Anh mõ xưởng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thoáng cái, mặt trời lên ngấp nghé bằng ngọn cây cau sau nhà. Trên khoảng sân rộng tương đương cái sân ở nhà văn hoá thôn N.L., ba đứa trẻ đã chạy nhảy chơi đùa với nhau từ lâu. Vừa mở chiếc cổng sắt ố hoen kêu một tiếng kẹt chói tai, Thơ đặt cái làn nhựa màu xanh lá mạ đầy những đồ ăn thức uống xuống sân, nẹt đứa con gái lớn năm nay vừa lên mười hai:

- Chúng mày làm cái gì mà để gà tãi hết vườn ra thế này? Chiều bố mày về thì no đòn.

Thương, đứa con gái cao nhất mà tóc cũng dài nhất hất mặt vào phía trong buồng:

- Bố còn đang nằm trong buồng kia kìa. Nay bố không đi làm, sáng bố còn bảo là chả thiết cái gì nữa ấy.

- Cái gì? Chín rưỡi sáng rồi mà còn chưa đi làm? Sáng nay vẫn bình thường cơ mà.

- Con không biết, mẹ vào mà xem.

Lật đật chạy qua bậc thềm tam cấp, Thơ chạy vào trong buồng. Cô lo lắng chẳng may chồng ốm đau gì mà lại thế. Nhà năm miệng ăn, ruộng đất không có, đồng lương làm công nhân của Kiền một tháng cộng cả với tiền bỏ mối bánh mỳ sáng của cô mới vừa đủ chi tiêu và tiền học cho hai đứa lớn, còn đứa nhỏ thì nhờ ông nhờ bà. Vốn liếng đúng là nhờ Giời có sức khoẻ, chịu thương chịu khó mới tạm qua ngày, bây giờ mà một trong hai vợ chồng ốm đau ra đấy thì đúng là mạt vận.

- Ông Kiền ơi, ông có làm sao không? Ông đau ở đâu à?

Trong cái không gian tối tối mờ mờ, chưa vào đến buồng mà mùi ẩm thấp đã chực chạy qua mũi, chỉ thấy một đống chăn chiếu bùng nhùng. Thơ lấy hai tay lay lay người chồng. Vốn chẳng được to cao gì, cô chỉ cần kéo mạnh vai một cái là cả người anh ta đã quay qua nằm ngửa lên. Khuôn mặt anh nhăn nhúm, bộ ria mép chưa cạo thành một hình vòng cung trên hai hàm răng nhô ra, môi khô đến nỗi bong ra thành từng mảng da nhỏ:

- Tôi không còn thiết tha đi làm ở cái công ty ấy nữa rồi.

Đôi mắt anh nhíu lại, ở khoé mắt thấy rưng rưng như chực khóc. Thơ chẳng hiểu đầu đuôi như nào thì anh tiếp tục:

- Cô xem, chúng nó có coi mình ra cái gì đâu mà thiết với tha. Tôi sống như nào thì cô quá biết còn gì. Thế mà chúng nó cứ hùa nhau dần dồn tôi vào chân tường. Phen này tôi kệ mẹ.

Nghe đến đây, cơ mặt cô hơi giãn ra một xíu. Vốn chẳng phải lần đầu thế này, cô cũng nhờn dần với phản ứng của anh. Hiện tại anh là công nhân đóng gói trong một dây chuyền sản xuất và không kiêm nhiệm thêm vai trò gì, nhưng kể từ khi vào công ty, anh cũng có kinh qua nhiều vị trí, mà theo anh là "có tai có mắt" hẳn hoi. Có thể kể đến như bảo vệ xưởng, đội trưởng đội xung kích phòng cháy chữa cháy, uỷ viên ban chấp hành công đoàn, uỷ viên uỷ ban kiểm soát an toàn thực phẩm căng-tin, công nhân kiêm trợ giúp tổ trưởng... Tóm lại toàn vị trí và vai trò mà theo Thơ, cô không thấy có thêm chút thu nhập nào nhưng chỉ mang về bao nhiêu là chuyện đâu đâu, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, ngày nào cũng va chạm người nọ người kia, hôm nào nhẹ nhàng không sao, nhưng khi bực mình là lại chén ra chén vào, chỉ tay lên trời lè nhè với vợ con:

- Tôi nói thật với cô, bây giờ đấy, chẳng có ai là theo lề lối gì cả hết. Ông tổng giám đốc ngồi trên văn phòng thì xin lỗi chứ, làm sao mà hiểu thực tế sản xuất bằng tôi được. Không có một ai là chấp hành, thực là sắp nát đến nơi rồi. 

Những lúc như vậy, cô chỉ chép chép cái miệng, mặt dài ra. Anh trông thấy, trừng đôi mắt đỏ như cá rói gườm gườm:

- Có phải cô đang nghĩ tôi nói phét không? 

- Không, tôi đang nghe đấy chứ - Thơ nói nhưng mắt nhìn ra phía sân gạch trước nhà, rồi lườm ba đứa con ăn cho chóng.

Quả thật, Thơ nghĩ, mọi lần chỉ đại loại một bữa rượu như thế là hết bức xúc, cô vẫn chưa thể hiểu lần này có gì nghiêm trọng mà anh ta lại như thế.

—————————

Tâm là một người tầm thước. Anh không cao nhưng bù lại đôi vai rộng và chắc nịch. Cái đầu vuông bè ra và giọng nói trầm trầm thì ai nghe cũng đều công nhận đáng tin. Hôm nay anh phải tăng ca thêm một tiếng để bù vào phần việc mà gã hàng xóm tên Kiền không đi làm. Xong việc, anh phóng xe thẳng về nhà và trên đường chắc bẩm kiểu gì vợ Kiền - Thơ cũng sẽ sang nhà anh hỏi han chuyện ở công ty. 

"Lần nào mà chả thế", Tâm lắc lắc cái đầu rồi tăng ga.

—————————

Cách nhau một rặng chuối, hai nhà Tâm - Kiền vẫn giao lưu với nhau bằng việc đàn gà của nhà này chạy sang phá vườn của nhà kia và ngược lại. Tuy vậy, không bữa rượu nào mà hai gã đàn ông lại thiếu nhau. Cuộc sống của họ vẫn giản đơn như thế, nhưng đó là trước cái ngày mà họ cùng nhau bán đứt quá nửa mảnh vườn của mỗi bên cho mấy đại gia trên thành phố rồi cũng cùng nhau nộp đơn xin việc ở công ty X.. Tâm thấy mới có hai năm mà mọi thứ thay đổi nhiều quá, đến nỗi mà bây giờ, có rượu có mồi ngon và đích thân anh sang gọi, Kiền cũng đều lấy lý do mà khước từ. 

Chặng đường năm cây số thoáng chốc đã hết vèo. Tâm vừa dựng được cái xe thì đã thấy Thơ hắng giọng ở ngoài cổng:

- Dạ, em chào bác. Bác đã đi làm về đấy ạ?

- Vâng, mời cô vào chơi.

- Thật ngại quá nhưng em phiền bác một chút chuyện ạ. 

- Thế cô thong thả rồi vào đây làm cốc trà, tôi háo nước từ trưa.

Với tay lấy ấm nước, Tâm mới sực nhớ là hộp trà mạn đã hết từ đầu tháng. Anh tần ngần rồi rót ra hai cốc nước sôi:

- Cô thông cảm, nhà tôi đi làm tối ngày nên tôi cũng đoảng, hết trà từ bao giờ mà vẫn đinh ninh còn mới chết chứ. Cô dùng tạm.

- Vâng, hàng xóm với nhau bác còn ngại gì. 

Nâng cốc nước lên làm một ngụm nhỏ, Thơ định bụng tìm cách mở đầu câu chuyện. Uống nước lọc đun sôi mà cô cũng nhấp từng tý một như đang thưởng thức một tách trà ngon.

- Dạ chuyện là thế này, mà em cũng chẳng giấu gì bác, ngại tý nhưng mà thôi. Em hỏi thật, ở công ty có chuyện gì không mà lão Kiền nhà em cứ vật vã không ăn không ngủ từ sáng đến giờ, hỏi gì cũng không nói. Cứ mở miệng là rít lên không thiết tha gì cái công ty đó nữa. Em cũng lo không biết lão ấy gặp chuyện gì hay ấm ức ở đâu, hay chịu oan gì. Có bác làm cùng công ty, lại ở cùng một tổ, bác mách em được không?

- À, lại đến nỗi thế cơ à? Cái thằng, thật tình cũng không phải là không có chuyện, nhưng tôi thấy cái chuyện này cứ giống như kiểu nó tự gây ra chứ không phải oan ức gì đâu. Mà lạ nhỉ, nó không kể gì với cô à? Cái thằng, thật tình...

Cứ thế, Tâm cứ lầm bầm trong miệng lại càng làm cho Thơ sốt ruột. Phải chờ cho anh ta uống hết cả hai cốc nước to thì Thơ mới bắt đầu được hé mở cái mối tò mò trong lòng, được cái là Tâm cũng rất khéo kể chuyện, bằng cái giọng trầm ấm bẩm sinh, mọi thứ cứ như đang diễn ra trước mắt cô vậy.

Chuyện là thế này, vào hôm kia, tức thứ ba, ngày hai tư tháng chín...

—————————

Trong căn phòng họp số hai, các ghế đã được ngồi kín.

- Anh Kiền, trước hết cảm ơn anh về việc tham gia buổi đối thoại ngày hôm nay. 

Một giọng nữ vang lên rất nhẹ kiểu lịch sự công sở, không bị lẫn hay nuốt chữ nào, Kiền ngước lên và ngạc nhiên rằng chị Thu - phó phòng nhân sự đích thân mở đầu cuộc họp.

- Mục đích của buổi đối thoại ngày hôm nay của phòng nhân sự, cùng với tất cả các anh chị liên quan đến sự việc xảy ra vào ngày hai mươi tháng chín vừa qua, là cùng nhau đối thoại để chúng ta thật sự hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra tại chuyền sản xuất số tám vào chiều cùng ngày. Anh Kiền ạ, chúng tôi rất tiếc vì anh đang bị cáo buộc xúc phạm anh Thuận - tổ trưởng chuyền, chị Ánh - công nhân kiểm hàng cùng chị Hương là công nhân của công đoạn trước anh tại thời điểm đó. Ở đây cũng có mặt các nhân chứng khác. Anh có ý kiến gì không?

Mặt Kiền hơi tái đi, nhưng chỉ thoáng qua rồi bắt đầu đỏ lên. Đôi mắt anh hấp háy liên tục và đôi môi trở nên run run. Hít lấy một hơi, miệng anh mím lại, tay phải chống xuống đệm ghế, tay trái để lên đùi phải lấy đà để vắt chân sang một bên, không nhìn vào bất kỳ ai mà chỉ nhìn chằm chằm xuống mặt bàn, anh hắng giọng đến ba lần.

- Thưa chị Thu, tôi tưởng là khi đã cùng nhau ngồi lại đây rồi thì phải nghiên cứu cả từ hai phía. Bây giờ tôi đang là một công nhân thật, nhưng vốn xưa kia tôi cũng không phải không biết luật lệ gì. Quyển nội quy tôi đã mất hai ngày hai đêm để đọc hết và hai năm vừa qua, không ngày nào là tôi không gắng công thực hành. Thiết nghĩ công ty đã không nêu gương tôi thì thôi, bây giờ lại vin vào một chuyện hết sức vô lý để cáo buộc thì trong tôi không còn cảm giác gì hết ngoài nỗi thất vọng. Thật sự mọi chuyện đều bắt nguồn từ một sản phẩm lỗi. Chiều hôm đó, khi tôi đang chú tâm để đóng hàng theo tiến độ sản xuất thì ở khu vực kiểm hàng lại rất huyên náo. Mọi người bỏ hết công việc đang làm để bu vào chỗ chị Ánh. Có cả công nhân ở dưới chuyền của tôi, cả công nhân ở chuyền khác cũng xúm vào. Đến đây, tôi thử hỏi các chị, điều nào trong nội quy cho phép mọi người bỏ dở công việc đang làm để đến túm năm tụm ba hóng chuyện? Nội quy có cho phép công nhân gây huyên náo không? Làm gì có đúng không? Thế là tôi nói to: Tất cả giải tán đi còn làm việc. Mọi người quay ra ngạc nhiên nhưng rồi lại bu vào như cũ, phớt lờ hẳn cái điều tôi đang nói. Tôi mới đến gạt anh Thuận ra vào bảo: "anh không bảo chúng nó về đi còn cho người khác làm việc", nhưng anh Thuận cũng chỉ bảo "được rồi, được rồi" mà không có hành động nào quyết liệt cả. Đến nước đó, tôi đành phải ra giải tán mọi người.

- Ở đó có bảo vệ chưa anh? 

Chị Thu nhìn thẳng vào Kiền mà hỏi, nhưng anh vẫn chẳng ngẩng đầu lên để đáp lại. Phía sau anh, đám người bắt đầu rục rịch thì thầm to nhỏ. 

- Tất nhiên là có rồi chị, nhưng họ cũng chỉ đứng nhìn. Không có một ai đứng ra để giải tán cái đám đông đó. Rất là khó chịu chị ạ. May là hôm đó không có khách hàng đến thăm quan chứ nếu mà có khách thì người ta sẽ đánh giá như thế nào? Người ta sẽ thấy là cái nhà máy này chẳng có lề lối kỷ luật nào hết.

- Tôi xin có ý kiến - một người có mái tóc bù xù ở sau lưng chị Thu vụt đứng lên - tôi xin lỗi có ý kiến đường đột, nhưng tôi thấy chướng quá nên không chịu được. Này anh Kiền, tôi thử hỏi cấp lãnh đạo nào giao cho anh nhiệm vụ can thiệp vào những trường hợp như vậy? Anh tưởng làm như vậy là đúng à? Trong khi mọi người đang trong quá trình điều tra thì anh hùng hùng hổ hổ vào làm toáng lên, hò hét giải tán trong khi còn chưa hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện là như thế nào. Đã thế, ai mà chưa kịp nhường lối cho anh thì anh còn xô cả người ta, anh tưởng anh là sếp ở đây à? 

- Đúng đấy - một chị mặt rỗ ngồi cạnh tiếp lời. Anh ta lúc nào cũng thế, toàn can thiệp vào những chuyện không đúng vị trí của mình. Có lần, cái tivi hiện sản lượng ở đầu chuyền chưa có tín hiệu từ máy tính, anh ấy cũng chẳng tìm hiểu gì mà tắt béng luôn. Anh ta ngang lắm, lại còn nói là "nó không hiện lên cái thông tin gì thì tắt luôn đi cho khỏi vướng mắt".

- Ông ấy cứ như là tổng giám đốc không bằng. 

Một vài tiếng gõ xuống mặt bàn khiến mọi người dừng lại. Không ai khác là chị Thu, mọi người cũng nể người đang có vai vế nhất trong phòng nên không nói thêm gì nữa.

- Anh Kiền, chúng tôi muốn nghe nhiều hơn từ anh.

- Được thôi chị ạ, nhưng đáng nhẽ nên để mọi người nói hết xem sao. Tôi cũng chả thích đôi co gì, vì theo lẽ thường, mọi người hay nhìn vào kết quả trước mắt mà quên đi những lề luật đã đặt ra từ trước. Ví dụ như giờ nghỉ trưa cũng đã xảy ra bao nhiêu là điều trái với nội quy rồi. Luật nào cho phép mọi người ra sớm hơn giờ quy định để ra căng-tin ăn? Thử nhìn xem, bắt đầu từ một chuyền hò nhau ra sớm hơn ba phút để được ăn sớm, rồi đến một chuyền bạo hơn, ăn gian hẳn năm phút. Từ hai chuyền thành ba chuyền, rồi khi công ty phát hiện ra ngăn cản chuyện đó thì vấn đề lại biến tướng thành cá nhân ăn gian. Một số người gần đến giờ ăn là đứng dậy, giả vờ đi vệ sinh hoặc đi lấy cái nọ cái kia, lảng ra phía cửa ra gần nhà ăn. Tôi đã để ý và ghi chép từ rất lâu đến nỗi bây giờ tôi còn nhớ mặt những người hay làm như vậy. Có lần, tôi không nhịn được bèn ra đứng ở chỗ cửa đó, yêu cầu tất cả những người bớt giờ làm ra ăn sớm phải đứng lại ở trong xưởng. Tôi còn phát hiện ra rằng các cô rất hay rủ nhau đi vệ sinh. Tại sao phải như thế? Chẳng nhẽ các cô đi một mình không được hay sao? Nhiều cô không có nhu cầu nhưng a dua a tòng, thấy một cô rủ là đứng hết cả lên. Một hôm, tôi đứng ở phía vệ sinh nam bên này, nghe thấy bên đó toàn là các cô buôn chuyện, buôn đến cả gần nửa tiếng đồng hồ. Tôi thử hỏi như vậy thì công ty lấy đâu ra sản lượng?

- Quá lắm rồi, đồ tởm - lại là chị mặt rỗ đứng lên nói. Anh tưởng như vậy là hay lắm à? Anh là bố người ta hay sao mà có quyền đi dò xét, mà đàn ông đi để ý những chuyện như vậy không biết nhục à?

- Chúng tôi chịu hết nổi với anh ta rồi - một em gái đội mũ lưỡi trai nói nhưng cũng không ngẩng đầu lên mà còn kéo mũ xuống thấp hơn - Anh ta cứ như ma xó ấy. Anh đứng làm đóng gói thì có phải lúc nào cũng có việc đâu. Thời gian rảnh hơn chúng tôi mà, sao lúc đó không đi xuống chuyền xem có việc gì giúp chúng tôi mà cứ bày ra ba cái trò theo dõi? Anh ta đứng chỉ trỏ chuyền mình chưa đủ mà còn đi sang chuyền khác. Có hôm, anh ta bảo với cả chuyền bên cạnh là nếu còn nghe thấy bên chuyền đó nói nhiều trong lúc làm việc, anh ta sẽ báo sếp và báo bảo vệ. Mọi người đi họp anh ta cũng phàn nàn là họp lắm, không giải quyết được cái gì và còn doạ gửi thư cho ban lãnh đạo.

- Thôi được rồi, thôi được rồi các anh chị. Chuyện đó gượm đã, cứ để anh Kiền nói về chuyện đang họp đã.

Thảo, cô nhân viên dưới quyền chị Thu vội xua tay phân trần với mọi người.

- Nào anh cứ nói tiếp đi.

- Vâng. tôi xin nói tiếp về chuyện ngày hôm đó. Đành rằng khi thấy những đám đông to tiếng trong xưởng thì bảo vệ có quyền can thiệp, nhưng lúc ấy anh bảo vệ đứng đó cũng chỉ nói "đây là chuyện hàng lỗi mọi người đang thảo luận thôi". Được rồi, là chuyện hàng lỗi, nhưng bác Sơn tổng giám đốc đã nói "không được quát hay nói to tiếng" kia mà. Tôi thấy không để yên được. Tôi mới bảo anh Thuận "sao anh không giải quyết cho nhanh đi mà cứ đứng đực ra?". Cô biết sao không? Anh ta trừng mắt nhìn tôi, ý như là tôi nói câu đó là xúc phạm nặng nề lắm. Tôi thấy vậy thì càng không thể hiểu nổi. Xin thưa với cô là trước khi làm công nhân ở chuyền đó, tôi đã từng làm bảo vệ, rồi trong cả công đoàn nữa, có thể nói là tôi hiểu luật hơn khối người ở đây. Tôi yêu cái công ty này, tôi phải bảo vệ kỷ cương phép tắc chứ không thể để như một cái chợ được. Tôi đòi xem hàng lỗi thì không ai cho xem, họ bảo "ông thì biết cái gì?". À, chính chị kiểm hàng bảo tôi thế đấy. Cô xem, như thế là mất quan điểm, là khinh thường tôi. Hàng trăm sản phẩm qua tay tôi mỗi ngày, tôi có mù, có đần độn thì cũng biết đâu là hàng lỗi chứ, vậy mà chị ta nhấm nhẳng đẩy tôi ra một bên. Sao lại có cái phép tắc như vậy? Bất kỳ ai trong cái công ty này đều phải có ý thức về chất lượng, chị ta làm vậy là đi ngược lại với đường lối của lãnh đạo. Tôi mới bảo rằng "chị có vấn đề về thái độ đấy", thế là chị ta nhảy xổ lên, ném hàng đánh đét một cái xuống bàn kiểm hàng "làm sao nào, anh thích nói cái gì nào?". Tôi không thể chịu đựng được cách cư xử ấy, mới bảo chị ta "Tại sao tôi lại không được xem hàng lỗi? Đã dốt còn bảo thủ".

- Chị Ánh, anh Kiền kể như vậy có gì không đúng không? - Chị Thu ôn tồn hỏi.

- Thưa, đúng nhưng mà còn thiếu. Sao anh ta không nói chuyện trước đó đi. Rõ ràng tôi nghe thấy anh ta đứng vặn vẹo anh Thuận tổ trưởng "Sao anh không giải quyết cho nhanh mà cứ đứng đực mặt ra thế? Anh làm tổ trưởng mà không tự đi nhìn hàng lỗi mà chỉ tin vào lời con bé kia à? Nó kiểm sai thì anh cũng tin nó à? Nó bảo anh ăn cứt thì anh cũng ăn à?". Chị thấy chưa, chính vì thế mà tôi mới lộn ruột. Tôi điên tiết từ lúc đó rồi, sau đó thì anh ta bước ra chỗ tôi đòi xem hàng lỗi. Tôi không thèm cho một người không biết cái gì xem, điều đó cũng phải thôi.

- Ở ngoài mà như thế là người ta đánh cho một trận rồi đấy - chị mặt rỗ một lần nữa lại to tiếng, làm chị Thu phải giật mình mà xua tay:

- Ấy chết, các chị không nói thế. Như vậy là vi phạm pháp luật đấy.

- À, cô Hồng à? tưởng ai?

Đến lúc này Kiền mới nhỏm dậy và nhìn vào người đàn bà có khuôn mặt rỗ hoa, tròn như vành một cái nón:

- Tưởng ai hoá ra cô Hồng. Này cô đừng có bênh quá cái em Ánh nhà cô, làm tròn phận sự của mình đi đã. Cô tưởng tôi không biết mấy vụ chị em nhà cô bao che cho nhau để làm bậy à?

Người đàn bà tự nhiên đứng bật dậy như một cái lò xo, chỉ thiếu nước nhảy ngay lên cái bàn tròn giữa phòng:

- Ông giỏi thì ông kể ngay đi. Ông bảo người khác làm tròn phận sự của mình mà không biết nghĩ đến thân à? Chính ông mới là cái loại hay đi xía vào chuyện của người khác mà bỏ bê công việc của chính mình. Các ông các bà ngồi đây thì lạ gì nữa? Cứ hễ nhà máy có việc gì là đi hóng hớt, mặc dù mình chẳng có vai trò gì, về chuyền làm tán loạn hết cả lên. Cái việc lớn thì người ta đã có ban tổ chức hẳn hoi rồi, ông về cứ như một ông tướng, sai người này làm cái này, sai người kia làm cái nọ, rồi ai có ý kiến thì ông cho là đi ngược lại kế hoạch của ban lãnh đạo. Ông chả là cái thá gì mà nói người khác như vậy. Chính chị em chúng tôi còn chứng kiến ông ra đứng trước cửa nhà vệ sinh nữ trong giờ làm việc, chị em nào đi cùng nhau đến là ông săm soi rồi ghi ghi chép chép. Sao ông rởm đời thế? Ông suốt ngày nói đến luật lệ, vậy luật nào cho phép ông làm như vậy?

- Đúng, nội quy không nói, như vậy có nghĩa là cũng chẳng cấm tôi làm cái việc đó. Thế mọi người bảo tôi phải làm gì? Chẳng nhẽ tôi lại phải khuyến khích và bỏ qua cho các người cái việc vô tổ chức đến như vậy à? Không có tôi thì chẳng có ai tự nguyện đứng ra duy trì cái luật lệ ở cái công ty này nữa. Nhờ có tôi kiểm soát thì mọi thứ mới được như vậy. Các ông các bà không tin thì tôi có cả số liệu đây. Ví dụ như việc túm năm túm ba đi vệ sinh, từ khi tôi đứng ra đó thì số người đi vệ sinh cùng nhau từ ba người trở lên đã giảm được năm mươi phần trăm, tất nhiên là mới chỉ ở hai khu vực vệ sinh phía cuối xưởng, còn đầu xưởng thì tôi chưa có số liệu. Tôi đã có kế hoạch tiếp theo rồi. Tôi sẽ dán thông báo ở bảng tin công nhân về kết quả bước đầu của tôi. Các người cứ đợi mà xem.

Kiền nói hăm hở, cái mặt anh ta đã không còn cúi gằm xuống mặt bàn như lúc trước. Anh ta ngẩng đầu lên nói còn bàn tay thì nắm thành nắm đấm, vừa nói vừa vung ra trước mặt. Mọi người xung quanh mặt tối sầm lại, lông mày người nào cũng nhíu lại thành hình chữ bát, không nói không giằng, ai ai cũng chờ xem con người này tiếp tục như nào.

- Tôi không phải nói suông đâu - Kiền tiếp tục. Tôi đã từng có chân trong công đoàn, những việc như nào là đúng, tôi biết, mà những việc khuất tất tôi cũng đều biết. Tôi đều có ghi chép lại, người như tôi không bao giờ làm gì mà không có bằng chứng. Các ông các bà biết không, có tôi mà còn như vậy, liệu nếu tôi không bỏ công bỏ sức ra, thì mọi chuyện còn tệ đến đâu nữa?

- À, thế ra ông nghĩ ông kiểm soát được việc chúng tôi buồn tè nữa cơ à? Xin lỗi ông, chẳng bao giờ có chuyện đó đâu. Chúng tôi buồn thì chúng tôi đi. Hai người, ba người hay năm người đi vệ sinh cùng nhau thì đơn giản là họ đều có nhu cầu, chẳng phải vì ông đứng đó mà họ không bài tiết đâu. Ông làm những việc đâu đâu đó rồi ảo tưởng ông đang kiểm soát được mọi người, thì chính bởi ông đang tự cho là thế thôi.

- Này cô Hồng, cô đừng ép tôi phải tung hê ra tất cả. 

- Nếu ông không làm gì khuất tất thì ông cứ nói hết ra đây cho mọi người phân xử xem ai đúng ai sai.

- Được, chính cô ép tôi. 

Kiền run run nói rồi lật đật rút trong túi quần ra một cuốn sổ nhỏ, mở trang nào trang đó chi chít những chữ là chữ.

- Đây, những việc vô tổ chức thế này làm tôi phải gắng công mà ghi chép lại. Ngày mười tháng tám, Hồng, Hạnh, Ánh, Lam cùng nhau vào nhà vệ sinh lúc mười lăm giờ ba tám, hai mươi hai phút sau mới trở ra. Ngày mười một tháng tám, vẫn là Hồng, Ánh, thêm Hường, Mơ, vào nhà vệ sinh lúc chín giờ mười, mười lăm phút. Ngày mười hai tháng tám, Hồng, Hường, Ánh, vào nhà vệ sinh lúc mười giờ đúng, mười hai phút. Ngày mười ba, Hồng vào lúc mười giờ bốn mươi sáu, sau đó chỉ hai phút, Ánh, Lam, Hường, Mơ cùng vào, rồi hơn mười phút sau thì tất cả bọn họ cùng trở ra....

- Thôi đủ rồi! 

Một tiếng đập bàn đánh chát vang lên, cuốn sổ trên tay Kiền bỗng rơi xuống còn khuôn mặt anh ta tái mét đi. Mọi người lúc bấy giờ mới kịp định thần nhìn ra tác giả của cú đập bàn, không ai khác, chính là người phụ nữ có quyền nhất trong cái phòng đó, chị Thu. Mặt chị đỏ bừng, người ta còn nghe rõ tiếng chị thở phì phì. 

—————————

Uống nốt cốc nước sôi đánh ực một cái, Thơ ngán ngẩm nhìn Tâm:

- Quả thực nếu không gặp bác thì em cũng không thể hiểu cơ sự lại là như thế.

- Ừ, lúc đó tôi cũng không ngờ sự việc lại vậy.

- Thế rồi nhà em bị xử lý như nào vậy bác?

- Cảnh cáo cấp độ hai cô ạ. 

- Nghĩa là như nào vậy bác?

- Cảnh cáo có ba cấp, cấp hai là không xét thi đua trong vòng một năm, mà trong ba tháng tới, nếu chỉ vi phạm thêm một lần nữa là nghỉ việc luôn.

- Dạ nặng thế cơ ạ?

Tâm ái ngại nhìn Thơ:

- Đấy là còn nương đấy cô ạ. Hắn ương lắm, lúc sau còn nói "cứ chiếu theo nội quy thì tôi đáng mức ba, cho tôi nghỉ việc luôn cũng được".

Tác giả: Martin Long Vũ @ Tanvan.vn (from work to life).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro