A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa - Phần 25

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

阿彌陀經疏鈔演義

Phần 25

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không năm 1984

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong

Tập 49

 

      Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu mươi hai.

      Đoạn này nói về Giáo Khởi Sở Nhân, trong khoa này, đại sư đã giảng rõ rất nhiều điều, nói hết sức chu đáo, cặn kẽ. Đoạn trước nói về Tổng Nhân Duyên, từ đây trở đi là Biệt Nhân Duyên. Nói Tổng là nói đến nhân duyên hưng khởi của giáo pháp trong suốt một đời Thích Ca Mâu Ni Phật; Biệt là chuyên môn nói về bộ kinh này, tức là nhân duyên hưng khởi của pháp môn Niệm Phật. Nói cách khác, đối với chúng ta, điều này đặc biệt quan trọng.

      Nhị biệt.

      Biệt tắc chuyên tựu thử kinh.

二別

      則專就此經。

      (Hai là biệt nhân duyên.

      Biệt tức là chuyên nói về kinh này).

      Câu này nói rất rõ ràng, chuyên môn nói về bộ kinh này.

      Phục hữu thập nghĩa.

      有十義。

      (Lại có mười nghĩa).

      Trong phần trước, tôi đã từng thưa với quý vị: Liên Trì đại sư đã chọn dùng phương thức Thập Môn Khai Khải của tông Hoa Nghiêm để chú giải bộ kinh này. Do vậy, Ngài cũng mô phỏng cách thức Thanh Lương đại sư chú giải kinh Hoa Nghiêm, luôn dùng “mười” để biểu thị pháp. Ở đây, Ngài cũng dùng “mười”, dưới đây sẽ có mười ý nghĩa. “Thập nghĩa”: Trong đoạn này nêu ra tên gọi của chúng, mỗi ý nghĩa đều được giảng rõ và giải thích tường tận trong phần sau.

      Nhất, đại bi mẫn niệm Mạt Pháp, vị tác tân lương cố.

       、大悲憫念末法,為作津梁故。

      (Một là do đại bi nghĩ thương đời Mạt Pháp nên làm cầu bến).

      Trong ý nghĩa thứ nhất, chúng ta phải chú ý từ ngữ “mẫn niệm Mạt Pháp” vì thời đại chúng ta đang sống chính là thời kỳ Mạt Pháp của Phật giáo. Nói cách khác, bộ kinh này nhắm thẳng vào chúng sanh thời Mạt Pháp mà nói. “Tân lương” là cầu bắc ở bến đò, tỷ dụ kinh này giống như một chiếc cầu để thoát lìa sanh tử, viên chứng Bồ Đề cho chúng sanh trong thời Mạt Pháp, đủ thấy tính chất trọng yếu của kinh này.

      (Diễn) Mẫn niệm Mạt Pháp giả, Mạt Pháp, tắc khứ thánh thời dao.

      (憫念末法者,末法,則去聖時遙。

      (Diễn: “Nghĩ thương Mạt Pháp”: Mạt Pháp là xa cách thánh đã lâu).

      “Dao” (遙) là xa xôi. Sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ cho đến này, theo cách tính toán của cổ nhân Trung Quốc thì đến nay đã là ba ngàn lẻ mười hai (3.012) năm sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ. Dẫu theo cách tính toán của người ngoại quốc thì cũng là hơn hai ngàn năm trăm năm rồi! Thời gian cách xa chúng ta hết sức lâu xa.

      (Diễn) Thánh hiền ẩn phục.

      (聖賢隱伏。

      (Diễn: Thánh hiền ẩn khuất).

      Chữ “thánh” chỉ kiến tánh Bồ Tát. Chúng ta thường nói Tam Hiền Thập Thánh, tức là Đăng Địa Bồ Tát, đấy là thánh nhân. Nói theo Tiểu Thừa thì Tứ Quả A La Hán mới được kể là “thánh nhân”, từ Tam Quả trở xuống đều gọi là “hiền nhân”. Những vị Bồ Tát và các đại Bồ Tát đều ẩn mất, không xuất hiện. Vì sao nhằm lúc chúng sanh đáng thương nhất, chư Phật, Bồ Tát đều chẳng xuất hiện độ chúng sanh, do đạo lý nào vậy? Quý vị phải biết: Phật, Bồ Tát chẳng có lòng riêng tư! Phật, Bồ Tát độ chúng sanh cũng chẳng biết mệt nhọc, mà cũng chẳng chán ngán, vì sao các Ngài không xuất hiện? Quý vị phải hiểu vì sao các Ngài không xuất hiện, phải hiểu đạo lý này. Khi chúng sanh ưa thích chánh pháp, Phật, Bồ Tát liền đến. Khi quý vị ưa thích tà pháp, các Ngài chẳng đến. Quả thật, trong thế gian hiện thời, quý vị giảng chánh pháp cho chúng sanh, họ rất khó tiếp nhận. Nếu quý vị bày vẽ màu mè đôi chút để gạt gẫm họ, họ sẽ hào hứng chịu bị lừa! Không có cách chi hết!

      (Diễn) Tà pháp xí thịnh chi thời.

      (邪法熾盛之時。

      (Diễn: Lúc tà pháp lừng lẫy).

      Trong quá khứ, quả thật tà pháp chẳng lừng lẫy bằng hiện thời. Hiện tại, đúng là tà pháp thịnh hành quá mức. Đây chính là lúc chúng sanh đáng thương nhất, chúng ta đang sống trong thời đại này, làm thế nào để phân biệt tà và chánh? Đây là chuyện hết sức khó khăn! Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta, đặc biệt là trong thời kỳ Mạt Pháp, kinh nói có năm mươi mốt loại ma, số lượng trong mỗi một loại đúng là nhiều như cát sông Hằng, quý vị làm thế nào để phân biệt được? Những loài ma bậc thượng và trung gần như chẳng khác gì Phật, rất khó phân biệt! Nếu quý vị không thể phân biệt, nhất định đi vào ma đạo, suốt một đời tu hành, đến cuối cùng chẳng đạt kết quả gì, quả thật rất đáng tiếc! Do vậy, nhất định phải phân biệt Phật và ma thì chúng ta mới có thể thật sự hộ trì chánh pháp của chính mình.

      Nói đến chuyện “hộ pháp” trong nhà Phật, điều thứ nhất là phải hộ trì chính mình. Chẳng thể hộ trì chính mình, lẽ nào có thể hộ trì Phật pháp? Chắc chắn chẳng thể hộ trì Phật pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật được! Đầu tiên là phải hộ trì chính mình! Trong thời đại này, rất nhiều pháp môn và kinh luận bị lũ ma lợi dụng, chúng nó treo chiêu bài Phật pháp để phá hoại Phật pháp. Chuyện này không có cách gì nói cặn kẽ được. Nếu nói cặn kẽ, đúng là nói mãi chẳng hết! Chính chúng ta phải có năng lực phân biệt. Không thể phân biệt thì làm thế nào đây? Quý vị phải vâng giữ pháp môn Tịnh Độ. Trong phần trước, tôi đã thưa cùng quý vị: Nhất tâm trì danh là được rồi, tuyệt đối là chánh pháp, chú trọng nơi nhất tâm, tuyệt đối chẳng bị những thứ tri kiến khác lay động. Trong một đời này, ta giữ vững chủ ý, nhất tâm chấp trì danh hiệu cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị nhất định sẽ thành công trong một đời này.

      Pháp sư Quảng Khâm niệm Phật ra đi, Ngài nhất tâm trì danh. Tôi nghe người ta nói: Khi lâm chung, lão nhân gia lớn tiếng bảo đại chúng niệm Phật. Ngài nói: “A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, Di Lặc Bồ Tát đều đã đến”, bảo mọi người mau chóng quỳ xuống đất đảnh lễ nghênh tiếp, lớn tiếng niệm Phật. Tướng lành ấy chẳng thể nghĩ bàn; đúng như kinh đã dạy: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật). Ngài đích thân thấy Tây Phương Tam Thánh và các vị thượng thiện nhân đến nghênh tiếp Ngài ra đi, điều này chẳng giả. Ngài cũng làm gương, nêu điển hình cho chúng ta. Chúng ta muốn thành tựu thì một bộ kinh này là đủ rồi!

      Nhị, đặc ư vô lượng pháp môn, xuất thắng phương tiện cố.

      、特於無量法門,出勝方便故。

      (Hai, đây là phương tiện đặc biệt thù thắng nổi trội trong vô lượng pháp môn).

 

      Pháp môn vô lượng vô biên; từ vô lượng vô biên pháp môn, chọn lấy một pháp môn thù thắng thuận tiện nhất, [đức Phật] luôn luôn nghĩ thay cho chúng ta. Do vậy, quý vị phải biết: Pháp môn này là pháp môn thù thắng nhất và thuận tiện nhất trong hết thảy pháp môn.

      (Diễn) Xuất thắng phương tiện giả, chúng sanh hữu Hằng sa phiền não.

      (出勝方便者,眾生有恆沙煩惱。

      (Diễn: “Phương tiện xuất thắng”: Chúng sanh có phiền não nhiều như cát sông Hằng).

      Những pháp môn ấy do đâu mà có? Vì sao có nhiều như thế? Vì chúng sanh có quá nhiều phiền não. Những pháp môn của Phật đều nhằm đối trị phiền não của chúng sanh.

      (Diễn) Phật thuyết Hằng hà pháp môn, giai phương tiện dã.

      (佛說恆河法門,皆方便也。

      (Diễn: Đức Phật nói Hằng hà pháp môn, đều là phương tiện).

 

     Bất luận pháp môn nào, quý vị nhất định phải nhớ pháp môn ấy là [do đức Phật] nói phương tiện, ngay cả Thiền lẫn Mật đều là nói phương tiện. Không nói ra pháp môn chân thật được vì nó chẳng thể nghĩ bàn! Lão hòa thượng Quảng Khâm lúc lâm chung nói một câu: “Không đến, không đi, không có chuyện gì!”Lục Tổ nói: “Vốn chẳng có một vật”, đó là pháp môn chân thật. Kinh Duy Ma có nói pháp môn Bất Nhị, Bất Khả Tư Nghị, đó là pháp môn chân thật. Ngôn ngữ không có cách gì diễn tả pháp môn chân thật; phàm những gì có ngôn thuyết đều là pháp phương tiện, nhưng thù thắng nhất trong các phương tiện là pháp môn Niệm Phật. Vì sao nói nó là thù thắng nhất? Vì nó gần với pháp chân thật nhất. Quý vị hãy suy nghĩ: Có pháp môn nào gần với “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hạnh xứ diệt, chẳng thể nghĩ bàn” nhất hay chăng? [Pháp môn Tịnh Độ] còn sót lại một câu A Di Đà Phật, nhưng nếu bỏ nốt câu này, [pháp môn ấy] sẽ là pháp chân thật, đủ thấy nó là pháp gần với pháp chân thật nhất, nên được gọi là pháp môn thù thắng nhất.

      (Diễn) Duy thử pháp môn, phương tiện trung chi phương tiện, cố viết “thắng phương tiện”.

      (唯此法門,方便中之方便,故曰勝方便。

      (Diễn: Chỉ có pháp môn này là phương tiện nhất trong các phương tiện, nên gọi là phương tiện thù thắng).

 

      Pháp phương tiện thù thắng nhất!

      Tam, khích dương sanh tử phàm phu, linh khởi hân yếm cố.

       、激揚生死凡夫,令起欣厭故。

      (Ba là vì dấy động, cổ vũ sanh tử phàm phu, khiến họ khởi lòng ưa [Cực Lạc] chán [sanh tử]).

      “Khích” (激) là dấy động chúng ta, “dương” (揚) là cổ vũ, khích lệ chúng ta, hy vọng chúng ta có thể đề cao cảnh giác trong lục đạo sanh tử luân hồi, toan phát tâm vượt thoát luân hồi.

      (Diễn) Khích dương sanh tử phàm phu giả, phàm phu xuất sanh nhập tử, khoáng kiếp trầm luân, bất tri sanh tử khả yếm, Niết Bàn khả hân.

      (激揚生死凡夫者,凡夫出生入死,曠劫沉淪,不知

生死可厭,涅槃可欣。

      (Diễn: “Dấy động, cổ vũ phàm phu sanh tử”: Phàm phu ra sanh vào tử, trầm luân bao kiếp dài lâu, chẳng biết sanh tử đáng chán, Niết Bàn đáng ưa).

      Sanh tử luân chuyển vĩnh viễn không ngừng nghỉ, quả thật là chuyện rất phiền phức! Chẳng biết chân tướng của sự thật thì gọi là “tùy nghiệp lưu chuyển” (chuyển vần theo nghiệp), thật sự đáng thương! Người giác ngộ đôi chút, biết hiện tượng này, cũng biết nó đáng sợ, nhưng có cách gì để liễu sanh tử, thoát tam giới hay chăng? Lại cũng chẳng có cách gì. Quý vị hãy suy nghĩ: Từ cổ đến nay, bao nhiêu nhà đại học vấn, khoa học gia, triết gia, nhà tôn giáo đều muốn giải quyết vấn đề này, nhưng không có ai làm được! Đây cũng chính là lý do vì sao đức Phật phải xuất hiện trong thế gian. Đức Phật xuất hiện trong thế gian là vì những chúng sanh ấy mà đến. Quý vị muốn liễu sanh tử, ra khỏi tam giới, nhưng không có cách nào; đức Phật biết phương pháp, Ngài đến dạy quý vị. Chúng ta nhất định phải biết sanh tử đáng sợ, đáng chán. Con người ta chết đi, theo như kinh Địa Tạng đã nói, tuyệt đại đa số chưa đầy bốn mươi chín ngày lại luân hồi, lại đi đầu thai. Sống chẳng được bao lâu lại chết, chết rồi lại sanh ra, sanh rồi lại chết, sanh sanh tử tử, vĩnh viễn chẳng xong! Nếu quý vị suy nghĩ cặn kẽ sẽ thấy chuyện này rất kinh hoảng, rất đáng sợ, nhưng bản thân không có cách nào! Đó là chân tướng sự thật, chúng ta nhất định phải giác ngộ [chuyện này].

      Niết Bàn là gì? Niết Bàn là bất sanh bất diệt. Vượt thoát sanh tử luân hồi, từ đây về sau, vĩnh viễn không còn sanh tử, không còn sanh tử thì gọi là Niết Bàn. Lão hòa thượng Quảng Khâm nói “không đến, không đi”, đấy là Niết Bàn. Thế nhưng Ngài thật sự chứng đắc Niết Bàn, chứng Niết Bàn là chứng trong khi còn sống, chứ không phải chết rồi mới chứng. Vì sao Ngài ra đi? Ngài đã từng nói Ngài sẽ bế quan một năm, đệ tử liền hỏi Ngài: “Thầy nói sẽ bế quan một năm, nhưng sao bây giờ lại ra đi?” Ngài bảo các đồng tu: “Thân thể này quá già, quá cũ rồi, chẳng thể dùng được nữa! Tự mình hãy nên đổi lấy một căn nhà mới, thay một công cụ mới, chứ cái này quá cũ rồi, chỗ nào cũng gây chướng ngại!” Giống như quý vị sống trong một căn nhà quá xưa, quá cũ, chẳng đập đi, xây cái mới chẳng được, không có cách gì ở nữa! Thân thể là cái nhà, quá xưa, quá cũ, ắt cần phải thay đổi, trọn chẳng có chết, thay một căn nhà khác mà thôi! Quý vị thấy Ngài tự tại lắm, thay thân thể rất tự tại, quả thật bất sanh mà cũng bất diệt.

      Bọn chúng ta không có năng lực thay đổi tự tại. Thay đổi tự tại [như lão pháp sư Quảng Khâm] thì càng thay đổi, càng tốt đẹp, càng thay đổi, càng thù thắng! Phàm phu rất tệ hại, càng thay đổi, càng kém cỏi, đổi căn nhà thân người thành súc sanh, từ súc sanh đổi thành ngạ quỷ, từ ngạ quỷ lại đổi thành địa ngục. Người ta đổi thành thân Bồ Tát, đổi thành thân Phật, khác hẳn chúng ta! Niết Bàn đáng ưa là điều chúng ta ngưỡng vọng, tin ưa.

     

      (Diễn) Như Pháp Hoa Kinh vân: “Bất thức khổ tận đạo, bất tri cầu giải thoát” cố.

      (演) 如法華經云:不識苦盡道,不知求解脫故。

      (Diễn: Như kinh Pháp Hoa chép: “Chẳng biết đạo hết khổ, chẳng biết cầu giải thoát”).

      “Thức” (識) là nhận thức, hiểu rõ. Quý vị chẳng nhận biết, không hiểu rõ. “Khổ tận đạo” là phương pháp diệt hết khổ, “đạo” là phương pháp. Nếu quý vị không có biện pháp dứt sạch khổ, làm sao giải thoát được? Do vậy, nhất định phải biết diệt khổ như thế nào. Khổ là quả báo, quả báo do đâu mà có? Quả đương nhiên có nhân, không có nhân sẽ chẳng thể kết quả. Nhân là tạo nghiệp, quý vị tạo thiện nghiệp sẽ thọ báo trong ba thiện đạo, tạo ác nghiệp sẽ thọ báo trong ba ác đạo. Nói tóm gọn một câu, quý vị tạo nghiệp gì sẽ chẳng trốn khỏi quả báo đó, không có cách nào trốn được!      

      Ở đây, đức Phật dạy chúng ta: Trong quá khứ, chúng ta đã tạo bao nhiêu nghiệp, không chỉ trong một đời, mà còn là đời đời kiếp kiếp trong quá khứ đã tạo rất nhiều nghiệp, có cách vượt thoát hay chăng? Có biện pháp, nhưng chỉ có một biện pháp! Cố nhiên, đức Phật đã nói vô lượng pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là phương pháp, nhưng với những phương pháp ấy, quý vị chẳng thể thành tựu trong một đời, cần phải tu học trong một thời gian dài. Thời gian càng dài, càng lắm vấn đề. Vì sao? Sợ đi lầm đường! Tục ngữ thường nói: “Đêm dài lắm mộng!” Chuyện này phiền lắm! Tốt nhất là có thể thành tựu trong một thời gian ngắn, “thời gian ngắn” là chúng ta có thể thành tựu trong một đời. Ví như đức Phật giảng các pháp môn khác từ sơ phát tâm cho đến khi thành Phật phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, thời gian quá dài! Tuy nhiên, chứng đắc quả Tu Đà Hoàn là đã được bảo đảm; [có nghĩa là] chứng đắc Tu Đà Hoàn thì trong Viên Giáo gọi địa vị này là Sơ Tín Vị Bồ Tát, đã được bảo đảm chắc chắn không đọa trong tam ác đạo. Đấy là điều đảm bảo thứ nhất. Bảy lần qua lại trong cõi trời và nhân gian, nhất định chứng A La Hán, vượt thoát tam giới; đó là điều bảo đảm thứ hai. Phải trải qua bảy lần sanh tử trong cõi trời và nhân gian, thọ mạng trong nhân gian không dài, nhưng cõi trời thọ mạng dài lâu. Vì thế, vẫn là “đêm dài lắm mộng”, vẫn là chuyện phiền phức!

      Nhanh chóng nhất, thời gian ngắn lẹ nhất, chỉ có pháp môn Niệm Phật: Thành tựu trong một đời! Vì thế, nó là phương tiện thù thắng. Chúng ta muốn cầu giải thoát, phải thật sự thấy rõ sanh tử luân hồi đáng sợ, hy vọng sẽ thành tựu trong một đời này thì chúng ta phải dứt khoát chọn lựa pháp môn này. Sau khi đã chọn lựa dứt khoát, cả đời này chẳng thay đổi. Quý vị nhất định phải nhớ kỹ câu này: “Suốt đời chẳng thay đổi!” Tôi đọc kinh là đọc bộ kinh này. Bộ kinh này có chú giải, đọc nhiều lần chắc chắn sẽ có lợi. Lợi gì vậy? Đọc nhiều sẽ có thể khai ngộ. Dựa theo một bộ sách, tu học một pháp môn, tốt nhất là đừng nghe những kinh khác. Đối với những pháp môn khác, tốt nhất cũng đừng xem, chẳng nghe, chẳng hỏi tới, vì sao? [Có như vậy thì] chúng ta mới có thể thật sự nhất tâm trì danh. Sau khi quý vị đã tiếp xúc [nhiều pháp môn, kinh điển khác nhau], quý vị sẽ bị phân tâm!

      Vì thế, chuyên tu Tịnh Độ, trong quá khứ có những vị pháp sư như Ấn Quang đại sư là vị tổ sư gần đây nhất, lão nhân gia chuyên tu Tịnh Độ. Đối với đồ đệ của Ngài, những người được Ngài truyền quy y, quý vị đọc Văn Sao sẽ nhận thấy: Lão hòa thượng chẳng giống những pháp sư khác! Các pháp sư khác thì sao? Mong mỏi đồ đệ thường xuyên đến gặp mình. Nếu mấy ngày không gặp, bèn: “Sao đã lâu ngần ấy mà ngươi không tới?” Lão hòa thượng khác hẳn mọi người, nếu quý vị đến gặp Ngài nhiều lần, [Ngài sẽ quở]: “Vì sao ngươi đến đây?” “Con đến thăm sư phụ”. “Sư phụ có gì hay đâu mà gặp? Ngươi đã gặp mặt đôi ba lần rồi!” Ngài quở trách, đuổi về: “Sao ngươi chẳng ở nhà thật thà niệm Phật? Uổng phí thời gian, lãng phí tiền bạc chạy tới đây để làm cái quái gì?” Ngài quở người, do vậy, Ấn Quang đại sư chẳng chủ trương [chèo kéo] tín đồ đến chùa; đấy là một vị thiện tri thức chân chánh!

      Cụ Quảng Khâm đã vãng sanh, gần đây nhất có nhiều người muốn đến gặp Ngài, đến thưa chuyện với tôi, tôi cũng quở họ, tôi nói: “Ông đến đó để làm gì? Góp phần náo nhiệt! Đi xa xôi dường ấy, ngồi xe mười mấy tiếng đồng hồ, mệt mỏi rã rời. Nếu ông định tâm, chính mình ở nhà niệm một quyển kinh, niệm mấy ngàn câu Phật hiệu hồi hướng cho Ngài; đấy là công đức thật sự, mình lẫn người đôi đằng cùng có lợi, chẳng cần phải góp phần náo nhiệt!”

      Tứ, hóa đạo Nhị Thừa chấp Không, bất tu Tịnh Độ cố.

      、化導二乘執空,不修淨土故。

      (Bốn là nhằm giáo hóa, hướng dẫn hàng Nhị Thừa chấp Không chẳng tu Tịnh Độ).

      Không chỉ tiếp dẫn phàm phu, mà còn tiếp dẫn bậc A La Hán, Bích Chi Phật.

      (Diễn) Hóa đạo Nhị Thừa giả, Nhị Thừa đản chứng Thiên Không, bất ngộ Pháp Tánh.

      (化導二乘者,二乘,但證偏空,不悟法性。

      (Diễn: “Hóa đạo Nhị Thừa”: Nhị Thừa chỉ chứng Thiên không, chẳng ngộ Pháp Tánh).

 

      Ở đây nói về Tiểu Thừa A La Hán và Bích Chi Phật, chứ Tam Quả vẫn chưa đủ tư cách. Tứ Quả A La Hán chứng Thiên Không. Thiên Không là Niết Bàn, tức Thiên Chân Niết Bàn. [Các vị ấy] đã vượt thoát sanh tử luân hồi trong lục đạo. Tuy đã vượt thoát, nhưng họ trụ trong Niết Bàn. Đó là sai lầm. Niết Bàn của hàng Tiểu Thừa là Định, khác với Niết Bàn của Đại Thừa. Đại Thừa Niết Bàn là Định Huệ viên dung: Trong Định có Huệ, trong Huệ có Định. Tiểu Thừa thiên chân (thiên lệch về phía Chân Đế), lệch sang một bên, chỉ có Định, thiếu Huệ. Niết Bàn mà các vị ấy đã chứng chẳng phải là Niết Bàn rốt ráo viên mãn. Họ chẳng ngộ Pháp Tánh, chẳng ngộ tức là thiếu trí huệ.

      (Diễn) Trầm không trệ tịch.

(沈空滯寂。

      (Diễn: Đắm chìm nơi Không, vướng mắc nơi Tịch).

      Người Tiểu Thừa vẫn còn chấp trước, không có Ngã Chấp, nhưng có Pháp Chấp, chấp trước Không. Phàm phu chấp Có, người Tiểu Thừa chấp Không. Chính họ an trụ trong cảnh giới tịch tĩnh. “Tịch” là thanh tịnh tịch diệt. Họ thật sự chẳng sanh phiền não, căn bản phiền não đã đoạn rồi.

      (Diễn) Trung chỉ hóa thành.

      (中止化城。

      (Diễn: Dừng nơi hóa thành ở giữa đường).

 

      “Hóa thành” (cái thành được biến hóa ra) là tỷ dụ. Thích Ca Mâu Ni Phật dạy họ đại pháp rốt ráo liễu nghĩa, nhưng họ không chịu tiếp nhận. Do vậy, dùng phương tiện để giáo hóa họ, giống như nói có cái trạm ở giữa đường, tức trạm vận chuyển, trước hết làm cho họ đạt đến cảnh giới ấy (cảnh giới Niết Bàn của Tiểu Thừa). Đã đạt đến cảnh giới ấy, họ ở lại, không muốn đi nữa. Đó là chuyện phiền phức, căn bệnh của người Tiểu Thừa là ở chỗ này: Ngừng nghỉ nơi hóa thành ở giữa đường!

      (Diễn) Bất tín hữu tha phương Tịnh Độ cố.

      (不信有他方淨土故。

      (Diễn: Vì chẳng tin có Tịnh Độ ở phương khác).

 

      Nếu hiện thời quý vị sang thăm Thái Lan, quý vị sẽ biết: Thái Lan là nước Tiểu Thừa. Người Thái chẳng tin rằng có một vị Phật nào khác, họ chỉ tin mình Thích Ca Mâu Ni Phật, chẳng tin có mười phương hết thảy chư Phật. Họ cho rằng tu hành cao lắm chỉ có thể chứng quả A La Hán, chẳng thể thành Phật! Thành Phật chỉ có một mình Thích Ca Mâu Ni Phật, chẳng tin có những vị Phật ở phương khác. Họ cũng chẳng tin pháp Đại Thừa, họ rất chấp trước. Do vậy, chẳng tin vào các cõi Tịnh Độ ở phương khác. Đức Phật vì các thánh giả Nhị Thừa mà giảng kinh này, giảng pháp môn này, khuyên họ hồi Tiểu hướng Đại, lìa bỏ hóa thành, vãng sanh Phật quốc. Vì thế, pháp môn này có vô lượng vô biên công đức.

      Ngũ, miễn tấn sơ tâm Bồ Tát thân cận Như Lai cố.

      、勉進初心菩薩,親近如來故。

      (Năm là vì khuyến khích, sách tấn hàng sơ tâm Bồ Tát thân cận Như Lai).

      Đối với Đại Thừa Bồ Tát cũng dùng pháp môn này để giáo hóa họ. Tâm Bồ Tát khác với tâm Tiểu Thừa. Từ bản thân chúng ta hiện thời sẽ có thể thấy được chính mình là căn tánh Đại Thừa hay là căn tánh Tiểu Thừa? Đừng hỏi ai khác! Chính mình phản tỉnh sẽ biết ngay. Nếu là căn tánh Tiểu Thừa, sẽ chỉ cầu tự lợi, chẳng nghĩ giúp đỡ người khác. Nếu giúp đỡ người khác thì cũng rất hữu hạn, chẳng thật sự phát tâm chủ động giúp đỡ người khác. Tâm như vậy là tâm Tiểu Thừa. Tâm Bồ Tát là chủ động giúp hết thảy chúng sanh, vui vẻ giúp đỡ người khác, ưa thích giúp đỡ người khác, có thể bỏ mình vì người, đó là tâm Bồ Tát. Nếu quý vị học Phật mà là chủng tánh Bồ Tát thì là Sơ Phát Tâm Bồ Tát. [Đức Phật giảng kinh này nhằm] khuyến khích, cổ vũ hàng Sơ Tâm.

      (Diễn) Miễn tấn sơ tâm giả, Sơ Phát tâm Bồ Tát dục ư Sa Bà thế giới cứu độ chúng sanh, nhẫn lực vị sung, tự tha câu nịch, hữu hà lợi ích?

      (勉進初心者,初發心菩薩,欲於娑婆世界救度眾生,忍力未充,自他俱溺,有何利益。

      (Diễn: “Khuyến khích kẻ sơ tâm”: Hàng Sơ Phát Tâm Bồ Tát muốn cứu độ chúng sanh trong cõi Sa Bà, nhưng sức nhẫn nại chưa đầy đủ, mình lẫn người đều chết đuối, có lợi ích gì đâu?)

      Quý vị học hạnh Bồ Tát, tu pháp Lục Độ, rất tốt! Nhưng Định lực chưa đủ, trí huệ chẳng đủ, tuy tu pháp môn Lục Độ, khó tránh khỏi rất nhiều lầm lỗi, chúng ta nhất định phải biết điều này. Chúng sanh trong thế giới Sa Bà ương ngạnh, khó giáo hóa, nghiệp chướng sâu nặng. Cứu độ chúng sanh: “Cứu độ” nói đơn giản thì chính là phục vụ chúng sanh, muốn giúp đỡ chúng sanh. Quý vị tận tâm tận lực giúp đỡ họ, mà họ vẫn chửi mắng quý vị, còn nói quý vị là kẻ bất hảo. Quý vị nghe vậy cũng cảm thấy khó chịu, muốn ngã lòng thì quý vị chưa phải là Bồ Tát. Bồ Tát đạo khó hành lắm! Do vậy, tu hạnh Tiểu Thừa dễ dàng, tu hạnh Đại Thừa khó khăn!

      Nếu định lực không đủ, “nhẫn lực” chính là Định lực, trong ấy cũng bao gồm trí huệ. Định và Huệ chẳng đủ thì ta cùng người đều chẳng được lợi ích. Tôi nêu lên một thí dụ để nói với quý vị. Chúng ta chẳng bàn chuyện gì khác, bàn tới chánh pháp thì trong chánh pháp cũng phải có nhẫn lực đầy đủ mới được. Chúng ta hãy xem vì sao trong thời cổ người xuất gia lẫn tại gia tu hành chứng quả nhiều dường ấy? Trong mỗi một triều đại, quý vị đọc Cao Tăng Truyện và Cư Sĩ Truyện thấy có nhiều người thành tựu dường ấy. Vì sao hiện thời chúng ta chẳng thể thành tựu? Nói thật thà thì trước kia những thứ dụ dỗ, mê hoặc bên ngoài ít, nên họ có thể chuyên tâm, đương nhiên cũng là do mọi sự chẳng thuận tiện. Hiện thời quá thuận tiện, do quá thuận tiện nên sức dụ dỗ mê hoặc quá lớn, những thứ dụ dỗ mê hoặc quá nhiều!

      Chúng ta không nói đến những thứ dụ dỗ, mê hoặc bởi tiếng tăm, lợi dưỡng, không nói tới những thứ ấy, chỉ bàn tới Phật pháp. Trước kia, người ta muốn có được một bộ kinh điển chẳng hề đơn giản, phải đến đâu tìm kiếm? Ngoài chợ không bán. Dẫu có bán, nhưng giá tiền cao quá, người ta chết khiếp, vì sao? Vì sách do thợ làm ra. Quý vị thấy đó: Chữ trên khuôn in phải khắc từng chữ một trên ván gỗ. Mỗi tấm ván tối thiểu phải dầy chừng đó, nói chung, bản khắc ván của một cuốn sách phải chất đầy một hai gian nhà. Còn cách in sách thì như thế nào? Lấy ván khắc của từng trang, trước kia dùng mực chế bằng muội (bồ hóng) gỗ tùng[1], dùng bàn chải lông ngựa phết mực lên ván in, giấy Mao Biên[2] trải ra, áp từng tấm lên khuôn in. In một bộ sách theo kiểu này sợ rằng phải mất thời gian đến ba ngày. Quý vị hãy nghĩ xem: Mua bộ sách này phải tốn bao nhiêu tiền? Trước kia, trong phòng khách của nhà phú quý bày mấy bộ sách vì người bình thường chẳng thể mua sách nổi!

      Vì vậy, sách do đâu mà có? Sao chép. Muốn đọc một bộ kinh, lão hòa thượng truyền cho quý vị, bảo quý vị học bộ kinh nào, quý vị phải vào lầu Tàng Kinh của nhà chùa để sao chép. Người ấy tự mình sao chép một bộ, tốn công rất nhiều, nên cũng rất trân quý, rất quý trọng, suốt đời đọc bộ kinh ấy. Vì thế, hầu như ai nấy đều chuyên tu, nên có thể thành công. Hiện thời quá dễ dàng, cả bộ Đại Tạng Kinh cũng chẳng bao nhiêu tiền, người có thâu nhập trung bình thì nhà nào cũng đều có thể bày một bộ. Hôm nay mở ra cuốn này, ngày mai lật coi cuốn khác, đọc mấy chục năm mà vẫn chẳng thông suốt tí xíu nào! Kinh điển quá nhiều sẽ sanh ra sức dụ dỗ, mê hoặc, bộ này khá lắm, bộ kia cũng hay tuyệt, bộ nào cũng phải đọc qua! Có thể nói là khi đọc bộ sách này, chẳng biết đến thứ khác, đợi đến khi đã đọc xong, những thứ trước đó đều quên sạch, chẳng đạt được lợi ích!

      Căn bệnh của chúng ta là chẳng thể nhất tâm, chẳng thể chuyên. Đừng bàn tới pháp thế gian, sức dụ dỗ mê hoặc của Phật pháp cũng ghê gớm lắm! Phật pháp cũng dụ dỗ mê hoặc con người rất mạnh. Huống hồ hiện thời chùa cũng lắm, pháp sư cũng đông. Không chỉ pháp sư đông đảo, mà còn có những cư sĩ tại gia, cư sĩ tại gia làm gì vậy? Chẳng thể cao hơn pháp sư thì gắn vô một chút Mật, ta tự phong là Thượng Sư, còn cao hơn pháp sư nữa! Chỗ nào cũng đều dụ dỗ, mê hoặc con người, khiến quý vị không biết đường nào mà lần, đạo tâm của quý vị bị phá hoại! Cổ nhân nói: “Ninh động thiên giang thủy, bất hoại đạo nhân tâm” (thà khuấy động nước ngàn con sông, chẳng phá hoại tâm của người tu đạo). Hiện thời nơi nào ta cũng thấy phá hoại tấm lòng người tu đạo, quý vị không có cách gì tu hành! Bởi lẽ, tu hành là tu nhất tâm, là tu Định. Quý vị không có cách nào tu Định thì những thứ dụ dỗ, mê hoặc trong Phật môn như tôi đã nói sẽ khiến cho quý vị không biết đường nào mà theo. Do vậy, sự tự hành lẫn hóa tha của quý vị đều bị đọa lạc.

      Vì sao cổ nhân có thành tựu? Họ chuyên nhất! Do thời kỳ ấy giao thông chẳng thuận tiện, luôn phải đi bộ. Quý vị đến đạo tràng thì nhiều nhất là một đạo tràng, nếu nhiều hơn nữa thì là hai đạo tràng, chẳng thể tới rất nhiều. Hiện thời, tuy giao thông phát triển, nhưng lòng người chẳng định, phước báo chẳng bằng cổ nhân; hưởng thụ vật chất vượt trỗi cổ nhân, nhưng công phu định lực thật sự thua kém cổ nhân quá xa. Giả sử ngày nay chúng ta vẫn có thể chuyên nhất, giữ vững một bộ kinh, một pháp môn, một đạo tràng, quý vị sẽ vượt trội cổ nhân, vì sao? Nếu kéo cổ nhân sang hiện tại, sợ rằng đại đa số chẳng thể thành tựu, xác thực là như thế! Một người có thể chống lại dụ dỗ, mê hoặc chẳng dễ dàng! Trước mọi thứ dụ dỗ, mê hoặc mà vẫn như như bất động, người ấy thật sự cao minh! Vì thế, quý vị thành tựu trong hiện thời thì ngay cả cổ đức trông thấy quý vị cũng chẳng thể không cúi đầu, chẳng thể không bội phục. Do vậy, nhất định phải chuyên nhất, nhất là phải chuyên tâm tu Tịnh Độ; bởi lẽ, pháp môn này là pháp môn thành Phật trong một đời.

      (Diễn) Tất tu cầu sanh Tịnh Độ, thân kiến Di Đà, đắc nhẫn, phương khả hoàn lai cố.

      (必須求生淨土,親見彌陀,得忍方可還來故。

      (Diễn: Ắt cần phải cầu sanh Tịnh Độ, đích thân gặp Phật Di Đà, đắc [Vô Sanh] Nhẫn rồi mới có thể trở lại).

      Đây là Bồ Tát, chúng ta gấp rút niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ vì lẽ gì? Vì thỏa mãn đại nguyện độ chúng sanh của ta, từ thế giới Tây Phương quay về, thả chiếc bè Từ quay trở lại, trở về độ chúng sanh. Quý vị mang thân phận Bồ Tát, có Định lực, mà cũng có Huệ lực, Định - Huệ đầy đủ. Trong bất cứ cảnh giới nào quý vị đều có thể chẳng lay động, đều có thể chuyên nhất. Chính quý vị có thể chuyên nhất, mà cũng tạo ảnh hưởng khiến người khác chuyên nhất. Đấy chính là vô lượng vô biên công đức.

      Lục, tận nhiếp lợi độn chư căn, tất giai độ thoát cố.

      、盡攝利鈍諸根,悉皆度脫故。

      (Sáu vì có thể nhiếp trọn các căn lợi độn, đều làm cho họ được giải thoát).

      Những đoạn trên là nói về phàm phu, Nhị Thừa, Bồ Tát, câu này có phạm vi càng rộng hơn nữa: Hết thảy căn tánh đều cùng được bao gồm toàn bộ!

      (Diễn) Tận nhiếp lợi độn giả.

      (盡攝利鈍者。

      (Diễn: Nhiếp trọn các căn lợi độn...)

     Đây là nói về căn tánh của chúng sanh. Căn tánh của chúng sanh khá phức tạp. Trong Phật pháp, căn tánh được chia thành hai loại lớn là lợi căn và độn căn.

      (Diễn) Giáo tiểu, tắc bất bị đại căn.

      (教小,則不被大根。

      (Diễn: Dạy pháp nhỏ sẽ chẳng hợp với căn tánh Đại Thừa).

      Chữ “đại căn” chỉ người lợi căn. Nếu quý vị dạy pháp Tiểu Thừa, người căn tánh Đại Thừa sẽ chẳng muốn tiếp nhận, chẳng thích tu tập. Nếu quý vị giảng pháp Đại Thừa, kẻ căn tánh Tiểu Thừa chẳng tiếp nhận.

      (Diễn) Giáo đại, tắc hạ căn tuyệt phần.

      (教大,則下根絕分。

      (Diễn: Dạy pháp Đại Thừa, kẻ hạ căn trọn chẳng có phần).

      Không có phần! Giống như lúc đức Thế Tôn thị hiện thành Phật thuở ấy, giảng kinh Hoa Nghiêm suốt mười bốn ngày dưới cội Bồ Đề, đó là “giáo đại”. Phàm phu, Nhị Thừa, Quyền Giáo Bồ Tát đều chẳng có phần! Vì thế nghe kinh Hoa Nghiêm là những ai? Từ kinh văn, chúng ta thấy: Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ. “Bốn mươi mốt địa vị” chính là Thập Trụ Bồ Tát, Thập Hạnh Bồ Tát, Thập Hồi Hướng Bồ Tát, Thập Địa Bồ Tát trong Viên Giáo, kèm thêm Đẳng Giác Bồ Tát trong Viên Giáo. Những vị này đều là hàng đại Bồ Tát minh tâm kiến tánh, các Ngài nghe giảng, cảm thấy ý vị tràn trề. Những thánh giả Nhị Thừa và phàm phu khác chẳng thấy, chẳng nghe! Pháp hội của đức Phật trang nghiêm như thế, chúng ta chẳng thấy, mà cũng chẳng nghe. Phàm phu chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi lặng lẽ dưới cội Bồ Đề, ai biết Ngài đang giảng kinh Hoa Nghiêm? Ai biết có nhiều vị Bồ Tát ngần ấy đang nghe? Kẻ căn tánh nhỏ nhoi chẳng có phần trong Đại giáo! Bộ kinh này thật sự chẳng thể nghĩ bàn!

      (Diễn) Kim tắc thượng tự Bồ Tát, hạ cập du du phàm phu, vô cơ bất tiếp cố.

      (今則上自菩薩,下及悠悠凡夫,無機不接故。

      (Diễn: Nay thì trên từ hàng Bồ Tát, dưới đến kẻ phàm phu lơ mơ, không căn cơ nào chẳng tiếp độ).

      Đây chính là “thích hợp khắp ba căn, thâu trọn lợi căn lẫn độn căn”. có thể thấy được tầm rộng lớn, thù thắng của pháp môn này. Trong các buổi giảng, tôi thường nhắc nhở quý vị, bản thân tôi chấp thuận, tiếp nhận, tin tưởng, chiếu theo pháp môn này tu học là nhờ công sức của kinh Hoa Nghiêm. Tôi giảng kinh Hoa Nghiêm mười mấy năm, bắt đầu giảng từ năm Dân Quốc 60 (1971), giảng mãi cho đến hiện tại chưa hết. Đây cũng là nhân duyên không đủ, giảng kinh Hoa Nghiêm một lượt mà vẫn chưa giảng viên mãn. Đại khái chỉ giảng được nửa bộ. Thầy Lý ở Đài Trung mỗi tuần giảng một lần, lão nhân gia bắt đầu giảng từ năm Dân Quốc 53 (1964), đã giảng hơn hai mươi năm mà mới giảng được một phần ba. Vì thế, trong quá khứ, thầy Lý đã hướng về thính chúng tuyên bố: “Tôi muốn giảng kinh Hoa Nghiêm viên mãn, rồi giảng một bộ A Di Đà Kinh lần nữa xong mới vãng sanh”. Các đồng tu ở Đài Trung đặc biệt lên Đài Bắc kiếm tôi, hỏi tôi: “Ước chừng thầy còn trụ thế bao lâu?” Tôi căn cứ vào tốc độ giảng kinh trước kia, tính toán tỉ mỉ, tôi nói thầy có thể sống tối thiểu một trăm ba mươi tuổi. Nếu không, sẽ chẳng giảng xong kinh Hoa Nghiêm. Vì mỗi tuần thầy chỉ giảng một lần, còn có người phiên dịch, chỉ giảng một tiếng, nhưng bộ kinh này bản thân tôi đã giảng gần hai ngàn giờ. Bộ kinh này giảng xong phải từ hai ngàn năm trăm giờ cho đến ba ngàn giờ, phải mất thời gian dài như vậy.

      Thế nhưng năm ngoái, lão nhân gia lại thay đổi chủ ý, Ngài nói Ngài chẳng cần giảng xong kinh. Vì thế, các đồng tu kiếm Ngài: “Thưa thầy! Thầy nói kinh phải giảng xong!” Thầy nói: “Nếu tôi giảng chín mươi năm, quý vị có thể nghe chín mươi năm hay không?” Mọi người không có năng lực đến nghe giảng suốt chín mươi năm! Vì vậy, đồng tu ở Đài Trung bảo tôi: “Năm ngoái, thầy đã bảo mọi người: Ngài giảng kinh hai năm nữa rồi không giảng”. Quý vị phải biết: Ngài không giảng sẽ vãng sanh. Lúc đó, chúng tôi rất sợ thầy sẽ nhanh chóng vãng sanh, nên tìm một bộ kinh lớn để giữ thầy lại. Kinh Hoa Nghiêm cũng là do tôi khải thỉnh, tám người chúng tôi khải thỉnh, thương lượng cách giữ chân thầy như thế nào, chẳng để thầy ra đi. Mọi người suy tưởng: Chỉ có cách thỉnh thầy giảng một bộ kinh lớn! Kinh chưa giảng xong, thầy sẽ chẳng tiện ra đi! Năm nay thầy đã chín mươi tám tuổi, vẫn đang giảng kinh.

      Điều này cho thấy qua kinh Hoa Nghiêm, tôi cảm nhận sâu xa pháp môn này là pháp môn duy nhất để mười phương ba đời hết thảy chư Phật tiếp dẫn và thành tựu chúng sanh. Tốc độ giảng kinh Hoa Nghiêm của tôi nhanh hơn tốc độ của thầy Lý, vì tôi dành thời gian giảng nhiều, lúc giảng nhiều nhất là giảng suốt sáu ngày một tuần, tôi dùng thời gian nhiều hơn Ngài. Vì sao biết [pháp môn Tịnh Độ là pháp môn duy nhất để mười phương ba đời hết thảy chư Phật tiếp dẫn và thành tựu chúng sanh]? Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng, phẩm cuối cùng là Nhập Pháp Giới Phẩm. Thanh Lương đại sư chia kinh này thành bốn phần “Tín, Giải, Hành, Chứng”. Phần cuối cùng chính là Tứ Thập Hoa Nghiêm. Tứ Thập Hoa Nghiêm là một bộ kinh hết sức hoàn chỉnh, lấy Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát làm đại biểu, Thiện Tài đồng tử nêu gương cho người tu hành. Thiện Tài là ai? Thiện Tài là người tu hành, là người tu học Phật pháp Đại Thừa. “Thiện” (善) là nói người ấy có thiện căn, “Tài” (財) là nói người ấy có phước đức. Tu học Đại Thừa mà không có thiện căn, thiếu phước đức sẽ không xong! Do vậy, thiện căn và phước đức phải đầy đủ, gặp một vị thầy giỏi, một vị thiện tri thức tốt đẹp, nhân duyên đầy đủ, thật đúng như trong kinh này đã nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy). Vì vậy, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới phải trọn đủ ba điều kiện, nhất định phải có thiện căn, có phước đức, lại phải có nhân duyên gặp gỡ một vị thiện tri thức chân chánh.

      Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh là thiện tri thức chân chánh, từ chỗ này chúng ta nhận biết, thấu hiểu, lãnh ngộ: Thầy của ngài Thiện Tài là Văn Thù Bồ Tát. Văn Thù Bồ Tát tu pháp môn gì? Thưa quý vị, tu pháp môn Niệm Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong kinh Hoa Nghiêm đã nói điều này rất rõ ràng! Thiện Tài là học trò đắc ý nhất của Văn Thù, đương nhiên Ngài nhất định truyền dạy pháp môn Niệm Phật. Chúng ta hãy mở phẩm Nhập Pháp Giới đọc kỹ, quý vị sẽ biết, quả nhiên không sai, xác thực là Ngài học pháp môn Niệm Phật. Niệm vị Phật nào? Niệm A Di Đà Phật, tức là pháp môn này của chúng ta. Thiện Tài đồng tử tu pháp này. Sở dĩ đến cuối cùng Ngài tham học năm mươi ba lần, quý vị phải hiểu vì sao thầy Ngài bảo Ngài đi tham học năm mươi ba lần? Quý vị phải hiểu ý nghĩa sau đây: Năm mươi ba lần tượng trưng cho các pháp môn và tri kiến khác nhau. Nói cách khác là các thứ dụ dỗ, mê hoặc thế gian và xuất thế gian, tượng trưng cho những thứ ấy. Năm mươi ba vị thiện tri thức có vị học Phật, cũng có vị là ngoại đạo, nam, nữ, già, trẻ, các ngành nghề đều có. Trong ấy chỉ có năm vị tỳ-kheo xuất gia, cư sĩ tại gia chiếm đại đa số, ngoại đạo cũng không ít. Các thứ dụ dỗ mê hoặc như vậy, quý vị đều trông thấy, nghe thấy, nhưng tâm quý vị chẳng động; đó gọi là “năm mươi ba lần tham học”. Quý vị thấy rõ ràng, nghe rõ ràng, nhưng một câu A Di Đà Phật vẫn niệm đến tột cùng, quyết định chẳng bị lay động. Đó gọi là “năm mươi ba lần tham học”.

      Do vậy, đến cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát làm một màn biểu diễn: Mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Không chỉ dẫn Thiện Tài về Tây Phương Cực Lạc thế giới, mà còn dẫn trọn bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng đều cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ; quý vị hãy nghĩ xem điều này có ý nghĩa ra sao? Đấy là nhằm bảo quý vị: Quý vị tu hành muốn thành A La Hán, thành Bích Chi Phật, thành Bồ Tát thì có thể thực hiện được trong những thế giới phương khác. Quý vị muốn thành Phật, tức là thành Tạng Giáo Phật, thành Thông Giáo Phật, thành Biệt Giáo Phật thì đều có thể tu trong các thế giới nơi phương khác; nhưng muốn thành Viên Giáo Phật, tức Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì chỉ có một chỗ, tức là Tây Phương Cực Lạc thế giới. Qua kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy được chuyện thù thắng chẳng thể nghĩ bàn này, mới hiểu pháp môn Niệm Phật là pháp môn bậc nhất, là pháp môn phương tiện thù thắng bậc nhất để mười phương Như Lai giáo hóa chúng sanh trong vô lượng vô biên pháp môn.

      Quý vị đọc Hoa Nghiêm rồi mới chết sạch so đo, khắng khít niệm A Di Đà Phật. Trước khi thông suốt kinh Hoa Nghiêm, tôi cũng chẳng khác gì quý vị cho mấy. Hôm nay tính đọc kinh này, ngày mai toan xem kinh khác! Tôi giảng kinh hai mươi bảy năm, trong quá khứ giảng nhiều thứ quá, vì sao? Do không chống đỡ nổi sự dụ dỗ, mê hoặc. Nếu tôi vừa học Phật bắt đầu giảng kinh, liền giảng một bộ kinh, giảng bộ Di Đà Kinh Sớ Sao này suốt hai mươi bảy năm, ngày nay quý vị trông thấy tôi, ngay cả pháp sư Quảng Khâm trông thấy tôi cũng phải kêu tôi là A Di Đà Phật. Thật đấy, chẳng giả đâu!

      Sở dĩ pháp môn quý ở chỗ chuyên nhất là vì chuyên nhất bèn thành công. Quá nhiều quá tạp thì thứ gì cũng chẳng tinh, đã chẳng thể lợi người, mà cũng chẳng thể lợi mình, hết sức đáng tiếc! Chúng tôi đọc bản kinh này, thấy mấy câu của Liên Trì đại sư, cảm thấy rất hợp lý! Kinh Hoa Nghiêm tiếp độ chúng sanh căn tánh Đại Thừa, kinh Di Đà thích hợp khắp ba căn, bất luận căn cơ như thế nào cũng đều bao gồm toàn bộ, quả thật chẳng thể nghĩ bàn! Do vậy, phải hiểu: Chỗ quy túc cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm là kinh Di Đà. Văn Thù, Phổ Hiền đều cầu sanh thế giới Tây Phương, đều là Đẳng Giác Bồ Tát. Chúng ta ngàn vạn phần đừng coi thường pháp môn này, đừng coi rẻ pháp môn này. Hầu như tất cả những người thật sự thành tựu đều là niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ.

      Thất, hộ trì đa chướng hành nhân, bất tao đọa lạc cố.

      、護持多障行人,不遭墮落故。

      (Bảy là vì hộ trì hành nhân nhiều chướng ngại chẳng bị đọa lạc).

      Đối với chúng ta mà nói, điều này quan trọng nhất, vì sao? Đối với chúng ta mà nói, chúng ta có lắm chướng ngại.

     

      (Diễn) Hộ trì đa chướng giả, thử độ nghiệp phong hạo đại.

      (護持多障者,此土業風浩大。

      (Diễn: Hộ trì kẻ nhiều nghiệp chướng: Cõi này gió nghiệp to lớn mênh mông).

      “Nghiệp” là tạo nghiệp. Tạo nghiệp là gì? Thưa quý vị, khởi tâm động niệm là tạo nghiệp. Sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài bèn phân biệt, chấp trước, khởi vọng tưởng, đó gọi là “tạo nghiệp”. Tôi vừa mới nói: Hiện thời, khoa học kỹ thuật phát triển, những thứ dụ dỗ, mê hoặc quá nhiều, những sản phẩm mới khác lạ mỗi tháng, mỗi ngày. Chúng ta lợi dụng máy móc thâu phát hình ảnh để giảng kinh, chúng ta là người làm chuyện này đầu tiên ở nơi đây, bắt đầu từ sáu năm trước. Hiện thời, những máy móc ấy cứ mỗi ba tháng lại xuất hiện sản phẩm mới, những thứ trước kia đều trở thành lạc hậu. Sức dụ dỗ, mê hoặc rất lớn. Khác lạ mỗi ngày mỗi tháng, khiến cho chúng ta nghe đến hay tiếp xúc, chẳng thể không động tâm. Hễ quý vị vừa động tâm, liền bị ma khống chế. Do vậy, quý vị phải hiểu: Yêu ma quỷ quái là gì? Yêu ma quỷ quái chướng ngại quý vị, khiến quý vị sanh phiền não, giày vò quý vị. Những kẻ hằng ngày vắt óc suy nghĩ, tìm những thứ mới mẻ hoa dạng, tìm những sản phẩm mới để giày vò quý vị, là vì lẽ gì? Quý vị vừa trông thấy, trong lòng bèn nghĩ đồ đạc trong nhà mình đã lỗi thời, hãy mau mua thứ mới. Mua thứ mới chưa được mấy ngày, lại có thứ mới mẻ hơn xuất hiện. Tiền quý vị kiếm được hoàn toàn bị họ lừa sạch. Không chỉ bị họ lừa gạt, mà quý vị còn hằng ngày khổ não, lo lắng, làm cách nào cũng chẳng đuổi kịp bọn họ. Bàn tay của họ gọi là “bàn tay ma” (ma chưởng), [mọi người] đều bị bàn tay ma nắm gọn. Quý vị chẳng thoát ra được, nhưng nếu quý vị giác ngộ, ma chẳng có một tí biện pháp nào cả!

      Một bộ quần áo tôi mặc mười năm chẳng rách, mặc kệ quý vị thích hoa dạng như thế nào, tôi như như bất động, tôi vẫn mặc bộ quần áo này. Mặc bộ quần áo này ra ngoài, người ta cười cợt, dè bỉu, tôi bảo quý vị: “Cười đến chết cũng đáng, kẻ khác chết, tôi chẳng chết!” Nói chung, quý vị là kẻ được hàng Bồ Tát thương xót, chỉ sợ người khác cười chết luôn. Do vậy, quý vị vĩnh viễn bị ma khống chế, rất khổ sở! Một cái tủ lạnh mà khéo gìn giữ, tối thiểu dùng được mười năm. Quý vị thật sự hiểu rõ đạo lý này, chẳng bị lay động bởi cảnh giới bên ngoài, sẽ sống dễ dàng, sống tự tại, rất thoải mái! Nếu quý vị hằng ngày truy cầu những thứ mới mẻ hoa dạng, sẽ khổ sở chẳng kham, khổ sở quá mức! Thế nhưng mọi người đều mê, mê man những thứ mới mẻ, kiểu cọ, những kẻ [chế ra những thứ ấy] là ma, là yêu ma quỷ quái. Nếu quý vị thật sự hiểu đạo lý này, đừng để chúng nắm giữ, đừng để chúng lừa gạt, tâm phải định. Tâm quý vị đã định, ma chẳng thể làm gì quý vị được, đạo nghiệp của quý vị mới có thể tăng trưởng, cuộc sống mới có thể dư dả, mới có thể sung sướng, chẳng bị ngoại cảnh lay động. Đấy chính là nói tới “nghiệp phong to lớn mênh mông”.

      (Diễn) Trần cảnh thô cường, nan ư tu tấn.

      (塵境粗強,難於修進。

      (Diễn: Trần cảnh thô tháp, mạnh mẽ, khó thể tu hành tăng tấn).

 

      “Tu” là tu hành, “tấn” là tăng tấn. Quả thật, xã hội hiện thời là trở lực không gì lớn bằng. Chỗ nào cũng đều dụ dỗ, mê hoặc quý vị. Không chỉ hoàn cảnh bên ngoài dụ dỗ, mê hoặc, mà còn có thứ dụ dỗ mê hoặc nghiêm trọng hơn nơi mặt tình cảm con người. Các pháp sư trong đạo tràng này ta đều có tình thân thiết, quen biết, không đến sẽ ngại lắm! Có ý nghĩ “ngại lắm” ấy, đạo nghiệp của chính mình bị lầm lỡ, đúng như trong phần trước có nói: Sơ Phát Tâm Bồ Tát chẳng thể độ chúng sanh, mà cũng chẳng độ được chính mình. Do vậy, hễ suy nghĩ, sẽ thấy thái độ của lão pháp sư Ấn Quang vẫn là chính xác. Cổ nhân thường nói: “Vô sự bất đăng Tam Bảo điện” (không có chuyện gì, chẳng lên điện Tam Bảo). Quý vị đến đó để làm gì? Nghe kinh thì có thể tới, đả Phật Thất có thể tới; chứ pháp hội nhằm cầu phước, tu phước, có đến hay không chẳng sao cả! Nghe kinh hòng hiểu rõ Lý, cho nên phải tới. Niệm Phật là khảo thí công phu tu hành, cho nên cần tới. Những thứ khác đều chẳng tất yếu, quý vị đến để làm gì? Bởi lẽ, đạo nghiệp là khẩn yếu!

      (Diễn) Kim tắc niệm Phật chúng sanh, Phật thường trụ đảnh, vĩnh vô ma sự cố.

      (今則念佛眾生,佛常住頂,永無魔事故。

      (Diễn: Nay chúng sanh niệm Phật thì Phật thường ở trên đầu, vĩnh viễn không có ma sự).

      Điều này là chân thật, nhưng quý vị phải nhớ kỹ: Quý vị phải thật sự niệm Phật thì mới được. Quý vị nhất tâm trì danh, A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí thường hộ niệm quý vị. Không chỉ Tây Phương Tam Thánh hộ niệm, mà kinh này giảng đến phần sau, quý vị mới biết: Mười phương hết thảy chư Phật, không một vị nào chẳng hộ niệm, vì sao? Vì bộ kinh này là kinh được hết thảy chư Phật hộ niệm. Quý vị nhất tâm thọ trì, nói cách khác, hết thảy chư Phật, không một vị nào chẳng hộ niệm quý vị, làm sao quý vị gặp chướng ngại cho được? Đương nhiên là chẳng thể! Nếu quý vị tam tâm, nhị ý là xong, Phật chẳng thể hộ trì quý vị, vì sao? Quý vị chưa thành thục, chưa thể thành tựu trong một đời này. Nhất tâm trong một đời này ta quyết định muốn vãng sanh Tịnh Độ, vậy thì chư Phật nhất định giúp đỡ, nhất định chiếu cố, nhất định thỏa nguyện cho quý vị. Quý vị tam tâm nhị ý thì chính mình chẳng có quyết tâm. Do vậy, chẳng được chư Phật hộ niệm.

      Chư vị phải hiểu rõ đạo lý này. Không phải là Phật đối xử bất bình đẳng với chúng sanh, mà do chúng sanh có ý niệm sai biệt. Đại đa số con người miệng nói muốn vãng sanh, nhưng trong tâm vẫn chẳng có ý nghĩ ấy! Vì thế, chư Phật hiểu rất rõ, các Ngài chẳng đến làm phiền quý vị. Quý vị thật sự có ý niệm ấy, thái độ sẽ hoàn toàn biến đổi, biến đổi bắt đầu từ chỗ nào? Điều thứ nhất, quý vị mỗi ngày chỉ đọc tụng bộ kinh này, tuyệt đối chẳng đọc bộ kinh thứ hai. Tôi nói với quý vị: Thờ tượng một vị Phật, hằng ngày nhìn vào tượng vị Phật ấy. Tốt hơn nữa là tượng Phật bày ở trước mặt cũng chẳng ngó tới, thật sự chuyên tâm, thật sự nhất tâm xưng danh. Vẫn còn nghĩ phải đọc cái này, xem cái nọ; cái này khá quá, cái kia cũng rất hay, quý vị chẳng chuyên tâm. Nói cách khác, quý vị chẳng được chư Phật, Bồ Tát gia trì! Quý vị phải đặc biệt ghi nhớ điểm này!

      Vì thế, chúng ta thờ một bức tượng Phật, suốt đời đừng nên thay đổi, đừng nên cải biến, đến khi quý vị lâm chung, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn quý vị, A Di Đà Phật sẽ hiện thân giống hệt bức tượng quý vị đang thờ, chẳng thể hiện thân khác, vì sao? Quý vị hằng ngày nhìn Ngài, ấn tượng rất thân thiết. Phật, Bồ Tát tùy loại hóa thân, sẽ hiện thân tướng thân thiết nhất đến tiếp dẫn quý vị. Quý vị thờ suốt đời, lễ bái suốt đời, đến lúc ấy, Ngài quả nhiên đến đón tiếp quý vị, sẽ hoan hỷ lắm! Vì thế, thờ một bức tượng Phật, niệm một bản kinh, điều gì cũng chuyên nhất, trong mười hai thời, niệm niệm chẳng lìa bốn chữ hồng danh. Niệm sáu chữ cũng được. Đó mới là “nhất tâm trì danh”. Hôm nay đã hết thời gian rồi!

Tập 50

      Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu mươi bốn:

      (Huyền Nghĩa) Thất, hộ trì đa chướng hành nhân, bất tao đọa lạc cố.

      (玄義七、護持多障行人,不遭墮落故。

      (Huyền Nghĩa: Bảy là vì hộ trì hành nhân lắm chướng ngại khiến cho họ chẳng bị đọa lạc).

      “Chướng”: Chúng ta thường nói tới Nhị Chướng, Tam Chướng. “Đa chướng”: Nhất là trong thời Mạt Pháp, nói cách khác, trong thời đại hiện tại của chúng ta, không chỉ là ngũ dục lục trần đem lại rất nhiều chướng ngại cho chúng ta. Ví như những điều mắt chúng ta thấy, tai chúng ta nghe đều khiến chúng ta khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm là chướng ngại. Vì sao nói khởi tâm động niệm là chướng ngại? Phật pháp bất luận Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều lấy Thiền Định làm mấu chốt tu học. Nói cách khác, tám vạn bốn ngàn pháp môn chẳng qua là những phương pháp hay phương cách khác nhau, tức là có tám vạn bốn ngàn loại phương tiện hay phương pháp khác nhau, nhưng đều tu điều gì? Tu Thiền Định mà thôi! Trong kinh đã nói rõ ràng pháp môn này là “nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo”. Đây là Thiền Định, nhất tâm bất loạn là Thượng Thượng Thiền. Vì thế, chúng ta phải hiểu rõ: Chỉ cần gây chướng ngại cho nhất tâm bất loạn, khiến cho tâm chúng ta điên đảo, vọng tưởng, thì đều gọi là “chướng ngại”.

      Trong thế gian hiện thời, chướng ngại quá nhiều, không thể kể xiết! Không chỉ pháp thế gian gây chướng ngại, mà lại thưa cùng quý vị, trong Phật pháp cũng chướng ngại trùng trùng! Người thế gian bị ngũ dục, lục trần chướng lấp, đọa lạc trong sanh tử luân hồi; người xuất gia học đạo bị kiến giải gây chướng: Giới Thủ Kiến và Kiến Thủ Kiến, hai thứ kiến giải này gây chướng ngại, khiến họ chẳng đắc Thiền Định, chẳng thể đắc nhất tâm. Quả thật lắm chướng ngại! Vì thế, tôi thường khuyên các đồng tu: Chúng ta học thứ gì thì học một thứ, học hai thứ sẽ phân tâm, học ba thứ càng hỏng bét! Đúng như Thanh Lương đại sư khi giải thích đề mục kinh Hoa Nghiêm đã nói: Quý vị học nhiều thứ sẽ tăng trưởng tà kiến, đúng là chẳng giả chút nào! Tà kiến là gì? Chỉ cần là tri kiến thì đều gọi là tà kiến. Vì sao? Trong tâm thanh tịnh không có tri kiến, quý vị đọc kinh Lăng Nghiêm sẽ hiểu rõ. Tôn giả Phú Lâu Na thỉnh giáo Thích Ca Mâu Ni Phật: “Vô minh do đâu mà có?” Đức Phật bảo rõ ràng: “Tri kiến lập tri, thị vô minh bổn” (Từ trên tri kiến lại lập thêm một cái biết nữa, đó là cội gốc của vô minh). Quý vị có tri kiến, đấy chính là cội gốc của vô minh. Trong kinh Bát Nhã có câu: “Bát Nhã vô tri”. Vô tri là Phật tri Phật kiến, là tri kiến của Phật, là bản thể của cái tâm thanh tịnh, khi nó khởi tác dụng sẽ là “không gì chẳng biết”.

      Tâm Phật thanh tịnh chẳng sanh một niệm. Khi Ngài đối trước đại chúng đông đảo dường ấy, chúng ta có rất nhiều phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, khổ não, đức Phật bèn giải đáp cho chúng ta từng điều một, phá trừ cho chúng ta. Đấy chính là Ngài “không gì chẳng biết”, từ cái tâm thanh tịnh lưu lộ Bát Nhã trí chiếu. Do vậy, đó mới gọi là trí huệ chân chánh. Trí huệ chân chánh từ nhất tâm bất loạn mà có. Nói cách khác, nó vốn sẵn trọn đủ trong nhất tâm, chẳng phải do học được từ bên ngoài. Vì thế, chúng ta đã muốn tu nhất tâm bất loạn thì quý vị chỉ có thể đi theo một con đường mới hòng đạt được nhất tâm bất loạn. Quý vị đi theo hai con đường, sẽ chẳng thể nào không loạn! Quý vị đi ba con đường hay bốn con đường, mong chẳng bị loạn là chuyện không thể nào được! Vì thế, kinh chỉ cần học một thứ, thâm nhập một môn, đọc tụng cũng như thế. Đọc kinh là tu hành, là tu nhất tâm bất loạn, là Tam Học Giới - Định - Huệ hoàn thành cùng một lượt.

      (Diễn) Hộ trì đa chướng giả, thử độ nghiệp phong hạo đại.

      (護持多障者,此土業風浩大。

      (Diễn: Hộ trì kẻ lắm chướng ngại: Cõi này gió nghiệp to lớn, mênh mông).

      “Nghiệp” là nghiệp lực, “phong” (gió) là tỷ dụ. Gió là động, do nghiệp lực thúc đẩy quý vị.

      (Diễn) Trần cảnh thô cường.

(塵境粗強。

      (Diễn: Trần cảnh thô tháp, mạnh mẽ).

      Các thứ cảnh giới ngũ dục lục trần dụ dỗ, mê hoặc quý vị. Hiện thời, ngay cả Phật pháp cũng dụ dỗ, mê hoặc quý vị. Chúng ta là người nhất tâm niệm Phật, thấy đạo tràng nọ đả Thiền Thất, bên đạo tràng kia lại đang giảng kinh thuyết pháp. Ngoài ra, còn có Mật Tông đang học trì chú ở nơi kia, khiến tâm hoa của quý vị nhiễu loạn, chẳng biết noi theo đường nào! Những chuyện ấy phá hoại nhất tâm, phá hoại đạo nghiệp của quý vị. Tục ngữ có câu: “Ninh động thiên giang thủy, bất động đạo nhân tâm” (thà khuấy động nước của ngàn con sông, chẳng khuấy động tâm người tu đạo). Ngũ dục lục trần khiến tâm quý vị dao động, vô lượng pháp môn trong Phật pháp cũng khiến cho quý vị dao động. Do vậy, nguyên nhân khiến cho học Phật chẳng dễ gì thành tựu là ở chỗ này.

      Nếu có thể giữ vững một pháp, người ấy quyết định thành công. Từ xưa đến nay, những bậc đại thiện tri thức vãng sanh không có bí mật nào khác, chỉ là suốt đời giữ vững một câu A Di Đà Phật, niệm đến tột cùng, họ bèn thành công. Chẳng những họ không tiêm nhiễm ngũ dục, lục trần, mà đối với vô lượng pháp môn cũng chẳng động tâm. Trong vô lượng pháp môn, ta chỉ vâng giữ một pháp môn là đủ rồi. Nếu quý vị đối với Phật pháp và thế gian pháp thứ gì cũng đều muốn học, sẽ đúng như Ấn Quang đại sư thường quở trách những kẻ sơ học: “Muốn trở thành bậc đại thông gia, thứ gì cũng đều học, thứ gì cũng đều thông, kết quả, thứ gì cũng chẳng thể thành tựu”. Đấy chính là “tham đa, tước bất lạn” (tham nhiều, nhai chẳng nát). Mỗi thứ đều hiểu lớt phớt bề ngoài, thứ gì cũng chẳng đắc lực!

     

      (Diễn) Nan ư tu tấn.

      (難於修進。

      (Diễn: Khó thể tu hành tăng tấn).

 

       Học nhiều, chẳng những không có tiến bộ, mà tu hành cũng sanh ra lắm chướng ngại to nặng, chẳng biết tu cái gì cho tốt đẹp. Do vậy, từ xưa đến nay, trong đạo tràng nhất định có tông chỉ, có đạo phong và học phong độc đáo đặc biệt, người ở nơi ấy nhất định có thành tựu. “Đạo phong” là pháp môn tu hành, là pháp môn tiêu biểu, là pháp môn được mọi người cùng nhau tu học. Đó là đạo phong. Ví như thư viện của chúng ta đề cao pháp môn Tịnh Độ. Mỗi Chủ Nhật kết hội niệm Phật, đó là đạo phong của chúng ta. Thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu chỉ giảng một bộ A Di Đà Kinh, đó là học phong của chúng ta. Kinh của chúng ta là một bộ, giảng xong bèn giảng lại từ đầu, giảng từng biến, từng biến vĩnh viễn không ngưng nghỉ, thâm nhập một môn! [Đó gọi là học phong].

      Các vị đồng tu ở nơi đây cũng nghe rất lâu, mỗi một biến đều khác nhau, mỗi biến chẳng giống nhau. Có đồng tu nói với tôi: “Gần đây, kinh này giảng quá sâu, có những người mới học nghe không hiểu!” Không sai! Quả thật có sâu một chút. Nếu vẫn dùng phương pháp cũ như trước đây, giảng nông cạn như vậy, mọi người cũng chẳng muốn nghe, đều bỏ đi hết! Rốt cuộc, người mới đến thì ít, các đồng tu lâu năm thì nhiều, mỗi biến [giảng] khác nhau thì quý vị mới biết mỗi chữ, mỗi câu trong bộ kinh này quả thật chứa đựng vô lượng nghĩa.

      (Diễn) Kim tắc niệm Phật chúng sanh, Phật thường trụ đảnh, vĩnh vô ma sự cố.

      (今則念佛眾生,佛常住頂永無魔事故。

      (Diễn: Nay chúng sanh niệm Phật thì Phật thường ở trên đỉnh đầu, vĩnh viễn không có ma sự).

      Đây là sự thật, vì sao? Vì bộ kinh này là kinh được hết thảy chư Phật hộ niệm. Mười phương ba đời không có một vị Phật nào chẳng hộ niệm bộ kinh này, không có vị Phật nào chẳng hoằng dương bộ kinh này, không có vị Phật nào chẳng khuyên người vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Nếu quý vị niệm kinh Di Đà, tu hành pháp môn này, trong mười hai thời chẳng quên một câu A Di Đà Phật, chẳng phải là một hai vị Phật bảo vệ, che chở quý vị, mà mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều phải chiếu cố quý vị, đều phải hộ niệm quý vị, làm sao quý vị gặp ma sự cho được? Quý vị chẳng gặp! Quý vị phải cẩn thận: Người tham Thiền, người trì chú học Mật dễ gặp ma chướng. Người niệm Phật mà thật sự niệm Phật, tuyệt đối chẳng có ma chướng. Đấy là chỗ đặc biệt thù thắng của pháp môn này. Vì thế, đức Phật phải nói bộ kinh này, nhất là vì trong thời Mạt Pháp lắm chướng ngại, kinh này có thể hộ trì người tu hành, [khiến cho người ấy] chẳng đến nỗi gặp phải ma chướng, chẳng đến nỗi đọa lạc!

      (Huyền Nghĩa) Bát, đích chỉ tức hữu niệm tâm, đắc nhập vô niệm cố.

      (玄義八、的指即有念心,得入無念故。

      (Huyền Nghĩa: Tám là nhằm chỉ đích xác: Dùng ngay cái tâm hữu niệm để niệm Phật hòng nhập vô niệm).

      Điều này hết sức trọng yếu. Có rất nhiều người thường đến hỏi: “Chúng tôi nay đang dùng cái tâm phân biệt, tâm chấp trước để niệm Phật. Chúng tôi niệm bằng hữu tâm thì có thể thành công hay chăng?” Thưa quý vị, có thể thành công! Hữu tâm niệm là Sự niệm. Trì danh niệm Phật có hai phương thức: Một là Sự Trì, hai là Lý Trì. Nhất tâm bất loạn có hai thứ: Có Sự nhất tâm và có Lý nhất tâm. Hữu tâm niệm là Sự Trì, khi đạt đến vô tâm niệm bèn là Lý Trì; nhưng hiện thời chúng ta chưa thể học Lý Trì được, vì sao? Công phu chẳng đủ! Nhất định là trước hết phải từ Sự Trì, sau đấy mới tiến nhập Lý Trì. Chúng ta đừng coi thường Sự Trì, vì sao? Quyết định vãng sanh! Thế giới Tây Phương có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm. Cõi Phàm Thánh Đồng Cư và cõi Phương Tiện Hữu Dư đều do Sự Trì thành công mà vãng sanh; còn cõi Thật Báo Trang Nghiêm thì phải do Lý Trì mới có thể vãng sanh.

      Nói đến công phu niệm Phật, có thể chia thành ba tầng cấp: Thứ nhất là công phu thành phiến. Quý vị phải biết, công phu thành phiến thật sự thì quý vị thành tựu vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng có ba bậc chín phẩm, ba phẩm bậc Thượng, ba phẩm bậc Trung và ba phẩm bậc Hạ. Đại khái từ Trung Thượng trở lên, tức là bốn tầng cấp Thượng Thượng, Thượng Trung, Thượng Hạ và Trung Thượng, có thể biết trước lúc mất, tự tại vãng sanh. Vì thế, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới muốn đi lúc nào bèn ra đi lúc đó, muốn trụ thêm mấy năm bèn trụ bấy nhiêu năm thì phải niệm đến công phu nào? Thưa quý vị, niệm đến mức công phu thành phiến là được rồi. Công phu thành phiến bậc Thượng là đủ rồi, hoàn toàn chưa đạt đến nhất tâm bất loạn, chứ đã đạt đến nhất tâm bất loạn thì chẳng cần phải nói nữa.

      Khi đạt tới Sự nhất tâm bất loạn, sẽ sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư. Công phu này nếu dùng Tiểu Thừa để giảng thì tương đương với A La Hán và Bích Chi Phật, là công phu khá cao. Vì thế, A La Hán và Bích Chi Phật vẫn dùng hữu tâm, vẫn chưa đạt đến vô tâm. Nói theo Viên Giáo, vô tâm phải từ Sơ Trụ trở lên, còn trong Biệt Giáo là từ Sơ Địa trở lên. Đấy là hạng đại Bồ Tát, họ được kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Thân đại sĩ, mới đạt đến vô tâm. Do vậy, chúng ta niệm Phật, nhất định phải hiểu cảnh giới này. Công phu hiện thời của chúng ta thuộc tầng cấp nào, phải hiểu rõ ràng, minh bạch, chính mình hằng ngày phải nâng cao cảnh giới, giống như lão hòa thượng Quảng Khâm biết trước lúc mất, đến đi tự tại. Tôi thưa cùng quý vị: Mỗi một người đều có thể làm được, chỉ cần quý vị chịu tin tưởng, thật sự y giáo phụng hành, chiếu theo những lý luận, phương pháp và cảnh giới đã giảng trong kinh này để tu hành, không ai chẳng thành công.

      Lại thưa cùng quý vị: Đấy là đại sự duy nhất của chúng ta trong một đời này, những chuyện khác đều là chuyện “lông gà, vỏ tỏi” chẳng liên can gì tới mình, là chuyện thuộc về sanh tử, thuộc luân hồi, chẳng phải là chuyện liên can tới ta. Nay chúng ta muốn liễu sanh tử, vượt thoát luân hồi thì phải thành Phật trong một đời này. Kinh này đã giảng rất khéo: Dẫu là Hạ Phẩm Hạ Sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái. Chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái bèn thành Phật. Nói cách khác, chẳng vãng sanh thì thôi, chỉ cần vãng sanh thì bất luận phẩm vị cao hay thấp sẽ đều thành Phật! Còn có pháp môn nào khác có thể thù thắng hơn pháp môn này hay chăng?

     

      (Diễn) Đích chỉ hữu niệm tâm giả, hữu niệm, tức niệm Phật chi tâm, vô niệm, tức Chân Như chi Thể.

      (的指有念心者,有念,即念佛之心,無念,即真如之體。

     (Diễn: “Chỉ đích xác dùng cái tâm hữu niệm để niệm Phật”: Hữu niệm là cái tâm niệm Phật, vô niệm là Thể của Chân Như).

      “Vô niệm” là nói tới bản thể, tức là “Chân Như chi Thể”, đó là bổn tánh của Chân Như, [hay nói gọn là] bổn tánh. Lục Tổ đại sư nói rất hay: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh”, đó gọi là “vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần?” Đấy là vô niệm, vô niệm là bản thể của tự tánh. Hữu niệm là tự tánh khởi tác dụng. Hữu niệm được nói ở đây chính là cái tâm ý thức.

     

      (Diễn) Nhất thiết pháp môn, vô phi giáo nhân ly niệm, quy ư Chân Như.

      (一切法門,無非教人離念,歸於真如。

      (Diễn: Hết thảy các pháp môn, không pháp môn nào chẳng dạy người ta lìa niệm, trở về Chân Như).

      Câu này là tổng cương lãnh của toàn bộ Phật pháp. Hết thảy pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn, [kể cả] pháp môn Niệm Phật cũng không ra ngoài lệ ấy. Mục đích vãng sanh Tây Phương của pháp môn Niệm Phật là sanh vào Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Vì thế, chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn phải tiếp tục tu hành không ngừng. Nếu chúng ta sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, phải biết trên đó còn có cõi Phương Tiện Hữu Dư, cõi Thật Báo Trang Nghiêm, cõi Thường Tịch Quang. Giống như học hành trong nhà trường, quý vị đậu Đại Học mới là năm thứ nhất, phía trên còn có năm thứ hai, năm thứ ba, năm thứ tư thì mới tốt nghiệp. Pháp môn này cũng không nằm ngoài lệ ấy, cũng phải “quy ư Chân Như” (trở về Chân Như); nhưng trong các hạnh môn khác, để đạt đến cảnh giới này, phải trải qua một thời gian rất dài, thường nói là “ba đại A-tăng-kỳ kiếp”. Vô lượng kiếp tu hành mới có thể thành tựu, nhưng pháp môn Tịnh Độ thật sự thành tựu trong một đời. Chúng ta cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới trong một đời, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thành tựu viên mãn Bồ Đề cũng là một đời. Vì thế, pháp môn này được gọi là “Phật pháp thành tựu trong một đời”.

      (Diễn) Kim thử pháp môn, bất tất xả niệm, đắc nhập vô niệm cố.

      (今此法門,不必捨念,得入無念故。

      (Diễn: Nay pháp môn này không cần xả niệm mà nhập vô niệm).

     

      Chúng ta chẳng khởi nghi hoặc, chẳng bận lòng, một câu Phật hiệu niệm đến tột cùng, cũng chẳng cần phải hỏi là hữu niệm hay vô niệm, cứ niệm là được rồi. Niệm đến khi tâm cảnh của quý vị thanh lương, tự tại, tự nhiên sẽ có cảm ứng. Đó là chỗ thù thắng của pháp môn này.

      (Huyền Nghĩa) Cửu, xảo thị nhân ư vãng sanh, thật ngộ Vô Sanh cố.

      (玄義九、巧示因於往生,實悟無生故。

      (Huyền Nghĩa: Chín là khéo léo chỉ bày: Do vãng sanh mà thật sự ngộ Vô Sanh).

Ý nghĩa này giảng như thế nào? Chúng ta hãy xem sách Diễn Nghĩa.

(Diễn) Thật ngộ Vô Sanh giả, pháp bổn vô sanh.

(實悟無生者,法本無生。

(Diễn: “Thật ngộ vô sanh”: Pháp vốn vô sanh).

Đây là sự thật. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật đã nói: “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ” (Pháp này trụ pháp vị, tướng thế gian thường trụ). Hết thảy pháp thật sự bất sanh bất diệt, trong cảnh giới của Bồ Tát, [sự thấy biết ấy] gọi là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Hàng Bồ Tát thuộc địa vị sâu thấy hết thảy pháp bất sanh, bất diệt. Vì thế, đức Phật nói “hết thảy pháp vô sanh”, Ngài đã thấy. “Nhẫn” có thể hiểu là “đồng ý”. Đức Phật nói hết thảy pháp bất sanh, con đồng ý, con chấp nhận, đó gọi là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Thế nhưng đối với lũ phàm phu chúng ta thì chưa được, bọn phàm phu chúng ta thấy hữu tình chúng sanh có sanh, già, bệnh, chết, vô tình chúng sanh như thực vật có sanh, trụ, dị, diệt, khoáng vật cho đến tinh cầu có thành, trụ, hoại, không. Sanh diệt trong từng sát-na, vô thường! Chúng ta thấy như vậy! Đức Phật và các vị đại Bồ Tát thấy hoàn toàn khác hẳn chúng ta. Đức Phật và các vị đại Bồ Tát thấy hết thảy pháp bất sanh bất diệt, chúng ta không có cách nào tiếp nhận điều này, không có cách gì thấu hiểu được. Nhưng điều đức Phật nói chính là chân tướng, còn những gì chúng ta thấy là “vọng tướng” (tướng hư vọng). Khi nào chúng ta mới có thể thấy được chân tướng sự thật? Tôi lại thưa cùng quý vị: Thật Tướng là thật, trong tướng đâu có chân hay vọng? Chân hay vọng là do cái tâm của chính mình.

      Cái tâm của chúng ta hiện thời là tâm sanh diệt, vọng tâm, khởi lên ý niệm, một ý niệm này vừa sanh, ý niệm kia bèn diệt, đó gọi là “sanh diệt tâm”. Dùng cái tâm sanh diệt thấy Thật Tướng của các pháp thì tướng bất sanh bất diệt cũng biến thành tướng sanh diệt, giống như dùng máy thu hình để quay phim, một giây chụp được hai mươi bốn tấm. Mỗi lần ống kính mở bèn chiếu một tấm, ngay lập tức đóng lại, sau đó mở ra lại chiếu tấm thứ hai. Trong một giây mở đóng hai mươi bốn lần, chiếu được hai mươi bốn tấm. Đặt hai mươi bốn tấm phim ấy trong máy chiếu để chiếu liên tục, quý vị sẽ thấy hình ảnh giống như thật, điện ảnh mà! Thật ra là từng tấm phim một, chúng bất động, căn bản là không có sanh diệt. Trên màn bạc quý vị thấy những động tác, nhưng nếu mở cuộn phim ra xem, nó không có động tác, bất sanh, bất diệt! Tâm chúng ta giống như ống kính đóng mở trong máy thu hình. Do cái tâm sanh diệt mà thấy cảnh giới bên ngoài là tướng sanh diệt, chuyện là như vậy đó. Vì sao Phật, Bồ Tát thấy hết thảy pháp bất sanh bất diệt? Phật, Bồ Tát đã diệt cái tâm sanh diệt, đã đạt nhất tâm bất loạn. Sanh diệt là nhị tâm, chẳng phải là nhất tâm. Nhất tâm là bất sanh bất diệt. Do vậy, quý vị dùng cái tâm bất sanh bất diệt để nhìn cảnh giới bên ngoài thì nó cũng là bất sanh bất diệt. Quý vị dùng cái tâm sanh diệt, sẽ thấy cảnh giới bên ngoài là sanh diệt.

      Những điều đức Phật đã dạy trong kinh là dựa trên Nhị Đế để thuyết pháp. Nhị Đế là gì? Một là Chân Đế, tức cảnh giới do chính Ngài đã chứng đắc, Ngài nói lời chân thật, bảo chúng ta hết thảy các pháp bất sanh bất diệt. Tục Đế là thuận theo tri kiến của mọi người, theo kiến thức thông thường, nói hết thảy pháp có sanh, có diệt, nói hết thảy pháp vô thường, tùy thuận chúng ta mà nói. Giữa Chân Đế và Tục Đế, quyết định không có mâu thuẫn, chúng ta phải thấu hiểu điều này. Pháp chân thật là “pháp vốn vô sanh”, đã là vô sanh, đương nhiên vô diệt. Trung Quán Luận giảng đạo lý này bằng “bát bất” như sau: “Bất sanh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất nhất, bất dị, bất lai, bất khứ ” (chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng một, chẳng khác, chẳng đến, chẳng đi). Câu nào cũng đều là lời chân thật.

      (Diễn) Chúng sanh mê muội, ư vô sanh trung, vọng kiến sanh diệt.   (眾生迷昧,於無生中,妄見生滅。

      (Diễn: Chúng sanh mê muội, từ trong vô sanh mà lầm lạc thấy có sanh diệt).

      Đó gọi là phàm phu, gọi là chúng sanh. Mê hoặc, điên đảo, nhìn sai chân tướng sự thật, nhìn chẳng sanh diệt thành có sanh diệt. Do vậy bèn có khổ não, hễ sanh thì quý vị bèn hoan hỷ, hễ diệt bèn đau khổ. Những thứ “khổ, lạc, ưu, hỷ, xả” ấy nói thật ra cũng là giả, cũng chẳng thật, chúng là một loại cảm nhận không đúng mực, không bình thường. Cảm nhận đúng mực bình thường sẽ gọi là Tam-muội. Chữ Tam-muội như trong kinh Phật nói được dịch [sang tiếng Hán] là Chánh Thọ. Chánh Thọ tức là sự hưởng thụ đúng mực, bình thường. Sự hưởng thụ đúng mực bình thường là thanh tịnh, trong hết thảy cảnh giới tâm không có phân biệt, chấp trước. Vì thế, nói hết thảy khổ, lạc, ưu, hỷ, xả đều chẳng nhận lấy, đó gọi là Chánh Thọ. Cái tâm ấy gọi là Phật tâm. Chúng ta học Phật chủ yếu là học cái tâm này, tâm ấy là chân tâm, là bổn tánh. Học Phật không gì chẳng nhằm khôi phục cái bổn tánh ấy mà thôi!

     

      (Diễn) Túng dục diệt sanh quy vô, kỳ sanh chuyển xí.

      (縱欲滅生歸無,其生轉熾。

      (Diễn: Nếu muốn diệt “sanh diệt” để trở về vô sanh thì cái tâm sanh diệt ấy càng mạnh mẽ).

      “Sanh” là sanh diệt. [“Diệt sanh”] là diệt trừ sự sanh diệt. “Quy vô” là vô sanh. [“Diệt sanh quy vô”] là diệt trừ sự có sanh diệt nhằm trở về vô sanh. Quý vị muốn làm như vậy sẽ bị rắc rối lớn, “kỳ sanh chuyển xí” (sự sanh diệt ấy càng thêm mạnh mẽ): “Sanh” ấy chính là tâm sanh diệt, [quý vị toan diệt trừ cái tâm sanh diệt] thì cái tâm sanh diệt ấy ngày càng lừng lẫy. Nếu quý vị không tin, có thể thử xem! Quý vị ngồi nơi đó: “Tâm tôi chuyện gì cũng không nghĩ đến, tôi niệm A Di Đà Phật”. Ngồi chưa được bao lâu, chẳng biết là bao nhiêu ý niệm từ nơi đâu khởi lên! Càng mong trấn áp những ý niệm ấy, ý niệm càng nhiều; trấn áp cách nào cũng không trấn áp được, đó là “kỳ sanh chuyển xí”. Chuyện này phiền phức lắm!

      Nói thật ra, trọn chẳng phải là lúc bình thường quý vị không có vọng niệm nhiều như thế. Lúc bình thường vọng niệm cũng nhiều ngần ấy, nhưng quý vị không cảm nhận được. Một phen lắng lòng chú ý, mới phát hiện vọng niệm nhiều dường ấy. Làm như thế nào? Quý vị đừng sợ! Từ xưa đến nay, ngay cả lúc Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, tuyệt đại đa số các đồ đệ của Ngài giống hệt như chúng ta, chẳng có sai biệt gì; nhưng quý vị phải cảnh giác: Hãy để cho vọng niệm nối theo nhau, đừng quan tâm đến chúng. Quý vị càng quan tâm, vọng niệm càng nhiều; càng cố ngăn dứt, càng chẳng được! Biện pháp tốt nhất là xoay chuyển sức chú ý. Ví như chúng ta niệm Phật, toàn bộ tinh thần tập trung nơi Phật hiệu, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, ta chỉ chú ý sao cho Phật hiệu không gián đoạn, vọng niệm sẽ mất, [vọng niệm] nhiều cũng được, ít cũng được, thiện niệm cũng được, ác niệm cũng được, nhất loạt không quan tâm đến nó. Quý vị mặc kệ vọng niệm, nó sẽ tự nhiên ít đi!

      Toàn bộ tinh thần chuyên chú nơi một câu Phật hiệu, câu Phật hiệu sẽ hữu lực. Có sức gì vậy? Có sức mạnh diệt vọng niệm. Có rất nhiều người chẳng biết phương pháp này; vọng niệm vừa khởi, kẻ ấy không dám niệm Phật nữa. Kẻ ấy nói: “Khi tôi không niệm Phật thì chẳng có vọng niệm. Khi vừa mới niệm Phật, vọng niệm càng nhiều”. Để cho vọng niệm diệt mất Phật hiệu, vậy là hỏng bét rồi! Chẳng thể được! Lầm lẫn to lớn! Do vậy, đồng tu gặp phải tình hình ấy đừng sợ hãi, nhất định phải dùng Phật hiệu để diệt vọng niệm, ngàn vạn phần đừng để vọng niệm diệt Phật hiệu, [nếu để vọng niệm diệt mất Phật hiệu thì] không có cách nào hết! Phương pháp này chính là dùng sức chú ý để dốc toàn bộ tinh thần nơi Phật hiệu, đó gọi là công phu. Vọng niệm của quý vị ngày một giảm thiểu, quý vị niệm Phật có tiến bộ, cảnh giới hết sức tốt đẹp. Khi nào niệm đến mức vọng niệm không còn nữa, đó chính là công phu thành phiến. Tuy chẳng có vọng niệm, nhưng hoàn toàn chưa đoạn phiền não, thì gọi là công phu thành phiến. Vọng niệm không có, mà phiền não cũng đoạn, quý vị đã đắc nhất tâm bất loạn.

      Ở đây có một sự khảo nghiệm, phải thường tự khảo nghiệm chính mình trong cảnh giới. Ví như quý vị gặp thuận cảnh chẳng sanh tâm hoan hỷ, trong nghịch cảnh chẳng sanh tâm nóng giận, quý vị mới thật sự nắm vững công phu ấy. Nếu nói “hiện thời, tôi không có hết thảy vọng niệm” mà người ta chửi quý vị mấy câu, tuy chẳng nổi nóng đùng đùng, nhưng nói chung vẫn có một tí bực bội, công phu quý vị nếu tính hết mức chỉ là công phu thành phiến, chưa đạt đến nhất tâm bất loạn! Vì sao? Nếu đạt đến nhất tâm bất loạn thì Kiến Tư phiền não thảy đều đoạn hết, chẳng sanh nữa, lẽ nào quý vị vẫn còn sanh [lòng bực bội]? Vẫn còn có lúc [nóng giận] trồi lên đôi chút thì chứng tỏ quý vị chưa đoạn phiền não, chỉ là công phu sâu, đè nén phiền não, khiến cho phiền não chẳng thể dấy lên hiện hành. Thứ công phu này là công phu thành phiến, là đới nghiệp vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư.

      Người thật sự đoạn phiền não, tâm chắc chắn thanh tịnh. Nay quý vị cầm dao giết người ấy, người ấy cũng chẳng có một niệm sân hận vì tâm sân hận đã đoạn, không còn tâm sân hận. Nay quý vị đem bảy báu trong khắp tam thiên đại thiên thế giới cúng dường người ấy, người ấy cũng chẳng sanh lòng hoan hỷ vì người ấy chẳng có tâm tham, đã thật sự đoạn rồi! Vì thế, hễ có mảy may ưa ghét nào, chứng tỏ quý vị chưa đoạn phiền não, công phu dù tốt đẹp đến mấy vẫn là “lấy đá đè cỏ”. Chỉ cần đá đè được cỏ, chắc chắn sẽ vãng sanh. Đó là ba bậc chín phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Dùng công phu này thì chẳng có cách nào thành tựu trong các pháp môn khác được! Trong các pháp môn khác, nhất định phải đoạn Kiến Tư phiền não rồi mới có thể liễu sanh tử, xuất tam giới. Chỉ riêng pháp môn Niệm Phật, trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, chỉ có mình pháp môn này là đới nghiệp vãng sanh, chỉ cần quý vị chế ngự phiền não là được rồi, không cần đoạn! Quý vị phải hiểu, đoạn phiền não khó lắm, khuất phục phiền não thì chúng ta có thể làm được. Trong một đời, chúng ta có thể khuất phục phiền não, không thành vấn đề! Tôi có thể nói là ai nấy đều có thể làm được, nhưng đoạn phiền não thì chẳng thấy ai cũng đều có thể làm được! Trong ngàn vạn người, khó được một kẻ!

      Trong thứ tự tu hành, nhất định là trước hết phải chế phục phiền não. Chế phục rồi tiến thêm bước nữa là mong đoạn phiền não. Đoạn phiền não rồi tiến thêm bước nữa là cầu khai trí huệ. Công phu có ba tầng cấp. Thật ra, điều này cũng chẳng khác gì những điều đã nói trong Thiền Tông. Trong tác phẩm chú giải kinh Kim Cang, cư sĩ Giang Vị Nông nói học Thiền có ba tầng cấp. Thật ra, ba tầng cấp như ông ta đã nói cũng là một thứ mang tánh nguyên tắc trong Phật pháp. Thiền chẳng tách rời, mà Giáo cũng chẳng tách rời nguyên tắc ấy. Công phu thứ nhất là quán chiếu, quán chiếu và công phu thành phiến tương đồng. Tầng thứ hai là chiếu trụ; chiếu trụ giống Sự nhất tâm bất loạn. Tầng công phu thứ ba là chiếu kiến, giống như Lý nhất tâm. Trong Tâm Kinh, “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiếnNgũ Uẩn giai Không”, đấy là chiếu kiến, là tầng công phu cao nhất. Đối với người niệm Phật, [công phu này] là Lý nhất tâm bất loạn; nhưng thấp hơn công phu này thì nhất định phải có chiếu trụ hay quán chiếu. Vì vậy, yêu cầu thứ nhất của chúng ta trong hiện thời là mong sao một câu Phật hiệu có sức mạnh hàng phục phiền não.

      Thật ra, phương pháp trong kinh Kim Cang không hay bằng pháp môn Niệm Phật. Trong kinh Kim Cang, tôn giả Tu Bồ Đề nêu ra hai câu hỏi: Nên trụ như thế nào và nên hàng phục cái tâm như thế nào. Đem hai câu này hỏi người niệm Phật thì đâu cần phải nói nhiều như thế? Tôi phải làm thế nào để hàng phục vọng niệm và cái tâm vọng tưởng ư? Niệm A Di Đà Phật là được rồi! Tâm của tôi phải trụ ở nơi đâu ư? Trụ nơi A Di Đà Phật là được rồi! Quý vị thấy đó: Kinh Kim Cang nói dài dòng dường ấy, đối với người niệm Phật, một câu A Di Đà Phật giải quyết hết sạch, đơn giản hơn nhiều! Pháp môn này đúng là đơn giản nhất, thẳng chóng nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, chí viên, chí đốn, chẳng phiền phức tí nào. Pháp môn này thù thắng, những điều tốt đẹp trong pháp môn này quá nhiều!

     

      (Diễn) Kim nãi xảo thị vãng sanh, thật ngộ Vô Sanh cố.

      (今乃巧示往生,實悟無生故。

      (Diễn: Nay bèn khéo chỉ bày vãng sanh để thật sự ngộ Vô Sanh vậy).

 

      “Ngộ Vô Sanh” là ngộ Vô Sanh Pháp Nhẫn, [người ngộ Vô Sanh] là Pháp Thân đại sĩ, Lý nhất tâm bất loạn. Không cần tu Lý nhất tâm bất loạn ở nơi đây, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi sẽ tu, chắc chắn thành công! Tu tại nơi này, thật là khó khăn. Ở nơi đây, trước hết, chúng ta chỉ tu giai đoạn thứ nhất để cầu vãng sanh. Sau khi đã vãng sanh, chúng ta lại tu Vô Sanh Pháp Nhẫn. Kinh Nhân Vương có nói Ngũ Nhẫn Bồ Tát, tức là chia Bồ Tát thành năm loại. Vô Sanh Pháp Nhẫn Bồ Tát thuộc loại thứ tư [trong Ngũ Nhẫn], thuộc tầng cấp thứ tư, địa vị này rất cao. Vô Sanh Pháp Nhẫn được chia thành ba phẩm: Thượng phẩm là Cửu Địa Bồ Tát (Thiện Huệ Địa Bồ Tát), trung phẩm là Bát Địa tức Bất Động Địa Bồ Tát, hạ phẩm Vô Sanh Pháp Nhẫn là Thất Địa tức Viễn Hành Địa Bồ Tát. Cao hơn [Vô Sanh Pháp Nhẫn] là Tịch Diệt Nhẫn cũng có ba phẩm: Hạ phẩm là Thập Địa tức Pháp Vân Địa Bồ Tát, trung phẩm là Đẳng Giác, thượng phẩm là Phật, địa vị này hết sức cao. Đức Phật dùng phương tiện thiện xảo chân thật chỉ dạy chúng ta một con đường, bảo chúng ta cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thật sự ngộ nhập “hết thảy các pháp vốn bất sanh”, ngộ nhập cảnh giới ấy. Nói cách khác, thấp nhất cũng là Thất Địa, Bát Địa, Cửu Địa Bồ Tát, hết sức gần với Phật.

      (Huyền Nghĩa) Thập, phục minh kính lộ tu hành, kính trung chi kính cố.

      (玄義十、復明徑路修行,徑中之徑故。

      (Huyền Nghĩa: Mười, lại chỉ rõ đường tắt tu hành, là đường tắt nhất trong các đường tắt).

      Chúng ta cũng hết sức vui thích mong cầu, “kính lộ” là đường gần. Ai muốn đi đường vòng? Ai muốn đi đường xa xôi? Bất luận chúng ta đến nơi nào, đều mong đi theo đường gần nhất, đỡ mất thời gian, đỡ tốn sức. Trong Phật pháp, Tiểu Thừa là đường xa, Đại Thừa là đường gần. Trong Đại Thừa, trong các con đường tắt lại có con đường tắt hơn. Thiền là đường tắt nhất trong những con đường tắt, nhưng trong Thiền lại có đường tắt hơn nữa là niệm Phật! Vì thế, niệm Phật được gọi là “kính trung kính hựu kính” (là con đường tắt hơn con đường tắt nhất trong những con đường tắt). Nói cách khác, nó là con đường gần nhất để thành Phật, quyết định có thể thành Phật trong một đời. Chúng ta thấy: Qua các đời, những vị đại đức vãng sanh bất luận xuất gia hay tại gia, chẳng biết bao nhiêu vị từ Thiền mà quay lại. Lão hòa thượng Quảng Khâm từ Thiền trở về Tịnh, Ngài vốn là người đi theo đường tắt, phát hiện nơi đường tắt còn có một con đường tắt hơn nữa, Ngài đi theo con đường gần nhất bèn thành tựu. Chúng ta phải thật sự giác ngộ điều này!

      (Diễn) Niệm Phật, dĩ thị tu hành kính lộ, nhi trì danh niệm Phật, đản dĩ tứ tự hồng danh, trực đăng Bất Thoái, sự bất phiền nhi công cực đại, cố vi kính trung chi kính.

      (念佛,已是修行徑路。而持名念佛,但以四字洪名,直登不退,事不繁而功極大,故為徑中之徑。

      (Diễn: Niệm Phật đã là đường tắt trong tu hành, mà trì danh niệm Phật chỉ dùng bốn chữ hồng danh để lên thẳng Bất Thoái, hành trì chẳng phiền phức mà thành công to lớn nhất, cho nên nó là đường tắt nhất trong các con đường tắt).

      Đây là dựa theo Niệm Phật để nói. Có rất nhiều phương pháp niệm Phật: Có Quán Tưởng, Quán Tượng, Thật Tướng và Trì Danh, nhưng Trì Danh là thuận tiện nhất, là con đường tắt trong tu hành. Trong một đời này, chúng ta có thể gặp gỡ pháp môn này, quý vị phải biết đó là do thiện căn, phước đức, nhân duyên tu thành trong vô lượng kiếp. Ba điều kiện ấy quý vị đều có đủ, đúng như kinh Di Đà đã dạy: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (Chẳng thể dùng một chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà hòng sanh về cõi ấy). Nay chúng ta hội đủ cả ba điều kiện ấy, lẽ đâu chẳng vãng sanh? Nhất định vãng sanh! Nếu chẳng thể vãng sanh, hãy tự trách chính mình lười nhác, chính mình nghiệp chướng nặng nề, nghe [giảng giải pháp môn Tịnh Độ] xong mà đối với pháp môn này vẫn nửa tin nửa ngờ! Thế nào là nửa tin nửa ngờ? Quý vị chẳng chuyên tâm, vẫn muốn học pháp môn khác, vẫn muốn đọc kinh điển khác, chẳng thật sự tin tưởng pháp môn này, đó gọi là nghiệp chướng.

      Điều gì khiến cho nghiệp chướng không còn? Trong một đời này, ta niệm bộ kinh này, niệm một câu A Di Đà Phật, nghiệp chướng gì cũng chẳng không còn! Quý vị hãy nghĩ xem, quý vị còn có chướng ngại nào nữa! Quý vị nghe ở nơi kia đang kinh Pháp Hoa, tâm lại động: “Kinh Pháp Hoa tuyệt lắm!” Đó là nghiệp chướng! Chướng ngại ngay lập tức dấy lên, quý vị đã khởi nhị tâm. Lại nghe ngóng ở chỗ nọ: “Kinh Bát Nhã khá quá! Kinh Bát Nhã là mẹ của chư Phật”, tâm lại động, lại toan học Bát Nhã. [Trông thấy] vị pháp sư nọ trì giới, lại đắp y trì bát. Đúng là một gã hồ đồ, đó gọi là nghiệp chướng. Thứ gì cũng đều chẳng làm, [chỉ nên] làm một thứ thôi, nghiệp chướng bèn tiêu trừ, không còn nữa. Vì thế, tiêu trừ nghiệp chướng, có thể tiêu trừ sạch sẽ nghiệp chướng hay không là do chính mình nhận biết, là do một niệm của chính mình. Trong các buổi giảng, tôi thường nhắc nhở quý vị đồng tu: Tập khí của chúng ta quá nặng, tâm tham không buông xuống được, thứ gì cũng đều muốn học, thứ gì cũng đều muốn biết một chút! Biết nhiều, nghiệp chướng nhiều! Cổ nhân nói: “Tri sự đa thời, phiền não đa” (Khi càng biết nhiều, càng lắm phiền não). Quý vị biết kinh điển nhiều quá! Tri kiến của quý vị nhiều quá! Tri kiến là chướng ngại của người học Phật. Phiền não nhiều, nhất định đọa trong tam ác đạo. Tri kiến nhiều, đạo nghiệp chẳng thể thành tựu. Tri kiến chướng ngại pháp xuất thế gian, phiền não chướng ngại pháp thế gian. Do vậy, càng ít tri kiến càng tốt!

       Nhưng người trẻ tuổi tập khí nặng nề, căn bệnh này to đùng. Tôi nói với quý vị, quý vị chẳng phục. Quý vị vẫn muốn học nhiều, học rộng, nghe nhiều, vẫn muốn thân cận nhiều vị thiện tri thức, đến các nơi quy y loạn xạ: Tôi quy y bảy tám vị thầy, người kia quy y mười mấy vị thầy, đúng là hết biết nói gì nữa! Thầy đông quá, quý vị nghĩ xem: Phải học theo vị nào mới nên? Vị sư phụ này bảo tôi học Thiền, vị sư phụ kia bảo tôi học Mật. Được rồi, tôi học hết, học một đống loạn cào cào, kết quả là thứ gì cũng học chẳng thành! Quý vị phải hiểu rõ chân tướng sự thật này: Ngày hôm nay quý vị có thể ngồi tại giảng đường này trong một tiếng rưỡi là do trong đời đời kiếp kiếp về trước, quý vị đều là người tu hành đã thân cận chư Phật Như Lai. Vì sao ngày hôm nay lại đọa lạc đến mức này? Là vì quý vị muốn học rộng nghe nhiều, muốn thân cận nhiều vị thiện tri thức, muốn quy y nhiều vị pháp sư. Vì thế, hôm nay thành ra nông nỗi này, đã sai lầm rồi! Thật sự muốn giác ngộ thì phải nhanh chóng quay đầu, chỉ đi theo một con đường, đi hai con đường chắc chắn chẳng thông! Một bộ kinh, một pháp môn, nhất là pháp môn này thật sự đơn giản!

      “Đản dĩ tứ tự hồng danh” (chỉ dùng bốn chữ hồng danh) A Di Đà Phật, “trực đăng Bất Thoái” (lên thẳng Bất Thoái), chúng ta chớ nên xem thường, đọc lướt qua câu này. Phải hiểu “trực đăng Bất Thoái” chẳng phải là chuyện tầm thường! Ba thứ Bất Thoái thì mức độ thấp nhất là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, có phần nơi hội Hoa Nghiêm, là Pháp Thân đại sĩ. Chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái chính là Đẳng Giác Bồ Tát, ngang bằng với Quán Âm, Thế Chí.

      “Sự bất phiền nhi công cực đại”: Niệm một câu A Di Đà Phật đúng là đơn giản, dễ hiểu, chẳng phiền phức. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, không một pháp môn nào có công đức lợi ích sánh bằng được! Thế nhưng vấn đề mấu chốt là quý vị có thật sự tin hay không? Đối với hết thảy pháp thế gian lẫn xuất thế gian quyết chẳng động tâm, đó là “chân tín”. Quý vị còn đọc kinh khác, xem sách khác, còn đến các nơi nghe người ta giảng diễn, tức là quý vị không có chân tín, như vậy là vô ích! Chân tín là chết sạch so đo, khăng khăng nơi một môn này. Đối với những kinh sách xếp nơi giá sách bên cạnh, thấy mà như chẳng thấy, chẳng liên can gì với ta. Những thứ đó để cúng dường người khác, cúng dường những người chẳng tin, còn ta đã tin rồi, Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa để cúng dường chúng ta. Những thứ khác thuộc Tam Tạng mười hai phần giáo để cúng dường những ai chưa tin.

      Thật sự đầy đủ Tín - Nguyện - Hạnh thì người ấy chỉ có một bộ kinh này, những kinh khác đều buông xuống hết. Đấy mới là thật sự đầy đủ lòng tin thanh tịnh, tín tâm kiên định. Ngẫu Ích đại sư nói rất hay, điều kiện để vãng sanh thế giới Tây Phương là tín nguyện, điều kiện khiến cho phẩm vị cao hay thấp là “trì danh sâu hay cạn”. Quý vị càng niệm nhiều, phẩm vị sẽ cao, niệm ít thì phẩm vị thấp. Có thể vãng sanh hay không là do tín nguyện quyết định. Nếu quý vị tam tâm nhị ý, đấy chẳng phải là chân tín. Vì thế, có tín tâm kiên định, tín tâm thanh tịnh thì trong một đời này, chúng ta nhất định thành tựu, quyết định chẳng bị lỡ làng. Vì thế, pháp môn này chẳng khó!

      Tôi giảng kinh tới nay là hai mươi bảy năm rồi, mọi người hỏi tôi về tâm đắc, A Di Đà Phật là tâm đắc của tôi. Nếu tôi chẳng giảng suốt hai mươi bảy năm, tôi cũng chẳng tin tưởng! Tôi học Phật hơn ba mươi năm, giảng kinh hai mươi bảy năm, bản thân tôi thể nghiệm được. Vì thế, hiện thời tôi chẳng giảng những thứ khác. Có những đồng tu trong số quý vị nghe tôi giảng kinh Hoa Nghiêm, quý vị thấy tôi giảng kinh Hoa Nghiêm là giảng về gì vậy? Toàn là giảng A Di Đà Kinh. Cầm cuốn kinh Hoa Nghiêm để giảng kinh A Di Đà, câu nào cũng đều là giảng kinh A Di Đà, bản thân tôi thật sự đạt được điều tốt đẹp này, thật sự đạt được lợi ích này. Tôi thưa cùng quý vị: Tôi quyết định vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, tôi nắm chắc điều ấy, quyết định vãng sanh! Khuyên mọi người đều nên vãng sanh, tốt đẹp lắm! Có nhiều người muốn di dân sang Mỹ, không nên! Nước Mỹ vẫn nằm trong lục đạo luân hồi! Nhất định phải di dân sang Tây Phương Cực Lạc thế giới mới là ổn thỏa, thích đáng. Chúng ta tiếp tục đọc phần Sớ, đó là lời chú giải cho đoạn văn Huyền Nghĩa.

      (Sớ) Thích kiến hạ văn.

      (釋見下文。

      (Sớ: Lời giải thích xin xem trong kinh văn ở phần sau)

 

      “Thích” (釋) là giải thích. Trong phần sau, Liên Trì đại sư sẽ giải thích tường tận từng điều. Ở đây, chúng ta nói đại lược, chẳng qua nhằm giảng diễn đề mục mà thôi, nội dung đều nằm trong những phần sau.

      (Sớ) Nhi sanh khởi hữu tự, dụ như câu tỏa.

      (而生起有序,喻如鉤鎖。

      (Sớ: Nhưng sanh khởi có thứ tự, ví như các mắt xích).

      Đây là nói rõ: Mười ý nghĩa này mỗi điều đều có quan hệ liên đới, trước tiên nói điều thứ nhất, từ điều thứ nhất sanh ra điều thứ hai, từ điều thứ hai lại sanh ra điều thứ ba. Mười ý nghĩa liên kết với nhau. Vì sao biết? Đoạn văn này do chính Liên Trì đại sư tự viết, Ngài chỉ sợ chúng ta không thấy rõ nên bảo cho chúng ta biết.

      (Sớ) Sơ, dĩ chúng sanh mê nịch, vị tác tân lương.

      (初、以眾生迷溺,為作津梁。

      (Sớ: Điều thứ nhất, do chúng sanh mê muội, chìm đắm nên làm cầu bến cho họ).

      Đây là ý nghĩa thứ nhất trong phần nhân duyên. Chúng sanh quả thật đáng thương, mê hoặc, điên đảo, “” (迷) là ngu si, vô minh, “nịch” (溺) là chìm đắm trong ngũ dục lục trần, không có sức để tự mình vượt thoát. Vì thế, Phật, Bồ Tát đại từ đại bi làm “tân lương” cho chúng ta. “Tân” (津) là bến đò, “lương” (梁) là cái cầu. Chính quý vị không có năng lực vượt sông, hễ vượt sông sẽ chết đuối, các Ngài đại từ đại bi dựng cầu cho quý vị để quý vị bình an vượt qua. Đây là nói tỷ dụ.

     Phật độ chúng sanh bằng chính pháp môn Niệm Phật này, đây gọi là “độ rốt ráo, độ chân thật”, những pháp môn khác đều là phương tiện độ, người thật sự thấu hiểu ý nghĩa này không nhiều. Bản thân tôi lãnh hội điều này, được đắc lực là nhờ mười lăm năm giảng kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng là mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, nên tôi mới hiểu niệm Phật cầu sanh thế giới Cực Lạc là độ rốt ráo, là độ chân thật. Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong Hoa Tạng hải hội còn phải cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đủ thấy dẫu sanh về Hoa Tạng, sau đấy vẫn cần phải quay một vòng, vẫn phải vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng đi thẳng thừng, rốt ráo, thỏa đáng như chúng ta, tôi mới bèn thật sự thấu hiểu vì sao kinh này gọi là “kinh được hết thảy chư Phật hộ niệm”. Mười phương thế giới hết thảy chư Phật độ chúng sanh, chỉ có một pháp môn này. Người ta không tin tưởng pháp môn này, nên [đức Thế Tôn mới phải] quẹo đường vòng, nói ra các pháp môn khác, nói tới cuối cùng, vẫn phải quay về pháp môn này, đó là sự thật ngàn vạn phần xác đáng.

      Nói cách khác, bất luận quý vị tu học một pháp môn nào, đến cuối cùng chẳng tu pháp môn này sẽ không được! Quý vị nói dù cao, dù hay đến đâu đi nữa, Thiền cũng thế, mà Mật cũng thế, bất luận người ấy học pháp nào, đến cuối cùng, chẳng tu pháp này sẽ chẳng viên mãn Bồ Đề! Vì thế, có thể tiếp nhận, tin tưởng pháp môn này, chiếu theo pháp môn này để tu học sẽ là đại thiện căn, đại phước đức! Chúng ta nhất định phải cảnh giác điều này, cũng phải do may mắn chúng ta mới có thể gặp gỡ pháp môn này; đó là nhờ thiện căn, phước đức, nhân duyên từ vô lượng kiếp đến nay, thật sự giống như trong bài kệ Khai Kinh đã nói: “Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ”.

     

      (Sớ) Nhị, sở dĩ năng vi tân lương giả, vị hữu tối thắng phương tiện cố.

      (二、所以能為津梁者,為有最勝方便故。

      (Sớ: Thứ hai, sở dĩ có thể làm cầu bến là vì có phương tiện tối thắng).

 

      Vì sao nói là có thể làm cầu bến cho chúng sanh? Là vì có phương tiện thù thắng nhất.

      (Sớ) Tam, hà danh tối thắng phương tiện? Dĩ năng trực độ phàm phu cố.

      (三、何名最勝方便,以能直度凡夫故。

      (Sớ: Ba, vì sao gọi là phương tiện tối thắng? Do có thể trực tiếp độ phàm phu).

      Chẳng đi đường vòng, mà là thẳng chóng. Do thành tựu trong một đời, chẳng giống như các pháp môn khác phải chuyển qua bao nhiêu khúc quanh, quẹo bao nhiêu góc, đến cuối cùng vẫn phải trở về nơi đây. Pháp môn này thẳng chóng cho nên là phương tiện tối thắng.

      (Sớ) Tứ, khởi độc phàm phu, diệc độ Nhị Thừa thánh nhân cố. Ngũ, khởi độc Nhị Thừa, diệc độ Bồ Tát cố. Lục, khởi độc nhân trung, diệc phổ độ nhất thiết chúng sanh cố.

      (四、豈獨凡夫,亦度二乘聖人故。五、豈獨二乘,亦度菩薩故。六、豈獨人中,亦普度一切眾生故。

      (Sớ: Bốn, há chỉ độ phàm phu mà còn độ thánh nhân Nhị Thừa. Năm, há chỉ độ Nhị Thừa, mà còn độ Bồ Tát. Sáu, há chỉ độ con người mà còn độ khắp hết thảy chúng sanh).

      Mấy câu này có thể nói gộp lại, tức là như thường nói “thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn”, trên là từ bậc Đẳng Giác Bồ Tát, dưới đến chúng sanh trong địa ngục, không một ai chẳng độ, đủ thấy pháp môn này rộng lớn thù thắng. Nguyên tắc là một, chỉ cần quý vị tin tưởng, chỉ cần quý vị phát nguyện là được rồi, chỉ cần quý vị niệm một câu Phật hiệu đến tột cùng thì sẽ thành công. Quý vị phải hiểu: Tín nguyện thanh tịnh cũng có thể diệt tội, cũng có thể trừ chướng. Tôi vừa mới nói: Tôi thật sự tin tưởng môn này, những môn khác tôi không quan tâm đến, chướng ngại của tôi không còn nữa, tội chướng tiêu trừ rồi!

      “Tôi tin tưởng pháp môn này, nhưng vẫn tu tập pháp khác”, vậy là chướng ngại của quý vị chưa tiêu trừ, lòng tin chưa thanh tịnh, giống như năm trước, khi tôi giảng kinh ở Mỹ, cũng đặc biệt nhấn mạnh pháp môn Niệm Phật. Ở Mỹ, phong khí học Thiền và Mật hết sức mạnh mẽ, tôi giảng xong, trong thính chúng có không ít người quay đầu; nhưng có người bèn hỏi các đồng tu của họ, trong số ấy có mấy người rất có địa vị, tiếng tăm, hỏi họ: “Nghe như thế nào?” Họ nói: “Rất hay! Tôi phát tâm tu Tịnh Độ”. Người ta hỏi: “Chuyện tu Mật của ông thì tính sao?” “Tạm thời chẳng buông bỏ, tôi còn thử xem có linh hay không?” Người ấy tạm thời [ngưng tu Mật], chẳng buông bỏ, đó là lòng tin chưa thanh tịnh! Nếu lòng tin thật sự thanh tịnh thì đã bỏ phía bên kia rồi. Lòng tin đã thanh tịnh, đích xác tiêu tai, thoát nạn, diệt tội, trừ chướng; vì thế, người ấy nhất định vãng sanh.

      Quý vị hằng ngày muốn tiêu tai diệt tội, chẳng biết dùng phương pháp nào cho tốt đẹp. “Tôi lạy Lương Hoàng Sám, tôi bái Thủy Sám”, những thứ ấy đều gọi là xen tạp! Nếu tín tâm thanh tịnh, những thứ ấy đều buông xuống hết, chướng ngại không còn nữa. Tâm thanh tịnh, tội chẳng còn. Trong tâm có vọng niệm, bèn có nghiệp chướng, có tội nghiệp. Quý vị phải hiểu rõ đạo lý này, suy nghĩ kỹ càng đạo lý này. Suy nghĩ thông suốt đạo lý, quý vị sẽ chịu làm, mà cũng yên lòng, nhất định không có nghi hoặc! Sau đó, câu Phật hiệu của quý vị mới có thể đắc lực.

      (Sớ) Thất, khởi độc bình xứ độ sanh, thiên độ chướng ngại cố.

      (七、豈獨平處度生,偏度障難故。

      (Sớ: Bảy, nào phải chỉ độ những chúng sanh bình thường, mà còn riêng độ [những kẻ gặp] chướng ngại).

      Ý nghĩa này càng thù thắng. Chẳng những chúng sanh bình thường có thể đắc độ, mà còn khăng khăng độ những chúng sanh mắc chướng nạn đặc biệt nặng nề. Đây là nói đến bản thân chúng ta vậy. Chúng ta nay quả thật là nghiệp chướng nặng nề, ngày nay chúng ta gặp nạn cũng nặng nề hơn cổ nhân, chướng nạn lớn nhất trong các chướng nạn. Pháp môn này thật sự độ chúng ta.

      (Sớ) Bát, tuy vân độ sanh như thị quảng đại, thật bất ly chúng sanh nhất niệm đắc nhập vô niệm cố.

      (八、雖云度生如是廣大,實不離眾生一念得入無念故。

      (Sớ: Tám, tuy nói độ sanh rộng lớn như thế, nhưng thật ra chúng sanh chẳng lìa nhất niệm mà được nhập vô niệm).

      Câu này là nói theo Lý, nhằm đặc biệt củng cố tín tâm cho chúng ta, khiến cho chúng ta thấu hiểu pháp môn này quyết chẳng thua các pháp môn khác. Vì sao? Pháp môn này có căn cứ lý luận cao nhất, thù thắng nhất.

      (Diễn) Niệm nhập vô niệm giả, niệm thể bổn Không, nhân vọng cố hữu.

      (念入無念者,念體本空,因妄故有。

     (Diễn: “Từ hữu niệm nhập vô niệm”: Bản thể của niệm vốn là Không, do vọng mà thành có).

      Phàm là hữu niệm thì đều gọi là vọng niệm.

      (Diễn) Kim dĩ vọng tức vọng, như dĩ độc công độc, bệnh dũ, thể bình, vọng cùng, chân lộ cố.

      (今以妄息妄,如以毒攻毒,病愈體平,妄窮真露故。

      (Diễn: Nay dùng vọng để dứt vọng, như dùng độc trị độc, bệnh lành, thân thể bình phục, vọng hết, chân lộ).

       Mấy câu này nêu ra lý luận. Trong tất cả vọng niệm, nay chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật có phải là vọng niệm hay chăng? Đương nhiên là vọng niệm, nhưng quý vị phải hiểu: Có những vọng niệm gần với chánh niệm. Có những vọng niệm hoàn toàn tương phản với chánh niệm một trăm tám mươi độ. Trong hết thảy vọng niệm, chỉ có duy nhất một niệm này (niệm A Di Đà Phật) là gần gũi với chánh niệm nhất. Một niệm này nhắc nhở quý vị trong từng niệm hãy lìa hết thảy vọng niệm. Nếu chúng ta thêm Nam-mô vào một niệm này thành Nam-mô A Di Đà Phật sẽ có nghĩa là “quy y Vô Lượng Giác”. Giác là chánh niệm, bất giác là vọng niệm. Do vậy, niệm niệm quy y Vô Lượng Giác. Do vọng niệm này gần với chánh niệm nhất, cho nên gọi là phương pháp “dĩ độc công độc, dĩ vọng tức vọng” (dùng độc để trị độc, dùng vọng để dứt vọng). Một câu A Di Đà Phật dứt hết thảy vọng niệm.

      Tôi vừa mới thưa cùng quý vị: Khi niệm Phật, có vọng niệm dấy lên. Khi vọng niệm dấy lên, đừng quan tâm tới nó, hãy tập trung tinh thần vào câu Phật hiệu, căn bản là ta không quan tâm xem vọng niệm ấy dấy lên hay diệt mất. Đấy là dùng một niệm để đối phó hết thảy vọng niệm. Công phu sử dụng lâu ngày, dùng dăm ba năm, trong thời gian tàn một cây hương, tức là từ một tiếng đến một tiếng rưỡi, trong một câu Phật hiệu này chẳng dấy lên vọng niệm nào, hoặc là nếu trong [thời gian ấy, niệm] một câu Phật hiệu mà còn khởi lên dăm ba vọng niệm, công phu của quý vị khá tốt, chẳng giống như hiện thời: Niệm được một hai phút, không biết bao nhiêu là vọng niệm sanh khởi. Đây chính là kinh nghiệm của cổ nhân, dùng biện pháp “dùng vọng dứt vọng, dùng độc trị độc”.

      “Bệnh dũ” (lành bệnh) chính là vọng niệm chẳng sanh, tâm khôi phục sự thanh tịnh. Vọng niệm chẳng sanh là công phu thành tựu. Công phu thành phiến đạt từ trung phẩm trở lên là vọng niệm chẳng sanh. Có đoạn vọng niệm hay chưa? Chưa đoạn! Vì công phu của quý vị rất đắc lực, cho nên vọng niệm chẳng sanh. Thưa cùng quý vị, đạt đến mức vọng niệm chẳng sanh thì quý vị đã cảm ứng đạo giao cùng chư Phật. Nói cách khác, quý vị đã nhận biết tin tức về Tây Phương Cực Lạc thế giới, tự mình pháp hỷ sung mãn. Quý vị rất có tín tâm đối với chuyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đã đạt được tin tức rồi, tín tâm tăng trưởng.

Vì thế, trong thế gian này, phải biết tiếng tăm, lợi dưỡng, phú quý, những thứ lộn xộn ấy đều là giả, đừng phí uổng thời gian tốt đẹp vào những chuyện ấy! Làm những chuyện ấy, nói chung là sanh tử luân hồi, tạo nghiệp tam ác đạo. Vì thế, hiện thời tu đạo là tu đạo gì vậy? Tu ba ác đạo! Tu tham - sân - si chẳng phải là tu ba ác đạo đó sao? Đều là đạo! Người ta nói người ta tu đạo, không sai? Kẻ ấy tu, nhưng tu ba ác đạo! Hằng ngày tu cái tâm tham là tu ngạ quỷ đạo, thấy người khác bèn ghen ghét, sân hận là tu địa ngục đạo, tà chánh, thị phi không rõ ràng, hồ đồ, mờ mịt là tu súc sanh đạo. Kẻ ấy tu những đạo ấy!

(Diễn) Sanh đắc vô sanh giả, sanh vô hữu Thể, dĩ niệm vi Thể.   

(生得無生者,生無有體,以念為體。

(Diễn: “Do sanh mà đắc vô sanh”: Sanh không có Thể, lấy niệm làm Thể).

Niệm” là vọng niệm, hết thảy pháp sanh diệt đều từ tâm sanh diệt biến hiện ra. Đúng là “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (phàm những gì có hình tướng, đều là hư vọng), “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh” (hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng). Kinh Kim Cang nói những lời chân thật như vậy.

(Diễn) Niệm bất không, tắc sanh bất không, niệm không, tắc sanh không cố.

(念不空,則生不空,念空,則生空故。

(Diễn: Niệm chẳng không nên sanh chẳng phải là không, nếu niệm là không thì sanh cũng không).

Có niệm là có sanh diệt. Khi vô niệm thì sanh diệt chẳng còn, nên mới có thể thấy pháp tánh. Thiền gia nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” thì mới có thể đạt được cảnh giới này.

(Sớ) Cửu, ký tức niệm đắc vô niệm, diệc tức sanh đắc vô sanh cố.

(九、既即念得無念,亦即生得無生故。

(Sớ: Chín là đã do niệm mà đắc vô niệm, thì cũng do sanh mà đắc vô sanh).

Đây là nói về cảnh giới, công phu tu học của chúng ta đã đạt đến mục đích.

(Sớ) Thập, thông cai tiền cửu.

(十、通該前九。

(Sớ: Điều thứ mười bao gồm cả chín điều trước).

Nói rõ pháp môn này là đường tắt hơn con đường tắt nhất trong các đường tắt.

(Sớ) Tri thử trì danh niệm Phật, kính trung chi kính cố, hựu diêu thị kính trung chi kính, nãi năng tân lương Mạt Pháp cố.

(知此持名念佛,徑中之徑故,又繇是徑中之徑,乃能津梁末法故。

(Sớ: Biết pháp trì danh niệm Phật này là đường tắt nhất trong các con đường tắt, lại nữa, do là con đường tắt nhất trong các con đường tắt nên mới có thể làm cầu bến trong thời Mạt Pháp).

Đặc biệt chỉ ra: Trong thời đại hiện tại của chúng ta là “thời kỳ Mạt Pháp, đấu tranh kiên cố”, trong hoàn cảnh đại chướng đại nạn như vậy, muốn cầu liễu sanh tử xuất tam giới, trừ pháp môn này ra, tôi chí thành khẩn thiết thưa cùng quý vị, không có con đường thứ hai nào để đi cả!

Thiền và Mật tôi đều biết, tôi không phải là kẻ lơ mơ, tôi đã giảng không ít kinh điển, ngữ lục của Thiền Tông. Tôi giảng Lục Tổ Đàn Kinh rất nhiều lần, kinh Kim Cang tôi giảng cặn kẽ nhất. Do vậy, nói đến khẩu đầu Thiền, tôi mạnh hơn bọn họ, họ nói không lại tôi. Nói đến Mật thì tôi không học Mật, nhưng thầy tôi là đại sư Mật Tông, tôi là học trò của Chương Gia đại sư, tôi theo học với Ngài ba năm, những đường lối trong Mật Tông tôi đều biết, không có gì có thể lừa được tôi! Chọn đi chọn lại, vẫn chỉ có pháp môn này là đáng nương tựa, quyết định có thể thành công. Những pháp môn khác tuy hay, nhưng tôi chẳng dám nói là tôi nắm chắc có thể thành tựu trong một đời này, chẳng dám nói như thế. Đối với pháp môn này, bản thân tôi dám nói là tôi quyết định nắm chắc trong một đời này, tôi có thể thành công. Vì vậy, tôi cũng biết các vị đồng tu nếu thật sự chết sạch so đo, khăng khăng tu học pháp môn này, ai nấy đều thành tựu, ai nấy đều thành Phật trong một đời. Hôm nay tôi giảng đến chỗ này.

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

Phần 25 hết   


[1] Nguyên văn “tùng yên mặc”. Thành phần chủ yếu của loại mực này là mồ hóng (bồ hóng) thu được do đốt gỗ tùng, thêm vảo băng phiến (long não, borneol), xạ hương hòa với chất a giao (chất keo từ da trâu hầm),

[2] Mao Biên là một loại giấy nổi tiếng ở tỉnh Giang Tô, có màu vàng nhạt, sớ giấy mịn, mỏng, nhưng bền chắc, hút mực rất tốt. Giấy để lâu ít bị ngả màu, lại không đắt lắm. Do vậy, nó được dùng chủ yếu để in sách.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro