BÉ VỀ VỚI BÌNH YÊN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Mùa hè năm ấy, tôi đã không thể bảo vệ nổi người con gái mà bản thân yêu quý nhất, người con gái mà cả đời này tôi cũng không thể lãng quên được dù chỉ một phút giây.

...

Miền bắc vừa mới kết thúc đợt rét nàng Bân, những ngày cuối xuân có mưa phùn nhẹ làm cho bầu không khí như thể có thêm nét thơ mà trở nên lãng mạn hơn hẳn. Tôi ngồi cạnh khung cửa sổ đưa tầm mắt ngắm nhìn vườn hoa đủ sắc màu của mẹ lại vô tình nhìn thấy chị Bé cầm chiếc ô màu vàng nhạt chạy vội từ cổng vào. Còn chưa vào đến cửa nhà thì mọi người đã nghe thấy giọng chị: "Con chào bố! Con chào mẹ!"

Mẹ là người nhanh chân nhất, chạy từ bếp ra, trong tay còn lăm lăm cây đũa cả còn dính chút cơm, trên khuôn mặt rộ lên nét cười hiền hậu: "Bé nhà mình đi học về rồi đấy à? Con ăn gì chưa?"

Chị lắc đầu một cái rồi rũ chiếc ô xuống dựa vào cánh cửa: "Con chưa ạ, khi nãy vừa tan học là con bắt xe buýt rồi đi về nhà luôn. Bố mẹ ăn chưa thế?"

"Chưa, mẹ mày vẫn còn chưa nấu xong cơm thì ăn uống cái gì?" Bố lúc bấy giờ mới chịu xuất hiện, giọng nói của ông có chút khàn bởi vì bị nhiễm lạnh. Thế mà ông cũng không chịu khoác thêm cái áo dày dặn vào, vẫn cứ mặc chiếc áo thu đông mỏng tang.

"Vậy thì con về vừa kịp lúc rồi, mẹ làm gì đó để con vào làm cho?"

Chị buông cặp sách xuống, bên trong chẳng có gì ngoài chiếc máy tính xách tay đã cũ rồi chạy thẳng vào trong bếp. Khiến cho mẹ phải bất lực mà gọi với theo: "Này, Bé ơi, mẹ cầm đũa cả đây rồi này!"

Bữa trưa đạm bạc nhà tôi cũng chỉ có vài món mặn ăn cùng cơm, mẹ bận mải suốt ngày suốt tháng nên chẳng mấy khi chịu làm một bữa cho ra trò. Còn bố ăn cơm mẹ nấu đến nay cũng ngót nghét ba mươi năm nên chẳng có ý kiến gì cả. Mặc dù những món ăn trên mâm cơm chỉ gắp ba đũa là hết nhưng lại khiến cho người ta có cảm giác ăn bao nhiêu vẫn còn. Chị ngồi đối diện mẹ, mái tóc còn dính chút nước mưa từ bên ngoài, ba hoa về một tuần học tập vừa rồi của mình trên thành phố.

"Mẹ ạ, hôm trước con vừa xin làm việc part-time mà chẳng biết người ta có chọn con không."

Mẹ nghe thế thì hỏi lại một câu: "Làm việc "bát-tham" là gì?"

"Haha, là kiểu con chỉ làm một nửa ngày thôi, vì buổi sáng con còn phải đi học nữa mà."

"À... Thế mà cứ nói tiếng Tây tiếng Tàu. Gớm nữa, chị đi làm thì kiếm được bao nhiêu tiền cơ chứ?"

Mẹ gắp một miếng thịt kho cuối cùng vào bát của chị còn mình thì trút nốt chỗ cơm trong bát vào đĩa thịt chỉ còn nước lõng bõng. Bà ấy đảo qua đảo lại vài cái rồi lấy thìa xúc ăn ngon lành.

Chị nhìn thấy miếng thịt ba phần thịt bảy phần mỡ ở trong bát của mình thì khẽ cười, ngẩng đầu lên nhìn vào mẹ rồi bĩu môi: "Mẹ cứ coi thường con thế nhỉ? Đợi con kiếm đủ tiền rồi sẽ dẫn bố mẹ đi biển nhá?"

"Úi dồi, chắc đợi đến lúc tao chết thì may ra."

Chị Bé cười ha hả, hình như là vui lắm. Mối quan hệ của chị và gia đình thật sự rất tốt, chắc có lẽ bởi vì chị là em bé ngoan chứ không giống tôi.

Cứ mỗi lần chị về thì nơi này sẽ có nhiều tiếng cười hơn, không khí trong gia đình cũng thoải mái hơn hẳn. Cho dù tối hôm trước bố mẹ có cãi nhau long trời lở đất thì lúc gặp chị lại thành như chưa có chuyện gì xảy ra. Nhiều khi tôi nghĩ, chị gái tôi cứ như một liều thuốc thần kì vậy, có thể hàn gắn bất cứ thứ gì trên đời này.

Năm nay chị đã lên đại học năm tư nên việc học cũng khó khăn hơn thì phải, mỗi lần về chị cũng chẳng còn nhiều thời gian để cùng mẹ tưới hoa nữa. Cứ suốt ngày đâm đầu vào máy tính gõ gõ thứ gì đó mà tôi chẳng đọc được. Một năm cứ thế trôi qua hệt như cơn gió thoảng vậy.

Trời vào đầu đông, thời tiết cũng khắc nghiệt hơn nhiều. Mùa đông ở miền bắc luôn là kẻ địch mạnh nhất của những đứa lười giống tôi. Mặc kệ mặt trời đã lên cao, tôi vẫn chỉ thích nằm gọn trong nơi tối tăm nhất mà lười biếng đặt hai tay lên ngực mà ngủ một giấc thật ngon.

Cả tháng nay tôi không thấy chị về nhà lần nào, bố thì cứ đi đi lại lại mãi ở cửa cổng. Miệng nói là chẳng nhớ con gái đâu, nhưng một khi vắng bóng thì cũng chẳng nỡ mà quên đi. Mẹ cũng chẳng còn hứng thú tưới tắm cho vườn hoa nữa, làm cho cả một góc vườn đã bắt đầu úa vàng trước tiết trời rét căm ấy.

"Này bà này, gọi cho cái Bé, hỏi nó xem bao giờ thì về đi."

"Sao tôi phải gọi? Ông nhớ thì ông gọi đi, ơ hay."

"Thì bà cứ gọi đi xem nào, máy tôi hết tiền rồi."

Mẹ tôi ngồi cạnh chiếc máy sưởi đã cũ còn phát ra những âm thanh rè rè khẽ chép miệng một cái rồi liếc bố cũng đang đứng cạnh đó không xa. Khuôn mặt thì có vẻ như là chẳng tình nguyện chút nào nhưng các ngón tay lại thao tác rất nhanh. Chuông vang lên ba hồi thì chị tôi ở đầu dây bên kia cũng đã nhấc máy, giọng chị có chút nghèn nghẹt, chắc là lại bị cảm cúm mất rồi.

"Mẹ gọi cho con có việc gì không ạ?"

"Bố cô, có việc mới được gọi cho cô à?" Mẹ vờ giận dỗi nhưng lại vô thứ nở nụ cười, đối với bà mà nói cô con gái này chính là cả sinh mệnh, một sinh mệnh không thể nào tách rời được.

Chị tôi khẽ cười: "Haha, đâu... Có ai bảo thế đâu..."

"Thế bao giờ thì Bé về với bố mẹ? Sắp tết rồi ấy." Bố nghe thấy mẹ hỏi thế thì cũng cố tình ngồi sát lại để nghe cho rõ hơn, mong con gái về như thế mà vẫn còn tỏ ra không quan tâm thì đúng là chỉ có bố thôi.

Chị ngập ngừng một chút, trong điện thoại phát ra những âm thanh loạt xoạt như đang giở giấy tờ gì đó. Phải mất gần một phút sau mới nghe thấy tiếng chị vang lên: "Chắc là còn khoảng gần hai tuần nữa con sẽ về.

Nghe đến đây mặt mẹ đã buồn thiu: "Thế là không về ăn Ông Công Ông Táo à Bé?"

"Chắc là con không về được rồi mẹ ạ." Từ giọng nói của chị tôi cũng nghe ra được sự tiếc nuối, chị vốn là người luôn hướng về gia đình nên lần này chẳng thể về nhà sớm được cũng làm chị buồn chẳng kém.

Bố đã nhích ra ngoài một chút, ông khoanh tay đưa mắt nhìn chằm chằm vào ti vi đang đen ngòm phía trước mà chẳng nói gì, khuôn mặt vô cùng đăm chiêu, đầu lông mày khẽ nheo lại như không vừa ý. Ông ấy thương chị như thể khúc ruột liền thân của mình, từ cái ngày tôi còn nhỏ xíu cho tới tận lúc hiểu chuyện thì bố vẫn luôn ân cần dịu dàng với chị. Giống như lúc nào cũng sợ chị bị đói, bị lạnh, bị người ta ức hiếp mà thôi.

"Thế thì cố gắng thực tập xong rồi về sớm với bố mẹ nhé."

"Vâng ạ."

Nói rồi mẹ cũng chẳng cúp máy luôn, cứ để thế thêm cả phút chỉ để nghe thấy âm thanh lạch cạch từ bàn phím máy tính đang vang lên đều đều. Hình như chị đang rất bận nên chẳng để ý rằng điện thoại vẫn còn kết nối cuộc gọi, cũng chẳng để ý rằng bố mẹ đang nhớ chị đến thế nào.

Không khí ở quê những ngày gần Tết cũng nhộn nhịp chẳng kém thành phố khi mà con cháu phương xa nô nức kéo nhau về chơi, làng tôi cũng vì thế mà nhộn nhịp lên hẳn. Những bà mẹ có con gái lấy chồng xa, cả năm chỉ về được dăm ba lần đã là nhiều thì những khoảnh khắc thế này luôn rất quý trọng. Nuôi con gà con lợn cả năm chẳng nỡ thịt, thế mà chỉ cần con gái thông báo một tiếng đã hào phóng đem tất cả những thứ tốt đẹp nhất ra để chiêu đãi.

Chợ Tết đông vui không kém phần khi khắp nơi đã rải đầy bóng hoa đào rực rỡ, màu hồng phấn tươi tắn ấy đã làm cho tôi háo hức hẳn lên. Nhưng bên ngoài nhộn nhịp là thế mà nhà tôi vẫn lẻ loi hai dáng hình già nua của bố mẹ. Hai người còn chẳng buồn ra ngoài sắm sửa gì mãi cho đến tận ngày 22 tháng chạp.

"Bà không đi chợ sắm Tết đi à?"

Mẹ đang tưới nước cho khóm hoa thược dược thì thở dài: "Tí tôi đi, cũng chẳng phải mua gì nhiều. Dù gì Bé nó cũng tận ba mươi mới về được nhà."

Vừa nhắc đến chị gái là tâm trạng của bố tôi lại tệ đi, ông chép miệng, lắc đầu rồi bước từng bước khó khăn vào trong nhà. Thời tiết dạo này lạnh buốt vì có áp thấp, bệnh khớp của bố tái phát khiến cho ông di chuyển cũng khó khăn hơn.

Bố vừa vào nhà thì tôi đã nghe thấy giai điệu quen thuộc phát ra từ cái ti vi cũ.

"Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi..."

Nhờ có tiếng nhạc mà căn nhà của tôi đã có thêm chút sắc màu giống ngày Tết rồi. Chiều đó mẹ đi chợ về đem theo biết bao nhiêu túi lớn túi nhỏ, lại còn hớn hở chạy đến ướm luôn cái áo mới tinh vào bố xong tấm tắc tự khen mình có mắt thẩm mỹ cao. Tôi trông thấy cảnh tượng đó thì chỉ biết cười, bố với mẹ lấy nhau bao nhiêu năm nay, cãi vã có nhiều nhưng vẫn vì con cái mà bỏ qua, thế rồi cuộc sống đâu cũng vào đó cả.

Thêm một tuần nữa trôi qua, cuối cùng thì cũng đến ngày chị tôi về, từ sáng sớm mẹ tôi đã làm gì đó lạch cạch ở trong bếp. Hóa ra là đang rán bánh khoai cho bố ăn, mùi hương chẳng mấy chốc đã phủ kín cả tầng một, đến tôi cũng bị thu hút bởi nó mà chạy lại chỗ mẹ nhìn một lúc mới chịu được.

Đến gần trưa thì chị tôi đã về, hai tay xách theo cả trăm thứ đồ lỉnh kỉnh. Chị còn chưa bước vào nhà đã hô lớn: "Mẹ ơi! Bố ơi! Bé về rồi này!"

Bố mẹ còn đang nghỉ ngơi trên tầng cũng bị âm thanh đầy nội lực đó dựng dậy trong tích tắc. Bố mặc kệ đầu gối đang đau nhói vẫn phi xuống như bay để đón con gái, vừa thấy chị ông đã cười như được mùa.

"Cuối cùng con cũng về rồi!"

Chị buông đồ trong tay xuống ôm chầm lấy bố, ánh mắt còn toát lên sự hạnh phúc vô bờ. Dáng người chị nhỏ nhắn nên chỉ đứng tới vai bố, cả khuôn mặt đều tựa vào lồng ngực ấm áp nhất thế gian này. Chị thủ thỉ: "Bố ơi, Bé nhớ bố lắm."

Biết là con gái đang làm nũng nên ông cũng hùa theo: "Thế mà giờ mới chịu mò về đấy."

Chị cười hì hì rồi buôn tay, chạy đến chỗ mẹ cũng ôm thật chặt: "Con cũng nhớ mẹ nữa."

Mẹ tôi nhìn như sắp khóc đến nơi vậy, mới xa con gái có hai tháng mà tưởng như khoảng thời gian dài lắm không bằng. Mẹ vuốt nhẹ theo mái tóc dài óng mượt của chị rồi mãn nguyện mà nhoẻn miệng cười.

"Được rồi, về thì nghỉ ngơi đi thôi, tối nay còn đón giao thừa."

Từ khi căn nhà này xuất hiện bóng hình của chị thì cũng rộn rã hơn hẳn, chị mặc chiếc váy màu nâu nhạt chạy đi chạy lại trong nhà từ chiều cho tới tận tối. Bận rộn cả buổi cuối cùng mọi người cũng được nghỉ tay, ngồi trước màn hình ti vi xem Táo Quân lúc tám giờ tối giống như một truyền thống bất di bất dịch trong gia đình tôi vậy. Mẹ vừa gọt xoài vừa bàn tán rôm rả với chị về tiết mục đêm nay, bố thì chỉ ngồi đó hài lòng ngắm hai mẹ con vui vẻ như thế mà thôi.

Mười hai giờ đêm, khoảnh khắc bước sang năm mới khiến cho tôi bồi hồi, thế là lại một năm nữa qua đi. Thời gian trôi qua quả thực nhanh quá, chẳng đợi chờ ai, cũng chẳng đợi chờ điều gì.

"Bố mẹ này, sau tết con sẽ đi làm. Để đến hè này dẫn bố mẹ đi biển nhá?"

Bố đang uống dở chén rượu cũng phải ngừng lại mà chép miệng: "Nghĩ hơi xa, lo được thân chưa mà đòi đưa hai ông bà già này đi biển."

Chị bĩu môi: "Sao bố không tin con à? Bố mẹ chưa đi biển bao giờ mà, hè năm ngoái con cũng hứa năm nay đưa bố mẹ đi chơi, giờ hứa lại lần nữa cho chắc."

"Đi cả nhà thế nhiều tiền lắm ấy." Mẹ ngồi cạnh cũng góp lời theo.

"Con lo được mà, công việc hiện tại giờ của con tốt lắm. Chỉ cần cố gắng thêm một tháng thực tập nữa mà làm tốt là được nhận rồi. Thừa sức đưa bố mẹ đi chơi ấy."

Chị ngồi dựa đầu vào vai mẹ rồi khẳng định chắc nịch. Chị tôi vốn là một người thông minh, từ nhỏ đã có thành tích học tập rất tốt, điểm thi đại học cũng đứng đầu cả huyện, là niềm tự hào to lớn của cả nhà. Nên chuyện chị xin được một công việc ổn định, có thu nhập cao cũng không phải lạ lẫm gì.

"Con cũng đừng lao lực quá, cứ từ từ thôi."

Chị tôi gật đầu: "Con biết rồi mà, mẹ cứ yên tâm đi. Bố mẹ muốn đi đâu? Sầm Sơn nhá? Hay Hạ Long?"

"Đi chỗ nào rẻ rẻ thôi..."

Cuộc hội thoại đó chẳng biết là kéo dài đến khi nào, chỉ biết họ đã bên nhau cả tối hôm đó để nói về những dự định tương lai mà chẳng rõ lúc nào mới có thể thực hiện được.

...

Nhoáng một cái đã tới tháng ba, chị gái tôi đã trở thành nhân viên chính thức của công ty đó mặc dù còn chưa tốt nghiệp. Mức lương hàng tháng tạm thời cũng chỉ đủ để chị trang trải cuộc sống đắt đỏ trên thành phố mà thôi. Cũng lâu lắm rồi chị bận bịu đến mức chẳng thể về nhà, bố mẹ cũng đã quen hơn với cảnh này nên tâm trạng cũng không quá tệ như lần đầu tiên nữa.

Tôi chẳng biết vì sao mà tần suất nhận điện thoại của chị càng ngày càng ít đi, nhiều khi cả bố cả mẹ gọi đều không được mãi cho đến tận tối chị mới nhắn lại vài ba tin nhắn. Chị gái của tôi trước giờ không phải là người lạnh lùng như vậy, càng không phải một đứa con không biết trước sau để bố mẹ ở nhà phải lo lắng. Nhưng tôi cũng chẳng biết phải hỏi ai, chỉ đành lẳng lặng đợi chị trở về rồi mới rõ, có lẽ vì cuộc sống bận rộn quá, hoặc cũng có thể vì chị đang cố gắng cho lời hứa mùa hè của mình với bố mẹ.

Mãi một tháng sau, vào ngày giỗ của ông nội chị mới chịu xuất hiện, vừa thấy bóng dáng của chị tôi đã không khỏi bàng hoàng. Cả bố và mẹ cũng không chấp nhận nổi mà lao tới chất vấn. Cơ thể chị gầy dộc hẳn đi, hai hốc mắt thì thâm quầng như mất ngủ lâu ngày. Ở chị tôi chẳng còn nhìn thấy được dáng vẻ tươi tắn, yêu đời của ba tháng trước nữa, giống như con người ấy đã biến mất rồi.

"Con làm sao thế này?"

Đôi môi khô khốc của chị mặc dù đã được thoa một lớp son lên nhưng cũng chẳng thể làm cho gương mặt của chị rạng rỡ được nữa. Chị khẽ lên tiếng: "Dạo này con hơi nhiều việc thôi, nghỉ ngơi một chút là được rồi."

"Có thật thế không? Con có đau ốm ở đâu không?" Mẹ lo lắng đến mức tay chân cũng run hết cả lên. Con gái của bà chưa bao giờ lại tiều tụy như thế này, nhìn thấy cơ thể gầy guộc ấy của chị khiến mẹ tôi như phát điên lên vậy.

"Con không sao thật mà, chắc do con đang giảm cân nó vậy đấy." Chị cố gắng kéo lên một nụ cười tươi tắn nhất có thể rồi khoác tay chấn an mẹ mà đi vào trong nhà.

Tôi đứng gần đó, bất chợt lại rùng mình một cái vì ánh mắt của chị dành cho tôi, nó quả thực có chút gì đó rất lạnh lẽo lại thêm phần oán trách, dỗi hờn.

Hết ngày nghỉ, chị lại về thành phố tiếp tục chạy đua với xã hội bộn bề, tôi chỉ mong rằng chị biết chăm sóc cho bản thân mình một chút. Đừng để bố mẹ phải phiền lòng như lần trước nữa. Nhưng chị vẫn vậy, cả tháng chẳng liên lạc được với chị mấy lần, có gọi được thì chị cũng trả lời qua loa cho có rồi ngắt máy luôn.

Tôi nhớ hôm đó là đúng lúc cả nhà đang ăn cơm thì một bác gái làm việc ở bưu điện trên huyện hớn hở gọi cổng: "Mẹ cái Bé ơi, có chuyện này!"

Mẹ tôi còn đang ăn dở bát cơm cùng đành đặt vội xuống rồi bước ra ngoài để mở cổng, trên khuôn mặt còn có chút khó chịu vì bị "đánh trúng miếng ăn".

"Có chuyện gì thế bác? Gì mà giữa trưa nắng gắt lại hớt hải đến nhà tôi thế này?"

"Có chuyện vui nhá, chuyện vui, chuyện vui!"

Bác gái đó cứ cười từ đầu chí cuối, cả gương mặt tươi như hoa vậy. Như thế lại càng khiến cho mẹ tôi phải tò mò hơn, bà rót một cốc nước lọc cho thêm đá mát lạnh rồi đẩy về phía bác mà hỏi: "Chuyện vui gì thế bác?"

"Cái Bé nó gửi tiền về cho bà đấy, chiều nay bà lên bưu điện mà nhận đi."

Mẹ tôi có vẻ bất ngờ, bình thường khi chị gửi tiền về đều sẽ chuyển khoản chứ chẳng bao giờ chuyển qua bưu điện thế này. Bây giờ xã hội tiên tiến rồi, ai đời còn dùng cái phương thức chuyển tiền cũ rích như vậy cơ chứ.

"Nó gửi tiền về cho tôi á?"

"Đúng, đúng. Nghe vẻ con bé ở thành phố làm ăn được đấy nhể?"

Mẹ tôi nhíu mày, không hiểu lắm. Nhưng vẫn niềm nở tiếp chuyện: "Bác cứ nói quá, cháu nó mới đi làm thôi, còn đã lấy bằng đâu. Kiếm được ba cái đồng bạc tiêu vặt ấy mà, bõ bèn gì."

Bác gái chép miệng mà lắc đầu cảm thán: "Ấy, đừng nhá. Sao lại coi thường con bé như thế? Tí nữa hai giờ bà lên trên huyện mà nhận tiền thì biết ngay thôi."

Mẹ tôi cũng chưa hiểu đầu cua tai nheo thế nào nên chỉ ậm ừ cho qua chuyện rồi đợi đến chiều lên bưu điện để nhận tiền. Nhưng đến lúc mẹ về thì thái độ của bà lại không mấy vui vẻ như tôi đã nghĩ. Bà cầm một bì thư tiến vào trong phòng ngủ rồi nói gì đó với bố. Ông cầm lấy số tiền thẳng thớm mà con gái gửi về rồi lại nheo mắt đọc từng nét chữ run rẩy ở trong bức thư, không biết tại sao sau đó lại bật khóc.

Mẹ tôi thấy thế cũng không thể chống đỡ nổi nữa, mà ôm chầm lấy chồng rồi bắt đầu nức nở. Tôi nghe thấy tiếng khóc ai oán đó thì trong lòng cũng thấy khó chịu, chạy đến để xem nội dung bức thư thì mới thấy những dòng chữ nguệch ngoạc, run rẩy ấy.

Tôi xem xong,

cũng muốn bật khóc,

nhưng,

tôi lại không thể...

Mẹ đặt xấp tiền xuống rồi vội vã nhét vài bộ quần áo vào chiếc túi đã sờn vải, cùng bố đi thẳng lên thành phố. Nhưng đường đi ấy lại không phải tới nơi chị sinh sống mà là bệnh viện K. Tôi vừa đặt chân đến cổng bệnh viện thì trái tim đã quặn thắt, tôi chẳng đủ dũng cảm để bước vào nơi này thêm một lần nữa, ở đây đối với tôi chẳng khác gì địa ngục.

Gương mặt phúc hậu của mẹ đã trắng bệch tự bao giờ, bố thì đỡ hơn một chút nhưng đôi chân gầy yếu của ông cứ vô thức run lên theo từng nhịp. Có lẽ tôi có thể hiểu được phần nào cảm xúc của bố mẹ và chị Bé vào ngày hôm đó rồi.

Bác sĩ dẫn bố mẹ tiến vào một căn phòng lớn, bên trong có khoảng mười chiếc giường được xếp ngay ngắn. Ánh mắt mẹ đảo liên hồi cho đến khi nhìn thấy bóng hình ốm yếu nằm thở thoi thóp ở góc phòng. Cơ thể của mẹ như bị ai rút mất sức lực mà khuỵu xuống, nước mắt của bà cứ thế lăn dài trên gò má rồi vỡ tan. Bà còn chẳng đủ can đảm để tiến thêm một bước nào nữa, cứ đứng ở giữa căn phòng như một bức tượng vậy.

"Ơ... Bác..."

Âm thanh trong trẻo ấy thu hút sự chú ý của bố tôi, ông quay lại thì nhìn thấy cô bạn thân từ tấm bé của chị tôi. Chị ấy cũng gầy gò chẳng kém, gương mặt xanh xao lại cộng thêm đôi mắt thâm quầng chẳng còn chút sức sống gì. Thoạt nhìn đã biết chị ấy phải bận rộn đến mức như thế nào.

"Cún đấy à? Cháu... cháu biết rồi sao? Sao không nói tiếng nào với hai bác? Tại sao để đến tận lúc này... Tại sao?..."

Giọng nói của mẹ vang lớn trong phòng bệnh thu hút sự chú ý của mọi người, nhưng chẳng ai khó chịu cả, ở đôi mắt của họ đều xuất hiện sự đồng cảm và cảm thông. Chị Cún trên tay còn cầm theo chậu nước ấm và cái khăn bông nhỏ, chị lúng túng chẳng biết phải trả lời thế nào thì mẹ tôi lại tiếp tục chất vấn.

"Tại sao để đến khi con bé không thể cứu được nữa mới cho bác biết? Sao cháu lại nhẫn tâm như vậy? Cháu có còn là con người hay không?"

Những câu hỏi dồn dập ấy khiến cho chị Cún càng sợ hơn, cuối cùng cả chậu nước trên tay cũng rơi xuống đất, chị ngồi thụp xuống bưng mặt khóc đầy bất lực. Giọng nói của chị vang lên mang theo biết bao nhiêu tâm sự, khiến cho cả những người ngoài cuộc cũng không chịu được mà rưng rưng theo.

"Cháu... xin lỗi. Nhưng mà Bé không cho cháu nói, cũng không chịu chữa trị..."

Lúc này bố tôi mới nén cơn đau lại mà lên tiếng: "Nó bảo cháu làm gì cháu cũng làm à? Bây giờ hai bác biết phải làm sao đây? Cũng chỉ còn mình nó..."

Nói đến đây thì giọng của bố nghẹn lại, hốc mắt của ông cũng đỏ cả lên. Những nếp nhăn hằn trên gương mặt của bố càng khiến cho trái tim tôi đau đớn hơn, nếu có thể thì tôi chỉ muốn ôm lấy ông ấy vào lòng, để những giọt nước mắt đó thấm đẫm trên bờ vai tôi, để chia sẻ nỗi buồn này. Nhưng tất cả chỉ dừng ở chữ "nếu"...

"Bởi vì... bạn ấy nói bệnh này có chữa cũng vô ích... Chỉ nhờ cháu những ngày cuối đời đến chăm sóc và ở cạnh cho bạn ấy không cảm thấy tủi thân..."

Chị Cún gạt nước mắt, nhặt chiếc khăn vào trong chậu nước rồi lẳng lẳng đứng dậy không dám quay đầu lại. Chắc có lẽ bởi vì trong lòng chị cũng cảm thấy rối bời lắm.

Bố mẹ tiến đến góc phòng nơi chị tôi nhắm nghiền mắt nằm đó cùng đống dây chuyền đạm nước lằng nhằng. Mắt tôi thấy bình chuyền đạm sữa trắng đục trước mắt mà khẽ rùng mình, có lẽ chị đã phải chịu nhiều nỗi đau về thể xác lắm. Không ngờ đến một cô gái luôn ưu tú như vậy mà cuối cùng số phận lại chẳng chịu mỉm cười, để bóng dáng ấy lẻ loi đến đáng thương như vậy.

Mùa hè năm ấy, chị để lại một khoản tiền cho bố mẹ cùng một câu xin lỗi vì đã không thể thực hiện được lời hứa sẽ đưa cả nhà đi biển rồi từ giã cõi đời này. Người ra đi có lẽ sẽ không đau lòng bằng người ở lại, bố mẹ cũng đã trân trọng từng giây phút quý báu bên cạnh đứa con gái yếu ớt ấy. Mặc dù bị khối u dày vò nhưng chị vẫn cố gắng mỉm cười để bố mẹ an lòng, nhưng chị lại không biết, chị càng cười thì vết nứt trong trái tim bố mẹ lại càng nhiều.

Đám tang của chị diễn ra vào đúng ngày đầu hè nắng gắt, tôi vẫn còn nhớ ánh nắng xuyên qua mái hiên chiếu thẳng vào di ảnh của chị. Tôi tiến đến gần khẽ vuốt ve nụ cười trên tấm ảnh rồi quay lại trêu trọc chị.

"Chị xem này, đánh son còn bị lem."

Chị khẽ huých tay tôi như lúc còn nhỏ rồi lườm một cái: "Nhưng vẫn xinh đấy thôi."

"Đúng, chị của em là xinh nhất."

Nhưng nụ cười của cả hai chị em tôi vụt tắt khi nhìn thấy nước mắt của những người đến khóc thương, những người ở lại luôn đau buồn như thế. Tôi bất chợt lại tự hỏi lòng mình, thế rồi bố mẹ phải làm sao đây?

Họ sẽ phải vượt qua nỗi đau này ở tuổi xế chiều như thế nào đây?

Thế rồi, mùa hè năm nay, năm sau và những năm sau nữa ai sẽ đưa họ đi biển đây?

Tôi đã chấp nhận cuộc đời mình ngắn ngủi, chỉ mong ông trời có mắt mà an bài cho gia đình tôi có được một cuộc sống hạnh phúc nhất. Vậy mà cuối cùng ông ấy vẫn thương tôi hơn, vì sợ tôi cô đơn lâu quá nên gọi cả người chị gái yêu quý tới chơi cùng.

Chỉ là, tôi thà cứ cô đơn như thế cho đến khi trở thành hư vô còn hơn là phải nhìn thấy cảnh ly biệt thêm như thế này.

Lời hứa mùa hè năm ấy của chị đã không thể thực hiện được nữa rồi...

Ánh mặt trời dần biến mất sau lũy tre làng cũng là lúc mà tôi với chị phải rời xa nơi đây. Mặc dù trong lòng có lưu luyến nhưng cũng chẳng thể ở lại được nữa. Có lẽ đúng là lời hứa ấy của chị chẳng thực hiện được vào kiếp này, vậy tôi sẽ đợi kiếp sau, đợi đến khi nào ánh dương tỏa sáng khắp mặt biển, đợi đến khi tôi lại được làm con của bố mẹ thêm lần nữa thì thôi.

Đến lúc đó, tôi sẽ thực hiện lời hứa mùa hè năm nay của chị.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro