1001 thu5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

32 tướng tốt của bậc Đại nhân

Posted by dobatnhi ⋅ Tháng Một 25, 2011 ⋅ Để lại phản hồi

Filed Under  32 tướng tốt của Đức Phật, 80 vẻ đẹp và 32 tướng tốt, Thế nào là tướng tốt

Đức Phật

Sau khi Thái tử Tất-Đạt-Đa đản sinh, vua cha Tịnh-Phạn triệu tập các vị tinh thông tướng số đến tiên đoán vận mệnh cho Thái tử. Các vị xem tướng xong, đồng tâu lên rằng: “Thái tử có đủ 32 tướng tốt của một Bậc Đại nhân, thật hiếm có trên đời. Đây là những dấu hiệu báo trước Ngài sẽ là Bậc vĩ nhân đệ nhất trong thiên hạ. Nếu Ngài làm vua, sẽ là vị Chuyển luân Thánh vương; nếu xuất gia tu hành, Ngài sẽ là Bậc Đại Giác Ngộ”.

Trong mùa an cư cuối cùng, Đức Phật báo trước sẽ lên cung trời Đao-Lợi thuyết pháp cho chư Thiên và Thánh mẫu Ma-Gia. Vua xứ Kosala là Pasennadi, do lòng kính ngưỡng Đức Phật, xin phép được họa chân dung Ngài trước khi Ngài tạm rời nhân gian. Được Đức Phật chấp thuận, nhà vua thỉnh Ngài thọ trai tại hoàng cung; ở đây có 12 vị họa sư nổi tiếng cùng tề tựu để quan sát và vẽ lại chân dung Đức Phật.

Tuy nhiên, sau đó tất cả các họa sư đều quỳ xuống xin nhà vua tha tội, vì “Hình tướng Đức Thế Tôn đẹp lạ lùng, chúng thần sững sờ chỉ ngắm nhìn suốt buổi mà không vẽ được nét nào cả”. Đức Phật nghe nói thương tình, cho in bóng mình lên nền nhà để các họa sư đồ họa lại. Đây là bức vẽ chân dung đầu tiên của Đức Phật.

Về sau, nhà vua lại truyền lệnh cho các thợ điêu khắc tài giỏi trong nước tạc tượng Đức Phật theo mẫu vẽ ấy. Nhưng không người thợ nào dám nhận nhiệm vụ, vì “Sắc tướng Đức Thế Tôn vạn lần cao quý, siêu tuyệt trần gian; nếu không chuyển tải được những đức tướng ấy trên tượng thì e đắc tội với Ngài”.

Có một vị Thiên nhân chuyên về kiến trúc tên Tỳ-Thủ Yết-Ma hóa thân làm thợ mộc, yết kiến nhà vua xin nhận việc. Chỉ sau một ngày, vị Trời ấy đã tạc xong pho tượng Đức Phật bằng gỗ trầm hương, cao 7 thước mộc, mặt và tay chân đều màu vàng tía. Nhà vua vừa trông thấy bức tượng, phát sinh đức tin thanh tịnh, chứng Nhu thuận nhẫn, bao nhiêu nghiệp chướng phiền não đều được tiêu trừ (kinh Đại thừa công đức tạc tượng Phật – Đại chính Tân tu Đại tạng kinh).

Các tài liệu Phật học mô tả 32 tướng tốt của Đức Phật có đôi chỗ khác nhau, nhưng tựu trung có thể kể ra như sau:

1- Đỉnh đầu có nhục kế.

2- Tóc màu xanh đậm, xoăn thành vòng theo chiều bên phải.

3- Trán rộng và bằng phẳng.

4- Khoảng giữa hai chân mày có một sợi lông trắng mịn.

5-Mắt xanh biếc, mi dài như mi ngưu vương.

6- Có đủ 40 răng.

7- Răng nhỏ và đều khít.

8- Răng trơn láng, trắng trong như ngọc.

9- Chân răng rất sâu, không khuyết hở.

10- Lưỡi rộng và dài, có thể chạm đến chân tóc trên trán.

11- Nước trong cổ họng có vị ngọt thơm.

12- Quai hàm như hàm sư tử

13- Giọng nói trong ấm và vang xa như tiếng Phạm vương.

14- Thân hình thon cao.

15- Da mịn màng, màu như vàng ròng, bụi không thể bám vào.

16- Lông trên mình màu xanh và mềm mại, đều xoay tròn theo chiều bên phải.

17- Mỗi lỗ chân lông chỉ có một sợi lông mọc.

18- Bảy chỗ bằng phẳng và đều đặn.

19- Nửa thân trên như thân sư tử.

20- Không có khuyết lõm giữa hai vai.

21- Hai tay buông thỏng dài đến đầu gối.

22- Đầu cánh tay trắng tròn.

23- Ngón tay thon dài.

24- Tay chân mềm mại.

25- Lòng bàn chân có đủ 1.000 xoáy trôn ốc.

26- Kẻ ngón chân có màng da lưới.

27- Âm tàng như mã vương.

28- Đùi như lộc vương.

29- Gót chân thon, tròn đẹp.

30- Mắt cá chân tròn, không lộ ra.

31- Mu bàn chân cao và đều đặn.

32- Lòng bàn chân bằng phẳng, có hình bánh xe.

Điểm qua 32 tướng tốt để chúng ta có thể nhận diện nhân dáng toàn mỹ của Đức Phật. Thật ra, có một vài chi tiết khó hình dung nơi một con người thời nay, như tướng lưỡi rộng dài quá mức hay màng da lưới ở kẻ ngón; hoặc một số tướng tốt chỉ xuất hiện khi Đức Phật đã trưởng thành chứ không phải được mô tả lúc Ngài đang ở tuổi sơ sinh, như tướng răng, giọng nói, thân hình…

Tuy nhiên, chúng ta không nên dùng ý thức phàm tình để xét đoán về một Bậc Thánh nhân, vì đôi khi những chi tiết mô tả về Ngài có thể ẩn tàng một ý nghĩa sâu xa nào đó. Ví dụ, tướng lưỡi rộng dài là kết quả bao nhiêu đời kiếp Ngài không một lời nói hư dối; khối thịt vun trên đỉnh đầu (nhục kế) là tướng của một người có trí tuệ tột đỉnh; lông trắng giữa hai chân mày (bạch hào tướng quang) tượng trưng cho Trung đạo, lìa sự cố chấp hai bên; lòng bàn chân có hình bánh xe biểu hiện một sứ mạng cao cả là lưu truyền chánh pháp… Những tướng tốt hy hữu ấy đã minh chứng bao nhiêu công đức tích lũy được trong vô lượng kiếp tu hành của một Bồ tát Nhất sanh bổ xứ, chỉ còn một đời ở cõi Ta-bà là thành tựu Phật quả.

Thân tướng tốt đẹp cũng là sự thị hiện của Ngài, do chìu theo sự ưa thích cái đẹp của chúng sinh. Khi mới tiếp xúc lần đầu, chúng ta thường chú ý đến vẻ ngoài của người đối diện, sau đó mới tìm hiểu về tính tình và đời sống nội tâm. Đức Bổn Sư của chúng ta, với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp thật toàn mỹ và phi phàm, đã khiến cho bất cứ ai, khi vừa gặp Ngài đều sinh lòng quý kính. Đây là điều kiện thuận lợi để tiếp cận với người khác, sau đó Ngài mới tùy duyên mà giáo hóa. Trong pháp hội của Đức Phật, được nhìn dung mạo Ngài, nghe giọng nói Ngài trầm hùng như tiếng sóng biển, tiếng chim Ca-lăng-tần-già, toàn thể đại chúng đều sinh lòng kính tín, tâm hoan hỷ thanh tịnh lạ thường. Nhiều người đắc quả vị Hiền Thánh chỉ sau một lần được diện kiến Đức Phật hoặc nghe Ngài thuyết pháp.

Nhưng thân tướng đẹp đẽ vô song ấy, có phải không bao giờ đổi thay hoại diệt? Trong kinh kể lại, một hôm Đức Phật ngồi sưởi ấm dưới nắng, Ngài A-Nan đến gần, buồn rầu thưa rằng “Bạch Đức Thế Tôn, làn da ánh như vàng ròng của Người nay còn đâu, chỉ có màu xám xịt nhăn nheo của tuổi già”. Đức Phật dạy: “Này A-Nan, đây là sanh thân của Như-Lai, hữu hình ắt hữu hoại”.

Thân xác do tứ đại hợp thành, đủ duyên thì hiện hữu, hết duyên lại trở về cát bụi. Vô thường có tha ai bao giờ? Vô thường là quy luật tất yếu của cuộc sống, nhưng cũng là điều kiện cần thiết cho sự tiến hóa của vũ trụ vạn loại. Hoa nở rồi tàn, rụng xuống thành rác, từ rác có cây khác mọc lên, và hoa lại nở, tạo thành vòng biến chuyển không dừng trụ. Sanh thân của Đức Phật, dù đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp cũng do tứ đại duyên hợp tạm có, tồn tại trên thế gian trong 80 năm và cũng chịu sự chi phối của luật vô thường, cũng ở trong vòng biến chuyển của luân hồi sinh tử. Thế thì, ý nghĩa cao cả của sự tu hành là Giác Ngộ – Giải Thoát phải được hiểu như thế nào?

Kinh Phạm Võng Trường Bộ tập I, Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, thân của Như-Lai còn tồn tại, nhưng cái khiến đưa đến một đời sống khác đã bị chặt đứt. Khi thân Như-Lai còn tồn tại, thì chư Thiên và loài người coù thể thấy thân ấy. Khi thân hoại mạng chung, thì chư Thiên và loài người không thể thấy được”. Động lực khiến tái sanh vào kiếp khác là phiền não tham sân si đã bị chặt đứt thì dù sanh thân còn tồn tại nhưng đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa của luân hồi.

Chư Thiên và loài người chỉ có thể thấy được sanh thân của Đức Phật, tức thân có 80 vẻ đẹp và 32 tướng tốt, thân có sinh ra, có bệnh tật, có già nua và có hoại diệt. Nhưng khi sanh thân không còn nữa, thì mắt của Trời người không thể thấy Như-Lai. Bởi vì Như-Lai chính là Pháp Thân vô tướng, là Thật tướng thường trụ. Pháp thân vô tướng nên không bao giờ sinh diệt, vì không có chỗ trụ nên thường hiện hữu khắp cõi Tam thiên, vắng lặng mà chiếu soi, không thể dùng ý thức suy lường mà sẵn đủ nơi tất cả chúng sanh.

Đức Bổn Sư đã nhận ra và hằng sống với tánh giác sẵn đủ ấy nên Ngài là Phật; còn chúng sanh do quên tánh giác, mãi đuổi theo trần cảnh, tạo nghiệp, nên vẫn còn lang thang trong sáu nẻo luân hồi. Chư Phật thị hiện nơi đời cũng chỉ có một mục đích duy nhất là chỉ cho chúng ta thấy và trực nhận tánh giác nơi mình, từ đó gột rửa dần tập khí phiền não, cuối cùng thể nhập Pháp thân. Đó là ý nghĩa của sự tu hành, cũng là bản hoài của chư Phật, Chư Bồ tát.

Cuộc đời của Đức Bổn Sư, từ lúc còn trên ngôi vị Thái tử đã không màng đến danh lợi hạnh phúc thế gian, đến khi thành đạo vẫn vì chúng sanh giáo hóa suốt 45 năm ròng, là một cuộc đời vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Ngài cũng là người, nhưng là một người phi thường từ thể chất đến tinh thần, từ hình tướng đến tâm linh, từ trí tuệ đến lòng từ bi ban rải bình đẳng đến chúng sanh vạn loại.

Chỉ phác thảo về những đặc điểm bên ngoài của Đức Phật, cũng đủ cho chúng ta phát khởi lòng tôn kính đối với Ngài – Bậc giáo chủ vĩ đại, Bậc Tôn sư của Trời người, như kinh Nikaya viết: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho Chư Thiên và loài người!” Những người con Phật chúng ta, muốn làm tròn chữ hiếu đối với Đức Bổn Sư, phải nguyện đời đời tinh tấn tu hành theo lời Ngài chỉ dạy để cuối cùng, thành tựu quả vị Phật như Ngài!

Thượng Đế ba ngôi hay là ba lớp tâm thức của con người

Posted by dobatnhi ⋅ Tháng Một 24, 2011 ⋅ Để lại phản hồi

Filed Under  Atman, Ba hồn bảy vía, Ba trạng thái của Thượng Đế, Ba vị thần Ấn Độ là Thượng Đế ba ngôi, Bouddhi, Chơn nhơn, Chơn thần, Manas, Phàm nhơn, Thượng Đế ba ngôi là gì, Thượng Đế ngôi ba, Thượng Đế ngôi hai, Thượng Đế ngôi nhất

Ba vị thần tối cao Ấn Độ Brahma, Vishnu và Shiva

Về hình thức, tôn giáo Veda là một đa thần giáo, nhưng về bản chất tôn giáo Veda là một nhất thần giáo. Theo tôn giáo Veda, tất cả các thần linh chỉ là những biểu hiện khác nhau của cùng một thực tại, tức là Brahman hay Ishvara (Thượng Đế). Người ta có thể nhận biết Ngài qua ba ngôi chủ động : đấng Sáng Tạo (Brahma), đấng Bảo Hộ (Vishnu), và đấng Huỷ Diệt (Shiva). Tuy ba mà vẫn quy về một mối, chẳng phải chỉ đồng nhất trong bản thể và nguồn gốc mà còn trong cả hành động nữa. Vì thế mà trong nhiều ngôi đền Ấn độ giáo, người ta thấy hình ảnh Tam linh vị đã được thể hiện bằng một cái đầu có ba bộ mặt. Ba ngôi của Thượng Đế là:

- Ngôi thứ nhứt: Shiva – Đức Chúa Cha.

- Ngôi thứ nhì: Vishnu – Đức Chúa Con.

- Ngôi thứ ba: Brahma – Đức Chúa Thánh Thần (Phạm Thiên).

Ba ngôi này có ba trạng thái:

- Ngôi thứ nhứt: Trạng thái Ý-chí.

- Ngôi thứ hai: Minh-triết, Bác-ái.

- Ngôi thứ ba: Hoạt-động cũng gọi là Trí-tuệ sanh hóa.

Bắt đầu từ ngôi thứ nhì có sự phân chia âm-dương, tinh-thần vật-chất, sự sống và hình thể.

Thượng Đế ẩn diện trong hiện thể của thần linh

Thượng Đế duy nhất tự hữu hằng cửu là nguyên nhân và cứu cánh của toàn thể các thần linh và muôn loài trong vũ trụ. Theo quan niệm của Ấn Độ, con người không thể hình dung Thượng Đế bằng bất cứ một ý niệm hay hình ảnh cụ thể nào. Con người chỉ có thể nhận biết được Thượng Đế qua những vị thần linh biểu hiện cho quyền năng mầu nhiệm của Ngài.

Cõi Trời (Dyaus), Đất (Aditi), và Mười Hai Nguyên Lý Tối Cao (Âditya) tức Mười Hai Tháng:

Hình ảnh tiếp cận nhất có thể biểu hiện cho Thượng Đế toàn diện là Cõi Trời (Dyaus) chứa đựng toàn thể vũ trụ.

Cùng với Cõi Trời (Dyaus) là Cha tượng trưng cho Tinh thần, có Đất (Aditi) là Mẹ tượng trưng cho Vật chất. Do hai nguyên lý này mà sinh ra Mười Hai Nguyên Lý Tối Cao (Âditya) điều hành mọi sinh hoạt giữa Trời và Đất, cai quản chư thần và loài người. (Nói vậy vì mười hai tháng trong năm khi chuyển vận lôi cuốn theo tất cả thế gian).

Bộ ba Dyaus-Aditi-Âditya (Cha-Mẹ-Con) với tính cách nhất nguyên, có thể ví như quan niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi Cha-Con-Thánh-thần trong Thiên Chúa Giáo. Lại cũng có thể ví như quan niệm trong Kinh Dịch về Âm, Dương và các hình thái biểu hiện do sự giao hoà của hai nguyên lý ấy.

Các thần linh trong Veda ngụ khắp ba cõi : Thần cai quản Hạ giới là Lửa (Agni); thần cai quản Không trung la' Gió (Vâyu) và thần cai quản Thiên giới là Mặt trời (Suârya). Đó là Ba ngôi tối linh Tri-murti trong Veda.

Về nguyên lý ba ngôi là Dyaus-Aditi-Âditya; về thể hiện thì Tam linh vị là Thần lửa Agni, Thần gió Vâyu và Thần mặt trời Suârya. Vì vậy, Đất và Lửa là một, Bầu Trời và Không Khí là một, Cõi Trời và Mặt Trời là một. Cả ba vừa là Thể vừa là Dụng của cùng một bản chất và là ba yếu tố căn bản của đời sống.

“Ba hồn” hay là ba trạng thái tâm thức

Ở Việt Nam nhân gian thường hay có câu nói phổ biến “ba hồn bảy vía”, ba hồn tức là hiện thân của ba ngôi: Chơn Thần, Chơn Nhơn, Phàm Nhơn.

- Ngôi thứ nhứt – Chơn thần – Esprit (Atman).

- Ngôi thứ nhì – Chơn nhơn – Ego (Bouddhi).

- Ngôi thứ ba – Phàm nhơn (hay Trí tuệ) – Personnal Ego (Manas).

Ba trạng thái tâm thức của ba thể là:

- Ngôi thứ nhứt (Atma): Trạng thái Ý-chí.

- Ngôi thứ hai (Boudhi): Trạng thái Minh-triết, Bác-Ái.

- Ngôi thứ ba (Manas): Trạng thái Hoạt-động hay là Trí-tuệ sanh hóa.

Chơn thần lưu trú ở cõi Niết Bàn, càng xuống cõi giới thấp hơn sự rung động vật chất nặng nề làm nó không dễ hoạt động, nên nó sinh ra Chơn Nhơn thay thế cho mình nhận lấy kinh nghiệm từ cõi Niết Bàn, Bồ Đề cho tới Thượng thiên (ba cảnh cao Thượng giới). Những học hỏi của Chơn nhơn ở cảnh giới thấp được truyền đến Chơn thần.

Xuống các cõi thấp từ Hạ thiên đến cõi Trần, sự rung động vật chất càng nặng nề hơn, Chơn Nhơn không đáp ứng được nên nó sinh ra Phàm Nhơn để hoạt động trong đó. Tinh hoa những sự kinh nghiệm mỗi kiếp của Phàm nhơn đều giao lại cho Chơn nhơn. Chơn nhơn có sự sinh hoạt riêng. Giữa Chơn thần và Chơn nhơn, giữa Chơn nhơn và Phàm nhơn đều có dây liên lạc với nhau. Nhưng hầu hết trong đời sông nhân loại, con đường thông thương giữa Chơn nhơn và Phàm nhơn bị ách tắt bởi những tư tưởng và ý muốn của Phàm Nhơn; vì vậy con đường trở về với Thượng Đế đã bị vây phủ bởi chông gai.

Một thi sĩ xưa đã diễn tả vai trò hợp nhất của Ba Ngôi trong mấy vần thơ sau:

Thượng Đế duy nhất biểu hiện trong cả ba ngôi

Đấng nào cũng đứng đầu, Đấng nào cũng đứng chót.

Không một đấng nào tách ra riêng biệt

Brahma, Vishnu, Shiva; mỗi Đấng đều có thể là :

Thứ nhất, thứ nhì, thứ ba trong ngôi chí thánh.

Huyền Thoại về loài người trong Áo Nghĩa Thư (Upanishad)

Posted by dobatnhi ⋅ Tháng Một 18, 2011 ⋅ Để lại phản hồi

Filed Under  Áo nghĩa thư, Cái Ngã có đầu tiên, Con người có từ lúc nào, Truyền thuyết về loài người, Truyền thuyết về đàn ông đàn bà, Đàn ông đàn bà được sinh ra như thế nào

Thần Krishna

Ấn độ có nhiều huyền thoại về nguồn gốc con người và vũ trụ.  Theo Áo Nghĩa Thư (Upanishad) thì huyền thoại sau đây được ghi vào khoảng 700 năm trước thời đại này:

Thoạt kỳ thủy, vũ trụ này chỉ là cái Ngã (Self) dưới dạng người.  Hắn (cái Ngã) nhìn xung quanh và không thấy bất cứ gì khác nên kêu to lên: Chỉ có Ta; từ đó quan niệm về cái Ta khởi dậy.

Rồi hắn cảm thấy sợ hãi. (Đây là lý do con người sống cô độc thường hay sợ hãi).  Nhưng rồi hắn suy nghĩ: “Chỉ có một mình ta ở đây, vậy có gì mà phải sợ hãi?”  Và hắn hết sợ. (Con người sợ là sợ một cái gì đó).

Tuy nhiên, hắn không lấy gì làm vui (sống cô độc thường không vui) nên muốn có bạn đời.  Cái Ngã này bèn tự phân ra làm hai phần, và từ đó cặp tình quân và tình nương đầu tiên được sinh ra, và nhân loại sinh ra bắt đầu từ đó.

Nhưng sau đó nàng suy nghĩ: “làm sao mà chàng ngẫu hợp với ta được vì ta chính là một phần của chàng?  Vậy thôi ta hãy trốn đi cho rồi.”  Để trốn chàng, nàng biến thành con bò cái.  Chàng bèn biến theo thành con bò đực, và từ đó các loài trâu bò xuất hiện. Rồi nàng biến thành con ngựa cái, con lừa cái, con dê cái v..v.. và chàng biến theo thành những con đực để cặp đôi với nàng.

Từ đó tất cả các sinh vật trên thế gian, từ những sinh vật lớn cho đến những con sâu con kiến, xuất hiện.  Thế rồi chàng ý thức được rằng chàng chính là đấng sáng tạo vì khởi thủy của mọi vật chính là chàng.  Từ đó sinh ra quan niệm về sáng tạo.

Nói về chuyện “Niêm hoa vi tiếu”

Posted by dobatnhi ⋅ Tháng Một 13, 2011 ⋅ Để lại phản hồi

Filed Under  Ca Diếp vi tiếu, Luận về Niêm hoa vi tiếu, Một người nhấc hoa đưa lên người kia nở mặt mỉm cườ, Nhân thiên nhãn, Như Lai niêm hoa, Niêm hoa vi tiếu, Tông môn tạp lục

Niêm hoa vi tiếu - tranh sơn dầu Nhuận Thường

Chuyện “Niêm hoa vi tiếu” không những có thật, mà còn được ghi chép trong kinh Phật, sở dĩ kinh này thế gian khó nghe thấy được, bởi nằm bí tạng trong Hàn uyển (nơi chứa thư tịch cung đình).

Linh Sơn Pháp hội Phật niêm hoa

Hội chúng vị tri Phật tác ma

Ca Diếp tức tâm Tâm hoát ngộ

Bản vô biệt sự “tiếu” liên hoa

Niêm hoa, vi tiếu truyền tâm ấn

Chánh pháp Như Lai hữu nhãn tàng

Bất dụng tư lường “vi tiếu” ý

Phàm tình, Thánh giải lưỡng sai yên.

Tảo Chửu Phàm Phu

Vào thời kỳ Nam Bắc triều (giữa thế kỷ V – VI), Phật giáo Trung Quốc bắt đầu có những trứ tác tự thuật về những “Pháp thống” Phật giáo như quyển: “Phó Pháp tạng nhân duyên truyện”, đến thời Tùy Đường (589-907) các tông phái Phật giáo hưng khởi, lợi dụng cái quan niệm “Pháp thống” đương thời mà biên soạn riêng “Pháp hệ” để dương danh sự truyền thừa Chính pháp Phật của tông phái mình – Dĩ tâm truyền tâm, giáo ngoại biệt truyền, kỳ thật đó cũng là nét đặc thù của “phán giáo” và “lập tông” của Thiền tông vậy.

Vây quanh việc truyền tâm ấn Phật, Thiền tông đã ghi chép rất nhiều câu chuyện Thiền thật sinh động (ngữ lục), thậm chí còn biên tạo Phật kinh để chứng thuyết Thiền, như chuyện “Niêm hoa vi tiếu”, chuyện “28 vị Tổ Tây thiên”…

Truyền thuyết “Niêm hoa vi tiếu” không biết có từ lúc nào, chỉ thấy ghi chép thành văn vào đời Tống (960-1127) trong “Tông môn tạp lục” mục “Nhân thiên nhãn” quyển 5, có đoạn ghi chép như sau:

Vương Kinh Công (Vương An Thạch) hỏi Thiền sư Tuyền Phật Huệ:

- Thiền gia nói Thế Tôn niêm hoa có từ kinh điển nào vậy?

Tuyền nói:

- Tạng kinh không thấy có.

Công nói:

- Nơi Hàm Uyển, tôi thấy có ba quyển “Đại Phạn Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi kinh”, bèn đọc, trong kinh văn ghi thật rõ: Phạn Vương đến Linh Sơn hiến Phật cành hoa “Ba la” màu vàng kim, buông mình làm sàng tọa, thỉnh Phật vì chúng thuyết pháp.

Thế Tôn đăng tòa đưa cành hoa lên thị chúng, nhân thiên hội chúng lúc đó có cả trăm vạn thảy đều ngơ ngẩn lặng thinh, chỉ có Kim sắc Đầu Đà Ca Diếp nở mặt cười mỉm, Thế Tôn liền nói:

Ta đã có Chính pháp Nhãn tàng, Niết bàn Diệu tâm, Thực tướng Vô tướng, nay phó chúc cho Ma Ha Ca Diếp.

Kinh này ghi chép nhiều về chuyện các đế vương thỉnh vấn Đức Phât, nên coi như “bí tạng”, thế gian khó nghe thấy được.

Theo như trên, chuyện “Niêm hoa vi tiếu” không những có thật, mà còn được ghi chép trong kinh Phật, sở dĩ kinh này thế gian khó nghe thấy được, bởi nằm bí tạng trong Hàn uyển (nơi chứa thư tịch cung đình).

Như chúng ta đều biết, Thiền tông cường điệu “bất lập văn tự”, là để chứng minh tông môn mình vẫn là đích truyền tâm pháp từ chư Phật chư Tổ, đương nhiên họ cũng phải viện dẫn kinh sách điển tịch để mà nói; nhưng ở đây chúng tôi muốn nêu lên vấn đề, theo như câu chuyện trên, chính mắt Vương An Thạch (1021-1087) đọc được trong kinh “Đại Phạn Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi kinh”.

Nhưng căn cứ theo các nghiên cứu của các học giả từ trước đến nay đều cho rằng đó là hoàn toàn do người sau biên tạo, đương nhiên tuy kinh do người sau biên tạo, nhưng xét ra cái ý chỉ “Như Lai niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu” chúng ta nhận thấy nó gần với lời của Trang Tử (Đạo gia) từng nói: “Mạc nghịch vu tâm, tương thị nhi tiếu” (không trái trong tâm, nhìn nhau mà cười), đều để nói lên cái mà trong cảnh giới giao lưu gọi là hỗ tương truyền đạt ý mình mà người kia hiểu được qua tâm tâm tương ấn, do đó thiền tông rất hân nhiên chấn phát tông môn y cứ theo truyền thuyết thần kỳ này.

Điều đó đã vén mở ra cho chúng ta thấy được cái tính đặc thù của sự truyền thừa Thiền pháp của nó – không trọng kinh giáo, chuyên trọng vào tự tâm chứng ngộ tức thì (đương hạ tức thị) của Thiền đốn ngộ, và từ đó nó cũng hé lộ rõ cái dấu ấn đặc trưng của nền văn hóa Thiền Phật giáo Trung Hoa.

Đọc “Một người nhấc hoa đưa lên, người kia nở mặt mỉm cười”, cũng như đọc một đại sự chư Tổ lập ra tông phái Thiền của đạo Phật – Phật Phật, Tổ Tổ, tục Phật tuệ mạng. Đó cũng chỉ là một chút gì đó người viết dựa theo kinh sách dịch giải ra hiến bạn đọc luống qua “sát na” trong cuộc sống xô bồ của xã hội hôm nay vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#sanghk