[ÁO DÀI HÀ BẮC] HAI MƯƠI BA.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lê Hiên lại rời cung.

Lần này là cùng Bùi Việt và bà Oánh, có bầu bạn cũng thấy đường không xa xôi mấy nữa. Chùa quả thật ở trên núi, là vùng hẻo lánh, xa hơn cả làng Mạ nó ở khi xưa. Để giữ chốn thanh tịnh, cả một ngọn núi không cho dân thường vào, chỉ có người trong hoàng tộc mới được lên. Đường đèo lên chùa mờ giăng khói phủ, bên phải luôn là vực thẳm xanh ngút ngàn rừng cây, trông ra xa tít là mấy khoảnh ruộng thưa bay khói đốt đồng. Một cõi cô tịch bình yên, đến nỗi tiếng bánh xe cán qua viên sỏi chiếc lá cũng thấy êm tai lạ thường.

–        Mặc thêm áo vào đi, càng lên cao càng lạnh đó.

–        Dạ, cảm ơn ông phi.

Lê Hiên rúc mình vào áo choàng từ tay Bùi Việt, dựa người vào cửa sổ xe ngựa mà ngóng ra ngoài.

–        Vùng này đẹp thật, tiếc là đường sá lại xa xôi khó khăn.

Bùi Việt nương theo ánh mắt cậu nhỏ nhìn ra ngoài.

–        Thế này là đã dễ đi rồi. Triều đình đã chọn núi Bà Lãnh này cho người hoàng tộc, tất nhiên phải cất công khai phá và xây dựng đường đi. Chúng ta cũng là ngồi xe ngựa nệm êm mà.

–        À, em không than thở chuyện ngồi xe ạ. Có đợt em cùng mẹ đi ra Bắc còn xa xôi khổ sổ hơn nhiều cơ. Chỉ là em nghe hoàng tộc còn có chùa khác dễ đi hơn.

–        Cái đấy thì đúng. Người trong cung thường đi chùa Tăng Quang ở vùng đất bằng; đợi đến mùng một, tất cả phi tần đều đi với ông hoàng em sẽ biết. Chùa này ít người đi hơn, nhưng ta đi riêng thì thích chỗ vắng vẻ nên chọn.

Xe ngựa đi thêm một đoạn thì dừng lại, ba người phải leo mấy bậc thang nữa mới lên được chùa. Chùa tuy cho người hoàng tộc vào cúng bái nhưng có kiến trúc đơn giản, không hề thấy hoa văn cầu kỳ kiểu cách, cũng không thấy tượng nào sơn son thếp vàng, chủ yếu là mộc mạc đá gỗ với cây cỏ thiên nhiên, rất hợp với tính cách Bùi Việt. Chùa không có cả bảng tên, chỉ biết nằm trên núi Bà Lãnh mà gọi theo là chùa Bà Lãnh vậy.

Đúng như Bùi Việt nói, chùa ít người đi, ba người vào chỉ gặp trụ trì và bốn chú tiểu. Họ dọn đồ đạc rồi cùng nhau nấu bữa chiều, ăn xong đã thấy chập tối. Bùi Việt mang ngọn đèn dầu ra sân sau, kéo Lê Hiên theo mình cùng trò chuyện, còn bà Oánh đã trông con bé ngủ ở trong.

–        Cơm chay ăn có được không?

–        Ngon ạ. Em ăn món nào cũng thấy ngon.

–        Dễ nuôi quá chừng.

Nhéo tai cậu nhỏ, thấy nó cười méo mặt, Bùi Việt đang cười ha hả bỗng lại trầm tư.

–        Như em thật tốt, trong sáng nhưng không ngây thơ đến ngu dốt, trái lại rất hiểu chuyện đời. Đã hiểu, đã trải mà còn giữ được tiếng cười thế này không có mấy ai đâu.

Lê Hiên khựng lại, trả lời Bùi Việt.

–        Ông phi cũng còn cười được rất vui vẻ đấy thôi.

–        Ừ, dĩ nhiên là còn vui vẻ được, nhưng được ít dịp quá, đa phần lại không phải ở trong cung. Ngày xưa còn theo gánh hát, ta cười đùa suốt ngày không chán.

–        Ông phi tiếc?

–        Có tiếc tự do và thanh thản, nhưng không tiếc việc làm vợ ông hoàng.

Bùi Việt ngồi xếp bằng, đặt lồng đèn xuống bên cạnh. Lê Hiên cũng ngồi xuống theo.

–        Ông phi vẫn còn yêu ông hoàng sao?

–        Yêu chứ. Nếu không yêu thì sau khi đau buồn vì mất con năm xưa, ta đã lên chùa tu rồi. Ông hoàng đôi khi vô tâm đến tàn nhẫn, nhưng ta vẫn không thể dứt bỏ được, xem như là lý do ta không thể cạo đầu.

–        Thật lạ. – Nghe Bùi Việt nói, cậu nhỏ nhớ tới cảnh mình cũng chung chồng với người ta mà thấy buồn. – Em thấy ông hoàng đối xử rất có tình với Nguyên phi, Khang phi, rồi…Kha phi.

Chép miệng một cái, ông phi kia cười buồn.

–        Đúng là rất có tình, nhưng không được lâu bền. Ông hoàng đã từng yêu mến ta chứ, nhưng mấy năm rồi cũng qua thôi. Xét một phần cũng vì ông hoàng coi trọng dòng dõi hoàng tộc hơn. Như em thấy Trịnh Khang và Dương Thụy Kha đều là có thai mới được phong phi. Ta có Quân là dạ nhân, Quyên là con gái, không được quan tâm cũng không lạ.

–        Vậy tại sao Nguyên phi ngày xưa không sinh con cho ông hoàng vẫn được yêu thương đến vậy ạ?

–        Phan Nguyên là đặc biệt. Mà em nghe ai nói anh ta không sinh con cho ông hoàng?

–        Đức tần ạ.

–        Đức tần nó không biết hết. Phan Nguyên không sinh con là đúng, nhưng anh ta đã từng có thai, chỉ là bị sẩy thôi.

Tin mới truyền đến tai, Lê Hiên ngạc nhiên thấy rõ.

–        Phan Nguyên ngày xưa vào cung là lúc đã mang thai một tháng. Ông bà Phan mất là một, bản thân anh ta mang thai là hai, vậy nên ông hoàng mới buộc anh ta vào cung. Quân mất mà không được chú ý, phần cũng vì tâm trí ông hoàng dồn hết lên cái bụng anh ta.

–        Em có thể hỏi mấy câu được không ạ? – Lê Hiên rụt rè.

–        Hỏi đi.

–        Nguyên nhân khiến Nguyên phi sẩy thai có liên quan đến bệnh tật và cái chết về sau không ạ?

–        Giỏi, nhớ rất tốt. – Bùi Việt mỉm cười – Có. Tất cả là do thuốc của Dương Quỳnh.

Nghe đến đây lại có nhiều điểm không rõ, cậu nhỏ bèn đánh liều hỏi thêm.

–        Bà hoàng dùng thuốc với hoàng nam Quân và cả Nguyên phi, tại sao lại dễ dàng qua mắt được ông hoàng và mọi người?

Đã kể thì kể cho trót, Bùi Việt cũng tin Lê Hiên nên mạnh dạn đem chuyện ngày xưa ra nói bằng hết.

–        Cô ta lấy phương thuốc cổ của người Chiêm Thành xưa ở ngoài Thừa Thiên, mà Cai bạ tỉnh này lại là người họ Dương, dĩ nhiên ém nhẹm mọi chuyện dễ dàng. Thuốc này dạng bột, pha vào nước thì hòa tan thành không màu không mùi không vị, rắc vào thức ăn nóng cũng không ai thấy được gì, thầy y trong cung đều không phát hiện được. Đó là chưa kể cô ta mua chuộc một bộ phận thầy y giỏi trong cung; đám còn lại chỉ có danh mà không có tài. Thuốc này độc ở chỗ không giết người ngay mà thấm vào cơ thể từ từ làm họ suy yếu. Quân bị cảm một đợt đã thành nặng mà mất. Còn Phan Nguyên bị làm cho yếu đi mới ngã một cái đã sẩy thai. Mấy tháng sau khi Quân qua đời thì Phan Nguyên mất thai, ta có tình cờ nghe lén được tên buôn thuốc nói chuyện với Dương Quỳnh, bèn cho người bắt hắn tra hỏi.

–        Có người làm chứng, tại sao bà hoàng vẫn vô tội?

–        Ta trông chừng không kĩ, cô ta đã cho người giết tên buôn thuốc rồi, thậm chí còn nhờ cậu mình là Cai bạ tỉnh Thừa Thiên giết hết người chế thuốc, lấy cớ là diệt trọn tàn dư Chiêm Thành để an ổn cho dân. Ta mượn cớ thăm họ hàng xa để ra Thừa Thiên cũng không tìm được bằng cớ gì. Sau khi biết ta nắm được thông tin, cô ta cũng không dùng thuốc này nữa, còn ta không có họ hàng gì trong quan triều, một mình trong hậu cung không tiện điều tra thêm, cuối cùng không có cả bằng cớ lẫn người làm chứng.

Thấy mắt Lê Hiên rũ xuống, Bùi Việt lại tiếp lời.

–        Nhưng có một nghi vấn về cái chết của Phan Nguyên. Con ta còn quá nhỏ, bị mấy lần thuốc mới phải chết. Còn Nguyên phi kia, nói gì thì nói vẫn là đàn ông trưởng thành rất khỏe mạnh. Thai yếu rồi mất đi thì không nói, chỉ là sau này Dương Quỳnh không dùng thuốc nữa, bệnh anh ta đáng lẽ phải đỡ hơn rồi.

–        Vậy là còn người khác hại Nguyên phi?

–        Không biết được.

Đèn vàng mập mở, dẫu đã cách xa chốn hoàng cung vẫn còn thấy ghê sợ bao nhiêu âm mưu toan tính. Lê Hiên thở ra một hơi rồi mới dám thưa.

–        Có chuyện em muốn hỏi, mong ông phi đừng giận. Theo cả tình và lý mà nói, ông phi cũng rất thù ghét Nguyên phi?

Thừ người ra nhìn cậu nhỏ một lúc, Bùi Việt mới cất lời.

–        Đã từng. Trước khi anh ta vào cung, ta còn cùng Dương Quỳnh tạo ra mấy lời đồn không hay để ông hoàng không rước anh ta về mà. Nhưng kể từ một lần đến thăm sau khi anh ta sẩy thai, ta không còn oán hận gì nữa. Cùng số mất con là một, cùng xuất thân không cao bị nói xấu là hai, cùng chịu trò hãm hại của Dương Quỳnh là ba. Từ đồng cảm mới nói chuyện thân tình được với nhau, chỉ có điều anh ta có vẻ còn giữ lại nhiều điều trong lòng mình, hay nói mấy câu mập mờ không rõ nghĩa.

Cậu nhỏ nghe xong, vâng dạ gật gù rồi không nói gì, Bùi Việt mới phải nói tiếp.

–        Ta kể em nghe cho biết, chứ đừng nói ai. Việc này truyền ra ngoài, Dương Quỳnh sẽ không tha mạng em đâu. Cô ta là như thế đó. Mạnh, độc, gian, và khôn. Em muốn lật đổ người này không dễ đâu, cả ta bao năm qua cũng chỉ cố gắng cho con gái mình đừng bị hại thôi.

–        Sao ông phi nghĩ em muốn lật đổ bà hoàng?

Trong đêm tối, mắt Lê Hiên có một thoáng sắc lên.

–        Nghi vấn người trong cung giết mẹ, em chỉ nói mình ta biết, vậy nên ta cũng sẽ nói thẳng với em. Ngoài Dương Quỳnh, còn người nào có thể mướn sát thủ giết người sao? Trong cung đấu đá không phải chưa từng có chuyện giết nhau, nhưng ít ai quản nổi chuyện ngoài cung lắm.

–        Nhưng nếu là bà hoàng thì em không rõ động cơ là gì. Vả lại, các phi tần khác cũng có thế lực mạnh.

–        Em có biết cô ta đến dằn mặt hôm rồi là để làm gì không?

Một phút căng thẳng kéo dài, rốt cuộc vẫn là ông phi kia cất tiếng.

–        Cô ta đã nhận thấy em có khả năng đấu trong hậu cung, đang muốn lôi kéo lòng tin để em trở thành tay chân của mình mà ngăn chặn sự bành trướng quyền lực của Kha phi. Cha mất đột ngột, em không còn lý do tranh giành nữa, với tính cách của em thì sẽ vì mẹ mình mà lui về phía sau, càng ngày càng khuất mình trong bóng tối. Muốn lôi em ra sáng thì chỉ còn cách khiến em mất hết chỗ nương nhờ phía sau.

Lê Hiên nghe xong chỉ ôm trán suy nghĩ một hồi rồi nhắm mắt lại vẻ không đành.

–        Người không liên can gì lại phải chết vì một chuyện không đáng như vậy. Mẹ em chết là vì…em?

Gục đầu vào gối mình, cậu nhỏ lắc đầu nguầy nguậy.

–        Đây là phỏng đoán của ta, ta tin em cũng từng có nghi ngờ tương tự, chỉ là nghĩ chưa tới lòng dạ ác độc của Dương Quỳnh thôi. Nếu em muốn đấu với người này, ta sẽ giúp. Nguyên do thì ta đã nói ở cung Thuận Thiên rồi, em cứ từ từ suy nghĩ.

Lê Hiên không hề khóc, nước mắt nó đã hết rồi, chỉ là khi nhắc tới chuyện mẹ mình thì vẫn nghèn nghẹn giọng.

–        Tại sao lại đến nông nỗi này? Còn có hướng đi nào khác hay không?

Xoa đầu cậu nhỏ, Bùi Việt chống tay đứng dậy.

–        Ở lâu trong cung em sẽ hiểu, những chuyện đáng sợ thế này diễn ra hằng ngày. Em biết hết rồi thì đi đường nào là tùy em chọn. Ở lại chùa này tu cũng được, nhưng tu hành chỉ dành cho những người an tĩnh. Em đã trải qua chừng này, có còn an tĩnh được không?

Câu hỏi này nó đã tự hỏi mình rất nhiều lần, đáp án lần nào cũng là không. Từ lúc cha mẹ mất đến nay, lúc nào đầu cũng đau nhức vì suy nghĩ quá nhiều, đi ngủ đêm nào cũng không được ngon, buộc mình không nghĩ tới để bớt phiền lòng đi cũng không được. Tình cảm gia đình ruột thịt đâu phải nói quên là quên, biết chuyện rồi muốn bình an sống tiếp e là quá khó. Thấy nó im lặng, người đàn ông kia cũng không muốn khơi gợi gì thêm.

–        Khuya rồi, ta vào ngủ trước. – Bùi Việt lấy ra một cây nến châm lửa đèn dầu rồi rời đi. – Để đèn lại cho em, lát vào hẵng tắt sau.

Cậu nhỏ vẫn cứ gục đầu vào gối mình mà không vâng dạ câu nào, thấy ánh đèn vàng mờ yếu ớt xuyên qua khe tay mà hắt vào mắt. Nghe tiếng Bùi Việt vào nhà trong kéo mùng đi ngủ rồi, nó mới ngẩng đầu lên, ngồi ngẩn ngơ một mình hồi lâu.

Lê Hiên hôm nay đâu cần Bùi Việt chỉ dẫn mấy lời này. Tự nó đã suy nghĩ được ai là kẻ giết mẹ và động cơ là gì rồi, giả vờ khờ dại vừa rồi chỉ để cho mọi đường đi nước bước của mình có vẻ hợp tình hợp lý hơn thôi. Lòng dạ Dương Quỳnh nó đã nhìn ra từ lâu; kể từ lần bà hoàng gọi nó vào cung Hoàng Dương, Lê Hiên đã biết cô ta muốn dùng mình làm quân cờ chống lại Thụy Kha rồi. Lật đổ ngôi hậu dĩ nhiên là điều nó muốn làm, nhưng nếu không có sự giúp đỡ của Bùi Việt, một mình bắt đầu cuộc chiến này thật không dễ dàng.

Ngồi suy tính thêm một hồi, nhẩm đến canh Hợi, nó vào nhà kiểm tra xem mọi người đã ngủ hẳn rồi lần mò theo lối cổng sau mà đi ra một chỗ vắng vẻ cạnh bờ sông, thấy hai người đàn ông đang đứng chờ sẵn.

–        Có bị ai theo dõi không?

–        Không, nhang tôi thắp trong chùa khiến họ ngủ mê mệt rồi.

–        Tốt.

Từ trước khi núi Bà Lãnh trở thành địa phận của triều đình, nghĩa quân Trần Kháng đã mở địa đạo ở đây. Núi vắng người, lại không được canh phòng quá nghiêm ngặt nên lên gặp Lê Hiên cũng không quá khó khăn.

–        Đã có tiến triển gì chưa?

–        Việt phi đã tin tôi rất nhiều rồi, sắp tới sẽ giúp tôi lấy lòng ông hoàng.

–        Người này có tin được không?

–        Ông ta không thể trực tiếp đấu lại bà hoàng Dương Quỳnh vì sợ tổn hại đến con, nhưng thù với cô ta vẫn còn nên cũng muốn có người giúp mình trừ khử.

–        Nói vậy là ông ta cũng có toan tính riêng?

–        Chắc chắn có, nhưng ông yên tâm. Tôi xem xét thì thấy ông ta quý tôi là thật, nói muốn giúp tôi cũng không phải chỉ vì chuyện của bản thân. Vả lại mục đích của chúng tôi giống nhau, hiệp sức hạ bệ bà hoàng cũng không phải vì lòng riêng hoàn toàn, sau này cũng sẽ không trở mặt với nhau.

–        Còn cậu với ông ta thì sao?

Trong đêm tối, Lê Hiên nhìn không rõ ánh mắt Trần Kháng rốt cuộc có bao nhiêu tình cảm. Nó hiểu và cảm kích sâu sắc lời hứa vô chừng ở làng Mạ kia, bây giờ lại cảm giác người kia cố tình tạo khoảng cách với mình. Đàn ông làm chuyện lớn luôn phải lạnh lùng, có khi là vì lý do này cũng nên.

Lê Hiên chớp mắt rồi trả lời.

–        Ai có ơn thì tôi cảm kích, vậy thôi.

Nói chuyện mà đôi mắt lạnh lẽo không cho thấy tâm tư cảm xúc gì, Trần Kháng biết cậu nhỏ này đã trở thành người không đơn giản rồi. Dẫu biết tạo ra rào cản lúc này là không đáng, nhưng bản thân không thể để mình lún sâu thêm vào mối quan hệ này, cuối cùng chỉ nên dừng ở mức hợp tác mà thôi. Nghiệp lớn còn trước mắt, tình ái không nên vương vấn nhiều mà làm gì.

–        Thế họ Dương mạnh, cậu thật nghĩ sẽ thành công?

–        Vậy nên tôi mới đề xuất một kế hoạch. Kế hoạch này thắng lợi, họ Dương sẽ phải lụn bại. Tôi trả được thù, nghĩa quân cũng sẽ có cơ hội tận dụng lục đục trong hoàng tộc mà tiến lên. Diệt họ Dương là diệt cánh tay phải của triều đình trong Nam Kỳ, đến lúc đó khởi nghĩa có thể lan rộng ra khỏi Định Tường rồi.

Suy nghĩ một hồi, Trần Kháng mới gật đầu.

–        Nói đi.

–        Ông có từng kể tôi nghe về Đại tướng quân Dương Quyền, anh trai bà hoàng. Bây giờ ta trong ngoài phối hợp, khiến triều đình tự chặt bỏ cánh tay phải của chúng đi.

Trần Kháng tin tưởng Lê Hiên, đã nói cho nó nghe chuyện tay trong của nghĩa quân trong quan triều là một Trực học sĩ tên Trần Văn Trạc, hiện đang giả vờ theo trướng Dương Quyền để dò thông tin. Thông qua người này, phía Trần Kháng biết được mâu thuẫn lâu năm giữa Thái sư Huỳnh Văn Trị và Đại tướng quân Dương Quyền, cũng biết được anh trai bà hoàng thường ỷ thế nhà mạnh mà không xem ai ra gì, cậy vào em mình trong cung mà đã bắt đầu có lòng riêng, bấy lâu nay thường vơ vét của cải làm giàu, lại mấy lần tỏ ý ép buộc ông hoàng theo sắp xếp của bản thân và dòng họ.

Tin tức trong cung và ngoài cung vào đầu Lê Hiên thì trở thành một điểm sáng bất ngờ, khởi nguồn cho kế hoạch để bản thân nó trả được thù riêng, còn Trần Kháng và nghĩa quân cũng có thể tận dụng thời cơ mà vùng dậy. Trần Kháng nghe Lê Hiên trình bày cặn kẽ xong thì thấy không có sơ hở, cũng muốn xuôi theo. Mạo hiểm thì dĩ nhiên là có, nhưng kết quả đạt được nếu thành công thì quả không nhỏ.

–        Kế hoạch này tốt, nhưng ta cần suy nghĩ lại. Phần Dương Quyền thì trước nay ta có nghĩ tới rồi, còn Dương Quỳnh thì giao cho cậu vậy. Nhưng mà, cậu dựa vào Việt phi kia để lấy lòng Trung Chính, có chắc sẽ lấy được thương yêu và tin tưởng lâu dài của hắn không?

Chính vì kế hoạch tốt mà phải suy nghĩ lại cẩn thận, một cậu trai mười sáu tuổi lại có thể suy tính đến mức này thì chứng tỏ là quá thông minh. Bản thân Trần Kháng tin tưởng Lê Hiên nhiều, nhưng trong nghĩa quân còn vài người chưa thuận lòng, không thể vì mình là đầu lĩnh mà muốn làm gì thì làm được. Trần Văn Trạc là một ví dụ; anh ta bảo ánh mắt Lê Hiên vừa trầm vừa lạnh, quá khó để nhìn ra lòng dạ thật sự, vả lại xuất thân cậu ta vẫn là cửa nhà quan, vào cung làm vợ ông hoàng, khó tránh có tư tưởng quy phục triều đình từ lâu, chưa nói tới việc cậu ta học và hiểu mọi thứ quá nhanh, chứng tỏ là người thông minh đến nguy hiểm. Dù có bỏ qua chuyện xuất thân, Trần Kháng vẫn buộc phải đồng tình khoản Lê Hiên một khi đã tính toán thì sẽ khiến người ta kinh ngạc dè chừng, nhưng hắn muốn tin cậu nhỏ này, bởi trái tim hắn không thể nào sai nhịp cho sai người.

–        Dựa vào Việt phi, tôi cùng lắm là được yêu thương nay mai chốc lát. Ông nói đúng, để ông hoàng tin yêu tôi, còn cần ông giúp đỡ.

–        Mưu tính gì cứ nói ra đi.

Lê Hiên gật đầu rồi tiếp tục cất lời. Từng chữ tuôn ra từ vành môi kia lại khiến đầu Trần Kháng đau nhức vô cùng, chưa để cậu nhỏ nói xong đã ngắt vội đi.

–        Không được! Việc này quá nguy hiểm tính mạng.

Đoán biết trước Trần Kháng sẽ không dễ dàng đồng ý, Lê Hiên tiến lại gần nói tiếp.

–        Từ ngày tôi vào cung, chẳng phải tính mạng đã bị nguy hiểm rồi sao? Cũng nhờ ông mà mạng tôi mới được cứu một lần, tôi còn tiếc gì nữa? Tôi biết trong nghĩa quân còn nhiều người không tin tôi, chỉ mong sớm cho họ hiểu tôi một lòng một dạ muốn giúp đỡ khởi nghĩa. Nguyễn Trung Chính là người nhiều tình cảm; kế hoạch này mà thành công, vị trí của tôi chắc chắn sẽ rất vững vàng, không biết chừng còn được ông ta tin tưởng cho đi riêng theo cùng. Đến lúc đó, đầu ông ta còn không nằm trong tay ông sao?

–        Chuyện đó còn chưa biết được!

–        Đúng, không thử làm sao biết được? Khởi điểm của tôi không bằng người ta, nếu không nhờ mưu kế thì sẽ không bao giờ trở thành phi tần được ông hoàng yêu thương.

–        Nhưng ta không thể mạo hiểm mạng người chỉ vì kế hoạch không chắc chắn này.

Thấy Trần Kháng kiên quyết, cậu nhỏ bèn tiến lại, cầm tay hắn mà nói, thấy trong mắt người kia thoáng chốc sững sờ.

–        Vậy nên tôi mới nhờ ông. Mạng tôi ông cứu một lần, nay một lần nữa nhờ vào tay ông. Cho tôi, cho ông, cho nghĩa quân, cho chúng ta. Đây là cách duy nhất để lấy được lòng tin ông hoàng nhanh chóng, ông phải hiểu cho tôi.

Không chờ người đàn ông cất lời, cậu nhỏ đã lại lên tiếng trước.

–        Ông không đành lòng vì…tôi sao?

Đêm đã xuống lâu rồi, chỉ ngọn đèn leo lắt không thể nhìn rõ được mặt người đối diện, vậy nhưng đôi mắt kia, bình thường phủ sương khói lạnh, sao bây giờ lại sáng rõ đến xuyên thấu lòng mình. Thấy mặt mình nóng lên, Trần Kháng bèn quay đi lấp liếm.

–        Hy sinh người vô ích, ta không đành lòng.

–        Chưa chắc đã là hy sinh.

Ánh mắt xanh ngọc dấy lên tia hy vọng, hắn cứng miệng lại không biết mở lời chối từ. Dùng dằng ú a ú ớ một hồi, đành phài vỗ vai cậu nhỏ mà nói.

–        Ta cần suy nghĩ lại. Giờ ta có việc phải đi, trước mắt vẫn liên lạc qua Trạc.

Biết Trần Kháng không muốn quyết định ngay, Lê Hiên cũng không nài ép, chỉ có thể gật đầu.

–        Còn nữa, phe ta thật ra còn có tay trong trong hậu cung, trước chưa nói với cậu vì nghĩ không cần. Giờ tình hình trong cung càng ngày càng phức tạp, cậu cũng nên có người giúp đỡ.

–        Hậu cung?

Trong đầu Lê Hiên thoáng qua hình ảnh các phi tần vẫn không thấy ai có vẻ khả nghi.

–        Cậu có từng gặp Trần Tâm?

Nhớ lại người thanh nam vào cung đã lâu mà chưa được ông hoàng chú ý, cậu nhỏ gật đầu. Lần trước thấy anh ta xung đột với người hầu, miệng mồm chua chát, tính tình cáu bẳn, không nghĩ tới sẽ là tay trong của nghĩa quân.

–        Nó là em họ ta, trước vào cung với thân phận con trai của thương gia họ Trần, cũng là thân phận giả của ta. Chúng ta đã từng gài người vào hậu cung với lý do như cậu, không có kết quả nên mới không đầu tư hướng đó nữa. Nói vậy cũng là nhắc cậu đừng vì chuyện có mấy người không tin tưởng mà phiền lòng.

–        Thì ra lý do anh ta buồn bực không phải chỉ vì người nhà không chu cấp tiền bạc.

–        Trên danh nghĩa thì là như vậy. Nó không được quân ta tin tưởng nữa, lại không thể ra khỏi cung, trong lòng phiền muộn là tất nhiên. Bây giờ cậu phối hợp với nó, tiện thể cho nó biết rằng chúng ta chưa quên nó đâu, đừng có ý nghĩ tiêu cực nữa.

–        Nhưng làm sao để anh ta tin tôi?

–        Lựa lúc không có ai xung quanh mà nói mật khẩu quân ta, sau đó giải thích cho nó hiểu.

Lê Hiên gật đầu, thấy Trần Kháng định rời đi thì nói với thêm.

–        Ông giữ sức khỏe.

Ngạc nhiên một giây, người đàn ông cao lớn kia cũng quay lại mà gật đầu mỉm cười.

–        Mạnh khỏe.

Không thể dây dưa dài dòng, gặp mặt nhau chỉ là để truyền đạt tin tức và bàn bạc kế hoạch, Trần Kháng và thuộc hạ cũng phải rời đi. Bóng người khuất hẳn, Lê Hiên nhìn về phía chùa, chợt nhớ ngày Tết đã sắp đến rồi.

Ở lại một mình, nó nhìn ra bờ sông đen mờ trong đêm tối, nghe tiếng dế rả rích buổi đêm xuân, lòng lại trôi về những ngày cuối năm cùng mẹ. Trôi theo hương thơm thức quà ngày Tết, mà hơn nữa là thơm đôi tay mẹ tần tảo sớm hôm cho cha con nó mấy bữa ngon lành.

Như chỉ mấy năm trước thôi, nó còn theo mẹ đi mua lá gói bánh chưng, miến, măng, quế, hành củ, thịt và thủ lợn. Mẹ gói bánh chưng cái nào cái nấy đều vuông vức ngay ngắn, nó vụng hơn nên bánh nào cũng thô, vậy mà mẹ cũng cất công sửa lại, vừa sửa vừa chỉ dẫn gói sao cho đẹp, cho đều. Rồi mẹ lại ngâm dưa hành, hăng chua đến át mùi thịt lợn ngấy mỡ. Dưa hành thích nhất là ăn với bánh chưng rán hay thịt đông, giò thủ, ngán thì có thể đổi sang cơm trắng cùng bò kho quế hay canh măng lưỡi lợn, ngày Tết vì vậy cũng lên được mấy cân. Hết món Bắc cho mình mẹ lại nấu món Nam cho cha, từ thịt kho nước dừa, dưa giá tới củ kiệu ngâm chua, món nào qua tay mẹ cũng như thanh hơn, ít ngọt và ngấy mỡ như hàng quán mua về. Mặn đủ mẹ lại làm ngọt, mà ngon nhất là mứt gừng nguyên củ, mứt bí, mứt me, vị ngọt bao giờ cũng nhàn nhạt thanh thanh, hơn hẳn vị ngọt sắc nhà khác thường làm.

Nấu ăn xong, mẹ lại dọn dẹp, có lúc chờ nồi thịt kho lại phải tất bật lau chùi. Nó chịu khó giúp mẹ, thấy hai mẹ con đều cực, vậy mà nỡ lòng nào hàng xóm lại kháo nhau rằng ôi cái bà Minh thì việc gì phải bệnh, nhà quan sướng thế chứ có phải nhà dân làm ruộng như mình đâu. Họ nói mà môi dài cả thước, tay phe phẩy nón lá nhàn rỗi buổi chuyện đồng trưa.

Bây giờ, mẹ xa rồi, họ có muốn nói cũng chẳng còn được nữa. Quan hay dân mà quan trọng làm gì, đầu rơi xuống thì cũng chết như nhau thôi.

Tết năm ngoái, tay nghề nó đã khá lên sau bao năm phụ mẹ, gói bánh chưng đã được mẹ ưng, không cần sửa lại mà cho ngay vào nồi. Hai mẹ con ngồi nói chuyện với nhau khi canh nồi bánh, mẹ kể nó nghe ngày xưa ở Hà Bắc thế nào, bảo Hiên có nhớ lúc mười bốn tuổi cùng mẹ ra Bắc không. Đợt đấy cận Tết mà lạnh đến run người, phải mấy lớp chăn mới ngủ được, rồi mẹ ôm Hiên thế này, xoa tóc Hiên thế này, thì thầm vào tai Hiên thế này.

Hiên ơi, có nhớ mẹ không?

Nước mắt con đã hết rồi, không thể nào khóc cho mẹ được nữa. Nhưng lòng con như dòng sông, đổ về biển là về lòng mẹ thôi.

Con đã thay đổi rồi, đã toan tính rồi, đi ngủ đã không còn an tĩnh rồi, nhưng mẹ hãy hiểu cho con. Con người với nhau nghiệt ngã quá, cả an phận làm nốt trầm thanh ngang người ta cũng không cho phép. Con muốn vươn lên, cao thật cao, để từ đấy nhìn xuống cùng mẹ cái thế gian này, dòng sông này, biển trời này, con người này. Con muốn làm ông trời cho chính cuộc đời con.

–        Mẹ, con có làm ông trời thì mẹ vẫn là mẹ của ông trời. Mẹ ngủ ngon, nhé.

Ngước nhìn bầu trời đầy sao, Lê Hiên mỉm cười. Không có ngôi sao nào là của mẹ, bởi mẹ là cả một bầu trời, con đi tới đâu cũng nằm trong lòng mẹ êm ái. Con đường nào con đi, tin rằng mẹ luôn ủng hộ con. Con đa đoan hôm nay, có lẽ sẽ một lúc nào như lời mẹ nói, có được giấc ngủ an tĩnh, tâm hồn ngây thơ trong một giấc trưa ngắn ngủi, để thấy mơ hồ đùi mẹ vẫn gối dưới đầu như những ngày xưa.

Đêm đó, đùi mẹ không làm gối êm, Lê Hiên nằm mà thao thức mãi, đến lúc gà gáy tờ mờ sáng thì lồm cồm bò dậy, sửa soạn chải đầu. Bùi Việt dậy sau, nhìn đôi mắt thâm quầng của cậu nhỏ mà hết cả hồn. Nó chỉ lẳng lặng nhìn Bùi Việt rồi thưa.

–        Đêm qua em đã suy nghĩ kỹ. Nếu không thể núp trong tối nữa thì phải ra sáng thôi.

Ông phi kia ngẩn ra nhìn nó một hồi cũng nở nụ cười theo. Tia sáng xanh mờ tỏ buổi bình minh hắt vào, đôi mắt xanh ngọc của Lê Hiên lại rực lên tươi mới.

–        Đi, đi rửa mặt.

Bùi Việt choàng vai nó bước đi. Trong một buổi sớm, chùa Bà Lãnh lại yên bình thanh tịnh, con bé nằm trên giường còn mộng cũng thật êm.

Hai người dậy sớm cùng nấu bữa cơm chùa với các sư, ăn xong thì nghe giảng kinh Phật. Thi thoảng, Bùi Việt có nhìn sang Lê Hiên, thấy mắt nó tươi sáng hơn ngày trước, trong lòng cũng thấy lâng lâng.

Biết lòng Lê Hiên đã thông, Bùi Việt giúp nó cũng rất tận tình.

Trên đường trở lại cung, hai người chủ yếu bàn bạc tính toán cho dịp Tết sắp tới. Sửa soạn cho cung Thuận Thiên là một chuyện, quan trọng hơn nữa là bày kế cho Lê Hiên. Tết là dịp các phi tần, hoàng nam, hoàng nữ tụ họp cùng ông hoàng, bà hoàng; nếu gây được ấn tượng tốt thì sẽ rất có triển vọng về sau.

–        Ta có nghe em giỏi đàn nhị rồi, vậy em còn có tài gì không? Em tinh mắt nhìn người, nhưng đó là với người trong hậu cung, còn đối với ông hoàng, bản thân em cũng phải có điều gì đó đặc biệt ngoài sắc vóc.

–        Tài thì em không dám nhận. Ngày xưa ngoài học đàn nhị thì còn học hát, rồi học văn thơ cũng khá, được vài người bảo nét chữ trông cũng được.

–        Chữ Quốc ngữ, chữ Hán hay chữ Nôm?

–        Em biết cả ba ạ, nhưng chữ Hán thì không giỏi lắm.

–        Vậy là giỏi quá rồi! Đừng nói với ta là em biết cả tiếng Tây?

–        Biết ạ, trường em học là do người Tây chu cấp. Mẹ em bảo người Tây ở Nam Thành nhiều, cũng nên học cho biết, biết đâu sau này lại hữu ích.

–        Mẹ em nói rất đúng! – mắt Bùi Việt sáng lên – Nhiều phi tần ỷ sinh ra ở nhà quan mà không học hành đàng hoàng, vào cung dĩ nhiên không vấn đề gì, nhưng chính vì vậy mà không chia sẻ được công việc với ông hoàng, tạo ra rào cản vợ chồng không đáng có. Ông hoàng cần viết và phê nhiều giấy tờ, công văn, tấu chương, cả Hán, Nôm, Quốc ngữ và tiếng Pháp, nếu em rành cả bốn tiếng này thì ta có thể thưa với ông hoàng để em giúp việc.

–        Nhưng như vậy có tính là vượt quá bổn phận sang việc triều chính không ạ?

–        Không đâu, em chỉ giúp ông hoàng viết và soạn giấy tờ chứ đâu nêu ý kiến gì. Vả lại, có vợ bên cạnh thông hiểu và giúp đỡ công việc của mình, ông hoàng mừng còn không kịp ấy chứ. Bà hoàng là người học hành cao nhất trong hậu cung cũng chỉ biết chữ Hán và Nôm mà thôi. Còn ta cũng tiếc bản thân ngày xưa theo gánh hát mà bỏ dở việc học hành, không phụ giúp gì ông hoàng được.

Lê Hiên ngày xưa sống mờ nhạt, chỉ giỏi nhất là chuyện học hành. Đường công danh sự nghiệp của dạ nhân dĩ nhiên không rộng mở, nhưng cũng có vài người thi đỗ mà được chức quan thấp trong triều, dù không quá xán lạn thì cũng không đến mức u tối. Nếu ngày xưa không được các ông quan trên chú ý mà tiến cử, nó đã tính đường đi thi rồi.

–        Nhưng dịp Tết này tạm thời chưa để em trổ tài được. Tặng ông hoàng bài thơ thì rất khó dò trước ý tứ, ca ngợi quá thì lại sống sượng vô duyên. – Bùi Việt nhíu mày. – Ban nãy em nói mình còn học cái gì?

–        Học hát ạ.

–        Cái này được. – Ông phi nắm vai cậu nhỏ vui mừng. – Ông hoàng thích người hát hay. Thuở trước ta được chú ý cũng nhờ điểm này.

–        Nhưng đã gần nửa năm rồi em không tập lại.

–        Không sao. Từ đấy tới đó còn tuần hơn, ta tập cho em. Chuẩn bị một vở cải lương là được. Đã từng học qua chưa?

–        Có biết một tí ạ.

Có chuyện để nói với nhau, đường dài cũng trở nên ngắn. Về đến cung đã là lúc chiều tối, Bùi Việt phải đưa con mình về ngủ trước, còn Lê Hiên thì xin sang cung Bạch Liên, bảo còn có đồ để ở nhà cũ nên phải về lấy. Ông phi kia nói với lính canh một lời, cũng không ai làm khó cậu nhỏ được nữa.

Lê Hiên không nói dối, nó quả thật là để quên đồ. Không khí ngày Tết làm nó nhớ mứt gừng, chợt nhớ ra còn một hộp để ở nhà cũ trong Bạch Liên. Mứt để quá lâu chưa chắc đem về ăn được, nhưng nó muốn nhân dịp này mà tìm xem còn thứ gì khác quý giá hay không.

Khổ nỗi, đường về cung Bạch Liên lại phải đi ngang qua cung Hoàng Dương. Bùi Việt ban đầu không muốn nó đi, nhưng Lê Hiên bảo bà hoàng trước mắt chưa làm gì được mình, cùng lắm là gọi vào nói mấy lời vu vơ, nó sẽ đối đáp được. Miệng cứng là vậy, đến khi đi rồi thì cậu nhỏ lại đi sát góc khuất ở mép tường, tránh cho người hầu Dương Quỳnh nhìn thấy. Cũng chính vì đi trong tối mà không nhìn rõ đường, nó lại đụng phải một người đi về hướng ngược lại.

–        Xin lỗi.

–        Xin lỗi.

Hai tiếng xin lỗi vang lên cùng lúc, một là giọng của chính nó rồi, còn giọng kia lạnh và nhỏ, không biết là của ai. Nghĩ cũng không phải là bà hoàng, cùng lắm là người hầu, Lê Hiên bèn né sang bên sáng mà bước tiếp. Không ngờ, người kia cũng cùng ý nghĩ, hai người suýt nữa lại đụng trúng vào nhau.

Dưới ánh sáng đèn lồng, một cậu bé con phỏng chừng bảy tám tuổi hiện ra. Hai mắt đen láy u buồn, gương mặt non nớt mà u tối lạ thường, dáng người lại gầy gò trong bộ áo rộng hơn người mình.

–        Xin lỗi. Mời cậu tần đi trước.

Biết đứa nhỏ kia gọi nhầm, Lê Hiên bèn chữa ngay.

–        À, ta chỉ là một thanh nam thôi. Chẳng hay cậu đây là…?

–        Con là hoàng nam Nguyễn Hưng. Xin lỗi chú, tại con thấy chú đóng khăn lại đeo vòng cổ, tưởng chú là tần.

Con trai của Dương Quỳnh không có lấy một chút khí thế bức người của mẹ, ngược lại còn mở miệng ra là lỗi với phải, ánh mắt sợ sệt dè chừng rất không đáng có ở trẻ thơ.

–        Thì ra là cậu hoàng Hưng. – Lê Hiên nhẹ cúi người cho vừa tầm mắt nói chuyện với thằng bé. – Chú đi chùa nên ăn mặc chỉnh tề cho đúng lễ thôi. Con vừa đi thăm bà hoàng về à?

Đứa trẻ mười tuổi trông dáng người nhỏ bé hơn tuổi thật mà gương mặt lại buồn bã, nghe Lê Hiên hỏi còn biết thở dài.

–        Là mẹ Quỳnh gọi con tới. Lâu lắm mẹ mới gọi con vào hỏi han, vậy mà còn chưa tới nửa khắc đã chán ngán đuổi về rồi.

Hận mẹ chứ không giận lây sang con, biết đứa trẻ này có tâm sự, Lê Hiên cười nhẹ an ủi.

–        Con còn nhỏ, không nên buồn rầu thế này. – Lê Hiên vỗ nhẹ lên vai thằng bé mà mỉm cười. – Thôi tối rồi, con về ngủ đi. Người hầu đâu? Sao con đi một mình thế này?

–        Bà vú còn đang bị mẹ con rầy la ở trong, con muốn đi về trước.

–        Rầy la?

–        Sáng nay, con học bài trong vườn thì cha tình cờ đi qua rồi dừng lại hỏi thăm. Con đọc bài sai, cha chặc lưỡi bỏ đi, mẹ biết chuyện liền giận. Mẹ bảo con là đứa có tật còn không sáng trí, không có tương lai, cha vốn ghét bỏ, từ rày về sau con đừng để cha thấy mặt nữa. Mẹ còn la bà vú không quản con, để con chạy ra vườn cho cha nhìn thấy.

Dù hận Dương Quỳnh đến thấu xương, Lê Hiên vẫn cảm thấy tội nghiệp đứa trẻ này. Đã nghe Bùi Việt kể sơ qua, không ngờ tình cảnh của nó còn bi đát hơn. Bàn tay trái nó có sáu ngón thật, nhưng trộm nghĩ gương mặt u buồn và vẻ tự ti hôm nay không phải do tự nhiên mà ra. Ông hoàng không thích nó đã đành, ngay cả bà hoàng là mẹ nó cũng chì chiết không thôi. Cha mẹ đều không cần nó, Nguyễn Hưng mới ủ dột mặc cảm thế này.

–        Trẻ con đi học, đứa nào chẳng mấy lần đọc bài sai. – Lê Hiên xoa đầu thằng bé. – Con đừng nghĩ mình không sáng trí. Ngày xưa chú đi học cũng sai lên sai xuống nhiều lần.

–        Nhưng chú vào cung làm vợ cha con, đâu cần học giỏi. Còn con là hoàng nam, chỉ có thể học để làm cha mẹ đỡ phiền lòng hơn thôi. Xưa nay ai cũng xa lánh con, biết con tối dạ thì họ càng dè bỉu. Mọi người chỉ thích anh Cảnh, anh Thịnh thôi.

Thấy thằng bé chau mày, Lê Hiên lấy tay vuốt trán nó.

–        Đừng có như ông cụ non thế này. Con không tối dạ đâu. Chẳng qua là mọi người có ác cảm với con từ trước nên mới nghĩ vậy. Vả lại con còn nhỏ, sao có thể so với cậu hoàng Cảnh và cậu hoàng Thịnh chứ.

–        Chú chỉ nói vậy để an ủi con thôi.

Thở hắt ra một hơi, Lê Hiên ngồi hẳn xuống, đặt tay lên hai vai thằng bé.

–        Đúng là chú muốn an ủi con, nhưng chú không nói dối. Con của ông hoàng, người nào mà tối dạ chứ. Ai ghét con không quan trọng, quan trọng là con không được tự ghét mình. Cuộc đời này khó khăn, miệng lưỡi người đời lại độc địa, con phải tự tạo ra niềm tin thì mới sống được, biết không?

–        Dạ… – Nguyễn Hưng trả lời ngập ngừng.

–        Con đưa hai tay cho chú xem được không?

Lê Hiên đưa hai tay mình ra, chờ một lúc sau thì thấy thằng bé đặt ngửa hai tay mình vào. Bên trái sáu ngón, bên phải năm ngón, đường chỉ tay lại nhăn và rối dù nó còn rất nhỏ.

–        Tay trái con có sáu ngón, đây cũng là lý do mọi người lánh xa con. Vậy con có ghét bàn tay trái của mình không?

–        Có ạ. – Thằng bé trả lời không ngần ngại.

–        Vậy nếu ai đó muốn lấy đi ngón tay thừa, con có đồng ý không?

–        Nhưng… – Nguyễn Hưng bỗng nhiên rút tay lại – …ý chú là chặt bỏ sao? Như thế thì đau lắm.

Thấy cậu hoàng nhỏ sợ hãi, Lê Hiên mới vuốt má nó giải thích.

–        Thấy không? Cả khi con ghét tay mình, con vẫn đau khi nó đổi khác đi. Ai mà chẳng đứng núi này trông núi nọ để mong đời mình tốt đẹp hơn, cũng chính vì vậy mà sinh lòng đố kỵ nói xấu người khác. Giữa bộn bề thị phi như vậy, con phải biết tự yêu quý và chăm sóc bản thân mình. Cha mẹ đã không lo đầy đủ cho con, con càng phải biết vì mình mà cố gắng. Nếu con tự ghét bỏ bản thân mình mà sinh ra chán nản tuyệt vọng, rốt cuộc không làm nên chuyện gì, mọi người càng xa lánh con hơn. Ngược lại, nếu con yêu thương bản thân, biết cố gắng học hành, sau này giúp ích được ông hoàng, biết đâu cha lại chú ý tới con, bọn người xung quanh cũng không ai có thể bàn tán ra vào được nữa.

Thấy chú nhỏ này nói có lý, thằng bé rốt cuộc cũng gật đầu mỉm cười.

–        Dạ, con biết rồi.

–        Bây giờ chú dắt con về nhé. Cung con ở đâu?

–        Cung Trường Giang ạ. Để con dẫn đường.

Hoàng nam bị rẻ rúng, tất nhiên phải ở cung xa lại không có cả chữ “Long” lót tên, chứng tỏ ông hoàng không hề trông mong nó sẽ làm gì nên chuyện mới ban vào nhánh thứ nam, không thể nào trở thành thái tử về sau được. Thương cảm dâng lên trong lòng, Lê Hiên nắm lấy bàn tay sáu ngón của Nguyễn Hưng, vừa dắt nó đi vừa mỉm cười, liếc nhìn thằng bé cũng cười theo mình.

Đêm đã xuống hẳn, xung quanh không có ai, cậu thanh nam cũng không cần phòng bị mưu tính gì nữa. Lời nó nói với Nguyễn Hưng là thật lòng, bởi càng căm ghét Dương Quỳnh bao nhiêu, nó lại càng thương thằng bé bấy nhiêu. Tình cảm mẹ con thiêng liêng, người đàn bà kia lại vì mưu lợi cá nhân làm cho mù mắt mà không biết trân quý hạnh phúc hiện tại. Vả lại, trẻ con không có tội, nó không tin bà hoàng lại dùng con để giăng bẫy mình, suy cho cùng thì cô ta cũng chẳng được lợi gì từ chuyện này.

–        À, nãy giờ con quên hỏi tên chú. – Nguyễn Hưng bỗng nhiên cất lời, cắt ngang dòng suy nghĩ của Lê Hiên. – Tên chú là gì ạ? Để con biết sau này còn thưa gửi.

Thằng bé bình thường trông ảm đạm u ám, khi cười lên lại tươi sáng rất dễ thương. Lê Hiên thấy lòng mình dịu lại, mỉm cười đáp trả nó.

–        Chú là Lê Hiên. Gọi chú Hiên là được rồi.

–        Dạ.

Lê Hiên rốt cuộc không về cung Bạch Liên lấy đồ, chỉ cùng thằng bé đi về cung Trường Giang. Tay nắm chặt tay, tình cảm chú con cũng dần dần nảy nở.

Bao đêm trời tối cho lòng dạ đa đoan, lâu lâu lại có một đêm yên bình giăng sao ấm cúng.

About these ads

SHARE THIS:
TwitterFacebook

RELATED
[Áo dài Hà Bắc] Mười tám.
In "truyện"
[Áo dài Hà Bắc] Bốn mươi.
In "truyện"
[Áo dài Hà Bắc] Mười hai.
In "truyện"
JUNE 2, 2014 BY HIEN LE
CATEGORIES: TRUYỆN
2 COMMENTS
POST NAVIGATION
[ÁO DÀI HÀ BẮC] HAI MƯƠI HAI.
[ÁO DÀI HÀ BẮC] DƯƠNG QUỲNH: MỘT.
2 THOUGHTS ON “[ÁO DÀI HÀ BẮC] HAI MƯƠI BA.”

Hắc Hồng Hoa says:
Feb 09, 2015 at 12:30 pm
Anh ơi, miền nam thời đấy chưa có tủ lạnh thì nấu thịt đông kiểu gì ạ? =]]]]] (em bới bèo ra bọ thôi, anh không cần quan tâm mấy ý kiến dở hơi này của em đâu.)

REPLY
Hien Le says:
Feb 09, 2015 at 2:03 pm
Anh cũng không để ý lắm khi viết ra chi tiết này. Theo thiển ý của anh là cho vào hũ chôn xuống đất hoặc dưới giếng như cách người cổ đại vẫn làm. Vào độ cuối năm, miền Nam cũng mát, dĩ nhiên là không lạnh như tủ lạnh để làm đông hoàn toàn, nhưng cũng một phần làm cho hỗn hợp kết dính lại một tí. Thứ nữa là cho nhiều da heo hơn bình thường để lớp keo dính hơn. Thật ra, anh chưa thấy người ta chôn bao giờ, và có lẽ người miền Nam thời xưa không ăn thịt đông. Nhưng có một lần, tủ lạnh có vấn đề, mẹ anh làm ở nhà không cho vào tủ lạnh, nó không đông chắc và ngon như bình thường, nhưng cũng ăn được.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro