19.Tư tưởng nhân văn HCM bao gồm những luận điểm nào

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Con người là vốn quý nhất - nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng
    a. Nhận thức về con người
    Tư tưởng nhân văn là trào lưu tư tưởng bàn về con người. Nói đến tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nói đến toàn bộ suy nghĩ và tình cảm đã chi phối suốt cuộc đời của Người, cuộc đời đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân; cho sự nghiệp giải phóng nhân loại và của mỗi con người. Tư tưởng nhân văn của Người được hình thành từ hoàn cảnh sống và chiến đấu của bản thân Người và từ sự kế thừa một cách sáng tạo những truyền thống nhân văn của dân tộc và những giá trị nhân văn của nhân loại.
Hồ Chí Minh xem xét con người trong các mối quan hệ. Người nêu: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng hơn nữa là cả loài người.” (Tập 5, trang 664)
Con người được Hồ Chí Minh đề cập đến không phải là con người chung chung, trừu tượng mà là con người cụ thể, lịch sử: ở từng thời kỳ lịch sử cụ thể, Người dùng các khái niệm khác nhau để chỉ con người và xem xét nó trong nhiều bình diện và nhiều chiều khác nhau.
 Trong những năm 20 của thế kỷ XX, Người dùng các khái niệm người bản xứ, người mất nước, người bị bóc lột, người vô sản. Sau cách mạng tháng Tám, Người dùng các khái niệm đồng bào, quốc dân, dân, nhân dân. Khi miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, Người dùng các khái niệm công nhân, nông dân, lao động trí óc, lao động chân tay.
    Khái niệm con người theo nghĩa chung là “phẩm giá con người”, “giải phóng con người”.
    b. Thương yêu, quý trọng con người
    Hồ Chí Minh có tình thương yêu mênh mông, bao la, rộng lớn đối với con người.
- Đó là tình thương yêu dành cho đồng bào, đồng chí của Người, không phân biệt họ ở miền xuôi hay miền ngược, trẻ hay già, nam hay nữ...  Hễ là người Việt Nam yêu nước thì đều có chỗ đứng trong tấm lòng nhân ái của Người.
- Tình thương yêu của Người còn mở rộng ra toàn thế giới, nó thấm nhuần chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đó là tình thương yêu dành cho những người nô lệ bị mất nước, những người vô sản bị bóc lột, những người cùng khổ trên khắp thế gian (những người da đen là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, những người da trắng bần cùng, những phụ nữ Pháp và Mỹ có chồng, con đi làm bia đỡ đạn chết vô ích trong các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân đế quốc ở Việt Nam).
Điều đó được thể hiện trong hàng loạt bài viết của Người nói lên tình cảnh cùng khổ của những người nông dân, công nhân ở các nước thuộc địa, các nước tư bản; tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản ở khắp các nơi trên thế giới. 
- Tình thương yêu con người của Hồ Chí Minh được đặt trên một cơ sở khoa học. Đó là chỉ ra nguồn gốc của sự đau khổ của con người, là chủ nghĩa thực dân, là ách áp bức bóc lột giai cấp, đồng thời chỉ rõ con đường đấu tranh để giải phóng con người, đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho con người, đó là con đường giải phóng dân tộc Việt Nam cũng như con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động trên toàn thế giới.
- Tình thương yêu còn được thể hiện ở sự trân trọng sinh mệnh con người: Người luôn coi sống trong hoà bình, độc lập, tự do là nguyện vọng sâu xa, còn chiến tranh chỉ là bắt buộc. Coi trọng bảo vệ con người trong chiến tranh, tiết kiệm sức người, sức của của nhân dân: thận trọng với các cuộc khởi nghĩa, chọn đúng thời cơ khởi nghĩa trong cách mạng Tháng Tám giành được thắng lợi nhanh nhất và ít tốn xương máu nhất,  chủ động đàm phán nhằm tránh cuộc chiến tranh Việt – Pháp,...
- Người cống hiến cả cuộc đời để đấu tranh cho độc lập, tự do, và hạnh phúc của nhân dân, còn bản thân mình lại sống cuộc sống vô cùng giản dị, thanh bạch, lẽ sống của Người là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.
c. Tin vào sức mạnh, phẩm giá, tính sáng tạo của con người
Hồ Chí Minh có lòng tin mãnh liệt vào sức mạnh và tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân. Người từng khái quát rằng, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.
Người cho rằng: “vô luận việc gì, đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả.” Vì thế việc dù dễ mấy mà không có nhân dân cũng chịu, việc khó mấy có dân liệu cũng xong.
Niềm tin vào quần chúng sẽ tạo nên sức mạnh cho người cộng sản và sự nghiệp cách mạng. Nguyên nhân của bệnh quan liêu, mệnh lệnh là do không thương yêu nhân dân và do không tin cậy nhân dân. Từ đó sẽ dẫn đến kết quả là “hỏng việc”. Do đó, phải luôn có một suy nghĩ thường trực là “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”.
d. Lòng khoan dung rộng lớn, cao cả
Hồ Chí Minh nhìn nhận, xem xét con người trong tính đa dạng của nó: đa dạng trong  quan hệ xã hội (quan hệ dân tộc,  giai cấp, tầng lớp, đồng bào, đồng chí, gia đình, nhà trường…); đa dạng trong tính cách, khát vọng; đa dạng trong phẩm chât và khả năng; đa dạng trong hoàn cảnh xuất thân, điều kiện sống, điều kiện làm việc… Trên cơ sở đó, lòng khoan dung  ở Hồ Chí Minh có nội dung sâu sắc, rộng lớn:
Theo Người, mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng người đều có những ưu điểm và khuyết điểm, có mặt tốt và mặt xấu, có mặt được và chưa được, giống như năm ngón tay dài ngắn khác nhau hợp lại nơi bàn tay, vì thế trong hàng triệu con người Việt Nam tuy có người thế này, có người thế khác nhưng họ đều cùng là nòi giống Lạc Hồng, ai cũng có ít nhiều lòng yêu nước
 Trong Thư gửi những người Pháp ở Đông Dương, Hồ Chí Minh đã tuyên bố chính sách bảo vệ tính mạng tài sản của những người Pháp và tình thân ái đối với những người lương thiện. Đối với cán bộ đảng viên có lỗi, Người luôn tạo điều kiện cho họ sửa chữa lỗi lầm. Người tôn trọng, khuyến khích mặt tốt trong con người, coi đó là một trong những biện pháp để giúp đỡ những người có sai lầm khuyết điểm sửa chữa: mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời.
2. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng
- Con người là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng
Mục tiêu của cách mạng là giải phóng con người, mang lại tự do, hạnh phúc cho con người,  tạo điều kiện cho con người phát triển về mọi mặt. Đó là: Tất cả vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân; giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; thực hiện độc lập dân tộc và CNXH. ở  mọi thời kỳ cách mạng, đều phải hướng vào mục tiêu đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của con người.
 Khi đất nước bị nô lệ, lầm than thì mục tiêu trước hết là giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc.
Khi đã giành được độc lập thì phải đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Phải chăm lo đến việc ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh cho nhân dân.
 Khi nói về xây dựng chủ nghĩa xã hội, bao giờ Người cũng nói đến những nội dung có liên quan đến con người:
“Mục đích của CNXH là gì? Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.” ( Tập 9, trang 22 )
Nói đến nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ, hầu như bao giờ Người cũng nhấn mạnh phải chăm lo đến con người:
“Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột , bị nghèo nàn thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ.” ( Tập 8, trang 587 )
“Tất cả những việc Đảng và Chính phủ đề ra đều nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân. Làm gì mà không nhằm mục đích ấy là không đúng.” (Tập 7, trang 415)
Trong Di chúc Người viết: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”.  
- Con người là động lực của cách mạng
Đó là, sự nghiệp giải phóng con người là do chính bản thân con người thực hiện.
Con người là động lực của cách mạng được nhìn nhận trên phạm vi cả nước, là toàn thể đồng bào, song trước hết là giai cấp công nhân và nông dân. Điều này có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Con người chỉ trở thành động lực khi họ được thức tỉnh, giác ngộ, định hướng và tổ chức lại. Họ phải có trí tuệ và bản lĩnh, văn hoá, đạo đức và được nuôi dưỡng trên nền truyền thống lịch sử - văn hoá hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
Con người là động lực chỉ có thẻ thực hiẹn được khi hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo. Vì vậy vai trò lãnh đạo của Đảng là vô cùng quan trọng. Qua các phong trào cách mạng của quần chúng, Đảng sẽ nhân sức mạnh của nhân dân lên gấp bội.
Giữa con người mục tiêu và con người động lực có mối quan hệ biện chứng với nhau. Càng chăm lo cho con người mục tiêu tốt bao nhiêu thì sẽ phát huy con người động lực tốt bấy nhiêu, Ngược lại, tăng cường được sức mạnh của con người động lực thì sẽ nhanh đạt được mục tiêu cách mạng.
3. Xây dựng con người là chiến lược hàng đầu của cách mạng
Trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, con người giữ vị trí trung tâm, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng.  “Trồng người”, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là những việc làm rất quan trọng, rất cần thiết và luôn mang tính chất chiến lược: vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.
Để “trồng người” cần phải áp dụng nhiều biện pháp, trong đó giáo dục là biện pháp quan trọng bậc nhất. Hồ Chí Minh cho rằng tính cách con người phần nhiều là do giáo dục tạo nên và gắn liền với hoạt động của con người chứ không phải do trời phú sẵn: ngủ thì ai cũng như lương thiện, tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền, hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên; óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy, sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên. Do đó, phải hết sức coi trọng việc nâng cao dân trí cho toàn thể dân tộc. Người nói một dân tộc dốt là một dân tộc yếu và nêu cao khẩu hiệu chống giặc dốt sau Cách mạng Tháng Tám, coi đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách của cách mạng nước ta.
Trong giáo dục con người phải toàn diện, cả đức, trí, thể, mỹ; coi trọng cả hai mặt, tài năng và đạo đức. Hai mặt đó thống nhất với nhau, tạo điều kiện cho nhau, giúp cho con người hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Trong mối quan hệ giữa đức và tài thì đức giữ vai trò nền tảng. Trong việc xây dựng con người thì phải bắt đầu từ xây dựng nền tảng đạo đức và phải thường xuyên bồi đắp nền tảng đó, không ngoại trừ một ai, không ngoại trừ một cấp nào

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro