1.duong loi kinh te thi truong -lpk

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Từ nền kinh tế bao cấp, trì trệ bị bao vây cấm vận, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, đến hôm nay, sau 20 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền kinh tế nước ta đã có những bước tiến vững vàng, tạo đà cho thế kỷ phát triển mới của đất nước.

Chúng ta có thể tự hào khẳng định, kinh tế Việt Nam 20 năm qua đạt được nhiều thành tựu to lớn:

Ø  Một là, đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ sở vật chất - kỹ thuật được tăng cường, đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện.

Từ năm 1986 đến năm 1989, công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Nhưng vào đầu thập kỷ 90, khi bước vào thực hiện chiến lược 10 năm 1991 - 2000, đất nước vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. đến năm 1995, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 1991-1995 được hoàn thành vượt mức; đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, chuyển sang thời kỳ phát triển mới: đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Từ năm 1996 đến năm 2000 đất nước đã đạt được nhịp độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của 10 năm (1990-2000) đạt 7,5%; năm 2000 so với năm 1990, GDP tăng hơn 2 lần. Trong 5 năm (2001-2005) của nhiệm kỳ Đại hội IX, GDP bình quân tăng gần 7,5%; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đáng kể, nguồn lực phát triển trong các thành phần kinh tế đã được huy động khá hơn; nhiều lợi thế so sánh trong từng ngành, từng vùng đã được phát huy. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện.

Ø  Hai là, thực hiện có kết quả chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần.

Để nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, Đảng đã quan tâm lãnh đạo đổi mới cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước. Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 tạo khung pháp lý, có tác dụng giải phóng lực lượng sản xuất, phục vụ cho việc sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước. Cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước được đổi mới một bước quan trọng theo hướng xoá bao cấp, thực hiện chế độ công ty, phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong kinh doanh, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đã tập trung chỉ đạo sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Kinh tế tư nhân phát huy ngày càng tốt hơn các nguồn lực và tiềm năng trong nhân dân, nhất là từ sau khi có Luật Doanh nghiệp năm 2000. Sau gần 5 năm, cả nước có gần 108.300 doanh nghiệp mới đăng ký, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký lên khoảng 150.000, tăng gấp gần 2 lần so với 9 năm trước đây (1991-1999); tổng số vốn đăng ký đạt hơn 302.250 tỷ đồng (tương đương 18 tỷ USD, cao hơn số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong cùng thời kỳ).

Đóng góp lớn nhất và quan trọng nhất của kinh tế tư nhân là tạo việc làm và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội. Năm 2005, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 37,7% GDP của cả nước.

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng có bước phát triển quan trọng. Tính đến tháng 6 -2004, có 4.575 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép và còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt trên 43 tỷ USD. Năm 2005, khu vực này đóng góp 15,5% GDP, trên 7,5% tổng thu ngân sách, trên 17,1% tổng vốn đầu tư xã hội, trên 23% kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu khí), đạt trên 35% giá trị sản xuất công nghiệp; thu hút hơn nửa triệu lao động.

Ø  Ba là, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dần được hình thành.

Nền kinh tế nhiều thành phần theo chủ trương của Đảng và được quy định trong Hiến pháp 1992 đã được cụ thể hoá bằng các luật, pháp lệnh. Với Luật Doanh nghiệp, quyền tự do kinh doanh được Hiến pháp 1992 quy định đã thực sự đi vào cuộc sống. Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế, Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước đã tạo khung pháp lý ban đầu cho các yếu tố thị trường hình thành và vận hành từng bước. Đồng thời, Nhà nước đã thể chế hoá thành cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, ưu đãi thuế,... Nhờ đó, đã góp phần tích cực cho quá trình phát triển kinh tế thị trường trong suốt gần 20 năm qua.

Ø  Bốn là, cơ cấu kinh tế ngành, vùng có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Về cơ cấu ngành kinh tế: từ năm 1988 đến nay, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng nhanh và liên tục (năm 1988 là 21,6% GDP, năm 1995 là 28,8%, năm 2003 là 40%, dự kiến năm 2005 chiếm 41% GDP). Từ chỗ chưa khai thác dầu, đến nay đã có sản lượng (quy ra dầu) gần 20 triệu tấn/năm; ngành công nghiệp chế tác chiếm 80% giá trị sản lượng công nghiệp; công nghiệp xây dựng phát triển khá mạnh; sản phẩm công nghiệp xuất khẩu ngày càng tăng. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP năm 1988 là 46,3%, năm 2003 còn 21,8%; năm 2005 là 20,5%. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, tư vấn pháp lý... có bước phát triển khá.

Về cơ cấu các vùng kinh tế: có sự chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế so sánh và quan tâm hỗ trợ các vùng còn có nhiều khó khăn

Về cơ cấu lao động: có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong sản xuất thuần nông, tăng tỷ lệ lao động trong công nghiệp và dịch vụ. Năm 1990, lao động nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 73,02% tổng số lao động xã hội, năm 2004 còn 58%, năm 2001 còn 57%; năm 2005 lao động trong công nghiệp và xây dựng là gần 18%, trong dịch vụ là 25%.

Việc chuyển dịch cơ cấu đầu tư có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ tiết kiệm trong nước so với GDP tăng khá nhanh; nguồn vốn tích luỹ trong nước đã được khai thác tốt hơn, chiếm trên 60% tổng vốn đầu tư. Mặt khác, cũng huy động được nhiều vốn bên ngoài cho đầu tư phát triển. Đã hướng mạnh hơn đầu tư vào các mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn; bổ sung thiết bị và hiện đại hoá một số ngành công nghiệp; xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất; xây dựng kết cấu hạ tầng; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xoá đói, giảm nghèo - nhất là ở vùng núi, vùng khó khăn.

Ø  Năm là, đạt được những kết quả tích cực trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Vượt ra khỏi chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và các lực lượng thù địch nước ngoài, Việt Nam đã tham gia hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế trên các cấp độ và trong các lĩnh vực kinh tế then chốt (như thương mại dịch vụ, lao động, đầu tư, khoa học và công nghệ ...). Đặc biệt là, nước ta đã tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 28-7-1995, đã không ngừng mở rộng các quan hệ kinh tế song phương, tiểu vùng, vùng, liên vùng và tiến tới tham gia liên kết kinh tế toàn cầu. Đến năm 2005, nước ta đã có quan hệ thương mại với 221 nước và vùng lãnh thổ, ký 90 hiệp định thương mại song phương, trong đó, nổi bật là Hiệp định Thương mại với Mỹ, tạo điều kiện mở rộng giao lưu hàng hoá với nước ngoài và sẵn sàng ra nhập tổ chức thương mại quốc tế.

Bên cạnh những kết quả, vẫn còn một số hạn chế như:

Ø  Quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đầy đủ chưa đồng bộ và thống nhất.

Ø  Vấn đề sở hữu, quản lý và phân phối trong doanh nghiêp nhà nước chưa giải quyết tốt, . Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác còn bị phân biệt đối xử. Việc xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai còn nhiều vướng mắc. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường hình thành, phát triển chậm, thiếu đồng bộ, vận hành chưa thông suốt. Thị trường tài chính, bất động sản, khoa học và công nghệ phát triển chậm, quản lý Nhà nước đối với các loại thị trường còn nhiều bất cập. Phân bổ nguồn lực quốc gia chưa hợp lý. Cơ chế “xin-cho’ chưa được xóa bỏ triệt để. Chính sách tiền lương còn mang tính bình quân.

Ø  Cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành của bộ máy Nhà nước còn nhiều bất cập, hiệu quả, hiệu lực quản lý còn thấp. Cải cách hành chính chậm, chưa đạt yêu cầu mục tiêu đặt ra. Tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu vẫn nghiêm trọng.

Ø  Cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội đổi mới chậm, chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo còn thấp. Khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư và các vùng ngày càng lớn. Hệ thống an sinh xã hội còn sơ khai. Nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội và bảo vệ môi trường chưa được giải quyết tốt.

Những hạn chế trên xuất phát từ các nguyên nhân:

Ø  Việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề hoàn toàn mới chưa có tiền lệ trong lịch sử. Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều hạn chế do công tác lý luận chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn.

Ø  Năng lực thể chế hóa và quản lý, tổ chức thực hiện của Nhà nước còn chậm, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.

Ø  Vai trò tham gia hoạch định chính sách thực hiện và giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể hành, các tổ chức xã hội nghề nghiệp còn yếu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#boboca