36-39 (DH lan 7 QTCS)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

II. Đảng lãnh đạo Phong trào dân chủ (1936-1939)

1. Nguy cơ chiến tranh của chủ nghĩa phátxít. Đại hội lần thứ VII

của Quốc tế Cộng sản

Hậu quả trầm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1929-1933 và

tình trạng tiêu điều tiếp theo trong các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa đã làm cho

mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản thêm gay gắt và phong trào cách mạng của quần

chúng dâng cao.

ở một số nước, giai cấp tư sản lũng đoạn không muốn duy trì nền thống trị bằng

chế độ dân chủ tư sản đại nghị như cũ, nên đã âm mưu dùng bạo lực để đàn áp phong

trào đấu tranh trong nước và ráo riết chạy đua vũ trang, chuẩn bị phát động một cuộc

chiến tranh thế giới mới. Chủ nghĩa phátxít xuất hiện và thắng thế ở một số nơi, như

phátxít Hítle ở Đức, phátxít Phrăngcô ở Tây Ban Nha, phátxít Mútxôlini ở Italia và phái

Sĩ quan trẻ ở Nhật Bản. Chế độ độc tài phátxít được thiết lập là một nền chuyên chính

khủng bố công khai của những thế lực phản động nhất, sôvanh nhất, đế quốc chủ nghĩa

nhất của tư bản tài chính. Chúng xóa bỏ mọi quyền tự do dân chủ tư sản cổ truyền, đàn

áp tiêu diệt mọi lực lượng và tổ chức chính trị đối lập, thực hành chính sách xâm lược,

bành trướng và nô dịch các nước khác. Tập đoàn phátxít cầm quyền ở Đức, ý và Nhật

đã liên kết với nhau thành khối "Trục", ráo riết chuẩn bị chiến tranh để chia lại thế giới.

Chúng nuôi mưu đồ tiêu diệt Liên Xô, thành trì cách mạng thế giới, hy vọng đẩy lùi

phong trào cách mạng vô sản đang phát triển mạnh mẽ trong nước chúng. ở Pháp các

thế lực phản động tập hợp trong tổ chức Thập tự lửa (Croix de feu) gồm khoảng 20.000

tên có vũ trang, âm mưu lật đổ chế độ đại nghị dân chủ, thiết lập nền độc tài phátxít.

Nguy cơ chủ nghĩa phátxít và chiến tranh thế giới đe doạ nghiêm trọng nền hòa bình và

an ninh quốc tế.

Trước tình hình đó, Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản họp tại Mátxcơva (tháng 7-

1935) dưới sự chủ trì của G.Đimitơrốp. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương do

Lê Hồng Phong dẫn đầu.

Đại hội xác định kẻ thù nguy hiểm trước mắt của nhân dân thế giới chưa phải là

chủ nghĩa đế quốc nói chung mà là chủ nghĩa phátxít. "Ngày nay trong nhiều nước tư

bản chủ nghĩa quần chúng lao động trước mắt phải lựa chọn một cách cụ thể không phải

giữa nền chuyên chính vô sản với chế độ dân chủ tư bản mà là chế độ dân chủ tư sản với

chủ nghĩa phátxít"1. Nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân và nhân dân lao động

thế giới lúc này chưa phải là đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản, giành chủ nghĩa xã hội,

mà là chống chủ nghĩa phátxít, chống chiến tranh, bảo vệ dân chủ và hòa bình.

Để thực hiện nhiệm vụ cấp bách đó, giai cấp công nhân các nước trên thế giới

phải thống nhất hàng ngũ của mình, lập mặt trận nhân dân rộng rãi chống phátxít và

chiến tranh phátxít.

Đại hội chỉ rõ đối với các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, vấn đề lập mặt trận

thống nhất chống đế quốc có tầm quan trọng đặc biệt.

Chủ trương mới do Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản vạch ra phù hợp với

yêu cầu chống chủ nghĩa phátxít và chiến tranh, nguy cơ lớn nhất đối với vận mệnh của

các dân tộc lúc bấy giờ. Nghị quyết của Đại hội giúp cho Đảng ta trong việc phân tích

đúng đắn tình hình mới, từ đó đề ra chủ trương chiến lược và sách lược cách mạng phù

hợp với tình hình mới.

Trong thời gian này, các đảng cộng sản đã ra sức phấn đấu lập mặt trận nhân dân

rộng rãi chống chủ nghĩa phátxít. Mặt trận nhân dân Tây Ban Nha, Mặt trận thống nhất

chống phátxít của nhân dân Trung Quốc lần lượt được thành lập. Đặc biệt, Mặt trận nhân

dân Pháp chống phátxít thành lập từ tháng 5-1935 do Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt,

đã giành được thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tuyển cử năm 1936, đưa đến sự ra đời

một chính phủ tiến bộ, Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp. Thắng lợi đó đã tạo ra không

khí chính trị thuận lợi cho cuộc đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời

sống của nhân dân các nước trong hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp trong đó có

Đông Dương.

ở nước ta, hậu quả kéo dài của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã tác động

sâu sắc không những đến đời sống của những giai cấp và tầng lớp nhân dân lao động,

mà còn đến cả những nhà tư sản, địa chủ hạng vừa và nhỏ. Trong khi đó, bọn cầm

quyền phản động ở Đông Dương vẫn ra sức vơ vét bóc lột và khủng bố, phong trào đấu

tranh của nhân dân ta, làm cho bầu không khí chính trị và kinh tế hết sức ngột ngạt. Mọi

tầng lớp xã hội đều mong muốn có những cải cách dân chủ. Đảng Cộng sản Đông

Dương đã phục hồi sau một thời kỳ đấu tranh cực kỳ gian khổ, kịp thời lãnh đạo nhân

dân ta bước vào một thời kỳ mới.

2. Chủ trương mới của Đảng

Tháng 7-1936, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Chỉ huy ở ngoài họp Hội

nghị tại Thượng Hải (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập.

Hội nghị quyết định cử đồng chí Hà Huy Tập về nước để khôi phục các tổ chức Đảng ở

trong nước. Xuất phát từ đặc điểm tình hình Đông Dương và thế giới, vận dụng Nghị

quyết Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị xác định cách mạng ở Đông Dương

vẫn là "cách mạng tư sản dân quyền - phản đế và điền địa - lập chính quyền của công

nông bằng hình thức Xôviết, để dự bị điều kiện đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa"1.

Song xét rằng cuộc vận động quần chúng hiện thời cả về chính trị và tổ chức chưa tới

trình độ trực tiếp đánh đổ đế quốc Pháp, lập chính quyền công nông, giải quyết vấn đề

điền địa.

Yêu cầu cấp thiết trước mắt của nhân dân ta là tự do, dân chủ, cải thiện đời sống.

Đảng phải nắm lấy những yêu cầu đó để phát động quần chúng đấu tranh, tạo tiền đề

đưa cách mạng tiến lên bước cao hơn sau này. Hội nghị chỉ rõ kẻ thù trước mắt nguy hại

nhất của nhân dân Đông Dương cần tập trung đánh đổ là bọn phản động thuộc địa và bè

lũ tay sai của chúng. Từ đó Hội nghị xác định những nhiệm vụ trước mắt là chống phát

xít, chống chiến tranh đế quốc, chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân

chủ, cơm áo và hòa bình; "lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi chính để bao gồm các

giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, các dân

tộc ở xứ Đông Dương để cùng nhau tranh đấu để đòi những điều dân chủ đơn sơ"1.

"Mặt trận nhân dân phản đế là cuộc liên hợp hết các giai cấp trong toàn dân tộc bị

áp bức đang tranh đấu đòi những đều quyền lợi hằng ngày cho toàn dân, chống chế độ

thuộc địa vô nhân đạo, để dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được

phát triển"2.

Để cô lập và chĩa mũi nhọn đấu tranh vào bọn phản động thuộc địa và tay sai của

chúng, đòi các quyền dân chủ, dân sinh, không những phải đoàn kết chặt chẽ với giai

cấp công nhân và Đảng Cộng sản Pháp, "ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp", mà còn đề ra

khẩu hiệu "ủng hộ Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp" để cùng nhau chống lại kẻ thù

chung là bọn phátxít ở Pháp và bọn phản động thuộc địa.

Hoàn cảnh mới, chủ trương mới đòi hỏi phải có một đường lối tổ chức mới. Vì

vậy, Hội nghị chủ trương phải chuyển hình thức tổ chức bí mật không hợp pháp sang

các hình thức tổ chức và đấu tranh công khai, nửa công khai, hợp pháp và nửa hợp

pháp, nhằm làm cho Đảng mở rộng sự quan hệ với quần chúng, giáo dục, tổ chức và

lãnh đạo quần chúng đấu tranh bằng các hình thức và khẩu hiệu thích hợp.

Trong khi tranh thủ mở rộng các hình thức tổ chức đấu tranh công khai và hợp

pháp, tránh sa vào chủ nghĩa công khai, mà phải giữ vững nguyên tắc củng cố và tăng

cường tổ chức và hoạt động bí mật của Đảng, giữ vững mối quan hệ giữa bí mật và

công khai, hợp pháp với không hợp pháp và phải bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng

bí mật đối với những tổ chức và hoạt động công khai hợp pháp.

Tháng 10-1936, Trung ương Đảng được tổ chức lại do đồng chí Hà Huy Tập làm

Tổng Bí thư.

Cùng với việc đề ra chủ trương mới để lãnh đạo nhân dân thành lập Mặt trận nhân

dân rộng rãi, đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh, Ban Chấp hành Trung ương

Đảng đã đặt vấn đề nhận thức lại mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ,

phản đế và điền địa trong cách mạng ở Đông Dương. Trong văn kiện Chung quanh vấn

đề chiến sách mới công bố tháng 10-1936, Đảng nêu một quan điểm mới: "Cuộc dân

tộc giải phóng không nhất thiết phải kết chặt với cuộc cách mạng điền địa. Nghĩa là

không thể nói rằng: muốn đánh đổ đế quốc cần phải phát triển cách mạng điền địa,

muốn giải quyết vấn đề điền địa thì cần phải đánh đổ đế quốc. Lý thuyết ấy có chỗ

không xác đáng". Vì rằng, tùy hoàn cảnh hiện thực bắt buộc, nếu nhiệm vụ chống đế

quốc là cần kíp cho lúc hiện thời, còn vấn đề điền địa tuy quan trọng nhưng chưa phải

trực tiếp bắt buộc, thì có thể trước hết tập trung đánh đổ đế quốc, rồi sau mới giải quyết

vấn đề điền địa. Nhưng cũng có khi vấn đề điền địa và phản đế phải liên tiếp giải quyết,

vấn đề này giúp cho vấn đề kia làm xong mục đích của cuộc vận động. Nghĩa là cuộc

phản đế phát triển tới trình độ võ trang tranh đấu kịch liệt, đồng thời vì muốn tăng thêm

lực lượng tranh đấu chống đế quốc, cần phải phát triển cuộc cách mạng điền địa. "Nói

tóm lại, nếu phát triển cuộc tranh đấu chia đất mà ngăn trở cuộc tranh đấu phản đế thì

phải lựa chọn vấn đề nào quan trọng hơn mà giải quyết trước. Nghĩa là chọn địch nhân

chính, nguy hiểm nhất, để tập trung lực lượng của một dân tộc mà đánh cho được toàn

thắng"1. Đó là nhận thức mới phù hợp với tinh thần trong Cương lĩnh cách mạng đầu

tiên của Đảng, bước đầu khắc phục hạn chế của Luận cương chính trị tháng 10-1930.

Mặt trận nhân dân phản đế do Đảng đề ra là cuộc liên hiệp các giai cấp trong các

dân tộc ở Đông Dương đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày, chống lại chế độ thuộc địa vô

nhân đạo của thực dân Pháp, chuẩn bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc phát triển.

Những người cộng sản Đông Dương chính là con cháu của các dân tộc ở Đông Dương -

một xứ thuộc địa. Đảng Cộng sản Đông Dương là đảng duy nhất lãnh đạo toàn dân ta

đấu tranh giành độc lập tự do, nên được nhân dân thừa nhận quyền lãnh đạo duy nhất.

Vì vậy, Đảng cần phải phấn đấu là "đảng của dân chúng bị áp bức, đội tiền phong cho

cuộc dân tộc giải phóng"2.

Các Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong năm 1937 và 1938

đã tiếp tục giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu chiến lược với mục tiêu cụ thể trước

mắt của cách mạng, đã đặt ra nhiệm vụ chính trị cụ thể của cách mạng trong một hoàn

cảnh cụ thể, biết tập hợp rộng rãi những lực lượng chính trị dù là bé nhỏ, bấp bênh, tạm

thời, sử dụng các hình thức tổ chức và đấu tranh linh hoạt, phù hợp với mục tiêu cụ thể

nhằm động viên hàng triệu quần chúng lên trận tuyến đấu tranh cách mạng, chuẩn bị

tiến lên những trận chiến đấu cao hơn, thực hiện mục tiêu chiến lược của cuộc cách

mạng dân tộc dân chủ.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào quần chúng từ giữa năm 1936 trở đi khẳng

định sự chuyển hướng chỉ đạo cách mạng đúng đắn. Song thực tiễn cách mạng diễn ra

phong phú hơn, sinh động hơn, đòi hỏi Đảng phải theo dõi, bổ sung và hoàn chỉnh từng

bước các chủ trương và biện pháp đấu tranh. Trên tinh thần đó, các Hội nghị lần thứ ba

(tháng 3-1937) và lần thứ tư (tháng 9-1937) đã đi sâu hơn về công tác tổ chức của Đảng,

quyết định phải chuyển mạnh hơn nữa về phương pháp tổ chức và hoạt động để tập hợp

được đông đảo quần chúng trong mặt trận chống phản động thuộc địa, chống phátxít,

đòi tự do, cơm áo, hòa bình.

Tháng 3-1938, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị toàn thể nhấn

mạnh vấn đề lập mặt trận thống nhất dân chủ, coi đây là nhiệm vụ trung tâm của Đảng

trong giai đoạn hiện tại. Hội nghị chủ trương phải sử dụng mọi hình thức để liên hiệp

thật rộng rãi các tầng lớp dân chủ, các đảng phái. Để thực hiện nhiệm vụ ấy, Đảng chủ

trương phải đấu tranh khắc phục những tư tưởng "tả" khuynh, cô độc hẹp hòi và những

tư tưởng hữu khuynh trong việc nhận thức và chấp hành đường lối, phương pháp tổ

chức và đấu tranh không phù hợp với nhiệm vụ chính trị mới. Hội nghị nhắc nhở phải

kiên quyết, triệt để chống bọn tờrốtkít ở Đông Dương.

Hội nghị còn quyết định củng cố những cơ sở Đảng đã có, lập thêm cơ sở mới,

chú trọng phát triển Đảng ở thành phố, ở các vùng công nghiệp tập trung và các vùng

đồn điền, phải chấn chỉnh, củng cố các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến

cơ sở, phải giữ đúng nguyên tắc trong quan hệ giữa bộ phận hoạt động bí mật và bộ

phận hoạt động công khai của Đảng: "Bí mật với công khai là làm cho công tác của

Đảng được thống nhất và chóng phát triển, vô luận công khai hay bí mật đều phải phục

tùng cơ quan chỉ huy của Đảng"1. Hội nghị bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí

thư của Đảng thay đồng chí Hà Huy Tập.

Cuối năm 1938, từ Liên Xô, Nguyễn ái Quốc trở lại Trung Quốc. Người chú ý

theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở Đông Dương. Người nhắc nhở Trung ương

Đảng cần nắm vững nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng ở Đông Dương lúc này là đấu

tranh đòi thực hiện các quyền tự do, dân chủ đơn sơ và cải thiện đời sống, đấu tranh để

Đảng được hoạt động hợp pháp; không nên đưa ra những khẩu hiệu quá cao như độc lập

dân tộc để đề phòng âm mưu của phátxít Nhật lợi dụng khẩu hiệu đó. Đảng phải tổ chức

một mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi, mặt trận ấy không phải chỉ có nhân dân lao động

tham gia mà còn phải lôi cuốn cả giai cấp tư sản dân tộc, không phải chỉ có người Đông

Dương mà còn có cả những người Pháp tiến bộ ở Đông Dương nữa. Đảng không thể đòi

hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung

thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. "Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng

ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của

Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo"2. Đảng phải đấu tranh không khoan

nhượng chống tư tưởng bè phái, phải chú ý tổ chức học tập để nâng cao trình độ lý luận

chính trị cho đảng viên.

Tháng 3-1939, Đảng ra bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với

thời cuộc, nêu rõ họa phátxít đang đến gần, Chính phủ Pháp hiện đã nghiêng về phía

hữu, đang ra sức bóp nghẹt tự do dân chủ, tăng cường bóc lột nhân dân và ráo riết chuẩn

bị chiến tranh. Tuyên ngôn kêu gọi các tầng lớp nhân dân phải thống nhất hành động

hơn nữa trong việc đòi các quyền tự do dân chủ, chống nguy cơ chiến tranh đế quốc.

Mặc dù bọn cầm quyền thực dân đẩy mạnh đàn áp, khủng bố, những cuộc biểu dương

lực lượng của đông đảo quần chúng không tổ chức được như những năm trước, nhưng

phong trào đấu tranh của quần chúng công nhân và nông dân vẫn tiếp tục nổ ra, nhất là

các cuộc đấu tranh của nông dân, tiểu thương chống lại chính sách tăng thuế. Số lượng

tuy giảm nhiều, nhưng trình độ tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh lại cao hơn.

Tháng 7 năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cho xuất bản tác phẩm Tự chỉ

trích, nhằm rút kinh nghiệm về những sai lầm, thiếu sót của các đảng viên hoạt động

công khai trong hoạt động tranh cử ở Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (4-1939). Tác phẩm

đã vượt qua giới hạn của vấn đề tranh cử, đi vào phân tích những vấn đề cơ bản về xây

dựng Đảng, tổng kết kinh nghiệm cuộc vận động dân chủ của Đảng, nhất là về đường

lối xây dựng Mặt trận dân chủ Đông Dương, một vấn đề chính trị trung tâm của Đảng

lúc đó. Tác phẩm Tự chỉ trích chẳng những có tác dụng lớn trong cuộc đấu tranh để

khắc phục những lệch lạc, sai lầm trong phong trào vận động dân chủ, tăng cường đoàn

kết nhất trí trong nội bộ Đảng, mà còn là một văn kiện lý luận quan trọng về xây dựng

Đảng, về công tác vận động thành lập mặt trận thống nhất rộng rãi trong đấu tranh cách

mạng ở Việt Nam.

3. Đảng lãnh đạo phong trào dân chủ, dân sinh (1936-1939)

Chủ trương mới của Đảng phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng bức thiết của

quần chúng, làm dấy lên trong cả nước một phong trào đấu tranh mạnh mẽ, sôi nổi

hướng vào mục tiêu trước mắt là tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình.

Nắm cơ hội Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp quyết định sẽ thả một số tù chính

trị, thi hành một số cải cách xã hội cho lao động ở các thuộc địa Pháp và cử một ủy ban

điều tra thuộc địa đến Đông Dương, Đảng phát động một phong trào đấu tranh công

khai của quần chúng, mở đầu bằng một hình thức vận động lập "ủy ban trù bị Đông Dương

đại hội" nhằm thu thập nguyện vọng quần chúng, tiến tới triệu tập Đại hội đại biểu nhân

dân Đông Dương. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, quần chúng sôi nổi tổ chức

các cuộc míttinh, hội họp để đề ra các bản "dân nguyện" gửi cho phái bộ điều tra của

Chính phủ Pháp sắp sang Đông Dương.

Trong một thời gian ngắn, ở khắp các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, nông thôn đã

lập ra các "ủy ban hành động" để tập hợp quần chúng. Riêng ở Nam Kỳ đã có 600 ủy

ban hành động. Phong trào Đông Dương Đại hội là một hình thức phôi thai của Mặt trận

thống nhất nhân dân Đông Dương. Trước đà phát triển mạnh mẽ của phong trào "Đông

Dương đại hội" và do sức ép của phong trào quần chúng ở Pháp, chính phủ Mặt trận

nhân dân Pháp đã phải trả lại tự do cho một số tù chính trị, ra nghị định ngày làm 8 giờ

cho công nhân và hàng năm công nhân được nghỉ 10 ngày có lương. Nhưng liền đó,

thực dân Pháp lại ra lệnh giải tán ngay các ủy ban hành động, cấm cuộc vận động

"Đông Dương đại hội" hòng dập tắt phong trào đấu tranh của quần chúng.

Đầu năm 1937, nhân dịp phái viên của Chính phủ Pháp là Gôđa (Godard) đi kinh

lý Đông Dương và tiếp đó là Bơrêviê (Brévié) sang nhận chức toàn quyền Đông Dương,

Đảng vận động hai cuộc biểu dương lực lượng quần chúng rộng lớn dưới danh nghĩa

"đón rước", míttinh, biểu tình, đưa đơn "dân nguyện". Công nhân và nông dân là lực

lượng đông đảo và hăng hái nhất trong các cuộc biểu dương lực lượng này.

Mặc dù thực dân Pháp cố tìm cách ngăn chặn. Nhưng nhờ khéo lợi dụng các hình

thức đấu tranh hợp pháp nên từ năm 1936 đến giữa năm 1939 phong trào quần chúng

đấu tranh theo những khẩu hiệu đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống đã phát triển liên

tục, rộng rãi khắp cả thành thị và nông thôn suốt ba năm.

Ngoài các yêu sách chung như: tự do hội họp, tự do đi lại, tự do báo chí, tự do tổ

chức, bỏ thuế thân, thả hết tù chính trị, mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp còn đưa ra những yêu

sách riêng của mình. Công nhân đòi tự do lập nghiệp đoàn, đòi tăng lương, bớt giờ làm,

đòi thi hành luật lao động, thực hiện bảo hiểm xã hội, chống đuổi thợ, chống đánh đập,

cúp phạt... Nông dân đòi chia lại ruộng công cho hợp lý, chống sưu cao, thuế nặng,

chống phù thu lạm bổ, đòi cải cách hương thôn, đòi giảm tô, giảm tức... Tiểu thương,

tiểu chủ đòi giảm thuế môn bài, thuế chợ, thuế hàng hóa... công chức đòi tăng lương;

học sinh đòi mở thêm trường học, phụ nữ đòi quyền lợi như đàn ông, làm việc ngang

nhau, tiền lương ngang nhau.

Những cuộc bãi công, biểu tình, bãi chợ, bãi khóa đã nổ ra trong nhiều thành phố

và vùng công nghiệp như: Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Bến Thủy, Hòn Gai, Cẩm

Phả... Chỉ trong sáu tháng cuối năm 1936, đã có đến 242 cuộc đấu tranh của công nhân,

lôi kéo hàng vạn người tham gia, lớn nhất là cuộc tổng bãi công thắng lợi của công nhân

than Hồng Gai (tháng 11-1936). Năm 1937 là năm phong trào công nhân cao nhất, có

gần 400 cuộc bãi công, vang dội nhất là cuộc bãi công của công nhân xe lửa Trường Thi

(tháng 7-1937), được công nhân xe lửa miền Nam Đông Dương bãi công phối hợp.

Năm 1938, có trên 130 cuộc bãi công và 6 tháng đầu năm 1939 có khoảng 50 cuộc bãi

công. So với các năm trước, các cuộc bãi công năm 1938 và năm 1939 có tổ chức chặt

chẽ hơn, khẩu hiệu đấu tranh chính xác và trình độ tổ chức, lãnh đạo của các tổ chức

Đảng vững vàng hơn.

Phong trào đấu tranh của nông dân cũng phát triển khắp Bắc, Trung, Nam. Mỗi

năm có hàng trăm cuộc đấu tranh, nhất là các cuộc đấu tranh đòi khất thuế, chống các

hủ tục ở hương thôn, chống nạn cường hào áp bức nhũng nhiễu. Năm 1938, ở Nam Kỳ

có những cuộc đấu tranh của nông dân đi "mượn" lúa của chủ ruộng để cứu đói. Nông

dân Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống dự án thuế

mới của Viện dân biểu Trung Kỳ. Hầu hết các cuộc đấu tranh của nông dân đều do

Đảng tổ chức và lãnh đạo.

Cùng với phong trào đấu tranh sôi nổi của công nhân và nông dân, tiểu thương ở

Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, và một số thành phố, thị xã khác đã bãi chợ đòi giảm thuế

môn bài, thuế hàng hóa.

Dựa vào lực lượng quần chúng đông đảo, Đảng liên hiệp hoạt động với những

người Pháp dân chủ trong chi nhánh Đảng Xã hội Pháp ở Hà Nội, tổ chức kỷ niệm ngày

Quốc tế lao động (ngày 1-5-1938) tại khu Đấu xảo Hà Nội. Mặc dù bọn cầm quyền

Pháp không cho phép tụ tập đông đảo và biểu tình ngoài đường phố, nhưng lần đầu tiên,

một cuộc míttinh công khai có đến 25.000 người tham dự, bao gồm các tầng lớp và giai

cấp: nông dân, công nhân, tiểu thương, thợ thủ công, trí thức, phụ nữ, v.v., đứng theo

hàng ngũ chỉnh tề, có phù hiệu, có biểu ngữ riêng của từng giới. Trước khi kéo đến địa

điểm míttinh, các đoàn người diễu qua các đường phố, biểu tình hô vang các khẩu hiệu

cách mạng. Thay nhau lên diễn đàn có cả người Việt và người Pháp, trong đó có đại

diện nhóm Tin Tức (nhóm hoạt động công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương), đại

diện chi nhánh Đảng Xã hội Pháp ở Đông Dương và đại diện các giới công nhân, nông

dân, tiểu thương, trí thức, phụ nữ. Quần chúng dự míttinh giương cao cờ đỏ, cùng hát

bài Quốc tế ca (L' International) hô các khẩu hiệu đòi tự do lập hội ái hữu, nghiệp đoàn,

đòi ban hành, thi hành triệt để luật lao động, đòi giảm thuế, chống phátxít, chống chiến

tranh đế quốc, ủng hộ hòa bình, chống nạn sinh hoạt đắt đỏ. Cùng ngày hôm đó ở Sài

Gòn, bộ phận công khai của Đảng cũng tổ chức được cuộc míttinh lớn có hàng nghìn

người tham dự với những khẩu hiệu tương tự ở Hà Nội.

Cuộc biểu dương lực lượng quần chúng trong ngày Quốc tế lao động năm 1938 là

một thắng lợi nổi bật về hoạt động của Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Đó là kết quả

của một quá trình vận động chính trị sâu rộng trong quần chúng, đồng thời cũng là biểu

hiện của sự trưởng thành của Đảng Cộng sản Đông Dương về nghệ thuật huy động, tổ

chức quần chúng trong đấu tranh, kể cả tranh thủ những người Pháp dân chủ, phân hóa, cô

lập bọn phản động đang cầm quyền ở Đông Dương và bè lũ tay sai của chúng.

Cùng với việc lãnh đạo các cuộc đấu tranh về kinh tế, chính trị. Đảng chú trọng

đẩy mạnh công tác tuyên truyền cổ động, đặc biệt là trên lĩnh vực hoạt động báo chí

công khai, để tăng cường ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng. Lợi dụng khả năng

xuất bản hợp pháp lúc đó, các báo chí tiếng Việt và tiếng Pháp của Đảng, của Mặt trận

Dân chủ Đông Dương và các đoàn thể quần chúng ra đời: Tin tức, Nhành lúa, Thời thế,

Thời báo, Bạn dân, Đời nay, Kinh tế, Tân văn, Dân mới, Phổ thông, Lao động (Le

Travail), Tranh đấu (La Lutte), Tập hợp (Rassemblement), Tiền phong (Avant garde),

Tiến lên (En Avant), Tiếng nói của chúng ta (Notre Voix)... Tuy không có tờ nào tồn tại

được lâu do sự kiểm duyệt gắt gao của thực dân cầm quyền, nhưng tờ này bị đóng cửa

thì tờ kia lại nối tiếp ra đời. Đặc biệt là tờ Dân chúng, cơ quan ngôn luận của Trung

ương Đảng, lần đầu tiên công khai xuất bản ở Sài Gòn, mỗi ngày từ 5.000 đến 15.000

bản.

Báo chí của Đảng và Mặt trận Dân chủ đã tập trung phản ánh tình cảnh đau khổ,

bị áp bức, bóc lột của các tầng lớp nhân dân do bọn phong kiến và tay sai; nêu lên

những nguyện vọng của quần chúng trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; phổ

biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh của quần chúng; hướng dẫn quần chúng đấu tranh

đòi các quyền lợi dân chủ, dân sinh; tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, chống

mọi thủ đoạn của kẻ thù vu cáo, xuyên tạc Đảng Cộng sản; đấu tranh phê phán các luận

điệu cực "tả" của "tờrốtkít" chống lại chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng.

Trong thời kỳ này, Đảng còn xuất bản nhiều tập sách chính trị phổ thông để giới

thiệu chủ nghĩa Mác-Lênin và chính sách mới của Đảng. Cuốn Vấn đề dân cày của Qua

Ninh (Trường Chinh) và Vân Đình (Võ Nguyên Giáp) tố cáo tội ác của đế quốc và

phong kiến đối với nông dân và nêu lên vai trò quan trọng của nông dân trong cách

mạng nước ta. Cuốn Chủ nghĩa Các Mác của Hải Triều in và phát hành năm 1938. Một

số cuốn sách giới thiệu về Liên Xô, về cách mạng Trung Quốc, về Mặt trận nhân dân

Pháp, Mặt trận nhân dân Tây Ban Nha được ra mắt bạn đọc.

Mạng lưới phát hành sách báo được tổ chức rộng khắp. Tòa soạn và cơ quan phát

hành sách báo của Đảng còn là nơi quần chúng liên hệ với Đảng, là đầu mối liên lạc

giữa bộ phận công khai và bộ phận bí mật, là nơi chắp mối của các đảng viên mới ra tù,

là nơi liên lạc của Đảng với cán bộ hoạt động ở nước ngoài. Để mở rộng hoạt động trên

mặt trận báo chí công khai, lôi cuốn những người làm báo tiến bộ trong phong trào vận

động dân chủ, thực hiện chủ trương của Đảng, Hội nghị báo chí Trung Kỳ được tổ chức

(tháng 5-1938), tiếp đó là Hội nghị báo chí Bắc Kỳ (tháng 6-1938). Trong điều kiện một

nước thuộc địa, mọi quyền tự do, dân chủ bị bóp nghẹt, phát động và tổ chức được mặt

trận đấu tranh công khai và rộng lớn trên lĩnh vực báo chí là một thắng lợi lớn của

Đảng.

Hội truyền bá quốc ngữ ra đời. Từ cuối năm 1937, phong trào truyền bá quốc ngữ

phát triển mạnh, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia, giúp cho quần chúng lao động

có thể đọc được sách báo. Các hình thức tổ chức cũng phát triển rộng rãi, bao gồm các

hội tương tế, hội ái hữu. Bên cạnh các hội công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, cứu

tế, còn có những tổ chức đơn sơ, không có điều lệ như hội thể thao, hội đọc sách báo, ban ca

nhạc, ban học tối, hội buôn, hội hiếu, hội hỷ, hội cày, hội cấy, hội gặt, hội lợp nhà...

Trên cơ sở phong trào quần chúng, trong những năm 1937-1938, Đảng còn lợi

dụng khả năng hợp pháp để tổ chức tham gia các cuộc tranh cử vào các Viện dân biểu

Bắc Kỳ, Viện dân biểu Trung Kỳ, Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, Hội đồng kinh tế lý tài

Đông Dương. Đây là một cơ hội tốt để Đảng mở rộng công tác tuyên truyền giáo dục

quần chúng, lợi dụng diễn đàn công khai của địch để vạch trần chính sách thuộc địa

phản động của thực dân Pháp, bênh vực quyền lợi của quần chúng, tranh thủ lôi cuốn

các nhân sĩ tiến bộ vào cuộc đấu tranh chống phản động thuộc địa, đòi các quyền tự do,

dân chủ.

Trong cuộc tuyển cử Viện dân biểu Trung Kỳ năm 1937, Đảng liên hệ với những

người tiến bộ trong hàng ngũ tri thức, trong số các nhà tư sản dân tộc, địa chủ cấp tiến,

vận động họ ra ứng cử chung trong danh sách của Mặt trận dân chủ. Hầu hết những

người ứng cử của Mặt trận dân chủ đã trúng cử và những người có cảm tình với Mặt

trận dân chủ đã được bầu giữ các chức viện trưởng, viện phó của viện. Nhờ kết hợp

khéo léo với đấu tranh của quần chúng bên ngoài nghị viện, các nghị viên Mặt trận dân

chủ ở Viện dân biểu Trung Kỳ đã bác bỏ được dự án tăng thuế của đế quốc Pháp đưa ra

trong phiên họp tháng 9 năm 1938. Đây cũng là một sự kiện hiếm có ở một nước thuộc

địa.

Từ giữa năm 1939 trở đi, Chính phủ Pháp nghiêng hẳn về phía hữu, và phátxít

hóa. ở Đông Dương, bọn thực dân Pháp quay ra đàn áp quyết liệt phong trào dân chủ.

Đảng chỉ thị cho bộ phận hoạt động công khai nhanh chóng chuẩn bị để rút vào hoạt

động bí mật, tránh tổn thất do bắt bớ, khủng bố của thực dân Pháp. Khi Chiến tranh thế

giới thứ hai bùng nổ (tháng 9-1939), Đảng liền chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và

sách lược cho phù hợp với thời kỳ chiến tranh và cách mạng. Thời kỳ vận động dân chủ

kết thúc.

Cuộc vận động dân chủ của Đảng Cộng sản Đông Dương trong những năm

1936-1939 thực sự là một cuộc đấu tranh cách mạng sôi nổi, có tính quần chúng rộng

rãi nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt là chống phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự

do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Về cơ bản, các khẩu hiệu cách mạng của Đảng trong

thời kỳ này đều bao hàm cả hai nội dung dân tộc và dân chủ. Cao trào cách mạng đó đã

diễn ra trên tất cả các mặt trận: chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng với các hình thức

đấu tranh rất phong phú và linh hoạt: bãi công, bãi chợ, bãi khóa, biểu tình, mít tinh,

báo chí và lợi dụng cả nghị trường của địch. Các hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp,

công khai và bí mật... đều được sử dụng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, hỗ trợ cho

nhau. Tuy vậy, Đảng vẫn luôn luôn có ý thức lấy các tổ chức bí mật làm nòng cốt, giữ

vững sự lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức hoạt động công khai và chuẩn bị sẵn

sàng để đối phó với mọi thủ đoạn đánh phá của kẻ thù, nhanh chóng chuyển bộ phận

hoạt động công khai vào hoạt động bí mật khi điều kiện hoạt động công khai không còn

nữa.

Qua cuộc vận động dân chủ rộng lớn, uy tín và ảnh hưởng của Đảng được mở

rộng và nâng cao trong quần chúng. Chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối chủ trương

cách mạng của Đảng được công khai tuyên truyền phổ cập trong tất cả các giai cấp và

tầng lớp nhân dân ở nông thôn và đô thị, đồng bằng và miền núi. Tổ chức Đảng được

củng cố và phát triển. Số đảng viên của Đảng ngày càng thêm đông. Đến tháng 4-1938,

toàn Đảng có 1.597 đảng viên hoạt động bí mật và hơn 200 đảng viên hoạt động công

khai. Số hội viên trong các tổ chức quần chúng công nhân, nông dân, phụ nữ, học sinh,

cứu tế là 35.009 người1. Đội quân chính trị quần chúng gồm hàng triệu người được

Đảng tập hợp, giác ngộ và rèn luyện với nhiều hình thức khác nhau. Mặt trận dân chủ đã

hình thành trong thực tiễn là "sự liên hiệp các lớp nhân dân các đảng phái tấn bộ để

chống phátxít và chế độ thuộc địa phản động, là một hình thức đặc biệt của Mặt trận

phản đế rộng rãi"

Cao trào dân chủ 1936-1939 là cuộc chuẩn bị lực lượng cho giai đoạn cách mạng

1939-1945. Qua cao trào đó, Đảng đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ đông đảo, dày

dạn trong đấu tranh, trưởng thành về tư tưởng chính trị và tổ chức và tích lũy thêm

nhiều kinh nghiệm mới:

- Nắm vững hoàn cảnh cụ thể của cách mạng trong mỗi thời kỳ để xác định đúng

kẻ thù và nhiệm vụ chính trị cụ thể trước mắt để huy động đến mức cao nhất lực lượng

cách mạng và tiến bộ lên trận tuyến đấu tranh, triệt để khai thác những chỗ yếu của kẻ

thù, tập trung ngọn lửa đấu tranh nhằm giành thắng lợi lớn mà so sánh lực lượng lúc đó

cho phép, chuẩn bị điều kiện tiến lên giành những thắng lợi lớn hơn về sau.

- Phân tích chính xác thái độ chính trị của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các

đảng phái chính trị, thực hiện một liên minh dân chủ rộng rãi, kết hợp đúng đắn sự liên

minh bên dưới với liên minh bên trên, lấy liên minh bên dưới - liên minh công nông làm

nền tảng, xây dựng một mặt trận thống nhất rộng rãi phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ

chính trị, phân hóa và cô lập cao độ kẻ thù.

- Sử dụng khéo léo các hình thức tổ chức và đấu tranh, kết hợp công khai với bí

mật, hợp pháp với không hợp pháp, kết hợp các mặt đấu tranh kinh tế, chính trị, văn

hóa, kết hợp đấu tranh của quần chúng với đấu tranh nghị trường, kết hợp tuyên truyền

với tổ chức đấu tranh... giành thắng lợi trong từng cuộc đấu tranh, trong từng mặt trận,

tiến lên giành thắng lợi lớn nhất cho cách mạng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#fao3