MC

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ta là công chúa Mị Châu, con gái vua An Dương Vương nước Âu Lạc. Ta cũng như bao người khác, luôn mong cuộc đời mình là những tháng ngày bình yên, hạnh phúc. Nhưng nào ai ngờ được đâu, một sự vô ý tưởng chừng nhỏ, tưởng chừng như là vô tội đã đẩy ta đến bước đường cùng này, nhấn chìm cơ đồ Âu Lạc dưới biển sâu.

Cha ta họ Thục tên Phán, người trước kia là thủ lĩnh bộ tộc Âu Việt, sau thống nhất hai bộ tộc là Âu Việt và Lạc Việt, lập ra nhà nước Âu Lạc. 

Thiên hạ thái bình nhưng lòng người còn nhiều nỗi băn khoăn, kinh đô cũ nằm ở thế núi hiểm trở, tuy thuận lợi cho việc chống giặc ngoại xâm nhưng lại chính là khó khăn trong việc giao thương, làm ăn sinh sống của nhân dân. Nên, việc dời đô ắt là tất yếu. Vậy mới thấy tấm lòng vì dân vì nước của cha ta lớn đến nhường nào. Với con mắt nhìn xa trông rộng, khắp nước Âu Lạc này theo người chỉ có nơi đó là thích hợp nhất, thực là chỗ hội tụ quan yếu bốn phương.

Việc dời đô từ Lâm Thao về Cổ Loa hoàn tất. Người không chậm trễ liền tiến hành việc xây thành giữ nước. Nhưng kỳ lạ thay, thành xây mãi mà chẳng xong, hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy. Thấy cha ngày đêm trăn trở, ăn không ngon ngủ không yên phận làm con như ta trong lòng cũng không khỏi đau xót. Nếu có san sẻ giúp người gánh nặng xã tắc này, ta sẽ không từ bất cứ việc gì, đó cũng là báo hiếu với cha, tận trung với nước. Người bèn lập đàn trai giới, giữ cho tâm mình thanh tịnh, cầu đảo bách thần mong trời chỉ cho một con đường mà xây thành giữ nước. Ngày mồng bảy tháng ba, có một cụ già từ phương đông tới mà mách rằng sẽ có sứ Thanh Giang đến giúp cha ta, chỉ thế mới có thể thành công. Quả nhiên ngày hôm sau, có một con rùa vàng từ Phương Đông lại, nổi trên mặt nước, nói sõi tiếng người, tự xưng sứ Thanh Giang, ta vô cùng kinh ngạc còn về phần cha, người vui mừng khôn xiết. 

Thành xây nửa tháng thì xong, xoắn như hình trôn ốc, phải rộng đến hơn ngàn trượng, tên là Loa Thành, còn nhân dân gọi là Quỷ Long Thành.

Sứ Thanh Giang lưu lại ba năm, vừa giúp xây thành lại giúp cha ta việc nước. Ngày ngài từ biệt ra về, cha vô cùng cảm kích, nhưng vẫn còn nỗi băn khoăn, nay thành xây được nhưng nếu có ngoại xâm thì phải chống làm sao. Rùa Vàng bèn tháo vuốt mà trao cho người, dặn dò rằng lấy vuốt này làm lẫy nỏ, nhằm quân giặc mà bắn thì sẽ chẳng lo gì nữa. Nói rồi, ngài trở về biển Đông.

Cha sai tướng Cao Lỗ chế nỏ, gọi là nỏ "Linh quang Kim Quy thần cơ". Bấy giờ phương Bắc có Triệu Vương, ngày đêm đều lăm le xâm lược Âu Lạc nhưng nhờ có nỏ thần bắn một phát ngàn mũi tên, quân giặc thua lớn. 

Sau, Triệu Vương xin hòa, lại nói ngài cầu hôn, vua cha vui mừng vì từ này hai nước có thể xóa đi mối bất hòa, muôn dân được ăn cư lạc nghiệp liền đồng ý - gả ta cho Trọng Thủy là con trai Triệu Vương. Dù biết đây là một cuộc hôn nhân chính trị, khó có được hạnh phúc nhưng vì đất nước này, huống hồ có thể giúp cha gánh vác trọng trách nặng nề trên vai thì ta có tiếc chi. 

Cha chấp nhận cho chàng ở rể. Vợ chồng ta chung sống hòa thuận, hơn nữa Trọng Thủy rất thương yêu ta, lòng ta còn gì để vui mừng hơn như thế nữa. Và rồi ta nhận ra, trái tim ta tự lúc nào đã yêu chàng.

Những tháng ngày yên bình cứ trôi đi cho đến một hôm nọ, thấy Trọng Thủy ngồi một mình trong Ngự Hoa Viên, nét mặt chàng mang đầy vẻ ưu tư, ta vội hỏi:

-Chàng có chuyện gì phiền muộn trong lòng sao? - Nói rồi ngồi xuống bên cạnh.

Chàng đáp:

-Ta sống ở Âu Lạc đã lâu, cũng là người Âu Lạc, chỉ là có chút thắc mắc về chuyện ngày trước, khi cha ta có dã tâm xâm chiếm đất nước của nàng, đại quân hùng mạnh như vậy cha nàng lấy gì mà chống?

Ta mỉm cười, vui vẻ trả lời:

-Cha thiếp vốn có nỏ thần, một mũi tên giết được cả ngàn quân địch. Chiến thắng là điều tất yếu.

Nghe đến đây, chàng gật đầu, quay sang ta mà ngỏ lời:

-Vật thần kỳ như vậy, nàng có thể cho ta xem không?

Ban đầu ta có chần chừ, từ chối vì nỏ thần bảo vật quốc gia, là vũ khí để bảo vệ đất nước, đâu dễ để người ngoài xem đến như vậy nhưng suy đi tính lại, Trọng Thủy dù sao cũng là người trong nhà, chẳng qua chỉ là cho chàng chiêm ngưỡng chiếc thần cơ ấy, sẽ chẳng sao đâu.

Ta có nói với chàng là không đồng ý nhưng nghe Trọng Thủy năn nỉ một lúc, ta liền dẫn chàng đến mật thất - nơi cất giữ nỏ thần.

Ngày trước khi chế tạo nỏ, có bất cứ khó khăn gì hay cách làm nỏ thế nào cha đều tâm sự cùng ta, vì ta là con của người nên tất nhiên người hoàn toàn chẳng hề lo lắng. Và cũng vì vậy, nơi mật thất này hay đặc điểm và cách sử dụng nỏ thần ra sao ta đều nắm rõ trong lòng bàn tay.

Nhìn chàng thích thú ngắm nghía nỏ thần, ta cũng vui vẻ giảng giải, còn chỉ cho chàng điều đặc biệt nằm ở lẫy nỏ làm bằng vuốt của sứ Thanh Giang. Nhìn chàng tươi cười mà xóa đi được ưu phiền, lòng ta vô cùng hạnh phúc. Hình như chàng rất hứng thú với vật thần kỳ này.

Không lâu sau, chàng ngỏ ý với ta muốn về phương Bắc thăm cha, thuận theo ý chồng và cũng vì thông cảm cho nỗi nhớ quê hương khôn nguôi lâu nay của Trọng Thủy, ta chấp thuận cho chàng trở về, dù sao thì chàng cũng sẽ sớm quay lại thôi.

Trước khi đi, chàng nắm chặt bàn tay ta, mỉm cười hỏi:

-Nếu hai nước thất hòa, bắc nam cách biệt, ta tìm nàng bằng cách nào?

Nghĩ Trọng Thủy lo lắng cho mình, ta vui vẻ mà trả lời:

-Thiếp có áo lông ngỗng thường mặc trên người, nếu có gì xảy ra, sẽ rứt lông mà rải trên đường, chàng theo dấu đó mà tìm.

Vợ chồng li biệt, lòng ta vô cùng đau xót, nhìn theo bóng chàng khuất xa mới trở về hoàng cung.

Trọng Thủy đi rồi, ta ngày ngày đều mong ngóng tin chàng, cô đơn lẻ bóng.

Ta ngồi trong phòng, đang vuốt ve chiếc áo lông ngỗng thì cửa bật mở, cha bước vào, gương mặt người thất thần nhìn ta rồi vội vàng kéo ta ra ngoài, đặt lên yên ngựa ngồi sau lưng người, chẳng nói chẳng rằng nhằm phương Nam mà chạy.

Ta nhớ lời Trọng Thủy, đến ngã ba đường nào cũng đều rứt lông ngỗng làm dấu, hi vọng chàng tìm được mình.

Chạy tới bờ biển là đường cùng, không hề có lấy một con thuyền, cha xuống ngựa, ta cũng xuống theo. Người đau đớn nắm chặt thanh bảo kiếm trong tay, ngẩng mặt lên trời mà kêu rằng:

-Trời hại ta! Sứ Thanh Giang mau lại cứu.

Tức thì, Rùa Vàng nổi trên mặt nước nhưng ngài lại nhìn ta mà phán rằng:

-Kẻ ở phía sau vua chính là giặc đó!

Như tiếng sét đánh ngang tai, ta bàng hoàng, chân đứng không vững. Hà cớ chi mà ngài lại bảo ta là giặc? Ta nghe tiếng bước chân của đại quân đang tiến tới mà lòng rối bời, tựa như mối tơ vò không có cách gỡ. Đôi bàn tay ta run rẩy đánh rơi chiếc áo lông ngỗng. Hà cớ gì mà ta và cha chạy tới đâu thì giặc lại theo sát tới đấy, chẳng lẽ là do những chiếc lông trắng kia ư? Người biết được dấu hiệu ấy... không thể nào, không thể là chàng được. Trái tim ta đau đớn tựa như bị ngàn nhát dao cắt. Ta đau đớn nhận ra, là chàng lừa ta ư? Trọng Thủy? Chàng theo ta đến tận đây là để truy sát ta và cha ư? Ngay từ đầu, đều là dối trá cả! Nhưng tại sao, tại sao lại đối xử tốt với ta như vậy? Ta ngẩng khuôn mặt giàn dụa nước mắt của mình nhìn cha. Đôi mắt người ánh lên hàng vạn tia máu, vừa đau thương vừa oán giận. Cha, là con hại cha rồi! Cuộc đời ta tại sao lại tủi nhục đến như vậy? Là ta hại dân, hại nước, hại cả cơ đồ Âu Lạc này đây, sự nghiệp cha ta gây dựng cả cuộc đời trong phút chốc đều bị hủy trong tay Mị Châu này. Là lỗi của ta cả, hại sinh linh, bách tính Âu Lạc mất nước, lâm vào cảnh lầm than. Cho dù là cả ngàn đời sau, tội chưa chắc rửa được. Tất cả là do ta quá tin người, nhưng vì sao? Trọng Thủy, chàng cho ta biết vì sao? Tình cảm của chàng bao lâu nay, nghĩa vợ chồng son sắt mà chàng đối với ta có phải thực sự chưa bao giờ là thật? Ta là tội đồ, tội của ta không thể dung thứ, nhưng ta chỉ có một khẩn cầu mong trời phật chứng giám: "Thiếp là phận nữ nhi, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha chết đi sẽ biến thành cát bụi nhưng nếu là bị người lừa dối, chết đi sẽ hóa thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù". Ta lau nước mắt, ngẩng đầu nhìn cha ta mà mỉm cười. Chỉ mong đời sau sẽ chẳng có ai hồ đồ như ta, là không phân minh giữa việc nhà và việc nước, là để chút chuyện tư lấn át lí trí hại con dân muôn đời sau. Ta cúi lạy cha rồi ngẩng đầu nói:

-Tội Mị Châu khó dung thứ, con xin nguyện chết!




Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro