chương hai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trái ngược với nhà tôi, nhà Khánh Dư chẳng nuôi con gì cả. Thằng nhỏ sống một mình, cùng mẹ, và cả bố nữa; ý tôi là nó sống cùng bố mẹ, nhưng mẹ nó hiếm khi ở nhà, bố nó là lái xe container chở hàng, thậm chí còn xuất hiện ít hơn. Hầu như hôm nào nó cũng nheo nhóc vì đói. Mẹ tôi thường hay đón Khánh Dư về nhà ăn cơm, nhưng chỉ được vài tháng. Vì thế nên thằng nhỏ thường ăn cơm hàng cháo chợ rất không điều độ, mãi sau này đến giữa những năm cấp một, nó mới bắt đầu có thể chăm sóc mình một cách tử tế hơn.

Dù thế, nhưng sau mỗi cuộc chơi, Khánh Dư vẫn có thể xin phép "Em về nhà ăn cơm.", một cách rất mượt, như thể lưỡi nó có dầu nhớt bôi trơn ấy. Mặc dù đã lên lớp hai tiểu học nhưng mẹ vẫn để tôi chơi bời thoải mái, có hôm ăn cơm xong tôi chỉ học bài vỏn vẹn ba mươi phút rồi cắp mông đi chơi luôn được. Trong khi đám trẻ đến tuổi đi học trong xóm vẫn miệt mài bên sách vở thì tôi đã tung tăng chạy nhảy ngoài sân cùng Khánh Dư rồi. Chúng tôi thường sẽ mang mỗi đứa một cái đèn pin, hóa trang thành những nhà thám hiểm mò mẫm xung quanh, đôi khi còn lạc bước vào vườn chè và vườn thuốc nam bạt ngàn của trạm xá heo hút chỗ chúng tôi ở. Mặc dù người lớn trong nhà cảnh báo là chỗ đó dễ có rắn rết rất nguy hiểm nhưng chúng tôi nào có để vào tai. Cứ soi hết chỗ này đến chỗ khác, thi thoảng soi được dế hay châu chấu thì lại bắt chúng nó một lúc, xem xét như thể đang nghiên cứu vật thí nghiệm rồi lại thả đi.

Đến đêm muộn, chúng tôi phơi bụng trước hè, hoa sữa mùa thu tỏa hương ngào ngạt đến nức mũi, Khánh Dư gối đầu lên tay tôi, thằng nhỏ ngóng trông mặt trăng, dưới chân xóm nhỏ là thao trường huấn luyện, không có một bóng gì cả, chỉ có ánh trăng toả bóng bao trùm lên khoảng đất rộng bạt ngàn. Trẻ con thường không thích mùa thu lắm, nếu không tin tôi thì cậu có thể lật giở trang vở kẻ ô ly học sinh mộc thô viết về mùa em yêu thích nhất mà xem, phần lớn sẽ là những dòng chữ viết về mùa xuân và mùa hè; có lẽ bởi vì tôi sinh ra vào mùa thu, nên tôi có phần thiên vị sắc nắng vàng hanh lướt qua mành gỗ, những cơn gió se lạnh còn vương hơi sương mà chẳng vướng bận gió nồng nắng lửa và cả mùi xôi cốm dừa dẻo quạnh ngọt thơm hương cỏ đồng nội.

"Này em biết không, năm 2012 được dự đoán là tận thế đó."

Chúng tôi là những đứa trẻ sinh ra đầu thế kỷ hai mươi mốt, và chỉ cách 2012 chưa đến chục năm nữa.

"Chị đã bao giờ nghĩ đến chuyện chết đi chưa?"

Tôi giật mình nhìn thẳng nhỏ bên cạnh, mắt nó vẫn đau đáu nhìn về những vì sao. Còn nhớ ngày xưa khi đọc truyện Cô bé bán diêm Andersen, tôi luôn tin rằng khi ai đó qua đời, linh hồn người ấy sẽ trở về lại bầu trời đêm tĩnh mịch kia, ngắm nhìn những người thân thương ở lại dưới vòm khí quyển chở che. Thật ra Khánh Dư cũng từng được rất cưng chiều, đó là khi bà nội thằng nhỏ còn sống. Bà hiền từ, tóc bạc phơ như trong bài hát, bên hông bất cứ lúc nào cũng đeo lủng lẳng một cơi trầu nhỏ bằng bàn tay. Sáng sớm hôm nào bà cũng lọc cọc dậy từ khi trời còn chưa tảng sáng, gà và bồ câu ở sân sau vẫn còn lù rù trên chuồng. Ngày bà còn, thi thoảng khi phải đi công việc xa, mẹ tôi thường gửi tôi sang nhà bà chơi cùng Khánh Dư; tôi lại là đứa khó ngủ, nên thường tỉnh giấc giữa chừng bà đang đun nước lá. Không giống như mọi người, bà thường dội mình từ lúc sáng sớm để cho khí huyết lưu thông, nhiều khi bà coi tôi như con cháu trong nhà, nhường tôi gội nước thảo dược bồ kết cùng vỏ bưởi cho tóc thêm mượt.

"Hôm nay bà có đi chợ không?" Ngày nào tôi cũng hỏi bà câu này, mà không chỉ có mình tôi đâu, nếu tôi nhớ không nhầm thì vào khoảng tầm năm Khánh Dư được gần bốn tuổi, bắt đầu quen đi đường dài cũng hay hỏi bà như thế. Chúng tôi vẫn luôn thích được đi chợ cùng bà, không như bố mẹ, bà cưng chiều chúng tôi hết mực, hầu như chúng tôi thích ăn gì, chơi gì bà đều rộng lượng mua cho chúng tôi hết, đến mức tôi lầm tưởng bà giàu hơn bố mẹ chúng tôi rất nhiều, giàu nhất trong xóm. Nhưng bà chẳng ở lại cùng chúng tôi lâu, mùa đông năm ngoái, Khánh Dư bốn tuổi, tôi sáu tuổi, bà đột ngột bị ngã rồi nằm liệt giường một thời gian dài, rồi không bao giờ tỉnh lại nữa. Bà mất, thằng nhỏ đã khóc rất nhiều, đến nỗi mắt nó sưng to như mắt tắc kè da đỏ.

"Chị nghĩ chị sẽ sống rất lâu." Lại quay lại với câu hỏi của Khánh Dư, ngày đó, tôi luôn nghĩ phải trải qua rất nhiều thời gian tôi mới có thể lớn lên thành người lớn như bố mẹ. Chết là một khái niệm rất xa vời đối với tôi, mơ hồ tựa như cách xa cả dải ngân hà. Trẻ con không thể chết, tôi từng mặc định một cách ngây thơ như thế trong suốt một thời gian dài. Thế nên dù tôi cố suy nghĩ thêm bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng ý nghĩ duy nhất hiện diện trong tâm trí tôi khoảnh khắc ấy là "chị sẽ sống đến thế kỷ hai mươi hai để gặp mèo máy Doraemon, rồi chị sẽ tặng em một con nhé!"

Thằng nhỏ bỗng dưng quay sang nhìn tôi không chớp mắt một lúc lâu khiến tôi giật mình.

"Chị hứa nhé." Giọng Khánh Dư dìu dịu, nhưng ánh nhìn của thằng nhỏ thì lại không được như thế, cảm giác nếu tôi như tôi lãng quên mất những gì mà tôi vừa nói với nó vào một ngày nào đó, nó sẽ nhét một đống đinh vào mồm tôi.

Khi người ta lớn, người ta sẽ dễ dàng quên đi những lời hứa của mình, nhưng có lẽ tôi vẫn mang trong mình một mảnh vỡ tuổi thơ, nên tôi vẫn nhớ câu hẹn thề năm đó với Khánh Dư, cho dù tôi biết chuyện như thế sẽ không bao giờ thành hiện thực được. Thật ra phép màu vẫn luôn tồn tại trong đôi mắt xanh non biếc rờn mà chúng ta ngắm nhìn cảnh sắc biến chuyển giữa giao lộ cuộc đời. Tôi vẫn nhớ kỹ rất nhiều điều bản thân từng nói với Khánh Dư, cũng nhớ rõ tất cả những điều thằng nhỏ chia sẻ cùng tôi; nhưng mà nó của năm tháng sau này thì lại như thể bị mất trí nhớ, chẳng còn đọng lại trong đầu cái gì cả.

Ngón tay út của tôi móc vào ngón tay của Khánh Dư.

"Dập ghim, đóng dấu, ai thất hứa rồi sẽ nuốt phải đinh."

Thế quái nào bọn trẻ con xung quanh tôi lại thuộc câu này. Tôi nhớ trong phim hoạt hình Doraemon có một tập phim, bà của Suneo mỏ nhọn đến thăm cháu, vì Suneo luôn càu nhàu và thiếu lễ phép với bà, mèo máy cùng Nobita đã biếu bà một viên kẹo có khả năng biến những câu chuyện răn dạy của tổ tiên thành hiện thực, nghĩ đến đoạn này tôi bỗng dưng lạnh gáy, trong đầu hiện ra một nghìn viên cảnh nhỡ đâu... Mẹ tôi thường bảo "Nói trước bước không qua" mà.

Như đã nói từ trước, sự tồn tại của bố mẹ Khánh Dư quá mờ nhạt, nhất là đối với đám trẻ con, tất nhiên là trừ tôi ra, bởi vì chẳng biết tự bao giờ, tôi đã luôn để mắt đến thằng nhỏ, thậm chí là mãi đến tận sau này tôi mới bất giác nhận ra được điều ấy. Nói thầm cho cậu nghe, tôi vẫn luôn có niềm tin mãnh liệt vào việc công lý sẽ luôn chiến thắng, nhưng thực ra không phải thế, sau này khi lớn tôi nhận ra, hầu hết chúng ta đều đang giữ thăng bằng trên sợi dây ranh giới mong manh, chẳng có ai hoàn toàn là tốt cả, nhưng mà kẻ ác... tôi thực sự không muốn nghĩ tiếp nữa. Thật ra cũng tùy người, có thể khi nghĩ đến mẹ Khánh Dư, trong đầu tôi sẽ nhớ đến ngày mẹ thằng nhỏ dứt áo ra đi, để nó bơ vơ một mình đợi chờ suốt ngần ấy năm, nhưng Khánh Dư thì khác; thằng nhỏ sẽ nhớ hương tóc mẹ thơm mùi bồ kết và hoa bưởi, nhớ câu ru à ơi của mẹ cùng ánh mắt thi thoảng mới dịu dàng của người đó. Thật ra trong nỗi nhớ của tôi, ấn tượng về mẹ thằng nhỏ cực kỳ không tốt. Tôi nhớ có lần vì Khánh Dư lén ăn vụng cơm nguội mà bị mẹ đánh tím chân, đến mức vào mùa đông vết tím ấy như một loài sâu mọt ăn sâu, đục khoét vào bên trong từng tấc thịt, đau thấu xương, nhưng nó chẳng dám nói với người lớn, chỉ khi ở cạnh tôi nó mới rên khe khẽ, một phần bởi vì nó biết tôi sẽ không đi mách lẻo với ai nếu như nó không muốn, và cũng là người duy nhất nó tin tưởng.

Kể từ khi những chuyện buồn xảy ra liên tục với Khánh Dư, đám trẻ trong xóm bắt đầu thương cảm cho thằng nhỏ nhiều hơn. Con bé Dương mắt hí, lúc nào cũng đành hanh ghê gớm giành đồ chơi với Khánh Dư, thậm chí còn chặn đường không cho thằng nhỏ đi qua khoảng sân nhỏ trước cửa nhà mình cũng bớt hạnh hoẹ lại, chỉ vẫn thường xuyên độc mồm chọc ngoáy đối phương. Ít nhất thì từ trước đến giờ Khánh Dư vẫn luôn tỏ ra thờ ơ với những câu từ chua ngoa không biết học từ ai mà ra của Dương, nên tôi cũng thấy an tâm. Thằng nhỏ Thời Trí, tôi vốn thích gọi cả tên đệm nó như thế, mặc dù bảy năm tuổi đời của tôi khi ấy không hiểu được ý nghĩ đằng sau tên gọi của nó, nhưng tôi cũng biết là tên của nó rất hay. Từ nhỏ nó vốn đã thông minh vượt trội so với bạn bè. Thời Trí nhỏ hơn tôi một tuổi, mới đi học chẳng bao lâu nhưng nó đã được cô đặc cách ôn đội tuyển học sinh giỏi toán mà không cần phải thi qua vòng loại, căn bản vì nó ham học toán đến mức học vượt kiến thức trên hẳn ba lớp. Người lớn trong nhà rất tự hào về thằng nhỏ, ngay cả từ cái tên của nó đã đong chứa biết bao kỳ vọng của bố mẹ, "Thời Trí là trí gặp thời. Nhân tài gặp thời mới có thể ra sức giúp đời.". Quay lại chuyện giữa nó và Khánh Dư, tôi cũng biết tại sao có vẻ giữa hai chúng nó có điều gì khó nói không, nhưng cách cư xử của Thời Trí đối với đứa còn lại có vẻ gượng gạo. Chẳng hạn như nếu nhìn thấy Khánh Dư loanh quanh, nó sẽ cười với đối phương một cái rồi ngày lập tức rời mắt đi, tránh né cậu bạn cùng xóm nhất có thể nhưng sau nhiều biến cố, nó bỗng dưng đối xử dịu dàng hơn với đối phương.

Khánh Dư cuối cùng cũng được kết nạp vào đám trẻ con chơi cùng chúng tôi, nhưng thằng nhỏ không còn vui như trước kia khi mà chỉ có mình tôi chơi cùng nó nữa. Khánh Dư vẫn cười, nhưng nụ cười của thằng nhỏ chỉ thoáng qua vỏn vẹn vài giây rồi tắt ngấm, như ngọn lửa nến lóe lên trong tích tắc.

Tuy không muốn thừa nhận, nhưng thậm chí trong tâm trí tôi khi ấy, Khánh Dư luôn là đứa mạnh mẽ nhất trong đám trẻ con chúng tôi. Thằng nhỏ là đứa duy nhất không sợ bóng tối, thậm chí nó có thể một mình đi vào căn nhà bỏ hoang mà chẳng sợ gì; cơ mà công nhận ngày xưa chúng tôi nghịch dại thật sự, giả sử như có rắn rết hay kẻ nghiện ma túy đang hút chích ở bên trong thì chúng tôi coi như xong đời.

Hồi nhỏ Khánh Dư toàn ước mơ cao cả gì không, mà hình như không phải chỉ mỗi mình nó, thậm chí cả tôi cũng thế; nhưng cuối cùng chẳng hiểu sao thằng nhỏ chọn trở thành Youtuber, cái này không phải tôi nói đâu nhưng Khánh Dư thường tự xưng bản thân đang làm hề bán tiếng cười trên mạng. Chúng tôi chẳng còn thân thiết như xưa để tôi có thể cam đoan không, nhưng tôi vẫn thường thoáng nghĩ liệu phải chăng tiếng cười giòn tan như ánh nắng mùa thu đằng sau màn hình sáng xanh ấy là một nụ cười của một cậu bé mang trong mình những nỗi buồn chẳng thể chia sẻ cùng ai.

Bao giờ cũng thế, tại sao Khánh Dư vẫn luôn chỉ có một mình. Đến tận giây phút này, khi đứng từ ngoài hành lang nhìn vào trong cửa lớp, thằng nhỏ một mình gục đầu vào cánh tay ngủ thiếp đi, mặc kệ những thành âm ồn ã xung quanh, chỉ có mình nó chìm sâu vào giấc mơ lặng thinh. Khánh Dư vẫn mang cho tôi cảm giác buồn man mác như thế, chưa từng thay đổi, nhưng tôi biết đó chỉ là cảm giác của tôi, còn thằng nhỏ năm xưa đã trở thành con người khác. Tôi còn không biết nó thật sự nhận ra tôi ở tuổi mười bảy không, nhưng ngày từ giây phút đầu tiên gặp lại, tôi đã nhìn ra được dáng hình thân thuộc từng là một khoảng trời thơ ngây của tôi. Nó ngồi ở góc đối diện bàn giáo viên, bàn cuối cùng gần cửa sổ, ánh nắng xuyên qua làn hoa sữa đong đưa trong cơn gió se lạnh chớm vào thu, in trên mặt thằng nhỏ như bóng tiên cá thấp thoáng dưới làn nước trong vắt, tựa như một vị quý tộc cài lên tóc mình những trang sức bằng đá quý lấp lánh.

Tôi tình cờ phát hiện ra Khánh Dư đang làm công việc Youtuber một cách rất lãng xẹt. Chỉ là chẳng hiểu sao YouTube lại đề xuất livestream chơi game của thằng nhỏ cho tôi, mặc dù khi đó livestream của nó chỉ có vỏn vẹn loanh quanh chưa đến mười người đang xem trực tiếp. Phía sau màn hình, Khánh Dư như một con người khác, thằng nhỏ nhiều năng lượng, hét to, lúc nào cũng vui vẻ.

Tôi nhớ Khánh Dư của ngày xưa, nhưng lại không biết đối diện với đối phương của hiện tại như thế nào, nên mấy ngày gần đây tôi đều âm thầm quan sát nó rồi hỏi thăm qua đám trẻ năm ấy. Hầu hết chúng nó đều đã chuyển nhà đi xa, duy chỉ còn mình Thời Trí thì học ở một trường chuyên gần trường tôi. Tôi tìm mọi cách liên lạc cùng thằng nhỏ, cuối cùng cũng hẹn được nó. Thời Trí lanh lợi hoạt bát khi xưa đã lạnh lùng đi rất nhiều. Thằng nhỏ ngày bé đeo kính cận, quầng thâm dưới mắt cũng có, nheo lại nhìn tôi bằng ánh mắt xa cách.

"Chị không thích mặc đồ công chúa nữa à?"

Có lẽ đó chỉ cảm giác của tôi mà thôi. Thời Trí vẫn tỉnh nghịch như ngày nào. Ngay giây phút nhìn thấy dáng vẻ hiện tại của tôi, lọt thỏm trong bộ đồ màu đen, thằng nhỏ ngạc nhiên, nhưng cũng không quên giở giọng trêu đùa. Ít nhất thằng nhỏ còn nhớ tôi thích mặc đồ công chúa, đặc biệt là mấy bộ bồng bềnh và có nhiều lớp mỏng bay bổng như xiêm áo cánh tiên nữ trong cổ tích.

"Chỉ là chị cảm thấy giờ chị không hợp mặc váy nữa, thế thôi." Tôi nhún vai cười gượng. Chúng tôi hẹn gặp thằng nhỏ vào khoảng ra chơi giữa buổi chiều nắng vàng rực như được dệt bằng hàng ngàn chiếc lá vàng kim. Màu tóc hạt dẻ của Thời Trí cũng ươm màu ánh mặt trời.

"Nếu chị muốn hỏi chuyện về Khánh Dư, chị nên hỏi trực tiếp nó thì hơn." Thằng nhỏ cười khẩy chưa chát. "Có nhiều thứ mà em cũng không thể chấp nhận được."

Mặc dù tôi chưa đề cập bất cứ điều gì về mục đích tôi tìm gặp thằng nhỏ, nhưng nó đã đoán trúng tim đen của tôi, khiến tôi bối rối không biết nói gì nữa. Không khí giữa chúng tôi đột ngột trùng xuống, khó chịu đến mức tôi chỉ muốn chạy vụt đi để trốn tránh ánh mắt của đối phương.

"Chị khác xưa nhiều rồi." Sau một lúc lâu im lặng không nói gì, tiếng trống trường nó cứu tôi khỏi thế khó xử. Tôi chưa kịp mừng rỡ thì Thời Trí đã để lại một câu khiến tôi chưng hửng.

"Nhớ lần sau đến gặp em sớm hơn nhé."

Tôi vừa ra khỏi nhà xe, trời bất chợt đổ mưa nên tôi phải phóng xe nhanh nhất có thể để về trường lấy cặp sách đi về, trước khi đường phố ngập trong nước. Bởi vì lúc chuẩn bị sang bên trường Thời Trí tôi gấp gáp quá nên đã bỏ quên cặp sách ở trên lớp. Giây phút tôi rút chìa khóa xe nhét vào túi áo khoác đồng phục, tôi bất ngờ chạm mặt Khánh Dư mười lăm tuổi. Thằng nhỏ hình như không mang áo mưa hoặc đang đợi ai đó nên vẫn còn đứng trong mái hiên nhà để xe. Tôi phải nghển cổ lên mới có thể nhìn rõ nét mặt của đối phương. Khánh Dư đã cao lên nhiều, hồi nhỏ tôi vẫn luôn cao hơn nó, nên tôi chưa từng tưởng tượng ra được rằng thằng nhỏ sẽ lớn lên đến nhường này. Đôi mắt Khánh Dư chăm chú nhìn vào màn mưa ảm đạm, chẳng hề dao động dù chỉ một chút. Có lẽ tâm trí thằng nhỏ hiện tại quá bận rộn đến mức chẳng thể nhận ra sự tồn tại của người khác, hoặc nó không nhận ra tôi là người từng quen thân.

"Chị có sợ một ngày nào đó sẽ không còn ai nhớ đến mình không?"

Vẫn là những câu hỏi vu vơ bất giác bật ra trong tiềm thức nhưng thật khó để hồi âm khiến tâm hồn tôi xáo động liên hồi. Đối phương đã nhận ra tôi. Khánh Dư của tuổi mười lăm vẫn nhiều suy tư, những suy tư nghe thật buồn.

"Chị chưa từng nghĩ đến ngày đó, nhưng nếu như mà không ai còn nhớ đến chị, có lẽ chị cũng sẽ cảm thấy rất buồn."

"Em không còn muốn nhớ gì về ai nữa." Khánh Dư nhìn tôi, rồi thở dài. "Em biết chị rất muốn chúng mình trở lại là bạn bè, nhưng em xin lỗi."

Đầu óc tôi hơi choáng váng, hô hấp cũng thật khó khăn. Tôi hiểu đối phương đang nói gì, mọi chuyện đương nhiên là không thể quay lại như thuở ban đầu, bởi vì thời gian qua chúng tôi đã không ngừng thay đổi từng ngày; nhưng đó chỉ được một phần, còn lý do thằng nhỏ đã dụng ý nói trước tiên lại khiến tôi cảm thấy mơ hồ như lạc vào làn sương trắng mù mịt. Một làn gió lộng thổi tạt qua tâm hồn tôi, lạnh buốt.

"Chị vẫn có thể nói chuyện cùng em qua livestream, nhưng mà ở bên ngoài thì mình đừng gặp nhau nữa nhé. Như thế ít nhất em còn có thể thoải mái nói chuyện với chị được..."

Khánh Dư tiến lên gần tôi thêm một bước.

"Chị đừng buồn nhé, không có em thì sẽ còn nhiều người nhớ đến chị thôi."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro