chương bốn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đêm hôm ấy, khi vừa đặt lưng xuống giường, tôi nhận được tin nhắn từ anh họ tôi.

"Thế nào, hôm nay đi chơi có vui không?"

Tôi định nói dối, tại vì tôi vẫn luôn khoác lên bản thân vỏ bọc học sinh gương mẫu, ngay cả những người thân thiết nhất của tôi cũng không biết được mặt cá tính của tôi, nhưng dư vị của buổi chiều ngày hôm nay dường như thảng hoặc trên đầu lưỡi tôi, tôi có thể nếm ra được vị ngọt ngào dịu nhẹ tan dần nơi cuống họng khát khô vì phải nói quá nhiều.

"Cũng được." Khóe môi tôi đã giương lên từ lúc nào, đến chính tôi cũng chẳng biết nữa, phải đến khi nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của gương mặt trên màn hình tối đen, tôi mới giật mình sực tỉnh.

Tôi cũng chẳng suy nghĩ được rằng chuyện gì đang xảy ra với bản thân nữa, trái tim của tôi cứ đập rộn ràng trong lồng ngực không ngừng nghỉ, mặc dù tôi đã cố gắng trấn an bản thân bằng cách hít thở sâu.

Ngước mắt nhìn lên trần nhà tĩnh lặng, tôi lại nhớ đến Khánh Dư ngày nhỏ, những mảnh ký ức soi chiếu dáng hình thanh âm của thằng nhỏ bằng một phép màu diệu kỳ nào đó vẫn luôn rực sáng trong trí nhớ của tôi, mặc dù tôi vẫn luôn nhắc nhở chính mình rằng đã rất nhiều năm trôi qua trước mắt chúng tôi rồi.

Tôi vốn ít khi mở rèm cửa khi ngủ, bởi vì tôi sợ rằng lỡ như bản thân tỉnh giấc giữa đêm thì sẽ có thứ gì đó quỷ quyệt ở bên ngoài đang đứng chăm chú nhìn tôi, từ bé đến giờ vẫn luôn như thế. Con người thực sự rất kỳ lạ, những kỷ niệm đẹp đẽ chưa từng ở lại trong tâm trí ai đó quá lâu, nhưng những tổn thương tâm lý những nỗi đau thương mất mát lại chày cối ở trong tim người ta có khi đến tận giây phút cuối đời.

Ngày trước hôm tôi chia tay Khánh Dư theo chân bố mẹ chuyển công tác lên thành phố là một ngày mưa bão. Đất phía dưới đồi đỏ quánh, nhão nhoẹt như mỡ lợn để lâu ngày đông lại. Thằng nhỏ cúi gằm mặt trước mặt tôi, tóc tơ phất phơ trong gió.

"Chúng mình sẽ gặp lại nhau đúng không chị?"

Khánh Dư ngước mắt lên nhìn tôi, mắt thằng nhỏ đỏ hoe, vương nhiều tơ máu. Tôi chưa từng thấy nó rơi nước mắt bao giờ, nhưng ngày hôm ấy, Khánh Dư lại nhìn tôi bằng ánh mắt đau buồn nhất, chính ánh mắt ấy vẫn luôn ám ảnh tôi trong những giấc mơ miên man. Bàn tay tôi chạm vào mái đầu thằng nhỏ, ánh mắt chạm vào phía dưới rãnh thoát nước. Những chùm hoa nhãn trắng muốt thơm ngai ngái cứ mải miết trôi không biết đâu là điểm dừng. Tôi vẫn luôn giải đáp những thắc mắc vu vơ của Khánh Dư, nhưng lần này tôi chẳng thể đưa cho đối phương một câu trả lời thỏa đáng.

"Chị cũng không biết nữa." Trong tâm trí tôi bắt đầu những có dự cảm không lành, rằng thằng nhỏ sẽ mãi ở trong khoảnh khắc thơ ngây này, đến mãi sau này tôi cũng chẳng thể gặp lại được nó, người đã gieo vào tâm hồn tôi cả bầu trời thương nhớ day dứt.

Khánh Dư ơi, ngày chúng ta còn bé, sao trên trời chắc nhiều hơn bây giờ nhỉ? Sao sẽ rơi vào ánh mắt trong veo của em thơ, lấp lánh như dòng người rước đèn kéo quân lướt trên mặt sông vào đêm rằm trung thu.

Chẳng hiểu sao tôi lại muốn hỏi thằng nhỏ câu này, nhưng tôi biết rõ, nó đã khác xưa rất nhiều, không còn là cậu bé ngày xưa sẵn sàng đắm mình vào cơn mưa mùa hạ cùng tôi nữa. Khánh Dư đã lớn, đã lạnh lùng và thu mình lại hơn trước kia rất nhiều.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, từ hôm đó đến hiện tại đã hai tuần rồi tôi không liên lạc gì cùng thằng nhỏ nữa, bởi vì tôi quá bận bịu, có quá nhiều chuyện ập đến trong chớp mắt, và tôi chẳng kịp xoay sở điều gì cho ra hồn. Thời gian cứ cuốn lấy tôi, rồi nhấn chìm trong những vô định.

Không mục tiêu.

Cũng không rõ bản thân nên tiếp tục làm gì.

Khủng hoảng tuổi đôi mươi đến với tôi thật sớm, nhưng tôi không hoảng loạn hay ầm ĩ, tâm hồn tôi chỉ âm ỉ phát ra những tín hiệu, những bước sóng thật nhỏ, thật thầm lặng. Tôi biết rằng những thanh âm câm lặng ấy sẽ chẳng đi đến đâu, tôi cũng sẽ chẳng chạm được đến trái tim của ai đó có thể quét được tần số cô đơn mà tôi phát ra.

"Cậu có muốn tham gia văn nghệ không?" Trùng hợp vào thời gian đó, trường tôi chuẩn bị tổ chức kỷ niệm thành lập trường, như thường lệ, lớp trưởng Nhật Hạ sẽ quay xuống hỏi tôi một câu và cũng như bao lần khác, tôi ngay lập tức từ chối. Tôi biết đối phương chỉ hỏi mình cho có lệ, nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần cậu hỏi tôi câu hỏi đó, những nỗi đau mà tôi chôn vùi sâu trong bóng tối lại thêm một lần nữa được đào bới lên, không sót một chi tiết nào. Thực ra trong thâm tâm tôi vẫn còn đâu đó một mong ước có thể thử trải nghiệm cái cảm giác đứng trên sân khấu tỏa sáng một lần, nhưng rồi lại cảm giác tự ti lại xâm chiếm tâm trí nên đành thôi, ngậm ngùi khước từ thứ hào quang lấp lánh đến mức chói mắt ấy đã thành thói quen.

Tôi biết mình chỉ cần lên tiếng, lớp trưởng chắc chắn sẽ đồng ý, nhưng sao lại khó nói nên lời đến nhường ấy.

Tôi từng bị bắt nạt bởi một đứa con trai, bị hạ thấp danh dự, tẩy chay, thậm chí là bạo lực học đường. Lý do từ chính miệng kẻ nói ra đó là vì tôi quá xấu xí.

Nhưng mà xấu xí có phải một tội ác đâu? Xấu cũng là sai à?

Trong suy nghĩ của tôi biết là bản thân không xấu xí đến mức ấy, mà nếu có thì tôi vẫn luôn cố gắng sống lương thiện nhất có thể, nhưng không phải tự dưng mà người ta có câu "Người tàn ác thường sống thảnh thơi".

Kẻ bắt nạt tôi là con trai giáo viên, lại còn là con trai nối dõi của dòng họ, được người lớn hết mực cưng chiều, từ trước đến giờ nó vẫn sống rất tốt, nghe nói học hết cấp ba là có thể sẽ đi du học; sau tất cả mọi chuyện, chỉ còn mình tôi ôm khư khư cho riêng mình những mặc cảm và ký ức không mấy vui vẻ kia, tựa như ôm một bụi gai, càng nhớ đến tâm hồn càng rỉ máu.

Cho dù bây giờ ngoại hình của tôi đã thay đổi rất nhiều so với trước kia, cho dù có biết lời an ủi rằng tôi rất xinh đẹp, tôi cũng chẳng thể tin được.

Những đứa trẻ ngày xưa lớn lên chẳng thật dễ dàng, tôi thở hắt ra một hơi. Gạt đi hơi nước ấm tụ lại nơi khóe mắt chẳng biết từ lúc nào, trái tim tôi bồi hồi, cả Khánh Dư, Thời Trí và con bé Dương mà tôi xem như em gái trong gia đình cũng thế, chúng nó cũng phải trải qua nhiều chuyện còn buồn hơn.

Vài ngày trước, tôi nhận được tin nhắn từ Thời Trí, thằng nhỏ báo với tôi rằng Dương đã mất. Em đã uống thuốc trừ sâu tự tử.

Tôi không biết điều gì đã khiến đối phương quyết định ra nhanh chóng như thế, em mất năm mười sáu tuổi, tuổi mà ngay cả những vấp ngã cũng chẳng thể dập tắt được ước vọng của tôi, nhưng em lại từ bỏ cả quãng đời đáng lẽ còn dài đằng đẵng phía trước của bản thân, tan biến như bọt biển.

Tôi có hỏi qua vài người quen hiện tại của em nguyên nhân, người thì cho rằng gia đình em tạo áp lực lên con cái, kẻ thì nói rằng đó bị người lớn cấm yêu đương quá mức, nhưng ai cũng thương tiếc cho em, em vẫn luôn xinh đẹp hoạt bát từ xưa nay, học giỏi ngoan ngoãn.

Làm thế nào để biết một người không ổn? Trong khi ta vẫn luôn thấy họ rực rỡ như một đóa hoa hướng dương vậy. Người ấy đã phải trải qua những gì? Những suy nghĩ muốn từ bỏ cuộc đời đâu phải chỉ trào dâng rồi choán hết tâm trí ai đó chỉ vì một giây phút bốc đồng trong thoáng chốc, mà tựa như hàng tỷ giọt mưa phùn lạch cắt da cắt thịt mùa đông, khiến tâm hồn người ta dần dần mục ruỗng như lá cây ngấm nước trong âm thầm.

Trẻ con không thể chết, tôi vẫn luôn nghĩ như thế, và một ngày nào đó nơi tương lai chúng tôi sẽ gặp lại nhau, chắc chắn là như thế.

Tang lễ của em được tổ chức vào một ngày nắng rực rỡ, như chính cái tên Ánh Dương của em.

Tôi gặp lại Thời Trí.

Khi thấy tôi cũng đến viếng thăm, Thời Trí cười khổ. Viền mắt thằng nhỏ có quầng thâm vì thiếu ngủ.

"Em đã hẹn cậu ấy hôm nào đó cùng sang trường chị chơi, cậu ấy đã đồng ý rồi mà."

Nó nói với tôi với giọng gần như sắp sửa bật khóc, rồi bất ngờ gục đầu vào vai tôi, cứ đứng lặng như thể đang mặc niệm một lúc lâu. Ngày trước tôi rất tin những lời hứa này, bản thân tôi vẫn luôn là người giữ lời hứa, nhưng bây giờ thì không còn nữa, tất cả đều như bong bóng mỏng manh rồi sẽ vỡ tung trên khoảng không rộng lớn trên đầu chúng tôi kia.

Thời Trí im lặng ngồi bên cạnh tôi.

"Em nhớ ngày đó chúng mình từng rất vui vẻ.", rồi thằng nhỏ bắt đầu kể.

Như bao bọn trẻ con khác, chúng tôi từng chơi đồ hàng rất nhiều. Nhà Thời Trí giàu nhất xóm, bố mẹ thằng nhỏ còn làm kinh doanh hàng hóa, thế nên chúng tôi xin được rất nhiều đồ để chơi, ví dụ như mấy đồ gia dụng đã hỏng rồi chẳng hạn. Chúng tôi sắp xếp mấy thứ đó trên hàng lan can rào quanh sân, chẳng khác gì một gian bếp thực sự.

Vào những hôm tôi cao hứng, tôi sẽ rủ chúng nó chơi thả đỉa ba ba hoặc trốn tìm. Thú thực, tôi không giỏi mấy trò cần phải vận động lắm, bảo giờ tôi cũng thường làm đến tận trò chơi của chúng tôi kết thúc thì mới thôi, nhưng tôi chưa từng một lần uất ức, bởi vì tôi vẫn luôn chờ rằng mình là chị lớn phải nhường nhịn chúng nó từng li từng tí, dù không phải lúc nào tôi cũng như thế. Nếu đổi lại là con bé Dương, Thời Trí hoặc thậm chí là cả Khánh Dư, có lẽ chúng nó sẽ giận dỗi rồi bỏ về nhà giữa chừng ngay lập tức.

Tôi thuộc lòng tất cả những ký ức có mặt Khánh Dư, còn những điều về Thời Trí lại không nhớ rõ, cứ như một mảng hồ trong đêm nhiều mây, chìm sâu trong quên lãng; khoảnh khắc này, tôi mới bất giác nhận ra, thứ tôi nuối tiếc không phải là kỷ niệm đẹp đẽ thời ấu thơ, mà chỉ là Khánh Dư, đổi lại, người nặng lòng với quá khứ chỉ có thằng nhỏ đang ngồi bên cạnh.

Thời Trí đang ở bên cạnh tôi, tự dưng tôi thấy cõi lòng mình ấm áp. Thằng nhỏ vẫn muốn chơi cùng tôi, vẫn còn một vài điều chưa từng thay đổi ở nó.

Trở về nhà, tôi cũng dần quên khuấy đi mất chuyện làm video, và cũng quên luôn cả Khánh Dư. Tôi lao đầu vào học hành như một con thiêu thân, quên cả thời gian đang từng chút chảy qua, lúc nào cũng cắm mặt vào sách vở. Tôi thường hành động tùy hứng như thế, sẽ có một khoảng tôi sẽ chú tâm vào một việc nào đó, cho đến khi ngọn lửa nhiệt huyết trong tôi cạn kiệt, rồi lại mệt nhoài chẳng muốn làm gì.

Bất chợt một ngày nọ, tôi lướt được một video phỏng vấn khá buồn, trong video là một em bé nhỏ tuổi, hai má còn phúng phính vương nét thơ ngây, nhưng ánh mắt em thật buồn. Em sáng sủa, còn bé nhưng nét nào ra nét ấy, nhưng em lại không tự tin. Từ bên ngoài màn hình tôi cũng cảm nhận được một mảng sương mặc cảm bủa vây quanh em. Người phỏng vấn đưa micro trước mắt em:

"Ở nhà con thân ai hơn, bố hay mẹ?"

"Con không thân với ai cả, bố mẹ con không thường xuyên ở nhà." Em tỏ vẻ ráo hoảnh. "Ước gì bố mẹ có thể gọi tên con thật dịu dàng..."

Trẻ con hiểu chuyện sớm có thể nói ra những câu từ sâu sắc khiến lòng người lớn tan chảy.

Từ rất lâu rồi, tôi vẫn luôn thích chó hơn thích mèo, như Lưu Ly ngày xưa chẳng hạn, đến những năm cuối đời của nó, tức là năm tôi học lớp bốn, nó bị mắc bệnh nặng, đôi mắt tinh ranh từng khiến lũ chuột trộm cắp sợ hãi mờ dần đi, chỉ còn màu trắng đục vô hồn. Chân nó dần đi không vững nữa, những mỗi lần nghe thấy tiếng tôi mở khóa cửa, nó vẫn cố gắng lê từng bước chân khập khiễng ra ôm chầm lấy chân tôi, như ngày tôi còn bé. Còn mèo, lúc tôi chuyển nhà, tôi đã tặng lại con mèo nhà mình cho Khánh Dư, tôi muốn mèo ngày ngày liếm láp những vết thương bầm tím trên bắp chân, đằng sau lưng thằng nhỏ và cả trong sâu thẳm trái tim non nớt của nó nữa.

Lý do tôi không thích mèo lắm, là vì chúng không đòi hỏi được cưng chiều như chó, chúng không hề săn đón tình cảm từ con người, chúng sẽ phát ra một tín hiệu mời gọi: "đừng có đụng đến tao" với chữ "tao" kéo dài gợi đòn, hệt như trẻ con vậy, tôi rất thích trêu chúng nó đến mức chúng nó phải ngúng nguẩy gào mồm đòi tôi dừng lại thì tôi mới tha, và bằng một cách nào đó, tôi thấy tâm trạng của bản thân tốt lên. Tất nhiên đó là chuyện có thuở bé thơ. Còn giây phút này, mỗi lần tôi nhìn thấy đám trẻ con cấp một, bạn bè của em trai tôi, trong lòng tôi sẽ gợn lên một đợt sóng tiếc nuối.

Khánh Dư trong mắt tôi vẫn luôn là một con mèo lạc ướt sũng nước mưa, không phải vì hồi đó tôi luôn trêu thằng nhỏ là tôi ghét nó nhất trong đám trẻ con trong xóm, mà bởi vì thằng nhỏ hoàn toàn có thể là một con mèo nhỏ được cưng nựng trong tổ ấm, nhưng những bão giông cuộc đời đã khiến nó trở nên thiếu thốn tình yêu thương hơn bao giờ hết, đến mức nó chẳng còn trông mong được vào ai, như những chú mèo hoang bị bỏ rơi dần căm ghét sự tồn tại của con người xung quanh chúng, tách biệt khỏi những thứ mà chúng đã từng quen thân.

Khánh Dư bảo không muốn ai nhớ đến bản thân, nhưng vào lúc tôi định từ bỏ, thằng nhỏ lại gửi cho tôi một tin nhắn.

Tin nhắn của thằng nhỏ chỉ có vỏn vẹn một câu hỏi ngắn ngủi, nằm im lìm trong phần tin nhắn chờ.

"Em có thể mời chị tham gia một buổi chơi game nữa được không?"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro