7 Nhật pháp đánh nhau và hành động của chúng ta

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

7, Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" 12/3/1945. (Hoàn cảnh lịch sử? Nội dung? Ý nghĩa?)

a. Hoàn cảnh lịch sử:

- Đầu năm 1945, chiến tranh bước vào giai đoạn kết thúc, bọn phát xít liên tiếp thất bại trên nhiều mặt trận. Để tránh nguy cơ đối mặt cùng lúc với nhiều đối thủ, ngày 9/3/1945, phát xít Nhật lật đổ thực dân Pháp độc chiếm Đông Dương.

- Dự đoán trước tình hình Nhật sắp sửa lật Pháp ở Đông Dương, Tổng bí thư Trường Chinh triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), ngay trước lúc Nhật nổ súng.

- 9/3/ 1945, Nhật lật đổ Pháp.

- Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta".

b. Nội dung:

- Nhận định cuộc chính biến Nhật lật đổ Pháp đã tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc làm cho điều kiện cuộc khởi nghĩa trở nên chín muồi nhanh chóng:

+ Chính trị khủng hoảng, kẻ thù không rảnh tay đối phó với cách mạng;

+ Nạn đói ghê gớm làm cho quần chúng thêm oán ghét quân cướp nước;

+ Chiến tranh bước vào giai đoạn kết thúc.

- Xác định kẻ thù trước mắt và duy nhất của cách mạng lúc này là phát xít Nhật, vì vậy phải thay khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật-Pháp" bằng khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật" "thành lập chính quyền nhân dân".

- Khẳng định nhiệm vụ trước mắt của Đảng: lúc này là thời điểm tiền khởi nghĩa, nhiệm vụ của Đảng là phát động ngay phong trào kháng Nhật cứu nước & gấp rút chuẩn bị tiến tới lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền 8/1945.

- Phát động quần chúng đấu tranh dưới mọi hình thức kể cả khởi nghĩa vũ trang cướp chính quyền, thay đổi hình thức hoạt động, hình thức đấu tranh cho phù hợp với thời kì tiền khởi nghĩa: bãi công, du kích, phá phách, biểu tình có vũ trang...

- Chỉ rõ tương quan lực lượng của ta và địch ở mọi nơi không giống nhau, CM có thể chín muồi ở những địa phương khác nhau nên nơi nào thấy so sánh lực lượng giữa ta và địch có lợi cho CM thì lãnh đạo quần chúng đứng lên khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền bộ phận rồi tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

- Dự kiến thời cơ thuận lợi để tiến hành tổng khởi nghĩa:

+ Khi quân đồng minh vào Đông Dương, quân Nhật tiến ra chiến trường để ngăn cản sẽ để phía sau sơ hở;

+ Cũng có thể cách mạng Nhật bùng nổ, chính quyền cách mạng Nhật được thành lập;

+ Hoặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940 và quân viễn chinh Nhật mất hết tinh thần.

Tuy nhiên, Đảng ta nêu cao tinh thần: phải dựa vào sức mình là chính, không trông chờ, ỷ lại.

c. Ý nghĩa:

- Bản chỉ thị ngày 12/3/1945 có giá trị như 1 chương trình hành động, 1 lời hiệu triệu, 1 ngọn cờ dẫn dắt nhân dân ta tiến hành cao trào kháng Nhật cứu nước, tạo điều kiện cho sự sáng tạo của các địa phương trên cơ sở đường lối chung của Đảng.

- Thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, kịp thời của Đảng. Đó là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và Việt Minh trong cao trào chống Nhật cứu nước, trực tiếp dẫn đến thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro