TIẾNG ĐÈN ĐÊM TRĂNG RẰM THÁNG TÁM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

-Chào các em nhỏ! Các em có biết chị là ai không? Không biết thì chị tự giới thiệu, chị là Hằng Nga còn đây là Chú Cuội. Mọi người có biết vì sao hôm nay anh chị xuống đây không nhỉ? Chị đếm 1, 2, 3 rồi mọi người cùng trả lời nhé! 1, 2,...3.

-Vì Trung Thu ạ!

Tiếng của những lũ nhóc vui vẻ cất lên. Năm nào cũng vậy, rằm tháng tám hay Trung Thu là một dịp khiến lũ trẻ luôn thích thú. Chúng được ăn, chúng được chơi và được gặp chị Hằng Nga, thằng Cuội. Chẳng biết từ khi nào và từ bao giờ nhưng có lẽ là rất lâu rồi thì rằm tháng tám luôn là ngày gia đình tụ họp nhưng không phải với chị Hằng Nga đang đứng trên sân khấu kia.

-Cuối cùng thì cũng xong chương trình Trung Thu năm nay rồi, Hạ Liên, em có đi đâu nữa không?

-Mọi người cứ đi ăn đi, em hơi mệt, em xin phép về nhà trước.

Anh chàng Chú Cuội lúc ban nãy miệng cười tươi cất tiếng.

Lê Hạ Liên căn bản là không hề mệt mỏi. Cô chỉ là buồn. Đối với mọi người thì Trung Thu là Tết đoàn viên còn Hạ Liên thì không. Cô lớn lên trong cô nhi viện Tâm Phúc, được nuôi dạy bởi mẹ Giang. Rồi một ngày kia, một ngày Rằm Tháng Tám thì cô nhi viện bị cháy rụi, toàn bộ mọi thứ đều bị phá huỷ, mẹ Giang thì vì cố gắng tìm lại một vật quan trọng của mình mà bỏ mạng trong đám cháy. Chẳng ai biết mẹ vì điều gì mà có thể lao vào đám cháy ấy mà tìm, mà bất chấp cả mạng sống của mình. Cô chỉ nghe loáng thoáng rằng lúc ấy mẹ Giang vì nhớ đến kỉ vật mà người thương của bà để lại mà bất chấp tất cả để tìm vật đó. Sau đám cháy thì mọi đứa trẻ trong cô nhi viện đều bị phân tán đi khắp nơi, đi những cô nhi viện khác nhau nhưng Lê Hạ Liên nhận thấy rằng chẳng ai tốt bằng mẹ Giang. Lúc đó, cô mới mười bốn tuổi.

Ấy là chuyện của mười hai năm về trước còn nay Lê Hạ Liên đã hai mươi sáu tuổi, tự đi làm, tự kiếm tiền, tự trang trải mọi thứ. Hiện cô đã là một phóng viên, một MC mới nổi luôn được mời làm host cho những chương trình có tiếng. Song cô chẳng có người bố hay người mẹ nuôi tự hào nào cho mình vì cô không muốn, người cô muốn là mẹ Giang kia mà.

Thế mà đã mười hai năm rồi, cô nhớ mẹ Giang nhiều lắm. Mẹ Giang dặn cô và những đứa nhỏ trong cô nhi viện đừng bao giờ oán trách cha mẹ vì đã bỏ rơi chúng, họ không có lỗi. Hay mẹ Giang luôn là người tự tay nấu từng bữa cơm cho cô và những đứa nhỏ.  Mặc dù những bữa cơm ấy chẳng phải sơn hào hải vị, cũng chỉ là những món ăn đạm bạc bình dân nhưng vẫn rất ngon. Có khi mẹ Giang nổi giận thì đáng sợ ghê lắm nhưng lại chẳng ai ghét mẹ.

Mỗi năm đến Rằm Tháng Tám thì Lê Hạ Liên lại nhốt mình ở nhà ngồi khóc như một đứa trẻ. Cô nhớ mẹ Giang, nhớ những đứa nhóc cùng cô nghịch ngợm, cô nhớ cô nhi viện Tâm Phúc. Bao năm qua, cô không quên được. Làm sao cô quên được cái cảnh tượng người mà cô yêu quý xông vào đám cháy. Không cô không thể quên được.

*

Một mùa Trung Thu cứ thế lại qua đi bỏ lại đằng sau là những nụ cười ngây thơ của những đứa trẻ. Còn Hạ Liên lại quay trở về với guồng quay của công việc, bộn bề của cuộc sống. Đưa bản thân vào vòng quay không hồi kết để bản thân quên đi những nỗi đau vô tận không lối thoát như là một bản năng mà con người ai cũng biết rằng nó dường như là vô dụng nhưng đến cuối cùng họ lại chấp nhận và chối bỏ. Hạ Liên cũng vậy, cô biết công việc chỉ đưa cô đến mệt mỏi, hoàn toàn chẳng đưa cô ra khỏi quá khứ đau buồn đen tối không lối thoát ấy thế mà cô vẫn chẳng hề mảy may mà từ bỏ. Cô vẫn tiếp tục làm việc và làm việc. Đắm chìm trong thế giới của công việc bận rộn để mang nỗi buồn hoà mình vào với chúng.

-Hây, Lê Hạ Liên, cô bé cuồng công việc. Tối nay em rảnh chứ? Lâu lắm rồi cả văn phòng không đi ăn cùng nhau. Nếu rảnh tối nay thì cả văn phòng cùng đi quậy một tí cho cuộc đời đỡ tẻ nhạt.

Vẫn lại là anh chàng Chú Cuội ấy. Đã được một năm rồi kể từ khi anh ta bắt đầu theo đuổi Hạ Liên. Chả biết hên xui thế nào mà một ngày ở một quán rượu gần nhà thì Hạ Liên lại bắt gặp anh ta, cùng anh ta làm chầu rượu mà cuối cùng thì say bí tỉ chả biết trời trăng sao thế nào. Có lẽ trong lúc say cô đã kể hết cuộc đời của mình cho anh ta để rồi anh ta thương cảm và bắt đầu theo đuổi cô. Thế mà cũng may sao tối đó nhờ người bồi bàn ở đó đưa cô về nhà nếu không thì cô cũng không biết mình sẽ bị làm sao nữa.

Lại nói về người bồi bàn quán rượu là một cô gái đã trải qua rất nhiều đau buồn và có lẽ cuộc sống của cô gái ấy còn đau buồn hơn cả cô nhưng lại luôn vui vẻ, sống mặc kệ mọi thứ. Hạ Liên đã nghĩ rằng cô ấy đang che dấu cảm xúc nhưng thực ra thì cô ấy lại đã rũ bỏ quá khứ làm lại cuộc đời. Cô bồi bàn ấy với Hạ Liên như chị em vậy nên cô ấy đối rất tốt với Hạ Liên và chính vì thế mà cô mới may mắn về nhà an toàn.

-Được thôi, hôm nay đi làm một chầu nhé.

Hạ Liên nói tuy trong lòng cô thì chẳng hề muốn đi. Dù sao thì đây cũng là những người sẽ gắn bó với cô nên việc đi ăn cùng nhau cũng là lẽ thường tình mà thôi.

"Có những bản nhạc đưa ta đến quá khứ.
Có những bản nhạc đem ta đến tương lai.
Đưa ta đến những nơi mà ta chưa từng đến.
Mang ta đi đến những giấc mơ của ngày thơ.
Có chăng là nơi mà ta chưa từng nghĩ đến.
Hay chăng là nơi để lại cho ta những nỗi đau bất tận.
Đèn lồng ơi hãy gửi những điều đó đến những nơi ta sẽ không còn gặp lại."

Ở bên trong nhà hàng vọng ra một thứ nhạc rất buồn. Một tiếng đàn piano, một bài hát buồn. Cả văn phòng của Hạ Liên quyết định đi ăn tại một nhà hàng Trung Hoa. Nhà hàng này được trang trí với những dây đèn lồng rủ xuống ngoài cửa. Trông nó như một cánh cổng dẫn đến nơi ở của những người đã khuất.

Đèn lồng, thứ đèn mà người người đều sử dụng để trang trí bởi hình thù đa dạng và màu sắc sặc sỡ. Đối với Hạ Liên thì đèn lồng buồn, rất buồn bởi nó không chỉ để trang trí phố phường, hàng quán mà còn để trang trí cho Rằm Tháng Tám. Ánh sáng màu đỏ được thắp lên bên trong nó chỉ khiến cô nghĩ đến quá khứ kia và những chiếc đèn lồng ấy lại như là một phương tiện mang người đã mất đi xa khỏi những người thân thương của mình.

Ánh sáng của đèn lồng cùng tiếng đàn piano khiến nước mắt của cô muốn trực trào tuôn ra. Nhưng cô lại nuốt những giọt nước mắt đau thương ấy vào trong và mỉm cười.

Cô không được khóc ở đây. Cô không được phép khóc trước mặt mọi người. Cô không cho phép bản thân được yếu đuối. Cô càng không cho phép bản thân làm trái lời dạy bảo của mẹ Giang. Đừng bao giờ rơi nước mắt, nước mắt chỉ nên rơi khi chúng ta không còn lối thoát khỏi cuộc đời tăm tối.

-Này cô gái, cô ổn chứ.

Một bàn tay nhỏ nhắn đặt lên vai Hạ Liên lay nhẹ. Đó là một người con gái Trung Hoa. Là cô gái vừa rồi ngồi đánh piano trên sân khấu kia.

-Tôi ổn, cô...bản nhạc ban nãy rất hay.

-Ồ, tôi chỉ đánh theo cảm xúc thôi. Tôi nghĩ rằng nó rất...

-Buồn?

-Phải, rất buồn.

-Bản nhạc...xin lỗi nhưng nó khiến tôi nhớ đến một vài thứ...

-Tổn thương?

-Chính điều đó.

-Vậy có lẽ...chúng ta giống nhau rồi.

*

Chẳng biết từ khi nào, Lê Hạ Liên luôn đi và xuất hiện cùng một cô gái người Trung Hoa. Hạ Liên kể rằng cô gái đó tên Quyên Gia Chiêu là một người có quốc tịch Việt Nam nhưng cha mẹ vốn là người Hán nhập cư, là một người quen của cô. Hai người cứ thế như hình với bóng dường như chẳng rời nhau nửa bước.

Sáng. Lê Hạ Liên đến công ty. Quyên Gia Chiêu ở đó. Chiều. Lê Hạ Liên đi quay hình. Quyên Gia Chiêu không ngần ngại đi theo. Tối. Quyên Gia Chiêu đi hát ở phòng trà. Lê Hạ Liên liền ngồi đó không di chuyển. Cuối tuần. Quyên Gia Chiêu biểu diễn hát đường phố. Lê Hạ Liên chỉ đứng đó. Cả ngày!

*

Hôm nay là ngày 15 tháng 8. Lại là một mùa Trung Thu nữa lại đến. Ngồi bó gối trong căn phòng ngủ nhỏ bé của mình, Lê Hạ Liên nhìn ra ngoài cửa sổ nơi lũ trẻ hàng xóm đang vui đùa phá cỗ. Năm nay cô sẽ không khóc. Không khóc vì Quyên Gia Chiêu.

Quyên Gia Chiêu. Bí ẩn? Không hề. Cô là một người chuyển giới. Thế giới của cô gói gọn trong chiếc đàn piano. Cô bí mật chuyển giới trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Họ không chấp nhận. Cô bị đuổi đi. Cô lang thang và được một người giúp đỡ. Sau đó cô khăn gói từ Sài Gòn lên Hà Nội. Cô biết mình có lỗi với gia đình khi không chăm sóc họ nhưng cô muốn sống thật, sống là chính mình. Cô cố gắng kiếm tiền để sau này cô có thể bù đắp cho họ.

Cô rất thích đèn lồng. Những chiếc đèn lồng sặc sỡ với hình thù đa dạng khiến cô không thể kìm lòng như thế giới của cô tự mình xây nên. Cô hiểu ý nghĩa của chúng, cô đã kể cho nhiều người nhưng họ chẳng hề quan tâm. Duy chỉ có Lê Hạ Liên lại có thể cùng cô ngồi xuống tâm sự, nghe cô kể về ý nghĩa của chiếc đèn lồng.

-Đèn lồng mang nhiều ý nghĩa lắm. Mỗi chiếc đều có ý nghĩa riêng.

-Vậy bản nhạc Tiếng Đèn Đêm Trăng Rằm Tháng Tám ban nãy đều dựa theo đó mà viết nên sao? Chúng thực sự rất buồn.

-Không. Chúng theo cảm xúc của tôi mà được viết nên thôi. Đèn lồng màu đỏ là thể hiện sự hạnh phúc song màu trắng lại là tang thương. Tôi không dựa theo đó mà viết nên bản nhạc. Tôi dựa vào hỉnh ảnh những chiếc đèn lồng bay trên trời kia. Chúng bay lên trông thật đẹp phải không? Nhưng chúng như những chiếc xe thần tiên mang linh hồn của những người đã khuất đi xa vậy. Đưa họ đến những nơi mà có lẽ ta sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Rằm tháng tám có lẽ là rất vui nhưng thực ra lại rất buồn giống như trường hợp của cô vậy nên bản nhạc này được ra đời.

"Có những bản nhạc đưa ta đến quá khứ.
Có những bản nhạc đem ta đến tương lai.
Đưa ta đến những nơi mà ta chưa từng đến.
Mang ta đi đến những giấc mơ của ngày thơ.
Có chăng là nơi mà ta chưa từng nghĩ đến.
Hay chăng là nơi để lại cho ta những nỗi đau bất tận.
Đèn lồng ơi hãy gửi những điều đó đến những nơi ta sẽ không còn gặp lại.
Hỡi Đức Phật, Đức Bà,
Hãy mang họ đến nơi xa xôi bằng những chiếc đèn lồng rực rỡ với muôn vẻ hình dạng khác nhau.
Nơi không còn những xấu xa cuộc đời.
Nơi chỉ còn hạnh phúc, tiếng cười.
Và niềm vui sẽ chẳng bao giờ tắt.
Ôi bạn tôi ơi, hãy đừng khóc nữa.
Những người ta thương giờ đã xa rồi.
Họ không ở nơi xứ người này nữa,
Mà đã đến nơi gọi là Thiên Đàng."

Tiếng nhạc du dương của piano vang lên cùng với giọng hát trong trẻo của một người con gái. Quyên Gia Chiêu đã ở đây. Ở đây để an ủi tâm hồn của Lê Hạ Liên.

-Lê Hạ Liên. Tôi biết em còn buồn nhưng xin hãy gửi những nỗi buồn đó vào đây. Vào chiếc đèn lồng này và rồi thả nó đi. Để sau đó tôi và em sẽ cùng đi khỏi đây, tạo nên những tiếng cười và cất chúng trong chiếc đèn lồng khác. Tôi đã từng kể em nghe về ý nghĩa của đèn lồng, tôi đã từng kể em nghe về cách mà chúng đưa linh hồn đi xa. Vậy xin em hãy để linh hồn mẹ Giang được chiếc đèn lồng mang đi đến với Đức Phật, đến với Thiên Đàng để mẹ được an nhiên.

Lê Hạ Liên khóc. Cô oà khóc lần cuối cùng để đưa người mà cô có thể chẳng bao giờ quên được đến nơi xa. Nơi chỉ còn nụ cười.

"Tạm biệt nhé đèn lồng! Nhưng đèn lồng ơi, xin hãy đưa mẹ đến nơi mẹ có thể an nhiên để mẹ khỏi muộn phiền lo âu!"

Có những khi ta phải rũ bỏ quá khứ để rồi thay đổi. Thay đổi không phải vì vô ơn. Thay đổi không phải vì tội lỗi. Thay đổi đơn giản là để ta được an vui mà sống.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro