51-53,Bước phát triển mới của cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.3.1. Pháp - Mĩ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Đông Dương

- Sau chiến thắng Biên giới thu đông năm 1950, dù phải chịu nhiều thất bại cay đắng, nhưng đế quốc Pháp - Mĩ vẫn đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Việt Nam, ngày 6-12-1950, Pháp cử đại tướng Đờ lát đờ Tátxnhi (tư lệnh lục quân khối Tây Âu) sang làm Tổng chỉ huy kiêm Cao ủy Đông Dương đã đề ra một kế hoạch quân sự quy mô lớn gồm 4 điểm :

+ Gấp rút xây dựng quân Âu - Phi, xây dựng một lực lượng chiến lược cơ động mạnh, ra sức phát triển ngụy quân (thực hiện vàng hóa quân đội), xây dựng lực lượng “quân đội quốc gia” bù nhìn.

+ Thiết lập tuyến phòng thủ “boongke” (công sự bằng bê tông cốt thép), và lập một “vành đai trắng” bao quanh đồng bằng và trung du Bắc Bộ

+ Tiến hành “chiến tranh tổng lực” bình định vùng tạm chiếm, vơ vét sức người, sức của của nhân dân ta để tăng cường lực lượng của chúng.

+ Phá hoại hậu phương của ta bằng lực lượng thổ phỉ, gián điệp, biệt kích, bằng chiến tranh tâm lý, tuyên truyền cho độc lập giả hiệu, tiến hành chiến tranh kinh tế, kết hợp với oanh tạc bằng phi pháo. Đờlát dành mọi nỗ lực vào chiến trường miền Bắc Việt Nam.

- Để thực hiện âm mưu trên, Pháp ráo riết bắt lính, xây dựng được 7 binh đoàn chiến lược cơ động, nâng tổng số quân từ 23 vạn (1950), lên 39 vạn (1951). Trong đó quân ngụy chiếm 65%. Pháp cũng gấp rút xây dựng 1.300 lô cốt ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, càn quét thường xuyên vào vùng tự do của ta, thực hiện chính sách 3 sạch để gây không khí khiếp sợ trong nhân dân.

1.3.2. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2 - 1951)

- Trước đây, do những hoàn cảnh đặc biệt sau Cách mạng tháng Tám, ngày 11-11-1945 Đảng ta tuyên bố “tự giải tán”.Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, để hạn chế sự xuyên tạc của kẻ thù, để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân đòi hỏi Đảng phải ra hoạt động công khai.

- Đảng Cộng sản Đông Dương đã tiến hành họp Đại hội lần thứ II tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang từ ngày 11-2 đến 19-2-1951. Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương do Hồ Chủ Tịch trình bày, Báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam” do Trường Chinh đọc, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ mới của Đảng, bầu Ban chấp hành Trung ương…

+ Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh đã phân tích tình hình thế giới, tổng kết các chặng đường đấu tranh và phát triển của Đảng, phân tích âm mưu của đế quốc Mĩ, nêu rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc này là : “Tiêu diệt thực dân Pháp và bọn can thiệp Mĩ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới”.

+ Báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam” của Trường Chinh đã trình bày có hệ thống và sâu sắc toàn bộ đường lối Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, về Đảng lao động Việt Nam.

+ Đại hội cũng đề ra những chính sách cơ bản về công tác xây dựng và củng cố chính quyền, tăng cường quân đội, mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế...

+ Đại hội quyết định đưa Đảng ta ra hoạt động công khai và lấy tên là Đảng lao động Việt Nam, hai nước Lào và Campuchia phải xây dựng ở mỗi nước một chính đảng phù hợp với điều kiện cụ thể, và có nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng mỗi nước đến thắng lợi.

+ Đại hội thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ mới của Đảng, quyết định xuất bản báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng.

+ Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, Trường Chinh làm Tổng Bí thư.

- Tháng 3-1951, Đại hội thống nhất mặt trận Việt Minh và Liên Việt đã thành công tốt đẹp, hai Mặt trận thống nhất lấy tên là Mặt trận Liên Việt. Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch Mặt trận.Ngày 13-3-1951, Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Đông Dương đã họp và đi đến thống nhất thành lập khối Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào. Sự kiện này đã giáng một đòn mạnh vào âm mưu chia rẽ ba dân tộc Đông Dương của thực dân Pháp.

1.3.3. Những thành tích xây dựng hậu phương trong những năm 1951 - 1953

- Thành tựu về kinh tế

+ Ngày 1-5-1951, Chính phủ ra Sắc lệnh về thuế nông nghiệp (sau là thuế công thương nghiệp) nhằm huy động sự đóng góp của nhân dân vào ngân sách Nhà nước, đảm bảo nhu cầu ngày càng cao của kháng chiến. Sắc lệnh thuế còn có tác dụng thúc đẩy sản xuất, góp phần ổn định đời sống nhân dân, huy động được một khối lượng cần thiết lương thực, thực phẩm cho kháng chiến.

+ Tháng 6-1951, Chính phủ ra Sắc lệnh thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam, ban hành giấy bạc Việt Nam để ổn định nền tài chính của ta và đấu tranh kinh tế với địch.

+ Năm 1952, Chính phủ đề ra cuộc vận động toàn dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm, phong trào này trở thành một phong trào có tính chất quần chúng, lôi cuốn mọi ngành, mọi giới tham gia.

+ Để bồi dưỡng sức dân, Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Tháng 4-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra 3 Sắc lệnh về ruộng đất : Sắc lệnh giảm tô 25%, Sắc lệnh trừng trị bọn địa chủ không tuân theo pháp luật, Sắc lệnh tạm cấp ruộng đất của bọn việt gian chia cho dân nghèo không có ruộng hoặc chỉ có ít ruộng. Tháng 12-1953, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội đã thông qua “Luật cải cách ruộng đất” và tiến hành cải cách ruộng đất ở vùng tự do.Từ tháng 4-1953 đến tháng 7-1953, Chính phủ đã thực hiện 5 đợt giảm tô và một đợt cải cách ruộng đất. Tuy mới chỉ tiến hành bước đầu, nhưng được tiến hành vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến nên nó có tác dụng tích cực trong việc bồi dưỡng sức dân và nâng cao tinh thần các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận.

- Văn hóa - giáo dục

+ Văn hóa có bước tiến mạnh mẽ góp phần vào sự nghiệp cách mạng. Văn nghệ sĩ cũng lên đường ra trận, tham gia chiến dịch, họ bám sát theo bước chân người lính, các đoàn dân công, các đội thanh niên xung phong. Cuộc sống chiến đấu của dân tộc và của chính người nghệ sĩ đã làm nảy nở nhiều tác phẩm giàu tính chiến đấu.

+ Cải cách giáo dục được đề ra từ tháng 7-1950 tiếp tục thực hiện theo 3 phương châm: giáo dục phục vụ sản xuất, dân sinh và chiến đấu, gắn nhà trường với đời sống xã hội. Giáo dục có những bước phát triển vượt bậc, sinh viên đại học và trung học chuyên nghiệp tăng, số người gửi đi nước ngoài học tăng mạnh nhằm mục đích chuẩn bị cho việc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Phong trào Bình dân học vụ, xóa mù chữ phát triển, 14 triệu người đã thoát nạn mù chữ.

+ Cuộc vận động vệ sinh phòng bệnh, chăm lo sức khỏe cho nhân dân được coi trọng. Bệnh viện, bệnh xá, phòng y tế, trạm cứu thương được xây dựng ở khắp nơi. Nhân dân tích cực thực hiện đời sống mới, bài trừ mê tín dị đoan, chống tệ nạn cờ bạc rượu chè.

- Ngày 1-5-1952, 154 đại biểu đã về dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đại hội đã tuyên dương 7 anh hùng: Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh...

1.3.4. Giữ vững thế chủ động tấn công địch trên chiến trường

Mặc dù những trận càn quét quy mô lớn của địch cuối năm 1950, đầu 1951 đã gây cho ta khá nhiều khó khăn, nhưng trên cơ sở lực lượng được củng cố và tăng cường về mọi mặt, ta liên tiếp mở hàng loạt chiến dịch đánh vào phòng tuyến của địch ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ

- Chiến dịch Trần Hưng Đạo (chiến dịch Trung du) 26 -12 -1950 đến 17-1-1951: ta dùng bộ đội chủ lực tấn công vào hệ thống phòng ngự của địch ở Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Ninh.

- Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (chiến dịch đường số 18) từ 20-3 đến 7-4-1951

- Chiến dịch Quang Trung (chiến dịch Hà Nam Ninh) từ 28-5 đến 20-6 -1951: ta đánh vào hệ thống phòng ngự của địch ở Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Ba chiến dịch trên được mở liên tiếp, và là những chiến dịch tương đối lớn mà ta chủ động đánh vào hệ thống phòng ngự của địch ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, ta đã tiêu diệt hơn một vạn quân địch. Nhìn chung cả ba chiến dịch trên ta đều không đạt được mục đích chiến lược.

- Chiến dịch Hòa Bình(11-1951 đến 2-1952)

+ Thực hiện chiến lược quân sự mới, tướng Đờlát đờ Tatxnhi chọn Hòa Bình làm điểm quyết chiến với ta. Thực hiện “nhử Việt Minh vào trận đánh lớn do mình sắp xếp”.

+ Mục đích của chiến dịch Pháp đặt ra là nối lại hành lang đông – tây chia cắt căn cứ địa Việt Bắc với Liên khu III, IV. Giành một thắng lợi quân sự để củng cố tinh thần binh lính đang hoang mang dao động.

+ Tháng 11-1951, Pháp dùng một lực lượng lớn tấn công ra hướng Hòa Bình, ngày 14-11 Pháp chiếm Hòa Bình.

+ Cuộc tấn công quy mô lớn của Pháp lên Hòa Bình gây cho ta nhiều khó khăn, song cũng tạo cơ hội tốt để ta tiêu diệt chúng. Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ thị phải phá tan cuộc tấn công của địch lên dịch Hòa Bình.

+ Ta dùng 3 đại đoàn chủ lực tiến hành bao vây, chia cắt và tiêu diệt quân cơ động của địch, cắt đứt mọi liên lạc giữa Hòa Bình với các nơi khác, không cho Pháp ứng cứu cho Hòa Bình. Một mặt khác, ta dùng 2 đại đoàn chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương và du kích đột nhập vào một loạt thị xã như Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình... diệt hàng trăm đồn bốt địch, giải tán hàng ngàn hội tề.

Với cách đánh như vậy, địch vừa bị ta bao vây chặt tại hướng Hòa Bình, nhưng chúng không dám liều lĩnh điều quân ứng cứu cho mặt trận chính.

+ Ngày 5-2-1952, địch thực hiện rút chạy khỏi Hòa Bình (23-2 thì rút hết), trên đường tháo chạy, chúng còn bị bộ đội ta đánh truy kích, tiêu diệt thêm một bộ phận nữa.

+ Chiến dịch Hòa Bình kết thúc thắng lợi, trên tất cả các mặt trận ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 22.000 tên địch, giải phóng hoàn toàn khu vực Hòa Bình - sông Đà. Các căn cứ du kích của ta được mở rộng và nối với nhau thành thế liên hoàn vững chắc. Đây là trận tập dượt cho chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.

- Chiến dịch Tây Bắc (từ tháng 10 đến 12-1952)

+ Tây Bắc là vùng có vị trí chiến lược quan trọng và là nơi hiểm yếu, nó có thể uy hiếp Việt Bắc và che chở cho vùng Thượng Lào. Thực hiện kế hoạch đã đề ra, ngày 14-10-1952, ta tiến đánh Nghĩa Lộ, Mộc Châu, Sơn La, Yên Bái... Sau 2 tháng chiến đấu, đến 10-12 ta chủ động kết thúc chiến dịch. Ta đã tiêu diệt 13.000 tên địch, giải phóng toàn bộ tỉnh Nghĩa Lộ, một phần tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái với 250.000 dân, đồng thời phá tan âm mưu lập “Xứ Thái tự trị” của Pháp.- Chiến dịch Thượng Lào (ngày 17-4-1953)

+ Sau chiến thắng Tây Bắc, Việt Nam có thêm điều kiện để phối hợp chiến đấu với chính phủ và quân đội Lào. Mùa xuân năm 1953, bộ đội Việt Nam phối hợp với bộ đội Pa thét Lào mở chiến dịch Thượng Lào. Điểm tấn công là tỉnh Sầm Nưa. Sau gần 1 tháng chiến đấu, ta đã hoàn tất các mục tiêu, giải phóng hoàn toàn tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phôngxalỳ với tổng cộng 300.000 dân.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro