Ám Ảnh Ngày Xanh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.
Tôi là Long. Hồi đó nhà tôi nghèo, trường thì xa. Tôi lại phải chở thêm cô bạn lớp phó học tập của tôi nữa, nó mang cái cặp đầy sách vở. Chả bù cho tôi, tôi lúc nào đến trường chỉ hai hoặc ba cuốn vở, hôm nào có mấy môn tôi ghét là tôi đem theo cuốn vở mà thầy Phương bảo là cuốn vở nháp. Cuốn ấy tôi chép các môn tôi ghét vào đó, có khi tôi tính phép tính trong đó nữa. À, năm đấy tôi được cô cho ngồi cạnh nó đấy! "Hehe cảm ơn đã đọc"

Nhỏ Diệu coi vậy mà tốt tính, nó thường giảng bài lại cho tôi. Chắc nó biết nếu tôi rớt thì tôi sẽ không chở nó đi học nữa. Nó sợ tôi rớt thật, nhưng mà chẳng bao giờ nó chép bài hộ tôi.

2.
Lên lớp bốn, nhà tôi không có tiền mua sách tôi đành phải coi chung sách của nhỏ Diệu. Quá trình đặt cuốn sách lên bàn là cả một vấn đề. Nhỏ Diệu phải đo bàn rồi đánh dấu để cho cuốn sách nằm ở chính giữa nhất có thể và không kém một xen-ti nào, phần tôi chỉ được nhìn vào thôi chứ tuyệt đối không được đặt tay lên. Nó được cô giáo nhờ kèm cặp tôi vì tôi với nó sát vách chung bàn mà nó lại là lớp phó học tập. Từ đó, tối hôm nào tôi cũng chạy qua nhà nó học. Nó góp lời, tôi góp dầu thắp đèn. Công nhận ánh đèn hắt sáng lên gương mặt chúm chím có cái răng sún nó trông thật đáng ghét.

3.
Lên lớp năm, ba nhỏ Diệu được đổi ca nên tan học ông chở nó về, buổi sáng tôi vẫn phải chở nó đi học bình thường. Tôi có quen thêm được một bạn nữ bàn dưới, nó là Lan Anh, nó là tổ trưởng tổ tôi. Từ bây giờ, phải có lớp phó, trái có bức tường và sau lưng có tổ trưởng, tôi bỏ dần trò khều thằng bàn trên quay xuống để... nhiều chuyện. Rồi nhỏ Diệu cũng từ từ thân với Lan Anh, bọn tôi thành nhóm bạn ba người từ đây.

Bọn tôi biết, làng chúng tôi nghèo nên không có sự lựa chọn. Năm nay là năm chuyển cấp, Diệu với Lan Anh thi ngọt sớt, tôi cũng tà tà theo sau. Có nhiều đứa mãi chơi thi rớt rồi bị ba mẹ tụi nó ném cả tương lai vào nghề của gia đình. Trai xuống biển phụ ghe đi cân cá, còn mấy đứa con gái thì được mẹ sắm cho thùng trái cây ra chợ mà bán.

4.
Đôi chân của tôi không còn trĩu nặng nữa, yên sau xe đạp trống không. Tôi vào thành phố với bố mẹ ở nhà ông bà ngoại. Nhỏ Diệu thì học trường cấp hai ở quê, Lan Anh là nhà đại gia nên theo gốc gác mẹ nó sang Mĩ học. Thoạt đầu lên thành phố tôi không có bạn, thi thoảng tôi cũng nhớ tụi nó lắm nhất là nhỏ Diệu. Đến khi tôi quen dần với bạn bè trong lớp và hàng xóm, tôi trả điện tín cho nó rất lâu nhưng thường viết được có vài dòng, về Lan Anh thì tôi cũng chả biết nó tròn méo ra sao.

5.
Năm sau, nhà nó dùng điện thoại nên tôi cũng có phần phiền phức hơn. Cứ mỗi tối nó gọi cho tôi hỏi làm bài chưa, có lúc nó còn hỏi tôi cách làm bài này bài kia làm sao. Tôi cứ chờ trực nó hỏi là lên giọng đàn anh ngay, tôi còn kể với ngoại là đang dạy học cho nó. Mãi sau này tôi mới biết, nó chỉ giả bộ dò xét tình hình học tập của tôi hiện tại thôi, chứ nó luôn đứng đầu lớp. Diệu ơi! sao mày lo cho tao quá vậy!

6.
Cười cười, nói nói vậy mà đã đến hè. Sau hai năm học được coi là vất vả trên thành phố, bố và mẹ gửi tôi về ngoại chơi. Người ta bảo con gái lớn nhanh là vậy, nó cao hơn tôi cả cái đầu, tôi hỏi nó ăn gì nó chả nói. Sau hai năm nó thay đổi nhiều, nhất là cái răng, cái răng sún nó đã biết mất theo những ngày thơ và thay vào đó là cái răng khểnh dễ thương đến lạ lùng. Nó không còn thích những trò chơi khi xưa của nó nữa. Nó thích trò câu cá của tôi hơn, còn tôi thì giờ muốn chơi lại trò vợ chồng với nó.

Nó thích đi chơi với tôi hơn là câu cá, tôi cũng không buồn mà câu. Tôi ngậm cỏ, nó thì đặt lá bàng che mặt mà ngửa ra nằm ở trên đồi. Hồi nhỏ tôi không biết cứ tưởng nó sợ nắng, lớn lên tôi biết nó... ngại.

- Sau này Diệu làm gì?

Diệu quay sang hỏi tôi:

- Ủa, nay sao Long gọi Diệu bằng tên?

Nó có cái tên là Sún nữa, giờ tôi mới nhớ.

- Kì lắm, giờ Diệu hết súng răng rồi. Vậy sau này Diệu làm gì?

Nó nghĩ ngợi một lúc lâu cho đến khi ánh mắt nó long lanh lên nhìn thẳng vào tôi:
- À... Ừm! Để coi, Diệu muốn được đi biển để ngắm nhìn nhiều nơi hơn.

Tôi cười ngây:
- Điên quá, đi biển khổ lắm. Muốn đi đây đó thì là hướng dẫn viên du lịch.

Nó dỗi:
- Mắc gì chửi điên! Tại Diệu không biết chứ bộ.

Tôi lay nó:
- Sao Diệu không hỏi lại Long?

- Ừ ha! Long tính làm nghề gì.

- Long làm hướng dẫn viên du lịch.

Mắt nó sáng lên:
- Ủa, Long cũng muốn đi đó đây hả?

Tôi cợt:
- Long đi theo để phiên dịch cho Diệu.

Nó bọng mồm:
- Quỷ - Nó kéo chiếc lá bàng che nốt mắt còn lại.

Bầu trời ở quê thật yên bình, không có những dây điện cao thấp chằng chịt như thành phố. Mãi sao này thành phố và làng quê nó cứ ám ảnh tôi mãi. Đâu đó tôi đã quên đi cô bạn Lan Anh thì phải.

7.
Lên lớp tám, tôi bước vào đời bằng nhóm bạn đường phố. Tôi bắt đầu chập chững hút những điếu thuốc đầu tiên của cuộc đời mình. Thú thật thuốc lá nó chả ngon tí nào, nhưng mà vì sỉ diện nên tôi tập hút vài lần rồi đâm ra ghiền. Điếu đầu tiên khói xộc vào mồm nhiều nên tôi không kiểm soát được, điếu thứ hai tôi hút nhẹ hơn, rồi đến điếu thứ ba tôi chép miệng lấy vị. Tôi đi học như đi chơi, có khi lên lớp chỉ để điểm danh rồi chuồn.

Khi tiền bố mẹ không còn đủ với việc hút của tôi, tôi làm thêm nghề bán vé dò. Trong khoảng thời gian hành nghề tôi luôn trốn tiết cuối để mà ra sớm xếp hàng mua vé dò. Vừa đặt xấp vé dò vào tay là tôi liền gắn đôi dép lên khủy tay chạy thục mạng đua với các thằng khác để bán sớm nhất. Vé dò mà, số vừa sổ năm phút thôi là cả chợ đã biết rồi, chạy trễ thì coi như lấy giấy gói xôi.

Diệu nó có biết tôi trên đây quậy quọ đâu, mà nó cứ gọi điện cho tôi hoài. Mỗi lúc nó hỏi bài tôi phải nhấc cả cái bàn tới gần điện thoại rồi đọc vanh vách trong sách ra để giả bộ chỉ cho nó. Nó cứ kêu tôi ráng học cho giỏi rồi hè về chơi với nó. Nhưng đám bạn trên đây chơi vui lắm, mà nó cũng vui nữa nên tôi chọn cả hai.

Đến khi vé dò cũng không đủ với mấy trò ăn chơi của tôi bày ra. Tôi được người anh xã hội chỉ bảo thêm trò hút xăng để bán. Đồ nghề gồm có: ống hút nhựa dài, bình đựng xăng, kềm bẻ khóa. Chiếc xe tải nào đậu trên đường là tôi hút ngay. Tôi hút cho xăng lên rồi lấy tay bịt một đầu ống hút lại cho xăng giữ nguyên trong ống hút cứ thế mà chiết vô bình. Cái đó tôi gọi là ứng dụng vật lý trong đời sống.

Sung sướng với "công việc" mới không lâu, tôi bị người ta vây bắt đánh hội đồng, không có bà kéo ra tôi chả biết sống chết ra sao giữa đám đông ấy. Bà bắt tôi thề thốt rất nhiều, tôi đành nghe mà cạch mặt lũ bạn vì sợ bà mách lại cho bố mẹ tôi.

Bỗng dưng đến một ngày, tôi chợt nói với mẹ "con không muốn đi học nữa". Cuộc đời tôi rẽ ngang từ ấy. Bố mẹ tôi cũng vì thất vọng lắm mà mắng nhiếc xối xả... cho đến bây giờ.
Sau hôm ấy tôi nhận được cuộc gọi của Diệu, nó biết tin tôi bỏ học nó nửa buồn nửa giận. Tôi chả biết nói gì ngoài câu xin lỗi và nghe nó nói tràn lan.

8.
Hai tháng sau, tôi xin làm bảo vệ cho một tiệm điện tử. Xe của mấy ổng nặng, tôi thì gầy nhom nên làm có hơi cực. Diệu nó sợ tôi khổ, nó nói với tôi "Nếu có gì thì Long chạy về ở nhà Diệu, Diệu nói má nuôi Long cho". Cứ thế hai ba ngày nó gọi tôi một lần, tôi gạt nó "Chủ quán thương Long lắm. Long ở đây nhẹ nhàng không cực tí nào hết á!"

Tháng ấy, tôi đâu biết là họ lừa tôi. Những lời hứa mua cái áo mới cho ba, mua đôi dép cho mẹ trong bụng tôi như tan tành. Tôi tức lắm, nhất là bản thân mình.

9.
Cây phượng vừa cho ra vài chùm bông đỏ ối. Diệu gọi vào báo tin "Diệu lại đứng đầu lớp rồi Long ơi". Cách xa vài trăm cây số nhưng qua tiếng nói tôi biết nó mừng lắm. Ba mẹ nó thưởng nó bằng cái Nokia E63 thường gọi là điện thoại hai bốn chữ cái, còn ba mẹ tôi thưởng tôi bằng những trận roi để chấn chỉnh lại.

Hè năm ấy tôi có việc làm đàng hoàng cho một quán nước nhỏ. Ông bà chủ quán thương tôi thật. Biết tôi bận bịu nhiều, Diệu chỉ dám nhắn tin chứ không dám gọi vì sợ làm phiền. "Hôm nay Long đi làm có mệt không". Nó cũng biết kêu tôi về quê tôi sẽ không về, nó nhắn "Để Diệu để dành tiền mua vé xe cho Long ha, Long về đây Diệu khao hết". Lòng tôi rưng rưng, nhét điện thoại vào lại túi. Mày khờ, mày khờ quá Diệu ơi!

10.
Tôi lên mười bốn tuổi, nếu còn đi học tôi sẽ là lớp chín. Những lời hứa trong lòng bấy lâu nay tôi dần thực hiện được, ba má ai cũng hài lòng với cái áo, cái dép. Mấy tháng qua tôi tằn tiện tích góp được vài trăm nghìn, đủ cho tôi về quê chơi vài ngày.
Tôi không về ngay, tôi sợ về bây giờ Diệu sẽ bị tôi làm ảnh hưởng việc học. Năm nay lại là năm chuyển cấp, nó phải học nhiều. Nghĩ vậy nên thôi, giờ tôi cho nó rớt chắc nó đi bán mít quá.

Một ngày như thường nhật, tôi ăn uống bình thường và đi làm như mọi ngày. Diệu nó có gọi tôi trong giờ làm nên tôi không nghe máy được, tôi cúp máy cái rụp. Không riêng gì Diệu, tôi cũng lo lắng cho việc học nó lắm. Tôi muốn nó thực hiện được ước mơ đời mình, nó sẽ đi đến đất nước rộng lớn... dù không có tôi đi theo làm thông dịch viên cho nó. Tôi cũng nghĩ, nhỡ đâu nó trượt cấp ba, má nó cho nó đi lấy chồng như mấy đứa con gái trong xóm luôn thì sao. Ai chứ Diệu thì dám lắm, nó lấy cỡ đại gia chứ chẳng chơi. Nó dễ thương mà.

Hết giờ làm tôi gọi cho nó ngay nhưng nó chả nhấc máy. Đến tối, mẹ tôi chạy về nhà la toáng. "Con Diệu bị tai nạn mất rồi mày ơi, con Diệu mất rồi". Cả bầu trời tôi như sụp đổ, lòng đất làm đôi chân tôi lún sâu nặng như chì. Từ nhỏ tới lớn tôi không có khóc, lần này cũng vậy, nhưng nước mắt rơi ngược vào trong nó quặn thắt hơn nhiều. Mẹ tôi thương nó lắm, nó vừa xinh vừa hiền lại còn giỏi nên ai chả thích, nhìn mẹ tôi thút thít tôi cũng xót. Vậy là hết, giấc mơ của nó mãi mãi khép lại ở tuổi mười bốn, nó thất hứa khao tôi, nó bỏ lại cuộc thi chuyển cấp còn dang dở, nó làm ba má nó buồn. Thế là từ đây tôi không được nhìn thấy bóng dáng nho nhỏ xinh xinh của nó nữa, những buổi bên suối giờ chỉ còn là kỉ niệm. Khung cảnh xung quanh tôi mất màu dần, mắt tôi như nhìn vào chiếc tivi trắng đen. "Diệu, Diệu ơi. Nghe Long nói không vậy"

Năm đó, tôi chọn không về. Tôi sợ nó nhìn thấy tôi khóc, tôi sợ nó sẽ ám ảnh tôi đến hết quảng đời còn lại. Tôi nhiều lần áy náy muốn tiễn đưa nó lần cuối nhưng lại thôi. Thấp thoáng đã vài năm trôi qua, tôi vẫn không về.

11.
Vài năm trôi qua, tôi cô đơn một mình. Tôi không có bạn bè. Cũng phải thôi, đi làm suốt ngày vùi đầu vào bưng nước rót trà thì lấy đâu ra bạn ra bè, mặc dù muốn.

12.
Thời gian trôi qua. Người thân tôi vơi đi dần theo thời gian. Gia đình tôi xích lại gần nhau hơn. Nỗi tiếc nuối về cô bạn chuyển hóa thành nỗi buồn rồi xoa dịu theo thời gian. Màu sắc cũng quay về với tôi, nhưng không được tươi như trước.

Ngày hôm ấy vậy mà đã gần mười năm trôi qua. Tôi biết, ngày hôm ấy là sự thật nhưng nhiều lần tôi tự dối bản thân nó chỉ là câu đùa ác của người lớn. Suốt nhiều năm qua hình bóng nó thoắt ẩn thoắt hiện trong những giấc mơ của tôi, nó luôn làm mắt tôi cay xè khi thức dậy. Tôi biết ngày hôm ấy sẽ mãi mãi không quay trở về, điện thoại tôi cũng đã ngừng nhận được tin nhắn của nó. Nhiều lần chuông gió khẽ lay ngoài hiên lúc tôi buồn, tôi biết là nó đến thăm tôi. Diệu, cho Long đi theo với.

13.
Thế rồi nội tôi cũng mất theo ông. Tôi không còn lý do để trở về nữa.

14.
Cuối cùng, tôi đã lớn. Tôi may mắn được vào một công ty nhỏ nhờ vào sự quen biết của người bác. Cuộc sống tôi đủ đầy hơn trước rất nhiều, tôi chia sẻ được gánh nặng với gia đình.

Tôi chăm chút cho bản thân mình nhiều hơn. Giờ thì tôi cũng gần hai lăm, mẹ tôi cứ thúc tôi kiếm vợ. Nhưng mà mẹ chẳng chỉ cho tôi kiếm vợ ở đâu ra.

15.
Gặp Lan Anh trong lần đi công tác ở Sài Gòn. Lan Anh là đứa duy nhất thực hiện được ước mơ trong ba đứa bọn tôi. Nó làm chủ hai phòng khám lớn, hai đứa sinh đôi kẹp nách và một anh chồng người ngoại quốc cực kỳ giỏi giang. Thoạt đầu nó không nhận ra, tôi cũng có phần hơi ngạc nhiên, nhưng mà nhớ lại thì tôi cũng đã quên nó sau vài năm chia tay.

16.
Hồi đó tôi sợ học nên nghỉ, sau này tôi biết làm gì cũng phải học. Thất bại trong trường lớp tôi đành phải chạy nhiều hơn trong trường đời để không bị bỏ lại. Tôi nạp kiến thức vụn vặt của những người và những điều xung quanh.

Quen những người bạn mới ở trong công ty làm tôi cởi mở hơn. Họ cầm bút màu tô cho tôi những màu sắc còn thiếu, tuy không trọn vẹn nhưng tôi biết ơn họ nhiều.

17.
Rồi một ngày, trái tim tôi va phải vào một chị ở công ty, cổ tên Nhung. Tóc dài ngang vai, đôi mắt long lanh màu biếc và đặc biệt cổ có cái răng khểnh.

Lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy, từ tình bạn đồng nghiệp tôi biến nó thành tình yêu. Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi người mình yêu cũng có tình ý với mình.

Chuột mèo vờn nhau cũng chán, thế mà bọn tôi cũng chưa ai nói câu trực chờ ra khỏi miệng.

Tôi là thằng con trai quê, nào biết sinh nhật là gì. Cổ làm tôi bất ngờ với chiếc bánh kem nhỏ bằng lồng bàn tay và chiếc đèn cầy.

- Chúc mừng sinh nhật Long nhé.

- Trời, làm mấy trò này chi chị, chị chúc thôi em vui rồi.

- Cái này đáng bao nhiêu đâu. Thổi nến đi kẻo nó chảy xuống bánh kem.

Tôi có nhiều điều ước lắm, nó xếp hàng dài đến tận nhà nếu ghi ra bằng giấy.
Tôi nhớ lần đó tôi ước những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cổ, cô gái tên Nhung.

18.
Và rồi cổ như đã hết sự kiên nhẫn chờ đợi từ tôi, cổ dùng tất cả can đảm của một cô gái để nói ra... lời tỏ tình.

19.
Vậy là một năm nữa lại trôi, chúc mừng sinh nhật tôi. Sinh nhật của người cô đơn. Năm nay cho tôi xin được ích kỷ, tôi sẽ ước những điều may mắn đến với tôi.

•••Phần Viết Thêm•••

Chị Nhung là người cho tôi màu sắc mới mà tôi chưa từng có. Tôi có đồng ý lần đó nhưng chỉ được vài tháng, tôi với chỉ dừng lại để tốt cho cả hai. "Tốt cho cả hai" chỉ là lý do của chị thôi. Tôi biết, chị cũng buồn lắm khi thấy tôi cứ vài ngày lại u ám nhưng chị không biết tôi vẫn nhớ nhung hình bóng người cũ. Vậy là tôi đã làm tổn thương một người, nạn nhân tiếp theo là ai? Tôi cũng không biết nữa.

Không riêng Nhung, nhiều năm qua tôi có quen nhiều cô lắm. Có người vun đắp, có người đào xới nhưng họ cũng dần bỏ tôi mà đi.

Tôi sợ, tôi sợ lớn lên lắm. Nhỡ những gánh nặng trong cuộc đời làm tôi quên đi khuôn mặt của cô bạn năm ấy thì sao? Nhỡ tôi mãi kẹt trong những ngày thơ mà bỏ đi mất những điều tốt đẹp phía trước thì sao?

Tôi thấy tôi viết cũng nhanh, chắc là do tôi cảm xúc quá. Cơ mà viết tóm tắt lại cuộc đời mình nó khó thật, nhất là khi nó có quá nhiều đau thương.

Xin gửi lời này đến người bạn thời thơ ấu của tôi.

Đồng cỏ xanh biếc ta nằm
Kỉ niệm tôi cất bao năm trong lòng
Ngọn gió là em phải không
Cho tôi xin giữ trong lòng, nghe em.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro