1. Tìm hiểu triết lý Phật giáo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Tìm hiểu triết lý Phật giáo

Lời nói đầu:

Không phải là Phật tử, chẳng mấy khi đi chùa, không chịu đọc kinh sách Phật giáo mà lại dám viết về triết lý Phật giáo, phải chăng là quá quắt, phải chăng đáng đánh đòn!!! Tôi thiết nghĩ triết lý càng sâu sắc thì càng đơn giản, còn những gì rắc rối khó hiểu, huyền bí v.v... thì không cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Là người Việt Nam, tôi có cảm giác rằng triết lý Phật giáo đã thấm nhuần vào văn hóa Việt hàng mấy ngàn năm, đã thấm nhuần vào tâm hồn tôi. Nhưng tôi lại thấy một số không nhỏ Phật tử lại hiểu Phật giáo một cách mê tín dị đoan, một số nhà tu hành lại huyền bí hóa triết lý của Phật giáo. Quan điểm của tôi về triết lý Phật giáo thì đó là một triết lý đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc, rất có ích cho cuộc sống hiện tại của con người. Vì vậy tôi mong muốn viết ra những gì mà mình suy nghĩ về Phật giáo, dù đúng dù sai. Biết đâu cái suy nghĩ của tôi chẳng là cái suy nghĩ của nhiều người khác, biết đâu bài viết này lại được người đọc quan tâm hưởng ứng mà chỉ dậy thêm cho cái hiểu biết nông cạn của tôi về Phật giáo.

Có người cho rằng cái ảnh hưởng lớn nhất của Phật giáo trên văn hóa dân tộc Việt là quan niệm “đời là bể khổ”. Tôi thiết nghĩ quan điểm này có thể phản ảnh những giai đoạn khó khăn trong lịch sử mà loài người đã trải qua khi con người luôn luôn bị đe dọa bởi đói rét bởi áp bức của kẻ khác, bởi thiên tai, bởi bệnh tật v.v... nhưng quan điểm này không còn phù hợp với nền văn minh hiện tại. Quan điểm này có thể làm cho chúng ta bi quan tiêu cực, lãng phí cuộc sống, cái quà tặng lớn lao của thiên nhiên cho chúng ta.

Theo ý kiến cá nhân tôi thì Phật giáo có những ảnh hưởng lớn lao trên văn hóa Việt Nam trong các lãnh vực sau đây:

- đức tin

- luật nhân quả

- tự giải thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực

- Phật tại tâm, buông dao đồ tể vẫn có thể thành Phật

- bác bỏ mọi chủ nghĩa giáo điều, lý luận sắc sắc không không

Về những vấn đề này tôi thấy mỗi Phật tử cũng có thể hiểu khác nhau tùy theo hoàn cảnh cá nhân mỗi người, quan điểm của tôi về các vấn đề này có thể không phù hợp với quan điểm của một số Phật tử và tu sĩ nhưng tôi hy vọng có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình bằng cách diễn tả tính chất đơn giản và sâu sắc của cái triết lý đã có ảnh hưởng mấy ngàn năm trên văn hóa Việt Nam và đồng thời loại bỏ bất cứ cái gì rắc rối, khó hiểu, huyền bí, có tính chất giáo điều.

1. Đức tin.

Trong khi thấy một số không nhỏ Phật tử mê tín dị đoan thì tôi thấy trong kinh tụng hàng ngày của Phật giáo nói về nền tảng của đức tin Phật giáo gồm mười điều sau đây:

- Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.

- Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.

- Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.

- Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.

- Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.

- Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.

- Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.

- Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.

- Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.

- Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.

Như vậy đức tin của Phật giáo chẳng khác gì với niềm tin ở nền khoa học và kỹ thuật hiện đại. Hơn hai mươi lăm thế kỷ về trước, nền khoa học kỹ thuật của nhân loại còn rất sơ khai mà đức Phật đã giảng dậy mười điều rất phù hợp với tinh thần khoa học hiện đại. Chính nhờ tinh thần này nhân loại đã có thể thay đổi cả bộ mặt của trái đất, đã sản xuất dư thừa mọi thứ của cải vật chất, đã từ tình trạng ăn không đủ no, mặc không đủ ấm sang hoàn cảnh ăn ngon, mặc đẹp v.v....

Phải chăng vì “tham sân si” mà nhiều người đã biến cái tinh thần khoa học này thành đủ mọi hình thức mê tín dị đoan?

Khoa học và kỹ thuật đòi hỏi sự làm việc, sự suy nghĩ chứ không đòi hỏi những niềm tin có tính áp đặt, có tính giáo điều. Thí dụ như niềm tin “muốn có xã hội chủ nghĩa thì phải áp dụng chuyên chính vô sản” là một niềm tin có tính áp đặt, phản khoa học! Niềm tin đó chỉ có mục đích tập trung quyền hành cho nhóm cầm quyền!

Nền tảng của đức tin Phật giáo lại là mười điều không nên tin vội! Tính chất khoa học này tiếc thay lại ít khi được truyền tụng trong dân gian! Vì vội tin vào tuyên truyền của chủ nghĩa cộng sản (có nhắc nhở trong điều 3) nên hàng triệu người đã đóng góp xương máu để xây dựng những chính quyền tàn bạo cai trị chính dân tộc, gia đình, bản thân mình!!!

2. Luật nhân quả:

Tôi không hiểu luật nhân quả như những người nói về kiếp trước kiếp sau vì theo tôi nghĩ cách giải thích đó chỉ là để đáp ứng nhu cầu muốn tồn tại vĩnh viễn của con người. Theo tôi nghĩ luật nhân quả là một cách nhìn khoa học mối tương quan giữa các sự kiện trong thiên nhiên và xã hội, để tránh lối nhìn thụ động có tính cách áp đặt của các chủ nghĩa giáo điều, chẳng hạn như giáo điều của chủ nghĩa cộng sản đã đưa con người đi ngược lại chiều hướng phát triển của lịch sử để trở về thời kỳ mông muội!!!

Thực ra tất cả mọi ngành khoa học và kỹ thuật hiện đại đều dựa trên quy luật nhân quả. Từ mấy ngàn năm nay, loài người luôn luôn quan sát các hiện tượng xẩy ra trong thiên nhiên và xã hội, rồi dùng suy luận để xây dựng những giả thuyết về sự vận hành của các hiện tượng đó, về nguyên nhân gây ra những hiện tượng đó. Nói một cách khác là tìm những mối liên hệ nhân quả để đặt giả thuyết. Sau đó chế tạo những phương tiện để kiểm chứng những giả thuyết đó. Một khi đã được kiểm chứng bằng thực nghiệm, con người có thể tạo những “nhân” cần thiết để có những “quả” mong muốn theo đúng quy luật khoa học.

Nhân loại đã đạt được trình độ văn minh khoa học kỹ thuật hiện nay là do sự tìm hiểu không ngừng các quy luật nhân quả của mọi hiện tượng, rồi áp dụng vào sự sản xuất của cải vật chất để phục vụ loài người.

Nói một cách khác, nhờ vận dụng quy luật nhân quả trong khoa học kỹ thuật mà con người đã làm chủ được rừng núi, làm chủ được biển cả, làm chủ được trái đất v.v....

Quy luật nhân quả không phải là cái gì có sẵn cho chúng ta sử dụng mà là một quan điểm triết lý thực dụng luôn luôn thúc đẩy chúng ta tìm tòi các mối tương quan nhân quả để tránh rơi vào tình trạng suy luận máy móc, giáo điều.

3. Giải thoát.

Nhiều người giải thích về vấn đề giải thoát là sự giải thoát khỏi kiếp luân hồi, nhưng tôi lại nghĩ rằng sự giải thích đó là do nhu cầu muốn tồn tại vĩnh viễn của con người. Nói đến sự giải thoát tôi nghĩ đó là sự giải thoát khỏi những lo âu, sợ hãi, buồn phiền, thù hận, giận hờn ngay bây giờ, ngay giờ phút hiện tại để thân tâm mình luôn luôn an lạc.

Những hiện tượng thiên nhiên và xã hội chung quanh chúng ta là những nguyên nhân gây ra các cảm xúc tích cực hay tiêu cực trong tâm hồn chúng ta. Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ sâu hơn thì đó chỉ là những nguyên nhân gián tiếp, thông qua những quan niệm, những niềm tin, những thành kiến v.v.... sẵn có trong tâm hồn chúng ta, tạo ra những cảm xúc. Chẳng hạn như cùng một hiện tượng sóng vỗ ngoài bãi biển, người thích tắm biển thì thấy vui sướng được nô đùa với sóng biển, kẻ không thích sóng biển (đã từng bị sóng biển xô ngã) thì chỉ nhìn thấy sóng biển là đã sợ.

Cuộc sống hàng ngày tạo ra những thói quen, những phong tục tập quán, những nền văn hóa, những quan niệm về cuộc sống, những niềm tin v.v... Tất cả các vốn liếng tinh thần ấy tạo thành tâm hồn của chúng ta. Bất cứ hiện tượng thiên nhiên hay xã hội nào phù hợp với những vốn liếng ấy sẽ tạo ra những cảm xúc tích cực trong tâm hồn chúng ta; ngược lại khi một hiện tượng thiên nhiên hay xã hội xúc phạm vào cái vốn liếng ấy thì chúng ta cảm thấy cảm xúc tiêu cực xuất hiện trong tâm hồn, nhẹ thì buồn phiền, hoặc lo âu, sợ hãi, nặng thì có thể giận hờn, thù hận.

Nói một cách khác, những hiện tượng thiên nhiên và xã hội chúng quanh không phải là nguyên nhân chính tạo ra những cảm xúc trong tâm hồn chúng ta được, mà chính tâm hồn của chúng ta mới là nguyên nhân chính tạo ra những cảm xúc. Nếu chúng ta có thể làm chủ tâm hồn của chúng ta hay nói một cách khác chúng ta có thể tự giải thoát được thì chúng ta có thể đạt được tình trạng tâm hồn luôn luôn an lạc.

Theo kiến thức nông cạn của tôi về Phật giáo thì đức Phật có nói tới ba cánh cửa giải thoát của tâm hồn:

a) Vô ngã:

Mới nghe chữ “vô ngã” nghĩa là không có cái “tôi”, chắc nhiều người cho rằng chỉ có kẻ chán đời, muốn tự tử thì mới muốn bỏ cái “tôi”. Thực ra tư duy “vô ngã” là sự suy nghĩ rất sâu xa về cái “tôi”, về vai trò của cái “tôi” trong việc gây ra những âu lo phiền não cho chính bản thân mình.

Chẳng hạn như dù ý thức được hay không thì trái tim của chúng ta luôn luôn đập không ngừng, máu chúng ta luôn luôn lưu thông khắp cơ thể. Nói một cách khác cơ thể của chúng ta luôn luôn tuân theo những quy luật thiên nhiên dù chúng ta có ý thức được hay không; những quy luật này dĩ nhiên không phải là cái “tôi”, phải chăng cơ thể của chúng ta cũng chẳng phải là cái “tôi”? phải chăng cơ thể chúng ta cũng chẳng phải thuộc quyền sở hữu của chúng ta mà chỉ là một phần của thiên nhiên, luôn luôn vận động theo những quy luật thiên nhiên mà bản thân chúng ta cũng chẳng hay biết?

Tâm hồn chúng ta cũng vậy, luôn luôn tuân theo những quy luật mà chính chúng ta chẳng hay biết! Vì mong muốn được an toàn, vì mong muốn được tồn tại mãi mãi, tâm hồn chúng ta đã tạo ra mọi thứ lo âu sợ hãi, mọi loại cảm xúc tiêu cực.

Suy nghĩ sâu xa về cái “tôi” thì chúng ta thấy thể xác và tâm hồn chúng ta chẳng qua chỉ là những phần tử của thiên nhiên, luôn luôn vận động theo những quy luật thiên nhiên dù chúng ta ý thức được hay không.

Suy nghĩ sâu xa về cái “tôi” thì chúng ta có thể đạt được tư duy vô ngã, có thể nắm được những quy luật thiên nhiên chi phối tâm hồn mình để thoát khỏi sự âu lo sầu khổ do chính tâm hồn mình tạo ra. Như vậy, tư duy vô ngã chính là một cánh cửa giải thoát cho tâm hồn chúng ta khỏi những cảm xúc tiêu cực thù hận, giận hờn, buồn bã, lo âu, sợ hãi; đúng như lời dậy của đức Phật từ hơn 25 thế kỷ trước.

b) Vô tướng.

Nhận thức sự hiện hữu của vạn vật chung quanh bằng ngũ giác dẫn chúng ta đến tư duy hữu tướng, nghĩa là nhận xét vạn vật dưới những dạng phân biệt, chẳng hạn như to hoặc nhỏ, dài hoặc ngắn, xấu hoặc đẹp v.v...

Ngày nay, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cho chúng ta thấy được sự giới hạn của ngũ giác của chúng ta, chúng ta biết được sự hiện hữu của những làn sóng âm thanh, hình ảnh chung quanh chúng ta truyền tới từ các vệ tinh; chúng ta có thể thấy được sự vận động của tim phổi, của các tế bào v.... trong cơ thể chúng ta. Nói một cách khác, chúng ta có thể thấy được tính chất vô tướng của vạn vật.

Một thí dụ đơn giản để phân biệt giữa tư duy hữu tướng và tư duy vô tướng: quan sát một người con gái đẹp tuyệt trần, với tư duy hữu tướng con người có thể đam mê, vướng mắc; với tư duy vô tướng con người có thể nhìn thấy sự vận chuyển bên trong cơ thể, thấy cả những cái cặn bã, thấy cả những ý nghĩ đen tối v.v... Người có tư duy vô tướng có thể dừng lại ở bề ngoài để thưởng thức cái đẹp, có thể tiến sâu hơn để tự giải thoát khỏi đam mê vướng mắc.

c) Vô nguyện

Bất cứ sự mong muốn nào cũng có xu hướng trở thành một ám ảnh làm cho chúng ta quên đi cuộc sống thực tại, đánh mất cuộc sống hiện tại và có khi cả cuộc sống tương lai nữa.

Khi đó thì tư duy vô nguyện là liều thuốc cần thiết để thoát khỏi bến mê. Sự đau đớn tuyệt vọng chán chường trong một thời gian dài cũng có thể làm cho con người thoát ra khỏi bến mê đó, nhưng đó là cách giải thoát của những người đứng bên bờ vực thẳm. Trong khi đó người có tư duy vô nguyện biết rõ khi nào mong muốn trong lòng mình đã bắt đầu biến chất, có thể quan sát một cách khách quan sự tiến hóa của những mong muốn đó để tự giải thoát khỏi bến mê bằng cách xóa bỏ chúng.

4. Ai cũng có thể thành Phật.

Chúng ta thường nghe nói: Phật tại tâm. Dù kẻ nào lỡ lầm đường lạc lối, làm chuyện ác, nếu biết buông dao đồ tể thì vẫn có thể thành Phật được. Có người cho rằng như vậy là không đúng, kẻ làm điều ác phải bị trừng trị thì mới là công bằng hợp lý.

Nói đến công bằng hợp lý là nói đến hệ thống luật pháp trong xã hội để đảm bảo an ninh cho từng cá nhân và cho xã hội. Nhưng trong bất cứ hệ thống luật pháp nào thì cho tới ngày nay vẫn có rất nhiều người phá rào và lọt lưới không bị xét xử, nhất là những người có quyền hạn trong tay. Chỉ có tòa án lương tâm là không ai thoát khỏi sự áy náy, hối hận dầy vò mỗi khi làm chuyện ác. Sự thèm muốn quyền hạn, sự thèm muốn hưởng thụ vật chất làm cho con người lao vào chuyện ác. Nhưng cái khoái lạc do những sự hưởng thụ đó vừa ngắn hạn vừa tạo ra những nhu cầu mới, những thèm muốn mới để cho người trong cuộc tiếp tục ngụp lặn trong bến mê.

Sự mong muốn quyền hạn, tiền bạc.. làm cho con người mất sáng suốt, không nhận biết được rằng cả thể xác lẫn tâm hồn mình luôn luôn tuân theo những quy luật thiên nhiên khách quan và không thể nào cưỡng lại được. Phật tại tâm chính là cái quy luật thiên nhiên khách quan đó. Người ác mà biết được buông dao đồ tể là người đã bị những ăn năn hối hận dầy vò tới mức độ không còn chịu được nữa thì đương nhiên là có thể tự giải thoát khỏi gọng kìm của những quy luật đó để có thể sống hòa nhịp với những quy luật đó, nghĩa là có thể thành Phật được.

Chữ thành Phật ở đây tôi nghĩ là khả năng tự giải thoát khỏi những ăn năn hối hận để sống hòa nhịp với những quy luật thiên nhiên, tìm thấy được những khoái lạc trong những hành động từ bi bác ái, trong sự giúp đỡ kẻ gặp khó khăn, trong hành động sáng tạo v.v...

Có người bi quan cho rằng kẻ ác chẳng có hối hận gì đâu, quan niệm “buông dao đồ tể là có thể thành Phật” chỉ khuyến khích chúng làm ác thêm! Chuyện không hối hận về việc làm ác có thể có thật, nhưng đã là người, ai ai cũng phải đối đầu với sinh, bệnh, lão, tử. Càng làm chuyện ác thì càng sợ bệnh sợ lão sợ tử hơn, càng sợ những gọng kìm của quy luật thiên nhiên hơn. Cái gọng kìm này luôn luôn siết chặt mỗi khi hành động của con người vượt khỏi một giới hạn nào đó, chẳng hạn như ăn no quá thấy mất ngon, thấy khó chịu trong người, uống nhiều quá thì say, ói mửa, làm điều càn dở, tiền kiếm dễ quá thì sa đọa và nhiều khi đau đớn khổ sở hơn người nghèo.

5. Bác bỏ mọi chủ nghĩa giáo điều, lý luận sắc sắc không không.

Trong khi một số Phật tử và tu sĩ khư khư bảo thủ thì chúng ta lại thấy đức Phật bác bỏ mọi chủ nghĩa giáo điều vì một khi đã vướng mắc vào những giáo điều thì tâm hồn chúng ta khép kín, chỉ cho giáo điều của mình là đúng, muốn tất cả mọi người phải theo, không còn phân biệt đâu là phải đâu là trái; kẻ có quyền hạn mà theo chủ nghĩa giáo điều thì sẽ trở thành độc đoán, đi ngược lại quyền lợi của quần chúng.

Chúng ta thường nghe nói về lý luận sắc sắc không không, nghĩa là đang có biến thành không có và ngược lại.

Mới nghe lý luận này, nếu chưa suy nghĩ kỹ, người ta có thể lầm lẫn với lý luận của người ba phải, không có lập trường rõ rệt. Nhưng nếu suy nghĩ sâu hơn thì chúng ta thấy sự biến đổi không ngừng của thế giới vật chất chung quanh ta.

Khi chủ nghĩa Mác là thánh kinh trong một số nước theo chế độ cộng sản, có người đã so sánh lý luận sắc sắc không không của Phật giáo với lý luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác. Theo họ, lý luận lý luận sắc sắc không không của Phật giáo chính là duy vật biện chứng của thời kỳ 25 thế kỷ về trước, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển.

Hà Sĩ Phu đã vạch ra những sai lầm của triết lý Các Mác trong việc khẳng định vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau. Hà Sĩ Phu cũng so sánh triết lý Các Mác với lý luận sắc sắc không không của Phật giáo:

“Ranh giới giữa vật chất và ý thức... không hề có thật bao giờ.

Ranh giới giữa ta và ngoài ta, ranh giới giữa chủ thể tác động và đối tượng hay kết quả tác động... cũng chỉ rất tạm thời, rất tương đối, suy cho cùng cũng là giả tạo.

Cái ‘ta’ là chủ thể ‘nhận thức’ nhưng đồng thời cũng đang bị cái bên ngoài ‘nhận thức’. Đừng tưởng mình là đại diện cho ‘ý thức’ đang đem quy luật đi cải tạo thế giới ‘vật chất’ mà quên mình đang là cái sản phẩm rất ‘vật chất’ đang là nạn nhân, nạn vật một cách rất ‘vô ý thức’. Đừng tưởng mình là cái bên ngoài mà quên mình cũng đồng thời là cái bên trong.

Tất cả cứ đổi chỗ cho nhau liên tục không lúc nào dứt. ‘Sắc’ đấy, mà thoắt lại thành ‘không’ và ngược lại. Có nghĩa đấy mà thoắt thành vô nghĩa. Đương nhiên sự hoán đổi ấy không phải lung tung, mỗi biến đổi có điều kiện của nó.

Nói khác đi, ‘vật chất’, ‘ý thức’ đều chỉ là sản phẩm trong ý niệm, mà ngay trong ý niệm chúng đổi chỗ cho nhau liên tục. Chia làm sao được.

Về điều này, theo hiểu biết của tôi thì Mác nhận thức sâu sắc hơn so với Angghen và Lê Nin, song cũng chưa đủ để bứt phá, nên cứ quanh quẩn để cuối cùng vẫn bị cuốn vào một ‘quyết định luận’ Mác xít mang nhiều tính chất phân ly máy móc và cực đoan. Tôi trộm nghĩ nếu Mác được ảnh hưởng nhiều hơn với lối tư duy tổng hợp đông phương và quy luật tiến hóa sinh học thì tình hình có thể khá hơn. Song lịch sử làm gì có chữ ‘nếu’!

Chẳng hạn ‘nếu’ vậy... thì làm sao Mác có thể tưởng tượng ra một ‘đảng tiên phong’ với một ‘ý thức’ trong suốt như pha lê và kiên định như kim cương, để nhân loại có thể trao hết vận mệnh của cái thế giới ‘vật chất’ ngoắt ngoéo đầy sự tha hóa bẩn thỉu này cho đảng dìu dắt tới thiên đường cộng sản xa xôi kia? Nếu thực sự duy vật và biện chứng hẳn các ông phải hiểu như thế là ‘gửi trứng cho ác’, là ‘mỡ treo miệng mèo’, nửa đường nó không xài luôn thì làm gì? (bất giác tôi nghĩ tới chuyện Mã Giám Sinh hộ tống Kiều) ”

(trích “Chia tay ý thức hệ, phần 1” của Hà Sĩ Phu, năm 1995)

Như vậy, theo Hà Sĩ Phu, lý luận sắc sắc không không của Phật giáo không phải là duy vật biện chứng của hai mươi lăm thế kỷ về trước mà có thể là kim chỉ nam để cho các lý luận về sau phát huy mà tránh được lầm đường lạc lối.

Riêng cá nhân tôi thì tôi hiểu lý luận “sắc sắc không không” một cách đơn giản hơn: vạn vật biến chuyển không ngừng, trong cái phúc nào cũng ẩn tàng cái họa, trong cái họa nào cũng có những mầm mống của cái phúc; với tâm thanh tịnh và giải thoát thì chúng ta thấy được cái họa ẩn tàng trong cái phúc để mà tránh, thấy được mầm mống của cái phúc trong cái họa để giữ thân tâm luôn luôn an lạc.

Thay lời kết.

Quan niệm đơn giản về triết lý Phật giáo, tránh mọi rắc rối phức tạp huyền bí khó hiểu, tránh mọi thứ chủ nghĩa giáo điều có tính cách bó buộc và áp đặt, giúp chúng ta có thể tự giải thoát khỏi những âu lo phiền muộn của cuộc sống, giúp chúng ta dễ tiến tới được trạng thái thân tâm luôn luôn an lạc. Tính chất khoa học thực nghiệm, tính chất tổng hợp của tư duy của triết lý Phật giáo xứng đáng là kim chỉ nam cho sự tiến hóa của nhân loại. Tôi thắc mắc tại sao lại có một số Phật tử mê tín dị đoan, tại sao lại có một số tu sĩ mang nặng chủ nghĩa giáo điều, rắc rối hóa, huyền bí hóa mọi sự việc.

__________________

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro