Vấn đề 1: Nguồn gốc, bản chất của ý thức. Ý nghĩa, phương pháp luận.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Ý thức là là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan hay ý thức chỉ chẳng qua chỉ là hình ảnh của thế giới khách quan được di chuyể n vào trong bộ óc người và cải biến đi.

2. Nguồn gốc của ý thức.Về nguồn gốc của ý thức, dựa trên cơ sở những thành tựu của khoa học tự nhiên, nhất là sinh lý học thần kinh, Triết học Mác - Lê nin khẳng định: ý thức ra đời do 2 nguồn gốc: nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội.

a) Nguồn gốc tự nhiên của ý thức có 2 yếu tố:

- Phải có bộ óc người phát triển cao. Bộ óc người là cơ quan vật chất của ý thức còn ý thức là chức năng của bộ óc con người. Ý thức là thuộc tính của vật chất nhưng không phải của mọi dạng vật chất, mà chỉ là thuộc tính của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ óc người.

- Sự tác động của hiện thực khách quan vào bộ óc để bộ óc phản ánh.Thế giới khách quan là đối tượng phản ánh của bộ óc người để hình thành nên ý thức.

Phản ánh là thuộc tính phổ biến của mọi dạng vật chất. Phản ánh là sự tái tạo những đặc điểm của một hệ thống vật chất này ở hệ thống vật chất khác trong quá trình tác động qua lại của chúng. Kết quả của sự phản ánh phụ thuộc vào cả hai vật (vật tác động và vật nhận tác động). Trong quá trình ấy, vật nhận tác động bao giờ cũng mang thông tin của vật tác động. Đây là điều quan trọng để chỉ rõ nguồn gốc tự nhiên của ý thức.

Ý thức là hình thức cao nhất của sự phản ánh thế giới hiện thực. Ý thức chỉ nẩy sinh  ở giai đoạn phát triển cao của thế giới vật chất cùng với sự xuất hiện con người. Ý thức là ý thức con người, nằm trong con người, không thể tách rời con người.

Như  vậy, bộ óc con người và sự tác động của thế giới xung quanh lên bộ óc, đó là nguồn gốc tự nhiên của ý thức.

b) Nguồn gốc xã hội của ý thức cũng có 2 yếu tố đó là: lao động và ngôn ngữ.

- Lao động là hoạt động có mục đích sáng tạo của con người, sử dụng công cụ sản xuất tác động vào các đối tượng của tự nhiên để sản xuất ra của cải vật chất nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển xã hội.

Nhờ có lao động, con người tác động vào thế giới khách quan, bắt chúng bộc lộ những thuộc tính, những kết cấu, những quy luật vận động của mình thành những hiện tượng nhất định và các hiện tượng ấy tác động vào óc người hình thành dần những tri thức về tự nhiên và xã hội.

Nhờ lao động mà các bộ phận của cơ thể, các giác quan, khí quan của con người được hoàn thiện trong quá trình phản ánh thế giới xung quanh.

Lao động góp phần cải tạo chế độ dinh dưỡng, làm cho bộ não và hệ thần kinh phát triển

Như vậy, ý thức được hình thành chủ yếu do hoạt động cải tạo thế giới khách quan của con người làm biến đổi thế giới đó. Nên nguồn gốc cơ bản của ý thức, tư tưởng là sự phản ánh thế giới khách quan vào đầu óc con người trong quá trình lao động.

Nhưng bản thân quá trình lao động ngay từ đầu đã mang tính tập thể, tính xã hội. Vì vậy xuất hiện nhu cầu trao đổi kinh nghiệm lao động và trao đổi tư tưởng tình cảm. Chính nhu cầu đó đòi hỏi xuất hiện ngôn ngữ.

- Ngôn ngữ bao gồm tiếng nói và chữ viết tồn tại dưới dạng các khái niệm, ngôn ngữ do nhu cầu của lao động và nhờ lao động mà hình thành. Ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu vật chất mang nội dung ý thức, là “cái vỏ vật chất của tư duy”. Nếu không có ngôn ngữ thì ý thức không thể tồn tại và thể hiện được. Ngôn ngữ vừa là phương tiện giao tiếp trong xã hội, đồng thời là công cụ của tư duy nhằm khái quát hoá, trừu tượng hoá hiện thực. Nhờ ngôn ngữ mà con người tổng kết được thực tiễn, trao đổi thông tin và tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tóm lại: Nguồn gốc trực tiếp quan trọng nhất quyết định sự ra đời và phát triển của ý thức là lao động và thực tiễn xã hội. ý thức phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc con người thông qua lao động, ngôn ngữ và các quan hệ xã hội.

Bản chất của ý thức:- Các Mác đã chỉ ra rằng ý thức chẳng qua chỉ là vật chất được di chuyển vào trong bộ óc của con người và được cải biến đi ở trong đó. Như vậy bản chất của ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Có nghĩa là nội dung của ý thức là do thế giới khách quan quy định, nhưng khi phản ánh thì nó mang dấu ấn chủ quan của con người.

- Ý thức là sự phản ánh thế giới khách quan vào óc người nhưng đó là phản ánh sáng tạo. Tính sáng tạo của ý thức được thể hiện ra rất phong phú. Trên cơ sở những cái đã có, ý thức có thể tạo ra tri thức mới về sự vật, có thể tưởng tượng ra cái không có trong thực tế. ý thức có thể tiên đoán, dự báo tương lai, có thể tạo ra những huyền thoại, những giả thuyết ...

- Phản ánh của ý thức là tích cực, chủ động: con người trên cơ sở hoạt động thực tiễn, chủ động tác động vào sự vật hiện tượng làm cho chúng bộc lộ tính chất, thuộc tính, đặc điểm  →  hiểu biết vận dụng tri thức để  nhận thức và cải tạo TGKQ.

- Ý thức mang bản chất xã hội

Ý nghĩa phương pháp luận của mối quan hệ giữa vật chất và ý thức.

Khi thừa nhận vật chất tồn tại bên ngoài và độc lập với ý thức, quyết định ý thức thì sự nhận thức thế giới không thể xuất phát từ ý thức con người, mà phải xuất phát từ thế giới khách quan.Trong hoạt động thực tiễn phải tôn trọng và hành động theo các quy luật khách quan.   Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không được lấy ý muốn chủ quan của mình làm chính sách, lấy ý chí áp đặt cho thực tế vì như vậy sẽ mắc phải bệnh chủ quan duy ý chí.Tuy nhiên, chủ nghĩa duy vật đồng thời vạch rõ sự tác động trở lại vô cùng to lớn của ý thức đối với vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Quan hệ giữa vật chất và ý thức là quan hệ hai chiều. Không thấy điều đó sẽ rơi vào quan niệm duy vật tầm thường và bệnh bảo thủ, trì trệ trong nhận thức và hành động.

Nói tới vai trò của ý thức thực chất là nói tới vai trò của con người, vì ý thức tự nó không trực tiếp thay đổi được gì trong hiện thực cả. Do đó, muốn thực hiện tư tưởng phải sử dụng lực lượng thực tiễn. Nghĩa là con người muốn thực hiện quy luật khách quan thì phải nhận thức, vận dụng đúng đắn những quy luật đó, phải có ý chí và phương pháp để tổ chức hành động. Vai trò của ý thức là ở chỗ chỉ đạo hoạt động của con người, có thể quyết định làm cho con người hành động đúng hay sai, thành công hay thất bại trên cơ sở những điều kiện khách quan nhất định. Do đó, con người càng phản ánh đầy đủ, chính xác thế giới khách quan thì càng cải tạo thế giới có hiệu quả. Vì vậy, phải phát huy tính năng động, sáng tạo của ý thức, phát huy vai trò nhân tố con người để tác động, cải tạo thế giới khách quan.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#nghĩa