5.3. Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng:

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

5.3. Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng:

5.3.1. Khái niệm về sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng:

           Trước tình hình ngày càng xuất hiện với tần suất lớn hơn, mức độ nguy hiểm cao hơn của môi trường sinh thái do việc mất rừng gây ra, đòi hỏi chúng ta phải tìm ra cách “sử dụng rừng một cách khôn ngoan hơn”, đó chính là cách sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng.

           Sử dụng nguồn tài nguyên rừng hợp lý là thực hiện quản lý, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên rừng bằng việc thực hiện triệt để, có hệ thống và khoa học các biện pháp quản lý và kỹ thuật; nhằm không ngừng phát huy vai trò của rừng với hiệu quả cao, ổn định liên tục những tác dụng và lợi ích của rừng trên các lĩnh vực về môi trường, đa dạng sinh học, kinh tế, văn hoá, du lịch, xã hội trong hiện tại và tương lai.

           Để quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên rừng hợp lý cần phải tuân theo 3 nguyên tắc sau:

           - Hợp lý về môi trường: các HST rừng cần có đủ khả năng hỗ trợ cho nhu cầu của con người, duy trì được sự đa dạng sinh học, duy trì được số lượng, chất lượng ổn định và có tính phát triển, có khả năng phục hồi thông qua tái sinh; điều này yêu cầu quản lý rừng cần tôn trọng và xây dựng trên cơ sở các quy luật tự nhiên.

           - Hợp lý về xã hội: Điều này phản ánh mối liên hệ giữa phát triển và các tiêu chuẩn xã hội trong sử dụng rừng, sử dụng tài nguyên rừng chỉ hợp lý khi nó đảm bảo cho việc phát triển các nhu cầu đa dạng của xã hội một cách bền vững trong suốt tiến trình phát triển của xã hội loài người.

           - Hợp lý về kinh tế: Cân bằng được nhu cầu giữa các nhóm quản lý và sử dụng tài nguyên rừng, cân đối giữa hiệu quả kinh tế với các nhu cầu về môi trường và xã hội.

5.3.2. Các biện pháp sử dụng hợp lý, bền vững nguồn tài nguyên rừng:

           Sử dụng tài nguyên rừng một cách hợp lý phải bao gồm các khía cạnh sau:

           - Thực hiện các mục tiêu về môi trường như bảo tồn sự đa dạng sinh học, đảm bảo về số lượng của thành phần loài và số cá thể đủ lớn trong một loài ở các vùng và tiểu vùng khí hậu khác nhau, thoả mãn nhu cầu nghiên cứu khoa học, đảm bảo chất lượng nguồn nước, điều hoà khí hậu.

           - Đảm bảo được mục tiêu kinh tế như sản lượng gỗ, lâm sản ngoài gỗ, động vật, vi sinh vật rừng và các giá trị cảnh quan và du lịch.

           - Cân bằng giữa nhu cầu hôm nay và thế hệ mai sau.

           Trên cơ sở các khía cạnh đó, việc sử dụng hợp lý tài nguyên rừng cần phải có các công cụ và biện pháp cụ thể:

+ Xây dựng bản đồ quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển lâu dài ngành Lâm nghiệp trong mối tương quan với các ngành sản xuất khác trên phạm vi khu vực, quốc gia và thế giới.

+ Hoàn thiện và giám sát chặt chẽ và thực hiện triệt để các chính sách, các văn bản pháp quy, các công ước quốc tế về sản xuất, kinh doanh rừng và các sản phẩm từ rừng.

           Hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt Nam đã khẳng định: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định của nhà nước đều thuộc sở hữu toàn dân” tại điều 17, chương II (chế độ kinh tế).

           Như vậy, rừng là tài sản chung thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước quản lý, việc quản lý và sử dụng rừng đã được luật pháp hoá bằng Pháp lệnh:

+ Đầu tiên là “Quy định việc bảo vệ rừng”, do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký lệnh ban hành ngày 11/9/1972.

+ Tiếp đó là “Luật bảo vệ và phát triển rừng” do Chủ tịch nước Võ Chí Công ký lệnh ban hành ngày 19/8/1991.

+ Cuối cùng là Luật “Bảo vệ và phát triển rừng” được Chủ tịch Quốc hội ký ngày 03/12/2004.

Chính phủ Việt Nam từ năm 1981 đến năm 2007 đã ban hành 26 Nghị định quy định các nội dung và chế tài; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân và tổ chức trong hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác, vận chuyển, sản xuất, chế biến, trồng, chăm sóc và phát triển tài nguyên rừng. Thủ tướng chính phủ (CTHĐBT) từ năm 1981 đến 2007 cũng đã ban hành 194 Quyết định về các chiến lược, chính sách nhằm định hướng, hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức tham gia quản lý, bảo vệ, kinh doanh và phát triển tài nguyên rừng, trong số đó đáng chú ý có các Quyết định: Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển rừng giai đoạn 2007 – 2015, Quyết định 69/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Quyết định 18/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020. Ngoài ra, chúng ta còn có 27 Thông tư hướng dẫn thực hiện các nghị định trong việc quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển tài nguyên rừng.

           Hệ thống văn bản Quốc tế cũng đã tương đối đầy đủ, bao gồm: Công ước liên quan đến bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên thế giới,1972; Công ước về vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như nơi cư trú của loài chim nước RAMSAR, 1971;  Công ước về buôn bán quốc tế những loài động vật thực vật có nguy cơ bị đe dọa; Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô zôn, 1985; Công ước về đa dạng sinh học, 1994

           Với hệ thống văn bản trên, chúng ta đã có tương đối đầy đủ cơ sở để thực hiện việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên rừng một cách hiệu quả, hợp lý và bền vững. Tuy nhiên việc thực hiện các văn bản này còn chưa hiệu quả, vai trò của lực lượng kiểm lâm đã được quy định rõ nhưng thực tế họ chưa có quyền lực đủ lớn để thực hiện các chế tài một cách độc lập và hiệu quả. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải có các chính sách hợp lý hơn để hỗ trợ về kinh phí và khuyến khích các cá nhân và tổ chức tham gia tích cực và hiệu quả hơn trong vấn đề quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển vốn rừng.

+ Mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút nguồn vốn và tiến bộ khoa học kỹ thuật để đầu tư cho phát triển lâm nghiệp; xây dựng các ngân hàng gen; bảo tồn, nhân giống các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, phục hồi nguồn gien từ các tế bào hiện còn của các loài đã tuyệt chủng; tăng cường công tác nghiên cứu các biện pháp lâm sinh và công nghệ chế biến lâm sản; cải tạo và xây dựng các tập đoàn cây giống phù hợp cho các vùng sinh thái với mục đích kinh doanh khác nhau.

+ Quy hoạch, xây dựng các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, khu rừng cảnh quan, rừng kinh tế và có cơ chế rõ ràng để có phương pháp quản lý, sử dụng hợp lý cho từng đối tượng. Nâng cao đời sống, đào tạo nghề cho người dân có cuộc sống liên quan trực tiếp đến rừng, đặc biệt là những cộng đồng dân cư sống trong vùng đệm. Di dân ra khỏi các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. 

+ Tăng cường phát động công tác trồng rừng mới, phong trào trồng cây phân tán. Khai thác rừng có chọn lọc với cường độ hợp lý, tức là chỉ tiến hành khai thác đối với đối tượng chưa có nguy cơ tuyệt chủng và số lượng khai thác hàng năm phải nhỏ hơn hoặc bằng mức tăng trưởng trong năm của đối tượng khai thác. Khuyến khích sử dụng các vật liệu thay thế gỗ, nghiêm cấm việc săn bắt động vật rừng vì mục đích thương mại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro