Về một vĩnh hằng ngủ quên trên mi mắt tuổi trẻ,

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Dani của em có biết không,

về một thứ rất đỗi viển vông mang tên là tuổi trẻ."

Haerin không nhìn tôi. Em đang đặt hồn mình vào bức họa - thứ mà em đã ngốn mất dăm bảy ngày, với nửa lít caffeine và gần hai bao thuốc lá để hoàn thành.

Thỉnh thoảng tôi thấy Haerin bước đi trong những giấc mộng, với cây than chì ngắn cũn dài chín phân trên tay, tóc mai che đi mí mắt mơ màng, còn đôi môi nhỏ nhắn thì mấp máy, thảng thốt lên một điều gì đó mà em vẫn còn đang vướng kẹt trong những giấc chiêm bao mộng mị.

Tôi đoán là khó ai có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của Haerin: bởi em vốn không phải là một nghệ nhân với những nếp nhăn của mười bảy niên sầu muộn. Ở cái tuổi mười bảy, bé con của tôi thật thơ ngây và hồn nhiên hết sức: em yêu những dải ruy băng hồng nhạt và những cánh hoa mềm, những chiếc fustanalle mà ta vẫn thường thấy trong những vở nhạc kịch. Em mê sớt Pride and Prejudice của Jane Austen và những giọt mưa rớt xuống trong những ngày đầu mùa hạ. Đối với tôi, em là một Venus, xinh đẹp và kiều diễm, thanh thuần và thuần khiết, mê mẩn như một đoá lưu ly trong những bức tranh em đã hoạ. Nhưng khác với Venus trần trụi với nỗi khát khao cuồng khấu mãnh liệt mà ta chỉ có thể giải quyết khi tách vỏ thớ cam ngọt ngào và mềm mại, thì Venus của tôi thơ ngây, vụng về còn mơ mộng. Em lớn trước tuổi và buông bỏ tấm váy ren của niềm kiêu hãnh tuổi trẻ trước các bạn đồng trang lứa, rồi bước trên ranh giới giữa mộng mị và đơn côi của thực tế như một lẽ thường tình. 

Tôi yêu cái cách em khắc tôi trên mặt giấy dịu dàng, mềm mại. Hơn ai hết, em hiểu rằng nỗi cuồng si với tuổi trẻ chính là cách lý tưởng và lãng mạn nhất để vẽ một người với tất cả niềm da diết si mê mà không lụi tàn một cách rẻ rúng và sáo rỗng. Vậy nên em khắc hoạ một Danielle trên lớp giấy lưu giữ mãi ở độ tuổi mười tám, nơi mà người ta có thể lưu giữ tuổi trẻ ở những xứ sở kí ức. Để dẫu cho tuổi trẻ có từng trôi qua, thì ít ra ta cũng từng biết ta từng cầu xin một lời thề nguyện cho trẻ mãi. Car l'éternité ne dort jamais sur les paupières de la jeunesse - vĩnh hằng chẳng bao giờ ngủ quên trên mi mắt tuổi trẻ.

Tôi phất tay phủi đi những bụi thuốc trên lớp áo mỏng. Dạo gần đây trời ở Pháp vẫn lạnh. Cái lạnh ngấm vào từng tấc da, từng thớ thịt như muốn đeo bám tôi dai dẳng. Mấy nay người ta vẫn xôn xao về một bé con mười bảy tuổi thấm hơi men thuốc trong bệnh xá - cái nơi mà trắng tinh chẳng một vết vấy bẩn nhơ úa nào của những vết xe đổ theo thời gian - rằng con bé sẽ ắt làm nên một kì tích thật lớn lao và cháy bỏng; rằng những tác phẩm của con bé có thể thổi bùng lên trong lòng một kẻ hành khất đã chết tâm một tình yêu cuộc đời và nghệ thuật. Tôi không tin cái điều đầy lắm, thú thật với bạn. Tôi chẳng biết làm sao mà thứ vẽ vời chết tiệt có thể cứu rỗi tâm hồn và một trái tim đã chết của một kẻ đã mất đi hồn mình, cũng chẳng biết làm sao mà người ta có thể tin rằng nghệ thuật lại có phép màu cho phép loài người có thể cứu một ai khác. Tôi ước loài người có thể thôi cái thói lừa phỉnh, xảo trá để ngừng cho người khác hy vọng, bởi lẽ như vậy sẽ là một ngón trò lừa đảo độc ác. Ừm, độc ác hết sức.

Thôi ít nhất thì những tác phẩm của Haerin cũng đã đủ một phần nào đem về cho tôi một mảnh hồn ngay trước đôi mắt trần tục: trước nhất là "Venus" xinh tươi và tuyệt đẹp với những đoá lưu ly chẳng được phép úa tàn, rồi sau đấy là "rêveur" giữa thực tại cùng những giấc mộng nơi mà con người ở độ tuổi xuân xanh mãi không thể già. Và mới đây, em đã bắt đầu nhuộm đen miếng canvas chưa đến năm eur, đôi mắt sáng lên tựa như có hàng nghìn vì sao ở trong đấy. Khi tôi hỏi, mắt em hướng vào trong không trung một khoảng sâu vô định, và rồi em bâng quơ nói, rằng em đang hoạ nên một bức tranh mang tên "Cuộc đời".

[...]

Đã là ba giờ sáng.

Lần này thì Haerin không còn bước đi trong những giấc mơ, mà dường như có thứ gì đã kéo em trở lại mặt đất khô cằn và tàn khốc. Tiếng chì than cọ trên giấy cùng tiếng ồn ào ở phòng kế bên làm tôi bừng tỉnh, mặc dù tôi vẫn chưa đủ tỉnh táo đến mức để trả lời câu hỏi của Haerin về thứ định nghĩa của "tuổi trẻ".

"Thế nào?

"Trông như mèo hoang ấy."

"Chị không thấy mèo giống em à? Cô đơn, bí ẩn, lạ lùng. Cuộc đời của mèo chắc thú vị lắm, vì chúng đâu có nghĩ gì nhiều đâu. Ước gì mình có thể sống như loài mèo, ta có thể sống vô tư mà không phải lo làm thế nào để trẻ mãi."

"Dở hơi."

Tôi bật dậy, vớ lấy ví tiền trên quyển The Catcher in the Rye. Trong ví có tầm đâu đấy hai mươi eur, nếu tôi không nhầm. Một chai liqueur d'abricot cho một buổi đêm ở với một cô hoạ sĩ gàn dở, muốn sống như loài mèo chắc cũng chẳng hề gì.

"Đừng quên mua một vài bao roulée nhé." Haerin cười khẩy, đôi tay trắng nõn mềm mại vẫn phe phởn trên mặt canvas. Em không thể vẽ mà thiếu một vài điếu thuốc lá, tôi biết thế. Cứ thế, tôi đẩy cửa và gieo mình vào hành lang cô quạnh của bệnh xá, bỏ lại sau lưng tiếng nước chảy của một chiếc vòi nào đó vẫn chưa kịp vặn hết và tiếng cười của những thằng con trai bất cần đời phòng kế bên.

[...]

Tôi tỉnh giấc ở ghế sau xe, trong hơi men của vin cùng với đống đồ mới cuỗm được ở hàng tạp hoá ba xu. Haerin thích thuốc lá nhưng không thích mùi rượu trong xe, em bảo thế.

Dù vậy, tôi vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng nốc vài ngụm rượu mơ được ướp trong hộp ngăn dưới chân ghế. Ấy là cái hộp mà tôi vẫn giấu Haerin mỗi lần xách vali và lên và hò hẹn với đám bạn trong câu lạc bộ quái gở ở trường - cái câu lạc bộ mà đặt chỉ tiêu mỗi ngày đọc hai trăm trang chữ, vì đối với họ việc không chìm đắm vào những miền cực lạc của những con chữ là một "tội ác mà Athena với trí tuệ vô biên không thể tha thứ cho được"  Tôi thì vẫn chưa quen với cái kiểu đấy cho lắm, nhưng kể ra cũng hay, vì khi linh hồn tôi đang chao đảo trong địa hạt của bế tắc và cuồng nộ, thì thứ cứu rỗi tôi chính là những con chữ và câu thơ để tâm hồn tôi phảng phất lên đâu đây một nỗi chiêm nghiệm.

Tôi mê sớt hừng đông của những con chữ. Tôi mê đắm Fitzgerald và nước Mỹ những năm 1920 về một tình yêu kinh điển của Jay Gatsby. Có một dạo tôi đã bắt chước Holden Caulfield, cùng cái thứ văn chương thô kệch của thực tại rồi rong ruổi trên những cung đường của đại lộ Champs-Élysées. Kể ra khoảng thời gian tôi đồng hành cùng những áng văn cũng không tệ cho lắm, hay có thể những câu từ ấy đã làm được một một chuyện mà tôi đã không dám thừa nhận, ấy chính là cứu rỗi tâm hồn tôi trước khi tôi đáp xuống địa đàng trần gian, để đau thương và buồn tủi gặm nhấm rồi với thành trăm nghìn mảnh nhỏ. Tôi nghĩ là trong cuộc đời dù ít hay nhiều thì chữ nghĩa vẫn cứu lấy trái tim ta, dù cho ta có là Jean de La Fontaine hay là Voltaire trong trào lưu văn học cách mạng.

Có thể văn học và chữ nghĩa cũng đã cứu rỗi trái tim tôi, như cách mà Haerin đã gặp được những mảng màu sắc và trào phái ấn tượng vào những năm giữa cuộc đời. Ngay từ lần đầu tiên chúng tôi gặp gỡ, em đã thích thú với xứ lãng du của những mộng mơ bay bổng, và một tuổi trẻ dài đằng đẵng trong vĩnh hằng.

Avant ma mort, au moins l'art m'est venu. Thôi thì tuổi trẻ không cho ai tất cả.

Tôi liền mở cửa xe. Buổi đêm của Paris lạnh se thấm vào từng hơi thở, cả mặt đá xám dưới chân lạnh ngắt. Phải để mùi rượu bay đi trước khi Haerin biết. Nghĩ ngợi một đoạn, tôi xé bao thuốc lá. Mặt trước của bao có hình ảnh của một lá phổi đã úa tàn, kèm theo dòng chữ: "Fumer endommage les poumons", quả là một sự mỉa mai. Hai giây sau, điếu thuốc đã nằm gọn trong miệng.

Hút một điếu cũng chẳng chết ai.

Chắc thế.

[...]

Tôi nhớ ngày trở về Provins, tháng hai áp má tôi mơ màng.

Nước Pháp xinh đẹp vào tháng hai có màu áo e ấp nắng nhạt, màu liễu xanh phủ khắp đất Pháp khiến cho quốc tổ thân quen của tôi bỗng chốc trở thành một chốn cổ tích lạ lẫm vô cùng. Pháp tháng hai như một cô gái mới yêu lần đầu, trong khi những bà bán hoa vẫn thích bàn tán chuyện đời với nhau bằng cái giọng rất ư khó nghe, còn các quý bà vẫn xinh đẹp và kiều diễm ngân nga Une Larme D'Amour.

Anh trai tôi vừa cập bến tuổi hai mươi lăm vào tháng một năm ấy. Anh cao năm thước rưỡi, làn da màu mật ong, đôi môi căng mọng khá quyến rũ với các cô gái và mái tóc rẽ ngang phủ che đôi mắt nai màu nâu. Cha mẹ tôi từng nói rằng đôi mắt là tài sản và là thứ kho báu quý giá nhất mà anh có được, trong khi thứ mà tôi kính trọng và nể phục ở anh nhất chính là sự khôn ngoan - kết quả cho nền giáo dục được gia truyền từ đời này đến đời khác. Khác với tôi, một thiếu nữ đôi mươi với cái tâm hồn mộng mơ và bay bổng trên chín tầng mây, thì anh tôi xử lí mọi thứ bằng tư duy logic và những kiến thức anh học được ở trường.

Tôi năm ấy mười lăm tuổi, đường đời dài hao hao bằng Haerin bây giờ. Người ta vẫn thường khen tôi đáng yêu, ngọt ngào và xinh đẹp: với đôi mắt nai to tròn như anh trai, sống mũi cao thẳng, làn da trắng và đôi môi nhỏ xinh đỏ mọng như búp bê. Và tôi cũng thường bị nói là già trước tuổi. Tôi thường thích nói về quãng đời mà mình đã đi như một chiến tích, một thành tựu mà tôi đã đạt được trong một cuộc thi nào đó bằng cái giọng điệu rất ư tự hào, bởi lẽ giá trị của một con người được đong đếm bằng những trải nghiệm mà họ đã trải qua trên con đường đời. Song, dù đã bước qua chặng thứ mười bảy, tôi vẫn thơ ngây và hồn nhiên, mơ mộng và trẻ con hết đỗi. Người ta thường ví tôi như một "La petite dame est souvent irritable" - một tiểu thư trong nền gia giáo vô cùng nghiêm khắc mà có bộ mặt "làm tịch" cáu kỉnh. Ở độ tuổi ấy, tôi tỏ ra mình đã đủ trưởng thành. Tôi tự cho mình cái quyền được đưa ra những quyết định trong đời mình, tôi tự cho bản thân mình cái quyền được bỏ đi đôi với một thước với những phần nơ ren cọ vào làn da vốn đã làm tôi khó chịu - một hành động biểu trưng cho sự bác bỏ đi những định kiến và rào cản của xã hội. Tôi học uống vài chai vin và tập hút một vài điếu roulée, rồi để ho sặc sụa trước giác vị đắng họng của điếu xì gà. Một hình phạt cho một người dám phá luật như tôi, hẳn rồi. Hiển nhiên, hai vị phụ huynh chẳng hài lòng gì mấy về sự thay đổi ở độ tuổi mới lớn này.

Tuy nhiên tôi không thể viết tiếp mà không nhắc đến cha mẹ tôi, người mà ở trên mảnh đất pháp đầy những luật lệ và định kiến thì là những người xứng đáng được tôn vinh nhất trong cuộc đời. Cha tôi, là một thương gia "chuẩn". Tóc của ông đã bạc nhiều trên đỉnh đầu, và thứ mà tôi thấy duy nhất ở ông là hình ảnh ông mặc bộ com-lê vào mỗi sáng chủ nhật lúc năm giờ sáng, và rời đi lúc mặt trời còn chưa thức dậy. Ông về nhà duy nhất vào mỗi buổi tối thứ bảy lúc trời đổ chạng vạng, chỉ kịp đưa cho mẹ một hộp sô-cô-la Bỉ mà ông mang về từ thương vụ nào đó, tặng cho mẹ vài chiếc hôn rồi lại rời đi vào ngày sau đó. Tuy nhiên ông vẫn phải dám chắc là hai anh em tôi được hưởng nền giáo dục đầy đủ. Bằng chứng là mỗi chạng vạng vào thứ bảy, ông sẽ vừa cắt lát miếng bít tết, vừa hỏi chúng tôi về Honoré de Balzac và Molière. Thi thoảng ông sẽ ném cho chúng tôi tờ báo với tiêu đề giật tít về một đề mục nào đó liên quan tới sự phát triển kinh tế của nước Mỹ, và chúng tôi, trong mác là những đứa con mẫu mực, luôn nghe theo những gì ông dặn và chỉ bảo. Không thắc mắc, không phản đối, không nghi ngờ.

Suốt sau này khi bước tiếp những chặng tiếp theo trên đường đời, một nửa tâm trí tôi vẫn luôn sợ hãi trước cái uy và quyền lực của cha tôi, và cũng luôn oán trách vì ông không dành đủ sự quan tâm ở nhà. Một nửa còn lại, tôi thầm biết ơn biết ơn vì những kiến thức và hiểu biết - những thứ mà giúp tôi rất nhiều khi sau này phải sống và tự bươn chải khi phải giáp mặt với thiên hạ. Tôi sẽ kể cho bạn về những ngày "trở thành một kẻ đói khát thiếu tiền" sau - ngay dưới đây thôi. Nhưng trước hết, tôi nghĩ tôi vẫn cần phải cảm ơn cha tôi. Có lẽ, dù không thể cho đủ sự quan tâm như chúng tôi cần, nhưng món quà quý giá nhất mà ông để lại là những kiến thức mà chắc chắn là những đứa trẻ sẽ cần để tồn tại.

Tôi có thể sẽ tự hào không ngoa khi nói rằng mẹ tôi chính là một mảnh ghép phù hợp cho cha tôi: bà thông minh và kiên định, bà độc lập và có chính kiến của riêng mình, bà có những lý tưởng và mục đích cao cả. Và bà cũng đẹp, cả đời này tôi chưa từng thấy ai không khen bà đẹp. Mái tóc của bà đã ngả màu hoa râm từ sớm, mắt nai màu nâu luôn biết cười, sống mũi cao thẳng và cặp môi hình trái tim - một tạo vật trông giống như được đúc khuôn từ một bức tượng. Bà có vài nếp nhăn của thời gian trên gò trán, nhưng những thứ đó vẫn chẳng thể nào lấn át đi vẻ đẹp của bà một chút nào. Có lẽ vẻ đẹp của tôi và anh tôi là được di truyền từ mẹ.

Phải nói rằng mẹ tôi là một người phụ nữ mẫu mực. Bà luôn hy sinh thời gian của bà để củng cố tri thức cho hai anh em tôi trong những khoảng thời gian thiếu vắng cha ở nhà. Bà dạy chúng tôi tiếng Đức và tiếng Anh, dạy từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất từ cách dùng dao nĩa cho tới cách cầm tách trà. Bà dạy chúng tôi làm sao để mấp máy đôi môi nhỏ xinh đúng cách để chúng tôi trông đúng chuẩn những "mesdames et messieurs bien éduqués" - những đứa trẻ "bộ tịch"  và có giáo dục. Những lần đưa hồn chữ vào trong những đứa trẻ, tôi ít khi thấy bà cười.

Gia đình của tôi là vốn đầy chuẩn mực và khắt khe như vậy đấy, và hiển nhiên cách cha mẹ uốn nắn chúng tôi bước đi trên con đường tương lai cũng thể hiện cách mà họ cố gò ép vào khuôn mẫu tiêu chuẩn. Cha mẹ kì vọng một tương lai ở ​​​​Université Paris Cité, với chúng tôi trong lớp áo trắng của ngành y, không hơn không kém. Ở đây sẽ chẳng có sự phản đối nào cả, vì tôi biết rõ, cứ nhắc đến những bước chân trên con đường tương lai khó đoán và mờ mịt, là những đấng sinh thành sẽ cương quyết lắm.

Trong suốt những năm ấy, khi mà chẳng có một niềm vui nào quanh quẩn, có lẽ những phiến văn chương chính là những thứ đã cứu rỗi tôi. Như tôi đã kể về cái cách mê Jay Gatsby và Holden Caulfield như thế nào, thì những chân trời mới mở ra trên những trang giấy đã làm tôi mê mẩn và choáng ngợp. Trái ngược với những định kiến và rào cản mà gia đình và xã hội đã dựng ra, thì tôi như tìm được một mảnh hồn mình đã mất trong những con chữ mẩn mê trong trẻo. Oh littérature merveilleusement passionnée - ôi thứ văn chương thuốc phiện, say mê và tuyệt vời!

Tuy nhiên, anh trai đã có một nước đi mà tôi không ngờ đến. Năm 1980, ở tuổi hai mươi sáu, anh rũ bỏ đi cái trách nhiệm trở thành một đứa con ngoan và "chuẩn chỉnh". Rạng sáng tôi thấy một tiếng động rung chuyển trời đất ở dưới tầng, và sau đó anh tôi cùng chiếc áo măng tô màu nâu biến mất ngay sau ngưỡng cửa. Từ đó tôi chẳng nghe được điều gì về anh nữa. Cha mẹ tôi nói về "thằng con trai ấu trĩ ngu ngốc chỉ biết chạy theo ái tình" bằng một cái giọng như thể nói về một thứ gì đó kinh khủng lắm. Ôi thật là đường cùng, thật là hết cứu! Điều duy nhất mà họ luôn phải làm ở mỗi bữa ăn là nhấn nhá về sự xuẩn ngốc như thế nào của anh, và họ nhắc đi nhắc lại về niềm vinh hạnh như thế nào khi được trở thành một đứa con trong gia đình uy danh, được bước đi trên con đường tương lai mà họ đã định.

Tôi chẳng biết sau đó anh trai tôi đã sống và vật lộn như thế nào. Tôi chỉ biết là từ đó tôi không còn được mơ mộng một lần nào nữa. Cha mẹ tôi vứt đi những Fitzgerald và những  J. D. Salinger, vì họ sợ tôi sẽ lớn lên thành anh, thiếu thực tế và mất đi sự quyết đoán. Và cứ thế, tôi đã mất đi một nửa hồn mình. Tôi đã mất đi những chân trời mới, mất đi thứ chữ nghĩa đã ngày nào cứu rỗi tôi trong tuổi thơ bị rào bởi dinh thự.

Ôi anh trai thân yêu mà tôi vẫn kính nể hết mức, phải chăng anh biết cuộc đời tôi bây giờ đã trở thành điều gì! Ma vie, qui était déjà solitaire, est maintenant tombée encore plus dans l'abîme - cuộc đời tôi vốn đã cô đơn nay lại càng rơi vào hố sâu vực thẳm.

[...]

Tôi tìm thấy bản thân mình gục xuống ở một góc của nhà thờ muôn thuở. Ấy là tháng tám năm 1982, tôi lên mười tám.

Tôi chẳng hay đến nhà thờ lắm. Với tôi, nhà thờ là một chốn sáo rỗng với những đạo lí xa hoa quá mức mà tôi đoán là mình sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi, và cũng là nơi mà những tên "đạo đức giả" hay tìm tới mỗi khi cuộc đời đến bước đường cùng. Tôi cố gắng lắm, nhưng chẳng tài nào mê nổi những kẻ ngoan đạo ấy cho được.

Nhưng ngày hôm nay, khi ranh giới của sự bế tắc và tuyệt vọng đang nứt ra và tôi đang chơi vơi ở tuổi mười tám, khi tôi mất đi thứ đã cứu rỗi trái tim mình, thì nhà thờ bỗng trở thành một chốn vớt tâm hồn linh thiêng đến lạ.

Tôi gửi cho nhà thờ hôm ấy một phần hồn đã rạn nứt. Ánh đèn vàng rực rỡ của nhà thờ khiến một phần nào đó trong tôi nhận ra cô liêu và quạnh quẽ vẫn luôn náu trong hồn mình. Tôi tựa vào một góc bên ngoài, nơi mà có thể lẩn tránh thứ ánh sáng rất đỗi ấm áp và ngọt ngào mà không dành cho một kẻ ngoại đạo với trái tim đã bị nhuốm màu cô đơn tự bao giờ. Và rồi tôi ngân nga một khúc du ca đã xưa cũ thời còn non trẻ. Một sự tồn tại đã nhận ra tôi từ phía bên kia đường. Sự tồn tại ấy tiến đến gần và nhìn tôi với đôi mắt thương hại. Ngẩng đầu lên, tôi nhìn thấy một đôi giày da đã cũ đã đứng phía đối diện mình, và rồi, tôi thấy mình đang ngẩn ngơ trước ánh mắt, khuôn môi ấy.

Là Venus của tôi, xinh đẹp và kiều diễm đến nhường nào.

Ấy là lần đầu tiên tôi gặp cô người tình bé nhỏ. Haerin của tôi, trong trẻo và thanh thuần. Em có mái tóc đen tuyền, làn da trắng sứ như thể đang phát sáng. Sống mũi em thanh và cao, đôi môi đỏ mọng chúm chím mím lại dưới cặp má hồng phúng phính. Haerin trông thật xinh đẹp và em là một tiểu nữ thần lí tưởng cho trái tim đã chai sạn của tôi lúc bấy giờ. Và ánh mắt của em, vẫn ám ảnh tôi cho đến thời điểm hiện tại. Đôi đồng tử đen láy, to tròn như búp bê Pháp xoáy sâu vào thâm tâm như muốn nhìn thấy tất cả những xúc cảm cuộc đời. Và tôi chỉ đứng đó, sững sờ nhìn em, bởi hỡi thần Eros của tình yêu, tôi nghĩ rằng mình đã rơi vào lưới tình! Venus của tôi, em xinh đẹp quá thể.

Chúng tôi nhìn nhau một hồi lâu, không ai nói một điều gì. Có lẽ sự im lặng đã và đang là một cái gì đó hoà váng vào bầu không khí trong không trung. Và rồi, như một cách để phá vỡ khoảng lặng, Haerin lên tiếng, cái giọng cợt nhả hết sức:

"Chị có đi cùng em không? Đi làm điều gì đó khốn nạn ấy."

Haerin nhếch mép cười, ngỏ lời dắt tôi đến địa đàng cứu rỗi. Khi thấy ánh sáng của sự tự do đã tràn trên khoé mắt, tôi đã không thể ngăn mình mỉm cười.

"Đi."

[...]

Và thế là, ở ngưỡng cửa thứ mười tám, tôi đi theo bước chân của anh trai mình, bỏ đến Paris xứ người và chạy trốn khỏi thực tại. Một hai câu chữ và bỏ theo một tiểu nữ thần xa lạ, hẳn người ta sẽ nghĩ tôi thật điên rồ. Nhưng tôi mặc kệ. Đây là cách mà cuộc đời tôi vận hành đến bây giờ, vì tôi luôn để quả tim đi trước cái đầu dù tôi biết đôi khi những quyết định của mình có thể hết sức ngu xuẩn.

Nhưng đêm đó, việc bỏ đi cùng với Haerin có lẽ không phải là một quyết định sai trái gì cho cam.

Chúng tôi ngủ trên những bệ thang lát gạch dài vào ban đêm, sẻ cho nhau một vào tấm áo nhặt về từ một cửa hiệu với những chiếc khăn và áo lụa đã cũ mèm để trao nhau được một xíu hơi ấm chút đỉnh. Khá khẩm một chút thì có vài mẩu baguette thừa do bà chủ quán trọ trên đại lộ cho vì bà thương hai đứa to xác phải nằm trên bậc thềm lạnh, còn những hôm chẳng có gì thì chỉ có chút cháo lạnh mà Haerin vớ được từ quán cháo từ thiện kế bên đường. Paris xa hoa của chúng tôi, cho dù là giữa đêm hè hay đông phủ trên những con phố thì tiết trời vẫn se lạnh vào ban đêm như một lời nguyền; và ta hãy cứ đi thôi, dù ta khất tiền và những đồng bạc mãi mà chả nhét đủ vào túi quần, thì tôi và em chắc cũng chưa - hoặc là không bao giờ khất tình. Tay trong tay, ta cùng nhau đi qua những con hẻm trên những cao lộ và vui vẻ nhảy nhót ở một góc khuất bên đường. Tôi chẳng biết là chúng ta đã khất tiền bao lâu, tôi chỉ biết khi mình ở cạnh cô người tình thì cho dù có là hiện thực tàn khốc cũng sẽ khoá thành mộng mị và tro tàn.

Suốt những năm tháng ấy, Haerin luôn xách theo trên tay một cuốn sổ. Ba trăm trang, nếu tôi đếm không nhầm, với những bức vẽ than chì và chưa đến một trăm bức màu đi theo lối trào lưu ấn tượng mà điển hình là Claude Monet. Em vẽ vào những hôm xế chiều và những lúc trời bắt đầu đổ màu bình minh, và bên cạnh em chẳng thể nào thiếu được vài bao thuốc lá. Những khi ấy nắng sẽ phủ lên mắt em và đôi má hồng của một thiếu nữ chưa vẹn tròn tuổi mười sáu, biến màu mắt đen thành một màu nâu của những đám mây chạng vạng. Tôi đâm ra thích cái màu mắt và cái dáng vẻ của em lúc đấy. Trông em giống như một hoạ sĩ với tay nghề điêu luyện thứ thiệt.

Sau này tôi mới biết được, rằng cô người tình của tôi cũng là một tay hoạ sĩ có ngón nghề ra trò phết. Ở trên đường Rue de Rivoli cách Museé du Louvre ba dãy nhà, người ta thường biết đến một phòng tranh lớn nơi tụ họp những triển lãm của một vài hoạ sĩ trứ danh. Một ngày tháng mười năm ấy, khi tôi hỏi em thơ rằng em lấy đâu ra số tiền để mua cho tôi một dải ruy băng cài tóc mười eur và đãi cả hai một chầu sốt vang thịnh soạn, thì em bảo nhẹ tênh rằng đấy là tiền em nhận được từ buổi triển lãm trước ấy. Và khi tôi đứng trước mạn đường bên phải, cầm cuốn sổ phác hoạ đã theo em từ bấy lâu nay, tôi mới biết về người nghệ nhân có cái tên là Jeunesse; và triển lãm của cô tên là "Tuổi Trẻ".

[...]

Đầu tháng mười một, lúc chúng tôi rơi vào lưới tình được ba tháng, Haerin ngồi xuống và kể cho tôi về câu chuyện đời em. 

Em vén áo sơ mi đã nhuốm những gam màu lên khuỷu tay, và trước mặt tôi là cả một bầu trời đổ vỡ với những vết thương chằng chịt đớn đau. Tôi chẳng thể nói gì với em, bởi vì tôi chưa bao giờ và cũng không biết cách xoa dịu một người có những mảnh vỡ từ quá khứ. Trước mặt tôi lúc ấy, là một biển lặng của ngôn từ.

Em nói với tôi rằng, ngoài những vết thương này ra, thì em chẳng có mấy kí ức. Thật đáng tiếc làm sao khi những kí ức về một tuổi xuân lại chẳng còn gì ngoài những thứ chẳng đẹp đẽ chút nào. Và cuộc đời để cho mười sáu niên của em là một cuộc hành trình truy cầu tuổi trẻ. Em nói, ngoài những bức vẽ này ra, thì chẳng còn gì tồn đọng lại trong ký ức em kể cả những mảnh ký ức. Mỗi mùa sinh nhật đến, là em lại ước có một bà tiên, xuống tặng em thứ nước xuân mà cho em lại những ngụm tuổi trẻ.

Hiển nhiên là cuộc đời chẳng cho em giọt tuổi trẻ nào hết. Những thước đau khổ lại ngày càng dài hơn trong tâm trí em. Và đấy là khởi đầu cho một khối u não.

Quả là một cái kết đẹp cho một cuộc đời sầu thương và bi thảm. Haerin nói thế ngày em biết tin.

[...]

Tôi chưa thú thật với Haerin rằng em là nàng thơ của tôi, và rằng tôi viết cho em cả tá phiến văn chương cho dù những con chữ của một kẻ hèn cũng đang dần mai một. Rằng em là Venus, là nguồn cảm hứng bất tận cho một tay viết có trái tim đã khô cằn. Nhưng Haerin hỡi, cho dù cây hoa trái sắc trong lòng tôi có cằn cỗi, thì để viết về cuộc đời của một nghệ nhân xinh đẹp, cho em bao nhiêu bài thơ kẻ hèn này cũng làm.

Cũng như tôi, Haerin coi người tình của em là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật. Tôi không nhận ra điều ấy qua những lần em khen tôi xinh, em khen ngớt không ngừng. Một ngày mưa khi chúng tôi đang đứng trú dưới mái vòm một toà nhà ở phố Mouffetard, em khắc hoạ tôi trên mặt giấy bằng than chì, và em ngỏ ý muốn khắc hình ảnh của tôi ở tuổi mười tám trên những lớp giấy sờn. "Vì Danielle, chị trong trẻo như tuổi trẻ trong ngày nắng hạ". Em tặng tôi một chiếc hôn lên má, một phần "hối lộ" để treo tôi lên trong những bức hoạ.

Haerin có buổi triển lãm cuối cùng trước khi em vào bệnh xá. Lần này thì em bỏ hết đi những bức tranh bằng than chì, vì theo em một màu xám của tro không thể khắc ghi lại hết vẻ đẹp của tuổi trẻ. Và ở thánh đường nghệ thuật mà em đặt tên là "Une gorgée de jeunesse", em treo lên những khung tranh hình ảnh tôi cười được hoạ lên bằng những gam màu chồng lên nhau - thứ mà Claude Monet lừng danh cũng đã làm. Ở thánh đường đó, người ta gọi tôi là "Fée de la jeunesse".

Trong vài tuần sau khi buổi triển lãm diễn ra, giới hội hoạ đã xôn xao không ngớt. Ở trên những cửa hiệu đường Rivoli mà chúng tôi đã đi qua, những bà bán bánh mì cũng đã bắt đầu bàn tán. Các bà nói rằng có một con bé mười sáu tuổi tài hoa lắm: dù nó nghiện thuốc lá và ngủ dưới cầu, thì con bé đã có những tác phẩm để đời làm báo chí xôn xao, và những tác phẩm ấy đã cứu rỗi tâm hồn đã héo úa của nhiều đứa mất niềm tin vào cuộc sống. Ôi miệng lưỡi của thế gian thiên hạ, có bao giờ là đủ đâu!

"Une gorgée de jeunesse" là thánh đường cuối cùng mà Haerin tạo ra. Sau khi em dành đủ tiền để có một cái giường đơn ở bệnh xá, tôi không còn thấy hai điều: một là Haerin mặc bất cứ cái gì trừ màu trắng, hai là những bức tranh của em với gam màu tuổi trẻ.

[...]

Tỉnh lại từ men say của năm chai liqueur d'abricot, tôi nhận ra mình suýt đâm phải vào một cây cột điện. Trời lúc này đã tờ mờ sáng. Tôi nhớ Haerin từng nói với tôi rằng, men rượu có thể đưa con người ta về lại những hồi tưởng của quá khứ. Tôi vừa từ đại lộ Champs-Élysées đi lên quá phố Mouffetard một tẹo, nên xem ra em nói đúng thật. Đêm nay tôi đã đánh mất bản thân mình tự lúc nào không hay.

Ôi Haerin, lí tưởng cao cả của tôi, hiện thân của sắc đẹp. Em là mối tình sâu đậm của đời tôi. Em là nàng thơ nơi mà tất cả những con chữ của tôi đều dồn về cho nàng. Và đêm nay ở trên phố Mouffetard, tôi nhớ em điên cuồng.

Tôi lấy hết sức kéo vô lăng, gạt hơi ga lên mức cao nhất rồi phóng như điên về bệnh xá, nơi mà tôi có thể gặp em dẫu mình mẩy đầy hơi men rượu. Có lẽ Haerin vẫn còn thèm vị của một vài điếu thuốc lá. Tôi chợt thấy một con diều hâu bay trên nóc nhà. Trái tim trong lồng ngực nhức lên như thể có điềm chẳng lành.

Bệnh xá lúc năm giờ sáng đông đúc một cách lạ thường. Tôi không còn nghe thấy tiếng vòi nước chảy và tiếng cười của những con trai của phòng kế bên cạnh. Có tiếng những người phụ nữ xôn xao trước cửa phòng. Tôi đảo mắt quanh phòng như một thú vui tiêu khiển, vì vốn chuyến xì xào này có lẽ chẳng liên quan gì đến tôi hay những thớ văn mà tôi đang ghi trong đầu để tặng cô người tình. Bỗng, một thứ đã va vào con mắt đang thẫn thờ.

Và rồi tôi nhìn thấy em,

lạnh ngắt.

Với bức vẽ mèo hoang màu than mà em gọi là "Cuộc đời".

[...]

Trong tôi dường như đã có một thứ gì đấy vụn vỡ.

Điều duy nhất mà tôi đòi hỏi ở em là em hãy cho tôi một dấu hiệu, nhưng em đã chẳng làm được.

Người ta chẳng dám nói gì với tôi sau đêm đó. Hiển nhiên rồi, một phản ứng rất bình thường khi thấy ai đó vừa mất đi một sự tồn tại thân quen. Cô y tá chỉ im lặng đưa cho tôi một bộ quần áo - bộ váy trắng mà em đã mặc vào đêm em ra đi, một bức tranh vẽ tôi bằng than chì mà tôi chưa có dịp được chứng kiến từ bao giờ, và một bức thư nhỏ nhắn gọn nhẹ - được viết bằng nét chữ nắn nót của cô người tình bé nhỏ:

"Dani thương,

Có lẽ khi chị đang đọc bức thư này, thì em đã rơi vào vòng tay của xứ khải hoàn mộng mị, hay cuộc đời em đã kết thúc bằng một màu than chì. Thôi chị đừng lo nhé, vì cho dù em có bước qua cánh cửa kết thúc sự sống, thì em cũng sẽ đem theo tình yêu của chúng ta qua những kiếp người còn lại. Nếu chị có giận, cho em xin lỗi nhiều vì đã giấu nhẹm sự ra đi của em trong những đêm cuối đời.

Em mừng vì em đã trải qua tuổi mười bảy cùng với người mà em thương nhất. Thực ra em không nghĩ đêm ở nhà thờ Dani sẽ chạy theo một đứa ất ơ như em, cái đứa mà sau này sẽ chết tức tưởi trên những khung tranh và phiền muộn. Nhưng chị đã chạy theo nhỉ, một kẻ xa lạ rủ chị đi chuyến viễn du rất ư gàn dở và vặt vãnh. Em thích điều đó đấy, sự điên rồ của Mo Dani.

Hãy hứa với em là Dani sẽ luôn sống với những con chữ nhé, bởi em biết chị yêu Fitzgerald với J.D.Salinger đến nhường nào. Và xin hãy quên một con bé bị cuồng với khái niệm của tuổi trẻ. Dẫu sao hãy đừng quên là chị vẫn còn đang bước đi trên đường đời. Tuổi xuân của em dẫu có chưa hoàn chỉnh, và cũng không có bà tiên nào đến cho em nước xuân, nhưng Dani đã cho em được thứ mà em cần nhất: Une gorgée de jeunesse - một ngụm tuổi trẻ tươi mát, ngọt ngào và hoàn thiện.

Em có để lại một bức vẽ bản thảo Dani đính kèm, một thứ mà em vẫn chưa cho ai xem bao giờ. Dani hãy giữ cẩn thận nhé. Vì suy cho cùng, một trong những thứ cuối cùng em vẽ chỉ có: tuổi trẻ, Dani, và mèo. Và Danielle Marsh của em, vẫn trong trẻo và xinh đẹp hệt như những giọt xương mùa hạ.

Thương Dani nhiều, cho em xin lỗi vì chưa sắp xếp những con chữ.

Và nhớ quay lại Provins của chúng ta nhé. Hẳn cha mẹ của Dani đã nhớ chị nhiều.

Kí bút,
Là Jeunesse của bao người, và là mèo đen của chị."

[...]

Gió thổi trên đồi Aimée trước nhà thờ cổ. Theo di nguyện của Haerin thương, tôi trở lại về Provins với những kí ức của thời xưa cũ. Đứng từ trên này nhìn xuống, tôi thấy một màu xanh rờn phủ vùng ngoại ô quê hương tôi. Provins trong tâm tưởng vẫn đẹp như ngày nào.

Tôi đang nghĩ đến việc có nên "lỡ chân" trượt từ đỉnh đồi hay không, và để cho cuộc đời trước thềm hai mươi của tôi đi đến hồi kết. Cứ "sảy chân" một cái, là ta sẽ có một đám tang ở ngay trước nhà thờ này, vừa lòng lắm! Dẫu sao, thì sống mới khó, chứ ra đi thì ai mà chẳng làm được?

Đùa đấy.

Nếu tôi ra đi, thì tôi không nghĩ bất cứ ai có thể sống thay phần đời cho Venus của tôi nữa.

Một chạng vạng nào đó ở bệnh xá trong những đêm cuối đời, Haerin từng nói với tôi rằng "vĩnh hằng sẽ chẳng ngủ quên trên mí mắt tuổi trẻ". Tôi đoán rằng đấy là điều duy nhất mà em đã sai, bởi vĩnh hằng đã ngủ quên trên mi mắt em, khiến em vĩnh viễn ở độ tuổi mười bảy đẹp nhất cuộc đời.

Tôi thở phào. Tôi sẽ mãi đau buồn về cái chết của nàng thơ, và tôi sẽ cất gọn cái đau buồn khắc khoải ý vào một góc nào đó trong số những mảnh kí ức quan trọng nhất cuộc đời, để thỉnh thoảng đem ra nhớ lại rồi hoài niệm. Có lẽ tôi sẽ dành tặng cho cha mẹ một chuyến ghé thăm. Không phải để khoác lên tấm áo trắng mà họ vẫn mong muốn tôi trở thành, mà để thông báo rằng tôi sẽ viết và viết mãi những ca từ lời thơ ý nhạc, họ sẽ chẳng thể cản tôi về điều ấy.

Và ở một góc cửa sổ trong lữ quán nọ, tôi có đặt một tập bản thảo dày cộm lên trên một bức chân dung của nàng tiên tuổi trẻ, viết về một con bé dở hơi say rượu lượn vài vòng quanh Paris, và về câu chuyện hồi tưởng của con bé ấy với cô người yêu - một hoạ sĩ mê vẽ về tuổi thanh xuân. Tôi sẽ sẽ gửi cái bản thảo về cái đêm chiêm nghiệm ấy cho toà soạn, và biết đâu được, rằng sau này nó sẽ trở thành một giai thoại mà người trẻ sẽ kề tai nhau mãi trong những lần ái tình mặn nồng.

Tôi đang nghĩ đến việc đặt cho cuốn sách một cái tên - thứ duy nhất mà nàng thơ đã để lại cho tôi sau khi từ giã cõi đời: "Une gorgée de jeunesse" - "Một ngụm tuổi trẻ".

fin.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro