anh đạp xích lô (NoRen)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sài Gòn hồi đó thì cơ man là xích lô.

Trời trưa nắng như thiêu đốt, Đế Nỗ vừa chở xong một cuốc khách, vui vẻ nhét mấy đồng bạc lẻ vào túi áo vải, rồi đạp xích lô tới chỗ bóng râm cây bàng già, uể oải ngả lưng xuống mà chợp mắt. Tranh thủ được lúc nào hay lúc nấy, dạo này nhiều khách, tuy nhiều tiền thiệt đó nhưng lại mệt quá chừng. Lấy cái nón vải cũ đã chắp vá không biết là bao nhiêu lần mà che lên mặt, không quên quay tấm biển đã ố vàng ghi hai chứ "Xích Lô" thiệt lớn, Đế Nỗ từ từ chìm vào giấc ngủ trưa bên tiếng xào xạc của cây lá và mùi bánh mì nóng giòn thơm phức.

- Anh gì ơi, anh xích lô gì ơi? Có chở hông anh?

- Có, tui có. - trong cơn ngái ngủ, Đễ Nỗ vẫn trả lời theo bản năng. Anh bỏ chiếc mũ vải ra khỏi gương mặt đã lấm lem mồ hôi vì cái nóng ban trưa. - Cậu đi tới đâu á? - lu bu dọn dẹp, Đễ Nỗ vẫn còn chưa kịp ngẩng mặt lên mà nhìn xem chủ nhân của giọng nói ngọt lịm như mía lùi đó là ai.

- Cho tui dìa Tân Bình nghe anh, chỗ công diên Hoàng Văn Thụ á, - Nhân Tuấn nhẹ nhàng đáp.

- Xong rồi, xin lỗi vì để cậu chờ lâu nghe, tui đoảng quá, lỡ để cái bảng mắc vô bánh xe, xong hết rồi đó, cậu lên đi, - Nỗ quay sang, làm động tác "mời" như mấy chú, mấy bác lớn hơn hay làm.

Ái chà !

Bữa nay mánh lớn thiệt rồi.

Nhìn Tuấn, Nỗ biết chắc ngay anh chàng này là một công tử chánh hiệu: dáng người nhỏ thấp, da trắng bóc, gương mặt có nét như mấy tài tử Hồng Công; tay mang cạc-táp đen có cái ghim cài màu vàng ghi cái chữ tiếng Tây tiếng Tàu gì đó, quần âu ca-rô màu be, áo sơ mi trắng đóng thùng gọn gàng, mũ phớt với cặp kính cận, nom y hệt một cậu sinh viên chăm chỉ. Gần khu này thì chỉ có Đại học Bách Khoa, mà Bách Khoa chẳng phải những cậu trai ba lỗ quần đùi, mặt mày đen đúa lấm lem dầu nhớt, thì chí ít trông ai cũng quê mùa cục mịch, đâu có bao giờ lại được trắng trẻo, thư sinh như cậu công tử này. Mà dân Bách Khoa nghe đâu giỏi phải biết, cậu công tử này vừa giàu vừa giỏi, áng khi bữa nay lại được thêm tiền boa. Nói nào ngay, hồi hổm Nỗ đã chở một anh công tử rồi, ảnh sộp dễ sợ, trả xong tiền xích lô còn boa cho anh chàng thêm mười ngàn, bảo "anh cho cậu, cầm đi uống li cà phê hay mua điếu thuốc mà hút", xong xoay người đi thẳng. Bao ngầu!

Đợi "cậu công tử" an vị trên xe, Nỗ chầm chậm đạp đi. Đạp được một đoạn, Nỗ mở lời:

- Cậu tên chi á?

Không có tiếng trả lời, Nỗ nghĩ tại vì đường xá ồn ào, mình hỏi nhỏ, bèn hỏi lại:

- Cậu tên chi á?

Lúc này mới có tiếng đáp lại:

- Tui tên Tuấn, họ Hoàng. Còn anh thì sao?

"Giọng con trai chi mà ngọt ơi là ngọt vậy hà !" - Nỗ thầm nghĩ, tự dưng thấy trong lòng anh có chi đó xốn xang quá chừng.

- Tui tên Nỗ, họ Lý. Cậu coi đó, con cháu sót lại của triều Lý hưng thịnh, mà giờ lại dầm mưa dãi nắng đi đạp xích lô kiếm ăn, đúng là không có chi lường được cậu hen?! Mà Tuấn năm nay nhiêu tuổi rồi, cậu học Bách Khoa hả? - tới đoạn dừng đèn đỏ, Nỗ hỏi, - chắc phải giỏi lắm mới vô được đó á hen, tui nghe mọi người kháo nhau vậy á?

- Tui học cũng thường hà, anh! Năm nay tui là tân sinh viên của Bách Khoa đó, mười tám tuổi! - Tuấn đáp, giọng nói mang theo vẻ tươi mới và trong trẻo.

- Sao Tuấn cứ một điều anh, hai điều anh vậy? Bộ Nỗ trông già lắm hay sao? - giọng Nỗ bỗng trùng xuống, nghe rầu rầu, - hay là Tuấn khinh tui, nên mới không muốn nói chuyện thoải mái với tui? Tui thấy nãy giờ Tuấn khách sáo quá hà!

- Anh đừng có nói vậy! T-Tui hổng có ý đó mà, - Tuấn lắp bắp, gương mặt trắng trẻo xem như đã hồng một mảng rồi.

- Nỗ xin lỗi Tuấn nghe, Nỗ giỡn thôi! - Đễ Nỗ cười cười, - Nỗ năm nay hai chục rồi, Tuấn gọi là anh cũng đúng mà.

- Trời, anh làm tui hết hồn, - giọng Tuấn có chút thoải mái hơn khi trước, cậu cơ hồ tính nói gì đó, rồi im bặt.

Thấy người đằng trước im lặng, Nỗ cũng chẳng nói gì nữa. Anh lẳng lặng đạp xích lô, chở cậu đi qua chẳng biết bao nhiêu là phố xá. Trời chiều Sài Gòn nực gần chết, nắng chảy từng vệt dài vàng óng ánh mà đậu lên trên mái tóc bổ luống mềm mại đen tuyền của Tuấn, làm Nỗ không khỏi cảm thán. Phố xá bây giờ đang tấp nập hẳn lên, mấy quán nhậu ven đường đã bắt đầu bày biện ra vỉa hè mấy chiếc bàn nhựa và dăm chiếc ghế con.

Nói thiệt chứ, đây là lần đầu tiên Tuấn đi xích lô.

Ba của Tuấn vốn là cán bộ cấp cao trong bộ máy quyền Sài Gòn thời bấy giờ, nên nhà cậu cũng coi như thuộc dạng khá giả. Từ bé, Tuấn đã quen ngồi ở băng ghế sau ô tô mỗi giờ tan học. Ba Tuấn không cho Tuấn đi xe đạp hay xích lô, ổng biểu: "Ba làm quan chức, lỡ mấy người đồng nghiệp thấy con như vậy, chắc đàm tiếu cho ba độn thổ quá! Phiền lắm!". Như vậy đó. Hôm nay ba Tuấn điện tới trường, báo với Tuấn là hôm nay có công việc đột xuất, biểu cậu vô quán cà phê nào ngồi cho mát, chờ tài xế tới đón sau. Mà Tuấn thì thấy lâu quá, bèn đánh liều ra kêu xích lô. Lần đầu đi vậy mà gặp anh lái xích lô mồm mép ngọt như nước đường phèn, "một câu xưng tên, hai câu xưng tên" ngọt xớt, làm Tuấn cứ khúc khích cười mãi, mắt cong lên thành vầng trăng nhỏ. Cậu cố gắng lờ đi con tim đang chệch nhịp của mình bằng cách ngắm nhìn phố phường tấp nập. Lạ thiệt hen, sống ở Sài Gòn phồn hoa này bao lâu, mà Tuấn chưa bao giờ được đi xích lô ngắm phố xá, thưởng ngoạn cái xa hoa tráng lệ xen lẫn với cái đường phố bụi bặm rất riêng của Sài Gòn này.

Sài Gòn của Tuấn, vào một buổi ráng chiều, thiệt đẹp làm sao!

Đường đi về có đi ngang qua mấy ngôi trường Tiểu học, mà bây giờ là giờ tan trường, ta nói, đông phải biết! Mấy cái gian hàng bán kẹo mứt bắt đầu đông lên, tiếng xôn xao bàn tán của mũ con nít cứ thế mà vang vọng cả một vùng trời. Tuấn để ý thấy, ngay sát rạt kết bên là chiếc xe đạp của một cô, tụi học sinh với khăn quàng đỏ thắm túm tụm lại, đông quá trời.

- Cô ơi cho con một cái bỏ nhiều dừa nghe cô!

- Cô ơi cho con hai cái bỏ nhiều đậu phụng nghen!

- Cô ơi...

Chẳng biết đây là món gì mà tụi nhỏ thích dữ vậy cà? Tò mò quá, Tuấn liền len lén mà nhoài người ra khỏi xích lô một chút...

- Ấy, Tuấn làm gì đó? Té đấy, cậu ngồi cẩn thận chứ! - Nỗ bỗng lên tiếng, làm Tuấn theo bản năng mà rụt cả người vào, hệt như vừa phạm tội tày đình, - Cậu Tuấn hổng biết cô kia đang bán gì á? Là kẹo chỉ đó! Tuấn ăn hông, tui biết có cô này bán kẹo chỉ số dách Sài Gòn luôn đó, đi lên trên chút xíu là tới hà, chứ ở đây đông nghẹt, còn lâu mới mua được.

Kẹo chỉ ấy à?

Đó giờ Tuấn chỉ nghe đến kẹo dừa Bến Tre, hay kẹo đậu phụng mè, chứ đã bao giờ nghe tới kẹo chỉ đâu. Tò mò quá đỗi, Tuấn không ngại mà đáp lời:

- Tui muốn thử lắm, anh coi chở tui tới đó với?

- Tuấn chờ xíu nghe, tới liền ngay thui nè.

Đúng là gần thiệt, tầm ba phút sau, lại một xe kẹo chỉ nữa xuất hiện. Cô đứng bán lần này là một người phụ nữ trạc ngũ tuần, có gương mặt tròn phúc hậu. Ngó thấy Nỗ, cổ cười hiền:

- Ối cha thẳng quỷ, vác thân đi đâu mà đến giờ mới về thăm tui đây? - cổ vỗ vai Nỗ, giọng nói mang chút oán trách nhưng đong đầy tình cảm.

- Con đâu có đi đâu đâu cô, vẫn ở trong cái Sài Gòn này thôi hà! Ngày chục cuốc, cũng tạm ba bữa cô ạ! Bữa nào nắng thì ngủ dưới gốc cây, hôm nào mưa kiếm cái hiên đứng nhờ, vẫn khoẻ re! Cô, cái cậu khách này đòi ăn kẹo chỉ á, cô làm hộ con hai cái nghe cô! - giọng Nỗ có chút nghẹn ngào mà nói với người cô họ. Cổ nghe xong cười hiền, xoa mái tóc đã bết mồ hôi của Nỗ rồi vào trong lau tay, sửa soạn để làm kẹo chỉ.

Cổ bắt đầu bằng một nhúm bột trắng nhỏ. Cổ lăn nó thành hình dẹt, rồi thật nhanh tay kéo bột thêm vài vòng nữa. Miếng bột lập tức được chia ra thành rất nhiều sợi trắng nhỏ, hệt như sợi chỉ! Thiệt là thần kì, còn hay hơn mấy pha ảo thuật Tuấn hay coi trên ti di nữa.

- Xong rồi nè con! - cổ đưa cho Nỗ hai miếng kẹo chỉ đựng trong bịch con. Tuấn giờ mới luống cuống nhớ ra mình phải trả tiền, bèn luống cuống mà lục cạc-táp, thì nghe cô bảo:

- Thôi, cái này coi như cô tặng hai đứa. Cũng sắp dẹp tiệm rồi, buôn bán ế ẩm quanh năm, sao mà sống! Đây coi như bữa cuối cô bán, tặng hai đứa đó! - đôi mắt cô hình như đang phản chiếu muôn ngàn hạnh phúc mà nhìn Tuấn.

- D-dạ, c-con cảm ơn cô! - Tuấn cúi gằm, lí nhí đáp.

- Ừa, tạm biệt hai con nghe!

Chiếc xe xích lô lại chầm chậm mà lăn bánh, guồng quay cứ đều đều theo nhịp đạp của Nỗ, nhỏ dần theo ánh mắt người bán kẹo chỉ già.

___

- Thời gian trôi qua nhanh thiệt đó Tuấn ha, mình mới có nói chuyện mấy cậu thôi mà đã tới nơi rồi! - Nỗ giữ xe, để Tuấn trèo xuống nơi gốc cây sung to ngay đầu công viên. Trong lòng anh bỗng cảm thấy tiêng tiếc, thiệt muốn hiểu hơn về Tuấn.

- T-Tui cảm ơn anh nghe, bao nhiêu vậy anh? - Tuấn bỗng cảm thấy ngại ngùng, mặt cúi gằm xuống đất, không dám ngẩng đầu lên nhìn ai kia.

- Mười lăm ngàn nghe em, nhưng tại vì Tuấn dễ thương quá, nên anh lấy còn mười hai ngàn thôi đó! - Nỗ bỗng chuyển cách xưng hô sang "anh - em", càng làm Tuấn ngại ác. Cậu luống cuống lục cạc - táp, lôi ra một cọc tiền lẻ, đôi bàn tay nhỏ bé trắng xinh run run mà lấy tiền. Lúc ngẩng mặt lên, chẳng hiểu sao hai má Tuấn đã hồng rực như mấy diễn viên Nỗ hay thấy trên mấy tấm áp phích khi đi qua mấy rạp xi - nê, hổng hiểu do em ngại, hay là do mặt trời đỏ chiếu gay gắt nữa?

- T-tiền nè a-anh Nỗ, cho tui gởi, - dứt lời, Tuấn chạy biến sang bên kia đường, dáng người nhỏ bé mất hút sau con hẻm nhỏ. Nỗ nhìn cọc tiền, đếm lại một lượt.

Trời, ẻm boa cho mình tận hai chục ngàn!

Nhưng hôm nay Nỗ làm sao ấy nhỉ, được nhiều tiền như vậy, nhưng anh lại chẳng cảm thấy vui. Lòng anh như bị khuyết mất một mảnh từ buổi chiều hôm ấy, hình ảnh đôi gò má hồng hây đỏ và bóng lưng nhỏ bé của Tuấn cứ bám lấy Nỗ mãi...Anh nhớ cái lịch sự của cậu, nhớ cái đôi mắt long lanh, nhớ cả dáng người nho nhỏ thư sinh của Tuấn, nhớ quá...Nỗ biết mà, anh làm cái nghề này chỉ đủ ăn, chứ làm sao mà tiết kiệm cho nổi? Mai đây chánh quyền Sài Gòn nghe đâu sắp cho dẹp luôn cái nghề xích lô này, đến lúc đó, những người không có học như anh thì lấy cái gì ra làm kế sinh nhai, họa bỏ đi làm bốc vác hay phụ hồ. Đời này, Nỗ sẽ chẳng bao giờ lấy được vợ - anh nghĩ thế, con gái bây giờ họ cũng phải lựa cho bản thân một tấm chồng giàu sang phú quý, hoặc chí ít là khá giả đủ ăn, chứ làm gì có cô nàng nào dám lấy một tay lái xích lô quèn, cả cuộc đời sống phụ thuộc vào cái xích lô cũ cơ chứ. Đấy, khó khăn như vậy, mà Nỗ bây giờ lại đem lòng đi thương một cậu con trai, rồi người đời sẽ nghĩ thế nào, sẽ đối xử thế nào với anh và người anh thương chứ...

Bẵng đi một thời gian, Nỗ tình cờ lại dừng cuốc khách cuối buổi sáng ngay gốc bàng ngày nào. Anh rầu rầu đẩy cái xích lô của mình tới lại chỗ cũ, rồi lại ngả lưng xuống mà an giấc.

- Anh Nỗ, anh Nỗ! Chở tui dìa chỗ cũ nghe! Anh Nỗ!!!!!!

Cái giọng nói mềm mại mà Nỗ đã mong nhớ bấy lâu nay, giọng nói của em, của Tuấn của anh.


Ván bài lật ngửa, Lý Đế Nỗ thua trắng.


"- Anh Nỗ, chở tui dìa chỗ cũ nghe anh!


- Ừa, anh chở Tuấn về cả đời cũng được !"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro