75 - 76

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Việt Nam trong năm đầu sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ (1975-1976)

3.1.1. Tình hình 2 miền Nam-Bắc nước ta sau năm 1975

- Miền Bắc trải qua hơn hai chục năm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa (1954-1975), nhưng phải hai lần đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mĩ hết sức ác liệt, chiến tranh đã tàn phá nặng nề, gây hậu quả lâu dài đối với miền Bắc, “đã làm cho quá trình tiến lên sản xuất lớn bị chậm lại vài ba kế họach 5 năm”.

+ Chế độ mới, quan hệ sản xuất mới, lực lượng sản xuất được xây dựng và củng cố không ngừng, tuy nhiên cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội miền Bắc còn rất nhỏ bé, năng suất lao động thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

- Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, bộ máy ngụy quyền tay sai ở trung ương bị sụp đổ, nhưng cơ sở ngụy quyền tay sai ở địa phương vẫn tồn tại. Chế độ thực dân mới của Mĩ đã bị đánh đổ, nhưng đã để lại bao di chứng xã hội như xì ke, ma túy, lưu manh, bụi đời, đĩ điếm.

+ Hơn hai chục năm là xã hội thuộc địa kiểu mới của Mĩ, miền Nam có nền kinh tế trong chừng mực nhất định phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa, nhưng vẫn mang tính chất của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ là phổ biến, phát triển mất cân đối, lệ thuộc nặng vào viện trợ từ bên ngoài. Công nghiệp nặng nhỏ bé, cơ sở vật chất - kỹ thuật không nhiều, không đều.

3.1.2. Khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định tình hình miền Nam

- Miền Bắc khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh

+ Ở miền Bắc, tuy chiến tranh đã chấm dứt sau Hiệp định Pari 1973 nhưng do sức tàn phá nặng nề của 2 lần chiến tranh phá hoại do Mĩ gây ra nên nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế vẫn tiếp tục tiến hành. Mặc dù thời tiết thất thường, thiên tai dồn dập, miền Bắc vẫn giành được vụ đông xuân 1975-1976 khá tốt. Nhiều công trình, nhà máy được xây dựng và mở rộng thêm. Sản lượng phần lớn các sản phẩm quan trọng đạt và vượt mức trước chiến tranh. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật phát triển mạnh.

+ Đồng thời với nhiệm vụ tiếp tục khôi phục và phát triển kinh tế, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc ra sức làm tròn nghĩa vụ của căn cứ địa cách mạng cả nước và nghĩa vụ quốc tế đối với Lào và Campuchia trong giai đoạn mới. Trong những điều kiện còn hết sức khó khăn, miền Bắc đã điều động vào miền Nam một khối lượng lớn vật chất và nhân lực tăng cường cho các địa phương, các cơ sở sản xuất kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... góp phần vào việc tiếp quản vùng mới giải phóng, ổn định tình hình chính trị - xã hội.

- Ổn định tình hình miền Nam sau giải phóng

+ Ở miền Nam, tiếp quản vùng mới giải phóng là công việc được tiến hành từ rất sớm (trước ngày 1-4-1975). Quán triệt chủ trương của Chính phủ cách mạng lâm thời, tại các vùng mới giải phóng, các Ban tiếp quản triển khai công việc tiếp nhận các cơ sở vật chất - kĩ thuật, cơ sở kinh tế, văn hóa, các căn cứ quân sự, các cơ sở sản xuất, các công trình công cộng của chế độ cũ khẩn trương và kết quả thu nhận được gần như nguyên vẹn.

+ Việc thành lập chính quyền cách mạng và đoàn thể quần chúng các cấp nhanh chóng được thực hiện. Hệ thống chính quyền cách mạng từ trung ương đến các cấp cơ sở ở tỉnh, huyện, xã được hình thành và giữ quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Mới đầu tại các thành phố lớn, các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, chính quyền cách mạng duy trì chế độ quân quản và thực hiện “quân sự hóa” các hoạt động xã hội. Tại các xã, thôn, chính quyền cách mạng được thành lập dưới hình thức các Ban tự quản. Khi tình hình tương đối ổn định, các Ủy ban nhân dân cách mạng được thành lập. Các đoàn thể quần chúng cách mạng cũng ra đời.

   Chính quyền cách mạng các cấp cùng đoàn thể quần chúng đã thực hiện các biện pháp nhanh chóng ổn định tình hình chính trị - xã hội, đồng thời với việc thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết, nhưng thận trọng đối với những người từng cộng tác trong chính quyền Mĩ - ngụy trước đây: hoan nghênh những ai quay trở về với dân tộc, kêu gọi tất cả những người làm việc trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện hoặc đăng kí trình diện và tạo mọi điều kiện thuận lợi cả về pháp lí, tâm lí, dư luận xã hội để họ tự giác thực hiện.

+ Để từng bước giải quyết nạn thất nghiệp, chính quyền cách mạng tổ chức cho dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, chủ yếu là dân thành thị, thực hiện một loạt biện pháp nhằm khuyến khích sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Tịch thu toàn bộ tài sản và ruộng đất của bọn phản động và tư sản mại bản, bọn cầm đầu các tổ chức ngụy quân ngụy quyền và của những phần tử chạy trốn ra nước ngoài. Tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, ruộng đất đem chia cho nông dân thiếu ruộng và cho các tập đoàn sản xuất.

+ Chính quyền cách mạng quốc hữu hóa ngân hàng, giải thể tất cả các ngân hàng tư nhân, xóa bỏ tiền ngụy, thay bằng đồng tiền cách mạng (22-9-1975), tuyên bố xóa bỏ bóc lột phong kiến, nắm giữ, quản lí các cơ sở kinh tế lớn, giữ độc quyền đường biển, đường sắt, đường không, nắm toàn bộ xuất nhập khẩu, quản lí vật tư, hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, sắt thép, phân bón và bước đầu quản lí lương thực.

+ Chính quyền cách mạng rất chú trọng khôi phục sản xuất nông nghiệp: phát động quần chúng tháo gỡ bom mìn, khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, thâm canh, tăng vụ. Nông dân được tổ chức thành các tập đoàn sản xuất, các tổ đổi công, vần công.

+ Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội cũng được tiến hành khẩn trương ngay từ những ngày đầu mới giải phóng. Đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, báo chí được kịp thời sử dụng vào công tác thông tin, tuyên truyền cổ động. Những biểu hiện của văn hóa phản động, đồi trụy bị lên án và nghiêm cấm. Những tệ nạn xã hội cũ như mê tín dị đoan, cô đầu gái điếm, nghiện ma túy bị bài trừ. Ngành giáo dục phổ thông, giáo dục và đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp được chấn chỉnh, tổ chức lại và bước đầu phát triển. Các trường phổ thông cấp 1,2,3 trên toàn miền Nam lần lượt mở lại. Hệ thống trường tư bị xóa bỏ chuyển thành trường công của Nhà nước. Việc xóa mù chữ được chú trọng và phong trào bình dân học vụ được phát động...

- Những hoạt động trong hơn năm đầu sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng giành được thắng lợi to lớn, đã đập tan sự xuyên tạc của kẻ thù, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được và quyết định đến việc sớm hoàn thành thống nhất đất nước, làm tăng lòng tin của nhân dân vào chế độ mới.

3.1.3. Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước (1975-1976)

- Nhiệm vụ thiêng liêng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước là giành lại độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đã hoàn thành từ ngày 30-4-1975. Tuy nhiên, do đất nước ta bị chia cắt trong thời gian dài hơn hai chục năm, ở mỗi miền tồn tại một chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Do đó sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, một trong những nguyện vọng tha thiết trước mắt, đồng thời là tình cảm thiêng liêng nhất của nhân dân cả nước là hai miền Nam -Bắc được xum họp trong một đại gia đình, mong muốn có một chính phủ thống nhất, một cơ quan đại diện quyền lực chung cho nhân dân cả nước.

- Đáp lại nguyện vọng đó đồng thời cũng phù hợp với thực tế lịch sử dân tộc Hội nghị lần thứ 24 Ban chấp hành Trung ương Đảng họp 9-1975 đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước.

- Từ ngày 15 đến 21-11-1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước ta họp tại Sài Gòn. Hội nghị tiến hành thảo luận và đã đi đến nhất trí hoàn toàn tất cả các vấn đề thuộc về chủ trương, bước đi, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt Nhà nước trên cơ sở tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Quốc hội đó sẽ xác định thể chế nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và qui định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất.

- Ngày 25-4-1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trong cả nước, hơn 23 triệu cử tri (chiếm 98,8% tổng số cử tri) đã đi bầu cử. 492 đại biểu đã trúng cử vào Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (được gọi là Quốc hội khóa VI).

- Tại kì họp đầu tiên vào cuối tháng 6, đầu tháng 7-1976 ở Hà Nội, Quốc hội đã thông qua chính sách đối nội và đối ngoại của nước Việt Nam thống nhất, quyết định lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 2-7-1976), Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất, thành phố Sài Gòn được đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh.

+ Quốc hội bầu các cơ quan, chức vụ lãnh đạo cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao... Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch nước, Trường Chinh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng Chính phủ.

+ Ở địa phương, Quốc hội quyết định tổ chức thành 3 cấp chính quyền: cấp tỉnh và cấp thành phố trực thuộc Trung ương; cấp huyện và tương đương; cấp xã và tương đương. Ở mỗi cấp chính quyền này đều có Hội đồng nhân dân được bầu theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín, và ban chấp hành của Hội đồng nhân dân, tức Ủy ban nhân dân.

+ Quốc hội còn bầu Ủy ban dự thảo Hiến pháp, và quyết định trong khi chưa có Hiến pháp mới thì nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức và họat động trên cơ sở Hiến pháp năm 1959 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức được Quốc hội thông qua ngày 18-12-1980.

   Với kết quả của kì họp thứ I Quốc hội khóa VI, công việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước đã hoàn thành.

- Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước là yêu cầu tất yếu, khách quan của cách mạng Việt Nam. Kết quả giành được thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí thống nhất Tổ quốc, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Đã thể chế hóa thống nhất lãnh thổ trước đó, tạo cơ sở pháp lý để thống nhất đất nước trên các lĩnh vực khác, đồng thời đã tạo những điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro