Chương 2-5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 2: Chiếc tất rách

"Chào cậu, cậu muốn sửa giày à?"

Nhiếp Chấn Hoành đứng thẳng lại từ tư thế tựa tường, tiện thể dập điếu thuốc hút được một nửa, lại kẹp nó lên vành tai, rồi mới hỏi người đang đứng trước tiệm anh.

Cậu thanh niên mà ban nãy anh quan sát từ đằng xa đã đứng trước tiệm anh một lúc lâu. Nhưng cậu ta chưa hề mở miệng nói gì, mà chỉ nhòm bức tường bên cạnh anh chòng chọc.

Nhìn gần, Nhiếp Chấn Hoành phát hiện cậu thanh niên này điển trai ra trò, cao cao gầy gầy, mặt cũng trắng trẻo, đúng kiểu trai xinh như hoa mà các cô gái trẻ đang thích bây giờ. Có điều đóa hoa này hình như tỏa ra khí chất "cấm người lạ lại gần", đôi mắt một mí như phủ một lớp màu xám xịt, không có ánh sáng, mặt mũi cũng lạnh te, khiến người khác chẳng dám sơ sẩy bắt chuyện.

Nhưng thời trẻ Nhiếp Chấn Hoành cũng từng vào Nam ra Bắc, gặp đủ hết mọi loại người, nên đương nhiên anh không chùn chân trước một cậu chàng vừa bước vào đời thế này. Anh hỏi xong thì không chờ lời đáp, mà chỉ đảo mắt theo hướng cậu thanh niên đang nhìn. Anh phát hiện cậu ta đang xem tấm biển mình thuê bên quảng cáo làm hồi anh mới mở tiệm vài năm về trước.

Lớp phông đỏ bị nắng chiếu mỗi ngày nên đã hơi bợt, nhưng những con chữ to màu đen in trên biển vẫn còn rất rõ. Mấy từ ngắn ngủi sắp từ trên xuống dưới, ghi những việc mà tiệm sửa giày của anh nhận làm, đấy toàn là mấy thứ hồi đó anh nghĩ bừa dựa theo tay nghề sẵn có của mình ——

Sửa và đánh giày, phục chế đồ da, chữa ô mở khóa, đánh chìa đổi phéc-mơ-tuya, v.v. Nói chung anh quen tay hay làm tất cả những công việc liên quan đến kỹ thuật sửa chữa.

Nhiếp Chấn Hoành hoàn toàn không biết mười mấy chữ đơn giản này có gì khó mà phải đọc chậm thế. Thằng con mới lên lớp 3 nhà ông chú Vương Kim Bảo kế bên còn đọc một lèo được gần hết, vậy mà một thanh niên thoạt trông có học có hành thế này lại đọc mãi không xong.

Hiềm nỗi anh còn chưa kịp nghĩ ra nguyên do, thì cậu thanh niên đứng dưới thềm đã lên tiếng trước.

"Gót giày..."

Chất giọng trẻ trung và cũng hơi lạnh lùng như chính con người cậu ta vang lên, Nhiếp Chấn Hoành đưa mắt về chân cậu thanh niên nọ.

Có vẻ là để tiệp với bộ comple xám đang mặc trên người, nên cậu thanh niên đi một đôi giày da màu nâu sậm dưới chân. Phải tội thoạt trông chất lượng của đôi giày này không được tốt lắm, Nhiếp Chấn Hoành mới liếc một cái là nhận ra ngay nó được làm bằng da nhân tạo, có nếp nhăn bề mặt, đường khâu diềm cũng không được thẳng thớm.

"Gót giày bị làm sao cơ?"

Ai mua giày gì là quyền tự do của họ, đắt cũng được, rẻ cũng thế, Nhiếp Chấn Hoành không phán xét người khác vì chuyện đấy. Anh chỉ vẫy tay với người đứng dưới thềm, "Cậu lên đây đi. Cởi giày ra, tôi kiểm tra cho cậu."

Chân Nhiếp Chấn Hoành bị tật, bình thường anh ở trong tiệm suốt ngày, lười chẳng muốn động cựa. Anh cũng không niềm nở ân cần mời chào khách hàng như những tiểu thương khác, về cơ bản anh toàn chờ khách đến tận cửa, làm ăn dựa hết vào duyên phận.

Khách tới thì anh làm, khách vắng thì anh uống trà phơi nắng.

Mức sống ở Dung Thành không đắt đỏ, thu nhập hiện tại vẫn có thể đáp ứng được lượng chi tiêu hằng ngày ít ỏi của anh. Nhiều tiền cũng chẳng biết dùng vào đâu, chẳng thà cứ sống sướng một tí cho đời thoải mái.

Lâm Tri cúi đầu, mài gót chân phải lên nền gạch xanh lơ dính bùn đất.

Chân khó chịu quá. Cậu giơ tay lên nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn người đàn ông đã kéo ghế ra ngồi xuống chờ cậu trong cửa hàng, vẫn nghe lời anh ta bước lên mấy bậc thang, tới cửa của tiệm sửa giày.

"Ngồi đi."

Nhiếp Chấn Hoành mở một chiếc ghế gấp ra, đặt đối diện mình để khách ngồi. Bản thân anh thì cúi đầu quan sát đôi giày da. Dù vị khách trẻ tuổi còn chưa kịp cởi giày, nhưng anh đã nhận ra lỗi lầm là ở đâu.

"Thế này là bị sút gót rồi."

Nhiếp Chấn Hoành chỉ vào gót sau của chiếc giày bên phải, hơi buồn cười, "Gót sau sút hết ra rồi, cậu đi mà không thấy khó chịu à?"

"... Ừm."

Vị khách mặt mũi lạnh te chỉ ừm hửm một tiếng nhạt phèo, nhưng Nhiếp Chấn Hoành dường như lại có thể đọc ra hàm ý sau chữ "Ừm" của cậu ta.

Nếu không khó chịu, tôi còn sang quán anh chắc?

Nhiếp Chấn Hoành thầm lấy làm lạ.

Anh cũng chẳng có ý gì khác, mà chỉ cảm thấy đám trẻ thời nay có đứa kiệm lời thế này thì đúng là hiếm thật.

Dù gì bà con láng giềng quanh khu này ai cũng rất nhiệt tình, anh lại ở đây 4-5 năm ròng, bản thân mình đang từ một kẻ biết ăn biết nói cũng bị hoàn cảnh ép thành không ưa lảm nhảm tán dóc, nào ngờ còn có người ít nói hơn cả anh.

Cậu thanh niên trước mặt đóng bộ, cực kỳ lạc quẻ với tiệm sửa giày cũ nát này. Bấy giờ, dù ngồi trên chiếc ghế lùn xủn khập khiễng được bọc bằng ba miếng vải thô, nhưng cậu ta vẫn giữ nguyên dáng ngồi nghiêm chỉnh, khiến ông chủ tiệm như Nhiếp Chấn Hoành bỗng dưng thấy không được tự nhiên cho lắm.

Thậm chí anh còn bớt ngồi ngả ngớn như mọi ngày đi một tẹo.

"Khụ, tháo giày bên phải ra đi, tôi sửa cho cậu."

Nhiếp Chấn Hoành móc một đôi dép lê ra từ kệ để hàng bên cạnh, phát hiện dép đã bị sờn rồi. Anh hơi khựng lại, rồi nhét nó về kệ lần nữa. Sau đấy anh ngồi thẳng người dậy, lấy một đôi hoàn toàn mới từ ngăn thứ ba, mở ra đưa cho vị khách trẻ tuổi.

Anh cứ có cảm giác là, xài hàng cũ thì sẽ vấy bẩn cu cậu này mất thôi?

Nhiếp Chấn Hoành thầm lắc đầu, chẳng biết vì đâu mình lại nảy sinh cảm giác vớ va vớ vẩn ấy. May thay dù sao cũng sang Xuân rồi, thay đôi dép mới, khách sau đến đeo cũng thoải mái hơn.

"Cậu muốn lấy loại đế nào để thay?"

Nhiếp Chấn Hoành mở hộp vật liệu bên cạnh, lấy mấy món phụ kiện đóng gói xinh xẻo ra cho khách xem, "Loại tốt một tí thì là đế gân bò với cao su nhập khẩu. Loại thường có đế cao su nội địa."

Mắt Lâm Tri không hề nhìn về phía ấy, cậu chỉ khom lưng cởi chiếc giày da bên phải không có miếng đế lót ra, đưa cho anh thợ sửa giày.

Cậu không chọn bất kỳ loại nào mà Nhiếp Chấn Hoành đưa ra, chỉ hỏi, "Rẻ nhất, là bao nhiêu tiền ạ?"

Giọng điệu thản nhiên và thẳng thừng, không giấu giếm tẹo nào, như thể chẳng có gì mất mặt cả.

Cảm giác lạ lẫm còn chưa tan hết trong lòng Nhiếp Chấn Hoành lại bị khơi gợi lên.

Người trước mặt có khí chất rất sạch sẽ và đường hoàng, không có vẻ gì là thiếu tiền, nào ngờ lại tiết kiệm như thế. Nhiếp Chấn Hoành cũng chẳng trông chờ kiếm ăn nhờ tiếp thị những món hàng đắt nhất, anh chỉ cảm thấy vị khách này mang lại cho người ta cảm giác hơi mâu thuẫn.

Áo quần bảnh bao, nhưng giày lại rẻ mạt.

Còn ít tuổi, nhưng cách nói năng hành xử lại không có sự hồ hởi tươi trẻ.

"Rẻ nhất... vậy tôi lấy cậu 10 tệ nhé."

Giờ giá cả hàng hóa leo thang, bảng giá của tiệm anh cũng đã sửa mấy lần. Trước kia 10 tệ là dùng được loại có chất khá tốt rồi, nhưng bây giờ, giá này chỉ vừa đủ trang trải chi phí.

Nhiếp Chấn Hoành vốn định báo giá như thường, nhưng khi lơ đãng quét mắt qua đôi tất lộ ra sau khi cởi giày của cậu thanh niên, anh lại sửa lời đã lên tới miệng.

Ở phần đầu của chiếc tất kẻ sọc màu xanh hải quân thoạt trông rất mỏng manh kia, một ngón chân cái mềm mại trắng trẻo đang thò ra từ lỗ rách.

Lúc cậu ta cất tiếng, ngón chân ấy còn ngọ nguậy.

"Ừm. Vậy sửa loại 10 tệ đi."

Chủ nhân của ngón chân lại chẳng có vẻ gì là xấu hổ vì bị người ta phát hiện tất mình rách.

Lâm Tri cân nhắc số tiền đang có, chọn chất liệu rẻ nhất. Cậu mở miệng quyết định loại hàng xong, thì mới dừng mắt trên chân mình.

Ngón cái thò ra trông như một chú cá kỳ cục nhô lên từ con sóng biếc. Lâm Tri điều khiển cái đầu cá béo ú đong đưa vài cái, như thể đang hấp hối giãy giụa vậy.

Mấy giây sau, cậu mới có động tác mới.

Tay cậu vẫn còn xách túi quà sáng vừa mua ban nãy, Lâm Tri quay đầu quan sát xung quanh, đặt bừa túi lên mặt tủ còn chỗ trống ở đằng sau.

Để xong, cậu mới cúi xuống, duỗi hai tay tới chỗ mắt cá chân, tuột chiếc tất bên phải ra.

Loạt thao tác này khiến Nhiếp Chấn Hoành nhìn mà sửng sốt vô cùng.

Anh vừa lấy miếng đế cao su ra từ dưới đáy hộp, chuẩn bị bắt tay vào sửa giày, vừa nghĩ thầm: Kiểu này... là tính vứt tất luôn hả?

Anh đang định chỉ cho Lâm Tri vị trí thùng rác trong tiệm mình, nào ngờ cậu thanh niên lại từ tốn lật trái tất lại, rồi đeo vào chân lần nữa.

"... Giỏi đấy."

Đến khi cậu đeo xong chiếc tất ngược, Nhiếp Chấn Hoành mới hiểu ra biện pháp giải quyết vấn đề của Lâm Tri.

Lỗ rách vốn nằm ở ngón cái đã đổi hướng, dịch đến gần ngón út. Phần đỉnh tất bằng cotton được những ngón chân khác kéo lên, nhìn qua quả thực không có vấn đề gì, cũng không có ngón nào thò ra từ lỗ rách nữa.

Hồi xưa Nhiếp Chấn Hoành còn giàu, tất cứ bẩn là anh vứt thôi.

Tuy giờ chẳng có bao nhiêu tiền, nhưng anh cũng sẽ không ép bản thân phải dùng mấy thứ rách rưới. Dẫu có khổ thế nào, thì tất vớ vẫn đầy đủ. Dù gì mình làm nghề này, tất sỉ cũng chỉ hơn một tệ một đôi thôi.

Vẫn đủ tiền mua.

Nên câu anh nói không hẳn là khen, mà chỉ là một lời bông đùa.

Có điều người trước mặt dường như không hề nhận ra ẩn ý của anh, nghe anh khen thế, biểu cảm của cậu ta hơi thay đổi, trưng ra vẻ mặt như được khen ngợi.

Tuy rằng đường nét gương mặt cậu ta không thay đổi quá nhiều, nhưng Nhiếp Chấn Hoành vẫn tận mắt thấy khóe miệng cậu thanh niên hơi nhếch lên một xíu. Năm ngón chân chạm vào nền gạch xanh lạnh lẽo đều cuộn tròn lại, như đang quay cuồng trong dòng nước.

—— Có tí đắc ý, như thể chính bản thân cậu ta cũng cảm thấy ý tưởng của mình rất tuyệt diệu.

Nha Đậu:

Chít Chít: Em giỏi cực luôn!

(Tên của Lâm Tri, chữ Tri đọc là Zhī, nghĩa là biết, hiểu. Từ này gần âm với từ Chi , cũng đọc là Zhī, với nghĩa là tiếng kêu của động vật. Lâm Tri về sau hay được người yêu so sánh với hamster, nên biệt danh này của em là Chít Chít, như tiếng chuột kêu.)

[HẾT CHƯƠNG 2]

Lâm Tri có một số biểu hiện của Rối Loạn Phổ Tự Kỷ (Autistic Spectrum Disorder – ADS). Trong chương này, chúng ta thấy một số biểu hiện như:

– Giao tiếp chậm, mất nhiều thời gian để trả lời: Người tự kỷ có thể xử lý thông tin về ngôn ngữ chậm hơn người cùng lứa, vì vậy trong hội thoại, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để hiểu, sắp xếp suy nghĩ và đưa ra câu trả lời thích hợp.

– Không hiểu câu đùa, câu châm biếm, mỉa mai: người tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc phân tách các câu đùa, châm biếm, mỉa mai khỏi các câu có ý nghĩa thông thường. Vì vậy, người tự kỷ hay lý giải các câu này theo nghĩa mặt chữ, và đưa ra câu trả lời không hợp lý. Người giao tiếp với người tự kỷ cần chú ý định nghĩa lời nói một cách rõ ràng để người đối diện hiểu.

– Nói chuyện theo tông giọng lạ, giật cục: người tự kỷ thường hay nói chuyện với tông điệu khác với người thường, có thể là cao hơn, giật cục, hoặc nói to, nói không có nhịp điệu lên xuống.

Cần lưu ý rằng vì ASD là một rối loạn phổ, nên mỗi người thuộc phổ tự kỷ đều có những biểu hiện khác nhau, với các mức độ khác nhau. Không có một tập hợp dấu hiệu nào là phổ quát với toàn bộ người mắc ASD.




Chương 3: Gặm ngô

Hầu như lúc nào mặt mũi Lâm Tri cũng lạnh te.

Bình thường cậu gần như không bao giờ giao tiếp với người khác, ngoài đời cậu cũng hiếm khi tiếp xúc với việc gì khiến mình cười, dần dà, gương mặt Lâm Tri không còn biểu cảm gì nữa.

Nhưng thật ra mặt cậu rất nét, nhất là hai lúm đồng tiền to bằng hạt gạo chênh chếch dưới khóe môi. Lúc cậu cười, hai bên má lõm vào, tựa một hũ đường chao nghiêng, toàn thân cậu như hóa từ mùa Đông lạnh lẽo sang mùa Xuân trái ngọt.

Hiềm nỗi cảnh Xuân này chỉ kéo dài trong thoáng chốc, chớp mắt một cái là đã bị chủ nhân giấu nhẹm đi. Lâm Tri lại ngồi thẳng, chạm phải ánh nhìn của Nhiếp Chấn Hoành, cậu hơi nghi hoặc nghiêng đầu.

"Sửa xong rồi ạ?"

Bấy giờ, Nhiếp Chấn Hoành đang dán miếng gót giày không có nhãn mác vào mặt sau của chiếc giày bên phải, phản ứng đầu tiên của Lâm Tri là ông anh thợ giày này sửa xong rồi. Cậu nghĩ bụng, hóa ra sửa giày đơn giản quá chừng, y như mình dùng băng dính hai mặt ở nhà vậy, xé một phát, dán một lèo, thế là xong.

"Khụ, làm sao nhanh thế được." Nhiếp Chấn Hoành không nhìn cậu nữa.

Anh cảm thấy hôm nay lòng hiếu kỳ của mình hơi bị thừa thãi. Nếu chẳng thế, thì sao mình cứ nhìn người ta chòng chọc làm gì. Anh thầm thóa mạ bản thân mấy câu, rồi bắt đầu làm việc hết sức chuyên chú.

Mỗi người lại có một tướng đi riêng, phần chân và lực tiếp xúc với mặt đất ít nhiều đều có khác biệt.

Có người dồn trọng tâm về đằng sau, chỗ gót ở sau cùng mòn nhanh nhất, có người đi khuỳnh chân, mặt đế hai bên sẽ bị mài nhiều hơn. Dần dà, giày sẽ không còn bằng phẳng nữa, thậm chí nếu đứng thẳng, có mấy chỗ còn treo lửng treo lơ.

Thông thường, tình huống này xảy ra khi giày được sử dụng với tần suất cao. Điều ấy có nghĩa là người chủ cảm thấy giày đi êm chân, nên mới đeo thường xuyên. Bởi vậy, nhiều người không đành lòng vứt đôi giày yêu thích của mình đi ngay, hầu hết vẫn xách chúng ra tiệm sửa giày, để gã thợ giày như anh đổi miếng gót khác, đặng mang về đeo thêm hai ba năm nữa.

Cho nên, trong các ngón nghề sửa giày, công việc qua tay Nhiếp Chấn Hoành nhiều nhất chính là sửa đế giày.

Anh làm vô cùng thuận tay, nhắm mắt cũng biết phải thay thế nào.

Đầu tiên là lấy một miếng phấn trắng ra từ hộp dụng cụ, so sánh kích cỡ của miếng đế và gót sau, đánh dấu mấy chỗ quan trọng bằng phấn. Sau đó anh lấy dao tước da và dụng cụ cắt viền ra. Xoèn xoẹt vài nhát, phần cao su thừa rơi xuống đất, chỗ còn lại sẽ vừa in khin khít với gót giày.

Kế tiếp, những bước sau đấy cũng từa tựa như lúc sửa xăng đan cho bà cụ ban nãy, chỉ cần dùng bàn chải cọ sạch bụi bẩn trên đế giày, rồi dùng keo sửa giày chuyên dụng dán đế lại phơi cho khô là được.

Có điều...

"Cậu đang vội à?" Trước khi dán keo, Nhiếp Chấn Hoành hỏi Lâm Tri thêm một câu.

Nãy anh thoáng thấy cậu chàng trước mặt ngó đồng hồ mấy lần.

"Ừm..."

Lâm Tri lại cúi đầu nhìn cổ tay, ngẫm ngợi một lát, rồi mới gật đầu, "Chắc là vội ạ."

Nhiếp Chấn Hoành nghe thế thì không khỏi bật cười.

Vội thì vội, không vội thì thôi, chứ "Chắc vội" là cái thể loại gì?

"Keo này chắc tầm nửa tiếng nữa mới khô. Cậu tự tính toán thử xem, liệu có lỡ việc sau đấy không?"

Nhiếp Chấn Hoành giải thích với cậu, rồi lại đưa ra phương án dự phòng cho cậu, "Nếu cậu sốt ruột thì tôi đóng đinh luôn cho cậu, bao giờ cậu xong việc quay lại đây, tôi lại dính lại cho cậu nhé."

Hôm nay Lâm Tri ăn mặc trang trọng thế này là để đi làm.

Hôm đó cậu vừa chuyển nhà xong, đang xuống lầu mua đồ thì đột nhiên bị một người ngăn lại. Người đó hỏi cậu có hứng thú muốn làm quản lý bất động sản không. Thật ra Lâm Tri chẳng hiểu quản lý bất động sản là cái chi chi, chỉ nghe người nọ bảo được nhiều tiền hoa hồng, thu nhập tốt. Cậu ngẫm ngợi một lát, rồi gật đầu đồng ý.

Trước kia có mẹ nuôi cậu, giờ mẹ không còn nữa, cậu phải tự nuôi sống bản thân.

Suy nghĩ của Lâm Tri rất đơn giản, giờ cậu không có tiền, đi làm là kiếm được tiền, vậy thì cậu đi làm thôi. Trước kia mẹ hay lo cậu ra ngoài sẽ bị người ta bắt nạt, nhưng Lâm Tri cảm thấy mình đã trưởng thành rồi.

Nhìn mà xem, đến cả anh thợ sửa giày cũng thấy cậu giỏi lắm nhé!

Lâm Tri còn nhớ như in ông quản lý bất động sản kia hẹn cậu lúc 11h hôm nay, giờ còn 10 phút nữa là tới lịch hẹn.

Cậu ngẫm lại câu nói của Nhiếp Chấn Hoành một lần trong đầu, rồi mới hỏi.

"Đóng... đóng đinh, có mất thêm tiền không?"

Trong túi quần cậu có 100 tệ, cậu rút nó ra từ bao lì xì mẹ cho cậu hồi Tết năm ngoái. Ở nhà còn mấy tờ nữa, đó là món tiền duy nhất cậu có bây giờ. Số còn lại đã bị gã đàn ông kia lấy mất trước khi chuyển nhà rồi.

Lâm Tri không giỏi học hành, nhưng tính toán thì cũng ổn. Cậu cảm thấy nếu mình ăn tiêu cần kiệm thì vẫn trụ được mấy tháng. Nên bây giờ tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Nhiếp Chấn Hoành không biết suy nghĩ của Lâm Tri, anh chỉ cảm thấy vị khách này thú vị thật.

Tụi trẻ bây giờ đều rất sĩ diện, bình thường chỉ có các cụ ông cụ bà thích tích cóp tiền mới hỏi mấy câu thế này. Thi thoảng họ tính toán chi ly đến mức khiến anh phải cạn lời, chẳng có kiên nhẫn mà trả lời mấy câu kiểu vậy nữa.

Nhưng khi cậu thanh niên hỏi thế, Nhiếp Chấn Hoành lại có cảm giác cậu chàng đang rất chân thành. Không có bất kỳ hàm ý sâu xa gì khác, cậu ta chỉ muốn biết có tốn thêm tiền không, mà tốn thì tốn bao nhiêu mà thôi.

Nhiếp Chấn Hoành rất thích kiểu thẳng thắng thế này, nên anh cũng trả lời đúng sự thật luôn, "Mất thêm đấy. Nếu đóng đinh cậu phải trả thêm 5 tệ."

Phí vật liệu và phí lao động, tính thế hẵng còn rẻ.

"Vậy thì tôi không đóng đinh đâu."

Câu trả lời của Lâm Tri cũng vô cùng dứt khoát.

Nhiếp Chấn Hoành nghe khách đáp vậy, cũng chẳng mất vui tẹo nào vì không kiếm được thêm tiền.

Ngược lại, thấy câu trả lời của cậu thanh niên không khác suy đoán của mình là bao, anh còn không khỏi bật cười thích thú.

"Được, vậy cậu vừa ăn sáng vừa ngồi đây đợi nhé, lát nữa là khô thôi."

"Vâng." Lâm Tri gật đầu.

Nhưng cậu không ăn sáng ngay, mà lấy di động ra khỏi túi quần, lật danh bạ đến cuộc gọi gần nhất, gọi lại vào số đó.

"Quản lý Triệu."

"Vâng."

"Vẫn chưa ạ. Giày em hỏng rồi. Đang sửa ạ."

"Phải muộn nửa tiếng."

"Vâng. Hẹn gặp lại anh ạ."

Nhiếp Chấn Hoành nghe cậu thanh niên trò chuyện với đầu dây kia, đối đáp cực kỳ đơn giản rõ ràng súc tích, thẳng thừng đến độ anh còn có thể đoán được đầu dây bên ấy đang hỏi gì.

Chờ bên đó đồng ý rồi, bên này chẳng thèm tám thêm câu nào dư thừa, lập tức cúp máy luôn. Nhiếp Chấn Hoành nghĩ bụng, đến anh còn có thể tưởng tượng ra tâm tình của người nghe ở đầu dây kia đang đè nén đến mức nào.

Cu cậu này thú vị quá.

"Ơ, Tiểu Nhiếp ơi." Lúc này, Trương Thúy Phương – bà chủ tiệm tạp hóa kế bên thò đầu ra, tay cầm chiếc đũa.

"Chị luộc ngô, mềm lắm đấy, mau qua lấy một bắp ăn thử này!"

Trương Thúy Phương tuy có hơi bép xép, nhưng tính tình vẫn rất thơm thảo. Đôi bên đều là hàng xóm láng giềng, lại ở ngay gần nhau như thế, bình thường có đồ ăn thức uống gì ngon lành, thím đều hay sẵn lòng chia sẻ với Nhiếp Chấn Hoành.

Nhiếp Chấn Hoành quơ tuýp keo mình đang cầm, "Cảm ơn chị Trương, em đang bận ạ!"

Anh vốn định từ chối, nhưng lướt thoáng qua túi quà sáng Lâm Tri đặt trên tủ, anh lại nói lái đi, "Cậu khách trong quán em cũng chưa ăn gì, hay là chị cho người ta nếm thử nhé?"

Nhiếp Chấn Hoành còn nhớ rõ mồn một vẻ mặt chê bôi của Lâm Tri lúc nhìn túi quà sáng sau khi bị ngã. E là cậu chàng cũng chẳng muốn ăn đâu, nhưng xui thay cò không tiến, nên đành miễn cưỡng ăn vậy.

Bản thân anh cũng là một kẻ từng trải nhiều cay đắng, anh biết một khi đã nghèo quá rồi thì cái gì cũng nuốt trôi được.

Giờ anh chẳng còn chút ngại ngùng gì với việc thuận nước đẩy thuyền nữa.

"Chị nấu khéo thế này, xem như giữ khách giúp em chị nhé." Nhiếp Chấn Hoành sợ Trương Thúy Phương để bụng, nên lại nói thêm một câu. Khách mới bên anh chẳng có bao nhiêu, toàn là khách quen cũ quanh khu này, Lâm Tri có thể coi là một gương mặt mới.

"Ầy, có gì to tát đâu mà!"

Nhiếp Chấn Hoành chân què chứ miệng không què, mới khen mấy câu mà đã khiến Trương Thúy Phương vui vẻ ra mặt. Thím ta dứt khoát đi ra khỏi tiệm mình, chui thẳng vào cửa hàng sửa giày, nhét bắp ngô đang được xiên trên đũa vào tay Lâm Tri.

Động tác của thím ta nhanh tới nỗi Lâm Tri chưa kịp phản ứng, cũng không thể chối từ.

"Ngô luộc nước suông thôi, khéo khiếc quái gì!"

Thím đưa đồ ăn xong, thì mới giở lại câu nịnh ban nãy của Nhiếp Chấn Hoành, "Chú ấy à, muốn khen thì phải khen đồ ăn quán Lão Chu ngon! Sáng nay chị vừa mua bên lão ấy đấy!"

"Thế thì cũng nhờ chị khéo chọn, nên mới có ngô ngon nhường này chứ ạ." Nhiếp Chấn Hoành cười nói, "Nãy chị luộc là em đã nghe thơm nức rồi."

Lão Chu mà hai người nhắc đến là một nhà buôn nhỏ ở con phố xeo xéo đằng đối diện.

Cả gia đình năm người, trông một cửa tiệm chỉ rộng mười mấy mét vuông. Ban ngày, hai vợ chồng già lấy cửa hàng để bán rau dưa củ quả, tới tối, con trai con dâu bày thêm mấy bộ bàn ghế, bán thịt nướng bên ngoài.

Nhà bên ấy còn có một đứa bé vừa tròn hai tuổi, cả nhà tranh thủ ai rảnh lúc nào thì chia nhau chăm nó lúc ấy. Tuy rằng vất vả, nhưng cuộc sống cũng gọi là sung túc.

Trương Thúy Phương rất ưng cái miệng của Nhiếp Chấn Hoành. Nói năng ngọt xớt, không như lão mập chết bầm nhà thím, mở mồm ra là làm người ta uất chết.

Thím quay người lại tất tả về quán mình, chẳng mấy giây sau đã bưng hai cái bát sứ qua, để lên chiếc ghế trống bên cạnh Nhiếp Chấn Hoành.

"Chú không có thời gian để gặm ngô, nhưng cũng rảnh mà uống nước chớ!" Thím ta chỉ cái bát, "Chị múc cho chú hai bát nước râu ngô, thanh nhiệt giải khát, bao giờ rảnh chú uống cho nhuận hầu!"

Nói xong, thím cũng không đợi Nhiếp Chấn Hoành trả lời, mà vội vã về ngay.

Hai anh chàng bị bỏ lại trong tiệm liếc nhau, cùng bật cười.

Có điều Nhiếp Chấn Hoành cười rất thoải mái, há miệng khoe hàm răng trắng, khóe mắt nhăn cả lại vì cười. Còn Lâm Tri thì chỉ mím môi và hơi giựt khóe miệng, khiến đôi má lúm đồng tiền hiện ra một thoáng.

"Ăn đi, chị Trương tốt bụng lắm."

Nhiếp Chấn Hoành cười xong, thì hất cằm về phía thứ Lâm Tri đang cầm, "Ngô mềm đấy, ăn đi cho nóng. Ngon hơn món bánh bao của cậu nhiều."

Lâm Tri bất giác làm theo lời người đàn ông nói.

Phải tội đã đưa bắp ngô tới miệng chuẩn bị gặm, tay cậu lại chợt dừng sững, không chuyển động nữa.

Bấy giờ Nhiếp Chấn Hoành đã trét loại keo khô nhanh, đang cố định miếng gót vào đế giày. Anh lướt mắt thấy động tác của Lâm Tri, không khỏi hỏi cậu, "Sao thế?"

Hình như thằng nhóc này cứ thi thoảng lại chết máy.

"... Chưa rửa tay."

Lâm Tri nhíu mày, có vẻ hơi khó xử.

"Gì cơ?"

Nhiếp Chấn Hoành không nghe rõ, lại hỏi lần nữa.

"Trước khi ăn... phải rửa tay."

Lâm Tri xòe bàn tay ra, nhìn ngón tay mình chằm chằm, nhả từng câu từng chữ.

Nhiếp Chấn Hoành liếc bàn tay trắng nõn sạch sẽ trước mặt mình, nhất thời chưa thủng vấn đề. Đến lúc thấy năm ngón chân đang cuộn tròn trên chiếc dép lê, anh mới hiểu Lâm Tri đang nói gì.

—— Ban nãy cởi tất, chưa rửa tay.

Nhiếp Chấn Hoành: "..."

Là một kẻ thô kệch thường xuyên bưng bát lên ăn sau khi sửa giày, anh quả thực không có tinh thần tự giác như thế.

Chẳng phải vẫn còn cách một cây đũa à, có chạm trực tiếp vào đâu, sao lại không được?

Anh không hiểu lắm, nhưng nếu khách đã có thói quen đấy, thì anh cũng chẳng dám nói gì.

"Sau nhà có bồn rửa đấy."

Nhiếp Chấn Hoành dứt khoát bỏ chiếc giày đang cầm xuống, ngồi dậy tính đưa Lâm Tri đi rửa tay.

Lâm Tri đứng lên đi theo anh, khi thấy tướng đi không được bình thường lắm của người đàn ông, đôi mắt cậu lơ đãng dõi theo cẳng chân của Nhiếp Chấn Hoành. Sau khi quan sát mấy lần, cậu dừng cái chân đang dợm bước lại.

"Sao vậy?" Nhiếp Chấn Hoành quay lưng về phía Lâm Tri, nên không biết chuyện gì vừa xảy ra. Anh thấy cậu không theo kịp, thì ngoái lại gọi, "Đi có mấy bước thôi, ngay đằng sau ấy."

Anh chỉ cánh cửa sau nhà, còn tưởng Lâm Tri ngại xa quá nên không muốn đi.

"Không được."

Lâm Tri chớp chớp mắt, tự đi về phía cánh cửa ở hướng đối diện.

Để lại mình Nhiếp Chấn Hoành không hiểu mô tê gì nhìn cậu đi qua nhà kế bên, hỏi bà chủ quán, "Có khăn ướt không ạ?"

"Hở, đương nhiên là có rồi!"

Trương Thúy Phương đang ngồi đằng sau tủ kính, vừa gặm ngô vừa xem TV, thấy khách tới thì nhanh nhẩu lấy một bao khăn ướt đã khử trùng đưa cho khách.

"Bao nhiêu tiền ạ?"

"Sáu tệ."

Trương Thúy Phương báo giá xong, ngẩng lên thì thấy gương mặt Lâm Tri ở khoảng cách gần.

Úi!

Nãy không để ý, giờ mới thấy anh cu này kháu thật!

Vì thế bà chủ Trương dạo này đang mê mẩn mấy phim thần tượng bỗng thấy tim mình mềm nhũn, "Chú em đẹp trai thế này, chị tính rẻ cho cưng thôi, năm tệ!"

Nha Đậu:

Lão Nhiếp (nghiến răng): 5 tệ này! Sao em làm giàu cho bả, mà không làm giàu cho anh!?

[HẾT CHƯƠNG 3]



Chương 4: Không hợp

Nhiếp Chấn Hoành quả thực hơi hối hận vì ban nãy mình đã ra giá rẻ.

Cu cậu đây ăn tiêu thả phanh thế còn gì? Anh lại còn tốt bụng tiết kiệm tiền cho người ta, kết cục người ta vung hết ngay chỉ trong chớp mắt. Cuối cùng, hình như chỉ mình anh thiệt thôi thì phải?

Anh cũng chẳng thiếu thốn mấy đồng lời lãi này, mà chỉ cảm thấy phí tấm lòng thành của mình.

Vì thế Nhiếp Chấn Hoành không thèm quan tâm rốt cuộc Lâm Tri định làm gì nữa, lại ngồi xuống làm nốt việc của mình.

Có điều lúc anh đặt giày lên giá đinh phơi cho khô, thì một bàn tay đột nhiên duỗi tới trước mắt anh, đưa cho anh một tờ giấy ướt.

(Loại giá đinh để thợ đóng, thợ sửa giày úp giày lên đấy cố định khi làm việc)

"Cảm ơn, không cần."

Nhiếp Chấn Hoành không nhận, cúi đầu cất từng món dụng cụ mình vừa lôi ra về hộp.

Lâm Tri nhìn mười đầu ngón tay dính dầu và keo của người đàn ông, lại dứ giấy ướt đến gần một lát nữa.

Mãi đến lúc thấy Nhiếp Chấn Hoành dọn dẹp xong, cầm thẳng bát nước ngô mà bà chủ quán bên cạnh cho ban nãy lên uống một hơi cạn sạch, cậu mới lặng lẽ thu tay về.

Cậu nghiêm túc gấp tờ giấy ướt chưa dùng thật cẩn thận, nhét nó về gói giấy ướt.

Đến khi gặm hết bắp ngô, cậu mới rút giấy ra, cẩn thận lau mười đầu ngón tay một lượt.

Nhiếp Chấn Hoành không bắt chuyện với vị khách trẻ tuổi này nữa.

Con người anh bảo tốt tính cũng đúng, mà bảo xấu tính thì cũng chẳng sai. Gặp ai vừa mắt, thì dù phải khổ sở thế nào anh cũng chịu, nhưng một khi đã ngứa mắt ai, thì anh còn chẳng thèm để mặt mũi cho họ luôn.

Anh ngồi trước cửa, rít nốt nửa điếu thuốc còn lại, kéo cái chân què qua quán mì bên kia đường, làm hai bát hoành thánh cay coi như ăn trưa sớm.

(Hoành thánh cay: Sao Thủ, là món ăn đặc trưng của vùng Tây Nam, Tứ Xuyên, Trùng Khánh. Hoành thánh cỡ nhỏ nhân thịt lợn, nấu chín rồi chan với canh cay, dầu đỏ và các gia vị khác.)

Ăn xong dạo bước trở về, anh bảo Lâm Tri rằng cậu có thể trả tiền rồi đi được rồi.

Lâm Tri luôn ngoan ngoãn ngồi trong quán đợi keo khô nãy giờ, hình như cậu cũng không mảy may phát hiện hay thấy ngạc nhiên trước sự thay đổi thái độ của Nhiếp Chấn Hoành. Cậu chỉ nghiêm túc đeo giày vào, giẫm giẫm mấy cái, rồi thật thà móc tiền trả Nhiếp Chấn Hoành.

Đi đến cửa tiệm, cậu còn vô cùng lịch sự nói lời cảm ơn với Nhiếp Chấn Hoành, chào tạm biệt anh và bà chủ quán kế bên.

"Chậc chậc, không biết cu cậu này làm nghề gì mà bô giai đáo để!"

Trương Thúy Phương tựa vào quầy thuốc lá của tiệm mình, cảm thán với Nhiếp Chấn Hoành.

"Bô giai" là từ địa phương ở vùng Tây Nam này, ý là khen ai đấy có tướng mạo đường hoàng đẹp đẽ. Nhiếp Chấn Hoành quả thực rất hiếm khi thấy Trương Thúy Phương khen ai như vậy. Dầu gì thím ta ở đây bao nhiêu năm ròng, tường tận gốc rễ tất cả hàng xóm láng giềng, còn nắm được kha khá tính cách chân thực của kha khá người, cứ nhắc tới ai đấy là lại tràn trề ghét bỏ.

"Vầng."

Nhiếp Chấn Hoành chẳng mặn mà gì với chuyện xoi mói đời tư của người khác, nên đáp chị Trương một tiếng lấy lệ.

Có điều, từ cử chỉ hành vi và cách nói năng của Lâm Tri, anh có thể cảm nhận được vị khách này có cách giao tiếp khác với người thường.

"Chị ơi, chị mua máy mát xa nhé ạ? Xuất thẳng từ xưởng đấy, chỉ 199 tệ thôi chị!"

Khi hai người đang trò chuyện, thì có một thanh niên tóc vuốt keo, ôm món đồ gì đấy đang đi từ đầu đường qua bên này. Nụ cười thường trực trên gương mặt cậu ta, hễ gặp hàng quán nào là cậu ta lại vào chèo kéo một lần, cái ba lô to cồ cộ đằng sau ép lưng cậu ta oằn về phía trước.

"Đại ca ơi, anh mua một chiếc nhé? Bình thường mình cứ treo trên cổ thôi, tự động mát xa, phê lắm ạ!"

Cậu tiếp thị trẻ tuổi đi đến trước mặt hai người rồi dừng lại, chào bán sản phẩm nhà mình.

Nhiếp Chấn Hoành xua tay với cậu ta, tỏ vẻ không cần. Trương Thúy Phương cũng lắc đầu, tốt bụng nói thêm một câu với cậu tiếp thị.

"Cậu bán ở đây không đắt hàng được đâu!"

Thím hất cằm về hướng Đông, "Qua phố đàng trước ấy, bên đó có hai khu bất động sản mới phát triển, dân giàu đông hơn."

Cậu tiếp thị kia mới đi hết một vòng khu này, chưa bán được chiếc máy nào, vốn đang hơi ỉu xìu. Vừa nghe Trương Thúy Phương chỉ đường cho mình, mắt cậu ta lại sáng rỡ lên.

"Úi! Cảm ơn chị ạ!"

Cậu ta đứng thẳng lưng lên một tẹo, chỉnh đai ba lô của mình lần nữa, đoạn vác cái bao to oạch lên đường.

"199 tệ... tối nào về chị cũng đấm lưng cho bà cụ nhà mình, mà sao không thấy ai cho chị đồng cắc nào?!"

Trương Thúy Phương nhìn theo bóng lưng cậu tiếp thị, cảm thán mấy câu.

"Nhưng mà..." Thím ta lại thả tâm trí bay xa, "Nếu người bán là cu cậu tới sửa giày ban nãy, thì có khi chị còn suy nghĩ lại!"

Nghe thấy câu này, Nhiếp Chấn Hoành tự dưng hơi buồn cười. Đây là kiểu "Mặt đẹp cân hết" mà người ta hay nói đấy ư?

Chẳng qua Nhiếp Chấn Hoành không có chung suy nghĩ với Trương Thúy Phương.

Anh ngáp một cái, quẳng lại một câu khiến Trương Thúy Phương lấy làm khó hiểu, rồi về quán đánh một giấc trưa ——

"Em e là cậu ta không hợp với công việc ấy đâu."

*

Câu nói này của Nhiếp Chấn Hoành được nghiệm chứng vào hơn nửa tháng sau.

Hôm đó là cuối tuần, một khách quen của quán anh đã hẹn đến sớm để lấy đôi giày vừa đánh xi. Nhiếp Chấn Hoành đành bò dậy từ sáng sớm tinh mơ, mở hàng trước 9 giờ.

Người trông quán kế bên vẫn là Vương Kim Bảo. Thấy anh ra ngoài sớm như thế, chú ta còn tò mò hỏi phải chăng bữa nay mặt trời mọc ở đằng Tây.

Nhiếp Chấn Hoành cạn lời mua thêm chiếc bánh bao nhét vào miệng chú ta, thì mới đổi được một thoáng bình yên.

"Thời gian trôi nhanh quá, sao đã lại đầu tháng rồi!"

Một khách hàng tới mua thuốc lá, Vương Kim Bảo móc sổ kế toán ra ghi lại, rồi cầm máy tính gõ lạch cạch, "Lại đến con mẹ nó hạn nộp tiền nhà rồi."

Nhiếp Chấn Hoành nuốt miếng bánh bao cuối cùng, rút một tờ giấy ra lau miệng, "Đấy là đầu việc cố định hằng tháng còn gì, anh phải quen phỏm lâu rồi chứ."

"Hầy, tiêu tiền mới mau quen, chứ bỏ tiền ra khỏi túi mình thì quen làm sao được?!"

Quyền sử dụng tiền nong trong gia đình Vương Kim Bảo, không còn nghi ngờ gì nữa, thuộc về bà vợ Trương Thúy Phương nhà chú ta. Chuyện làm ăn trong cửa hàng có sổ ghi riêng, Vương Kim Bảo không được động vào. Mỗi tháng, thời điểm chú ta rủng rỉnh nhất là khi vợ bảo cầm tiền đi đóng tiền thuê nhà.

Những lúc còn lại, chú ta chỉ có mấy trăm tệ quỹ riêng để chơi mạt chược.

Mà còn rất hay thua liểng xiểng chẳng dư mấy xu.

"Nhắc mới nhớ, anh cũng đếch hiểu lão chủ nhà nhà anh nghĩ gì. Năm ngoái lão giao nhà cho bên môi giới, bản thân lão thì chẳng thèm quan tâm, bảo anh chuyển hết tiền cho bên môi giới đi!"

Vương Kim Bảo nói đến đây là lại tức anh ách, "Thằng cò kia thì rõ tệ, nó bảo cứ nửa năm sẽ tăng tiền nhà một lần! Thèm tiền đến mức phát rồ rồi à!?"

Nhiếp Chấn Hoành vỗ vai Vương Kim Bảo với vẻ vô cùng thấu hiểu.

Tiệm sửa giày của anh cũng là nhà đi thuê, chẳng qua chủ nhà là một giáo viên già đã về hưu, còn ở chung một tòa với anh. Ông cụ tốt tính lắm, anh thuê mấy năm liền mà cụ chưa tăng tiền lần nào, khiến Nhiếp Chấn Hoành ngại quá thể. Ngày lễ ngày Tết anh đều xách ít trái cây tới biếu ông cụ, coi như bày tỏ tấm lòng.

Ngày xưa mấy cửa hàng mặt tiền chỗ này có giá rất rẻ. Hồi đấy Nhiếp Chấn Hoành có tiền, nhưng cũng chỉ mua bừa một căn để làm chỗ nghỉ chân. Nào ngờ về sau công việc gặp biến cố, những gia sản khác đều bị mang đi thế chấp hết, anh chỉ còn căn nhà ở khu phố cũ này.

Coi như vẫn còn may mắn, chưa đến mức cùng đường cạn lối.

Hai người tán dóc một lát ngoài cửa tiệm, vị khách mà Nhiếp Chấn Hoành đang chờ đã tới.

Đó là một cô bé tầm mười sáu mười bảy, em nhảy chân sáo đến trên đôi giày vải. Vào tiệm, em tự cởi giày ra, thay đôi bốt da đã được Nhiếp Chấn Hoành đánh xi đẹp y như mới vào.

"Lại để giày chỗ chú à?"

Nhiếp Chấn Hoành chỉ vào đôi giày vải mà em vừa cởi ra.

"Dạ dạ!" Cô bé cột tóc đuôi ngựa, gật đầu một cái là đuôi tóc dài sau đầu sẽ lúc lắc theo, trông vừa tươi trẻ vừa hoạt bát.

"Chú Nhiếp, chú nhất định phải giấu thật kỹ nha, đừng để mẹ con tìm được!" Em chắp tay trước ngực, vái Nhiếp Chấn Hoành, "Chiều về con qua thay ạ!"

Đoạn đối thoại này dường như đã diễn ra rất nhiều lần giữa hai người, Nhiếp Chấn Hoành cũng không nhiều lời nữa, chỉ nói thêm một câu trước khi cô bé đi.

"Chú bảo này Tri Nhạc, con đừng có yêu sớm nhé. Không là mẹ con nện chết con đấy." Anh nói rất chí tình, "E là bả sẽ tiện thể... đập tan tành tiệm chú luôn."

"Phì!"

Phan Tri Nhạc phì cười trước câu nói khoa trương của Nhiếp Chấn Hoành, nhưng ngẫm lại tính nết của mẹ mình, nét cười kia lại nhạt đi.

"Chú Nhiếp cứ yên tâm ạ," em vỗ ngực hứa hẹn với Nhiếp Chấn Hoành, "Con đi làm chuyện đàng hoàng! Không yêu sớm đâu!"

Nói xong, em nhảy xuống bậc thang, chạy đi xa.

Chỉ để lại Nhiếp Chấn Hoành đứng đó lắc đầu đầy vẻ bất đắc dĩ. Anh giấu kỹ đôi giày vải mà mình đã dính lại keo rất nhiều lần dưới giá để hàng, không quá bận tâm đến lời cô nhóc.

.

Khu tập thể cũ náo nhiệt nhất vào lúc 8-9 giờ sáng.

Đám nhân viên văn phòng vội vã chạy xuyên con phố để bắt tàu bắt buýt, hội người già dậy sớm đã tập xong Thái Cực quyền, đang xách giỏ rau đi dạo xung quanh. Các hàng quán nhỏ bày sạp bên ngoài cũng đã chiếm được vị trí đẹp hai bên đường, gào thét tham dự vào bức tranh đô thị tỉnh giấc ồn ào náo động.

"Lão Vương, ra dọn hàng này!"

Bấy giờ, Trương Thúy Phương ra chợ sỉ nhập hàng từ sáng sớm cũng đã đánh xe ba gác về. Thím ta mau mắn nhảy xuống xe, gọi chồng ra làm việc.

"Vào Xuân rồi, em nhập thêm mấy loại bia, lát mình mang vào tủ đông nhé."

Hai vợ chồng vừa dọn hàng, vừa nói chuyện với nhau.

Chưa được mấy câu, Trương Thúy Phương bỗng chợt nhớ ra chuyện mình mới dặn chồng hôm bữa, "À đúng rồi, mình nộp tiền nhà chưa?

"Với nữa, em đã bảo mình hỏi hộ Tiểu Triệu vụ tháng sau hợp đồng hết hạn thì nhà mình ký dài hạn được không, nó bảo lại sao rồi?

"Năm nay mọi người làm ăn kém lắm, nó nên giảm giá cho nhà mình đi chứ! Nó bảo nó giảm cho bao nhiêu?"

Trương Thúy Phương là người có tính nôn nóng, nghĩ sao là nói vậy, lúc nào cũng xổ một tràng ba la bô lô, khiến người ta không kịp trả lời.

Vương Kim Bảo lặc lè bê hai thùng rượu vào thì mới thấy có khe cho mình chen mồm.

"Vợ ơi, anh còn chưa kịp nộp tiền ấy!"

"..." Trương Thúy Phương cảm thấy sớm muộn gì mình cũng bị ông chồng làm cho tức chết.

"Bảo ông làm gì cũng hỏng!"

Thím ta tức tối đảo tròn mắt, tính tự gọi thẳng cho người ta để nói chuyện. Nào ngờ vừa ngước mắt lên, nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo tới liền.

"Kìa, Tiểu Triệu!"

Thím ta chào hỏi một người đang đi đến từ giao lộ, "Chú tới thu tiền đấy à? Đúng lúc quá, chị Trương có tí việc muốn bàn với chú đây!"

Người nọ thoạt trông ngoài ba mươi, để đầu đinh, mặc bộ comple trắng thêm cà vạt đỏ. Tuy rằng bề ngoài tầm thường nhạt nhẽo, nhưng ăn vận áo quần như thế nên gã vẫn nổi bần bật trên đường.

"Chị Trương, để lát nữa được không ạ? Em đang bận tìm người." Triệu Hữu Phòng trông cáu kỉnh ra mặt, phẩy tay với Trương Thúy Phương.

"Được được được, chú cứ bận trước đi."

Trương Thúy Phương cũng không gấp gì, tiếp tục xắn tay áo dọn hàng của quán mình. Thím ta chỉ thầm thấy kỳ lạ, bình thường quản lý Triệu lúc nào cũng tươi cười niềm nở chào hỏi mọi người, sao hôm nay mặt lại như đâm lê thế?

Cứ như có ai nợ gã ta cả triệu tệ vậy.

Nha Đậu:

Đoán xem Chít Chít đã làm gì nào ~

[HẾT CHƯƠNG 4]



Chương 5: Tồ tẹt

Thời tiết đầu Xuân rất dễ chịu, buổi sáng hơi lạnh, nhưng mặt trời vừa nhú là sẽ ấm áp lên liền.

Nhiếp Chấn Hoành tiễn cô nhóc lấy giày xong thì không còn việc gì khác nữa, anh quyết định đun một ấm nước trong phòng, tiện thể điều chỉnh phần lưng của chiếc ghế gỗ tự chế từ 90 độ thành góc nghiêng 150-160 độ. Ngả lưng ở cửa, vậy là có thể vui vẻ thoải mái phơi nắng rồi.

Nước đun một chốc là sôi, ấm kêu u u.

Anh ngồi dậy, gác chân lên quầy, pha một tách trà Long Tỉnh.

Cốc trà có lưới lọc, Nhiếp Chấn Hoành nhúng lá trà trong nước mấy lần, rồi nhấc lưới lên để qua bên cạnh, như chiếc tai lọc hết tiếng ồn xung quanh.

Lại nói tiếp, thật ra anh cũng mới hơn ba mươi, nhưng giờ lại sống chẳng khác gì người già.

Nếu là mười năm trước, thì đến chính Nhiếp Chấn Hoành còn không tin nổi mình sẽ sống một cuộc đời như thế.

Nhưng có đôi khi, con người phải tin vào số mệnh.

Mệnh mà bảo có thời sẽ có, mệnh đã nói không chớ cưỡng cầu.

Cơn gió phả vào mặt anh hòa quyện đủ vị chua ngọt đắng cay, Nhiếp Chấn Hoành đã quen lâu, chỉ chuyên tâm nhấp một ngụm trà.

Anh cảm thấy tất cả đều khá ổn.

Phải tội trong khoảng thời gian nhàn nhã hiếm hoi này, có một vạt trắng chói lóa luôn lúc ẩn lúc hiện trước mặt anh.

Nhiếp Chấn Hoành híp mắt nhìn về đằng xa một lát, chợt thấy mắt mình sắp hoa cả lên vì bóng người phía trước. Tâm trạng anh dần chuyển từ trời trong văn vắt sang mây đen giăng đầy.

Anh đặt tách trà lên tủ, đang định mở miệng kêu cái kẻ mặc bộ comple trắng trên đường bớt lượn lờ đi, thì Trương Thúy Phương nhà bên đã chịu hết nổi trước.

"Ới này Tiểu Triệu, chú cứ đi tới đi lui, đi tái đi hồi quanh đây làm gì đấy?"

Trương Thúy Phương vừa xếp xong hàng họ, thím ta lấy một chai Coca đá ra từ tủ đông nhà mình để uống, bắt chuyện với gã cò đất Triệu Hữu Phòng vẫn luôn lắc lư ven đường nãy giờ, "Chú muốn tìm ai thì tìm đi, cứ lảng và lảng vảng ở đây có tác dụng gì?"

Đám tiểu thương lâu năm trên con phố này hầu như đều sống trong khu tập thể của xưởng máy móc ở đằng sau.

Xưa xửa xừa xưa, cả khu vực phía Bắc này từng là một xưởng ô tô, máy móc được lắp ráp và vận chuyển đến mọi miền đất nước. Vào thời kỳ hưng thịnh nhất, xưởng phải có đến mấy chục nghìn công nhân. Hồi đó, người ta xây mấy tòa nhà trong xưởng để công nhân ở. Về sau, qua làn sóng sa thải, nhà máy đóng cửa, dần bị các khu đô thị mới và mấy bên kinh doanh thầu lại. Nhưng những tòa nhà cũ vẫn lặng lẽ đứng đó, âm thầm nhìn ngắm năm tháng đổi thay.

Hai mươi, ba mươi năm sau, những tòa nhà này đã xập xệ không ra thể thống gì nữa, đến mặt tường ngoài cũng bong tróc loang lổ tồi tệ. Phần lớn các gia đình ở khu này từ ngày xưa đều chuyển ra ngoài sinh sống rồi, căn hộ trong này họ thường cho thuê hoặc bán lại. Vì nhà chỉ có thang bộ, giá lại rất rẻ, nên nhiều dân buôn nhỏ quanh đây hay lấy nó nhà kho và chỗ ở.

Cửa vào khu nhà ở ngay gần tiệm giày của Nhiếp Chấn Hoành, đi thêm hai ba quán nữa là tới. Có cổng sắt to, nhưng chẳng ai trông, chỉ để đấy cho đẹp mà thôi.

Ban nãy Triệu Hữu Phòng cứ lượn qua lượn lại chỗ cái cổng sắt này, nhưng không đi vào, Trương Thúy Phương nhìn mà còn sốt hết cả ruột.

"Thì tại em không biết nó ở chỗ nào chứ còn gì nữa?!"

Triệu Hữu Phòng cũng đang vội lắm chứ đùa, gã bỏ cả đống việc dang dở lại để qua bên này, nào ngờ chờ nửa buổi ròng mà chưa thấy ai xuống hết.

"Chú tìm ai đấy, nói thử xem nào, nhỡ đâu chị lại biết!"

Trương Thúy Phương tự quạt bằng tay áo, tốt bụng bảo Triệu Hữu Phòng. Không phải thím ta khoe khoang đâu, nhưng thím chính là đấng biết tuốt ở khu tập thể này đấy.

"Lâm Tri." Triệu Hữu Phòng vội vàng nói, "Một thằng cu trông bô giai ra phết."

Bô giai.

Đây là lần thứ hai Nhiếp Chấn Hoành nghe thấy từ này dạo gần đây.

Anh không khỏi nâng mí mắt lên.

Anh đang hưởng thụ thời gian phơi nắng của riêng mình, không định nghe lỏm người khác nói chuyện, phải tội hai người kia to mồm quá, anh muốn không nghe cũng khó.

"Lâm Tri... chưa nghe thấy tên nớ bao giờ." Trương Thúy Phương lục lọi ký ức một vòng, lắc đầu.

"Hầy," Triệu Hữu Phòng cũng chẳng trông mong gì Trương Thúy Phương biết, chỉ thở hắt ra, "Cũng tại em đui mù, ngày xưa tuyển người nhìn không rõ."

"Cậu Lâm Tri này bị làm sao à?"

Trương Thúy Phương sẵn tính tọc mạch, vừa nghe giọng điệu của Triệu Hữu Phòng là thím ta nổi cơn tò mò ngay, "Chú vội vã tìm thằng nớ như thế, nó nợ tiền chú à?"

"... Cũng dàng dạng vậy ạ."

Dù sao đợi mãi cũng không thấy ai, Triệu Hữu Phòng tích cả bầu bực tức trong bụng, quyết định tán dóc tào lao với Trương Thúy Phương luôn.

"Năm ngoái tình hình chung không ổn, nên bên em cũng sa thải mấy chú. Năm nay khởi sắc hơn một chút, sếp sai em đi tuyển một đứa về. Còn đòi phải đẹp mã, ổng bảo thế mới nâng cao tỉ lệ trúng quả được.

"Đúng là trò đùa!" Giọng điệu Triệu Hữu Phòng nghe rất hằn học, "Thằng Triệu Hữu Phòng này lăn lộn trong nghề bao lâu nay, đều kiếm mối nhờ hai cái chân với một cái mồm, làm gì có chuyện cứ đẹp mã là có khách theo được?"

Trương Thúy Phương đảo mắt, nghĩ thầm trong bụng biết đâu lại đúng thế đấy. Dù gì đám đàn bà con cái như họ thường xuyên bốc đồng dâng ví vì vẻ ngoài của người bán mà.

Nhưng thím đang bận hóng chuyện đằng sau, nên không phản bác.

"Dù sao sếp đã bảo, thì em xin nghe." Triệu Hữu Phòng kể tiếp, "Mỗi tội tuyển mãi một tuần, mà mấy đứa tới toàn là hạng dưa vẹo táo nứt, đếch nhìn nổi!

"Sau đấy em còn tính chuyện hay là cứ thuyết phục sếp bỏ cuộc đi, nào ngờ, khà, đúng là em vớ được một đứa đẹp mã ở ven đường thật!

"Nên em bảo nó tới nhận việc."

Trương Thúy Phương tợp một hớp Coca, trợn mắt ợ hơi.

"Mấy chú làm bất động sản mà tuyển người bừa phứa vậy à?" Tiệm đồ ăn sáng nhà bên tuyển chân học việc, bét ra còn đòi tay chân nhanh nhẹn thạo việc dùng dao cơ mà!

"Hầy," Triệu Hữu Phòng đáp rất đỗi thờ ơ, "Lũ môi giới bọn em, nói thẳng ra cũng chẳng khác đám tiếp thị là bao, hiểu con chữ biết nói năng là được, còn đòi kỹ năng gì nữa?"

"... Cũng phải."

Trương Thúy Phương gật đầu, tiếp tục gặng thêm, "Vậy cái cậu Lâm Tri kia đã làm gì mà để chú tức như thế? Chẳng lẽ chỉ được mỗi cái mặt, chứ không hiểu con chữ biết nói năng?"

Triệu Hữu Phòng thấy Trương Thúy Phương uống Coca ngon lành quá, thì cũng tự bỏ tiền mua một chai. Sau khi ngửa đầu nốc mấy hớp, gã mới cằn nhằn tiếp, "Chả thế còn gì!

"Chị không biết đâu, cái thằng nó độc lạ lắm! Mới non nửa tháng, mà nó đã làm em mất mấy đơn to! Em phục nó luôn."

Hiếu kỳ là bản tính của loài người, Trương Thúy Phương vừa nghe là phấn khích liền, "Sao sao?"

Đến cả Nhiếp Chấn Hoành ngồi ngoài rìa phơi nắng cũng không khỏi dỏng tai lên.

"Lần đầu tiên, tụi em đưa một khách hàng đi ký hợp đồng.

"Em có việc đột xuất, nên nhắn tin WeChat cho nó, bảo nó đi đón khách ở khu đô thị Hoa Lệ."

(WeChat: mạng xã hội của TQ, thủy tổ WeChat bên mình.)

Triệu Hữu Phòng nhấn thật mạnh vào một câu: "Chỉ đón khách từ khu đấy qua văn phòng bên bọn em. Có mỗi chuyện đơn giản thế thôi!"

"Khu đô thị Hoa Lệ à, chị biết, không phải nó ở phố kế bên hả."

Trương Thúy Phương gật đầu hùa theo.

"Đúng đấy ạ, đi có mấy bước thôi!" Triệu Hữu Phòng cầm chai bảo, "Nhưng nó thì hay lắm cơ, chạy qua trường tiểu học Hoa Tây đợi người ta!"

"Tuy trường đấy cũng không xa chỗ đó lắm, nhưng trường tiểu học với khu đô thị có phải là một cái đâu!?" Nhắc tới chuyện này Triệu Hữu Phòng lại cú điên lên, "Em không hiểu nổi sao có mỗi mấy chữ bọ mà còn đọc sai được? Bắt khách của em đợi hẳn một tiếng! Người ta tức lồng tức lộn lên, qua ký hợp đồng công ty khác!

"Vụ thứ hai, qua một khu nhà khác.

"Em đã vẽ hẳn bản đồ ra cho nó rồi, còn cố ý đưa nó đi thăm thú trước mấy lần. Sau khi làm quen hết lượt khu phố, em hẹn khách, sai nó dẫn khách đi xem nhà."

Triệu Hữu Phòng nói tiếp, "Khách đấy muốn mua nhà sang tay, cũng qua xem vài lần rồi, lần này tới nhìn lướt lượt cuối để chốt thôi, chuyển tiền trả đủ ngay tức thì."

"Đơn hàng kiểu này mà nó cũng phá được á?" Trương Thúy Phương càng nghe càng cảm thấy thú vị.

"Chứ còn sao nữa ạ!"

Triệu Hữu Phòng nghiến răng nghiến lợi gật đầu, "Nó còn rõ là ngây thơ vô tội! Nó bảo từ đầu chí cuối nó nói mỗi một câu, thế là khách không mua nữa, nó cũng chả biết tại sao."

"Hả?" Thế thì hơi lạ nhể.

"Khu đó cũng vừa sửa lại được vài năm thôi, còn mới lắm, trong đấy có một tòa nhà chánh hai tầng bình thường hay dùng cho mấy sự kiện. Căn mà vị khách kia muốn mua tình cờ ở ngay cạnh tòa nhà chánh ấy." Triệu Hữu Phòng không kể thẳng ra Lâm Tri đã nói gì với khách, mà lại đề cập tới chuyện khác.

"Chị nói coi, đang yên đang lành, tòa nhà chánh ấy cũng được chủ đầu tư sửa lại cho hợp khu dân cư rồi. Bình thường mọi người làm tiệc cưới tiệc mừng, hoặc bà con khối phố có hoạt động gì thì đều xài nó. Chỉ hiềm mỗi một nỗi là..."

Triệu Hữu Phòng lau mặt, "Trước đó, lúc em dẫn nó đi khảo sát thực địa... thì tình cờ chỗ đấy đang làm đám tang.

"Bày... khá nhiều vòng hoa, còn cả một cái quan tài nữa."

Nhiếp Chấn Hoành đang nâng tách lên uống trà, nghe vậy phải phát sặc.

Triệu Hữu Phòng hẵng còn tiếp tục.

"Giờ thì hay rồi. Khách kia lượn lờ tới trước tòa nhà chánh, thuận mồm tò mò hỏi một câu, tòa này dùng làm gì thế.

"Chị đoán xem?" Trán Triệu Hữu Phòng nổi cả gân xanh, "Thằng cu kia xổ toẹt luôn ——

"Nhà xác!"

Nhiếp Chấn Hoành không nuốt nổi ngụm trà nữa. Theo tiếng cười sằng sặc của Trương Thúy Phương, anh cũng phì cả trà ra vì buồn cười.

"Chị bảo giờ là thời nào rồi, ai mà chẳng biết khoa học! Nhưng có người lại kị vụ đấy!" Triệu Hữu Phòng thở dài, "Về sau em có nói rách mỏ thế nào khách nhà người ta cũng không chịu mua nữa. Đơn cả triệu tệ cứ thế đi tong.

"Vụ thứ ba, còn vụ thứ ba nữa tin nổi không?"

Trương Thúy Phương đang nghe ngon trớn, hớn hở giục Triệu Hữu Phòng kể tiếp, "Vụ thứ ba thì sao?!"

"Hầy, vụ thứ ba... là mới hôm qua thôi." Triệu Hữu Phòng trông như thể đã bị cậu nhân viên tên Lâm Tri kia tra tấn đến mức hơi suy sụp, nói với giọng điệu uể oải, "Ở căn nhà mà bên em làm đại lý cho thuê, chúng em đi gia hạn hợp đồng với khách.

"Em còn không dám dặn nó làm gì, tự em lên lầu kiểm tra phòng ốc, chỉ sai nó cầm thẻ ra vào đến ban quản lý tài sản để thanh toán tiền điện nước.

"Kết quả thì sao... em chỉ không trông nó mười phút thôi. Lúc em xuống lầu, nó đã choảng nhau với bên quản lý bất động sản rồi!"

Triệu Hữu Phòng nốc nốt chút Coca cuối cùng trong chai, ợ một cái.

"À, bảo choảng nhau thì cũng không đúng, mà là mình nó bị người ta tẩn cho."

Nói đến đây, mặt Triệu Hữu Phòng lộ một tẹo thương xót. Nhưng sau khi bị thọt mấy vố vì Lâm Tri, chút thương cảm kia nhanh chóng biến mất sạch trơn.

"Ông quản lý bên đấy tính cũng khó ở thật, trước em từng bị lão chửi mấy bận rồi. Nhưng nếu nói chuyện tử tế với người ta, thì cũng không đến mức choảng nhau đâu chứ?" Triệu Hữu Phòng thở dài, "Về sau em lôi nó về thì mới nghe ông quản lý bảo, thằng cu kia chập mạch lắm. Bên quản lý chỉ kêu nó cung cấp một số thông tin về khách thuê, nào ngờ nó cứ khăng khăng nói không được tiết lộ thông tin riêng tư của khách hàng, bảo kiểu gì cũng không chịu đưa!"

"Thế này thì..."

Trương Thúy Phương nghe hết câu chuyện, nghẹn ngào rõ lâu, chỉ rặn được một câu, "Thằng bé này, hình như hơi bị... cố chấp ấy nhỉ?"

Nhiếp Chấn Hoành cũng âm thầm gật đầu trong lòng.

Thậm chí anh còn lẳng lặng bồi thêm một câu: E là một đứa ngố tàu không biết cách đối nhân xử thế đây. Hơi bị tồ.

Triệu Hữu Phòng lười chẳng muốn bình luận thêm nữa, gã đã tính chuyện sa thải cái đứa lạ lùng này đi rồi.

Hôm nay gã tới đây là để đòi thẻ ra vào. Hôm qua gã bận xoa dịu chủ đất và khách thuê, nên bảo Lâm Tri về trước đi gặp bác sĩ chữa trị vết thương, thẻ ra vào vẫn ở chỗ cậu ta, sáng nay khách đang đòi loạn lên đây.

Có vẻ hay tin cò với chủ đất đánh nhau, nên khách không định gia hạn hợp đồng thuê nữa.

Thế này thì Triệu Hữu Phòng chịu làm sao nổi?

Thành tích cả tháng nay của gã đã bị thằng cu Lâm Tri cho hết về âm, giờ lại mất thêm đơn nữa, gã ta sống thế nào được đây!?

Đôi lúc xả hết ra quả thực thoải mái hơn hẳn cứ dồn nén ở trong lòng.

Triệu Hữu Phòng chém gió với Trương Thúy Phương một lát, tâm trạng buồn bực vì bị Lâm Tri phá bĩnh đã thuyên giảm đi nhiều.

Điều ấy khiến gã không nổi đóa ngay lập tức khi thấy nhân vật chính của câu chuyện chậm chạp đi ra từ cổng khu dân cư.

"Đồ đâu?" Gã chỉ lạnh lùng xòe tay ra.

"À." Cậu thanh niên cao gầy hẵng còn mặc áo ngủ đeo dép lê, cầm một chùm chìa khóa và một chiếc thẻ. Thấy động tác của Triệu Hữu Phòng, cậu đưa hết những món đồ trong tay cho gã một cách rất đỗi tự nhiên.

Tiếng kim loại va chạm vào nhau cùng rơi xuống lòng bàn tay Triệu Hữu Phòng với chiếc thẻ ra vào.

Triệu Hữu Phòng: "?"

"... Ngại quá." Khựng mất hai giây, Lâm Tri mới rút chìa khóa nhà mình về từ tay Triệu Hữu Phòng, "Cái này là của em."

Triệu Hữu Phòng cũng phải bật cười.

"Đợi mãi mà cậu không xuống, còn chưa dậy à!?"

Dù sao chăng nữa, biết hôm nay mình có thể thoát khỏi thằng nhân viên độc lạ này, Triệu Hữu Phòng cũng không cáu giận nữa.

"Ừm... dậy rồi ạ."

Lâm Tri đưa tay lên dụi mắt, nào ngờ lại đụng phải vết thương trên gò má, cậu xuýt xoa rồi mới nói tiếp.

"Lúc anh gọi, là em dậy rồi. Sau đó em rời giường, súc miệng, rửa mặt, đi vệ sinh,..."

"Thôi thôi thôi!" Triệu Hữu Phòng ngắt lời cậu, "Tôi không có hứng thú với chuyện cậu đã làm, tôi đến chỉ để báo với cậu một tiếng, thứ Hai tuần sau cậu khỏi cần đi làm nữa!"

Nói xong, Triệu Hữu Phòng thấy sảng khoái cả tâm hồn.

Nhìn từ góc độ của Nhiếp Chấn Hoành, ánh mắt cậu thanh niên cũng chẳng dao động gì trước lời lẽ của gã quản lý.

Dường như não cậu ta chỉ tạm dừng vài giây, như thể đang tiêu hóa hàm nghĩa của câu nói ấy, rồi cậu ta mới thong thả cất lời, "Vâng.

"Vậy có, trả lương nữa không ạ?"

Nha Đậu:

Một phần bối cảnh truyện này tui dùng tin tức xã hội thật nha (Lấy của đài 1818 Hoàng Kim Nhãn á XD)

[HẾT CHƯƠNG 5]

Lâm Tri có một số biểu hiện của người mắc Rối loạn Phổ Tự kỷ (ASD). Trong chương này, ta thấy Lâm Tri phải làm theo một quy trình, thói quen có sẵn, dù đang trong hoàn cảnh gấp gáp.

Thói quen sinh hoạt theo quy trình định sẵn rất quan trọng với người tự kỷ. Họ thường cảm thấy khó thích ứng với sự thay đổi hay chuyển tiếp. Họ có thể sẽ phải ăn, ngủ, sinh hoạt, rời nhà theo một giờ giấc nhất định, một quy trình duy nhất. Khi phải rời khỏi thói quen hoặc quy trình của mình, người tự kỷ có thể sẽ bị hoảng loạn, lo âu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro