124556

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đôi giày bát-kết tự đi được và Sự tích cào cào

--------------------------------------------------------------------------------

Có một lần, đôi giày bát kết tự bước đi. Đã từ lâu đôi giày vốn của nhà vô địch chạy đua. Một hôm anh ta vứt vào sọt rác.

Thế là đôi giày quyết định đi lấy, và cả chạy nữa. Nhưng chiếc nọ lại chạy nhanh hơn chiếc kia. Chúng cãi cọ, đánh lộn và quật nhau bằng những chiết dây buộc.

Một con ếch la lên khi nhảy qua đấy:

- Dừng lại đi! Anh em sinh đôi mà lại đánh nhau, dại dột thế!

- Chị em sinh đôi chứ!* - Một chiếc giày cải chính.

Con ếch nói:

Ta đang có một chuyến đi xa, các bạn có thể giúp ta được không? Ta có cả hàng hoá mang theo nữa.

Những chiếc giầy bát kết nhận lời. Con ếch chất tất cả những chiếc va li nhỏ, xinh vào một chiếc giầy chạy chậm. Còn nó thì ngồi vào chiếc giầy kia, chiếc giầy chạy nhanh.

- Ta sẽ chỉ đường. Cứ đi đi!

Những chiếc giầy nẩy lên. Ban đầu chiếc giầy chạy nhanh còn chờ bạn đồng hành, nhưng rồi nó bực bội, nó bèn lấy hết hơi, hết sức vượt lên trước bỏ chiếc giầy đầy vali lại sau.

Ếch vội nói:

- Đừng chạy nhanh như vậy, nó không thuộc đường đâu!

Rồi chiếc giầy chở hàng bị lạc. Thế là con ếch bắt đầu khóc. Lại phải quay trở lại tìm chiếc giầy đáng thương kia. Mất bao nhiêu là thì giờ!

Đoạn, chúng theo đường cao tốc, vượt cả các xe du lịch và xe tải dưới con mắt ngơ ngác của những bác tài xế. Một toán cảnh sát tuần tra chặn lại giữa đường vì tốc độ quá lớn. Hơi đâu mất thì giờ! Những chiếc giầy vẫn cứ chạy nhanh.

Đã ba lần chúng nhầm đường; lại mất biết bao thời gian và để bù lại, chúng lại lao lên như sao băng.

- Dừng lại! "Các cô" đã chạy vào một sân vận động mất rồi! - Đột nhiên con ếch la lên.

Chúng nó không chịu nghe, vượt cả những vận động viên đang chạy. Quá chậm rồi. Chiếc giầy bát kết đã giành lấy vinh quang.

- Nó đã thắng 100 mét! Hoan hô! Một ủy viên giám khảo hô to. Nhưng còn một chiếc đâu? Đó, kia rồi! Ồ! Đây là những chiếc giầy của nhà vô địch thế giới chạy 100 mét! Tôi biết đôi giầy này mà. Nhưng dù sao cũng chưa đăng ký dự thi!

- Chắc ông ta đã ủy quyền cho những chiếc giầy của ông - một ủy viên khác nói - Với cả chú ếch và hàng hoá nữa.

Con ếch trả lời xuất sắc những câu phỏng vấn của các nhà báo. Nhưng trước đông đảo công chúng vây quanh ngưỡng mộ, nó chỉ hơi lúng túng, nói lắp bắp mà thôi. Những chiếc giầy bát kết lại cãi nhau, quật nhau bằng sợi dây buộc. Người ta nói đó là bức hoạ trực tiếp sinh động.

- Phải tiếp tục đi thôi! - Con ếch nói - Cuộc hành trình của tôi chưa kết thúc. Nhanh lên, ta phóng đi!

Đôi giầy bát kết thoát ra được và lại lên đường. Khi đến nơi con ếch rất buồn sẽ phải xa chúng. Nó nói:

- Ở lại đây với tôi. Các bạn làm tài xế cho tôi. Chúng ta sẽ cùng nhau đi thăm đất nước.

Những chiếc giầy bát kết thú vị nhận lời ngay.

Vậy thì, thưa các bạn thân mến, các bạn phải cẩn thận đấy. Nếu một ngày nào đó, các bạn thấy một đôi giầy bát kết bên lề đường thì cần phải xem xét kỹ nếu muốn ướm chân vào. Có thể có một chú ếch con đang ngồi trong đó.

Sự tích con cào cào

Cào cào xưa kia là một cô gái đẹp. Tính cô thích ăn diện nhưng vì nhà nghèo nên cô chưa được thỏa ý muốn.

Một hôm, nhà vua bị lạc mất cô công chúa bèn sai quân lính đi tìm. Lúc đó cô gái đẹp đang kiếm củi dưới gốc cây sấu lớn bên đường. Tốp lính thứ nhất đi qua, hỏi rằng:

- Cô có thấy công chúa qua đây không?

Cô gái nhìn thấy toán người này có nhiều quần áo đẹp, cái nào cũng bay trong gió như tấm lụa màu hồng. Cô thích quá liền bảo:

- Cho tôi một chiếc, tôi đang rét lắm!

Tốp lính cho cô một chiếc áo rồi đi theo hướng cô đã chỉ.

Một lúc sau có tốp lính khác chạy qua, mặc toàn áo xanh màu lá. Trông thấy cô gái, họ dừng lại hỏi:

- Cô ơi có thấy công chúa chạy qua đây không?

Cô gái nghĩ: "Tốp trước đã cho ta áo hồng, tốp này có áo xanh.Ta xin một cái mặc cho đẹp". Nghĩ vậy, cô bảo họ:

- Tôi đang rét lắm, các ông cho tôi một cái áo thì tôi sẽ chỉ cho.

Tốp lính bảo nhau cho cô gái cái áo rồi họ tiếp tục đi theo đường cô chỉ.

Ðược hai cái áo, cô thích quá, thầm chắc rằng về nhà ai cũng phải khen.

Khi cô chuẩn bị về toán lính nữa mặc toàn áo màu trắng như nước suối. Họ thấy cô gái lại hỏi về công chúa. Quen như hai lần trước, cô đòi một cái áo rồi mới chỉ đường. Thế là cô có ba cái áo: một hồng, một trắng, một xanh. Cái nào cũng đẹp.

Cô khoác cả ba cái vào, ngắm nghía, nhảy nhót tung tăng. Bỗng trên trời có tiếng sét nổ dữ dội, làm một cành sấu rơi xuống đầu cô gái. Cô bị bẹp đầu rồi chết, hóa thành con Cào cào, suốt ngày tung tăng bay nhảy với bộ áo ba màu.Cô gái nghĩa hiệp

--------------------------------------------------------------------------------

Thư sinh họ Cố người Kim Lăng, học rộng tài hoa, nhưng nhà rất nghèo, lại vì có mẹ già không nỡ rời dưới gối, nên hàng ngày chỉ vẽ thuê viết mướn kiếm ăn. Ðã hai mươi lăm tuổi mà vẫn phòng không lạnh lẽo.

Trước cửa nhà chàng là một ngôi nhà bỏ hoang từ lâu, một hôm có một bà già cùng một cô gái đến thuê để ở. Vì thấy không có đàn ông, nên chàng cũng chưa tiện thăm hỏi gốc tích của họ. Một hôm tình cờ từ ngoài về, chàng gặp cô gái trong phòng mẹ đi ra, tuổi chừng mười tám mười chín, xinh đẹp, thanh tú, trên đời ít có người sánh kịp. Gặp chàng, cô không tránh mặt nhưng có vẻ nghiêm lạnh. Chàng vào nhà hỏi mẹ, bà bảo:

- Ðó là cô gái ở nhà trước cửa, sang mượn thước và kéo may. Cô vừa cho biết nhà cũng chỉ có một con một mẹ. Trông cô có vẻ không phải con nhà nghèo. Hỏi sao không lấy chồng, đáp vì còn mẹ già. Ðể mai mẹ sang chào bà cụ, nhân tiện dò ý xem sao. Nếu ước vọng của họ không cao xa quá thì con có thể phụng dưỡng mẹ già thay nàng.

Hôm sau bà qua nhà cô gái, thấy mẹ nàng là một bà lão điếc. Nhìn trong nhà, tịnh không còn một bữa gạo cho ngày mai; hỏi cách sinh sống thì chỉ trông nhờ vào hai bàn tay cô gái. Dần dà mẹ chàng đem chuyện kết thân giữa hai nhà ra ướm hỏi; bà cụ ý như cũng bằng lòng, nhưng còn quay sang bàn bạc với cô gái; nàng nín lặng, xem chừng không được vui.

Mẹ về, kể lại cho con nghe và tỏ ý ngờ vực nói:

- Hay là cô ấy ngại nhà mình nghèo chăng? Tính tình nghiêm nghị không nói không cười, xinh như đào mận mà lại lạnh lùng như sương tuyết, thật là người kỳ lạ!

Mẹ con than tiếc một lúc rồi cũng bỏ qua.

Một hôm chàng ngồi ở phòng, bỗng có một thiếu niên đến nhờ vẽ tranh. Chàng ta dung nhan đẹp đẽ nhưng ý tứ thì khá buông tuồng. Hỏi ở đâu đến, đáp là ở thôn quê. Sau đó vài ba ngày lại đến một lần. Lâu dần thành quen, cười đùa cợt nhã. Chàng suồng sã ôm choàng lấy, cũng không chống cự gì lắm, liền tư thông với nhau. Từ đấy đi lại rất thân thiết.

Gặp khi cô gái đi ngang, thiếu niên đưa mắt nhìn, hỏi là ai, chàng đáp:

- Cô hàng xóm.

Thiếu niên nói:

- Ðẹp thì đẹp thật, mà sao thần sắc đáng sợ thế!

Lát sau chàng vào nhà trong, mẹ bảo:

- Vừa rồi cô gái sang xin gạo, nói đã hai ngày bếp không đỏ lửa. Cô gái thật có hiếu nhưng nhà nghèo quá, kể cũng đáng thương, ta cũng nên chu cấp ít nhiều.

Chàng nghe lời, mang đấu gạo sang, gõ cửa nói lại ý mẹ. Cô gái nhận gạo cũng không cảm tạ.

Hàng ngày nàng sang nhà, thấy mẹ chàng may vá, cũng vá áo xâu kim giúp mẹ. Ra vào trong nhà, làm lụng mọi việc như con dâu. Chàng càng thêm biết ơn nàng, mỗi khi có ai biếu xén thức gì đều chia ra biếu lại mẹ nàng. Cô gái vẫn không hé răng nói một lời cảm tạ. Bỗng nhiên mẹ chàng mọc cái nhọt ở chỗ kín, đêm ngày kêu khóc. Cô gái thường xuyên đến tận giường chăm sóc, rửa mụn bôi thuốc cho bà, ngày ba bốn bận. Mẹ rất áy náy nhưng cô không nề hà chuyện bẩn thỉu. Mẹ nói:

- Ôi, làm sao có một nàng dâu như con trông nom mẹ lúc tuổi già, để chết cho mát mẻ đây!

Nói xong, buồn bã nghẹn ngào. Cô gái an ủi bà rằng:

- Anh nhà là người con chí hiếu, còn hơn cảnh nhà cháu mẹ goá con côi gấp trăm lần.

Mẹ nói:

- Tới lui hầu hạ bên giường, nào phải là việc người con trai hiếu làm nổi đâu. Vả lại, thân này cũng đã xế chiều, hôm trái nắng trở trời chẳng biết thế nào nên rất khắc khoải về một người nối dõi.

Ðang nói thì chàng vào, mẹ khóc bảo:

- Mẹ mang ơn nương tử nhiều lắm, con chớ quên báo đáp.

Chàng cúi đầu vái tạ. Cô gái nói:

- Chàng kính trọng mẹ tôi, tôi không vái tạ, chàng vái tạ làm gì?

Do đấy chàng càng thêm kính yêu, nhưng cử chỉ nàng rắn rỏi, không đằm thắm, nên mảy may chẳng sàm sỡ được. Một hôm cô gái ra khỏi cửa, chàng đăm đăm nhìn theo. Nàng bỗng quay đầu lại cười tươi tắn. Chàng mừng rỡ vì việc xảy ra đến ngoài ý muốn, bèn chạy theo sang nhà; chọc ghẹo cũng không kháng cự, vui sướng cùng giao hoan. Xong xuôi, nàng dặn:

- Việc này chỉ một lần, không có lần thứ hai đâu nhé!

Chàng không đáp, ra về. Hôm sau, lại hẹn, thì nàng nghiêm nét mặt, không ngoái nhìn, đi thẳng. Ngày ngày nhiều lần qua lại, thường gặp nhau luôn, nhưng nàng không hề làm bộ tươi cười hay dùng lời đưa đẩy; hơi đùa cợt một chút đã nghe những câu lạnh người. Một hôm, nhân chỗ vắng người, nàng chợt hỏi:

- Chàng thiếu niên hàng ngày vẫn đến là ai thế?

Chàng kể tình đầu; nàng bảo:

- Ðã nhiều lần y có những cử chỉ, thái độ vô lễ với thiếp rồi. Vì là chỗ thân quen với chàng nên thiếp đành bỏ qua. Nhờ chàng chuyển lời; nếu còn tái phạm tức là không muốn sống nữa đấy!

Ðến tối, thiếu niên tới, chàng nói lại, rồi dặn thêm:

- Anh phải cẩn thận, người ấy không đụng đến được đâu!

Thiếu niên nói:

- Không đụng đến được, sao anh lại đụng được?

Chàng chối là không có chuyện ấy, thiếu niên nói:

- Nếu không có gì sao những lời thô lỗ cợt nhả kia lọt vào tai anh được?

Chàng không còn biết nói thế nào. Thiếu niên nói:

- Cũng phiền anh chuyển lời hộ: Cô nàng đừng giả vờ nghiêm nghị nữa. Nếu không tôi nói toạc ra cho mọi người cùng biết.

Chàng rất giận, đỏ mặt tía tai. Thiếu niên bèn bỏ đi.

Một đêm, chàng đang ngồi một mình, bỗng nhiên cô gái tìm đến, cười bảo:

- Em với chàng tình duyên chưa dứt, lẽ nào không phải là số trời?

Chàng mừng cuống lên, ôm nàng vào lòng. Ðột nhiên, nghe tiếng giày lộp cộp, hai người giật mình nhổm dậy, thì thiếu niên đã xô cửa bước vào. Chàng kinh hải hỏi:

- Cậu làm gì vậy?

Anh ta cười đáp:

- Tôi đến để xem con người trinh trắng đấy thôi.

Rồi ngoái nhìn nàng nói:

- Hôm nay không chê trách người khác nữa ư?

Cô gái đỏ lừng gò má, lông mày dựng đứng lên, không nói một lời. Nàng hất mạnh vạt áo, để lộ một chiếc bao da, thuận tay rút phắt ra một con dao găm sáng loáng, dài chừng một thước. Thiếu niên trông thấy, sợ hãi bỏ chạy. Ðuổi theo ra đến cửa, nhìn quanh, thì đã mất hút. Nàng cầm dao găm ném vào khoảng không, chỉ nghe một tiếng "rạt" đã thấy hiện ra một luồng sáng rực rỡ như cầu vồng. Lát sau nghe tiếng một con hồ trắng, đầu và mình mỗi thứ văng một nơi, nhìn mà thất kinh. Cô gái nói:

- Anh bạn đẹp trai của chàng đó. Tôi đã dằn lòng tha thứ, nhưng hắn nhất định không muốn sống thì biết làm thế nào?

Rồi nàng cất dao vào bao. Chàng cố kéo trở vào phòng, nàng bảo:

- Vừa rồi yêu quái làm mất cả hứng, xin để đêm mai.

Nói đoạn ra cửa đi thẳng. Ðêm sau, quả nhiên cô gái lại đến, bèn cùng nhau ân ái. Hỏi về kiếm thuật, nàng đáp:

- Ðó không phải là điều chàng nên biết. Hãy giữ kín, nếu lộ ra, e tai vạ đến chàng.

Lại bàn chuyện hôn nhân, cô gái nói:

- Ðã chung chăn gối, lại lo liệu việc nhà, không phải vợ thì còn là gì? Ðã là vợ chồng hà tất phải nói đến cưới hỏi.

Chàng hỏi:

- Hay là chê tôi nghèo?

Nàng đáp:

- Chàng đã đành là nghèo, nhưng thiếp giàu sao? Sum vầy đêm nay, chính là thương chàng nghèo đấy thôi.

Khi chia tay lại dặn:

- Việc làm cẩu thả này không thể thường luôn được. Lúc nên đến, thiếp sẽ tự đến, không nên đến thì ép buộc nhau có ích gì!

Về sau mỗi lần gặp gỡ, hễ chàng nói chuyện riêng tư là cô gái lại tránh đi. Tuy nhiên, việc vá may nấu nướng vẫn một tay nàng quán xuyến, không khác gì người vợ chính thức.

Ðược mấy tháng, mẹ nàng chết, chàng dốc sức lo việc ma chay. Từ đó, nàng ở nhà một mình. Chàng nghĩ phòng không bóng chiếc có thể tính chuyện chung chạ được, bèn nhảy qua tường mà vào, đến bên cửa sổ gọi mãi, nhưng rốt cuộc chẳng một ai thưa. Bèn lại cửa chính nhòm vào thì nhà trống không mà cửa vẫn cài. Trộm ngờ cô gái có nơi hò hẹn nào khác. Ðến đêm, lại tới, vẫn y như vậy, bèn tháo viên ngọc vẫn đeo bên mình để lại trên cửa sổ rồi đi. Hôm sau gặp nhau ở buồng mẹ. Khi chàng đi ra, cô gái theo sau, nói:

- Chàng ngờ thiếp ư? Mỗi người đều có tâm sự riêng, không thể nói hết với người khác. Nay dẫu muốn chàng hết ngờ cũng đâu có được. Nhưng có một việc phiền chàng lo liệu gấp.

Hỏi việc gì, đáp:

- Thiếp có mang đã tám tháng rồi, e sinh nở nay mai. Nhưng danh phận của thiếp chưa rõ ràng, chỉ có thể sinh con cho chàng chứ không thể nuôi con cho chàng được. Chàng hãy thưa riêng với mẹ lo tìm một người vú nuôi, nói dối là con xin được chứ đừng nói là con do thiếp sinh ra.

Chàng nhận lời, về kể lại với mẹ, bà cười bảo:

- Con bé này kỳ thật! Hỏi cưới thì không chịu, mà lại ăn vụng với con mình.

Bà vui mừng làm theo ý nàng và chờ đợi.

Lại cách hơn một tháng, có đến mấy ngày cô gái không sang. Mẹ lấy làm ngờ, đến cửa nhòm xem thì cửa đóng mà nhà vắng lặng. Gõ cửa hồi lâu mới thấy cô gái đầu bù tóc rối, mặt mũi không rửa, từ trong buồng bước ra, mở cửa cho bà vào xong, đóng lại ngay. Vừa vào trong nhà đã nghe tiếng trẻ khóc oe oe trên giường. Bà kinh ngạc hỏi:

- Con sinh từ bao giờ vậy?

Nàng thưa:

- Ðã ba ngày.

Giở tã lót ra xem thì là đứa bé trai, má bụ bẫm trán rộng, bà vui mừng nói:

- Con đã vì già mà nuôi cháu; một mình lênh đênh, rồi sẽ nương tựa vào ai?

Cô gái nói:

- Ðiều con canh cánh trong lòng, chẳng dám phơi bày cùng mẹ. Ðợi lúc đêm hôm vắng vẻ sẽ cho cháu về với bà.

Mẹ về nói chuyện với con trai, cũng thầm cho là lạ. Ðến đêm, bế đứa trẻ về. Lại mấy đêm sau, vào khoảng nửa đêm, cô gái bỗng gõ cửa, bước vào, tay xách chiếc túi da cười nói:

- Việc lớn của thiếp đã xong rồi. Từ nay xin vĩnh biệt!

Chàng vội hỏi duyên cớ, nàng nói:

- Công ơn nuôi mẹ thiếp vẫn khắc sâu trong dạ. Trước đây từng nói "Chỉ một lần thôi, không có lần thứ hai" không phải có ý đem việc chung đụng gối chăn ra để báo đáp. Chỉ vì chàng nghèo không thể lấy được vợ nên gắng sinh cho chàng một đứa con để nối dõi. Những mong chỉ một lần là thành, chẳng ngờ lại thấy có kinh nên phải "phá giới" lần thứ hai. Nay ơn chàng đã đền, chí thiếp đã toại, chẳng còn gì ân hận nữa!

Hỏi:

- Trong túi có vật gì đấy?

Ðáp:

- Ðầu kẻ thù!

Hé ra cho nhòm, thì râu tóc bết vào nhau mà máu loang nhoè nhoẹt. Chàng sợ muốn đứt hơi, lại hỏi kỹ thêm. Nàng nói:

- Trước đây không dám nói với chàng, vì sợ nếu chuyện không giữ kín được sẽ lộ ra. Nay việc đã xong, kể chàng nghe cũng chẳng hại gì. Thiếp vốn người Chiết Giang, cha làm quan Tư mã bị kẻ thù hãm hại, nhà cửa bị tịch biên. Thiếp phải cõng mẹ già đi trốn, ẩn giấu họ tên, chôn vùi tung tích đã ba năm rồi. Sở dĩ không báo thù ngay chỉ vì mẹ đang còn. Ðến khi mẹ mất, lại vướng "khối thịt" đang mang trong bụng. Vì thế cứ nấn ná mà thành lâu. Ðêm hôm nọ đi vắng, chẳng có duyên có gì khác, chỉ vì đường sá cổng ngõ chưa thông thuộc, sợ có sự nhầm lẫn mà thôi.

Nói xong, ra cửa, lại dặn rằng:

- Ðứa con thiếp sinh ra, hãy chăm sóc cẩn thận! Chàng phúc mỏng, chẳng sống lâu được, con rồi sẽ làm rạng rỡ cửa nhà. Ðêm khuya đừng làm kinh động đến mẹ, thiếp đi đây!

Chàng đang rầu rĩ, toan hỏi đi đâu thì nàng đã vụt đi nhanh như chớp, chỉ nháy mắt đã không thấy đâu nữa. Chàng than tiếc, đứng sững như kẻ mất hồn. Sáng hôm sau kể lại với mẹ, hai mẹ con cứ tấm tắc là chuyện lạ lùng.

Ba năm sau quả nhiên chàng mất. Ðứa con mười tám tuổi đỗ Tiến sĩ, phụng dưỡng bà nội cho đến hết tuổi già.

Bồ Tùng Linh

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro