Sông Đà đề 2: Hung bạo, cái nhìn mang tính phát hiện

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


(Vách đá bờ sông) Một trong những hình ảnh đầu tiên gợi lên sự hùng vĩ của sông Đà chính là cảnh "đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời".

Phải chăng, vách đá đã cao đến độ sừng sững "chạm trời" khiến cho những tia nắng không thể chiếu xiên ngang mà chỉ có thể hắt từng tia sáng hiếm hoi xuống lòng sông vào lúc chính ngọ.

Nghệ thuật ẩn dụ trong hình ảnh "vách thành" đã phần nào thể hiện sự vững trãi, thâm nghiêm như những thành quách cổ xưa và những sức mạnh bí ẩn đầy đe dọa của sông Đà với vách đá như thành cao, vực thẳm như hào sâu..

Tác giả đã sử dụng những chi tiết tưởng như bâng quơ, ngẫu nhiên nhưng lại có giá trị gợi tả gián tiếp độ cao của vách đá, độ hẹp của lòng sông, tạo sự bí ẩn cho khúc sông như chi tiết: "mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời", hay như "đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá sang bên kia vách. Có quãng con nai, con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia"...

Độ hẹp của lòng sông Đà khi bị những vách đá lớn chèn ép tới ngẹt thở còn được tái hiện 1 cách tài hoa khi nhà văn sử dụng động từ "chẹt" trong 1 hình ảnh so sánh rất ấn tượng về cái yết hầu: "Có vách đá thành chẹt lòng sông Đà như 1 cái yết hầu".

Đặc biệt, nghệ thuật miêu tả sự vật thông qua cảm giác rất quen thuộc của Nguyễn Tuân đã được thể hiện độc đáo khi nhà văn tạo ra ấn tượng tương phản của xúc giác.

Với chi tiết "ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh" tạo ra ấn tượng đặc biệt cho thị giác khi lấy hè phố tả mặt sông, lấy nhà cao gợi vách đá, truyền cho người đọc những hình dung về cái tăm tối, lạnh lẽo đột ngột khi con thuyền trôi từ ngoài vào khúc sông có đá dựng vách thành.

Nhà văn đã dùng 1 hình ảnh so sánh thật độc đáo khi ông tưởng tượng ra cảnh ngồi trên khoang đò rồi ngóng vọng lên cao như đang ngước lên 1 khung cửa nào của tầng nhà thứ mấy bỗng tắt phụt đèn điện.

Biện pháp tu từ so sánh kết hợp với cấu trúc trùng điệp của kiểu ngôn từ không xác định như "nào", "mấy",... đã làm tăng thêm cảm giác về độ cao hun hút, thăm thẳm của vách đá qua cái nhìn chới với, rợn ngợp của người quan sát.

(Mặt ghềnh Hát Lóong) Sự hung bạo của sông Đà tiếp tục được đẩy cao hơn trong đoạn văn khi miêu tả cảnh mặt ghềnh Hát Lóong.

Câu văn dài với nhịp ngắt ngắn, nhanh, dồn dập, sự xuất hiện dày đặc các thanh trắc, những hình ảnh điệp nối tiếp luân chuyển, thế chỗ nhau trong cụm từ ngữ "hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió..." đã tái hiện sinh động quần thể những sức mạnh thiên nhiên dữ dội nhất của nước, sóng, gió và đá sông Đà.

Gợi liên tưởng như đội quân lính thủy đang bắt tay nhau tạo ra 1 trận địa uy hiếp con người.

Động từ "" điệp lại trong cả 3 vế câu được ngăn cách bởi dấu phẩy liên tiếp tạo nên sự trùng điệp, gây ấn tượng về những chuyển động vĩnh hằng và sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên, ghềnh thác; gợi lên những cơn cuồng phong thịnh nộ của con sông hung bạo.

Nhịp điệu câu văn khẩn trương, dồn dập, gấp gáp như sự chuyển động của gió to, sóng lớn.

Kết cấu ngôn ngữ đặc sắc như mô phỏng hình ảnh những con sóng dữ cuồn cuộn chồm lên nhau theo chiều ngang, vút lên cao theo chiều dọc rồi đổ ập xuống, trùng điệp ghê rợn trên mặt ghềnh.

Từ láy "gùn ghè" và hình ảnh so sánh, nhân hóa về việc sóng gió trên mặt ghềnh Hát Lóong lúc nào cũng như "đòi nợ xuýt", sẵn sàng nuốt trọn bất cứ người lái đò sông Đà qua đây đã thể hiện sinh động sự hung hãn, lì lợm và cuồng bạo của con sông ngày đêm hăm dọa, uy hiếp con người.

(Xoáy nước, hút nước) Đem lại những ấn tượng mạnh mẽ hơn nữa cho sự hung bạo của sông Đà là hình ảnh những cái hút nước quãng Tà Mường Vát: "Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn".

Nhà văn sử dụng một loạt những hình ảnh so sánh sống động, đặc sắc khiến hút nước hiện ra trong hình ảnh giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu, hoặc trong hình ảnh và âm thanh khi tưởng tượng ra mặt nước đang bị "rót dầu sôi" gợi lên sự bí ẩn, sức mạnh hung bạo của những cái hút nước, ẩn chứa những hiểm nguy rình rập con thuyền.

Vì nước bị hút quá mạnh nên phát ra những âm thanh được so sánh và nhân hóa "Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc".

Và có lẽ do nước bên trong và bên ngoài cống chệnh lệch nhau quá nhiều khiến nó phát ra tiếng ọc ọc ghê người.

Những âm thanh dữ dội của cái xoáy nước khiến chúng hiện lên như những con thủy quái đương giận dữ đến ghê người.

Từ láy tượng hình "lừ lừ" và từ láy tượng thanh "ặc ặc" gợi ra tính cách lạnh lùng, nham hiểm của sông Đà.

Chính bởi sự lạnh lùng, hung hãn đó của những cái hút nước cho nên khi chèo thuyền men qua những khu vực nước sông Đà cần phải "lướt chèo nhanh" như ôtô sang số ấn ga cho nhanh để vượt qua "quãng đường mượn cạp ngoài bờ vực".

Hình ảnh liên tưởng đó đã giúp người đọc dễ dàng hình dung ra cảm giác hãi hùng nếu phải di chuyển men gần hút nước đáng sợ.

Ngồi trên con thuyền qua quãng ấy, Nguyễn Tuân đã được chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng gây ấn tượng sâu đậm về sức mạnh khủng khiếp của hút nước sông Đà: "Những bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tụt xuống. Có những chiếc thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới".

Như 1 nhà quay phim tài ba, Nguyễn Tuân đã chĩa ống kính vào con thuyền để ghi lại những thước phim chân thực, sắc nét.

Đó là cảnh con thuyền bị hút xuống, trồng cây chuối ngược rồi biến mất, bị dìm và ngầm đi dưới lòng sông độ mươi phút rồi tan xác ở khuỷnh sông dưới.

Câu văn sử dụng phép liệt kê gợi ra sức phá hủy của những cái hút nước với con thuyền.

Tính cách hung bạo của sông Đà đã được bộc lộ rõ ở quãng sông này.

Không dừng lại trong hình dung, tưởng tượng về những cái bè hay một con thuyền bất hạnh bị làm mồi cho cái hút nước, nhà văn còn tạo ra 1 giả tưởng ly kì, dẫn dụ người đọc vào trò chơi cảm giác mạnh, kéo họ xuống tận đáy hút nước xoáy tít, sâu hoắm cùng anh bạn quay phim táo tợn.

Hút nước vì thế đã được miêu tả bằng thủ pháp điện ảnh, hất ngược từ dưới lên 1 cách sống động, truyền cảm từ hình khối của 1 thành giếng "xây toàn bằng nước" cho đến màu sắc của dòng sông "nước xanh ve" như sắp vỡ tan ụp vào cả máy quay, người quay và cả người xem.

Thậm chí cho đến cả cảm giác sợ hãi của con người khi phải đứng trong "lòng của 1 khối pha lê xanh" như sắp vỡ tan và lúc nào cũng có thể đổ ụp vào người cũng được ghi lại đầy chân thực.

Tác giả nhìn con sông không phải là 1 dòng sông vô tri, vô giác mà là con sông có linh hồn, diện mạo, cá tính như con người: trữ tình, thơ mộng. Ông khám phá vẻ đẹp của sông Đà dưới góc nhìn văn hóa, lịch sử, địa lý, quân sự, điện ảnh... để từ đó con sông hiện lên chân thực, cụ thể, sinh động. Hình tượng sông Đà hung bạo đã thể hiện đậm nét phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân và là bậc thầy của sử dụng ngôn ngữ. Thông qua sự quan sát tinh tế, cách diễn tả tài hoa, những tri thức uyên bác, nhà văn của những cảm giác mạnh; những cảnh trí dữ dội phi thường đã làm hiện lên hình ảnh dòng sông Đà hung bạo, hiểm ác không chỉ như 1 con thủy quái, kẻ thù số 1 của con người mà còn trở thành 1 công trình nghệ thuật kì vĩ, tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho con người, khơi gợi cảm giác hãi hùng đầy ngưỡng mộ, mê đắm trong lòng người đọc.

Chỉ qua 1 giọt nước biển mà có thể thấy cả đại dương. Chỉ qua một nét tính cách hung bạo của sông Đà, nhưng chừng ấy cũng đã đủ để ta quý trọng một tài năng văn chương lớn, một tấm lòng, một phong cách nghệ thuật độc đáo và một con người suốt cuộc đời đi tìm cái đẹp trong cuộc sống để sáng tạo nên những áng văn chương đẹp, làm phong phú, giàu có thêm đời sống tinh thần của tất cả độc giả chúng ta.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#học