A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa - Phần 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

阿彌陀經疏鈔演義

Phần 1

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong

Tập 1

      Chư vị đồng tu! Hôm nay chúng tôi tuyên giảng bộ Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa lần thứ ba. Kể từ hôm nay, [Hoa Tạng] Đồ Thư Quán chính thức kiến lập Liên Trì Hải Hội. Chúng tôi đã từng giảng bộ [A Di Đà Kinh] Sớ Sao hai lần, [chứ đọc bộ sách này] thì đương nhiên càng đọc nhiều lần hơn. Đối với đức hạnh, sự tu học, sự giáo hóa của Liên Trì đại sư lão nhân gia, chúng ta đều cảm thấy bội phục năm vóc sát đất. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải học theo đại sư giống như Ngẫu Ích đại sư vậy. Ngẫu Ích đại sư là tư thục đệ tử của tổ Liên Trì, có nghĩa là sau khi Liên Trì đại sư đã vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, tổ Ngẫu Ích mới bắt đầu học Phật, ngưỡng mộ Liên Trì đại sư, lấy di giáo của Liên Trì đại sư làm phương châm tu học của chính mình. Cách thức này rất đáng cho chúng ta học theo. Hôm nay, kiến lập Liên Trì Hải Hội ở nơi đây, tôn Liên Trì đại sư làm thầy để nương theo, mọi người chúng ta là đồng học, là đồng tham bạn lữ. Chúng ta chiếu theo tác phẩm chú sớ này của đại sư để nghiêm túc giảng giải, học tập, tu hành, mong sao trong một đời này chẳng phụ bạc niềm kỳ vọng của tổ Liên Trì đối với chúng ta, mai sau ai nấy đều Thượng Phẩm Thượng Sanh, hoa nở thấy Phật thì hội này mới thật sự là một hội thù thắng. Những điều khác chúng tôi sẽ nói chút sơ lược vì phân lượng của bộ sách này khá dài, khi bước vào phần kinh văn, quý vị sẽ tự nhiên hiểu rõ.

      Bây giờ, xin quý vị mở quyển kinh ra. Chúng ta dùng bản in này gồm hai tập Thượng và Hạ. Tập Thượng là Sớ Sao, tập Hạ là phần chú giải Sớ Sao, tức cuốn [Sớ Sao] Diễn Nghĩa. Diễn Nghĩa là phần chú giải lời Sớ. Trước hết, chúng ta hãy xem tựa đề kinh.

      Phật thuyết A Di Đà Kinh Sớ Sao quyển đệ nhất.

      Minh Cổ Hàng Vân Thê Tự sa-môn Châu Hoằng thuật.

      說阿彌陀經疏鈔卷第一

古杭雲棲寺沙門袾宏述

      (Phật thuyết A Di Đà Kinh Sớ Sao, quyển thứ nhất,

      Đời Minh, sa-môn Châu Hoằng chùa Vân Thê đất Cổ Hàng soạn).

      Hai hàng này, hàng thứ nhất là “kinh đề” (tựa đề kinh), hàng thứ hai “nhân đề” (ghi tên người biên soạn), chữ “nhân” (人) này không phải là người dịch kinh mà là người chú giải.

      Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Định Bổn, quyển nhất.

      Vân Thê Cổ Đức pháp sư diễn nghĩa, môn nhân Từ Phàm, Trí Nguyện định bổn.

      陀經疏鈔演義定本卷一

棲古德法師演義,門人慈帆智願定本。

      (Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, bản hoàn chỉnh, quyển một.

      Pháp sư Cổ Đức chùa Vân Thê diễn nghĩa, học trò là Từ Phàm và Trí Nguyện chỉnh lý).

      Trước hết, chúng tôi nói đại lược cội nguồn [tác phẩm này] cho quý vị biết. Kinh này là do Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật giảng tại tinh xá Kỳ Viên ở nước Xá Vệ, tôn giả A Nan kết tập, chép thành Phạn bản. Sau khi kinh được truyền đến Trung Quốc, nguyên văn tiếng Phạn được dịch sang tiếng Hán bởi một vị pháp sư là Cưu Ma La Thập đại sư. Từ xưa đến nay, bộ kinh này có rất nhiều bản chú giải. Sau khi đọc đến phần văn bản chánh thức, chúng ta sẽ thảo luận [vấn đề này]. Cuốn Sớ Sao này do vị tổ sư đời thứ tám của Tịnh Độ Tông, sống vào đời Minh, là Liên Trì đại sư biên soạn. “Sớ” là giải thích kinh, chú giải kinh. Lời chú giải quá sâu, sợ người đời sau đọc không hiểu nên lại chú giải lời chú giải, đó là “Sao” (Sao là chú giải Sớ). Sớ và Sao đều do đại sư tự viết, Diễn Nghĩa là chú giải lời Sao vì lời Sao vẫn còn quá sâu. Học trò của Ngài (mà cũng là thị giả của Liên Trì đại sư) là pháp sư Cổ Đức, thân cận tổ Liên Trì nhiều năm. Sau khi tổ sư vãng sanh, những tác phẩm của Ngài được lưu truyền hậu thế, đều do pháp sư Cổ Đức chỉnh lý, khắc ván, lưu thông, đúng là đối với chúng ta có ân đức không chi lớn bằng. Càng khó có hơn nữa là do bản Sớ Sao này quá hay, Sư cũng sợ người đời sau khó thể thấu hiểu ý nghĩa chân thật của tổ sư nên đã dựa theo những lời giảng nghĩa của đại sư để ghi lại những điều tâm đắc trong khi chính Ngài theo hầu đại sư, soạn thành bộ Diễn Nghĩa nhằm giúp đỡ hàng hậu học chúng ta. Đấy là lai lịch của bộ Diễn Nghĩa.

      Cuốn [Diễn Nghĩa] này lưu thông rất ít. Có thể nói là không ai chẳng biết bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao, nhưng rất ít người biết đến Sớ Sao Diễn Nghĩa. Có rất nhiều pháp sư tu Tịnh Độ chưa hề thấy cuốn sách này. Có thể nói là tôi rất may mắn, lúc mới xuất gia đọc Vạn Tục Tạng, trong Vạn Tục Tạng có thâu nhập tác phẩm này. Vì vậy, lần đầu tiên tôi đọc Vạn Tục Tạng, tôi biết A Di Đà Kinh Sớ Sao có một bản chú giải rất hay là Diễn Nghĩa. Do vậy, khi giảng A Di Đà Kinh Sớ Sao lần thứ nhất, tôi dùng văn bản trong Vạn Tục Tạng, dùng bản Diễn Nghĩa trong tạng ấy. Lúc đó, chưa có bản in lưu hành riêng. Lần thứ hai, khi giảng bộ kinh này, tôi tìm được một bản in tại Hương Cảng. Đấy chính là cuốn Hạ trong cuốn sách quý vị đang xem. Bản này ngẫu nhiên tìm được tại Hương Cảng, khi trông thấy nó, tôi hết sức vui mừng. Tôi tìm được bản này từ Tàng Kinh Lâu của Đông Lâm Niệm Phật Đường. Tôi hỏi các pháp sư ở nơi ấy: “Quý vị có biết tác phẩm A Di Đà Kinh Sớ Sao của Liên Trì đại sư hay không?” Họ nói: “Biết chứ”. Tôi nói: “Sớ Sao còn có một bản chú giải, quý vị có biết hay không?” Họ thưa: “Chưa từng nghe nói ạ!” Tôi chỉ vào kệ đựng sách, bảo: “Ở đây nè, quý vị lấy ra đi”. Bọn họ đem sách ra, mới biết nó đã nằm trên kệ sách bao nhiêu năm rồi mà chẳng ai biết cả. Tôi nói: “Được rồi! Để tôi mang cuốn sách này về Đài Loan ấn hành, lưu thông”. Sau khi quay về bèn in tác phẩm này, in gộp chung cuốn Thượng và cuốn Hạ, tạo thành bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa, bản này được lưu thông lần đầu tiên tại Đài Loan, trong quá khứ chưa có ai in cả. Mở hai tác phẩm này ra để đọc và đối chiếu cảm thấy chẳng thuận tiện cho lắm; hiện thời chúng tôi muốn in A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, tức là chiếu theo từng đoạn mà gộp chung [phần Sớ Sao và phần Diễn Nghĩa] lại, nhằm tạo thành một bản sẽ chẳng cần phải lật qua, giở lại. Hiện giờ chúng tôi đang làm chuyện này, sau khi làm xong sẽ hết sức có ý nghĩa, sẽ có ích rất lớn cho những người niệm Phật tu học Tịnh Độ.

      Bộ kinh này được in theo lối đóng gáy bằng chỉ, chia thành bốn cuốn[1], bản chúng ta đang dùng là Hợp Đính Bản (bản in gộp chung nhiều tác phẩm). Cuốn thứ nhất hoàn toàn là phần Huyền Nghĩa, hết sức trọng yếu, chúng ta phải khảo cứu, nghiên cứu tác phẩm này. Quý vị xem cuốn Hạ, mở đầu là:

      (Diễn) Đề nghĩa.

(題義

      (Diễn[2]: Ý nghĩa tựa đề sách)

      Đây là phần giải thích tựa đề.

      (Diễn) Khai quyển.

(開卷。

(Diễn: Quyển mở đầu).

“Khai quyển” ở đây có nghĩa là cuốn mở đầu của Quyển Thượng, vì [Diễn Nghĩa] là phần chú giải quyển Thượng.

(Diễn) Phật thuyết đẳng bát tự thị pháp đề.

(佛說等八字是法題。

(Diễn: Tám chữ “Phật thuyết....” là tựa đề của Pháp Bảo).

“Pháp” là Pháp Bảo, tựa đề của kinh điển là tám chữ “Phật Thuyết A Di Đà Kinh Sớ Sao”.

(Diễn) Hậu học đẳng thập nhị tự thị nhân đề.

(後學等十二字是人題。

(Diễn: Mười hai chữ “hậu học...” là phần nói về người biên soạn).

Hai chữ “hậu học” không thấy trong bản chúng ta đang dùng hiện thời, vì đã được thay bằng chữ Minh (đời Minh). Đây là bản in dựa theo bản khắc ván của Kim Lăng Khắc Kinh Xứ. Vào đời Thanh, hai chữ “hậu học” được đổi thành chữ Minh, vì Liên Trì đại sư là người đời Minh. Thuở ấy, Ngài không dùng chữ này. Ngài tự ghi tựa đề là “hậu học Cổ Hàng Vân Thê Tự sa-môn Châu Hoằng thuật”, vốn ghi như vậy. Vì thế, trong bút ký của pháp sư Cổ Đức vẫn dùng chữ giống như trong nguyên bản. Hiện thời hai chữ “hậu học” đổi thành chữ Minh, đổi thành

tên triều đại. Đây là “nhân đề”.

(Diễn) Pháp đề hạ, tự tế thích.

(法題下,自細釋。

(Diễn: Dưới phần pháp đề, sẽ có phần giải thích chi tiết).

Dưới đó là lời giải thích ý nghĩa tựa đề của bản Sớ Sao này.

(Diễn) Kim nhập văn chi tiên, lý ưng lược trần tổng nhất. Đề trung ước hữu tứ đối.

(今入文之先,理應略陳總一。題中約有四對。

(Diễn: Nay trước khi bước vào phần kinh văn, theo đúng lý, phải trình bày đại lược tổng quát. Trong đề mục, đại lược có bốn cặp [ý nghĩa]).

Đây cũng là nói đại khái.

(Diễn) Nhất, thông biệt nhất đối. Thông tắc “kinh” chi nhất tự, biệt tắc “Phật thuyết” đẳng ngũ tự.

(一、通別一對。通則經之一字,別則佛說等五字。

(Diễn: Cặp thứ nhất là thông đề và biệt đề. Thông đề là một chữ “kinh”. Biệt đề là năm chữ “Phật Thuyết A Di Đà”).

Đây là nói về tựa đề kinh gồm sáu chữ “Phật Thuyết A Di Đà Kinh”. Chữ “Kinh” là Thông Đề (tựa đề chung của tất cả các bản kinh Phật), phàm những lời Phật dạy đều gọi là Kinh. “Phật Thuyết A Di Đà” là Biệt Đề (tựa đề riêng), phần này mỗi bộ kinh mỗi khác, nhằm chuyên chỉ bộ kinh này.

(Diễn) Nhị, Năng Sở nhất đối. Năng thị năng thuyên, tức Kinh chi nhất tự. Sở tức sở thuyên, tức thượng ngũ tự.

(二、能所一對。能是能詮,即經之一字;所即所詮,即上五字。

(Diễn: Cặp thứ hai là Năng và Sở. Năng là năng thuyên (chủ thể giảng giải), tức là một chữ Kinh. Sở là sở thuyên (pháp được giảng giải bởi kinh này), chính là năm chữ trước đó).

“Năng thuyên” là chữ “Kinh”. “Sở thuyên” là “Phật Thuyết A Di Đà”. Thông Đề là Năng Thuyên, Biệt Đề là Sở Thuyên.

(Diễn) Tam, giáo lý nhất đối. Phật thuyết kinh thị giáo, A Di Đà tức thị lý.

(三、教理一對。佛說經是教,阿彌陀即是理。

(Diễn: Cặp thứ ba là giáo và lý. Phật nói kinh là giáo, A Di Đà là lý).

Lý là gì? Trong phần sau sẽ đề cập, ở đây không cần phải nói nhiều.

(Diễn) Tứ, nhân pháp nhất đối. Phật Thuyết tức thị nhân, A Di Đà tức thị pháp.

(四、人法一對。佛說即是人,阿彌陀即是法。

(Diễn: Cặp thứ tư là nhân và pháp.“Phật Thuyết” chính là nhân, A Di Đà chính là pháp).

“Phật” là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. “A Di Đà” cũng là Nhân, mà cũng có thể coi là Pháp, vì ý nghĩa của từ ngữ “A Di Đà” là pháp. Đây cũng là danh hiệu của đức giáo chủ cõi Tây Phương, Ngài lấy pháp này làm danh hiệu của chính mình. Chúng ta thường nói tựa đề “A Di Đà Kinh” chỉ dùng Nhân để đặt tên, nhưng Liên Trì đại sư giảng rõ trong tựa đề kinh vừa có Nhân vừa có Pháp. Trong phần sau, sẽ giảng cặn kẽ, mỗi chữ đều được giải thích.

      (Diễn) Thủ, Phật tự.

     (首佛字。

      (Diễn: Trước hết là chữ Phật).

      Tựa đề kinh là “Phật Thuyết A Di Đà Kinh Sớ Sao”. “Phật” là chữ thứ nhất.

      (Diễn) Tức Thích Ca Mâu Ni Phật.

(即釋迦牟尼佛。

      (Diễn: Chính là Thích Ca Mâu Ni Phật).

      [Chữ Phật thứ nhất trong tựa đề kinh] chỉ đức Bổn Sư của chúng ta. Những ý nghĩa được giảng tiếp theo đây hết sức quan trọng, mong mọi người hãy đặc biệt chú ý,  đừng nên giống như đang nghe kể chuyện xưa tích cũ.

      (Diễn) Tùng Đâu Suất giáng sanh vương cung, vi Tất Đạt thái tử.

      (從兜率降生王宮,為悉達太子。

      (Diễn: Từ trời Đâu Suất giáng sanh cung vua, làm thái tử Tất Đạt).

      Đức Phật thị hiện tất nhiên trước hết dùng thân phận Bổ Xứ Bồ Tát, tức là Hậu Bổ Phật, dùng thân phận này để xuất hiện. Hậu Bổ Phật trụ ở nơi nào vậy? Trụ trong tầng trời thứ tư của Dục Giới, tức nội viện của Đâu Suất Thiên. Đâu Suất (Tushita) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tri Túc (biết đủ). Quý vị hãy suy nghĩ ý nghĩa này, Tri Túc! Tri túc ắt thường lạc, không có một pháp nào chẳng ban cho chúng ta sự khải thị rất lớn. Nội viện là chỗ Bồ Tát ở. Do vậy, Đâu Suất Thiên là Phàm Thánh Đồng Cư Độ trong thế giới Sa Bà. Trong thế giới Sa Bà, trong hai mươi tám tầng trời thuộc tam giới và ngay trên địa cầu, có tất cả ba nơi là Phàm Thánh Đồng Cư Độ:

1. Chúng ta thuộc nhân gian, Phàm Thánh Đồng Cư độ ở ngay trên địa cầu. Bồ Tát, La Hán cũng sống trên địa cầu, nhưng chúng ta mắt thịt không trông thấy họ.

2. Tầng trời thứ tư của Dục Giới là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, gồm nội viện và ngoại viện. Ngoại viện là phàm phu thiên, nội viện là thánh nhân. Tuy là Phàm Thánh Đồng Cư, nhưng chư thiên Đâu Suất không trông thấy nội viện. Những vị Bồ Tát thuộc nội viện cũng không qua lại với chư thiên trời Đâu Suất, tình hình giống như trong nhân gian của chúng ta.

3. Ngũ Bất Hoàn Thiên thuộc tầng trời thứ tư của Thiền Thiên, cũng là chỗ ở của thánh nhân.

Ba nơi này đều là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Tịnh Độ, chỗ ở của hàng Đẳng Giác Bồ Tát, là nơi tuyệt diệu nhất. Cõi Phàm Thánh Đồng Cư nơi họ ở chính là Tịnh Độ, chẳng phải là uế độ, tự tại biết bao nhiêu! Họ có thể bỏ sự tự tại, bỏ sự thụ dụng của chính mình để giáng sanh trong nhân gian. Nhân gian là đời ác ngũ trược. Dẫu giáng sanh trong cung vua nơi nhân gian, vẫn là đời ác ngũ trược. Nhìn theo quan điểm của phàm phu chúng ta mà nói thì họ hy sinh quá lớn. Giống như đang ở trong cung vua, nay bị đem tống giam trong ngục, hy sinh quá lớn. Vì sao vậy? Bỏ mình vì người khác, nhằm cứu độ những chúng sanh khổ nạn, họ có thể bỏ sự thụ dụng, sự hưởng thụ của chính mình để sanh vào nhân gian. Điều này ban cho chúng ta một sự khải thị rất  lớn  nhằm  dạy chúng ta phải học theo.

      Phật pháp là thật sự thực hiện hết sức triệt để, làm cho chúng ta thấy. Sách Lễ Ký có câu “An an nhi năng thiên” (ở yên nơi yên ổn, mà nếu cần thì vẫn có thể dời đi) chính là nói về ý nghĩa này. Hai chữ An này có nghĩa là thân cũng an mà tâm cũng an. Thân lẫn tâm đều an ổn, rất tự tại. Họ có thể buông bỏ, vì sao có thể buông bỏ? Vì độ chúng sanh. Ta vì muốn phục vụ chúng sanh, vì muốn cứu độ hết thảy chúng sanh, bèn buông bỏ hoàn cảnh yên vui, thỏa thích, phục vụ đại chúng không sợ khổ sở, khó khăn. Đấy mới là bậc vĩ nhân, đáng gọi là đại nhân vật. Trong Phật pháp, [những người ấy được] gọi là bậc đại anh hùng. Điện Phật gọi là Đại Hùng Bảo Điện chính là vì ý nghĩa này. Họ có thể hứng chịu những nỗi khổ người khác chẳng thể chịu đựng được, có thể nhẫn chịu những khổ nạn người khác chẳng thể nhẫn chịu được. Nếu làm được những điều người khác chẳng thể làm được thì là đại nhân vật. Do vậy, đối với những chỗ này, chúng ta chớ nên coi thường đọc lướt qua. Nhà Nho gọi đó là “an an nhi năng thiên”.

      Sanh trong vương cung là phương tiện để dạy học, ý nghĩa rất sâu. Do vậy, Phật xuất hiện trong nhân gian đều mang thân phận Thái Tử. Người thế gian cầu mong điều gì? Phú quý, vinh hoa, tiếng tăm, lợi dưỡng. Ngài vừa sanh ra đều đạt được những điều ấy, sanh ra dưới thân phận Thái Tử. Khi phụ vương qua đời, Ngài sẽ là quốc vương. Trong thế gian thường nói “quý vi Thiên Tử, phú hữu tứ hải” (sang quý như Thiên Tử, giàu khắp bốn biển). Trong nhân gian, đạt phú quý đến cực điểm, nhưng Ngài tu hành, đến [thế gian này] để hoằng pháp lợi sanh, chứ không nhằm cầu vinh hoa, phú quý, mà để dạy chúng ta bỏ vinh hoa, phú quý. Có thể bỏ được!

      (Diễn) Xuất gia khổ hạnh lục niên, thành Đẳng Chánh Giác giả.

      (出家苦行六年,成等正覺者。

(Diễn: Xuất gia khổ hạnh sáu năm, thành Đẳng Chánh Giác).

      Thuở ấy, tại Ấn Độ có hết sức nhiều tôn giáo, tức là chín mươi sáu thứ ngoại đạo. Phần lớn những kẻ ngoại đạo ấy đều xuất gia tu hành, tu tịnh hạnh. Họ tu khổ hạnh phần lớn là ba năm, mỗi người xuất gia nhất định phải tu khổ hạnh ba năm. Đức Phật thị hiện, “quý vị tu ba năm, tôi tu sáu năm”. Thời gian dài hơn các tôn giáo khác, chịu khổ nhiều hơn các nhà tôn giáo khác. Do vậy, sau này, đức Phật đi hoằng pháp, có thể hàng phục ngoại đạo, ngoại đạo không có cách gì cãi được. Những kinh luận của ngoại đạo đọc, đức Phật đều đã đọc qua. Những hạnh môn ngoại đạo đã tu, đức Phật đều đã từng tu. Sau đấy, đức Phật mới kết luận: “Những thứ các ông tu học đều chẳng phải là rốt ráo!” Đức Phật có thể nói như vậy vì Ngài đã từng trải. Nếu chưa từng trải qua, ngoại đạo sẽ coi thường, không có cách nào nhiếp thọ họ được! “Ta có những thứ các ông chưa từng học, chưa từng thấy, các ông có biết hay chăng?” Kinh điển của chín mươi sáu phái ngoại đạo, đức Phật đều đã từng đọc, từng tu. Do cảnh giới rốt ráo tối cao của ngoại đạo đức Phật đều hiểu rõ nên có thể nhiếp thọ và hàng phục ngoại đạo. Bao nhiêu ngoại đạo theo đức Phật xuất gia tu hành, đạo lý là ở chỗ này. Quý vị hãy nghĩ xem, đức Phật dụng tâm khổ sở, thật sự từ bi đến cùng cực. Chúng ta hãy nên bắt chước điều này, phải học tập. Ngày nay chúng ta chẳng thể thành tựu, nguyên nhân là do chưa buông xuống, sợ phải chịu khổ. Hãy so sánh giữa chúng ta và Thích Ca Mâu Ni Phật, thân phận của Ngài ra sao? Thân phận của chúng ta như thế nào? Vinh hoa phú quý bậc nhất trong thế gian Phật còn bỏ được, vào Tuyết Sơn chịu đựng khổ sở ngần ấy, Ngài có thể làm được. Vì sao chúng ta không thể làm được? Ngài có thể thành tựu, vì sao chúng ta không thể thành tựu? Suy nghĩ sẽ hiểu ngay. Mấy hàng chữ này nói rõ sự thị hiện của đức Phật, đấy là thân giáo (sự giáo hóa bằng hành động trực tiếp), dụng ý hết sức sâu đậm.

      “Thành Đẳng Chánh Giác giả”: Phải đặc biệt chú ý mấy chữ này, không nói là “thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Người thành Đẳng Chánh Giác là Bồ Tát, tức là thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác. Bởi lẽ, đức Thế Tôn thị hiện thành Tạng Giáo Phật (quả vị Phật thuộc Tạng Giáo) trong tứ giáo. Tạng Giáo Phật là Chánh Đẳng Chánh Giác. Chỉ có quả vị Phật trong Viên Giáo mới có thể gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chỉ có một, còn đối với Đẳng Chánh Giác Phật thì Biệt Giáo Phật, Thông Giáo Phật, Tạng Giáo Phật đều gọi là Đẳng Chánh Giác, đều là những vị Phật mà kinh luận thường nói là “tu ba đại A-tăng-kỳ kiếp mới thành”. Thật ra, Thích Ca Mâu Ni Phật đã thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác từ lâu. Ở đây là thị hiện, bởi lẽ, ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo là Liệt Ứng Thân. Đấy là Đẳng Chánh Giác. Nếu thị hiện Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì như trong bài kệ tán Phật có câu “bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di, cám mục trừng thanh tứ đại hải”, thân tướng Phật ấy [theo như Quán Kinh đã dạy] là “Phật có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng hảo”, mắt thịt của phàm phu sẽ chẳng thể thấy được đức Phật thị hiện trước chúng ta,  quá  lớn mà!  Hiểu  rõ  điều

này sẽ chẳng thể nào coi thường, nhìn lướt qua mặt chữ!

      (Diễn) Nhược thích kỳ nghĩa.

(若釋其義。

      (Diễn: Nếu giải thích ý nghĩa của chữ ấy)

      Nếu chúng ta giải thích những ý nghĩa bao hàm trong chữ Phật.

      (Diễn) Tắc Phật tự thị Phạn ngữ.

      (則佛字是梵語。

      (Diễn: Thì chữ Phật là tiếng Phạn).

      Phật là gọi tắt của chữ Phật Đà (Buddha).

      (Diễn) Thử phiên Giác Giả.

      (此翻覺者。

      (Diễn: Cõi này dịch là đấng giác ngộ).

      “Thử” (cõi này) là Trung Quốc. Trong văn tự Trung Quốc, ý nghĩa của chữ Phật là “Giác Giả”. Tiếp đó, lại giải thích thêm như sau:

      (Diễn) Vị giác liễu Tánh Tướng chi giả.

      (謂覺了性相之者。

      (Diễn: Có nghĩa là bậc giác ngộ trọn vẹn Tánh và Tướng).

      Nói theo thuật ngữ triết học hiện đại thì Tánh là bản thể của muôn vật trong vũ trụ, Tướng là hiện tượng của muôn vật trong vũ trụ. Trong Phật pháp gọi Tánh là Pháp Tánh, hoặc Chân Như bổn tánh, gọi Tướng là Pháp Tướng, tức là những thứ y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Nói cách khác, đối với bản thể, hiện tượng, đương nhiên kể cả tác dụng của toàn bộ vũ trụ, nhân sinh, đức Phật đều thấu hiểu triệt để, không có một pháp nào Ngài chẳng hiểu rõ; vì thế gọi là Phật.

      (Diễn) Cụ hữu tam nghĩa. Nhất, tự giác, giác tri tự tâm bổn vô sanh diệt.

      (具有三義。一、自覺,覺知自心本無生滅。

      (Diễn: Gồm có ba nghĩa.  Một là tự giác,  hiểu biết tự tâm vốn chẳng

sanh diệt).

      “Tự giác”: Hiện thời chúng ta tự mình mê hoặc, tự giác là giác ngộ bản thân. Nói cách khác, [tự giác] là nhận thức chính mình. Hiện thời chúng ta chẳng hiểu rõ chính mình, tự mê. Đã hiểu rõ chính mình thì gọi là “tự giác”. Tự giác đạt đến mức viên mãn nhất, rốt ráo nhất chính là thấu hiểu tự tâm. Toàn bộ sự tu học trong Phật pháp bao gồm trong hai chữ “tự tâm”. Nhà Thiền nói: “Nhược nhân thức đắc tâm, đại địa vô thốn thổ” (Nếu ai hiểu được tâm, đại địa không tấc đất). Tu học Phật pháp là phải tu học tự tâm. “Tự tâm vốn chẳng sanh diệt”: Nhìn từ câu này, chúng ta thật sự đang mê. Suốt ngày từ sáng đến tối, chúng ta nghĩ đến sanh lão bệnh tử, có sanh diệt, chẳng biết chính mình thật sự là bất sanh, bất diệt. Khi nào quý vị chứng được bất sanh bất diệt, quý vị sẽ thành Phật. Nói cách khác, quý vị chẳng tự mê. Quý vị còn cảm thấy mình có sanh, có diệt, thì vẫn đang mê mất chính mình. Cảnh giới ấy hết sức cao, phải như thế nào mới có thể giác ngộ chính mình chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng đến, chẳng đi? Quý vị hãy nên nghiên cứu kỹ lưỡng bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa này. Chúng tôi hạn định ba năm; nếu quý vị tích cực tu học, sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi ấy. Không chỉ tìm được câu trả lời mà người có trình độ từ bậc trung trở lên sẽ có thể chứng đắc. Sự chứng đắc ấy chính là liễu sanh tử, vượt thoát tam giới, sẽ có phần trong Liên Trì Hải Hội. Hiện thời, ở nơi đây, chúng tôi cũng có lập ra chứng thư thân phận Liên Trì Hải Hội, mong quý vị hãy tới nhận lấy, thật sự phát tâm, mọi người cùng nhau tu học. Chúng ta dùng thời gian ba năm để cầu đạt được kết quả ấy.

      (Diễn) Nhị, giác tha, giác nhất thiết pháp vô bất thị như.

      (二、覺他,覺一切法無不是如。

      (Diễn: Hai là giác tha, nhận biết hết thảy pháp không gì chẳng phải là Như).

      Chữ “tha” chỉ cảnh giới. Ngoài thân mình ra đều gọi là Tha. Quý vị phải nhớ kỹ, ngoài thân mình ra, chứ không nói là “ngoài tự tâm”, vì cái Tha ấy vẫn được bao gồm trong tự tâm. Chỉ có thể nói đến Thân, ngoài thân mình ra là Tha. Do vậy, trong phần sau mới nói “Tự, Tha bất nhị”, [Tự và Tha] đều do cùng một tâm biến hiện. “Giác Tha, giác nhất thiết pháp vô bất thị Như”: Thật ra, chữ Như có ý nghĩa vô cùng tận, chẳng thể nghĩ bàn. Câu thứ nhất mở đầu kinh văn là “như thị ngã văn”, chữ Như ở đây (tức chữ Như dùng trong lời diễn nghĩa) chính là chữ Như trong “như thị ngã văn” đầu mỗi bản kinh. “Giác nhất thiết pháp vô bất thị Như”: Nếu chúng ta nói cách khác, sử dụng thuật ngữ của Thiền Tông, sẽ là “vô hữu nhất pháp bất thị Tánh” (chẳng có một pháp nào không phải là Tánh). Nhà Thiền nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Ý nghĩa của chữ Như là “Tướng vừa được nói như thế ấy thì Tướng giống như Tánh, Tánh giống như Tướng”. Cổ đại đức thường dùng tỷ dụ để giảng rõ đạo lý này, các Ngài nói: “Dĩ kim tác khí, khí khí giai kim” (Dùng vàng để làm thành đồ vật, món nào cũng đều là vàng). Đem vàng ví với Tánh, đem đồ vật ví với Tướng. Tướng có phải là vàng hay chăng? Tướng là vàng, vàng là Tướng. Ý nghĩa này được nói rất rõ ràng, chúng ta nghe xong cũng hiểu rất rõ, nhưng mà như thế nào? Chúng ta chẳng thể hợp Tánh và Tướng lại được. Chúng ta chấp trước Tướng, chẳng thấy Tánh. Khi nào quý vị có thể thấy được Tánh trong hết thảy Tướng được biến hiện, quý vị sẽ thấy được Như.

      Thiên Thai đại sư đã đạt cảnh giới ấy. Ngài giảng kinh Pháp Hoa, giảng đến phần Thập Như Thị bèn mở rộng Thập Như Thị thành Bách Giới Thiên Như, không một pháp nào chẳng Như, không một pháp nào chẳng phải là Thị, Ngài nhập cảnh giới ấy. Tuy nhập cảnh giới ấy, lão nhân gia rất khiêm hư, rất khách sáo, chẳng thừa nhận. Khi Ngài vãng sanh, học trò hỏi Ngài: “Lão nhân gia vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, rốt ráo thuộc phẩm vị nào?” Ngài bảo mọi người: “Ngũ Phẩm vị”. Địa vị Ngũ Phẩm chưa kiến tánh, nhưng Ngài chú giải kinh Pháp Hoa, quý vị đọc bộ Pháp Hoa Kinh Văn Cú sẽ thấy [người thuộc] địa vị Ngũ Phẩm chẳng thể giảng như vậy được. Đại sư quá khiêm hư. Vì sao khiêm hư? Ngài có lý riêng, đại từ đại bi mà! Nếu Ngài đem cảnh giới của chính mình là “minh tâm kiến tánh, Lý nhất tâm bất loạn, thượng phẩm thượng sanh” nói ra thì chúng ta nghe xong, thấy Ngài rốt cuộc là bậc tổ sư một thuở, chúng ta chẳng có phần, chúng ta làm không được, chỉ đành ngưỡng mộ mà thôi! Ngài nói Ngài thuộc địa vị Ngũ Phẩm vãng sanh thì “điều này được đấy, ta cũng có thể làm được”, cổ vũ, khích lệ chúng ta rất lớn. Địa vị Ngũ Phẩm đã có thể vãng sanh thì chúng ta ai nấy đều có thể vãng sanh. Không phải ai trong chúng ta cũng có thể minh tâm kiến tánh, nhưng địa vị Ngũ Phẩm thì mỗi người chúng ta đều có thể làm được. Từ chỗ này, chúng ta cảm nhận đại ân đại đức của Phật, Bồ Tát, tổ sư đối với chúng ta, thời thời khắc khắc niệm niệm thị hiện, ngôn từ trong câu nói nào cũng nhằm nhiếp thọ hết thảy chúng sanh, đều là Tăng Thượng Duyên đắc độ cho hết thảy chúng sanh,  mà cũng là Tăng Thượng Duyên vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đấy là ý nghĩa Giác Tha.

      (Diễn) Tam, giác mãn, nhị giác lý viên xưng chi vi Mãn.

   (三、覺滿,二覺理圓稱之為滿。

      (Diễn: Ba là giác mãn. Lý của hai thứ giác đều viên mãn thì gọi là Mãn).

      “Nhị giác” là Tự Giác và Giác Tha. Tự Giác lẫn Giác Tha đều viên mãn thì gọi là Giác Mãn. Giác Mãn cũng có mức độ khác nhau. Ví như quả vị Phật trong Tứ Giáo đều gọi là Giác Mãn; [quả vị Phật trong] Tạng Giáo, Thông Giáo, Biệt Giáo tuy gọi là Giác Mãn, nhưng hoàn toàn chẳng phải là thật sự viên mãn. Chỉ có quả vị Phật trong Viên Giáo mới là thật sự viên mãn. Đối với ba ý nghĩa này, có thể nói là rất nhiều kinh luận đều nói theo cách này.

      (Diễn) Nhược chuẩn Khởi Tín, diệc chương tam nghĩa.

      (若準起信亦彰三義。

      (Diễn: Nếu dựa theo Đại Thừa Khởi Tín Luận thì luận ấy cũng nêu ra ba ý nghĩa [của chữ Phật]).

      “Chuẩn” là chuẩn tắc (準則: tiêu chuẩn, chừng mực). Nếu lấy Khởi Tín Luận làm tiêu chuẩn, tức là nói theo Khởi Tín Luận thì luận ấy cũng giảng rõ chữ Phật có ba ý nghĩa, tức là ba thứ Giác. Khởi Tín Luận giảng ý nghĩa thứ nhất như sau:

      (Diễn) Nhất, Thỉ Giác, tức Năng Chứng Trí.

      (一、始覺,即能證智。

      (Diễn: Một là Thỉ Giác, tức trí có khả năng chứng biết).

      “Thỉ” (始) là bắt đầu. Các vị đồng tu tham dự buổi giảng hôm nay, dường như đối với Tam Giác được giảng trong Khởi Tín Luận, chúng ta đều có Tương Tự Thỉ Giác. Nếu không có Thỉ Giác thì hôm nay quý vị không thể đến đây tham dự pháp hội này. Quý vị chịu phát tâm đến tham gia pháp hội này, tức là quý vị bắt đầu giác ngộ. Vì sao Thỉ Giác của chúng ta là Tương Tự Thỉ Giác, chứ không phải là Thỉ Giác thật sự? Tương Tự Thỉ Giác vẫn là Thỉ Giác chân thật, chẳng phải là giả, chẳng qua là thời gian rất ngắn ngủi, tạm bợ, niệm này vừa giác, niệm kế tiếp lại mê. Nói cách khác, trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, thời gian giác thì ít, thời gian mê lại nhiều. Giác chưa chống nổi mê, vẫn bị mê vọng lôi đi. Đấy là Tương Tự Thỉ Giác. Nếu là Thỉ Giác thật sự thì sau khi chứng đắc sẽ vĩnh viễn không lùi. Nói cách khác, sức giác ngộ của quý vị có thể chống cự được mê. Nhưng dù giác trong khoảng sát-na, như thường nói là “hỏa thạch, điện quang” (lửa xẹt do đập vào đá, ánh sáng của tia chớp) cũng hết sức khó có, hết sức quý báu, chúng ta phải trân quý. Bởi lẽ, nếu chúng ta có quang minh trong sát-na ấy thì sẽ có sát-na thứ hai, có sát-na thứ hai sẽ có sát-na thứ ba, hy vọng quang minh sẽ ngày càng tăng trưởng, đừng giảm bớt. Từ Thỉ Giác sẽ dần dần biến thành Bổn Giác. Có mở đầu thì hy vọng sẽ có thể dần dần khế nhập. Thỉ Giác là Năng Chứng, Bổn Giác là Sở Chứng.

      (Diễn) Nhị, Bổn Giác, tức Sở Chứng Lý.

      (二、本覺,即所證理。

      (Diễn: Hai là Bổn Giác, tức là Lý được chứng bởi [Thỉ Giác]).

      Bổn Giác là Lý được chứng. Bổn Giác là trí huệ Bát Nhã chúng ta sẵn có. Nói cách khác, ai nấy đều có Bổn Giác, Bổn Giác bị mê, biến thành Bất Giác. Phàm phu bất giác. Do chúng ta có Bổn Giác, Bổn Giác là Phật, cho nên kinh Hoa Nghiêm, kinh Viên Giác đã khai thị rõ ràng “nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật” (hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật). Vì sao vốn đã thành Phật? Vì hết thảy chúng sanh ai nấy đều sẵn có Bổn Giác viên mãn, đương nhiên là Phật. Nhưng trong hiện tại, chúng ta là những vị Phật điên đảo, mê hoặc, còn Phật là một vị Phật tự tại giác ngộ, thụ dụng khác nhau. Đức Phật thấy chúng ta mê hoặc, điên đảo, bèn dùng các thứ phương tiện khuyên dụ, hướng dẫn, khơi gợi, mong cho chúng ta hoát nhiên giác ngộ, khôi phục Bổn Giác. Đấy là “Phật độ chúng sanh”; nhưng chúng ta phải tự mình khôi phục, dựa vào sức Phật khuyên dụ, hướng dẫn, còn thật sự giác ngộ phải do chính mình. Chính mình một mực chẳng giác, chỉ ỷ vào sự khuyên dụ, hướng dẫn của Phật sẽ chẳng thể thành công. Vì vậy, chính mình nhất định phải giác ngộ. Nếu quý vị giác ngộ, sẽ chú ý thấy Phật, Bồ Tát ở bất cứ nơi đâu, mỗi một cử chỉ, mỗi một hành động, mỗi một lời nói, mỗi một hành vi, đều nhằm khơi gợi, phát khởi cho chúng ta. Tôi vừa mới nói đó, Phật Thích Ca từ trời Đâu Suất giáng sanh trong vương cung, thị hiện xuất gia khổ hạnh sáu năm, cho đến thuyết pháp lợi sanh, đều nhằm nêu gương cho chúng ta, mong mỏi chúng ta sẽ tự mình có thể đại triệt đại ngộ. Chúng ta thấy được ý nghĩa này thì đó là Thỉ Giác, sẽ ngầm hợp  với  tác  dụng  của  Lý Thể trong Bổn Giác.

      (Diễn) Tam, Cứu Cánh Giác, tức Trí dữ Lý minh, Thỉ Bổn bất nhị.

      (三、究竟覺,即智與理冥,始本不二。

      (Diễn: Ba là Cứu Cánh Giác, tức Trí ngầm hợp Lý, Thỉ và Bổn chẳng hai).

      Năng Chứng Trí và Sở Chứng Lý là một, chẳng phải hai. Đấy là Cứu Cánh Giác, là thành Phật. Nói “thành Phật” chính là thành tựu Cứu Cánh Giác, thật sự giác ngộ. Hiện thời, chúng ta chẳng vào được cửa, vấn đề ở đâu? Chúng ta chưa thể thống nhất [Trí và Lý], Năng Chứng Trí và Sở Chứng Lý vẫn là hai, chưa phải là một. Năng và Sở là hai, chưa phải là một! Hễ là hai sẽ chẳng vào được cửa. Ở đây, quý vị phải đặc biệt chú ý chỗ này. Trong Đàn Kinh, pháp sư Ấn Tông cũng là một vị pháp sư lỗi lạc. Ngài là một vị pháp sư giảng kinh, khi gặp Lục Tổ, từng thỉnh giáo Lục Tổ về tông chỉ của tổ Hoàng Mai. Sau khi Tổ đã nói, Sư lại nêu câu hỏi: “Ngài Hoàng Mai có nhắc tới giải thoát và Thiền Định hay không?” Ngay khi ấy, Lục Tổ cũng nhắc nhở Sư: “Thiền Định, giải thoát chẳng phải là Phật pháp”. Quý vị nghe như vậy, cảm thấy rất lạ lùng! Trong đại kinh, đại luận suốt ngày từ sáng đến tối nói về Thiền Định, giải thoát, cớ sao Thiền Định, giải thoát lại chẳng phải là Phật pháp? Dụng ý của Tổ nằm trong câu tiếp theo: “Thiền Định, giải thoát là hai pháp, hai pháp chẳng phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp Bất Nhị”. Nói cách khác, Năng Chứng Trí và Sở Chứng Lý nếu là hai pháp sẽ chẳng phải là Phật pháp. Lý và Trí hệt như nhau, Lý và Trí chẳng hai thì đó là Phật pháp. Phật pháp là giác pháp, chứ không phải là mê pháp.

      Hiện thời, có thể nói là từ sáng đến tối, ngay cả trong khi ngủ, chúng ta không thật thà, vẫn còn nằm mộng. Khi tỉnh và khi mộng tức là hai pháp, có khi nào quý vị gộp chúng thành một hay chưa? Khi nào quý vị thật sự trụ trong pháp môn Bất Nhị sẽ vào được cửa. Khi nào quý vị nhập pháp môn Bất Nhị, quý vị sẽ là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo thuộc địa vị Kiến Đạo trong pháp Đại Thừa, từ ngày hôm ấy quý vị bắt đầu thấy được Đạo, thấy đạo gì vậy? Thấy vạn pháp đều là Như, thấy Tánh và Tướng không hai. Nếu áp dụng điều này vào niệm Phật, thì thưa quý vị, quý vị bắt đầu chứng Lý nhất tâm bất loạn, quý vị vãng sanh Thật Báo Trang Nghiêm Độ trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, Thượng Phẩm Thượng Sanh, hoa nở thấy Phật. Chúng tôi hết sức ân cần, tha thiết mong quý vị đồng tu hãy khéo lợi dụng thời gian ba năm để đạt đến mục tiêu này, chẳng riêng gì Phật Thích Ca, Phật Di Đà ân cần tha thiết mong mỏi như vậy, mà mười phương ba đời hết thảy chư Phật không một vị nào chẳng mong mỏi chúng ta làm được như vậy. Nếu chúng ta thật sự làm được, sẽ là thật sự báo ân Phật, mới thật sự là kẻ báo ân vậy.

      (Diễn) Kim kinh sở vân Phật giả, nãi thị tam giác câu viên, Thích Ca Thế Tôn dã.

      (今經所云佛者,乃是三覺俱圓,釋迦世尊也。

      (Diễn: Đức Phật được nói trong kinh này chính là Thích Ca Thế Tôn ba thứ giác đều trọn đủ).

      Mấy câu này có ý nghĩa khác với mấy câu phía trên. Trong phần trước, nói Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành quả vị Phật trong Tạng Giáo, vì sao vậy? Vì [sách Diễn Nghĩa ghi]: “Thành Chánh Đẳng Giác”. Đấy là nói theo mặt Tích, còn câu này giảng theo mặt Bổn. Nói theo Bổn thì Thích Ca Mâu Ni Phật đã viên mãn cả ba thứ giác từ rất lâu, nhìn từ mặt Bổn thì Ngài là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trong Viên Giáo. Nhìn từ phương diện thị hiện (Tích), Ngài là Đẳng Chánh Giác. Giống như Trí Giả đại sư lão nhân gia thị hiện vãng sanh trong địa vị Ngũ Phẩm, đấy là nói theo sự thị hiện nơi Tích. Nói theo Bổn thì mức độ thấp nhất cũng phải là Đẳng Chánh Giác. Nếu không phải là Đẳng Chánh Giác, chắc chắn Ngài sẽ không thể viết bộ Pháp Hoa Kinh Văn Cú được!

      (Diễn) Hựu, Phật Địa Luận, thuyết Phật hữu kỳ thập nghĩa, Thiên Thai lục tức, Hoa Nghiêm thập thân, tường cụ hậu văn.

      (又佛地論,說佛有其十義。天台六即,華嚴十身,詳具後文。

      (Diễn: Lại nữa, Phật Địa Luận nói chữ Phật có mười nghĩa, ngài Thiên Thai lập ra giáo thuyết Lục Tức Phật, kinh Hoa Nghiêm giảng Phật có mười thân sẽ được trình bày tường tận trong phần sau).

      Trong Phật Địa Luận nói Phật có mười ý nghĩa. Thông thường, [các nhà chú giải giảng] chữ Phật có ba ý nghĩa, hay ba thứ giác. Khởi Tín Luận cũng nêu ra ba ý nghĩa. Trí Giả đại sư lập ra giáo nghĩa Lục Tức Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói tới mười thân Phật. Đấy đều là tách ra hay gộp vào khác nhau.  Chúng đều là ý nghĩa của chữ thứ nhất, tức chữ Phật

trong tựa đề kinh này.

      (Diễn) Thuyết giả, dĩ tuyên diễn đắc danh.

      (說者,以宣演得名。

(Diễn: Thuyết là do nói, diễn mà thành tên)

“Tuyên” (宣) là tuyên dương, nói bằng miệng. “Diễn” (演) là biểu diễn, động tác. Nhất cử, nhất động, các nét biểu lộ tình cảm trên khuôn mặt, đều gọi là “diễn”. Quý vị phải hiểu: Sự thụ dụng do nghe kinh ngay tại chỗ giảng đã bị giảm bớt so với khi mở TV xem băng thâu hình. Tuy cũng thấy được hình tướng, nhưng ý vị khác nhau. Nếu nghe băng thâu âm thì sự thụ dụng lại giảm hơn nữa, chẳng thể bằng nghe kinh ngay tại chỗ giảng. Vậy là sao? Thật ra là bất đắc dĩ mới dùng phương pháp này. Nghe kinh ngay tại chỗ phải có nhân duyên, quyết định chẳng thể buông bỏ, buông bỏ rồi thì sẽ đúng như trong Kệ Khai Kinh đã nói: “Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ” (Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ). Ở đây, chẳng phải là tôi nói với quý vị tôi giảng hay như thế nào, mà là hội giảng kinh này khó thể gặp gỡ, suốt cuộc đời chúng ta, cớ sao có nhân duyên, thiện căn, phước đức như vậy, gặp được bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, có nhiều đồng học như vậy ở cùng một chỗ với nhau để cùng tu học, nghiên cứu, thảo luận, rất ư là khó! Nhân duyên này thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Suy nghĩ cặn kẽ, trên toàn thế giới ngày nay, pháp hội giảng Sớ Sao Diễn Nghĩa này hầu như chỉ mình chúng ta là có. Chúng ta biết khắp Đài Loan không nơi nào có, những nơi khác chẳng thể nào có được, thì mới thấy pháp hội này thù thắng. Do tuyên dương, biểu diễn mà được gọi là Thuyết. Chữ Thuyết bao hàm nhiều ý nghĩa như vậy đó.

(Diễn) Sướng duyệt vi nghĩa.

(暢悅為義。

(Diễn: Lưu loát, vui sướng là ý nghĩa [của chữ Thuyết]).

“Sướng” (暢) là thoải mái, lưu loát, không có chướng ngại. “Duyệt” (悅) là vui vẻ. Niềm vui ấy từ trong nội tâm phát sanh. Cả hai câu này nhằm giải thích chữ Thuyết (說). Thoải mái, lưu loát, vui sướng như thế nào? Chúng ta không cách nào tưởng tượng được. Tiếp theo đây, đại sư lại  giải thích.  Đoạn  tiếp  theo  đây  nhằm  chú giải câu “sướng duyệt vi nghĩa”.

(Diễn) Tứ vô ngại biện vi Thể.

(四無礙辯為體。

(Diễn: Bốn thứ vô ngại biện tài là Thể [của chữ Thuyết]).

Tứ Vô Ngại Biện là bốn món vô ngại biện tài. Thứ nhất là Nghĩa Vô Ngại, hoàn toàn thông đạt đạo lý, không chướng ngại. Đây là điều thứ nhất, trọng yếu nhất trong Tứ Vô Ngại Biện. Những đạo lý thế gian và xuất thế gian đều hiểu rõ, quyết định không hiểu sai lầm, điều gì cũng đều hiểu rõ.

Thứ hai là Pháp Vô Ngại, tức là thông đạt pháp tướng. Nếu dùng Tánh và Tướng để giải thích thì Nghĩa là Pháp Tánh, còn nếu dùng danh từ triết học để giải thích thì thông đạt bản thể là Nghĩa Vô Ngại. Trong Phật giáo gọi thông đạt hiện tượng là “thông đạt Pháp Tướng”; đấy là Pháp Vô Ngại.

Thứ ba là Từ Vô Ngại, Từ (詞) là “ngôn từ, lời lẽ”, [Từ Vô Ngại] là ngôn ngữ không bị chướng ngại. Trong đoạn trên, Nghĩa là Lý, Pháp là Sự, Sự vô ngại. Ngôn từ vô ngại, quý vị ăn nói rất khéo, có khả năng diễn đạt, có thể nói rất rõ ràng những điều chính mình đã chứng, đã thấy, đã nghe, khiến cho người khác thấu hiểu, đấy là Từ Vô Ngại.

Thứ tư là Nhạo Thuyết Vô Ngại. Nhạo (樂) là yêu thích, ưa thích, nói một cách thích thú. Nếu ba điều trước đó đều có đủ mà người ấy chẳng hào hứng, chẳng thích nói thì cũng chẳng có cách nào cả. Người ấy thích nói, thích đem những điều chính mình đã biết dâng tặng người khác nhằm lợi ích chúng sanh, đấy là Đại Bi. Ba điều trước là Đại Trí, điều cuối cùng này là Đại Bi. Đại Bi là động lực, thích nói, thích giúp đỡ người khác.

(Diễn) “Sướng” tắc sướng xuất thế chi bổn hoài.

(暢則暢出世之本懷。

(Diễn: “Sướng” là thỏa thích hoài bão xuất thế).

Quý vị hãy nghĩ xem vì sao đức Phật từ trời Đâu Suất giáng sanh vào vương cung, vì sao Phật lìa bỏ ngôi vua xuất gia, khổ hạnh, cả đời ba y một bát, ngày ăn một bữa, ngủ dưới cội cây, vì sao phải sống như thế? Vì lẽ gì? Đây là nói tới bổn hoài (điều mà ta vốn ấp ủ trong lòng), vì độ chúng sanh. Thị hiện như vậy để dạy quý vị: Nếu quý vị mong thật sự đạt đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, quý vị hãy bỏ sạch hết thảy mọi sự trong thế gian thì mới có tư cách thực hiện được. Nếu vẫn còn có tơ hào vướng mắc nào thì đấy là chướng ngại. Đừng nói là nó sẽ chướng ngại Chánh Đẳng Chánh Giác, ngay cả Hạ Hạ Phẩm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng bị chướng ngại, chuyện này phiền phức lắm. Do vậy, nhất định phải xả. Nếu chính đức Phật chẳng xả, làm sao bảo người khác xả cho được? Nếu chính mình chẳng xả sạch sẽ, người khác nghe Ngài nói sẽ chẳng tin tưởng. Chính Phật đã thật sự xả sạch sành sanh, người thuở đó trông thấy Phật sẽ bội phục năm vóc sát đất. Người đời sau đọc sách nhà Phật cũng chẳng thể nào không kính phục Ngài. Thật sự xả được sẽ không có chướng ngại. Quý vị có chướng ngại thì phải phản tỉnh: Quý vị không buông xuống, không xả sạch sành sanh nên mới có chướng ngại. Câu này nói về bổn hoài xuất thế của đức Phật: Do Ngài có thể đạt được mục tiêu giúp đỡ chúng sanh nên hết sức vui sướng. Do vậy, “sướng” là nói về bản thân đức Phật.

(Diễn) “Duyệt” tắc duyệt chúng sanh chi hoạch ích.

(悅則悅眾生之獲益。

(Diễn: “Duyệt” là vui vẻ vì chúng sanh được lợi ích).

Đức Phật xuất hiện trong thế gian, chúng sanh được lợi ích. Chúng sanh căn cơ chín muồi sẽ đắc độ, chúng sanh căn cơ chưa chín muồi sẽ được Phật giúp cho chín muồi. Chúng sanh chưa gieo thiện căn sẽ được Phật giúp gieo thiện căn. Chúng sanh đã gieo thiện căn được Phật giúp cho tăng trưởng. Nói cách khác, hết thảy chúng sanh không ai chẳng được lợi ích. Do vậy, Phật vui thích, đây là nói theo lối thông thường. Kinh này lại còn có ý nghĩa đặc biệt, có ý vị càng sâu đậm hơn nữa. Tiếp theo đó, sách viết:

(Diễn) Kim dĩ Như Lai cửu tu cửu chứng Niệm Phật tam-muội.

(今以如來久修久證念佛三昧

(Diễn: Nay đem pháp Niệm Phật tam-muội của Như Lai tu chứng đã lâu).

Đây là cách nói riêng trong kinh này. Chúng ta hãy chú ý chữ Cửu (久) trong từ ngữ “cửu tu cửu chứng”. Chữ này chỉ có thể áp dụng cho địa vị Phật trong Viên Giáo, chứ không thể áp dụng cho quả vị Phật trong Tạng Giáo, Thông Giáo hay Biệt Giáo. “Cửu tu cửu chứng”: Kinh Phạm Võng nói Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật, đến thị hiện trong thế gian lần này là lần thứ tám ngàn. Lão nhân gia thật sự đã chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chúng ta phải thấu hiểu: Phật đã chứng đến mức rốt ráo nhất, viên mãn nhất. Trong hết thảy pháp môn, pháp môn vô thượng bậc nhất là Niệm Phật tam-muội, tức Tây Phương Tịnh Độ. Nếu quý vị đọc trọn khắp ngàn kinh vạn luận, thật sự đọc hiểu thấu, quý vị sẽ biết kinh này là kinh bậc nhất trong hết thảy các kinh, trì danh niệm Phật là pháp môn bậc nhất trong vô lượng pháp môn. Hiện thời, đạo tràng này của chúng ta là đạo tràng bậc nhất trong mười phương pháp giới. Quý vị tham gia tại nơi này, chẳng thẹn với các vị thượng thiện nhân, nhất định phải tự mình trân quý, đừng ra khỏi đạo tràng này lại trở thành kém cỏi hơn. [Nếu] ở trong đạo tràng này là thượng thiện, nhưng rời khỏi đạo tràng này liền biến thành hạ thiện, đấy là lui sụt, chớ nên như vậy! Phải gìn giữ, phải tinh tấn. Tôi học Phật hơn ba mươi năm, giảng kinh hai mươi lăm năm mới tìm ra bí mật này của Phật giáo. Trong quá khứ, nó ở ngay trước mặt mà tôi bỏ lỡ, không nhận biết rõ ràng, đến bây giờ mới thật sự nhận thấy. Đức Phật nói bộ kinh này, nói ra pháp môn này, vui sướng cực điểm.

(Diễn) Uẩn chi tại hoài, thích đắc cơ nghi, tùy dĩ Tứ Biện tuyên diễn, sướng duyệt bổn hoài, linh tùy cơ hoạch ích, cố vân Thuyết dã.

(蘊之在懷,適得機宜,隨以四辯宣演,暢悅本懷,令隨機獲益,故云說也。

(DiễnÔm ấp trong lòng, gặp đúng căn cơ, thời tiết, bèn dùng Tứ Biện Tài để tuyên diễn, thỏa thích bổn hoài, khiến cho từng loại căn cơ được lợi ích, nên nói là Thuyết).

Quả thật rất khó được! Có đại nhân duyên tốt đẹp như thế này, có đầy đủ cơ duyên nói ra pháp môn này, cho thấy chúng sanh trong thế giới này căn cơ đã chín muồi, có người tin tưởng, có người có thể tiếp nhận, có người chịu nương theo pháp môn này tu học để thành Phật trong một đời. Bất cứ pháp môn nào khác cũng đều chẳng thể thành Phật ngay trong một đời. Chỉ có pháp môn này là thành Phật trong một đời. Bất cứ pháp môn nào cũng chẳng ổn thỏa, thích đáng cho lắm, chỉ có pháp môn này ổn thỏa, thích đáng nhất. Vĩnh Minh đại sư nói: “Vạn tu vạn nhân khứ” (vạn người tu, vạn người về), chẳng sót một ai. Nhưng quý vị tu hành cũng có điều kiện là phải đúng lý, đúng pháp. Lý ở chỗ nào? Sách Sớ Sao Diễn Nghĩa sẽ giảng rõ ràng lý ấy, quý vị phải hiểu đạo lý ấy. Pháp ấy có cách niệm như thế nào? Phương pháp ấy cũng nằm trong sách Sớ Sao Diễn Nghĩa. Chúng tôi vừa giảng xong bộ Di Đà Kinh Yếu Giải, thưa quý vị, một câu Phật hiệu đầy đủ sâu xa Tam Học, Tam Huệ, Tam Tư Lương, lẽ nào chẳng vui sướng? Mỗi một tiếng Phật hiệu đều bao gồm tám giáo, nhiếp trọn năm tông, đúng là mầu nhiệm chẳng thể diễn tả được! Một câu A Di Đà Phật này chính là pháp môn Đại Tổng Trì của mười phương ba đời chư Phật, có mấy ai hiểu rõ ràng? Hiện thời, tôi đặc biệt cho in lời khai thị về pháp Niệm Phật của Ngẫu Ích đại sư thành một tờ riêng để tặng quý vị; tốt nhất là quý vị hãy đọc thuộc lòng. Nếu quý vị thật sự học thuộc lòng lời khai thị ấy, hiểu được ý nghĩa, nhất định quý vị sẽ chết sạch tấm lòng mong ngóng, so đo, nhất tâm niệm Phật, sẽ thành tựu trong một đời này. Nói cách khác, tên của quý vị sẽ được treo cao trong Liên Trì Hải Hội.

Tập 2

      Giải thích tựa đề kinh, lần trước đã giảng đến hai chữ “Phật Thuyết”, hôm nay chúng ta bắt đầu từ chữ “A Di Đà”.

      (Diễn) A Di Đà, thị Phạn ngữ, thử vân Vô Lượng, dĩ công đức, trí huệ, thân tướng, quang minh, nhất thiết giai tất vô lượng cố. Thị vô lượng Phật vãng tích nhân trung, vi Pháp Tạng tỳ-kheo thời, phát tứ thập bát nguyện, kim tại Tây Phương, nhiếp niệm Phật nhân quy vu Tịnh Độ. Cố Thích Ca Như Lai vị chúng tuyên dương dã.

      (阿彌陀,是梵語,此云無量,以功德智慧身相光明一切皆悉無量故。是無量佛往昔因中,為法藏比丘時,發四十八願,今在西方攝念佛人歸于淨土,故釋迦如來為眾宣揚也。

      (Diễn: A Di Đà là tiếng Phạn, cõi này dịch là Vô Lượng, do công đức, trí huệ, thân tướng, quang minh, hết thảy đều vô lượng vậy. Vị Vô Lượng Phật này trong quá khứ khi tu nhân, là tỳ-kheo Pháp Tạng, đã phát ra bốn mươi tám nguyện, nay đang ở Tây Phương nhiếp thọ người niệm Phật về cõi Tịnh Độ. Vì thế, Thích Ca Như Lai tuyên dương cho đại chúng biết).

      Đoạn này giới thiệu đơn giản những điểm trọng yếu trong danh hiệu đức Phật, ý nghĩa hết sức tinh tường, xác đáng. A Di Đà là tiếng Ấn Độ, dịch sang tiếng Hán, A dịch là Vô, Di Đà dịch là Lượng. A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng. Thông thường chúng ta gọi Ngài là Vô Lượng Thọ Phật hoặc Vô Lượng Quang Phật; thật ra, Thọ và Quang chỉ là một phần trong vô lượng mà thôi. Không có cách nào diễn đạt hoàn toàn những nghĩa lý trong danh hiệu đức Phật. Trên thực tế, hai chữ Vô Lượng hết sức hay.

      Tiếp đó, sách Diễn Nghĩa nói đại lược về “công đức”. Hai chữ này cũng cần phải giải thích một cách đơn giản. Công là nói về công phu, Đức là cái quý vị thâu hoạch, có được. Quý vị dùng một phần công phu, nhất định có một phần thâu hoạch. Chữ Đức (德) này có cùng một ý nghĩa với chữ Đắc (得) trong “đắc thất, đắc đáo” (được mất, đạt được). Công phu là gì? Giới - Định - Huệ là công phu. Chẳng hạn như bố thí chủ yếu trừ keo kiệt, tham lam; nếu bố thí thật sự khiến cho chúng ta trừ bỏ được phiền não keo kiệt, tham lam thì nó là công phu, đạt được tâm địa thanh lương, tự tại, giống như Lục Tổ đại sư nói: “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai?” (Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần). Như vậy, cái quý vị đạt được chính là đạt được tâm thanh tịnh. Công đức phải do chính mình tu. Trong nhà Phật hiện thời, chúng ta thường dùng tiền của để bố thí. Chỉ là bố thí thì chẳng thể trở thành công đức, vì trong ấy không có công phu; không có công phu sẽ chẳng thể đoạn được keo kiệt, tham lam. Tuy tu bố thí, nhưng sức mạnh của bố thí chẳng đủ để trừ keo kiệt, tham lam, chẳng đạt được công phu, chẳng thể trở thành công phu. Có lúc chẳng những không thể trở thành công phu mà còn hoàn toàn ngược lại, tức là nghe trong nhà Phật nói “xả nhất, đắc vạn báo” (xả một phần, được quả báo vạn phần) thì mới chịu bố thí. Đấy chính là mua bán kiếm lời trong thế gian, không có lợi ích nào to lớn hơn. Ngày hôm nay bố thí một đồng, ngày mai sẽ được quả báo một vạn đồng; vậy thì hãy mau bố thí! Bố thí kiểu đó chẳng những không thể đoạn được tham lam, keo kiệt, mà ngược lại còn tăng trưởng keo kiệt, tham lam. Vì sao người ấy bố thí? Vì tâm keo kiệt, tham lam mà bố thí, chứ không phải vì Phật pháp mà bố thí; Phật pháp dạy “do đoạn keo kiệt, tham lam mà bố thí”. Trong Phật môn, dùng cái tâm keo kiệt, tham lam để bố thí thì có đạt được gì hay chăng? Có chứ, nhưng không phải là công đức, mà là phước đức, hay phước báo.

      Đâm ra, quý vị bố thí hoàn toàn trở thành có phước. Quả báo là phước báo hữu lậu trong tam giới. Rộng gieo phước điền, không sai, nhưng chẳng thể gọi là “công đức”. Phải phân biệt rõ ràng giữa phước đức hay là công đức! Công đức khác với phước đức. Phước đức có thể trao cho người khác, phước báo của tôi rất lớn, tôi không hưởng, tôi có thể tặng cho quý vị hưởng, quý vị hưởng được; chứ công đức thì không được. Công đức là trí huệ, tài nghệ của tôi, không cách gì trao cho người khác được! Thiền Định, Bát Nhã, Trì Giới của tôi cũng không có cách nào trao cho người khác được. Công đức nhất định phải do chính mình tu, chính mình đạt được, còn phước đức do chính mình tu có thể ban cho người khác. Người khác tu cũng có thể ban [phước đức của họ] cho chúng ta. Ngày mai, đạo tràng này sẽ cử hành pháp hội tế lễ tổ tiên vào tiết Đông Chí, chúng ta có thể hồi hướng phước đức do chính mình tu được cho lịch đại tổ tiên. Tụng kinh cũng giống như vậy, đối với chính mình thì là công đức, chúng ta hồi hướng công đức ấy cho tổ tiên thì họ sẽ được hưởng phước đức.

       “Công đức vô lượng”: Tam Học, Lục Độ, vạn hạnh không điều nào chẳng viên mãn; đấy là công đức vô lượng. “Trí huệ vô lượng”: Quyền Trí và Thật Trí đều viên mãn. “Thân tướng vô lượng”: Trong Đại Kinh có nói: “Thân có vô lượng tướng, mỗi một tướng có vô lượng hảo”. Đấy là vô lượng. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện Liệt Ứng Thân, ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo. Do vậy, tướng và hảo đều chẳng thể gọi là vô lượng, mà là hữu lượng. Tướng hảo và quang minh của A Di Đà Phật là vô lượng. “Quang minh vô lượng”: Quang minh có thường quang và phóng quang. Thường quang lẫn phóng quang đều vô lượng, chẳng thể nghĩ bàn! Thuở đức Phật tại thế, thường quang của Ngài chiếu xa tám thước, kinh điển có khi ghi chép là một trượng (mười thước), quang minh chẳng lớn lắm. Đối với quang minh của A Di Đà Phật, thường quang chiếu tận hư không, trọn hết pháp giới, thật sự vô lượng. Tiếp đó là lời tổng kết: “Nhất thiết giai tất vô lượng”(hết thảy đều là vô lượng), do vậy, gọi Ngài là Vô Lượng Phật. Chữ Phật dịch nghĩa sang tiếng Hán là Giác. Ý nghĩa này càng sâu hơn, dịch toàn bộ danh hiệu A Di Đà Phật sang tiếng Hán thì là Vô Lượng Giác. Trong bất cứ cảnh giới nào, Phật đều giác chứ không mê, chuyện gì cũng giác, pháp nào cũng giác, không có gì chẳng giác, đó gọi là Vô Lượng Giác. Không những là Tự Giác mà còn có thể giúp cho kẻ khác giác ngộ, vì thế gọi là A Di Đà Phật.

      Tiếp đó, sách Diễn Nghĩa nêu đại lược nguồn gốc của danh hiệu. “Thị Vô Lượng Phật vãng tích nhân trung” (Vô Lượng Phật trong quá khứ khi tu nhân). Sự tích này được chép trong kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thường gọi kinh Vô Lượng Thọ là Đại Bổn A Di Đà Kinh. Kinh Vô Lượng Thọ chép A Di Đà Phật lúc ban đầu phát nguyện tu hành, “khi làm tỳ-kheo Pháp Tạng, phát ra bốn mươi tám nguyện”. Thuở ấy, Ngài mang thân phận quốc vương, lìa bỏ ngôi vua, xuất gia. Quý vị nghĩ xem, nếu xuất gia chẳng tốt đẹp hơn làm quốc vương, cớ sao Ngài lại chịu bỏ ngôi vua đi xuất gia? Người thế gian mong cầu công danh, phú quý. Phú quý trong nhân gian không chi cao tột hơn đế vương. Do vậy, nói: “Quý vi thiên tử, phú hữu tứ hải” (thiên tử sang quý, giàu có khắp bốn biển), chẳng thể sánh bằng người xuất gia, thà nguyện bỏ ngôi vua, xuất gia tu hành làm tỳ-kheo. Tỳ-kheo (Bhiksu) là từ ngữ để gọi chung người xuất gia. Pháp Tạng (Dharmākara) là pháp danh của Ngài, nên gọi là tỳ-kheo Pháp Tạng. Ngài xuất gia trong pháp hội của Thế Tự Tại Vương Phật (Lokeśvararāja), khi xuất gia đã phát ra bốn mươi tám nguyện.

      “Kim tại Tây Phương” (hiện ở tại Tây Phương): Quý vị phải nhớ kỹ, đây là Tây Phương củathế giới Sa Bà, chứ không phải là Tây Phương của địa cầu. Địa cầu của chúng ta không có Tây Phương vì nó xoay chuyển, quý vị nói Tây Phương thì hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau nó lại trở thành Đông Phương mất rồi. Ở đây, [sách Diễn Nghĩa] nói tới Tây Phương của thế giới Sa Bà. Thế giới Sa Bà là động hay bất động? Cũng động, nhưng vì thế giới quá lớn, từ lúc Thích Ca Mâu Ni Phật giảng bộ kinh này mãi cho đến hiện thời là ba ngàn năm, trong đại vũ trụ, thế giới chỉ chuyển động đôi chút, phương vị không thay đổi. Sa Bà là một đại thế giới, là một hệ Ngân Hà. Hệ Ngân Hà của chúng ta cũng lưu động, phạm vi của hệ Ngân Hà quá lớn, suốt ba ngàn năm, góc độ của nó chỉ chuyển dịch một vài độ mà thôi, phương hướng chung vẫn chẳng thay đổi. Do vậy, cho đến hiện thời, [nói thế giới Cực Lạc] ở Tây Phương vẫn chánh xác. Tây Phương thế giới cách thế giới của chúng ta khá xa; đừng nên sợ hãi khoảng cách xa xôi ấy, rất dễ dàng đến nơi đó, điều này cũng chừa lại để thảo luận sau.

“Nhiếp niệm Phật nhân quy vu Tịnh Độ” (Nhiếp người niệm Phật trở về Tịnh Độ): Nhiếp (攝) là nhiếp thọ (攝受), có nghĩa là đức Phật vui thích tiếp dẫn những đồng học niệm Phật, bằng lòng giúp đỡ những vị đồng học niệm Phật. Chỉ cần bằng lòng về thế giới của Ngài, Ngài đều hết sức hoan nghênh, [những người ấy] đều được hưởng sự đãi ngộ bình đẳng, chẳng thể nói là có sai khác gì! “Cố Thích Ca Như Lai vị chúng tuyên dương dã” (Vì thế, Thích Ca Như Lai tuyên dương cho đại chúng biết): Vì những duyên này, Thích Ca Mâu Ni Phật mới tuyên dương chuyện này cho chúng ta biết, mong chúng ta sẽ tin nhận, y giáo phụng hành, tương lai đều có thể sanh về Tây Phương thân cận A Di Đà Phật.

(Diễn) Kinh giả, thích hữu đa chủng, bất xuất thường, pháp, quán, nhiếp tứ nghĩa.

(經者,釋有多種,不出常法貫攝四義。

(Diễn: Chữ Kinh có nhiều cách giải  thích, nhưng  chẳng  ngoài  bốn nghĩa thường, pháp, quán, nhiếp).

Kinh trong tiếng Ấn Độ là Tu-đa-la (Sūtra), người Hoa dịch là Kinh. Tu-đa-la có rất nhiều ý nghĩa, có ý nghĩa gốc và ý nghĩa mở rộng. Đối với giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, người Hán đều tôn xưng là Kinh. “Kinh” có nghĩa là chân lý siêu việt thời gian, siêu việt không gian, vĩnh viễn chẳng biến đổi thì tôn xưng là Kinh. Phật pháp cũng hội đủ những điều kiện ấy, do vậy khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, đã được dịch là Kinh. Những ý nghĩa trong kinh Phật so với những ý nghĩa của những thứ được người thế gian gọi là “kinh điển” của càng phong phú hơn; do vậy, phải đặc biệt chú giải. Các tác phẩm chú giải cũng rất nhiều, trong mười ý nghĩa của kinh Hoa Nghiêm, thường lấy bốn ý nghĩa “thường, pháp, quán, nhiếp” để giải thích. Cách giải thích này phổ biến nhất; ở đây, đại sư cũng dùng bốn nghĩa này.

(Diễn) Thường giả, tam thế bất dịch, nhất thiết chư Phật giai như thị thuyết, cố vân Thường.

(常者,三世不易。一切諸佛皆如是說,故云常。

(Diễn: Thường là ba đời chẳng thay đổi, hết thảy chư Phật đều nói như thế nên gọi là Thường).

“Tam thế” là đời quá khứ, đời hiện tại, và đời vị lai. “Dịch” (易) là biến đổi. Thuyết pháp, ý nghĩa vĩnh viễn chẳng thay đổi nên gọi là Thường. “Thường” là chân lý. Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp như vậy, A Di Đà Phật cũng thuyết pháp như vậy, mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều thuyết pháp như vậy. Đấy là chân lý chân thật. Quý vị phải biết: Ngôn từ dùng để thuyết pháp có thể chẳng giống nhau, nhiều, ít khác nhau, nhưng ý nghĩa nhất định phải giống nhau. Vì sao? Đều là cảnh giới do Phật đích thân chứng đắc, Phật pháp gọi điều này bằng thuật ngữ “hiện lượng cảnh giới”. Hiện Lượng Cảnh Giới của Phật chẳng do suy lường, chẳng do nghe người khác nói, mà do chính mình đích thân chứng được. Do vậy, nói ra giống hệt nhau, đó gọi là Thường.“Thường” là vĩnh viễn chẳng bị biến đổi, đây là nói về phương diện siêu việt thời gian.

(Diễn) Pháp giả, thập giới đồng quỹ, tứ thánh, lục phàm do chi giải thoát, cố vân Pháp.

(法者,十界同軌。四聖六凡由之解脫,故云法。

(Diễn: Pháp là đường lối chung cho mười pháp giới. Tứ thánh, lục phàm do đây mà được giải thoát nên gọi là Pháp).

“Pháp” có nghĩa là siêu việt không gian. Hết thảy hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới đều phải nương theo quỹ đạo này. “Pháp” có nghĩa là “quỹ đạo” (đường lối nhất định) hay quy tắc, giống như xe lửa nhất định phải chạy trên đường rầy, chẳng thể rời khỏi đường rầy. Đường rầy ấy là Pháp. Chữ Pháp này được hiểu theo nghĩa hẹp, chứ không phải là nghĩa rộng, nhằm chỉ điều gì? Pháp chỉ cho Kinh - Luật - Luận Tam Tạng kinh điển. Để đạt được tự tại, giải thoát, tứ thánh, lục phàm đều phải nương theo phương pháp này, rời khỏi phương pháp này sẽ chẳng thể đạt được, nhất định phải chiếu theo phương pháp này để tu hành. Chữ “tứ thánh” chỉ Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, “lục phàm” chỉ lục đạo phàm phu: Trời, người, Tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chúng ta đọc tới câu này, nếu là người tỉ mỉ, sợ rằng ắt sẽ nẩy sanh câu hỏi: “Nói Bồ Tát mong được giải thoát thì còn chấp nhận được, chứ Phật mà vẫn mong giải thoát ư? Phật là đạt đến quả vị rốt ráo, vì sao còn phải mong giải thoát?” Phật cũng phải mong! Vì sao? Có rất nhiều loại Phật. Phật trong Tạng Giáo, Phật trong Thông Giáo, Phật trong Biệt Giáo đều phải nương theo Tam Tạng Kinh - Luật - Luận để tu hành. Phật quả mà các vị ấy đã chứng chưa phải là địa vị Phật rốt ráo. Địa vị Phật của họ là Phần Chứng Phật, họ chứng được Chánh Đẳng Chánh Giác, không phải là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Luận về quả vị Phật trong Biệt Giáo, [ta thấy] Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo “phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân”, Thập Địa phá mười phẩm vô minh, Đẳng Giác phá mười một phẩm vô minh; [do vậy], bất quá, Phật [trong Biệt Giáo] phá mười hai phẩm vô minh mà thôi. Vô minh có bốn mươi mốt phẩm, Phật trong Biệt Giáo mới phá được mười hai phẩm nên nếu Ngài chẳng nương theo Tam Tạng Kinh - Luật - Luận để tu hành, sẽ chẳng thể chứng Vô Thượng Bồ Đề. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là quả vị Phật trong Viên Giáo. Phật pháp giới nằm trong mười pháp giới, nhưng Phật pháp giới chẳng bao gồm địa vị Phật trong Viên Giáo, mà bao gồm ba quả vị Phật trong Tạng Giáo, Thông Giáo và Biệt Giáo. Chẳng chiếu theo pháp môn này sẽ không được, sẽ không có cách nào chứng được Vô Thượng Bồ Đề. Đấy là nói về Tam Tạng kinh điển. Trong đây còn có một ý nghĩa rất sâu, chữ Pháp chuyên chỉ bộ kinh này. Thường, Pháp, Quán, Nhiếp đều nhằm chỉ bộ kinh A Di Đà này. Kinh A Di Đà này có phân lượng rất nặng!

(Diễn) Quán giả, quán xuyên sở ưng tri nghĩa. Nhược vô văn tự, vô dĩ quán xuyên nghĩa lý, hoán nhiên khả quán, cố vân Quán.

(貫者,貫穿所應知義。若無文字,無以貫穿義理,煥然可觀 , 故云貫。

(Diễn: Quán là xuyên suốt, xếp đặt mạch lạc những nghĩa lý đáng nên biết. Nếu không có văn tự sẽ không có gì để sắp đặt mạch lạc những nghĩa lý sao cho rõ ràng để có thể thấy được, nên gọi là Quán).

“Quán” (貫): Đối với ngôn ngữ, văn từ, hiện thời chúng ta nói tới “chương pháp”, tức là kết cấu, tổ chức có thứ tự, không lộn xộn, đấy là ý nghĩa của chữ Quán. Trong ngôn ngữ văn tự bao hàm những đạo lý, hiện thời chúng ta gọi những đạo lý ấy là “tư tưởng tinh nghiêm” hoặc “tư tưởng kín nhiệm”, đó là dùng ý nghĩa thế gian để nói. Thật ra, Phật pháp lìa khỏi tâm ý thức, chẳng thuộc vào tư tưởng, nhưng những đạo lý trong ấy quả thật có tầng lớp, thứ tự, có hệ thống mạch lạc, chẳng rối ren một tí nào, Lý và Sự đều là như thế.

Tuy trong toàn bộ vũ trụ, sâm la vạn tượng là vô lượng, vô biên, nhưng chẳng loạn. Người thế gian trông thấy tình hình này cảm thấy lạ lùng, [tin rằng] nhất định có người nào đó sắp đặt. Nếu không có ai sắp đặt, vì sao chúng có trật tự tốt đẹp dường ấy? Ai sắp đặt? Do vậy, bèn vọng tưởng cho rằng nhất định phải có một vị thần, có một Thượng Đế sắp xếp. Thật ra, họ chẳng biết vạn pháp vốn có sẵn trật tự. Trong kinh điển, đức Phật dạy chúng ta vũ trụ hình thành, phát triển theo thứ tự thuận, chẳng rối loạn. Từ nhất niệm Chân Như bổn tánh bất giác mà có vô minh. Vô minh bất giác sanh ra Tam Tế, cảnh giới làm duyên tăng trưởng Lục Thô[3], phát triển theo từng tầng một, chẳng loạn! Khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Quốc, cổ nhân Trung Quốc cũng dường như thấu hiểu đạo lý này. Cội gốc của văn hóa Trung Quốc là kinh Dịch, có thể nói cả sáu kinh [của Nho gia] đều là chú giải của kinh Dịch. Kinh Dịch giảng về duyên khởi của vũ trụ như sau:“Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng sanh Bát Quái, Bát Quái sanh vạn vật”[4], cũng rất có trật tự, cũng mạch lạc, chẳng rối ren. Người Trung Quốc không nói tới thần thoại [sáng tạo thế gian], không nói có một người nào an bài [vũ trụ]. Cách quan sát này hết sức gần gũi với cách quan sát trong Phật pháp.

Nhưng không có lời nói và văn tự, sẽ không có cách nào thể hiện những chân lý trong vũ trụ, không có cách nào truyền đạt khiến cho người khác cũng có thể quán sát giống như vậy. Vì thế, lời nói, văn tự rất quan trọng. Thuở Phật tại thế, lấy âm thanh làm giáo thể, Giáo là dạy học, dùng gì để dạy học? Dùng ngôn ngữ. Sau khi Phật diệt độ, hàng đệ tử kết tập tất cả những lời Phật nói, ghi chép thành kinh điển. Hiện thời, chúng ta học Phật dùng kinh điển làm sách giáo khoa. Nhất là trong thời đại hiện tại, nhất định phải ghi nhớ Tứ Y Pháp của Phật. “Y pháp, bất y nhân”: Pháp là kinh điển, phải lấy kinh điển làm căn cứ, đối với kinh điển, tin sâu chẳng nghi, phải tích cực nghiên cứu, tu học. Chúng ta muốn hiểu rõ nghĩa chân thật của vũ trụ nhân sinh, hiểu rõ chân lý thật sự ấy thì nhất định phải đọc kinh, phải nghiên cứu. “Hoán nhiên khả quán” (rõ ràng có thể thấy được):“Hoán nhiên” có nghĩa là hết sức rõ ràng, giống như ánh lửa, ánh sáng của ngọn lửa có độ sáng rất lớn, từ đằng xa cũng có thể trông thấy được.

(Diễn) Nhiếp giả, nhiếp trì nhất thiết chúng sanh. Nhược vô ngữ ngôn, bất năng khai hiểu chúng sanh xuất sanh tử hải, cố vân Nhiếp.

(攝者,攝持一切眾生。若無語言,不能開曉眾生出生死海故云攝

(Diễn: Nhiếp là thâu giữ hết thảy chúng sanh. Nếu không có ngôn ngữ, sẽ chẳng thể chỉ bày khiến cho chúng sanh thông hiểu, thoát khỏi biển sanh tử, nên gọi là Nhiếp).

“Nhiếp” (攝) là “nhiếp trì nhất thiết chúng sanh”. Nói đơn giản, Nhiếp giống như một sức mạnh mà chúng ta gọi là “sức hấp dẫn”. Quý vị không tiếp xúc sẽ chẳng thể cảm nhận được. Hễ tiếp xúc rồi sẽ thường mong được thân cận, muốn bỏ cũng chẳng được, có ý vị như thế thì gọi là Nhiếp. Kinh điển quả thật là như thế. Nếu quý vị mở quyển kinh ra, đúng là muốn bỏ chẳng được. Xem một lần hoan hỷ, xem lần thứ hai càng hoan hỷ hơn, xem mười lần, hai mươi lần, một ngàn lần, một vạn lần, xem vĩnh viễn chẳng chán. Đó là Nhiếp. Quý vị đọc báo chí, xem một lần xong, còn có thể đọc lần thứ hai hay không? Vì sao? Những loại văn chương ấy không có chữ Nhiếp này. Nhiếp là muốn bỏ mà chẳng thể được, vì sao kinh Phật có sức mạnh lớn như thế? Vì trong kinh có vô lượng nghĩa. Đọc một lần phát hiện đôi chút, đọc lần nữa, lại phát hiện một chút nữa. Đọc mỗi ngày đều có phát hiện mới, không chết cứng mà sống động. Kinh có cách giảng nhất định hay chăng? Thưa quý vị, kinh không có cách giảng nhất định, vì nếu có cách giảng nhất định sẽ trở thành chết cứng. Ở nơi đây, chúng tôi giảng bộ kinh này, lần thứ nhất là ý nghĩa này, lần thứ hai lại là một ý nghĩa mới, lần thứ ba lại là một ý nghĩa mới khác nữa; mỗi lượt đều khác nhau. Nếu mỗi lần giảng đều dùng văn Bạch Thoại để chép lại sẽ chết cứng. Thứ [văn chương] chết cứng ấy không có sức Nhiếp, mà Thường và Pháp cũng chẳng có, nhiều nhất chỉ được Quán. Trong bốn ý nghĩa chỉ có được ý nghĩa này, ba thứ kia đều không có. Do vậy, mỗi lượt giảng kinh đều có ý nghĩa mới.

Kinh Phật có cách giảng nhất định hay chăng? Không có cách giảng nhất định! Kinh Phật không có ý nghĩa[5], Bát Nhã vô tri, chúng ta bàn nói, thảo luận: Vô lượng nghĩa, không có gì chẳng biết. Do vậy, học Phật chẳng thể chấp chết cứng vào mỗi dòng văn tự, đừng chấp chết cứng nơi ngôn ngữ, muôn vàn phần chớ nên chấp trước. Nhất định phải nhớ lời dạy của Mã Minh Bồ Tát trong Khởi Tín Luận, “ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng”. Ly tâm duyên tướng là trong tâm chẳng dấy lên ý nghĩ, chẳng động niệm, không phân biệt, không chấp trước, nghe rất rõ ràng, nghe thông suốt. Nghe pháp như thế sẽ khai ngộ. Nghe không hiểu [bèn vọng tưởng] “tôi suy tưởng sẽ hiểu ngay”, càng nghĩ càng hỏng bét! Suy tưởng là rớt vào thứ thức sáu, rớt vào vọng tưởng. Vọng tưởng thì làm sao khai ngộ cho được? Vọng tưởng chướng ngại ngộ môn, chẳng thể khai ngộ. Ngộ là vừa tiếp xúc liền hiểu rõ rỗng rang, đó là Ngộ. Hễ thông qua suy nghĩ, phán xét, sẽ rớt vào tâm ý thức. Khai ngộ kiểu đó là Thế Trí Biện Thông, chẳng phải là thật sự khai ngộ. Thật sự khai ngộ chẳng dùng tới tâm ý thức. Nếu quý vị lìa tâm ý thức để đọc kinh thì ý vị vô cùng, đúng là khoái lạc khôn sánh. Do vậy, kinh Phật có sức nhiếp trì hết thảy chúng sanh.

Nếu không có ngôn ngữ, sẽ chẳng thể chỉ bày làm cho chúng sanh thông hiểu, vượt thoát biển sanh tử, nên gọi là Nhiếp”: Phật nhiếp thọ chúng sanh là dùng ngôn giáo nói với thế giới Sa Bà, chúng sanh trong thế giới Sa Bà Nhĩ Căn nhanh nhạy nhất. Do vậy, dùng âm thanh làm Phật sự. Chúng ta đọc, chẳng nhìn thấy rõ ràng, còn nghe sẽ dễ dàng giác ngộ, dễ thấu hiểu. Thích Ca Mâu Ni dạy học tại Ấn Độ, Khổng Tử dạy học tại Trung Quốc, đều lấy âm thanh làm giáo thể.

(Diễn) Thiên diệp lương quy, bách linh thường quỹ, thuyên chân lợi vật, mục vi Kinh dã.

()千葉良規,百靈常軌,詮真利物,目為經也。

(Diễn: Khuôn phép tốt lành trên ngàn cánh sen, đường lối thường hằng của bách linh, nói lẽ chân, lợi ích chúng sanh, thì gọi là Kinh vậy).

Mấy câu này là tổng kết, chữ “thiên diệp” chỉ Lô Xá Na Phật, tức là như kinh Phạm Võng nói, Lô Xá Na Phật ngồi trên hoa sen ngàn cánh. “Lương quy” là khuôn mẫu tốt đẹp nhất, tức là kinh điển. Chữ “bách linh” chỉ Phật, Bồ Tát, cho đến hết thảy thiên long bát bộ muốn xuất ly tam giới, muốn phá mê khai ngộ, đều phải nương theo kinh điển. Lời nói, văn tự là pháp phương tiện. Trong những pháp phương tiện, có những điều chân thật, thì gọi là “thuyên chân”. Pháp thế gian thường nói “văn dĩ tải đạo” (văn có thể chở đạo), đạo là thật, đạo ở chỗ nào? Đạo ở trong văn, nhưng phải hiểu: Văn trọn chẳng phải là đạo, đạo quả thật ở trong văn, nhưng văn lại chẳng phải là đạo. Đạo thật sự ở trong ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ chẳng phải là đạo. Quý vị phải thấu hiểu ý nghĩa này.

Giống như tấm bia chỉ đường. Bia chỉ đường đặt nơi nào đó, chỉ về con đường nào thì gọi là đường đó; nhưng tấm bia ấy hoàn toàn chẳng phải là con đường, mà để chỉ phương hướng. Quý vị đi theo phương hướng ấy, nhất định sẽ đến được con đường ấy. Kinh Lăng Nghiêm nói đến chuyện chỉ mặt trăng, ngón tay dùng để chỉ không phải là mặt trăng; dõi theo ngón tay chỉ, nhất định sẽ có thể thấy được mặt trăng. Thiền Tông có bộ sách Chỉ Nguyệt Lục. Lời nói, văn tự là “ngón tay”, quý vị muốn điều gì? Muốn thấy mặt trăng, chứ đâu có muốn ngón tay! Lìa khỏi ngón tay ấy, quý vị sẽ chẳng thấy được mặt trăng, ắt phải dựa vào ngón tay ấy để ngộ được vầng trăng. Phật pháp là như vậy đấy. Do vậy, quý vị học Phật thì phải học pháp chân thật, ắt cần đến lời nói, cần đến văn tự. Lục Tổ đại sư không biết chữ, nhưng là người thật sự đạt được mặt trăng. Không biết chữ đương nhiên chẳng thể giảng kinh, nhưng quý vị cầm kinh đọc cho Ngài nghe, Ngài sẽ giảng cho quý vị nghe, có thể giảng cho quý vị khai ngộ. Sự cao minh ấy gọi là “giảng kinh thật sự”.

Người chẳng biết giảng kinh đem bộ kinh này giảng đến mức hoa trời rơi tán loạn, khiến cho thính chúng càng nghe càng mê hoặc, càng nghe càng điên đảo, người ấy chẳng phải là khéo nói! Người khéo nói, chỉ miêu tả sơ sài sẽ khiến quý vị “đại triệt đại ngộ”, biết giảng là như vậy đấy! Như thế nào thì mới biết giảng? Ắt phải là chính mình đã thật sự chứng thì quý vị mới biết. Chính mình chưa thật sự thấy, mò mẫm theo văn tự thì làm sao thật sự có cái gì để ban tặng, chỉ dạy người khác? Làm chẳng được chuyện ấy! Do có những thứ chân thật trong ấy, có thể làm cho người khác ngộ nhập, đó gọi là “lợi vật”. Chữ “vật” sử dụng rất khéo, chẳng nói là “lợi người”. Nếu nói nhân hoặc nhân thiên thì trong mười pháp giới chỉ bao gồm hai loại, chẳng thể bao gồm những pháp giới khác. Nói “vật” thì toàn bộ hữu tình chúng sanh đều bao gồm trong ấy. Có như vậy thì mới có thể gọi là Kinh.

      Kinh ắt phải hội đủ bốn điều kiện Thường, Pháp, Quán, Nhiếp. Học thuật, văn chương, ngôn thuyết thế gian đạt tới tiêu chuẩn tối cao thì chỉ có thể đạt được một trong bốn tiêu chuẩn này tức là Quán, chứ ba điều kia không hề có. Sách thế gian dẫu hay đến mấy, đọc mãi cũng chán, đọc đến cuối cùng chẳng muốn xem nữa. Vì sao vậy? Ý nghĩa có khi hết, chẳng giống như kinh Phật: Ý nghĩa trong kinh Phật không hề cùng tận, càng đọc càng vui sướng. Chúng ta trình độ nông cạn, đọc sách Khổng Tử một lượt, hai lượt sẽ ngủ gục, [cảm thấy] khô khan, vô vị. Đọc kinh Phật càng chẳng cần phải nói nữa, do nguyên nhân nào? Chưa thấu hiểu được ý vị ấy, không thưởng thức được! Đưa đường ngọt ngào cho quý vị, vừa nếm liền cảm nhận ngay, khá lắm! Học sinh tiểu học đọc sách dành cho cấp tiểu học cảm thấy rất hứng thú, nhưng học sinh trung học chẳng muốn xem, không có ý vị gì hết! Kinh Phật đạt tiêu chuẩn tối cao trong hết thảy các thứ sách vở, xưa nay, những vị tổ sư đại đức sợ chúng ta chẳng đủ trình độ, chẳng thể thưởng thức pháp vị, nên soạn thêm chú giải nhằm giúp đỡ. Vẫn sợ chú giải còn quá sâu, quý vị vẫn chưa thể thưởng thức ý vị được; vì vậy, lại viết chú giải cho sách chú giải. [Do đó], đã có Sớ lại còn có Sao, lại có Diễn Nghĩa, giải thích theo từng tầng một. Sợ các vị đồng học vẫn chưa thưởng thức được ý vị, tôi hiểu biết đôi chút, bèn thưa trình cùng quý vị tại nơi này, không gì chẳng nhằm khuyên dụ, hướng dẫn quý vị đích thân thưởng thức pháp vị thì quý vị mới thật sự đạt được “pháp hỷ sung mãn”.

      (Diễn) Hựu thử kinh, Đường dịch vi Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh, kim vi thử danh giả, dĩ Phật danh nhân sở nhạo văn, hựu nhất thiết công đức, ngôn Phật tiện châu cố.

      (又此經,唐譯為稱讚淨土佛攝受經。今為此名者,以佛名人所樂聞,又一切功德,言佛便周故。

      (Diễn: Lại nữa, bản dịch đời Đường đề tên kinh này là Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh, nay kinh mang tên này (Phật Thuyết A Di Đà Kinh) là dùng danh hiệu của vị Phật mà mọi người thích nghe [để đặt tên]. Hơn nữa, đối với hết thảy công đức, hễ nói “Phật” thì sẽ trọn đủ).

      Đây là nói về kinh này. Bản kinh [được dùng để chú giải ở đây] do Cưu Ma La Thập đại sư dịch vào đời Diêu Tần. Khi Huyền Trang đại sư sang Ấn Độ, mang theo thái độ hoài nghi ra đi. Ngài đúng là một vị có chuẩn mực học vấn cũng như tu hành cao nhất. Kinh điển dịch từ tiếng ngoại quốc sang tiếng Hán, nếu lỡ dịch sai, chúng ta chiếu theo đó tu học, chẳng phải là oan uổng ư? Tuy người phiên dịch tội lỗi vô lượng, bản thân chúng ta chịu thiệt thòi quá lớn. Hiện thời, bao nhiêu người hoài nghi kinh Phật. Những bản dịch thời ấy rốt cuộc là đáng tin tưởng hay không? Do vậy, hiện thời có những người muốn tìm kinh điển bằng tiếng Phạn để đọc, đọc trực tiếp từ nguyên bản. Thật ra, tìm được nguyên văn kinh điển rồi, quý vị đọc có hiểu hay chăng? Tuy đọc thông suốt văn tự, nhưng ý nghĩa nằm ngoài ngôn ngữ, chẳng thuộc trong văn tự, sẽ phiền phức rất lớn. Huyền Trang đại sư mang nỗi hoài nghi ấy, sợ cổ nhân như La Thập đại sư phiên dịch chẳng đáng tin cậy cho lắm, nên đích thân sang Ấn Độ, ở lại Ấn Độ suốt mười bảy năm. Thời gian ra đi và trở về tổng cộng mười chín năm. Thuở ấy, cưỡi ngựa, đi đường bộ, giao thông chẳng thuận tiện, từ Ấn Độ đến [kinh đô] Trường An của Trung Quốc gần như đi mất một năm mới tới nơi, đi về mất mười chín năm. Ngài trở về, đối với kinh điển do cổ đức đã dịch chẳng nói một câu nào, hoàn toàn chính xác. Nguyên bản kinh A Di Đà, tức bản tiếng Phạn, tại Ấn Độ Ngài đã từng xem, cũng đem về, chính mình cũng phiên dịch một lượt. Kinh dùng để phiên dịch lần này là cùng một bản tiếng Phạn [với bản của ngài La Thập dịch], Huyền Trang đại sư dịch một lần nữa mang tựa đề là Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh. Nguyên bản giống nhau, do hai người dịch nên lời dịch khác nhau, nhưng ý nghĩa trong ấy quyết định là giống nhau.

      Con người hiện thời đúng là “cang cường nan hóa” (ương ngạnh, khó giáo hóa) như kinh Địa Tạng đã nói, cảm tình quá nặng, đấy chính là căn bản của luân hồi sanh tử. Lần này chúng tôi đặc biệt in bản chú giải kinh A Di Đà của Khuy Cơ đại sư cúng dường quý vị, Ngài chú giải rất hay. Tôi biếu tặng bản chú giải ấy là vì còn có một ý nghĩa sâu xa hơn: Nhắc nhở quý vị “y pháp, bất y nhân”. Ngài Huyền Trang là thân giáo sư của ngài Khuy Cơ, tức là thầy ngài Khuy Cơ. Khuy Cơ là đồ đệ đắc ý nhất của Huyền Trang đại sư, là người kế thừa. Thầy phiên dịch kinh A Di Đà, Ngài muốn soạn chú giải, chọn dùng bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập, chẳng dùng bản dịch của thầy mình. Nếu là hiện thời, nhất định thầy sẽ rất cáu kỉnh: “Đối với bản dịch của ta, ngươi là đồ đệ, chú giải kinh bèn chẳng dùng bản dịch của ta, lại dùng bản dịch của Cưu Ma La Thập để làm chi? Khác nào chê bản dịch của ta không bằng bản dịch của Cưu Ma La Thập?” Bản chú giải ấy cũng được Huyền Trang đại sư vui vẻ chấp nhận, không nổi nóng, không trách móc. Ngài Khuy Cơ chẳng dùng bản dịch của thầy, mà dùng bản dịch của Cưu Ma La Thập, đấy là “y pháp, bất y nhân”.Trong hiện tại, nhất định Ngài sẽ dùng bản dịch của thầy, chẳng dùng bản dịch của cổ đại đức, vì sao? Thói quen tình cảm mà! Theo thói quen tình cảm sẽ chẳng thể liễu sanh tử được!

      Lão nhân gia thị hiện như vậy nhằm dạy chúng ta “y pháp, bất y nhân”. Bản dịch của thầy cũng hay như bản dịch của cổ nhân. Tuy hay như nhau, nhưng bản của cổ nhân đã được lưu thông, vậy thì dùng bản của cổ nhân. Bản dịch của Huyền Trang đại sư được đưa vào Đại Tạng Kinh, chứ không lưu thông riêng lẻ. Điều này ban cho bọn chúng sanh đời sau như chúng ta một khải thị rất lớn: Ngày nay chúng ta bái một vị nào làm thầy, thầy trò khó thể chia cắt. Quý vị thấy người ta như thế nào? Người ta hết thảy vì pháp, như vậy là đúng. Do vậy, ở chỗ này đặc biệt nêu ra: [Kinh này] có bản dịch khác của Huyền Trang đại sư, Phật vốn đặt tên cho kinh này Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh, ý nghĩa nguyên thủy trong tiếng Phạn là như vậy; nhưng La Thập đại sư chẳng dùng tựa đề kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã đặt, Ngài dùng danh hiệu A Di Đà Phật làm tựa đề kinh. Đấy là một sáng tạo của La Thập đại sư. Ngài phiên dịch rất nhiều kinh, đều chiếu theo tên kinh do đức Phật đã đặt, chỉ khi dịch kinh này, Ngài hoàn toàn chẳng dùng tên kinh do đức Phật đã đặt, mà tự mình lấy danh hiệu A Di Đà Phật để đặt tên kinh. Đây cũng là một kiến giải đặc biệt, độc đáo của Ngài.

      Ngài có lý riêng, đạo lý gì vậy? “Phật danh nhân sở nhạo văn” (danh hiệu của vị Phật được mọi người thích nghe): Nhạo (樂) là yêu thích. Danh hiệu A Di Đà Phật được mọi người thích nghe, thích niệm, yêu thích ý nghĩa sau đây: Vô Lượng Giác. Chúng ta niệm danh hiệu vị Phật này tức là trong mỗi niệm nhắc nhở chính mình phải giác chứ đừng mê. Ví như mắt của chúng ta thấy Sắc, khởi lên một niệm tâm tham, liền A Di Đà Phật! Đấy là vô lượng giác. Tâm tham là mê, một câu A Di Đà Phật, tâm tham chẳng còn nữa, giác rồi, giác là chẳng mê nữa. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, vừa mới khởi tâm động niệm, bèn A Di Đà Phật! Ngay lập tức vọng niệm ấy bị đè xuống. Đấy là vô lượng vô biên công đức. Do vậy, danh hiệu Phật là tu hành, nhắc nhở bản thân quý vị thời thời khắc khắc, ở bất cứ nơi đâu, thuận cảnh hay nghịch cảnh đều phải giác, đừng mê.

“Hựu nhất thiết công đức, ngôn Phật tiện châu cố” (Lại nữa, hết thảy công đức, hễ nói Phật sẽ trọn đủ). Phật chứng được công đức viên mãn rốt ráo. Phật là gì? Phật là giác, trong giác tánh vốn sẵn trọn đủ hết thảy công đức. Lý và Sự đều phải hiểu rõ. Trên mặt Sự, chúng ta trông thấy tượng Phật, lập tức hiểu rõ, phải giác ngộ, phải cầu giác ngộ. Phật tượng trưng cho Giác, A Di Đà Phật tượng trưng Vô Lượng Giác. Giới thiệu tựa đề kinh đến đây. Ở đây là nói đại lược, trong phần sau sẽ nói cặn kẽ.

      (Diễn) Sớ giả, sớ dã, thông dã.

      (疏者,疏也,通也。

      (Diễn: Sớ là giải thích, làm cho thông suốt).

      “Sớ” là giải thích thông suốt.

      (Diễn) Vị kinh trung nghĩa lý thậm thâm vi diệu.

(謂經中義理甚深微妙。

      (Diễn: Ý nói nghĩa lý trong kinh vi diệu rất sâu).

      Đây là sự thật, câu này chẳng sai tí nào.

      (Diễn) Vị dị khuy trắc cố.

(未易窺測故

      (Diễn: Chưa dễ suy lường để thấu hiểu đôi chút được).

      Người thường đúng là không có cách nào thấu hiểu; vì vậy, trong kinh Hoa Nghiêm có chép:“Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải” (Phật pháp không có ai nói, dẫu là người có trí cũng chẳng thể hiểu được). Trí ấy chính là Thế Trí Biện Thông. Những người như tiến sĩ trong thế gian cũng chẳng hiểu Phật pháp, vì sao? Vì những vị tiến sĩ rớt vào tâm ý thức, họ là phàm phu. Phật pháp là lìa tâm ý thức; ngôn ngữ và văn tự của Phật pháp từ trong Chân Như bổn tánh lưu lộ. Người thông minh trí huệ trong thế gian dùng tâm ý thức; công năng của ý thức hết sức lớn, đối với bên ngoài, nó duyên tận hư không, khắp pháp giới, đối với bên trong, nó duyên tới thức thứ tám, nhưng chẳng thể duyên bổn tánh. Do vậy, dùng cái tâm ý thức để tu hành sẽ chẳng thể kiến tánh. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật nói rất hay: Dùng cái tâm ý thức để tu hành, tu chánh xác nhất, không đi sai đường, đúng lý, đúng pháp, chỉ có thể chứng đắc A La Hán hay Bích Chi Phật mà thôi, chẳng thể thấy tánh. Điều này giảng rõ vì sao kẻ Thế Trí Biện Thông chẳng hiểu Phật pháp. Đừng nói là kẻ Thế Trí Biện Thông trong nhân gian không có cách nào hiểu, ngay cả chư thiên thông minh trí huệ cũng không có cách nào! Vậy thì, ai có thể nói được? Người minh tâm kiến tánh, người như vậy sẽ nói được, không sai! Người ấy thật sự thông đạt, vì sao? Chính người ấy chứng đắc. Phật thấy được tánh, người ấy cũng thấy được. Phật thấy viên mãn, còn người ấy thấy một phần, hai phần, vẫn là thật, chẳng phải giả. Do vậy, người ấy và Phật có cùng một tri kiến, chánh tri, chánh kiến. Người như vậy mới có thể giảng kinh, mới có thể chú giải kinh.

      Từ trước đến nay, cổ đức chẳng dám khinh dễ cất bút chú giải kinh điển, vì sao? Sợ trách nhiệm nhân quả, sợ sai một chữ chuyển ngữ phải đọa làm thân chồn hoang năm trăm đời. Lầm một chữ mà phải chịu quả báo lớn như vậy, nếu sai lầm ý nghĩa thì sẽ như thế nào đây, không xong rồi! Trước kia, người ta tin nhân quả, sợ nhân quả, cho nên chú tâm cẩn thận. Thật sự có ngộ xứ, có kiến địa, thấy tánh rồi mới dám [chú giải]. Sau khi minh tâm kiến tánh, quý vị nhất định phải hoằng kinh. Quý vị không hoằng kinh thì chẳng xứng với chư Phật, Bồ Tát. Chưa đạt đến trình độ ấy thì quý vị phải tự tu, đấy là Bồ Tát. Sau khi đã đến trình độ ấy, nhất định phải lợi ích chúng sanh, phải lưu thông đại pháp. Đó gọi là Bồ Tát đạo, là Bồ Tát hạnh. Giảng kinh cũng giống như vậy, không có kiến địa sẽ chẳng thể giảng. Đến hiện tại thì sao? Người giảng kinh chúng ta có phải là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh hay chưa? Chưa hề! Chưa hề thì đúng là to gan làm càn rồi, cũng giảng kinh ở nơi đây. Thật ra, chúng tôi ở trên giảng đài đã nhiều năm như vậy, đã sớm nói rõ ràng với quý vị: Tôi không phải là giảng kinh mà là học kinh, không dám nói là “giảng”, mà là đang học tập. Cách học tập như thế nào? Chiếu theo lời cổ đức chú giải để giảng, chẳng phải là giảng kinh, mà là giảng lời chú giải của cổ nhân. Lời chú giải của cổ nhân viết bằng văn Văn Ngôn, chúng tôi dùng lời nói thông thường để chuyển thành văn Bạch Thoại, trên giảng đài chỉ dịch lại lời cổ nhân mà thôi, chẳng dám nói là giảng kinh, đương nhiên cũng chẳng dám nói tới chuyện chú giải kinh.

      (Diễn) Dĩ sớ sớ thông, sử vô nghi trệ dã.

      (以疏疏通,使無疑滯也。

      (Diễn: Dùng lời sớ để giải thích thông suốt, khiến cho [người đọc kinh] không bị nghi ngờ, vướng mắc [đối với những ý nghĩa rất sâu vi diệu ấy])

      Nghĩa lý rất sâu, dùng lời sớ để giải thích thông suốt, dùng lời sớ để giúp chúng ta phá trừ nghi hoặc, thúc đẩy chúng ta hướng thượng, chẳng đến nỗi ở lỳ trong cảnh giới ấy.

      (Diễn) Hựu diệc sớ lý chi nghĩa, cổ vân: “Nhân hữu phát hề, đán đán sớ lý, thân hữu tâm hề, hồ bất như thị”.

      ()又亦疏理之義。古云,人有髮兮,旦旦疏理,身有心兮,胡不如是。

     (Diễn: Lại nữa, Sớ còn có nghĩa là “chải gỡ, sắp xếp”. Cổ nhân nói: “Người có đầu tóc, chải gỡ mỗi sáng, thân có cái tâm, sao chẳng làm vậy?”)

    Đây là dùng tỷ dụ để nói. Cổ nhân thường để tóc dài, hằng ngày phải chải gỡ đầu tóc; chẳng chải đầu, tóc sẽ rối bù. Quý vị biết chải gỡ đầu tóc cho gọn gàng tề chỉnh, quý vị có tâm thì trong tâm từ sáng đến tối ngàn muôn đầu mối, rối loạn lung tung, còn phiền phức hơn là đầu tóc, vì sao chẳng chải, chẳng gỡ? Chữ Sớ mang ý nghĩa ấy! Quý vị hãy chỉnh sửa những loạn tưởng khiến cho tâm có lớp lang, thứ tự.

      (Diễn) Kim nãi sớ lý kinh trung áo lý, sử nhân đắc khai thông tâm địa dã.

      (今乃疏理經中奧理,使人得開通心地也。

     (Diễn: Nay bèn sắp xếp gọn gàng những lý uyên áo trong kinh khiến cho tâm địa con người được khai thông).

     Đây là nói rõ ý nghĩa vì sao cổ nhân viết Sớ: Nhằm sắp xếp, hệ thống những đạo lý uyên áo, nhiệm mầu trong kinh, xếp đặt mạch lạc từng điều một nhằm giới thiệu với chúng ta, khiến cho bọn hậu học chúng ta đọc xong sẽ tâm khai, ý giải, hiểu rõ thông suốt những nghĩa lý trong kinh. Chữ Sớ mang ý nghĩa này, tức là chú giải kinh vậy.

     (Diễn) Sao giả, sao lược dã.

      (鈔者,抄略也。

     (Diễn: Sao là chú giải sơ lược).

     “Sao” là chú giải giản lược, không phải là chú giải cặn kẽ. Chú giải giản lược gọi là Sao, tức là ghi chép lặt vặt, viết bút ký.

     (Diễn) Tùy thuận bổn sớ lược gia giải thích.

      (隨順本疏略加解釋。

     (Diễn:Thuận theo lời sớ giải chánh yếu mà giải thích sơ lược thêm).

     Do Sớ là chú giải kinh, sợ trong lời Sớ còn có chỗ khó hiểu, bèn chú giải giản lược những câu, chữ khó, tức là chú giải lời chú giải. “Sớ” nhằm chú kinh, tức là chú giải lời kinh. “Sao” nhằm chú sớ, tức là chú giải lời Sớ.

     (Diễn) Sử kinh sớ diệu nghĩa hoán nhiên băng thích dã.

      (使經疏妙義渙然冰釋也。

     (Diễn: Khiến cho những diệu nghĩa trong lời sớ giải kinh được sáng tỏ, rành mạch).

     Khiến cho chúng ta càng đọc càng hiểu rõ. Ngày nay chúng ta đọc Diễn Nghĩa, Diễn Nghĩa là chú giải lời Sao. Trong lời chú giải lại có lời chú giải nữa, tức là đối với lời chú giải lại có lời giải thích, tức là trong lời chú giải còn có lời chú giải, rồi từ bục giảng, chúng tôi lại giải thích thêm nữa, tức là bốn tầng chú giải. Cho thấy ý nghĩa trong kinh thật sự quá sâu, quá vi diệu. Do vậy phải chú giải nhiều lần. Chúng ta nhìn thấy rất phức tạp, nhưng có đầu mối, có mạch lạc.

    Chúng ta dùng công phu ba năm để đọc bộ A Di Đà Kinh này, ba năm không lâu đâu! Trong ba năm, quý vị thật sự thông đạt những nghĩa lý vi diệu rất sâu trong kinh A Di Đà, tín tâm kiên cố, đầy đủ ba món tư lương Tín - Nguyện - Hạnh, sẽ thành Phật trong một đời. Người ta thành Phật phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, quý vị ba năm thành Phật, có pháp nào nhanh bằng như vậy? Trong cuốn Thông Tán Sớ, đại sư Khuy Cơ nói: “Pháp môn này là đại pháp viên đốn, rất nhanh chóng”. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp nào có thể thành tựu trong ba năm? Pháp môn này nhất định thành tựu trong ba năm! Quý vị có thể đọc Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện, xưa nay những người tu hành pháp này ba năm thành công nhiều lắm. Tôi nói như vậy sẽ có những người lần sau không dám đến nữa, vì sao vậy? Ba năm sau phải chết rồi, thọ mạng chỉ còn ba năm, không dám đến đạo tràng này nữa, hoảng hồn bỏ chạy mất. Nói cách khác, quý vị vẫn còn tham luyến thế giới Sa Bà này, tuy cõi Cực Lạc của A Di Đà Phật tốt đẹp nhưng hiện thời vẫn chưa muốn sang đó, vẫn bằng lòng chịu tội nhiều năm ở nơi đây. Nơi kia, cơm áo tự nhiên, sống trong nhà cửa là cung điện bằng bảy báu, dưới đất chẳng phải là lát đá vụn mà là đất lưu ly. Mặt đường chẳng rải nhựa, mà lót bằng vàng ròng, vàng ròng làm đất. Nơi tốt đẹp như vậy vẫn chẳng muốn đến, còn có cách nào nữa đây?

     Quý vị phải biết ba năm quyết định thành tựu, thành tựu như thế nào? Thành tựu là tự tại. Sau khi thành tựu muốn đi là đi, muốn ở lại bao nhiêu ngày sẽ ở lại bấy nhiêu ngày, đó là tự tại. Nói cách khác, sống chết chẳng còn nữa, đến đi tự do. Sau khi thành công, không ra đi chẳng phải vì lưu luyến thế giới này, mà là hy vọng dẫn thêm mấy người cùng đi. Một người ra đi rất tốt đẹp, ở bên đó sẽ hoan nghênh quý vị; dẫn cả một nhóm người đến đó, bên đó sẽ nồng nhiệt hoan nghênh đón tiếp quý vị, càng tốt đẹp hơn. Hy vọng sau khi quý vị thành công sẽ dẫn nhiều người đi theo, đấy là hoằng dương pháp môn này, khuyên khắp mọi người tu học pháp môn này, sau khi tự lợi nhất định lợi tha. Chúng ta cầu nhất tâm bất loạn. Nếu chẳng thông đạt Lý, quý vị sẽ có chướng ngại, khó đạt được nhất tâm. Chẳng hiểu phương pháp, chẳng hiểu rõ cảnh giới, toàn bộ đều bị chướng ngại. Trong ba năm ấy, chúng ta phải giải quyết vấn đề, phải hiểu rõ lý luận, thật sự hiểu rành phương pháp, hiểu rõ cảnh giới. Thuận cảnh hay nghịch cảnh đều là Tăng Thượng Duyên để chúng ta tu học nhất tâm bất loạn thì trên con đường Bồ Đề chúng ta sẽ thuận buồm xuôi gió, không có bất lợi gì. Đấy là điều phải nên sốt sắng tu học.

     Tiếp theo đây, sách Diễn Nghĩa giảng chữ Quyển. Sớ Sao chỉ gồm bốn quyển, quyển thứ năm là Sự Nghi, hiện thời gọi [phần Sự Nghi] là tư liệu tham khảo.

     (Diễn) Quyển giả, quyển hoài chi nghĩa, nhất trục chi trung

bao hàm vô tận nghĩa lý, vô lượng pháp môn cố.

      (卷者,卷懷之義,一軸之中包含無盡義理、無量法門故。

     (Diễn: “Quyển” nghĩa là cuốn lại, chứa đựng. Trong một quyển bao gồm vô tận nghĩa lý, vô lượng pháp môn).

     Sách thời cổ không đóng thành tập như hiện thời, [khi xưa] vẫn chưa có [cách ấy]. Thời Liên Trì đại sư, sách được đóng thành cuốn rất hiếm, phần lớn là [in thành một trang dài] cuộn lại, giống như những bức vẽ chữ (tự họa) được cuộn lại trong hiện thời, từng cuộn, từng cuộn một, nên gọi là“quyển tử”. Thời Đường - Tống, sách đều là quyển tử. Đổi quyển tử thành sách đóng thành từng tập thì cách đóng sách như vậy gọi là Phương Sách. Loại phương sách này đầu tiên được đóng bằng cách dùng chỉ khâu gáy từng trang. Từ quyển tử đổi thành phương sách, có thể nói là một cuộc đại cách mạng trong phương diện sách vở, ai làm điều này? Hám Sơn đại sư đời Minh. Hám Sơn đại sư đề xướng: Quyển tử chẳng dễ giữ gìn, hãy đổi thành phương sách. Kinh Phật đổi từ lối quyển tử sang phương sách do Hám Sơn đại sư mở đầu, Ngài đề xướng in Gia Khánh Tạng. Gia Khánh Tạng là Trung Hoa Đại Tạng Kinh được biên tập lần thứ hai, do Hám Sơn đại sư khởi xướng, quyên mộ khắc ván, khắc xong, cứ mỗi một trang được đóng thành tập, gọi là Phương Sách Đại Tạng Kinh. Trước kia, kinh Phật là chiếp bản[6], đấy là cách thức ấn hành kinh Phật, cổ nhân Trung Quốc sử dụng phương thức quyển tử. Do vậy, “quyển” là chữ được dùng vào trong thuở phiên dịch đầu tiên. Sau này tuy đã đổi thành cách phương sách, nhưng vẫn dùng chữ Quyển. Mỗi một quyển là một tập sách.

     Trong một trục, vì quyển tử thì phải có trục, giống như cách chúng ta bồi tranh, phía dưới cùng có một cái trục, tức là có một cái lõi bằng gỗ ở giữa cho dễ cuốn lại, dễ bảo tồn, chẳng dễ dàng bị hư hoại. Vì vậy, “nhất trục” là một quyển. Trong một quyển kinh văn bao hàm vô tận nghĩa lý, vô lượng pháp môn. Hai câu này cũng chẳng nói quá lố, mà xác thực là như vậy. Trong lời khai thị của Ngẫu Ích đại sư, đã trích dẫn lời Liên Trì đại sư như sau: “Nhất cú Di Đà cai la bát giáo, viên nhiếp ngũ tông” (Một câu Di Đà bao trọn tám giáo, nhiếp trọn năm tông), tức là một câu A Di Đà Phật bao gồm toàn bộ Phật pháp. Bởi lẽ, ở Trung Quốc, nhắc tới Phật pháp, thường nói “Tông Môn và Giáo Hạ” sẽ bao gồm toàn bộ Phật pháp. Chữ “Tông Môn” chỉ Thiền Tông, ngoài Thiền Tông ra, [các tông phái khác] đều bao gồm trong Giáo Hạ. Ngũ tông là năm chi phái trong Thiền Tông, được hình thành sau thời Lục Tổ đại sư, như tông Lâm Tế, tông Tào Động... đều là Tông Môn. “Bát giáo” là nói theo cách phán giáo của ngài Thiên Thai: Hóa nghi tứ giáo và hóa pháp tứ giáo. Ngài phán định những pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm thành Tạng, Thông, Biệt, Viên. Tám giáo hóa nghi và hóa pháp bao gồm toàn bộ Phật pháp. Câu này chỉ rõ một câu A Di Đà Phật bao gồm tất cả Phật pháp trong ấy, chẳng sót một pháp nào.

     Có mấy ai biết được cái hay của A Di Đà Phật? Người niệm Phật tuy đông, nhưng tu mù luyện đui, chẳng hiểu được chỗ hay trong pháp môn. Do vậy, rất khó thể thụ dụng. Người giảng bộ kinh này, thông thường giảng trong Phật thất hoặc trong pháp hội bảy ngày là giảng xong. Suốt bảy ngày, ngay cả tựa đề kinh chúng tôi còn chưa giảng xong, chỉ là giảng sơ sài mà thôi, giảng một lượt hàm hồ, mờ mịt như vậy thì cũng chẳng có cách nào hiểu rõ những nghĩa lý trong ấy. Xưa kia, trong cuốn Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa, cư sĩ Giang Vị Nông đề xướng, chủ trương: Nếu không giảng kinh thì thôi, hễ giảng thì nhất định phải giảng thật sâu, nhất định phải giảng cặn kẽ thì mới có thể làm cho người khác thụ dụng được. Nếu giảng sơ sài sẽ chỉ phù hợp với người căn tánh cao, tu hành lâu năm; chứ giảng cho hàng sơ học như chúng ta nhất định phải giảng sâu, phải giảng cặn kẽ, đừng sợ phiền!

    Đại sư lại nói: “Nhất đán vãng sanh, vĩnh vô thoái chuyển, chủng chủng pháp môn, hàm đắc hiện tiền” (Một mai vãng sanh vĩnh viễn chẳng thoái chuyển, các thứ pháp môn đều được hiện tiền). Mấy câu này là niềm an ủi không chi lớn hơn cho những kẻ thích nghiên cứu giáo pháp như chúng tôi. Chúng ta muốn học pháp này, học pháp nọ thì đến đâu để học? Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng cần phải học trong thế gian này. Trong thế gian này, tìm không ra thầy tốt và bạn đồng tham tốt. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới học với A Di Đà Phật, học với các vị Bồ Tát, tuyệt đối chính xác, không sai lầm. Vì sao không khéo dành thời gian mấy năm để niệm Phật, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới hoàn thành học nghiệp của chính mình? Trong thế gian này, nhất định là trong thời hiện tại, kinh Lăng Nghiêm nói: “Mạt pháp thời kỳ, tà sư thuyết pháp như Hằng hà sa” (Thời kỳ Phật pháp, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng). Quý vị có huệ nhãn gì để phân biệt tà hay chánh? Gặp một vị thầy tốt khó khăn lắm, chỉ có thể gặp, chứ chẳng thể cầu. Tà sư quá nhiều, chỗ nào cũng thấy, học Phật khó khăn lắm. Vì sao chẳng chết sạch ý niệm so đo, khiêm hư sát đất niệm Phật? Niệm đến nhất tâm bất loạn, tâm địa thanh tịnh, quý vị liền có huệ nhãn và pháp nhãn. Nói cách khác, quý vị có năng lực phân biệt tà - chánh, thị - phi, chân - vọng; tâm chẳng thanh tịnh sẽ không có năng lực phân biệt. Đủ thấy nhất tâm rất trọng yếu!

     Nếu nói đến các pháp môn khác thì đức Phật dạy: “Nhược nhân đản niệm Di Đà Phật, thị danh vô thượng thâm diệu Thiền” (Nếu ai chỉ niệm Di Đà Phật thì gọi là vô thượng thâm diệu Thiền). Có rất nhiều người thích Thiền, chẳng để niệm Phật vào mắt, nghĩ Thiền là cao, chẳng hiểu niệm Phật còn cao hơn Thiền! Kinh Lăng Nghiêm gọi pháp môn Niệm Phật này là Lăng Nghiêm Đại Định, là pháp môn đặc biệt trong hội Lăng Nghiêm. Quý vị phải hiểu rõ: Những pháp môn đặc biệt được nêu ra trong kinh ấy, chẳng xếp theo thứ tự thuận. Những pháp xếp theo thứ tự thuận là pháp môn thông thường. Kinh Lăng Nghiêm có hai pháp môn đặc biệt:

- Một là Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương, nếu xếp theo thứ tự thuận, đáng lẽ phải xếp vào hàng thứ hai. Lục Căn, Lục Trần, Lục Thức, Thất Đại, xếp theo thứ tự ấy. Lục Căn là Nhãn, Nhĩ... Nhĩ Căn phải xếp vào thứ hai, nhưng lại rút pháp này ra, xếp vào cuối cùng, nhằm bảo với chúng ta đây là pháp môn đặc biệt.

     - Pháp kia là Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương, cũng là pháp môn đặc biệt. Trong Thất Đại, xếp theo thứ tự thuận là Căn Đại. Thất Đại là Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Kiến, Thức. Căn Đại là Kiến, đáng lẽ phải xếp trước Thức. Thức do Di Lặc Bồ Tát làm đại biểu. Đáng lẽ [phải xếp Đại Thế Chí Bồ Tát] trước Di Lặc Bồ Tát, nhưng lại để ra sau.

Hai pháp môn đặc biệt này nhằm dạy chúng ta: Chúng sanh trong thế giới Sa Bà căn tai lanh lợi nhất. Niệm Phật thỏa đáng nhất,  chẳng  phải  đã  chỉ  ra  minh  bạch  hay  sao?  Vì  thế, Lăng

Nghiêm Đại Định là gì vậy? Chính là pháp này.

     Đọc kinh Lăng Nghiêm mà chẳng hiểu Niệm Phật là Lăng Nghiêm Đại Định, oan uổng quá! Đọc kinh Hoa Nghiêm mà chẳng hiểu trong năm mươi ba lần tham học, môn tu học chánh yếu của Thiện Tài đồng tử là pháp môn Niệm Phật thì cũng rất oan uổng! Vị thiện tri thức thứ nhất của Thiện Tài đồng tử là tỳ-kheo Đức Vân dạy Thiện Tài niệm Phật. Cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương hướng dẫn về Cực Lạc, một vị mở đầu, một vị kết thúc, đủ thấy đây là pháp môn tu học chủ yếu, từ đầu đến cuối chưa hề rời lìa. Những môn khác là vô lượng vô biên pháp môn, lấy năm mươi mốt vị Bồ Tát làm đại diện, là những pháp môn trợ tu, dùng cũng được, không dùng cũng chẳng sao! Chẳng dùng thì một pháp môn này sẽ thành vô thượng đạo. Đọc kinh Hoa Nghiêm không thấy được đường nẻo này sẽ uổng công đọc kinh Hoa Nghiêm. Đọc Lăng Nghiêm mà chẳng hiểu pháp môn Niệm Phật, đọc Hoa Nghiêm mà chẳng biết Niệm Phật, đấy là không nhìn rõ ý nghĩa kinh, chưa niệm kinh thông suốt! Ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, tam tụ tịnh giới, lục độ, vạn hạnh, đều nằm trong một câu gồm bốn chữ A Di Đà Phật, môn nào cũng trọn đủ. Quý vị đắc Định, Định Cộng Giới, quý vị đắc nhất tâm bất loạn, Đạo Cộng Giới, lẽ nào chẳng trọn đủ? Chúng ta mới thật sự hiểu một câu A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn, mới thật sự chịu nắm chặt một câu A Di Đà Phật như giữ mạng căn, nhất thời, nhất khắc trọn chẳng buông lung. Hiểu được, nắm chắc điều này, trong một đời thành Phật, quyết định không nghi hoặc. Bây giờ đã hết giờ rồi.

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

Phần 1 hết

[1] Cuốn ở đây là cách chia theo lối in cổ. Mỗi quyển như vậy gồm từ 20 tới 40 trang hiện thời. Bản in hiện thời gộp chung thành một tập, chia ra hai phần Thượng, Hạ, trong mỗi phần lại chia thành cuốn.

[2] Do tác phẩm này là bản in chung Sớ, Sao, và Diễn Nghĩa, để tiện theo dõi, người biên tập đã dùng các chữ Sớ, Sao, và Diễn để người đọc biết đoạn văn ấy nằm trong lời Sớ, lời Sao của tổ Liên Trì hay lời Diễn Nghĩa của pháp sư Cổ Đức.

[3] Chúng sanh do mê vọng nên từ Căn Bản Vô Minh sanh khởi ba thứ tướng vi tế (gọi là Tam Tế), gồm Vô Minh Nghiệp Tướng, Chuyển Tướng và Hiện Tướng. Giải thích chi tiết như sau:

1. Vô Minh Nghiệp Tướng: Nghiệp ở đây là hoạt động ý thức. Rời khỏi niệm sẽ bất động, hễ động sẽ cảm lấy quả. Vì thế nói “quả chẳng thể lìa khỏi nhân”. Do khởi tâm động niệm, mê mất tự tánh vốn sẵn linh tri, bèn có khổ quả sanh tử trong chín giới.

2. Chuyển Tướng (còn gọi là Chuyển Thức): Chân Như Trí chiếu vốn không có Năng, Sở, thanh tịnh, tịch diệt. Nay do khởi tâm động niệm, đánh mất sự tinh minh, chuyển thành vọng kiến.

3. Hiện Tướng (tướng của cảnh giới): Cảnh giới chỉ tướng của tinh thần và vật chất. Tinh thần thuộc về hoạt động ý thức, là tướng vô hình, vật chất là sắc tướng hữu hình.

Do ba tướng này khó thể cảm nhận rõ ràng nếu không quan sát cặn kẽ nên gọi là Tam Tế.

Lục Thô (còn gọi là Lục Trần Tướng), tức là từ Tam Tế lại sanh khởi những cảnh giới tạo thành sáu thứ thô tướng. Gọi là Thô vì có thể dễ dàng cảm nhận được. Nói chi tiết, Lục Thô gồm:

1. Trí tướng: Chẳng biết những cảnh giới do thức biến hiện chính là bóng dáng hư huyễn của tự thức biến hiện, lầm lạc nẩy sanh loại trí huệ phàm phu phân biệt các pháp.

2. Tương tục tướng: Noi theo trí tướng phân biệt, đối với cảnh giới ham thích sanh khởi ý tưởng vui, đối với cảnh giới không ưa thích sanh khởi ý tưởng khổ, khiến cho các thứ mê vọng sanh khởi không ngừng.

3. Chấp thủ tướng: Chẳng hiểu rõ những cảnh giới khổ, vui v.v... đều là hư vọng chẳng thật, thường nghĩ tưởng những cảnh giới ấy, nắm níu chúng, sanh lòng chấp trước sâu nặng.

4. Kế danh tự tướng: Do những ý niệm điên đảo trên đây, đối với những tướng bị chấp trước, đặt cho chúng đủ mọi tên gọi, so đo, phân biệt rồi nẩy sanh phiền não.

5. Khởi nghiệp tướng: Do chấp vào danh xưng, khái niệm, học thuyết, quan niệm, dấy khởi thân miệng, tạo đủ mọi thứ ác nghiệp.

6. Nghiệp hệ khổ tướng: Do bị nghiệp thiện ác trói buộc mà cảm lấy khổ quả sanh tử, chẳng được tự tại.

Trong sáu tướng này, bốn tướng đầu là Hoặc Nhân (nhân tạo nên phiền não), tướng thứ năm là Nghiệp Duyên, tướng thứ sáu là Khổ Quả.

[4] Thái Cực là khởi thủy của vũ trụ theo kinh Dịch, là lúc vũ trụ chưa phân cực (tạo thành đối lập). Thái Cực thường được biểu diễn bằng một vòng tròn rỗng (Vô Cực Đồ). Những đồ hình vẽ Thái Cực gồm hai phần đen và trắng gọi là Thái Cực Âm Dương Đồ. Lưỡng Nghi là trạng thái của Thái Cực đã phân thành hai khái niệm đối lập, tức Âm và Dương. Nếu chỉ hiểu theo hình tướng thì Lưỡng Nghi được tượng trưng bằng trời và đất. Tứ Tượng là bốn hình tượng căn bản trong vũ trụ gồm Thanh Long, Bạch Hổ, Châu Tước, Huyền Vũ, tượng trưng cho bốn phương, bốn mùa, đồng thời tượng trưng cho Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương. Bát Quái là tám biểu tượng tượng trưng cho các trạng thái, hình dáng của mọi vật trong thế gian.

[5] “Không có ý nghĩa” ở đây không phải là hoàn toàn vô nghĩa (nonsense), mà là không có ý nghĩa cố định, không chấp chặt, không giáo điều, mà là uyển chuyển, tùy theo căn tánh của mỗi người sẽ lãnh ngộ vô lượng ý nghĩa khác nhau. Dĩ nhiên mỗi một bộ kinh có những giáo nghĩa nhất định, nhưng tùy theo căn tánh sẽ triển khai, lãnh hội vô lượng ý nghĩa từ những giáo nghĩa căn bản ấy. Chẳng hạn, cùng bộ kinh Di Đà này, có người không hiểu được vô lượng ý nghĩa, chỉ nghĩ nó là truyện thần thoại dành cho ông già bà cả, hay chuyên để tụng trong đám ma cho đỡ tốn thời gian!

[6] “Chiếp bản” là cách in thành một tờ giấy dài, có đánh số từng trang, xong xếp lại thành cuốn, hai đầu dán bìa cứng, nhưng không dùng chỉ khâu gáy. Hiện thời, cách này vẫn dùng để in một số kinh Phật, nhưng in hai mặt giấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro