53-54,Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kết thúc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.4.1. Âm mưu mới của Pháp - Mĩ. Kế hoạch Nava

- Ngày 7-5-1953, tướng Nava - tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương được cử sang Đông Dương làm tổng chỉ huy quân đội Pháp thay Xalăng, Nava mang theo kế hoạch chiến lược mang tên mình và hy vọng chuyển bại thành thắng trong vòng 18 tháng và kết thúc chiến tranh. Tháng 7-1953, chính phủ Pháp và hội đồng quốc phòng Pháp đã thông qua kế hoạch.

- Về tác chiến, kế hoạch Nava chia ra làm hai bước:

+ Bước 1 (từ thu đông năm 1953 đến xuân 1954)

Pháp chủ trương giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tránh giao chiến với chủ lực của ta, thực hiện tấn công chiến lược ở miền Nam, đồng thời ra sức mở rộng ngụy quân, tập trung binh lực, xây dựng một lực lượng cơ động mạnh.

+ Bước 2 (từ mùa thu năm 1954): Chuyển toàn bộ lực lượng ra miền Bắc, thực hiện tấn công chiến lược, cố giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc chúng ta đàm phán theo những điều kiện có lợi cho Pháp.

- Để thực hiện kế hoạch Pháp tìm mọi cách tăng viện quân, đến mùa xuân năm 1954, tổng số quân địch là 480.000 quân. Được Mĩ viện trợ, Pháp còn trang bị nhiều vũ khí mới như súng liên thanh, súng phun lửa, máy bay, xe tăng 18 tấn...

- Kế hoạch Nava là kế hoạch chiến lược có quy mô rộng lớn, thể hiện tập trung sự cố gắng lớn nhất và cuối cùng của Pháp có sự giúp đỡ to lớn của Mĩ trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Dù rất nham hiểm, nhưng kế hoạch Nava là sản phẩm của thế thua, thế bị động, nên chứa đầy mâu thuẫn.

1.4.2. Cuộc tấn công chiến lược Đông - Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954)

- Cuộc tấn công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954

+ Chủ trương của ta: Tháng 9-1953, Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã họp và thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954 với quyết tâm giữ vững thế chủ động chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương.

+ Phương hướng chiến lược được đề ra là: “Tập trung lực lượng mở những cuộc tấn công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ. Do phải phân tán lực lượng mà tạo ra cho chúng ta thêm những điều kiện mới để tiêu diệt thêm từng bộ phận sinh lực của chúng”.

+ Phương châm chung là: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”; “Đánh chắc thắng”.

Thực hiện phương châm chiến lược trên, trong Đông - Xuân 1953-1954, quân ta mở một loạt chiến dịch tiến công đối phương trên nhiều hướng, ở hầu khắp các chiến trường trên toàn Đông Dương, kiên quyết giữ vững thế chủ động, đồng thời buộc Nava phải đánh theo cách của ta.

+ Ngày 20-11-1953, phát hiện bộ đội của ta di chuyển lên hướng Tây Bắc, Nava cho 6 tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ nhảy dù xuống Điện Biên Phủ vừa để bảo vệ Điện Biên Phủ, vừa bảo vệ Thượng Lào. Ngày 10-12-1953, một bộ phận bộ đội ta bao vây Điện Biên Phủ, bộ phận còn lại tiến đánh giải phóng Lai Châu. Cuộc tấn công của ta đã Nava buộc phải tăng thêm 6 tiểu đoàn cơ động cho Điện Biên Phủ.

+ Đầu tháng 12-1953, phối hợp với bộ đội Pathét Lào, ta đánh mạnh ở Trung Lào, giải phóng Thà Khẹt, bao vây Xavanakhét và căn cứ Sênô buộc địch phải tăng cường lực lượng cho Sênô.

+ Ở Hạ Lào, một đơn vị nhỏ quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân đội Pathét Lào men theo dãy Trường Sơn, vượt hơn 200 km đường rừng tiến xuống giải phóng thị xã Atôpơ và toàn bộ cao nguyên Bôlôven, thừa thắng bộ đội ta tiến sát phía nam đường số 9, Hạ Lào bị uy hiếp mạnh. Địch phá kho vũ khí tháo chạy.

+ Ngày 20-1-1954, Nava tập trung 20 tiểu đoàn mở chiến dịch Átlăng đánh chiếm Tuy Hòa. Kiên quyết giữ vững thế chủ động đánh địch, ta chỉ để lại một bộ phận chủ lực và du kích chống càn. Tháng 2-1954 bộ đội ta tiến đánh địch ở Bắc Tây Nguyên giải phóng Kontum, buộc địch phải bỏ dở cuộc hành quân lên Tuy Hòa (Phú Yên) để tăng cường lực lượng giữ Plâycu.

+ Cũng vào cuối tháng 1-1954, bộ đội chủ lực ta phối hợp với quân đội Pathét Lào tiến đánh địch ở Thượng Lào giải phóng tỉnh Phongxalỳ, uy hiếp Luông Phabang. Nava phải dùng cầu hàng không đưa quân đội từ đồng bằng Bắc Bộ tăng cường cho Luông Phabang và Mường Sài.

+ Trong khi đó, phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính, chiến tranh du kích phát triển mạnh ở vùng sau lưng địch (Bắc Bộ, Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình Trị Thiên), ngay cả các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, ta cũng đánh tập kích vào sân bay Bạch Mai, Cát Bi. Con đường số 5 là huyết mạch giao thông quan trọng của địch liên tiếp bị phục kích, nhiều lúc bị tê liệt, nhiều đoàn tàu, đoàn xe bị phá hủy. Thực dân Pháp hết sức lúng túng bị động.

Chiến dịch Điện Biên Phủ

- Từ tháng 12-1953, Nava quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Nam Á, với một hệ thống hầm ngầm, bê tông kiên cố, liên hoàn có thể ứng cứu cho nhau khi bị ta tấn công. Quân số của địch lúc đông nhất là 16.200 tên do tướng Đờcatxtri chỉ huy.

+ Lực lượng của Pháp ở Điện Biên Phủ được bố trí thành một hệ thống phòng ngự mạnh gồm49 cứ điểm, chia làm 3 phân khu, 2 sân bay, 1 trận địa pháo... Với cách bố trí và trang bị như vậy, Điện Biên Phủ trở thành khâu chính của của kế hoạch Nava, Pháp dọa rằng sẽ nghiền nát bộ đội Việt Minh nếu dám “liều lĩnh” đem quân lên đánh nhau với Pháp.

- Về phía nhân dân ta:

+ Nhận rõ âm mưu và tham vọng của Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ, từ đầu tháng 12 năm 1953, Trung ương Đảng, Quân ủy trung ương và Hồ Chủ Tịch quyết định chấp nhận cuộc chiến đấu tại đây - quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ trở thành điểm “quyết chiến chiến lược” giữa ta và Pháp.

+ Bộ chính trị quyết định thành lập bộ chỉ huy, Đảng ủy mặt trận và Hội đồng cung cấp cho mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng phụ trách.

+ Quyết tâm của Bộ chính trị, của Hồ Chủ Tịch đã biến thành ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, ta đã động viên cả một hậu phương hùng hậu đổ người đổ của và đổ cả nhiệt tình chiến đấu cho mặt trận Điện Biên Phủ.

- Diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ: chiến dịch được bắt đầu từ ngày 13-3 và kết thúc thắng lợi ngày 7-5, các cuộc tấn công của ta được chia làm 3 đợt:

+ Đợt 1 từ 13 đến 17-3-1954: Quân ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam và toàn bộ phân khu bắc (bao gồm Độc Lập, Bản Kéo), 2.000 địch bị diệt và bắt sống, 26 máy bay bị phá hủy. Ta phá tan cánh cửa sắt của địch ở phía bắc, mọi con đường bộ đến Điện Biên Phủ bị ta cắt đứt hoàn toàn.

+ Đợt 2 từ 30-3 đến 26-4-1954: vào lúc 18h00 ta đồng loạt tấn công các cứ điểm ở phía đông khu trung tâm Mường Thanh như các đồi E1, D1, C1, C2, A1... ta chiếm phần lớn các cứ điểm của địch. Tại đồi A1, ta và địch giành nhau từng tấc đất, cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt suốt 36 ngày đêm. Có lúc mỗi bên giữ một nửa quả đồi. Ta xiết chặt vòng vây bằng hệ thống giao thông hào dài hàng trăm km, cắt đứt con đường tiếp tế duy nhất còn lại bằng đường không của địch. Đế quốc Mĩ tăng viện gấp cho Điện Biên Phủ nhưng đã muộn.

+ Đợt 3 từ 1-5 đến 7-5-1954: Quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía đông, địch tháo chạy sang Lào. Đêm 6-5, tiếng nổ của khối bộc phá nặng 1.000kg ở chân đồi A1 làm rung chuyển cả một vùng rừng núi (khối bộc phá cũng đã phá tan quả đồi A1) cũng chính là pháo lệnh xung phong cho toàn mặt trận. Đợt tổng công kích của ta vào các cứ điểm còn lại bắt đầu. 17giờ 30 phút ngày 7-5-1954, tướng Đờcátxtơri cùng toàn bộ bộ tham mưu của Pháp ở Điện Biên Phủ đã bị bắt sống. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

- Thắng lợi của nhân dân ta ở Điện Biên Phủ là một trong những thắng lợi oanh liệt nhất trong kháng chiến chống xâm lược. Thắng lợi đó góp phần quyết định vào việc buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.

1.4.3. Hội nghị Giơnevơ và Hiệp định Giơnevơ 1954 về lập lại hòa bình ở Đông Dương

- Bối cảnh của hội nghị Giơnevơ

+ Tháng 11-1953, Hồ Chủ Tịch nói rõ thiện chí của chính phủ Việt Nam là sẵn sàng thương lượng với Pháp để tìm kiếm một giải pháp sớm kết thúc chiến tranh.

+ Tháng 1-1954, Hội nghị ngoại trưởng 4 nước lớn là Anh, Pháp, Liên Xô và Mĩ họp tại Béclin đã thỏa thuận về việc triệu tập một hội nghị quốc tế ở Giơnevơ để bàn về việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 26-4-1954, giữa lúc cuộc tấn công của ta ở Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn gay go ác liệt nhất, thì Hội nghị Giơnevơ khai mạc (tham dự hội nghị có 9 đoàn đại biểu). Đoàn đại biểu Chính phủ ta do Phạm Văn Đồng dẫn đầu, đại diện cho chính quyền Bảo Đại là Nguyễn Quốc Định).

- Diễn biến của hội nghị

Hội nghị Giơvevơ họp 8 phiên toàn thể, 23 phiên họp hẹp rất căng thẳng, có hai giai đoạn nhỏ:

Từ 26-4 đến 7-5 bàn về những vấn đề thuộc chiến tranh Triều Tiên.

Từ 8-5 đến 21-7-1954 bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

+ Ngày 8-5-1954, Hội nghị bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương thì tin thắng trận từ Điện Biên Phủ bay đến hội nghị. Phái đoàn Chính phủ ta do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng và thứ trưởng Tạ Quang Bửu dẫn đầu bước vào hội nghị với tư thế đại diện cho một dân tộc vừa làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ làm “chấn động địa cầu”.

+ Cuộc đấu tranh ngoại giao ở Giơnevơ diễn ra hết sức gay go quyết liệt, cuối cùng do thất bại ở Việt Nam đã quá rõ ràng, do dư luận quốc tế phản đối chiến tranh, do thái độ kiên quyết của phái đoàn chính phủ ta ngày 21-7-1954 Hiệp định Giơnevơ được ký kết.

- Nội dung của Hiệp định

+ Chính phủ Pháp và các nước tham gia hội nghị tuyên bố cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân 3 nước Đông Dương, tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân 3 nước.

+ Hai bên ngừng bắn, tập kết chuyển quân về hai vùng, lấy vĩ tuyến 17 (dọc theo sông Bến Hải - Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời và một khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến.

+ Hiệp định cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào Đông Dương, các nước ngoài không được đặt căn cứ quân sự ở Đông Dương, các nước Đông Dương không được tham gia vào các liên minh quân sự, không được để cho các nước khác dùng lãnh thổ của mình để gây chiến tranh, hoặc phục vụ những mục đích xâm lược.

+ Việt Nam sẽ thực hiện thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do trong cả nước sau thời hạn 2 năm (7-1956), dưới sự giám sát của một Ủy ban giám sát quốc tế.

+ Trách nhiệm thi hành hiệp định thuộc về những người ký kết Hiệp định và những người kế tục sự nghiệp của họ.

Tuy còn hạn chế và chưa phản ánh đúng thắng lợi của nhân dân ta, nhưng Hiệp định Giơnevơ cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mĩ ở Đông Dương (1945-1954). Pháp phải rút quân về nước, miền Bắc nước ta được giải phóng hoàn toàn và chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

1.4.4. Ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mĩ (1945 - 1954)

- Ý nghĩa lịch sử

+ Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, tạo cơ sở để nhân dân ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

+ Giáng một đòn nặng nề vào chủ nghĩa thực dân kiểu cũ của thực dân Pháp cùng âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của đế quốc Mĩ. Cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới trước hết là châu Á, châu Phi và Mĩlatinh.

- Nguyên nhân thắng lợi

+ Trước tiên, đó là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương

+ Sự đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất và hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân trong cả nước.

+ Thắng lợi đó còn do toàn quân, toàn dân ta đã đoàn kết một lòng, quyết chiến đấu vì độc lập tự do, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

+ Sự vững mạnh của hậu phương

+ Sự ủng hộ và giúp đỡ của cả loài người tiến bộ trên thế giới cả về vật chất và tinh thần, trước hếtnhân dân ta đã xây dựng được liên minh chiến đấu và tình đoàn kết đặc biệt với nhân dân Lào và Campuchia anh em, sau nữa là sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Pháp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro