Chết không nhắm mắt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ông Hoa và bà Huyền có hai người con, một trai một gái, con trai trưởng là Dương Minh, con gái út Dương Yến Thư. Yến Thư xinh đẹp, thùy mị, đàn ông trong làng không biết bao nhiêu người theo đuổi nhưng gia đình của cô là gia đình gia giáo, lại có cái tục "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" nên Yến Thư từ sớm đã loại bỏ suy nghĩ yêu đương ra khỏi đầu mình. Mười tám tuổi tròn, bà Huyền bắt được một "mối" lớn, anh này là con trai của một tay giàu có trong vùng, bà bắt Yến Thư phải xuất giá ngay tức khắc, từ đó bắt đầu chuỗi ngày khổ cực của cô. Anh này tên Tuấn, là một nhân vật có máu mặt trong vùng, không phải vì độ ăn chơi mà là vì tính tình gia trưởng từ nhỏ. Đối với bà Huyền thì Tuấn giống như người con bà luôn ao ước có được, xuất thân của bà cũng thuộc dạng quyền quý, những chuyện nề nếp phép tắc trong nhà bà luôn cố giữ những thành viên đi theo lề lối, giờ có thêm Tuấn lại giúp cho cái lề lối đó ngày một thẳng tắp và khắc nghiệt.

Bà Huyền sau đó cắt đặt cho xây dựng căn nhà cho hai vợ chồng Tuấn và Thư kế bên nhà mình. Từ ngày Tuấn về, Yến Thư phải phục dịch chồng từ sáng đến tối, ngày ba bữa cơm phải có đủ, bữa sáng phải đủ dinh dưỡng, bữa trưa chính Yến Thư phải đi bộ đem đồ ăn đến chỗ làm, bữa tối thì phải thịnh soạn, nhỡ đâu Tuấn có rủ bạn bè anh em về thì một thân một mình Yến Thư phải trở thành con ở đích thực. Ngay cả lúc mang thai, Yến Thư cũng phải oằn lưng lên mà phục vụ cho cuộc sống của Tuấn, chưa hết, lâu lâu bà Huyền lại sang nhà, xem con gái mình có làm vợ "đúng cách" chưa, nếu có gì sai sót bà chửi mắng hết sức thậm tệ. Có những đêm, Yến Thư muốn khóc cũng phải lấy mảnh vải dày mà che miệng lại, sợ quấy rối giấc ngủ của chồng sẽ bị chồng đánh. Đến khi Dương Ba ra đời, Yến Thư lại lâm vào tình cảnh "nuôi" cả chồng lẫn con, cuộc sống của cô là những chuỗi ngày cắm đầu: cắm đầu làm, cắm đầu ăn, cắm đầu chịu đựng.

Đến khi Dương Ba lên năm cũng là lúc đến hạn chịu đựng của Yến Thư. Tuấn đánh đập, chửi mắng cô bao nhiêu cô cũng chịu được, nhưng động tới cốt nhục của mình mang nặng đẻ đau, không người mẹ nào có thể im lặng cho qua. Cha nuôi con, đánh đòn con khi con mình làm sai thì không ai nói làm gì, Tuấn ban đầu chỉ có gia trưởng, nhưng từ lúc công việc của hắn đi xuống thì đêm nào cũng say bí tỉ, về nhà thì lôi vợ con ra, buộc họ quỳ gối rồi bắt đầu giảng đạo lý, giảng đến hai ba giờ sáng, khi thấy vợ con mình có dấu hiệu buồn ngủ liền cầm cây lên mà phang vô tội vạ, lần đó Tuấn đánh Dương Ba gãy cả tay. Bà Huyền nghe động thì chạy sang, lúc này Tuấn lại dí cây gậy vào tay Yến Thư, đỗ hết lỗi lầm lên đầu cô, cô ấm ức đến độ khóc không thành tiếng. Chỉ biết quỳ rạp xuống ôm con chạy đi tìm Thầy thuốc.

Sáng hôm sau, Yến Thư đã thấy mình đứng trước một cỗ xe được kéo bằng những con ngựa lông đen, ánh mắt rực lên một màu đỏ lửa, từ trong xe, anh hai cô, Dương Minh bước xuống, nhìn cô bằng vẻ mặt hết sức bình thản nhưng thực chất hàm răng đang nghiến chặt. Gã tiến đến lau đi những giọt nước mắt, mồ hôi, Yến Thư đã lâu rồi chưa biết sự cảm thông nghĩa là gì, cha cô thì đi làm suốt ngày, ngoại cô thì tuổi cao sức yếu, chỉ còn anh hai, tối qua trong lúc ôm con đi cấp cứu cô đã luôn miệng kêu lên: "Anh hai ơi! Anh hai ơi!" Không ngờ sáng nay lại gặp được. Cô chỉ biết sà vào lòng Dương Minh mà khóc nức nở.

Một tuần sau, Tuấn bị gọi quân dịch, trong lúc làm nhiệm vụ thì chết trận. Bà Huyền từ đó về sau cũng đổi tính hẳn, vì Tuấn là người bà hết mực yêu thương, bà trở nên gắt gỏng hơn, khép kín hơn, mặc dù bề ngoài đối xử hết sức bình thường với Yến Thư nhưng trong tâm bà luôn tồn tại suy nghĩ con rể mình chết là do lỗi của Yến Thư gần hết. Giờ nhìn tình cảm thảm thương trước mắt, bà Huyền chỉ lắc đầu kiểu như đây là quả báo dành cho cô, nhìn những phần ruột vẫn đang tuôn máu, xác bị treo ngoắt nghẻo trên thanh xà ngang, khuôn mặt kinh hãi thập phần mà bà không buông được một giọt nước mắt. Bà tiến về trước, đuổi hai con chó tưởng đây là bữa tiệc dành cho chúng, bà định bước đến lôi cả xác Yến Thư vào góc nhà nhưng Cửu đã kịp ngăn bà lại, y nói phá hoại hiện trường là không tốt. Lúc này, từ bên ngoài đã vang lên những tiếng động xì xào, là người dân hiếu kỳ, chẳng biết vì sao họ đánh hơi được mà kéo đến.

Bà Huyền bỏ ra trước nhà, lạnh lùng tuyên bố với người dân là con gái mình đã chết, một tay bà còn ngăn chặn họ tràn vào bên trong. Lát sau thì tay quan huyện già cùng mấy tên lính khố xanh đã kéo đến, thấy Cửu và Độ Sẹo, tay quan chấp tay cung kính rồi bắt đầu cho lính phong tỏa hiện trường. Cửu nhìn sang Độ Sẹo thấy gã đang đứng gục mặt, quay lưng về phía cái xác của Yến Thư, lẩm bẩm những câu không nghe được, bất chợt gã quay sang nhìn Cửu: "Phải đi kêu cha tôi về, sao giờ này ông còn chưa về?"

Cửu nhìn Độ Sẹo bằng đôi mắt pha lẫn giữa bình thản và một chút tội nghiệp, gã ta tiến về phía Cửu, lay lay đôi vai của Cửu rồi hét lên: "Huynh biết cha tôi ở đâu mà đúng không? Huynh đi gọi ổng về giúp tôi đi! Con gái ổng... Con gái ổng... Em gái tôi đã... đã..."

"Minh!" Một tiếng hét vang lên từ phía chiếc giường gỗ, là bà ngoại của Độ Sẹo. Đôi mắt của ngoại trợn lên hết cỡ, những nếp nhăn co giật, khóe môi mấp máy như muốn khóc. Khuôn mặt hốc hác của ngoại giờ ánh lên một thứ thần thái rất khó diễn tả, nó vừa trìu mến, vừa dứt khoát lại ướt đẫm hàng tá cảm xúc đan xen vào nhau, Độ Sẹo khi nhìn thấy nó chỉ biết đi về phía ngoại rồi ngồi lên giường, ôm bà vào lòng. Bên dưới đùi bà là thằng Dương Ba, nó đang trốn những ánh mắt săm soi ngoài cửa sổ, trốn những lời bàn tán độc miệng của dân chúng hiếu kỳ và trốn đi sự thật rằng mẹ nó, đã chết. Nó có khóc hay không, Cửu không tài nào biết được.

Bà già một tay vuốt ve lưng của đứa cháu ngoại, miệng luôn hồi nói những lời yêu thương với đứa cháu cóc. Nhìn cảnh tượng này, Cửu chỉ biết lắc đầu mà quay về phía hiện trường.

Những tiếng bàn tán phía ngoài mờ dần khi Cửu tiến về phía nhà sau, y đang cố lượt bỏ chúng để có thể tập trung hoàn toàn. Phần thân trên của Yến Thư đang được những tên lính thận trọng đưa xuống, sắp thẳng hàng với phần thân dưới để thành một cơ thể "hoàn chỉnh". Hong của Yến Thư xuất hiện những đường chém hết sức cẩu thả, y hệt như những vết thương bằng búa trên người Hoa tiều phu, điểm khác biệt duy nhất: chúng là vết chém từ dao hoặc kiếm. Những đường chém này hình như hoạt động như một kiểu thúc đẩy, khi cơ thể của Yến Thư bị hai phía ngoại lực kéo ra thì tên hung thủ đứng chém vào hông cô để quá trình đứt làm đôi trở nên nhanh hơn. Trước khi chết, Yến Thư đã chịu những đau đớn không thể tưởng tượng được. Cửu xem xét những vết buộc trên cổ, cùm chân rồi lệnh cho người đắp chiếu lên, nói xong y bỏ ra trước. Cửu nghĩ nát óc cũng không ra, tên hung thủ này thật ra là người hay cầm thú, hắn có biết mình đang làm gì không, giống như vụ án đầu, cách thức giết người hết sức dã man, ra tay không để ai phát hiện, nhưng tại sao bằng chứng bỏ lại hiện trường lại nhiều đến thế?

Lúc Cửu ra nhà trước thì thấy Độ Sẹo đã bình tâm phần nào, lúc này y mới lôi gã ra góc nhà, hỏi: "Chuyện tên Tuấn, chồng của em gái huynh ngày xưa đi quân dịch rồi chết trận là do một tay huynh sắp đặt đúng không?"

Độ Sẹo chỉ lắc đầu, không phải là cái lắc đầu từ chối mà mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Gã nói: "Đây là quả báo dành cho tại hạ..."

"Huynh đừng có nói bậy, Cửu tôi từ trước đến giờ mỗi lần giơ kim lệnh ra đều dựa vào quả báo mà trị tội, đây tuyệt nhiên không phải như thế! Huynh nên bình tĩnh lại, có hoảng hốt cũng không giải quyết được chuyện gì đâu..."

Độ Sẹo nghe xong thì nhìn lên người đồng hành của mình, cảm giác có Cửu giúp sức thì vụ án này thế nào cũng được giải quyết, gã nghĩ bụng nhiệm vụ của mình là phải bảo vệ gia đình, mọi chuyện cứ theo Cửu định đoạt mà hành động. Lúc này, gã mới trấn tỉnh được bảy tám phần, bắt đầu ra tiếp mẹ mình ngăn cản những người dân hiếu kỳ đang kéo đến lũ lượt. Cửu nhìn về phía cửa, thấy ánh mắt của họ toát lên một nỗi sợ kinh hoàng nhưng chất chứa trong đó vẫn là cái tật tò mò không thể bỏ, Cửu chỉ biết thở dài rồi tiến về phía bà ngoại của Độ Sẹo, ngồi tâm sự với bà đến hết đêm.

Đám ma của Yến Thư khỏi phải nói cũng biết hết sức âm u ảm đạm, thiết nghĩ không cần phải miêu tả chi tiết. Không khí tang thương bao trùm khi những người nối chân nhau vào cúng, không ai dám ở lại lâu, chỉ dám lạy hai cái, cắm một nén hương rồi bần thần đi ra. Thằng Dương Ba quỳ rạp cạnh bên quan tài, phút chốc lại nấc lên một tiếng, đầu gục vào cánh tay, có ai gọi cách mấy cũng không chịu đi chỗ khác. Điểm kỳ lạ nhất là hai con chó ngày hôm qua cứ đi lẩn quẩn xung quanh khuôn viên của căn nhà, khi người đến cúng với dần thì chúng chạy vào, đầu hướng về phần trên của quan tài mà sủa liên tục. Độ Sẹo hết lần này tới lần khác cằn nhằn với mẹ mình, bảo bà nhốt chúng lại nhưng bà chỉ lắc đầu mà không nói gì cả.

Bà Huyền từ đầu đám tang đến giờ chỉ bắt một chiếc ghế đẩu rồi ngồi phía bên trái của quan tài, dáng ngồi hết sức nề nếp, hai chân bà khép lại, tay đặt lên đùi, lưng thẳng, ngoài ra còn nở nụ cười lễ phép với những người đến viếng. Lâu lâu thằng Dương Ba lại gào lên khóc mẹ, bà ngoại cũng nhào đến ôm nó mà khóc cháu, chó từ phía ngoài sân lại sủa vào inh ỏi, cảnh tượng hết sức thê lương, pha lẫn chút hỗn độn. Cửu ngồi trên chiếc giường gỗ cạnh bên Độ Sẹo, đang nói chuyện bỗng từ đâu xuất hiện một người thanh niên với khuôn mặt tròn trĩnh, da trắng, lúc hắn mở miệng cười để lộ hai cái răng thỏ to đùng, kiểu người thích tọc mạch. Hắn tiếp cận Độ Sẹo rồi nói: "Con tên Vũ Linh, ở cách đây năm căn nhà. Nay nghe nhà có tang, xin được thành kính phân ưu." Độ Sẹo gật đầu cám ơn, hắn nói tiếp: "Cho con hỏi, nhà mình hôm nay có Án Sát Tiên Sinh đến điều tra đúng không ạ?"

Cửu nghe xong thì nhìn Độ Sẹo với ánh mắt khó hiểu, đoạn quay sang Vũ Linh bảo: "Anh có gì định khai báo sao?"

"Dạ bẩm, vâng ạ. Mà là từ vụ của bác Hoa kìa, con có lên bẩm với quan huyện nhưng ổng đuổi con về, bảo con nói nhảm."

Cửu mím môi, chuyện này cũng không khó hiểu, đoạn y bảo Vũ Linh cứ trình bày. Vũ Linh nhìn trước nhìn sau rồi kề sát về phía Cửu như không muốn ai nghe thấy mình nói, hắn kể sau khi Hoa tiều phu chết, hắn thấy bà Huyền đi vào rừng hết nửa ngày, chiều về thì đem theo hai con chó, chúng chỉnh là lũ sủa quan tài nãy giờ. Mà hai con chó này ngộ, gặp ai cũng quẩy đuôi thân thiện, duy chỉ lúc thấy Yến Thư là bắt đầu sủa om sòm. Chưa hết, Vũ Linh từ đó thì đi theo rình rập bà Huyền, thấy lâu lâu bà ta lại dẫn hai con chó đi vào rừng, lúc trở ra thì mỏ chúng dính đầy máu, còn sắc mặt bà Huyền thì hết sức kinh dị, đôi mắt thâm quầng, trợn ngược, miệng cứ lẩm bẩm gì đó với bản thân. Kể đến đó thì bà Huyền từ đâu xuất hiện phía sau lưng Vũ Linh khiến hắn giật thót mình, bà nghiến răng: "Cháu lại kể chuyện cô vào rừng nữa à Vũ Linh?"

Vũ Linh giả bộ dửng dưng, bà Huyền nói nó cúng xong thì ở lại ăn bữa cơm với gia đình, nhưng bà nói bằng giọng điệu đay nghiến. Vũ Linh nghe xong thì đứng lên đi thẳng ra cửa, trước khi khuất bóng còn nói dằn lại: "Hôm kia con thấy cô từ rừng đi vô rõ ràng, vậy mà cô đi đồn con nhiều chuyện. Cô dắt theo hai con chó, trên tay còn cầm theo cái đầu heo!"

Vũ Linh nói xong thì chạy mất dạng, Cửu và Độ Sẹo còn chưa hiểu chuyện gì thì nghe tiếng chửi bới vang lên từ phía quan tài, quay lại nhìn thì một phen hốt hoảng: là ông Hoa. Ông xuất hiện không biết tự lúc nào, chỉ tay như thể Yến Thư còn ngồi đó, bằng đủ thứ từ ngữ cay nghiệt: "Cái ngữ như mày đúng là sự sỉ nhục của dòng họ, tao không chờ được cái ngày mày chết đi cho rảnh nợ cái nhà này, quả báo mà!"

Độ Sẹo như bị đóng băng cảm xúc, khuôn mặt gã cứng đờ, một chút ý thức cũng không còn. Phía bên kia, bà Huyền cùng Dương Ba và những người đến viếng cũng chết lặng, người nào người nấy mặt cắt không còn giọt máu. Một số người sợ quá, quỳ mọp xuống, vái lạy liên hồi, kêu rằng ông Hoa sống khôn thác thiêng, giờ phút này nên an nghỉ, hồn phách cớ sao còn vướng bận trần gian để mà hù dọa người nhà làm gì. Ông Hoa vẫn đứng đó, trông như không thể nghe được những câu khấn vái kia, mặt ông ầm ầm lửa giận, chửi không ngớt lời. Độ Sẹo siết chặt nắm tay, vai run lên từng hồi, ra vẻ như chịu đựng sự bất lực ghê gớm.

Ông Hoa buông những lời chửi nặng nề hướng vào quan tài, chốc sau một trận âm phong từ bên ngoài thổi xộc tới, đèn đuốc trong nhà leo lét chực tắt, khi gió lặng đi cũng là lúc ông Hoa biến mất. Mọi thứ quay trở lại bình thường nhưng tâm trạng những người có mặt thì không còn bình thường được nữa. Gian phòng quàn quan tài bỗng chốc trở nên u ám lạnh lẽo đến đáng sợ. Những người đến viếng thấy chuyện như vậy thì vô cùng kinh hãi, ông Hoa vừa biến mất là lũ lượt kéo nhau té chạy ra khỏi nhà, khung cảnh trông thật vừa đáng buồn mà cũng vừa đáng trách.

Đám tang của cô gái trẻ vì vậy mà càng trở nên thê lương hơn nữa. Kỳ lạ là bà Huyền khi thấy mọi người chạy về bỗng không có biểu hiện gì khác, khuôn mặt trở về vẻ điềm tĩnh như lúc nãy, ngồi dựa lưng vào ghế, hai chân khép lại, ánh mắt trông như nhìn về nơi xa xăm, chất chứa một điều gì đó thẳm sâu và khó hiểu. Không khí càng nặng nề hơn, chẳng ai nói với ai câu gì, Dương Ba thì cứ thế mà khóc, Độ Sẹo vẫn còn siết chặt tay, trông như tưởng nhớ lại cái thứ quả báo gì đó mà gã đã nhắc đến. Trời lúc này đã khuya, trăng trên cao, nhìn bên ngoài mịt mù, chắc trăng cũng đã bị mây che khuất, gió nổi lên từng cơn lạnh buốt. Đường xá vắng ngắt. Có một số xấp vàng mã đốt không cháy hết bị gió cuốn bay lên cao rồi rơi lả tả như những cánh hoa tuyết chết chóc, đáp mình vào những góc tối trên đường.

Nhang gần tắt, bà Huyền khẽ giục Dương Ba đốt nhang mới, thỉnh thoảng hoá thêm ít vàng mã và thay đèn cầy. Những vết đèn cầy đỏ lòm đổ dọc xuống thân quan tài, trông dưới ánh sáng chập chờn này thì tựa như quan tài đang rỉ máu. Sau chuyện kỳ lạ khi nãy, tất cả đều trông thấy ông Hoa đã chết quay về sờ sờ, còn mắng chửi Yến Thư, cảm giác đó không thể là giả được, nhưng để chấp nhận chuyện đó quả thực cũng không dễ chút nào. Mọi thứ lúc này trông đều nhuốm màu ma quỷ. Dương Ba thắp lên mấy cây đèn cầy mới, cắm vào chỗ những cây cũ, ánh sáng vàng vọt yếu ớt soi lên những khuôn mặt hình nộm giấy cúng theo người chết làm cho chúng sống động như thật.

Bỗng nhiên bên ngoài vọng vào một tràng tiếng chim heo kêu thảm thiết, không phải một con mà là cả một bầy rất đông. Chúng bay nháo nhác trên những tán cây xung quanh, âm thanh inh ỏi chói tai nhức óc. Dĩ nhiên chim heo từ xưa tới nay khi kêu đều là dự báo có điềm chẳng lành, ấy chỉ là một con, còn cả đàn thì chẳng thể biết chuyện sắp xảy đến còn kinh khủng dường nào nữa. Những nhà lân cận thấy vậy, chẳng ai bảo ai, nhất loạt đóng chặt cửa, tắt hết đèn, cả một thôn xóm phút chốc như trở thành ngôi làng ma. Những con chó trong nhà được thế càng sủa dữ dội hơn nữa, chúng vừa sủa vào quan tài, vừa hướng ra ngoài, nghe muốn điếc cả tai. Bọn chim heo bay vài vòng rồi đậu khắp nơi, trên các tán cây xung quanh nhà, nóc nhà, đậu cả dưới hiên. Điểm kỳ lạ là bọn chúng đều hướng mắt vào trong nhà, rướn cổ lên kêu từng hồi như bị cắt cổ. Độ Sẹo lúc này đứng ngồi không yên, cứ đi qua đi lại, mồ hôi vã ra ướt cả trán, vội ra đóng cửa chính, cài then kỹ càng rồi quay vào trong nhưng vẫn không thôi dán mắt vào nó như lo sợ không thôi.

Bọn chim heo vừa đậu xuống sân, chẳng bao lâu sau, điều không ai trông đợi cũng xảy đến. Trời lúc này nổi lên một trận giông rất lớn, hơi lạnh bao trùm không gian, đưa mắt nhìn ra ngoài thì thấy cả bầu trời bị phủ bởi một lớp mây đỏ như máu, sấm chớp giật từng hồi. Những tấm rèm bay phần phật, mái nhà như sắp bị thổi bay đến nơi. Dương Ba lúc này bỗng nhiên không ngồi khóc nữa, nó rón rén đến bên cửa chính, đưa mắt nhìn ra rồi kêu lên: "Có mấy người đứng trước nhà mình kìa!"

Mọi người lập tức chạy tới xem, quả đúng như những gì thằng bé nói, trước sân, bọn chim heo đậu dạt sang hai bên, có bảy người đang đứng nhìn trân trân vào nhà. Những người này quấn vải đen, người cao hơn hai thước, tay chân lều khều như cây sào. Bọn họ đeo mặt nạ trông như đắp bằng đất sét vụng về, có màu trắng, chỉ khoét hai lỗ hổng ở mắt, vẽ một số hoạ tiết màu đỏ, hai tay chắp lại trước ngực cầm một cây đèn cầy trắng, ánh lửa màu xanh, trông như loài ma quỷ mười tám tầng địa ngục đi lang thang ở nơi này chứ chẳng thể là người được. Bọn họ cứ đứng như trời chồng ở đó, không làm gì khác. Gió vẫn gào thét bên ngoài, cánh cửa rung lên bần bật, tựa hồ như làm bằng giấy mỏng.

Bà Huyền bỗng đổi kiểu ngồi, mắt nhìn về phía cửa như đang chờ đợi gì đó. Độ Sẹo nhìn mẹ mình, đột nhiên dự cảm có chuyện gì đó sắp ập đến. Đúng lúc này, bảy bóng người trước cửa bỗng biến mất, cửa chính bị một trận cuồng phong thốc tới, bung cả then cài, mở toang ra. Gió lùa vào lạnh ngắt, đem theo lá cây, hòa cùng những xấp vàng mã, ánh đèn cầy phụt tắt chỉ còn cây đèn dầu phía trong góc nhà tạo thành khung cảnh nửa sáng nửa tối vô cùng ma quái.

Một bóng người xông thẳng từ ngoài vào khiến bên trong nhà thêm một phen hoảng loạn, lần này không ai khác mà chính là Tuấn - người chồng đã chết của Yến Thư. Tuấn mặc đồ nhà binh, hông đeo súng, mặt hầm hầm như lửa đốt, vẫn làm y hệt như ông Hoa, vừa bước vào thì đã cất lời chửi rủa thậm tệ. Độ Sẹo vẫn giữ khuôn mặt bất lực cùng đám mồ hôi tuôn ra như tắm, duy chỉ có bà Huyền đã đổi tư thế, bà nhón người về trước, hai tay với ra như muốn chụp lấy người con rể quý hoá kia nhưng lại không dám. Bà cũng quỳ xuống, kêu khóc, nhưng chỉ là khóc cho cái chết của Tuấn chứ không hề khuyên nhủ Tuấn ngưng việc chửi rủa vợ mình.

Dương Ba kêu lên: "Ba ơi, ba...ba... đừng la mẹ nữa mà."

Tuấn dường như không nghe thấy gì cả, sấn bước đến giơ chân cao lên, định đạp thật mạnh vào quan tài. Dương Ba thấy vậy, nó lao đến định ôm Tuấn lại, tuy nhiên, trước sự ngỡ ngàng của nó cũng như mọi người, Tuấn tựa như cát bụi, thoáng chốc đã tan biến vào hư vô. Thậm chí trong lúc sắp biến mất, Tuấn vẫn giữ điệu bộ cay độc. Điều ma quái xảy đến dồn dập không khỏi khiến tâm trạng mọi người ở đây rối bời. Còn chưa định thần lại, ánh đèn dầu trong góc cũng trở nên hiu hắt, cái quan tài rung lắc dữ dội như có người đứng bên trên nhún nhảy.

Không gian vang lên tiếng cười the thé đáng sợ, những cái hình nộm bị đánh động cũng ngã ra đất, quay đầu nhìn vào quan tài. Quan tài lắc lên mấy cái rồi đổ rầm xuống sàn, nắp quan bung ra, thi thể Yến Thư lăn ra ngoài, ánh mắt trừng trừng nhìn thẳng vào bà Huyền, tựa như sự oán hận đã chất chồng như núi không thể hoá giải, bài vị và hình thờ cũng đổ ập xuống sàn, tro văng tứ tán.
- o -
Ngày hạ huyệt, buổi sáng mây đen kéo đến như sắp mưa, sấm nổ rền trời, cơn giông mang theo cái lạnh thấu xương. Ngày hôm qua đối với gia đình nhà họ Dương chẳng khác nào một cơn ác mộng kéo dài đằng đẵng, ai nấy đều thất thần, ánh mắt thâm quầng như cả năm trời chưa được giấc ngủ ngon. Mà cũng đúng vậy thật, Độ Sẹo dành cả đêm qua để ngồi vò đầu bứt tai, mặc cho vài người trai tráng gan dạ tự nguyện ở lại sắp cái quan tài về vị trí cũ. Vào giờ động quan, Dương Ba cầm di ảnh của mẹ nó đi đầu, lực điền huy động tám người cử quan, tiễn Yến Thư về nơi an nghỉ cuối cùng. Tưởng chừng như những sự kiện kỳ quái đã kết thúc, ai ngờ quan tài chưa đi được năm thước đã thấy tiếng chân bịch bịch vọng lại từ phía cửa nhà, cả thảy đoàn người quay đầu lại nhìn, ai nấy cũng kêu lên một tiếng kinh hãi vì tiếng chân đó là Yến Thư. Cô đang chạy về phía chiếc quan tài của mình vẫy vẫy tay nói, âm thanh lúc trầm lúc bỗng, vang vọng cả một góc trời: "Về rồi đó hả, lâu rồi mới thấy về nhà mà, lần này đừng vội đi, đừng có vội đi nghe. Hihi."

Chợt Yến Thư quỳ rạp xuống, tâm trạng trên khuôn mặt thay đổi một trăm tám mươi độ, mới còn nói cười nay đã khóc mếu mó, cô lấy tay che đi cái đầu của mình, miệng liên tục gào lên: "Đừng có đánh em, đừng có đánh em nữa mà. Đánh người mà không thấy đứt ruột sao, đánh người mà không thấy ĐỨT RUỘT sao?"

Nói xong câu đó, cả cơ thể Yến Thư bỗng nhòe đi, cô đang mặc đồ cô dâu màu trắng, khuôn mặt trang điểm trắng bệch, vết son trên môi như biến thành một đường máu màu đỏ thẫm chảy dài từ khóe môi đến cổ. Cô đứng dậy rồi cất bước chạy như bay về phía quan tài của mình trong sự kinh hãi tột độ của cả đoàn đám ma, rồi bất chợt, bóng dáng cô tan đi y hệt như lúc Tuấn trở về tối hôm qua.

Trời phút chốc đã mưa như trút nước, cái huyệt vừa đào giờ âm ỉ chất nước màu đen, không biết là do trời hay do kiếp người. Nấm mồ mới đắp trơn trượt, từ bên trong rỉ ra những dòng nước đục ngầu, tiếng khóc thê lương của gia quyến như hòa quyện vào tiếng rơi lộp bộp của những giọt mưa. Khuôn mặt đoàn đưa tang giờ gầy guộc không còn chút cảm xúc, ai cũng muốn xong sớm để trở về trùm lấy tấm chăn êm, thề không bao giờ dính líu đến những chuyện như vậy nữa.

Tối đó, Độ Sẹo lo cho Dương Ba ngủ xong thì ra ngồi cạnh Cửu trên chiếc giường gỗ. Cửu ân cần nói: "Thằng bé thấy vậy mà cũng gan lì..."

Độ Sẹo thở dài: "Âu cũng vì nó khóc hết nước mắt, thân thể thấm mệt."

"Còn huynh thì sao?"

"Tôi cũng chẳng biết. Dương huynh, tôi nhờ huynh chuyện này. Huynh đã suy ra được mấy phần, có thể cho Độ tôi biết hết được không? Tôi phải bảo vệ những người còn lại trong gia đình mình mới được."

Độ Sẹo không còn xưng là "tại hạ" khiến Cửu có chút bất ngờ, nhưng nghe đến đó y cũng chỉ điềm tĩnh nhấp một ngụm nước.

Từ cái hàng rào trước nhà, gió đang lùa qua những kẽ lá, qua cái khe cửa và hai hàng câu đối, thổi nhẹ vào tấm áo choàng phất phơ của kẻ nghe lén phía bên ngoài. Hắn chùi mũi rồi kéo mũ chụp đầu xuống, là Vũ Linh. Có sấm sét. Trời đổ cơn mưa rúc rích. Vũ Linh nghe được câu chuyện của Độ Sẹo và Cửu thì nhoẻn miệng cười rồi thận trọng quay lưng bước đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro