Tháng 2: Yumi.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Keyword: Tiếng chuông đêm 30.

KHÚC GIAO THỪA LẶNG LẼ


"À ơi, hoa bay lên trời, cây chi ở lại

À ơi, hoa cải lên trời, rau răm ở lại

Chịu lời đắng cay..."

*

1.

Tôi chưa học lớp Một, mà có lẽ, cũng chẳng bao giờ có cơ hội được vào lớp Một, nên tôi không giống con Ty, thằng Mít, được cô giáo mách cho Giao thừa là gì. Nhưng, tôi vẫn biết. Bác Tám hàng xóm bày cho tôi.

- "Giao thừa, là thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Ái chà chà, nói đúng hơn, giao thừa còn là thời khắc chuyển giao tâm hồn mình."

Tôi nhớ, bác Tám nói câu đó với vẻ khệnh khạng, đưa tay lên cằm, định bụng vuốt râu cho nom giống vẻ một nhà hiền triết. Nhưng bác sực tỉnh ngay và bỏ tay xuống: bác vừa mới cạo hết đám râu nhằng nhì ấy hồi sáng rồi, gọi là "tân trang nhan sắc đón mùa xuân". Bác lớn tuổi, đi đứng lụm khụm, vẹo vẹo xiên xiên, nhưng được nỗi bác rất khoái văn thơ, mà văn thơ cũng khoái bác. Bác uống rượu nhiều, uống xong bác không quậy phá hay nằm vật ra đường la ó. Bác ngâm thơ.

"Cầu xanh, trầu thắm, má hồng

Em đi lấy chồng, anh hận bể dâu

Nhủ lòng khắc mối hờn sâu

Sao nhìn ai bước qua cầu, buồn hiu..."

Tôi không dưới một lần, cắp mâm bánh cam ngồi bệt xuống lòng đường, ngay dưới chân cái ghế thấp tủn bác Tám uống rượu, chỉ để tròn mắt nghe những vần thơ đó. Những vần thơ, tôi không hiểu nó nói gì. Nhưng thấy lòng sầu heo sầu hắt! Chắc có lẽ vì giọng bác đượm một nỗi buồn mênh mang, ánh mắt bác nhìn chợt xa xăm lắm. Và, bao giờ cũng vậy, bác luôn kết thúc những dòng thơ của mình bằng cách đánh cộp ly rượu lên bàn, nằm gục mặt xuống, hát:

"À ơi, em đi lấy chồng, anh đứng một mình

À ơi, táo rụng sân đình, thương anh một mình

Một mình nhớ em."

Tôi không ấn tượng những vần thơ. Nhưng, tôi ấn tượng những câu hát. Những câu hát êm dịu, du dương, buồn bã. Những câu hát gợi cho tôi nhớ về người bà quá cố kính yêu của mình. Kết thúc bản nhạc, tôi luôn nũng nịu đòi bác hát lại thêm lần nữa, chỉ để nghe một cái đoạn khác xa lơ xa lắc với cái đoạn "lấy chồng" mà bác khoái:

"À ơi hoa bay lên trời, cây chi ở lại

À ơi, hoa cải lên trời, rau răm ở lại

Chịu lời đắng cay..."

Tôi không hiểu sao tôi thích nó nữa. Chắc có lẽ vì tôi thấy rau răm giống tôi, mà tôi cũng giống rau răm. Cô độc, lẻ loi, một mình.

2.

Tôi không phải là đứa trẻ mồ côi. Nói đúng ra, tôi có ba, có má đàng hoàng. Và họ vẫn còn sống, sống thật khỏe mạnh. Nhưng trong lòng họ từ lâu, tôi đã chết.

Bà ngoại kể tôi, rằng năm ấy, đường sá giải tỏa, nhà vỡ nợ. Lúc đó, tôi chỉ mới là cô bé ngót nghét hai tuổi đời. Gia đình tôi ôm nhau chạy lên thành phố trốn giang hồ, với cái miệng không ngừng buông lời chửi rủa, tục tĩu của ba và cái bụng bầu khệ nệ sắp sanh của má. Chúng tôi phải vất vả lắm mới xoay ra được một căn hộ bé tin hin như cái lỗ mũi ở Sài Gòn, và một cái xe đẩy để má tôi bán bánh. Bánh tiêu, bánh bò, bánh cam, chuối chiên,... những thức quà lề đường nhưng đã nuôi sống cả gia đình dạo ấy. Về phần ba tôi, ông không thiết làm gì.

- "Tao thèm vào những loại lao động dơ bẩn đó! Còn chơi chứng khoán, tao ham. Nhưng mà ham rồi lại vỡ nợ, lại chạy trốn, lại đèo bồng cái lũ tụi bây đi đâu?"

Tôi vẫn còn nhớ y nguyên những lời cáu bẳn ấy, cả những cái tên tởm lợm và gớm ghiếc mà ông khinh bỉ phun vào mặt tôi. Má thương tôi, tôi tin rằng thế, nhưng vì bà sợ ông, sợ chồng, sợ cái nết điên nên đành câm lặng. Chỉ duy có một lần, má kéo tôi lại, vuốt nhẹ mái tóc xơ rối của tôi, dịu dàng bảo:

- "Con đừng quan tâm đến mấy cái tên đó! Má có tên khác đặt cho con, hay lắm! Xây, tên con sẽ là Xây nhé! Con sẽ tự mình xây đắp nên một cuộc đời thật tươi đẹp. Dù có ba má hay không."

Tôi hí hửng cười, khoe cả hàm răng chưa mọc.

Tôi lúc đó còn quá nhỏ để hiểu, vì sao hai ngày sau khi má ôm tôi thủ thỉ ân cần như vậy, Người lại bỏ tôi mà đi.

3.

Tôi về ở với bà ngoại từ dạo ấy.

Bà không có nhà riêng, nên tôi nghiễm nhiên ở chung với các dì.

Trong khoảng thời gian tuổi thơ tồi tệ, bà chính là ánh sáng cuộc đời tôi. Bà yêu tôi, thương và chăm tôi bằng tình yêu, mà tôi tin, của cả ba và má cộng lại. Bà kiên nhẫn đút tôi ăn, dù tôi thường nhè hết ra quần áo. Bà dịu dàng hát ru tôi, dù giọng bà khàn khàn và ngắt quãng trong đêm. Bà hay dẫn tôi đi chơi, thấy cái gì vui vui, là lạ, bà thường lén lấy tiền để dành mua cho cháu.

Mấy đứa con của dì ganh với tôi lắm! Chúng nó có ba má, có quần áo, đồ đạc ê hề, nhưng vẫn quyết muốn bà thương chúng nó hơn tôi. Thế nên, hễ cứ mỗi lần tôi đang chơi, sẽ lại có vài ba đứa chạy tới giựt. Chúng nó không chỉ giựt, chúng còn cắt hộp sữa đổ lem nhem lên áo tôi, để bà phải nhọc công đi giặt lại. Tôi ức lắm! Nhưng tôi chẳng thể làm gì.

Thực ra, lần đầu bị ăn hiếp như vậy, tôi có đứng lên chống trả. Tôi chạy theo, tóm lại con búp bê mà chúng nó cắp, quăng trả hộp sữa uống dở vào mặt chúng nó, thè lưỡi lêu lêu. Nhưng tôi không hề biết sự khác biệt giữa một đứa con có mẹ cha và một đứa cô thân cô thế. Dù chúng nó làm sai, dù chúng nó giựt đồ chơi của tôi, đổ sữa lên người tôi, đánh tôi. Dù chúng nó hư, người bị mắng vẫn là tôi.

- "Đồ cái thứ con hoang vô học! Để tao hỏi xem, bà mày dạy mày như thế nào mà mày đi đánh anh, đánh chị. Mày thiếu thốn lắm hả? Cho anh chị mượn một tí thì đã sao! Cái dòng ích kỷ y chang con gái mẹ nhà mày! Mày còn khóc hả? Khóc này! Khóc này!"

Cứ mỗi một lần như vậy, dì lại lấy roi quật tôi tới tấp.

- "Không ai dạy thì để tao dạy mày! Chứ để lớn lên, làm cái ung cái nhọt trong xã hội!"

Chỉ đến khi tôi lao ra ôm bà lúc bà đi chợ về, và bà vội vàng dùng tấm lưng già, gầy còm che chở lấy tôi, tôi mới thoát được sự cay nghiệt của người dì vô nhân tính.

Đúng, là vô nhân tính! Tôi khẳng định như vậy, khi bà vừa xuýt xoa bôi dầu lên vết thương của tôi vừa khóc, khi tôi đau đớn vì những lằn roi vọt thì ít, mà vì cái đầu đã đứt lìa của con búp bê bà dành dụm mua cho tôi thì nhiều. Và tôi lại thấy cơn đau lan dài, nhói lên, dai dẳng, thấm vào từng giấc mơ lạnh giá, run rẩy. Hằng đêm.

Những giấc mơ không bao giờ có gia đình ở đó.

4.

Tôi năm tuổi, ba má có sang nhà, ngỏ ý muốn nhận nuôi lại tôi.

Bà ngoại thương tôi, mừng không để đâu cho hết, bảo là, Xây ơi Xây, cuối cùng Xây cũng được về với gia đình rồi, sướng nhé! Nhưng riêng tôi, tôi chả thấy sướng tẹo nào. Tôi sẽ nhớ bà, nhớ lắm. Còn cả, tôi không tin vào vận may của mình. Nhất là ánh mắt sắc như dao lam của ba tôi khi nhìn tôi. Đó chẳng thể là ánh mắt của một người yêu thương và muốn nhận lại tôi thực lòng.

Quả đúng là như vậy!

- "Con không về. Con không về! Xin bà đấy, cháu không về đâu, bà ơi!"

Tôi khóc lóc, níu tay bà van. Bà hiền từ vuốt tóc tôi, thủ thỉ.

- "Xây khờ lắm! Sao không về hở con? Về đi, ba con mới trúng số. Ổng sẽ cho con ăn sung mặc sướng, nhiều thiệt nhiều đồ chơi nữa! Rồi Xây còn được đi học. Xây không thích đi học sao?"

- "Cháu thích! Nhưng... Nhưng cháu muốn ở lại với bà hơn! Xin bà, xin bà đừng bỏ cháu! Bà đừng bỏ Xây mà!"

Tôi khóc ngặt nghèo cả buổi sáng. Khóc đến mức ba tôi cáu. Ông đạp mạnh cái thùng phuy để trước sân nhà, gầm lên:

- "Đếch về thì thôi, đồ ngu! Tao cũng chả cần!"

Nói rồi, ông đi thẳng.

Mẹ tôi nấn ná lại, nhưng cũng chẳng để làm gì. Bà không dám trái lệnh chồng. Bà chỉ thơm nhẹ lên má tôi, thở dài. Và cũng như ông, bà cắp chiếc nón lá, quầy quả bước. Chắc bà nôn về để bón cho thằng Hi – em trai ruột tôi – những thìa cháo nóng. Chắc bà nôn về để thoát khỏi nơi này, nơi có đứa con gái nom vừa xấu xí vừa hư hỏng. Chắc bà sẽ chẳng nhớ đến tôi.

Nhưng tôi không cần! Tôi ôm siết lấy ngoại, ngửi mùi thơm từ quần áo ngoại. Chỉ cần ngoại ở bên tôi là đủ rồi.

5.

Theo lời ba, dù không về nhà nhưng tôi vẫn là con ba má tôi. Thế nên, theo lẽ thường tình, tôi phải trả hiếu. Trả hiếu bằng cách, mỗi ngày, từ sớm bốn giờ đến tám giờ, và chiều năm giờ đến mười giờ, tôi phải ôm mẹt bánh cam đi bán khắp các ngõ phố.

Sống cơ cực quen hơi từ bé, tôi gật đầu luôn, khỏi nhằng nhì. Tôi biết cãi cự không có ích, thế nên tôi cũng chẳng muốn nhiều lời, để ông cáu giận quát mắng tôi và cả bà ngoại tôi – dù đó là mẹ vợ ông.

Trên đời, lắm khi nghĩa tình cũng chẳng thể bằng tiền – thứ mà tôi coi không kém không hơn một mớ giấy lộn. Nhưng mớ giấy lộn ấy có thể sai khiến và hành hạ cả tuổi thơ tôi, quả đúng y với những lời thơ bác Tám vẫn hay ngâm nga bên bàn lỉnh kỉnh chai rượu:

"Đồng tiền cứ thế lặng câm

Khi dùng đến có mừng thầm chẳng chê

Đồng tiền là cái bùa mê

Ai không có nó chẳng hề sướng đâu!"

- "Ai bánh cam hông? Bánh cam nóng, giòn, giá cả phải chăng đây! Quẹo lựa, quẹo lựa luôn mấy bác, mấy chú, mấy dì mấy chị ơi!"

Cũng may, người lớn thấy tôi bé thế này mà phải rong ruổi đi bán, người ta thương. Thế nên tôi vừa hết sớm vừa có nhiều tiền. Thường, tôi sẽ chạy đi mua một thứ quà vặt gì đấy, kẹo bông gòn hay bò bía ngọt. Đừng trách oan tôi! Không phải tôi tiêu pha phung phí, chẳng biết để dành. Nhưng cứ hễ mỗi lần để dành thì ba tôi lại trấn lột hết. Tôi rút kinh nghiệm những lần sau đó, có tiền boa cứ lấy mà xài thỏa thích, ăn cho sướng miệng mới thôi! Tôi tin, bản thân mình đang làm đúng.

Ba không yêu tôi, tại sao tôi lại phải yêu, phải lo lại cho ông?

Dù mãi đến sau này, về mặt luân lý đạo đức, tôi đành phải gạt bỏ mọi chuyện xưa mà chăm ông trong bệnh viện phút cuối đời, nhưng với cái lứa năm tuổi non nớt, ngây thơ hồi ấy, ba tôi chẳng khác nào ông kẹ vẫn thường xuất hiện để dọa con nít trong những câu chuyện kể của bà ngoại hằng đêm.

Chỉ khác là, ông kẹ trong truyện cổ bắt cóc trẻ con ăn thịt. Còn ông kẹ ngoài đời, hà hiếp và bắt trẻ con đi bán bánh cam.

Cả giao thừa cũng không ngoại lệ!

- "Cháu có biết câu nói: Tối như đêm 30 không?"

Bác Tám đã hỏi tôi như vậy. Tôi lắc đầu.

- "Ầy, cái con bé này, sao gì cũng không biết thế hửm? Đêm ba mươi, ừ, tức đêm giao thừa đấy, lúc nào trời cũng đen hù hù, chẳng sáng lên nổi! Cháu nói xem, có đúng không?"

- "Không ạ! Cháu thấy, ba mươi Tết người ta bắn pháo bông sáng rực cả một vùng trời mà!"

Tôi đáp, toe toét cười, hí hửng khoe hiểu biết.

- "Ầy, lại bậy! Đúng là có bắn pháo bông, nhưng đấy chỉ là cái sáng vật chất, sáng nhân tạo thôi! Còn thường, đêm ba mươi, ai cũng thấy trong lòng mình bối rối, nhộn nhạo và đen kịt như hũ nút vậy! Cháu có biết vì sao không?"

Lần này, tôi lạc lắc.

- "Vì người ta tiếc nuối một năm cũ của mình. Dù có vẹn tròn hay không!"

Lúc bác Tám vừa dứt lời, tôi trông thấy một thằng bé gầy nhỏm người, quần áo xộc xệch, tóc xác xơ, cầm khư khư xấp vé số chìa đến trước mặt những người đang say sưa uống rượu. Ở một góc nhỏ gần đó, lại có một đứa trẻ khác mặt mày đen nhẻm, nước mũi nước dãi chảy thò lò, tèm nhem mà không có ai chạy đến lau hộ. Sát bên chiếc xe bán kẹo kéo mở nhạc inh ỏi là hai chị em thằng Đặc, con Na – bạn của tôi; chúng nó đang ngước nhìn những chiếc kẹo đầy thèm khát. Tôi thấy con Na quay sang xoa đầu thằng Đặc.

- "Đặc ăn kẹo hén? Chị mua cho Đặc một cây!"

- "Sao chị Na lại mua cho Đặc?"

- "Vì hôm nay giao thừa mà!"

Con Na cười phớ lớ.

- "Hôm nay cũng giao thừa, sao chị Na hông ăn?"

- "Vì chị hổng thích kẹo kéo! Chỉ có mình Đặc thích thôi, nên chị mua Đặc ăn nghen!"

Tôi biết ngay con Na vừa nói dối. Vì, như bao đứa trẻ khác, tôi đọc được sự thèm muốn trong ánh mắt của nó. Chỉ là, sự thèm muốn ấy mãi mãi không thể khít với túi tiền. Cái khao khát và thực tế là hai con đường song song với nhau, chạy mãi tới tít tắp chân trời, mà có lẽ những cô bé, cậu bé lê lết vỉa hè như chúng tôi chẳng bao giờ hiểu tới.

Bùm! Bùm! Bùm!

Tôi giật bắn người, nhìn lên. Pháo bông. Pháo bông đã nổ kín cả! Những người say rượu, trong phút chốc hình như cũng bừng tỉnh. Họ tỉnh để đón chào năm mới, vì hình như xa xa kia, tiếng chuông nhà thờ vang vọng lại báo hiệu đã hết đêm ba mươi. Vậy là, không chỉ đơn thuần đã hết một ngày. Mà một năm nữa lại đến.

Tự nhiên, khi khổng khi không, tôi lại nhớ đến lời của bác Tám:

- "Vì người ta tiếc nuối một năm cũ của mình. Dù có vẹn tròn hay không!"

Và tự hỏi lòng, với những đứa trẻ chẳng có ngày mai như chúng tôi, liệu trong thời khắc chuyển giao đầy thiêng liêng, kỷ niệm này, có còn chút gì để tiếc nuối?

13.02.2018.

Viết để tạm biệt 2017 của tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro