Radio cũ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bà tôi có một cái radio. Nó cũ lắm, gỉ sét loang lổ những vệt sơn đã xỉn màu. Cái đồ đậy pin của nó cũng biến đâu mất, khiến cho dăm ba bữa bà lại gọi tôi lấy mớ dây thun để buộc mấy cục pin lại. Cái radio đó cũng đã gãy mất ăng-ten từ bao giờ, thế nên chẳng bao giờ nó bắt được đài mà nghe rõ cả, suốt ngày chỉ là những tiếng rè rè đinh tai nhức óc mà thôi.

Nó cũ kĩ là thế, vô dụng là thế nhưng bà chưa một lần nào có ý định vứt bỏ nó đi. Bà hết lau rồi lại chùi mặc cho đôi mắt kém dần theo thời gian. Ngày ngày, hình ảnh bóng lưng bà ngồi ngay đầu giường mò mẫm cẩn thận với cái radio đó tự lúc nào đã in sâu vào tiềm thức tôi... mãi cho đến khi bà mất đi, trên tay bà vẫn giữ chặt nó, không rời.

Bởi cái radio cũ đó, là món quà đầu tiên cũng như là cuối cùng ông dành tặng cho bà tôi.

...

Bà tôi được gả cho ông khi chỉ mới tròn mười sáu, còn ông đã trạc đôi mươi. Hai người chẳng quen biết nhau gì trước cả, chỉ là thuận theo ý ba mẹ đôi bên rồi cưới gả. Lúc đầu bà cũng chỉ nghĩ chấp nhận đám này, rồi sau đó an phận làm một nàng dâu thảo, vợ hiền mà thôi. Ai ngờ thời gian dần dần qua đi, bà lại thương ông thật. Thương đến thấu gan thấu mật, đứt từng khúc thịt khúc da.

Ông cũng thương bà lắm. Nhưng cách ông thương bà có phần khác với bà thương ông. Bà một khi đã thương là bao nhiêu cái tình đều dành trọn cho ông, không quản cực quản khổ, chỉ mong có thể gầy dựng nên một mái nhà ấm áp để ông trở về sau mỗi lần đi lính mệt mỏi. Bà cày cấy, vác thóc, chăn vịt, nấu rượu,... việc gì bà cũng làm, chắt chiu từng đồng từng cắc bởi bà lo sau này ông mà ốm đau thì còn có tiền chạy chữa.

Bà thương ông đến thế, chữ tình bà dành cho ông mãnh liệt đến thế bởi ông chính là mối tình đầu của bà. Bà thương đôi mắt sáng như trăng rằm tháng tám kia, bà thương giọng nói trầm ổn của ông trong mỗi lần hiếm hoi bên bà, ngay cả vết sẹo dữ tợn dưới bắp chân do ông đi lính, bà cũng thương nốt.

Hơi khác với bà, ông không thương mãnh liệt như thế. Nhưng tình thương của ông như ngọn gió mát giữa trưa hè oi ả, dịu dàng xoa dịu cái nắng gắt của đất trời mà khiến trái tim con người thanh bình hơn. Ông không gạ gẫm bà bằng những lời ngon ngọt, cũng chẳng bao giờ có những hành động sến súa. Vì phải đi lính nên thời gian bên cạnh bà ít lắm. Chỉ có vỏn vẹn vài ngày, đôi khi chỉ là vài tiếng ít ỏi. Nhưng suốt những khoảng thời gian đó ông đều ôm bà vào lòng, vỗ về lên đôi vai gầy nhỏ nhắn của bà. Mỗi lần kể về ông, đôi mắt già nua đầy vết chân chim ấy lúc nào cũng ngấn nước. Bà nói bà nhớ ông lắm, nhớ mãi cảm giác ông mang lại, êm ả dịu dàng như mặt ao phẳng lặng vậy.

Bà còn thủ thỉ với tôi, ông thích hôn lên má bà. Mỗi lần hôn xong đều miết nhẹ đôi gò má ấy rồi mỉm cười. Bà nói cái sở thích ấy của ông trẻ con ghê, nhiều khi làm bà ngại chết đi được, nhưng rồi một thói quen khó bỏ, đôi bàn tay nhăn nheo đã chai sạm vì tuổi già lại vô thức đưa lên má. Một cử chỉ nhỏ thôi, nhưng có lẽ đến giờ bà vẫn còn thương ông, thương nhiều lắm.

...

Từ khi được gả cho ông, bà sống với ba mẹ chồng nên làm cái gì cũng phải ngó trước ngó sau. Cẩn thận là thế nhưng quan hệ mẹ chồng nàng dâu từ xưa nay đã trở thành nỗi ám ảnh cho bao người, và bà cũng thế. Bà cố hay làm khó bà đủ điều, nhưng vì thương ông, bà chịu đựng tất cả, nhẫn nhịn tất cả để xem và đối xử với gia đình chồng như thể là ba mẹ ruột dẫu rằng điều đó khó khăn cực kì.

Ông biết bà khổ, nhưng cũng chẳng biết làm sao cho phải. Mỗi lần về thấy bà không vác từng bao lúa thật to qua cây cầu ván chông chênh cũng thấy bà nằm còng queo trên tấm chiếu cũ để chờ đợi. Ông xót. Thế là ông bắt đầu dành dụm từng đồng lương lính ít ỏi, từng chút từng chút một cuối cùng cũng đủ để mua cho bà một cái radio cũ kỹ của nhà quan nào đó vứt đi.

Nhận được món quà ấy, bà nói rằng bà thật sự, thật sự rất hạnh phúc. Những năm tháng bên nhau, bà chẳng mong gì hơn ngoài cái ôm đầy chân tình dịu dàng ấm áp kia. Nhưng giây phút cầm cái radio trên tay, bà lần đầu tiên khóc trước mặt ông. Bà kể rằng khi ấy nước mắt chẳng hiểu sao cứ tuôn mãi, đến nỗi cái áo lính xanh màu lá của ông vì nước mắt bà mà chuyển màu sang xanh thẫm cả mảng lớn trước ngực. 

Ông vẫn vươn lấy đôi tay chai sần của mình ôm lấy thân hình đang run run vì khóc kia, rồi ông vuốt tóc bà... và hôn lên đó. Dù đã trải qua mấy chục năm, nhưng cảm xúc hạnh phúc đến vỡ òa lúc ấy đối với bà vẫn mới như ngày hôm qua mà thôi.

Từ ngày có cái radio, bà cứ khư khư giữ bên mình mãi. Ban ngày bà vẫn cấy lúa, thổi cơm nhưng tối về một mình bà ôm lấy radio, mò mẫm dò từng đài nghe và rồi chìm vào giấc ngủ. Cái radio đó, bà nói với tôi có nó như có ông bên cạnh bà vậy. Những đêm ông về bên bà, hai người lại tay gối cạnh nhau, cùng nhau nghe những tuồng cải lương mà cả hai yêu thích. Tiếng côn trùng râm ran, tiếng ếch nhái kêu vang cả không gian đêm tối. Riêng chỉ sau vách buồng của hai ông bà, tiếng radio rè rè cứ cất lên, cất lên mãi... thanh bình.

...

Mọi chuyện bà kể tôi nghe như bóp nghẹn con tim nhỏ bé đang đập trong lồng ngực. Bởi ông tôi mất từ rất lâu rồi, ông mất trên chiến trường khi bà chỉ mới hai mươi bảy tuổi. Tôi có hỏi bà có buồn không, bà chỉ gượng cười rồi bảo nỗi đau khi ông mất nó thống khổ vô cùng, như là một phần nào đó của trái tim bà vỡ toang ra, lênh láng máu, một chữ "buồn" thật sự không thể thấm thía vào đâu. Nhưng rồi bà ngước mắt lên nhìn bầu trời trong vắt ngày hôm đó

"Nỗi đau nào cũng qua thôi. Cũng may ông mày còn để lại cho tao cái radio cũ này. Có nó bên cạnh, tao cũng đỡ cô đơn."

Sau đó bà mon men chống gậy vào nhà, nằm xuống tấm chiếu tre, tay vặn dò đến một đài hát cải lương rồi nhắm đôi mắt nhăm nheo lại mà chìm vào giấc ngủ. Hơn nửa thế kỉ đợi ông cùng cái radio cũ, bà cuối cùng cũng đi theo ông một cách nhẹ nhàng vậy đó. Khi chết đi, radio cũ vẫn rè rè những tuồng cải lương khi xưa ông bà thường nghe. Âm thanh ấy như len lỏi, rồi thấm đẫm trái tim của tôi. Phải chăng đây chính là yên bình trong cái tình của ông bà khi xưa?

Viết tặng bà nội và ông nội của con

17/8/2020

_An Bình_

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro