(Sách dịch) Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm - Chương 4.1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giá Trị Của Sự Chịu Đựng

Vào những tháng cuối cùng của năm 1944, sau gần một thập niên chiến tranh, mọi thứ đều chống lại nước Nhật. Nền kinh tế của họ điêu đứng, quân đội rải rác khắp một nửa vùng đất châu Á và phần lãnh thổ mà họ giành được qua chiến dịch Thái Bình Dương giờ đây sụp đổ như quân cờ domino trước thế lực của nước Mỹ. Thất bại dường như là có thể dự đoán được.

Vào ngày 26 tháng 12 năm 1944, thiếu úy Hiroo Onoda của Lục quân Đế quốc Nhật bản đã được điều động tới một hòn đảo nhỏ ở Lubang, Philippine. Nhiệm vụ của ông là làm chậm chân quân đội Mỹ hết sức có thể, đứng lên và chiến đấu bằng mọi giá, và không bao giờ đầu hàng. Cả ông lẫn người chỉ huy của mình đều biết rằng đây thực chất là một nhiệm vụ tử vì đạo.

Vào tháng 2 năm 1945, quân đội Mỹ đổ bộ tới Lubang và đóng quân trên hòn đảo với một lực lượng dày đặc. Trong vài ngày, hầu như tất cả lính Nhật đều đầu hàng hoặc bị tiêu diệt, nhưng Onoda và ba người của ông vẫn trốn trong rừng. Từ đó, họ bắt đầu một chiến dịch chiến tranh du kích chống lại quân đội Mỹ và người dân địa phương, tấn công con đường cung cấp lương thực và hàng hóa thiết yếu, tập kích những người lính đơn độc, và quấy rối quân đội Mỹ bằng bất cứ cách nào mà họ có thể thực hiện.

Tháng 8 năm đó, vào sau nửa năm, nước Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki. Nước Nhật đầu hàng, và cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử loài người cũng đi đến hồi kết.

Tuy nhiên, hàng ngàn lĩnh Nhật vẫn rải rác trên những hòn đảo nhỏ thuộc Thái Bình Dương, và hầu hết trong số đó, cũng như Onoda, đều lẩn trốn trong rừng sâu, không hay biết rằng chiến tranh đã kết thúc. Những người không tuân theo thế sự tiếp tục chiến đấu và cướp bóc như họ vẫn làm trước đấy. Đây đúng là một vấn đề lớn đối với việc tái kiến thiết lại Đông Á sau chiến tranh, và các chính phủ đồng ý rằng cần phải làm một điều gì đó.

Quân đội Mỹ, liên hợp với chính phủ Nhật Bản, đã rải hàng ngàn tờ rơi khắp khu vực Thái Bình Dương, thông báo rằng chiến tranh đã kết thúc và đã đến lúc để mọi người trở về nhà. Onoda và đồng đội của ông, đã tìm thấy và đọc những tờ rơi ấy, nhưng không giống như những người khác, Onoda cho rằng chúng là giả, đó là một cái bẫy do quân đội Mỹ bày ra để khiến những người lính du kích lộ diện. Onoda đốt hết những tờ rơi ấy, và ông cùng các đồng đội của mình tiếp tẩn lẩn trốn và chiến đấu.

Năm năm trôi qua. Chiến dịch rải tờ rơi đã dừng lại, và các đội quân Hoa Kỳ đã quay về nhà từ lâu. Người dân địa phương trên đảo Lubang cố gắng quay trở về với cuộc sống thường nhật của công việc đồng áng và đánh bắt cá. Còn Hiroo Onoda và những đồng đội vui tính của mình, vẫn tiếp tục nã súng vào những người nông dân, ăn trộm nông sản của họ, ăn trộm đồ dùng sinh hoạt của họ, và giết hại những người dân bản xứ đi quá sâu vào trong rừng già. Chính phủ Philippine lại tiếp tục in các tờ rơi mới và rải chúng khắp khu rừng. Hãy lộ diện, họ nói. Chiến tranh đã kết thúc rồi. Các người đã thua rồi.

Nhưng lần này nữa, chúng cũng bị bỏ qua.

Vào năm1952, chính phủ Nhật thực hiện một nỗ lực cuối cùng để lôi kéo những người lính đang lẩn trốn còn sót lại ra khỏi Thái Bình Dương. Lần này, thư và ảnh từ gia đình của những người lính bị mất tích được thả xuống bằng máy bay, cùng với cả thư tay của chính Nhật hoàng. Một lần nữa, Onoda từ chối tin rằng thông tin này là thật. Một lần nữa, ông lại cho rằng đây là một cạm bẫy của quân đội Hoa Kỳ. Một lần nữa, ông và các đồng đội lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.

Thêm một vài năm nữa trôi qua và người dân Philippine, quá mệt mỏi với việc cứ bị khủng bố, cuối cùng cũng tự vũ trang và bắt đầu bắn trả. Vào năm 1959, một người đồng đội của Onoda đã đầu hàng, và một người khác bị tiêu diệt. Rồi một thập kỷ sau đó, người đồng đội cuối cùng của Onoda, tên là Kozuka, cũng bị giết chết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát địa phương trong khi đang đốt ruộng lúa của người dân – vẫn tiến hành chiến tranh chống lại người dân dịa phương sau khi Thế chiến II đã kết thúc được một phần tư thế kỷ!

Onoda, lúc này đã dành hơn nửa đời mình trong rừng rậm Lubang, giờ chỉ còn lại một mình.

Năm 1972, tin tức về cái chết của Kozuka đã lan đến nước Nhật và làm dấy lên một cơn náo động. Người Nhật cho rằng những người lính cuối cùng của cuộc chiến đã trở về nhà từ nhiều năm trước. Truyền thông Nhật bắt đầu đặt ra câu hỏi: nếu như Kozuka vẫn còn ở lại Lubang cho tới tận năm 1972, vậy thì bản thân Onoda, người Nhật chống đối cuối cùng từ Thế chiến II, có lẽ vẫn còn sống. Năm ấy, cả chính phủ Nhật lẫn Philippine đều gửi đội tìm kiếm để tìm viên thiếu úy bí ẩn, giờ vừa là nhân vật huyền thoại, vừa là người hùng, vừa là một bóng ma.

Họ không tìm thấy gì hết.

Nhiều tháng trôi qua, câu chuyện về viên thiếu úy Onoda biến đổi thành một kiểu thần thoại thành thị ở Nhật Bản – vị anh hùng chiến tranh nghe có vẻ quá điên khi thực sự tồn tại. Rất nhiều người lãng mạn hóa ông. Những người khác phê phán ông. Những người còn lại thì cho rằng ông là sản phẩm của trí tưởng tượng, được tạo ra bởi những người vẫn muốn tin vào một nước Nhật đã biến mất từ lâu.

Vào khoảng thời gian này có một chàng trai trẻ tên Norio Suzuki lần đầu tiên nghe đến Onoda. Suzuki là một người thích phiêu lưu mạo hiểm, một nhà thám hiểm, và có một chút híp-pi. Sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc, anh bỏ học và dành bốn năm đi bụi khắp châu Á, Trung Đông, và châu Phi, nằm ngủ trên ghế đá công viên, trong xe của người lạ, trong buồng giam nhà tù, và dưới những vì sao. Anh làm việc không lương ở trang trại để đổi lấy thức ăn, và hiến máu để đổi lấy chỗ ở. Anh là một linh hồn tự do, và có thể là điên điên chút đỉnh.

Vào năm 1972, Suzuki muốn có một cuộc phiêu lưu mới. Anh vừa trở về Nhật Bản sau các cuộc phiêu lưu và nhận thấy các quy tắc văn hóa nghiêm khắc và hệ thống cấp bậc xã hội thật ngột ngạt. Anh ghét trường học. Anh không thể duy trì một công việc. Anh muốn quay trở lại với những con đường, quay trở lại với chính mình.

Với Suzuki, câu chuyện huyền thoại về Hiroo Onoda đến với anh như là một câu trả lời cho những vấn đề của anh. Đó là một cuộc phiêu lưu mới rất xứng đáng để anh theo đuổi. Suzuki tin rằng anh sẽ là người tìm thấy Onoda. Đúng là, các đội tìm kiếm được phái đi bởi chính phủ Nhật, Philippine, và Mỹ đều không thể tìm thấy Onoda; các lực lượng cảnh sát địa phương đã bới tung cả khu rừng trong gần ba mươi năm mà vẫn chẳng thu được kết quả gì; hàng ngàn tờ rơi đã đến được nơi cần đến mà không có lấy một phản hồi – nhưng mà mịe nó chứ, cái thằng cha vô công rồi nghề, kẻ du thủ du thực bỏ học này sẽ là người duy nhất tìm được ông lính già.

Không được trang bị và không được đào tạo về trinh sát hay chiến thuật chiến đấu, Suzuki tới Lubang và bắt đầu lang thang khắp khu rừng nguyên sinh. Chiến lược của anh là: kêu tên của Onoda thật lớn và nói với ông rằng Nhật hoàng rất lo lắng cho ông.

Anh tìm được Onoda sau bốn ngày.

Suzuki ở trong rừng với Onoda một thời gian. Tại thời điểm đó, Onoda đã sống đơn độc hơn một năm trời, và một khi được tìm thấy bởi Suzuki ông đón chào tình bạn và khao khát được biết về những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài từ một người Nhật mà ông có thể tin tưởng. Hai người đàn ông ấy kiểu như đã trở thành bạn bè.

Suzuki hỏi Onoda rằng tại sao ông lại ở lại và tiếp tục chiến đấu. Onoda trả lời rằng rất đơn giản: ông đã được giao nhiệm vụ "không bao giờ đầu hàng," nên ông ở lại. Trong gần ba mươi năm, ông chỉ đơn giản là tuân theo một mệnh lệnh. Rồi sau đó Onoda hỏi Suzuki rằng tại sao một "chú bé lang thang" như anh lại tới đây tìm ông. Suzuki nói rằng anh rời khỏi nước Nhật để tìm kiếm ba thứ: "Thiếu úy Onoda, một con gấu mèo, và người tuyết, theo đúng thứ tự ấy."

Hai người đàn ông đã được đưa tới với nhau dưới tình thế gây tò mò nhất: hai nhà phiêu lưu có thiện ý theo đuổi những phiên bản lỗi của vinh quang, giống như là Don Quixote và Sancho Panza trong đời thực của nước Nhật, cùng mắc kẹt trong khu rừng rậm ẩm ướt của Philippine, đều mường tượng mình là những vị anh hùng, dù cho cả hai đều cô độc và không có gì trong tay, không làm được gì cả. Onoda khi ấy đã dành phần lớn đời mình cho một cuộc chiến không tồn tại. Suzuki cũng bỏ bê cuộc đời mình. Đã tìm được Hiroo Onoda và con gấu mèo, anh chết vài năm sau đó trên dãy núi Himalaya, khi vẫn đang tìm kiếm bóng dáng của người tuyết.

Con người ta vẫn thường chọn dâng hiến phần lớn cuộc đời mình cho những lý do dường như là vô dụng hay không có tính xây dựng. Bề ngoài, những lý do ấy không mang ý nghĩa gì hết cả. Thật khó tưởng tượng ra được việc Onoda làm thế nào để có thể hạnh phúc được trên hòn đảo ấy trong suốt ba mươi năm – sống nhờ vào những con côn trùng và loài gặm nhấm, ngủ trên đất bẩn, sát hại người dân địa phương hết thập kỷ này sang thập kỷ khác. Hay tại sao Suzuki lại thực hiện chuyến đi vất vả để rồi tử nạn, không tiền bạc, không bạn hữu, và không có một mục đích nào khác hơn là lần theo dấu viết của con người tuyết không có thật.

Vâng, về sau này, Onoda nói rằng ông không hối hận về điều gì hết cả. Ông tuyên bố rằng ông tự hào về sự lựa chọn của mình và quãng thời gian ông ở lại Lubang. Ông nói rằng đó là một vinh dự khi được cống hiến một phần đáng kể cuộc đời ông để phục vụ một đế chế không tồn tại. Suzuki, nếu như còn sống, có lẽ cũng sẽ phát biểu những điều tương tự: rằng anh đã làm đúng những gì mà anh cần phải làm, rằng anh không hối hận chút nào.

Những người đàn ông này đều lựa chọn điều mà họ mong muốn được chịu đựng. Hiroo Onoda lựa chọn chịu đựng vì lòng trung thành đối với một đế chế đã mất. Suzuki lựa chọn chịu đựng vì những cuộc phiêu lưu, dù cho có khờ dại đến đâu. Đối với cả hai người đàn ông, sự chịu đựng của họ đều mang ý nghĩa nhất định; nó thỏa mãn một lý do vĩ đại nào đó. Và bởi vì nó có ý nghĩa nào đó, họ mới có thể chịu đựng nó, hoặc có lẽ còn tận hưởng nó nữa.

Nếu như sự chịu đựng là không thể tránh khỏi, nếu như những vấn đề trong cuộc đời chúng ta là không thể tránh được, vậy thì câu hỏi mà ta nên đặt ra không phải là "Làm sao tôi có thể ngừng sự chịu đựng này lại?" mà là "Tại sao tôi lại chịu đựng – mục đích gì?"

Hiroo Onoda quay trở lại Nhật vào năm 1974 và trở thành người nổi tiếng tại quê hương mình. Ông di chuyển như con thoi giữa các cuộc phỏng vấn trên TV tới đài phát thanh; các chính trị gia hô hào được bắt tay ông; ông xuất bản một cuốn sách và còn được chính phủ trao cho một số tiền lớn.

Nhưng những gì ông tìm thấy khi trở về Nhật Bản lại làm ông khiếp đảm: một nền văn hóa bảo vệ người tiêu dùng, tư bản chủ nghĩa, sự giả tạo làm mất hết tất cả truyền thống danh dự và hy sinh mà thế hệ ông đã được truyền dạy và nuôi dưỡng.

Onoda cố gắng sử dụng sự nổi tiếng đột ngột của mình để ca tụng các giá trị của nước Nhật cũ, nhưng ông bị ngó lơ trong cái xã hội mới này. Ông bị xem như là một vật trưng bày hơn là một nhà tư tưởng văn hóa nghiêm túc – một người Nhật Bản xuất hiện từ chiếc hộp đựng những kỷ vật của một thời kỳ lịch sử để cho tất cả mọi người chiêm ngưỡng, giống như một di vật trong viện bảo tàng.

Và điều đáng mỉa mai trong những sự mỉa mai, Onoda còn thấy chán nản hơn nhiều so với quãng thời gian ông còn ở lại trong rừng già. Ít nhất thì khi ở trong rừng, cuộc đời ông cũng tồn tại vì một điều gì đó; có ý nghĩa nào đó. Điều ấy khiến sự đau khổ của ông có thể chịu đựng được, mà thậm chí còn có một chút ít đáng ước ao. Nhưng khi trở về Nhật, trong cái đất nước ngớ ngẩn mà ông thấy toàn là những thanh niên lập dị chống lại quy ước xã hội và những người phụ nữ phóng đãng trong những bộ đồ của phương Tây, ông phải đối mặt với sự thật không thể lảng tránh: rằng sự tranh đấu của ông không có nghĩa lý gì hết cả. Đất nước Nhật Bản mà ông từng sống và chiến đấu vì đã không còn tồn tại nữa. Và gánh nặng của sự nhận thức này đã xuyên thủng ông theo cái cách mà không một viên đạn nào làm được. Bởi vì sự chịu đựng của ông không còn mang một nghĩa lý gì, nó bỗng nhiên được nhận ra và thật đúng: ba mươi năm bị phí hoài.

Và vì thế, vào năm 1980, Onoda thu thập đồ đạc và chuyển tới Brazil, ông ở lại đó cho tới khi từ giã cõi đời.

-----

Hiro Onoda (小野田 寛郎 (Tiểu Dã Điền Khoan Lang) (19/3/1922 – 16/1/2014) sinh tại Wakayama, Nhật Bản. Sau một thời gian làm việc dân sự tại công ty kinh doanh Tajima Yoko của Nhật ở Vũ Hán, Onoda gia nhập Lục quân Đế quốc Nhật Bản năm 1942 và được đào tạo để trở thành sĩ quan. Sau một thời gian Onoda được chuyển sang học tập tại trường tình báo lục quân, nơi ông được dạy cách thu thập thông tin và phương thức tiến hành chiến tranh du kích.

Ngày 17 tháng 12 năm 1944, Onoda rời Nhật tới Philippines theo Lữ đoàn Sugi (thuộc Sư đoàn số 8 của Hirosaki). Tại đây theo lệnh của đại tá Taniguchi và Takahashi, Onoda lãnh đạo một nhóm quân Nhật tiến hành chiến đấu độc lập trên đảo Lubang theo hình thức chiến tranh du kích. Do chiến đấu độc lập nên việc liên lạc với đơn vị của nhóm quân Nhật này bị tạm thời cắt đứt. Chỉ huy lữ đoàn đã ra lệnh cho Onoda như sau: "Anh không được phép tự tử. Dù bất kỳ điều gì xảy ra, dù sau ba năm hay năm năm, đơn vị sẽ quay lại với các anh. Cho đến lúc đó, dù chỉ còn một người lính, anh cũng phải lãnh đạo anh ta chiến đấu... Dưới mọi hoàn cảnh, anh đều không được phép tự tử." (Theo Wikipedia)

Norio Suzuki (鈴木 紀夫), sinh tháng 4 năm 1949 tại tỉnh Chiba, Nhật Bản – mất tháng 11 năm 1986 trên dãy núi Himalaya. Ông là nhà thám hiểm và phiêu lưu người Nhật Bản được biết đến với việc đã tìm ra Hiroo Onoda, viên thiếu úy Nhật Bản lẩn trốn trong rừng rậm của Philippine nhất quyết không chịu đầu hàng sau khi Thế chiến II kết thúc.

Người tuyết (Yeti) (tiếng Nepal: हिममानव, "người núi") là một sinh vật bí ẩn giống vượn cao hơn người trung bình và được cho rằng sống ở khu vực dãy Himalaya của Nepal và Tây Tạng. Tên Yeti và Meh-Teh thường được dùng bởi người bản địa, và là một phần lịch sử thần thoại của họ. Câu truyện về Yeti được truyền bá đến phương Tây vào thế kỷ 19.

Cộng đồng khoa học thường cho Yeti là một huyền thoại, do thiếu bằng chứng kết luận, nhưng nó vẫn là một trong những động vật huyền bí nổi tiếng nhất. (Theo Wikipedia)

Đôn Ki-hô-tê, Don Quixote, Don Kijote, Don Quijote hay Đông-ki-sốt Đôn Ki-hô-tê là tên của nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervates. Đó là một quý tộc nghèo, vì ham mê truyện phiêu lưu, hiệp sĩ nên muốn trở thành hiệp sĩ trừ gian diệt bạo, cứu người lương thiện. Lão lên đường đi phiêu lưu, tự phong mình là hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê xứ Man-cha. Nhiều lần thất bại, lão vẫn tin mình bị lão pháp sư Phơ-re-xtôn phù phép. Nhưng cuối cùng lão bị ốm nặng, lão mới thấy cái nhảm nhí, tai hại của truyện hiệp sĩ. Lão viết di chúc rồi qua đời.

Tác phẩm còn có tên đầy đủ là El Ingenioso hidalgo Don Quijote de la Mancha (Đôn Kihôtê, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha). Phần đầu tiên được xuất bản năm 1605 và phần thứ 2 xuất bản năm 1615. Đây là một trong những tiểu thuyết viết sớm nhất bằng ngôn ngữ châu Âu hiện đại và có thể cho rằng là tác phẩm gây ảnh hưởng và điển hình nhất trong danh sách các tác phẩm của văn học Tây Ban Nha. Giáo trình văn học phổ thông của nước mình cũng có trích đoạn giảng dạy và giới thiệu về tác phẩm này.

Sancho Panza (Xan-chô Pan-xa) một nhân vật khác trong tác phẩm Don Quixote, thực sự chỉ là một người hàng xóm của Đôn Ki-hô-tê. Vì nghe lão hiệp sĩ hứa nếu lão chiếm được một vùng đất, lão sẽ chia cho bác để bác cai trị. Bác thích thú nên đi theo. Trên đường đi, bác cảm thấy chuyện phiêu lưu hiệp sĩ coi vậy mà hay. Vì bác đi theo chỉ để ăn uống, say sưa đánh chén, ngủ thật say. Nhiều lần bác cứu Đôn Ki-hô-tê khỏi kết quả của những hành động điên rồ. Bác còn phong cho Đôn Ki-hô-tê các chức danh hiệp sĩ.

Củ Hành Tự Nhận Thức

Việc tự nhận biết bản thân cũng giống như một củ hành. Có nhiều lớp trong đó, và bạn càng bóc tách chúng ra, bạn càng khóc lóc dữ dội vào những thời điểm không thích hợp.

Cứ xem như lớp vỏ đầu tiên của củ hành tự nhận thức là sự hiểu biết đơn giản về cảm xúc của một người. "Đây là khi tôi cảm thấy hạnh phúc." "Điều này khiến tôi cảm thấy buồn." "Nó mang lại cho tôi hi vọng."

Không may là, rất nhiều người dở tệ ngay từ cấp độ cơ bản này của quá trình tự nhận thức. Tôi biết thế bởi vì tôi cũng là một trong số đó. Vợ tôi và tôi đôi khi có những cuộc nói chuyện vui vui kiểu như thế này:

CÔ ẤY: Sao thế anh?

TÔI: Chẳng sao cả. Không có gì.

CÔ ẤY: Không, có chuyện gì đấy rồi. Anh kể em nghe xem nào.

TÔI: Anh vẫn ổn mà. Thật đấy.

CÔ ẤY: Anh có chắc không đấy? Anh trông có vẻ khó chịu lắm.

TÔI, với tiếng cười hơi lạ thường. Thật á? Không, anh không sao cả, nghiêm túc đấy.

[Rồi ba mươi phút sau đó . . . ]

TÔI: . . . Vì thế mà anh mới điên tiết lên chứ! Lão ấy cứ làm như anh là không khí không bằng.

Chúng ta đều có những điểm mù trong cảm xúc. Thường là với những cảm xúc mà ta từng được dạy rằng việc bộc lộ chúng ra là không đúng. Sẽ phải mất hàng năm trời luyện tập và nỗ lực mới có thể xác định được những điểm mù ấy trong chúng ta và rồi sau đó bộc lộ những cảm xúc này ra một cách thích đáng. Nhưng nhiệm vụ này là vô cùng quan trọng, và xứng đáng với nỗ lực của chúng ta.

Lớp vỏ thứ hai của củ hành tự nhận thức là khả năng đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta lại cảm thấy như vậy trong những xúc cảm cụ thể.

Những câu hỏi tại sao này là rất khó và cần đến hàng tháng hay thậm chí nhiều năm mới có thể tìm được câu trả lời phù hợp và chính xác. Hầu như mọi người đều cần phải tới những nơi kiểu như trị liệu tâm lý mới được nghe đến câu hỏi này lần đầu tiên trong đời. Những câu hỏi kiểu ấy quan trọng bởi vì chúng làm sáng tỏ những gì mà chúng ta xem là thành công hay thất bại. Tại sao bạn lại cảm thấy tức giận? Liệu đó có phải là vì bạn thất bại trong việc đạt một mục tiêu nào đó? Tại sao bạn lại cảm tháy lờ phờ và tẻ ngắt? Liệu đó có phải vì bạn cảm thấy mình chưa đủ tốt?

Lớp vỏ đặt câu hỏi này giúp cho ta hiểu được gốc rễ của những cảm xúc đang chôn vùi ta. Một khi ta hiểu được gốc rễ nguyên nhân, chúng ta có thể làm điều gì đó để thay đổi nó.

Nhưng còn một việc nữa, đó là lớp vỏ sâu nhất của hành trình tự nhận thức. Và cái này thì chỉ toàn là khóc với lóc thôi. Lớp vỏ thứ ba là những giá trị của bản thân ta: Tại sao tôi lại xem đây là thành công/thất bại? Làm thế nào mà tôi lựa chọn được cách đánh giá bản thân mình? Tôi đánh giá chính mình và cả những người xung quanh dựa trên tiêu chí nào

Ở cấp này, luôn cần phải đặt ra câu hỏi và không ngừng nỗ lực, rất rất khó để đạt đến. Nhưng nó lại là phần quan trọng nhất, bởi vì chân giá trị của ta quyết định nguồn gốc các vấn đề mà ta gặp phải, và những vấn đề này lại quyết định chất lượng sống của ta.

Các giá trị ấy nằm sau mọi điều ta làm hay việc ta là ai. Nếu như những gì ta coi trọng là không được ủng hộ, nếu như những gì mà ta xem là thành công/thất bại lại là một sự lựa chọn tồi, thì rồi mọi thứ dựa trên những giá trị ấy – các suy nghĩ, các cảm xúc, các cảm nhận thường ngày – tất cả sẽ là vô nghĩa. Mọi điều mà ta nghĩ và cảm nhận về một tình huống đều liên quan tới việc ta đánh giá nó như thế nào.

Mọi người đều hoảng sợ trước việc trả lời một cách chính xác cho câu hỏi vì sao, và điều này ngăn cản họ trước việc tiến tới sự nhận thức sâu sắc hơn về những chân giá trị của chính mình. Đúng là, họ có thể nói rằng họ đánh giá cao sự thành thật và một người bạn chân thành, nhưng rồi họ quay mặt đi và nói dối về bạn đằng sau lưng bạn để khiến bản thân họ cảm thấy khá hơn. Người ta có thể nhận thức được rằng họ cảm thấy cô đơn. Nhưng khi họ tự hỏi mình rằng tại sao họ cảm thấy cô đơn, họ lại có khuynh hướng đưa ra lời giải thích mang tính đổ lỗi cho những người khác – mọi người thật xấu tính, hay không có ai hay ho hoặc đủ thông minh để hiểu được họ – và do đó họ càng rời xa vấn đề của mình hơn thay vì tìm kiếm một lời giải cho nó.

Với nhiều người đây đã được xem như là tự nhận thức bản thân. Và, nếu như mà họ có thể đào sâu hơn và nhìn vào những giá trị ẩn sâu bên trong họ, họ sẽ thấy được rằng những phân tích ban đầu của mình dựa trên việc trốn tránh trách nhiệm khỏi những vấn đề của chính họ, hơn là xác định đích xác những vấn đề ấy. Họ sẽ thấy được rằng những quyết định mà họ đưa ra dựa trên việc theo đuổi những sự hưng phấn, thường không mang lại niềm hạnh phúc thật sự.

Hầu như các bậc thầy về tự hoàn thiện bản thân đều bỏ qua cấp sâu hơn của việc tự nhận thức này. Họ đón nhận những người đang đau khổ bởi vì muốn trở nên giàu có, và rồi các bậc thầy đưa ra mọi thể loại lời khuyên về việc làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn, trong khi toàn bỏ qua những câu hỏi quan trọng dựa trên hệ chân giá trị: Tại sao họ lại cảm thấy cần phải giàu có trước hết? Họ lựa chọn tiêu chí nào để đánh giá sự thành công/thất bại của mình? Liệu đó có thể không phải là một giá trị cụ thể mà dẫn đến cảm giác thiếu hạnh phúc của họ, chứ không phải là vì đến giờ họ vẫn chưa tậu được con xe Bentley?

Rất nhiều những lời khuyên nổi trôi ngoài kia đều được đưa ra dựa trên một cấp độ cạn cợt của việc đơn giản cố gắng khiến mọi người cảm thấy tốt đẹp hơn trong một thời gian ngắn, trong khi những vấn đề dài hạn vẫn không được xử lý. Nhận thức và cảm giác của con người có thể thay đổi, nhưng những giá trị sâu xa, và thước đo tạo nên những giá trị ấy, thì bất biến. Đấy không phải là một sự tiến bộ thực sự. Chỉ là một cách khác để kiếm được thêm nhiều hơn những cơn hưng phấn mà thôi.

Việc thành thật tự vấn thực là khó khăn. Nó đòi hỏi bạn phải tự hỏi mình những câu hỏi đơn giản thật không dễ chịu gì khi trả lời. Thực tế, theo như kinh nghiệm của tôi, câu trả lời càng không mấy dễ chịu, thì nó lại càng đúng.

Hãy dành ra một phút và suy nghĩ về điều đang thật sự dày vò bạn. Giờ thì bạn hãy tự hỏi mình xem tại sao nó lại dày vò bạn đến vậy. Rất có khả năng câu trả lời sẽ liên quan tới một dạng thất bại nào đó. Sau đó hãy đón nhận thất bại này và hỏi tại sao nó lại có vẻ "đúng" đối với bạn. Nếu như thất bại không thực sự là thất bại thì sao? Nếu như bạn đã tìm sai hướng thì sao?

Một ví dụ về cuộc sống của tôi gần đây:

"Tôi thấy bực bội vì ông anh trai không thèm nhắn tin hay gửi email cho tôi."

Tại sao?

"Bởi vì có vẻ như lão éo thèm quan tâm tới tôi gì hết cả."

Tại sao điều này lại có vẻ đúng?

"Bởi vì nếu như lão ấy muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với tôi, thì đáng lý ra lão phải chịu khó bỏ ra mười giây mỗi ngày để tương tác với tôi chứ."

Tại sao việc thiếu xây dựng quan hệ của ông anh trai với bạn lại có cảm giác như một sai lầm?

"Bởi vì chúng tôi là anh em; chúng tôi nên có một mối quan hệ tốt đẹp!"

Có hai việc được đem ra mổ xẻ ở đây: một giá trị mà tôi trân trọng, và một thước đo mà tôi sử dụng để tiến tới giá trị đó. Giá trị của tôi là: anh em thì nên thân thiết với nhau. Thước đo của tôi: giữ liên lạc thông qua điện thoại hoặc email – đấy là cách mà tôi đánh giá sự thành công của mình khi là một thằng em trai. Bằng cách nắm lấy thước đo này, tôi khiến bản thân mình cảm thấy như một kẻ thất bại, mà thường làm u ám hết cả buổi sáng ngày thứ 7 của tôi.

Chúng ta còn có thể đào sâu hơn nữa, bằng việc lặp lại quá trình này:

Tại sao anh em lại cần phải thân thiết với nhau?

"Bởi vì họ là một gia đình, và người trong nhà thì phải thân thiết với nhau!"

Tại sao điều này lại đúng?

"Bởi vì gia đình bạn có ý nghĩa với bạn hơn bất kỳ điều gì khác!"

Tại sao điều này lại đúng?

"Bởi vì thân thiết với người nhà thì mới là 'bình thường' và 'lành mạnh,' và tôi không có được điều đó."

Qua cuộc đối thoại này tôi thấy rõ ràng về giá trị sâu xa của mình – có một mối quan hệ tốt đẹp với ông anh trai tôi – nhưng mà tôi vẫn chịu vật vã với cái thước đo. Tôi đặt cho nó một cái tên khác, "sự thân thiết," nhưng thước đo thì không thực sự thay đổi: tôi vẫn phán xét mình như là một thằng em trai dựa trên việc liên lạc thường xuyên – và so sánh bản thân, sử dụng thước đo ấy, để phán xét những người khác mà tôi quen biết. Mọi người khác (hay có vẻ như thế) đều có mối quan hệ thân thiết với người nhà của họ, còn tôi thì không. Vậy thì chắc chắn là tôi có vấn đề gì rồi.

Nhưng nếu như tôi đã chọn sai thước đo cho bản thân và cho cuộc đời mình thì sao? Liệu tôi có bỏ qua điều đúng đắn nào đó hay không? Ôi, có lẽ là tôi cũng chẳng cần phải thân với ông anh mình cho lắm đâu để có được cái mối quan hệ mà tôi trân trọng ấy. Có lẽ là chỉ cần có được sự tôn trọng lẫn nhau (mà vẫn luôn thế) là đủ rồi. Có lẽ là những thước đo này mới là sự đánh giá chính xác cho tình cảm anh em ruột già hơn là việc chúng tôi nhắn cho nhau bao nhiêu cái tin mỗi ngày.

Điều này có ý nghĩa thật rõ ràng; tôi thấy thật là đúng. Nhưng tôi vẫn điên tiết bỏ mịe khi tôi với ông anh không thân thiết được với nhau. Và chẳng có cách thức tích cực nào cải thiện nó hết cả. Chẳng có cách thức bí mật nào để ca tụng tôi qua cái nhận thức ấy hết. Đôi khi anh em ruột – ngay cả khi anh em mà thực sự yêu thương nhau – không thân thiết với nhau, và như thế cũng không sao hết cả. Lúc ban đầu thì cũng khó chấp nhận, nhưng mà rồi cũng ổn thỏa cẩ thôi. Điều thật sự đúng đắn một cách khách quan về tình thế của bạn không quan trọng bằng việc bạn nhìn nhận tình huống ấy như thế nào, bạn lựa việc đánh giá và gắn cho nó những giá trị nào. Các vấn đề có thể là không tránh được, nhưng ý nghĩa của những vấn đề ấy thì không. Ta cần phải kiểm soát việc các vấn đề của ta có nghĩa là gì dựa trên việc ta lựa chọn cách suy nghĩ nào về chúng, về những chuẩn tắc mà ta lựa chọn để đánh giá chúng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro