(Sách dịch) Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm - Chương 6.1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bạn Sai Hết Rồi (Cơ Mà Tôi Cũng Vậy)

Vào năm trăm năm trước các chuyên gia vẽ bản đồ tin rằng California là một hòn đảo. Các bác sĩ cho rằng rạch tay một người (hay để cho máu chảy khắp nơi) có thể giúp ích cho việc chữa bệnh. Các nhà khoa học tin rằng lửa được tạo ra từ một chất nào đấy gọi là yếu tố cháy. Đám phụ nữ thì cho rằng cứ xoa nước đái chó lên mặt sẽ giúp cho làn da của họ luôn được căng mịn. Các nhà thiên văn học cho rằng mặt trời quay quanh trái đất.

Khi mà tôi còn là một cậu nhóc, tôi từng nghĩ rằng từ "thường" là dùng để chỉ một loại rau củ nào đó mà tôi không muốn ăn. Tôi cứ nghĩ rằng ông anh trai mình đã phát hiện ra một lối đi bí mật trong ngôi nhà của ông bà tôi bởi vì ông ấy có thể chuồn êm ra ngoài mà không cần ra khỏi phòng tắm (xì poi nho nhỏ: trong đấy có mộ cái cửa sổ). Tôi cũng từng cho rằng khi thằng bạn tôi và gia đình nó tới "Washington, B.C," thì có nghĩa là họ đã làm cách nào đấy để quay về thời tiền sử và gặp lũ khủng long bạo chúa, bởi vì dù sao, "B.C." cũng là cách đây rất lâu rồi.

Khi ở vào độ tuổi thiếu niên, tôi bảo với mọi người rằng tôi không thèm bận tâm tới bất cứ điều gì hết cả, trong khi thực ra thì tôi bận tâm quá nhiều ấy chứ. Người khác chi phối thế giới của tôi mà tôi không hề hay biết. Tôi cứ cho rằng hạnh phúc là một sự an bài chứ không phải là sự lựa chọn. Tôi cho rằng tình yêu là thứ cứ thế diễn ra, chứ không phải là thứ mà bạn cần phải nỗ lực vì nó. Tôi tin rằng để trông thật "ngầu" thì cần phải luyện tập và học theo những người khác, chứ không phải là sự bộc lộ từ chính bản thân mình.

Khi tôi có cô bạn gái đầu tiên, tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi sẽ bên nhau mãi mãi. Rồi khi cuộc tình này chấm dứt, tôi tin rằng tôi sẽ không bao giờ còn có được cảm giác ấy với người con gái nào nữa cả. Và rồi khi mà tôi có cùng cảm giác như thế về một người phụ nữ, tôi cho rằng đôi khi tình yêu là không đủ. Và rồi tôi nhận ra rằng mỗi một người cần phải tự quyết định điều gì là "đủ," và tình yêu có thể là bất kỳ thứ gì mà ta cho phép nó trở thành.

Mọi bước đi trên con đường đời tôi đều đã sai lầm. Về mọi thứ. Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã hết sức sai lầm về bản thân, về những người khác, về xã hội, về nền văn hóa, về thế giới, về vũ trụ này – về mọi thứ.

Và tôi hi vọng rằng điều này sẽ còn tiếp tục xảy ra trong phần đời còn lại của tôi.

Giống như là Mark Của Hiện Tại có thể nhìn lại mọi lỗi lầm và thiếu sót của Mark Của Quá Khứ, một ngày nào đó Mark Của Tương Lai cũng sẽ nhìn lại những giả thiết của Mark Của Hiện Tại (bao gồm cả nội dung của cuốn sách này nữa) và nhận ra những thiếu sót tương tự. Và đó sẽ là một điều tốt lành. Bởi vì điều đó có nghĩa là tôi đã trưởng thành hơn.

Michael Jordan từng nói một câu nổi tiếng về việc ông liên tục thất bại hết lần này đến lần khác, và đó là lý do vì sao mà ông lại thành công. "Ô, tôi thất bại, thất bại tới thất bại lui hoài trong đời, và đó là lý do tại sao tôi thành công."

Sự trưởng thành là một quá trình được lặp lại vô cùng tận. Khi mà ta học thêm được một điều mới mẻ, chúng ta không đi từ "sai" tới "đúng." Mà thực ra, ta đi từ chỗ sai tới chỗ ít sai hơn một chút. Và rồi ta học thêm được một điều gì đó nữa, ta đi từ chỗ ít sai hơn đến chỗ ít sai hơn thế nữa, và rồi ít sai hơn thế nữa nữa, và cứ tiếp tục như vậy. Ta luôn ở trong cái quá trình tiệm tiến đến sự thật và hoàn hảo mà không hề chạm tới sự thật hay sự hoàn hảo.

Chúng ta không nên tìm kiếm để có được câu trả lời "đúng" tuyệt đối cho bản thân chúng ta, mà thay vì thế, ta nên tìm cách dần dần loại bớt những sai lầm của chúng ta ngày hôm nay để rồi ta có thể ít sai hơn vào ngày mai.

Khi ta nhìn nhận từ khía cạnh này, thì sự phát triển bản thân thực ra khá là khoa học. Các giá trị của ta chính là các giả thuyết của ta: hành vi này là tốt và quan trọng; hành vi kia thì không. Các hành động của chúng ta chính là những thử nghiệm; các kết quả về mặt cảm xúc và các suy nghĩ chính là dữ liệu của chúng ta.

Không hề có cái gọi là giáo lý chính xác hay tư tưởng hoàn hảo. Chỉ có sự trải nghiệm của bạn sẽ cho bạn thấy được điều gì là phù hợp với bạn – và ngay cả như vậy, trải nghiệm ấy cũng có thể là một sai lầm. Và bởi vì bạn và tôi và mọi người khác đều có những nhu cầu và quá khứ và hoàn cảnh sống khác nhau, chúng ta đều chắc chắn sẽ đi đến những câu trả lời "đúng đắn" khác nhau về việc ý nghĩa của cuộc đời ta là gì và chúng ta nên sống thế nào. Câu trả lời đúng đắn của tôi bao gồm việc một mình chu du trong nhiều năm, sống ở những nơi chốn thanh bình, và được cười thả phanh. Hay ít nhất thì đó cũng là câu trả lời đúng đắn tính đến thời điểm hiện tại. Câu trả lời ấy sẽ thay đổi và được điều chỉnh lại, bởi vì chính bản thân tôi cũng sẽ thay đổi và tự điều chỉnh; và khi mà tôi già dặn và từng trải hơn, tôi sẽ nhìn ra được tôi đã sai lầm ra sao, và trở nên ít và ít sai hơn mỗi ngày.

Rất nhiều người bị ám ảnh quá với việc phải luôn luôn "đúng" trong cuộc đời mình nên thành thử họ chưa bao giờ thực sự sống cả.

Một người phụ nữ nọ đang độc thân và muốn có một người bạn đời, nhưng mà cô ấy lại chẳng bao giờ ra khỏi nhà và chẳng hành động gì hết. Một anh chàng kia làm việc như điên và tin rằng anh ta xứng đáng được thăng chức tăng lương, nhưng anh ta lại chẳng hề bày tỏ rõ ràng điều này với cấp trên của mình.

Họ được truyền dạy rằng họ sợ hãi sai lầm, sợ bị từ chối, sợ phải nghe người khác nói từ không.

Nhưng không phải như thế. Dĩ nhiên, bị từ chối thì tổn thương lắm chứ. Sai lầm cũng tệ hại không kém. Nhưng chúng ta cũng luôn bám víu vào những điều chắc mẩm nào đó – những sự chắc chắn mà chúng ta sợ hãi phải đặt câu hỏi hay buông tay, những giá trị đã mang đến ý nghĩa cho cuộc đời của ta trong suốt nhiều năm. Người phụ nữ ấy không ra ngoài và hẹn hò bởi vì cô ta sợ buộc phải đối mặt với niềm tin của cô về những khát vọng cá nhân. Anh chàng kia không đề nghị được thăng chức bởi vì anh ta sợ sẽ phải đối mặt với những niềm tin về giá trị thực sự của năng lực bản thân.

Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu cứ ngồi đó trong sự đau khổ chắc nịch rằng không một ai nhận thấy sự hấp dẫn ở bạn, rằng không ai nhìn nhận tài năng của bạn, thay vì thực sự thách thức những niềm tin ấy và tìm ra đáp án.

Niềm tin theo kiểu này – rằng tôi không đủ quyến rũ, nên việc gì phải bận tâm; hay là sếp tôi là một thằng khốn, nên việc gì phải bận tâm – được thiết lập để mang tới cho ta sự dễ chịu vừa phải vào lúc này bằng cách thế chấp vào đó niềm hạnh phúc và thành công lớn hơn của tương lai. Chúng là những chiến lược sai lầm nghiêm trọng về mặt dài hạn, nhưng mà ta vẫn cứ bấu víu vào chúng bởi vì ta cho rằng chúng ta đang đúng, bởi vì ta cho rằng ta đã biết rõ những điều sẽ xảy ra. Hay nói cách khác, ta cho rằng ta biết được câu chuyện sẽ kết thúc ra sao.

Sự chắc chắn chính là kẻ thù của sự phát triển. Chẳng có gì là chắc chắn cả cho tới khi nó đã xảy ra – và ngay cả đến lúc đó, vẫn đáng để nghi vấn. Đó là lý do vì sao mà việc chấp nhận sự không hoàn hảo hiển nhiên của hệ giá trị của chúng ta là điều cần thiết để cho bất kỳ sự phát triển nào có thể diễn ra.

Thay vì cố cho bằng được để đạt đến sự chắc chắn, chúng ta nên không ngừng tìm kiếm sự nghi ngờ: nghi ngờ về niềm tin của chính chúng ta, nghi ngờ về cảm giác của chính chúng ta, nghi ngờ về việc tương lai sẽ mang lại cho ta những gì nếu như ta không ra ngoài đó và tự kiến tạo lấy nó. Thay vì cứ cố phải đúng vào mọi lúc, ta nên tìm hiểm xem vì sao ta lại sai vào mọi lúc. Bởi vì chúng ta luôn là như vậy.

Việc phạm sai lầm mở ra cho chúng ta cơ hội để thay đổi. Việc phạm sai lầm mang đến cả cơ hội phát triển. Nó không có nghĩa là tự rạch tay bạn để chữa một cơn cảm cúm hay bôi nước đái chó lên mặt bạn để giữ vẻ ngoài tươi trẻ. Điều ấy không có nghĩa là cho rằng "thường" là một loại rau củ, và không sợ hãi khi bận tâm tới điều gì đó.

Bởi vì đây là những điều nghe thật lạ nhưng lại vô cùng đúng: chúng ta không thực sự biết một trải nghiệm là tích cực hay tiêu cực. Một số những thời khắc khó khăn và căng thẳng nhất trong cuộc đời chúng ta cũng là những thời điểm mang tính xây dựng và đáng khích lệ nhất. Một vài những trải nghiệm tuyệt vời và đáng trân trọng nhất trong cuộc đời cũng là những quãng thời gian dễ làm ta lạc hướng và thiếu khích lệ nhất. Đừng có tin vào cái ý niệm của bạn về sự trải nghiệm tích cực/tiêu cực. Tất cả những gì chúng ta biết một cách chắc chắn là điều gì gây đau đớn trong một thời điểm và điều gì là không. Và nó cũng chẳng đáng giá chi nhiều.

Cũng như ta phát khiếp khi nhìn lại cuộc sống của những con người thuộc về năm trăm năm trước, tôi hình dung rằng những người của năm trăm năm sau này sẽ cười nhạo chúng ta và những điều mà chúng ta đoan chắc vào hôm nay. Họ sẽ thấy buồn cười trước cái cách mà chúng ta để cho tiền bạc và công việc định nghĩa cuộc đời mình. Họ sẽ thấy buồn cười trước việc ta thấy ngại ngùng khi bày tỏ lòng trân trọng của ta đối với những người quan trọng nhất cuộc đời mình, trong khi lại không tiếc lời ca ngợi những hình tượng xã hội không xứng đáng với điều gì cả. Họ sẽ thấy nực cười trước những nghi lễ và sự mê tín của chúng ta, trước những lo lắng và cuộc chiến của chúng ta; họ sẽ trố mắt ra trước sự tàn nhẫn của chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về những công trình của chúng ta và tranh cãi về lịch sử của chúng ta. Họ sẽ hiểu thấu những sự thật về chúng ta mà không một ai trong chúng ta có thể nhận ra.

Và, cả họ nữa, cũng sẽ sai lầm. Chỉ là ít sai hơn chúng ta mà thôi.

-------

Trích máu là một trong những biện pháp chữa bệnh phổ biến nhất trong lịch sử ngành y. Người Hy Lạp là những người đầu tiên dùng biện pháp này và đã sử dụng rộng rãi cho đến tận thế kỷ 19. Nhiều người tin rằng trích máu giúp con người thoát khỏi bệnh tật. Họ cho rằng trong máu của con người có 4 chất cơ bản, mỗi một chất trong đó lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các loại bệnh thường gặp ở người. Vì thế, khi được trích máu ra khỏi cơ thể, con người sẽ lành bệnh. Hiện nay trên thế giới vẫn có một số nơi tiến hành chữa bệnh bằng phương pháp này.

yếu tố cháy (tiếng Anh: Phlogistion). Thuyết phlogiston (có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp cổ phlogios, có nghĩa là "sự cháy") là một lý thuyết khoa học đã lỗi thời, được Johann Joachim Becher đưa ra lần đầu tiên vào năm 1667, cho rằng ngoài những nguyên tố cổ điển của người Hi Lạp, có một nguyên tố bổ sung tương tự như lửa có tên là "yếu tố cháy" (phlogiston). Yếu tố này tồn tại trong các vật thể có khả năng bốc cháy, và được giải phóng ra ngoài, với một mức độ thay đổi được, trong sự cháy. Nói tóm lại, đây là nguyên tố mà khi chưa tìm ra ô-xi, người ta vẫn cho là nó hiện diện trong các chất dễ cháy để gây cháy.

Núi Washington là một ngọn núi nằm ở rìa phía đông của rặng núi Vancouver Island thuộc British Columbia. Ngọn núi được thuyền trưởng George Richards đặt tên theo tên của vị Thiếu tướng hải quân John Washington, sĩ quan Thủy văn học, thuộc Hải Quân Hoàng Gia Anh Quốc trong lần vẽ hải đồ Vùng biển phía Tây vào năm 1860.

British Columbia (viết tắt B.C.; tiếng Pháp: la Colombie-Britannique, C.-B.), còn được gọi Columbia thuộc Anh, là tỉnh bang cực tây của Canada, một trong những vùng có nhiều núi nhất Bắc Mỹ.

Trước thế kỷ 19 tất cả đất đai của British Columbia (kể cả đảo Vancouver) và một phần của tiểu bang Washington của Hoa Kỳ là đất thuộc Công ty Hudson Bay (trao đổi lông thú vật với dân bản xứ). Vào giữa thế kỷ 19 phần đất phía bắc vĩ tuyến 49 rơi vào tay Đế quốc Anh và được chia ra làm hai thuộc địa: British Columbia (nằm trong lục địa) và Vancouver (nằm ngay trên đảo Vancouver). Đến năm 1866 hai thuộc địa này sáp nhập với nhau thành British Columbia và 5 năm sau British Columbia được gia nhập vào Liên bang Canada. Do đó British Columbia vẫn giữ tên để giữ truyền thống Anh vì British Columbia có nghĩa là "Columbia thuộc Anh".

B.C là từ viết tắt của Before Christ, có nghĩa là trước tây lịch, trước công nguyên.

Michael Jeffrey Jordan (sinh ngày 17/2/1963) là một cầu thủ bóng rổ nhà nghề nổi tiếng thế giới của Hoa Kỳ đã giải nghệ. Anh được xem như một trong những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại, một trong những ấn tượng lớn nhất trong cộng đồng thể thao ở thời đại của mình và là người đã đem lại sự phổ biến rộng khắp môn bóng rổ của NBA ra toàn thế giới trong thập niên 1980 và thập niên 1990.

Jordan cũng được biết đến với sự ủng hộ sản phẩm của mình. Ông thúc đẩy sự thành công của giày Nike's Air Jordan sneakers, đã được giới thiệu vào năm 1985 và vẫn còn phổ biến đến hiện nay. Jordan cũng đóng vai chính trong bộ phim năm 1996 "Space Jam" về sự nghiệp chính mình. Jordan là vận động viên đầu tiên trong lịch sử trở thành một tỷ phú, theo Forbes.

Công Trình Kiến Trúc Của Niềm Tin

Hãy thử điều này. Bạn hãy chọn lấy ngẫu nhiên một người và đưa họ vào trong một căn phòng cùng với một cái nút bấm. Rồi sau đó hãy bảo với họ rằng nếu họ làm một điều gì đó – một việc mà tự họ phải nghĩ ra – sẽ có ánh đèn chớp lên báo rằng họ đã ghi được điểm. Và hãy bảo với họ rằng để xem họ được bao nhiêu điểm trong vòng ba mươi phút.

Khi các nhà tâm lý học tiến hành thí nghiệm này, chắc là bạn có thể hình dung được điều gì xảy ra. Mọi người ngồi xuống và bắt đầu ấn công tắc một cách ngẫu nhiên cho tới khi ánh đèn sáng lên báo rằng họ đã ghi điểm. Theo logic, họ sẽ cố lặp lại bất kỳ động tác nào họ đã thực hiện trước đó để ghi thêm điểm. Ngoại trừ việc giờ đây đèn không sáng nữa. Nên họ bắt đầu thử nghiệm với các bước hành động phức tạp hơn – bấm vào nút ba lần, rồi ấn thêm một lần, rồi đợi thêm năm giây – đing! Thêm một điểm nữa. Nhưng ngay cả cách đó cũng không còn hiệu quả. Có lẽ chuyện này cũng chẳng liên quan gì tới cái nút bấm cả, họ suy luận. Có lẽ nó phụ thuộc vào cách ngồi của mình. Hay thứ mà mình chạm vào. Có lẽ nó liên quan tới chân mình cũng nên. Đing! Thêm một điểm nữa. Zê, có thể là do vị trí của chân mình và rồi mình bấm nút lần nữa. Đing!

Nhìn chung, trong vòng từ mười tới mười lăm phút mỗi người sẽ suy luận ra một cách thức cụ thể để ghi thêm điểm. Đó thường là những phương pháp rất kỳ quặc như đứng trên một chân hay ghi nhớ một loạt các bước nút bấm dài lê thê trong một thời gian nhất định trong khi quay mặt về một hướng nào đó.

Nhưng phần thú vị ở đây là: điểm số được phân phối một cách ngẫu nhiên. Không có công thức nào cả. Đó chỉ là một cái bóng đèn chớp tắt với một tiếng đing, và mọi người cứ quay vòng vòng với cái suy nghĩ rằng việc mà họ làm sẽ giúp họ ghi được thêm điểm.

Bỏ qua tính tàn ác của cái trò này, mục đích của thí nghiệm là nhằm chỉ ra rằng trí óc con người nhanh nhạy ra sao trong việc tiến tới các ý tưởng và tin vào hàng đống những thứ vớ vẩn không thực tế. Và hóa ra là tất cả chúng ta đều có cái năng khiếu này. Mọi người rời khỏi căn phòng đó đều bị thuyết phục rằng họ đã hoàn thành xuất sắc thí nghiệm và giành chiến thắng trong trò chơi nho nhỏ. Họ đều tin rằng họ đã phát minh ra cách bấm nút "hoàn hảo" giúp cho họ ghi điểm. Nhưng phương pháp mà họ luận ra cũng độc đáo như chính con người họ vậy. Một người đàn ông đã phát minh ra một cách bấm nút siêu dài mà chẳng có ai ngoại trừ ông ta hiểu nổi. Một cô gái thì tin rằng cô phải chạm tới trần nhà một số lần nhất định mới có thể ghi điểm. Khi rời khỏi căn phòng cô ta kiệt sức vì cứ phải nhảy lên nhảy xuống suốt.

Trí não chúng ta là những cỗ máy thâm độc. Điều mà ta hiểu như là "thâm độc" được sinh ra bởi sự liên tưởng của não bộ sau hai hay ba sự trải nghiệm. Ta ấn vào nút bấm, rồi ta thấy đèn sáng lên; ta kết luận rằng cái nút bấm khiến cho đèn sáng lên. Điều này, về cốt lõi, là nền tảng của sự thâm độc. Bấm nút, đèn sáng; đèn, nút bấm. Ta thấy một cái ghế. Ta ghi nhận rằng nó có màu xám. Trí não ta sau đó sẽ vẽ ra mối liên hệ giữa màu sắc (xám) và đối tượng (cái ghế) và hình thành ý nghĩa: "Ghế thì có màu xám."

Trí óc của ta luôn luôn ồn ào, tạo ra ngày càng nhiều các mối liên hệ để giúp ta hiểu và kiểm soát môi trường xung quanh mình. Mọi thứ liên quan đến sự trải nghiệm của ta, cả ngoại cảnh và nội tại, đều hình thành những mối liên hệ và liên kết mới trong tâm trí chúng ta. Mọi điều từ những ngôn từ trong trang sách này, cho tới phương pháp ngữ pháp mà bạn sử dụng để giải nghĩa chúng, cho tới những suy nghĩ bậy bạ mà bạn rơi vào trong khi bài viết của tôi trở nên nhàm chán và lặp đi lặp lại – mỗi một suy nghĩ, sự thôi thúc, và quan điểm đều là kết quả của hàng ngàn trên hàng ngàn mối liên kết của các tế bào thần kinh, bùng nổ trong sự tiếp hợp, đốt cháy bộ não bạn trong ngọn lửa của tri thức và sự hiểu biết.

Nhưng vẫn còn đó hai vấn đề. Đầu tiên, bộ não là không hoàn hảo. Chúng ta thường nhầm lẫn về những gì mà chúng ta nhìn hay nghe thấy. Chúng ta quên mất sự việc và diễn giải sai các sự việc khá thường xuyên.

Thứ hai là, một khi chúng ta đã tạo ra các ý nghĩa cho bản thân mình, bộ não của chúng ta được thiết kế để bám lấy cái ý nghĩa ấy. Chúng ta nghiêng về cái ý nghĩa mà tâm trí ta tạo ra, và ta không muốn bỏ qua nó. Ngay cả nếu như ta nhìn thấy những bằng chứng mà mâu thuẫn với cái ý nghĩa đã được ta tạo ra, ta vẫn thường phớt lờ nó và tiếp tục tin tưởng như cũ.

Nghệ sĩ hài Emo Philips từng nói, "Tôi từng cho rằng bộ óc con người là cơ quan vĩ đại nhất trong cơ thể tôi. Rồi tôi nhận ra ai đã nói với tôi điều này." Điều không may là, hầu hết những điều mà ta sẽ "biết" và tin vào là sản phẩm của sự thiếu chính xác bẩm sinh và định kiến tồn tại trong óc ta. Rất nhiều hay thậm chí hầu hết các giá trị của chúng ta là sản phẩm của các sự kiện không đại diện cho phần nhiều thế giới, hay là kết quả của một quá khứ hoàn toàn sai lầm trong nhận thức.

Kết quả của toàn bộ những điều này? Hầu hết niềm tin của chúng ta đều sai. Hoặc, để chính xác hơn, tất cả niềm tin đều sai – một số chỉ ít sai hơn những cái còn lại mà thôi. Tâm trí của con người là mớ bòng bong những điều không chính xác. Và trong khi điều này có thể khiến bạn không thoải mái, đó là một ý niệm vô cùng quan trọng cần chấp nhận, như ta sẽ thấy.

Emo Philips (tên thật: Phil Soltanek; sinh ngày 7/2/1956) là một nghệ sĩ hài người Mỹ.

Hãy Cẩn Trọng Với Những Gì Bạn Tin Tưởng

Vào năm 1988, trong quá trình điều trị, nhà báo kiêm nhà hoạt động vì nữ quyền Meredith Maran đã phát hiện ra một việc vô cùng sửng sốt: cha bà đã xâm hại tình dục bà khi còn nhỏ. Đó là một cú sốc đối với bà, một ký ức đau buồn bị kìm nén mà bà đã dành hầu hết quãng đời trưởng thành của mình để lãng quên. Nhưng ở tuổi ba mươi bảy, bà đối chất với cha mình và cũng kể cho gia đình mình nghe điều gì đã xảy ra.

Thông điệp của Meredith làm cả gia đình khiếp sợ. Cha bà ngay lập tức phủ nhận mọi thứ. Một vài thành viên trong gia đình đứng về phía Meredith. Một số người khác thì ủng hộ cha bà. Cái cây gia tộc bị chẻ làm đôi. Và nỗi đau đớn gây ra bởi tình trạng mối quan hệ của Meredith với cha mình đã tồn tại từ rất lâu trước cả khi bà buộc tội ông giờ đây đã lan ra như nấm trên những nhánh cây. Nó đày đọa tất cả mọi người.

Rồi, vào năm 1996, Meredith lại tiến đến một nhận thức gây sửng sốt khác: cha của bà thực ra đã không hề xâm hại tình dục bà. (Tôi biết: ặc) Bà, với sự trợ giúp của vị chuyên gia điều trị tâm lý tốt bụng, đã thực sự sáng tạo ra cái hồi ức ấy. Chất chồng bởi cảm giác tội lỗi, bà cố gắng hòa giải với cha mình trong phần đời còn lại của ông cũng như với các thành viên khác trong gia đình bằng việc thường xuyên xin lỗi và giải thích. Nhưng sự việc dù sao cũng đã quá muộn màng. Cha bà qua đời và gia đình bà không bao giờ còn được như trước nữa.

Hóa ra Meredith không phải là trường hợp duy nhất. Như bà từng đề cập trong cuốn hồi ký của mình, My Lie: A True Story of False Memory (tạm dịch: Lời nói dối của tôi: Một câu chuyện có thật về những ký ức giả), trong suốt những năm 1980, rất nhiều phụ nữ buộc tội các thành viên nam giới trong gia đình mình vì hành vi xâm hại tình dục cuối cùng lại quay ra thừa nhận sai lầm vào nhiều năm sau. Tương tự, còn có cả một đống người trong cùng khoảng thời gian này đã bị cáo buộc lạm dụng trẻ em theo những phương thức tôn thờ ác quỷ, mặc dù trong các báo cáo điều tra tại nhiều địa phương, cảnh sát không hề tìm thấy bằng chứng của việc thực hiện những hành vi điên rồ đó.

Tại sao con người ta lại đột nhiên sáng tạo ra những hồi ức khủng khiếp về việc lạm dụng trong gia đình và trong tôn giáo như vậy? Và tại sao tất cả những điều này lại xảy ra trong những năm 1980?

Bạn đã bao giờ chơi trò gọi điện thoại hồi còn nhỏ chưa? Bạn biết đấy, bạn nói gì đó vào tai một người và thông điệp ấy được truyền qua khoảng mười người khác, và điều mà người cuối cùng nghe được thì chả liên quan quái gì đến điều bạn nói lúc ban đầu? Về cơ bản thì những ký ức của chúng ta vận hành như vậy đấy.

Chúng ta trải nghiệm một điều gì đó. Rồi ta nhớ về chúng hơi khác đi một chút vào vài ngày sau đó, như thể chúng vừa được thì thầm vào tai ta và bị diễn giải sai đi. Rồi chúng ta lại kể cho ai đó nghe về chuyện này và phải lấp vào một vài chỗ trống với sự thêm thắt của riêng ta nhằm khiến cho mọi thứ trở nên hợp lý và rằng ta không bị thần kinh. Và rồi ta lại bắt đầu tin vào những chỗ trống được lấp đầy ấy, và vì thế mà ta cũng thuật lại y như thế vào lần kế tiếp. Ngoại trừ việc nó không hề có thật, nên ta nhớ về nó không còn đúng nữa. Và vào một đêm khuya nọ khoảng một năm sau đó khi ta đã ngà ngà say và ta kể lại câu chuyện đó, thì ta lại thêm thắt một chút nữa — được rồi, hãy thành thật nhé, chúng ta toàn bịa ra đến một phần ba câu chuyện thôi. Nhưng rồi khi ta tỉnh táo lại vào tuần kế tiếp, chúng ta không muốn tự thừa nhận rằng mình đúng là đồ điêu toa bốc phét, cho nên là ta cứ thế mà tiếp tục với cái phiên bản của câu chuyện được mở rộng và nồng nặc mùi cồn ấy. Và rồi vào năm năm sau đó nữa, cái câu chuyện tuyệt đối chính xác, thề-trước-Chúa, thề-trên-mộ-bà-mẹ-tôi, còn-thật-hơn-cả-thật nữa chỉ còn chính xác có 50 phần trăm.

Tất cả chúng ta đều làm như thế. Bạn cũng thế. Mà tôi cũng thế. Dù cho chúng ta có thật thà và tử tế đến đâu, chúng ta đều ở trong tình trạng mãi mãi làm mê muội bản thân mình và cả những người khác không vì mục đích nào khác ngoài việc trí óc của chúng ta được thiết lập để trở nên có tính hiệu quả, chứ không phải là chính xác.

Mà không chỉ có những hồi ức của chúng ta mới thậm tệ thôi đâu, não bộ của chúng ta còn hoạt động theo một cách thiên lệch vô cùng khủng khiếp nữa kia.

Như thế nào á? Ờ, bộ não của chúng ta luôn cố gắng lý giải các sự việc hiện tại dựa trên những điều mà ta đã tin tưởng và đã từng trải nghiệm. Mọi mẩu thông tin đều được đánh giá dựa trên các giá trị và kết luận mà ta đã có sẵn. Và kết quả là, não bộ của ta luôn luôn thiên về những gì mà ta cảm thấy là đúng tại thời điểm đó. Vì thế khi mà ta có một mối quan hệ tốt đẹp với người chị em gái của ta, ta sẽ phiên dịch hầu hết các kỷ niệm của ta với cô ấy là sự khoan khoái tích cực. Nhưng khi mà mối quan hệ trở nên chua chát, thì ta lại nhìn nhận toàn bộ những ký ức ấy khác hẳn đi, làm mới lại chúng theo cái cách nhằm giải thích cho cảm giác tức giận của ta đối với cô ấy mỗi ngày. Món quà dễ thương mà cô ấy tặng cho ta vào Giáng sinh năm ngoái bây giờ được hồi tưởng lại là có vẻ trịch thượng và hợm hĩnh. Thời điểm mà cô ấy quên béng mất không mời ta ghé chơi ngôi nhà bên hồ giờ đây không còn được xem là một tội lỗi hồn nhiên nữa mà là vì tội cẩu thả không thể dung thứ.

Câu chuyện bịa đặt của Meredith về việc lạm dụng sẽ có tính hợp lý hơn khi ta hiểu được các giá trị mà bà tin vào. Một là, Meredith có một mối quan hệ vô cùng căng thẳng và gay go với người cha trong suốt cuộc đời mình. Hai là, Meredith đã gặp phải quá nhiều những thất bại trong các mối quan hệ tình cảm với đàn ông, bao gồm cả một cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Vì thế cho nên là, dựa trên các giá trị của bà, "mối quan hệ thân mật với đàn ông" không hấp dẫn cho lắm.

Và rồi, vào đầu những năm 1980, Meredith trở thành một người đấu tranh quyết liệt vì phụ nữ và bắt đầu tiến hành các nghiên cứu về tình trạng lạm dụng trẻ em. Bà phải đối mặt với hết câu chuyện khủng khiếp này đến câu chuyện khủng khiếp khác, và bà tiếp xúc với những người là nạn nhân của các vụ loạn luân — thường là các bé gái — suốt nhiều năm trời. Bà cũng từng công bố rộng rãi một số nghiên cứu thiếu chính xác diễn ra vào thời gian đó — các nghiên cứu mà sau này thành ra đã đánh giá quá cao sự phổ biến của việc quấy rối trẻ em. (Nghiên cứu nổi tiếng nhất được công bố là có tới một phần ba số phụ nữ trưởng thành đã từng bị quấy rối tình dục khi còn nhỏ, và con số đó sau này đã được xác minh là không đúng.)

Và trên hết cả, Meredith đã yêu và bắt đầu mối quan hệ với một người phụ nữ khác, một nạn nhân của tình trạng loạn luân. Meredith phát triển một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và độc hại với bạn tình của mình, là một trong số những người phụ nữa mà Meredith luôn cố gắng "cứu giúp" khỏi quá khứ đau thương của họ. Người tình của bà cũng sử dụng quá khứ bất hạnh của mình như là một thứ vũ khí tội lỗi nhằm giành được sự cảm mến của Meredith (tôi sẽ nói rõ hơn về điều này và các ranh giới trong chương 8). Trong khi ấy, mối quan hệ của Meredith với cha mình còn chuyển xấu hơn nữa (ông không hề kinh ngạc khi biết bà đang ở trong một mối quan hệ đồng tính nữ), và bà tham gia các buổi điều trị tâm lý theo một tỷ lệ hơi bị quá đà. Chuyên gia điều trị cho bà, những người mà hành vi của họ được điều khiển bởi các giá trị và niềm tin của mình, thường khăng khăng rằng không chỉ đơn giản bởi vì công việc viết báo đầy căng thẳng hay những mối quan hệ tồi tệ của bà đã khiến bà thấy không hạnh phúc; mà đó hẳn phải là một điều gì đó khác, một thứ gì đó sâu xa hơn nhiều.

Vào khoảng thời gian ấy, có một phương pháp trị liệu mới được gọi là liệu pháp ký ức bị kiềm nén trở nên vô cùng phổ biến. Phương pháp điều trị này liên quan tới việc chuyên gia điều trị tâm lý sẽ đưa khách hàng của mình vào trạng thái thôi miên, và bệnh nhân được khuyến khích khơi ra và tái thể nghiệm những ký ức đã lãng quên từ thời thơ ấu. Những ký ức này thường là vô hại, nhưng ý tưởng ở đây là ít nhất thì có một số ít trong đó cũng là những cú sốc.

Vì thế mà ở đây chúng ta có Meredith tội nghiệp, đau khổ và nghiên cứu về những ca lạm dụng trẻ em và loạn luân mỗi ngày, giận dữ với cha mình, cả đời chịu đựng những mối quan hệ tồi tệ với đàn ông, và người duy nhất có vẻ hiểu được bà hay yêu thương bà lại là một người phụ nữ khác từng là nạn nhân của hành vi loạn luân gia đình. Ôi, và bà ấy nằm trên một chiếc tràng kỷ mà rơi nước mắt mỗi ngày với một vị chuyên gia tâm lý cứ yêu cầu hết lần này tới lần khác rằng bà phải nhớ ra thứ mà bà không nhớ ra nổi. Và thế là, bạn đã có được cái công thức hoàn hảo cho một ký ức được sáng tạo ra về việc lạm dụng tình dục chưa từng xảy ra rồi đấy.

Mối ưu tiên lớn nhất trong tâm trí chúng ta khi xử lý các trải nghiệm là diễn giải chúng ra theo cái cách mà chúng sẽ được liên hệ tới những trải nghiệm trước đó, tới những cảm xúc, và niềm tin của ta. Nhưng thường thì chúng ta lao vào những tình huống trong cuộc sống mà tại đó quá khứ và hiện tại không liên quan gì tới nhau hết: trong trường hợp đó, những gì mà ta trải qua trong thời điểm ấy lướt qua mọi thứ mà ta từng chấp nhận là đúng và hợp lý về quá khứ của mình. Trong nỗ lực nhằm đạt tới được sự liên hệ, đôi khi tâm trí của chúng ta, giống như trong những trường hợp như thế này, sẽ tạo ra những ký ức sai lệch. Bằng việc liên kết các trải nghiệm trong hiện tại với cái quá khứ được tưởng tượng ra ấy, tâm trí của chúng ta cho phép chúng ta duy trì bất kỳ ý nghĩa nào mà ta đã tạo ra.

Như đã nói đến ở trên, câu chuyện của Meredith không phải là duy nhất. Thực ra, trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, hàng trăm người vô tội từng bị buộc tội oan vì bạo lực tình dục dưới những hoàn cảnh tương tự như thế. Rất nhiều người trong số họ phải ngồi tù vì lẽ đó.

Còn đối với những người không mấy hài lòng về cuộc đời mình, những sự diễn giải được khơi gợi như thế này, kết hợp với khả năng kích động quần chúng của giới truyền thông — thực sự đã có một cơn bệnh dịch về nạn lạm dụng tình dục và bạo hành ma quỷ diễn ra, và bạn có thể cũng là một nạn nhân trong đó — đã thúc đẩy tiềm thức của con người đánh lừa những ký ức của bản thân đôi chút và lý giải những dày vò hiện tại của họ theo cái cách cho phép họ được trở thành nạn nhân và trốn tránh trách nhiệm. Liệu pháp ký ức bị kiềm nén sau đó đóng vai trò như một cách thức để khơi ra những khát khao trong tiềm thức và đưa chúng vào một dạng thức hữu hình của ký ức.

Cái quá trình này, và tình trạng tâm thức là hệ quả của nó, trở nên phổ biến đến nỗi mà người ta đã đặt hẳn một cái tên cho nó: hội chứng ký ức giả. Nó làm biến đổi cái cách thức mà các phiên tòa diễn ra. Hàng ngàn các chuyên gia điều trị tâm lý đã bị khởi kiện và tịch thu giấy hành nghề. Liệu pháp ký ức bị kiềm nén không được sử dụng nữa và đã bị thay thế bằng các phương pháp hiệu quả hơn. Nghiên cứu gần đây chỉ càng thêm củng cố cái bài học đầy đau đớn tại thời điểm đó: niềm tin của chúng ta là có thể uốn nắn được, và các ký ức của chúng ta là hoàn toàn không đáng tin cậy.

Rất nhiều câu danh ngôn nói với bạn rằng "hãy tin vào bản thân," hay "hãy tuân theo trực giác của bạn," và toàn tập những thứ sáo rỗng nghe chừng hay ho khác.

Nhưng có lẽ câu trả lời lại nằm ở chỗ hãy tin tưởng bản thân bạn ít đi một chút. Xét cho cùng, nếu như trái tim và khối óc của chúng ta là không đáng tin cậy như thế, thì có lẽ ta cũng nên đặt ra nghi vấn nhiều hơn nữa cho các dự định và động cơ của chúng ta. Nếu như tất cả chúng ta đều sai lầm, trong toàn bộ thời gian, vậy thì chẳng phải việc tự hoài nghi bản thân và nghiêm khắc thách thức niềm tin và giả định của chúng ta là con đường hợp lý duy nhất để tiến bộ hay sao?

Điều này nghe qua có vẻ như thật đáng sợ và mang tính tự hủy hoại. Nhưng thực ra nó hoàn toàn ngược lại đấy. Nó không chỉ là một lựa chọn an toàn hơn, mà còn mang tính giải phóng nữa.

---------

Meredith Maran (sinh năm 1951, tại New York) là nhà văn, nhà phê bình sách, và nhà báo. Bà đã phát hành mười hai cuốn sách không phải sách văn học, nhiều số trong đó nằm trong danh sách bán chạy của San Francisco Chronicle, và là thiểu thuyết gia có tác phẩm đầu tay thành công. Bà viết rất nhiều bài báo, bài luận, và đánh giá cho các tờ báo nổi tiếng của Mỹ như People, More, Good Housekeeping, Salon.com, The Chicago Tribune, The Los Angeles Times, San Francisco Chronicle, và Boston Globe.

Repressed memories therapy (tạm dịch: liệu pháp ký ức bị kìm nén/ liệu phát trí nhớ phục hồi). Các ký ức bị kiềm nén là những ký ức bị khóa lại một cách vô thức bởi vì những ký ức này có liên quan tới mức căng thẳng cao độ hay những tổn thương về tinh thần. Học thuyết này nhận định rằng cho dù cá nhân đó không có khả năng nhớ lại ký ức này, thì nó vẫn tác động tới họ trong tiềm thức, và rằng những ký ức ấy có thể hòa lẫn vào trong tiềm thức của người đó. Ý tưởng về việc những ký ức bị kiềm nén che giấu sự nhận biết những tổn thương về mặt tinh thần là một phần quan trọng trong những công trình nghiên cứu ban đầu của Sigmund Freud trong lĩnh vực phân tích tâm lý. Ông về sau này đã tiếp cận một cách nhìn khác.

Sự tồn tại của ký ức bị kiềm nén là một chủ đề gây tranh cãi gay gắt trong ngành tâm lý học; dù cho một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng nó có thể xảy ra ở nhiều dạng thức tổn thương tâm lý nhưng với một tỷ lệ khá nhỏ các bệnh nhân, trong khi các nghiên cứu khác lại cho rằng nó xảy ra vô cùng phổ biến (mà nhận được sử đồng thuận của rất nhiều chuyên gia). Một số nhà tâm lý học ủng hộ học thuyết ký ức bị kiềm nén và cho rằng các ký ức bị kiềm nén có thể được khôi phục lại dựa trên quá trình điều trị, nhưng hầu hết các chuyên gia tâm lý lại cho rằng thực tế đây là một quá trình mà có thể những ký ức sai lầm sẽ được hình thành do việc pha trộn những ký ức thực với những yếu tố tác động từ bên ngoài.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro