ngày, tính ra đến nay đã được hơn bốn tháng.

Trời bước sang tháng chín, cũng đã qua tiết trung thu. Tất nhiên năm nay dân tình chẳng ai có thì giờ đâu mà thưởng trăng mừng hội như thời nước còn an thịnh. Hào trưởng nghĩa sĩ thi nhau nổi dậy khắp nơi, chiến hoả cháy lan ra khắp cả nước.

Song cả Trương Phụ và Mộc Thạnh đều là kiêu tướng dày dặn kinh nghiệm sa trướng, quân dưới quyền toàn là tinh binh hãn mã. Mà nghĩa quân nói đúng ra chỉ là một đám ô hợp, không phải nông dân quen cày lạ kiếm cũng là anh trò nghèo chỉ biết bút nghiên. Cho dù có thêm đại nghĩa dân tộc, thì cũng chỉ là một đám cát có lí tưởng mà thôi. Thành ra nghĩa binh khắp nơi bị đánh cho thua liểng xiểng.

Vó ngựa tung bụi mù trời mù đất, hai con kiện mã chạy trối chết trên đường lớn.

Trung niên cưỡi con ngựa trắng mình mặc áo tơi, đầu đội nón tre chạy trước. Thớt ngựa da dẻ bóng lưỡng, bốn vó săn chắc khoẻ mạnh, lông bờm mượt mà dài, ánh mắt sáng như lửa. Rõ ràng không phải giống ngựa tầm thường.

Đuổi theo sau là con ngựa đốm, trên chở một thanh niên tuổi chừng đôi mươi đổ lên. Y bận y phục đơn giản, lưng dắt một thanh hổ đầu đao.

Thần sắc hai người rất khẩn trương, ra roi gấp gáp mười phần, không phải bị người ta đuổi giết thì cũng là đi trốn nợ.

Mà giờ đang buổi loạn lạc, nhà Minh xiết thuế ruộng nương rất gắt. Ngay đến người có tiền muôn bạc vạn mà còn chưa chắc mua được gạo mà ăn, thành ra lí do thứ hai rõ ràng không khả thi mấy.

Lại nhìn gần hơn, thì thấy cậu thanh niên cưỡi ngựa đốm chính là Lê Hổ.

Cậu này vốn là con nhà hào trưởng, tiền bạc không thiếu, ruộng nương trong nhà dư dả, thế nên có thể bỏ hẳn lí do trốn nợ đi.

Thế thì chỉ có thể là nguyên nhân thứ nhất.

Hai người họ đang bị truy sát...

Trung niên nọ cơ bắp cuồn cuộn, lồng ngực nở nang rắn rỏi, hơn nữa nắm tay cực kì hữu lực. Một thân ngoại công luyện tới mức không tệ chút nào, hoả hầu có ít nhất bảy tám phần.

Võ công Lê Hổ không tính cao, nhưng cũng là hạng tam lưu, trên giang hồ chỉ cần cẩn thận là có thể đi lại thoải mái.

Người truy sát hai người họ ắt phải có võ công cao cường lắm.

Hai người không dám lơi lỏng, một đường chạy thẳng từ Thiên Trường ( Thanh Hoá ) lên Trường Yên ( Ninh Bình ). Cưỡi ngựa không dừng vó mấy ngày liền, khó có thể giữ được tinh thần sáng láng.

Mà như thế thì càng dễ phạm sai lầm.

Người Nam có một đặc điểm kì lạ.

Đó là sức sinh tồn, thích nghi cao đến khó tin.

Chỉ mấy tháng sau khi nhà Hồ diệt vong, mà dân tình đã bắt đầu cuộc sống bình thường rồi. Tất nhiên, cũng do chính sách cai trị của nhà Minh hà khắc, nên càng phải cố mà làm cho có cái bỏ vào miệng. Tay làm hàm nhai, các cụ vẫn dạy như thế.

Lúc hai người Lê Hổ cho ngựa chạy đến kiệt sức, thì gặp ngay một quán nước ven đường.

Con đường lớn nối liền hai phủ chính, lại nằm cạnh ruộng lúa mênh mang, có quán nước cho dân cày âu cũng chẳng có gì làm lạ.

Mắt thấy địa phận Trường Yên chỉ còn mấy bước, hai người bèn buộc ngựa nghỉ chân, gọi một ấm chè tươi giải khát.

Trong quán có một bà chủ đang ngồi têm trầu. Khách hàng duy nhất là một gã ốm o đang ngồi uống nước, trước mặt có đĩa sắn luộc.

Dưới ruộng có một tên lực điền thúc trâu cày, chính đương kéo đến luống ngay sát bờ ruộng, cách quán nước chỉ mấy bước chân.

Cạch.

Tráp cày gãy đôi.

Gã lực điền càu nhàu cúi xuống, loay hoay không biết làm thế nào cho phải.

Bà chủ thấy thế mới gọi:

" Ới chú ơi, tráp gãy rồi thì buộc trâu lên đây uống chén chè hạ hoả rồi nhẩn nha ta nghĩ tiếp. "

Gã kia vừa leo lên, vừa làu bàu chửi hết tiên sư trời đất đến thánh thần thiên địa nào bẻ gãy toi cái tráp cày của hắn mới đóng.

Thoạt nhìn, tưởng như một buổi trưa bình thường như bao buổi trưa khác nơi thôn quê.

Trước mọi cơn bão luôn có một khoảng lặng.

Hai người Lê Hổ cũng lờ mờ ngửi thấy mùi bất ổn, thế nên vội vã trả tiền trà, toan đứng dậy.

Tháng tám vừa thu hoạch, chính ra đang buổi nông nhàn. Lúc này thì đào đâu ra nông dân đi cày?

Bỗng nhiên tên còm nhom lên tiếng:

" Bạn bè trên giang hồ gặp nhau ở đây, không mời nhau được chén chè đã vội bỏ đi như thế à?? "

Chỉ nghe cạch một cái, y đã vùng ngay dậy, hai con dao sáng loáng được rút ra từ trong chiếc khố đang đóng. Y múa chuỷ thủ tít mù, đoạn vung tay rạch liền mấy nhát về phía hai người.

Lê Hổ vội bạt hổ đầu đao, chém vào hai thanh chuỷ thủ. Chỉ nghe keng một tiếng giòn tan, cả hai mỗi người lui năm bước.

Đáng nói là hổ đầu đao vốn là vũ khí để chém, bổ. Trong các loại binh khí, chỉ có rìu đọ được lực trảm của đao. Còn chuỷ thủ là vũ khí ngắn chuyên để cận thân, đánh lén.

Thế mà hai người đều phải lui lại năm bước, chứng tỏ nội lực Lê Hổ không bằng gã còm nhom.

Trung niên nọ xấn lên, tung quả đấm to như miệng bát định bồi cho gã còm một nhát, thì tên lực điền đã phi tới. Chỗ hắn đứng vừa vặn chặn kín đường lui của hai người. Lòng bàn tay hắn đen xì, nhưng chẳng phải màu đen nâu nâu của bùn mà hơi ngả tím. Rõ ràng là một loại công phu độc chưởng, cách luyện có lẽ tương tự thiết sa chưởng.

Nào ngờ trung niên sớm đã có đề phòng y sẽ ra tay, thế nên khi gã lực điền vừa tung chưởng, ông đã hạ eo nhoài người tới, giáng cho một cùi chỏ vào ngay ngực. Gã lực điền to con là thế, trúng phải đòn nặng ấy cũng ngã nhoài ra.

Bất thình lình, bà già bán nước cũng tung người lên, tóm lấy hai cái kim châm để lẫn với têm trầu trên bàn phi vào hai người. Cả Lê Hổ lẫn trung niên đang ngưng thần đối địch, nhất thời không chú tâm. Công phu ám khí của bà hàng nước lại không yếu tí nào, thành ra cả hai đều trúng chiêu hiểm.

Hai người chỉ thấy chân tay hoàn toàn tê bại đi cơ hồ chỉ trong giây lát, thoắt một cái thôi, cả hai đã ngã phịch xuống nằm co ro dưới đất.

Ba tên sát thủ chẳng biết ai phái đến lừ lừ đi đến chỗ hai người. Nơi đáy mắt chúng cơ hồ có thể thấy rõ mồn một hai chữ " tiền ".

Trung niên cắn răng, thều thào:

" Cậu nhóc, Trần Ngỗi này liên luỵ cậu rồi. "

Chẳng là sau khi rời Tây Đô, hai người bọn Lê Hổ cứ bất an. Họ lo lắng âm mưu được đề cập tới trọng bức mật thư của Trương Phụ là thật. Dầu sao, hai người vốn dĩ đã có ác cảm với sơn trang Bách Điểu.

Thành ra, cả hai mới tức tốc lên đường về Thiên Trường tính nhờ quần hùng nghe ngóng tin tức, xảo hợp sao lại gặp ngay Nhật Nam quận vương Trần Ngỗi chạy từ Thăng Long xuống, chính đang bị sát thủ của sơn trang Bách Điểu truy sát, bèn giúp đỡ đánh lui kẻ địch. Được biết là ông đang muốn đến chỗ bà con xa là Trần Triệu Cơ ở Mô Độ trú tạm. Thế nhưng bị truy sát gắt quá, phải vòng xuống tận Thiên Trường.

Thế nhưng xui xẻo sao một trong bốn tinh của sơn trang Bách Điểu là Quạ tinh cũng có mặt ở đây. Y cả ngày sục sạo khắp trấn nhỏ chẳng chịu đi cho. Ba người phải náu trong nhà trọ ba hôm liền nghe ngóng không dám đi đâu.

Rốt cuộc, Phạm Ngũ Thư bèn nảy kế giả làm Trần Ngỗi, chạy về hướng nam. Còn Lê Hổ theo hướng ngược lại, dẫn Nhật Nam vương theo hướng bắc lên Trường Yên, tìm về Mộ Đô.

Nào ngờ chỉ còn cách Trường Yên một sải đất thôi thì bị tóm.

Ba gã sát thủ bàn nhau. Gã còm nói trước:

" Người ra giá chỉ cần đầu người, không cần bắt sống. Chẳng bằng cứ cắt cổ ở đây rồi mang đi. "

Bà già bán nước lên tiếng:

" Không được. Từ đây lên sơn trang Bách Điểu đường đi hiểm trở, ngựa khoẻ đi cũng phải mất bảy tám ngày. Ngộ nhỡ trời oi bức, thịt rữa hết chẳng nhận ra được thì làm sao nhận tiền? Đúng là cái lũ óc ngắn nông cạn chỉ biết nghĩ trước mặt. "

Tên thô tráng cãi ngay:

" Nhưng mang chúng theo cũng phiền phức chả kém gì. "

Cả ba đang tranh luận ỏm tỏi, thì bỗng cuối đường có tiếng cười truyền tới:

" Cắt đầu luôn cũng ngại, mang theo thì sợ phiền. Thôi để đấy, mỗ đến phân giải cho. "

Cả ba cùng giật mình, quay sang quát:

" Ai đấy?? "

" Ngư dân, dân chài lưới ấy mà. "

Từ con đường lớn xà vào quán nước đúng là một chàng ngư phủ.

Y ăn mặc có phần tuỳ ý xuề xoà. Quần thì ống cao ống thấp, tay áo thì dài lượt thượt. Đã vậy vạt áo còn buộc túm lại ngay trên rốn một quãng. Trông thực chẳng ra sao hết.

Thế nhưng ba gã sát thủ nghe y tự xưng là ngư phủ, lập tức đề phòng mười phần.

Ngư phủ là hạng người sống như thế nào?

Ngủ trên đầu sóng dữ, thức gối lên gió mạnh. Đây vốn là loại người chỉ hơi không cẩn thận thôi, là có thể ngã lộn cổ xuống nước. Không làm mồi cho cá, thì cũng chết đuối.

Kẻ nào lại dám mặc cái áo tay dài lượt thượt, quần ống cao ống thấp thế kia đi sông đi biển??

Y không phải ngư dân??

Ba tên sát thủ tự thắc mắc.

Đáp án cho câu hỏi đó chúng vĩnh viễn không thể nào có được.

Bởi...

Điều cuối cùng chúng được nghe trong đời là tiếng cười đầy giễu cợt của quái khách:

" Đơn giản lắm. Hai người kia cứ để mỗ dẫn đi, còn thủ cấp thì ba người các ngươi tự lấy của mình mà nộp. "

Trước con mắt sững sờ của Lê Hổ, ba kẻ nọ từ từ đổ gục xuống. Từ yết hầu chúng chảy xuôi xuống một tia máu mảnh như sợi tơ, thoắt cái đã thấm ra đầy đất.

Lê Hổ nhìn chàng " ngư phủ ", nhưng không dám lên tiếng. Trời mới biết y là bạn, là thù.

Kẻ đó vực đám người dậy, dùng hai ngón tay kẹp lấy ám khí mắc trong cổ ba tử thi mà rút ra. Máu bắn vọt ra thành tia đỏ ối, vẫn chỉ mảnh như sợi tơ tằm.

Thì ra, ám khí y dùng là một phiến lá thép mỏng như tờ giấy, nhọt hoắt như lá trầu không.

" Mời Nhật Nam vương theo mỗ về gặp chủ. "

" Muôn phần đội ơn tráng sĩ cứu mạng, nhưng hình như ngài nhận lầm người. Cái thứ bình dân lấm lem bùn đất như tôi thì vương với Nam cái quái gì kia chứ? "

Trần Ngỗi cười hề hề, nói.

Chỉ nghe ngư phủ kì quái đáp:

" Nhật Nam vương chớ sợ. Chủ của mỗ đã cho người vẽ mặt mũi của ngài, lại phái chúng tôi toả đi khắp nơi tiếp ứng đề phòng độc thủ của họ Trương. Quả nhiên không ngoài dự đoán, để tôi gặp được ngài ở đây. "

Trần Ngỗi nhíu mày, ngờ vực hỏi:

" Tên chủ anh có phải có một chữ Cơ?? "

Quái khách phất tay, nói:

" Quận vương cứ đi theo mỗ, rồi mọi chuyện sẽ sáng tỏ thôi. "

Trần Ngỗi nghĩ thầm với võ công của quái nhân, giết hai người họ không phải chuyện khó khăn gì. Hà tất còn phải dụ họ vào bẫy?? Thế là lục tục dìu Lê Hổ dậy, ba người cưỡi hai con kiện mã phi về hướng bắc.

Vó ngựa cuốn tung cát bụi vào trong không trung, nắm đất nước Nam lại theo những cơn gió ngược thổi mãi về phương xa.

Rất xa, tận kinh đô Kim Lăng của xứ Tàu.

Vương Sài Hồ, Liễu Thăng, Lí Bân dẫn theo chừng hai ngàn quân đưa một nhà ba ông cháu Hồ Quý Li sang Đại Minh vào chầu Minh thành tổ. Đồng thời cũng phụ trách áp tải những đồ trân báu, điển tịch quý giá vơ vét được từ Thăng Long sang cống cho vua Tàu. Nguyên một quan văn đã đầu hàng như Nguyễn Phi Khanh cũng đi theo.

Mất mấy tháng ròng trèo đèo lội suối, cực khổ trăm bề, cuối cùng cũng đến nơi.

Lại nói vì sao hành quân chậm đến vậy là bởi Trương Phụ đã căn dặn từ trước phải đối đãi cha con Hồ Nguyên Trừng đàng hoàng. Lão còn đặc biệt nhấn mạnh cho đến khi bản vẽ Thần Cơ sang pháo và thuyền Cổ Lâu đã nằm trong tay Chu Đệ thì không được để chàng ta phật ý.

Mà ai cũng biết Hồ Nguyên Trừng vóc dáng gầy yếu thư sinh, trói gà không chặt. Chớ nói là đi bộ, cưỡi ngựa phi nhanh chàng cũng không cưỡi được quá lâu. Hồ Nguyên Trừng lại cố ý để đại quân đi chậm, tránh cho cha già phải mệt nhọc.

Dọc đường đi, Hồ Phiêu Hương cũng dần nhận ra sự thay đổi của Tạng Cẩu. Dạo gần đây thằng nhóc ngồi thần ra nghĩ rất nhiều. Lúc thì khóc nấc lên, khi thì cười chua xót pha lẫn cả một chút tự giễu. Mỗi lần như thế, cô bé lại thấy lo sốt vó lên, nhưng chẳng biết phải làm sao cho phải hết.

Nhưng mỗi ngày qua đi, sự bài xích người bắc quốc phản chiếu nơi đáy mắt thằng nhỏ lại lớn lên một chút. Điều ấy ai cũng dễ dàng nhận ra.

Thu là mùa phong thay lá.

Đoàn người đi qua một rừng phong bạt ngàn. Lá phong đỏ rực như muốn đốt cháy cả bầu trời. Mỗi khi gió thổi kèn ra hiệu, là một trận mưa sắc đỏ lại trút xuống.

" Dừng lại nghỉ chân đi. Chẳng mấy nữa sẽ vào thành. "

Lý Bân thúc ngựa rong ruổi khắp một vòng doanh trại, ra lệnh.

Dù ăn may bắt được Hồ Quý Li, nhưng trong lúc đánh trận phải nhiều sai phạm, nên chẳng được phong tước thăng quan gì. Hiện tại còn thành chân chạy việc cho Vương Sài Hồ và Liễu Thăng.

Y căm vụ này lắm, đêm nào cũng nghiến răng nghiến lợi chửi xéo Trương Phụ, còn so sánh bản thân với Mạc Thuý.

[ Người ta bắt được giặc con thì được quan to lộc hậu, mình bắt hẳn được thằng giặc cha ấy thế mà chỉ làm thằng chạy việc. Đúng là quá bất công. ]

Đồ Ngu không phải Lý Bân, vĩnh viễn cũng không phải.

Chính vì thế, sự xuất hiện của hắn giống như một hòn đá ném vào lạch nước lịch sử.

" Theo tả tướng quốc đây thì thế nào? Nước làm đầu, hay nhà làm đầu? "

" Đương nhiên là quốc gia làm trọng, đại nghĩa làm đầu. Đây vốn là chuyện thiên kinh địa nghĩa, các bậc tiên hiền đều đã dạy như vậy. Bác Khanh, hỏi câu này có phải hơi xem nhẹ thằng em hay không? "

Lúc này dưới một gốc cây phong, trên phiến đá phẳng, ngồi hai người mặc áo nâu bằng vải bố đang đàm đạo say sưa. Lại có ba đứa nhỏ một nam hai nữ lóc chóc chạy ngang chạy dọc, lúc thì hầu trà khi thì đấm bóp, nhưng lúc nào tai cũng dỏng lên nghe.

Ấy đúng là mấy người Nguyễn Phi Khanh, Hồ Nguyên Trừng và ba đứa nhóc con Tạng Cẩu.

Cô bé từng đầu độc Hồ Nguyên Trừng vẫn đi theo chàng kể từ sau chuyện ở Kì La, đuổi sao cũng không đi. Tính đến nay đã được gần bốn tháng.

Lạ một cái là suốt mấy tháng ròng cô bé nọ không nói một tiếng nào, giống như bị câm vậy. Cô lại không biết chữ, không viết được tên họ mình ra cho dễ gọi. Hồ Phiêu Hương bèn lấy cho cái tên Hằng, đặt theo tì nữ cũ của cô.

Nguyễn Phi Khanh cười nhạt, nói:

" Ấy ấy, chớ vội khẳng định chắc nịch như thế. Bác cứ thư thư đấy nghe tôi nói đã.

Bác hỏi một anh làm nông, một chàng thợ mộc, một ông thợ bễ, một bác ngư phủ, một cô hàng xén...v.v... mà xem, được mấy ai biết đến lời của tiên hiền? Thấp cổ bé họng thật, nhưng nước Nam ta mười người thì hết chín thuộc về tầng lớp bình dân đó đấy. "

Ông nhấp một ngụm chè, chép miệng rồi nói luôn:

" Chẳng lấy đâu xa, cứ hỏi thằng nhóc này thì biết. Này Chó, bác hỏi đây, mày hiểu yêu nước là cái gì không?? "

Thằng nhóc nghệt mặt ra vì câu hỏi bất ngờ.

Hồ Nguyên Trừng như cũng có điều suy ngẫm.

[ Đúng thật. Dân tình mấy ai hay chữ? Thế thì tại sao các đời tiên đế chống ngoại xâm, kim khẩu vừa mở là nhất hô bá ứng? Còn Đại Ngu ta dựng cờ thì dân oán dân kêu? ]

Nguyễn Phi Khanh vuốt chòm râu dài, nói:

" Ấy nó mới là cái đáng nói. Tạng Cẩu, nhóc có yêu cái làng nhóc sống không. "

Lập tức thằng nhóc gật đầu cái rụp, lại còn quét mắt lườm đại quân bắc quốc một cái.

Hồ Nguyên Trừng thấy vậy chỉ biết im lặng quan sát, không nói gì thêm.

" Ngài thấy không? Nước chẳng qua là nhiều nhà, cũng như tre buộc chung vào một gánh. Nếu không có cái gì để buộc, thì chẳng có gì hết. 

Nhớ năm xưa thiền sư Pháp Thuận từng dặn Lê tiên vương: " Quốc tộ như đằng lạc ". Tức là chỉ khi vận nước bện nhau như dây mấy quấn thành một bó, thì mới bền vững.

Các ngài chuẩn bị cho cuộc chiến rất kỹ, xây thành cho cao, đào hào cho rộng. Thuyền chiến đóng vô vàn, sang pháo đúc thành đống. Thế nhưng lại quên mất một điều quan trọng nhất.

Năm xưa các bậc tiên vương ngụ binh ư nông được, ấy là vì binh sĩ là dân, dân là binh sĩ. Quan trọng là phải cho họ một lí do để buông cuốc cầm đao. Các ngài không làm được điều này. Ấy là có cây tre mà không có dây buộc. Thế chẳng phải là xong sao, hỏng bét hết. Tan đàn xẻ nghé. "

Nguyễn Phi Khanh càng nói càng hăng, đến nỗi vung chân đạp đổ chén chè luôn cũng không biết.

Hồ Nguyên Trừng mỉm cười, vái một vái:

" Cảm ơn bác Khanh, nhờ bác mà tôi giải được khúc mắc trong lòng, thanh thản được một chút. "

" Ấy, bác nói thế sao tôi dám nhận. Tin rằng tài trí như bác đây, chẳng bao lâu sau là có thể tự mình nhìn ra. Nói đây là nói cho thằng cu này nghe thôi. "

Nguyễn Phi Khanh đang vuốt râu khoái trá vì mấy lời tâm đắc, thì câu cuối cùng như tự tạt một gáo nước lạnh vào mặt. Chỉ thấy Tạng Cẩu nghe một hồi nào là quốc tộ như đằng lạc, nào là ngụ binh ư nông, nghe đến ong cả thủ. Thế là kéo Phiêu Hương qua một góc, làm trâu lá cho chọi với nhau.

Liễu Thăng ngồi trên yên ngựa cũng trông thấy cảnh này. Một tay cậu nắm kim thương, tay kia bất giác nhặt một cái lá phong lên tự bện cho mình một con trâu lá.

Bốn tháng trời, hai đứa nhỏ từng quỳ trước sông thề kết nghĩa anh em chưa nói với nhau một câu nào hết.

Liễu Thăng bất giác bước hai bước về phía hai đứa nhỏ, miệng mở ra định nói gì đó.

Xào xạc.

Lá phong vỡ tan dưới đế giày...

Chân không bước nữa. Gió cũng thôi lay cành cây.

Chỉ còn ánh mắt đầy mâu thuẫn của Tạng Cẩu nơi cửa biển Kì La là hiện lên trong đầu rõ mồn một. Cái nhìn đầy mâu thuẫn, hận thù trộn lẫn với bất lực, pha thêm chút giễu cợt.

Thở dài, Liễu Thăng thả rơi con trâu lá xuống, gác thương bước đi. Những lúc dừng chân cậu hay tìm một nơi vắng vẻ, không ai biết để luyện bổng pháp Bạch Đằng Giang.

Phiêu Hương đã lén kể cho Liễu Thăng nghe chuyện buồn, thầy họ đã ra đi như thế nào.

Nghe xong, Liễu Thăng chỉ thở dài:

" Thầy mất vì võ công quá cao cường, cũng quá trọng nghĩa.

Nếu như võ công của thầy và đối thủ chỉ sàn sàn nhau, thì ông đã không bất cẩn trúng độc thủ. "

Phiêu Hương vuốt mái tóc, nhìn về phương nam. Cô bé không thể phủ nhận lời của Liễu Thăng không phải là không có lí.

Từ dạo đó, Phiêu Hương thỉnh thoảng có trao đổi với Liễu Thăng. Quan hệ giữa hai đứa có phần hoà hoãn hơn một chút so với trước đây. Có lẽ do chẳng còn ai can.

Lần này cũng vậy...

Liễu Thăng luyện thương một mình được một chốc thì Phiêu Hương tìm đến, đặt một con trâu lá xuống bên cạnh.

" Tạng Cẩu dạo này hay cả nghĩ, thỉnh thoảng tự nhiên lại bật khóc. "

" Chắc nó bị đả kích nặng quá. "

" Đừng tự trách, ai cũng thân bất do kỷ. "

Liễu Thăng thở dài, cố tình lảng sang chuyện khác:

" Đến giờ ta vẫn không tin là thầy đã mất. "

" Không chỉ mình nhà ngươi. "

Rồi lại im lặng.

Cái thứ im lặng quỷ dị và ngột ngạt, làm bên nào cũng mất tự nhiên.

Phiêu Hương thở dài. Lúc nói chuyện với Tạng Cẩu chưa bao giờ hai người phải cố tìm thứ gì đó để nói như bây giờ. Câu chuyện nọ cứ xọ sang chủ đề kia mãi.

Liễu Thăng chợt nói:

" Có lẽ ta hiểu thầy muốn dạy gì khi truyền bổng pháp cho ta rồi. "

Phiêu Hương nhướng mày, vẻ tò mò lộ rõ trên mặt.

Khi Quận Gió truyền thụ bổng pháp của Ngô Quyền cho Liễu Thăng, cô bé là người đầu tiên thấy khó chịu.

Liễu Thăng là một kẻ xâm lược.

Ngô Quyền là anh hùng vệ quốc.

Hai người sinh ra vốn dĩ để làm kẻ thù của nhau.

Liễu Thăng nói:

" Trước giờ ta luôn cố tưởng tượng Ngô Quyền là một đế vương cao cao tại thượng, uy dũng vô song như trong sử sách. Nhưng hình như ngay từ đầu ta đã nghĩ sai hướng.

Nếu như Ngô tiền vương không chỉ là một đế vương, mà còn biết võ công. Thậm chí là bậc tông sư võ học một thời thì sao? Những chuyện nhàn thoại trên giang hồ như thế, hình như chẳng mấy sử gia biết đến. "

" Ý nhà ngươi là...? "

Phiêu Hương nhíu mày, hỏi dò.

" Đến bản thân ta cũng chẳng biết mình rốt cuộc là người như thế nào, thì một ông sử gia ngồi cách đây cả ngàn dặm sao mà biết nổi? "

Liễu Thăng giộng thương xuống đất, nói.

Lá phong đậu xuống vai áo cậu.

Phiêu Hương vươn vai, nhìn sang hướng khác:

" Có lẽ nghỉ chân thế là đủ, cũng nên lên đường rồi đấy. "

Đáp lại lời cô bé, Liễu Thăng đạp mạnh một cái xuống nền lá.

Cậu đoán Ngô tiền vương ngoại trừ là vị hoàng đế chấm dứt ngàn năm bắc thuộc, còn là một cao thủ thoái pháp với cước lực vô tiền khoáng hậu.

Bởi vì, điểm tinh yếu nhất của Bạch Đằng Giang chưa bao giờ nằm ở đôi tay.

" Xuất phát! "

Liễu Thăng ghìm cương ngựa, dẫn cả đoàn người vào thành.

Kim Lăng rất lớn...

Tường thành Kim Lăng càng lớn hơn.

Tạng Cẩu nhìn thành quách bề thế, mà hoa cả mắt.

Đoàn người đến trước cửa thành, sau đó bắt đầu tách nhau ra mỗi nhóm về một nẻo. Ba người Liễu Thăng, Vương Sài Hồ dẫn những hàng quan người Việt vào chầu Minh thành tổ. Binh sĩ thì lục tục kéo nhau đi, chỉ để độc một nhóm chừng năm mười người dẫn ba ông cháu Hồ Quý Li, Tạng Cẩu và cô bé ở cửa biển Kì La về chỗ ở tạm. Đó là một căn nhà khá lớn, nằm ở phía tây một con đường lớn, quận Tần Hoài, trong con hẻm cụt vắng queo hiếm người lại qua.

Toàn bộ lực chú ý của Tạng Cẩu dồn cả vào một binh sĩ dáng người còm nhom đi cuối hàng.

Trong suốt bốn tháng qua, thỉnh thoảng y lại dùng ánh mắt lạnh nhạt nhìn về phía bọn họ.

Nó đoán y ắt là cao thủ Trương Phụ phái ra để giám sát, không cho bọn họ chạy trốn. Mà với cách hành xử cẩn thận của lão họ Trương kia, võ công kẻ gầy gò tất nhiên rất cao. So với Hoàng Phúc thì không biết ai mạnh ai yếu, nhưng ít nhất nếu qua chiêu với Tạng Cẩu thì y ắt nằm chiếu trên.

Năm người không dám manh động, lục tục kéo nhau vào nhà đóng kín cửa lại.

Gã còm nhom đứng chờ một lúc, rồi đi.

Hồ Nguyên Trừng dìu cha vào phòng nghỉ ngơi sớm, trong lúc đó hai đứa nhóc tranh thủ quét tước lại nhà cửa cho khỏi bụi.

Căn nhà có mấy buồng ngủ đặt cách nhau khá xa, gian chính giữa là sảnh đường dùng khi tiếp khách. Ngoài ra còn có thư phòng, bếp, nhà củi, và thính vũ lâu. Bốn phía có vườn cây, núi giả hồ cá, chim đậu lên mái ngôi tiểu đình giữa vườn mà kêu rả rích. Tưởng như bốn bức tường đã ngăn hết sự xô bồ, hối hả của kinh thành bên ngoài lại.

Hồ Nguyên Trừng vào trong thư phòng, bắt đầu vẽ bản thiết kế Thần Cơ sang pháo đặng ngày may giao cho vua nhà Minh.

Bốn tháng qua mặt ngoài thì chàng hí hoáy hết viết lại vẽ, nhưng thực ra đầu bút đã quên hơi giấy, nghiên đá chẳng biết mùi mực.

Quân Minh ắt đã cướp được một số pháo Thần Cơ từ tay nhà Hồ.

Thế nên muốn động tay động chân cũng phải làm sao cho thật khéo, bằng không mất đầu như chơi.

Hồ Nguyên Trừng không sợ chết.

Nhưng chàng sợ liên luỵ cha già cháu nhỏ nên không thể không cẩn thận.

Thế nên chàng không động bút...

Bốn tháng suy nghĩ.

Cuối cùng chàng cũng nảy một cách, một cách để táy máy vào pháo Thần Cơ mà không để ai trên đời này biết.

Đêm thật dài...

Chim đã ngừng hót. Phàm là động vật, cứ chín vàng ruộm lên rồi là không còn kêu hót gì được nữa.

Nhưng mà mùi thì chắc chắn dễ ngửi hơn trước.

Tạng Cẩu đánh vảy cá, lấy phi châu ném chết mấy con chim trong vườn rồi loay hoay xuống bếp làm bữa cơm đơn giản. Không biết bốn lão Địa Khuyết Thiên Tàn biết thằng ranh này dùng phi châu đặc chế của bốn lão đi ném chim rừng thì sẽ nghĩ thế nào.

Trong nhà không có gạo, cũng chả có rau cỏ gì ăn được. Tạng Cẩu chỉ đành làm vài món mặn ăn vã với nhau.

Người Đại Việt, ăn cơm mà không có đĩa rau với bát canh là thấy nhớ ngay.

Cơm nước đã xong xuôi.

Đêm cũng đã chuyển sang canh hai từ lúc nào không biết.

Nếu còn ở nước Nam, giờ này mười hộ thì hết chín đã xuống đèn ngủ sớm với nhau.

Nhưng thành Kim Lăng không ngủ.

Người ta vẫn tấp nập lại qua trên đường cái. Văng vẳng ngoài ngõ tiếng chào mời của thương nhân, giọng gọi khách ngọt lịm xương của mại hoa nương.

Ánh đèn nến, tiếng đàn ca vịnh xướng hãy còn âm vang khắp một dải sông Tần Hoài. Nào là lâu thuyền, kỹ viện, lố nhố chen chúc nhau kín cả dòng sông.

Tưởng như lúc đêm về Kim Lăng còn sống động nhộn nhịp hơn cả ban ngày.

Tạng Cẩu không ngủ nổi.

Cũng như nhìn khắp Đại Việt chẳng có nơi nào sầm uất bằng Thăng Long, Kim Lăng này là chốn phù hoa đệ nhất cả trung thổ.

Thằng nhóc giống như một cậu trai quê chân chất lần đầu lên phố huyện vậy. Có một thứ năng lượng kì lạ tuôn chảy trong thành phố không ngủ này, ảnh hưởng lên tất thảy những cư dân của nó.

Trẻ con đứa nào cũng tò mò và ham chơi.

Tạng Cẩu cũng không ngoại lệ. Có chăng cái khác biệt duy nhất là võ công của nó cao hơn những đứa đồng trang lứa không biết bao nhiêu lần.

Nó nằm lăn lóc một hồi không sao ngủ nổi, nhân trăng đêm nay sáng, bèn mò sang phòng gọi Phiêu Hương dậy.

Cô bé mới  đi nằm không được bao lâu, còn chưa ngủ sâu.

Bị lay dậy, Phiêu Hương bắt đầu dùng giọng ngái ngủ:

" Lại chuyện gì thế? "

Tạng Cẩu ghé tai cô, thì thầm:

" Suỵt, ông Hương mà nghe được là hỏng hết. Ngoài phố còn sáng lắm, có lẻn ra ngoài đi chơi với tớ một chuyến không? "

Nhắc đến chuyện chơi thì chẳng đứa trẻ nào là không hào hứng.

Phiêu Hương nhanh chóng xỏ giầy, cắp thanh Lĩnh Nam mà nói:

" Đi! Tất nhiên là phải đi rồi. "

Cô bé thấy bạn mình đã không còn đeo cái không khí buồn bã thảm sầu thường trực nữa, thì không khỏi mừng rỡ.

Bóng dáng đứa nhóc hiền khô, không giỏi ăn nói, hay gãi đầu cười khì khì như đã thoang thoảng ngay đầu ngõ.

" Khẽ thôi, đi theo tớ. "

Hai đứa lẻn ra khỏi buồng, tìm một góc tường. Đoạn tường này cao cỡ hơn hai trượng một chút, dưới chân tường có một bụi hoa dày.

Xếp đặt thế này, cho dù là một người khinh công không tệ, cũng khó mà dùng ngón Bích Hổ Du Tường công để nhảy lên đầu tường.

Thế nhưng...

Chẳng những nội lực, cả khinh công của Tạng Cẩu không phải chỉ là " không tệ ".

Nó tóm vai Phiêu Hương, dặn cô bé chuẩn bị tinh thần, rồi vận lực tung một cái. Phốc! Phiêu Hương chuyển mình như một cánh bướm, nhẹ nhàng đậu lên đầu tường.

Đến lượt Tạng Cẩu. Nó khẽ nhón gót, búng mình bay thẳng lên, rồi nhún chân lấy chính khóm hoa dưới chân tường làm điểm tựa.

Phiêu Hương chỉ nghe vèo một cái, thằng nhóc đã ở sát bên cạnh, cười khì khì.

" Đi nhanh, không bị phát hiện là ăn đòn què giò đấy. "

" Xì, tớ không sợ. "

Phiêu Hương nói, đoạn tự mình nhảy xuống khỏi đầu tường. Tạng Cẩu phóng mình đuổi theo.

Hai đứa nhỏ một đứa dùng khinh công gia truyền, một đứa dùng thân pháp sư phụ dạy, đuổi nhau dọc theo con hẻm. Trong lòng bất giác thấy ấm áp, nhớ về những tháng ngày cùng nhau ở căn miếu hoang Khoái Châu.

Con hẻm kết thúc, như mọi con hẻm trên đời đều có điểm cuối của nó.

Mở ra trước mắt chúng là đường lớn. Đi thêm một đoạn về bên trái, sẽ gặp bến đò.

Sông Tần Hoài mười dặm vốn là cảnh đẹp nổi tiếng người Trung Hoa ai cũng lấy làm tự hào, cũng như người Kinh Bắc yêu con sông mẹ đỏ phù sa, người Huế hoà hồn mình vào sông Hương thi vị vậy.

Hai đứa nhỏ chạy khắp phố trên xóm dưới, tìm thấy bao nhiêu thứ thú vị. Hồ lô đường đỏ đỏ, mặt nạ xanh xanh vàng vàng. Toàn những món vui nho nhỏ chỉ bọn trẻ con thấy thú vị.

Chúng nó chẳng mua gì, cứ đi như vậy ngắm nghĩa cũng thấy vui.

Mải chơi, chúng nó đến bến đò lúc nào không hay.

Tháng chín âm, phương bắc đã bắt đầu trở lạnh, ngoài sông lại càng rét hơn. Ngọn đèn lồng treo trên cao bị gió đánh kêu phần phật, phần phật từng tiếng một.

Tạng Cẩu có chân khí hùng hồn nên còn chịu được phần nào, nhưng Phiêu Hương bắt đầu thấy lạnh, cứ thổi mãi vào hai lòng bàn tay.

" Này, Hương làm sao mà cứ thổi phù phù mãi thế? Trò gì mới à? "

" Đồ ngốc! Lạnh thế này, thổi vào tay cho ấm chứ còn gì nữa. "

Tạng Cẩu gãi gãi đầu, nói:

" Nhưng có lạnh lắm đâu. "

Rồi nó chộp lấy bàn tay Phiêu Hương, áp thử vào má mình. Làn da cô bé trơn bóng, mượt như lụa Hà Đông.

" Úi. Tay cậu lạnh thế? "

Nói rồi, nó thử học theo thầy truyền chân khí sang cho Phiêu Hương xem có làm ấm lên được tí nào không. Còn cô bé cũng vận công thử nhận lấy xem sao. Nào ngờ, Tạng Cẩu bỗng phát hiện thể nội cô bạn như một cái vực không đáy muốn nuốt chửng nội lực của mình.

Thấy là lạ, hai đứa nó không dám thử nữa, bèn thu công.

Nhớ đến thầy, Tạng Cẩu bèn chìa cái trống đồng con ra, kể hết đầu đuôi mọi chuyện cho Phiêu Hương nghe. Cả hai đứa đều là học trò của Quận Gió, thế nên chẳng những cô bé có quyền được biết di nguyện của ông, mà còn có nghĩa vụ giúp Tạng Cẩu hoàn thành nó.

Tất nhiên, Tạng Cẩu chẳng nghĩ nhiều đến thế. Nó chỉ muốn kể cái bí mật này ra cho nhẹ lòng.

Hồ Phiêu Hương giờ mới hiểu vì sao khi đó Tạng Cẩu không nhân cơ hội chuồn thẳng trở lại chỗ quân Minh, lại còn lên tận phương bắc xa xôi này. 

Trời lạnh hơn một chút nữa...

Hai đứa nhỏ ngồi bên bờ sông, lặng im ngắm ánh đèn, nghe tiếng đàn ca tích tịch của những con thuyền xa xa.

Chúng nó không có đồng nào, tất nhiên chẳng thể đi thuyền. Nhưng ngồi xem trăng đánh mạn thuyền, chưa chắc đã không phải một cái thú hay ho.

" Thôi cũng nên về đi nhỉ. Sắp canh ba rồi. "

Hai đứa kéo nhau lục tục toan về, thì bỗng nhiên đằng xa vang lên tiếng ai khóc nghe thật não nề.

" Đến xem thế nào! "

Chẳng ai bảo ai trước, hai đứa nhóc đồng thanh cất tiếng.

Lại nói chuyện Lê Hổ, Trần Ngỗi được người ngư phủ kì lạ ra tay cứu giúp, giờ đang cùng y đi lên phương bắc.

Người ngư phủ nọ tự xưng là Lê Thận, quê gốc vốn ở mạn sông Đà. Nhưng sau này vì chiến hoả, phải chuyển xuống phía nam, dựa vào sông Lam mà mưu sinh. Sau Trần Triệu Cơ triệu tập nghĩa sĩ trong vùng Thiên Quan hay Trường Yên ( Ninh Bình ), chiêu binh mãi mã hòng kháng Minh, y mới tìm đến gia nhập.

" Người bắc phương nuốt lời, lợi dụng đám quan chó quan lợn ở Đông Quan viết chiếu nhập nước Đại Việt thành một quận của chúng. Mỗ chỉ nghe mà cũng thấy sôi hết cả máu tiết. Thế há chẳng phải mỗ bỏ quê bỏ hương, bỏ nhà bỏ cửa chạy để giờ về mo à? "

Lê Thận hay kể chuyện ngày xưa, quê cũ.

Trần Ngỗi không hứng thú nghe chuyện của kẻ khác, thành ra cứ dừng chân ăn uống là lão thường ngồi một mình một góc.

Lê Hổ vừa nghe chuyện của Lê Thận, vừa gợi chuyện cho Trần Ngỗi. Cậu hết hỏi ông ngày xưa sống trong vương phủ như thế nào, cảm thấy sao về nhà Hồ.

Đàn ông thích nói hơn là thích nghe. Mấy chục ngàn năm, ngàn đời vạn đời, nam giới cũng vẫn ưa thích dùng cái miệng hơn là đôi tai.

Trần Ngỗi thường nói rất nhiều về cuộc sống ngột ngạt năm xưa ở vương phủ, có hôm cả canh giờ không hết chuyện. Cuối ngày mỗi lần uống say khướt, y thường nói:

" Quân Minh lá mặt lá trái, lòng lang dạ sói. Một mặt là mượn oai nhà Trần ta, mặt khác lại lùng giết đám con cháu như ta, âm mưu khiến hoàng gia tuyệt hậu.

Trần Ngỗi này vẫn lấy đó làm căm tức, những tưởng vùng lên đánh cho chúng một trận ra trò, nhưng bất lực. "

Lại nói:

" Hồ Quý Li ra tay giết hại hoàng thân, huynh trưởng ta Trần Ngạc cũng chịu chung phận hẩm hiu bạc mệnh của đấng anh hào. Nay y bị bắt lên phương Bắc, là đáng lắm. "

Lê Hổ nghe cũng chỉ cười xoà, trong lòng lại ngấm ngầm lấy làm thất vọng.

[ Người này không phải bậc chân long mình nên theo hầu. ]

Cả quãng đường nếu không có Lê Hổ ngồi giữa, có lẽ chỉ nghe tiếng hai người Thận, Ngỗi thay nhau độc thoại suốt.

Cũng may, ba người đi ngựa chừng ba ngày là về đến Mô Độ.

Lê Thận dẫn hai người Lê, Trần đến một làng kia. Đồng lúa mênh mông bát ngát nay chỉ còn mấy cánh chim sẻ mổ đất, lích rích tiếng chuột bới gốc rạ.

Lê Hổ ngồi trên lưng ngựa đi trước, vừa mới thấy mái ngói đỏ au, ngọn tre xanh mướt ẩn ẩn hiện hiện cuối đường, thì hai bên đường đã có bà con chòm xóm đổ ra. Người kết hoa, kẻ đánh trống, ồn ã cả con đường làng vốn dĩ trước giờ đều phi thường yên ắng.

" Cung nghênh Nhật Nam quận vương. "

" Cung nghênh Nhật Nam quận vương. "

Lê Thận ngồi vắt vẻo trên yên, ngay sau lưng Trần Ngỗi. Lúc này y mới lên tiếng:

" Hai vị thấy sao? Chủ công mỗ tiếp đón vương gia như thế này, không đến nỗi sơ sài chứ? "

Trần Ngỗi tấm tắc:

" Chủ nhân cậu đúng là tin tức linh thông. Một lát nữa Ngỗi ắt phải tự mình đến cảm ơn hậu đãi, luôn tiện hỏi thăm tin tức của Trần Triệu Cơ. "

Lê Thận lấy tay áo chụp lên mặt, chẳng nói thêm lời nào.

Nói đoạn y chắp tay với bà con đứng đầy hai bên đường, nói to:

" Được bà con chào đón nồng hậu, Ngỗi thật lấy làm vinh hạnh. "

Ba người, hai con ngựa.

Ba loại tâm trạng bất đồng, nhưng đích đến thì tương đồng.

Chỉ thấy bà con dẫn ba người đến trước một trang viện rất lớn. Có lẽ nhân khí quá lớn, nên chó cũng không dám sủa.

Đứng trước cửa lớn có một người, xem tuổi hình như cũng cỡ Trần Ngỗi.

Dáng người y đậm đậm, hơi lùn. Nụ cười của y đặc biệt tươi, có thể so với ông Di Lặc, ông Địa. Chỉ cần nhìn y cười thôi mà cũng có cảm giác vui lây. Hai cánh tay y đang giang rộng, hướng về phía Trần Ngỗi.

" Nhật Nam quận vương vất vả quá rồi. Mau, mau vào đây. Cỗ bàn tôi đã cho người nhà sửa soạn xong xuôi tươm tất, chỉ chờ ngài đến là khao thưởng cả làng thôi. "

" Thế thì... Ngỗi tôi không tiện từ chối tấm thịnh tình rồi. "

Bá hộ nọ bá vai Trần Ngỗi, vừa cười cười nói nói vừa cùng nhau vào trong trang viên.

Lê Thận nhìn Lê Hổ, hỏi:

" Cậu không định vào sao? "

Lê Hổ nhún vai, nói:

" Nhạt miệng lắm, nuốt không trôi. Còn anh?? Chắc chắn không phải ăn không vào rồi nhỉ?? "

" Mỗ đây còn phải đi buộc ngựa. Nhưng nói thực nhé, chỗ chuồng ngựa mỗ giấu rượu nếp, sao để đám hạ nhân trong phủ này táy máy được? "

" Ha ha. Anh đúng là một quái nhân. "

" Mỗ là sâu rượu, tính lại còn hẹp hòi kẹt xỉ. Thế nên xưa nay chỉ mời hai loại người uống rượu. Một là quái nhân, hai là người chết. "

Lê Thận cười, vỗ vào vạt áo.

" Còn tôi thì chưa muốn chết. "

Lê Hổ cũng gõ vào vỏ đao một cái.

Hai người cười vang, hai con ngựa bên cạnh cũng chồm lên hí từng hồi dài.

Đường làng...

Rạ rơm tơi tả, khoác lên tấm áo giáp hoàng kim cho con đường đất. Khói cơm bắt đầu bốc lên. Cuối ngõ vọng lại tiếng chó sủa, trâu đen lười biếng cọ vào vách chuồng.

Bà con ra đón Trần Ngỗi xong, được nhà bá hộ chia cho mỗi người nửa cân thịt rồi đuổi về.

Lê Thận đã lấy được cái chai rượu nếp quý của hắn, lại bắt được mấy con rô làm đồ nhắm. Hai người chọn một cái quán dưới gốc đa, nhờ chủ quán kho cho một nồi cá mà chén thù chén tạc.

Trong cái thời đại này, có miếng cá kho để ăn cũng chẳng dễ dàng gì.

Cùng là ngồi nhậu, hai ông cụ bàn bên chỉ có vài củ khoai luộc, để lát rượu vào đỡ xót ruột.

Lê Hổ để ý thấy hai cụ cứ vừa cạn, vừa thở dài. Chén hạt mít cứ cụng nhau chan chát, lên xuống liền liền.

Lê Thận nói:

" Sao rồi? Lại tò mò chuyện của người ta??? "

" Chẳng lẽ anh thì không? "

Lê Hổ quay lại, hỏi.

" Mỗ là người đơn giản, mình có rượu thì mình cứ say, người ta buồn vui gì cũng không đến lượt mình quản. "

" Nhưng anh vẫn muốn người ta vui nhiều hơn là buồn. "

" Không sai. Mỗ là quái nhân, quái nhân thì không suy nghĩ giống thường nhân các anh được. "

" Được! Hay! Để thường nhân kính quái nhân một li. "

Hai người dốc cạn rượu trong chén. Men cay xộc lên mũi.

" Nội cái chuyện anh lấy ám khí phóng chết cá, đã không giống người thường rồi. "

Lê Thận lắc đầu, nói:

" Thế thì anh nhầm to. Để Mỗ cho xem. "

Y thảy hai loại ám khí khác nhau lên bàn.

Một là miếng thép mài mỏng như giấy, làm theo hình lá trầu, đuôi nhọn hoắt. Ấy cũng chính là thứ ám khí đã tước đi sinh mạng ba gã sát thủ.

Cái khác thì to cỡ đốt ngón cái, được mài nhẵn. Hai đầu thuôn thuôn, trông không khác gì quả cau.

Lê Thận vừa lấy ngón tay nghịch hai món ám khí, vừa nói:

" Ám khí là thứ chuyên đánh sau lưng, lén lén lút lút. Còn vũ khí này của mỗ, cho dù đánh quang minh chính đại cũng chưa có mấy người cản nổi. Nên không thể gọi là ám khí được. Chính ra, nó lại hơi giống Quỷ Diện Phi Châu của Quận Gió. "

" Nhưng tài anh còn xa mới bằng vua trộm. "

" Cái này mỗ không phủ nhận. Sự thật rành rành ra đó, và mỗ biết mình là ai. "

Hai người lại cạn một li. Vẫn là Lê Hổ nâng chén kính Lê Thận.

Niêu cá được chủ quán bưng ra.

Chưa cần mở nắp, người ta đã có thể thấy phang phảng mùi chanh, gừng, giềng...v.v... quện vào nhau nức lòng.

Lê Hổ lại cố tình xin thêm một cái bát con. Nói đoạn, cậu múc một bát cá kho bưng sang mời hai cụ già.

" Con mời hai cụ xơi. "

Hai cụ già mỗi người nhấp một chút, gật gù. Cá kho uống rượu chính ra hơi lệch vị, nhưng có còn hơn không.

Lê Hổ lại hỏi:

" Chẳng là con có để ý, thấy hai cụ ngồi đánh chén mà cứ thở dài thườn thượt. Không biết là vì sao? "

Một cụ vuốt chòm râu, lặng lẽ nuốt miếng thịt cá xuống, thở ra một tiếng dài:

" Vui sao mà được hả các anh? Nhớ ngày trước quân Tàu cũng nói sẽ khôi phục nhà Trần, bỏ hết những luật lệ gay gắt của nhà Hồ.

Ấy, thế mà đùng một cái, nay mình thành quận thành huyện của người ta. Con trai lão bị bắt lên rừng săn chim quý cho chúng, mấy tháng không về. Cũng không biết còn sống không hay rũ xương chỗ nào rồi. "

Cụ còn lại thấy bạn khóc nấc lên, bèn tiếp lời:

" Đấy, các chú bảo cứ thế này thì dân biết tin vào ai? Như cái ông Trần Ngỗi hôm nay thôi, ai mà biết được ông ấy có thực lòng muốn cứu dân cứu nước, hay chỉ cần ngồi ấm trên ngai vàng là được.

Dân đen chúng tôi có cần gì đâu? Chỉ cần được yên thân thôi chú ạ. Chứ cứ nhắm mắt đưa chân thế này... ài... không biết còn được mấy lần nữa đây. "

Ông rùng mình trước viễn cảnh không may hiện lên trong đầu.

Lê Hổ cũng lắc đầu, cảm thán:

" Đúng là không dễ dàng gì. "

Rồi lại quay sang Lê Thận:

" Người đời chỉ biết minh quân nhất định sẽ xuất hiện, mà không hay trong thời loạn này, tìm được minh quân mà theo cũng là chuyện khó. Con người ta sống trên đời được bao lần, chọn sai được mấy hồi?? "

Lê Thận nâng chén, nói lớn:

" Đúng! Người ta sống ở đời được mấy lần?? Mỗ kính anh một li vì câu này. Rất hợp ý mỗ. "

Chén hạt mít dốc ngược, rượu nồng chảy đầy khoang miệng, hương thơm xộc lên cay cay sống mũi.

Hôm đó, hai người uống tới nỗi say mèm, ngủ luôn lại quán.

Cũng trong buổi chiều đó, trang viên nhà họ Trần giết lợn, đồ xôi, bày mâm cao cỗ đầy đón Nhật Nam vương. Kể từ ngày quân Minh dày xéo Thăng Long, Trần Ngỗi chưa được bữa nào tươm tất thế này. Thành thử y cứ mặc sức đánh chén thả cửa.

Hỏi ra mới biết, bá hộ thết cỗ mời ăn chính là Trần Triệu Cơ mình đang tìm. Trần Ngỗi chỉ biết tặc lưỡi cảm thán sự đời vi diệu vô thường.

Y lại nhìn xuống từng mâm, thấy những người dự cỗ không phải hạng to cao khoẻ mạnh, thì cũng sáng láng linh xảo. Số lượng cũng không ít tí nào, đếm ra cũng gần trăm người. Bèn nói:

" Bác Cơ đây đúng là người có mặt mũi trong đám hào kiệt Mô Độ. Vừa mới khai kim khẩu phất ngọn cờ thôi, mà trăm họ đã theo hầu minh chúa. Đúng là nhất hô bá ứng.

Cứ xem bá tánh bình dân quy tụ dưới trướng cứ ùn ùn lớp lớp, văn tài võ tướng nhìn qua đã thấy có mấy chục người có đại khí, sau này còn sợ gì mà không thành nghiệp lớn. "

Trần Triệu Cơ nâng chén, nói:

" Bác Ngỗi quá khen, chứ em biết mình thấp cổ bé họng. Làm thổ hào một phương thì được, nhưng để mà nên được cơ đồ, thì còn thiếu một thứ. "

" Không biết là thứ gì? Chỉ cần Ngỗi này giúp được, tất sẽ không chối từ. "

" Em cũng chỉ cần câu này của bác. "

Trần Triệu Cơ cười khẽ.

Trần Ngỗi đang làm khách trong nhà người ta, thành thử khi chủ nhà ra chièu không muốn tiết lộ, y cũng không tiện hỏi nhiều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro