Không Tên Phần 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Anh Định à, chỗ này tôi chắt cóp 2 tháng nay, xem ra cũng đủ trả một phần khá món tiền anh hảo tâm cho mượn, anh nhận giùm tôi, cứ lần lữa hoài, tôi thật không phải.


- Bác Từ đừng nói vậy, xóm giềng với nhau, không tình cũng nghĩa, bác cứ giữ lại mà tiêu, thỉnh thoảng cháu nó có lỡ dại chạy qua vặt trộm quả khế, quả roi, xin đừng chấp nhặt là được


- Có chuyện này tôi muốn nói, mà không biết nói sao cho đặng...


- Xin bác cứ nói


- Cô nhà anh...à cô Thục, cô Thục đấy, tôi có người bạn đồng liêu ăn giỗ từ trấn Sơn Tây về, nhà họ Phùng rước cô ấy, rước cô ấy rồi anh ạ...


Mắt ông Định hấp háy, nắng trưa dội xuống đầu nóng ghê gớm, lóa mắt ông, lóa cả lòng ông, ông thấy sức nóng và cái chi nữa nứt toạc bên trong mình như ánh sáng gay gắt nứt toạc trên nền gạch nung. Lão Từ run run cúi đầu, dợm hé nhìn ông, rồi lại cụp xuống, giọng khàn đặc, đứt quãng :


- Xin lỗi anh, anh Định, tôi biết tôi già lú lẫn, ăn nói không nên chữ nên nghĩa, làm anh bận lòng, xin anh thứ lỗi cho lão già hồ đồ, xin anh...


- Đừng, bác, vạn sự không tránh khỏi số trời, tôi với Thục hữu duyên mà không tương ý, ắt vô phận, tội chỉ tội thằng Đạt, còn dại mà đã không mẹ chăm nom dạy dỗ, tôi thực có lỗi...


Nói đoạn, ông Định tiễn lão Từ ra cổng. Dáng hình nhỏ thó của lão đã khuất sau bụi tre nhưng mãi ông Định vẫn không nhấc nổi một bước. Mắt ông đăm đắm nhìn về phía Bắc, mặc kệ lửa như đang liếm dần thân mình, lửa trời và cả lửa lòng. Ngày Thục dứt áo ra đi, nàng dường đã đoạn tình đoạn nghĩa, dẫu ông có thuyết phục, có nài nỉ cách mấy, nàng vẫn khư khư giữ lấy những gì mình cho là đúng, bỏ mặc ông cùng con trở về nhà cha. Cũng dưới cái nắng như nung chảy da thịt, thằng Đạt đuổi theo níu vạt áo nàng mà đòi mẹ, Thục dừng lại bế con lên vỗ mà rằng :


- Ở đời nam nhi chi chí, mẹ cho con làm vua, làm chúa, cha con không ưng, lại muốn con thoái chí như cha mà quỳ gối xưng thần, đáng sao ? Lẽ thường, con phải theo cha, con cứ ở lại với cha con làm đấng trượng phu quân tử, nhất mực trung trinh mà cha con muốn, vậy mới tường minh đức cha thờ


Từng tiếng từng lời như xoắn xít bám vào tâm can ông Định. Sự đả kích sâu cay từ người đầu ấp tay gối, nay vì nghịch ý, nghịch chí mà thốt nên, khiến ông đau khổ đến từng vậy. Câu chữ này hằn vào tim ông, tưởng Trường Giang kia, sóng sau có xô sóng trước ngàn năm cũng không rửa nổi. Nếu là một kẻ khác, ông sớm đã quy cho hắn loạn thần tặc tử mà kết tội, nhưng đây lại là Thục, là cô gái yêu kiều đoan trang, là người vợ sắc sảo chu toàn, là người mẹ ân cần nghiêm khắc của con ông mà ông hằng yêu thương, chăm sóc. Giằng thằng Đạt từ tay Thục, trong khoảnh khắc, cả người ông run lên, lại cảm thấy trống hoác, vô hồn vô khí, lời thoát ra như âm vọng từ đâu :


- Nàng đi đi, "nhất dạ phu thê bách dạ ân", ta không gây khó dễ cho nàng, chỉ mong từ nay, đã một lòng dứt bỏ, xin đừng tưởng mộng đế vương mà gây tội lên Văn Đạt


- Con trai ta có mệnh trời, là "thiên chi kiều tử", nay chàng đoản mạng nó đi, sau đừng trách cứ ta đã không cảnh báo, số kiếp chẳng còn lẫm lẫm liệt liệt như đã định nữa, cáo từ.


Nói xong, nàng quay lưng đi một mạch khỏi làng. Thục là một cô gái mạnh mẽ, lễ giáo không làm khó được nàng, lại thêm xuất thân danh gia vọng tộc, không gì cản trở, ông Định theo lý chẳng phải lo lắng về chuyện chung thân về sau cho nàng. Nhưng ông yêu nàng. Đối với nàng, ông không chỉ có nghĩa phu thê. Lời ông là ông dụng trí, tức lời Nho, lời đạo nói, còn lời ông muốn nói, tâm ông đã bị trí kiềm, chẳng thoát khỏi miệng. Ông muốn kề bên Thục như những ngày cầm sắt mặn nồng, gia trang đầm ấm. Ông muốn thằng Đạt vẫn có thể cùng được cha mẹ dạy dỗ, chăm nom nên người. Nhưng ông không thể nói, ông không thể giữ Thục lại, vì Thục đã gióng lên hồi trống cấm mà ông nhất mực bài trừ, không bao giờ chấp nhận. Đến tận bây giờ, ông vẫn thương yêu, nhung nhớ Thục, ông vẫn không ngừng hồi tưởng khoảng thời gian cả gia đình hạnh phúc, ông vẫn cảm thấy tâm hồn mình rỗng tuếch, phực cháy dưới nắng mỗi buổi trưa, dẫu vậy ông không cho mình làm sai, càng không hối hận vì hành động của mình. Đạt là một đứa sáng dạ, cái nó cần học là trung trinh hiếu để, là phụng sự đất nước, chứ không phải hoán triều đoạt vị, phản nghịch lật ngôi. Ông Định ngồi ghế đẩu trước hè, thẫn thờ...


- Ông Nguyễn ơi sao thẫn thờ thế kia, ông có còn nhớ tôi không ?


Ông Định giật mình, ngẩng lên tắp lự, mắt nhác thấy bộ ria quen thuộc rung rung trước mắt liền tóm lấy tay người kia, nắm chặt mà rằng :


- Năm quản gia phải không ? Ông khách sáo với tôi ư ? Sao ông gọi tôi nghe mà xa cách ? Nhạc phụ...ý tôi là Nhữ đại nhân, thời gian này đại nhân ra sao ? Tiểu thư nhà ông, tôi nghe nói nay đã an bề gia thất, thực tôi cũng chẳng mong gì hơn...chẳng hay ông tìm tôi có việc gì ?


- Định à, tôi chỉ là kẻ nô tài hèn mọn, chịu đức của đại nhân, sau lại được người làm con rể như cậu chiếu cố, nay cậu với tiểu thư gương vỡ chẳng thể lành lại nữa, tôi cũng không giúp gì được, chỉ có thể theo lời đại nhân đến chuyển bức thư này cho cậu. Đại nhân có dặn kỹ thư này rất quan trọng, đây cậu tận tay nhận lấy, cho tôi an lòng. Sau này, không biết đến bao giờ mới còn dịp gặp lại, tiện đây, hãy để tôi từ biệt cậu cho trọn nghĩa trọn tình.


Nói đoạn liền trao bức thư cho ông Định, vái ông ba vái rồi đi thẳng về phía Bắc, theo đường ngày xưa Thục bỏ đi. Ông Định phần vì nhớ, phần vì thân tình của gia đình bên vợ mà cảm động bùi ngùi, vào nhà gột rửa tay chân sạch sẽ, đoạn, đến bên án thư bóc giấy niêm ra. Ông nâng bức thư ráo hoảnh mực tàu bằng cả hai tay, cẩn thận soi dưới ánh sáng mặt trời hắt bên ô cửa sổ, từng con chữ mềm mại mượt mà mà dứt khoát, kiên quyết như ngọn trúc cành mai lần lần xuất hiện :


Nhữ Văn Lan kính thư đến Nguyễn Văn Định,


Hãy để ta gọi con là Định thay cho những danh xưng xa vời, và cũng hãy để ta dùng tên thay cho những tước hiệu sáo rỗng, dù chúng ta đến đây, duyên cũng đã cạn, nhưng nghĩ cho cùng, tình vẫn còn thâm.


Con với Thục tưởng đã tương ý mà phối ngẫu sắt cầm, răng long đầu bạc. Bởi đâu hóa ra đồng sàng dị mộng, âu cũng là cái nghiệp của nhà ta, không có phước phần giữ được con rể như con. Cái Thục là phận nhi nữ nhưng lại chí khí ngút trời, giỏi chuyện bút nghiên, thứ nữa là tường lý số, am toán thuật, toàn những việc đàn bà con gái không nên dây vào. Con là đệ tử cửa Khổng sân Trình, một mực trung trinh, hẳn không thể cùng con ta ngồi chung một chiếc thuyền dong về phía gió lay rung chuyển đồi lau, sấm đánh sáng lòe gốc gạo. Biết trước oán khí có ngày thành hình nên con ta nuôi chí lớn, bản thân ta chẳng làm được gì hơn trước lý lẽ có bề sắc sảo của nó, lại nói vốn đã tính chuyện rút khỏi hoạn lộ, định ít năm nữa thu xếp gọn gàng tất sẽ lui về quy ẩn, chẳng lưu luyến vương nợ công danh quan trường nữa, nên đành đứng nhìn con ta ủ mộng trái quấy, lại khiến loan phượng rẽ đôi, mong con nể tình đừng buông trách cứ. Chắc là đến giờ con cũng đã được tin Thục tái giá với con trai nhà họ Phùng trên trấn Sơn Tây, điều đó, dù muốn dù không, cũng khẳng định sự đoạn tuyệt giữa hai nhà chúng ta. Ta rất trân trọng tài năng và nhân cách của con, tuy nhiên, mọi sự do trời, ta không định được, nay đành coi con như con trai, hết mực yêu quý, nếu con có đem lòng oán giận cũng đành chịu, ta chỉ có thể thực tâm đối đãi, mong con rộng lượng khoan thứ.


Văn Đạt hãy còn nhỏ tuổi, tính nết hiếu kỳ nhưng ham học, là đứa trẻ đầy tiềm lực và năng lực, con thân là cha, gà trống nuôi con, cứ nên chú trọng dạy dỗ nó nên người là chính, ta giờ đã già yếu lại ở xa, chẳng còn quan hệ qua lại gì, không thể dìu dắt cháu ta như xưa, trông nhờ con cả. Nay thư !


Ngày 11, nhuận tháng 4 niên hiệu Cảnh Thống thứ 3



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro