Giới thiệu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi là Cư sỹ, Thiền sinh, Lương Vinh Tri (tên thật là: N.M.D sinh 7/1/1978). Tôi là một Cư sỹ Phật tử tại gia yêu thích và đam mê Phật Pháp. Thời gian qua tôi đã nghiên cứu và hoàn thiện một số tác phẩm chủ đề Phật giáo, lịch sử, nhân tướng, ca dao tục ngữ...

Tôi đặc biệt yêu thích Kinh Nguyên Thủy Nikaya do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch. Tác phẩm "Lá trong lòng bàn tay" (Trọn bộ 3 tập dày khoảng 1800 trang) là kiến thức tổng hợp của tôi sau thời gian nghiên cứu 2 bộ kinh: Trung Bộ Kinh Nikaya và Trường Bộ Kinh Nikaya.

Bộ sách này tôi xin giới thiệu Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh Nikaya (Khuddaka Nikaya) trong Kinh tạng Pali (Suttanta Pitaka). Kinh Pháp Cú là các bài thi kệ 4 câu, 5 câu hoặc 6 câu. Mỗi đoạn nói một đại ý nào đó, cô đọng dễ hiểu. Vậy nên Kinh Pháp Cú được truyền bá rộng rãi trên thế giới. Đây là quyển Kinh Phật giáo phổ thông nhất được dịch sang nhiều ngôn ngữ nhất trên Thế giới.

Kinh Pháp Cú rất dễ hiểu. Tôi xin lấy ví dụ:

"Ai mặc áo cà sa,

tâm chưa rời uế trược,

không tự chế, không thực,

không xứng áo cà sa."

Kệ Pháp Cú trên Phật dạy: "người tu hành mà tâm vẫn còn tham đắm, không chế ngự được tâm, thực không xứng đáng là người tu".

Thường các bộ Kinh Phật đa phần có nghĩa lý sâu xa khó hiểu, nhưng riêng Kinh Pháp Cú lại rất đơn sơ dễ hiểu nên ai cũng thích. Tuy nhiên tùy theo sức triển khai mà ta có thể thấy được vấn đề sâu bên trong của lời kệ Pháp Cú.

"Dhamma" nghĩa là "pháp, đạo lý, chân lý", nhưng ở đây có nghĩa chính là "Lời Phật dạy"; "Pada" là "lời nói, câu nói, câu kệ, câu cú". "Dhammapada" nghĩa là: "Các câu nói Phật dạy" hay dịch ngắn là "Pháp Cú".

Ngoài ra còn nghĩa thứ hai. Trong ngữ văn Pali "Pada" còn có nghĩa là "Bước chân đi", "Dhamma" nghĩa là "Chân lý" . Do đó, "Dhammapada" được dịch là "Bước về Chân lý".

Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là tập hợp 423 bài kệ. Đức Phật đã nói ra trong nhiều dịp khác nhau suốt 45 năm giáo hóa. Các bài kệ được sắp xếp trong 26 phẩm, được kết tập trong Đại hội Kết tập Kinh lần thứ nhất diễn ra sau khi Phật nhập diệt 7 ngày.

Những lời dạy trong Kinh Pháp Cú của Đức Phật ngắn gọn. Nhưng phải nhân một sự kiện gì đó, một nhân duyên nào đó, đến lúc, đúng thời thì Phật mới nói Pháp Cú. Ví dụ: Nhân thắc mắc của một số Tỳ kheo vì chuyện gì đó mà đến hỏi Phật. Phật giải thích rõ ràng thỏa đáng về câu chuyện đó... cuối cùng Phật kết luận bằng bài kệ Pháp Cú. Đó chính là "Tích Pháp Cú""Kệ Pháp Cú".

Do vậy, mỗi "Tích Pháp Cú" đều có 3 phần: Phần I - Kệ Pháp Cú, Phần II - Truyện tích hình thành Pháp Cú, Phần III - Bài học kinh nghiệm.

Phần I - Kệ Pháp Cú: được dịch từ tiếng Pali sang Tiếng Việt bởi Hòa Thượng Thích Minh Châu tại Chùa Vạn Hạnh (1969). Ngài đã dịch sát nghĩa nhất vì muốn giữ nguyên nghĩa gốc của kinh.

Phần II - Tích Pháp Cú: do Thượng tọa Thích Chân Quang giảng trong hệ thống bài giảng Kinh Pháp Cú (từ năm 2006 đến 2016). Tôi nghe Thượng tọa giảng mà chép lại thành văn.

Phần III – Bài học kinh nghiệm: Công đức lớn nhất là của Hòa Thượng Thích Minh Châu và Thượng Tọa Thích Chân Quang. Tôi chỉ có công ghi chép lại lời 2 vị và thêm lời: "Bài học kinh nghiệm" chia sẻ những suy nghĩ cá nhân tôi mà thôi.

Thường ta đọc Kinh Phật ta thấy khô khan, khó nhớ, khó thuộc và không hấp dẫn. Bởi vì 100% lời kinh là lý thuyết triết học với những triết lý thâm sâu khó hiểu. Lý thuyết cần phải có thực tiễn làm sáng tỏ. Nhưng sao ta có thể thấy được thực tiễn của lý thuyết Kinh Phật áp dụng vào đời.

Xin ví dụ về Luật nhân quả. Nhân đời này đến nhiều đời nhiều kiếp sau mới hiện thành quả báo. Ta không thể thấy được nhân quả trong Tam thế nhiều kiếp sống nếu không có Thiên Nhãn Minh.

Thật vi diệu thay "Tích Pháp Cú" là những sự kiện cuộc sống xã hội thời Đức Phật thực tế tồn tại. Các vị Tỳ kheo chưa chứng A-la-hán thấy sự kiện đó và họ thắc mắc. Họ mang những thắc mắc đó đến hỏi Đức Phật. Bằng Thiên Nhãn Minh vĩ đại của một vị Phật, bằng trí tuệ vĩ đại của Đức Phật thì Phật đã giải thích thấu tỏ mọi chuyện vượt giới hạn không gian, vượt giới hạn thời gian.

Vậy nên "Tích Pháp Cú" theo tôi là "Tác phẩm thực hành Chánh pháp Đức Phật vĩ đại nhất mọi thời đại". Đây là một tác phẩm bổ trợ không thể thiếu của Đại Tạng Kinh Phật. Tác phẩm này đã làm sáng tỏ mọi chân lý Chánh Pháp Đức Phật.

Nam Mô Bổ Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lvt