Âm Chất Văn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Văn Xương Đế Quân dạy về Âm Chất

[CT 01]

Ta đã mười bảy kiếp hóa thân làm sĩ đại phu, chưa hề ngược đãi dân chúng và nha lại; ta giúp người lúc khốn khó, cứu người khi khẩn cấp, khoan dung lầm lỗi của người, thi hành âm chất khắp nơi, nên được đặc cách lên cõi trời. Ai biết giữ lòng gìn tâm như ta, Trời sẽ ban phúc cho.

Thế nên ta dạy người đời rằng: Ngày xưa có Vu công [hiền từ] giữ ngục, về sau con [là Vu Định Quốc] nên thừa tướng; [02] [đời Tống có Tống Giao] [03] cứu bầy kiến khỏi chết đuối mà đỗ Trạng Nguyên; người họ Đậu [tức Đậu Yên Sơn] do cứu người mà sau thành văn quan cao tột; [04] có kẻ chôn xác rắn mà sau nên tể tướng vẻ vang.[05]

Muốn rộng mở ruộng phước phải cậy trông tấm lòng của mình, luôn thi hành những tiện ích cho đời, tạo muôn việc âm đức, lợi cho muôn vật và con người, làm thiện làm phước.[06]

Hãy ngay thẳng thay Trời hành đạo và giáo hóa dân, thương xót bao dung vì nước cứu dân.

Trung với vua, hiếu với cha mẹ, kính trọng anh, tin cậy bạn bè, hoặc thờ phụng tiên gia và triều kiến sao Bắc Đẩu, hoặc lạy Phật niệm kinh, báo đáp bốn ân, [07] thi hành rộng khắp giáo lý của Tam giáo là Nho-Thích-Đạo.

Giúp kẻ nguy cấp như thể [giúp] con cá nằm trong vết xe khô cạn nước, cứu kẻ lâm nguy như thể [giúp] con chim sẻ đang vướng lưới dầy. [08]

Thương xót cô nhi và quả phụ, kính trọng người già, thương người nghèo khó, xếp đặt y phục và lương thực để chu cấp kẻ lỡ đường đói lạnh, bố thí quan tài để tránh cho kẻ chết khỏi bị phơi bày thi thể.

Nhà giàu thì cùng chia sớt với người thân thích, năm đói kém phải cứu giúp hàng xóm và bạn bè, cái đấu cây cân phải cho công bằng, không thể cân đo cho người thì nhẹ mà cân đo cho mình thì nặng, đối đãi tôi tớ khoan dung, sao lại phải trách móc và đòi hỏi khe khắt nơi họ?

In ấn kinh sách, sáng lập và tu bổ chùa chiền, đem tiền bạc và thuốc men cứu vớt kẻ khổ đau bệnh tật, bố thí nước trà giúp người giải cơn khát.

Hoặc là mua loài vật để phóng sinh, hoặc ăn chay để tròn giới cấm sát sanh, bước chân đi thường xem kỹ kẻo đạp nhầm con sâu cái kiến.

Cấm lấy lửa đốt núi rừng; hãy đốt đèn soi đường cho người đi đêm tối, làm tàu thuyền trợ giúp người vượt sông, chớ lên núi giăng lưới bắt chim chóc, chớ xuống nước dùng thuốc độc bắt cá tôm, chớ giết trâu cày.

Chớ vất bỏ giấy có chữ, [09] chớ mưu chiếm tài sản của người, chớ ganh tỵ tài năng của người khác, chớ gian dâm với vợ và con gái của người, chớ xúi dục người khác tranh chấp và kiện tụng, chớ phá hoại thanh danh và quyền lợi người khác, chớ phá hoại hôn nhân của người, chớ vì tư thù mà làm cho anh em người khác bất hoà, chớ vì mối lợi vặt mà làm cha con người khác nghịch nhau, chớ cậy quyền thế mà làm nhục người lương thiện, chớ cậy mình là phú hào mà khi rẻ kẻ khốn cùng.[10]

Hãy thân cận người hiền đức, họ sẽ trợ giúp thêm đức hạnh cho ta; hãy lánh xa kẻ ác, nhờ đó ta tránh được tai ương trước mắt; hãy luôn tuyên dương điều thiện và ngăn trừ điều ác của người [11]; chớ có bằng mặt mà chẳng bằng lòng.[12]

Chặt bớt cây cối gai góc cản trở đường đi [13], dẹp bỏ gạch ngói nằm giữa đường, tu sửa đường gập ghềnh khúc khuỷu [14] mấy trăm năm, xây cầu kiều cho muôn vạn người qua lại, [15] để lời khuyên nhủ nhằm sửa lầm lỗi của người, chịu hao tốn tài của để người khác được tốt đẹp , làm việc gì cũng noi theo lẽ trời, lời nói thì phải hợp lòng người.[16]

Ngưỡng mộ các bậc hiền triết thuở xưa dường như các ngài luôn hiển hiện trước mắt [17], thận trọng khi ở một mình và không hổ thẹn với chính mình [18] ; chớ làm các điều ác, hãy làm mọi điều thiện [19], vĩnh viễn sao xấu không chiếu vào vận mệnh [của mình], các thiện thần thường ở bên cạnh và bảo vệ cho.

Báo ứng gần thì nơi bản thân mình, báo ứng xa thì nơi con cháu, trăm phúc cùng đến, ngàn may mắn tụ về, đó chẳng phải là từ âm chất mà có được hay sao ? [20]

----------------

CHÚ THÍCH :-

[01] Bản Âm Chất Văn nầy được in trong quyển Văn Xương Đế Quân Đại Đỗng Chân Kinh 文昌帝君大洞真經, khắc in năm Hàm Phong 函豐, Đinh Tỵ, tức là năm 1857 dưới triều vua Văn Tông 文宗 nhà Thanh. Bản Âm Chất Văn này gồm ba trang không chú giải và không phân đoạn. Để tiện theo dõi, tôi chia riêng thành từng đoạn nhỏ.

Tạo Âm Chất (= âm đức) có nghĩa là "Làm Phước"

[02] Điển cố Tứ mã môn 駟馬門 hay Tứ mã chi môn 駟馬之門: Hán Thư chép truyện Vu Định Quốc: Cha của Vu Định Quốc 於定國 là Vu Công 於公 giữ ngục nhân từ. Ông nói: «Thiếu cao đại môn lư, lịnh dung tứ mã cao cái xa; ngã trị ngục đa âm đức, tử tôn tất hữu hưng giả.» 少 高 大 門 閭 , 令 容 駟 馬 高 蓋 車 ; 我 治 獄 多 陰 德 , 子 孫 必 有 興 者 (Thuở nhỏ công nhà cao rộng, xe bốn ngựa mui cao qua lọt; ta giữ ngục làm được nhiều âm đức, con cháu ắt có đứa nên danh phận lớn). Về sau con là Vu Định Quốc làm thừa tướng, còn cháu là Vĩnh 永 làm ngự sử đại phu. Xem Từ Hải, tr. 1506.

[03] Từ điển Từ Hải 辭海, Trung Hoa Thư Cục, 1948, tr. 1414.

[04] Điển cố chiết quế: Theo Tấn Thư, truyện về Khích Sân 郤詵: «Sân thi đỗ, Vũ Đế hỏi Sân tự đánh giá bản thân ra rao. Sân trả lời tuy mình đỗ đầu nhưng cũng chỉ là cành quế trong rừng quế, là phiến ngọc ở Côn Sơn mà thôi (Do quế lâm chi nhất quế, côn sơn chi phiến ngọc 猶 桂 林 之 一 桂 , 昆 山 之 片 玉). Vua cười.» Từ đó có điển cố chiết quế là thi đỗ cao, các biến thể của điển này là: chiết quế chi 折桂枝, phàn quế 攀桂, quế chiết nhất chi 桂折一枝, quế lâm nhất chi 桂林一枝, tiên quế 仙桂, đắc quế 得桂, Khích chi 郤枝, Sân chi 詵枝, Khích Sân vinh 郤詵榮, Khích Sân lộ 郤詵路. Thường Dụng Điển Cố Từ Điển 常用典故詞典, Thượng Hải Từ Thư xbx, 1985, tr. 358, cho rằng đây là nguồn gốc của điển cố chiết quế, tức là có từ đời Tấn. Từ điển Từ Hải, tr. 564, bảo điển cố chiết quế thông dụng từ đời Đường cho đến nay. Nếu đúng như vậy, tôi nghĩ rằng tác phẩm Văn Xương Đế Quân (vì dùng điển cố này nên) không thể xuất hiện trước đời Đường (618-907).

[05] Chôn xác rắn (mai xà) 埋蛇: Tôn Thúc Ngao 孫叔敖 thuở nhỏ đi chơi gặp hai xác rắn, bèn chôn cất tử tế. Sau ông làm quan lệnh doãn của nước Sở, được dân coi trọng là người nhân đức. Xem điển cố này trong Từ Hải, tr. 320.

[06] trích dịch câu «Ư thị huấn ư nhân viết...» 於是訓於人曰. Phần điển cố thì bỏ qua.

[07] Tứ ân: ân trời đất, ân vua, ân cha mẹ, và ân thầy dạy 天地君親師之恩典 (Thiên địa, quân, thân, sư chi ân điển.

[08] Điển cố lấy trong Trang Tử Nam Hoa Chân Kinh 莊子南華真經, bài Phụ Ngư 鮒魚 (trong Ngoại Vật 外物). Trang Tử vay lúa Giám Hà Hầu 監河侯, Giám từ chối khéo. Trang giận nói mát: Trước khi đến vay nợ, Trang đã trông thấy một con cá nhỏ (tự xưng là thủy thần biển Đông) đang vùng vẫy trong vết bánh xe xin một ít nước để thoát chết. Trang hứa sau khi ông sang chơi với các vua Ngô Việt, rồi sẽ ngăn nước sông mà giúp con cá. Cá bảo đợi đến lúc đó Trang sẽ gặp nó ở hàng bán cá khô. Nguyên văn trong Nam Hoa Chân Kinh là: Xa triệt trung hữu phụ ngư 車轍中有鮒魚 (con cá nhỏ trong vết xe lún đất). Âm Chất Văn trích điển này, ý nói cứu người ngay lúc hoạn nạn mới là cứu giúp thiết thực.

[09] Đức Văn Tuyên Thánh Sư dạy phải coi trọng giấy có chữ: «Chính Thánh Sư lãnh sứ mạng thiêng liêng khai hóa văn tự trên khắp nước trên địa cầu này. Bởi thế chẳng những Hán tự, chí những chữ nào trên mặt địa cầu này cũng là do Thánh Sư hóa kiếp để chỉ giáo mở mang dân trí. Bởi thế người biết tu hành cần phải trọng giấy chữ, bất cứ là chữ nước nào, không nên làm những điều ô uế trong chữ mà phạm tội, đến những kiếp sau khó mà thông minh trí huệ được.» Xem Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển I, Tòa Thánh Tiên Thiên Châu Minh xb, Saigon 1961, tr. 143.

[10] Đỗ 杜: ngăn trở, đồng nghĩa với trở tắc 阻塞. Mi là lông mày, tiệp là lông mi. Mi tiệp thường được dùng tỉ dụ con mắt; ở đây chỉ sự kề cận trước mắt. Hàn Phi Tử 韓非子, chương Dụng Nhân 用人, nói: «Bất khử mi tiệp chi họa nhi mộ Bôn-Dục chi tử.» 不去眉睫之禍而慕賁育之死 (Không dẹp trừ cái họa trước mắt mà lại đi hâm mộ cái chết của những kẻ dũng sĩ như Mạnh Bôn và Hạ Dục).

[11] Có hai nhóm từ hay dùng lẫn trong các thiện thư như Cảm Ứng Thiên và Âm Chất Văn: Ẩn ác dương thiện 隱惡揚善 (che giấu điều ác, phô bày điều thiện; như người đời hay nói: Tốt khoe xấu che) và Át ác dương thiện 遏惡揚善 (ngăn trở điều ác, tuyên dương điều thiện). Chủ trương của tôi là nên chọn nhóm từ sau, ý nói việc ác phải bị ngăn trừ chứ không nên che giấu. Tôi cũng chú giải điểm này trong Cảm Ứng Thiên y như vậy.

[12] «Khẩu thị tâm phi» 口是心非 cũng có thể dịch: 「Miệng thì nói điều hay điều phải, mà lòng thì toan tính điều sái quấy.」

[13] Kinh trăn: phiếm chỉ bụi cây gai rậm rạp.

[14] Kỳ (khi) khu: đường núi mấp mô khó đi.

[15] Ý «Làm cầu kiều cho người qua lại» này được trích dẫn vào văn bia ở chùa Cầu (Hội An), bài bi văn: Trùng Tu Lai Viễn Kiều được khắc năm Gia Long 16 (tức 1817). Tác giả là Khê Đình Bá Đinh Tường (Đốc học dinh Trực Lệ, Quảng Nam).

[16] Luận Ngữ 論語 (Nhan Uyên 顏淵, câu 16): «Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác. Tiểu nhân phản thị.» 君 子 成 人 之 美 , 不 成 人 之 惡 . 小 人 反 是 (Bậc quân tử thành tựu những điều tốt đẹp cho người chứ không gieo điều ác cho người. Kẻ tiểu nhân thì ngược lại).

[17] Canh tường 羹牆: Hậu Hán Thư chép truyện về Lý Cố 李固: «Tích Nghiêu tồ chi hậu, Thuấn ngưỡng mộ tam niên, tọa tắc kiến Nghiêu ư tường, thực tắc đổ Nghiêu ư canh.» 昔 堯 殂 之 後 , 舜 仰 慕 三 年 , 坐 則 見 堯 於 牆 , 食 則 睹 堯 於 羹 (Xưa, suốt ba năm sau khi vua Nghiêu mất, vua Thuấn luôn ngưỡng mộ ngài; khi ngồi thì thấy hình ảnh ngài trên tường vách; khi ăn cơm thì thấy hình ảnh ngài trong tô canh). Ý câu này trong Âm Chất Văn: Ta cần thật lòng ngưỡng mộ các vị thánh hiền thuở xưa như luôn thấy hình ảnh các ngài trước mắt. Xem Từ Hải, tr. 1073.

[18] Khâm ảnh: Tống sử chép truyện về Thái Nguyên Định 蔡元定: «Độc hành bất quý ảnh, độc tẩm bất quý khâm.» 獨 行 不 愧 影 , 獨 寢 不 愧 衾 (Đi một mình không thẹn với cái bóng của mình, ngủ một mình không thẹn với cái chăn của mình). Xem Từ Hải, tr. 1211.

[19] Câu «Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành» này trích dẫn từ Cảm Ứng Thiên.

[20] Được Lý Cương trích dẫn trong: Lý Cương 李剛 Đạo Giáo Sinh Mệnh Lý Luận 道教生命理論, Tứ Xuyên Nhân Dân xbx, 1994.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro