55: Tiền chuộc ở núi Đao Phủ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tập 55: Tiền chuộc ở núi Đao Phủ

Một.

Lỗi của Tròn Vo.

Karl đã chờ sẵn. Nó ngồi trên xe đạp, một chân chống xuống vỉa hè, đang lau cặp kính gọng kền.

- Tao đây, - Tarzan xuống xe. - Willi đâu?

Chiếc xe lấm lem của Tròn Vo dựa cạnh một quầy kính trưng bày các cảnh trong phim của một rạp chiếu bóng.

- Nó phải đi mua sôcôla gấp, - Karl cười, - đằng cửa hiệu kia kìa. Tao chưa bao giờ thấy Willi của chúng ta xúc động tợn như vậy. Có chuyện gì đó đã xảy ra. Willi vừa nói là suốt sáng nay nó ở Tổng nha cảnh sát.

- Lạ nhỉ! - Tarzan nói.

Willi vừa chạy qua đường, vừa nhét hai phong sôcôla vào hai bên túi quần.

- Xin chào! - Cu cậu hổn hển. - Chào Tarzan! Điên rồ!

- Chào Willi! Trông mày có vẻ căng thẳng quá đấy.

- Căng thẳng mà thôi à! Cuối tuần qua ở Kopen­hagen là cả một địa ngục. Bà cô Pris­nel­la suýt giết chết tao. Bọn mày thử tưởng tượng: bà ấy tổ chức sinh nhật lần thứ chín mươi chín suốt hai ngày ròng. Mà lúc nào cũng khiêu vũ. Nhảy vanxơ triền miên. Tao nghỉ dưới mái tóc bạc như cước của bà ấy không được ổn cho lắm. Có ai gần kề miệng lỗ rồi mà còn nhảy vanxơ hàng tiếng liền bao giờ? Vì bà cô Pris­nel­la thấy tất cả những bạn nhảy khác đều quá lờ đờ, nên cứ nhất định muốn anh chàng trẻ trai nhất khiêu vũ với mình. Mà anh chàng đó là tao đây. Bây giờ chân tao còn nhiều vết phồng rộp hơn là tóc trên đầu. Tụi mày biết đấy, nào tao có biết nhảy vanxơ cho cam. Bà Pris­nel­la cũng đâu biết khiêu vũ nửa. Nhưng đá chân thì chẳng kém gì một trung phong của một đội tuyển bóng đá quốc gia.

Tarzan cười:

- Cuộc đời có thể khắc nghiệt thế đấy. Nhưng có việc gì mà mày lại phải gặp cảnh sát?

Tròn Vo bóc một phong sôcôla, cắn ngon lành:

- Chưa đến phần rủi nhất. Và tao cảm thấy mình có lỗi phần nào. Mặt khác, cũng chẳng phải tại tao. Vì nếu không bị căng thẳng bởi những điệu vanxơ, thì nhất định tao đã phản ứng khác hẳn. Tao buộc phải thấy lỗi lớn là của ông bố thân yêu của tao. Lẽ ra phải giúp tao thoát khỏi bà cô Pris­nel­la, thì ông lại cười thoái thác rằng bị đau khớp đầu gối trái, và chỉ khiêu vũ với bà ấy mỗi một vòng. Sáng nay, khi nhà tao xuống sân bay ở đây, tao hoàn toàn kiệt sức.

- Aha. Rồi sao?

- Như tao vừa nói đấy: phần rủi nhất... ôi, ôi, ôi !

- Mày có định kể cho xong ở đây không? - Tarzan hỏi. - Hay sẽ kể dọc đường? Hay đến nhà Ga­by mới kể?

- Tao mừng vì Al­ice đang ở nhà Công Chúa. - Tròn Vo thở phì phì. - Có đúng không hở? Nếu quả thực Al­ice có tài vẽ như tao nghe nói thì nhất định cô ấy phải vẽ ra một bức chân dung của thủ phạm. Theo sự mô tả của tao. Giống như cảnh sát vẫn làm ấy. Tao kể luôn nhé?

- Tụi này nghe đây.

- Tao bắt đầu luôn đoạn kết. Phần đầu tao đã kể rồi.

- Cái chính là mày làm ơn bắt đầu ngay cho - Tarzan sốt ruột.

Tròn Vo lại cắn sôcôla, vừa nhai vừa nói:

- Máy bay hạ cánh. Mẹ, bố, và tao cùng đi ra chỗ lấy hành lý. Nhưng chỉ lấy vali thôi. Còn cái hộp của mẹ tao thì bà mang kè kè bên người. Tụi mày đoán được tại sao không hở?

- Chịu, - Karl đáp. - Kể đi!

- Chả là trong những dịp gặp gỡ họ hàng, ai cũng khoe những gì mình có. Thứ nhất là để chọc tức tí chơi những ông chú bà dì mà mình vốn không ưa. Thứ hai: những vật quý còn đâu là quý, nếu cứ nằm lỳ trong két. Chuỗi hạt kim cương là để đeo lên cổ, đôi khuyên nạm kim cương là để làm đỏm đôi tai, và vòng đeo tay...

- Vô vấn đề đi! - Tarzan ngắt lời.

- Thì tao đang sắp nói đây. Mẹ tao mang theo cả cân vàng, bạch kim và đá quý. Chẳng phải để phô trương, mà là để tỏ ra kính trọng bà cô Pris­nel­la. Toàn bộ số đồ trang sức để trong cái hộp đó.

- Aha! - Karl và Tarzan cùng thốt lên.

- Chú lái xe Georg đợi bên ngoài, chú ấy bao giờ cũng tuyệt đối đúng hẹn.

- Cả nhà tao đi ra xe. Cố nhiên chú Georg hỏi chuyến bay có tốt đẹp không. Rồi chú xách vali cho bố mẹ tao. Riêng tao, kẻ mệt mỏi nhất, lại phải tha lấy vali của mình. Phải, rồi mẹ tao sực nhớ bà để quên chiếc xắc tay trong sảnh sân bay. Thế là cả ba người lớn quay vào tìm. Chỉ có tao ngồi lại trong xe. Thì phải có một người ở lại trông chứ.

- Trông gì? - Karl hỏi.

- Trông những chiếc vali để trong cốp xe, đặc biệt là hộp nữ trang của mẹ tao. Bà đặt nó bên cạnh tao, trên ghế sau xe.

Tròn Vo thở dài não nuột, mặt đăm đăm nhìn vào phong sôcôla, bàn tay rảnh cứ hết kéo lên lại kéo xuống khóa chiếc áo gió.

- Kể tiếp đi! - Tarzan giục. - Cho dù đã xảy ra chuyện gì đi nửa, mày cũng đừng ngượng.

- Tao chỉ muốn chui xuống đất.

- Vậy là mày phải để ý trông hộp nữ trang, - Karl nhắc bạn trở lại đề tài câu chuyện.

- Ừ. Nhưng tao vừa căng thẳng, vừa mệt! Tao rụt đầu lại và ngủ thiếp tức thì. Thậm chí còn mơ nửa. Nhưng chuyện mơ này không quan trọng, hở? Chỉ biết tao bỗng thức giấc, nhưng chỉ hé mắt phải. Tao thấy một kẻ mở cửa sau xe. Ối chao, đó là kẻ nhếch nhác nhất trong mọi kẻ lang thang. Tao không hề mở mắt trái. Vì cái mặt ấy chẳng bõ nhìn.

- Rồi sao?

- Gã đặt chiếc áo măngtô tã xuống cạnh tao và toan lên xe. Nhưng rồi cái đầu óc ngu muội của gã chợt sáng ra. Đây có phải xe taxi không? Gã hỏi. - Tao đáp: Không phải taxi. Thứ nhất: taxi bao giờ cũng màu trắng, thứ hai: đây là xe riệng của nhà tôi. Rõ chưa? Các cậu ạ, tuy tao có mệt thật, nhưng cảnh giác đáo để. Loại người như gã phải xua ngay, không lại xin xỏ cho mà xem. Gã lang thang xin lỗi, nhấc chiếc áo khoác tã lên và sập cửa xe lại. Tao lại ngủ tiếp đi.

Tarzan thở dài:

- Rồi mọi người quay ra, và mẹ mày nhận thấy cái hộp nữ trang bị mất. Vì gã kia đã nẫng mất nó, khi cầm chiếc áo khoác tã của gã lên chứ gì.

- Không phải mẹ tao, mà là bố tao đã phát hiện ra cái hộp bị mất. Mẹ tao khi đó còn mải kiểm tra xem mọi thứ trong xắc tay có đủ không.

Tai hoạ! Tarzan nghĩ. Đích là lỗi của Tròn Vo. Nhưng bản thân nó cũng biết như vậy, nên tốt nhất lúc này là không đả động đến chuyện ấy, kẻo nó suy sụp tinh thần.

- Cảnh sát ở sân bay lập tức truy tìm gã lang thang, - Tròn Vo tiếp tục. - Nhưng vô hiệu. Có lẽ gã đã nấp trong một thùng rác nào đó. Số đồ nữ trang giá trị lớn đến đâu, tao không thể nói được. Nếu gã kia bán đi, gã sẽ thừa tiền tậu một ngôi nhà hoặc hai cỗ xe Rolls Royce, hoặc... Mẹ tao khóc như mưa. Còn bố tao phải uống vài giọt thuốc an thần. Chú Georg thì hầu như không lái được xe nửa. Suýt nửa chú đâm sầm vào một cây đèn hiệu. Các bạn ơi, tao xấu hổ lắm! Tao tình nguyện nhịn tiêu vặt cho tới tuổi thành niên. Nhưng điều đó cũng chẳng an ủi nổi mẹ tao.

- Sau đó gia đình mày đã đến sở cảnh sát, - Tarzan nói, - tao nghĩ chắc có gặp bố của Ga­by.

Tròn Vo gật đầu:

- Thanh tra Glock­ner đã cố gắng hết sức. Tao phải xem ảnh bọn có tiền án tiền sự lưu ở sở cảnh sát cả tiếng đồng hồ. Không thấy gã. Sau đó người ta muốn dựng chân dung gã theo sự mô tả của tao. Nhưng người chuyên vẽ chân dung lại vừa bị gãy tay hôm thứ sáu. Cái anh chàng vẽ thay đúng là đồ vô tích sự, thử vẽ cả chục lần mà vẫn chẳng ra hồn. Khi thì trông giống một chính khách, khi lại giống một siêu sao nhạc rốc. Chú Glock­ner nói rằng tao nên bình tâm lại, đến mai thử thêm lần nửa. Hy vọng tới khi ấy tao chưa quên sạch!

- Vậy trông gã ấy như thế nào?

- Mặt gã... trông giống một quả chanh.

- Chín vàng à?

- Không, chanh héo. Đã vắt kiệt nước.

- Này, Willi, - Karl nói, - theo tao, ý mày muốn nhờ Al­ice, bạn của Ga­by, vẽ chân dung gã là hay đấy. Có thể sẽ thành công, và tụi mình có cơ sở để tìm gã. Nghe nói Al­ice vẽ giỏi lắm.

Tarzan xem đồng hồ:

- Al­ice vừa mới từ Brues­sel, nơi cha mẹ cô ấy ở, sang đến đây. Nếu tụi mình đến quấy rầy quá sớm, tao nghĩ Ga­by và Al­ice sẽ tống tụi mình đi ngay. Tao đề nghị: tụi mình hãy đạp xe qua khu Rho­de­nack­er đã. Gần đây, khu đó đầy tai tiếng: buôn bán ma tuý, những quán rượu tồi tệ, những ổ bạc, những cơ sở tiêu thụ đồ trộm cắp. Tụi mình ngó qua chỗ đó một chút có thiệt hại gì đâu !

*

Để xem Al­ice Theisen là người thế nào, Tarzan nghĩ.

Không ai trong ba quái nam biết cô gái 16 tuổi này. Ngay Ga­by cho tới nay cũng mới chỉ có một tấm ảnh của Al­ice. Hai cô bắt đầu trao đổi thư từ kết bạn từ ba năm nay. Họ viết cho nhau bao nhiêu lá thư. Lần nào nhận được thư của Al­ice, Ga­by cũng mừng rỡ. Al­ice viết từ khắp nơi trên thế giới: từ New York, rồi Mexiko-​City, rồi Rom, hay Sin­ga­pur.

Không phải vì Al­ice thích đi du lịch, mà bố cô, giáo sư Theisen là một nhà hoá sinh nổi tiếng, lãnh đạo nghiên cứu trong một dự án cộng đồng châu Âu. Do nhiệm vụ của mình, ông luôn đi đây đó; và nếu có thể, là mang vợ con theo. Al­ice đã trông thấy cả nửa thế giới, nhưng vẫn chưa thạo ngữ pháp tiếng Đức.

Từ lâu Al­ice vẫn mơ ước có dịp đến thăm Ga­by. Sáng nay cô vừa đáp máy bay đến thành phố này. Chắc Ga­by kể cho Al­ice cơ man là chuyện về " ba chàng ngự lâm". Al­ice định ở đây hẳn một tuần. Phòng của Ga­by đủ chỗ cho hai đứa. Lớp 10A cũng còn chỗ. Vì từ ngày mai, Al­ice sẽ dự giờ với lớp.

- Tụi mình sẽ đạp qua ngõ Springflut, - Tarzan nói, - ngõ này quá hẹp nên cấm ôtô. Trong ngõ toàn những tiệm rượu tồi tệ. Tồi tệ nhất vẫn là quán " Nửa Tai". Những kẻ lang thang trong thành phố thường mò đến đó nốc rượu. May ra gã ăn cắp...

- Tao buộc phải làm mày thất vọng, - Karl vội bảo. - Nếu mày đến đây chỉ vì việc ấy thì phí công rồi. "Nửa Tai" đã thay đổi hoàn toàn.

- Sao kia? - Tarzan nhướn lông mày.

- Tên nó vẫn là "Nửa Tai" đấy thôi, - Tròn Vo nói.

- Đó là tên quán - Karl giải thích - Quán này có trên một thế kỷ rồi. Hồi đó, chủ quán nổi tiếng thô bạo. Không ưa ai là ông ta tống cổ liền. Thế rồi, khoảng năm 1890, đã xảy ra một vụ xô xát lớn. Một tên say rượu đã cắn đứt nửa tai chủ quán. Sau đó ông ta đổi tên quán từ "Trung Thành" sang "Nửa Tai".

- Nay quán đã thay đổi hoàn toàn à? - Tarzan hỏi, - Thí dụ?

- Tao đọc báo, - Karl kể, - thấy viết người chủ quán cuối cùng đã bán quán cho một chủ mới tên là Dobbel. Tên "Nửa tai" vẫn giữ nguyên, nhưng khách thì khác hẳn. Những kẻ lang thang, những bọn mờ ám bị cấm cửa; bọn du đảng, côn đồ, vô gia cư cũng không được bén mảng tới. Chủ quán mới chỉ tiếp loại khách sang chuyên dùng rượu sâm­panh.

Lúc này đã xế trưa. Bên cửa quán treo tấm biển "HÔM NAY NGHỈ".

Khi Tarzan đến cách tấm cửa xoay chừng ba bước chân thì bỗng thấy một cái bóng - hay một búi quần áo - bay từ trong cửa ra ngõ. Không, một người đàn ông. Ông ta bay ra ngõ, đập mạnh bụng xuống đất, mặt sấp trên nền bêtông. Lúc này ông ta lật nghiêng người. Tarzan thấy má ông ta sây sát, rướm máu.

Cái kẻ đã tống cổ con người khốn khổ đó trông khác hẳn: thân hình chắc nịch, tóc nhuộm vàng, nước da rám nắng nhân tạo trong phòng kín. Hàng ria đen nhánh như lông quạ. Cặp mắt xanh lơ lạnh lùng. Gã mặc bộ com­plê lụa màu kem, áo sơ mi đen, cà vạt màu nhũ vàng. Chân xỏ đôi giày da bóng lộn.

Mũi giày ấy đá mạnh vào sườn kẻ lang thang.

- ... Lần sau ta vặt đầu mi đấy, đồ ròi bọ, - gã rít qua kẽ răng và toan đá cho con người khốn khổ kia phát nữa.

Sự việc xảy ra cực nhanh. Không có thời gi­an nói năng lôi thôi.

Gã tóc vàng đột nhiên rú lên. Gã bị quật rất mạnh xuống mặt ngõ.

- Đáng đời anh! - Tarzan nói! - Anh định giết chết gã bù nhìn giữ dưa đáng thương này hả? Hay là sao?

- Cảm ơn cậu! - Gã lang thang lồm cồm bò dậy. - Nó... nó... đã hành hung tôi. Vô cớ đánh tôi!

Gã tóc vàng tím mặt vì đau đớn và tức giận.

- Tôi chỉ định đến chuộc đồ, - gã lang thang kêu lên. - Cách đây 4 tuần, vì hết tiền, tôi phải để lại một thứ cho ông chủ quán Ot­to Kraxmeier. Làm sao tôi biết được khách bây giờ toàn là khách mới, phong lưu! Thế mà tên này đấm ngay vào mặt tôi và xô tôi ra. Cám ơn cậu lần nữa!

Gã lang thang khép kín hai tà áo khoác rách rưới lại, chụp cái mũ xuống tận mặt, đưa cánh tay quệt máu và lủi nhanh dọc ngõ.

- Giờ đến lượt mày! - Giọng gã tóc vàng như lệnh vỡ.

Gã nhảy bật dậy, nắm đấm - đeo bốn cái nhẫn lớn - nhằm thẳng mũi Tarzan vụt tới.

Lần này, tên côn đồ bay ngược vào trong cửa xoay, xuyên vào quán, xô đổ một cái bàn nhỏ và hai chiếc ghế.

Phía sau bức tường bằng kính dày màu tím vi­olet có những cái bóng di động. Gã tóc vàng ngồi rúm dưới sàn ôm đầu.

- Ối chao! - Karl bình luận.- Nếu đó là chủ quán mới Dobbel, thì hắn sắp đổi tên quán "Nửa Tai" thành "Nửa Xương Sườn" hoặc "Vụn Xương" được rồi đấy.

- Quán nghỉ, có nghĩa là đóng cửa, - Tarzan nói. - Vậy sao còn có người gác cửa quán? Không, tao không tin. Hoặc đó là chủ quán mới. Hoặc đang có một cuộc họp riêng trong quán, và người ta không muốn bị gã lang thang quấy nhiễu.

***

Trong quán "Nửa Tai" im lặng lạnh người.

Ritschi gượng dậy, hai tay phủi bộ com­plê như cái máy. Chỉ mông quần bị bẩn. Nhưng khuỷu tay áo bị thủng một lỗ.

Ba gã đàn ông ngồi bên quầy. Phía sau quầy là Dobbel, chủ quán. Gã khoảng ba mươi, người mảnh, râu đỏ quạch lởm chởm đầy mặt. Bộ mặt vì thế trông như phủ lông, gớm chết! Gã biết thế nên tự xưng là Người Sói.

Lúc này Dobbel cũng ngồi đờ như hai tên kia.

Cả Gluschke và En­ri­co Ved­mil­lia đều trân trối nhìn kẻ vừa bị tẩn.

- Tao nghĩ tao nhìn nhầm, - tên người Italia En­ri­co nói.

- Như mũi tên! - Glushke phun qua lỗ răng hổng.

- Tao không tin được, - En­ri­co tợp nhanh một hớp rượu Whisky, - Ritschi mà lại để cho một thằng choai con cho đo ván!

Gluschke lắc đầu ngán ngẩm.

- Mày đã cho thằng ranh xem trò gì ngoạn mục thế, hở Ritschi! - Dobbel nói. - Mày "làm việc" thằng lang thang Lêo xem còn tạm được. Nhưng sau đó... Mẹ kiếp, ngày mai tụi mình định bắt cóc một xe buýt của nhà trường gồm 30 đứa học trò như thằng ranh đó. Vậy mà mày để nó bẻ gãy như bẻ một cọng rơm!

- Nó... nó... hẳn là võ sĩ, - Ritschi rên rỉ. -Võ sĩ Ju­do hay Karate gì đó. Và khoẻ như gấu. Cái cách nó tống tao bay vào cửa. - thì nếu là chúng mày, hẳn cũng chẳng khá gì hơn tao. Không một thằng nào khá hơn tao.

Cả ba tên kia phá lên cười cùng lúc như theo lệnh. Chúng ngoạc mồm tận mang tai, cười to hết cỡ, tay vỗ đùi đen đét. Rồi lại lần lượt nín thinh.

En­ri­co giơ ngón tay út bên trái ra:

- Tao chỉ gãy ngón út này cũng hạ gục những thằng choai như nó. Hiểu chưa?

En­ri­co người tầm thước, rắn rỏi. Bộ mặt võ sĩ quyền Anh chữ điền đầy những vết sẹo nhỏ, En­ri­co chưa đấm bốc bao giờ. Tóc gã đen, loăn xoăn, xức dầu bóng nhẫy. En­ri­co ưa ăn mặt nổi bật. Hôm nay gã khoác chiếc áo vét màu vang đỏ ra ngoài sơ mi vàng choé.

Gluschke xem ra lạc lõng: quần liền áo, chiếc áo blu lao động màu xanh công nhân, đôi giày cũ kỹ. Mặt gã béo, nhờn nhợt, tóc hoe như râu ngô. Cặp mắt cận thị nheo nheo sau chiếc kính gọng sừng. Claus Gluschke là người giúp việc mới cho ông quản lý trường nội trú của TKKG.

Gluschke là kẻ duy nhất không ló ra khỏi bức tường kính tim tím để theo dõi vụ đụng độ ban nãy. Phí hoài! Nếu không gã đã nhận ra Tarzan và nhị quái còn lại. Và gã đã xác nhận được phỏng đoán của Ritschi: Tarzan quả là một võ sĩ khó lòng chống cự.

En­ri­co là trùm băng lưu manh. Gã nổi tiếng trong giới anh chị ở Neapel. Tại đây gã đã tụ tập được những kẻ cần cho vụ "làm ăn": Dobbel, Gluschke và Ritschi.

Lúc này tên lưu manh Italia vớ một tờ giấy chùi mồm trên mặt quầy, xé toang làm đôi:

- Ritschi, với mày thế là hết. Mày biết tao nghĩ gì. Từ lâu, mày chỉ phá thôi. Tao đã cảnh cáo mày. Mày lại làm hỏng việc tiếp. Tao doạ nạt mày. Mày càng vô tích sự. Giờ chấm dứt! Chúng tao không cần một kẻ èo ọt như mày. Mẹ kiếp! Chúng tao sẽ làm một vụ lớn nhất châu Âu. Sau một trăm năm nửa, thế giới còn phải nhắc đến nó. Nhưng mày không tham dự. Tống cổ mày ra khỏi tổ chức của chúng tao. Hiểu chưa? Và nếu mày hé ra một lời thôi...

Hắn nhìn Ritschi đe doạ, và đưa bàn tay làm hiệu cắt cổ.

Rischi nuốt nước bọt. Bộ mặt chuột của gã xám lại.

- En­ri­co, mày không thể làm như thế. Tao đã... ai cũng có lúc gặp hàng loạt rủi ro. Nhưng tao hứa...

- Im mẹ mồm mày đi! - En­ri­co gầm lên. - Tao nhắc lại: mày mà hở ra, mất đầu ngay.

Gluschke và Dobbel cười nhăn nhở.

Ritschi chống một tay lên lưng ghế. Lúc này gã hằn học nhìn cả ba tên, nhưng lại vội cụp mí xuống. Gã chịu thua.

- Nếu chúng mày nghĩ lại, - gã lẩm bẩm, - chúng mày biết sẽ tìm thấy tao ở đâu.

- Cút! - En­ri­co ra lệnh.

- Tao cũng không muốn thấy mày thò mặt tới quán này uống nữa, - Dobbel bồi thêm. - Có nghĩa mày bị cấm cửa. Rõ chưa?

Không đáp một lời, Ritschi quay gót, qua cửa, biến ra ngõ Springflut.

Dobbel từ sau quầy đi ra chốt cửa.

- Thế là chẳng còn đứa nào nhiễu tụi mình nữa, - hắn quay vào nói.

- Tụi mình phải nhắc lại mọi chi tiết, - En­ri­co bảo, - bắt cóc cả một xe buýt chở học sinh đâu phải chuyện vặt.

- Nhưng sẽ thành công, - Gluschke nói, - Tên lái xe Wei­drich sẽ tham dự. Mọi việc khác đều được tổ chức một cách hoàn hảo nhất. À, tao sực nhớ: Weirich muốn thấy tiền từ hôm nay. Ít nhất là khoản ứng trước.

- Được thôi, - Dobbel gật đầu.

*

Tròn Vo đỏ bừng cả mặt. Tarzan và Karl tủm tỉm. Rõ ràng cậu béo thích Al­ice rồi. Xem kìa, cậu ta đang hót:

- Al­ice, cho tôi được phép thay mặt nhóm TKKG nhiệt liệt hoan nghênh bạn. Ờ... hoan nghênh bạn đến châu Âu... ờ... đến thành phố của chúng tôi! Chúng tôi sung sướng vì sự có mặt của bạn. Nhiệt liệt chào mừng, như tôi đã nói.

- Không có hoa à? - Al­ice mỉm cười hỏi. - Lẽ ra kèm theo những lời đẹp đẽ đó phải tặng cả hoachứ?

Tròn Vo nhìn Tarzan:

- Lẽ ra tụi mình phải nhìn đến chuyện này. Mẹ kiếp!

- Hãy bảo Willi là cậu chỉ đùa thôi, - Ga­by bảo bạn gái, - kẻo bạn ấy chạy đến hàng hoa gần nhất ngay cho mà xem. Vì hiện trong công viên và các khu vườn chưa có hoa để bạn ấy hái trộm.

- Tôi không đời nào ăn trộm nhé! - Tròn Vo kêu lên. Trừ khi bấn lắm. Ôi chao! Nhắc đến ăn trộm, tôi lại buộc lòng nhớ đến hộp nữ trang của mẹ yêu quý của tôi.

Ga­by mở hàng mi dài cong vút trên đôi mắt biếc xanh.

- Chuyện gì xảy ra à?

- Sẽ kể ngay đây, - Tarzan nói và cuốt ve con Os­kar.

Al­ice 16 tuổi, cao hơn Ga­by, mình dây. Trên gương mặt nhỏ xinh là cặp mắt đen sáng ngời, hàm răng trắng muốt. Tóc Al­ice đen nhánh, để dài xoã vai. Chắc cô bé hay cười lắm. Trông mặt lúc nào cũng tươi tắn.

Tròn Vo hỉnh mũi hít hít:

- Ga­by, bạn làm bánh đấy à? Để mừng Al­ice đến hả?

- Mình làm hai bánh gatô - Ga­by gật đầu. - Một cho cả bọn, một tặng Wei­drich.

- Wei­drich là ai vậy? - Tarzan hỏi.

- Người lái xe buýt cho trường mình. À nhỉ, các bạn ở nội trú, nên không đi xe buýt hằng ngày. Cách đây đúng một năm, ông Wei­drich lái thay ông lái xe cũ.

- Cách đây một năm? - Tarzan hỏi. - Và vì vậy mà bạn tặng bánh cho ông ấy?

- Vì hôm qua là sinh nhật ông Wei­drich. Nhưng hôm qua là chủ nhật. Còn hôm nay mình lại đi xe đạp đến trường.

- Tiếc là tôi không được phép ăn bánh ngọt, Al­ice nói.

Tròn Vo há hốc mồm:

- Bạn không được phép? Ai cấm bạn?

- Bác sĩ. Hồi gia đính tôi ở Ấn Độ, tôi bị sốt siêu vi trùng. Bệnh đã khỏi. Nhưng ở đây, - cô bé vỗ vỗ vào bụng, - vẫn chưa thật ổn. Tôi phải kiêng đồ ngọt một thời gi­an. Ngoài ra kiêng cả nấm, sữa chua và rau cải xanh.

- Lạy trời! - Tròn Vo kêu lên. -Bệnh của bạn có lây không?

- Không hề. Tôi khỏi rồi. Vấn đề là phải để các cơ quan nội tạng khoẻ lại như cũ.

- Tôi lại cần sôcôla nếu muốn khoẻ lại, - Tròn Vo nói. - Cái lối ăn kiêng của bạn giết tôi như bỡn.

Al­ice xem đồng hồ đeo tay:

- Lại đến giờ tôi phải uống thuốc rồi. Tôi phải uống thuốc nước mỗi ngày ba lần. - Cô bé ra bàn uống thuốc.

Ga­by đến ngồi cạnh Tarzan:

- Có chuyện gì ghê gớm xảy ra vậy?

- Ga­by chưa nói chuyện với ba sao?

- Trưa nay ba mình không về nhà.

- Willi, - Tarzan yêu cầu Tròn Vo, - mày kể đi! Sau đó chúng tôi cần bạn giúp đỡ, Al­ice ạ! Đúng là bạn biết vẽ chân dung chứ? Ở sở cảnh sát, người ta đã không hoàn thành nổi bức chân dung thủ phạm. Willi và người vẽ không hiểu nhau. Nhưng chúng tôi lại cần bức chân dung để truy tìm thủ phạm.

Al­ice rạng rỡ:

- Tôi phải vẽ một bức chân dung theo lời mô tả của Willi ư? Tuyệt! tôi sẽ cố gắng hết sức.

Trong lúc Tròn Vo kể, Tarzan ra cửa sổ, nhìn xuống phố.

Bên một bến xe đỗ một chiếc xe buýt. Người lái xe ngồi sau tay lái, đang vừa nhai bánh mì bơ vừa đọc báo. Ông ta đang nghỉ.

Ga­by lại đứng cạnh Tarzan. Cặp mắt xanh của Công Chúa mỉm cười, nhưng tai lắng nghe câu chuyện của Tròn Vo.

- Ông ấy kia rồi, - mắt Ga­by hướng vào chiếc xe buýt, - ông Wei­drich! Mình đã bỏ sẵn bánh vào hộp. Để mình chạy nhanh xuống đấy.

- Mình đi cùng, -Tarzan nói.

Khi hai đứa đi xuống cầu thang, Ga­by giải thích:

- Sáng và trưa, ông Wei­drich lái chiếc xe buýt chở học sinh trường mình. Buổi chiều, thường ông lái xe buýt tuyến số 19 và 20. Ông Wei­drich rất đáng mến, lúc nào cũng niềm nở. Nếu ai quên trả tiền vé xe, ông không nổi giận. Mình nghĩ ông chưa bao giờ dính vào vụ tai nạn nào.

- Ông ấy bao nhiêu tuổi rồi?

- Không biết. Mình đoán là bốn mươi.

Hai đứa bước ra phố.

Chúng qua đường, và Tarzan nhận thấy sau chiếc xe buýt có một chiếc Porsche vàng choé đang đỗ.

Người lái chiếc Porsche xuống xe. Đó là một gã đàn ông mảnh dẻ, râu ria đỏ quạch lởm chởm gần kín mặt. Hai túi da dưới mắt rõ mồn một, tuy gã còn trẻ.

- Nhìn gã kia xem! - Tarzan bảo Ga­by. - Gã đóng phim kinh dị được đấy. Đóng vai Người Sói.

Người Sói đứng bên cạnh cửa xe của Wei­drich, gõ gõ vào lớp kính.

Wei­drich giật mình. Rồi ông ta nhận ra người quen, bèn mở cửa.

Người Sói chẳng nói chẳng rằng trao cho Wei­drich một chiếc phong bì.

- Cá... cám ơn! - Wei­drich lắp bắp. - Đa... đa tạ!

Gã lái chiếc Porsche gật đầu, quay gót, và trông thấy đôi trẻ.

Cặp mắt lạnh băng của gã chiếu tướng Tarzan một thoáng. Đó chẳng phải cái nhìn tình cờ - Dường như gã biết Tarzan.

Quen biết ở đâu ngỉ? - thủ lĩnh Tứ Quái tự hỏi? Mình phải chào gã chăng? Mẹ kiếp, sao mình không nhớ được. Nếu từng gặp gã, nhất định mình đã nhớ bộ mặt mày. A, có thể ban nãy gã có mặt ở ngõ Springflut, khi cuộc đụng độ diễn ra.

Tarzan toan nở một nụ cười nhiều ngụ ý, bỗng chiếc phong bi từ tay ông Wei­drich rơi bẹt xuống đường.

Suýt nữa ông ta lao xuống theo.

Nhưng Tarzan đã nhặt nó lên, đưa cho ông ta.

Phong bì dày như đựng tiền. Phải, những tờ giấy bạc!

- Cám ơn! - ông Wei­drich nói và giật nó khỏi tay Tarzan. - Chào Ga­by! Cháu muốn gặp tôi à?

- Cháu muốn chúc ông nhân dịp sinh nhật, tuy có muộn, thưa ông Wei­drich, - Ga­by nói. - Cháu đã làm một cái bánh gatô nhỏ để tặng ông. Vì ông luôn luôn rất đáng mến. Ông có biết tất cả chúng cháu, những học sinh ngày ngày được ông chở đến trường và về nhà, đã nhất trí bầu ông là người lái xe buýt tốt bụng nhất từ xưa đến nay không ạ? Ông có thể tự hào về sự bình chọn đó.

Ông Wei­drich có bộ mặt phì phì, đôi mắt ếch và cái trán hói. Khi cười, ông ta để hở những chiếc răng nhỏ.

Quỷ bắt mình đi! Tarzan nghĩ. Mình định kiến chăng? Hay mình không biết nhìn người? Mình không có cảm tình với con người này. Nhưng mình không được nói với Ga­by điều đó. Kẻo Ga­by lại sắp kết tội mình là đa nghi và tự kiêu về trực cảm của bản thân.

- Cháu chu đáo quá, Ga­by, - ông Wei­drich nói và chìa tay ra phía hộp bánh.

Chiếc Porsche vàng chạy qua sau lưng Tarzan. Người Sói nheo mắt nhìn họ.

Wei­drich cảm ơn rối rít. Tarzan chúc mừng ông ta cho phải phép.

- Vậy đến sớm mai nhé, - người lái xe buýt hẹn. - Cháu lại đi xe buýt, hay đi xe đạp đến trường, hở Ga­by?

- Mai cháu lại đi xe buýt ạ. Ngoài ra cháu còn rủ thêm bạn Al­ice của cháu. Bạn ấy đến chơi thành phố này và dự thính ở lớp cháu. Thưa ông Wei­drich, từ mai ngày nào chúng cháu cũng đi xe ông.

Ông ta gật đầu. Mặt thoáng tái đi như thể vừa nuốt phải nấm độc.

- Ga­by, xe buýt chở các cháu sẽ đúng giờ như mọi khi. Cám ơn cháu lần nữa nhé!

Khi hai đứa quay về, Tarzan nói:

- Rõ ràng ông Wei­drich không chỉ được đám học trò yêu quý. Người Sói đã giúi tiền cho ông ta.

- Tiền ư?

- Trong phong bì toàn là tiền. Mình tin chắc như vậy.

Hai.

ÂM MƯU BẮT CÓC.

Ritschi, tên côn đồ tóc vàng, nấp sau một bức tường quan sát bãi đỗ xe.

Gã đã thấy chủ quán Dobbel lên chiếc Porsche vàng lái đi. Có lẽ để gặp Wei­drich đưa tiền tạm ứng. Ritschi luôn có mặt trong các cuộc thương lượng với tên lái xe buýt đó.

Bây giờ, gã nóng lòng chờ Dobbel quay về.

Kia rồi, chiếc Porsche vàng đang lăn bánh vào dãy xe trong cùng của bãi đỗ. Đợi cho Dobbel bỏ đi rồi, ngó quanh quất không thấy ai, Ritschi bèn thực hiện kế hoạch trả thù của mình. Gã căm cả lũ: En­ri­co, Gluschke và Dobbel! Nhưng chỉ Dobbel có xe hơi đắt tiền. Hai tên kia còn dành dụm để mua sắm.

Khoái trá, gã bẻ hết cần gạt nước ở kính trước và kính sau xe. Đoạn vặt nốt cả mấy cái gương. Xung quanh vẫn không người.

- Đòn đầu tiên! - Ritschi tự nhủ. Cơn hận của gã chưa tan. Nhưng gã cảm thấy dễ chịu hơn.

Vứt tất cả tại chỗ, gã bỏ đi.

Mười phút sau, gã bước vào một trạm điện thoại.

Hy vọng Knut có nhà. Ritschi bấm số. Đầu kia lập tức có kẻ cất giọng ồ ồ:

- Knut Winzig đây.

- Tao đây, Knut. Mày đang có khách chăng? Tao nói chuyện được chứ?

- Ngoài tao ra, trong nhà không còn ai.

- Knut, tao có "quả" này cho chúng mình. Nếu để tâm, chúng mình sẽ vớ được 3 triệu mác. Mày thấy sao hả?

- Tốt quá. Khó khăn ở chổ nào?

- Bọn đó nguy hiểm lắm.

- Đừng trộ tao. Thằng nguy hiểm nhất phải là tao đây.

- Tao biết chứ, Knut. Bọn đó định bắt cóc một xe buýt chở học sinh. Sáng sớm mai. Đó là chiếc xe buýt chạy đến trường nội trú ở ngoại ô. Tay lái xe đã nhận hối lộ và đồng loã. Có khoảng 30 đứa trẻ - cả trai lẫn gái - sẽ ở trên xe. Chúng sẽ đòi tiền chuộc của đám phụ huynh.

- Thú vị đấy. Sao mày tỏ tường mọi chuyện thế?

- Lẽ ra tao cùng tham gia vụ này. Nhưng rồi tao xung khắc với En­ri­co và đồng bọn. Giờ đây bọn tao thù nhau tận xương tuỷ. Chúng đã doạ sẽ giết tao nếu tao để lộ chuyện. Mày hiểu chuyện sẽ dẫn đến đâu rồi chứ?

- Tất nhiên. Chúng cứ làm phần việc bẩn thỉu, còn tụi mình sẽ nẫng gọn số tiền chuộc.

- Nếu chúng vẫn giữ kế hoạch cũ, tao còn biết chúng sẽ lấy tiền ở đâu và như thế nào.

- Đó là nếu chúng giữ kế hoạch cũ thôi, Ritschi, nếu!

- Tao biết quá nhiều chi tiết, Knut. Không thể hỏng việc được đâu. Sao, mày tham gia chứ?

- Tham gia dùng số tiền 3 triệu đó hả? Còn phải hỏi!

- Tao lên đường đây. Nửa giờ nữa sẽ có mặt ở nhà mày. Tụi mình sẽ bàn tỉ mỉ. Tao trọ tạm ở nhà mày được không? Bọn chúng biết nơi ở của tao. Khi nào nẫng được tiền rồi, tao phải rời khỏi đấy.

- Không thành vấn đề gì đâu, Ritschi. Nhà tao đủ chổ.

*

- Cái mũi..., - khi Tarzan và Ga­by vào phòng thì Tròn Vo đang nói, - ừ, hếch lên tí nữa. Thế! Giống lắm rồi. Bây giờ đến môi dưới - dày hơn đi! Như một cái dồi ấy! Chí í í phải! Tuyệt! Mắt gi­an hơn tẹo nữa, và gần nhau hơn. Nữa, sát nhau nữa! Rất hay! Al­ice, bạn là một thiên tài... người dựng các chân dung giỏi nhất! Cái tay ở sở cảnh sát thật không bén gót bạn.

- Các bạn có vẻ thành công hả? - Ga­by hỏi thăm.

- Khoan, lát nữa! - Al­ice nói. - Tớ còn phải sửa sang.

- Nhưng ít thôi, - Tròn Vo bảo. - Bức tranh chẳng kém gì ảnh chụp. Một tấm ảnh lý tưởng để truy nã.

Tarzan buông người xuống chiếc ghế bành:

- Tôi để dành hồi hộp, chờ đến khi bức chân dung được vẽ xong hẳn.

- Hy vọng bức chân dung có ích cho cảnh sát, - Al­ice nói. - Hộp nữ trang quý giá! Bác Sauer­lich phải lấy lại bằng được nó chứ. Thế, xong rồi!

Tarzan đứng dậy. Lúc này cả bọn đứng sau lưng để ngắm nghía tác phẩm của cô.

Mình có hoa mắt chăng? Tarzan cúi ra trước để nhìn rõ hơn. Không... không thể thế được! Bức chân dung này... tụi mình biết kẻ này mà!

- Giống hắn như lột, - Tròn Vo hoan hỉ tuyên bố.

- Thật ư? - Tarzan kêu lên. - Willi, có lẽ mày cần phải đeo kính chăng? Hay đầu óc mày mụ mị mất rồi?

- Ê, đại ca nói thế nghĩa là sao?

Cả Karl cũng gí mặt vào bức chân dung:

- Mắt mình thấy cái quỷ gì thế này? Gã lang thang này y hệt cái gã trong ngõ Springflut ban sáng.

- Cái gì? - Tròn Vo trố mắt.

- Y hệt gã lang thang mà tao đã cứu khỏi bàn tay vũ phu của tên côn đồ tóc vàng. Willi, thế này là sao? Mày đã mô tả sai tên ăn cắp nữ trang? Hay đích là gã ngã sóng soài dưới chân tụi mình trước quán "Nửa Tai"?

Tròn Vo trân trối nhìn vào bức chân dung. Gương mặt hồng hào của nó chợt tái nhợt đi. Nó bối rối cắn môi dưới.

- Ta... a... ao không nhìn kỹ cái tên ở... ở ngõ SpringFlut lắm. Thật ra thì tao chẳng thấy gì cả. Chỉ nhìn đằng sau lưng. Lúc đó tao mệt muốn chết, mí mắt cứ trĩu xuống. Gã giống bức chân dung này lắm à? Tao xin đưa phong sôcôla cuối cùng của tao ra mà cược rằng chính gã đã đánh cắp hộp nữ trang.

Karl rên lên như bị đau quặn trong bụng.

Tarzan thở dài:

- Hôm nay xem ra không phải ngày đẹp trời của mày Willi ạ. Vậy là hôm nay tụi mình đã chạm trán với kẻ đang cần truy nã, và lại còn giúp gã có cơ hội tẩu thoát. Đôi khi trớ trêu thế đấy. Biết làm sao được.

Ga­by bật cười.

Al­ice đặt bút chì xuống, đứng dậy, Cô mỉm cười tỏ ý thông cảm với Tròn Vo. Nhưng mồ hôi hột toát ra trên trán thằng mập, và mặt nó mỗi lúc một tái hơn.

- Bạn mệt à? - Ga­by lo lắng hỏi.

- Mình nghĩ mình sắp ốm rồi.

- Bạn hãy ngồi ngay xuống nghỉ đi. Để mình đi lấy cho một ly nước.

Tròn Vo ngồi bệt xuống cạnh cái giỏ của Os­kar. Con chó dễ thương đưa chân trước ra kều kều như muốn đùa với nó. Song Tròn Vo chẳng còn tâm trí đâu mà chơi đùa vớ Os­kar nữa.

Nó kêu lên:

- Đừng lấy nước, Ga­by! Cho tôi miếng bánh gatô, chắc khoẻ liền.

- Bánh gatô vani đấy nhé, - Ga­by từ bếp nói vọng ra.

- Gì cũng tốt.

Lát sau, cu cậu phồng mồm nhai ngon lành. Gương mặt tròn vạnh lại hồng hào tươi tỉnh.

- Không có gì phải buồn, Tarzan nói. - Bức chân dung Al­ice vẽ sẽ là căn cứ tuyệt vời để điều tra. Hơn nữa, có thể chủ quán "Nửa Tai" biết tên gã lang thang ấy cũng nên.

- Nhỡ Dobbel chính là cái kẻ đã bị đại ca cho nếm đòn thì khó cho tụi mình đấy, - Karl cười. - Hay mày nghĩ gã sẽ giúp cho tụi mình? Nhất là nếu gã biết kẻ lang thang nọ giữ cả một kho báu trong tay?

- Tụi mình sẽ không đá động một lời đến chuyện ấy. Vì lập tức cả bọn lưu manh sẽ bám theo gã này, - Tarzan chỉ vào bức chân dung. - Không, tụi mình sẽ bịa ra một cái cớ nào khác. Tụi mình sẽ biết liệu Dobbel và tên côn đồ tóc vàng có phải là một hay không. Không thử, làm sao thành công. Đi thôi, các bạn!

*

Xương cốt khắp người đau ê ẩm. Nhưng tệ hơn thế là nỗi sợ hãi.

Lêo Ver­dros­ki tập tễnh bước trên các bậc thang dẫn xuống bờ sông. Gã đưa tay áo rách tả tơi quệt ngang mũi và nhìn về phía "nhà" gã: một căn lán bằng tôn tấm bên bờ sông.

Đấy là nơi công nhân cầu đường của thành phố cất máy móc và vật liệu từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm. Năm nào họ cũng vá víu lại kè sông được xây từ thế kỷ trước.

Lêo lê bước về "nhà". Gã đã lắp ở cửa lán một ổ khoá treo, chìa khoá cất trong người. Tiếc nỗi gã lại sắp đổi địa chỉ, vì đám công nhân kia sẽ xua gã đi. Nhưng dù sao khi đó cũng đã qua những ngày đông tháng giá, có thể ngủ ngoài trời được.

Cánh cửa tôn đóng sau lưng Lêo. Gã ngồi xuống đống giẻ rách trong lán, bỏ mũ, gãi sồn sột.

Cái thằng đười ươi tóc vàng nọ đã nện hắn. Thật quá đáng! Lêo lạ gì thằng Ritschi hung bạo đó. Chỉ chuyên bắt nạt kẻ yếu hơn mình. Mà làm sao gã biết được rằng kẻ bần hàn như gã bị cấm cửa ở quán "Nữa Tai" cơ chứ. Lại còn mấy thằng chó chết ngồi bên quầy cứ trố mắt nhìn gã như thể trên người gã có bọ chét! Tất nhiên, gã cũng có bọ chét thật! Nhưng dẫu sao... Nhưng chưa khiếp bằng thứ hắn thấy trước cửa quán!

Úi chao, suýt thì toi! Lêo nghĩ. Một trong mấy thằng bé - cái thằng béo lùn ấy... khéo mà nó nhận ra mình! Hay mình nhầm? Có phải cái thằng béo lùn ngồi trên chiếc Jan­guar trước sân bay ấy không? Đúng rồi! Mặt tròn vành vạnh như nó hiếm lắm. Sáng sớm nay nó ngủ gà gật vì quá mệt. Thời cơ trời cho, tội gì mình không tận dụng? Trong cái hộp đó có khối của.

Sáng nay Lêo cắp cái hộp chạy thục mạng, rồi nhảy đại lên một chiếc xe buýt. Cố nhiên cái hộp giấu dưới áo choàng. Về đến lán, gã mới mở ra xem, và suýt ngã lăn vì khiếp sợ.

Giá đây là một cái ví dày thì hẳn gã đã mừng. Nhưng gã, Lêo, biết làm gì đây với cả một kho báu này? Nào là đá quý, kim cương, vàng, bạch kim! Làm sao biến chúng thành tiền? Lêo chẳng quen biết kẻ nào tiêu thụ đồ trộm cắp loại này cả. Cách đây 11 năm gã đã từng làm công nhân cho nhà máy bóng đèn. Từ bấy đến nay gã đã 4 lần viêm phổi và ăn cắp vặt độ 300 lần. Nhưng gã không phải là tội phạm chuyên nghiệp. Gã chỉ thó thứ mình cần.

Chiếc hộp được giấu dưới đống giẻ rách và hộp bìa ở xó lán kia.

Trong hộp còn có một cái ví phụ nữ, với bằng lái xe, nhũng tấm séc và cuốn hộ chiếu. Chủ của nó tên là Er­na Sauer­lich.

Mình sẽ gọi điện cho bà ta, Lêo nghĩ. Hỏi xem bà ta tình nguyện xuỳ ra bao nhiêu tiền, nếu mình trả lại tất cả. Không được báo cảnh sát đâu đấy, thưa bà! Kẻo tôi sẽ vất hết xuống sông, và ông nhà bà đi sắm lại từ đầu. Tha hồ tốn kém, phải không ạ? Vậy bà hãy bỏ ra 20000 mác đi!

Lêo nhệch môi dưới dày tựa khúc dồi ra mà cười. Cặp mắt cáo sát nhau loá sáng, cái mũi nhòm trời lại càng hểnh lên tợn.

Một điều lão không tài nào biết: Al­ice đã vẽ gã cực kỳ giống...

*

Tarzan dừng lại, nghển cổ.

Chúng đã đến gần bãi đổ xe. Chiếc Porsche vàng đỗ gần đó.

Chúng nhận ra biển số xe và cùng lúc...

- Có chuyện gì thế này? - Hắn thốt lên. - Chiếc Porsche màu vàng kia kìa! Bạn nhận ra nó không, Ga­by ? Đó là chiếc xe của Người Sói. Có kẻ đã bẻ trụi cả cần gạt nước lẫn gương xe.

- Phá phách ngông cuồng thế đấy, - Tròn Vo bình luận. - Chắc chắn vì ghen tị. Một kẻ chỉ có xe máy cưỡi, đã tức mình phá chiếc Prsche cho bõ ghét.

- Có thể như vậy, - Tarzan nói. - Nhưng cũng có thể vì tư thù.

Rồi hắn kể cho cả bọn ai là Người Sói.

Bức tranh của Al­ice gấp tư, để trong túi ngực Tarzan.

Khi đến gần "Nửa Tai", Tarzan tháo đồng hồ đeo tay, cho vào túi áo. Hắn đã có ý của mình.

- "Nửa Tai", - Al­ice nói. - Tên gì mà kỳ quái!

- Tôi có thể giải thích cho bạn hiểu, - Karl bảo, đoạn kể chuyện cho Al­ice.

Tarzan dừng chân trước cánh cửa xoay. Phía sau bức tường kính màu tím kia sáng đèn. Nhưng không thấy động tĩnh gì.

Hắn trao xe đạp cho Karl giữ, đưa tay đẩy cánh cửa kính xoay. Không nhúc nhích. Khoá rồi! Hắn gõ vào lẵn kính.

- Họ vẫn nghỉ, - Tròn Vo nói.

Một người đàn ông đi từ sau bức tường kính tím ra.

Ôi chao! Tarzan nghỉ. Té ra là Người Sói! Phải chăng gã chính là chủ quán? Hay gã chỉ vào đây để uống cho say mà quên đi chiếc xe bị phá hoại?

Người Sói sửng sốt ngó Tarzan.

- Các ngươi muốn gì? - một giọng gắt gỏng vang lên sau lớp cửa xoay.

- Chúng tôi muốn hỏi thăm, - thủ lĩnh Tứ Quái kêu lên - có phải ông thuôc về quán này không? Ngoài ra chúng tôi có một tin xấu, nếu ông vẫn chưa biết.

Người Sói mở cửa xoay, đi ra. Mắt gã chĩa vào hai cô gái. Dường như gã ngừng thở một thoáng. Bình tĩnh lại đi! Tarzan nghĩ thầm. Tôi biết Ga­by của chúng tôi rất xinh. Nhưng rồi hắn nhận ra: Người Sói không nhìn Ga­by, mà nhìn Al­ice.

Lúc này gã đột ngột quay đầu sang trái. Và Tarzan lại cảm thấy cái nhìn sắc lạnh xoáy vào mình.

- Chuyện gì, nói đi?

Tarzan rút bức chân dung, mở ra:

- Gã lang thang này ban sáng đã ở trong quán "Nửa Tai". Đúng lúc gã bị tống cổ ra thì chúng tôi tình cờ đi qua đây. Ông biết gã chứ?

- Các người cần biết chuyện ấy để làm gì?

Tarzan rút chiếc đồng hồ đeo tay ra khỏi túi áo:

- Khi bị tay tóc vàng nọ đánh, gã lang thang khốn khổ làm rơi chiếc đồng hồ này. Willi đã nhặt đươc, nhưng khi đó gã đã bỏ đi mất. Bây giờ chúng tôi muốn trả lại cho gã.

Người Sói cười giễu cợt:

- Ta biết đích xác một điều: chưa bao giờ Lêo có lấy một chiếc đồng hồ nào.

- Vậy ra gã tên là Lêo. Rất tốt! Vì ông biết gã, chắc ông là chủ quán này?

- Hoàn toàn đúng. Các cậu bịa chuyện chiếc đồng hồ để làm gì? Và lấy đâu ra bức chân dung này?

- Chuyện chiếc đồng hồ là chiến thuật mà thôi. Còn bức chân dung do cô gái này vẽ đấy. Tuyệt phải không ạ? Chà, thưa ông Dobbel - đúng tên ông chứ ạ? - trước khi tôi báo tin xấu, tôi xin hỏi nốt một câu: Có thể tìm Lêo ở đâu và họ của gã là gì?

- Ta không biết. Gã thuộc loại bèo bọt trước kia hay lui tới đây. Từ khi quán vào tay ta, không còn chuyện đó nữa. Chỉ những người sang trọng nhất mới bước qua được cửa quán.

- Tôi thấy rồi, - Tarzan gật gù, - ví như gã tóc vàng mà tôi phải chạm tay tí chút. Đó là vệ sĩ của quán ông? Hay gã đang học nghề bồi bàn vậy?

- Đó là một người khách của ta. Ta không biết anh ta. Cậu còn gì để nói nữa không?

- Chiếc Porsche màu vàng mang biển số kết thúc bằng... S33 là xe của ông, có phải không ạ?

Dobbel gật đầu. Mắt nheo lại.

Chúng tôi vừa đi qua nó. Có kẻ nào đó đã bẻ trụi cả gương lẫn các cần gạt nước đi rồi. Chúng tôi không nhận thấy ai khả nghi cả. Nhưng ông biết rõ nhất kẻ nào đã nổi giận. Lêo chăng?

Dobbel nhắm mắt lại, rít qua kẽ răng:

- Không phải... chúng mày đấy chứ?

- Ông chớ tỏ ra không biết điều như vậy! Chúng tôi không phải hạng phá phách, mà là những học sinh ưu tú. Vậy đừng có xúc phạm chúng tôi! Thêm nữa: chúng tôi làm thế để làm gì? Chúng tôi có bị ông tống ra cửa đâu?

Hắn đeo đồng hồ vào cổ tay, mỉm cười nhẹ nhàng và đón lấy chiếc xe đạp đua từ tay Karl.

Dobbel lại mở mắt ra. Gã chằm chằm nhìn Al­ice lần nữa, đoạn quay ngoắt người, qua cửa xoay, vào quán.

- Một gã lang thang tên là Lêo, - Tarzan nói, - tin tức không được bao nhiêu, nhưng cũng có ích. Bây giờ tụi mình đạp đến Tổng nha cảnh sát gặp bố cậu, Ga­by ạ. Tụi mình phải cho chú ấy xem bức chân dung.

*

Khách sạn tên là "Lâu Đài Li­do". Wei­drich đã tới đây hai lần. Người gác cổng tóc hoa râm nhìn ông ta dò hỏi qua cặp mắt kính:

- Ông có muốn gặp En­ri­co Ved­mil­lia phải không?

Wei­drich gật đầu. Ông ta thấy cổ nghèn nghẹn, khó cất lên lời.

- Để tôi xem ông ta có trên phòng không nhé? - Người gác cổng lướt mắt kiểm tra bảng treo chìa khoá. - Có. Ông ta có trên phòng. Để tôi gọi lên báo. Xin ông cho biết quý danh?

- Wei­drich.

Người gác cổng gọi điện. Đoạn bảo:

- Ông En­ri­co Veb­mil­la đợi ông. Phòng số 32.

Có thang máy, nhưng Wei­drich leo thang thường. Ông ta cần thư thả để nghĩ cách lý giải cho tay người Italia. Tốt nhất là nói sự thật.

Phòng 32 đây rồi. Wei­drich thở khó nhọc. Ông ta toan gõ cửa thì nhận thấy cửa chỉ khép hờ, bèn tự do đẩy cửa bước vào.

- Lại gần đây nào, ông Wei­drich, - En­ri­co gọi với ra từ trong buồng tắm. - Ông hãy ngồi xuống. Tôi xong ngay đây. Gội qua cái đầu. Cho đẹp mã.

Wei­drich ngồi xuống một chiếc ghế bành. Tay ông ta vẫn cắp hộp bánh Ga­by tặng. Chiếc phong bì tiền của Dobbel - chẵn 10.000 mác - trong túi áo ngực. Wei­drich rút chiếc phong bì ra, đặt lên bàn.

En­ri­co mặc chiếc áo khoác bằng vải bông dùng sau khi tắm. Hai cẳng chân lông lá đen xì, lại khuỳnh khuỳnh, thò ra. Lão đang dùng khăn bông lau khô tóc. Mùi nước cạo râu bay khắp phòng.

- A, ông Wei­drich! Ông đến gặp tôi có chuyện gì?

Người lái xe buýt nuốt nghẹn.

- Tôi... tôi rút lui. Tôi... không thể tham gia nữa.

En­ri­co hạ chiếc khăn xuống, nhìn ông ta chằm chằm:

- Ông say à?

- Không. Tôi... biết điều mình nói. Chả là... tôi không thể... Đám học sinh đã... vâng, bình chọn tôi là người lái xe tốt bụng nhất. Vậy mà tôi lại phải tiếp tay để người ta bắt cóc chúng. Tôi không làm nổi việc đó, tôi không nỡ. Ông nhìn đây!

Ông ta đặt hộp bánh lên đùi, mở nắp hộp:

- Một cô bé đã tự tay làm chiếc bánh này để tặng tôi. Tặng tôi! Ngày mai, cô bé đó cũng có mặt trong đám học trò đi xe buýt.

- Con bé tên là gì?

- Ga­by Glock­ner.

En­ri­co gật gù:

- Rất tốt.

- Ông muốn... nói gì?

- Chẳng nói gì cả. Không việc gì đến ông. Giờ hãy nghe cho kỹ. Ông phải làm. Ông đã đồng ý như thế. Trả ông 30.000 mác.

- Nhưng ông hiểu dùm cho: tôi không thể!. Tôi đã không suy nghĩ chín chắn trước khi nhận lời. Đây là tiền mà ông Dobbel đã đưa cho tôi. Tiền ứng trước. Tôi không muốn nhận nữa.

En­ri­co vắt chiếc khăn lên cổ. Mắt gã nheo lại, bộ mặt đầy sẹo đỏ lên. Nhưng gã vẫn tự chủ được.

Gã nhăn nhở thò tay vào hộp bẻ một miếng từ chiếc bánh gatô phủ sôcôla Ga­by đã làm.

- Tôi được phép chứ? A, ngon đấy! Con bé Ga­by Glock­ner biết làm bánh khá! Giờ nghe cho rõ đây, Wei­drich, chúng tôi cần ông. Ông biết quá nhiều rồi. Rút lui thì chuốc lấy cái chết. Còn tham gia, sẽ được 30.000 mác. Quyết định đâu khó gì. Thôi đừng mềm lòng chỉ vì được bình chọn là người lái xe buýt tốt bụng nhất nữa. Rõ chưa? Ông làm tất cả như đã bàn bạc, nếu không thì về chầu trời.

Mồ hôi đọng thành nhiều giọt trên mặt Wei­drich.

- Nhưng...

- Không " nhưng " gì hết! Cứ làm như tôi bảo!

- Tôi... tôi thương bọn trẻ.

- Chúng không việc gì cả. Tất cả sẽ vẫn khoẻ mạnh. Chỉ bị gi­am cầm chốc lát. Một cuộc phiêu lưu lớn đối với chúng sau này, chúng tha hồ khoe.

Wei­drich thở dài:

- Sẽ không ai bị thiệt hại gì chứ?

- Không ai hết.

Wei­drich lưỡng lự cầm lấy chiếc phong bì. Nhiều tiền thế cơ mà! Không, lần này mình không được để lương tâm lên tiếng nữa. Cơ may này có một không hai.

En­ri­co vừa quan sát Wei­drich, vừa bẻ một miếng bánh nữa:

- Ông biết ông phải làm gì rồi, Wei­drich. Sáng sớm mai, khi tất cả bọn học trò đã có mặt trên xe buýt, ông phải ghi hết tên chúng lên một tờ giấy. Bọn con trai không quan trọng. Nhưng lũ con gái thì quan trọng đấy. Rất quan trọng! Ông ghi hết tên lại. Dừng xe ở phố Palotschi, ông xuống xe, đi vào lối cổng. Ông biết chỗ rồi. Gluschke đợi sẵn ở đấy. Trao tờ giấy cho nó, rồi lái xe đi tiếp.

- Vâng, tôi biết. Tôi sực nhớ: ban nãy khi đưa bánh cho tôi, con bé Ga­by nói rằng mai nó sẽ rủ thêm một cô bạn gái tên là Al­ice. Tôi không biết họ của Al­ice.

En­ri­co liếm các ngón tay đầy sôcôla:

- Nhất thiết ông phải ghi xem Al­ice có mặt không! Cấm quên. Cái tên Al­ice đủ rồi. Hiểu chưa?

Wei­drich gật đầu.

*

Thanh tra Glock­ner mỉm cười. Ông ngồi sau bàn giấy, ngắm bức vẽ của Al­ice.

- Một lần nữa, TKKG lại tiến trước cảnh sát một bước. Tôi sẽ cho chụp ngay chân dung này thành nhiều bản. Vậy gã tên là Lêo? Có lẽ là Lêopold. Chú chưa nghe nói về cái tên này bao giờ.

- Cái lần cháu và Willi đóng vai dân lang thang. - Tarzan nói, - chúng cháu có quen bà Paula. Hy vọng bà ấy đang ở đâu đó dưới gầm cầu, hoặc trong một tòa nhà đổ nát bỏ hoang. May ra bà Paula biết gã.

Ông Glock­ner nhìn những người bạn trẻ:

- Chắc chắn chú không thể ngăn các con tiếp tục điều tra.

- Cháu ước gì chúng cháu tìm ra gã Lêo, để cháu giật hộp nữ trang của mẹ cháu ra khỏi đôi tay tham lam của gã, - Tròn Vo nói. - Cháu sẽ tặng thêm cho gã một cái tát khiến gã gãy cả răng. Mà không, việc này để Tarzan làm có vẻ thích hợp hơn ạ.

- Các con đừng dấn thân vào nguy hiểm đấy, - bố của Ga­by đe.

Rồi chuông điện thoại réo. Ông chánh cảnh sát triệu thanh tra Glock­ner đến, vì có tin cảnh sát Italia từ Neapel báo sang rằng có một tên lưu manh cực nguy hiểm tên là En­ri­co (không rõ họ) đang lẩn lút ở thành phố này. Theo tin đồn trong xã hội đen của Neapel thì En­ri­co đang chuẩn bị thực hiện âm mưu bắt cóc tống tiền tại đây.

Tứ Quái đành chia tay thanh tra Glock­ner.

*

Knut Winzig bước ra cửa.

- Chào Knut! - Ritschi đưa tay chạm lên vành mũ.

Knut cao hơn Ritschi gần một cái đầu. Khi mới 16 tuổi, Knut đã to bè bè, phì nộn. Thêm hai thập niên nữa, hắn vác thêm cái bụng tựa cái chum.

Hắn vỗ vai Ritschi, mạnh đến nỗi tên này suýt khuỵu gối.

- Đúng giờ gớm. Vào trong này! Ban nãy mày phóng đại thêm trong điện thoại, hay đúng là "quả" này sẽ trúng 3 triệu mác?

- Không ít hơn số đó 1 mác nào.

Chúng bước vào phòng khách của Knút. Lộn xộn kinh người. Knut đưa tay gạt những tờ báo, quần áo bẩn, vỏ chai bia trên chiếc đi văng:

- Ngồi xuống, mày! Hãy uống bia đi! Rồi kể từ đầu tao nghe.

Ritschi cởi áo choàng, bỏ mũ. Gã từ chối uống bia.

- Cầm đầu toàn bộ vụ này là một kẻ tên là En­ri­co Ved­mil­lia, Knut ạ. Tao quen nó ở Neapel, lần tao sang đó lấy một mẻ ma tuý. Claus Gluschke lại quen nó ở Mai­land, nơi Gluschke chuyên móc túi dân du lịch. Một lần Gluschke suýt bị tóm, thì được En­ri­co cứu. Còn Ger­not Dobbel, chủ quán "Nửa Tai" thì gặp En­ri­co ở Targ­er. Dobbel khi ấy tìm một kẻ tiêu thụ đồ nữ trang ăn cắp. En­ri­co đã mách cho Dobbel một mối để sang tên số của đó.

- En­ri­co và bạn bè, - Knut nhe răng cười.

- Bạn bè gì đâu. Đơn giản là quen biết nhau.

- Rồi sao?

- En­ri­co mới đến đây. Nó lập tức bắt liên lạc với chúng tao: với tao, Gluschke và Dobbel.

- Để làm vụ này?

- Chính thế! Nó nói đến một vụ bắt cóc, nhưng không nói rõ ai là nạn nhân, và bao giờ tiến hành.

- Tại sao?

Tao đoán rằng nó còn chờ một tin tức nhất định nào đó.

- Tin tức loại nào?

- Giá mà tao biết được! Rồi En­ri­co đột nhiên tiết lộ: sẽ bắt cóc một xe buýt chở tối thiểu 30 học sinh vào buổi sáng, trên đường từ thành phố đến trường nội trú ở ngoại ô. Kỳ cục!

- Cái gì kỳ cục? - Knut hỏi.

- En­ri­co không ấn định rõ thời gi­an. Vụ này có thể diễn ra ngày mai, ngày kia, ngày kia, hoặc muộn hơn.

- Ban nãy gọi điện cho mày bảo sáng sớm mai mà.

- Hình như thế. Nhưng không hoàn toàn chắc chắn. Vì Wei­drich... À nhỉ! Tao chưa kể về tay này. Wei­drich là tên lái xe buýt. Thoạt đầu bọn tao không hề có ý định gì với nó. Nhưng một sự tình cờ may mắn đã giúp chúng tao. Dobbel biết Wei­drich. Hơn thế nữa: Dobbel là nhân chứng, thấy Wei­drich say khướt lái chiếc xe riêng đâm vào một quầy kính bày hàng. Thiệt hại lên đến 200.000 mác. Đó là cửa hàng chuyên bán đồ sứ loại quý nhất. Mày thử hình dung tất cả vỡ vụn ra sao.

- Rất nực cười. - Knut mở một chai bia, đưa lên miệng tu.

- Wei­drich bị thương. Nhưng chiếc xe vẫn chạy tốt. Dobbel nhanh chóng trèo vào sau tay lái, chở Wei­drich về nhà. Cớm mò đến thì đã muộn, lại chẳng ai làm chứng. Wei­drich cứ là quỳ xuống mà tạ ơn ân nhân. Không có Dobbel thì mất bằng lái là cái chắc. Tao hỏi mày, một thằng lái xe buýt mà không có bằng lái thì làm ăn mẹ gì nữa?

- Và giờ đây Wei­drich tiếp tay vì chịu ơn chứ gì?

- Không hẳn. Dobbel đã doạ sẽ tố cáo, nếu Wei­drich từ chối. Ngoài ra, Wei­drich được 30.000 mác. Rõ ràng việc Wei­drich nhận lời đã giải quyết vấn đề của En­ri­co.

- Cụ thể là vấn đề gì?

- Wei­drich biết rõ đám học trò, vì vẫn chở chúng đến trường lâu nay. Sáng sớm, khi nó đã đón chúng đầy đủ, nó phải vừa lái xe bằng tay trái vừa ghi hết tên chúng vào một tờ giấy. Tới phố Palotschi, Wei­drich phải dừng xe một lát để chuyển tờ giấy cho Gluschke đã đợi sẵn trong một lối cổng. Sau đó En­ri­co sẽ nghiên cứu danh sách lũ trẻ để quyết định.

Nghĩa là nó không nhằm vào cả 30 học trò, mà chỉ nhằm vào một số nhất định. Hoặc chỉ một đứa duy nhất.

- Chính xác!

Đầu Knut tròn thung lủng, tóc lưa thưa. Mặt nung núc thịt, mũi bé tẹo. Gã gãi cằm nghĩ ngợi.

- Thế thì logich ở chổ nào, hở Ritschi? Bắt cóc một lúc 30 đứa trẻ mạo hiểm hơn bắt cóc một đứa nhiều chứ. Canh chừng 30 đứa có khác gì canh chừng một túi bọ chét? Nếu En­ri­co là một nhà chiến lược giàu kinh nghiệm, thì sao nó lại rước vạ vào thân như vậy? Sẽ dễ dàng hơn nhiều, nếu nó chỉ tóm một đứa học trò nhất định nào đó.

- Hình như đó là một con bé.

- Tại sao?

- En­ri­co bảo Wei­drich phải ghi trước hết phải ghi tên bọn con gái. Bọn con trai không quan trọng bằng.

- Nó buôn con gái chăng?

- Nó dám thế lắm. Nhưng trong trường hợp này thì không! Quả là nó chỉ muốn đòi tiền chuộc: 3 triệu mác.

- Hay nó muốn một công đôi việc: vừa tống tiền vừa thanh toán hận thù riêng.

- Có thể. Tao nghe nói: trong đám con gái có con gái một tay cớm, tên là Ga­by Glock­ner. Dân anh chị ở đây sợ bố nó lắm và...

- Tao có nghe nói về thanh tra Glock­ner. En­ri­co mà đương đầu với lão thì dại. Thôi, đó là việc của nó. Tụi mình chỉ quan tâm đến tiền! Tại sao mày rút lui?

- Đơn giản là tao không chịu nổi thằng cha Italia ấy. Nó lại còn có những thói ghen tị hay sao ấy. Chả là tao luôn luôn đưa ra những đề nghị hay hơn của nó.

- Thế bây giờ mày tính sao?

Ritschi vuốt hàng ria con kiến:

- Tụi mình sẽ quan sát các ông bạn ấy ra tay, quan sát chúng đưa chiếc xe buýt cùng lũ trẻ đi giấu. Tao biết En­ri­co định nhận tiền chuộc bằng cách nào. Tụi mình sẽ xen vào đúng lúc. Ngoài ra tụi mình có thể bám lấy Wei­drich. Số là tên này có một nhiệm vụ đặc biệt. Nhưng tao tự hỏi không biết nó có làm nổi không. Chẳng là nó phải...

Knut vừa chăm chú nghe vừa tu bia, óc mơ màng đến 3 triệu mác sắp rơi vào tay mình.

Ba.

LÊO HỎNG ĂN

Đổi trời. Tuyết giăng trên phố.

- Chúng tôi đưa hai người về nhà, - Tarzan bảo Ga­by và Al­ice. - Vì đi bộ đến tận cầu Cầu Vồng quá xa cho các bạn. Mà chúng tôi thì phải đến đấy nữa.

- Lại tìm đến bà Paula chứ gì? - Ga­by bực bội hỏi.

- Phải, bà Paula thường trú ngụ ở đấy.

- Thời tiết này thật khắc nghiệt với những người lang thang, - Al­ice lên tiếng, - Trong số họ có cả phụ nữ. Thật kinh khủng: suốt ngày đêm ở ngoài trời, giữa mưa gió, giá rét. Tôi không chịu nổi. Bây giờ mà Fa­ri­na vẫn còn bị đau khớp đấy.

- Fa­ri­na là ai vậy? - Ga­by hỏi.

- Chị giúp việc cho nhà tôi ở Brus­sel, nơi hiện bố tôi đang công tác. Fa­ri­na Cin­calia là người Italia, nhưng kết hôn với một người Bỉ. Khi anh chồng mất việc vì tội trộm cắp, cả hai lang thang hai năm ròng khắp châu Âu. Chồng Fa­ri­na bị chết vì tai nạn. Chị ta đến Brus­sel và gặp may. Một bà hay giúp đỡ những người khốn quẫn đã nhận Fa­ri­na vào giúp việc nội trợ một năm trong nhà. Nhưng bà cụ quá già yếu, nên hiện sống trong trại dưỡng lão. Fa­ri­na bèn đến ở với nhà tôi.

- Ra thế! - Tarzan nói, - Và chị ta bị bệnh thấp khớp, hậu quả của thời kỳ lang thang chứ gì?

- Chị ta bảo vậy.

Tarzan chăm chú nhìn Al­ice:

- Nghe giọng bạn nói, tưởng chừng bạn không tin chị ta.

Al­ice nhún vai:

- Thật thà mà nói: tôi không ưa Fa­ri­na. Bố mẹ tôi đã không để cho chị ta lại phải sống trên hè phố. Tôi thấy đó là hành động rất hào hiệp. Và Fa­ri­na làm công việc của mình. Nhưng tôi tin vào cảm giác của tôi.

- Cảm giác ấy nói gì với bạn? - Ga­by gạn hỏi.

- Fa­ri­na không trung thực. Chị ta không dám nhìn thẳng vào mắt tôi. Có lẽ chị ta ăn cắp. Tôi không rõ. Hôm qua tôi vào đúng lúc chị ta đang nói chuyện điện thoại. Chị ta lập tức gác máy và lúng túng ra mặt. Tại sao? Tôi còn nghe chị ta nói: "... mà đừng quên ai cho anh biết tin này đấy nhé, En­ri­co!... " Hình như En­ri­co là bồ của chị ta. Nhưng việc gì chị ta phải lén lén lút lút như vậy.

Tarzan gật đầu, nhưng không bận tâm thêm về chuyện đó. Chị người ở Fa­ri­na có nghĩa gì ở đây đâu. Vấn đề lúc này là tìm Lêo, kẻ đã xoáy hộp nữ trang quý giá của mẹ Tròn Vo!

Đưa hai cô bé về nhà Ga­by rồi, ba quái đạp xe đi. Chúng cúi đầu xuống, tránh tuyết táp vào mặt.

- Cô bạn Al­ice của Ga­by dễ thương ghê! - Tròn Vo kêu lên. - Tiếc là Al­ice không thường trú ở đây, nếu có, tớ sẽ đề nghị kết nạp thêm Al­ice vào hội TKKG! Ngũ quái đâu có tệ hơn Tứ Quái?

- Không phải tao phản đối gì Al­ice, - Tarzan nói. - Nhưng nguyên tắc của tụi mình trước sau như một. Hay mày muốn kết nạp hết thảy những ai mà mày thấy dễ thương hả?

Đến bên kè sông, Karl sửa kính, ngó xuống:

- Các cậu thấy hai người dưới kia không? Tớ nghĩ đó là ông bà Riese­mey­er.

Tarzan nhìn theo hướng mắt Karl.

Dưới bờ sông, hai ông bà già: người vác hộp các­tông, người ôm bó quần áo đang chậm bước, nhưng trông không giống dân lang thang.

Karl nói:

- Ông bà Carl và Car­la Riese­mey­er là những nhà giáo nghỉ hưu, đã tám mươi và bảy mươi sáu tuổi, tận tâm tận lực vì mục đích của mình. Họ quyên góp quần áo cũ, tiền, thuốc men cho những người vô gia cư. Mỗi tuần ba lần, bà Car­la Riese­mey­er phân phát cho những người langt hang bánh mì do bà tự làm lấy.

- Ông bà Riese­my­er thật đáng nể, - Tarzan gật đầu. - Và có lẽ họ biết rõ từng người lang thang. Mày muốn đi đến vấn đề đó chứ gì?

- Chính thế. Họ biết từng người, biết cả chuyện đời của từng người đó.

Tarzan vác xe đạp lên vai, xuống những bậc thang dẫn xuống những bờ sông. Hai cậu bạn làm theo.

Tam quái đổi kịp hai ông bà già đang bước chậm về phía cầu Cầu Vồng.

- Thưa có phải ông bà là ông bà Riese­mey­er không ạ? - Tarzan hỏi. - Chúng cháu biết tiếng lành về ông bà. Và rất muốn hỏi một câu ạ.

Họ dừng bước. Bà Car­la có gương mặt tròn trịa, đầy tình mẫu tử. Còn gương mặt 80 tuổi của ông Carl thì như được chạm bằng gỗ, rám nâu. Dưới cái mũi to tướng là chòm ria bạc như cước.

- Hỏi gì vậy, các cháu? - Ông cụ hỏi.

Tròn vo hít hít. Từ cái hộp bìa các­tông trên tay bà Car­la toả mùi bánh mì thơm phức.

- Chúng cháu, là học sinh trường nội trú, - Tarzan đáp, - Chúng cháu tìm một người lang thang. Chúng cháu chỉ biết ông ta là Lêo. Nhưng chúng cháu có thể mổ tả hình dạng của ông ta.

- Lêo à? - cụ Carl quay hỏi bà vợ. - chúng ta chưa nghe cái tên Lêo bao giờ. Hay là tôi nhầm, hả bà nó?

- Chưa nghe bao giờ, - bà Car­la xác nhận. Đoạn bảo tam quái. - Nào chúng tôi có biết tất cả bọn họ đâu. Có hàng trăm người. Chỉ một số nhận sự giúp đỡ của chúng tôi thôi.

- Ông bà biết bà Paula chứ ạ? - Tarzan hỏi, cố giấu thất vọng. cụ Carl gật đầu:

- Các cháu sẽ uổng công tìm bà ấy. Mùa đông này, bà Paula ở bên Italia. Ít nhất bà ấy đã định như vậy. Từ lễ Giáng Sinh chúng tôi không gặp bà ấy nửa. Các cháu tìm Lêo làm gì vậy?

- Hình như ông ta đã phạm tội ăn cắp nặng.

- Vậy thì cảnh sát phải tìm ông ta. Sao các cháu phải tìm?

- Chúng cháu giúp đỡ cảnh sát ạ, - Tròn Vo kêu lên. - Mà đây chằng phải lần đầu tiên. Chúng cháu quen rồi. Hơn nửa người bị mất cắp là mẹ cháu. Tên này đã lấy của mẹ cháu hộp nữ trang rất quý.

Bà Car­la tròn mắt sợ hãi. Chồng bà gãi cằm, đổi bó quần áo sang nách phải.

- Các cháu ạ, nói chung những người vô gia cư trung thực. Họ ăn xin. Đôi khi đánh lộn nhau. Nhưng hiếm khi phạm tội. Có nhiên có những ngoại lệ. Chúc các cháu nhiều may mắn trong việc tìm kiếm! cẩn thận kẻo gặp nguy hiểm nhé!

Tarzan cảm ơn. Ông bà Riese­mey­er đi tiếp. Nhưng vừa được ba bước, ông cụ ngoái lại:

- Tôi vừa nhớ ra: chúng tôi để ý đến một người đàn ông trú trong một căn lán bằng tôn phía sau cầu Hoàng Tử Fe­lix. Tôi từng bắt chuyện với ông ta, hỏi ông ta có cần gì không. Nhưng tôi đã nhầm địa chỉ. Ông ta quát lên với tồi rằng ông ta không cần ai giúp đỡ.

- Rất hay! - Tarzan nói. - Ông có nhớ trông ông ta ra sao không ạ?

- Ông ta có hai con mắt sát nhau, - cụ Carl gật đầu. - Mũi hếch lên trời.

- Có lẽ đúng gã, - Tròn Vo reo lên.

Cầu Hoàng Tử Fe­lix cách đó vừa một cây số.

Tam quái lên xe đạp.

- Đạp từ từ chứ! - Tròn Vo kêu lên. - Kẻo gió hất tao lăn khỏi yên xe bây giờ!

Nhưng Tarzan đã tới đích. Đến trước căn lán bị hơi nước mù mịt vây bọc, hắn nhảy xuống xe.

Dù trời nhập nhoạng nhưng Tarzan vẫn thấy cửa lán đóng, có dây xích tròng vào ổ khoá treo không bấm. Chứng tỏ "chủ nhà" đang ở giữa bốn bức tường "tôn" của mình.

- Tao nghĩ gã có nhà, - Tarzan nói. - Karl, giữ dùm tao chiếc xe đạp.

Thủ lĩnh Tứ Quái bước đến, đẩy cửa lán. Phòng tối mò, hôi hám như có cả một đội quân lâu ngày không tắm trú ngụ trong đó.

- Xin chào! Có ai trong này không? Ông Lêo có nhà không?

Không một tiếng đáp. Chỉ có tiếng nước xô róc rách. Những sóng nước đen sì xô vào kè sông. Một con hải âu bay ngang kêu lên ma quái.

*

Lêo đi về hướng nhà ga, nách cắp cái hộp bọc trong một tấm mền rách. Ôi chao, sao mà gã sướng! Cả gia tày này thuộc về ta! Gã nghĩ. Nhưng ta phải biến nó thành tiền mặt đã, mà ngay lập tức, không thể để cho cái bà Er­na Sauer­lich ấy kịp thở! Thưa bà , hãy chi tiền ra! Mà nội nhật hôm nay, nhanh! Nếu không, quý bà sẽ chằng bao giờ trông thấy kho báu của mình nửa.

Gã có tiền lẽ đây rồi. Nhưng phải tra số điện thoại của Er­na Sauer­lich đã. Lêo lật cuốn danh bạ trong trạm tự động cạnh nhà ga.

Đống tiền lẽ này là cái vốn đầu tư đáng giá lắm đấy nhá!

Tay Lêo hơi run run. Ăn cắp thì dễ, thương lượng mới gay. Phải tỉnh táo, lạnh lùng mới được. Gã đưa ống tay áo lên quệt mũi. Những tiếng "tút ! tút !" trong đường dây...

- Dạ, tôi nghe? - một giọng phụ nữ thanh thanh cất lên.

- Tôi muốn nói chuyện với bà Er­na Sauer­lich, - Lêo nói, cố giữ cho giọng khỏi run.

- Tôi đây, ai đang nói đấy?

- Tôi sẽ không bảo cho bà biết đâu. Mà bà sẽ biết ngay vì sao. Chẳng là tôi đang giữ cái hộp của bà. Với đầy đủ đồ nữ trang. Bà rõ chứ?

Mẹ Tròn Vo hít một hơi thật sâu.

- Ông... ông đang giữ hộp nữ trang của tôi ạ?

- Tôi đã nói rồi.

- Ông... đã bắt được nó à?

- ề... thôi được, gọi như vậy cũng không sai. Bắt được trong chiếc xe Jaguar của bà. Nơi có thằng ranh béo tròn đang ngồi thù lù. Mặt tròn như cái bánh đa. Ha­ha­ha­ha !

- Vậy ra ông là kẻ cắp. - Giọng bà Er­na đanh lại. - Thế sao? Ông gọi tôi làm gì?

- Tôi nghĩ bà muốn lấy lại hộp nữ trang.

- Tôi hiểu. Tôi phải chuộc lại nó.

- Nếu bà lấy lại chiếc hộp, thì cũng đáng để hậu tạ tôi lắm chứ.

- Hậu tạ ư? Tôi thì tôi... khoan ! - Bà ngừng lại, rõ ràng quay khỏi ống nói, nhưng Lêo nghe rõ hết: - Anh Her­manm. Tên ăn cắp gọi tới. Chúng ta có thể chuộc lại số đồ trang sức. Với một khoản hậu tạ, theo cách gọi của gã.

Rõ ràng ống nói được sang tay người khác. Một giọng nói đàn ông vang lên. Ông Sauer­lich vốn là người hiền hậu, nhưng ông biết lúc nào cần nghiêm giọng.

- Sauer­lich đây. Ai đấy?

Hẳn ông hy vọng tôi sơ ý buột tên mình ra. Này ông. Tôi đã bảo vợ ông rồi, tôi sẽ ở trong bóng tối... như trong các vụ làm ăn kiểu này.

- Ông đòi bao nhiêu?

- Tôi đòi 20.000 mác. Tiền mặt, và trao tức thì. Rồi ông bà sẽ nhận lại hộp nữ trang. Một người như ông nhanh chóng kiếm đủ 20.000 mác, hả?

- Không thành vấn đề, - ông Sauer­lich vội đáp.

- Thế nào?

- Đồng ý.

Lẽ ra ta phải đòi nhiều hơn, Lêo tiếc. Khéo 30.000 mác lão cũng gật. Nhưng 20.000 mác... Ôi trời! Gần 7.000 chai vang loại rẻ chứ ít gì. Đủ cho ta uống dài dài.

- Tôi biết ông nghĩ gì, - Lêo nói. - Cảnh sát cần giăng bẫy tôi phải không? Ông hãy quẵng ngay cái ý nghĩ đó trong đầu đi! Tôi biết từng thằng cớm ở thành phố này. Chỉ cần thấy một thằng lảng vảng ở gần là vụ này coi như quên. Tôi sẽ không xuất đầu lộ diện, và hộp nữ trang vĩnh viễn rơi khỏi tay ông bà.

- Tôi sẽ để cảnh sát ở ngoài cuộc, - ông Sauer­lich đáp, - tôi hứa như vậy. Vợ rất gắn bó với những món nữ trang của bà ấy. Mỗi món đi liền với một kỷ niệm. Tôi có thể bỏ 20.000 mác để chuộc chúng. Tuy nhiên, ông phải tính đến chuyện cảnh sát sẽ truy tìm ông sau này.

- Được thôi ông hãy nhét tiền vào túi và đến ga chính. Tại sảnh ga. Sau nửa giờ nửa.

- Hãy cho tôi 50 phút. Tôi còn phải ghé qua hãng để lấy tiền từ trong két ra.

- Đồng ý! - Lêo liếc lên đồng hồ ga. 17giờ 20 phút.

- Vậy thoả thuận 6 rưỡi chiều. Rõ chứ?

- 6 rưỡi. Làm sao tôi nhận ra ông?

- Ông nói dễ nghe nhỉ! Không! Tôi sẽ nhận ra ông, và chừng nào biết chắc xung quanh không có cớm, tôi sẽ ra hiệu cho ông. Ông hãy tả diện mạo của mình cho tôi xem nào.

Bố của Tròn Vo lưỡng lự.

- Thế này: tôi không cao lắm, lùn thì đúng hơn, nhưng tiếc là quá béo, đã ngũ tuần, và trên đầu chỉ lưa thưa tóc. Tôi sẽ mặc một chiếc áo choàng lông lạc đà, đội mũ, đeo găng. Có lẽ tôi phải cầm cái gì đó làm tín hiệu.

- Không cần, - Lêo ngắt lời ông.- Tôi nhớ tôi từng trông thấy ông rồi. Ở trước sân bay. Ông Sauer­lich, ông hãy đến quán sữa và đứng trước quầy. Rõ chứ? Ông hãy gọi một ly sữa mà uống cũng chẳng sao.

- Ông... định sẽ trao đổi như thế nào đây? Tôi chỉ gi­ao tiền cho ông, nếu tận mắt thấy những món nữ trang.

- tôi bỏ cái hộp vào ngăn gởi đồ tự động. Chúng ta cùng đi tới đó. Ông nhận chìa khoá, lấy cái hộp ra và kiểm tra xem tất cả còn đủ không. Tôi nhét tiền vào túi và lũi đi. Ổn chưa?

- Ổn. - Bố của Tròn Vo gác máy.

Lêo nhăn nhở cười. Trôi chảy hết ý. Lão Sauer­lich xem ra thành thật. Lão chỉ cần lấy lại hộp nữ trang, và sẽ không báo cảnh sát. Tuy nhiên ta vẫn thận trọng là hơn.

Lát sau, Lêo đã ở trong gi­an có các ngăn gởi đồ tự động. Ngăn số 1034 ngỏ cửa, còn trống. Gã lang thang bỏ cái hộp vào, cho tiền vào ổ để thuê ngăn trong 24 giờ - đó là thời gi­an tối thiểu - khoá ngăn lại, và nhét chìa khoá vào túi.

Lêo liếc nhìn đồng hồ treo trong sảnh. Còn thời gi­an.

Gã cười tủm tỉm trong bộ râu rậm. Rồi khoé mép gã bỗng đờ ra, khắp người sởn gai ốc.

Ritschi Gern­re­ich, tên côn đồ tóc vàng, tên côn đồ tóc vàng, kẻ thù tệ hại nhất hiện nay của Lêo - từ sau một kiốt bước ra.

Ritschi nhìn Lêo chằm chằm, và một nụ cười tàn bạo trườn trên mặt gã. Gã không đi một mình. Bên cạnh gã là một tên to béo, đầu tròn thung lủng, má nung núc thịt, cái mũi lại bé tí tẹo. Ritschi nói gì đó, và tên béo cũng nhìn về phía Lêo.

Đoạn cả hai tên nhằm hướng gã mà tiến.

Khốn nạn! Đầu gối Lêo bủn rủn. Chúng... định làm gì... Ritschi đã bị hạ nhục ở ngõ Springflut! Bây giờ nó định trút đòn thù lên đầu ta chăng?

Gã lang thang vội quay ngoắt người vắt chân lên cổ mà đào tẩu. Gã phóng ra ngoài trời tối, bò xuống gầm một xe buýt nhỏ đậu trên bãi đỗ.

Bọn đuổi theo gã kia rồi. Chúng tìm kiếm hồi lâu, chưởi rủa. Lêo thấy bốn cái cẳng chân. Gã nín thở, ước gì đang ở rất xa cái thành phố chết tiệt này. Mà sao cái thằng Ritschi này máu trả thù đến thế cơ chứ?

Lêo nằm bẹp dưới gầm xe, không dám chui ra, kỹ đến lúc không còn nghe động tĩnh gì của hai tên nọ mới bò khỏi chổ nấp. Vừa hí lên như thú hoang điên khùng, gã vừa lén trờ lại sảnh ga. Đã 19 giờ 2 phút. Cha tiên nhân đời! Lão Sauer­lich đã uổng công chờ gã. Lêo dáo dác tìm kiếm nhưng không thấy ông Her­mann đâu nửa.

May mà cả Ritschi lẫn tên béo đã mất dạng.

Lêo run người vì thất vọng. Thử lại lần nửa chăng? Liệu lão Sauer­lich có còn tin gã? Hay nghĩ mình đã bị lừa một vố? Lêo không đủ can đảm bắt đầu lại từ đầu. Thôi, để đến mai đã chết ai.

*

Tarzan và Tròn Vo đã về đến ký túc xá. Sắp đến bữa ăn chiều. Mà các cậu còn khá nhiều bài tập phải làm, khiến Tròn Vo ngao ngán.

- Tao cóc học nửa đâu, - cu cậu tuyên bố. - Tao bất cần ngày mai có bị gọi lên bảng hay không. Tao phải gọi điện về nhà đã, hỏi xem mẹ tao đã bình tâm lại chưa. Ngoài ra, tao có thể an ủi bà ít nhiều, bằng cách kể rằng tụi mình đã hỏi lần ra đầu mối. Đúng không?

- Tao đi cùng, - Tarzan nói. - Đằng nào tao cũng phải thông báo với Ga­by về chuyện Lêo.

Nhị quái chạy xuống buồng điện thoại.

Tarzan gọi cho thanh tra Glock­er trước, kể vắn tắt tình hình.

- Các con khá lắm, - ông Glock­ner khen. - Căn lán tôn gần cầu Hoàng Tử Fe­lix sẽ được theo dõi. Chú sẽ lo chuyện này.

- Chú cho chúng con gởi lời chào Ga­by và Al­ice ạ! - Tarzan nói. - Và tất nhiên cả bác gái nửa.

Đến lượt Tròn Vo gọi về nhà:

-... con đây, mẹ ơi, Willi đây, con trai của mẹ đây mà! A, mẹ nhận ngay ra giọng con à. Con cũng nhận ngay được tiếng tiếng mẹ. Con chỉ định... Saaao cơ ạ? - Tròn vo phỉ một cái, ép chặt ống nghe vào tai.

Tarzan nhìn bạn mình dò hỏi.

- Cááái gì, thưa mẹ? Vâng, được. Tất nhiên! Không, con biết chứ!. Con có thể gọi dây nói từ đâu. Vâng, được chứ! Con quan tâm kinh khủng. Tarzan đã trợn cả mắt lên... vâng, bạn ấy đang đứng đây ạ... trợng cả mắt lên, khiến đối thủ va răng vào nhau lập cập nếu thấy bạn ấy lúc này. Thôi, con chào mẹ.

Cậu gác máy.

- Tarzan, mày không tin nổi đâu nhé. Tên ăn cắp - tức Lêo - đã gọi điện đến nhà tao. Gã đòi 20.000 mác, rồi sẽ trả lại hộp nữ trang. Bố tao đã hẹn gặp Lêo ở quán sữa tại nhà ga trung tâm. Lúc 6 rưỡi chiều. Quá giờ lâu rồi mà gà vẫn chưa xuất đầu lộ diện. Bố tao đã đợi đến đúng bây giờ. Lúc này ông ngồi cùng chú Georg trên xe đỗ trước nhà ga. Họ chờ những lời khuyên.

- Nói ngắn gọn nhé! Chỉ bảo rằng tụi mình đến đó ngay.

- Cái gì? Lại đi nửa à?

- Nhanh lên! Tao đi lấy áo khoác cho hai đứa.

Sau đó, hai đứa chạm trán Gluschke trong nhà xe. Mái tóc vàng hoe rẽ ngôi, bộ mặt phì phị, cặp kính gọng sừng... tất cả trông đều dễ ghét.

Gluschke khoác ngoài bộ quần áo bảo hộ lao động chiếc áo da đi môtô, tay cầm mũ xe máy. Tarzan cảm giác mình nhìn thấu bản chất con người này: độc ác, rình mò, gi­an xảo.

Gã liếc xéo hai đứa:

- Lại chuồn hả? Giờ này mà còn mò vào trong thành phố? Chuyện chẳng liên quan đến tôi thật, nhưng theo chổ tôi được biết thì nó vi phạm nội quy của ký túc xá.

- Hoàn toàn đúng, - Tarzan đáp, - chẳng liên quan gì đến ông.

- Cậu chỉ chuốc rắc rối vào thân thôi, Carsten!

- Đó là rắc rối của tôi. - Tarzan đáp. - Còn ông sẽ gặp rắc rối nếu sinh chuyện với tôi.

- Carsen, rồi sẽ có ngày cậu gãy cổ... cho dù cậu vẫn tự cho mình là một võ sĩ vô địch.

- Chào ông Gluschke!

Hai đứa lấy xe đạp, đạp ra cổng trường.

- Cái tay Gluschke khả ố không chịu được! Tròn Vo nói. - Lần nào chạm trán gã, tao cũng liên tưởng đến một con chuột cống.

- Còn tao chả hiểu sao 6ong Man­dl lại nhận gã vào làm? Đã đành công việc sửa chữa trong trường ngày càng nhiều, nhưng thiếu gì người mà phải chọn cái gã mặt mẹt ấy.

- Nghe đâu ngoài gã ra chẳng có ai xin vào thì phải.

Hai đứa đạp mải miết rồi cũng vào đến thành phố. Nhà ga kia rồi. Tròn vo ca thán vì cái bụng rỗng. Tarzan nhận ra chiếc Jaguar của nhà Sauer­lich. Chú tài xế đáng mến Georg ngồi sau tay lái. Ông Sauer­lich ngồi bên cạnh. Họ nói chuyện, nhưng mắt không rời cổng chính của nhà ga.

- chúng con đã đến! - Tròn Vo gõ vào kính cửa sổ xe.

- Lên xe đi! - Bố cậu gọi, tay với ra sau mở cửa sau xe.

Tarzan đã xuống xe đạp, định cùng tròn vo Tròn Vo đứng cạnh chiếc Jaguar.

Đúng tích tắc đó, thủ lĩnh của Tứ Quái nhìn thấy hai tên: tên côn đồ tóc vàng ở quán "Nửa Tai" và một tên to béo, bụng như cái chum.

Hai tên từ khách sạn Bốn Mùa bước ra. Khách sạn này thuộc loại trung bình, có ưu thế vì nằm nhếch trước mặt ga chính.

Tarzan trông mặt hai tên có đầy vẻ hài lòng. Chúng vừa nhăn nhở cười vội vã rẽ vào phố Nhàn Rỗi.

Tarzan chui đầu vào xe hơi, nơi tròn vo đã chiễm chệ trên dãy ghế sau, đúng chổ sáng nay cu cậu đã ngồi canh một cách cực kỳ chểnh mảng hộp nữ trang của bà mẹ.

- Xin chào bác Sauer­lich, chào chú Georg! Cháu vừa thấy ở đằng kia hai kẻ khả nghi. Một trong hai tên đã hành hung gã lang thang mà bác hẹn gặp ở đây, thưa bác Sauer­lich. Có thể chẳng mang lại điều gì. Nhưng cháu muốn xem chúng làm trò gì. Cháu sẽ quay lại ngay, được chứ ạ? Không Willi, cứ ngồi đây! Hai đứa dễ lộ hơn một. Hãy tranh thủ kể lại kết quả điều tra hôm nay của tụi mình.

Không đợi trả lời, Tarzan nhảy lên xe đạp phóng đi. Hắn không tin Lêo sẽ ló mặt. chắc chắn gã lang thang đã mất can đảm, hoặc sợ bị giăng bẫy. Hắn quan tâm đến đôi lưu manh kia hơn.

Phố Nhàn Rỗi là nơi tập trung phần lớn các tửu quán, phòng chơi bi-​a, hộp đêm và quán điểm tâm của thành phố.

Nhưng Tóc Vàng và Béo Bệu đi tiếp. Vì chúng không ngoái lại, Tarzan cứ vô tư đạp theo sau. Ngoài ra phố Nhàn Rỗi nhung nhúc người đi đường mà những cô này phấn son loè loẹt.

Chẳng hiểu Tóc Vàng có quen biết Lêo không? Tarzan tự hỏi. Hay bất kỳ kẻ lang thang nào lang thang nào lảng vãng đến quán "Nửa Tai" sang trọng nọ đều bị gã tra tấn? Hay giữa gã và Lêo có oán thù riêng? Khó tin lắm. Không, chắc giữa Tóc Vàng và Lêo chẳng có gì chung.

Tiếp thêm ba phố nửa. Trời tối. Yên tĩnh. Hai tên lưu manh dừng lại sau một góc nhà. Tên Béo Bệu dựa lưng vào tường, thở phì phò. Tóc vàng chỉnh lại mũ, ngó vào phố tiếp đó.

Tóc Vàng quan sát gì thế nhỉ?

Tarzan bèn quay hướng, đoạn biến vào cái ngõ bên trái, đi được hai dãi nhà lại rẽ, cuối cùng đến dược nơi có thể trông thấy đích quan sát của Tóc Vàng.

Thì ra đó là khách sạn duy nhất của khu vực này, có cái tên "CUNG ĐIỆN LI­DO" sáng rực trên cửa.

Tarzan dựa xe đạp vào tường, lẩn trong bóng tối. Hắn vểnh tai lên, nghe lõm bõm những câu cuối của tóc Vàng. Gã nói khẽ, nhưng giọng như ống bơ gỉ. - ... En­ri­iico ... tụi mình ... hêhêhê ...

Tarzan chịu, không hiểu nổi. Nhưng rõ ràng cái tên En­ri­co được nhắc lại mấy lần. Tarzan tin mình nghe rõ như vậy.

Rồi một chiếc taxi từ đầu kia phố lăn bánh tới đổ xịch trước "Cung điện Li­do".

Một gã đô con mặc áo choàng vàng choé bước xuống. Ánh đèn nêông hắt lên những ngọn tóc quăn đen. Bộ mặt gã có vẻ góc cạnh, gân guốc như một võ sĩ quyền Anh nhà nghề.

Gã cười ha hả với một người nửa xuống phía bên kia xe. Tarzan giụi mắt. Song sinh chăng?

Không. Nhưng anh em ruột là cái chắc! Tên kia cao hơn một chút, mặt đỡ gồ ghề hơn, tóc quăn hơn.

Hai anh em - mà Tarzan cho là người Italia - xách hai vali bước vào khách sạn.

Chiếc taxi tiếp tục lăn bánh. Khi xe đến góc phố, Tóc Vàng nhảy ra giữa phố, Tóc Vàng nhảy ra đứng giữa phố giơ tay ra hiệu.

Xe đỗ lại. Hai tên leo lên. Tarzan thụt vào khi xe chạy ngang chổ hắn đứng. Hừm! Mất công theo dõi mà chẳng nước non gì, hắn nghĩ. Lẽ ra chẳng cần phí sức. Bọn này làm gì với nhau đâu có liên quan gì đến tụi mình. Hơi đâu mà bám theo mỗi kẻ tỏ ra mờ ám. Dù sao thì chúng cũng chẳng dính láng tới Lêo.

Bốn.

Động Thủ.

Ga­by bật đèn đầu giường, nhìn sang giường bên. Al­ice mỉm cười, mở mặt. Trong cô có vẻ rất tươi tỉnh.

- Chúc buổi sáng tốt lành, Al­ice! Ngủ ngon chứ ?

- Rất ngon. Mình luôn ngủ ngon khi đến chổ lạ. Mình dễ quen với địa điểm mới lắm.

- Thế thì tuyệt ! Mình cứ lo con Os­kar làm bạn mất ngủ. Nó lại nằm mơ đến cô bạn gái hay sao đấy, cứ ư ử trong giấc ngủ.

- Ăn thua gì so với con vẹt của mình, - Al­ice ngồi dậy. - Con Co­co hót và nói xoen xoét cả về đêm. Ngoài ra nó có thể hót nhiều bản quốc thiều khác nhau. Mình quen ngủ trong tiếng ồn rồi.

Khi hai đứa vào phòng ăn thì ông bà Glock­ner đã ngồi bên bàn điểm tâm. Ông Glock­ner đang đọc báo.

Mẹ của Ga­by xinh đẹp và duyên dáng như bất kỳ lúc nào. Bà vui vẻ, nồng nhiệt chào Al­ice.

Trong khi Ga­by đặt Os­kar ra vườn sau, Al­ice giúp bà Mar­got Glock­ner sửa soạn bữa sáng.

Sau khi ăn sáng xong, hai cô bé đi soạn cặp sách.

- Tụi mình phải có mặt đúng giờ, - Ga­by bảo bạn.

- Xe buýt không đợi ai đâu.

Ông Glock­ner xuất hiện trên khung cửa mở :

- Hôm nay bố xong sớm. Bố đủ thời gi­an cho hai đưa đến trường. Sẽ dễ chịu hơn là chen chúc lên xe buýt, phải không nào ?

- Tuyệt vời, bố ơi ! - Ga­by reo lên. - Nếu thế chúng con sẽ có mặt ở trường sớm hẳn, tha hồ nói chuyện với các bạn ấy.

Lát sau, ông Glock­ner lái chiếc BMW từ nhà xe ra. Hai cô gái lên xe.

Ở bến xe buýt có ba học sinh đang đứng. Hai đứa nhỏ tuổi còn đẩy nhau, đùa chơi. Người thứ ba đã 17 tuổi, tay giương ô, miệng lẩm nhẩm ôn bài.

Xe buýt vẫn chưa đến.

Đèn đỏ.

Đúng lúc đó máy bộ đàm của thanh tra Glock­ner kêu như dế kêu. Ông đưa ống nghe lên tai, xưng tên. Tiếng người gọi vang đến nỗi các cô bé cũng nghe rõ :

- Thanh tra Glock­ner , tôi là Voigt ở tổng đài đây. May quá gọi được anh. Tôi vừa gọi về nhà thì chị ấy bảo rằng anh đã đi. Ở ngõ Blessen­hof, ngay góc phố nhà anh, vừa xảy ra một vụ cướp. Rõ ràng hung thủ định tấn công một chủ tiệm kim hoàn đến cửa hiệu sớm. Tình cờ, một xe tuần tra đi ngang. Giờ đây hung thủ có vũ trang bắt ông chủ tiệm kim hoàn làm con tin và cố thủ trong cửa hiệu. Sếp, - ý anh ta nói ông chánh cảnh sát, - muốn anh lo vụ này. Hung thủ rõ ràng điên cuồng lên rồi.

- Được, - ông Glock­ner đáp, - tôi sẽ đến đó ngay.

Ông bỏ ống nghe về vị trí cũ.

Ga­by quay bảo bạn gái :

- Bây giờ tụi mình đành đi xe buýt vậy. Có sao đâu.

- Bố rất tiếc, - ông thanh tra nói, - nhưng vụ này có vẻ gấp lắm.

Ông ghé xe đỗ bên vỉa hè. Hai cô bé xuống.

- Bố cẩn trọng nhé, thưa bố ! - Ga­by dặn.

Chiếc xe vọt đi. Hai cô bé trở lại bến xe buýt.

- Xin chào ! - Cậu học sinh 17 tuổi gật đầu với hai người đẹp.

Ga­by chưa kịp kéo mũ lên trùm đầu thì chiếc xe buýt lăn bánh tới nơi.

Ông Wei­drich đáp lại lời chào của Ga­by, nhưng sáng nay sao nụ cười của ông ta gượng gạo thế.

- Đây là bạn gái cháu, Al­ice Theisen, - Ga­by giới thiệu với ông ta. - Trong hai tuần tới, bạn ấy đi cùng với chúng ta đấy ạ, thưa ông Wei­drich.

Weirdrich gật đầu. Ga­by kéo Al­ice ra cuối xe, chỗ cô bé thích ngồi nhất. Hầu như các chỗ còn trống.

- Bình thường xe đông hơn thế này nhiều, - Ga­by bảo Al­ice.

- Ông lái xe ghi chép cái gì không biết ? - Al­ice hỏi.

- Ông ấy ghi cái gì à ?

Từ chổ Ga­by ngồi không thấy được Wei­drich.

- Ừ, ông ấy vừa lái vừa viết cái gì đó vào mảnh giấy.

Cả Ga­by cũng lấy làm lạ. Chiếc xe buýt chưa từng đổ ở đây, trên phố Palotschi bao giờ. Vậy mà lúc này Wei­drich ghé xe vào hè bên phải và dừng lại. Máy vẫn nổ, trong khi Wei­drich nhảy xuống, vội vã như thể quên mất việc gì phải hoàn thành.

Chỉ vài giây sau ông ta đã quay lại. Nhiều giọt nước mưa to tướng lăn trên mặt ông ta. Hay là mồ hôi ? Ngoài trời lạnh thế mà ông ta túa mồ hôi thật kìa. Mặt ông ta đỏ phừng phừng. Sốt chăng ?

Ga­by không nghĩ thêm về điều đó nửa, quay sang giảng giải cho Al­ice phong cảnh hai bên đường mà họ đi qua.

*

Ở ngoại ô, nơi màn mưa xen với tuyết giăng giăng trên những cánh đồng và bãi cỏ, thời tiết còn khó chịu hơn.

Một chiếc xe hòm đeo biến số giả đậu ven đường. En­ri­co giới thiệu Dobbel, chủ quán "Nửa Tai" với Car­lo. Tên này rất giống anh, nhưng nói tiếng Đức sõi hơn.

- Tôi không thể đến sớm hơn, - Car­lo cười bảo Dobbel. Chẳng là tôi phải ngồi tù hai năm ở Rom. Mãi sáng qua tôi mới được trả lại tự do. Thế là đáp ngay chuyến bay liền đó, và chập tối đã đến đây.

- Car­lo là chuyên gia về khí gây mê đấy. - En­ri­co khoe. - Chuyên gia số một ở châu Âu. Tao đã chuẩn bị tất cả theo yêu cầu của nó. Để hết trong chiếc xe chở đồ gỗ đằng kia kìa.

Chiếc xe cũ kỹ đó cũng mang biển số giả, đậu sau một kho chứa cỏ lớn, bên cạnh lù lù một đống phân chuồng.

- Thứ khí gây mê đó có hại cho sức khỏe không ? - Dobbel hỏi.

En­ri­co phá lên cười khoái trá. Xem, tay chủ quán còn lo lắng cho sức khỏe của lũ học trò nửa chứ.

Car­lo lắc đầu quầy quậy :

- Không mảy may. Con ít hại hơn một viên thuốc ngủ bình thường. Nhưng gây mê sâu hơn, lâu hơn. Lũ nhóc sẽ ngủ như gấu mùa đông.

En­ri­co, ngồi sau tay lái, nhìn vào tấm gương ngoài xe, phun nước bọt quá kẻ răng.

- Gluschke đến kia. Bây giờ sẽ quyết định có ra tay hôm nay không.

Một chiếc xe máy phân khói lớn màu đồng phóng đến. Gluschke cưỡi trên nó, dáng nhõm lên như bị thương ở mông. gã mặc áo da, đầu đội mũ bảo hiểm.

En­ri­co nhảy ra khỏi xe.

Gluschke rút mảnh giấy gấp tư từ trong túi ra :

- Đây ! Wei­drich bảo trong đó ghi đầy đủ tên. Năm phút nửa xe buýt sẽ đến chổ này. Chúng mày cần tao không ?

- Mày biến về trường ngay và làm việc như mọi ngày, - En­ri­co vừa đáp vừa lướt mắt qua danh sách.

Gluschke còn chần chừ. Liệu "vụ làm ăn thế kỷ"có diễn ra trong hôm nay ? Hay En­ri­co không bằng lòng về bản danh sách ? Gluschke không biết nội dung vụ làm ăn. Gã sẽ lĩnh phần 50 000 mác, ngoài ra chẳng quan tâm gì hết.

En­ri­co nhảy cẫng lên như bị mũi kéo đâm. Khi chân gã chạm đất, tuyết bắn tung tóe. Gã lại nhảy lần nửa.

- Tất cả rõ rồi ! - Gã réo. - Nào, vào việc thôi ! Cản đường chúng. Tiến lên !

Gluscke gật đầu, vào số, phóng môtô về phía trường nội trú. Phần gã, thế là hoàn thành.

Dobbel và Car­lo nhảy khỏi xe, mở cửa sau đít xe. Chúng lấy ra một bệ cản cản đường sơn trắng đỏ mà thơ sửa đường vẫn dùng để ngăn từng đoạn khi làm việc. Thêm một tấm biển đề : " CHÚ Ý TAI NẠN - HÓA CHẤT - NGUY HIỂM BỊ CHẢY RA - ĐI ĐƯỜNG - VÒNG QUA BRUN­NDOR­FL/FI­BI­EN­HAUSEN ".

Con đường này cũng dẫn đến trường nội trú, nhưng xa hơn 3 cây số.

Dobbel và Car­lo giấu bệ cản sau một khóm thông bên đường.

Xong việc, Dobbel nấp luôn vào bụi. En­ri­co và Car­lo nhảy lên xe. Chúng phóng đến sau kho cỏ, đậu chiếc xe hòm ở đó. Chiếc xe cho đồ gỗ có thùng xe cao, rộng, kín mít. Ô cửa buồng lái có dòng chữ : "WAL­DER­MAR UN­TER­HAM­MER - DỊCH VỤ VẬN CHUYỄN/ CHUYỂN NHÀ - SCHRAT­TEN­BURGAM LURCH - TEL 01112/43090 "

Cố nhiên đó chỉ là địa chỉ và công ty ma mà Dobbel bịa ra.

Hai anh em tội phạm hành động không nói không rằng. Chúng mặc áo choàng sẫm cài khuy kín cổ. Mũ len chùm kín mặt hở mỗi khe mắt. Cả hai cầm những khẩu súng lục to tướng, trông dễ sợ, tuy không lắp đạn. Không ai sẽ bị bắn chết. Và Wei­drch, tên lái xe buýt đã bị mua chuộc, đằng nào cũng chẳng chống cự.

Hai anh em chạy trở lại đường. Đã bốn phút trôi qua kể từ lúc Gluschke trao cho En­ri­co bản danh sách. Lúc này mảnh giấy vo viên nằm trong túi quần En­ri­co. Tất cả tên họ của đám học sinh ghi trong đó, nhưng đặc biệt quan trọng thì chỉ có một. Chỉ En­ri­co và Car­lo biết cái tên đó, và nó cũng có ý nghĩa riêng với chúng mà thôi.

Chúng nấp hai bên đường, sau những thân cây.

Kìa ! Xe buýt đang đến ! Nó vừa nhô ra tự màn hơi nước đùn đục màu sữa. Chiếc xe chầm chậm lăn bánh. Điều này đã được thỏa thuận trước với Wei­drich.

Mọi việc sẽ diễn ra rất nhanh. Chờ xe buýt chạy qua chỗ mình nấp, Dobbel lập tức lôi ra giữa đường bệ cản cùng tấm biển báo phải đi vòng. Từ giờ, kẻ nào đạp xe hoặc lái ôtô từ thành phố ra, chỉ biết lắc đầu mà theo chỉ dẫn trên biển.

Chiếc xe buýt mỗi lúc một giảm tốc độ tới mức lộ liễu.

Còn 10 mét nửa.. Bắt đầu !

En­ri­co từ sau thân cây nhảy phắt ra giữa đường, đứng dang chân, hai tay cầm súng lục chĩa vào chiếc xe buýt. chính xác hơn : chĩa vào Wei­drich.

Tay lái xe toát mồ hôi vì sợ hãi sau tấm kính chắn gió. Ông ta phanh tức thì. Vì cả Car­lo cũng phi ra đường, lăm lăm súng đầy hăm dọa về phía ông ta.

Phanh két thành tiếng. Chiếc xe đỗ lại.

Sau lưng wei­drich là những gương mặt tại mét nghẹn lên khiếp đảm : học sinh từ lớp 5 đến lớp 12.

- Mở cửa xe ra, tài xế ! - Car­lo gầm lên.

Wei­drich vâng lời.

Của trước mở.

En­ri­co nhảy lên xe, suýt trượt ngã vì bậc trơn quá.

Gã hăm dọa chĩa sừng vào đám học sinh đang ngồi như bị tê liệt. Không một tiếng kêu. Những cái miệng há hốc, những ánh mắt bàng hoàng - và nỗi sợ hãi từ từ hiện trên các nét mặt.

Car­lo nhảy lên xe theo anh, thúc mũi súng vào người Wei­drich :

- Hãy lái xe theo đường đồng, đến kho cỏ đằng kia ! Mau, đồ khốn ! Kẻo tao cho xuyên thủng mấy lỗ vào áo khoác của mày bây giờ.

- Vâng vâng. Tôi lại đây. Đừng bắn ! - Wei­drich lắp bắp. Nghe rất thật.

Ông ta ngoan ngoãn lái chiếc xe buýt rẽ vào con đường đồng bên phải, không quên nháy đèn rồi tắt đèn pha mà ông ta đã bật lên để chạy trong sương mù, dù chẳng kẻ nào ra lệnh ấy.

*

Mình mơ trời ạ, Ga­by nghĩ. Không thể như thế này được ! Đâu phải sự thật ! Hai tên bịt mặt chĩa súng lục tấn công chiếc xe buýt chỡ học sinh. Trò đùa chăng ? Do hai học sinh lớn gây ra ? Hay đây là sự thực phủ phàng ?

Cô bé nhìn Al­ice.

Al­ice tại mét như xác chết. Cặp mắt mở to vì quá khiếp đảm.

Một tên cướp đi xuống cuối xe, súng luôn sẵn sàng khạc đạn.

Cặp mắt sẫm trong khe hở nhìn từng gương mặt.

Từng gương mặt ư ? Ga­by chỉ nhận thấy chúng không dừng ở các học trò nam. Những tên cướp chăm chú quan sát các cô gái. Số con gái ít thôi, nên lóang cái gã đã đến cuối xe. Rồi Ga­by cảm thấy đôi mắt sẫm lạnh lùng chĩa vào mình.

Cô bé bướng bĩnh bĩu môi :

- Ông lên nhầm xe rồi, thưa ông tướng cướp. Chiếc xe chỡ tiền của nhà bằng trông khác kia. Hay ông định thu lượm tiền vé xe ? Tại sao lại bày ra trò này ?

- Câm mòm, ranh con ! - Gã quát.

Giờ đây gã nhìn Al­ice, lâu hơn nhìn những đứa khác chừng 2,3 giây.

Chiếc xe buýt dừng lại.

Ga­by nhìn ra, nhận thấy mình đang ở sau kho chứa cỏ lớn mà nhiều năm nay cô vẫn đi qua trên đường đến trường và về nhà.

Một chiếc xe chỡ đồ gỗ to tướng đỗ cách đó vài mét. Xa nửa là một ôtô con. Từ đây ra đường cái mờ mịt sương mù. Ga­by bỗng sợ thắt tim, lòng can đảm gần như bây biến. chuyện gì xảy ra thế này ? Bọn cướp tấn công xe buýt chở học sinh nhằm mục đích gì ? Cổ Ga­by như nghẹn lại. Giờ đây chắc cô bé không thốt nổi những lời vừa nói nửa.

Tên cướp quay mặt về phía đầu xe :

- Ông lái ! Chỉ mở cửa sau này thôi. Rõ chưa ? Sẽ xuống lối này.

Wei­drich ấn một cái nút.

Cửa phía sau xe mở ra.

Tên cướp nhảy xuống.

Ga­by thấy hắn cao hơn tên đồng bọn.

- Chúng làm thế để làm gì ? - Giọng Al­ice yếu ớt.

- Tớ cũng không hiểu. - Ga­by thì thầm đáp. - Hẳn không phải để trấn lột tiền tiêu vặt của tụi mình, hay bánh mì điểm tâm giữa giờ của tụi mình. Điên rồ thật ! Hay chúng bị chập mạch ?

Tên cao hơn nhảy hai bước, đến bên cửa sau thùng xe chỡ đồ gỗ.

Ga mở toang hai cánh cửa.

Tên cướp hâ một tấm kim loại xuống, như cầu thang để lên thùng xe. Đoạn quay lại xe buýt.

- Xuống xe ! Nhưng chỉ từng người một ! Thong thả thôi ! Các người trèo lên thùng xe chỡ đồ gỗ ! rõ chưa ? Nếu vâng lời, sẽ không việc gì hết. Ai chống cự, sẽ tự chuốc lấy hậu quả. Thôi nào ! Mày !

Mũi súng chĩa vào bé Hei­delinde.

Cô bé 10 tuổi ôm chặt cặp sách trước ngực, líu ríu xuống xe.

Tên cướp để mắt canh chừng. Nhưng Hei­delinde không còn đâu can đảm để tìm cách tháo chạy.

Nó leo lên thùng xe bên kia. Nép người vào thành thùng.

- Đến lượt mày !

Hắn chỉ Ga­by. Chống cự vô ích thôi.

Ga­by đứng dậy, đầu gối như bủn rủn. Cô nhìn Al­ice. Trong Al­ice còn hoảng hốt hơn bao giờ hết. Ga­by bước xuống từng bậc.

- Không chậm rề rề như thế ! - tên cướp nói. - Nhanh nhẫu lên ! Hop ! Hop !

- Tôi đâu phải một con thỏ.

- Nào tao có nói thế đâu. Thậm chí mày là một con thỏ xinh đáo để.

- Dẻo mồm thế ! - Ga­by quắc mắt nhìn vào hai con mắt hắn. - Đồ tội phạm !

- Lên xe, mau !

Ga­by lên ngồi cạnh bé Hei­delinde :

- Em đừng sợ ! Muộn nhất là một giờ nửa, bố chị sẽ biết chuyện này, và sẽ cứu chúng mình ra.

Người tiếp theo là Al­ice. Thùng xe đầy dần. Những hình hài đờ đẫn, những gương mặt thất sắc. Không ai nói gì. Tên cướp thì cứ lăm lăm tay súng canh chừng từng người chuyển xe.

Wei­drich bị cả hai tên áp tải sang sau cùng, bởi lúc này chiếc xe buýt đã trống rỗng.

Nhưng ông ta vừa toan leo lên thùng xe thì đã bị tên cao lớn ngăn lại :

- Mày thì không. Tụi này cần mày để chuyển tin. Hy vọng mày không đến nỗi quá ngu.

Hai cánh cửa đóng sầm lại, tiếng kéo chốt, ổ khóa lạch xạch.

Trong thùng xe tối bưng. Ga­by lần nắm lấy cánh tay Al­ice. Cô bé lắng tai nghe.

Trước buồng lái có tiếng mở cửa, kim loại loảng xoảng. Rồi cánh cửa nhỏ thông giữa buồng lái và thùng xe hé ra một vết mờ mờ rất hẹp.

Chúng sẽ luồn gì qua khe hở chăng ?

Có tiếng xì xì !

Ngay tích tắc sau, có mùi gì ngon ngớt tỏa lần.

- Hơi gas ! - ai đó kêu lên. - Chúng.. chúng đầu độc bọn mình rồi.

Những nấm đấm đập vào ô cửa nhỏ. Nhưng vô hiệu.

Ga­by hoảng gần chết. Cô bé cố nín thở. Rồi cô cũng chìm dần vào cơn mê.

*

Tarzan đứng trước của ngôi trường chính, hai tay đút túi quần, chốc chốc lại ngóng ra phía cổng trường.

Còn 10 phút nửa là bắt đầu tiết học thứ nhất. Hôm nay, thầy dạy toán của lớp 10A đột ngột lên cơn sốt vào lúc rạng sáng nên phải nghĩ dạy. Trường không kịp bố trí người thay. Vì vậy tiết đầu trống.

Mà sao mãi xe buýt vẫn chưa đến. Đáng lẽ giờ này các học sinh ngoại trú đã phải có mặt từ lâu. Với Ga­by và Al­ice thì không sao, vì đằng nào tiết đầu cũng được nghỉ. Nhưng còn học sinh các lớp khác. Chúng sẽ muộn giờ vào học mất.

Tròn Vo từ trong đi ra, đứng cạnh Tarzan .

- Thời tiết như dở hơi ! Các cô gái chưa đến à ?

- Mày có thấy họ không ?

- Bình thường xe buýt vẫn đúng giờ lắm mà.

- Thì thế.

Tròn Vo rút nửa phong so­co­la từ trong túi ra, bắt đầu nhấm nháp.

- Này, đại ca biết tao khoái gì không ? Trong lớp mình còn có mỗi một chổ trống : ở bàn mình. Thế là Al­ice phải ngồi cạnh tao.

- Nếu tao không nhầm, Willi, thì chổ trống duy nhất ấy ở bên phải tao.

- Đúng thế. Nhưng tụi mình có thể đổi chổ cho nhau được mà. Đồng ý không ?

Tarzan hầu như chẳng để tai nghe, nhưng vẫn gật đầu, mắt nhìn đồng hồ.

- Tao không yên tâm, Willi à. Tao đi lấy áo mưa và đạp về hướng thành phố đây. Có thể xe buýt bị sa xuống rãnh ven đường thì sao.

- Úi, mày đoán thế à ? Tao có phải đi cùng không ? ừ, được mà. Tao đi, tao đi với. Nhỡ đâu Al­ice cần tao giúp đỡ. Có cần mang theo bông băng không ?

- Trên xe buýt có sẵn rồi.

Hai quái chạy ù lên Tổ Đại Bàng lấy áo mưa. Đoạn xuống nhà xe.

Khi Tarzan bước vào, hắn đã nghe tiếng kim loại va nhau chát chúa.

Đợi một lúc, mặt hắn mới quen với cái tối nhá nhem trong này. Rồi hắn thấy Gluschke đang lúi húi trong goc Tarzan thường cất xe đạp. Gã vừa gầm gừ giận giữ vừa loay hoay sửa gì đó trên chiếc môtô màu đồng của mình.

Tarzan toan mở khóa xe đạp thì sững sốt nhận thấy một bên pê­dan bị hỏng, méo mó, còn dính những vẫy sơn màu đồng.

Tarzan ngó quanh. Chỉ có xe môtô của Gluschke là màu đồng mà thôi.

- Ông đã làm hư hại xe tôi, - Tarzan nói.

- Cậu láo lếu gì vậy ? - Gluschke đứng thẳng lên.

- Thật là ông không nhìn thầy sao ? Tôi không tin nổi. Nhưng, mời ông nhìn tận mắt ! Đây này ! Ông có thầy những vẩy sơn màu đồng dính ở pê­dan xe tôi không ? Và xe ông bị xước một chổ ở bình xăng kia kìa ! Tróc cả sơn . Rõ như ban ngày !

- Vớ vẩn ! Nó vẫn bị tróc từ trước. Tôi không có động gì vào xe của cậu.

- Nhưng xe của ông đã đổ vào xe của tôi.

- Thế nhỡ ngược lại thì sao, hả ?

- Tất nhiên ! Xe tôi bị đổ mà pê­dan va vào bình xăng xe ông được thì chắc là nó phải biết bay.

- Mày muốn làm gì kệ mày ! Tao không đền cho mày một xu.

- Để rồi xem.

Thủ lĩnh Tứ Quái tức nghẹn cổ, nhưng bây giờ không phải là lúc cãi vã với cái gã đáng ghét này. Ánh mắt của cậu đủ là lời khai chiến.

Khi đạp xe ra cổng, Tarzan nói :

- Gluschke xử sự như thế gã đã xin thôi việc ở đây. Thế mà gã mới vào làm có hai tháng. Chắc gã khoái hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn. Đơn giản là người như gã không thể ở trường này lâu được.

- Gã đúng là nỗi sĩ nhục cho trường mình, - Tròn Vo tức giận. - Gã cứ liệu hồn, kẻo tao sẽ chọc thủng lốp xe của gã.

Mười phút sau, hai quái đến ngang tầm kho chứa cỏ. Quãng này mưa tuyết rơi thẳng đứng, xua tan sương mù.

Tarzan đưa mắt về hướng kho cỏ, tức thì phanh xe.

- Willi , chiếc xe buýt kìa !

- Cái gì ? Đâu ?

- Phía sau kho cỏ. Chỉ ló một tí đuôi ra.

Tròn Vo trố mắt :

- Mày hiểu gì không hở ? Nó làm gì ở đây ? Hỏng hóc chăng ?

Tarzan cảm thấy có chuyện chẳng lành. Điều gì đã xảy ra ở đây ? Dãy ghế sau cùng không người ngồi, hắn thấy rõ ràng.

Hắn phóng vù vù trên con đường đồng khiến Tròn Vo theo không kịp, đoạn đứng lại bên chiếc xe buýt, nhóm người ngó vào - Xe trống không ! Trống không trời ạ !.

Tarzan buông đổ xe đạp, chạy lên cửa trước là cửa duy nhất để mở. Vừa bước lên bậc, hắn nghe tiếng rên.

Wei­drich nằm dưới sàn xe, tay chân bị trói nghiến, buộc chặt vào chân ghế thép bởi dây thừng. Mồm ông ta bị dán tấm băng dính rộng bản. Mặt Wei­drich xám ngoét, đầm đìa mồ hôi.

- Trời đất !

Các ý nghĩ của Tarzan bấn loạn khi hắn quỳ xuống dùng lưỡi dao nhíp cắt những sợi thừng. Wei­drich vừa rên rỉ vừa tự gỡ tấm băng dính.

- Ông Wei­drich ! Ông nhận ra tôi không ? Tarzan , bạn của Ga­by Glock­ner đây mà. Có chuyện gì vậy ? Đám học sinh đã trói ông chăng ?

- Cảnh sát ! - Người lái xe buýt hổn hểnh. - tôi phải báo cảnh sát ngay. Chúng...chúng tôi bị tấn công. Đột nhiên có hai tên bịt mặt vũ trang tận răng nhảy ra chặn đường. Chúng buộc tôi phải rẽ xe vào đây. Chỗ này đậu sẵn một chiếc xe lớn, một xe con­tain­er, không, một xe thùng chuyên để chở đồ gỗ, khá cũ, màu xám và xanh lục. Tôi không nhìn được số xe. Tất cả đám học sinh đều bị lùa sang đó. Rồi sập cửa lại. Hai tên trói tôi, rồi lái chiếc xe chạy mất.

Tarzan trân trối nhìn ông ta. Không hiểu gì.

Tròn Vo lúc này mới đạp tới nơi. Thở hồng hộc.

- Chúng đã..., - Tarzan khó nhọc lên tiếng, - đưa tất cả đám học sinh, nghĩa là cả Ga­by và Al­ice, đi theo ư ? Đơn giản là tống vào thùng xe rồi... Chẳng lẽ đây là một vụ bắt cóc ?

Wei­drich gật đầu :

- Đúng thế, bắt cóc. Cách đây độ nửa giờ, 29 em học sinh đã bị bắt cóc. Không tin nổi, phải không ? - Ông ta quệt mồ hôi trán. - Chỉ một trong hai tên tội phạm nói thôi. Tôi phải nhắc lại điều gã gi­ao cho tôi. Rằng đây là một vụ bắt cóc. Chúng đòi 3 triệu mác mới trả tự do cho các em. Và rằng chúng, những kẻ bắt cóc, sẽ lên tiếng qua điện thoại. Thậm chí gọi thẳng đến Tổng nha cảnh sát. Chúng bảo chúng không biết đùa giỡn. Phải nhanh chóng lo đủ tiền, nếu không sẽ có chuyện khủng khiếp xảy ra với lũ trẻ.

Im lặng vài giây.

- Chuyện khủng khiếp ấy à ? - Tròn Vo hỏi thất thanh.

- Khủng khiếp ! - Wei­drich xác nhận.

- Một chiếc xe chở đồ gỗ thì không thể biến vào hang chuột được, - Tarzan nói. - Có thể nó vẫn chạy trên đường. Tụi mình phải báo tin ngay cho thanh tra Glock­ner, để cho xe tuần tra tìm kiếm trong thành phố và khắp vùng lân cận...

Hắn không noi tiếp, mà quay ngoắt người, cắm đầu chạy, suýt xô ngã cả Tròn Vo.

Hắn nhảy phắt lên xe. Tròn Vo kêu lên gì đó. Nhưng Tarzan đã phóng ra đường. Quay về ký túc xá hay là...không ! Từ đây vào thành phố gần hơn.

Gặp ngôi nhà đầu tiên, Tarzan bấm chuông vô ích. Nhưng cửa nhà bên cạnh xịch mở, một bà đầu cuốn lô, tay cầm miếng bánh phết mứt cắn dỡ bước ra.

- Xin lỗi bà ! - Tarzan hổn hểnh. - Bà có máy điện thoại chứ ạ ? Cháu phải gọi cho cảnh sát. Thật nhanh ! Một tội ác ! Một vụ bắt cóc ! Hai kẻ bít mặt đã...Nhà bà có máy điện thoại không ? Có hay không ?

- Có, - Người đàn bà hoảng hồn đáp. - Bắt cóc à ? Cháu vào trong này. Nhà tôi đang ăn sáng. Mấy thằng con tôi...

Hai cậu choai choai, mặc áo quần như thợ học nghề sửa chữa ôtô, đang ngồi điểm tâm trong bếp. Điện thoại cũng đặt đấy.

Tarzan gật đầu chào họ, bấm số điện thoại đến Tổng nha cảnh sát , xin nói chuyện với thanh tra Glock­ner.

*

Máy tính giữ giọng khỏi run run :

- Lạy Chúa ! Giá như tao biết được khi ấy chuyện gì đang xảy ra trong sương mù, trước tao có trăm mét !

- Đằng nào mày cũng không có cách gì ngăn cản. - Tarzan vỗ vai bạn. - Bọn cướp có vũ khí. Tuy nhiên... giá mày bí mật quan sát được thì tụi mình đã tranh thủ được thời gi­an.

Tarzan , Karl và Tròn Vo đang đứng trong lớp 10A.

Theo thời khóa biểu, lẽ ra tiết học thứ hai đã bắt đầu từ lâu. Nhưng hôm nay toàn trường nghỉ học.Vì cái tin chấn động về vụ bắt cóc.

Các học sinh ngoại trú đã lên đường về nhà. Đương nhiên Karl ở lại.

Ông hiệu trưởng Ere­und triệu tập họp hội đồng nhà trường khẩn cấp. Có trời mới biết họ bàn bạc những gì.

- Sau khi tao kể hết với ông chánh cảnh sát, - Tarzan tường thuật, - năm xe cảnh sát lên đường đến hiện trường ngay để xác định dấu vết. Ông Wei­drich phải mô tả lại vụ việc lần nửa. Rồi bố của Ga­by đến. Người ta đến tận nơi chú ấy dang dỡ việc để đón đi. Chú ấy bình tĩnh lạ lùng. Thậm chí con trấn an tao. Có lẽ lúc ấy tao như hóa điên. Nhưng tao có thể đọc trong mắt thanh tra Glock­ner nỗi lo sợ khủng khiếp cho Ga­by.

- Như tất cả bọn mình, - Karl gật gù và vội vàng sửa : - Nhưng hai bác là cha mẹ của Ga­by. Con mày... mày định gắn bó mãi mãi với Ga­by.

- Tao sẽ mãi mãi gắn bó với Ga­by, - Tarzan đáp nghiêm trang - Suýt nửa chú Glock­ner đã chở Ga­by và Al­ice đến trường đấy chứ. Nhưng lại có việc đột xuất xen vào.

- Đó là cái số, - Karl lẩm bẩm.

- Ông Wei­drich đã cố gắng tả tỉ mỉ chiếc xe chở đồ gỗ. Mỗi lực lượng cảnh sát đều lùng sục nó. Nhưng tao e bọn cướp đã đủ thời gi­an để tìm chỗ ẩn giấu.

- Giờ thế nào ? - Karl hỏi. - Tụi mình làm gì đây ?

- Hiện ông chánh cảnh sát đang triệu tập cha mẹ của những học sinh bị bắt cóc. Thanh tra Glock­ner lập một ủy ban đặc biệt do chú ấy lãnh đạo. Ông thị trưởng đã biết tin. Trước mắt, ông giám đốc sở tài chính của thành phố phải lo đủ số tiền chuộc. Cố nhiên sự an toàn cho số học sinh bị bắt cóc được đặt lên trên mọi đắn đo về chính sách tài chính. Theo tao, đó là lẽ đương nhiên. Bây giờ đến lượt bọn bắt cóc. Chúng phải gọi điện đến. Vì vậy, tụi mình đạp xe đến với mẹ Ga­by đi. ở đó, tụi mình sẽ sớm biết được tin tức nhất. Hơn nửa, cô Mar­got đang cần được an ủi.

Bà Mar­gort đã khóc nhiều. Lúc này bà gáng tỏ ra can đảm.

Bà ôm Tarzan vào lòng. Hắn thoáng nghĩ bà sẽ lại trào nước mắt. Những bà chỉ khẽ nấc lên. Trong cặp mắt xanh giống hệt mắt Ga­by, tràn đầy lo lắng và đau đớn.

Tarzan thấy cổ nghèn nghẹn. Hắn hắng giọng.

- Cháu căm vì bọn khốn đó nhận được 3 triệu mác. Nhưng phải tạm như vậy, để chúng thả tất cả con tin ra. Chính thế ! chúng sẽ thả ngay. Vì ai tội gì rước vào cổ mình đến 29 học sinh cho vướng nợ ? Không ai đủ trí khôn biết đếm đến 3 lại dại dột như vậy. Mà bọn lưu manh này thì cháu cuộc là thậm chí còn đếm được đến 3 triệu.

Bà Mar­got mỉm cười chua chát :

- Nhất định... lúc này tất cả bọn trẻ sợ ghê gớm. Như là... lũ con gái. Mà Al­ice lại cần uống thuốc nửa. Con bé chẳng mang gì theo cả. Đến trưa này nó sẽ phải uống tiếp thuốc nước.

Chuông điện thoại réo.

Bà Mar­got nhấc máy.

- Vâng, anh Emil, - bà nói với chồng sau một lát lắng nghe. - Tốt nhất là ở khách sạn Hoàng Tử anh à. Từ đó đến đây cho gần. - Bà khẻ nấc. - Bọn con trai đang ở đây. Vâng, mọi sự rồi sẽ tốt đẹp. Hẹn lát nửa, anh yêu.

- Chú Glock­ner đã điện thoại với cha mẹ Al­ice ở Brus­sel, - Bà Mar­got quay bảo tam quái. - Họ sẽ đáp chuyến bay sớm nhất sang đây. Cô phải đặt phòng cho họ, ở khách sạn Hoàng Tử. Hy vọng ở đó còn phòng trống.

Bà giở danh bạ điện thoại tìm số máy, đoạn bấm số.

- Ở khách sạn Hoàng Tử nấu ngon ghê lắm, - Tròn Vo khẽ nói. - Tiệm ăn của khách sạn sang cực. Mặc áo pull không được bước chân vào đâu nhé ! Còn các quý bà thì đeo những đồ nữ trang tuyệt đẹp..suỵt ! Còn đồ nữ trang của mẹ tao ! Liệu có lấy lại được không nhỉ ? Nhưng chuyện đó bất cần nửa. Có Chúa biết, lúc này phải lo việc khác quan trọng gấp vạn.

Năm.

Cốc Cò Mò Xơi.

Sương mù phủ kín khu xưởng bỏ hoang nằm ở ngoại vi thành phố. Những bức tường sụt lở, những mái ngói hở hoác trông càng ma quái giữa tiết trời này.

Một nơi ẩn náo lý tưởng cho En­ro­co và băng bắt cóc của hắn.

Chiếc xe chở đồ gỗ đỗ trong một gi­an xưởng lớn không cửa sổ, chỉ có những lỗ lắp máy thông khí. Cổng xưởng chốt khóa bên trong.

Chiếc xe im phắc. 29 học sinh nằm mê man bất tỉnh. Phải nhiều giờ nửa mới thức giấc .

Bọn tội phạm đã lo đầy đủ cho các con tin. Hai phòng không cửa sổ nằm trong gi­an xưởng đã được trang bị những bệ xí hủy bằng hóa chất. Những ngày qua, Gluschke đã đi mua gom tại nhiều cửa hiệu bánh mì 200 chiếc bánh mì con. Dobbel lo đủ 15 cân xúch xích hun khói. Ngoài ra, 60 chai co­la và nước khoáng được chuẩn bị sẵn sàng.

Chẳng con tin nào mong thoát được nơi này. Nếu sau này những ai có nhu cầu đi vệ sinh, sẽ chỉ được rời thùng xe lăn lượt từng người một.

En­ri­co và Car­lo ngụ trên chiếc xe hòm - nó cũng đậu trong gi­an xưởng. Tối nay Gluschke sẽ phải thay phiên hai anh em gã.

Dobbel, kẻ đã dùng và thu cất bệ cản đường chính xác từng giây, lúc này trở nên rối trí.

Chẳng là gã còn một nhiệm vụ mà gã ước gì đùn được cho kẻ khác : Lúc 10 giờ 30 - đúng như đã vạch ra trọn kế hoạch - gã phải gọi điện cho ông chánh cảnh sát , thông báo những điều kiện gi­ao nhận tiền chuộc.

- Nhất định mày sẽ hoàn thành tốt, - En­ri­co vỗ vai tay chủ quán. - Phải mau chống mà biến. Chiếc Porsche của mày lộ liễu đấy.

Dobbel lên xe, tìm đến một buồng điện thoại ở nơi vắng người, rồi gọi đến Tổng nha cảnh sát.

Gã phải bảo cần nói chuyện liên quan đến vụ bắt cóc chiếc xe buýt, người ta mới cho gã liên lạc với ông chánh cảnh sát.

- Ê, ông chánh cẩm, - Dobbel quàng quạc vào ống điện thoại. - Tôi nằm trong băng bắt cóc đây. Bọn học sinh vẫn yên lành cả. Nếu ông muốn chúng trở về nguyên vẹn, ông hãy làm đúng như tôi nói đây. Rõ chưa ?

- Ông cứ nói ! - Ông chánh cảnh sát đáp.

- Trưa mai tiền chuộc phải được trao đủ. Trưa mai. Bọn này không lấy loại tiền nhỏ. Chấp nhận loại giấy bạc 500 và 1000 ! Hãy bỏ tiền vừa một ba lô đủ ba triệu.

- Tôi hiểu rồi. Sao nửa ?

- Bọn này không muốn thấy tên cớm hoặc gã đàn ông nào khác. Tiền phải do một đứa học sinh mang đến. Không quá 17 tuổi

- Không quá 17 tuổi , - ông chánh cảnh sát nhắc lại. !

- Tốt ! Thằng học sinh đi đến, không, nó phải đạp xe đến nhà ga chính. Ở bên trái cổng chính có một buồng điện thoại có thể gọi từ nơi khác đến. Rõ chưa ? Có thể gọi từ nơi khác đến !

- Rõ cả rồi.

- Đúng 14 giờ nó phải đứng ở đó. Đợi bọn này gọi đến.

- Cậu bé sẽ có mặt.

- Tôi cảnh cáo trước : nếu cớm bám theo nó dù bằng cách nào, bọn này sẽ không xuất hiện đâu. Nhưng số phận lũ học sinh coi như xong. Hết.

Cha mẹ Tròn Vo gọi điện cho bà Mar­got Glock­ner, bàng hoàng trước tin về vụ bắt cóc, và hỏi xem Ga­by có ở trong đám con tin không.

Lát sau, ông bà Vier­stein, bố mẹ Karl, cũng gọi đến.

Chương trình 3 của đài địa phương loan báo về vụ bắt cóc. Truyền hình cũng đưa tin động trời này lúc 14 giờ.

Ba cậu bé ở lại bên mẹ của Ga­by.

Bà nấu súp cho tất cả. Nhưng ngay Tròn Vo hôm nay cũng không thấy ngon miệng.

Lúc xế trưa, thanh tra Glock­ner gọi điện thoại báo cho họ biết bọn bắt cóc đòi hỏi gì.

Kể từ đó, Tarzan đứng ngồi không yên.

Cậu bé đó là mình, hắn không sao rời bỏ ý nghĩ đó. Mình sẽ trao tiền chuộc. Mình ! Chứ còn ai nửa ?

Quãng 2 rưỡi chiều, ông Glock­ner về nhà.

Dưới mắt ông thăm quầng - vì lo lắng, không phải vì kiệt sức.

Bà Mar­got bưng ra một ấm trà lớn. Tất cả ngồi quây quần trong phòng khách.

- Bác đã nói chuyện với ông chánh cảnh sát, - Ông Glock­ner nói. - Ông ấy đồng ý. Tarzan , cháu sẽ là người đưa tiền đến chổ bọn bắt cóc.

Thủ lĩnh Tứ Quái gật đầu. Hắn thận trọng thở phào sau bấy nhiêu hồi hộp.

- Nhưng Tarzan, điều đó có nghĩa cháu phải biết kiềm chế hơn lúc nào hết ! Không được nổi máu anh hùng ! không được phản ứng ! Chừng nào những con tin vẫn ở trong sự khống chế của bọn tội phạm, chúng ta phải nhất nhất phục tùng lệnh trên. Cháu chỉ làm duy nhất một việc : Cảnh giác, quan sát, ghi nhớ từng chi tiết nhỏ, từng lời nói. Bác tin vào sự tỉnh táo, trí thông minh của cháu. Tin rằng cháu sẽ đem về những căn cứ giúp cảnh sát truy nã chúng sau này.

Tarzan lại gật đầu.

- Cháu sẽ mang đi 3 triệu mác. Chúng tôi sẽ đeo lên lưng cháu một chiếc ba­lo màu đỏ rất đẹp. Ba­lo không đầy hẳn, một nửa số tiền là những tờ bạc 1000 và 500 mác.

- Rất khác thường, - Tarzan nói. - Vì những tờ bạc ấy dễ bị nhận ra. Cháu cho rằng người ta sẽ ghi số xeri của chúng lại.

- Đương nhiên. Cháu đề cập đúng vấn đề mà chúng tôi cũng lấy làm lạ. Chúng tôi đoán mãi. Bọn chúng định cất dành số tiền đó một thời gi­an dài chăng ? Hay có khả năng ngầm đổi những tờ bạc lớn thành bạc nhỏ ? Khả năng này khó lắm.

- Điều đó có nghĩa : đối với chúng số tiền chuộc không hẳn đã quan trọng. - Karl nhận xét.

Tròn Vo cười phá lên :

- 3 triệu mác mà không quan trọng ? ! Vậy chúng làm vụ này nhằm mục đích gì ?

Ông thanh tra nhún vai :

- Dù sao cùng kỳ quặc, - Ông quay sang Tarzan : - Chúng tôi sẽ gắn dưới áo khoác của cháu một máy thu bé xíu để giữ liên lạc được với cháu. Nhưng là liên lạc một chiều. Chúng tôi nghe thấy cháu, nếu cháu khẻ lẩm bẩm hoặc nếu ai đến gần nói gì với cháu. Nhưng chúng tôi không thông báo được gì cho cháu. Như vậy sẽ quá cầu kỳ về kỹ thuật, và bọn lưu manh có thể sẽ nhận thấy.

- Cháu sẽ luôn báo về cháu đang ở đâu, - Tarzan hiểu ý ông. - Buồng điện thoại ở nhà ga sẽ chỉ là bến đầu tiên. Tại đó, cháu sẽ được cho biết đích tiếp theo của mình và phải đạp xe đi tiếp. Chính vì thế mà chúng đòi phải mang theo xe đạp

- Đúng thế ! Cả đất nước đang nín thở theo dõi diễn biến vụ này ra sao. Theo như chú biết, thì một tội ác như thế chưa hề xảy ra ở nước ta.

*

Ông Glock­ner đích thân ra sân bay đón cha mẹ của Al­ice. Họ chỉ ghé khách sạn Hoàng Tử để cất vali, rồi cũng về nhà ông bà Glock­ner.

Tarzan thấy hai me con Al­ice rất giống nhau. Vợ ông giáo sư hóa sinh mảnh mai, tóc đen nhánh, mắt sẫm.

Còn bản thân ông Theisen trông giống một người chu du thiên hạ hơn là một nhà khoa học : nước da rám nắng, bộ râu hoa rậm xén ngắn. Người ông xương xương. Không hiểu lúc nào đôi vai ông cũng rũ xuống như thế, hay chỉ vì ông đang gặp chuyện lo buồn.

Ông bà Theisen đờ đẫn vì lo sợ cho Al­ice. Ông Glock­ner ra sức truyền cho họ niềm vui. Ông giải thích : trưa mai, số tiền chuộc sẽ được chuyển gi­ao ra sao.

Bà Theisen ngồi xuống cạnh Tarzan :

- Cháu làm ơn cầm giúp lo thuốc cho Al­ice nửa nhé ? Nó cần uống thuốc. Không được để việc điều trị bị gián đoạn.

- Đương nhiên ạ, - Tarzan gật đầu. - Cháu sẽ nói rõ điều đó với bọn bắt cóc. Nhưng cũng có thể không cần thiết phải làm như vậy nửa. Vì chúng ta có thể hy vọng rằng chiều tối mai tất cả con tin sẽ được tự do. Đúng thế không ạ, thưa bác Glock­ner ?

- Tôi tin chắc như vậy, - ông thanh tra đáp.

*

Ritschi, tên lưu manh tóc vàng, hài lòng.

Gã cùng tên béo Knut đã theo dõi các bản tin trên tivi và qua đài.

- En­ri­co giữ nguyên kế hoạch, - gã nói, - rõ ràng sẽ làm đúng như đã định. Ít nhất thì việc bắt cóc đã diễn ra như dự kiến. Cái tên người Italia khốn kiếp do không hề nghĩ đến việc tao có thể xen chân vào.

Knut liếm môi. Chúng đang ngồi trong quán ăn Italia RA­NOL­FO, gần chợ rau quả.

Knut đã nick căng bụng và đang nốc rượu vang. Ritschi quá xúc động nên cứ kêu từng sợi mì, mãi mà đĩa mì xào vẫn gần như đầy nguyên.

- Vậy là En­ro­co đã gọi thêm thằng em Car­lo sang tăng cường lực lượng, - Knut nói và liếm mép.

- Chính xác. Tao không biết thằng cho chết ấy, nhưng như tụi mình thấy chúng trước khách sạn Cung Điện Li­do tối qua, thì giống nhau thế ắt là anh em. Chắc tên kia là Car­lo. Lẽ ra Car­lo phải tham gia từ trước, nhưng còn bận ngồi tù, ha­ha­ha ! Nó là trùm một băng đạo chích thường hành sự trên những chuyến tàu tốc hành. Car­lo phun khí gây mê vào các toa, khiến hành khách mê man, và băng của nó tha hồ móc túi họ. Nhưng rồi nó đã bị bắt.

Knut dốc tuột ly vang vào mòm :

- Hy vọng cả ngày mai chúng cũng giữ đúng như kế hoạch.

- Tạo tin thế. Định rằng tên mang tiền sẽ có mặt dùng 14 giờ ở buồng điện thoại mà từ nơi khác có thể gọi đến, trước ga trung tâm. Có thể En­ri­co thay đổi giờ. Mặc nó - Tụi mình cứ vào vị trí theo dõi.

Chúng làm thế thật.

Ritschi và Knut đã thuê sẵn một phòng trong khách sạn BỐN MÙA chênh chếch trước nhà ga, ở tầng hai, từ đó có thể quan sát ga chính.

Lát nửa Ritschi sẽ dọn đến đây. Và từ sáng sớm mai, gã quyết không rời mắt khỏi buồng điện thoại kể trên.

Lúc này gã bảo Knut :

- Chừng nào có một tháng học sinh tuổi không quá 17 đeo ba­lo xuất hiện, chúng ta biết ngay chuông đã điểm. Hehe­he ! Tao vớ ngay lấy điện thoại. Trong khi thằng bé dừng xe đạp, tạo đã quay số. Tạo cứ để cho chuông réo, quan trọng là tranh trước En­ri­co. En­ri­co sẽ chỉ nghe tín hiệu ngắn mà biết rằng máy bận, chứ không nghi ngờ gì. Phải, thế rồi thằng nhóc nhấc máy, và tao sẽ lệnh cho nó mang tiến đến đâu. Cụ thể là đến chổ tụi mình, ha­ha­ha! Đến chổ tụi mình ! Ba triệu . Số bạc nhỏ có thẻ tiêu ngay, còn số bạc lớn cất dành cho tuổi già.

- Hy vọng việc này sẽ suôn sẻ.

- Nếu không thành, tụi mình sẽ điện thăm hỏi En­ri­co. Sẽ gí súng dưới mũi hắn, thế là có tiền thôi.

- Phải , khả năng này luôn luôn còn. Nhưng chơi cách kia đẹp hơn.

- Cố nhiên bọn cớm sẽ không rời mắt khỏi thằng mang tiền, - Ritschi cười nhăn nhở. Có thể chúng định can thiệp đúng vào lúc trao tiền. Ai mà biết được ! Knut, cách đối phó mà mày nghĩ ra tuyệt lắm !

- Nếu gi­ao thiệp rộng và biết dùng người thì có khó gì chuyện ấy. Tao cũng biết rằng chúng mình có thể tin tưởng vào Fallmeier. Những phải chi cho hắn 100.000 .

- Cũng đáng đồng tiền thôi.

Alois Fallmeier mà chúng đang nhắc đến lái máy bay trực thăng cho một hãng chuyên chụp ảnh từ trên cao. Máy bay loại này chỉ đủ chổ cho hai người : người phi công và nhà nhiếp ảnh. Trụ sở cửa hãng nằm trong thành phố. Còn các máy bay trực thăng để ở sân bay.

Bình thường ra có lẽ Fallmeier đã không chấp nhận đề nghị của Knut. Nhưng Fallmeier vừa thôi ký hợp đồng làm việc cho hãng này và chỉ vài ngày nửa là rời bỏ hãng. Bản chất Fallmeier là kẻ vô lương tâm, chỉ thích mỗi tiền .

Vì chẳng còn gì để mất ở hãng của gã, Fallmeier sẵn sàng giúp thằng bạn cũ Knut.

Ritschi xem đồng hồ đeo tay :

- Tạo cùng về nhà mày để lấy quần áo. Xách theo hành lí vẫn gây ấn tượng tốt hơn cho khách sạn. Tao sẽ trở lại bằng tàu điện ngầm.

Bên ngoài trời bắt đầu tối. Hai thằng lên chiếc Mer­cedes của Knut.

Chúng ít nói. Knut quá no, lại buồn ngủ do uống nhiều rượu vang. Ritschi mơ sẽ dùng phần tiền được hưởng tậu một tòa nhà bên Tây Ban Nha.

Hai mươi phút sau, Knut dừng xe trước nhà ga.

Ritschi xuống mở cổng. Knut lái xe vào trong sân. Trời mỗi lúc một tối hơn. Nhưng khi Ritschi toan đóng cổng thì gã trống thấy một dáng người.

Lêo Ver­dros­ki ngẩng nhìn khi Ritschi ngáng đường gã.

Gã lang thang bủn rủn khắp xương cốt. Tuy trời nhá nhem, gã vẫn trông rõ nụ cười nhăn nhó đê tiện trên mặt Ritschi.

- Hãy xem con chuột cống này ! - Ritschi rít qua kẻ răng. - Chuyện trong quán "Nửa Tai" diễn ra thế nào. Tao bảo mày hãy cút đi. Nhưng mày không chịu hiểu. Mày lại còn hỗn xược hơn nửa khi ông chủ quán đuổi mày ra cửa. Ra ngoài đường, mày bất ngờ được cứu. Phúc tổ cho máy. Và tối qua, lúc ở ga..., mày lại may lớn, thoát được tay bọn tao. Nhưng bây giờ, đồ chuột cống, vận may của mày đã chấm dứt.

- Tôi... Nếu ông... Lêo lắp bắp. - Ông không... không có quyền chạm vào người tôi. Loại người như chúng tôi... không phải con vật...

Gã không nói hết câu đã bị Ritschi giáng cho một quả thôi sơn, văng người ra sau, xô phải hàng rào ngay đấy.

Cái bao rơi xuống đường.

Ritschi đá nó bay qua hàng rào, rơi xuống lớp cỏ héo úa mùa đông. Tên lưu manh chỉ thoáng ngạc nhiên khi thấy vật gì cứng cứng như một cái hộp trong bọc. Ngữ ấy thì có quái gì đáng giá ? chắc lại ba cái thứ đồng nát nhặt được. Gã không thừa hơi giở xem đồ đạc của một gã lang thang.

Ritschi quay gót, sang đường, nơi Knut đang đứng đợi.

Lêo từ từ đứng dậy. Gã thấy cả hai tên biến vào một ngôi nhà thâm thấp, sau khi Ritschi đóng cổng lại.

Giữa đêm, Ga­by tỉnh giấc lần thứ hai. Xung quanh tối om. Cô bé lạnh run. Thùng xe ngột ngạt vì có tới 29 đứa trẻ nằm chen chúc như cá xếp trong hộp. Ga­by cảm thấy Al­ice ở bên mình. Al­ice hầu như không thở. Al­ice thức chăng ?

- Bạn ngủ hay thức ? - Ga­by quay đầu sang Al­ice, hỏi.

- Mình không ngủ được.

- Nhất định mai chúng mình sẽ được thả.

- Hy vọng thế, Ga­by à.

- Hoặc người ta tìm ra chúng mình, hoặc bọn tội phạm nhận được tiền chuộc.

- Dù sao chúng cũng không đầu đọc, mà chỉ đánh thuốc mê chúng mình.

- Phải, chúng mình vẫn sống. Đó là điều chủ yếu. Còn mọi điều khác rồi sẽ ổn thôi.

Ngày hôm sau, trường nội trú lại lên lớp như bình thường. Nhưng chẳng học sinh nào chú ý nghe giảng , ngay các giáo viên cũng thấy khó tập trung tư tưởng vào bài khóa.

Sau tiết học thứ tư, Tarzan được nghỉ sớm. Vì sao thì chỉ ông hiệu trưởng, vài giáo viên, Tròn Vo và Karl được biết. Một xe tuần tra đến tận trường đón Tarzan. Xe đạp bỏ vào trong cốp xe.

Tarzan bước chân vào Tổng nha cảnh sát lúc 12 giờ 30, sau đó vào văn phòng của thanh tra Glock­ner.

- Hồi hộp hả ? - bố của Ga­by rời khỏi bàn giấy, bắt tay Tarzan.

- Ít hơn là cháu vẫn tưởng ạ. Thật ra thì không hề hồi hộp, thưa chú. Vâng, cháu bình tĩnh lắm.

- Ông chánh cảnh sát định chào cháu. Nhưng ông ấy vẫn đang ở chổ ông thị trưởng, vừa gọi điện cho chú, và sẽ trở về lúc 14 giờ. Khi đó thì cháu đã lên đường từ lâu.

Ông Glock­ner chỉ ghế, mời Tarzan ngồi xuống.

- Ba triệu, Tarzan à. Trong đời cháu chỉ có một lần đeo trong ba lô cả ba triệu mác đi trên đường phố. Nhưng Tarzan à, còn có điều này, cháu chớ kể với ai : có một nghi vấn vừa nảy sinh. Trong một cuộc thẩm tra, người ta phát hiện ra rạng sáng này Wei­drich - người lái xe buýt đã gửi vào tài khoản của mình ở quỹ tiết kiệm 10.000 mác tiền mặt. Ông ta lấy đâu ra ngần ấy tiền cơ chú ?

Tarzan cảm thấy như có luồng điện chạy qua người.

- Thưa chú Glock­ner, cháu biết xuất xứ số tiền ấy ! Điên rồ ! Ga­by và cháu đã trông thấy ông ta nhận tiền như thế nào. Cố nhiên cháu không thể khẳng định đó đúng là số tiền ấy. Những rõ ràng một phong bì đầy tiền ở bên trong. Chúng cháu cứ tường đó là quà mừng sinh nhật Wei­drich. Cháu cầm phong bì tiền ấy hẳn hoi. Vì Wei­drich đánh rơi, và cháu đã nhặt lên hộ. Nhưng hay nhất là chúng cháu cũng biết kẻ đã trao tiền cho Wei­drich. Gã tên là Dobbel, lái một chiếc Porsche màu vàng, chủ quán "Nửa Tai" ở ngõ Springflut. Chả là chúng cháu từng chạm trán gã...

Hắn kể lại.

- Tuyệt ! - Ông Glock­ner nắm tay lại. - Chú tin chắc đây là dấu vết nóng bỏng nhất ! Nếu vậy có nghĩa : Wei­drich đồng lõa với bọn bắt cóc. Và Dobbel nằm trong băng tội phạm đó. Chúng mua chuộc Wei­drich cũng là chuyện dễ hiểu. Thử hỏi ai dám chặn một chiếc xe buýt ngay sát thành phố như thế ? Nhở người lái xe không dừng lại, mà tăng ga thì sao ? Liệu bọn bắt cóc có đám nã súng vào chiếc xe buýt ! Có Wei­drich đồng lõa thì dễ dàng hơn nhiều.

- Chú sẽ cho bắt gã và Dobbel chứ ạ ?

- Chúng ta chỉ có thể mạo hiểm, sau khi đám học sinh đã được thả ra. Trước hết, cảnh sát sẽ canh chừng hai tên mà không để chúng biết.

Tarzan bước đến bên chiếc ghế có đặt chiếc balô, thử xốc nó lên vai.

Ông Glock­ner xem giờ.

- Cháu đã ăn chưa ?

- Cháu đã ăn sáng no, nên giờ không đói. Cháu không muốn ăn gì lúc này. Thuốc cho Al­ice cháu để sẵn trong túi rồi.

Ông thanh tra gật đầu :

- Kỹ thuật viên của chúng tôi còn phải gắn chiếc mi­crophon vào dưới áo khoác gió của cháu đã. Nó chỉ bằng quả anh đào thôi. Có thể bắt tín hiệu của nó ở khoảng cách 1000 mét. Hai chiếc ôtô trông bề ngoài hoàn toàn bình thường sẽ luôn đậu đó gần cháu : một chiếc xe chở hàng thực phẩm đông lạnh, một chiếc BMW sang trọng, trên có một cặp vợ chồng thật cũng là nhân viên an ninh. Và một người đi môtô đội mũ bảo hiểm màu đỏ. Nhưng chú sẽ trông như một kẻ điên phóng với tốc độ 150 cây số giờ kể cả trong thành phố. Đến Ga­by cũng sẽ không nhận nổi ra chú.

Tarzan mỉm cười :

- Cháu không hề biết chú cũng đi môtô.

- Chỉ trong lúc công cán thôi.

Có tiếng gõ cửa. Người kỹ thuật viên mang chiếc mi­crophon bước vào.

*

13 giờ 56 phút.

Đồng hồ của Tarzan chính xác từng giây.

Đến bên buồng điện thoại đã hẹn, Tarzan nhảy xuống xe. Buồng điện thoại trống không. Tarzan lưỡng lự. Còn ba phút nửa.

Môi không hề mấp máy, hắn nói :

- Cháu đang ở bên buồng điện thoại. Không có gì xảy ra. Cháu..ái chà ! Chuông điện thoại reo rồi ! Sớm thế ư ?

Có nghĩa là cháu đang bị theo dõi ?

Hắn hy vọng những người ngầm theo hắn nghe rõ mình nói, đoạn mở cửa bước vào.

Chuông điện thoại vẫn réo.

Tarzan nhấc tai nghe lên.

- Alo, ông gọi tôi ư ?

- Tôi nghĩ chúng ta đã hẹn trước, - một giọng đàn ông. Dù đã cố đổi giọng, nhưng nghe vẫn hơi chói tai.

- Hẹn trước nghĩa là sao ? - Tarzan hỏi.

- Cậu đeo theo ba­lo phải không ?

- Có thể.

- Và chưa đến 17 tuổi.

- Đúng vậy.

- Trong ba lô của cậu có bao nhiêu tiền ? Tôi hy vọng đủ ba triệu, không thiếu một mác nào.

- Phải phải. Tôi tin ông. Ông là một trong số tội phạm. Giờ thế nào đây ?

Cái giọng nghe quen quen ! Tarzan ngẫm nghĩ. Mình biết nó ở đâu nhỉ ? Nó gợi nhớ đến ai ?

- Giờ nghe cho kỹ đây, con trai của ta, - hình như gã nhe răng cười - để không bị lạc đường, ở bên trái nhà ga là sở thông tin của thành phố. Tại đó người ta trưng một bản đồ lớn, đủ cả các tuyến tàu điện ngầm . Và cậu có đủ thời gi­an để định hướng phải đi.

- Ông bảo tôi đi đâu ?

Cả Tarzan cũng suýt mỉm cười. Vì đột nhiên hắn nhớ ra đã nghe giọng gã ở đâu.

Bữa đó tên côn đồ tóc vàng chỉ thốt ra hai câu, nhưng đủ để Tarzan nhận ra lúc này.

Rõ quá rồi, thủ lĩnh Tứ Quái nghĩ. Đúng gã. Mà lại ăn khớp nhau ! Chủ quán "Nửa Tai" Dobbel và tên Tóc Vàng thuộc một băng nhóm, mặc dù Dobbel chối không biết gã. Trụ sở của băng tội phạm này là quán "Nửa Tai" chăng ?

- Cậu đi ra phía Tây thành phố bằng tàu điện ngầm, - tên lưu manh ra lệnh . - Tính từ ga cuối là ga Wiesen­grund, còn phải cuốc bộ nửa giờ nửa, đến Núi Đao Phủ. Trên bản đồ có hết.

- Tôi biết nơi đó. Tôi đến đấy luôn.

- Càng hay. Thế cậu cũng biết cây sồi Mer­rick chứ ?

- Nếu ông nhìn kỹ, ông sẽ thấy hai chữ cái đầu tên của tôi là P và C trên gốc cây. Pe­ter Carsten. Cách đây hai năm, tôi đã khắc chúng lên đó. Giờ nghĩ là mà thương cái cây.

- Cậu đi đến cây sồi Mer­rick, Cạnh đó có một túi vải nhựa, trong đựng hai bao tải nhỏ. Câu chuyển tiền sang đó. Rồi đợi chúng tôi. Rõ chưa ?

- Cháu cho rằng mọi người đã nghe rõ cả, - Tarzan lẩm bẩm về hướng chiếc mi­crophon. - Bây giờ cháu gửi xe đạp vào bãi xe và lên tàu điện ngầm. Từ ga cuối cùng Wiesen­grund, xin chỉ theo dõi qua ông nhòm ! Vì khu vực đó hoang vắng hoàn toàn, sẽ lộ ngay.

Xuống ga Wiesen­grund, Tarzan phóng theo các bậc thang lên mặt đất, Thành phố kết thúc ở đây. Xung quanh chỉ thấy những ngôi nhà nhỏ nằm trong những khu vườn. Phong cảnh như nông thôn.

Tarzan đi theo con đường đến Núi Đao Phủ, chốc chốc lại ngoái nhìn ra sau. Không ai bám theo hắn. Cả những người của sở cảnh sát cũng vắng bóng.

Hắn bước mải miết, cuối cùng đến bên cây sồi.

Quả nhiên nơi đây có một cái túi vài nhựa màu xanh mà dân chúng thường dùng dễ đựng rác.

Tarzan lôi hai chiếc bao tải nhỏ bằng vải gai ra, hạ ba­lo xuống, nhanh chóng bỏ những tệp tiền 50, 100, 500 và 1000 mác đựng trong ba­lo sang bao tải như Tóc Vàng ra lệnh.

Còn bây giờ ?

Gã đã bảo là chờ.

Chờ ở đây sao ?

Gã còn nói đến Núi Đao Phủ nửa. Vậy ở đây hay ở đó ? Tarzan đưa mắt nhìn quanh.

Cái gò nỗi lên che khuất tầm nhìn của hắn.

Hắn đặt ba­lo cạnh cây sồi, xách cả hai bao tải tiền chạy lên triền dốc.

Một chiếc trực thăng vè vè trên bầu trời xanh xám.

Tarzan ngước nhìn. Đó là một chiếc trực thăng nhỏ, sơn hai màu trắng, đỏ. Nó bay rất thấp. Không phải máy bay của cảnh sát hay quân đội.

Tarzan đã vượt qua gò; trải trước mắt hắn là một khoảng trống lớn nhỏ không cao lắm, được gọi là Núi Đao Phủ. Chiếc trực thăng đậu xuống cách đó chỉ 300 mét.

Trời đất ! Tarzan đứng sửng lại như bị sốc. Chúng đây, cậu nghĩ. Dùng cả trực thăng ! Ai mà ngờ nổi ? Cố nhiên với con chim sắt này, chúng nhẹ nhàng bay thoát.

Chiếc trực thăng đã đậu xuống thảm cỏ xơ xác mùa đông, nhưng chúng như không muốn nán lại. Cánh quạt vẫn quay vù vù.

Một gã đàn ông xuống khỏi máy bay, lưng khom khom để khỏi chạm cánh quạt. Gã chạy lên phía trước vài bước, đoạn giơ cao tay vẫy.

Gã đàn ông bịt mặt, cố nhiên hở hai con mắt. Sao mà gã béo thế ! Tarzan đoán gã phải nặng trên một tạ là ít. Chiếc trực thăng đáng thương ! Có lẽ nó không tải nổi hai tên như gã.

Nhưng tay phi công - cũng bịt mặt và ngồi ngay sau kính cửa sổ - trong gầy nhỏ, có vẻ nhẹ cân.

Tarzan chạy đến chổ tên Béo.

- Tiền trong hai cái bao tải này hả ? - Gã ốm ốm hỏi.

- Trong này đủ cả. Ông có muốn xem không ?

Tarzan trao hai chiếc bao tải chổ gã.

Gã mở một bao tải, thò tay vào, rút ra một tờ 1000 mác :

- Đây, cậu bé, thường công đã mang đến.

Tarzan lui lại :

- Ông hãy quyên góp cho ban quản trị các nhà tù Đức ấy ! Rồi sẽ có lúc nó cũng mang lợi ích cho ông.

- Hẳn chúng tôi đã may lớn vì cậu đã không có mặt trên xe buýt , hả ? Nếu không sẽ phải chịu đựng một con tin ương ngạnh.

- Chắc chắn rồi. Họ khỏe cả chứ ? Các cô bé ra sao ? Đây ! - Hắn thò tay vào túi lấy ra lọ thuốc của Al­ice. - Al­ice Theisen cần những giọt thuốc này. Bạn ấy chưa bình phục hẳn sau một trận ốm.

Tên béo đút lọ thuốc vào túi. Không trả lời những câu hỏi của Tarzan, gã ốm ốm ra lệnh :

- Cậu đã hoàn thành tốt công việc của mình. Giờ thi cút !

Tarzan vừa đi giật lùi vừa nhìn gã leo lên máy bay.

Chiếc trực thăng rời mặt đất, lượn một vòng rộng, và bay về hướng Tây Bắc.

Tarzan lấy chiếc ba­lo rồi chạy trở lại ga Wiesen­grund.

Sáu.

Nguyên Nhân Sâu Xa.

Một chiếc xe tuần tra đợi sẵn bên lối cầu thang xuống ga tàu điện ngầm. Khi đến gần, nhìn thấy hai viên cảnh sát, Tarzan linh cảm có chuyện chẳng lành.

Lúc này một cảnh sát bước ra khỏi xe :

- Em là Pe­ter Carsten ?

- Em đây.

- Chúng tôi phải đưa em về Tổng nha cảnh sát ngay. Lệnh của thanh tra Glock­ner. Rõ ràng có chuyện gì đó trục trặc.

Lạy trời ! Tarzan lên xe.

Chiếc xe bật đèn xanh trên nóc, rú còi chạy đi.

Tarzan đặt cho hai viên cảnh sat một lô câu hỏi, nhưng họ còn mù mịt hơn hắn.

Trục trặc ư ? Cái gì trục trặc ? Việc chuyển gi­ao tiền diễn ra trôi chảy mà. Hay người ta đếm thiếu tiền ? Hay thanh tra Glock­ner muốn nói việc theo dõi bị gián đoạn ? Không, vô lý ! Nếu chỉ có thể, sao phải rối lên ?

Tarzan không bao giờ đi qua nửa thành phố nhanh đến vậy.

Từ sau cánh cửa văn phòng của thanh tra Glock­ner vẳng ra những tiếng nói. Căn phòng chật ních. Tarzan nhận thấy cả nửa tá viên chức mà hắn không biết tên, ngoài ra còn có ông chánh cảnh sát và cố nhiên cả bố của Ga­by.

- Cậu ấy đây rồi, - ai đó nói.

Ông Glock­ner vội vẫy Tarzan lại bên ông, phía sau bàn giấy. Trên bàn đặt máy điện thoại sẵn sàng. Dường như người ta đợi một cú điện có thể đến bất kỳ lúc nào.

- Tarzan, - ông Glock­ner nói, - chúng tôi giữ được rất tốt liên hệ với cháu quá mi­crophon, nghe thầy hết những gì cháu nói. Từ ga Wiesen­grund, chúng tôi cố ý lùi lại, vì đúng như cháu nghĩ, nếu lãng vãng gần cháu ở khu vực đó sẽ rất dễ lộ. Điều đó có nghĩa chúng tôi không quan sát được cháu đã trao tiền như thế nào. Chúng tôi chỉ nghe có tiếng một chiếc trực thăng bay đến.

Tarzan gật đầu :

- Chúng đến trên chiếc trực thăng. Hai tên. Một tên rất to béo, bịt mặt. Và một tên phi công, cũng bịt mặt.

- Cháu đã trao tiền chuộc cho chúng chứ ?

- Đương nhiên ạ. Nhưng trước đó, cháu đã cho tiền sang hai bao tải nhỏ bên cây sồi Mer­rick. Cháu cho rằng bọn lưu manh sợ nhỡ có gắn thiết bị gì trong ba lô. Ví như máy nghe trộm chẳng hạn, thì chết chúng.

- Chắc chắn thế. Vậy là chúng đã cầm tiền. - Ông Glock­ner xoa cằm. - Vậy mà tên bắt cóc, kẻ hôm qua đã gọi điện cho ông chánh cảnh sát, lại vừa gọi đến đây, tức giận đùng đùng : " Tại sao thằng mang tiền không đến chổ buồng điện thoại ! Tiền đâu ?"

Tarzan hết nhìn mọi người lại nhìn gương mặt căng thẳng của ông chánh cảnh sát.

- Quỷ quái gì thế nhỉ ! - Hắn kêu lên. - Chúng lại bày trò gì đây ? Chúng định vòi tiền hai lần chăng ? Sao không đòi luôn 6 triệu một lúc ? Hay chúng ta dính với hai bọn khác nhau ?

Ông Glock­ner gật đầu :

- Nếu vậy thì thật tai họa. Nhưng chú e rằng cháu đoán đúng. Có thể ban đầu là một băng tội phạm đông tên, giờ đây phân ra. Một bọn gi­am giữ con tin, bọn khác lại... Nhưng có lẽ cháu có thể làm cho tình hình sáng sủa hơn , Tarzan à, nếu tên bắt cóc gọi đến. - Ông xem đồng hồ. - Chắc hắn gọi ngay bây giờ. Chúng tôi có bảo gã gọi lại để nói chuyện với cháu.

- Cháu phải nói gì với gã đây ạ ?

- Kể lại những gì đã xảy ra. Quanh co vô ích, vì chúng ta không biết điều gì diễn ra ở phía hắn.

- Giờ đây, điều quyết định là cháu đã mang tiến đến cho bọn nào, - Tarzan nói, - cho bọn thật sự giữ các con tin, hay bọn chỉ muốn đoạt số tiền...

- Chúng ta...

Chuông điện thoại réo, ông Glock­ner không nối tiếp nửa. Ông nhấc máy, xưng danh.

- Vâng, cậu bé mang tiền đi đã về. Ông có thể nói chuyện với cậu ấy. Tôi chuyển...

Tarzan cấm ống nghe.

Mặt ai nấy căng thẳng.

- Pe­ter Carsten đây.

- Mày là thằng mang tiền đi hả ?

- Đúng thế.

- Mày đừng tường lòe được chúng tao đâu. Chúng tao lập tức biết tỏng, nếu mày dối trá.

- Tôi không có ý định nói dối ông.

- Này ông, - Tarzan nói, - chúng tôi không hiểu sao ông lại sồn sồn lên thế. Những kẻ đi nhân tiền cho ông đã cao chạy xa bay ư ? Hay ông chỉ là người toan hớt tay trên, đục nước béo cò, mà chẳng có gì để trao lại cho chúng tôi ? Tôi muốn nói : ông nắm giữ 29 bạn học của tôi thật không ? Ông có thể chứng minh chăng ?

- Tao có thể đọc cho mày cả 29 cái tên. Hay tao phải cắt tóc lũ con gái gửi đến thì các người mời chịu tin hả ?

Trên bàn của thanh tra Glock­ner, một máy ghi âm đang quay đều. Cả ông và ông chánh cảnh sát đều đeo tai nghe theo dõi cuộc điện thoại.

Ông thanh tra giật ống nói từ tay Tarzan .

- Thanh tra Glock­ner đây. Chúng tôi đã thực hiện phần mình theo thỏa thuận. Bây giờ thế nào ? Bao giờ các ông thả các em học sinh ra ?

Im lặng. Rồi một tiếng cách. Tên gọi đến đã bỏ máy.

*

Dobbel lau mồ hôi trán. Đây là cú điện thoại thứ ba gã gọi đến tổng nhà cảnh sát, từ buồng điện thoại cũng thứ ba. Cố nhiên bọn cớm có thể xác định gã gọi từ đâu. Khéo một xe tuần tra xuất hiện ngay bây giờ. Vậy phải cuốn xéo nhanh khỏi đây.

Gã chạy đến chiếc Porsche.

En­ri­co và Car­lo đợi sẵn ở khách sạn Cung Điện Li­do. Căng thẳng. Dobbel kể lại :

-... thằng nhãi nói tên gọi điện có giọng hơi the thé. Chúng mày hiểu ra chứ ?

- Ritschi Gern­re­ich, - En­ri­co đáp.

- Đứa nào ? - Car­lo hỏi bằng tiếng mẹ đẻ.

En­ri­co bèn giải thích bằng tiếng Italia, được hiểu như sau :

- Một con chuột cống. Từng trong bọn. Nhưng sau đó tao tổng cổ nó. Tao không thế nào ngờ nó cả gan đến như thế. Mẹ kiếp, tao sẽ giết nó, con chuột cống tanh hôi đó ! Phải phải, Car­lo. Nó biết kế hoạch, biết rõ từng bước. Nhưng chị vậy thôi. Chứ cái thằng vô dụng ấy có biết mục tiêu cụ thể của chúng ta đâu.. Giá mà tao lường được, phải, giá như tao lường trước thế này... Làm sao thấy trước nổi. Nếu vậy, cố nhiên tao đã thay đổi kế hoạch. Điều đáng đau đầu là : như vậy Ritschi phải có một thằng tòng phạm. Không, hai chứ. Thằng to béo và thằng phi công. Bộ ba này sành điệu đến đâu ? Liệu tụi cớm có chộp được chúng ? Khi đó, chúng sẽ khai chúng ta ra. Điều này có nghĩa : chúng ta chỉ còn ít thời gi­an.

- Bao lâu ? - Dobbel hỏi. Hắn hiểu tiếng Italia.

En­ri­co nhún vai.

Gã chộp máy điện thoại, bấm một loạt số dài.

Sau hồi "túúút ! " thứ tư, ở Brus­sel xa xôi có người nhấc ống nghe.

Một giọng nữ, với những trọng âm tiếng Italia không lẫn vào đâu được, lên tiếng :

- Nhà giáo sư Theisen đây.

- Chào Fa­ri­na, - En­ri­co hạ giọng nói. - Tôi đây. Cô ở nhà một mình thôi chứ ?

- Anh En­ri­co, vâng, em chỉ có một mình, - ả giúp việc mừng rỡ.

En­ri­co biết Fa­ri­na Cin­calia phải lòng gã ghê gớm. Ả Fa­ri­na được người ta cứu vớt từ hè phố, nơi lẽ ra ả đã lụi đời.

- Lão giáo sư đâu rồi, cưng ? Tôi phải nói chuyện với lão.

- Cả hai ông bà chủ đều không còn đây. Vừa nghe về vụ bắt cóc, họ đã đáp ngay chuyến bay sớm nhất đi rồi. Ông Theisen vừa gọi điện về báo cho em biết ông bà ấy ở đâu, đề phòng viện nghiên cứu của ông cần hỏi gì. Họ ở khách sạn Hoàng Tử.

- Tốt lắm, cưng à.

- Mọi việc thành công chứ anh ?

- Mọi việc, cưng à.

- Và em sẽ được chia nửa triệu mác Đức chứ ?

- Đương nhiên rồi , cưng. Hôn cô em nhé ! Nhớ cô em lắm đấy. Tôi rất mừng vì cuộc hội ngộ sắp tới với cô em. Nhưng bây giờ tôi phải tiếp tục công việc. - Gã đặt máy. - Con bò cái ngu ngốc !

Car­lo cười :

- Nhưng ả có ích cho anh, hả ? Nếu không có những tin tức ả cung cấp, làm sao anh nảy ý đồ làm ăn vụ này được ?

En­ri­co nhún vai :

- Thì tao có phủ định phần công của ả đâu. Rất hay là ả đã gửi cho chúng ta một tấm ảnh con bé Al­ice Theisen đó. Con bé chẳng tin gì ả, những ả vẫn biết hết kế hoạch đến chơi thành phố này của nó. Là vì gia đình Theisen cứ thảo luận suốt chuyện này. Ông bố bà mẹ quá chu đáo, cứ muốn biết rõ trước con gái mình sẽ ăn ở và học tập ra sao trong một tuần vắng nhà ấy. Thế là Fa­ri­na chỉ việc để tai nghe. Còn tao lên kế hoạch. Thế nào đây ? Phải, số tiền chuộc ! Trục trặc, được thôi ! Nhưng không sao. Chúng ta sẽ bắt thằng Ritschi nôn ra. Để còn thường công cho Gluschke, Fa­ri­na, thanh toán nốt cho Wei­drich. Còn lại là phần chúng ta nửa. Nhưng tao nhổ tọet vào số tiền vặt đó. Điều chúng ta muốn quan trọng hơn nhiều.

Hai tên kia gật gù.

En­ri­co giở cuốn danh bạ điện thoại.

Rồi khách sạn Hoàng Tử lên tiếng.

Hắn xin gặp giáo sư Theisen và được biết ông và vợ đã rời khách sạn.

- Vâng, họ có để lại số điện thoại để nếu có ai cần gọi họ đây ạ. Đó là số...

Người trưởng quầy lễ tân đọc xong, bèn nói thêm :

- Đó là số máy của gia đình có tên Glock­ner, thưa ông.

*

Tarzan và thanh tra Glock­ner rời Tổng nha cảnh sát với tâm hồn trĩu nặng âu lo.

Hai bác cháu lên chiếc BMW của ông thanh tra. Ông muốn về báo cho ông bà Theisen - lúc này vẫn ở nhà ông - biết tình hình mới nhất.

Họ ghé qua nhà ga để bỏ xe đạp của Tarzan vào cốp ôtô.

- Ban nãy trước bấy nhiêu người, cháu không muốn nói ra phát hiện mới nhất của cháu, - Tarzan bảo người bạn lớn của mình. - Nhưng bây giờ chỉ còn hai chú cháu thì... Cháu nghĩ cháu đã nhận ra cái kẻ gọi điện sai cháu đến Núi Đao Phủ. Cháu tin chắc như thế.

Ông Glock­ner thở sâu.

- Vậy mà bây giờ cháu mới nói ?

- Thưa chú, cháu e rằng ông chánh cảnh sát sẽ không đưa ra một quyết định thông minh. Trông ông ấy mệt mỏi, khổ sở thế nào ấy. Có lẽ vì trọng trách quá nặng nề. Ông ấy không còn sức để làm những việc cụ thể.

- Chú lãnh đạo ủy ban điều tra đặc biệt về vụ này. Sếp gi­ao toàn quyền cho chú rồi.

- Thì chính vì thế ạ. Vâng, cháu tuy không biết tên kẻ ấy, nhưng cháu có thể tả diện mạo gã. Cả Tròn Vo và Karl cũng đã trông thấy gã. Gã đã hành hung gã lang thang Lêo, kẻ mà chúng ta đang tìm vì đã ăn cắp hộp nữ trang của mẹ Tròn Vo ấy mà. Khi đó Lêo bay từ quán "Nửa Tai" ra đường, và cái tên Tóc Vàng, mặt mũi như khỉ đột nọ toan tẩn gã. Cháu đã xen vào, cho hắn một cú nhớ đời. Lêo cảm ơn cháu, rồi lủi mất. Lúc ấy cháu chưa biết chính gã là tên ăn cắp, vì Tròn Vo mở mắt nhưng lại ngủ gật. Chúng cháu có cảm giác tên tóc vàng này là tay chân trong quán "Nửa Tai". Nhưng sau đó chúng cháu đến hỏi Dobbel thì tay chủ quán này bảo không quen biết hắn.

Ông Glock­ner dừng xe vì đèn đỏ.

- Tarzan , điều cháu nói có nghĩa đây. Tên Dobbel đó đã giúi tiền cho Wei­drich. Tên Tóc Vàng lại thuộc về quán của Dobbel - Đầu mối có vẻ là đây. Có lẽ Dobbel và Tóc Vàng đã xung khắc tới mức chia tay. Điều này lý giải vụ trục trặc với số tiền chuộc.

- Cảnh sát vẫn theo dõi Dobbel đấy chứ ạ ?

- Vẫn theo dõi. Nhưng chưa có kết quả. Quán "Nửa Tai" hôm nay đóng cửa. Và hình như Dobbel không có nhà. Gã ở ngay phía trên quán. Về Wei­drich cũng không thêm tin gì mới ! Ông ta làm việc bình thường.

- Theo dõi mà không được bắt, - Tarzan thở dài. - Phải đợi đến sau khi các con tin đã được thả tự do. Bị trói tay thế này tức thật. Cháu không đủ kiên nhẫn.

Họ đã về đến nhà.

Mẹ của Ga­by chạy ra hành lang đón đường họ, mặt đầy vẽ hoảng hốt :

- Anh Emil ! May quá anh đã về. Nhưng chậm mất vài phút. Tên bắt cóc..một tên...gã nói gã là trùm băng, vừa gọi điện tới. Rõ ràng gã biết ông bà Theisen đang ở đây và ...không thế tin nổi. Nhưng tốt hơn là ...vâng, tốt hơn là để ông giáo sư kể.

Con Os­kar nhảy cẩng lên trước họ. Nó vui hơn hớn.

Trong phòng khách rộng, ấm cúng, hai ông bà Theisen, Tròn Vo và Karl đang ngồi.

Bà Theisen ngửa cổ, nhắm nghiền mắt, mặt tái xanh. Rõ ràng bà bị một cơn choáng. Trước mắt bà là li cônhắc.

Tròn Vo và Karl nhìn Tarzan đầy ngụ ý và khó hiểu.

Mặt ông giáo sư Theisen không còn rám nắng nửa, mà xám lại. Trông ông như vừa bị thương.

- Vâng, - ông phá tan sự im lặng. - Bà nhà ông nói đúng, ông Glock­ner à. Thật không sao tin nổi. Một kẻ, một kẻ tàn bạo vừa nói qua điện thoại với tôi. Bằng tiếng Italia tiếng mẹ đẻ của gã. Gã đã lật ngữa những dụng ý của gã, nói cho tôi hiểu mục đích thật sự của vụ bắt cóc. Tiền chuộc chỉ là chuyện phụ. Tôi gần như có thể nói : ba triệu mác đó không quan trọng.

Tarzan sững sốt - Đầu óc mình hôm nay sao mụ mị chậm hiểu thế này ? ! Nếu số tiền chuộc không quan trọng, thì quỷ tha ma bắt, nguyên nhân của vụ bắt cóc nằm ở đâu vậy cà ?

Thanh tra Glock­ner vắt chiếc áo vét mỏng lên tựa ghế bành, ngồi xuống. Tarzan xen vào giữa hai bạn trên đivăng.

- Thế nào đây ? Xin ông kể rõ cho. - Ông thanh tra điềm tĩnh nói.

Bà Theisen mở mắt, nhắp từng giọt cônhắc.

- Vụ bắt cóc chiếc xe buýt cho học sinh chỉ là sự đánh lạc hướng. - Ông Theisen nói. - Bọn bắt cóc chỉ quan tâm đến con gái chúng tôi mà thôi. Mưu mô mà chúng đã bày ra cũng có log­ic nhất định. Chúng muốn giở trò ma mãnh để đạt được mục đích thật sự.

- Ông là mục đích đó, thưa ông giáo sư , - ông Glock­ner nói.

Ông Theisen gật đầu :

- Chứng chỉ âm mưu o ép mình tôi. Có lẽ ông cũng biết : tôi là chủ dự án nghiên cứu có tên "Eu­ro-​Fu­tur-​Project 2000". Chúng tôi nghiên cứu một phương pháp làm sạch những đại dương trên thế giới, xóa những tôi lỗi làm ô uế môi trường kể từ khi thời đại công nghiệp bắt đầu. Chắc chắn đây là một dự án mà sự thành công của nó sẽ quyết định hành tinh này mau chóng diệt vong hay tiếp tục tồn tại.

- Tôi có biết những nét lớn trong công việc của ông.

- Giờ đây bọn tội phạm hành động theo lối nghĩ sau : Chúng muốn chiếm lấy toàn bộ tài liệu nghiên cứu - mà chúng tin rằng kết quả thực tiễn của nó đã có rồi. Chúng biết không thể công khai o ép tôi bằng cách bắt riêng Al­ice thôi. Nếu làm thế, thượng cấp của tôi sẽ lập tức cảnh giác và có biện pháp bảo vệ số tài liệu phong phú của "Eu­ro-​Fu­tur-​Project 2000", khiến tôi không tiếp cận được với tài liệu, thì làm sao tôi còn trao được cho chúng. Chúng nghĩ thế là chính xác. Vì tầm quan trọng của dự án, tôi là người nắm bí mật cấp cao nhất. Các cộng sự của tôi cũng vậy, nhưng họ chỉ nắm được phần công việc của mình. Kết quả tổng hợp duy nhất nằm trong tay tôi.

- Nghĩa là : nếu có dấu hiệu ông bị o ép, người ta sẽ phân tán cách ly ông khỏi viện nghiên cứu, để mưu đồ đó thất bại ngay từ đầu ? - Ông thanh tra hỏi.

- Đúng vậy. Những biện pháp bảo vệ này đã được chuẩn bị kỹ. Và bọn tội phạm biết rõ. Vì vậy chúng bắt cóc cả đám học sinh, để khỏi bị chú ý là nhằm vào Al­ice. Chúng đòi 3 triệu cũng là để che mắt. Cố nhiên điều đó không có nghĩa là chúng chê số tiền này.

- Và chúng vừa đe dọa ông ?

Ông Theisen gật đầu, mặt ông càng xám lại :

- Hoặc nội hôm nay tôi phải bay về Brus­sel, bí mật lấy tài liệu và bí mật trao cho chúng, hoặc chúng tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại Al­ice nửa.

Quý ác ! Tarzan cảm thấy cơn giận sôi lên trong lòng. Chúng đặt ông giáo sư vào một tình thế tuyệt vọng. Ông sẽ quyết định như thế nào đây ? Cứu lấy những đại dương hay tính mạng của Al­ice ?

- Ông có hình dung bọn tội phạm hành động theo lệnh của ai không ? - Ông thanh tra hỏi.

Ông giáo sư nhún vai :

- Trên thế giới có khoảng chục dự án nghiên cứu đang theo đuổi cùng mục đích này. Nhưng họ còn đang ở gi­ai đoạn đâu. Tôi không thể tưởng tượng một quốc gia nào đó lại giật dây vụ này. Không ! Chắc chắn bọn tội phạm toan một vụ làm ăn ngàn năm có một. Chừng nào nắm được toàn bộ kết quả công việc của chúng tôi ( chúng đòi toàn bộ ), chúng sẽ đem bán. Cho một tập đoàn công nghiệp, hoặc một chính phủ nào đó. Cố nhiên là bí mật. Rồi đột nhiên một quốc gia sẽ tuyên bố hùng hồn rằng mình đã tự nghiên cứu thành công, và tha hồ thu tiền của các quốc gia khác muốn sử dụng thành quả nghiên cứu đó. Đại khái có thể sẽ diễn biến như vậy.

Nét mặt hoàn toàn bình thản, ông Glock­ner nhìn ông giáo sư :

- Ông nói " có thể " . Nghĩa là chưa chắc đã diễn biến như thế ?

Ông Theisen thong thả lắc đầu :

- Câu hỏi liệu tôi sẽ chọn Al­ice hay trách nhiệm của mình đối với dự án không hề đặt ra với tôi. Bọn tội phạm đã tính nhầm. Nhúng chúng làm sao biết nổi. Sự thật là : tôi chẳng có gì dễ dàng cho chúng. Đến chết cuối, phải không à ? Những tin tức trên báo chí sai toét, không đúng sự thật. Những tiến bộ của dự án mà người ta tung hô chỉ là tin bịa đặt. Cố nhiên chúng tôi không còn ở gi­ai đoạn nghiên cứu ban đầu, nhưng cũng chưa tiền xa bao nhiêu. Phải thêm nhiều năm nửa chúng tôi mới tiền gần được mục tiêu của mình. Nếu tất cả không phải là ảo tưởng, một mơ ước hão huyền.

- Đó... là sự thật sao ? - Ông Glock­ner sững sờ.

- Sự thật cay đắng.

- Ông nói điều đó với tên tội phạm rồi chứ ?

- Chưa. Nào hắn có để cho tôi kịp mở miệng.

Ôi lạy Chúa ! Tarzan rùng mình. Bọn bắt cóc sẽ không đời nào chịu tin như vậy. Rồi sao ? Chuyện gì sẽ xảy đến với Al­ice ? Và với tất cả những con tin đáng thương khác ?

Karl phá tan sự im lặng nặng nề :

- Cháu có sáng kiến này. Ông không thể làm tài liệu giả ư, làm thật nhanh ? Bố cháu, vốn là giáo sư toàn, sẽ giúp ông một tay.

Ông Theisen mỉm cười thiểu não :

- Đến trưa mai ư ? Không thể được ! Hơn nửa, tên gọi điện đã đe tôi trước. Gã nói tôi đừng tưởng sẽ có thể gán cho gã một con chó chết. Gã sẽ lập tức nhờ một chuyên gia cực siêu thẩm tra lại toàn bộ tài liệu. Chỉ khi tay chuyên gia này bật đèn xanh, chúng mới thả Al­ice về. Thêm nửa không chỉ riêng Al­ice, gã bổ sung. Cả số phận của những đứa trẻ khác cũng bị trói liền với Al­ice. - Ông Theisen đưa tay vuốt mặt. - Tôi nghĩ bọn lưu manh này dám làm mới chuyện.

Ông Glock­ner đứng dậy, đi ra sảnh. Ông gọi điện thoại cho ai đó, nói khẻ và vắn tắt. Khi quay lại, trên mặt ông hằn những nếp khắc khổ. Rồi ông nói, chủ yếu là với Tarzan, vì duy có hắn biết đủ yếu tố để hiểu cái tin này :

- Dobbel như bị mặt đất nuốt trửng. Wei­drich vừa xong việc ở hảng, và cũng biết mất từ đó. ít nhất thì gã cũng mất hút khỏi tầm mắt của nhân viên an ninh theo dõi gã. Rất có thể tên trùm triệu tập tay chân lại quanh mình, để tránh trục trặc vào giây phút cuối.

Chúng ta đang đứng trước một bức tường rồi, Tarzan tuyệt vọng nghĩ, một bức tường bằng bêtông !.

Bảy.

Bắt gọn.

Chẳng còn cách nào khác, Tarzan và Tròn Vo phải trở về ký túc xá.

Ông hiệu trưởng, tiến sĩ Fre­und, đang đợi Tarzan cho ông biết tình hình. Điều an ủi duy nhất đối với hai quái là ngay sau bữa ăn tối, chúng sẽ lại đạp đến nhà ông bà Glock­ner - bất chấp nội quy của trường nội trú.

Khi hai đứa nhảy lên xe thì trời đang tối dần. Đèn đường bật lên. Xe cộ đều sáng đèn.

Đến góc phố, Tròn Vo xem giờ :

- Con 10 phút nửa... là đến hẹn.

- Mày bảo gì ? - Tarzan hỏi.

- Lúc mày cầm tiền chuộc đến Núi Đao Phủ, tao có gọi điện về nhà. Chỉ một nhoáng thôi. Ông bà Theisen, bác Mar­got và Karl mải nói chuyện nên không hề biết khi tao ra sảnh gọi điện.

- Rồi sao ? Mày nhắc chuyện ấy làm gì ?

- Mày thử tưởng tượng : Lêo lại gọi cho bố mẹ tao ?

Tarzan phanh kẹt xe lại :

- Cái gì ?

- Về chuyện hộp nữ trang. Lần gi­ao tiền thứ hai này chắc trót lọt. Cô điều tên khốn ấy nâng lên 30.000 mắc. Thật vô liêm sĩ, hả ? Vốn là nhà kinh doanh, bố tao mặc cả xuống 25.000 mác.

Tarzan nín thở :

- Mười phút nửa họ gặp nhau ?

- Chính xác.

- Ở đâu ?

- Vẫn ở nhà ga, như lần đầu. Trong sân ga, gần quán sữa và...

- Theo tao ! - Tarzan nói và phóng vọt đi như nhà vô địch thế giới đua nước rút.

Mười phút. Có kịp không đây ? Trong khi đường phố nghìn nghịt xe cộ thế này ?

Ơi Willi ! Chịu mày thật. Mày không hề bận tâm đến hộp nữ trang của mẹ, vì còn mãi lo cho số phận của Ga­by, Al­ice và những bạn cùng trường khác chứ gì ?

Tarzan đạp chối chết.

Đừng nhìn đồng hồ ! Chẳng ích gì.

Rốt cuộc hắn cũng đến nhà ga. Chiếc xe Jaguar của ông Sauer­lich đang chầm chậm lăn bánh rời bãi đỗ.

Tarzan lao ngang trước mũi xe, dừng lại.

Chú Georg hoảng hốt nhấn phanh.

Tarzan thở hổn hểnh thò đầu vào cửa sổ xe :

- Bác đã.. gặp gã lang thang rồi à ?

- Tarzan ! Chào cháu ! ừ, vừa xong... - Ông Her­mann Sauer­lich nở một nụ cười trên gương mặt hiền hậu, tay vỗ vỗ vào hộp nữ trang giữ trên đầu gối mình : - Toàn bộ nữ trang của bác gái đây rồi. Đủ cả. Bác có thể chịu mất 25.000 mác...

- Gã đâu rồi, bác Sauer­lich ? Đâu rồi ạ ?

- Không rõ. Bác đã kiểm tra số nữ trang và... lần này thì chú Georg ngắt lời ông chủ :

- Chú có thấy gã, Tarzan à ... Gã đi vào phố Nhà Kho đằng kia kìa. Cách đây khoảng 1 phút.

- Cảm ơn chú !

Cậu giật phắt chiếc xe đạp quay lại, như con ngựa lồng.

Phố Nhà Kho tối tăm và chật hẹp, chạy vào khu vực sau nhà ga. Ở đây không có những cửa hiệu sang trọng. Trời sẫm tối là hiếm khách bộ hành dám lai vãng nơi đây, vì ngại bọn bụi đời, đầu gấu.

Tarzan phóng xe lao vào con đường chạy giữa những dãy nhà kho. Lác đác dăm ngọn đèn đường.

Nhìn đằng trước kìa !... phải, đằng trước một bóng người lui cui.

Gã chỉ nhận ra Tarzan khi hắn đã ở sát sau lưng.

- Ê, đồ ăn cắp !

Tarzan nhảy khỏi xe, nhưng bàn chân trái không hạ xuống đường, mà hạ trúng kheo chân Lêo. Cú đá đủ đốn đổ một trụ cổng.

Gã lang thang rú lên, bay chúi về phía trước. Một phong bì lớn rời khỏi áo khoác của hắn.

Tarzan nhanh chóng cúi nhặt lên.

- Nó là của tôi... - Lêo mở miệng thất thanh, và nhận ra Tarzan .

- 25.000 mác này của ông Sauer­lich đâu thuộc về ông, - Tarzan nói, tay sờ thấy những tờ giấy bạc cộm trong phong bì. - Ăn cắp lại còn đòi thưởng công, đừng hòng nhé ! Đứng dậy ! Cảnh sát đang đợi ông.

Lêo chống tay lồm cồm cố bò dậy. Gã rên rĩ :

- Cậu... từng cứu giúp tôi. Sao lại...

- Khi đó tôi chưa biết mẹ bạn tôi bị mất cắp. Đứng thẳng dậy !

- Cậu... nghĩ sao, nếu tôi...

- Đây là vấn đề luật pháp, ông Lêo. Ông tên là Lêo hả ?

- Lêo Ver­dros­ki.

Tarzan nén sự thương hại, ngắm nhìn gã. Liệu Lêo có nói dối để thoát thân không ? Không, xương cốt gã đang run bần bật, và gã đang rối trí tới mức không thể bịa nổi một lời khai man.

- Nhưng ông Lêo Ver­dros­ki, có thể tôi thả cho ông đi đấy.

Bộ râu ria ngẩng lên :

- Thật ư ?

- Ông biết cái tên tóc vàng, giọng the thé chứ.

- Vâng, đó là Ritschi Gern­re­ich.

- Nó ở đâu ?

- Tôi không biết. Nhưng tối qua nó ở nhà một tên trên phố Giết Ruồi. Nào tôi có ngờ, lang thang qua đấy Ritschi bắt gặp, bèn tống cho tôi một quả. Đây cậu xem gãy cả một mảnh răng đây ! Còn cái thằng to béo khinh người đứng xem và cười.

- To béo kính người à ? - Tóc gáy Tarzan dựng hết lên.

- Lù lù như một trái núi ấy.

- Chính xác là ở đâu ?

- Gần cuối phố. Trên cổng có biển đề : " Chạy xe thuê Knut Winzig". Có lẽ là tên thằng béo.

- Ông Lêo, tôi không biết ông Sauer­lich có đòi truy tố ông không. Vậy nên chớ vội mừng, nếu giờ đây tôi để ông đi.

Tarzan nhảy phắt lên xe đạp, phóng trở lại ga.

Chiếc Jaguar vẫn đợi ở đó. Tròn Vo lúc này mới ì ạch đạp đến nơi, mệt bở hỏi tại, bụng đôi méo, và lẩm bẩm chùi rửa.

Ông Sauer­lich dứng cạnh chiếc Jaguar.

Tarzan trao cho ông chiếc phong bì.

- Vậy là không thiệt hại gì, thưa bác Sauer­lich. Bác có tố giác gã lang thang không ạ ? Cháu đã để gã đi. Vì gã đã giúp cháu trong một việc khác : cho cháu một địa chỉ có thể lần ra thủ phạm. cháu phải đi thẩm tra ngay đây. Vậy xin tạm biệt bác.

- Ê ! - Tròn Vo chưa kịp chống chân xuống, hớt hãi gọi với theo : - Lại đi đâu nửa thế ?

- Tao sẽ kể mày nghe dọc đường. Gấp lắm. Nhưng chúng mình đang bám theo đối tượng Willi à. Đi thôi, theo hướng này ! Tụi mình sẽ về trường sau.

Tròn Vo vừa nhấn pê­dan vừa kêu lên :

- Tạm biệt bố ! Chào mẹ hộ con ! Bố thấy đấy, tiếc là con rất bận.

*

Ở quãng này của phố Giết Ruồi không có đèn đường. Bóng tối phủ kín đôi bạn. Chúng ngồi chống chân trên xe đạp, nhìn qua hàng rào gỗ mục.

- Trong ngôi nhà thấp kia sáng đèn, - Tarzan nói. - Nhà gì mà tồi tàn. Tao cuộc là cánh cổng sẽ kêu kéo két nếu đẩy nó ra. Tốt hơn là để tao leo qua rào.

- Đừng để chúng tóm sống mày, - Tròn Vo dặn. - Có khi cả hai đang ở trong ấy. Thêm thằng lái trực thăng nửa là ba.

Tarzan gi­ao xe đạp cho Tròn Vo, đu người qua rào, chạy vào sân.

Trước nhà đổ một chiếc Mer­cedes. Các cửa sổ đều sát đất nên dễ do thám. Tiếc rằng rèm cửa lại kéo kín.

Nhưng khi Tarzan nhóm người trước một ô cửa sổ sáng đèn, hắn phát hiện một khe hở nhỏ bằng ngón tay giữa hai cánh rèm hoa. Một phòng khách trông chẳng khác gì cái chuồng lợn

Một tên to béo ngồi lù lù bên bàn. Đầu gã tròn lủng, lơ thơ tóc, cái mũi hỉn lọt thỏm giữa bộ mặt nung núc thịt.

Trông gã ra chiều mãn nguyện, mắt mơ màng nhìn lên mặt bàn ngồn ngộn những tệp tiền mà Tarzan đã cất công mang đến Núi Đao Phủ.

- Mày chỉ đưa Fallmeier loại bạc nhỏ thôi hả ? - Cái giọng the thé của Ritschi cất lên.

Tarzan không trông thấy gã. Rõ ràng gã ngồi phía bên kia.

- Núi Thịt bèn gật đầu :

- Toàn tiền 50 và 100 mác thôi. Nó không chịu lấy loại lớn hơn. Mất hồi lâu mới đếm xong 100.000. Món tiền ngon đấy chứ. Nhưng không có nó và chiếc trực thăng thì tụi mình làm ăn đếch gì được.

- Ở sân bay có bị đứa nào trông thấy không ?

- Tao nghĩ là không. Fallmeier làm phi công cho hãng ấy đến cuối tháng. Các nhân viên mặt đất thấy việc nó lái trực thăng đi là chuyện thường. Nhưng tao cho là thằng nhãi sẽ tả lại chiếc trực thăng, và thế nào cớm cũng mò đến đó hỏi thăm. Fallmeier không đợi đến lúc ấy. Nó đã trên đường phới sang Thụy Sĩ. Nó sẽ ở tạm vài hôm ở nhà trọ Glauser­li bên Zurich, trước khi chuồn sang châu Phi. Nó dặn tao gọi điện kể xem diễn biến tiếp tục ra sao.

- Lúc thấy thằng nhãi, tao suýt ngã quay ra, - Ritschi nói. - Thế nào cớm lại cứ dùng cái thằng võ nghệ cao cường ấy.

- Nó từ chối tớ 1.000 mắc, - tên béo nói. - Rõ ràng nó khỏe, nhưng mà ngu !

Đồ khốn kiếp ! Tarzan nghĩ.

- Tức là tao không hỏi Gluschke được, - Ritschi nói. - Có thể hắn biết thằng oắt này ! Tao đoán thằng lõi là học sinh trường nội trú.

Tên béo cuời hô hố :

- Không, mày không thể hỏi Gluschke nửa rồi. Cả nó, lẫn En­ri­co, lẫn Car­lo và Dobbel. Hình như bây giờ chúng đã biết chuyện gì xảy ra. Chúng sẽ bắt tụi cớm giải thích vì sao không gi­ao tiền.

Gluschke ! Gã có chân trong băng bắt cóc ? gã ư ? Hèn nào mình không chịu đựng nổi tên khả ố này ngay từ đầu, Tarzan nghĩ.

- Cố nhiên chúng nghĩ ra ngay ai đã chơi khăm chúng, - Ritschi nói. - Tao cuộc là đám bạn của này đang tìm kiếm tao. Nhưng tao đã bỏ địa chỉ cũ, mà chúng tài gì tìm nổi tao ở đây. Này, mày còn rượu whisky không ? Phải uống mừng " trúng quả đậm" chứ !

Ra thế đây ! Tarzan xiết hai nấm đấm khi lần ra ngoài với Tròn Vo. Quả như chú Glock­ner và mình dự đoán.

- Mày thấy ai không ? - Tròn Vo hỏi.

- Ritschi và thằng béo mà tao đã gi­ao tiền. Còn một hội thứ hai đang bắt giữ các con tin. Mà mày có biết kẻ nào cùng bọn với lũ tội phạm đó không ? Gluschke . Phải, Gluschke ở trường ta ! Tao cũng đã ngạc nhiên như mày.

Lát sau Tròn Vo mới thôi há hốc mồm.

- Giờ tụi mình làm gì họ ?

- Đạp xe về trường. Mày gọi điện cho chú Glock­ner , báo địa chỉ nhà này. Trong khi tao nói chuyện với Gluschke. Tao sẽ có cách nói chuyện với gã ! Khi chú Glock­ner đến, tao đã có thể cho chú ấy biết tụi kia ở đâu, cụ thể là Car­lo, En­ri­co và Dobbel. Mà này, tao sực nhớ : khi Al­ice kể về chị giúp việc Fa­ri­na ở Brus­sel, Al­ice có nhắc đến cái tên En­ri­co phải không ? Là bạn trai của Fa­ri­na ấy mà Willi ơi, rất có thể đây cũng là một đầu mối. Nhưng chúng mình cũng sắp rõ cả thôi. Bây giờ chỉ còn cất vó là xong. Đi nào, về trường nội trú !

*

Về đến gần trường, Tarzan và Tròn Vo thấy Gluschke cưỡi môtô từ hướng thành phố vượt qua chúng.

- Tao sẽ " làm việc" với gã trong nhà để xe, - Tarzan nói và phóng hết tốc lực.

Đèn trần trong nhà xe sáng. Gluschke vừa cất chiếc môtô vào gốc cây, quay nhìn.

- Willi, mày đợi ngoài này ! - Tarzan bảo. - Đóng hộ cửa lại ! Mày đừng bận tâm nếu nghe những tiếng kêu đau đớn.

Tròn Vo gật đầu, mặt ghê tởm nhìn Gluschke. Rồi cửa sập lại. Trong nhà xe im ắng.

Tarzan tiến đến chỗ Gluschke, khẽ nói :

- Gluschke, tôi nghĩ ông biết Ga­by Glock­ner là bạn gái của tôi. Vì vậy tôi không muốn có chuyện gì xảy ra với cô ấy. Không muốn một tí nào. Tôi cũng không hài lòng khi Al­ice Theisen bị bọn bắt cóc bắt đi, đó là chưa nói đến 27 bạn học khác. Bọn bắt cóc là lũ người độc ác, phải không ? Tới nói đây là nói En­ri­co, Car­lo, Dobbel và... một kẻ nửa.

- Khi Tarzan dừng lời, sự im lặng càng như tăng thêm.

- Tôi chỉ có một câu hỏi duy nhất : những con tin hiện ở đâu ?

- Tất nhiên Tròn Vo không đợi trước của nhà xe, mà chạy đi gọi điện, báo cho thanh tra Glock­ner .

Đúng 18 phút sau, cảnh sát ập đến nhà Knut tóm gọn hai tên tội phạm trước khi chúng kịp trở tay.

Alois Fallmeier bị bắt đúng lúc gã toan qua biên giới sang Thụy Sĩ. Người ta tìm thấy trên xe của gã 100.000 mác.

Bản thân ông Glock­ner cấp tốc đến trường nội trú. Tarzan đợi ông bên cổng trường.

- En­ri­co và Car­lo đang ở khách sạn Cung Điện Li­do, - hắn thông báo. - Chiếc xe hòm giữ con tin hiện bị Dobbel canh gác tại khu xưởng bỏ hoang của hãng hóa chất " Drin­zl và Bre­it­lach­er" cũ. Tất cả các con tin bị nhốt trên thùng xe nhưng mạnh khỏe, Gluschke khẳng định thế ạ.

- Cháu biết từ gã tất cả tin tức này ừ ?

- Gã đã nói với cháu.

- Tự nguyện nói ?

- Dạ, chị y tá trường cháu đang chăm sóc gã. Chị ấy đã báo bác sĩ rồi ạ. Chị ấy thất kinh, nhưng không phải vì biết vai trò bắt cóc của Gluschke mà vì những vết thương trên người gã. Ai bảo gã điên cuồng tấn công cháu trước. Buộc cháu phải tự vệ. Một vài vết rách. Vâng, một cách tay rời ra. Còn sống mũi gã thì...Nhưng đến khi mở phiên tòa thì nhất định gã đã bình phục.

*

Dobeel không hề kháng cự.

Khi thùng xe được mở ra, Ga­by nhảo vào lòng bố trước, rồi đến Tarzan .

Al­ice xanh xao hơn, nhưng khỏe mạnh, mặc dù không uống thuốc.

Wei­drich bị bắt lúc nửa đêm, khi say rượu ngất ngưởng trở về nhà - Gã đắm mình trong rượu để quên đi mặc cảm tội lỗi.

En­ri­co và Car­lo bị còng tay dẫn về trụ sở cảnh sát, nơi chúng tồng tộc khai ra hết bọn tòng phạm, mong gỡ tội. Fa­ri­na Cin­calia cũng bị lôi ra ánh sáng. Thì ra một tập đoàn công nghiệp phương Đông xa xôi đã gi­ao cho En­ri­co Web­mil­lia nhiệm vụ lấy được kết quả nghiên cứu của "Eu­ro-​Fu­tur-​Project 2000". Tuy nhiên, những người lãnh đạo tập đoàn này không hề biết gã dùng thủ đoạn nào để đạt mục đích. Cũng như phần nào còn lại của thế giới, họ làm sao biết được chẳng có kết quả nào cả. Vì thảy những ai nắm chuyện này đều không hé nửa lời.

GIỚI THIỆU TẬP SAU

Mời các bạn đón đọc: Tứ quái TKKG - tập 56 - Những con thú bị hành hạ. TKKG mở chiến dịch truy tìm một người lái xe vô lương tâm đã bỏ chạy sau khi đâm bị thương nặng cô bạn cùng trường của họ. Trong khi truy tìm, Tứ quái lại tình cờ bắt gặp dấu vết của một vụ việc khác... Tất nhiên, TKKG không đời nào bỏ qua cả hai đặc vụ này.

]]>

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro