10 vạn câu hỏi vì sao?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tại sao về già chúng ta lùn đi?

Khi già, chiều cao của hầu hết mọi người đều giảm ít nhất vài centimét so với hồi còn trẻ. Ngoài chứng loãng xương, còn có một nguyên nhân khác khiến cơ thể chúng ta "co" lại.Một phần cơ thể chúng ta được giữ thẳng đứng bằng cột sống. Một lý do làm chiều cao cơ thể bị giảm, đặc biệt ở phụ nữ, là chứng loãng xương, một căn bệnh mà y học có thể ngăn ngừa và chữa trị được. Loãng xương nghĩa là xương trở nên xốp và yếu đi. Do các xương của cột sống bị trọng lượng cơ thể ép lên nên nó ngắn lại - vì thế mà chiều cao của chúng ta giảm đi.

Nhưng lý do phổ biến nhất cho sự giảm chiều cao lúc về già không phải là bệnh loãng xương. Các đĩa đệm cột sống nằm giữa các đốt xương sống giống như các miếng cao su. Những cái đĩa này co lại một cách tự nhiên và thay đổi hình dạng khi chúng ta già đi - chủ yếu do mô và nước bị mất. Và khi các đĩa này co rút thì các đốt xương sống xích lại gần nhau hơn.

Thêm vào đó, cột sống chúng ta không thẳng tắp như một cái que. Thật ra nó là một chuỗi các đường cong ở vùng cổ, phần ngực trên và lưng dưới. Những đoạn cong này của cột sống tăng lên khi chúng ta về già, có thể vì các bắp thịt trở nên yếu hơn. Và các cơ xung quanh cột sống trở nên ít linh hoạt hơn - vì thế thật khó mà đứng thẳng người.

Vì sao không nên dùng tăm xỉa răng?

Xỉa răng là thói quen không tốt. Răng của ta vốn sắp hàng ngay ngắn, kẽ hở giữa các chân răng đều được lợi và chân răng điền đầy. Người có hàm răng chỉnh tế thì giữa các răng sẽ không có khe hở. Một số người thường dùng tăm, cành cây nhỏ hoặc những vật khác để xỉa răng, khiến cho kẽ răng rộng dần ra, thức ăn dễ dắt vào kẽ răng.

 

Vì sao việc dùng tăm xỉa răng khiến cho kẽ răng rộng thêm? Nếu đặt que tăm dưới kính hiển vi, bạn sẽ thấy nó có vô số sợi xơ. Khi bạn dùng nó để xỉa răng, những xơ này sẽ dắt vào chân răng, có thể làm chân răng bị rách. Vi khuẩn nhân cơ hội đó gây viêm nhiễm, khiến xương quai hàm và chân răng bị tổn thương, các tổ chức chung quanh chân răng co lại, kẽ răng rộng ra.

 

Ngoài ra, lực xỉa răng sẽ khiến cho chân răng dần dần lỏng ra, không những khiến thức ăn dễ dắt vào mà còn dễ gây sâu răng. Việc xỉa răng có hại như vậy nên các nha sĩ vẫn khuyên không nên dùng tăm.

Nếu thức ăn dắt vào chân răng mà không dùng tăm thì giải quyết bằng cách nào? Súc miệng là phương pháp đơn giản, dễ làm nhất. Chỉ cần bạn ngậm một ngụm nước, dùng hai cơ má súc liên tục, cặn sẽ bong ra. Nếu không được, dùng bàn chải để đánh răng, ép sát bàn chải vào kẽ răng rồi cọ lên xuống liên tục. Nếu vẫn không được, có thể dùng sợi chỉ luồn qua kẽ răng kéo lên xuống. Trong trường hợp những phương pháp trên đều không có hiệu quả, đành phải dùng đầu mũi kim để gỡ, nhưng phải cẩn thận để không làm tổn thương các tổ chức chân răng. Khi cần thiết, phải nhờ bác sĩ giúp đỡ.

Vì sao có người chỉ nhai một bên hàm?

Bình thường, hai hàm răng vận động có tính đối xứng để răng trên và răng dưới phối hợp nghiền nát thức ăn. Trong quá trình nhai, thức ăn bị cắt, nghiền nhỏ và hòa lẫn với nước bọt tạo thành hồ lỏng để dễ nuốt và dễ tiêu hóa. Đồng thời, sự nhai cũng giúp cơ hàm và răng phát triển được bình thường. Tuy nhiên, rất nhiều người có thể vì một bên hàm răng bị khuyết, bị sâu, hoặc do khe răng rộng nên chỉ nhai một phía; y học gọi là nhai lệch. Đây là thói quen có hại cho sức khỏe.

 

 

Việc nhai lệch khiến cơ quai hàm chỉ phát triển một bên. Cơ quai hàm bên kia co lại, bộ mặt bị biến lệch. Nếu nghiêm trọng, ngay cả sống mũi cũng bị lệch đi, ảnh hưởng đến mỹ quan.

 

 

Răng bên nhai sẽ phải làm việc nặng hơn. Mặt răng bị mài mòn nhiều hơn khiến men răng mau hỏng, viêm tủy răng. Hàm bên kia do vận động ít nên tổ chức chung quanh răng mỏng và yếu, dễ tích cặn răng, gây sâu hoặc viêm răng.

 

Ngoài ra, ở người nhai lệch, do chỉ một bên răng làm việc nên thức ăn chưa được nhai kỹ đã nuốt, tăng gánh nặng cho dạ dày, lâu ngày dễ gây ra bệnh dạ dày.

 

Vì vậy, người nhai lệch nên sửa chữa thói quen này. Nếu một bên hàm thiếu răng hoặc có răng sâu, cần đi bệnh viện chữa trị.

 

Tại sao không nên uống nước đun đi đun lại nhiều lần?

Đó là do trong nước thông thường có chứa các hàm lượng nhỏ nitrat và một số kim loại nặng như chì, cadimium… Sau khi nước đun nóng trong thời gian dài, do quá trình thuỷ phân không ngừng bốc hơi, nồng độ nitrat và các kim loại nặng trong nước sẽ tăng lên. Nước đun sôi có chứa nhiều nitrat khi uống vào trong cơ thể sẽ bị khử trở lại là muối nitric. Mà muối nitric sẽ làm hỏng công năng vận chuyển dưỡng khí trong máu, làm cho tim đập nhanh, hô hấp khó khăn, nặng hơn có thể ảnh hưởng, nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, các kim loại có trong nước đó cũng có hại đối với sức khoẻ con người.

Không nên uống nước lã, cũng không nên uống nước nước đun lại nhiều lần, vậy uống nước tinh khiết hoặc nước cất liệu có vệ sinh không? Thực ra, trong nước bình thường có chứa các nguyên tố như canxi, magiê… đều là những nguyên tố mà cơ thể chúng ta cần, canxi chiếm khoảng 1,38% trọng lượng của cơ thể chúng ta, nó là thành phần chủ yếu cấu tạo nên xương và răng, ngoài ra nó còn có tác dụng duy trì sự co bóp của cơ tim và thúc đẩy quá trình đông máu…

 

Magiê chiếm khoảng 0,04% trọng lượng cơ thể, trong đó 70% có trong xương, mỗi người một ngày cần khoảng 0,3 – 0,5 gram magiê. Hai loại nguyên tố này một phần được hấp thụ khi ta uống nước. Có thể thấy, chỉ uống nước tinh khiết và nước cất chưa chắc đã tốt nhất.

 

Như vậy, uống nước như thế nào là thích hợp? Khi đun nước, khi nước trong ấm đun bắt đầu sôi, như vậy nhiệt độ nước trong ấm đã đạt tới 100 độ C, các loại vi khuẩn trong nước đã bị tiêu diệt. Nếu như mùi clo trong nước máy hơi nặng có thể đun thêm 1 - 2 phút nữa. Nước được đun theo cách như vậy dùng để pha trà hay nấu cơm có thể coi là thích hợp.

 

Vì sao một số người thường có cảm giác đi ngoài không hết?

Ai đi ngoài xong cũng cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng một số người sau khi đi ngoài vẫn có cảm giác đi chưa hết nên không thấy thoải mái. Vì sao lại như thế?

Chất thải từ ruột non đi sang ruột già, lưu lại ở đây một thời gian nhất định rồi xuống trực tràng. Lúc này, cảm giác "muốn đi ngoài" xuất hiện. Nếu vì hoàn cảnh mà không thể đi ngay, phải miễn cưỡng nín lại, phản xạ của trực tràng sẽ bị ức chế. Nếu tình trạng đó xảy ra thường xuyên, phản xạ của trực tràng sẽ trở nên chập chạp, thậm chí dần dần mất đi; hậu quả là nhu động của kết tràng trở nên chậm hơn, phát sinh cảm giác "đi không hết"

 

Vì sao có người dễ say rượu, có người khó say?

 

 

Sau khi uống rượu, từng người có những biểu hiện khác nhau. Người tửu lượng ít chỉ cần uống mấy ngụm là mặt đỏ bừng, thậm chí choáng đầu, tim đập nhanh, khó chịu. Còn người tửu lượng khá khi mới uống ít mặt chưa biến sắc, uống đến say mặt mới tím tái. Vậy vì sao tửu lượng của mỗi người lại nhiều ít khác nhau?

 

Như ta đã biết, cho dù chủng loại rượu rất đa dạng nhưng chúng đều chứa cồn, chẳng qua là hàm lượng khác nhau mà thôi. Sau khi uống rượu, cồn được dạ dày và đường ruột hấp thụ, thông qua máu đi vào gan và các tổ chức khác. Gan có hai loại men liên quan tới sự đào thải cồn. Men cồn không chứa hyđro có thể phân giải cồn thành acetaldehyd; men acetaldehyd không chứa hyđro phân giải acetaldehyd thành nước và khí CO2, bài xuất ra khỏi cơ thể. Tửu lượng của một người nhiều hay ít được quyết định bởi loại men acetaldehyd không chứa hyđro này.

 

Nếu công năng của men acetaldehyd yếu, sức chuyển hóa acetaldehyd tương đối kém, khiến acetaldehyd không ngừng được tích lũy trong cơ thể, các đầu cuối mạch máu (đặc biệt là trên mặt) giãn nở ra. Khi uống rượu, mặt và cổ người đó đỏ bừng, toàn thân phát nóng. Do đầu cuối mạch máu giãn nở, huyết áp giảm xuống. Để bảo đảm sự thăng bằng, tuyến thượng thận tiết ra một chất gây co mạch, khiến tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng lên.

Với người mà công năng men acetalehyd mạnh, cơ thể nhanh chóng phân giải chất acetaldehyd.

Có thể thấy rằng, người có công năng men acetaldehyd yếu rất may mắn. Do tửu lượng thấp nên họ ít uống và giữ được sức khỏe. Ngược lại, những người tửu lượng cao do uống nhiều nên dễ mắc bệnh tật, thậm chí tử vong.

 

Vì sao khi khẩn cấp thì lực cơ bắp lại rất lớn? Khí lực của con người từ đâu mà có?

Khí lực là do cơ bắp co duỗi sản sinh ra. Muốn cho cơ bắp co duỗi mạnh thì phải cung cấp năng lượng lớn; nguồn năng lượng này do mỡ, chất anbumin và đường phân giải của cơ thể sinh ra. Các thí nghiệm cho thấy, 1 g mỡ khi phân giải có thể cung cấp một nhiệt năng 36.000 Jun, 1 g anbumin hoặc 1 g đường sau khi phân giải có thể cung cấp một nhiệt lượng 16.000 Jun. Nhờ sự phân giải của các chất này mà con người được cung cấp năng lượng, từ đó sản sinh ra khí lực.

 

Vậy vì sao khi khẩn cấp thì lực rất lớn? Trên hai quả thận có tuyến thượng thận, tiết ra một loại hoóc môn. Chỉ cần một lượng nhỏ hoóc môn này đi vào máu là tim sẽ đập nhanh, huyết áp tăng, một lượng lớn đường dự trữ sẽ được điều vào máu, cung cấp nguồn năng lượng lớn, chuẩn bị ứng phó với tình huống khẩn cấp bất cứ lúc nào.

 

Khi con người gặp tình huống nguy hiểm hoặc tình thế khẩn cấp, thần kinh giao cảm sẽ hưng phấn, hai tuyến thượng thận lập tức tiết ra một lượng lớn hoóc môn để đưa vào máu, khiến cho bạn có thêm sức lực để ứng phó với những sự kiện bất ngờ. Các nhà sinh lý học gọi hiện tượng này là "kích thích ứng phó". Qua đó, có thể thấy hoóc môn của tuyến thượng thận tiết ra và việc tăng đột ngột lượng đường trong máu có quan hệ rất lớn với sức mạnh kỳ lạ mà con người có được khi gặp tình thế khẩn cấp.

 

Vì sao không nên nín đại, tiểu tiện?

Nước tiểu của người được trữ lại trong bàng quang. Khi tích tụ đến một lượng nhất định, bàng quang sẽ căng lên, điều này được các dây thần kinh truyền lên đại não, khiến ta có cảm giác buồn đi tiểu. Việc nín tiểu tiện không những gây khó chịu mà còn khiến cho các cơ của bàng quang giãn ra, ảnh hưởng đến công năng co bóp của cơ quan này, làm giảm lực bài tiết nước tiểu, dẫn đến đi tiểu không kiệt.

 

Nước tiểu là môi trường tốt của vi khuẩn, nhiệt độ trong bàng quang cũng rất thích hợp cho sự phát triển của những sinh vật này. Thời gian nước tiểu bị giữ lại trong bàng quang càng dài, vi khuẩn càng sinh sôi nảy nở, gây viêm nhiễm hệ thống tiết niệu, dẫn đến đái rắt, nước tiểu kèm máu... Vì vậy, khi buồn đi tiểu, nên đi càng sớm càng tốt.

 

Về đại tiện, tốt nhất mỗi ngày nên đi một lần. Điều này có lợi cho nhịp điệu vận chuyển của hệ thống tiêu hóa. Rất nhiều người vì ham mê công việc hoặc do hoàn cảnh mà phải cố nín khi có nhu cầu đại tiện. Nhu cầu này dần dần mất đi, ảnh hưởng đến công năng bài tiết của đường ruột, làm cho nhu động của ruột trở nên chậm chạp, về sau rất khó phục hồi trở lại. Phân đọng lại trong đường ruột càng lâu càng trở nên khô cứng (do phần nước bị đại tràng hấp thu) dẫn đến táo bón. Việc uống nhiều nước không thể khiến phân mềm lại.

Tình trạng phân đọng lại lâu trong ruột sẽ khiến tĩnh mạch của thành ruột bị chèn ép, máu trong tĩnh mạch chung quanh trực tràng (sát hậu môn) không tuần hoàn về tim được. Phần tĩnh mạch đó sẽ bị ứ huyết, dễ gây ra bệnh trĩ. Đối với những người vốn có bệnh trĩ, việc nín đại tiện càng làm cho bệnh nghiêm trọng, gây xuất huyết. Do phân cứng, bệnh nhân phải dùng lực nhiều khi đi ngoài, làm tăng thêm áp lực trong khoang bụng và hậu quả là chứng trĩ ngoại càng nặng thêm.

Người già bị bệnh áp huyết cao và bệnh mạch vành càng không nên nín đại tiện mà phải giữ thói quen đại tiện đúng giờ. Việc "nín nhịn" sẽ gây táo bón, khiến cho huyết áp lên cao, cơ tim thiếu máu và thiếu ôxy, mạch máu não bị rách và cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện, gây nguy hiểm đến tính mệnh.

 

Kẹo cao su làm bằng gì?Tại sao kẹo cao su càng nhai càng mềm?

Kẹo cao su còn gọi kẹo gôm hoặc kẹo sinh-gôm (chewing gum) là một dạng kẹo được thiết kế dạng mềm để nhai mà không nuốt. Theo truyền thống, nó được làm từ nhựa cây chicle ở vùng Trung Mỹ. Tại Mexico, có đến 4.000 ha dành riêng để trồng sapôchê (hồng xiêm) cũng để lấy nhựa chicle. Cây này còn được khai thác thương mại tại Sri Lanka, Philippines, Palestine.

 

Tuy nhiên, ngày nay, vì lý do kinh tế và chất lượng nên kẹo cao su sử dụng chất polymer trên nền dầu mỏ thay cho nhựa cây chicle. Đây là loại kẹo đặc biệt, đường sẽ tan nhanh và kẹo sẽ hết ngọt sau khi nhai một thời gian. Loại này chỉ được nhai chứ không được nuốt. Những loại kẹo cao su hiện đại đầu tiên được phát triển vào những năm 1860, khi nhựa cây chicle được nhập khẩu từ Mexico vào Mỹ để coi như một vật liệu mới bên cạnh cao su, nó không thể thay thế hoàn toàn cho cao su nhưng lại nhanh chóng thống trị thị trường. Nhựa cây chicle và các loại nhựa cây tương tự được các công ty chuyên sản xuất kẹo cao su ưa chuộng vì có kết cấu mịn và mềm, giữ hương vị tốt.

 

Người ta nhai suốt ngày cho đỡ buồn miệng. Nếu ăn quá nhiều kẹo cao su (đặc biệt là vị bạc hà) sẽ gây nóng, mọc mụn nhiều và chảy máu dạ dày. Loại này khi nhai hết ngọt phải nhổ đi ngay. Nếu nhổ bã kẹo bừa bãi, nó có thể gây phiền hà cho người khác, làm mất vệ sinh. Vì vậy, phải gói bã vào tờ giấy mỏng và vứt vào thùng rác sau khi nhai hết vị ngọt. Càng nhai càng mềm vì các chất hòa tan được thoát ra ngoài.

 

Vì sao không nên vừa ăn, vừa xem sách báo?

Trước khi ăn, không nên cãi nhau tức khí, càng không nên tranh luận kịch liệt, vì tất cả những điều đó sẽ làm nhiễu loạn sự kích thích não, khiến hệ thần kinh giao cảm hưng phấn, dẫn đến khống chế sự co bóp của dạ dày và ruột, làm giảm nội tiết, tiêu hóa.

 

Hương vị và màu sắc thức ăn, co bóp của dạ dày và ruột, thói quen ăn đúng giờ... là những nhân tố gây thèm ăn, được hình thành theo phản xạ có điều kiện, thúc đẩy tiết ra dịch tiêu hóa trong dạ dày và đường ruột, làm dấy lên cảm giác thèm ăn. Đại não chủ trì tất cả những việc đó. Khi đại não bị kích thích hoặc ức chế, hoạt động của các tuyến tiêu hóa lập tức bị khống chế, do đó cảm giác thèm ăn sẽ mất đi.

 

Tương tự, nếu vừa ăn vừa đọc báo, tâm trí phải chia đôi cho hai việc, kết quả là cơm ăn vào khó tiêu hóa, sách đọc cũng không nhớ. Khi ăn, công việc chính của cơ thể là tiêu hóa, một lượng lớn máu sẽ được tập trung cho các cơ quan tiêu hóa. Nếu lúc đó não cũng hoạt động thì máu sẽ bị chia sẻ, gây trở ngại cho dạ dày và ruột, khiến quá trình tiêu hóa bị kéo dài.

Người xưa hay nói "quên ăn quên ngủ" là muốn nói khi làm một việc gì cũng phải chuyên tâm, dốc toàn lực để làm; chứ không phải là chuyện ăn uống ít quan trọng, có thể vừa ăn cơm vừa làm việc khác. Vì việc này nếu kéo dài sẽ làm cho bạn không thú vị với việc ăn nữa, dần dần dẫn đến tiêu hóa kém mạn tính.

Sau khi ăn, nên nghỉ ngơi một chốc để cho thức ăn tiêu hóa tốt và cơ thể hấp thụ được dễ hơn.

 

Tại sao khi đánh cảm bằng dây bạc thì dây bạc bị hóa đen?

Tại sao khi đánh cảm bằng dây bạc, dây bạc sẽ bị hóa đen. Để dây bạc sáng trắng trở lại, người ta ngâm dây bạc trong nước tiểu.

 

Những người bị  cảm trong cơ thể thường sinh ra những hợp chất dạng sunfua có tính độc. Khi đánh cảm bằng bạc, do lưu huỳnh có ái lực mạnh với Ag nên xẩy ra phản ứng tạo Ag2S màu đen, do đó loại được chất độc khỏi cơ thể.

 

                        2Ag      +          - S -     <-->       Ag2S    (đen)

 

Trong nước tiểu có NH3, khi ngâm dây bạc vào xẩy ra phản ứng

 

                        Ag2S    +          4NH3   <-->         2[Ag(NH3)2]+   +             S2-.

 

Ag2S bị hòa tan , bề mặt Ag lại trở nên sáng trở lại.

 

Vì sao cơm chan nước nóng không tốt cho tiêu hóa?

Ở Thượng Hải và một số vùng phía Nam Trung Quốc, rất nhiều người ăn sáng với cơm chan nước nóng, vì cách ăn này vừa nhanh, vừa đơn giản. Nhưng ăn cơm chan nước nóng không có lợi cho tiêu hóa.

 

Vì sao lại thế? Bởi vì thức ăn chúng ta ăn vào trước hết phải được nhai kỹ. Bộ răng vừa cắt vừa nghiền, làm cho thức ăn biến thành nhỏ mịn. Trong quá trình này, nước bọt sẽ không ngừng tiết ra, lưỡi không ngừng đảo trộn thức ăn, khiến cho thức ăn và nước bọt trộn đều. Men amylase trong nước bọt sẽ tác động tới chất amylase trong thức ăn, biến nó thành đường mạch nha, giúp cho dạ dày và đường ruột hấp thụ tốt. Ngoài ra, khi lưỡi đảo trộn thức ăn, vị ngon của thức ăn sẽ kích thích thần kinh vị giác ở đầu lưỡi. Thần kinh vị giác phản ánh lên đại não, đại não tiếp được thông tin lập tức ra lệnh cho dạ dày và lá lách tiết ra dịch tiêu hóa để chuẩn bị tiếp thu thức ăn.

 

Việc ăn cơm chan nước nóng đã phá hoại trình tự làm việc trên. Cơm lẫn với nước nóng thường chưa được nhai kỹ đã đưa vào dạ dày. Vì không nhai kỹ nên nước bọt tiết ra ít, men amylase bị nước làm loãng, cộng thêm thần kinh vị giác không được kích thích đầy đủ cho nên dạ dày không nhận được tín hiệu, do đó dịch vị tiết ra ít (dù có được tiết ra nhiều thì cũng bị nước làm loãng). Như vậy, các công đoạn của hệ thống tiêu hóa đều bị đảo lộn. Nếu cứ ăn như thế lâu dài, bạn sẽ bị bệnh dạ dày.

Nói như thế có phải là cũng không nên húp canh trong bữa ăn chăng? Không phải! Húp canh khi ăn và và ăn cơm chan nước nóng là hai việc khác nhau. Khi ăn cơm (đặc biệt là trước khi ăn), việc húp mấy thìa canh có thể làm nhuận khoang miệng và đường tiêu hóa, tạo thuận lợi cho việc nhai và nuốt thức ăn, kích thích miệng và dạ dày tiết ra nước bọt và dịch vị. Đương nhiên, trước khi ăn không nên húp nhiều canh, bởi vì nó sẽ làm loãng dịch tiêu hóa, giảm khả năng tiêu hóa.

Dù ăn kiểu gì cũng phải chú ý nhai kỹ, nuốt chậm.

 

Con người có thể nhớ lùi về quá khứ bao lâu?

Con người có thể nhớ lùi về thuở ấu thơ hồi lên một, lên hai của mình. Jean Roch Laurence, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Concordia (Montreal), cho biết: "Chúng ta sẽ không nhớ được nhiều lắm, nhưng cũng nhớ được một chút gì đấy".

 

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, ký ức của chúng ta là một phần lịch sử gia đình, thường xuyên được kể lại bởi một người khác. Do đó, ký ức thường là một phần của sự hồi tưởng.

 

Khi muốn tìm về một kỷ niệm, bộ não sẽ lùi tới thời điểm cuối cùng mà chúng ra nghĩ hay nói về nó. Nói cách khác, đấy là phiên bản lưu trữ ký ức bằng cách mỗi lần nhớ lại, chúng ta thêm thắt hoặc lược bỏ các đặc điểm của chúng.

 

Vì sao nói chỉ số IQ không phải là thước đo trí thông minh?

Nhiều thiên tài toán học có thể nhanh chóng tìm ra mối liên hệ logic giữa các dãy số dài dằng dặc chỉ trong vòng vài giây nhưng lại loay hoay cả giờ đồng hồ trước một cái vòi nước đã vặn chặt mà vẫn rỉ nước...

 

Anh ta cũng không thể cảm nhận được ý nghĩa thực thụ của một câu thơ, thậm chí không thể tìm ra được một lời nào để an ủi một người bạn trong cơn hoạn nạn. Nhưng anh ta vẫn là một thiên tài với trí thông minh khác thường.

 

Do đó, trí thông minh là một khái niệm vô cùng phức tạp, không thể chỉ kiểm chứng thông qua một vài bộ câu hỏi phức tạp. Trên thực tế, những bài trắc nghiệm chỉ số IQ chỉ có tác dụng kiểm tra khả năng tư duy logic và óc phân tích của mỗi người chứ không thể cho phép đánh giá một cách đầy đủ mức độ thông minh của người đó.

 

Mỗi con người là một thực thể kết hợp nhiều dạng biểu hiện khác nhau của trí thông minh mà tùy từng cá nhân sẽ có khả năng về mặt này nổi trội hơn mặt khác. Nói cách khác, trí thông minh của con người không chỉ là khả năng tư duy logic mà còn có thể là khả năng thể hiện những cử chỉ, động tác điêu luyện của một vũ công, khả năng diễn đạt ngôn ngữ xuất thần của một nhà văn, nhà thơ hay khả năng hiểu thấu được tâm tư hoặc nỗi lòng của một người nào đó. Tương tự như vậy, một nhạc công điêu luyện cũng là người rất thông minh trong việc cảm thụ âm nhạc hay một nhà hàng hải cũng được coi là người có trí thông minh tuyệt vời trong việc xác định phương hướng.

 

Cũng giống như cơ bắp, trí óc cũng cần được nuôi dưỡng và rèn luyện thường xuyên để nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, rèn luyện và nâng cao trí thông minh không có nghĩa là cố gắng nhập tâm hàng mớ các dãy số hay ký tự phức tạp như các danh bạ điện thoại hay số biển đăng ký của các xe qua lại trên đường. Đó có thể chỉ đơn giản là việc đọc một cuốn sách, chơi một ván cờ hay thậm chí tham gia một số hoạt động chân tay có đòi hỏi óc quan sát. Nhưng tốt hơn hết là nên thử học cách chơi một thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ, chẳng hạn tập chơi một môn thể thao, học một ngoại ngữ, học vẽ hay tập chơi cờ. Những thử thách mới như vậy đối với bộ não sẽ giúp chất xám tạo ra những mối liên kết mới giữa các nơron và tránh được hiện tượng xơ cứng.

 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro