Tiền truyện: xuân thiên tam tôn luận hào kiệt / dưới trăng tiên nữ hái hoa sen

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1391

Thành Thăng Long đương độ vào Tết về, mưa xuân lất phất ngoài hiên, đào thắm rộ khắp ba sáu phố phường.

Chẳng là năm trước thái thượng hoàng Nghệ Tông sai Lê Quý Li cự giặc Chiêm Thành ở Thanh Hoá, trúng phải kế trá bại của kiêu hùng Chiêm Thành là Chế Bồng Nga chết nhiều tướng binh. Quý Li chạy về xin thêm chiến thuyền, Nghệ Tông bèn cử Trần Khát Chân cầm quân cự địch. Quân Đại Việt thắng to, Bồng Nga tử trận, rửa được mối thù Duệ Tông chiến tử năm nào.

Thành thử dịp Tết năm nay, binh tướng cả nước được cho về nhà ăn Tết những năm ngày.

Hồ Xạ bèn rủ hai anh em kết nghĩa là Hồ Đỗ và Phạm Lục Bình ngồi thuyền dạo hồ Tây. Trên hồ, rợp bóng thuyền to thuyền nhỏ. Tiếng đàn, tiếng ca dẻo ngọt như mứt tết của các ả đào đất Long thành nhẹ nhàng đùa giỡn mặt sóng. Khói trầm từ chùa Trấn Quốc bên hồ phảng ra, thơm ngào ngạt.

Hồ Đỗ đứng ở đầu thuyền chỏ vào một đám hội múa lân bên bờ hồ, tấm tắc:

" Nè! Chúng bay coi cái đám đằng kia diễn Khổng Lồ sang Tàu kìa. Chẹp, con rết đẹp dữ. "

Gánh này múa rất nghề, dân đi lễ hay du xuân bâu đến xem đông nượm như nêm. Tay múa chính cạo trọc đầu, mặc cà sa cất giọng đứng giữa tràng múa. Giữa những dải lụa múa xập xình giả làm sóng nước, một con rết thân đỏ lòm do hai ba người cùng múa cứ giãy lên, nhe nanh phun nọc phì phì đe doạ.

Phạm Lục Bình nhẹ giọng:

" À. Ấy ắt là con lân hồi Trung Thu, được sửa lại một thành con rết thôi. Quốc gia đang buổi khó, vui Tết mà không quên tiết kiệm là đúng, đáng hoan nghênh. "

Nói xong lại lấy ấm trà ra, tự rót cho mình một chén mà nhấp.

Người diễn Khổng Lồ thấy Ngô Công chồi lên cản, bèn co chân hươ tay, miệng lẩm nhẩm đọc như người ta làm phép. Rồi vung gậy tầm xích, cao giọng:

" Bớ chư thần Bắc quốc, thiên tử các người đã đồng ý cho ta kho đồng. Hà cớ gì cử Ngô Công đánh lén? Lại tưởng dân Nam ta ít phép đấy chăng? "

Nói đoạn phất tràng hạt. Ngờ đâu diễn lâu, mồ hôi trơn ướt, khiến chàng hạt văng ngay vào đầu rết.

Xạ thấy vậy nói ngay:

" Cứ như lần trước ta xem thì phải đến lúc cuối, Khổng Lồ ném tràng hạt ra thì rết mới chết. Lần này còn chưa cao trào mà đã gặp cảnh khép màn, xem gánh múa này giải quyết ra sao. "

Đột nhiên nảy ra vấn đề, nhưng tay diễn vai Khổng Lồ không núng tí nào. Y hạ chân xuống dậm hai cái, chắc là mật hiệu của gánh hát với nhau, rồi ứng tấu nói:

" Phật ta có đức hiếu sinh, tràng hạt vừa rồi chỉ là cảnh cáo. Nhược bằng loài rết nhà mi còn không chịu tỉnh ngộ, thì phải ăn một gậy. "

Ba người đóng con rết biết ý, bèn lắc đầu rết phì phì, tỏ ra giận dữ. Nói rồi một người bỗng cao hứng, lại biết chút chữ nghĩa bèn đáp ngay:

" Sư An Nam chớ vội cười, ấy là tại mấy hôm trước có con thạch sùng đái vào bát cơm, thánh thượng ăn phải nên còn lẩm cẩm lú lẫn. Đồng đen là kì kim thánh thiết, chỉ có ai ngu si tăm tối mới đem cho đám man di các người. "

Mọi người nghe xong cười ầm cả lên, biết ngay gánh hát giở trò chọc vua phương bắc.

Mấy đứa làm sóng nước bắt đầu chạy nhanh, lụa xanh uốn khúc liên hồi thể hiện biển cả cuộn trào càng dữ. Phía nhà bè lại cho nổi trống thùng thùng dồn dập thêm, đốt pháo giả làm tiếng sét nổ.

Đùng! Đùng! Đoàng!

Pháo nổ giòn tan, chỉ thiếu một chút là bằng tiếng cười của đám trẻ đang đứng xem.

Sau đó người diễn Khổng Lồ vung gậy tầm xích, đánh một hồi với rết. Hai bên quần nhau dữ dội. Thế rồi mọi thứ lại trở về với kịch bản y như trong truyện cổ. Con rết thua, ôm đầu lặn mất. Khổng Lồ đem đồng về nước, đúc ba món bảo vật cho phật môn nước nam. Riêng cái chuông đồng thì không giữ được, bởi chuông vừa đánh thử một tiếng, vàng bạc từ các nước lân bang mà cụ thể là con trâu vàng trước cửa kho đồng Trung Quốc đã ba chân bốn cẳng chạy sang Đại Việt.

Cuối vở diễn, Khổng Lồ ném chuông xuống hồ tây, rồi lấy một con trâu bằng giấy sơn vàng thả xuống hồ. Nước hồ ngấm vào khiến con trâu mủn dần ra, rồi theo sự dập dềnh của làn sóng mà tan ra, hoà vào làn nước trong xanh cùng với ánh mặt trời.

" Từ ấy, hồ Tây, hay đầm Xác Cáo còn có tên nữa là hồ Kim Ngưu. Về cái tên đầm Xác Cáo, thì ngay ngày mai chúng tôi sẽ diễn vở Long Quân diệt Tam Tinh để giải thích. Mong bà con chòm xóm nhớ ghé lại đón xem... "

Người dẫn truyện đệm một câu kết thật êm, rồi các nghệ nhân chính kéo nhau lên chào khán giả.

Ba người Hồ Xạ cũng vỗ tay tán thưởng, đoạn ghé thuyền vào sát bãi sen nghỉ chân. Nay sen đang vào độ khép bông, phải hai tháng nữa mới lại có hoa về. Hồ Xạ đón chén trà của Lục Bình, vừa nhấp vừa thưởng cảnh. Thứ trà xanh ướp theo phương pháp bí truyền của danh tướng Phạm Ngũ Lão, ngửi chỉ thoang thoảng nhẹ nhàng mà nếm rồi thì cứ thơm tho ngấm cả vào gan ruột. Cả đám ngồi hóng gió một lúc, sau lại kéo nhau lên bờ, ghé vào hàng nước của một lão làm thêm miếng trầu cho thơm miệng.

Bà lão hàng nước miệng bỏm bẻm nhai, môi đỏ những nước trầu. Thấy ba người lên bờ, nhìn phục trang và cách đi đứng thì đoán là quân nhân đang nghỉ Tết, bèn đặc biệt têm cho ba miếng trầu cánh phượng. Lão đưa trầu qua, lại nhắm mắt khẽ ngửi hương trà còn vương lại trên áo ba người, khen

" Chè của mấy chú ngon ghê, già mà đem thứ tầm thường này ra thì phải xấu hổ. "

Hồ Xạ và Lục Bình từ tạ một cách khiêm tốn, chỉ có Hồ Đỗ là oang oang cười, nói:

" Bà cụ này có cái mũi khá ghê, nói chẳng phải khoe chứ trà của thằng em tôi phải ngon nhất nhì cái xứ Kinh Bắc này rồi. Thôi, cụ có rượu đó không cho tôi xin hai đồng uống đỡ lạt miệng. Từ sáng đến giờ toàn chè là chè, chưa được giọt cay cay nào vào mồm đây. "

Bà lão đon đả rót luôn cho Đỗ một bát to. Y không nói không rằng bưng lên uống một hơi cạn sạch. Cụ nức nở:

" Chú này uống rượu khá quá, hơn đứt ông già nhà tôi. "

" Rượu ngon thế này mà cụ ở nhà không uống được hơn gấp mười thằng Đỗ này ấy à? Cụ tự ủ đúng không? "

Có câu miếng trầu là đầu câu chuyện. Bốn người nhai trầu, tán gẫu một hồi, lại quen thân hơn.

Được một chốc, bỗng có một nhóm ba bốn thanh niên ghé quán. Trông dáng vẻ thì hình như là người từ trấn khác đến Thăng Long. Họ kéo băng ghế đối diện nhóm Hồ Xạ, gọi thêm xị rượu rồi giở cân thịt đem theo ra nhậu. Tết nhất, chẳng mấy nơi mở cửa làm ăn. Chỉ có quán nước của bà lão này là vẫn bán. Cả đám mới rủ nhau ghé lại mua rượu nhậu chơi cho qua bữa trưa.

Bà cụ hàng nước vừa ngồi têm trầu, vừa hỏi:

" Nghe cụ nhà ta giải ngũ về, hay kể tên Chế Bồng Nga người Chiêm là một vị vua kiệt xuất. Chẳng những anh dũng thiện chiến, cầm binh như thần, lại khéo léo trong việc trị quốc an dân. Vốn là già không tin. Song từ khi hắn dẫn quân đánh vào Thăng Long được tới bốn lần thì cũng hơi hãi. May mà y đã chết. Nay có các vị tướng lĩnh mới từ chiến trường về, có thể để già thoả trí tò mò được chăng? "

Nhóm Hồ Đỗ chưa kịp tiếp lời, thì bỗng phía bàn đang nhậu có người lên tiếng:

" Chế Bồng Nga là cái thá gì? So với trang chủ Bách Điểu Sơn Trang bọn ta thì chỉ đáng xách dép! "

Năm ấy Hồ Đỗ, Hồ Xạ với Lục Bình chỉ có mười sáu tuổi, nóng nảy thành tính, hiếu thắng nổi danh cả cái đất Thăng Long này. Ba người nghe đối phương tâng bốc trang chủ của mình lên, giống như nói kháy quân nhân bọn họ là lũ giá áo túi cơm vậy. Thế là máu trong người cứ sôi lên sùng sục.

Phải nhắc tới chuyện trong quân ngũ nhà Trần thời ấy, hung danh của Chế Bồng Nga thịnh tới độ Lê Quý Li nghe thấy cũng phải kiêng dè bốn phần. Y cầm quân chiếm Thăng Long tới bốn lần, trận chiến ở thành Đồ Bàn còn giết chết cả Trần đế thời ấy là Duệ Tông. Trên chiến trường y hung hãn như mãnh hổ, nơi trướng bồng lại nham hiểm tựa hồ li. Có thể nói, ngoại trừ nhà Minh hùng cứ ở phương bắc thì Chế Bồng Nga đích thị là đại địch của nhà Trần khi ấy.

Hồ Xạ nhếch mép cười khẩy, phản pháo ngay:

" Vòm trời của con ếch đúng là mãi mãi chỉ bằng miệng giếng. "

" Mày nói cái gì? "

Đám người Bách Điểu Sơn Trang đập mạnh vào mặt bàn, đứng phắt dậy. Sơn trang Bách Điểu là một phái rất mạnh của bạch đạo, hùng cứ cả một trấn Thái Nguyên. Đến cả quan phủ cũng sợ bọn họ một phép, gặp dịp đến chầu trang chủ cũng phải khiêm nhường lễ độ chứ không dám hách dịch như bình thường.

Đệ tử sơn trang đi lại trên giang hồ, được cả nể, đâm ra coi trời bằng vung. Nhân sĩ võ lâm cả trấn Thái Nguyên nể mặt trang chủ bọn họ, nên mới không chấp nhặt. Thế là lâu dần thành quen, nay được cử đến Thăng Long nhưng vẫn giữ thói cũ.

Phía bọn Đỗ, Xạ cũng tuốt ngay khí giới khỏi vỏ. Phạm Lục Bình nắm Thư Hùng kiếm, đầu đen gác sau lưng. Hồ Xạ với tay mó lấy ống tên, những ngón tay đặt vào phần lông vũ ở đuôi tiễn. Hồ Đỗ ngày ấy còn chưa học được thần công của Lý Thân. Y thủ thế dùng một thanh đao to bản, dài chừng ba thước ta.

Thấy đám Hồ Đỗ muốn chơi cứng, đám người Bách Điểu sơn trang cũng rút luôn binh khí ra đeo vào tay. Binh khí độc môn của sơn trang là Kê Trảo, ấy là một loại bao tay có gắn ba lưỡi dao hẹp và dài, nhọn hoắt như cựa gà chọi.

Bà lão bán quán thấy chỉ vì một câu hỏi vu vơ của mình mà hai bên đột nhiên gay gắt như chó với mèo như nước với lửa, thì chột dạ. Bà lão vội lên tiếng van lơn:

" Tôi lạy các cậu, các cậu cho tôi xin. Thanh niên các cậu sức dài vai rộng, các cậu để bà già này kiếm miếng cơm manh áo đi. "

Cả đám nghe vậy mới ngừng tay, cũng thấy thương bà lão già cả, ngày Tết mà còn ngồi đây bán quán. Bên phía Bách Điểu Sơn Trang hất cằm, thách:

" Canh hai đêm nay có dám tái đấu ở chỗ này không?? "

" Chỉ sợ chúng mày chạy! " – Hồ Đỗ trầm giọng, từ từ nhét đao trở vào vỏ.

Xong xuôi, hai bên trả tiền cho bà hàng nước rồi tản đi, hẹn ai mà thua sẽ phải dập đầu xin lỗi và đền đối phương một cân bạc trắng.

Vụ lùm xùm với đám người Bách Điểu Sơn Trang cũng khiến ba người Hồ Xạ cụt hứng, chẳng muốn nhàn rỗi du xuân nữa. Thấy mặt trời cũng bắt đầu đứng bóng, Phạm Lục Bình bèn kéo hai người kia về nhà, định bụng sẽ làm bữa cơm ăn cho chắc bụng tối còn ứng chiến.

Cả ba vừa chạm gót tới ngõ, thì đã thấy ngoài cổng có buộc một thớt chiến mã. Da bóng, bốn chân cứng cáp. Ấy ắt là loại chiến mã có thể phi qua đèo, băng qua suối mà cứu chủ nhân.

Phạm Lục Bình thầm nghĩ:

[ Từ khi cụ cố mất, nhà mình không có ai ra làm quan (*) cả. Không biết con ngựa này của ai. ]

Hồ Xạ cũng phát hiện sự lạ, âm thầm cảnh giác. Chỉ có Hồ Đỗ là vỗ đánh đét vào mông ngựa, liếm mép:

" Con này mà thịt lên chắc ngon lắm. Miếng nào miếng nấy chắc nình nịch thế này cơ mà. "

Con chiến mã như nghe hiểu tiếng người, đột nhiên tung vó đá hậu đánh bốp một cú ngay giữa bụng Hồ Đỗ. Chiến mã rất khoẻ, Hồ Đỗ ăn một đạp xong, bay đánh vèo ra sau rồi ngã lăn kềnh ra đất. Y ôm bụng, kêu không lên tiếng, phải lăn lê dưới đường một lúc mới đứng lên được.

Cũng may là Đỗ da dày thịt béo, nên không tổn hại nội phủ. Hai người kia cười lăn, vội vàng đỡ hắn lên dìu vào nhà.

Lúc này ở gian khách phòng đã có một người thanh niên tuổi chạc hai mươi đang ngồi nói chuyện với Phạm phu nhân. Hai chén trà đặt ở giữa hai người hãy còn toả khói nghi ngút. Thanh niên ấy vận một bộ giao lĩnh màu xanh tím, thắt lưng buộc cẩn thận, đầu vấn khăn vuông.

" Lục Bình, về rồi hả? Ngồi xuống đây tiếp khách. "

Phạm phu nhân thấy bóng con ngoài cổng, vội vàng đứng dậy gọi vọng ra. Phạm Lục Bình ra dấu nhắn Hồ Đỗ Hồ Xạ tự mình đi ra phía gian sau, bởi Phạm phu nhân không thích hai người này lắm. Bà muốn con mình phải giao du với những bậc quyền cao chức trọng, tài nghệ siêu quần trong quân để sau này còn thăng tiến.

Lục Bình tiến gần, nay mới có cơ hội được nhìn kỹ người thanh niên nọ. Trông y rất đỗi anh thư quắc thước, mày kiếm sắc và thanh, đôi mắt sáng như mắt cú vọ. Dù dùng lễ vãn sinh để đối đáp Phạm phu nhân, nhưng từng cử chỉ lời lẽ của y vẫn mang một chút phong độ của bậc đại tướng. Chỉ tiếc là nét kiêu ngạo trên khoé môi thì không giấu được.

Biết người này xuất chúng, Phạm Lục Bình cũng không dám quá thờ ơ. Y lục lọi trí nhớ mình xem dạo gần đây trong quân có vị tướng tài nào trẻ tuổi như vậy hay không, và một cái tên xẹt qua đầu y.

Phạm phu nhân thấy con không nói gì, bèn mở lời:

" Cháu nó là vậy đấy, kiệm lời lắm. Lục Bình á, chắc con biết tướng quân Trần Khát Chân rồi, mẹ đoán là không cần giới thiệu lại đâu. Hai người cứ thong thả chuyện trò việc công việc nước, bà lão này là phận nữ nhi góc bếp không tiện nhiều lời. "

Trần Khát Chân chắp tay, cúi mình:

" Phạm phu nhân chờ chê cười, Khát Chân may mắn lập công mới được đề bạt. Bản thân tôi luôn lấy Điện Suý thượng tướng làm tấm gương để noi theo, nhưng phúc bạc chưa có dịp may được diện kiến con cháu của lão anh hùng Phạm Ngũ Lão. "

Phạm phu nhân khách sáo lại mấy câu, rồi lui.

Còn lại mỗi hai người với nhau, Phạm Lục Bình mới cau mày, hỏi:

" Anh hùng đánh bại Chế Bồng Nga hôm nay đến tìm tên tiểu tốt tầm thường này, thật đúng là rồng đến nhà tôm, khiến tệ xá bừng sáng... nhưng thôi, kẻ ngu này không nhìn ra mục đích chính xác, song cũng mạo muốn phán đoán rằng Trần Khát Chân anh cũng không tìm đến chỗ tôi để nghe mấy lời khách sáo hoa mĩ này đâu. "

Trần Khát Chân thu lại vẻ tươi cười cung kính, bình thản:

" Không hổ là con cháu Phạm lão tướng quân. Người như Lục Bình mà phải làm một tiểu tốt vô danh chẳng phải hoang phế tài năng lắm ư? "

" Ý tướng quân đây là? " – Phạm Lục Bình nheo mắt lại, vẻ cảnh giác.

" Lê Quý Li được thánh thượng trọng dụng, song lòng có vẻ còn có dị tâm chứ không hết dạ phụng sự thánh thượng. Chi bằng chúng ta hành thích lão ta, giúp Nghệ Tông bệ hạ nhổ đi một cái gai trong thịt. Khi ấy chẳng những ta có tiền đồ vô lượng, mà con đường thăng tiến của Lục Bình cũng thênh thang. "

Trần Khát Chân nhấp một ngụm trà, mắt nhắm lại.

(*) Đính chính: hậu nhân của Ngũ Lão sau đầu quân cho nhà Tây Sơn là Phạm Ngũ Thư, ở đây sẽ được đồng nhất với Phạm Lục Bình. Để giải quyết hiện tại có 2 cách:

_ Đổi tên, sau khi nhà Hồ diệt vong.

_ Biến Lục Bình thành nhân vật hư cấu xây dựng dựa trên hình ảnh nhân vật có thực trong sử Việt ( giống trường hợp của Lí Tồn Hiếu trong thuyết Đường ).

Cảm ơn vì đã đọc

Phạm Lục Bình khẽ giật mình trước lời đề nghị bất ngờ của Trần Khát Chân. Hiện giờ, Lê Quý Li quyền thế ngập trời, thế lực vây cánh dần đủ mạnh. Thế cục trong triều bắt đầu phân hoá thành hai thái cực, một bên là Trần Phế Đế Trần Hiện, đối trọng là Đồng Bình chương sự Lê Quý Li.

" Lục Bình xin cảm ơn đức của tướng quân, nhưng ta chỉ là một tiểu tốt thấp cổ bé họng tầm thường, trong triều chẳng có chút ảnh hưởng nào. Có Lục Bình hay không, đối với thái thượng hoàng và Lê đại nhân mà nói không quá quan trọng. Lục Bình xin cảm ân tướng quân đã ưu ái, song việc này là đại sự liên can hệ trọng, không dám tuỳ tiện nhận quàng nhận xiên. "

Phạm Lục Bình tuy chỉ là một tiểu binh trong quân ngũ, song cũng nhận thức được giá trị của bản thân không nằm ngoài mấy chữ " hậu duệ danh tướng Phạm Ngũ Lão ".

Nhận một chức tiểu binh tầm thường là do y muốn dựa vào chính sức lực tài năng mình tìm kiếm công doanh, quyết không sống dưới cái bóng của tổ tiên.

Trần Khát Chân khoát tay, nói:

" Không vội, không vội... Lục Bình cứ từ từ suy ngẫm. Chỉ xin nhắc một câu là nợ Tang Bồng còn vay chưa trả, xin đừng làm phụ ơn Thái Sơn, lòng Đông Hải của gia phụ. "

Phạm Lục Bình nói lời từ tạ, tiễn Trần Khát Chân ra tới tận cổng mới trở vào. Vừa đi, y vừa nghĩ, thân làm nam nhi chẳng lẽ cứ mãi an phận với cái chức tiểu binh quèn quèn này hay sao? Như thế liệu có xứng đáng với thần kiếm Thư Hùng hay không? Thất thần, khiến Lục Bình vấp ngay vào bậc thềm, đầu đụng vào cánh cửa đánh cộp một tiếng.

Phạm phu nhân đã ngồi chờ sẵn trên phản, vừa têm trầu vừa thưởng một ấm trà. Thấy Lục Bình, bà bèn cất tiếng:

" Trần tướng quân nói sao? "

" Ông ấy muốn con tham gia cùng chống đối, lật đổ Lê Quý Li. "

Phạm phu nhân chậm rãi:

" Thái thượng hoàng Nghệ Tông rất tin họ Lê, còn từng trao cho y thanh kiếm và lá cờ ghi " văn võ toàn tài, quân thần đồng đức ". Thế nên có thể kẻ muốn giết Quý Li ắt không phải thái thượng hoàng. "

Phạm Lục Bình cau mày, hỏi:

" Thế thì để con từ chối Trần tướng quân. "

" Chớ có hành động lỗ mãng. Mẹ nói là có thể, chứ không phải là chắc chắn. Không loại trừ khả năng chuyện lá cờ thanh kiếm chỉ là kế đấu dịu, hoà hoãn thời gian của Nghệ Tông. Mà kể cả không phải, thì con cũng không thể ngay mặt từ chối Trần tướng quân, bằng không có thể sẽ bị trừ khử. "

Phạm phu nhân chậm rãi cất lời, vừa nói vừa châm chè vào chén. Phạm Lục Bình ngồi yên chờ đợi, nhưng mãi mà phu nhân chẳng lên tiếng một lần nào nữa.

" Mẹ, hôm nay đột nhiên người nói nhiều chuyện đại sự như thế là có ý gì? "

Phạm phu nhân đặt chén nước chè xuống phản, đáp:

" Mẹ là người đàn bà số khổ, goá bụa từ sớm. Còn con thì không có đôi vai bảo vệ của người cha. Lục Bình, trước khi khuất núi cha con có để lại một bức thư. Kể từ đó đến giờ đã gần chục năm trôi qua, mẹ chưa hề mở ra đọc dù là một chữ. Nay giao lại cho con. Quyết định ra sao là quyền của con. Thôi, hai anh đang đợi dưới bếp, xuống tiếp chúng nó đi. "

Lục Bình nâng phong thư cất vào áo, vái chào mẹ rồi mới lui ra sau bếp. Hiện giờ Hồ Xạ Hồ Đỗ đã chuẩn bị xong mồi nhắm. Đĩa lạc rang với khoanh bánh chưng trong bếp là đủ để ba người chén tạc chén thù một chặp, ít nhất là uống thấy đáy hai vò rượu Tết còn thừa.

Hồ Đỗ thấy tâm tình của thằng em kết nghĩa sa sút hẳn so với hồi sáng, bèn vỗ ngực, oang oang:

" Nào nào, hôm nay đang ngày vui thắng trận phải uống một chầu cho đã chứ! Mặt xưng mày xỉa, anh chấp chú mày với tên hay nói chữ một phe, chúng ta trước dùng tửu lượng so tài, sau luận võ mấy trăm hiệp! "

Hồ Xạ thấy Lục Bình không nói chẳng rằng, còn tưởng y lo lắng về cuộc đấu tối hôm ấy. Xạ bèn trước là lấy rượu rót đầy ba chén hạt mít, sau lại lên tiếng tiếp lời:

" Hồ Đồ ơi là Hồ Đồ, chuẩn bị sẵn tinh thần để mà đứng đi vào nằm đi ra là vừa. Lục Bình, hai chúng ta lên xử hắn! "

Phạm Lục Bình cười khổ, đón chén rượu:

" Tối nay còn cái hẹn giao đấu, hai anh đừng có quá chén. Nếu không lương bổng ba tên lính quèn chúng ta đi tong hết. Cả cân bạc trắng đấy, không đùa được đâu. "

Hai gã anh trai gật gù bảo cứ yên chí, đoạn cả ba dốc cạn chén. Người xưa dạy " nhất tuý giải thiên sầu thật chẳng sai ". Nhờ có men rượu nồng, bao nhiêu phiền muộn trong lòng Phạm Lục Bình bị cuốn phăng đi gần hết.

Uống non nửa bữa rượu, hai người Đỗ Xạ thì không làm sao chứ Lục Bình đã ngà ngà say. Y nấc lên một cái, nói:

" Bọn người hồi trưa là đệ tử sơn trang Bách Điểu tận trấn Thái Nguyên. Bảo vật trấn trang của chúng là loại ám khí tên Khổng Tước Linh, nên đệ tử sơn trang ném ám khí cũng rất có nghề. Tối nay hai bên giao đấu, phải hết sức đề phòng.

Thứ móng vuốt chúng dùng hồi trưa gọi là Kê trảo, ấy là đặc sản của phái ấy đấy. Sơn trang Bách Điểu lại có một món quyền pháp để phối hợp với binh khí độc môn là võ gà. "

Hồ Đỗ cười khẩy, nói:

" Chú cứ khéo lo, phượng hoàng anh còn vặt lông nữa là bốn con gà nhép. "

Hồ Xạ trông cái mặt phơn phởn đáng ghét khi ba hoa chích choè của y bèn thụi luôn cho một cú vào lưng. Gặp lúc Hồ Đỗ mới nốc một hớp, ngụm rượu chưa kịp nuốt xuống họng đã bị đấm cho phun tung toé.

" Hồ Đồ, tỉnh ngủ chưa? Nói mày bao nhiêu lần cái tội ngạo mạn mà không chịu chừa. Lục Bình là hậu duệ của danh tướng, lại chịu khó học hành từ bé, kiến thức ắt vượt xa anh em mình. Nó đã nhắc chứng tỏ đối thủ chẳng dễ xơi đâu. Đã nghe câu mắc xương gà, sa cành khế chưa? "

Hồ Đỗ gãi gãi gáy, rồi ngồi im ru gà rù chờ nghe Lục Bình nói tiếp.

" Hai anh chớ thấy võ dựa trên hình dáng loài gà mà coi thường. Trong ngũ hình quyền nước Nam hiện tại phía đông là chó, tây là gà, nam là ngựa, bắc là trâu còn chính giữa là lợn. Võ gà đã được truyền thừa từ đời nhà Lí đến giờ. Nó mạnh ở chỗ nhanh nhẹn, uyển chuyển, biến hoá khôn lường, lấy yếu thắng mạnh. Xét ra thì quyền chiêu ảo diệu, quyền lí cao thâm chẳng thua kém gì võ hạc của Thiếu Lâm tự nước người ta đâu.

Hơn nữa còn có phép hợp kích Vạ Vịt Chưa Qua Vạ Gà Đã Tới. Bốn đến tám người tổ hợp thành một trận, công kích đan xen nhau liên miên không ngừng, thực sự khó mà công phá nổi. Bốn tên nọ dù tự cao tự đại, nhưng có thể được trang chủ sơn trang Bách Điểu tin cậy phái đến Thăng Long làm việc thì tất phải có chân tài thực học. Thắng thua thì chưa nói trước được, nhưng một trận khổ chiến thì e là điều chắc chắn. "

Hồ Xạ, Hồ Đỗ nghe Lục Bình thuật lại điểm mạnh của đối thủ mới thu lại ý coi thường, trong lòng cũng có sự đề phòng. Quả thực, biết địch biết ta mới trăm trận trăm thắng.

" Lục Bình đã biết kha khá về địch, mà địch lại chẳng biết gì về võ công của ba anh em. Phen này lợi thế bất ngờ đã nghiêng về phe ta rồi. Cơm no, rượu say rồi. Anh em ta hãy xách khí giới lên tìm một chỗ luyện tập trước mấy đường. Một là giải rượu, hai để chuẩn bị cho trận chiến đêm nay. "

" Được! Đêm nay phải đánh cho cái đám nhãi này biết sự đáng sợ của quân nhân bọn ta. "

Hồ Đỗ lập tức vỗ vỏ đao đánh chát một cái.

Phạm Lục Bình thì nói:

" Những gì em biết chỉ có một phần là đọc được trong cổ thư ở nhà, còn lại đều là chuyện giang hồ đồn đại mà thôi. Về phần chiêu số cụ thể của võ gà ra sao thì đành chịu chết. "

" Lo gì? Lũ tới thì núi dâng. "

Ba người cạn nốt chén cuối cùng, đẫy diều đầy dạ rồi mới kéo nhau đến khoảng rừng cây cách làng An Thái – hay làng Giấy – độ nửa dặm.

Ngày xuân, lộc non hứng mưa phùn xanh ngát, kéo ra xa mãi đến ngút tầm mắt. Đất mủn ra tơi và xốp, bám hết cả lên giày đám người Đỗ, Xạ.

Phạm Lục Bình bước lên chừng mười bước, đối diện với hai anh. Y đặt cái hòm gỗ đang khoác xuống, mở nắp lấy thanh Sóc. Kì kiếm hai lưỡi nằm im lìm, một đầu trắng một đầu đen.

" Hai người cùng lên đi. "

Hồ Đỗ tuốt đại đao thủ thế, Xạ thì rút luôn mấy mũi tên ra. Song phương không hẹn mà cùng vận công đề khí, nhìn nhau chằm chằm. Chẳng bên nào dám lỗ mãng xuất chiêu trước. Không ai muốn để lộ nhược điểm của bản thân cho đối phương lợi dụng.

Hồ Xạ, Hồ Đỗ bắt đầu nhón những bước ngắn. Một người qua trái, kẻ kia qua phải. Vũ khí không lúc nào rời tay, tầm mắt chưa bao giờ bỏ qua Phạm Lục Bình. Kiếm khách vẫn đứng yên, thanh kiếm hai đầu đen trắng lặng lẽ hứng ánh nắng cuối ngày.

Đỗ xồ tới trước, hoành đao qua nhắm ngay cổ Lục Bình mà chém. Các bắp tay bắp chân hắn căng cứng hết lên, cú phạt đao mạnh như gió táp mưa sa. Như chỉ chờ có vậy, Lục Bình dựng thẳng Thư Hùng kiếm lên, đưa sang ngang. Lưỡi kiếm uốn lượn trắng tinh đặt đúng trên đường di chuyển của tay Hồ Đỗ. Lúc này nếu Hồ Đỗ cứ mặc sức chém, thì cổ tay hắn ắt phải bị phạt đứt trước.

Hồ Xạ bất thình lình trầm hông, mũi chân chếch chéo sang tạo thế. Nói đoạn, y vận lực vung tay phóng tiễn, kình lực dào dạt đưa mũi tên văng qua chỗ Phạm Lục Bình đang đứng. Nay nếu y đưa kiếm qua gạt mũi tên, thì cần cổ lại để tơ hơ ra cho đao của Đỗ chém vào.

Song bằng sự quen thuộc với lối đánh của người anh kết nghĩa, Lục Bình đã đoán biết trước được mũi tên sẽ bắn tới vào lúc nào và theo hướng nào. Y đặt tay còn lại lên chuôi kiếm, vặn một chốt mở giấu ở đoạn nối giữa phần bảo hộ với tay cầm.

Thì ra Thư Hùng kiếm vốn là hai thanh riêng rẽ Thư Kiếm và Hùng Kiếm. Chuôi của Thư Kiếm là một thanh đồng đen được đúc rỗng ruột, dùng để tra tay cầm của Hùng Kiếm vào. Ở ngay bên dưới phần bảo hộ tay có một chốt giữ chặt chuôi thanh Hùng Kiếm lại.

Phạm Lục Bình vặn eo một góc chín mươi độ, vẩy Hùng Kiếm ra dùng chiêu Phản Công Hàm Tử trong chiêu trong thứ kiếm pháp tổ truyền Đảo Nam Nghịch Bắc của mình. Mũi tên của Hồ Xạ bị bắn ngược về phía sau.

Hồ Đỗ thì đã biến chiêu, đao bén lướt đi theo hình thất tinh bắc đẩu. Đáng lẽ là một đao trảm ngang cổ, thì giờ hoá thành một nhát chém thẳng thắt lưng.

Lục Bình hoành ngược thanh kiếm cản đòn. Hoa lửa bắn tung toé khi hai thanh vũ khí mài vào nhau, tiếng thép rít gào nghe ken két. Hồ Xạ cũng nhảy vào vòng chiến, tay y nắm hai mũi tên hệt như một cặp Nga Mi Thích. Vũ tiễn một đầu bén nhọn đầu kia lại cứng tròn, dùng để đâm chọc hay đả huyệt đều được.

Ba người càng đánh càng hăng, chốc lát đã giao thủ mấy chục chiêu. Lục Bình tuy phải lấy một chống hai, nhưng nhờ có kiếm pháp tổ truyền và kì kiếm nên không hề rơi xuống hạ phong.

Thư Kiếm thì nhanh chóng sắc nhọn, vạch ngang phạt dọc liên hồi. Bóng kiếm cứ xẹt qua xẹt lại như một con rắn vậy. Hùng Kiếm tuy vuông vức, nhưng lại nặng nề, lúc đập ngược bổ xuôi thì mạnh mẽ không tưởng. Lại phối hợp cả kiếm pháp Đảo Nam Nghịch Bắc chuyên môn đảo hướng, đẩy ngược công kích của đối thủ. Thành ra, Hồ Đỗ Hồ Xạ càng đánh càng lâm vào thế bí, không biết phải giải quyết Lục Bình ra làm sao.

Ba người vừa đánh vừa cười vang, mồ hôi tứa đầm đìa, chẳng mấy mà trời dần sụp tối.

Nhận thấy cũng chỉ còn một canh nữa là tới giờ hẹn, Lục Bình bèn ra hiệu để hai anh thu tay ngừng chiến.

Hồ Đỗ ngồi phệt xuống đất, đao cắm ngay cạnh bắp chân mình. Hồ Xạ thì đi nhặt lại mấy mũi tên bị Hùng kiếm đẩy ngược qua hướng khác, còn Lục Bình thì ghép hai thanh kiếm trắng – đen trở lại thành Thư Hùng kiếm, cất vào hạp gỗ cẩn thận rồi mới dâng trà mời hai anh. Có chè xanh, lát giao chiến mới tỉnh táo.

" Tiên sư, còn ngứa tay quá. Lát phải đánh một chầu thật là đã đời mới được. "

" Thằng ngố, có ai uống nước chè mà hùng hục như trâu giống mày không? Chè này là chè ướp theo cách của Phạm lão tướng quân, không phải ai muốn uống là uống được đâu! Đàn gảy tai trâu, đoá hoa nhài cắm bãi phân trâu! "

Hồ Xạ cầm cái chén nện lên trán Đỗ một cái. Đúng lúc y đánh nhau còn chưa đã ghiền, thế là thụi trả luôn cho Xạ một đấm.

Hai người bắt đầu đánh nhau chí choé, nhác trông còn dữ dội hơn hồi nãy nữa. Cực chẳng đã, Lục Bình mới phải chạy qua can:

" Thôi! Thôi! Cho em xin! Tức nhau chuyện gì thì lát nữa dồn vào đối thủ ấy. "

Ba người uống chè nghỉ ngơi thêm một lúc nữa, đang chuẩn bị đi đến chỗ hẹn thì bất ngờ, từ trong rừng chợt vẳng ra một tiếng động.

Tinh!

Thình lình, trong một khoảnh khắc âm thanh ấy vang lên, mọi tiếng động khác trong thế giới dù là nhỏ nhất như đều lắng xuống. Lá cuộn trên cành không nỡ rơi, cỏ co lại chẳng dám cựa mình, gió cũng lặng xuống. Cả thiên nhiên như e thẹn trước âm thanh kì diệu ấy, sợ rằng mình sẽ pha tạp nó.

Một khúc đàn ai gảy vang lên trong đêm thanh vắng. Ánh trăng phủ xuống quyện lấy thứ âm thanh réo rắt và thiết tha ấy. Tiếng đàn như vuốt thẳng lá trên cây, đón nhánh cỏ vươn ra không khí, rước cơn gió đêm về để cùng khiêu vũ... Trong rừng, chim thú hé mắt cả, song chúng không dám ngóc đầu lên, sợ làm đứt đoạn bản đàn. Chỉ có đôi tai là vểnh lên, nghe ngóng.

Ba người thanh niên cũng đắm mình tiếng đàn, cùng ngơ ngẩn đứng đực ra đó. Thời gian quanh họ như cũng bị làn âm kéo dãn ra, dãn ra mãi, đến khi chính bản thân thời gian cũng quên đi sự hiện diện của chính mình.

" Ai gảy đàn bầu giờ này vậy nhỉ? "

Phạm Lục Bình tự hỏi. Chưa bao giờ, y muốn tìm được đáp án cho một câu hỏi đến như thế. Tiếng đàn khi trước vốn thanh thót như thể tiếng thầm thì của thần tiên, nay bỗng chuyển mình, hoá thành thiết tha da diết như mối tình hai kiếp của chàng thầy đồ trong tích cổ Duyên Nợ Tái Sinh.

Cả ba người như bị ảnh hưởng theo tiếng đàn, cùng cảm thấy chuếnh choáng như say men tình. Trong tâm khảm họ hiện lên hình ảnh sự rung động đầu tiên của cuộc đời. Đó là bóng hình của nàng hàng xóm nết na nhà bên với khay trầu, của cô đầu ngồi đầu xóm với giọng ca mượt như tơ...

Phạm Lục Bình bất giác cất tiếng, ngâm liền hai câu thơ trong truyện cổ:

" Kiếp này duyên đã lỡ duyên

Quyết xin giữ trọn lời nguyền kiếp sau. "

Hồ Xạ cũng đọc một cặp thơ ngũ ngôn chữ Hán, nội dung tương tự hai câu Lục Bình mới ngâm:

" Thử sinh duyên vị liễu

Nguyện kết hậu sinh duyên. "

Chỉ có Hồ Đỗ là ù ù cạc cạc, xúc động mà không biết thể hiện ra sao, chỉ đành rút đao khắc tên người mình thích lên một thân cây gần đó.

Bên bờ hồ Tây, dưới gốc cây si cổ thụ nơi bà hàng nước mở quán ban sáng, bốn đệ tử sơn trang Bách Điểu đã có mặt chờ nhóm Hồ Xạ từ trước. Giờ hẹn đã gần đến, nhưng ba người Lục Bình hãy còn say sưa trong tiếng nhạc, nhác thấy e là không đến kịp.

Bốn tên này, thì có một bộ ba anh em ruột. Chúng hợp xưng là Hùng Kê Tam Kiệt của sơn trang Bách Điểu, xét về bối phận thì ở hàng thứ ba, dưới trang chủ và bốn Tinh – tức bốn phó trang chủ: Tinh Gà Trắng, Tinh Đại Bàng, Tinh Quạ Đen, Tinh Phượng Hoàng .

Trong ba tên, lớn nhất là Kim Kê Trần Gia Lễ, thứ hai là Ngân Kê Trần Gia Nghĩa, ba là Đồng Kê Trần Gia Tín. Đúng như những gì Phạm Lục Bình e ngại, Hùng Kê Tam Kiệt chủ yếu luyện ngón hợp kích thuật của võ gà.

Gã còn lại thì là đệ tử của Đại Bàng Tinh, Lí Trường Thọ. Nhưng dân giang hồ hay gọi hắn là Thọ cú.

" Xem ra là chạy rồi. "

Ngân Kê cười khảy, khinh công một cú từ trên tàng cây xuống. Trong ba người Hùng Kê Tam Kiệt, khinh công của hắn là cao cường nhất.

Kim Kê Gia Lễ – cũng là anh lớn trong chuyến này – lên tiếng:

" Sơn trang Bách Điểu bọn ta võ công cao cường nổi danh khắp cả một phủ Thiên Trường, ai mà lại không sợ? Bọn chúng chạy cũng chẳng có gì lạ. "

Đồng Kê đáp lời ngay:

" Ai dám đối đầu với Hùng Kê Tam Kiệt ta kia chứ? Trừ phi chúng bị điên, hoặc ngu si bẩm sinh, bằng không thì sao lại đến đây? "

Chỉ có Lí Trường Thọ là khoanh tay, làm như không nghe thấy ba con gà khoác lác.

[ Đối phương là chủ nhân của Thư Hùng kiếm, ắt phải có liên hệ gì đó với Điện Suý thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão năm xưa. Trên giang hồ này, trang chủ ta ai cũng chọc được, chỉ không dám động vào hậu duệ của anh hùng cứu quốc. Ba tên này xem ra phải thảm.

Song đám người Bách Điểu Sơn Trang ta mới đến kinh kì mà đã co vòi rút cổ thì về sau làm chuyện gì cũng khó. Lát nữa tìm cách hoà giải là được. ]

Thùng! Thùng! Thùng!

Trống canh vang lên, văng vẳng cả một xóm. Vậy là đã qua một canh nữa. Mấy thuyền lâu neo trên Tây Hồ cũng bắt đầu xuống đèn. Đám công tử con quan lại theo thuyền nhỏ về bến, hồi phủ. Im ắng lạ. Dòng người vãn dần. Chỉ có mấy con chó thi thoảng lại sủa ma.

Bốn tên đệ tử của sơn trang Bách Điểu chờ mãi, đâm chán. Kim Kê gắt:

" Hừ! Anh em mau quay về, mai chúng ta quay lại lấy bạc! Trong đám kia có một thằng dùng quái kiếm hai đầu, một trắng một đen. Vũ khí kì lạ như thế, muốn tìm không khó đâu! "

Hai con gà còn lại cũng cho lời ấy là phải, bèn lục tục muốn về nhà trọ đánh một giấc. Đúng lúc này thì Lí Trường Thọ lên tiếng.

" Có người! "

Cả đám nhìn về hướng Thọ Cú chỉ. Quả nhiên, một con thuyền con vừa mới đụng mũi vào bờ hồ nghe thịch một cái. Liền ấy có tiếng hài dẫm lên cỏ, nhẹ và êm lắm.

" Cảm ơn bác Hộ đưa con về, bác cũng về ngủ đi. Canh ba đến nơi rồi chứ sớm sủa gì nữa đâu. "

" Tiện đường thôi. Tôi còn phải tát nốt mẻ cá nữa cho kịp phiên chợ sáng. Cô Xuân quan tâm là quý hoá lắm rồi. Đàn bà con gái, đi đêm về hôm nhớ phải cẩn thận. "

Giọng đầu tiên chắc chắn là giọng nữ, trong trẻo và thanh ngọt như hương sen vậy. Ba con gà chưa nghe mà đã ngất ngây, tự nhủ không biết nếu người có chất giọng ấy mà cất tiếng ca lên thì còn hay đến cỡ nào nữa. Không khéo nghe được ba câu là xương cốt cả lũ rụng rời. Giọng thứ hai rắn và khoẻ, là giọng đàn ông. Cứ như cách xưng hô của hai bên thì y cũng phải tứ tuần trở lên.

" Bác cứ khéo lo, thành nội kinh kì chứ có phải là rừng hoang núi vắng đâu mà sợ? Hoàng thành cách đây có mấy bước chân. Trộm cướp có hành nghề thì cũng biết mà tránh cái chỗ này ra chứ. "

" Cẩn thận vẫn là hơn cô ạ. Chỗ này xa, không có hàng xóm tắt đèn tối lửa. Thôi tôi đi kẻo lỡ. "

Kim Kê nghe rõ tiếng mái chèo khua nước, chắc mẩm người chài lưới đã đi khỏi bèn ra dấu cả đám thò mặt ra. Bình bịch. Ba tên đàn ông lực lưỡng nhảy phốc từ trên tàng cây si xuống, khiến cô thiếu nữ giạt mình đánh rơi cả cái đèn chưa kịp thắp.

Đêm nay trăng không sáng lắm, nhưng cặp mắt người học võ bao giờ cũng tinh tường hơn người thường. Ba con gà lại phục ở đây từ canh hai, cặp mắt đã kịp điều tiết nên càng nhìn rõ hơn. Ngân Kê tập trung ánh mắt, nhìn kỹ người thiếu nữ đang ngã sõng soài trên đất.

Thật khó mà diễn tả vẻ đẹp của nàng ta bằng lời văn thô lậu. Đại thi hào Nguyễn Du từng tả nàng Vân bằng bốn câu:

" Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da "

Thuý Vân đẹp mười, thì nàng Xuân cũng phải chín. Lúc này nàng ta đang vận một bộ áo tứ thân, trong lót bảy lớp vải lụa. Loại áo này dân gian ta gọi là áo mớ ba – mớ bảy. Ngày trước các cô thiếu nữ, đặc biệt là thiếu nữ Kinh Bắc, thường mặc kiểu trang phục này đi trảy hội.

" Đẹp! Đẹp lắm các anh ạ! "

Ngân Kê chép chép miệng, liếm môi cho dãi không chảy xuống. Nhờ ánh trăng mờ mờ, màu váy lụa ẩn hiện dưới cánh áo nâu nhấp nháy lúc hiện lúc tắt, như phủ lên nàng Xuân một vầng huỳnh quang. Ba con gà đã say như điếu đổ rồi.

" Chờ chút! Con này là ả đào con hát thì cũng thôi, nhưng mà vớ phải tiểu thư nhà nào đi chơi xuân là rách việc đấy. "

Thọ Cú vội lên tiếng can, sợ ba tên này nghĩ bằng cái chân giữa thì lại hỏng hết việc.

Phải biết đất Đại Việt rất khác Trung Hoa. Thời phong kiến, do kết cấu làng xã với hệ thống tôn ti chặt chẽ, quy chuẩn đạo đức và thuần phong mỹ tục nghiêm ngặt, nên mại dâm ở Việt Nam dường như không chính thức tồn tại. Các bộ luật Việt Nam thời phong kiến đều không thấy nhắc đến vấn đề này. Tất nhiên, vẫn có một bộ phận làm chui dưới dạng cô đầu, ả đào hát. Họ được gọi là đào rượu, hay hoa nương, hoa mại nương, gái bán hoa.

Thọ Cú e rằng ba tên kia xem cô gái là đào rượu hay gái bán hoa, hành xử theo bản năng thì chết dở. Gì chứ cái loại cưỡng hiếp con gái nhà lành khéo bị dân làng vây đánh. Mỗi người một cái đòn gánh cứ thế nện thì dù biết võ công cũng phải chết. Huống hồ cô gái này ăn mặc rất sang. Không khéo là con của địa chủ phú hộ nào đấy.

" Sợ chó gì? Dăm thằng phú hộ chả sợ trang chủ mình một phép đấy à? "

Đồng Kê lên tiếng, trong khi Kim Kê nhảy phốc tới điểm luôn mấy huyệt đạo của nàng Xuân khiến nàng không cục cựa gì được.

Thấy ba tên này đã nổi máu hiếu sắc, nhưng Lí Trường Thọ vẫn phải cắn răng mà can:

" Triều đình mà nhúng tay vào thì khó lòng yên thân. Việc lớn không thành, trang chủ trách tội xuống thì tôi với mấy anh khó gánh nổi. Đây lại không phải phủ Thiên Trường, trên đầu còn có thánh thượng với bá quan. Vuốt mặt cũng nên nể mũi, đừng có quá phận. Trang chủ ta võ công xét da chỉ thua mấy vị tông sư, nhưng vua mà phái thiên quân vạn mã tới thì sơn trang Bách Điểu chỉ có nước bị san phẳng. "

Hùng Kê Tam Kiệt cũng không phải mấy tên ngốc. Nghe Thọ Cú nói thấy cũng có lí, bèn giải huyệt đạo cho nàng Xuân. Vì các huyệt này ở vùng xương quai, bụng nên khó tránh khỏi có mấy động tác không đẹp.

Nàng Xuân bị đối phương dùng hai ngón tay rờ rờ nắn nắn, uất mà không nói gì được vì đã bị điểm huyệt câm. Nước mắt nàng chảy chan hoà, nhục không biết cất đâu cho hết. Cũng may đêm vắng trăng thanh, bà con chòm xóm chẳng ai nhìn, không thì đến đào hố chui xuống đất.

Vút!

Bỗng nhiên, một mũi tên từ đâu bay tới, nhắm thẳng vào đầu Đồng Kê. Y đang loay hoay giải huyệt cho nàng Xuân, không chú ý tới xung quanh. Lúc ngẩng đầu thì mũi tên đã bay tới sát mặt, chỉ cách trán y chừng gang tay thôi.

Rắc!

May phúc cho y là Kim Kê kịp ra tay. Y luồn tay xuống dưới thân tên, vận lực phát chưởng đẩy một cái. Nhờ thế đầu mũi tên bị chếch lên cao, xẹt ngang mái tóc của Đồng Kê. Chứ nếu không chắc chắn nó phải bắn thủng trán của Đồng Kê.

Gia Tín – Đồng Kê – thoát chết trong gang tấc, lập tức nhảy ra sau thủ thế, miệng thì quát oang oang:

" Thằng nào dám đánh lén ông?! "

Thì ở đằng xa, vang lên ngay tiếng cười giễu cợt:

" Ai da, đêm trăng thanh gió mát, có ba con gà chưa bị luộc làm giỗ Tết xổng chuồng đi áp bức một con se sẻ. Thế nên mới ra tay bắn một con định nhắm rượu, có ngờ đâu run tay bắn chệch mất. "

Hùng Kê Tam Kiệt cùng cười khẩy, nói:

" Tưởng ai, hoá ra là cái lũ thỏ đế sợ chiến đấy à? Bây giờ là canh mấy hả? "

Thọ Cú thì nói:

" Các anh em là lính tráng, lại đóng quân ở chốn kinh kì, tất nhiên là có trăm công ngàn việc. Muộn một chút cũng đâu có gì. Miễn là bên nào thua phải dám chơi dám chịu, thì vẫn cứ là hào kiệt cả. "

Hồ Xạ, Hồ Đỗ thì không sao hiểu nổi lí do trong bốn kẻ thù lại có một tên đột nhiên trái gió trở trời thế nào lên tiếng nói đỡ cho mình. Phạm Lục Bình thì nghĩ:

[ Tên này chắc muốn điệu thấp làm cho xong việc rồi chuồn êm, nhưng đứa cầm đầu và hai thằng còn lại không hợp tác. ]

Hồ Đỗ vỗ ngực, lại đẩy một ông cụ ra trước mặt mà nói:

" Bạc thì sẵn đây, nhưng muốn được mà dễ ấy hả? Nhỡ thua, chúng mày quỵt không trả thì sao? Làm gì có ai chứng?? Thấy bọn mày quên, nên chúng tao phải tất tả ngược xuôi, mãi mới mời được cụ đồ có uy tín nhất cái làng này đến làm chứng này. Cũng vì thế mà đến hơi muộn... "

Cụ đang đóng một bộ áo nhà Nho, đầu đóng khăn cẩn thận, lại thêm chòm râu dài nên trông cũng ra dáng thầy đồ nhiều chữ lắm. Chẳng là đôi chân cụ cứ run lẩy bẩy mãi, miệng thì lắp bắp nói rất khẽ:

" Các cậu ơi, ngoài chữ " tiền " ra tôi có biết chữ cắn đôi nào đâu mà thầy với đồ? Các cậu thả tôi về chợ, mai tôi còn đi xin... "

" Cụ cứ chịu khó đứng đây nhìn một lúc... lát nữa không thiếu phần cụ. "

Hồ Xạ thấp giọng trấn an cụ. Giữa đêm hôm thanh vắng, canh hai canh ba thì tìm đâu ra ông thầy đồ nào? Cực chẳng đã, ba người mới kiếm đại một ông ăn xin qua, lại về nhà cho tắm rửa rồi lấy áo quần mặc tử tế rồi mới dám đưa cụ đến đây. Nguyên chuyện chuẩn bị ấy thôi cũng mất hơn nửa giờ mới xong.

Biết là mình kiểu gì cũng sẽ bị muộn vì bản đàn bầu, nên ba người mới giở hạ sách này. Cho dù không gặp được đám người sơn trang Bách Điểu, sáng hôm sau vẫn còn có đối chứng.

Thọ Cú vỗ tay, mở lời:

" Thế thì đúng lắm! Để cho công bình, ta xin tự rút khỏi cuộc đấu này, làm vị giám khảo đại diện cho bên ta. Mỗi bên phải có giám khảo, tránh về sau lại xảy ra chuyện bất công xử ép. "

Hùng Kê Tam Kiệt thì đồng thời cười phá lên.

" Thua trong yên lặng chúng mày không muốn, còn phải cố mà phô cái nhục ra cho bàn dân thiên hạ xem ấy à? Cũng được thôi... "

Phạm Lục Bình chặc lưỡi, bèn nói:

" Cứ như vậy đi. "

Hai bên quy định xong xuôi luật đấu, rồi đồng thời thủ thế. Thọ Cú lên tiếng nhắc:

" Hai bên nhớ điểm đến thì dừng, đừng tổn thương hoà khí! "

Đồng Kê liếc xéo Hồ Xạ, lại mài gặp móng gà bén nhọn đeo ở tay vào nhau đến toé lửa.

" Khó nói lắm. "

Hồ Xạ cười khẩy, khích ngược:

" Lục Bình, lấy một cân bạc trắng về anh em ta ăn mừng một bữa tiết canh gà nhỉ? "

Phạm Lục Bình lấy thanh Thư Hùng ra, nắm chắc trong tay.

" Chiến đi! "

Hùng Kê Tam Kiệt vừa nghe xong hiệu lệnh của Thọ Cú là thuần thục xếp thành một hàng dọc. Kim Kê ở trung tâm, Ngân Kê đứng đầu, Đồng Kê ở sau chót. Trong lúc so chiêu tỉ võ, việc đứng thành hàng dọc như vậy khá bất tiện và thường ít khi được dùng đến. Nguyên nhân là bởi góc nhìn chính diện bị hạn chế.

Ba người bọn Hồ Xạ cũng không nén nổi kinh ngạc sau khi trông thấy trận thế quái dị của đối phương.

" Xem ra chúng không tính đánh một chống một mà muốn quần chiến rồi. Lục Bình, có đối sách gì không? "

" Lên luôn! Chả lẽ mình sợ nó!? "

Hồ Đỗ hét to, đao lớn trong tay vẩy ra chém mấy nhát liền như để thị uy. Rồi hắn xông thẳng đến chỗ của Hùng Kê Tam Kiệt.

Kim Kê nói nhỏ:

" Thừa lực mà thiếu kình, không đáng ngại. Gia Lễ, chú cản nó thừa sức. "

Ngân Kê nghe anh nói, bèn phóng mình tới trước. Tư thế của y trông rất nực cười. Cổ rụt lại, vai bạnh ra, một chân co lên như cách con gà đang bước. Thủ pháp của y cũng đặc biệt không kém. Cả năm ngón tay chụm đầu vào nhau, trông chẳng khác nào cái mỏ gà. Lại thêm bộ Kê Trảo đang đeo, Trần Gia Lễ trông thực là quái dị.

Hồ Đỗ khịt mũi, vung đao bổ xuống như sét đánh. Những tưởng Trần Gia Lễ sẽ tạm né, nhưng y chỉ cười khẩy. Bàn tay trái y xoay nửa vòng, các ngón tay chỉ lên trời. Tay phải thì hướng xuống đất. Lúc lưỡi đao đến gần sát ngực, y bèn vận sức vỗ mạnh một cái.

Song chưởng ập tới từ hai phía, vững vàng kiềm chắc thanh đao của Hồ Đỗ lại không cho tiến thêm dù là nửa li. Hồ Đỗ đang tuổi trai tráng, sức dài vai rộng. Nhát đao ấy kèm cả đà chạy, sức lực toàn thân quán đầy vào thanh đao ấy thế mà bị tên Ngân Kê kẹp chặt được. Chứng tỏ võ công của Trần Gia Lễ cũng không phải hạng tép riu nhãi nhép gì.

" Không ổn! Lui mau! "

Phạm Lục Bình vội vàng hét lên, nhưng đã muộn. Từ sau lưng Gia Lễ, Kim Kê - Trần Gia Nghĩ bỗng tung mình nhảy lên, đạp vào vai đứa em mà lấy đà. Lúc đang ở giữa bán không, y bèn lộn nửa vòng, hai chân đá chéo nhau hết cỡ như cái kéo.

Hồ Đỗ thấy có biến, buông vội chuôi đao mà lộn người lui lại tránh. Pặc! Pặc! Chỗ vừa rồi là cần cổ của hắn lập tức có hai cẳng chân cứng như sắt lướt xẹt qua nhau. Nếu không phải y tránh nhanh, không khéo cổ đã gãy cái rụp.

" Quả nhiên là trận pháp... "

Hồ Xạ sầm mặt lại, nói khẽ. Võ cổ truyền nước Nam không thiếu những môn võ trận đặc sắc và độc đáo. Võ gà của ba anh em Hùng Kê Tam Kiệt cũng không ngoại lệ. Trận thế ba người dùng, gọi là Gà Dữ Chọi Đại Bàng. Ngân Kê là mỏ đầu, chuyên phòng ngự. Kim Kê là đôi cánh, đôi chân - thiện về tấn công. Đồng Kê thì giữ phần đuôi, trọng trách là kiểm soát động tĩnh của kẻ địch.

Miếng đá vừa rồi Kim Kê Gia Nghĩa mới dùng cũng có trong gà chọi, tất nhiên khi phổ lại thành chiêu thức cho người thì các cụ đã có cải biến chút đỉnh. Nó gọi là Đá Mé, là một thế hiểm chỉ gà dữ, gà chiến mới biết đá.

Phạm Lục Bình cứ ngỡ đối phương học môn võ gà dùng cho đơn đấu, thế mà giao thủ một chiêu mới vỡ lẽ là đụng trúng phải võ trận. Trong lúc hỗn chiến thế này, bên biết võ trận có lợi thế hơn rất nhiều. Chẳng những quen việc hợp kích, yểm hộ phản đòn cho nhau thuần thục hơn nhiều so với người thường.

Ba người Hồ Xạ thì trái lại. Trong lúc chiến đấu, gặp phải tình huống bất ngờ, kiểu gì cũng xử lí theo kiểu mỗi người một phách. Như thế chẳng những không giúp gì, còn gây vướng tay vướng chân lẫn nhau.

" Khốn thật, phải làm sao đây? "

Hồ Đỗ đấm một phát xuống đất, lại văng tục thêm mấy câu nữa mới thấy đầu bớt nóng một chút.

Phạm Lục Bình xoay xoay thanh Thư Hùng kiếm trong bàn tay mình mấy vòng, lại nói:

" Xạ, anh bắn tên yểm hộ. Đỗ, hai bên tả hữu nhờ anh. "

Ở phía đối diện, phe Hùng Kê Tam Kiệt cũng đang để ý quan sát từng hành động nhỏ nhất của đối thủ. Đồng Kê cười khẩy:

" Xem ra cũng chẳng phải tay mơ, nhưng sao mà đánh lại ta? "

Kim Kê Gia Nghĩa thì nghiêm mặt lại, nói nhỏ:

" Đánh đấm nhỏ lẻ, đám người giang hồ bọn ta đương nhiên hơn xa quân triều đình. Nhưng còn đại chiến quy mô lớn thì có đông gấp mười cũng thua lính chính quy. Tự tin để phô trương thanh thế là tốt, nhưng đừng có khinh địch mà ôm hận. Thằng trẻ nhất cầm kiếm hai đầu trông vậy chứ chả phải tay vừa đâu. "

Ngân Kê thì nói:

" Tên gầy nhom trông rõ nham hiểm kia hình như thiện nghệ ám khí, lát nữa đánh nhau thằng ba nhớ đề phòng. "

Song phương trao đổi ngắn một hồi, lại chuẩn bị xồ vào giáp chiến hiệp hai. Phạm Lục Bình gác Thư Hùng kiếm ngang lưng, cặp mắt sáng trong quắc lên sắc bén hệt loài hùm beo sói dữ. Y nhún chân trầm hông, lấy đà rồi phóng vụt đi như một mũi tên rời cung.

" Hắn đến kìa! "

Anh thứ - Ngân Kê - bất ngờ lên tiếng cảnh giới đứa em Gia Tín. Đồng Kê vội vàng trầm hông, xuống tấn. Hai tay y dựng thẳng trước ngực, cặp kê trảo cứng rắn che chắn cho đầu và bụng.

Chát!!

Tia lửa bắn tung toé. Thư Kiếm miết một đường dài trên cặp kê trảo, ánh thép bật tung như chớp giật. Vai Đồng Kê run bắn lên, nhưng y ghìm thân lại được ngay.

Kim Kê chớp ngay thời cơ ấy, vung tay sử chiêu " chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa ". Kình phong từ đôi chưởng dữ dội quất tới bất thình lình như tố dông sấm chớp. Phát chưởng này phát ra, mục tiêu chính là cái trán của Lục Bình.

Đồng Kê thì vội khom người, một là tránh thoát cú gạt ngang nhắm ngay gò má của Hùng kiếm, hai là quét đất một phát định gạt chân cho Lục Bình ngã vật ra đất. Kiếm của Phạm Lục Bình phát sau đến trước, võ công chính phải hơn cả Kim Kê Gia Nghĩa. Đáng tiếc là hai anh em này dùng thế giáp công hai đường, nhăm nhe đánh ngay vào yếu huyệt ở cả thượng bàn và hạ bàn.

Tên này ắt ôm hận! Hai con gà trong Hùng Kê Tam Kiệt cùng chắc mẩm.

Véo!

Bất ngờ thay, hai mũi tên được Hồ Xạ phóng ngay vào lúc ấy, vừa kịp yểm trợ Lục Bình trong gang tấc. Một nhằm vào chưởng của Kim Kê, một phi đến cái chân của Đồng Kê. Còn Phạm Lục Bình thì thu chiêu rút nửa bước, lui khỏi thế gọng kìm của hai anh em Hùng Kê.

May thay, trong bộ ba hãy còn một Ngân Kê chưa hề xuất thủ. Thấy có biến, y bèn nhún chân tung mình lên không trung, tay lại thò vào áo rút luôn hai cây ám khí ra. Dưới ánh trăng, lộ nguyên hình là hai lưỡi dao mỏng và hẹp, trắng bạc và lượn cong như chính mảnh trăng trên nền trời. Thứ này gọi là Kê Vĩ, loại ám khí độc môn phỏng chế theo hình lông đuôi loài gà. Tương truyền, kẻ đầu tiên sử dụng nó là một cao thủ ở núi Thất Diệu, sống ở tận thời An Dương Vương.

Ngân Kê vẫy tay, Kê Vĩ theo đó lướt ngang, khác nào mảnh trăng kia cũng rụng rơi lả tả. Từ xa trông xa, người ta chợt có một cảm giác thê lương khó tả.

Cặp Kê Vĩ đến rất đúng lúc, vừa vặn đón đầu hai mũi tên của Hồ Xạ. Chỉ nghe hai tiếng kim loại va nhau loảng xoảng, bốn thứ ám khí đã thi nhau rụng xuống đất bình bịch.

Chưởng của Kim Kê đánh trật, nhưng y chẳng vì thế mà tỏ ra thất thố. Đồng Kê Gia Tín thì chặc lưỡi một cái, tỏ vẻ tiếc hận. Nhưng rồi cả ba vẫn nhanh chóng tái hợp thành trận pháp, không vì truy kích Phạm Lục Bình mà chưa đánh đã tan.

" Cẩn thận... "

Đồng Kê nghe kình phong hùng hổ chẳng thèm che giấu rít lên bên tai, thì trong lòng biết ngay là ai đến. Y cười khẩy:

" Ra là tên mãng phu nhà ngươi! "

Nói rồi hất ngược cánh tay, toan dùng kê trảo sắc lẻm xé toạc yết hầu Hồ Đỗ.

" Ba, cẩn thận! "

Ngân Kê hét lên thất thanh, nhưng tiếc là đã quá muộn mất rồi. Hồ Đỗ nghiến răng cười gằn, quyền trái đang đấm ra lại đột nhiên thu về. Tay phải giấu sau người thì rút phắt luôn thanh kiếm cắm ở thắt lưng ra. Lưỡi kiếm uốn lượn dài tuốt trần, ánh thép trắng muốt như muốn nuốt cả linh hồn Đồng Kê vào.

Chỉ nghe phập một cái ngọt xớt, đã có nửa cánh tay rơi xuống đất, nằm lăn lóc giữa vũng máu.

Ngân Kê hét lên thất thanh, nhưng tiếc là đã quá muộn mất rồi. Hồ Đỗ nghiến răng cười gằn, quyền trái đang đấm ra lại đột nhiên thu về. Tay phải giấu sau người thì rút phắt luôn thanh kiếm cắm ở thắt lưng ra. Lưỡi kiếm uốn lượn dài tuốt trần, ánh thép trắng muốt như muốn nuốt cả linh hồn Đồng Kê vào.

Chỉ nghe phập một cái ngọt xớt, đã có nửa cánh tay rơi xuống đất lăn lóc trong vũng máu.

" Anh cả!! "

Cả Ngân Kê và Đồng Kê đều hét lên thất thanh, sự bi thống hằn trong từng câu từng chữ. Thì ra ngay lúc nguy hiểm nhất, anh cả Gia Nghĩa đã xô Gia Tín ra chỗ an toàn. Thành thử người hứng trọn nhát chém lại là Kim Kê.

Phải nói, âu cũng tại Đồng Kê khinh địch. Qua một lần giao thủ là y biết ngay võ công của Đỗ chẳng cao. Đỗ lại mới bị đánh bay binh khí. Thành ra Gia Tín nghĩ chẳng cần đến hai anh mình cũng xử ngon đối thủ, nên mới phá vỡ trận cước.

Nào ngờ kẻ địch lại cầm một nửa thanh Thư Hùng kiếm mà chém.

Nếu lúc đó Đồng Kê chỉ chăm chăm việc thủ cho vững, nhường thế công cho anh thì e Hồ Đỗ đã phải nuốt hận bởi ngọn cước của Kim Kê. Thế nên y lúc này hối lắm, chỉ mong thời gian quay trở lại để y hứng nhát kiếm thay anh trai.

Gia Nghĩa ôm chặt khuỷu tay cụt, nén đau hú lên một tiếng. Y tung mình, đôi chân phóng ra liên tiếp ba cước vào ngực Hồ Đỗ đang cười đắc ý. Ba đòn này nhằm toàn vào những chỗ yếu hại đã đành, kình lực lại còn quỷ dị cộng hưởng lẫn nhau. Thật đúng là độc chiêu.

Trúng đến đòn thứ ba là Hỗ Đỗ đã ngã bật ngửa, ộc máu bất tỉnh. Phạm Lục Bình phải lướt đến, dùng Hùng Kiếm dẫn dư kình trên người Hồ Đỗ xuống đất mới hoá giải được nguy cơ mất mạng của y.

Đây vốn là một trong ba tuyệt chiêu tất sát của võ gà, tên là Thất Đao Thiên. Tương truyền trong giới chọi gà, muốn biết gà hay gà dở thì phải nhìn hình vảy ở chân. Mà phàm là con có thế Thất Đao Thiên này thì ắt là Sát Kê tung hoành vô địch khắp các xới chọi. Nguyên bản đây vốn là một đòn liên hoàn thất cước, phải đá liên tiếp bảy phát mới là cảnh giới cuối cùng. Nhưng Kim Kê chỉ mới học không lâu, tung được ba đòn đã hết khả năng rồi.

Một chiêu phản kích bất ngờ của Kim Kê khiến nội phủ Hồ Đỗ hầu như dập nát. Đá xong sát chiêu, y mới loạng choạng hạ xuống trên đôi chân mình. Cả người Gia Nghĩa thoáng run lên vì cơn đau mất đi cánh tay.

" Anh cả! "

Gia Tín, Gia Lễ chạy đến đỡ Kim Kê. Hắn cố gắng gượng dậy, nhưng đã quá yếu để làm điều ấy.

Ngân Kê giúp anh nằm xuống dựa vào gốc cây si già, rồi quay ngoắt về phía Phạm Lục Bình. Cặp kê trảo cứa mạnh vào nhau đến toé cả lửa. Ánh nhìn của đôi bên va chạm, ác liệt chẳng thua gì sấm sét.

Phạm Lục Bình bình tĩnh đặt Hồ Đỗ xuống, đoạn nhặt thanh Thư kiếm lên. Một cơn gió lướt từ hồ vào, làm mái tóc và vạt áo y bay phấp phới. Con trăng dần hạ xuống khỏi thiên không khi trời tản dần về sáng. Ánh bạc xuyên qua tàng cây si như một con suối, vỡ tan trên đôi vai của người kiếm khách.

" Dẹp con mẹ nó luật với chả lệ đi! Hôm nay có một cân vàng thì chúng mày cũng phải bỏ lại ba cái mạng chó! "

Ngân Kê rít lên the thé trong khi thủ thế, chuẩn bị giáp công.

" Nói nhảm, có giỏi thì nhào vô mà kiếm ăn! "

Lục Bình nào có chịu kém? Người thanh niên mà sau này sẽ trở thành Long Thành kiếm khách cầm ngược cặp trường kiếm, sẵn sàng nhảy bổ vào người đối thủ bất kì lúc nào.

Và... cái gì phải đến cũng đến.

Mây đen lững lờ lướt qua, che khuất ánh trăng bàng bạc. Chỉ còn ánh lửa nháy lên liên hồi trong vũ khúc tàn bạo của thép lạnh.

Phạm Lục Bình và Ngân Kê Gia Lễ chẳng biết tự lúc nào đã xổ vào nhau, ăn thua sống chết nhau từng chiêu một. Đánh đã hai chục chiêu qua qua lại lại, nhưng song phương xem chừng hẵng còn hăng lắm. Lục Bình, Gia Lễ đều đang nóng máu vì anh bị thương, nhưng không vì thế mà nóng giận mất bình tĩnh. Đấu pháp của song phương đều có công có thủ, có tiến có lùi, nhất thời chưa thể phân ra thắng phụ.

Ngân Kê đánh lâu đâm bực, bèn bất thình lình sử chiêu " Giáp Thới Phong Đao ". Trong giới đá gà, thì đây cũng là tướng của gà quý, xưng là tướng kê. Đặc điểm của chiêu là tấn công chớp nhoáng, liên hoàn như vũ bão khiến đối thủ không sao chống nổi.

Ngân Kê vung trảo công liên tiếp, biến chiêu thật là hiểm hóc. Giống như một con gà chọi nổi xung, hắn liên tục đe doạ yết hầu, thái dương, lồng ngực...v.v... của Phạm Lục Bình bằng cặp kê trảo lợi hại. Từng đòn, từng đòn đều dồn hết cảm xúc căm hận và công lực cả đời vào. Thế công mạnh không khác nào dòng sông đổ xuống từ vách đá mấy trượng.

Phạm Lục Bình vẫn bình tĩnh, chẳng vì những đòn công kích dữ dội ấy mà nao núng. Y một mực dùng thanh Hùng kiếm mà hoạ nên những đường cong uyển chuyển. Nếu như lực đạo của Ngân Kê đang nổi khùng mạnh mẽ như dòng sông dữ thì đường kiếm của Phạm Lục Bình chẳng khác nào những con mương nắn dòng. Đôi kê trảo liên tục bị Hùng kiếm đen nhánh dẫn cho đụng vào nhau chan chát, khiến kình lực tay này cứ triệt hạ lực đạo tay kia.

Ngân Kê cứ đánh hung hãn như trâu húc mả, nên chỉ một chốc là nội lực hao tổn rõ rệt, phải đứng thở hồng hộc ra đấy. Trong khi đó, Phạm Lục Bình chỉ cần gẩy thanh Hùng kiếm là các đòn cào, đâm, thọc, chém của Gia Lễ đã bị đẩy cho bạt vía, xiêu xiêu vẹo vẹo.

Phạm Lục Bình lại rung mạnh cổ tay, Thư kiếm vẩy ra tựa như chớp giật. Lưỡi kiếm gấp khúc xẹt nhanh qua mặt Ngân Kê, để lại một vết thương mảnh cỡ sợi chỉ. Chỉ cần né chậm một chút thôi thì e là má Gia Lễ đã phải rách toạc.

Song Ngân Kê trong Hùng Kê Tam Kiệt cũng chẳng phải tay mơ. Y thuận theo đà nghiêng, tung ngay một cước nhanh như trảo chớp nhắm vào mạng sườn của Phạm Lục Bình.

Chiêu này gọi là " Nội Hoa Đăng ", cũng phảng theo một tướng của gà quý trong môn chọi gà.

Lục Bình dựng thẳng Hùng kiếm lên, toan chuyển kình lực của cú đạp bất ngờ ra chỗ khác. Nào ngờ, chân của Ngân Kê vừa đụng lên mặt kiếm, bảy tầng ám kình đã cuồn cuộn đẩy tới, phong toả hết đường phản kích của Hùng kiếm. Chẳng những thế, ám kình xộc vào cánh tay Lục Bình, khiến chuôi kiếm suýt thì rời tay.

Biết Ngân Kê đã giở ngón tủ, Phạm Lục Bình vội vàng lui nhanh, những tưởng dùng bộ pháp truyền bảy luồng ám kình trên người xuống đất. Nhưng Gia Lễ lại nhanh hơn một bước.

Vừa đạp một phát xong, hắn đã vòng ra sau lưng Lục Bình rồi tung mình lên, ra chiêu Nội Hoa Đăng thêm một lần nữa. Đòn này vừa hay chặn luôn đường lui, không để đối thủ hoá giải ám kình của Nội Hoa Đăng.

Đối thủ biến chiêu quá nhanh, Phạm Lục Bình chỉ đành dựng kiếm cản tiếp một cước, ám kình lại theo tay truyền vào cơ thể. Y hét lên, vung Thư kiếm lên phản kích, tiếc là Ngân Kê đã kịp dùng kê trảo đón lấy lưỡi kiếm.

Ám kình đợt trước chưa tan đợt sau đã xông vào, vô cùng phiền phức. Phạm Lục Bình cứ phải phân thần ra dùng nội lực áp chế chúng, đâm ra vướng tay vướng chân.

Gà có vảy " Nội Hoa Đăng " lúc chọi giỏi nhất là phá chiêu của đối thủ, lối đánh lại dồn dập hiểm hóc vô cùng. Cũng như đòn Thất Đao Thiên Kim Kê vừa dùng, Nội Hoa Đăng cũng là một độc chiêu áp đáy hòm của võ gà.

Phạm Lục Bình toát mồ hôi lạnh, thầm nghĩ:

[ Hỏng bét, cứ để hắn tung chiêu này thì mình thua là cái chắc. ]

Mà sắc mặt Ngân Kê cũng đã tái xám lại. Y dừng lại điều chỉnh hô hấp của bản thân, cố không để Lục Bình biết nội lực của y đã tiêu hao quá tám thành.

Hai bên đương lâm vào thế bí, chưa biết giải quyết chuyện này ra làm sao thì bỗng nhiên ở gần đó có tiếng trẻ con cất lên:

" Bớ làng nước ơi, có người giết nhau này! "

Kế ấy lại vang lên tiếng bước chân nện đất rầm rập. Thọ Cú đứng ngoài, một mặt làm giám khảo mặt khác cũng cẩn thận cảnh giới cho cả bọn. Y nghe thấy dị thanh trước tiên, bèn la lớn:

" Hỏng! Quân thủ thành mà đến, phạt vạ như chơi đấy. Đi mau! "

Kim Kê Gia Nghĩa bèn thều thào:

" Tín, đừng để chuyện bé xé to. Lần sau tìm chúng nó trả thù cũng được. Đi ngay thôi. "

Đồng Kê gật đầu, vội vàng gọi Gia Lễ trở lại. Bốn người dìu nhau, nhanh chóng biến mất về phía ngôi làng đằng xa. Đúng lúc này, vầng trăng mới vượt ra khỏi những áng mây bồng bềnh, soi xuống bãi cỏ lưa thưa bên hồ.

Hồ Xạ bước nhanh đến chỗ Phạm Lục Bình, hỏi:

" Chú không sao đấy chứ? "

" Không sao... " - Lục Bình thở dài, ngồi phịch xuống. Ám kình của Ngân Kê trong thể nội đã bị hắn áp chế, nên tạm thời chưa có gì đáng ngại.

Y nhìn Hồ Đỗ nằm hôn mê dưới đất, thở dài.

" Lần này là chúng ta gặp may. "

Hồ Xạ không phản bác. Dù chẳng muốn thừa nhận, nhưng sự thật rành rành ra đó. Đoàn chiến họ thua, đơn đấu cũng chẳng thắng nổi. May mà đối thủ khinh địch.

" Để anh đưa cô gái kia về, chú còn dìu được Hồ Đỗ không? "

" Cố thì chắc là được. "

Phạm Lục Bình chống kiếm đứng dậy. Chờ cho nghĩa huynh dẫn cô gái về trước, y mới chắp tay vái về phương xa, vận công nói to:

" Không biết vị cao nhân nào giúp đỡ, có thể hiện thân gặp mặt để Lục Bình nói lời cảm tạ hay chăng? "

" Không dám, không dám. Đều là tên nhóc này bày trò phá làng phá xóm cả. Hai vị anh hùng đừng để bụng. "

Từ phía bãi sen đi tới hai bóng người, một lớn một nhỏ. Phạm Lục Bình nheo mắt nhìn, dưới ánh trăng hiện rõ hình dáng của một chàng trai với một thằng nhóc.

Người thanh niên nọ ăn vận theo kiểu quý tộc, giao lĩnh vạt chéo xanh thẫm khoác ngoài áo cổ tròn bên trong. Tay áo thõng xuống nhưng được buộc túm lại ở cổ tay, eo cài một dải thắt lưng. Lục Bình nhìn phục trang, đoán ngay y là con nhà võ. Bởi lẽ quý tộc bình thường sẽ không cài dây lưng, tay áo cũng để thõng.

Đứa nhóc đi bên cạnh thì còi như cái que, xem ra chỉ năm sáu tuổi đổ lại thôi. Tóc nó để trái đào, mũi thì tẹt dí còn da thì ngăm ngăm. Sau lưng nó đeo một cái tráp gỗ cỡ trung, lúc đi đường xóc nảy, bên trong cứ lịch cà lịch kịch đứng ngoài nghe vẫn rõ. Một bên tai nó đang bị người thanh niên đi bên cạnh véo đến đỏ bừng cả lên. Tất nhiên, y chỉ khẽ dùng sức chứ không thương hại đến thằng nhỏ.

Thanh niên vừa véo tai vừa dắt đứa bé đến chỗ Lục Bình, đoạn đá nhẹ vào kheo chân nó, mắng:

" Thằng nhãi ranh, mau xin lỗi người ta đi! "

Nào ngờ đứa bé chỉ chun mũi, lè lưỡi nói lớn:

" Xin lỗi? Anh à anh có quáng gà hay không? Em rõ ràng cứu mạng mấy người này, đã không cảm ơn thì chớ, lại bắt người ta xin lỗi... "

" Cái thằng... Ài. Anh hùng chớ có trách. Nó bé chưa biết gì. Ở nhà mẹ tôi lại chiều nó quá, đâm ra hư. "

Phạm Lục Bình khua tay, nói:

" Không dám. Nếu không phải hồi nãy đứa bé này hô lớn thì bốn tên nọ cũng không rời khỏi. Lúc ấy thì ai sống, ai chết khó mà nói được. Nói cho đúng, thì nhóc đối với ta có nửa cái ơn cứu mạng. "

" Ơn cứu mạng sao có thể chặt đôi? Không phục! " - Thằng nhóc bất chợt phồng mang trợn má lên, nhìn chòng chọc vào Lục Bình ra chiều thách thức.

Người anh đi bên cạnh thấy nó hỗn hào, bèn đập nhẹ vào tay nó mà mắng:

" Cái thằng nhóc này! "

Phạm Lục Bình chỉ mỉm cười, giải thích:

" Một mình nhóc, có la rách cổ họng cháy yết hầu cũng bằng thừa. Người cứu ta là lính tuần tra mới phải. "

Nào ngờ thằng nhóc chỉ cười khẩy một cái, đột nhiên cung bàn tay lại, đưa lên che phần môi trên. Lục Bình đang ngơ ngác chẳng hiểu nó muốn làm gì, thì bỗng tiếng chân người bắt đầu vang lên. Trước còn thưa thớt, sau dày đặc dần, cuối cùng nghe lồng lộng như thiên quân vạn mã đang hành quân vậy.

Thể hiện xong, thằng nhóc bèn hất nhẹ cái đầu ba chỏm tóc của mình, chống nạnh:

" Thế nào? Thiếu nửa cái ơn hay nguyên một cái?? "

Thanh niên áo xanh cười áy náy, lại quắc mắt lườm thằng nhỏ. Đáp lại, thằng bé le lưỡi làm mặt quỷ, hai bàn tay xoè to đặt lên vành tai mà vẫy vẫy ra chiều trêu tức. Lục Bình nhún vai, nói:

" Được, nhóc lợi hại, Phạm Lục Bình tâm phục khẩu phục. "

" Biết điều vậy mới tốt! Trẻ con phải biết nhận sai mới ngoan, anh nhỉ? "

Thằng nhóc khoanh tay cười hô hố, cái mũi chun lên đắc ý trông đến là ghét. Trước câu hỏi sặc mùi trêu tức của nó, cả hai người đều chịu thua chẳng biết phải nói gì.

Hồ Đỗ nằm ở bên chợt rên lên một cái, cả người cong lên như con tôm luộc. Thanh niên áo xanh thấy vậy, không kịp giải thích dài dòng. Y bước hai bước đến bên cạnh Hồ Đỗ, đưa bàn tay phải ra, ba ngón đặt lên mạch môn đặng chẩn bệnh.

Thằng nhóc thấy Lục Bình thoáng lộ vẻ hoài nghi, bèn sẵng tiếng:

" Sao nào? Anh trai ta hành y mát tay có tiếng cả huyện Lôi Dương, chẳng ai ở Chủ Sơn mà không biết đâu ( hai địa danh đều thuộc Thanh Hoá ngày nay )! Với lại mới bắt mạch thôi chứ đã làm cái gì đâu mà lo tới lo lui? "

Người thanh niên bèn gắt:

" Hổ, không được hỗn! "

Chàng thanh niên lại tạ lỗi với Lục Bình, nói:

" Tôi đúng thật biết chút nghề y bốc thuốc bắt mạch, song cũng chẳng phải cao minh gì. Đều tại thằng nhóc này đi đâu cũng rêu rao chút danh còm ở làng quê, thật là hổ thẹn. "

Phạm Lục Bình vội nói:

" Nghĩa huynh tôi nguy trong sớm tối, nay lại gặp lúc đêm hôm không biết tìm đâu ra thầy thuốc cứu trị. Chỉ mong giữ được một hơi, nào dám đòi hỏi nhiều? Huống hồ nhìn thầy bắt mạch là biêt được trân truyền của lương y rồi. "

" Anh à, người ta cũng khen mình thì cứ nhận đi. "

" Im lặng! Còn nói một câu thì chẳng có du xuân trảy kinh gì nữa! "

Thằng bé được gọi là Hổ ấy nhanh mồm nhanh miệng là vậy, nhưng thấy anh nó nổi nóng lên thì cũng biết điều mà khoá môi mình lại. Nó phải gạ mãi, anh nó mới cho trảy kinh cùng dịp Tết. Chưa mở mang được tí nào đã bị đuổi về, nó đâu có nỡ chứ.

Nhìn gần, Lục Bình mới để ý cái tráp của nó cũng lạ chẳng kém tài giả tiếng tạo thanh. Chẳng những nó lớn gấp đôi tráp ăn hỏi thông thường, mà còn có quai để đeo sau lưng.

Ước chừng mấy hơi thở sau, việc bắt mạch cũng xong xuôi. Người thanh niên nọ khẽ thở ra một hơi, nói:

" May mắn không tự hạ nhục mình, bệnh của người này, tôi cũng đoán được một hai. Nghĩa huynh của anh Phạm, xem chừng là bị cao thủ dùng nội kình đả thương phủ tạng. Hổ, lấy kim châm ra đây. "

Thằng nhóc vội vâng vâng dạ dạ, tháo tráp lấy một đống kim bạc lớn có đủ loại ra. Người thanh niên không dám phí nhiều thì giờ, lập tức thi châm cứu người.

" Đó là tử huyệt!! "

Phạm Lục Bình đứng xem mà hãi hùng, không khỏi hét lên thất thanh. Thậm chí nếu không phải hai người có ơn cứu mạng ba anh em, thì y còn toan vung Thư Hùng lên chém hai anh em nọ nữa kìa.

Thì ra, cách thi châm của thanh niên nọ cổ quái dị thường. Y cứ nhằm những tử huyệt yếu hại vô cùng như Tâm Du, Thận Du...v.v... mà gảy châm. Thoắt một cái, mặt Hồ Đỗ đã đỏ bừng cả lên.

" Dừng tay! "

Đến nước này thì Lục Bình chẳng còn nhịn nổi. Không tiện ra tay với ân nhân, nên y đành phải dùng song chỉ thay cho kiếm đến toan cản thanh niên áo xanh. Nào ngờ người nọ cũng đưa tay ra, dùng ngón cái và ngón út búng một cái phá luôn chiêu kiếm chỉ của Lục Bình.

Phạm Lục Bình mới khổ chiến xong, nội lực hao tổn, trong người lại còn ám kình của Nội Hoa Đăng thì làm sao đánh lại cho được? Cũng may, thanh niên tự xưng là lang y chỉ dùng nhu lực hoá giải chiêu thức chứ không truy kích. Hai người vừa tách ra, thanh niên nọ cũng đã cắm xong xuôi mấy chục cây kim bạc lên người Hồ Đỗ. Y lại vận công vỗ một chưởng vào chính giữa ngực Đỗ.

Phụt!

Hồ Đỗ cong gập người lại, phun mạnh ra một búng máu to đùng. Máu tanh văng cả vào mặt Phạm Lục Bình đang đứng gần đó. Cảm thấy búng máu này máu đặc đặc, giơ ra dưới ánh trăng thì sắc nó nhìn sẫm hơn chứ không tươi tắn như bình thường. Y nay mới biết máu bầm trong cơ thể Đỗ đã bị ép ra ngoài, từ giận đổi thành mừng.

" Muôn đội hậu tình, ân của hai anh em thầy tôi chẳng thể trả hết nổi. Nhà anh tôi cũng gần đây, nếu thầy lang chưa tìm được chốn dừng chân ở đất kinh kì thì xin mời thầy quá bộ đến dùng bữa cơm dưa cà. Trời đất! Nãy giờ sự tình cấp bách, quên cả lễ phép. Xin hỏi thầy lang tên họ là gì cho tiện bề xưng hô. "

Thiếu niên nọ vỗ gáy đứa em ra hiệu, hai anh em cùng khom người trả lễ.

" Thú thực với anh hùng, hai anh em tôi vừa mới chân ướt chân ráo lên kinh, đúng ra định nghỉ tạm ở Trấn Vũ quán cách đây hai dặm. Nếu được anh hùng cho nghỉ lại thì không còn gì tốt hơn. Anh em tôi họ Lê, cha già ở Chủ Sơn, Thanh Hoá. "

Phạm Lục Bình thò tay xoa ba chỏm tóc của đứa bé, nói:

" Ra là thầy Lê. Còn bé này hẳn là Lê Hổ rồi. "

Thằng nhóc lắc đầu, rùng mình vung vẩy tay chân cố hất tay y ra, tỏ vẻ phản đối dữ lắm. Lục Bình thấy buồn cười, càng chọc nó khiến mặt nó ỉu xìu xuống như cọng bún thiu.

Hổ lại lấy hết đồ trong tráp ra, dùng một miếng vải buộc túm lại. Đoạn, nó tháo bung cả cái tráp ra thành bốn đoạn tre dài cỡ ba thước và sáu tấm ván hình vuông. Hổ thoăn thoắt ghép chúng thành một cái cáng đơn giản.

Phạm Lục Bình không khỏi bất ngờ trước cái tráp lạ. Y vừa đặt được Hồ Đỗ ngay ngắn lên cáng thì thằng Hổ cũng quải được bao hành lí lên vai.

Thanh niên họ Lê cười, đáp:

" Tôi tên huý là Học. Còn tên của thằng nhóc này không phải Hổ đâu. "

Phạm Lục Bình hỏi:

" Ồ, cơ sự thế nào mà cậu nhóc này có cái tên lạ thế? "

" Chẳng dám giấu anh. Khi xưa lúc mẹ tôi lâm bồn, có con hổ xám đến nằm trước cửa nhà rồi gục chết ở đấy. Con hổ này làng tôi chẳng lạ, khôn mà lành lại hay săn thú về mời dân nên mọi người quý lắm. Lúc nó chết trai tráng khắp làng trên xóm dưới hò nhau chôn dưới gốc quế nó hay lui tới. Vì tưởng nhớ hổ xám, nên cả nhà mới quen gọi đứa nhóc lém lỉnh này là Hổ. "

" Trên đời này lại có sự lạ kì như thế à? "

Hai thanh niên một đứa nhóc lụi cụi khiêng một cái cán đi trong canh khuya. Trăng khuyết treo cao trên đỉnh đầu. Bóng người cứ lớn dần, rồi tan vào đêm tối.

Nửa đêm chuyển dần về canh bốn, chỉ còn chút nữa là qua giờ Sửu. Trăng càng lên càng thanh, gió càng thổi càng nhẹ, mà người thì càng nhìn càng ít. Cũng khuya lắm rồi chứ có sớm sủa gì? Người ta nói, trong năm canh buổi đêm thì cái giờ này là lúc tiết trời tối nhất, ma quỷ bắt đầu đi lại, nên hạn chế ra ngoà. Người đi trong ngõ không chong đèn, có giơ tay ra trước mặt cũng chả thấy năm ngón, mà cứ nghe gió ở đâu thốc mãi vào gáy.

Ba người Phạm Lục Bình, Lê Học cứ men theo hồ Tây mà đi, len lỏi hết hẻm trên ngõ dưới rồi cũng đến một căn nhà xập xệ nằm ngoài rìa làng Nghi Tàm, cách hồ Tây chỉ độ dăm bước chân. Quanh nhà có một hàng rào con leo đầy mồng tơi, với cây rơm to ngay gần cửa. Cơn gió hồ khẽ thổi, tiếng sáo du dương chợt vọng ra từ khoảng sân vắng trước nhà khiến ba người ai nấy cũng giật mình.

Ngoại trừ thằng Hổ, hai người Lê Học đều ít nhiều biết khinh công nên dẫu phải cáng một người theo cũng không thấy mệt, mà lại khiêng êm lạ lùng. Suốt chặng đường Hồ Đỗ nằm cáng mà chẳng kháng nào nằm trên đất bằng, không xóc nảy lấy một cái.

" Anh Học có cái cáng này hay thật, thằng em này phục sát đất. Nếu mình tôi cõng ông anh bảy chục cân này thì chẳng biết bao giờ mới tới nơi. "

" Anh Bình cứ quá khen, tôi chả dám nhận. Tính tôi nó nay đây mai đó, nhỡ nơi rừng hoang núi vắng mà gặp bệnh nhân thì phải làm sao? Thành ra mới nhớ người đóng cho cái này, đi đâu cũng yên tâm. "

Hai người vừa đi vừa nói chuyện, thấy rất hợp ý. Thành thử cách xưng hô cũng thân cận hơn trước chứ không còn quá khách sáo nữa.

Thằng Hổ theo sau chót, tranh thủ lúc hai người đặt cáng xuống bèn chạy qua gọi cổng.

" Mở cổng! Ngoài này có người bị thương! "

Chó trong nhà thấy hơi người lạ, bắt đầu sủa lên inh ỏi.

" Im ngay, cái đồ mất nết!!

Trong căn nhà ọp ẹp truyền ra tiếng một trung niên độ ngũ tuần, thanh âm ông đã khàn đặc vì đờm năm tháng. Chẳng mấy chốc, cổng đã mở, một người đàn ông ốm yếu với khuôn mặt vàng vọt xuất hiện trước ba người bọn Phạm Lục Bình.

" Các cậu tìm ai? "

Phạm Lục Bình cất tiếng:

" Bác ạ, con Lục Bình đây mà. "

" Bình hả? Mau vào đi. "

Người đàn ông nọ nói, đoạn cất bước vào nhà trong. Suốt cả quá trình, ông chẳng buồn nhìn thằng con nằm trên cáng của mình lấy một cái. Lê Học lòng thấy lạ kì, nhưng không dám nhiều lời hỏi chuyện riêng tư của người khác. May là còn thằng Hổ. Tính nó từ bé đã thế, có chuyện gì lạ là muốn truy tra tới chân tướng mới thôi. Tức thì, thằng bé giật gấu áo Lục Bình, hỏi luôn:

" Uây, ông ấy là cha anh kia cơ mà. Nhìn thấy con bị thương nằm bẹp trên cáng mà tỉnh như sáo thế à? Cha gì mà máu lạnh. "

" Hổ! Đừng có nói linh tinh!!! "

Lê Học thấy thằng bé lại bắt đầu nói hỗn bèn nhào tới bụm miệng nó lại.

Phạm Lục Bình cười khổ, đáp:

" Chuyện kể ra dài lắm... "

Canh tư.

Đêm đã muộn thế này mà giữa hồ hẵng còn mấy chiếc thuyền sáng đèn. Ra là thuyền thúng của dân chài lưới. Có cái thì đủ cho một người, còn cái nào to thì ba người ngồi cũng xuể. Trong thúng để nào cần, nào mồi, nào dây, nào giỏ...v.v...

" Hôm nay ông Hai cũng ra đây câu hở? "

" Đành chịu bác ạ. Nay chưa vào mùa, tôm ít mà bé, tranh thủ câu đêm đến sáng mà bán cho mấy ông phú hộ thì còn được đồng ra đồng vào. Chứ mấy nữa tát đồng thì ê hề, của mình đến phải ế. "

" Chưa hết tháng đã hết tiền. Hôm nay mà được mẻ to, mời bác qua quán nước đầu làng tôi. Con to đem bán, lũ lắt nhắt thì ta làm bữa nhậu chơi. Hôm trước mụ vợ về nhà thăm mẹ mang lên mấy bình rượu thơm lắm. "

Ông Hai đáp, cười khà:

" Muốn được thế thì cứ phải làm đã, buông cần thôi bác ơi. "

Người người đang lúc khí thế hừng hực thì cách đó không xa, trên một chiếc thúng con có ba người đang thản nhiên ngồi thưởng trăng. Kể cũng lạ. Người ta có thưởng trăng thì cũng thưởng mãn nguyệt trong ngày rằm, chứ có ai lại đi thưởng một mảnh trăng tí tẹo ngày mùng hai đầu tháng như ba người nọ?

Nhìn gần hơn, thì thấy nhóm quái nhân này gồm một người đàn ông chừng ba mươi mặc áo tơi đội nón tre. Một ông sư vẻ kham khổ vận cà sa có chòm râu dài tới giữa ngực và một đạo sĩ tuổi chừng sáu mươi. Đúng là người kì lạ thì hành vi cũng lạ kì chẳng kém.

" Thiên Cơ đạo huynh cất công tìm tên trộm vặt này, lại lặn lội lên tận đèo Ngang gọi Cứu Khổ thần tăng về kinh ắt là có chuyện lớn muốn bàn bạc? "

" Quả thực là vua trộm, ý nghĩ trong đầu ta mà bác cũng thó được, bội phục. "

Thiên Cơ lão đạo vuốt râu, cười đắng chát.

Cứu Khổ thần tăng tiếp:

" Đạo huynh tinh thông thuật tinh tượng, quá khứ vị lai đều chẳng giấu được mắt thần. Không biết lần này võ lâm lại có nạn gì? "

Tiếng lão ồm ồm và khàn đặc lại, không nghe kỹ còn tưởng ấy không phải tiếng người mà là loài quỷ đang nói. Thì ra, Cứu Khổ thần tăng vì tai nạn mà bị câm. Âm thanh vừa rồi là lão kết hợp nội lực với thuật nói tiếng bụng phát ra.

Trên đườnh trảy kinh, dân tình thấy miệng lão đóng chặt mà âm thanh cứ phát ra liên hồi thì cũng hoảng hồn mấy phen.

Thiên Cơ lão đạo thở dài, nói:

" Hai vị võ lâm chí tôn Hoả Công, Băng Bà đột nhiên mất tích, khiến cả giang hồ lạc vào một tràng gió tanh mưa máu. Hôm trước bần đạo có dạo qua chùa Trấn Quốc dâng hương, bất ngờ quan sát được điềm lạ trên vòm trời. "

" Ồ? "

Quận Gió ngồi nhỏm dậy, tỏ vẻ hứng thú trước lời nói của Thiên Cơ lão đạo. Con thuyền thoáng tròng trành vì động tác của y, song Cứu Khổ thần tăng chỉ khẽ vận công là chiếc thuyền thúng chở ba người lại vững vàng như bàn thạch.

" Vậy là đạo huynh cũng thấy được nó à? "

Giọng nói kì lạ của Cứu Khổ thần tăng lại vang lên, nhắm ngay lúc đôi thuyền thúng của dân chài bị sóng đẩy tới gần. Ba ngư dân ngồi trên thuyền nghe được chất giọng đều đều vô cảm của lão, lông tóc ở gáy cứ dựng đứng cả lên.

" Này! Hai người thấy cái gì mới được chứ?? "

Trong ba người, chỉ có Quận Gió là không biết thuật quan sát sao trời, thành ra hai người càng nói y càng chẳng hiểu mô tê gì hết.

" Tử tinh tái sinh, thiên hạ không yên. "

Hai người, một tăng một đạo, đồng thời cất tiếng.

" Tử tinh? Ý là gì? "

" Khi sao đổi ngôi, nó rơi xuống thành vẫn tinh rồi vụt tắt. Trong thuật tinh tượng người ta gọi ấy là sao chết hay tử tinh. Thế nhưng, sao đổi ngôi xong bỗng nhiên bắn ngược lên rồi toả sáng rực rỡ thì gọi là tử tinh tái sinh, cũng tức là sao đã chết mà sống lại vậy. "

Thiên Cơ lão đạo khẽ giải thích, ngữ điệu đã ảm trầm đi nhiều.

Cứu Khổ thần tăng tiếp:

" Lại nói, tử tinh tái sinh lần này không chỉ có một, mà là hai vì sao liên tiếp. Chứng tỏ, nước ta liên tiếp trải qua hai lần hạo kiếp. "

Quận Gió thấy sắc mặt hai người nghiêm nghị hẳn lại, thì cũng chẳng giữ nổi vẻ cười đùa nữa. Y nói:

" Võ lâm đại loạn phải chăng là một lần hạo kiếp? "

" Không! Loạn cục của giang hồ xảy ra quá sớm, nên chẳng thể là do tử tinh tái sinh gây nên. Tuy nhiên, hôm qua bần đạo đã tính thử một quẻ cho Đại Việt.

Đế tinh rọi xuống trời nam, chứng tỏ chân mạng thiên tử đã xuất sinh. Vai gánh Bắc Đẩu, tay nắm La Hầu, ấy là mệnh của người này. Tử tinh tuy mạnh, nhưng cuối cùng ắt bị người này lợi dụng, mở ra triều đại mới. "

Phải biết những lời này, nếu như để quan binh nghe được dù chỉ một câu thôi cũng ắt sẽ gô cổ Thiên Cơ lão đạo lại vì " đại nghịch bất đạo ", rồi ghép ông tội phản quốc để tru di tam tộc. Thế mà ông đạo sĩ nói ra với ngữ khí thản nhiên như không, giống như một việc nhỏ chẳng đáng bận tâm.

Quận Gió nghe xong bèn xua tay, than:

" Lão đạo à, vua có sinh ra hay chưa thì có can hệ gì tới tên bợm này?? Không phải lão không biết, các đời Quận Gió chưa từng nhúng tay vào tranh quyền đoạt vị. "

" Liên quan! Vì bác Quận chính là người sẽ quay bánh xe thời đại. "

Cứu Khổ thần tăng - người vẫn giữ im lặng từ đầu tới giờ, bất chợt lên tiếng. Ông dùng tiếng bụng, ngữ khí ồ ồ đều đều nên không ai đoán được ông nghĩ gì.

Quận Gió nghe xong bèn cười, vỗ đùi đánh đét một cái:

" Hả? Hoá ra Cứu Khổ thần tăng cũng biết đùa ư? Thay triều, hoán đại. Ấy là việc của các bạc anh hùng, của những đấng hào kiệt. Còn tôi rõ ràng chỉ là tên đầu trộm đuôi cướp, có tài gì đức gì cơ chứ? "

" Bác Quận nói thế, bần đạo cho rằng không phải. Một chữ anh hùng ai dám tự xưng, hai tiếng hào kiệt kẻ nào có gan tự gọi? Bác chuyên cứu nghèo giúp khó, trừng trị đảng tham quan phường giặc cướp, là bậc quân tử trong đám quỷ thâu. Thiết nghĩ ngoài bác Quận ra, giang hồ Đại Việt không còn ai xứng với hai tiếng " anh hùng " hơn. "

Quận Gió lắc đầu, nói:

" Anh hùng, hào kiệt! Không phải ai cũng muốn làm, dám làm. Song... không ai là không kính ngưỡng. Quận này tài mọn, làm bợm thì được chứ không cáng đáng nổi tiếng thơm. Thân mang hai chữ anh hùng, người đeo cái danh hào kiệt. Có khác gì đứng giữa sông Đà muôn dặm mà vùng vẫy, gánh lấy núi Tản nghìn cân mà hiên ngang? Kẻ như tôi nhàn cư đã quen, đảm đương không nổi. "

Cứu Khổ thần tăng nhìn sang Thiên Cơ lão đạo, cả hai cùng nhún vai mà chẳng nói gì cả. Vận mệnh, đã bắt đầu vần xoay vào lúc này. Người có muốn chạy cũng không được.

" Thôi thì chẳng mấy khi ba người bạn vong niên chúng ta tụ họp. Đêm nay trăng thanh gió mát mà không thưởng thức đúng là đáng tiếc. Nếu đã nhắc tới anh hùng hào kiệt, thì chi bằng ta bàn luận luôn xem thiên hạ trong hai mươi năm trở lại đây ai mới xứng là anh hùng thực sự. Bác Quận, đại sư thấy sao? "

Nhận thấy không khí ngột ngạt, Thiên Cơ lão đạo bèn ho khan, lên tiếng chuyển chủ đề.

Quận Gió nói:

" Hay lắm! "

Cứu Khổ thần tăng thì chắp tay như đang niệm phật, im lặng.

Thiên Cơ lão đạo nói:

" Bần đạo là chủ nhà, xin bắt đầu trước.

Gần đây ở nước Chiêm Thành xuất hiện một Chế Bồng Nga hung danh hiển hách, trí chùm thiên hạ. Nhờ có y, mà quân Chiêm từ chỗ sợ Đại Việt một phép hoá thành hổ dữ hùm beo. Bần đạo từng có lần đứng trên tường thành nhìn y công chiếm Thăng Long. Đúng là đánh như sóng dữ, rút như thuỷ triều.

Bần đạo cũng từng có dịp thách đấu với y một lần, quả là võ lực kinh người. Ba mươi sáu chiêu Thiên Cơ chưởng của tôi, hắn đỡ được hết. Nếu không nhờ có Thiên Đạo kiếm pháp, e rằng đánh ba ngày ba đêm mới khuất phục được.

Nếu bỏ qua tị hiềm dân tộc mà chỉ nhìn vào thành tựu, thì người như thế xứng là anh hùng không? "

Cứu Khổ thần tăng lên tiếng:

" Vua nước Chiêm thực là một nhân vật lớn. Cầm quân, tỉ võ đều uy dũng hơn người, xứng là trí dũng song toàn. Thế nhưng y gây chiến với Đại Việt, lại lấy rừng vàng bể bạc cống nạp cho nhà Minh để xưng thần. Điều ấy khiến dân nước Chiêm vốn đã nghèo, nay càng đói khổ lầm than. Đó là y ích kỷ bất nhân.

Thử hỏi, một kẻ bất nhân thì còn gọi gì là anh hùng nữa? "

Thoáng dừng lại một chút, ông lại tiếp:

" Nhắc tới Chế Bồng Nga thì không thể không nói tới tướng đã hạ y, ấy là Trần Khát Chân. Người này năm nay mới hai mươi, thế mà binh thư đã làu làu tinh thông.

Y lại biết đến chữ nhân nghĩa, thường hay phát chẩn gạo cơm cho người nghèo. Những nơi quân đội của y từng dừng chân, bà con chưa từng bị sĩ tốt làm phiền cướp bóc. "

Quận Gió lại nói:

" Ây dà, Trần Khát Chân đúng là anh hùng xuất thiếu niên. Thế nhưng tên bợm này nhàn cư vi bất thiện từng lẻn vào doanh trại của y. Người này tuổi trẻ mà tài nghệ siêu quần, dõi mắt hai chục năm nay hiếm có ai bằng, thành thử ngạo khí cũng thấm nhuần trong cốt tuỷ. Y nhiều lần nói trước mặt tướng sĩ tâm phúc sẽ thay thế vị trí của Lê Quý Li.

Quý Li nổi tiếng giảo quyệt đa đoan, mà một núi thì không chứa được hai con mãnh hổ. Không biết hai bác sao, chứ tôi nghĩ hùm thiêng họ Trần e phải thua vào miệng thuồng luồng họ Lê. "

" Thế theo bác Quận, ai mới là anh hùng thời nay? "

Trước câu hỏi của hai người bạn già, Quận Gió nhẹ nhàng ngước mắt lên nhìn thẳng vào bầu không. Trăng đầu tháng, đẹp theo một cách rất riêng. Mờ mờ, huyền bí. Gương mặt mĩ nhân phủ lên một lớp hơi sương khiến ai nhìn cũng phải tò mò mà thả trí tưởng tượng bay đi. Như một hệ quả đi kèm, sao sáng hơn bình thường.

" Anh hùng? Hào kiệt? Thế nào mới xứng là anh hùng? Tay nắm ngàn quân, chiến chinh thiên hạ thì chúng sinh đồ thán. Võ nghệ siêu quần, hành hiệp trượng nghĩa lại cứu nổi bao người? Anh hùng là gì? Hào kiệt lại là gì? Ôi... "

Sóng vỗ mạn thuyền, dạt dào xa.

Lê Học đặt Hồ Đỗ nằm yên vị trên chiếc giường đơn trong buồng ngủ, lại ngồi kê một đơn thuốc rồi mới ra ngoài. Trăng kéo xuống đậu lên dàn mướp, đêm tản dần về sáng. Chỉ nửa canh giờ nữa là dân tình kéo nhau ra đồng làm ăn. Thằng Hổ nằm ghé vào góc tường ngủ khì.

Phạm Lục Bình đương ngồi cùng cha Hồ Đỗ, dưới mái hiên. Ấm chè thơm đã pha sẵn, hương thơm quyến luyến mà không bám riết, như có như không phả vào gió đêm, thắp sáng cả vườn khuya.

" Chè thơm thật. "

Lúc Lê Học định thần lại thì lời khen đã vuột ra khỏi miệng, có muốn nuốt ngược vào bụng cũng chẳng còn kịp nữa.

" Thầy Lê ra rồi kìa bác. Thầy thứ tôi vô phép, dám hỏi bệnh tình anh Đỗ sao rồi ạ? "

Phạm Lục Bình đứng lên, có vẻ hơi cố sức. Ám kình của Nội Hoa Đăng đã được y hoá giải, nhưng chân khí cũng hao tổn kha khá không thể phục hồi chỉ trong một chốc được.

" Anh Đỗ trúng một đòn nặng, khiến nội phủ tổn thương. May mà địch thủ trước khi tung chiêu cũng dính một đòn nặng, khiến oai lực đòn sát thủ giảm mất mấy phần. Chỉ cần tịnh dưỡng mấy ngày, đợi lúc nội thương ổn định lại uống thuốc bồi bổ cơ thể là ổn. Ở đây có thang thuốc, phiền anh Phạm sớm mai đi cắt. Trong thời gian này, tốt nhất đừng để bệnh nhân hoạt động mạnh. "

Lê Học vừa nói, vừa ngưng thần quan sát ông lão trung niên. Thành thử, tiếng thở phào thả lỏng sâu kín của ông chẳng thể tránh khỏi con mắt của người lương y. Chàng ho khan một tiếng, bấm bụng hỏi:

" Kì lạ ở chỗ, lúc bắt mạch Hồ Đỗ tôi thấy cốt khí y hơi yếu hơn thường nhân. Hình như là do sinh thiếu bốn chục ngày, bác gái lúc mang thai không cẩn thận động thai. Đáng ra, anh Đỗ phải yếu ớt hơn người cùng tuổi mới đúng. Đằng này sức lại như hùm như trâu. Tôi dù bất tài, nhưng cũng hành y gần mười năm. Thế mà chưa từng chứng kiến trường hợp nào quái lạ như vậy.

Nếu như chuyện này không có ẩn tình gì khó nói, hi vọng bác đây có thể giải đáp thắc mắc cho thoả lòng hiếu kì. Không biết có được chăng? "

" Cảm ơn thầy, đã chữa lành cho thằng con bất hiếu. Tôi thân già côi cút, có những chuyện giấu ở trong lòng cũng mấy chục năm trời. Nay ân nhân đã muốn biết, thiết nghĩ cũng không dám giấu nữa. "

Ông chợt ngừng lại, húng hắng ho. Thân hình còm nhom co quắp lại như con tôm, run bắn từng hồi trông thật đáng thương. Lê Học vội đến bên cạnh thôi cung quá huyệt ở lưng cho ông, một lúc sau mới dứt hẳn cơn.

" Ân nhân xin hãy thứ lỗi cho. Dạo này trái gió trở trời, nhiễm sương nên bệnh cũ tái phát. "

Trong một thoáng, mắt ông mất đi vẻ đục ngầu, trở nên sáng lạ thường. Người già, mỗi khi nghĩ về những ngày xưa khó quên, đều như thế cả.

" Bà nhà tôi từ hồi còn con gái vốn đã ốm yếu hơn chị em chòm xóm, tóc lại bạc phơ như người lục tuần. Trai làng ai cũng chê xấu, chẳng chịu lấy dù nhà ngoại tôi cũng thuộc hàng khá giả ruộng sâu trâu nái. Con gái người ta, kẻ nghèo thì ra đồng đi cấy đi cầy phụ giúp cha mẹ, khá hơn thì dệt vải kéo tơ bán cho làng trên xóm dưới. Bà nhà tôi thì yếu quá, cứ làm được một lúc lại ngồi thở. Có khi làm hai ba ngày mới bằng người ta làm một buổi.

Bà ấy chỉ có một thú vui, ấy là sáo. Mẹ thằng Đỗ mê tiếng sáo lắm. Sáo lá, sáo trúc đều biết thổi. Ngặt nỗi ốm yếu, được non nửa bài là hết hơi. Thế mới lấy phải thằng trai xấu, còm nhom như que củi như tôi. Cũng chính mẹ thằng Đỗ dạy tôi làm sáo diều, nên mới có hột cơm bỏ vào mồm. "

Ông nói về vợ với giọng nghèn nghẹt, cặp mắt già nua thỉnh thoảng lại ngước lên cây cau trước sân. Phạm Lục Bình, Lê Học ngồi bên chỉ biết yên lặng nghe, chén chè đã nắm trong tay cũng không buồn nhấp.

" Thằng Đỗ sinh thiếu tháng, bố mẹ lại ốm lại yếu, nên nó còi như quỷ đói. Mấy bận tưởng là không nuôi nổi. May thay, gặp dịp thiền sư Tuệ Tĩnh nghe tiếng sáo ghé qua nhà, mới chữa cho nó. Từ ấy, lại bái sư bên chùa Trấn Quốc học võ mới được khoẻ mạnh như bây giờ. "

Lê Học đặt chén chè xuống, lẩm bẩm:

" Thì ra là tổ sư ra tay, hèn chi lại thần kì như thế... "

Thấy cha của Hồ Đỗ thở dài, chàng lại nói:

" Tình cảm vợ chồng của hai bác thật đẹp, đúng là đáng ngưỡng mộ. "

Ông tạ từ mấy câu, ba người vừa dùng trà vừa ngắm trăng lặn. Nửa canh giờ qua đi nhanh như một cái chớp mắt. Cha Hồ Đỗ xách cuốc ra sau vườn xem mấy luống khoai, luống sắn. Lê Học và Phạm Lục Bình thì đi cắt thuốc.

Đến nơi thì cửa tiệm lại đóng im ỉm. Đang mùng ba Tết, nên tiệm bán thuốc cũng mở cửa muộn hơn bình thường.

Thấy vậy, hai người bèn lựa một gốc cây to ngồi xuống chờ. Xa xa, phiên chợ sớm đã bắt đầu họp. Nhắm mắt lại, là có thể nghe thấy tiếng người mua kẻ bán, cả giọng rao hàng uyển chuyển vần vè như một bài ca của người đàn bà hàng cá hàng tôm. Chốn kinh kì nước Nam thật là lạ kì, giản dị mà phù hoa, yên tĩnh mà tấp nập. Cái mộc mạc quyện với sự thanh nhã, bịn rịn viết hai chữ Thăng Long lên dòng máu đỏ sông Hồng.

" Anh Phạm, bỏ quá cho tôi hỏi chuyện này. Hai cha con anh Đỗ anh hình như có khúc mắc khó gỡ. "

Phạm Lục Bình nhún vai, nói:

" Đâu chỉ khúc mắc... ài... đằng nào chuyện cũng chả phải bí mật gì, anh hỏi bà con trong xóm cũng biết. Thôi thì để tôi nói. Chẳng là hồi năm ngoái, hai cha con nhà anh Đỗ còn từ mặt nhau. "

" Còn có chuyện này à? Hà cớ gì mà lại... "

" Bác trai thì muốn anh Đỗ theo nghiệp mình, làm sáo diều nuôi thân.

Nhưng anh Đỗ nhiệt huyết cuồn cuộn trong tim, đâu có chịu yên lặng làm thường dân? Hôm anh ấy báo tin nhập ngũ, cũng là lúc bị cha đuổi khỏi cửa từ mặt.

Thân làm trai chí tại bốn phương, gánh nợ tang bồng là lẽ thường. Con có chí lớn, bậc làm cha mẹ sao lại cản ngăn cơ chứ? "

Phạm Lục Bình nói đến đây, lại bất giác nhớ lời mẹ. Y đặt tay lên ngực trái, nơi giữ lá thư cha người cha khuất núi của mình gửi gắm.

Lê Học nói:

" Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tôi với anh nói thì nói vậy, chứ nếu ở trong hoàn cảnh của bác trai, chưa chắc đã không làm chuyện tương tự. Có cha mẹ nào không muốn tốt cho con mình đâu. "

Nói đến đây, thì cánh cửa tiệm thuốc bắc đã kẽo kẹt muốn mở ra.

Cùng lúc đó, quay lại nhà cha của Hồ Đỗ...

Dăm luống khoai lang ông vun đắp cả năm trời có nửa bị đám chuột gặm đứt lìa cả dây, nhựa thấm ra đầy đất. Mất một lúc mới cuốc được hết đống củ non lên. Ông tặc lưỡi, xếp cả vào thúng. Mấy bữa nữa ra Tết, người khá bắt đầu nuôi lợn trở lại thì ông sẽ đem đống củ hỏng này ra chợ bán rẻ. Âu cũng là một cách để đắp đổi qua ngày.

Ngồi lên hè, nhìn con Mực ngấu nghiến thằng nhãi chuột đồng nó mới tóm được mà ông cười khổ. Chó nhà nghèo bụng lép lưng thô, phải bắt chuột mà ăn thì bán cho ai được? Người ta thích chó già đấy, nhưng Mực ta mà lên đĩa thì liệu được mấy miếng?

Ông tóm con chó, đá vào chân nó một cái. Con Mực đã quen, nên chả lí gì tới lão mà chỉ cắm cúi ăn.

" Cậu biết mẹ cậu là ai không Mực? "

Mắt ông nhoè đi, buồng cau cao ngất như càng xa hơn. Hồi ông còn trẻ, vợ còn sống, hai người đã cất tuyệt tác cả đời của vợ ông lên đó. Để bây giờ mỗi khi gió hồ thổi vào căn lều ọp ẹp tiếng sáo lại vang lên réo rắt.

Vi vu thoảng qua, một cơn gió mang theo khói cơm thơm lừng. Giờ này là các bà các cô đã xuống bếp thổi cơm trưa cho chồng rồi đấy. Vườn nhà ông cũng vì đó ngập tràn tiếng sáo trúc réo rắt khi xa khi gần, lúc trầm lúc bổng.

" Mực này, tao kể chuyện này cho mày đến lần thứ mấy rồi nhỉ? Chà... nhiều quá tao cũng đếch nhớ nữa rồi. Cái về hai kẻ ngu si nhất trần đời ấy.

Mà thôi, nghe hay không kệ xác mày, tao cũng cứ kể lại lần nữa.

Ngày xửa ngày xưa, ở một nơi chẳng xa xôi, có một nàng tiên sinh ra trong hình hài của loài quỷ xấu xí. Tóc nàng bị xóm tiên cười là trắng phớ như khăn tang... "

Kể tới đây, ông lại lên cơn ho. Khùng khục, khùng khục giật lên từng tiếng.

Nỉ non.

" Nàng tiên ấy bị xa lánh vì xấu xí, chỉ có một con quỷ đói nhìn thấy trái tim nàng như là đoá sen Tây Hồ. Đúng thật. Sáo nàng thổi vi vu như tiếng gió, giờ vẫn vẳng bên tai con quỷ hàng đêm. Ôi chà, nàng tiên dạy con quỷ thành nhà thơ lúc nào không biết nữa...

Nàng tiên xác quỷ yếu ớt, không thổi hết được một bài. Con quỷ thấy thế, bèn nói với nàng về con diều sáo, dù bản thân hắn chỉ biết câu ếch nuôi thân. Nàng tiên biết có thể dựa vào gió trời thổi sáo thay mình, thích lắm. Nàng tự mày mò học làm diều sáo, rồi chỉ lại cho con quỷ đói. "

Con Mực ngóc đầu dậy, cọ tai vào bàn tay ông. Mõm nó toàn máu chuột nên nó không dám liếm mặt chia buồn cùng cụ, sợ vây bẩn mặt chủ.

Cha Hồ Đỗ đã chìm vào hồi ức, nên cũng không chú ý tới con Mực.

" Thấy nàng hay đi đêm ra chỗ câu ếch, gần gũi với con quỷ, cha mẹ nàng bèn tống khứ nàng cho hắn luôn. Từ ấy con quỷ gánh hai miệng ăn. Giờ nghĩ lại, chính nó cũng chẳng rõ nó hồi ấy nó xoay sở kiểu gì mà nuôi nổi bản thân nó lẫn nàng tiên.

Rồi nàng tiên cũng tìm được cái nghề, ấy là làm sáo diều. Nhìn nàng vui vẻ trao từng con diều tới đôi tay háo hức của đám trẻ chăn trâu mà con quỷ đói chẳng nỡ nói cho nàng biết một buổi chiều bán nàng lỗ bao nhiêu tiền.

Nhưng rồi nàng tiên cũng nhận ra. Con quỷ đói giấu sao nổi mắt nàng? "

Con Mực thế mà khôn. Thấy gió nổi to, nó bèn rên lên ư ử, ngâm nga theo tiếng sáo vẳng xuống từ ngọn cau. Cụ thân sinh của Hồ Đỗ vừa nhịp phách theo, vừa kể.

" Nàng tiên cố hết sức. Chồng rau, chăm gà, bếp núc, kéo tơ... ngặt nỗi đụng việc nào cũng hỏng. Có lần nàng làm khét cả nồi giò tết, bưng mặt bật khóc mà hỏi con quỷ: " Chẳng lẽ trời sinh ra tôi chỉ để ngồi ăn chờ chết ư? Con gái con đứa xấu người, xấu cả nết thì sống làm gì nữa! ". Nói rồi vụt chạy định trầm mình xuống nước.

May hôm đó trở trời, con quỷ không đi câu ếch mới ngăn kịp. Ôi, nghĩ lại nếu hôm đó chỉ có mình nàng tiên ở nhà, đúng là không lường trước được chuyện gì. "

Lão thấy con Mực đã ăn xong, bèn vốc nước rửa mõm cho nó. Cu cậu được gãi cằm, cứ rên lên ư ử lấy lòng.

" Mày không biết đâu, lạ lắm. Đêm hôm ấy nàng tiên đến chỗ con quỷ đói đang nằm mà nói: " Thiếp ăn ở nhà chàng, ngủ ở nhà chàng. Tuy chưa có lễ phu thê nhưng đã nên nghĩa chồng vợ. Đáng ra việc nữ công gia chánh, chuyện sửa túi nâng khăn phải do người đàn bà đảm nhiệm, ngặt nỗi thiếp đau ốm dầm dề, vô dụng quanh năm. Là vợ, đã khiến chồng phải cơm bưng nước rót, mà đến cả hầu hạ chồng cũng không biết thì còn sống làm gì? ". Thế là hôm ấy nàng tiên với con quỷ lấy nước rau ngót thay rượu, làm cái chuyện trai trên gái dưới.

Ôi!! Trước đó con quỷ để nàng tiên ở nhà mình, nhưng tay nàng hắn cũng không dám nắm. Hắn nghĩ nếu tương lai cha mẹ nàng tiên đổi ý nhận lại con, thì nàng hãy còn tấm thân con gái, hắn sẽ không lỡ dở nàng.

Không biết có phải trời trêu người không. Năm ấy vua làm lễ Tịch Điền, nghe tiếng sáo diều bèn cao hứng mở hội thi cho các làng các xóm. Nàng tiên vốn thông minh, bèn nảy ý kết hợp đèn trời với sáo diều, định làm một chiếc để đời. "

Lão kể đến đây, mắt lại nhìn chiếc diều sáo cất trên ngọn cau.

" Nàng tiên làm ngày, làm đêm. Con quỷ đói lúc nào ngơi việc là châu vào đỡ nàng một tay. Phần thân diều làm một tháng thì xong.

Nhưng có lẽ do lao lực quá độ, nàng tiên lên cơn đau mắt nặng. Con quỷ không có tiền chạy chữa cho nàng, chỉ còn cách đến quỳ trước cửa cầu cứu cha mẹ nàng tiên. Mực, mày xem có ngu ghê chưa?

Cuối cùng, con quỷ bị người hầu nhà nàng tiên đánh ngất xỉu. Lúc về nhà, thì nàng đã mù hẳn. "

Lão nói đến chỗ này, thì giật mình nhận ra hai gò má gầy gò đã ướt đẫm tự bao giờ. Con Mực thấy chủ buồn, nhảy vào lòng lão mà dụi đầu vào ngực. Cụ thân sinh của Hồ Đỗ bèn cười. Cười méo xẹo khiến mặt nhăn nheo như con khỉ. Cụ ôm con Mực, tay ghì đầu nò xuống mà dấu dí:

" Mực ăn như lợn, ngu như lợn. Bố có buồn đâu, bố làm mệt quá đổ mồ hôi đấy chứ. Nghe bố kể chuyện tiếp đây này.

Con quỷ đói thấy nàng tiên buồn, chẳng quản việc nặng cũng cố hoàn thiện con diều. Mỗi ngày hắn làm một tí. Đêm câu ếch cũng cố nhìn ánh trăng mà đẽo sáo. Rồi thì cũng xong. Con diều hình giống như đoá sen, đài sen giấu một ngọn nến để giúp nó bay lên cao như cái đèn trời. Cuống sen thì ghép từ gần hai chục ống sáo.

Đêm rằm tháng Tám, con quỷ đỡ nàng tiên ra thả diều. Nàng tiên đỡ lấy bông sen, trăng nhuộm tóc nàng. Từ ấy mà diều có tên " tiên nữ hái sen ". "

Như bao lần, kể đến chỗ này thì lão không nén nổi nữa mà gục xuống, bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Cứ hễ lão khóc, thì cơn ho quái ác lại quay lại hành lão một chặp. Nấc một tiếng là ho một tràng, ho một tràng là khóc một trận. Đến tận khi lão bắt đầu ho ra máu cũng chưa dừng được.

Mặc cho cơn ho, mặc cho tiếng nấc, lão vẫn gằn từng chữ trong cuống họng nay đẫm lệ:

" Mẹ nó... mẹ nó chết đi bỏ lại tôi... với thằng Đỗ. Nay tôi già cả mắt mờ, ngày có làm được mấy cái diều sáo mà bán đâu? Cũng muốn thằng con theo nghiệp mẹ, để bà dưới suối vàng được yên nghỉ. Thế mà thằng Đỗ... thằng Đỗ nó lại chọn con đường chiến chinh mẹ nó ạ.

Thằng này xưa ngoan là thế, từ sau khi khỏi bệnh là thay tính đổi nết, bướng bỉnh mà lại cẩu thả. Tôi sợ nó ra trận, sẽ chết... thì tôi chả còn mặt mũi nào gặp lại mẹ nó. Nhưng, khuyên rã cổ cũng ngăn không được chân thằng con. Giờ nó lớn rồi, đủ lông cánh rồi, không cần đến tôi nữa. Nó muốn nhập ngũ, là đùng đùng bỏ nhà đi.

Đấy, bà xem tôi đoán có sai đâu! Đầu quân mới được một năm, thế mà đã bị người ta đánh cho dập nát cả gan mật. Mẹ nó chắc sẽ hiểu mà. Nó đau một tôi sót mười... "

Lão ôm con Mực, nói:

" Còn có cậu này. Năm ấy mẹ thằng Đỗ mất tôi đưa cậu về, cậu còn chưa mở mắt. Nếu hôm thằng Đỗ bỏ đi, cậu không cắn gấu quần ngăn tôi thì tôi đi chết luôn rồi, tôi đi gặp mẹ thằng Đỗ luôn rồi. "

Con chó tru lên một tiếng thê lương, rồi dụi đầu vào ngực lão.

" Đúng rồi. Đúng rồi. Sao mà chết được? Tôi còn phải nhìn thấy cậu chết, lấy xác cậu làm bữa ma chay cả tôi lẫn cậu chứ. "

Lão đứng dậy toan bước, nào ngờ xảy chân vấp phải hòn đá. Mất đà, cụ thân sinh Hồ Đỗ ngã nhào, vai đụng trúng luôn cây cau. Thân cây rung lên bần bật như dây đàn. Cau chết khô từ bao giờ không rõ. Chỉ biết phải năm năm trước, mà cũng có thể là lâu hơn, thì cây cũng không ra buồng nào nữa để mà xé.

Cây rung lên, dây diều được ông cụ thay mới mỗi rằm Trung Thu bỗng nhiên đứt phựt một cái. Sáo trúc mới cóng vót hồi rằm tháng tám rơi cả xuống đập trúng đầu cụ.

" Mẹ nó... đón tôi à? "

Cụ nhoẻn cười, ngây ngô như lần đầu tiên anh bắt ếch ngơ ngác trước nàng tiểu thư tóc trắng đoản mệnh.

Con Mực chạy đến bên chủ, dụi mũi liếm mặt cụ. Nó cố mãi mà chẳng bắt được một hơi thở nào thoát ra từ mũi hay miệng chủ cả.

" Oẳng! Oẳng! "

Con Mực sủa thê lương, rồi tông hàng rào phi ra khỏi sân, mất hút trên con đường dẫn ra đê.

Cả ngày hôm ấy, dân chài lưới thành Thăng Long kháo nhau chuyện về một con chó đen. Người nói nó phát rồ, kẻ bảo bị quỷ nhập, có bà chắc nịch nó là yêu tinh, lại có ông cam đoan ấy là thần thánh hiển linh.

Chuyện cứ nhảy cóc từ làng dưới đến thôn trên, dần dà lọt vào cung, truyền đến tai Trần Nghệ Tông. Ông cũng cảm thấy kì lạ, bèn thượng triều hỏi văn võ bá quan.

Ông quan to này nói ấy là điều lành xuất hiện, lão tướng quân kia thì khảng khái đó là điềm hung báo trước. Quan lại chia làm hai phe, cãi nhau ỏm tỏi.

Giữa lúc tranh luận đang kịch liệt, Lê Quý Li bèn lên tiếng:

" Chi bằng treo thưởng ngàn lạng bạc, vạn quan tiền cho ai bắt được nó về tiến vua. Lành hay dữ, quỷ hay thần đến lúc ấy cũng ắt phải hiện hình trước thánh nhan. "

Nghệ Tông cho là phải, bèn xuống chiếu. Nhưng tiếc là con chó kia đã đâm đầu xuống sông Hồng mà chết, chỉ vớt được cái xác.

Giữa sân rồng, người ta mới cạy miệng chó cho nước trào ra thì lạ chưa, con chó đen đang ngậm một cái trống đồng con con to bằng nắm đấm.

Lời tác giả:

Hồi một của tiền truyện đã kết thúc. Thú thực lúc đầu đặt bút mình không có ý định viết hồi này đâu.

Thế nhưng sau đó lại nghĩ: chính truyện đặt trong bối cảnh loạn lạc chiến tranh, mà mình lại muốn đem lại cho độc giả một cái nhìn thoáng qua về làng quê xã hội nước ta xưa mà mình xây dựng ( hơi tham quá chăng?? ). Thế là bắt tay vào gõ tiền truyện.

Trái với chính truyện, thì phần tiền truyện này mình viết theo kiểu " thả ngón tay chạy rông theo cảm hứng " nên có phần vấp váp hơn, đôi lúc cũng có những cái lầm lẫn hay sai sót. May sao, đến lúc này thì cũng có thể gọi là hoàn thành được rồi. Chỉ có đoạn cha của Hồ Đỗ, để tránh phạm huý Hồ chủ tịch nên mình không gọi thẳng là " ông Hồ, cụ Hồ " mà phải kiếm đường vòng để đi. Thế nên hành văn đoạn ấy có thể không được mượt mà lắm.

Bật mí một chút, hồi hai của tiền truyện mình sẽ căn sao cho vừa khớp với kết của chính truyện - thiên thứ nhất. Khi đó sẽ có kha khá bí ẩn được bật mí.

Một phút trải lòng. Sắp tới tác giả qua Đức học ( 26 tháng này mình bay ) chắc sẽ mất một khoảng thời gian để làm quen, ổn định cuộc sống. Thế nên tốc độ ra chương sẽ bất ổn hơn. Hi vọng bạn đọc có thể tiếp tục đồng hành cùng tác giả.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro