3 CH Hang hoa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một số câu hỏi môn Kinh tế chính trị Câu 1: Giải thích về điều kiện ra đời, sự tồn tại, đặc trưng và ưu thế của sản xuất hàng hoá.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc trả lời:

* Điều kiện ra đời, tồn tại của kinh tế hàng hoá

Sản xuất hàng hoá ra đời, tồn tại dựa trên hai điều kiện:

- Phân công lao động xã hội: là sự phân chia lao động xã hội ra các ngành, các lĩnh vực sản xuất khác nhau, tạo nên sự chuyên môn hóa sản xuất thành những ngành nghề khác nhau. Do có phân công lao động xã hội, mỗi ngành chỉ sản xuất ra một vài thứ sản phẩm. Song nhu cầu tiêu dùng của xã hội lại bao hàm nhiều thứ khác nhau làm cho việc trao đổi sản phẩm trở thành tất yếu.

- Có sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế giữa những người sản xuất, sự tách biệt này do các quan hệ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất quy định. Trong lịch sử, tính tách biệt này do chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất chi phối. Sau đó, trong điều kiện của sản xuất lớn với sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng, thì sự tách biệt kinh tế giữa những người sản xuất, giữa các doanh nghiệp thuộc cùng chế độ sở hữu có tính tự chủ kinh doanh qui định. Điều này làm cho chủ thể sản xuất có sự độc lập nhất định, sản phẩm làm ra thuộc quyền chi phối của họ, người này muốn dùng sản phẩm lao động của người khác phải thông qua trao đổi mua bán hàng hoá.

* Đặc trưng và ưu thế của sản xuất hàng hoá

- Về đặc trưng của sản xuất hàng hóa. Sản xuất hàng hoá có hai đặc trưng sau:

+ Sản xuất hàng hóa là sản xuất để trao đổi mua bán. Trong lịch sử loài người tồn tại hai kiểu tổ chức kinh tế khác nhau là sản xuất tự cung, tự cấp và sản xuất hàng hóa. Sản xuất tự cung, tự cấp là kiểu tổ chức kinh tế trong đó sản phẩm được sản xuất ra nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của chính bản thân người sản xuất. Sản xuất hàng hóa là kiểu tổ chức kinh tế trong đó sản phẩm được sản xuất ra nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người khác, thông qua việc trao đổi, mua bán.

+ Lao động của người sản xuất hàng hóa vừa mang tính chất tư nhân vừa mang tính chất xã hội. Lao động của người sản xuất hàng hóa mang tính chất xã hội vì sản phẩm làm ra để cho xã hội. Nhưng với sự tách biệt tương đối về kinh tế, thì lao động của người sản xuất hàng hóa đồng thời lại mang tính chất tư nhân.Tính chất tư nhân có thể phù hợp hoặc không phù hợp với tính chất xã hội. Đó là mâu thuẫn cơ bản của sản xuất hàng hóa.

- Về ưu thế của sản xuất hàng hóa. Sản xuất hàng hoá có những ưu thế sau:

+ Thúc đẩy sự phát triển của phân công lao động xã hội, làm cho chuyên môn hóa ngày càng tăng, mối liên hệ giữa các ngành, các vùng ngày càng mở rộng và sâu sắc. Từ đó, nó phá vỡ tính tự túc, tự cấp, bảo thủ, trì trệ, lạc hậu của mỗi ngành, mỗi địa phương làm cho năng suất lao động xã hội tăng lên nhanh chóng, nhu cầu của xã hội đáp ứng đầy đủ hơn.

+ Quy mô sản xuất được mở rộng dựa trên nhu cầu và nguồn lực của xã hội, điều đó tạo điều kiện cho việc ứng dụng thành tựu khoa học của sản xuất.

+ Dưới tác động của các quy luật kinh tế của sản xuất hàng hoá như: quy luật giá trị, cạnh tranh cung cầu buộc người sản xuất năng động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

+ Sự mở rộng và giao lưu kinh tế làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, sản xuất hàng hóa cũng có những mặt trái của nó như phân hóa giàu nghèo, tiềm ẩn những khả năng khủng hoảng, phá hoại môi trường sinh thái...

Câu 2: Giải thích rõ hơn khái niệm hai thuộc tính của hàng hoá. Vì sao hàng hoá có hai thuộc tính đó?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc trả lời:

* Phân tích hai thuộc tính của hàng hoá:

Hàng hóa là sản phẩm của lao động có thể đáp ứng một nhu cầu nào đó của con người và đi vào tiêu dùng thông qua trao đổi mua bán.

Hàng hóa có hai thuộc tính: giá trị sử dụng và giá trị.

- Giá trị sử dụng: Là công dụng của vật phẩm có thể đáp ứng nhu cầu nào đó của con người. Giá trị sử dụng của hàng hoá do thuộc tính tự nhiên của vật quy định không phụ thuộc vào hình thái xã hội mà nó tồn tại. Giá trị sử dụng của hàng hoá có đặc điểm là giá trị sử dụng cho người khác, cho xã hội đồng thời nó mang nội dung của giá trị trao đổi. Giá trị sử dụng chỉ được thực hiện trong việc sử dụng hay tiêu dùng nó. Khi chưa tiêu dùng, giá trị sử dụng chỉ ở trạng thái khả năng. Để giá trị sử dụng có khả năng biến thành giá trị sử dụng hiện thực, nó phải được tiêu dùng. Điều này nói lên ý nghĩa quan trọng của tiêu dùng đối với sản xuất.

- Giá trị: Để hiểu được giá trị hàng hoá phải bắt đầu từ giá trị trao đổi. Giá trị trao đổi là tỷ lệ về số lượng giữa 2 giá trị sử dụng khác nhau. Thí dụ: 1m vải = 5kg thóc. Trong tỉ lệ đó, số lượng của những hàng hóa trao đổi với nhau, giá trị trao đổi của hàng hóa được biểu hiện ra.

Nếu hai vật thể khác nhau có thể trao đổi được với nhau thì giữa chúng phải có cơ sở chung nào đó. Cái chung đó không thể là công dụng, vì công dụng của chúng hoàn toàn khác nhau. Các hàng hóa khác nhau chỉ có một thuộc tính chung làm cho chúng có thể so sánh với nhau trong khi trao đổi, đó là các hàng hóa đều là các sản phẩm của lao động. Cơ sở cho hai hàng hoá trao đổi được với nhau là lao động xã hội hao phí vào việc sản xuất ra những hàng hóa đó. Thực chất của trao đổi hàng hóa cho nhau là trao đổi lao động ẩn giấu trong các hàng hóa đó.

Như vậy, lao động hao phí để tạo ra hàng hóa kết tinh trong hàng hóa là cơ sở chung của trao đổi được gọi là giá trị hàng hóa. Giá trị hàng hoá là hao phí lao động xã hội của người sản xuất hàng hoá kết tinh trong hàng hoá. Nó phản ánh mối quan hệ giữa những người sản xuất hàng hoá gắn liền với kinh tế hàng hoá. Nó là một phạm trù lịch sử. Giá trị trao đổi chỉ là hình thức biểu hiện của giá trị. Giá trị là nội dung là cơ sở của giá trị trao đổi.

Hai thuộc tính của hàng hóa có quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa thống nhất vừa mâu thuẫn với nhau.

Mặt thống nhất thể hiện ở chỗ: Hai thuộc tính này, cùng đồng thời tồn tại trong một hàng hóa, một vật phải có đầy đủ hai thuộc tính này mới là hàng hóa. Thiếu một trong hai thuộc tính đó, vật phẩm không phải là hàng hóa.

Mâu thuẫn giữa hai thuộc tính của hàng hóa thể hiện ở chỗ: Với tư cách là giá trị sử dụng thì các hàng hóa không đồng nhất về chất. Nhưng ngược lại, với tư cách là giá trị thì các hàng hóa lại đồng nhất về chất, tức đều là sự kết tinh về lao động. Mặt khác, quá trình thực hiện chúng lại tách rời nhau cả về không gian và thời gian.

* Vì sao hàng hoá có hai thuộc tính?

Sở dĩ hàng hoá có hai thuộc tính vì lao động sản xuất có tính chất hai mặt: Lao động cụ thể và lao động trừu tượng.

- Lao động cụ thể: Là sự hao phí sức lao động giữa một ngành nghề chuyên môn nhất định. Lao động này tạo ra giá trị sử dụng của hàng hoá

- Lao động trừu tượng: Là sự hao phí sức lao động của người sản xuất hàng hoá không kể đến các hình thức cụ thể của nó. Lao động trừu tượng tạo ra giá trị của hàng hoá.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro