990 - ca Voi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tục truyền rằng cá voi là tiền thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát, đã có lần hóa thân để cứu khổ chúng sinh. Ngài hóa thân thành cá voi (ông Nam Hải) đi tuần du biển Nam Hải. Một hôm, trên tòa sen nhìn lướt qua sóng gió đại dương Nam Hải, ngài không khỏi đau lòng khi thấy muôn vàn sinh linh gặp cơn phong ba bão táp, phải bỏ mình vì dông tố, mà những nạn nhân đáng thương chỉ là những ngư dân hiền lành lấy nghề đánh cá để nuôi thân.

Trước cảnh tượng đau lòng đó, Bồ Tát liền cởi chiếc pháp y, xé tan thành từng mảnh nhỏ ném xuống mặt biển mênh mông. Mỗi mảnh vụn theo nguyện ý của Bồ Tát đã biến thành một con cá voi với nhiệm vụ cứu nguy đám ngư dân lâm nạn trước bão tố trên đại dương. Kể từ đó, cá voi là ân nhân của dân thuyền chài sống trên biển cả.

Tuy nhiên, hình vóc cá voi lúc đó tương đối nhỏ, không đủ sức chống chọi với sóng to gió lớn, do vậy đức Quan Thế Âm liền mượn bộ xương của ông Tượng (voi) trên rừng cho đàn cá, nhờ thế đàn cá mới đủ sức mạnh chống lại sức mạnh của đại dương. Cũng vì thế, đàn cá mang tên là cá voi (vì mượn xương voi và cũng to lớn như voi).

Với cơ thể to lớn, cá voi mặc sức vẫy vùng giữa biển cả và đương đầu với sóng gió, kèm giữ cho tàu thuyền thăng bằng, không bị tan vỡ trong bão tố, sau đó còn dìu tàu thuyền vào tận bờ biển. Do to lớn nên chậm chạp, nhiều trường hợp biết có thuyền chài lâm nạn ở quá xa, cá voi cố sức bơi tới mà không cứu nổi nạn nhân. Để giúp cho cá voi làm tròn nhiệm vụ cứu nạn của mình, Bồ Tát liền ban cho chúng phép thâu đường, dù ở bất cứ nơi nào cần đến đều có thể cứu kịp thời”.

Một câu chuyện khác lại kể rằng, vào khoảng năm 1799, trong lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu quân Tây Sơn, tìm đường biển chạy sang Xiêm thì gặp cơn bão lớn. Cơn bão làm thuyền chao đảo, nhưng ngay lúc đó có con cá voi đến nâng thuyền lên và đưa vào bờ nên ông mới thoát nạn. Vào năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn cá voi đã cứu giúp mình, ông sắc phong cho cá voi là Nam Hải Đại tướng quân.(Nam hải cự tộc ngọc lân Thượng đẳng Thần)

Cho dù bắt nguồn từ truyền thuyết nào đi nữa, trong dân gian Nam bộ, nhất là những ngư dân ven biển thì cá ông là một động vật linh thiêng ở biển, thường xuyên cứu giúp những người gặp nạn trên biển. Các ngư dân mỗi khi ra khơi, nếu gặp chuyện gì bất trắc lập tức cầu ông, mong ông đến cứu giúp và dường như lần nào ông cũng đến kịp thời.

Vì vậy, nếu gặp cá ông “lụy” (chết), ngư dân coi như gặp điều lành, tin rằng dân làng sẽ được ông phù hộ. Theo quy ước, người phát hiện ông “lụy” đầu tiên được xem là người được ông tín nhiệm, do đó được vinh hưởng chức “trưởng nam”, thay mặt dân làng chịu tang ông trong suốt 100 ngày. Khi phát hiện cá ông “lụy”, người ta tìm cách dìu xác vào bờ rồi vạn trưởng huy động dân làng đưa ông lên bờ để làm lễ an táng. Trường hợp gặp phải cá voi quá lớn, người ta dùng đăng quàng lại, cử người canh giữ cho đến khi thịt rã ra hết mới lấy bộ xương đưa lên lăng thờ.

Thời triều Nguyễn còn có quy định là làng nào bắt gặp cá ông chết thì lý trưởng phải trình lên phủ, huyện để quan cho lính về khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ bảy vòng và cho khâm liệm, cấp đất xây lăng và ruộng hương hỏa để thờ. Nghi thức tang chế hoàn toàn dựa vào “Thọ mai gia lễ”, có rút gọn hơn so với lễ tang người. Đủ ba năm thì cải táng, lấy xương xếp vào quách, vào khạp, đưa vào lăng đã xây sẵn để thờ. Lăng ông có người trông coi, hương khói, có hẳn một hội đồng quản lý lăng.

Ngày lễ cúng diễn ra không đồng thời ở các nơi vì phụ thuộc vào ngày cá ông “lụy” (cá ông “lụy” vào ngày nào thì người ta lấy ngày đó làm ngày cúng). Thông thường, cá ông “lụy” vào những tháng có biển động, có gió bão nhiều. Ở Bình Đại (Bến Tre), bà con lấy ngày 16 tháng 6 Âm lịch để cúng, còn ở Sông Đốc (Cà Mau) thì lễ cúng được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng 2 Âm lịch. Ở Cầu Ngang (Trà Vinh) lễ cúng lại rơi vào các ngày 10, 11, 12 tháng 5 Âm lịch. Lễ hội này tổ chức lớn hay nhỏ phụ thuộc vào tình hình kinh tế của từng địa phương. Năm nào địa phương nào làm ăn khấm khá, đi biển đánh bắt được nhiều cá tôm thì năm đó bà con ngư dân sẽ cúng lớn.

Lễ hội nghinh ông luôn là ngày hội lớn của ngư dân vùng biển. Tục thờ cá ông của cư dân Nam bộ là một đạo lý cổ truyền, thấm đượm tính nhân văn của dân tộc. Lễ hội nghinh ông chính là dịp để thỏa mãn nhu cầu đền ơn, đáp nghĩa của cư dân vùng biển đối với đấng cứu nhân độ thế.

Thác Krông Kmar

Từ chót vót trên đỉnh Cư Yang Sin hùng vĩ (Đắk Lắk) - nơi được mệnh danh là nóc nhà Tây nguyên, dòng Krông Kmar mượt mà như mái tóc xuân thì của thiếu nữ tuôn đổ xuống chân núi, đánh thức những phiến đá say ngủ giấc ngàn năm để rồi reo vui thành ngọn thác mải miết cuộn trào giữa rừng xanh

Krông Kmar không hoành tráng như những ngọn thác khác của Đắk Lắk như Dray Sap, Dray Nur, Gia Long nhưng mang một nét đẹp hoang dã rất riêng bởi nép mình dưới dãy Cư Yang Sin vươn dài giữa những cánh rừng xanh thẳm, những ruộng lúa xanh rì của huyện Krông Bông.

Nét duyên riêng có của thác Krông Kmar có lẽ chính là những phiến đá hiền lành say ngủ giữa lòng thác. Và dòng nước chảy qua đầu phiến đá cũng vì thế mà dịu dàng, êm ả hơn, không quá mạnh mẽ như những dòng thác hùng vĩ khác của Đắk Lắk. Nét khác biệt nữa so với những dòng thác khác của Tây nguyên là Krông Kmar không bắt nguồn từ dòng Sêrêpôk chảy từ đông say tây, mà từ một dòng sông treo mình trên đỉnh núi.

Đã từng nhiều lần ngắm "nóc nhà Tây Nguyên" Cư Yang Sin từ phía những vườn cà phê trù phú của huyện Krông Ana, lần này chúng tôi mới vào được đến chân ngọn núi đầy huyền thoại và chạm vào "mái tóc" Krông Kmar chảy xuống từ đỉnh núi cao chót vót gần 2.500m.

Nhà máy thủy điện Krông Kmar do Tổng công ty Sông Đà đầu tư xây dựng có công suất 12.000KW, vốn đầu tư 250 tỉ đồng, hằng năm bổ sung cho lưới điện quốc gia khoảng 53 triệu kWh điện. Chưa từng được ngắm dòng thác khi chưa có công trình thủy điện, song những người chậm chân như tôi vẫn thích thú với nét đẹp thiên nhiên mà công trình thủy điện chưa chạm đến

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro