5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng, giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên. Trong tác phẩm Ðường kách mệnh, in năm 1927, tài liệu huấn luyện lớp cán bộ đầu tiên chuẩn bị cho việc thành lập Ðảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu lên 23 điểm về tư cách người cách mạng, đặt nền móng cho việc xây dựng phẩm chất đạo đức mới.

Trước lúc đi xa, Người căn dặn: "Ðảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì người sức có mạnh mới gánh được nặng, đi được xa, người đảng viên phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Do đó, cần giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên nhận rõ được mục đích, động cơ vào Ðảng, tự nguyện phục vụ nhân dân và làm đúng chính sách của Ðảng. Người từng dạy: Mỗi cán bộ, đảng viên từ trên xuống dưới phải hiểu rằng mình vào Ðảng là để làm đầy tớ nhân dân. Bác nhấn mạnh: Làm đầy tớ nhân dân chứ không phải quan nhân dân. Người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên thế giới.

Quan tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên là làm sao thấm nhuần đạo đức cách mạng. Người đặc biệt chú trọng đến giáo dục những phẩm chất: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư... Người yêu cầu đảng viên phải luôn trau dồi đức tính khiêm tốn, giản dị, cần kiệm trong lao động, học tập, công tác, có đời tư trong sáng. Giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên phải chú trọng cả rèn đức luyện tài để họ vừa có đạo đức, vừa có tài, vừa có phẩm chất vừa có năng lực. Có tài phải có đức. "Có tài không có đức tham ô có hại cho Nhà nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì cho ai".

Bác là tấm gương tiêu biểu nhất về rèn luyện đạo đức cách mạng, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, chịu đựng và chấp nhận mọi nguy nan để tìm đường cứu nước, cứu dân; đồng cam cộng khổ với nhân dân trong kháng chiến, kiến quốc, giành độc lập cho Tổ quốc, mưu hạnh phúc cho đồng bào. Từ tấm gương rèn luyện đạo đức cách mạng của Bác Hồ, chúng ta thấy rằng, việc rèn luyện bền bỉ và luôn có ý thức trau dồi đạo đức cách mạng là việc làm cần thiết và quan trọng bậc nhất đối với cán bộ, đảng viên. Bởi vì, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

Cán bộ, đảng viên cũng là người, cho nên trong công tác, hoạt động cách mạng khó tránh khỏi sai lầm và khuyết điểm. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn học tập, tu dưỡng để hoàn thiện bản thân và việc làm thường xuyên, việc tu dưỡng đạo đức phải gắn với thực tiễn công tác, lao động, học tập. Rèn luyện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh như là việc phải rửa mặt hằng ngày mà Bác đã chỉ ra.

Vấn đề mấu chốt, quyết định trong giáo dục, rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên là sự tự giáo dục, tự rèn luyện. Bởi vì cái tốt, cái xấu đều có trong mỗi con người. Mà học cái tốt thì khó, vì như "người ta leo núi phải vất vả khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ như ở trên đỉnh chỉ trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu". Vì thế việc phấn đấu tu dưỡng của người đảng viên kiên trì hằng ngày, để gạt bỏ những tính xấu như bệnh tham lam, thiếu kỷ luật, gây hại cho Ðảng, cho dân. Bác dạy: Mắc phải bệnh tham lam, người cán bộ, đảng viên không đặt lợi ích của Ðảng, của dân tộc lên trên mà chỉ tự tư, tự lợi, dùng của công làm việc tư; dựa vào thế lực của Ðảng để theo đuổi mục đích riêng của mình, chỉ vun vén cho quyền lợi của bản thân, không cần quan tâm xem điều đó có hại cho dân, cho nước hay không; thậm chí, còn chà đạp lên lợi ích của dân tộc, của nhân dân một khi bị đụng chạm đến quyền lợi cá nhân. Tác hại của bệnh tham lam rất lớn. Nó làm cho công quỹ Nhà nước bị hao mòn, nhân dân căm ghét cán bộ, dân mất lòng tin với Ðảng, Nhà nước. Vì vậy, người có đạo đức cách mạng phải quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí. Cán bộ, đảng viên, người có cương vị giữ các trọng trách càng phải nêu gương chống tham nhũng, lãng phí. Biến quyết tâm chính trị chống tham nhũng của Ðảng thành hành động, việc làm thiết thực và cần kíp cho mỗi đảng viên, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, công chức, nhằm góp phần xây dựng Ðảng, Nhà nước trong sạch, củng cố sức mạnh đất nước.

Bệnh thiếu kỷ luật cũng là căn bệnh hết sức nguy hiểm, do cán bộ, đảng viên đó không chịu rèn luyện trong tổ chức, không đặt mình vào guồng máy hoạt động của tổ chức, vi phạm Ðiều lệ Ðảng, quy định, nguyên tắc Ðảng. Theo Hồ Chí Minh, tất cả những bệnh đó là biểu hiện của bệnh cá nhân chủ nghĩa. Người còn nhấn mạnh, nếu cán bộ, đảng viên mà mắc phải một trong các bệnh này, tức là đồng nghĩa với sự thất bại, tức là hỏng việc; họ sẽ bị nhân dân xa rời.

Trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã giành được thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Ðảng đã giáo dục, nâng cao ý thức, nhiệt tình cách mạng cho đội ngũ đảng viên, đồng thời phần đông đảng viên cũng đã cố gắng vươn lên, tự rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng trong điều kiện mới.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Ðảng, công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa ngăn chặn được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Vì thế, việc bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng của Ðảng là vấn đề quan trọng và cấp bách. Hiện nay, Ðảng ta đang lãnh đạo đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Sự nghiệp đó là của toàn Ðảng, toàn dân.

Ðể lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi cán bộ, đảng viên không những phải có những kiến thức mới, nhất là kiến thức kinh tế, mà còn phải có đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng để không chỉ thích nghi, mà còn làm chủ được cơ chế thị trường, biết phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của nó. Bộ Chính trị phát động cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã chỉ ra những yêu cầu về việc xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, trong đó phải chú trọng "nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân" là cấp thiết và rất quan trọng.

Góp phần thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cấp ủy các cấp cần thật sự quan tâm giáo dục đảng viên thông qua chương trình hành động. Trong đó cần xác định việc tu dưỡng hằng ngày của đảng viên về nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Vì kinh tế thị trường càng phát triển, giao lưu hợp tác quốc tế càng mở rộng thì chủ nghĩa cá nhân càng có cơ hội phát triển.

Do đó, các tổ chức đảng cần phải coi trọng chống chủ nghĩa cá nhân biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là đối với đảng viên có chức vụ, quyền hành; chống sự lạm quyền và lộng quyền của cán bộ, công chức để hạn chế mặt trái, mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, chống suy thoái về đạo đức, lối sống. Cần vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Ðảng, trong đó đặt vấn đề giáo dục đạo đức là biện pháp quan trọng hàng đầu và thường xuyên, với chương trình, kế hoạch cụ thể và không chỉ trong học tập nghị quyết, chủ trương của Ðảng mà ngay cả trong sinh hoạt đảng thường kỳ của các tổ chức đảng; trong cơ quan nhà nước và đoàn thể nhân dân.

Ðặc biệt chú trọng tự phê bình và phê bình đối với đảng viên và tổ chức cơ sở đảng nhằm ngăn ngừa và chống lại những biểu hiện tiêu cực về đạo đức. Phát huy và thực hành dân chủ rộng rãi trong sinh hoạt đảng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Thực hiện tốt việc phân công, hướng dẫn, kiểm tra đảng viên chấp hành nhiệm vụ, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trong công tác, học tập và lối sống, giữ mối liên hệ với quần chúng nơi công tác với chi bộ và nhân dân nơi cư trú.

Trong sinh hoạt Ðảng quan tâm nêu gương tổ chức đảng, đảng viên trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, ngăn ngừa suy thoái đạo đức, chống tham nhũng, lãng phí. Ðồng thời xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật Ðảng, để củng cố, chỉnh đốn Ðảng. Xây dựng cơ chế và những quy định khả thi, quản lý chặt chẽ đối với các đảng viên có quan hệ nhiều đến tiền bạc, hàng hóa, tài sản của Nhà nước, của nhân dân, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra của Ðảng và giám sát của dân.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người đảng viên cần thực hiện lời khuyên của Người "dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp, ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng". Bởi lẽ, muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước, phải xung phong làm gương mẫu. Ðiểm nổi bật trong tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của Bác Hồ là yêu thương, kính trọng nhân dân, hòa với nhân dân, đoàn kết, tổ chức nhân dân thực hiện những mục tiêu của cách mạng, đem lại lợi ích cho nhân dân.

Vì thế, hiện nay giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của người đảng viên là phải hòa mình với nhân dân, làm cầu nối giữa dân với Ðảng để hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, làm cho dân tin, tổ chức tuyên truyền vận động quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Ðảng.

Vấn đề có ý nghĩa thiết thực trong rèn luyện đạo đức hiện nay là sự tự giác của đảng viên, cán bộ. Người cán bộ, đảng viên phải tự mình phấn đấu rèn luyện đạo đức, đồng thời chi bộ đảng phải có quy chế quản lý đối với đảng viên, thường xuyên kiểm tra việc rèn luyện đạo đức nhằm giúp đảng viên tu dưỡng, xứng đáng với danh hiệu đảng viên - Ðảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và rèn luyện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro