Tầng 1 - Phòng 145

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Anne là cô bé chung team của tôi, nên dĩ nhiên reviewer và tác giả sẽ có một chút thân thiết, nhưng không phải vì sự thân thiết, quen biết đó mà tôi đây không dám đưa ra những lỗi về tác phẩm, mà bài review sau đây tôi chỉ viết nó trong khả năng của mình, và bản thân chưa chắc cũng đã làm tốt như Anne nên chẳng biết nói gì góp ý cho câu truyện đã khá là chu toàn.

Điều mà ai cũng thấy ở truyện ngay từ những dòng đầu tiên là sự miêu tả tinh tế và giọng văn Âu vừa êm đềm vừa dịu dàng. Anne còn sử dụng nhịp điệu chậm rãi duy trì một câu chuyện, từng chút, từng chút hé lộ những chi tiết nhỏ về nữ chính, nói lên sự ngang tàng, cố chấp vì đam mê mà đánh đổi của cô, vừa khiến bản thân hạnh phúc nhưng cũng mang nặng sầu bi cuộc dời.

Trên cuộc đời này, có gì là miễn phí ngoài tình thương của mẹ, có gì là cao cả bằng đam mê mà mỗi người muốn đoạt lấy. Trong truyện của Anne, tình yêu nghệ thuật của Dacia rất nồng cháy, nhưng những lí do dẫn đến sự điên cuồng muốn có được ấy là gì? Đâu đó trong câu chuyện chỉ có hi vọng Dacia sẽ tỏa sáng như một vì sao nước Ý qua suy nghĩ của mẹ cô bé. Còn lí do tại sao cô bé muốn như thế thì Anne lại ít nhắc đến.

Trong góc khuất của mỗi người là một bản ngã, và để đánh thức bản ngã ấy, Dacia dẫu biết bản thân mình đang khao khát một thứ chất kịch độc, nguy hiểm vô bờ bến nhưng vẫn không ngừng cố gắng để chạm tới nó. Có thể nói Dacia đã tham lam khi đánh đổi tất cả để khiến bản thân trở nên hoàn hảo và thành công.

Đầu truyện Lose Yourself kể về một cô gái - Dacia, xinh đẹp và tỏa sáng như những vì sao, cô khao khát đạt được ước mơ của mình, tựa như ngọn lửa tham lam đốt cháy vạn vật xung quanh nó. Phải chăng vì có một người mẹ yêu thương và hết sức kì vọng vào cô con gái nên mới dẫn đến việc cô đánh mất bản thân vì đam mê, dấn thân vào biển lửa nghệ thuật. Qua những phân đoạn diễn biến tâm trạng nữ chính có thể thấy Anne xây dựng nhân vật chính của mình rất tốt, đẩy được cao trào cho câu chuyện.

Và đến cuối truyện, Dacia đạt được đam mê hoàn hảo như cách mà mẹ cô ấy từng hi vọng, tuy nhiên dọc chiều dài câu chuyện tôi không thấy Dacia có thật sự vì chính đam mê mình không, dù Anne đã khắc họa thành công sự phụ thuộc của cô vào gã đạo diễn lập dị nhưng làm nên chuyện lớn, tạo nên câu chuyện có mở đầu kết thúc hoàn hảo nhưng đồng thời cũng không hoàn hảo, có lẽ sự bất thường của nhân vật đã được thể hiện qua những hành động ở phần cuối truyện rồi.

Anne lấy bối cảnh nước Ý từ những năm 50, cái thời điểm gọi là xưa và nhiều những suy nghĩ cổ hữu. Ngay từ đầu câu chuyện, ta thấy đâu đó hình ảnh một người mẹ đơn thân cô độc trong đôi mắt và suy nghĩ của Dacia. Anne đã nói lên tình thương mẹ con góa phụ bằng chính những lời diễn tả về nhân vật. Thế nhưng sau toàn bộ những điều ấy thì tác giả chỉ hướng đến tham vọng của tuổi trẻ. Và tham vọng càng cháy bỏng hơn sau khi bà góa mất đi.

Trong các tác phẩm của Anne, cô bé luôn sử dụng giọng văn Âu mang lại cho người đọc một cảm giác nhẹ nhàng, bay bổng. Và ở trong oneshot này cô bé cũng đã cho người đọc phiêu theo một cảm giác riêng của mình, đến với Nước Ý nổi tiếng với kho tàng nghệ thuật vĩ đại. Nhưng không biết có phải Anne quá chú tâm vào nhân vật hay không mà bỏ lỡ phong cảnh đất nước Ý thơ mộng với khí hậu ôn hòa ấy, cái này thật sự không sai, truyện của em ấy vẫn đưa tôi vào dòng cảm xúc, nhưng Anne dành rất ít câu văn để miêu tả nét riêng và sự nổi bật của Ý - còn được mệnh danh là đất nước đẹp nhất Châu Âu.

Anne miêu tả tâm trạng của nữ chính qua từng màu sắc, không từ tươi đến sẫm mà hòa trộn vào nhau. Từ những màu đầu tiên, tôi không hiểu Anne làm vậy để làm gì, nhưng nó thật sự rất ấn tượng. Anne thành công khắc họa được cảm xúc nhân vật trong từng sắc màu đan xen, nói lên được quá trình đánh mất bản chất tốt đẹp của nhân vật. Và "nàng chết" được lặp lại vô số lần, từ đoạn này qua đoạn sau. Có lẽ chính bản thân Anne khi viết cũng đang mâu thuẫn rất nhiều trong từ câu chữ của mình.

Tuy nhiên, truyện của Anne nếu không chìm đắm vào từng câu chữ thì rất khó để hiểu được ẩn ý của câu chuyện đằng sau tác phẩm. Đây không phải một câu chuyện về tình yêu nam nữ, mà là về tình yêu to lớn về nghệ thuật của đất nước Ý, về mặt tối mà bất chứ ai cũng có lần đối diện. Dacia có quyền lựa chọn, có quyền từ bỏ, chẳng ai ép được cô cả, nhưng cô đã chọn theo đuổi đam mê đến cùng.

Anne từng nói rằng, nghĩ tên nhân vật còn khó hơn cốt truyện, cho nên nếu ai cảm thấy muốn biết nhiều hơn về hình ảnh cô bé muốn mang đến thì hãy nghĩ về những cái tên ấy. Còn về nhân vật của câu chuyện, Anne đã chọn viết về một cái nhìn mà ít người đồng cảm để nói lên dụng ý mà cô bé muốn nhắn nhủ qua người đọc. Leonarda Cianciulli, theo như tôi tìm hiểu là một người được nhắc đến với nhiều tên gọi, điển hình là kẻ giết người hàng loạt của nước Ý. Anne muốn chen vào tình tiết lạ nhưng kết thúc lại quá nhanh nên khiến độc giả chỉ tập trung vào Dacia và cảm xúc của cô ấy, mà quên khai thác tại sao Dacia có cảm giác mình giống Leonarda.

Lose Yourself là câu chuyện được viết ra đúng với cái tên của nó, đánh mất đi thứ quý giá nhất của cuộc đời mình để đạt được thứ mình mong đợi. Có đáng không, thì tôi vẫn chưa thể tự mình trả lời. Hy vọng các bạn trẻ bây giờ sẽ cân nhắc kĩ trước khi đánh đổi một thứ gì đó. Cuộc đời là của các bạn, cha mẹ chỉ giúp các bạn một phần nhỏ. Cha mẹ cũng không bên bạn cả đời, đời tuy dài nhưng đồng thời cũng ngắn ngủi. Nên hãy cứ làm những gì mình thấy thoả đáng, nhưng vẫn phải trong giới hạn.

Một tác giả viết văn Âu không cần câu chuyện của mình hôm nay thế nào, chỉ mong muốn tác phẩm mình nối tiếp sẽ hay hơn tác phẩm hôm nay, Anne cũng mong như thế, nên những câu chuyện sau Anne luôn cầu toàn gấp đôi. Anne viết vì những suy nghĩ mình muốn bày tỏ, viết để chính cô bé cảm thấy hài lòng, viết cho một đời dang dở. Mong em về sau có thể viết thêm nhiều như chính đều mà em muốn, điều mà em mong đợi. Bài review của chị cũng không còn gì để nói nữa, xin dừng tại đây. Cảm ơn mọi người cũng như Anne đọc hết bài review của chị.

Jesse He
16/4/2020

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro