11111111111

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhím Hoàng Kim

Moderator Join Date: May 2007

Posts: 766

Ông Vác Thùng - Tam Tang

--------------------------------------------------------------------------------

Ông vác thùng

Tác giả: Tam Tang

Đơn Dương là một quận lỵ thuộc tỉnh Tuyên Đức . Nó chỉ cách Thành Phố Đà Lạt khoảng vài chục cây số về phía Bắc ! Người ta thường chỉ biết đến tên Đà Lạt mà quên luôn cái tên của cái tỉnh cưu mang nó, cho nên không lạ gì ít ai biết đến cái tên tỉnh Tuyên Đức hay tên các quận lỵ chung quanh TP Đà Lạt!

Đơn Dương cũng nằm trong trường hợp này! Mặc dù Đơn Dương cũng có các địa danh nổi tiếng như Hồ và Đập Đa Nhim mà ít người VN nào không biết đến! Thật tình mà nói thì Đơn Dương là một nơi hơi đèo heo, hoang vắng! Người lập nghiệp ở đây thường là các làng định cư từ Bắc di cư vào năm 54, cũng có những buôn làng của người dân tộc sống rải rác trong vùng! Dân ở đây sống bằng nghề trồng cây công nghiệp như trà, cafe, hay trồng rau như các dân vùng khác ở tỉnh lỵ cao nguyên này!

Cuộc sống ở đây rất bình lặng! Mọi người sáng sáng ra rẫy tưới rau, làm cỏ... Một số đàn ông chuyên chở rau lên tỉnh bỏ mối cho bọn con buôn để họ chở đi các tỉnh khác! Đời sống sung túc và êm đềm này cứ thế trôi qua! Cảnh sát ở đây không phải điên đầu vì các tội phạm như các vùng dân cư đông đúc khác! Sáng nghe tiếng chuông nhà thờ đổ là lúc người người thức giấc sửa soạn cho một ngày mới . Chiều về khi tiếng chuông Chùa chậm chậm gỏ nhịp là lúc mọi người dọn dẹp để trở về mái ấm gia đình! Ở cái quận bé nhỏ này hầu như mọi người đều biết nhau! Chuyện nhỏ chuyện to ai ai cũng biết hết! Cái phố chính của nó nằm trên con lộ lớn độc nhất của quận . Dẫy phố này là khu buôn bán chính, cái chợ nhà lồng nằm chéo trước văn phòng quận trưởng là nơi gặp gỡ hàng ngày của người dân vùng này. Và mọi chuyện xảy ra trong quận đều được thông truyền qua miệng của các bà từ các buổi họp chợ hàng ngày tại đây!

Một ngày cuối Thu năm 1968, người trong phố bổng nhôn nhao vì một người đàn ông lạ ! Họ thì thầm to mhỏ, tò mò theo bước ông ta! Bọn con nit' kéo nhau cả bầy cách sau lưng ông chừng vài chục bước mỗi khi thấy dáng ông này! Họ tò mò cũng đúng thôi! Người đàn ông lạ mặt này có lẽ từ vùng xa đến đây lập nghiệp, vì không ai ở đây từng biết ông ta cả ! Ông ấy chừng độ 50, dáng vóc cao lớn khỏe mạnh, tóc luôn cắt ngắn gọn gàng và đã điểm màu muối tiêu! Gương mặt trông rất hiền hậu, tuy thế ít ai nghe ông ta nói hay cười . Chỉ khi ông ta mua hay bán gì thì mới nghe được tiếng của ông thôi! Giọng ông rất ấm cúng, lễ phép, và từ tốn! Tất cả các đức tính, mà người ta mong có ở một người đàn ông, đều thể hiện ở ông ta!

Thế thì điều gì đã làm người ta xì xào bàn tán về ông! Đó là cái thùng gỗ ông luôn vác theo trên vai trên vai trái! Cái thùng gỗ như loại thùng đựng rượu thời Pháp (bên Mỹ ta gọi là barrel!) Cái thùng gọn nhỏ và có vẻ tao nhả! Có lẽ nó được làm bằng loại gỗ tốt và nhẹ! Đi đâu ông cũng vác theo không bao giờ bỏ rời xuống đất cả ! Một tay luôn giữ lấy vành thùng như sợ nó vuột rơi xuống ! Người thì cho là ông ta cất giấu tiền, vàng trong đó! Người cho là giấy tờ hồ sơ quan trọng v.v. và v.v. Nhưng không ai biết được là cái gì trong cái thùng đó cả ! Càng không biết thì càng làm cho người ta tò mò tìm tòi ! Có một điều họ biết được là ông ta mua một căn nhà khá khang trang ở cách thị trấn chừng năm cây số! Chung quanh có chừng một mẫu cafe, và một nửa sào đất gần ven suối mà ông ta dùng để trồng trọt hoa màu . Cứ cuối tuần ông chở rau ra chợ bỏ mối, mua các vật dụng và thức ăn rồi về! Thỉnh thoảng người ta cũng thấy ông ghé vào quán ngồi nhâm nhi vài ly rượu thuốc trước khi ra về!

Riết rồi người ta cũng bớt để ý tới người đàn ông này! Vì không biết cả tên ông ta, nên họ đặt cho ông cái bí danh là "ông vác thùng!" Bọn con nít cũng không kéo đuôi theo ông nhiều như trước nữa ! Cuộc sống lại bình thản trôi đi như cũ cho đến một hôm người ta ngạc nhiên khi thấy "ông vác thùng" mặt mày đỏ ké như say rượu, gương mặt hiền hậu biến đâu mất thay vào đó là vẻ đanh ác, và cặp mắt đỏ ngầu như muốn nuốt tươi kẻ đối diện ! Ông ta đi khệnh khạng trên con lộ chính, miệng lẩm bẩm chửi rủa bọn con nít kéo bầy sau lưng! Lâu lâu ông đứng lại quát tháo bọn nhỏ và còn quay lại rượt bắt chúng! Bọn con nít cuống quít quay ngược lại chạy, miệng la hét bải hoải! Thế mà khi ông ta quay lưng tiếp tục đi thì chúng lại lò mò kéo theo phía sau! Nhưng tuần sau người ta lại thấy ông ta hiền lành như cũ! Thỉnh thoảng lại thấy ông ta lên cơn đổi tánh! Bọn con nít tuy nhỏ nhưng tinh ý lắm! Chúng để ý rồi kháo nhau là chúng biết khi nào ông ta đổi tính! Người lớn hỏi chúng cười láu lỉnh rồi nói "Dễ thôi! Hôm nào ông ta vác cái thùng trên vai phải là hôm đó ông ta lên cơn!" Bọn người lớn không tin lắm nhưng cũng để ý xem chừng coi có đúng như lời bọn trẻ không!

Thứ Bảy tuần đó "ông vác thùng" lại đang la lối rượt đuổi bọn con nít, người ta chạy ra xem và đúng như lời bọn trẻ! Ông ấy đang vác cái thùng trên vai phải! Bọn con nít thế mà hay! Nhưng có một điều là tuy ông ta có lên cơn đi nữa nhưng hình như ông vẫn có cái gì kềm chế nên không gây gỗ, hoặc gây thương tích cho ai cả ! Ông có rượt bọn nhỏ đó, nhưng cũng là lỗi ở chúng phần lớn vì chúng kéo theo sau ông và nhiều đứa buông lời chọc ghẹo ông mà!

Có một điều lạ là dù đi ra phố hay làm ở rẫy người ta đều thấy ông ta vác theo cái thùng cây đó! Người ta đoán chắc phải có vật gì quí báu lắm đến nỗi ông ta phải vác kè kè bên mình! Có người để ý dòm ngó vào nhà ông, nhưng chẳng khám phá ra điều gì! Vì nhà lúc nào cũng đóng kín cửa, còn cửa sổ thì bằng kính có màn che bên trong! Mỗi khi thấy ông ra ngoài cái thùng đã ở trên vai rồi ! Ông ta sống một mình trong căn nhà đó, nên có muốn tìm hiểu cũng không ai biết tìm ra người mà tra! Sự tò mò rồi cũng phôi pha đi! Họ chỉ biết là "ông vác thùng" có một điều gì bí mật mà họ không thể khám phá ra được!

Thấm thoát hai năm đã trôi qua! Cuộc sống vẫn êm đềm trên vùng cao nguyên mờ sương này! Cả hai tuần nay không ai thấy "ông vác thùng" ra chợ , người ta xì xào hỏi thăm nhau. Nhưng không ai biết gì hơn! Mấy người làm rẫy gần nhà ông ta cũng lắc đầu nói không thấy ông ra tưới rau, bắt sâu cả tuần rồi! Mấy hôm sau họ báo cho ông trưởng cuộc cảnh sát ở quận và yêu cầu ông ta cho nhân viên tới xem coi có việc gì bất trắc đã xẩy cho "ông vác thùng" chăng ! Có người bạo miệng nói có lẽ bọn cướp nào đó nghe đồn về ông đã lẻn vào nhà giết ông ta để cướp cái thùng báu vật !

Khi hai nhân viên cảnh sát đến nhà gỏ cửa thì chẳng có tiếng trả lời! Họ gọi về văn phòng quận báo cáo và xin lệnh . Ông cuộc trưởng nghi là có sự cố xảy ra bên trong nên ra lệnh cho họ phá cửa vào ! Họ tông cửa vào và thấy ông ta nằm mê man trên giường. Cái thùng gỗ vẫn nằm sát bên tai trái! Họ lay ông dậy, nhưng ông ta vẫn như nửa tỉnh nửa mơ, họ lấy khăn ướt lau cho mặt cho ông! Mặt ông nóng hừng hực! Ông ta đang lên cơn sốt nặng! Da cổ rướm máu ở mấy lổ chân lông! Ông ta bị sốt xuất huyết rồi! Bệnh này không trị kịp thời thì toi mạng như chơi! Họ gọi về xin xe cứu thương chở bệnh nhân ra bệnh viện tỉnh vì ở quận không có đủ phương tiện và thuốc chữa bệnh này!

Khi xe đến y tá vào kè ông ta ra, ông ngồi dậy nhưng vẫn vác theo cái thùng cây! Họ nói gì đi nữa ông ta vẫn khăng khăng không chịu buông tay ra khỏi cái thùng! Đành chiều theo ông vậy! Họ chở "ông vác thùng" ra bệnh viện tỉnh để điều trị! Mấy ông cảnh sát sau khi nêm phong cái nhà đó quay về quận nói cho mấy người hiếu kỳ biết về tình trạng của ông ta và thêm vào "Tôi nghĩ ông ta không qua khỏi con trăng này quá! Cái bệnh này giết chết bao nhiêu người rồi ! Ông ta bị nặng quá rồi mà không ai hay để mang đi nhà thương sớm! Bây giờ tôi nghĩ là quá trể rồi!" Anh cảnh sát thứ hai chêm thêm "Mà cái người gì kỳ cục ghê ! Chết tới nơi rồi mà vẫn nằng nặc khiêng theo cái thùng! Chết rồi biết còn mang theo được của cải xuống dưới đó không mà còn tiếc của ! Thiệt là hết nói mà!"

Hôm sau tin từ bệnh viện tỉnh báo về là "ông vác thùng" đã chết vì bệnh đã phát quá nặng ở thời kỳ cuối cùng rồi! Không thể cứu được! Và kèm theo đó là một tin khủng khiếp làm bàng hoàng tất cả mọi người trong cái quận Đơn Dương nhỏ bé này! "Ông vác thùng" có "HAI CÁI ĐẦU!" Cái bên trái ông ta che đậy nó bằng cái thùng cây! Cái tin này làm mọi người bàng hoàng bàn tán xôn xao! Một việc chưa từng xảy ra tại miền heo hút này! Ông cuộc trưởng cảnh sát cùng vài nhân viên và y tá lên tỉnh nhận xác ông ta về để khâm liệm và chôn cất vì "ông vác thùng" độc thân độc mã ở cái xứ này và không ai biết thân nhân của ông ở đâu cả ! Người ta tụ tập lại trước nhà xác của bệnh viện quận để xem! Tin dữ đồn xa! Người từ dưới Đà Lạt lên, kẻ ở Lâm Đồng đến, ngay cả một số dân Saigon cũng có mặt để nhìn xem người dị tướng hai đầu, dù bây giờ ông ta chỉ là cái thây ma chết cứng thôi! Người đi nườn nượt hơn cả hội chợ Tết ! Tuy thế cảnh sát không cho ai vào bên trong cả chỉ có nhừng người có trách nhiệm được phép vào làm công việc tẩm liệm mà thôi!

Rồi chuyện cũng được xì xầm ra ngoài! Mấy người liệm xác nói là "ông vác thùng" đúng là có hai đầu thật! Cái bên phải trông hiền lành phúc hậu, còn cái bên trái trông có vẻ hơi hung ác! Tuy ông có hai đầu nhưng chỉ có một thân mình, với hai chân hai tay chứ không phải như các trường hợp hai người sinh dính vào nhau như ta thường thấy! Cảnh sát đến nhà ông để làm biên bản kiểm kê tài sản và niêm phong nhà của ông! Lỡ có thân nhân ông đến thì sẽ giao cho họ! Trong khi kiểm kê, một cảnh sát viên thấy cuốn nhật ký trong ngăn kéo bàn viết! Anh ta mang về trao cho ông cuộc trưởng, và có mấy đoạn trong cuốn nhật ký nói về thân phận của "ông vác thùng!"

****** Sau đây là mấy đoạn do chính "ông vác thùng" viết trong nhật ký ******

"Kiếp trước chắc tôi làm nhiều việc ác nên khi sinh ra trong kiếp này tôi đã phải gánh chịu lấy tội tình! Mà hình phạt Phật Trời giáng xuống cho tôi là một hình phạt quá nặng nề _ Tôi một quái nhân hai đầu!!_ Bố mẹ tôi xấu hổ vì tôi nên giấu kín tôi trong nhà suốt thời thơ ấu! Cha mẹ tôi là người giàu có và danh giá ở quận Vĩnh Châu, tỉnh Bạc Liêu cho nên việc bảo vệ danh tiếng cho gia đình là trọng! Sự việc tôi có hai đầu chỉ có người trong đình là rỏ thôi, cũng có một người lạ biết: đó là bà mụ đở đẻ cho mẹ tôi tại nhà! Nhưng bố mẹ tôi đã cho bà ta một số tiền rất lớn để bịt miệng bà này!

Mẹ tôi tự dạy tôi đọc, viết, và toán pháp ở nhà nên tôi không biết trường học là gì cả! Tôi cũng không có tuổi thơ như những trẻ bình thường khác! Trong lúc bọn trẻ chạy chơi la hét xôn xao ngoài đường thì tôi thui thủi một mình trong nhà kín! Không có bạn bè tôi chỉ còn cách là tự nói chuyện với tôi cho đỡ cô độc! Tôi có hai cái đầu mà! Tôi tuy một mà hai, tuy hai mà một!

...

Trong chúng ta luôn có hai con người một hiền và một dữ luôn đánh vật với nhau! Và đa số chúng ta, con người hiền mà chúng ta gọi là lương tâm thường thắng, còn con người ác mà ta gọi là tà tâm hay mặt trái thường thua! Nên trên đời này ta thấy người lương thiện nhiều hơn kẻ bất nhân! Dù hiền hay ác đi nữa thì ở người bình thường ta vẫn có thể che dấu đi cái thực chất của mình! Cho nên mới có lắm kẻ bị người khác lừa lọc qua cái bộ dạng bên ngoài của họ!

Còn tôi cái thiện cái ác nó thể hiện rỏ ràng ở mỗi cái đầu của tôi! Cái bên phải thì toàn thiện, cái bên trái thể hiện cái tà tâm của tôi! Có những lúc ta thường tự nhủ hay bị lương tâm cắn rứt! Đó là lúc cái thiện và cái ác dằn vặt lẫn nhau, thường thì người khác không thấy được điều gì ta nghĩ trong đầu! Tôi cũng vậy, nhưng khác mọi người là thay vì suy nghĩ việc mình làm trong một đầu thì hai cái đầu tôi luôn cãi vả tranh biện cho sự suy nghĩ của mình! Tôi như một mà hai vậy! Giống như hai anh em song sinh, tuy có nhiều điểm giống nhau, có nhiều linh cảm cho nhau, và có thể hiểu phần nào sự suy nghĩ của nhau. Nhưng họ vẫn là hai cá nhân riêng biệt! Hai cái đầu tôi cũng giống như vậy! Cái thiện không biết hết cái xấu đang nghĩ gì và ngược lại!

Tôi biết bố mẹ tôi rất đau khổ vì "chúng tôi!" Đau khổ cho chính họ và cho chính tôi nữa! Họ cũng biết rỏ là tâm tính tôi thể hiện rỏ rệt qua hai cái đầu của tôi, và mừng vì cái thiện của tôi thường thắng thế và khuất phục được cái ác! Bố mẹ tôi không giám sinh thêm một đứa con nào nữa! Thế nên tôi là con độc nhất trong nhà! Gia đình tôi là chủ một vườn nhản cả 20 mẫu tây! Của ăn của để từ đời cha ông để lại làm cho gia đình tôi càng ngày càng giàu có hơn!

...

Đến khi tôi được 15 tuổi, tôi chán ngấy cái cảnh tù túng trong nhà, tôi đòi ra ngoài chơi! Bố mẹ tôi nhất định không bằng lòng! Riết rồi tôi phải hăm là sẽ trốn ra ngoài nếu có dịp! Bố mẹ tôi chẳng còn cách nào hơn phải cho phép tôi ra ngoài chơi nhưng với một điều kiện: Phải đội một cái thùng lên cái đầu thừa và không được gây điều gì khuấy động ở ngoài đường! Tôi đồng ý và hai đầu tôi thảo luận, cuối cùng để khỏi vi phạm điều đã hứa với bố mẹ cái đầu ác đồng ý là nó sẽ đội cái thùng đó mỗi khi tôi ra ngoài chơi! Và cái đầu thiện của tôi sẽ kể những gì nó thấy cho cái đầu ác khi tôi về nhà!

Ngày đầu tiên ra ngoài, tôi chỉ đi loanh quanh gần nhà thôi, tay trái tôi luôn giữ cái vành thùng cứ sợ nó rơi xuống đất để lộ ra cái đầu thừa của mình! Tuy là con của một chủ đồn điền nổi tiếng trong vùng nhưng mọi người trong vùng này chẳng hề biết tôi! Từ bé đến giờ tôi chỉ trốn rúc trong nhà mà! Người lớn xì xào chỉ chỏ khi lần đầu thấy tôi! Còn bọn trẻ không biết từ đâu ra kéo cả dọc sau lưng tôi ra điều lạ lùng lắm! Mà cũng chẳng trách họ được, vùng này ai ai cũng biết mặt nhau, còn tôi là kẻ lạ mặt và lại luôn vác theo trên vai cái thùng cây thì hỏi ai mà chẳng tò mò! Sau lần đi chơi đầu tiên đó tôi xấu hổ và ở trong nhà cả tháng không giám ra nữa!

Nhưng rồi sự quyến rũ bên ngoài quá mạnh, tôi lại đi chơi nhiều lần! Riết rồi quen đi, tôi không để ý đến lời chọc ghẹo của bọn trẻ và bỏ qua những ánh mắt cùng lời xì xào của bọn người lớn trong vùng! Điều này không phải là dễ, vì tuy không thấy được nhưng cái đầu ác của tôi vẫn nghe được những câu không hay về tôi! Nó giận dữ lắm ! Nhưng nhớ lời hứa với bố mẹ mà nó phải lặng câm như hến! Mồi khi đi chơi về nhà, hai cái đầu tôi lại tranh cãi nhau kịch liệt! Đầu thiện rồi cũng khuyên được cái ác là muốn có được cái mình muốn thì phải hy sinh thôi! Nhưng nhiều luc' nó vẫn phản kháng, la toáng lên ở ngoài đường! Tôi phải thò tay phải vào thùng mà bịt miệng nó lại để khỏi bị lộ ra chân tướng của mình! Người ngoài tưởng tôi thò tay vào xem của báu của tôi vẫn còn bên trong hay không!

...

Cuộc đời tôi cứ lặng lẽ trôi đi! Tôi không hề quen biết một người phụ nữ nào ngoại trừ mẹ tôi! Có ai mà giám làm bạn với một tên quái nhân hai đầu như tôi chứ! Tôi đau khổ chấp nhận sự đơn độc của mình! Nhiều lần tôi cầu được chết đi, hay có ý định tự tử cho xong cái đời khổ đau của mình! Nhưng tôi không thể nào thực hiện được điều mà tôi toan tính! Thôi thì cứ sống cho qua kiếp này! Hy vọng tôi đã chịu phạt đủ cho tôi tôi kiếp trước và mong kiếp sau tôi không chịu cảnh này! Nhưng cái Tết Mậu Thân oan nghiệt đã thay đổi cả những dự định của tôi! Năm đó tôi vừa tròn 50! Bố mẹ tôi về tỉnh Bạc Liêu ngày 30 Tết, dự định là Mồng Một đi chúc tết các vị quan lại trong Dinh Tỉnh Trưởng ở đường Công Lý, sau sẽ đến nhà bà con, bạn bè vui xuân và sẽ trở về lại nhà ngày Mồng Hai! Đêm Mồng Một CS pháo kích và tổng tấn công vào tỉnh lỵ! Khói lửa máu xương đổ tràn khắp nơi! Cả hai tuần sau tôi mới biết tin bố mẹ tôi đã chết vì đạn pháo kích của CS! Tôi khóc suốt cả tuần và lo lắng cho cuộc sống trong tương lai của mình ! Xưa nay tôi chỉ sống dựa vào bố mẹ, nay họ không còn tôi sẽ ra sao đây! Tôi suy đi tính lại trong mấy ngày rồi đi đến một quyết định cho cuộc đời mình!

...

Sau khi chôn cất bố mẹ xong! Tôi nhờ người bán hết nhà cửa, vườn đất, rồi tặng hầu hết số tiền bán được cho các hội từ thiện! Tôi giữ lại một số đủ cho tôi lập nghiệp ở một vùng xa lạ nào đó! Tôi đã chọn Đơn Dương làm chổ trú thân cho quảng đời còn lại của mình! Và mùa Thu năm 1968 tôi đã tới đây mua một căn nhà có một mẫu cafe và mảnh đất nhỏ để trồng hoa màu! Tôi học cách trồng tiả và tập cuốc xới làm vườn! Tuy tôi vẫn gặp sự tò mò của người trong quận và sự chọc ghẹo của bọn con nít! Tôi vẫn giữ thái độ từ tốn của mình và rồi họ để tôi yên!

Nhưng cái đầu ác của tôi nổi dậy! Nó nói là bị đàn áp quá lâu rồi! Tôi không công bình với nó! Nó không hề hưởng thụ những điều mắt thấy tai nghe như cái đầu kia! Có lẽ tôi cũng bắt đầu già rồi, không còn mạnh mẽ như xưa nên cái đầu thiện của tôi không đủ sức thuyết phục cái ác của mình! Nên nhiều hôm nó phải nhượng bộ để đội cái thùng thay cho đầu ác khi ra phố ! Và hậu quả là nó đi uống rượu, say sưa, la hét chửi bới bọn trẻ kéo theo sau lưng! Cái thiện của tôi phải thì thầm bên tai nó để nó kềm chế cái tính hung hăng của mình! Và cũng may, nó vẫn còn biết nghe lời và kềm chế được việc làm của nó!

...

Tôi cứ tưởng là cứ thế đời tôi sẽ kéo tới tuổi già! Sau khi tôi chết mọi người có biết thì tôi không cần phải sợ nữa! Người đã chết rồi thì còn biết gì nữa đâu mà sợ chứ! Nhưng ở đời mọi sự đâu luôn diễn ra như ý mình muốn! Tuần rồi tôi bị sốt nặng! Đầu tôi buốt nhức và cơn sốt có lẽ lên hơn 40 độ C ! Tôi tìm trong tủ thuốc mấy viên thuốc cảm uống với hy vọng là cơn sốt sẽ qua đi và một hai bữa tôi sẽ khoẻ lại! Rồi sự việc sẽ lại êm đềm như những ngày qua! Nhưng tôi lầm, cơn sốt kéo dài cả tuần rồi mà không thấy thuyên giảm gì cả! Tôi không giám đi khám bác sĩ vì sợ bị khám phá sự bí mật của mình! Tôi chống chọi với cơn sốt bằng những viên thuốc cảm mà tôi mua ở tiệp tạp hóa ngoài phố! Bệnh càng ngày càng nặng thêm! Tôi nằm liệt giường không màng đến ăn uống nữa! Trên da tôi nổi lên các hột máu đỏ bầm! Những đốm đỏ lấm tấm trên cổ trên mình tôi như những đốm sởi mà hồi còn bé tôi đã từng trải qua! Nhưng đây là những dấu hiệu chết người chứ không như cái bệnh sởi loàng xoàng khi xưa! Tôi bị bệnh sốt xuất huyết thật rồi! Cái bệnh này hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa mà! Tôi vẫn cố ghi lại những gì xảy đến cho tôi dù rằng sức tôi mỗi ngày mỗi kiệt! Thôi thì trước sau gì cũng phải chết ! Chết đối với tôi là một sự giải thoát nên tôi không hề sợ nó! Trước khi vào cơn hôn mê, tôi cố lấy cái thùng gỗ trùm lên đầu ác của mình! tôi không biết tại sao tôi lại làm vậy! Có lẽ do thói quen mỗi khi tôi sửa soạn ra đi mà ra chăng! Mà đây cũng là lúc tôi sửa soạn cho cuộc ra đi vĩnh viễn và sau cùng của mình mà! Tôi thiếp đi trong cơn sốt mơ màng... "

Chú thích:

Truyện này tôi viết theo ý của một câu chuyện tôi nghe kể đã lâu ! Hình tượng tôi lấy ra là người có hai đầu, còn các chi tiết, như địa điểm, các nhân vật và tình tiết trong câu chuyện là do tôi thêm thắt cho có đầu có đuôi!

Tam Tang

Cây Chổi Yêu Tinh

Tác giả: N/A

Lâu ngày thành yêu, vật nào cũng thế, không những chỉ có vàng và ngọc... Như trong vườn hoang ở một ấp kia có một tòa miếu cổ xây bằng gạch. Đằng trước có một cửa nhỏ, chỉ vừa một người ra vào, bên trong chỉ rộng bằng một chiếc chiếu. Trên đặt bái hương và một cây đèn bằng gỗ. Mỗi năm có hai lần người trong ấp đến lễ bái thì mở cửa mà vào, quét miếu thắp hương. Xong việc lại ra, đứng bên ngoài khép cửa lại, còn người dưng thì không ai bước tới. Trong miếu có một cái chổi rễ kết bằng những mảnh tre nhỏ. Khi vào cúng bái, dùng để quét, quét xong lại dựng trong góc miếu. Tương truyền là chổi rễ ấy dùng đã lâu ngày mà lúc nào cũng vẫn thấy như mới. Người trong ấp thường thấy có ma hiện ra. Khi ấy có người học trò quẩy tráp đi học, đến ấp thuê nhà ở gần đó để tiện đến nhà thầy nghe giảng. Ở trọ được ba tháng. Bỗng một đêm khuya thấy người con gái đẹp đứng ngoài cửa sổ ném một bài thơ vào:

Thiếp vốn sao trời xuống dưới trần,

Trên cùng Cơ Vĩ vốn cùng thân. (Hai câu này nói bóng là hình cây chổi)

Thường đem quét tước trần ai sạch,

Muốn kết ái ân Chu với Trần.

Người học trò nhặt bài thơ xem, ngồi im lặng hồi lâu.

Người con gái nhìn vào cửa sổ cười rằng:

- Thế gọi là "văn cùng" đó.

Người học trò thấy cô gái có nhan sắc đẹp, cùng nhau ngâm họa rồi lân la gần gũi. Đến gà gáy, ả vội đứng dậy từ biệt. Người học trò muốn giữ lại, ả nói:

- Thiếp là con gái quan nội triều (chữ triều ở trong là chữ miếu) ở trong ấp này, ở không đã lâu, nhưng tính cha mẹ nghiêm ngặt, quanh năm không cho ra khỏi cửa, người trong ấp chưa ai trông thấy mặt. Vì thế, thiếp chưa có gia thất. Hôm qua, ngẫu nhiên nhìn qua khe cửa, thấy chàng đi quạ Đã ưa người đẹp, lại mến tài cao. Cho nên chui lối ngạch đi ra, quên cả hổ thẹn. Nếu mãi vui, có người biết được, thì không những mang tiếng chê bai, suốt đời không ai dám hỏi nữa, mà lại còn điếm nhục cả đến gia thanh, để lo buồn cho cha mẹ, đến phải tự tử mà chết mất. Nếu chàng có lòng yêu thiếp phải nói dối kẻ trên để lén lúc đợi đêm tối sẽ đến, dần dần ta sẽ kết duyên giai lão, như thế có hơn không? Giữ thiếp ở lại làm gì? Nhưng điều này nên giữ kín, nhất thiết không nên nói chuyện này với ai.

Nàng nói xong thì vội vàng ra đi.

Người học trò từ đó học hành chểnh mảng. Ngày thì ngủ say, đêm thì vui đùa với con yêu nữ. Đã hơn một tháng, thầy không thấy anh ta đến học, sai người đến nhà trọ hỏi duyên cớ và bảo anh ta đến gặp thầy. Người học trò thấy thầy gọi, liền đi theo người đến.

Thoạt trông thấy anh, thầy giật mình hỏi rằng:

- Mới qua một tin hoa nở mà nhan sắc xanh xao, tinh thần sút kém đến như vậy. Ngươi mắc bệnh gì thế?

- Thưa, con không bệnh gì.

Thầy nói:

- Không bệnh gì mà hình dung thế kia à? Đúng là bị gái hư nào làm mê hoặc rồi. Nếu không, can chi vóc người sút hẳn đi như thế?

Người học trò trước còn giấu diếm, sau bị thầy hỏi vặn đến cùng bấy giờ anh mới nói rõ đầu đuôi câu chuyện.

Thầy nghĩ hồi lâu nói:

- Bên nhà ngươi trọ, có cây cổ thụ không? Có đầm sâu hay là có miếu cổ nào không?

Người học trò nói:

- Trong vườn hoang có ngôi miếu cổ, không biết làm từ đời nào. Cảnh miếu vắng vẻ, cách nhà con trọ độ năm trăm thước, hàng ngày con đi học thường phải qua đó.

Thầy nói:

- Đứa con gái ấy tất là con yêu trong ngôi miếu cổ. Ngươi không nói sớm, chỉ ba tháng nữa là chết.

Anh ta sợ quá, lạy phục trước giường xin thầy bảo cho phép trừ yêu.

Thầy nói:

- Xem lời lẽ bài thơ, trong lúc vội vàng, chưa có thể đoán được tà yêu. Hãy để xét nghiệm dần dần xem nó là yêu gì mới có thể trừ được. Nói xong thầy lấy một cái khăn vuông lụa đỏ đốt hương thư phù vào mặt khăn, rồi đưa cho anh học trò và dặn rằng:

- Nó đã là yêu thì những câu gì ta nói với ngươi, tất nhiên nó cũng biết. Đêm nay con yêu đến, nếu nó có hỏi đi hỏi lại, phải kiên quyết nói là không. Nếu nói lộ ra thì kế ta không thể thi hành được, nhà ngươi tất phải chết. Nên làm thơ tự tình gấp hai mọi ngày. Đợi khi gà gái con yêu sắp dập từ biệt, cầm khăn hồng này tặng nó và nói: "Tình nương, tình nương của ta, có yêu hàn nho không? Có định cùng ta kết làm vợ chồng không? Chúng ta nguyền ước ba sinh, há lại không có một vật gì làm tin ư? Vuông khăn hồng này, khi ta mới sinh, có một ông quan trông ấp mừng chọ Cha mẹ lấy làm quý báu cất kỹ để dành. Nay ta đem tặng này, xin đừng khinh thường. Nàng nên buộc nó vào dây lưng, như vậy thì suốt ngày, như có ta ở bên cạnh. Đợi khi thành hôn, ta với nàng lau chung với nhau, có sung sướng hơn không? Bảo nó như vậy, nếu con yêu nhận lấy chiếc khăn là phúc cho nhà ngươi:

Anh học trò bỏ khăn vào túi áo, lạy hai lạy rồi ra về.

Đêm hôm ấy con yêu vừa đến đã hỏi ngay rằng:

- Lang quân! Lang quân! Hôm nay đi đâu thế?

Anh học trò trả lời:

- Không!

Con yêu nói:

- Thiếp ở trong cửa thấy lang quân đi quạ Thiếp đi theo sau đến chỗ cổng nhà thầy, thiếp muốn theo vào, nhưng thấy khí văn bốc lên cao vút, lởm chởm trông rất sợ. Thiếp đứng nấp ngoài cổng để đợi lang quân. Một lát lang quân ra, thiếp lại theo về. Sao lại nói là không đi đâu? Hay là đã có đám nào đấy chăng? Có lẽ đúng. Ngạn ngữ có câu:

"Vợ chồng mới cưới nói ba phần thật,

Chưa thể bày ra cả tấm lòng."

Câu nói ấy đúng tâm lý lang quân lắm đấy!

Anh học trò nói:

- Cũng là ngày đi học đấy thôi!

Con yêu im lặng, rồi lại vui cười như trước.

Đến lúc từ biệt, anh ta theo lời thầy, đưa tặng khăn hồng và nói rất thiết thạ Con yêu nhìn khăn hai ba lần, xem mặt trên rồi mặt dưới, tựa hồ có ý sợ hãi, nghĩ ngợi rồi thở dài, nói rằng:

- Ai đưa vật này cho chàng? Đây là một vật làm cho vợ chồng ta lìa nhau. Không thế thì sao bây giờ mới có, trước kia lại không?

Anh học trò nói thác cớ là cha mẹ vừa mới gửi đến. "Thương nàng, yêu nàng, ta không tặng nàng, thì tặng ai? Đã khăng khít với nhau như liền khúc ruột, sao nỡ đem lòng ngờ vực như thế?". Anh ta giả đò giận. Con yêu mới lấy khăn rồi ra về.

Sáng hôm sau thầy đến hỏi chuyện, biết là con yêu mang khăn về rồi, liền bảo anh đi xét trong miếu cổ. Quả nhiên thấy vuông khăn hồng vắt trên cái chổi rễ bằng trẹ Thầy trỏ vào cái chổi nói rằng:

- Đúng là cái chổi này thành yêu.

Thầy bảo đem chổi về đốt, thì nghe trong ngọn lửa có tiếng kêu khóc. Từ đó con yêu chổi không còn đến quấy rầy anh học trò nữa..

Nhím Hoàng Kim's SignatureChiều sương

Tác giả: Bùi Hiển

Vào một chiều trung tuần tháng giêng, chàng trai ấy lang thang trong những ngõ hẻm làng. Chàng đi không mục đích, hồn lặng thấm cái êm ả lắng tự vòm trời trắng hơi biêng biếc như giát bạc, cái êm ả của những cuối ngày thôn dã. Chàng đi và nghĩ đến trăm điều vu vơ, những ý nghĩ thoáng qua trong trí rồi vỗ cánh bay đi, như những con bướm đa tình vội hôn đóa hoa này để đến với hoa kia.

Chàng đi lơ đãng, đến nỗi sương tỏa xuống mù trời từ bao giờ mà chàng không biết. Sương bạc đã tỏa rất nhanh, một cách bất ngờ. Thấy ẩm lạnh trên đầu và có hơi nước đọng trên mi, chàng mới ngơ ngác nhìn lên.

Cảnh vật, như dưới một đũa tiên mầu nhiệm, đã tan biến trong giây phút. Chỉ còn trơ lại quanh mình những nét thâm thâm của vài nhánh cây khẳng khiu và những vuông xám mờ của các túp tranh. Những bụi xương rồng và râm bụt chạy hai bên đường đẫm sương, óng ánh, xanh tươi lại. Vài mạng nhện mắc giữa hai cành yếu, trắng toát như dệt bằng những sợi tơ bạc li ti.

Trời không lạnh lắm, nhưng hơi sương ngấm vào mình; chàng trai lẳng lặng trong tâm hồn buồn, cái buồn tê tái và mang mang, cái buồn ôm trùm, như kết bằng những sầu thảm nào mơ hồ và đã xa xôi lắm, tưởng tượng hay là thực, chàng cũng không biết nữa. Hơi ẩm đọng trên mi, chàng tưởng nước mắt rưng rưng.

Chàng đi lang thang, mặc hồn lang thang... Sương bay từng luồng, hạt sương bám khẽ vào da mặt như một làn phấn bụi.

Những tiếng người trao đổi trong sương, như gần như xa, lãng đãng. Ngoài sông mờ, bóng một chiếc thuyền chài sửa soạn ra khơi: sương mù đã tới báo mùa cá thụ Chàng rẽ vào nhà một ông bạn già. Chàng thấy lão đang ngồi xổm đan lưới, hai chân co trước ngực, mình quàng trong một manh chiếu vuông buộc túm một đầu để khoanh lấy cổ, thứ áo tơi và áo rét của dân chài.

Chàng chào, và lão Nhiệm Bình với dáng điệu giản dị của những người chất phác, vỗ vai người bạn nhỏ, bảo ngồi trên phản. Chàng hỏi:

- Cố (#1) không đi biển à?

- Không, chú ạ. Già rồi, không năng đi được nữa.

- Cố kể chuyện đi chài nghe đi.

Chàng nói thế bằng cái giọng nũng nịu của đứa cháu vòi bà. Chàng thường đến đánh bạn với lão chài, và ông lão, đối với chàng trai mới lớn, có một tình yêu thương che chở, tốt quá mức đến cưng chiều, như tình yêu thương mà tất cả những người già đùm bọc trẻ con. Lão cười đáp:

- Còn chuyện gì mà kể nữa! Chú nghe hết cả chuyện của tôi rồi.

- Không... Cố phải kể đi... à, cố kể chuyện ma đi. Cố đi chài có bao giờ gặp ma không?

Lão Nhiệm Bình có một nụ cười hồn hậu nhuốm vẻ độ lượng của kẻ không biết từ chối bao giờ.

- Chuyện ma à? Tôi cũng ít khi thấy ma lắm... Có vài lần thuyền neo ngoài khơi, tôi ngồi câu đêm, thấy giằng mạnh ở câu, vội kéo lên. ái chà, sao nặng khiếp. Mà lạ, chỉ thấy nặng thôi, như có tảng đá trì giữ lại, chứ không thấy giật giật vùng vẫy như con cá tọ Tôi nghĩ thầm: khéo lại cái nố ta (#2) rồi, hắn muốn trêu mình đây... Quả nhiên! Tôi vừa kéo câu lên khỏi mặt nước, thấy hắn xòa một cái, xanh lè cả nước biển, mình hết hồn. Nhìn lưỡi câu, con mực mồi vẫn còn nguyên.

Đó, tôi chỉ gặp vài lần như vậy thôi. Đêm khuya lạnh lẽo, vắng vẻ, chắc cụ buồn tình, bày chuyện phá mình tí cho vui.

Có người họ kể, đêm ở ngoài khơi, trời êm biển lặng, mọi người đang neo ngủ, thấy các chú bơi lù lù rồi trèo lên ngồi dăng dăng hai bên mạn thuyền; họ nói: "Thôi mà, anh em mình cả, trêu nhau làm gì?", thế là cả bọn nhảy sùm xuống, bơi đi.

Mồ ma ông cụ Bình khi xưa, dạn khiếp. Nửa đêm ông ta đi lưới về, qua dưới cây đa trước miếu, một bầy hắn bíu lấy taỵ Không thấy người đâu, nhưng nghe tiếng hắn léo nhéo xin cá. Ông ta đáp: "Chà, xin với xỏ, được mấy con cá về cho vợ con đây!". Thấy nhẹ trong rổ, sờ vô thì cá đã biến mất. Ông ta nạt: "Đồ quỷ, cứ nghịch thôi!". Thế là tiếng cười bật lên ríu rít, hồi sau lại thấy nặng rổ.

Lão chài kể như vậy, giọng bình thường như nói chuyện người dương gian (#3), tay vẫn thoăn thoắt đưa que đan qua mắt lưới. Chàng trai khẽ rùng mình thích thú. Chàng vốn không tin ma quỷ; chắc chắn đó chỉ là điều huyễn tưởng (#4), nảy sinh từ một khung cảnh, một tâm trạng nào đó; nhưng có thể nào không tin ở cái giọng kể từ tốn hiền hòa của ông lão! Trong ý nghĩ lão chài, chàng đoán, âm dương không phân ranh giới rõ ràng, cõi sống và cõi chết nương nhau vấn vít. Mấy chú ma, hồn của những người dân chài đã bỏ mình trong bão tố, trở về ngồi lặng lẽ trên mạn thuyền, chắc hẳn chỉ để tìm lại chút hơi ấm cuộc đời, vì cảm thấy lòng biển quá mênh mông, lạnh lẽo. Và tuy đã tìm thấy cái chết trong tai ương (#5), bi thảm và dữ dội, không phải bao giờ hồn họ cũng ngậm giữ oán hờn; họ còn biết nghịch ngợm đùa trêu người sống, và chàng trai tưởng nghe, vẳng từ sương mù dày đặc, tiếng cười giòn ríu rít của những cái bóng vô hình cạnh cây đa già miếu cổ...

- Có bao giờ người ta thấy một cái thuyền ma, hay cả một đoàn thuyền ma không, cố?

Chàng trai lại cất tiếng hỏi.

- Thuyền ma à?... à... có một lần, đã lâu lắm, chính mắt tôi thấy. Hồi ấy tôi còn trẻ lắm, tôi còn đi trai dưới thuyền mồ ma (#6) ông Phó Nhụy... Ờ cũng trời sương mù mịt như thế này, thuyền thì vừa tháo tố xong, thoát nạn chết này lại đâm liền vô nạn chết khác.

Bữa đó thuyền ra lạch...

*

* *

Sáng hôm ấy, một buổi sáng thanh quang. Bình minh giát ánh vàng trên những dải mây bông thoáng nhẹ. Các bác chài tay đưa chèo theo nhịp đều đặn, ngước nhìn trời, lòng không ý nghĩ, không lo lắng. Nhưng khi thuyền chạy ngang nhà Thương chính, một chiếc xuồng do hai đứa con nít chèo bỗng lướt ngang trước mũi. Mọi người chửi rủa chúng ầm ĩ; dân chài rất kiêng bị "ngáng đường" như thế, và ông lái hơi nhăn trán lại.

Ra khỏi lạch (#7), thuyền kéo buồm bắt cơn gió tây nam chạy thẳng ra khơi. Chiếc thuyền, dáng hơi nặng nề, lừ đừ tiến, hai mắt tròn trân trân nhìn về trước. Khi một ngọn sóng kéo đến, nó chồm dậy rồi đâm chúi xuống, làm tung tóe một làn nước bạc xóa. Càng xa bờ, sóng càng bớt mạnh, chỉ còn là những cái lượn, lưng cong và rộng, kéo lừ đừ nhưng hùng cường. Những mảnh nước lớn thốc vào dưới mũi thuyền khiến bọt trắng tóe, rồi tự rẽ đôi chảy róc rách hai bên mạn. Các bác chài đã gác chèo ngồi bện dây neo, quai chèo hay tán chuyện, có vẻ không biết đến sự nhồi lắc của sóng.

Gió lên lồng lộng, thuyền chạy phăng phăng, để lại sau một vạch phẳng lì, vì nước đã bị khối nặng của thuyền dàn ra. Nhưng chẳng bao lâu, những làn sóng lô nhô hai bên mép tiến vào và xóa mất vạch phẳng.

Càng xa bờ, gió càng mạnh, như dậy từ bốn phương của khoảng rộng. Nắng vàng và gay gắt thêm. Khi mặt trời đứng bóng, biển biếc ngả sang mầu lục.

ông Phó Nhụy, nhà nghề và chạy lái, ra lệnh bỏ neo (#8). Đoạn người ta tháo dây neo cho thuyền trôi tới gần chỗ đã thả bóng hôm trước. Bóng là một cái lồng tròn lớn và đan thưa, thả lưng chừng nước, trong có lót lá tre làm chỗ êm mát rủ cá lội vào. Cạnh bóng, người ta cột vài ba cây gầy, một loại tre vầu. Cá tìm thấy ở đó một nơi nghỉ tới nhóng xung quanh, có khi hàng đàn lớn.

Hai bác chài, lặng lẽ và nhanh nhẹn, ngồi đầu mũi thả lưới, trong khi thuyền, dưới mái chèo, nhẹ tiến tới. Sau một lát chờ đợi, thuyền lùi lại và hai bác, có thêm người trợ lực, kéo dần lưới lên. Những con cá mắc đầu vào mắt lưới, giãy đành đạch làm lóe những ánh bạc biêng biếc. Vài con cá nhỏ nhảy lanh tanh trong đám rong rêu lẫn những hạt tròn nhớt và trong, mà người ta gọi là trứng nước. Bình hồi ấy còn là một chú trai quèn, túm từng mảng lưới hất mạnh cho cá bật vào rổ rồi đổ dần cá xuống khoang. Từ khoang bốc lên một mùi tanh mặn và man mác, mùi của biển cả. Những con cá trích, cá đốm, lẫn cá thu, cá hồng, mắt tròn mở trân trân, há miệng méo xệu một cách tuyệt vọng cố hớp không khí, trong tiếng lách tách của vây cứng.

Thuyền nặng dần, đè ép sức lắc nhồi của sóng. Chú Trai đã đi thổi cơm. Xế trưa, thuyền nghỉ để dùng bữa. Trên mâm gỗ, lỏn thỏn hai bát cá đầy và một bát muối; cạnh mâm, một rá cơm và một xanh canh cá. Cơm xới trong bát đầy có ngọn, các bác chài và rất nhanh như chèo đua cho chóng xong bữa. Chợt một bác kêu:

- Nhìn kìa!

Và chỉ ra phía bên trái, chỗ mặt nước lăn tăn báo có đàn cá đi quạ Mọi người vội vàng bỏ đũa, kẻ chạy đến chèo, kẻ chạy đến lưới.

Họ mê mải trong công việc trong khi trời đã ngả về chiều. Mặt trời, lúc còn ba con sào, bỗng khuất sau đám mây. Bác Hoe Trăn nhìn lên và kêu:

- Coi kìa! Trời đổ ráng ngoài.

Mọi người nhìn theo, lo ngại. Ông nhà nghề, hơi rụt đầu trong cổ béo, quay ngó xung quanh, cũng kêu theo:

- Sắp có tố (#9) đến nơi!

Họ vừa nhận thấy điềm báo không thể lầm lẫn. Trời đã đột ngột đổ ráng ba phương đỏ rực: ráng ngoài, nơi chân trời, và phía trong bờ, hai ráng Lò (Cửa Lò), ráng Cương (Cương Gián). Mặt các bác chài đỏ cháy lên trong ánh phản chiếu. Ông nhà nghề ra lệnh:

- Kéo lưới lên! Giương buồm!

Chân người chạy trên sạp rầm rập. Các bác chài co chân đu mình trên dây để kéo buồm, miệng "dô hò" lấy nhịp. Một bác hỏi:

- Gió gì?

Người khác đáp:

- Gió trong. Khó tháo kịp.

Gió từ bờ thổi ra, thuyền cố vát (#10). Sóng vùng lên, cuốn, réo, đuổi dồn nhau, va vào nhau tóe bọt, ngụp xuống, trồi lên, đã thấy một sức mạnh hỗn độn và bất ngờ trong gió vừa cuồng lộng (#11) thổi. Buồm vát không ăn gió, xương buồm đánh cành cạch lên cột, có khi cọ vào gỗ rít ghê tai. Hình như thuyền trôi lùi ra khơi. Nhìn vào bờ để lấy cữ, ông Phó Nhụy kêu:

- Mưa đến rồi!

Phía bờ đã mờ mịt sau màn mưa trắng bệch, mặt sóng trong kia thâm sẫm lại. Mưa tiến ra khơi rất nhanh phát thành tiếng ào ào, một giây sau, các bác chài, ngồi co mình trong tơi chiếu, đã vuốt mặt không kịp.

Một bác bảo:

- Bỏ neo thôi, không lại bạt mãi ra ngoài khơi đông xích đế cho mà coi.

Neo buông xuống nước. Trong khi dây neo tụt xuống vùn vụt, thuyền trôi lùi về sau, đoạn giật nảy mình, chúi hẳn mũi: dây đã tháo hết. Người ta hạ buồm. Nhưng từ đó, thuyền cứ hục hặc với dây neo như một con trâu dữ bị buộc. Sóng đánh té tát, khi mũi thuyền chúi xuống thì vội thừa dịp nhảy chồm, nước tóe trang lang đến tận sau lái. Nhưng rồi chiếc thuyền rấ khỏe, lại hếch cái mũi ướt sướt mướt, chờ mảng nước khác. Ông nhà nghề nhảy tới ngồi phục ở mũi thuyền, tay lăm lăm cầm con dao rựa. Những giọt nước lớn ném vào mặt ông như vốc đá cuội, khiến rát bỏng da.

Một lần, thuyền tì lại nặng quá. Nước thốc từng mảng lớn, thuyền dốc đứng tưởng như cứ thế mà đâm thẳng xuống đáy sâu như một cái dùi. Các bác chài, miệng há ngờm ngợp vì bị nước đánh tối tăm mặt mũi, rời chỗ vịn, lăn trên sạp lông lốc. Ông nhà nghề bị ngụp trong mảng nước. Không trì hoãn được nữa! Một tay bám cọc chèo lấy thế, ông vội giơ cao con dao rựa, phăm phăm bổ xuống. Dây neo đứt phựt. Con thuyền hết ràng buộc quay mình trôi phăng phăng. Các bác chài vội nhảy đến đầu mũi giúp sức ông nhà nghề hất xuống nước cái neo sắt còn lại, mà ông này vừa chặt cánh gỗ đi. Không còn cánh, mỏ neo không cắm, nằm bẹt trượt trên nền đáy biển như một hòn sắt nặng. Như thế, thuyền không bị giằng lại, mà cũng chỉ trôi từ từ, kéo cái neo sắt rê trên đáy cát.

Nhưng gió vun vút lên mãi, mưa bay ngang chích vào mặt dày đặc thêm, sóng giận dữ gầm réo, nổi lên như núi. Mặt người nào người nấy tái mét; tuy có tơi che, quần áo họ ước mềm dính vào da, và vải đã bở sẵn, khi thấm nước rách toạc nhiều chỗ. Chú Trai, lúc nãy bị sóng đánh lăn xuống khoang, ở luôn dưới ấy tát nước, tay lia lịa đưa cái mu sam (#12). Hai bác chài tới giúp sức, chuyền cho nhau những thùng nước đầy để trút ra ngoài. Thuyền giằm, ít bị nhồi lắc, nhưng sóng dễ tràn lên; nước trong khoang nhiều đến nỗi cá nổi lềnh bềnh. Theo lệnh ông lái, người ta xúc cá đổ bớt ra ngoài; nhưng sóng biển, trong một hằn thù mai mỉa, đánh vào thuyền, trả lại. Những con cá đập lên áo các bác chài và nằm trắng ràn rạt trên sạp, chờ một ngọn sóng tràn qua liếm đi và thay bằng lớp khác. Thuyền nhẹ bớt, nổi hơn, nhưng vì thế lại làm mồi thêm cho gió, trôi phăng phăng. Người ta bèn xở buồm (#13), buộc dây vào bốn góc, rồi thả xuống biển. Gặp nước, buồm mở tung như một chiếc diều mà đầu lèo (#14) đã cột vào mũi thuyền. Nước cản tấm buồm rộng căng, làm cho thuyền bớt trôi.

Đoạn, mọi người lại ngồi im lặng, co ro, cho mưa dội, sóng nhồi, gió táp. Màn mưa xám càng lúc càng sẫm thêm, rồi bóng tối ăn loang khắp không gian. Ông nhà nghề bảo:

- Anh em ai có đói, bốc nhúm gạo mà nhai.

Nhưng không ai trả lời. Họ ngồi thu mình, run run trong cái lạnh của nước ngấm vào da thịt.

Chừng quá nửa đêm - họ chỉ đoán vậy, và không còn một ý niệm nào về thời gian - sóng bớt gầm réo và bớt nhồi lắc, gió hạ dần, nhưng mưa vẫn rơi liên miên. Con thuyền mệt nhọc xang đưa (#15) lừ đừ. Và khi một ánh trắng xám ló nơi chân trời, thì biển đã lặng hẳn. Các bác chài, tai còn đầy cái huyên náo hồi đêm, nghe trong đó ù ù như điếc. Họ không còn đủ sức để tỏ niềm vui mừng; một cảm giác mỏi mệt và co rút hầu như làm tê liệt các bắp thịt.

Mầu trắng sữa liếm dần bóng tối của vòm trời, và mưa đã ngớt hẳn. Nhưng trên mặt biển, ùn ùn từ đâu đến - dân chài bảo từ Thủy phủ (#16) đùn lên - một đám sương mù dày đặc, mang vị mặn và hơi lạnh thấm thía. Người ta kéo cái neo sắt lên, đẽo cánh mới lắp vào, rồi neo thuyền cho đứng yên. Mỗi người góp một câu để đoán vị trí của thuyền. Họ chắc ở ngang Thanh Hóa, vì trong cơn bão, gió chướng (#17) thổi từ phía tây nam. Nhưng còn cách bờ bao xa thì không ai đoán được. Một bác chài đo được hơn năm mươi sải nước và họ biết là đã bị giạt ra ngoài khơi xa lắm.

Đột nhiên, không ai bảo ai, tất cả im lặng: họ vừa ngửi thấy một mùi kì dị, một mùi nhạt và ẩm ướt, tanh lợm như mùi rong rêu. Rồi một bóng đen dài hiện trong sương, phía trước mặt. Một người đoán:

- Chết, mình trôi đến cồn đá. Ra nãy giờ neo rê.

Một người khác đáp:

- Neo rê thì biết liền chứ. Đó là cái thuyền, nhìn kỹ mà coi.

Quả nhiên trong sương bóng đen rõ dần thành một chiếc thuyền, trên đó lố nhố những bóng người chèo. Họ chèo lặng lẽ dị thường, tưởng như thuyền lướt trên biển dầu. Một bác chài bắt loa miệng hỏi:

- Ai đó?

Thuyền bên kia có người đáp:

- Thuyền Xin Kính đây. Có phải thuyền ông Phó Nhụy bên ấy không?

ông Phó Nhụy hỏi bạn chài:

- Tiếng ai nhỉ? Nghe giọng lạ gớm. Mà sao họ biết thuyền mình?

Đoạn cất cao tiếng:

- Tôi Phó Nhụy đây. Thuyền bên ấy cũng vừa tháo tố đó phải không? Có biết đây là đâu không?

Bên kia đáp:

- Ngang Cương Gián. Giờ phải đi xế lên mà vô lạch.

Trên thuyền ông Phó Nhụy, người bàn cãi lao xao. Gió thổi từ phía nam, sao thuyền lại giạt xuống ngang Hà Tĩnh được? ông Phó Nhụy lại hỏi to:

- Sao mà biết?

Bên kia có một câu trả lời kì quặc và bí mật:

- Sao lại không biết... à kìa, nồm vừa thổi đó, ta bắt ngọn gió này mau mà lên lạch.

Trong nháy mắt, đã thấy thuyền bên kia giương buồm. Chẳng hiểu sao họ làm nhẹn và lặng lẽ được đến thế. Ông Phó Nhụy, tuy bụng phân vân, sai kéo buồm chạy theo. Trong lúc tâm trạng đang bơ vơ và còn in dấu vết sự hãi hùng vừa qua, người ta không muốn rời bỏ bạn đồng hành đã gặp tình cờ.

Gió quá nhẹ, buồm không ăn gió đập phần phật. Sương tạt từng luồng như một cơn mưa trắng. Thuyền đi trước vẫn chỉ nom thấy dáng mờ mờ ảo ảo như trong giấc mơ, với quãng cách không thay đổi.

Chợt chú Trai kêu:

- Có ai như người trôi kìa?

Một bác dùng sào khều cái vật trôi lềnh bềnh đen thui và nói:

- Người thật.

Họ cúi vớt người kia lên. Tay anh ta co quắp còn cắp chặt trong nách một cái chèo ngắn; mặt anh ta tái nhợt, mắt nhắm nghiền, hai hàm răng cắn khít.

Một người bảo:

- Hà hơi, hà hơi đi, hình như còn thở thoi thóp.

Từ bên kia thuyền Xin Kính, tiếng người hỏi:

- Vớt được ai đó?

Mọi người cúi nhìn tận mặt kẻ bị nạn, nhưng không nhận ra ai. Mặt anh ta co rút nhăn nhúm đến nỗi đã méo dệch hẳn đi. Chú Trai góp ý kiến:

- Giống như anh Hoe Chước.

ông Phó Nhụy nói to sang thuyền kia:

- Hoe Chước!

Nhưng ông lại chợt nhớ ra. Sao thế được nhỉ? Hoe Chước đi bạn (#18) trên thuyền ông Xin Kính kia mà? ông hỏi to:

- Có Hoe Chước bên ấy không?

Thuyền bên kia có một im lặng kì quặc. Chú Trai, thính tai nhất trong đám, nghe như bên kia đang bàn cãi gì láo nháo. Chú bỗng kêu lên:

- Ô kìa, đâu mất rồi?

Thuyền ông Xin Kính vừa biến đi, như vụt chìm xuống đáy biển. Cái bóng cả thuyền lẫn buồm, đen nhờ nhờ, chỉ còn để lại một khoảng trống không trắng toát, khoảng trắng ấy nhòa dần vào màu sương phơn phớt xám. Trên thuyền ông Phó Nhụy, mọi người câm lặng, tim bóp chặt trong một lo âu ghê rợn, mở to mắt nhìn trân trân.

Chú Trai lại kêu:

- Có tiếng gì om om lạ gớm?

Cùng một lúc, tất cả ai nấy đều nhận ra quả có tiếng sóng đánh phòm phọp âm âm như vỗ vào hang hốc. Ngay trước mặt, một khối to đen đồ sộ vụt xuất hiện, chỉ cách thuyền vài chục thước. Tức thời, ông lái nhảy bổ tới, túm lấy lèo, giằng riết. Chiếc thuyền quặt mũi về bên trái, có một phút do dự rồi tiến theo ngả mới. Các bác chài vội chạy đi tra chèo, ráng sức chèo tới. Cái khối đen mờ dần trong sương, rồi biến đi. Ông Phó Nhụy thở phào: thuyền ông vừa suýt đâm phải núi đá.

Khi thuyền ông Phó Nhụy, sau một buổi chạy vờ vật ngoài khơi, lần về tới lạch, thì anh Hoe Chước hơi tỉnh. Anh kể rằng trong cơn bão, thuyền ông Xin Kính bị sóng đánh giạt vào núi đã vỡ tan tành, và có lẽ chỉ mình anh sống sót, vì đã vớ được một cây chèo nhảy trước xuống biển. Những người kia, sau đó, nếu có nhảy khỏi thuyền cũng đã muộn và bị sóng quật vào lèn đá (#19) đến rã xương.

Vợ họ nay vẫn sống trong góa bụa - có người đã chết. Và cái hy vọng mong manh một ngày trở về của người thân cũng đã tắt trong họ từ lâu.

Chú thích:

(1-) Cố: tiếng dùng gọi người già.

(2-) Cái nố ta: lũ chúng.

(3-) Dương gian: cõi dương (đối lập với cõi âm), thế giới người sống.

(4-) Huyễn tưởng: mơ tưởng, ý tưởng viển vông, không có thực (gần giống như ảo tưởng).

(5-) Tai ương (như tai họa): điều rủi ro, gây nên tổn thất, đau khổ lớn.

(6-) Mồ ma: thời còn sống của một người nào đó đã mất.

(7-) Lạch: đường nước chảy hẹp, thông ra sông, biển.

(8-) Neo: vật nặng buộc vào dây thả chìm dưới nước để giữ cho tàu, thuyền đỗ lại, không trôi.

(9-) Tố: gió mạnh đổi chiều đột ngột xảy ra trong cơn giông.

(10-) Vát: lệch, xiên chéo.

(11-) Cuồng lộng: gió thổi điên cuồng ở nơi trống trải.

(12-) Mu sam: mu con sam, cứng và lõm, có thể dùng làm gầu múc nước.

(13-) Xở: gỡ; xở buồm: gỡ buồm.

(14-) Lèo: dây buộc từ cánh buồm đến chỗ lái để điều khiển buồm.

(15-) Sang đưa: đưa qua đưa lại; đung đưa.

(16-) Thủy phủ (như thủy cung): nơi ở của thủy thần, Long vương.

(17-) Gió chướng: gió ngược, thổi từ phía tây.

(18-) Đi bạn: người đi làm thuê cho vụ, việc.

(19-) Lèn đá: núi đá có vách dựng đứng.

Chiều Xuống - Thủy Lâm Synh

--------------------------------------------------------------------------------

Chiều Xuống

Tác Giả: Thủy Lâm Synh

Chiều xuống

Thủy Lâm Synh

Trường Lane Tech năm ấy học sinh Việt Nam tốt nghiệp khá đông. Bọn con trai chúng tôi kiếm bạn gái để đi prom đang gặp khó khăn. Bí quá, chín giờ đêm thứ bảy hôm đó tôi lao ra xe chạy đi vũ trường Chiều Tím với hy vọng "mượn" được em nào cho đỡ quê với bạn bè. Tôi lấy Foster đi east về khu Uptown, vừa đến đường St Louis gặp đèn đỏ tôi ngừng, nhìn vào trạm đợi xe buýt chợt thấy một em Á Đông đang đứng chờ xe một mình. Như thỏi nam châm cực mạnh hút vội mảnh kim khí, tôi cho xe tấp vào, quay kiếng xe xuống hỏi bằng Anh ngữ vì sợ lầm không phải người Việt:

"Cô là người Việt?"

"Dạ, em là người Việt."

Cô gái trả lời bằng giọng Huế rất nhẹ và ngọt. Gặp người Việt đã mừng, còn là người cùng quê nữa thì nỗi mừng càng tăng hơn, tôi trở nên ấp úng:

"Cô... Cô đi đâu giờ nầy? Tôi đưa cô đi hỉ, tôi cũng đi về hướng nớ."

Vừa nói tôi đưa tay chỉ về hướng hồ Michigan. Cô gái dạ rất khẽ rồi tự nhiên mở cửa chui vào xe tôi không chút ái ngại. Lúng túng với người đẹp ngồi bên cạnh, tôi không biết phải mở đầu từ chuyện gì. Nhưng may mắn, nàng hỏi tôi trước:

"Anh đi dạ vũ à?"

"Dạ, tôi đi xuống Vũ Trường Chiều Tím nghe nhạc, hôm nay có ca sĩ Ngọc Anh về."

Trong bóng tối, tôi chỉ có thể thấy mặt nàng khi nào có ánh đèn xe chạy ngược chiều mà thôi. Tuy vậy, tôi vẫn nhận ra nàng hơi lớn tuổi hơn tôi một tí, nhưng chẳng sao, tôi có đi hỏi vợ đâu mà so sánh. Chưa biết nói gì thêm, ngày ra trường sắp tới nơi mà chưa tìm được cô nào kẹt quá, tôi định lung khởi cho câu chuyện đi prom vào đầu tháng sáu nầy. Bỗng cô gái lên tiếng:

"Em cũng đi dạ vũ ở Chiều Tím, nhưng đợi mãi không thấy xe buýt tới, có duyên lại gặp anh."

Hai chữ 'có duyên' làm tất cả rụt rè trong tôi như tan biến, tôi mạnh dạn nói:

"Chính tôi mới là người có duyên mới được đón và đưa chị về."

Cô gái liếc nhìn tôi gật đầu rất nhẹ như có vẻ đồng ý tiếng 'chị' hơn là cô làm tôi thoáng ngượng. Rồi từ đó trên đường đi, chúng tôi trò chuyện thật vui, nói và trả lời rất Huế.

Khi ca sĩ Ngọc Anh mở đầu bằng một vũ điệu ba-sô, cô gái lôi tôi ra sàn nhảy, không cần tôi đồng ý. Chúng tôi quyện lấy nhau như một cặp vũ công đang biểu diễn. Không hiểu sao hôm đó bước của tôi điêu luyện lạ lùng. Bình thường tôi chỉ nhảy những bản dễ, hôm nay điệu nào tôi cũng khá cả. Nỗi sung sướng đang tràn khắp cơ thể tôi vì những cọ xát thường xuyên nơi các vùng núi đồi trên cơ thể của nàng. Có điều lạ là tay và hơi thở nàng rất lạnh. Dù chúng tôi nhảy với nhau thật lâu, thật nhiều bản mà bàn tay nàng cứ lạnh. Những bản nhạc chậm, nàng đã không ngại nép sát vào tôi. Trong ánh đèn mờ ảo của vũ trường, tôi vẫn nhận thấy ở khóe mắt nàng toát ra nét u buồn như người mang nhiều tâm sự.

Cái vui bao giờ cũng trôi qua rất nhanh, chỉ để lại không gian bao nhiêu luyến tiếc. Tôi thì muốn kéo dài thời gian gần gũi, nên tan dạ vũ tôi đề nghị với nàng xuống phố Tàu ăn mì. Trong thâm tâm tôi cũng muốn lợi dụng cơ hội nầy để hỏi nàng về vụ đi prom, điều mà tôi đoán chắc là nàng sẽ đồng ý. Nhưng không, nàng từ chối yêu cầu của tôi, viện lẽ tuần lễ đó phải đi xa cùng gia đình làm tôi chới với. Tô mì tôi đã sạch, nhưng đường như nàng không đói nên tô nàng vẫn còn nguyên. Ăn xong, nàng bảo tôi đưa về cho mau vì sợ trời sáng mất. Khi ra tới quày tính tiền, nàng đưa mũi ngửi đoá hoa hồng đang cắm trong lọ. Tôi biết nàng thích hoa nên đã đặt năm đồng ngay chiếc lọ và rút nhánh hoa tặng nàng trước sự lặng lẽ đồng ý của cô gái thu tiền. Vềà gần đến trạm xe buýt, ngã tư Foster - St Louis, chỗ tôi đón nàng tối qua, tôi cho xe ngừng và hỏi nhà đâu để đưa tận nơi thì nàng chỉ tay bảo:

"Cho em xuống chỗ ni được rồi, nhà em đằng nớ thôi."

Nàng tự mở cửa xe bước ra, bên ngoài sương khá dày. Tôi cũng bước ra khỏi xe, đi vòng qua phía nàng để cám ơn. Nàng chìa tay cho tôi nắm nhưng bàn tay nàng lạnh khiến tôi tưởng như mình đang nắm lấy thỏi kim loại. Thấy chiếc áo mỏng, cổ rộng nàng đang mặc tôi e sợ nàng bị cảm lạnh nên tôi phải cởi chiếc áo lạnh của tôi khoác lên vai nàng. Chúng tôi chia tay, nàng bước đi khoan thai, dáng sang trọng. Tôi đợi một giây rồi chui vào xe phóng đi. Đi được một đoạn, tôi tự vỗ trán phải quay lại vì quên xin số điện thoại, nhưng khi trở lại chỗ cũ thì chung quanh không có nhà nào còn đèn.

Chiều hôm sau khi tan học, tôi phóng xe đến gần chỗ nhà nàng. Tôi hỏi thăm người Mỹ da trắng đang đứng tỉa mấy cành khô của khóm hoa trước sân để biết nhà nào là nhà Việt Nam. Người ấy trả lời chung quanh đây không có nhà nào Á Đông. Tôi đi xa hơn chút nữa, gặp người đàn bà đang chạy jogging tôi hỏi thì được biết cách đó nửa dặm có một nhà người Việt. Tôi cũng đi nhưng không nghĩ là đúng vì từ chỗ bỏ nàng xuống hồi khuya rất xa làm sao nàng dám đi về. Tôi hỏi thăm hai ba lần nữa mới tìm được. Đến nơi, một bà lão đang ngồi cầm cái quạt giấy phe phẩy. Tôi vào chào rồi hỏi thăm cô gái có những đặc điểm như đã gặp. Bà ta nhìn tôi từ đầu tới chân rồi nói giọng Huế:

"Theo cậu tả thì đó là con gái tôi."

Tôi như không tin lỗ tai của mình. Cô ta phải là cháu chứ sao lại là con, bà cụ đã già làm gì có con nhỏ như vậy.

"Mệï nói răng? Con của mệï còn trẻ rứa à."

"Trẻ gì, nếu còn sống nó cũng ba mươi mấy tuổi rồi."

Tôi biết đã lầm nhà, nhưng vẫn níu kéo:

"Cháu có việc quan trọng, cần chị ấy giúp, mêï có tấm hình chị đó không?"

Bà cụ khó chịu.

"Việc gì mà cậu khó khăn rứa! Nó làm gì mà giúp ai được."

Nói thế nhưng bà cũng vào nhà lấy tấm hình trên vách đưa cho tôi xem. Một luồng điện chạy từ đầu xuống chân làm tôi lạnh xương sống. Quả hình cô ta đây, cũng mặc chiếc váy tím cổ rộng, cũng "đôi mắt nầy đêm qua lạc vào hồn tôi". Nhưng không hiểu sao bà cụ bảo chết. Tôi nghi bà cụ sợ tôi dụ dỗ cháu bà, hoặc bà đã đãng trí nên không biết mình nói gì.

Tôi nói để bà yên tâm:

"Chúng cháu là bạn học thường thôi mệï ạ, không có ý gì khác xin mệï chớ nói chơi."

Bà cụ hơi giận vì câu nói ngây ngô của tôi, nhưng cũng trả lời:

"Bạn học cách mô được, tuổi con tôi có thể bằng mạ cậu, tôi có nói chơi mô, chị ấy bị xe đụng chết cách đây hơn mười năm rồi. Không tin cậu đi ra mộ với tôi."

Đáng lẽ tới đây tôi có thể từ giã bà cụ được rồi, nhưng không hiểu sao tôi lại muốn cùng bà cụ đi ra nghĩa trang. Một phần tôi muốn tìm ra sự thật, một phần tôi chưa hoàn toàn tin lời bà cụ. Ngồi trên xe tôi nhìn sang, quả nhiên trên gương mặt bà cụ có vài nét giống người con gái đêm qua. Đường trong nghĩa trang ngoằn nghoèo, bà cụ phải hướng dẫn tôi mới khỏi bị lạc. Xe chưa kịp đậu hẵn, bà cụ nhìn vào thốt:

"Ai đem chiếc áo bành tô phủ lên tấm bia con gái tôi rứa?"

Nhìn theo hướng mắt bà cụ, tôi rùng mình bước ra khỏi xe đến mộ bia cầm chiếc áo vác lên vai. Nhánh bông hồng tôi tặng nàng đêm qua nằm trơ vơ dưới chân tấm bia đá có hàng chữ Hoàng Thị Tường Vi 1957-1990. Tôi rùng mình lần nữa.

Buổi chiều xuống chậm bao trùm lấy nghĩa trang buồn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro