Đất Nước đề 1: Chất liệu văn học dân gian

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ ông giàu chất suy tư, cảm xúc dồn nén, mang màu sắc chính luận thể hiện tâm tư của người tri thức về đất nước, con người Việt Nam. Nguyễn Khoa Điềm đặc biệt thành công với những tác phẩm về đề tài đất nước. Một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của ông là trường ca "Mặt đường khát vọng" được viết năm 1971 tại chiến khu Trị Thiên giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra khốc liệt. Đoạn trích thuộc chương V của bản trường ca. Nhà thơ đã có 1 cuộc hành trình đi tìm cội nguồn của Đất nước, khám phá, cảm nhận ở góc độ lịch sử, văn hóa.

Để xây dựng hình tượng Đất nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm bắt đầu từ việc tìm về cội nguồn khi trả lời câu hỏi: "Đất nước có tự bao giờ?".

Câu thơ mở đầu như 1 lời khẳng định chắc chắn: "Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi".

Từ khi ta chưa sinh ra đời, Đất nước đã có rồi, từ hàng ngàn năm trước, từ thuở khai thiên lập địa, các vị vua Hùng dựng nước và giữ nước.

Đại từ "ta" chỉ tất cả mọi người - những con người sinh ra trên dải đất hình chữ S, đi kèm với cụm từ "Đất nước đã có rồi" thể hiện niềm tự hào về lịch sử dài lâu của Đất nước, về sự trường tồn bất diệt qua mấy nghìn năm lịch sử.

Tác giả miêu tả vẻ đẹp của Đất nước trong chiều sâu văn hóa, phong tục tập quán. Nguyễn Trãi cũng từng khẳng định trong Bình Ngô đại cáo:

"Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu"

Những cụm từ "Đất nước có trong...", "Đất nước ban đầu..." diễn tả sự ra đời và tồn tại của Đất nước.

Cụm từ "Ngày xửa ngày xưa" là cách mở đầu quen thuộc trong những câu truyện cổ tích, đem đến cho người đọc hình dung về 1 Đất nước có từ lâu đời.

Giọng thơ tha thiết, ngọt ngào, ân tình như lời thủ thỉ dễ đi vào trái tim của mỗi người bằng việc sử dụng những chất liệu văn học dân gian, những câu truyện cổ tích gắn với thế giới huyền thoại đưa ta trở về Đất nước trong giai đoạn ấy, gần gũi với biết bao con người Việt Nam.

Trong kí ức tuổi thơ, ta nhớ về cô Tấm đã đấu tranh để giành lại sự sống, chàng Thạch Sanh dũng cảm chiến đấu với xà tỉnh.

Đất nước đã nuôi lớn tâm hồn ta bằng những đạo lý sống tốt đẹp và chân phương.

Đằng sau mỗi câu truyện cổ tích ấy, nhân dân ta thể hiện ước mơ về 1 xã hội công bằng, ở đó cái thiện chiến thắng cái ác, những con người hiền lành, lương thiện sẽ được hưởng hạnh phúc.

Thế giới cổ tích là nguồn sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách mỗi chúng ta từ khi còn thơ bé để rồi lớn lên ta biết yêu con người, yêu Đất nước. Chính vì thế đã có nhà thơ viết:

"Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng gần"

Lịch sử hình thành Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm không gắn với các triều đại phong kiến trong lịch sử như trong "Bình ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi:

"Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập"

hay là có sự giới hạn về lãnh thổ như của "Nam quốc sơn hà":

"Nam quốc sơn hà Nam đế cur
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư"

Mà Đất nước là hình ảnh, là không gian gần gũi trong những câu truyện dân gian ngàn đời.

Một Đất nước bình dị, gần gũi còn được tác giả phát hiện trong chiều rộng và chiều sâu của những nét đẹp văn hóa, phong tục đặc trưng ngàn đời.

Người Việt xưa thường ăn trầu trong các ngày lễ hiếu, hỉ, người phụ nữ bới tóc sau đầu hay phong tục đặt cho con những cái tên gần gũi thân thương:

"Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn."

Đất Nước hiện lên là hình ảnh to lớn kì vĩ nhưng lại được cảm nhận từ một miếng trầu nhỏ bé bởi miếng trầu có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam.

Hình ảnh "miếng trầu bà ăn" còn gợi ta liên tưởng tới sự tích Trầu Cau - câu chuyện đầy cảm động về tình vợ chồng thủy chung, tình anh em gắn bỏ.

Miếng trầu không chỉ là vật mở đầu cho mỗi câu chuyện xã giao mà còn là sính lễ không thể thiếu trong những đám cưới, đám hỏi trọng đại của đời người.

Nét đẹp văn hóa phong tục mời trầu đó đã được đưa vào thơ ca ngàn đời:

"Miếng trầu là đầu câu truyện"

Hay như

"Trầu này trầu quế, trầu hồi,
Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình.
Trầu này trầu tính, trầu tình,
Trầu nhân trầu ngãi, trầu mình lấy ta."

Nét đẹp ấy khiến cho người phụ nữ xưa thêm đẹp, thêm duyên dáng.

Bên cạnh đó, miếng trầu bây giờ bà ăn mang trong đó là cả hình hài Đất nước, tô đẹp thêm cho văn hóa nước nhà.

Người phụ nữ Việt Nam xưa còn đẹp bởi mái tóc được "bới sau đầu" để tiện lao động, sản xuất.

Hình ảnh búi tóc sau đầu của mẹ gợi nét đẹp giản dị, duyên dáng, thanh lịch, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam.

Bà, mẹ ta đều là những người tiếp nối vẻ đẹp của Đất nước. Ca dao xưa cũng có câu:

"Tóc ngang lưng vừa chừng em búi
Để chỉ dài cho bối rối lòng anh"

Trong búi tóc của mẹ cũng ẩn chứa vẻ đẹp, cốt cách của Đất nước. "Cái kèo, cái cột" là những hình ảnh gần gũi trong thơ ca và trong chính đời sống người Việt.

Từ xưa kia, trong văn hóa đất nước ta, cha mẹ, ông bà thường có thói quen dùng tên những vật dụng thân thiết để đặt tên cho con.

Kèo, cột là biểu tượng cho sự bền vững của mái ấm gia đình bởi vậy "cái kèo cái cột" cũng có thể trở thành tên cho con người.

Qua đó nhằm gửi gắm mong muốn con sẽ dễ nuôi hơn, luôn khỏe mạnh, bình an; cũng như nhắc nhở con hãy yêu mến, trân trọng gia đình, quê hương,
đất nước.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm càng trở nên sâu sắc, độc đáo hơn khi cảm nhận Đất nước từ 1 hình ảnh nhỏ bé nhưng là hiện thân của phong tục đẹp đẽ lâu đời của con người Việt Nam:

"Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc"

Một Đất Nước chỉ thực sự bền vững khi trải qua quá trình dựng nước và giữ nước, trải qua quá trình chiến đấu gian lao, vất vả.

Tác giả nói đến sự trưởng thành và phát triển của Đất Nước trải dài suốt 4000 năm qua nghệ thuật ẩn dụ "lớn lên".

Hai chữ "dân mình" diễn tả tình cảm gắn bó thiết tha, trìu mến của nhà thơ với nhân dân, ông tự coi mình là 1 thành viên trong đại gia đình đất nước.

Trong đời sống sinh hoạt thường ngày, tre là đồ vật gần gũi với con người nơi làng quê thanh bình.

Khi có chiến tranh, cây tre ấy lại là biểu tượng cho tinh thần kiên cường bất khuất của dân tộc ta.

Vì thế tre được ca ngợi là: tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre giữ làng giữ nước giữ mái nhà tranh...

Hơn thế nữa, bằng việc sử dụng đậm đà chất liệu văn học dân gian, hình ảnh trồng tre đánh giặc còn gợi ta nhớ về truyền thuyết Thánh Gióng.

Đây là bài ca với âm vang hào hùng của người Việt cổ về truyền thống đánh giặc cứu nước có từ thuở xa xưa.

Hay sau này là những người nghĩa sĩ Cần Giuộc ra sa trường với "manh áo vải và ngọn tầm vông".

Vậy mà họ đã hết mình chiến đấu để rồi người nghĩa sĩ đã "chém rớt đầu quan Hai Nọ", Thánh Gióng đã đánh đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi nước ta.

Đất nước ta đã sống đúng với lời dạy của Bác: "Dân ta có 1 lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta".

Điệp từ "Đất nước" được lặp lại nhiều lần liên tiếp trong mỗi dòng thơ, kết hợp với lối viết hoa cả 2 chữ và những cụm từ "đã có rồi", "có trong", "bắt đầu", "lớn lên", "có từ ngày đó" thể hiện những cảm nhận mới mẻ, đặc sắc của nhà thơ, niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc của tác giả.

Không những yêu nước, dân tộc ta còn mang nhiều phẩm chất tốt đẹp: đó là thuỷ chung, nghĩa tình. NKĐ nhắc tới tình nghĩa mẹ cha:

"Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn"

Gừng và muối là những gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, là vị thuốc được con người sử dụng để chữa bệnh.

Theo thời gian, gừng và muối vẫn giữ nguyên hương vị, không bị phai nhạt.

Cũng giống như muối và gừng, nghĩa tình của mẹ cha thật đậm sâu, son sắt, thủy chung.

Trong gian khổ, nhọc nhằn, cha mẹ vẫn cùng nhau vượt qua bằng tình yêu thương mặn nồng.

Hình ảnh "gừng cay muối mặn" gợi ta nhớ tới bài ca dao:

"Muối ba năm muối đương còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa"

Hay:

"Tay bưng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau"

Đất nước còn gắn với truyền thống lao động cần cù của nhân dân:

"Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất nước có từ ngày đó..."

Thành ngữ "một nắng hai sương" được tác giả vận dụng để diễn đạt những vất vả, lam lũ của người nông dân trong hành trình làm ra hạt thóc, hạt gạo.

Cùng với đó là phép liệt kê "xay, giã, giần, sàng" đã cho ta thấy họ phải đổ biết bao mồ hôi, công sức trên những cánh đồng từ khi hạt thóc nảy mầm đến khi những bông lúa trĩu hạt, đem tới mùa màng bội thu.

Câu thơ đã diễn tả một cách sinh động sự khó khăn, vất vả của người dân khi làm ra những hạt cơm ngọt bùi.

Nỗi vất vả ấy cũng đã nhiều lần đi vào thơ ca:

" Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy"

Đất nước đã hóa thân vào dáng hình của nhân dân, góp phần giữ gìn truyền thống lao động cần cù, chịu thương, chịu khó của người Việt Nam.

Sau những suy ngẫm về cội nguồn Đất nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại 1 lần nữa khẳng định "Đất nước có từ ngày đó...".

"Ngày đó" là ngày nào ta cũng không rõ nhưng có thể chắc chắn đó là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có nền văn hóa.

Mà có văn hóa nghĩa là có Đất nước.

Nhà thơ sử dụng dấu chấm lửng để diễn tả sự nối dài những truyền thống, văn hiến, những phong tục tập quán, sự trường tồn vĩnh cửu của Đất nước, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Vậy là, Đất Nước là tất cả những gì bình dị nhất, thân thuộc nhất.

Đó là những truyền thống đạo lí tốt đẹp, những phong tục tập quán lâu đời, những bài học, kinh nghiệm đắt giá.

Và Đất nước đã in sâu trong tâm trí, tư tưởng của mỗi con người Việt Nam.

Văn học dân gian là 1 trong 3 giai đoạn phát triển của nền văn học Việt Nam, bao gồm nhiều thể loại: Thần thoại, sử thi, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, ca dao, thành ngữ... Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng chất liệu văn học dân gian trong trường ca "Mặt đường khát vọng" nói chung và đoạn thơ trên nói riêng rất đậm đặc, đa dạng. Qua đó, nhà thơ đã cảm nhận, khám phá hình tượng Đất nước thật mới mẻ mà gần gũi. Đất nước không còn là khái niệm mơ hồ, trừu tượng mà nó rất quen thuộc với mỗi con người.

Bằng giọng thơ trữ tình sâu lắng dễ chạm vào trái tim con người, tác giả đã sử dụng sáng tạo những hình ảnh linh hoạt cùng các chất liệu văn học dân gian: truyền thuyết, cổ tích, thành ngữ, ca dao,... NKĐ đã cảm nhận, khám phá hình tượng Đất nước thật mới mẻ mà gần gũi: Đất nước là sự thống nhất của nhiều phương diện lịch sử, văn hóa, Đất nước gắn với những truyền thống văn học dân gian, Đất nước thiêng liêng mà gần gũi và Đất nước vừa thuộc về đời thường, vừa thuộc về vĩnh hằng. Đất nước không còn là khái niệm mơ hồ, trừu tượng mà nó rất quen thuộc với mỗi con người.

KB

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#học