Hồi tám (1): Cổ quan tiễn lạc phủ can đoạn / Khoái Châu hương vờn chó chạy quanh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phải nói về nửa ngày trước, Liễu Thăng được Trương Phụ, Mộc Thạnh cấp cho một con chiến mã và lương ăn ba ngày, dặn cậu nhanh chóng rời khỏi quân doanh, mang cả Tạng Cẩu lẫn Phiêu Hương theo.

Biết chân mình gãy, chiến đấu có nhiều điều bất tiện. Ở lại nhiều khi chẳng những giúp được gì đã đành, mà còn khiến người khác vướng tay vướng chân thêm. Thế là Liễu Thăng đồng ý ngay.

Một tiểu tốt được Trương Phụ âm thầm phái theo quan sát động tĩnh của ba người, cũng là để âm thầm bảo hộ Liễu Thăng. Tuy nhiên vừa mon men ra khỏi doanh trại, y đã bị Quận Gió đánh bất tỉnh nhân sự rồi vác đi tận đâu chẳng rõ.

Cửa Hàm Tử thuộc xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, thuộc phủ Thiên Trường - tức là tỉnh Hưng Yên ngày nay. Nơi hai quân giao tranh là Hàm Tử, cách bãi Màn Trù độ mấy dặm. Đi tiếp về phía nam chừng nửa ngày đường, sẽ có thể gặp được làng xóm.

Dân chúng phần nhiều đã chạy nạn xuống phía nam, khiến cho mấy chục dặm vuông không thấy một bóng người.

Quận Gió biết hai bên sẽ sớm khai chiến, bèn bám theo ngựa của Liễu Tử Tiêm. Ông xách cổ hai đứa Tạng Cẩu, Phiêu Hương khinh công đi suốt đêm đến nơi này mới thả chúng xuống. Về phần Liễu Thăng, Quận đưa cho cậu một tấm bản đồ chỉ đường, dặn phải thả cương thật chậm, vừa đi vừa quan sát cảnh vật.

Mặc dù Liễu Tử Tiêm chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng nghĩ sư phụ ắt là muốn tốt cho mình nên ngoan ngoãn làm theo.

Ba thầy trò Tạng Cẩu đi mấy bước là gặp mấy gian nhà trống hơ trống hoác bị dân bỏ lại từ hồi chạy nạn, cổng vào còn không kịp khép, bụi đóng trước hiên hãy còn chưa dày. Thấp thoáng bónh con lợn già chết gục trong chuồng, ruồi bâu thành bầy quanh cái thây đã bốc mùi hôi thối. Họ đã đi qua cơ man không biết bao nhiêu mà kể những căn nhà như vậy.

Quận Gió trông cảnh này, bất giác cảm khái:

" Chiến tranh... đến cùng nạn nhân chỉ là muôn dân trăm họ mà thôi. Ấy thế mà không đánh không được. Kì thay... "

Hai đứa nhóc bị Quận Gió túm áo xách lên, dùng khinh công đi như bay cả đêm. Thế nên đến giờ vẫn chưa hoàn hồn, bước đi hãy còn lẩy bà lẩy bẩy không vững. Mà Quận thì mặc kệ, bắt hai đứa nhóc phải quen dần với tốc độ của ông. Cả Tạng Cẩu lẫn Phiêu Hương đều mang trong mình những bộ khinh công kinh thế hãi tục, thế nên việc này là tốt cho sự phát triển của chúng trong tương lai.

Quận Gió để chúng lẫm chẫm bám theo mình, còn ông cứ đi trước dẫn đường, cố ý thả chậm cước bộ lại. Được một chốc thì cả ba đến trước một căn miếu cũ mèm vắng tanh vắng ngắt. Quận Gió đưa tay đẩy nhẹ cổng bước vào sân trước. Tiếng cọt kẹt của thứ gỗ đứng lâu một chỗ vang lên não nề, đuổi đám quạ đang ngủ gục nơi mái hiên và dưới các tàng cây bay phốc lên không. Chúng rải xuống đầu ba kẻ xâm phạm từng tiếng kêu chói tai, quang quác đầy giận dữ. Lông vũ đen ngòm rơi lả tả xuống, đậu lên đống lá vàng khô ran nằm im lìm bên cái cây quắt queo.

Quận Gió băng qua khoảng sân quạnh quẽ, tới chỗ cái lư hương ở chính giữa. Bên mép ai đấy đã để sẵn ba nén hương trầm. Ông lấy dao và đá lửa trong túi ra, đốt lá lên thắp hương. Mùi hương trầm quấn quanh cơn gió phảng vào gian chính điện đổ nát.

" Ui chà, bác gió đến đấy hả? Ố ồ, nhận trò rồi đấy phỏng? "

Có tiếng ai đó nói vọng ra từ trong điện thờ, kèm theo cả những tiếng đổ vỡ lịch kịch. Chốc sau, hai cánh cửa gỗ đang khép thi nhau ngã nghiêng sang bên, để lộ ra một ông hoà thượng béo ăn mặc rách rưới đang lui cui tìm cách chữa cho chúng.

Khác với lần trước, Khiếu Hoá vừa xuất hiện là Quận xổ liền một tràng:

" Lão sư cọ, tính lão là chúa tuềnh toàng, ăn xổi ở thì có tiếng. Tôi nói mấy lần mà không chịu chỉnh đốn. Đấy đấy! Lão xem! Cà sa thì hở bụng, nón tu lờ thì vá chằng vá đụp. Có con cá gỗ thì mòn nhẵn đi vì lão lấy làm gối đầu. Lão xem xem trông lão có tí xíu phong độ tông sư tiền bối nào không? "

" Hì hì, bác thì tính cô liêu thích độc lai độc vãng, còn tôi thì sao mà chả đuọc? Có biết gì mà phiền hà đâu? Vậy nên hai ta mới là " Cô phong nơi rừng trúc " với " Khiếu Hoá chẳng biết phiền ". Tôi là tôi kết cái bài thơ ấy lắm nghe. "

Quận Gió nhún vai, chẳng thiết đôi co với Khiếu Hoá Tăng nữa. Hai đứa Cẩu với Hương thì ngờ ngợ nhìn nhau. Lần trước ở Muộn Hải trông hai người này có vẻ không có giao tình sâu đậm là bao, vậy mà giờ cứ thoải mái như là tri âm tri kỉ lâu năm vậy. Nghĩ một lúc, hai đứa bèn đoán ấy cũng là một phần của màn kịch do Quận Giao dàn dựng.

" Nhờ lão trông hai đứa này cho tôi một chặp, gặp dịp tôi sẽ quay lại đón. "

Khiếu Hoá Tăng chợt bĩu môi, đổi giọng:

" Lão trộm kẹt xỉ! Thâm giao từ hội Chí Tôn mà xin có một viên Quỷ Diện Phi Châu lão cũng dùng dùng dằng dằng, phải giúp lão nhận đứa học trò ưng ý lão mới cho được có một viên để về nghiên cứu. Không được! Lần này tôi nhất quyết không giúp gì cho lão nữa! Thuyết phục vô í...... Í! Thanh đao này... "

Lão Khiếu Hoá Tăng vừa tia trúng thanh đao Phiêu Hương đang dắt ở thắt lưng, thì đã kích động đến nỗi đôi vai run bắn cả lên. Hai mắt lão ấy đột nhiên sáng rực lên, trông chẳng khác nào hai ngọn nến đỏ rực vậy.

Lão nhún chân nhảy một cái, bậc thềm gỗ lún xuống rồi gãy vụn. Thân hình to béo của lão bắn lên cao như cách một con chim nhạn tung mình vào bầu không vậy. Khiếu Hoá Tăng nhảy qua cái đỉnh lớn cao nửa trượng bày trước gian điện thề, đáp xuống trước mặt ba người Quận Gió. Đôi chân lão nện lên mặt đất đánh ầm một cái, nặng nề chẳng khác nào một viên đạn pháo.

" Đây... đây có... phải là... đao Lĩnh Nam không? "

Lão Khiếu Hoá lắp bắp nhìn thanh đao trân trân, không rời nổi một khắc. Trong mắt ông thì đao báu còn có sức hút gấp vạn lần bất kì pho thần công tuyệt thế nào. Nói đoạn, Khiếu Hoá lật úp bàn tay lại, toan chộp lấy chuôi đao để lấy ra ngắm nghía.

Chát!

Quận Gió cong hai ngón tay, vận kình gẩy trúng mạch môn ở cổ tay Khiếu Hoá, khiến long trảo của lão sư ăn mày dạt ra một đoạn. Vua trộm trừng mắt lên lườm Khiếu Hoá Tăng, nói:

" Cẩu, Hương. Tiền bối Khiếu Hoá Tăng đã không chịu giữ mấy đứa lại, thì đi theo thầy. Giới lục lâm tuy yếu thế hơn phe quần hùng với các mật tông ẩn thế, nhưng tên trộm già này không tin không tìm được ai trông nom hai đứa. "

Khiếu Hoá Tăng nhất thời do dự, bấm bấm ngón tay vào trán ra chiều đắn đo suy nghĩ dữ lắm. Phiêu Hương trông lão có vẻ bối rối, lại nhớ chuyện cũ ở Muộn Hải thì tính trẻ con lại trỗi dậy, bèn nảy ý trêu tức. Cô bé rút phắt thanh đao ra.

Tiếng đao rời vỏ bổng và thanh đến nỗi khiến từng cái xương trong người lão sư ăn mày như reo lên lách cách vì mừng rỡ. Nói đoạn, Phiêu Hương chậm rãi huơ nó lên. Từng vòng, từng vòng ánh đao màu đen hiện lên trước mặt Khiếu Hoá Tăng. Thứ kim khí đen bóng ấy lượn lờ trước mặt lão như mời như gọi, khiến lão có ảo giác như chỉ với tay ra là đón được đao quang như làn nước của nó. Ánh nắng mùa đông, lạnh và u ám bị vầng dương vãi xuống mặt đao. Thoắt một cái, cả một dải đao quang sắc lẹm như chọc vào mắt người vãi ra khắp nơi.

[ Quả nhiên là đồng đen! Không sai được, đúng là đao Lĩnh Nam! ]

Khiếu Hoá Tăng chặc lưỡi, thầm than tại sao sự đời đôi lúc lại có thể li kì và trùng hợp một cách khó tin đến như thế.

Phiêu Hương chợt kéo tay Tạng Cẩu, nói:

" Thầy à, thầy cứ đi lo chuyện đi, để con với Tạng Cẩu một mình được rồi. Cùng lắm gặp kẻ có ý đồ hiểm nham thì con dâng thanh đao báu này lên, ắt sẽ được toàn mạng thôi. "

" Ấy! Ấy! Chờ đã nào. "

Lão sư ăn mày thấy cô nhóc toan xách đao bỏ đi, thế là vội vàng thi triển khinh công lướt ra phía sau lưng cô với Tạng Cẩu. Quận Gió thấy cả, song cũng không có vẻ gì là muốn động đậy ngón chân.

Tai Tạng Cẩu vừa nghe tiếng tay áo Khiếu Hoá Tăng phất lên phật một cái là chân nó đã bước theo lộ tuyến của Lăng Không Đạp Vân mà lướt nhẹ sang ngang. Phiêu Hương thì nhảy nhanh về phía trước một bước, rồi đột ngột chuyển mình bước qua trái, định vòng tới nấp đằng sau cái lư hương lớn giữa sân để trốn.

Thế rồi hai đứa sực nhớ là sư phụ mình hãy còn đứng sờ sờ ra đó, nên mới bình tĩnh mà bước chậm lại. Khiếu Hoá Tăng và Quận cùng là một trong bảy tông sư, nếu hai bên giao thủ thì chí ít cũng ngang cơ. Sư phụ chúng nó ắt sẽ không để hai đứa đệ tử của mình chịu thiệt thòi. Tạng Cẩu đang tính lên tiếng hỏi sư phụ vì cớ gì tự nhiên ông sư ăn mày ra tay với chúng nó, thì mới ngỡ ngàng nhận ra là Quận đã mất hút từ lúc nào rồi. Chỗ ông vừa đứng vuốt râu nay chỉ còn trơ lại một cái bọc con con. Khoảnh sân này trong mắt chúng nó thoắt cái trở nên heo hút điêu linh, nổi bật lên hẳn so với khung cảnh quạnh quẽ của ngôi miếu hoang.

Hồ Xạ nghe thấy Tông Đỗ Công Khôi tự mình dẫn quân đột kích doanh trại, biết ngay hai tên này hẳn là hấp tấp cướp công. Y nhìn về đường sông lớn, sau đó cắn răng hạ lệnh:

" Còn chờ gì nữa? Toàn quân thẳng tiến nhắm thẳng địch doanh! "

Vừa quét tan được thuyền giặc, Nguyễn Tông Đỗ và Nguyễn Công Khôi đã tập hợp hết thuyền Cổ Lâu, dẫn quân vòng lên phía tây, theo các kênh lạch nhỏ tập kích doanh trại quân Minh.

Thuyền Cổ Lâu là một loại thuyền chiến lớn đóng đinh sắt, có hai tầng boong với hàng chục tay chéo và hai người điều khiển một mái chèo. Đáy thuyền được làm thêm một "đáy" nữa, chia bụng thuyền làm hai phần: phần dưới để lính chèo thuyền, phần trên giấu lính chiến đấu. Cổ lâu thuyền vừa được dùng để tải lương, vừa sẵn sàng chiến đấu khi được trang bị Thần Cơ sang pháo.

Cứ như những gì Hồ Xạ, Hồ Đỗ bàn với Khai Đại đế thì đáng lẽ người dẫn quân tây tiến là hai người Đỗ Xạ. Còn kẻ cầm binh đánh vỗ mặt với Trương – Mộc phải là Tông Đỗ Công Khôi. Hồ Xạ không cho rằng hành động của hai tướng chỉ là một sự trùng hợp. Cho dù lá gan của Nguyễn Tông Đỗ, Nguyễn Công Khôi có lớn gấp đôi thì cũng không dám đặt tai mắt bên người Hồ Hán Thương.

Rất rõ ràng, con cờ mà Khai Đại đế muốn thí là hai người bọn hắn. Song biết thì cũng biết vậy, Hồ Xạ hắn lại sợ gì mà không xua quân tiến đánh?

[ Tướng quốc đã đoán trước được chăng? Không! Không lí nào người lại lên kế hoạch tự chia rẽ nội bộ như vậy. Thôi! Ta vẫn cứ y theo lời người mà làm là được. ]

Hồ Xạ nghĩ thông suốt, thì hướng xa soái kì của Hồ Đỗ cũng đã giương cao đón nắng. Y đoán rằng tên Hồ Đồ này hẳn cũng y theo căn dặn của tả tướng quốc mà xuất binh.

Thuyền nhỏ nhà Hồ hợp hai đội làm một, số lượng ước chừng mấy trăm chiếc, kéo nhau trực chỉ quân doanh của quân Minh. Sóng nước khẽ dập dềnh theo nhịp tay người, gió nhảy múa theo tấm chiến bào.

Binh sĩ đến bên mạn thuyền, dõi mắt ngóng nương dâu ruộng lúa đằng xa. Trông mảnh đất màu mỡ ngày nào nay khô cằn vì thiếu vắng bàn tay săn sóc của người nông phu, mà các binh sĩ thoáng chạnh lòng. Kì thực, họ cũng từ tầng lớp bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà ra chứ đâu? Chưa lúc nào, các binh sĩ nhà Hồ muốn chấm dứt cuộc chiến hơn hiện giờ.

Trống trận nổi đùng đùng, binh lính vỗ tay gõ mạn thuyền đánh nhịp cho ì oạp tiếng sóng. Đoàn thuyền chiến theo dòng chảy lớn nhất mà tiến về phía quân doanh nhà Minh.

Cách đó không xa...

Nguyễn Tông Đỗ chia nhỏ một vạn binh mã của mình làm năm cánh, mỗi cánh mười chiếc thuyền lớn khua chèo ngược sông vòng lên phía tây. Sau đó mượn lạch nhỏ kênh hẹp đông tiến, nhắm thẳng vào đại bản doanh nhà Minh.

Bóng cây hai bên bờ toả ra, trơ trọi chẳng mấy màu xanh. Trên bầu không, vài ba tiếng chim gọi bầy tê tái thê lương.

" Bẩm, phó... "

" Phó cái gì mà phó! Ta đã bảo bao nhiêu lần rồi, phải gọi là ông lớn. "

Nguyễn Tông Đỗ cầm bao kiếm gõ đánh bốp một cái xuống đầu người lính, vỏ kiếm bằng gỗ đụng vào mũ sắt đánh bốp một cái, tiếng vang không trong thanh mà hơi trầm đục.

" Dạ, ông lớn. Doanh trại quân Minh chỉ còn cách chúng ta chừng một hai dặm đường thuỷ. Có cần tăng tốc không? "

Nguyễn Tông Đỗ đưa tay vuốt râu, tỏ vẻ hài lòng. Đôi mắt y híp lại thành một đường kẻ hẹp, nếp nhăn trên trán sô vào nhau như sóng dưới sông. Khói cơm chiều bốc lên ở đằng xa, khiến y càng thêm yên tâm.

" Vậy hả? Tốt lắm, cứ cho quân chạy chậm lại, thám thính cẩn thận. Chú ý trọng điểm phía Hồ Xạ tướng quân. "

" Rõ! "

Người nọ chắp tay, hai hàm răng khẽ nghiến lại tức giận. Y vốn là bộ hạ của Hồ Đỗ, nhưng nay lại bất đắc dĩ bị phân vào dưới trướng Nguyễn Tông Đỗ. Y từng cùng Hồ Đỗ đánh mấy chục trận với quân Minh, trước đó lại từng xuất chinh tiến đánh Chiêm Thành nên không phải kẻ đần. Chỉ nghe thoáng qua là biết, Nguyễn Tông Đỗ đang muốn chờ, song không phải đợi cho quân Minh lơ lỏng canh phòng. Y đợi là đợi lúc Hồ Xạ, Hồ Đỗ đánh vỗ mặt vào doanh trại quân Minh.

Chỉ cần thế công đủ dữ dội,Trương Phụ - Mộc Thạnh ắt phải phân bớt lực lượng ở hai cánh ra phòng thủ.

Khi đó, Tông Đỗ và Công Khôi với hai vạn đại binh sẽ đánh úp ngay.

Doanh trại quân Minh cách đoạn sông Hàm Tử không quá xa, nên thám báo quân địch hẳn đã nắm được hướng khai triển quân của quân Hồ.

Song, Tông Đỗ không hề ngại. Năm vạn đại quân đang tiến thẳng về doanh trại, ngay cả khi chỉ chèo thuyền nhỏ cũng là một áp lực cực lớn. Nếu phân tán quân lực ra chặn cánh quân của hắn và Nguyễn Công Khôi thì có khác gì dâng đại bản doanh cho quân Hồ?

Người có cùng ý nghĩ ấy là Nguyễn Công Khôi. Sau khi nghe thám báo cáo tri hướng tiến công của hai người Đỗ, Xạ, y mới trộm thở phào. Không chỉ ham mê tửu sắc, so với Tông Đỗ y còn thiếu một chút quyết đoán.

[ Thánh thượng đúng là đoán việc như thần. Hồ Xạ Hồ Đỗ chỉ có thuyền nhỏ. Nếu một bên tử thủ đến cùng, bên kia liều mạng tấn công thì ắt tạo thành thế lưỡng bại câu thương. Khi đó ta chỉ cần ngư ông đắc lợi. Mượn tay quân Minh để nhổ đi gần hết phe phái ủng hộ tả tướng quốc trong quân ngũ, chiêu này của thánh thượng quả thực rất cao. ]

Y càng nghĩ càng thấy nể sợ Hồ Hán Thương. Chẳng những biết nếm mật nằm gai chịu làm con bù nhìn, còn có tầm nhìn xa trông rộng. Trên hết là lòng dạ đủ độc, thủ đoạn đủ tàn nhẫn. Nguyễn Công Khôi thầm nhắc nhở bản thân phải hết lòng hết dạ đi theo ủng hộ vị tân hoàng này mới được.

Cứ theo lẽ thường mà nói, Trương Phụ sẽ cố thủ tử chiến. Thế thì mũi nhọn chiến tranh sẽ bị đẩy về phía Đỗ, Xạ.

Thế nhưng...

Sau trận thua ê chề ở Muộn Hải, lần này Trương Phụ nhất quyết không hành quân đánh trận theo lẽ thường nữa.

Cánh quân do Nguyễn Công Khôi cầm đầu chèo ra giữa dòng sông.

" Thưa tướng quân, phía trước có dòng nước ngược. Có lẽ thuyền đi sẽ hơi xóc. Mong tướng quân đứng vững. "

" Không sao! Cứ nhắc anh em vững tay chèo lên. Qua con nước này, doanh trại quân Minh sẽ ở trước mặt. "

Chừng mười chiếc thuyền tiến vào đoạn sông khó vượt, dòng nước xiết khiến chúng thoáng rẽ ngang sang bãi bồi bên cạnh.

Rầm!! Rầm! Uỳnh!

Đáy thuyền chấn động mạnh, mọi vật trên khoang bao gồm cả con người bổ nhào về phía trước. Giống như có chớp nổ dưới lòng sông, pháo nổ ngang đáy thuyền vậy. Nguyễn Công Khôi choáng váng, loạng choạng cố để giữ vững thân mình. Y thoáng thấy đáy thuyền trầm xuống một chút.

" Trời ạ, cái dòng nước này mạnh quá đi mất. "

Nguyễn Công Khôi lau mồ hôi trán, cảm khái.

" Đó không phải dòng nước đâu, chúng ta đâm vào bãi chông rồi. "

Có bốn thuyền trên mười chiếc bị chông cố định, nước bắt đầu chảy vào đáy thuyền. Ở cái lạch nhỏ này, chiến thuyền mắc cạn chẳng khác nào cá nằm trên thớt.

Nguyễn Công Khôi lập tức giật mình, hai từ " địch tập " bật lên trong óc hắn theo bản năng. Y xiết tay quanh mũi kiếm, ra lệnh:

" Ngừng chèo, mau ngừng chèo! Vây quanh soái thuyền... "

Sáu thuyền còn lại đi lướt qua bốn chiếc mắc cạn. Mỗi chiếc chiến thuyền được lãnh đạo bởi một vị bách hộ. Trong một thoáng, sáu người vội vã lệnh cho tam quân ngừng chèo, tĩnh quan kì biến.

Song, thể hình to lớn khiến Cổ Lâu thuyền khó mà quay đầu nổi giữa đoạn sông chật hẹp thế này. Nay bốn chiếc đã bị vướng vào bãi cọc mắc cạn không tiến không lui được, ngoại trừ bỏ thuyền ra chẳng còn lựa chọn nào khác.

Nguyễn Công Khôi hốt hoảng ra lệnh dùng ván gỗ bắc cầu, để mình và quân lính trèo lên sáu chiếc còn lại. Mặc dù biết làm vậy là khiến toàn quân phải lâm vào hiểm cảnh, nhưng quân lệnh nặng như núi, các bách hộ còn lại dù không muốn nhưng cũng đành phải làm theo lệnh.

Cả mười chiếc Cổ Lâu thuyền dừng lại nơi lạch nhỏ, từng tấm ván gỗ thò ra qua mạn thuyền. Nguyễn Công Khôi dẫn đầu bò qua thuyền khác, tứ chi quặp chặt lấy những tấm ván chẳng khác nào con lười bám cành cây.

Các cụ lại có câu : " ghét của nào trời cho của đó ". Ngay cái thời điểm nhạy cảm này, lúc mà không ai trong quân Công Khôi muốn gặp phải mai phục, thì hai bên sông chợt dương lên những ngọn cờ của quân Minh. Liền đó, tiếng tù và giục ra quân nối đuôi nhau nổi lên khắp cả một vùng sông nước.

Nguyễn Công Khôi đang lôm côm bò qua thuyền khác, nghe tiếng hét đồng thanh vang trời dậy đất thì giật nảy mình. Hai tay đang tóm chặt tấm ván thoáng buông ra, người run bắn như cầy sấy. Thành thử, y trượt một cái, rơi đánh tòm xuống sông.

Hai bên sông túa ra cơ man nào là lính Minh, trong rừng cây còn thấp thoáng vô số bóng mũ, hình người. Hoả mai bắt đầu bắn, tên cháy lao vun vút về phía quân Hồ. Giống như một con chuột bị sa bẫy, đoàn thuyền Cổ Lâu chơ vơ giữa dòng nước dữ, mặc sức cho quân Minh đánh đánh giết giết.

Quân Hồ biết khó mà thoát thân, bèn cắn răng nổ pháo. đánh trả. Thần Cơ sang pháo đặt trên Cổ Lâu thuyền sống dậy, gầm vang một tràng khác nào sấm nổ trên không, núi non sạt lở.

Đùng đoàng tiếng pháo, thê lương giọng người cứ vang mãi trên sông như một vòng lặp vô tận. Có cảm giác những âm thanh ấy đã hoá thành bóng ma để ám lên khúc sông đầy thi thể nơi đây. Người này ngã xuống nối tiếp người kia, thây chất lên xác, súng ngả lên những mũi tên đứt đoạn, thương gãy vùi cùng kiếm mẻ xuống tận đáy sông. Mỗi lần tiếng thét vang lên, không phải người bắc chết thì dân nam về với đất.  m thanh hoả pháo gầm vang như tiễn đưa các vong hồn về chốn cửu tuyền, xa lìa dương thế, bái biệt những nắng ấm sương mai.

Lần lượt, các bách hộ ngã xuống. Quân Minh đánh ập từ hai phía đã khó mà chống đỡ, họ lại cố tình đặt sẵn hoả pháo ở hai bên bờ sông. Cổ Lâu thuyền mắc cạn, là tấm bia ngắm bất động. Thật dễ làm sao.

Chiến thuyền bứt phá băng về phía trước, liều mạng mở con đường máu rút về phía quân doanh nhàMinh. Thương vong thật là thê thảm. Tổng cộng có bảy chiếc Cổ Lâu thuyền bị pháo oanh tạc thành một đống mảnh vụn, theo dòng nước trôi về biển đông.

Nguyễn Công Khôi toàn thân ướt sũng như chuột lột, lum cum bò lên bờ. Trông y nay còn thảm hơn cả con chó hoang mắc mưa, con mèo gần chết đuối. Chưa kịp thở hơi thứ hai, những ngọn thương tua tủa của quân Minh đã chĩa về phía y, không có đến một kẽ hở nhỏ. Cái sắc bén truyền tới từ mũi lao khiến lông tơ y dựng đứng. Biết là không còn cơ hội, Nguyễn Công Khôi lắc đầu, hai tay giơ lên xin hàng.

Các lộ binh mã tập kích của nhà Hồ liên tiếp trúng mai phục. Cánh của Tông Đỗ cũng chẳng phải là ngoại lệ. Quân Minh chọn đúng nơi nước lặng chảy chậm, tốc độ thuyền chiến không còn quá nhanh bèn ập ra từ hai bên sông, liên tiếp quăng những chum đất lên thuyền. Chum vỡ, ứa ra ngập ngụa sàn tàu không gì khác ngoài dầu và rượu.

Hoả công!

Trương Phụ cho quân xả tên cháy thẳng vào đoàn thuyền, đốt trụi sáu trên mười thuyền Cổ Lâu. Y trả mối thù đốt doanh lần trước bằng một trận mưa lửa, bằng một trận hoả hoạn trên sông.

Nguyễn Tông Đỗ cắn răng cho quân ngược sông tiến công, muốn mở đường máu như các nhánh quân khác. Nhưng than ôi, xui cho y là đụng ngay vào bãi cọc ngầm dựng giữa sông. Hai Cổ Lâu thuyền dẫn đầu va vào bãi cọc, hai chiếc còn đụng vào chiếc trước đánh ầm một cái. Mảnh gỗ vụn vương đầy trên sông.

Cổ Lâu thuyền hư hại nặng. Nguyễn Tông Đỗ vội vàng bỏ thuyền lên bộ. Y tuốt kiếm cắt tóc cạo râu cho mặt khác đi, đang muốn trốn, nào ngờ đón sẵn y lại là Mộc Thạnh.

Thạnh ngồi trên yên ngựa cao cao, siêu chỏ vào Tông Đỗ mà cười:

" Ồ, chẳng phải tướng giữ thành Đa Bang đây sao? Hôm nay sao lại luân lạc tới mức này? "

Nguyễn Tông Đỗ biết có trốn cũng chẳng thoát, bèn dập đầu như hái sao:

" Con lạy ông, con lạy ông ạ... đều là mấy tên họ Hồ muốn kháng lại thiên triều, chứ con thấp cổ bé họng, gan chì bằng ngón chân cái thì làm gì dám chống lại thiên uy. Xin ông tha cho, con làm trâu làm ngựa gì cũng chịu. "

Mộc Thạnh cười khẩy khinh thường, siêu vung cao muốn chém, nhưng lúc này lại có tiếng ai gọi với qua:

" Mạng chó tên này hãy còn hữu dụng, mong hầu gia siêu hạ lưu nhân. "

" Hừ, tha nhà ngươi một mạng. Bay đâu, bắt! "

Mộc Thạnh hừ lạnh, giục ngựa cho quân lui vào cánh rừng. Tông Đỗ bị trói nghiến hai tay, cổ thòng một sợi dây buộc vào yên ngựa. Y bị dắt đi như người ta dắt chó, song cũng đành cắn răng mà nhịn.

Trương Phụ dường như đã tính toán được chước này của Hán Thương từ trước trận đánh trên sông. Một mặt y rút bớt quân lính thủ thuyền, mặt khác lại cho sắp sẵn phục binh đón lõng. Trăm chiến thuyền tiến lên, lúc đánh đến mặt tây của Minh doanh chỉ còn không tới hai mươi chiếc.

Có thể thấy trận địa mai phục của quân Minh đã gần như vô hiệu hoá cánh quân tập kích của nhà Hồ.

Lại nói chuyện Hồ Xạ, Hồ Đỗ...

Bọn họ đứng trên mũi thuyền, ánh mắt trực chỉ Minh doanh mà trong lòng nhớ lại những gì Hồ Nguyên Trừng đã căn dặn, lòng thầm nghĩ hẳn sắp có sự bất tường gì đây. Quả nhiên, chẳng phải chờ bao lâu, tiếng tù và thúc quân đã dồn dập vang lên từ khắp bốn phương tám hướng.

" Không phải tù quân ta. "

Trần Đĩnh thấp giọng nói, ánh mắt y nghiêm nghị và sắc lạnh. Thanh gươm nằm im trong vỏ gỗ bên eo, ai mẫn cảm còn mơ hồ cảm nhận được cái lạnh của nước thép.

" Toàn quân tiến về phía trước! "

Hồ Xạ biết tả tướng quốc đã đoán đúng hướng đi của quân Minh, trong lòng nể phục bội phần. Y lập tức hạ lệnh cho toàn quân dấn tới trước, tranh thủ toàn lực công doanh lúc quân địch phải phân tán lực lượng đi rải mai phục.

Vượt qua sóng nước, mấy trăm chiếc thuyền nhỏ hướng thẳng vào doanh trại quân Minh. Quân thủ trại nhác thấy bóng binh nhà Hồ, vội vàng đốt lửa báo hiệu. Hồ Xạ trông ánh lửa bốc lên xa xa, trong lòng thoáng có một dự cảm chẳng lành. Song y biết không thể chần chừ thêm, bèn cho quân dùng số Thần Cơ sang pháo ít ỏi mang theo được nã đạn vào Minh doanh.

Mặt đất như bị lật ngược, lều trại như cây nấm bị chấn lực bứng gốc, quăng quật khắp nơi. Trong doanh trướng, chẳng còn cái gì nguyên vẹn. Đoàn thuyền dội pháo trong khoảng thời gian nửa chung trà mới dừng lại.

Hồ Xạ dẫn đầu nhảy xuống khỏi thuyền, Trần Đĩnh và quân sĩ theo sát phía sau, chực chỉ quân doanh nhà Minh. Xa xa, Hồ Đỗ và cánh quân của mình cũng đang làm điều tương tự.

Quân Hồ vừa nhảy khỏi thuyền đã hộc tốc lao về phía trại Minh. Dẫn đầu là toán quân khiêng mộc che chắn, rồi mới tới các  chủng binh sĩ khác. Hồ Xạ cố tình để chừng năm ngàn quân lại thuyền. Lệnh họ hễ thấy động dùng sang pháo bắn yểm hộ cho đại quân tiếp cận thành giặc.

Lớp rào gỗ bị chặt tung lấy đường, quân tướng nhà Hồ túa thẳng vào địch doanh, ai nấy đều dớn dác nhìn quanh đề phòng. Họ mường tượng ra trong đầu mình hình ảnh của một trận khổ chiến. Họ chờ đợi một rừng mác xồ tới, một cơn mưa tên ập lại hay một trận bão đạn xả thẳng vào mặt đại quân.

Nhưng...

Im lặng tuyệt đối.

Đáp lại quân tướng nhà Hồ chỉ có cái lặng câm đến không tưởng. Suốt một góc phía nam rặt những lều vải nằm lăn lóc khắp nơi. Căng mắt ra tìm cũng chỉ thấy được lác đác vài ba thương binh người Minh nằm trong đống đất mới bị xới tung, rên rỉ.

Trái tim trong ngực Hồ Xạ bắt đầu gia tốc. Y đánh hơi thấy có gì bất thường trong doanh trướng quân Minh:

[ Khắp một vùng doanh trướng rộng lớn mà bóng địch chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thật đáng ngờ làm sao. ]

Hồ Đỗ hai tay nắm hai thanh việt lớn, đề khí mà chạy. Cứ một bước của y dài bằng bốn năm bước chạy của thường nhân nên chẳng mấy chốc đã xộc thẳng đến soái doanh ở trung tâm. Trên đường, y dẫn quân vượt qua không biết cơ man nào là lều trại, song không hề có một bóng người.

Chỉ còn một đoạn ngắn nữa là đến soái trướng của quân Minh. Hồ Đỗ nheo mắt mà nhìn, phát hiện một bóng người cao lớn đang đứng trước cửa doanh trại. Bộ kim giáp ánh lên nắng vàng, càng thêm uy vũ. Cây siêu dài nắm chắc trong tay, lưỡi thép như hãy còn vương mùi máu.

" Mộc Thanh!! Nộp mạng đây! "

Hồ Đỗ thấy kẻ địch, máu lại nóng lên. Y tung mình tới, song việt vung xuống đầu địch, uy thế khác nào núi sạt đất long?

Xoạc!!!

Một tiếng giòn khô khốc vang lên, lưỡi việt của Hồ Đỗ lẹm toác cả kim khôi. Đà đi vẫn chưa dứt, trọng lực kéo hai lưỡi việt xuống đến non nửa bộ giáp, khiến nửa trên kim giáp toẽ làm ba mới chịu dừng lại.

Song, không hề có máu tươi toé ra...

Trái lại, lả tả bay trước mặt Hồ Đỗ là cả một trời rơm rạ. Một cục rơm tròn tròn bị tiện làm ba mảnh rơi xuống dưới chân y. Mộc Thạnh đứng trước soái trướng chỉ là một con bù nhìn.

Hồ Đỗ tức mình vận sức, giật mạnh hai thanh việt ra hai bên. Con bù nhìn và bộ giáp bị y xé bung từ chính giữa, hoàn toàn biến dạng.

" Thằng khốn họ Mộc, con thỏ đế! Ra đây cho tao!! "

Hồ Đỗ gào lên, vác việt cày thẳng vào doanh trướng. Đôi mắt beo của y trợn tròn xoe, nhớn nhác nhìn quanh tìm kiếm kẻ thù. Song chẳng có một ai hết. Trong soái trướng, ngoại trừ bàn ghế đổ nghiêng ngã ngả ra thì không có lấy dù chỉ một con chuột.

Y tức giận vung việt bửa một phát thật mạnh, chém vụn luôn cái bàn tre gần nhất. Nói đoạn, Hồ Đỗ phất áo choàng định bỏ đi.

Nhưng rồi... y chợt khựng lại, mồm tự lẩm bẩm mấy câu. Có lẽ do trong doanh trại quân địch quá yên ắng, nên y đã tự độc thoại luôn cho đỡ căng thẳng.

" Tả tướng quốc dặn là doanh trống thì đừng vào. Mình và Hồ Xạ chia làm hai hướng đột kích, nhưng xới tung cả nửa cái doanh trại lên chẳng thấy bóng ma nào hết. Không được! Có gì đó không đúng ở đây. "

Hồ Đỗ vò vò tóc, mũ giáp lệch nghiêng ra trước.

Thế rồi, một cơn gió chợt luồn qua sau gáy. Hồ Đỗ giật mình, quay ngắt ra sau. Té ra chỉ là vải lều bị rách làm gió lọt vào, chứ không có tên nào mai phục trong chỗ tối như y tưởng. Hồ Đỗ chặc lưỡi, tự chửi mình thần hồn nát thần tính.

Chính vào cái lúc ấy, có một vật mỏng dính, hơi vàng thu hút sự chú ý của y. Là một mảnh giấy! Cơn gió thổi vào đúng lúc khiến nó thoáng lay động, bay về phía y. Chất giấy ngày xưa thô nhám và vàng, khá giống màu đất. Lúc xộc vào soái trướng, Hồ Đỗ đang cáu nên không chú ý tới nó.

Y thổi một hơi, khiến đám đất bám lên mảnh giấy bay hết đi để lộ ra hình vẽ một vùng sông nước. Hoá ra là một tấm địa đồ. Cứ nhìn vị trí và hướng các nhánh sông chảy thì nơi được vẽ lại trên mảnh giấy này chính là Hàm Tử quan chứ không đâu khác.

Hình vuông lớn nằm ở bờ bắc sông, Hồ Đỗ đoán ấy là doanh trại của quân Minh. Còn hình tam giác đỏ phía nam kia thì chắc chắn là quân doanh nhà Hồ rồi. Cánh rừng phía tây được khoanh tròn.

Có một đường kẻ mảnh đi ra từ quân doanh của giặc Minh, xuyên qua khu rừng phía tây rồi dừng lại ở bờ nam. Phía trên còn viết rõ hai chữ " cướp doanh ".

" Hỏng bét!! Chúng bỏ quân doanh tập kích trại ta. Đám giặc này gian xảo thật. "

Đỗ chạy vội khỏi lều, đề khí hét vang ba lần. Tiếng y oang oang như chuông đồng, sĩ tốt Đại Ngu trong bán kính năm dặm ai cũng nghe được. Tuy làm thế e rằng đánh rắn động cỏ khiến địch có chuẩn bị, song lúc này Hồ Đỗ cũng chẳng lo được nhiều như thế.

Binh sĩ biết rằng tướng quân gọi khẩn, bèn vội vã kết đội chạy theo hướng có âm thanh. Chỉ mất có một khắc, hơn ba ngàn binh tướng đã chạy tới, sẵn sàng đợi lệnh. Số khác vì toả đi khá xa chưa kịp tập hợp, song cũng đang nhanh chóng hướng về nơi Hồ Đỗ đang đứng.

Hồ Đỗ nói, giọng gấp gáp.

" Anh em nào nhanh chân nhất, mang tờ giấy này đến cho Hồ Xạ tướng quân, y tự biết sẽ phải làm gì. Số còn lại mau theo ta giết địch. "

Binh sĩ dạ ran một tiếng, sau đó gần ba ngàn người rục rịch tiến về phía tây. Hồ Xạ băng băng vác song việt chạy trước dẫn đầu nhánh quân, lòng như có lửa đốt.

[ Té ra ngay từ đầu giặc đã không có ý định thủ trại, mà muốn sống còn với ta trận này. Mình và Hồ Xạ chủ quan quá. Tại sao không ngờ tới chiêu này của Trương Phụ ngay từ lúc y đặt phục binh ám hại quân ta kia chứ? ]

Y dẫn quân theo cửa tây Minh doanh xông ra, cứ men theo dòng nước mà đi. Chẳng mấy chốc đã gặp được chiến thuyền Cổ Lâu của quân đồng minh neo ở hai bờ sông.

Hồ Đỗ cao giọng gọi, nhưng không có tiếng đáp lời.

Quân Hồ liên tiếp trúng mai phục, sĩ khí uể oải. Các bách hộ Đại Ngu không còn cách nào khác phải cho thuyền xuôi dòng tiếp để tránh sự truy kích của địch. Song, họ cũng không dám khinh suất tiếp cận quá gần địch doanh, thế nên đành bỏ thuyền lẩn vào rừng trốn trước, rồi từ từ tìm cách hội họp với nhau.

Hồ Đỗ dẫn quân đi thêm nửa dặm thì bắt gặp một cánh tàn binh nhà Hồ.

Binh sĩ thua trận phải trốn chui trốn lủi khác nào con chuột chạy qua đường. Nay gặp được người mình, chẳng ít người mừng đến nỗi kìm không được hai dòng lệ.

Hồ Đỗ hỏi han vài câu trấn an quân tâm. Y cúi xuống cùng quân y băng bó vết thương cho thương binh, lại dặn:

" Ta đây đang chui đầu vào chỗ chết, đáng lẽ không nên liên luỵ mọi người. Song doanh ta đang trong hiểm cảnh trên đe dưới búa, không dám trễ nải. Lát nữa mọi người cứ men theo dấu chân đại quân mà đi, ắt gặp được Hồ Xạ. Y nhanh trí hơn ta, sẽ an bài mọi người an toàn. "

Sơ cứu cho người cuối cùng, Đỗ đứng vụt dậy, song việt vắt chéo sau lưng. Bóng lưng y hắt lên đất, dưới cái nắng đang tàn bất giác trở nên sao mà cao và thế rộng. Đoàn thương binh thấy y quả quyết, tròng mắt ai nấy đều đỏ lên:

" Nếu tướng quân không chê đám người chúng ta vướng tay cản chân, xin được góp một phần sức lực. Chỉ mong sau khi chúng ta chết rồi, vợ dại con thơ được các vị trên cao đoái hoài đôi chút, để hàng năm bên mồ phảng chút khói hương. "

Đoàn thương binh thấy y quả quyết, tròng mắt ai nấy đều đỏ lên:

" Nếu tướng quân không chê đám người chúng ta vướng tay cản chân, xin được góp một phần sức lực. Chỉ mong sau khi chúng ta chết rồi, vợ dại con thơ được các vị trên cao đoái hoài đôi chút, để hàng năm bên mồ phảng chút khói hương. "

Đỗ nói:

" Đi theo quân ta, là hành quân thần tốc, không được chậm một khắc nào nữa. Ai chịu được, đuổi kịp tốc độ cỉa ba quân thì hẵng theo cùng, nhược bằng không thì nên cút về! "

Các tàn binh đưa mắt nhìn lẫn nhau, những ai còn khoẻ hay không bị thương ở chân thì gia nhập đoàn quân. Số khác thì đành tiu nghỉu bỏ về.

Càng đi vào sâu trong rừng, cây cỏ càng rậm rạp âm u. Ánh mặt trời tàn lụi gượng thở ra những tia sáng yếu ớt, nhuộm úa tàn lên từng nhành cây phiến kas.  Nghe xa xa tiếng thằng vượn nào hú não nề, hệt như có người đang khóc than cho đám tang ai đó. Một vài ả quạ kêu ma đằng xa, thật khiến người ta thấy có sự chẳng lành.

Hồ Đỗ chợt nghe mùi máu trong không trung, bèn cho quân dừng lại quan sát. Chốn họ dừng chân là một gò đất khá cao. Loạt xoạt, bụi rậm vang lên những tiếng khẽ khàng ma mị mà bí ẩn.

Phốc!

Một lão cọp nhảy ra khỏi bụi, đuôi cong lên vì vừa chén được bữa no nê. Miệng hắn hãy còn tha một cánh tay người, máu thấm đỏ cả lớp lông trắng hếu ở bụng. Hổ ta nhác thấy nhóm Hồ Đỗ có đông người, thì đâm ra ngán, bèn " cà uồm " một tiếng đe doạ rồi chạy tót vào cánh rừng đằng xa.

Hồ Đỗ nhìn con hổ khuất dần, bất giác nhớ về một truyện ma y nghe hồi nhỏ. Người ta kháo nhau rằng trong rừng sâu có một giống ma trành. Loại này không ám người được, nhưng lại biết dẫn người ta đến những chốn rừng thiêng nước độc cho hùm beo vồ thịt để chết thay chúng nó.

Hồ Đỗ cho quân dừng lại nghỉ ngơi, còn chính mình thì lần theo dấu máu. Y đi được năm chục bước thì gặp ngay một cánh quân Hồ khác, nhưng đã chẳng còn ai thở được nữa. Họ chết không phải bị hổ vồ mà là do trúng tên dính đạn, nên Đỗ đoán những người này xui xẻo gặp phải truy binh của quân Minh mà chết hết chứ không phải bị hổ vồ.

" Đánh đánh giết giết, cuối cùng bỏ thây nơi rừng hoang gò vắng mà chẳng được gì, chỉ béo loài hổ dữ mà thôi. "

Hồ Đỗ thở dài, thầm nhủ lát nữa sẽ tìm cách quay lại an táng những người này.

Y đang định lần theo lối cũ mà trở ra, thì bất giác sau lưng vang lên tiếng nói:

" Vẫn còn một con man hầu An Nam lọt lưới cơ à? Tắc trách... "

Hồ Đỗ rút việt quay phắt lại, nhìn về hướng phát ra âm thanh. Trên tàng cây cao, một thiếu niên đang ngồi vắt vẻo, ánh mắt gã lạnh và sắc như thanh kiếm đen tuyền hắn nắm trong tay vậy. Hắn đúng là người đã lên tiếng ngăn Mộc Thạnh hạ siêu, cứu Nguyễn Tông Đỗ một mạng. Lưng thanh niên nọ đeo một chiếc loan đái rộng bản, đầu đội mũ không cánh. Bên ngoài bận một bộ giao lĩnh xanh lam, chất vải rất bóng và mượt.

Hai vạt áo thêu một con cá lạ bằng chỉ vàng đang ì oạp lội giữa những vệt nước vẩy ngược. Loài cá này gọi là Phi Ngư, đầu rồng đuôi cá, lại có cả một đôi cánh để bay. Còn các vệt nước kia đại diện cho cảnh lũ cá đang vượt vũ môn, hoàn thành quá trình hoá rồng.

" Cẩm y vệ? "

Hồ Đỗ nhận ra phục sức của người thanh niên chính là Phi Ngư phục của Cẩm Y vệ, đôi mắt báo khẽ nheo lại.

Cẩm Y vệ hay xưởng vệ là một lực lượng quân tinh nhuệ của nhà Minh. Lúc đầu Minh Thái Tổ thành lập Cẩm Y vệ với ý định biến đây thành lực lượng cận vệ thân tín của ông đồng thời giúp ông thăm dò, giám sát hoạt động của các quan viên trong triều.

Tới năm 1385 lực lượng Cẩm Y vệ đã lên tới 14.000, họ được mệnh danh là " Triều đình ưng khuyển ".

Quyền lực của Cẩm Y vệ rất lớn, có thể toàn quyền tra xét nhà các quan lại, tra tấn tù phạm không cần thông qua thủ tục xét xử thông thường mà chỉ cần nhận lệnh của vua.Việc một Cẩm Y vệ xuất hiện trên chiến trường là chuyện chưa từng xảy ra.

Mặc dù thấy lạ, nhưng Hồ Đỗ có từng biết sợ ai? Hắn phạt mạnh thanh việt, cất cao giọng:

" Thằng ranh con chưa nứt mắt, chưa học bò đã đòi chạy hả? Có giỏi thì xuống đây đánh với ông mày một trận. "

" Hầu tử Nam Man đúng là hầu tử Nam Man, không biết sống chết. Thôi vậy, chứng kiến vẻ mặt tuyệt vọng của các ngươi sau khi kiến thức võ học Hoa Hạ bác đại tinh thâm cũng có cái thú của nó. Lão tử bèn mở lượng hải hà để ngươi sống thêm một lúc vậy."

Cẩm Y vệ trẻ tuổi cười nhạt, vẻ mặt kiêu căng và tự mãn. Cứ như thể dưới vòm trời này hắn là vô địch vậy.

" Chưa học đui đã học bói gia sư? Ba hoa chích choè! "

Hồ Đỗ lầm bầm. Dạo gần đây hắn đặc biệt thích cách mấy bác hàng cá chửi nhau bằng ca dao tục ngữ, vừa giàu sức gợi lại vừa đậm chất thơ.

Đỉnh cao của việc thoá mạ là chửi bậy có văn hoá...

Vì nguyên nhân nghiệp vụ, tay Cẩm Y vệ nọ cũng biết lõm bõm mấy câu tiếng Việt. Y nghe loáng thoáng nội dung, lại dựa vào ngữ khí ngữ cảnh là biết Hồ Đỗ đang miệt thị mình.

" Nhớ kỹ, người giết ngươi tên là Vương Sài Hồ. "

" Thôi xin, chết dưới tay Hồ Đỗ này có bao nhiêu người, ai cũng như nhà mi chắc ta chết mệt. "

Hồ Đỗ cũng không chịu kém, song việt một che trước ngực một để chếch xuống. Hai đối thủ vờn quanh nhau, bốn con mắt chằm chặp ngó chừng đối phương, tiếng hô hấp của hai người càng ngày càng nhỏ. Ánh nhìn của song phương đều bình thản khác nào mặt gương Tây hồ ngày lặng gió. Nhưng mấy ai biết ẩn dưới làn nước thẳm ấy là sóng trào cuồn cuộn chỉ chờ thời cơ là dâng lên, nhấn chìm tất cả.

Giữa song phương tồn tại một sự tĩnh lặng đến ngộp thở. Ấy là cái im lìm đáng sợ trước khi cơn bão ập tới.

Gió khẽ khàng lay động cành cây, đám lá vàng dưới mặt đất nhẹ nhàng nhảy lên đụng vào nhành cỏ, múa một điệu.

Phụ lục: Đông tà - Hoàng Dược Sư

Phân tích chơi thôi...

Hôm nay, tôi sẽ bàn về chữ " tà " ở trong truyện Kim Dung, cụ thể là nhân vật Đông Tà - Hoàng Dược Sư.

Trước hết, nói một chút về bối cảnh của nhân vật. Dược Sư là một trong thiên hạ ngũ tuyệt, tinh thông đủ mọi sự từ kì môn độn giáp tới cầm kì thư hoạ. Võ công đảo Đào Hoa tự thành một phái, ba môn trấn phái Bích Hải Triều Sinh khúc, Đàn Chỉ thần thông, Đào Hoa Lạc Anh chưởng ( Lạc Anh Thần Kiếm chưởng ) trên giang hồ không ai không nể sợ. Có thể nói, là một nhân vật toàn diện về tài năng.

Ông có một người vợ là Phùng Hành, người sau này vì chép cuốn Cửu Âm Chân Kinh cho chồng, khiến lúc sinh hạ Hoàng Dung đã không qua khỏi mà kiệt lực qua đời.

Đông Tà có sáu đệ tử: Phùng Mạc Phong, Khúc Linh Phong, Mai Siêu Phong, Trần Huyền Phong, Lục Thừa Phong, Vũ Thiên Phong. Trong đó, hai người Trần Mai đã trộm quyển hạ Cửu Âm Chân Kinh của sư phụ, trốn khỏi đảo rồi lén tu luyện. Giang hồ gọi là hắc phong song sát.

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với bộ anh hùng xạ điêu, nhân vật khiến tôi bị cuốn hút nhất là Lão Ngoan Đồng. Đọc nhiều thêm, thì vị trí số một ấy chuyển qua Hoàng Dược Sư. Cuối cùng gần đây mới là Quách Tĩnh. Nhưng xin phép được bàn về anh trong một lần khác.

Giờ, tôi sẽ so sánh một chút cái " tà " của các truyện do các tác giả trẻ măng hơn Kim lão và " tà " của Kim Dung.

Tác giả trẻ có cách hiểu về tà là tà dị, tà ác. Những nhân vật gắn với chữ tà này thường cổ cổ quái quái, thích gì thì làm nấy. Đôi lúc, là cả những hành vi cực kì đáng lên án ( VD như lạm sát, cưỡng hiếp...v.v... ).

Còn Kim Dung? Đôi lúc, tôi đoán người ta hiểu sai về Đông Tà là do chỉ xem phim mà không đọc truyện, hoặc chi tiết đắt nhất này lại bị làm qua loa nên ít người chú ý.

Trước vụ biến lớn ở Miếu Thiết Thương ngày 15 tháng tám, Kha Trấn Ác, Quách Tĩnh Hoàng Dung, Toàn Chân Lục Tử, Bắc Cái Đông Tà Tây Độc tụ hội cùng một chỗ. Khi ấy, có ba câu thoại đã làm nên cái thần của Hoàng Dược Sư.

_ Đã là người xấu thì sao lại làm chuyện tốt được? Mọi sự xấu xa trên đời đều do cha ngươi làm đấy. Ta cứ gặp đám người tự nhận là anh hào hiệp nghĩa như bọn lục quái là lại nổi giận. ( nói với Hoàng Dung )

_ Bình sinh Hoàng mỗ bội phục nhất trung thần hiếu tử. ( nói với Âu Dương Phong )

_ Trung, hiếu là khí tiết vốn có, không phải lễ pháp. ( đáp trả Tây Độc, nổi giận )

Ba câu, đã nói rõ cái tà của Đông Tà. Một cái tà vừa hay, vừa đầy đủ, vừa chính nghĩa lại vừa quái lạ.

Câu đầu tiên, ta thấy Hoàng Dược Sư không phải nguỵ quân tử mở mồm là lấy đạo nghĩa ra làm khiên chắn cho mình như Nhạc Bất Quần. Còn hai câu sau, thì Đông Tà khẳng định mình chẳng phải kẻ tiểu nhân chuyện ác nào cũng làm. Ông nổi giận với Tây Độc, từ đó ta nhận ra Đông Tà Tây Độc không đứng chung thuyền như người đọc vẫn tưởng.

Lại nói tiếp về tính cách của Dược Sư để nổi bật cái tà của ông.

_ Hoàng Dược Sư rất kiêu ngạo. Ông có Cửu Âm trong tay, nhưng không thèm luyện thứ đã hại chết vợ mình mà nhốt mình trên đảo, thề phải sáng tạo ra một thứ võ học siêu việt Cửu Âm mới rời Đào Hoa.

_ Đông Tà tàn nhẫn, nhưng cũng rộng tình thương. Trong cơn nóng giận vì bị chính hai đệ tử mình hết lòng giáo dưỡng phản bội, ông đã đánh gãy chân hết các đệ tử khác rồi trục xuất khỏi đảo. Chà... ác nhỉ? Nhưng tại sao không ai lấy làm hận ông, trái lại còn muốn tìm đủ cách chuộc lỗi với thầy để được nhận lại? Chẳng phải do cách đối đãi của Đông Tà với họ trong lúc trên đảo sao? Về sau, Đông Tà đã có phần hối hận. Ông nhận lại các đệ tử và con cháu ở Lục gia trang, cho Mai Siêu Phong tìm tung tích các đệ tử còn lại, thu nhận Khúc Cô. Mai Siêu Phong liều mạng đỡ đòn đánh lén của Tây Độc cho ông, đến cả lúc sắp chết, vẫn mong được ông tha tội kia mà. Con gái bỏ đi, ông chả nhớ đến lời thề nữa, rời đảo bôn ba đi tìm. Chẳng qua lão ta quá ngạo, nên không muốn nhận sai.

_ Tà lại kì quặc. Người ta đổ oan cho ông, ông chẳng thèm nhiều lời mà nhận luôn về mình. Thậm chí còn để Toàn Chân thất tử ( nay còn sáu người ) và một đệ tử khác ( hình như là Doãn Chí Bình ) liên hợp thành trận Thất Tinh Bắc Đẩu vây đánh. Kha Trấn Ác, Quách Tĩnh sau cũng gia nhập vòng chiến. Song, dù bị người ta tìm giết, ông cũng không động sát thủ. Ấy là bởi hai bên thực chất không có thù sâu oán nặng với nhau. Lại nói, nếu hôm ấy Tà nổi nóng lên giết người, thì mối oán thù này lão phải nhận thay kẻ thủ mưu rồi. Cổ quái đấy, nhưng ai nghĩ Đông Tà ngu ngốc để bị lợi dụng thì thật lầm.

Tà mà không ác, cái tà của Đông Tà nó là cái tà đấy đấy. Tà, nhưng không quên trung hiếu. Tà, nhưng vẫn còn những quan niệm đạo đức cố hữu trong tim. Thứ duy nhất Đông Tà chẳng màng, ấy là lễ giáo rườm rà cổ hủ phong kiến mà thôi.

Ps: hôm nay tác giả mạo muội nói ngoài lề hơi nhiều. Kính mong bạn đọc thông cảm và tiếp tục ủng hộ

Hồ Đỗ sấn tới trước một bước, chiếm ngay lấy thế chủ động. Lưỡi việt trong tay y chém xéo xuống, muốn từ đôi vai lách thẳng vào khe cổ của Vương Sài Hồ mà xả y làm hai khúc.

Họ Vương kia cũng chẳng phải tay vừa. Y vừa nghiêng người tránh qua, vừa vẩy kiếm lên chém vào cánh tay Hồ Đỗ. Vũ khí của y là một thanh nhuyễn kiếm, khi vung lên lưỡi kiếm rung rinh chẳng khác nào cái lưỡi mềm mại của loài độc xà.

Y nhủ bụng:

[ An Nam quả nhiên là đất man di mọi rợ, chiêu số giản đơn tới nực cười. Võ tướng mà chỉ biết dùng sức trâu, ở thiên triều ta chỉ đáng làm bách hộ. ]

Chắc mẩm Hồ Đỗ sẽ phải rút tay về, Vương Sài Hồ mạnh dạn sấn bước về phía địch thủ. Việt là vũ khí trên lưng ngựa, tầm sát thương xa hơn nhuyễn kiếm khá nhiều. Họ Vương biết vậy nên mới tranh thủ tiếp cận Hồ Đỗ, muốn xoá mờ đi bất lợi này.

Nào ngờ Hồ Đỗ chỉ thoáng trầm vai xuống, để cánh tay y lệch ra một chút tránh khỏi bị chặt phát đứt lìa. Da và thịt ở cánh tay y bị cứa đứt, máu tươi bắt đầu ứa ra. Da mặt Hồ Đỗ đỏ bừng lên, y không đợi Vương hồi thần, lên gối ngay một phát vào bụng đối thủ.

Vương Sài Hồ giật mình, nhưng đang đà tiến tới sau lui lại được? Lúc này y chẳng khác gì đưa bụng mình ra cho đầu gối của Đỗ thúc cả, sắc mặt thoáng trở nên âm hiểm.

Y vận khí xuống bụng, chờ sẵn. Trong Phi Ngư Phục của y có giấu một tấm áo kim ti dệt lẫn với lông vượn núi, cực kì bền dẻo. Bảo y này xưng đao thương khó nhập, thậm chí còn có thể cản lưỡi  dao găm không cho nó lút sâu vào cơ thể.

Đùng!

Lý Thân thần công của Đỗ mặc dù đã không bằng nguyên bản, khiến đầu gối của hắn có được sức mạnh tới tám trăm cân ta, tức là gấp bốn lần lúc giao thủ với Mộc Thạnh.

Vương Sài Hồ thấy bụng mình rúng động dữ dội, mặc dù có cách một lớp áo kim ti bảo vệ rồi nhưng nội tạng vẫn rung chuyển như muốn bị chấn lực xoắn nát. Y phun mạnh một ngụm máu, đôi chân cày hai đường sâu hoắm vào mặt đất.

" Khốn... nạn... "

Trong cung cấm, y vốn là hảo thủ chẳng thua gì Mộc Thạnh. Nào ngờ mới xuống phía nam chưa được bao lâu đã bị  tên người " bần di chi địa " một gối thổ huyết.

Y ngửa cổ gầm nhẹ lên, máu nhuộm đỏ hai hàm răng.

" Tìm chết! Thực là tìm chết! Ta muốn khiến cả nhà mi sống không được chết không... "

Đùng!!

Lời còn chưa nói dứt, việt của Hồ Đỗ đã hùng hổ lao thẳng xuống. Với bốn tàng Lý Thân thần công, Hồ Đỗ kéo gần khoảng cách gần mười mét giữa hai người chỉ bằng một cú nhảy.

Lưỡi việt được mài sáng choang còn cách chán đến một mét mà Vương Sài Hồ đã cảm giác được kình phong phả tới rát mặt. Y đã giác ngộ một chân lí: bằng chút nội công thô thiển của mình thì chọi cứng với Hồ Đỗ chỉ có đường chết, đành vội vàng lăn tròn tránh qua.

Cốp!!

Hồ Đỗ chẳng thèm nói một lời, chỉ đưa ngang lưỡi việt còn lại, tống thẳng cán sắt vào thái dương Vương Sài Hồ.

Y chẳng còn cách nào, bèn hất kiếm một nhát thẳng tắp từ dưới lên. Lưỡi nhuyễn kiếm mềm mại dẻo dai, mượn đà văng bèn uốn thành một vầng trăng khuyết. Kiếm nhận nhắm vào yết hầu của Đỗ, một chiêu " Vây Nguỵ cứu Triệu " được Sài Hồ tung ra khá bài bản và đúng lúc. Nói một cách đơn giản thì đây là đòn vận dụng đạo lí lấy công làm thủ.

Hồ Đỗ đành phải xoay thanh chiến phủ còn lại nửa vòng tròn, gạt phăng thanh nhuyễn kiếm đi. Nào ngờ đây đúng là điều Vương muốn. Y thuận đà văng của nhuyễn kiếm, nhẹ nhàng xoay chuyển một vòng, kiếm nhận tiếp tục nhằm vào cổ Hồ Đỗ mà móc.

Đây là chiêu kiếm Tụ Lí Càn Khôn, lấy cái ý kiếm mượn sự che giấu của tay áo rộng dài đặc trưng của người Trung Quốc, đánh ra bất ngờ như thể trong tay áo có một mảnh trời đất vậy.

Hồ Đỗ cũng chẳng vừa, một mặt nghiêng người đi né mũi kiếm, mặt khác lại vung rìu phản kích.

Vương Sài Hồ rung tay, mũi kiếm rung rinh đảo hướng chếch nghiêng xuống, phạt vào chân Hồ Đỗ một nhát. Y lại lăn tròn dưới đất, nhát chém của Đỗ xẹt qua đầu y, nhẹ nhàng hớt đứt nửa cái mũ. Tóc Sài Hồ xoã tung, lưng bám đầy lá vàng và bụi bẩn. Hiện tại y vừa thấy nhục, lại thấy sợ.

[ Đám An Nam là dân bần di man rợ, sao lại có chiến thần dũng mãnh bực này? ]

Hồ Đỗ lại tự nhủ:

[ Tên này hùng hùng hổ hổ, sao lại yếu như thế? ]

Nay thương cũ của Hồ Đỗ đã khỏi hẳn, hắn cũng đã quen với sức mạnh tăng vọt vì Lý Thân thần công, nên lực chiến đấu đã hơn xa trận chiến với Phạm Hách.

Cái đáng sợ của pho thần công dị bản này là càng bị thương, lực chiến đấu càng mạnh.

Hồ Đỗ hú lên một tiếng, tiếng hú của hắn nay vang dội có khác chi tiếng thuồng luồng kêu rên, chằn tinh gào thét? Cây rừng xào xạc hoà âm, chim thú kinh động đua nhau tẩu tán. Ai mẫn cảm sẽ thấy mặt đất dưới chân hơi rung theo tiếng chân thú rần rần chạy.

Vương Sài Hồ ở gần nhất, bị tiếng hú của Đỗ đánh cho tai ong đầu choáng. Y chẳng kịp bịt tai lại, vội vàng vung kiếm định đứng lên nhưng người loạng choạng đổ nhào ngay.

Hồ Đỗ nghiêm mặt bước tới, vụt mạnh chiếc việt xuống, định chém bay đầu Vương Sài Hồ. Y không có thói quen giễu cợt hay chà đạp đối thủ sau khi chiến thắng. Đấy là hành vi của một đứa trẻ. Không nhiều lời, một nhát dứt điểm. Ấy là phong cách của Hồ Đỗ.

Y có phần táo tợn nóng nảy, có hơi ngốc nghếch, nhưng không nhỏ mọn tự ti đến nỗi phải chà đạp lên lòng tự trọng và tôn nghiêm của kẻ khác để tìm cảm giác tồn tại.

Bất thình lình, từ đâu xé gió bắn tới một mũi tên. Tốc độ tên bay nhanh như cắt, ánh thép nơi đầu mũi tên phản chiếu nắng mai hắt lên nhọn hoắt.

Mũi tên đâm thủng vai Hồ Đỗ, máu tươi tí tách chảy xuống. Bị trúng tên bất ngờ khiến thanh việt trong tay Đỗ rơi nhẹ xuống đất.

Tên găm vào vai, đau thấu tâm can. Sau lưng nhất thời lại vang lên tiếng lợi khí xé gió, phong áp bức tới càng lúc càng nhanh. Hai tay đều trúng đòn, biết không kịp chém Vương Sài Hồ, Hồ Đỗ lật đật nghiêng mình né qua.

Phập!

Lưỡi siêu dài bửa thẳng xuống nơi hắn vừa đứng, kình lực khiến lá vàng lẫn bụi đất tản ra hai phía.

Hồ Đỗ định thần lại, nhìn chòng chọc vào kẻ vừa đánh lén mình. Tuổi chừng ngũ tuần, mắt báo tròn xoe sáng quắc, râu hùm vểnh ngược hoa râm. Không phải Mộc Thạnh thì còn ai vào đây nữa? Tay lão xách ngược siêu sắt, ánh mắt không lúc nào không kiêng dè nhìn Hồ Đỗ.

Vương Sài Hồ là Cẩm Y vệ mà Minh thành tổ đặc biệt phái xuống phương nam, căn dặn kĩ càng phải đoạt cho được một vật. Lại nói tên này võ nghệ siêu quần, chiến lực thực tế không thua gì lão ta. Dù còn có chút ngựa non háu đá, nhưng thanh niên huyết khí phương cương ai mà chẳng vậy??

Thế mà...

Ba chiêu! Một cú lên gối, một nhát chém, một tiếng gầm...Vương Sài Hồ bất lực nằm chờ chết. Mới qua chẳng bao lâu, mà lực chiến đấu của Đỗ đã tăng vọt, nhìn mà tưởng như hai người khác nhau.

" Á à! Ra là mày. Tốt! Đỡ phải tìm kiếm chi mất công. Chết này! "

Hồ Đỗ hào hứng gào lên, hai tay xốc cả hai thanh việt trở lại tư thế thuận tay nhất. Hít sâu một hơi, y khẽ nhún chân lấy đà. Qua lần vải, có thể thấy bắp thịt y nổi vồng lên cuồn cuộn, chắc nịch như gỗ gụ.

Mộc Thạnh thấy động, giơ ngang lưỡi siêu nghiêm mặt chờ sẵn. Đôi mắt lão quắc lên, hai tay siết chặt lấy lưỡi siêu chờ đợi. Vương Sài Hồ nghe tiếng chửi của Hồ Đỗ nay mới sực tỉnh, lồm cồm bò dậy, ba chân bốn cẳng chạy mất. Trông dáng hắn vừa trốn vừa ngã lên ngã xuống thực là nực cười.

Hồ Đỗ chẳng thèm đuổi, ánh nhìn khoá cứng lấy Mộc Thạnh. Trong lúc này lão ta là mục tiêu duy nhất của hắn, hắn phải trả mối nhục lần trước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro