[ÁO DÀI HÀ BẮC] MƯỜI CHÍN.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đi qua rặng tre cao thật cao là tới làng Mạ. Ông sẽ biết thôi vì tre đấy cao lắm; mẹ tôi bảo rằng tre cao như ông Gióng, không tre nào cao hơn được đâu. Tre xanh ngắt, thân xanh đậm, lá xanh nhạt, hiền mà dữ, nhâm nhi gió non mà chép miệng kể chuyện mình.

Kể chuyện làng Mạ người ta hiền lắm. Đi chợ có tiền gian bạc lận thế thôi, dân người ta khinh ghét nhà quan thế thôi chứ không ganh ghét giày xéo nhau đến nỗi phải bỏ xứ mà đi. Nhà tôi bao năm vẫn ở nơi này, bình yên cũng gọi là có rồi. Cha tôi bảo vùng này thế là lành lắm, chứ mấy xứ đất lành chim đậu như người ta nói thì nhiều chim quá mà chúng nó mổ nhau đau hết cả, rốt cuộc lại thành đất chết mà thôi. Tôi không biết sao mới là phải, chỉ là giờ nghĩ lại, quả thật nơi ấy còn bình yên quá.

Mà thời này đâu phải thời loạn. Hoặc ít ra mười sáu năm đời tôi chưa hiểu biết thế nào là loạn. Tôi có nghe người ta khởi nghĩa, có nghe người tây đi khai sáng nước mình mà thực chất có nhiều dã tâm, có nghe vùng nào nghèo quá ăn cướp vào cắt cổ bà già lấy vài hào ăn cơm, có nghe lệ làng ai bắt thả rọ trôi sông gái mười ba cho thần sông bớt giận, có nghe người ta thương chó mà phải giết thịt chó, có nghe chó nhà thành chó hoang lẻn vào ăn thịt trẻ con, có nghe người ta chặt đầu rút xương nhau để dựng lên chính nghĩa.

Chính nghĩa chỉ có khi máu xương đổ xuống? Ừ thì thời này đâu phải thời loạn…

Lúc nhỏ, mẹ tôi có kể chuyện anh hùng đi giết quỷ, chặt đầu quỷ treo lên tường thành, dân đen bị quỷ hà hiếp bấy lâu giờ reo lên sung sướng. Thế là thôi đời con quỷ, ai bảo nó ác quá, nó đành đoạn với người dân quá cho họ ghét làm gì. Thế còn con cháu của con quỷ cũng phải chết theo, bởi quỷ là quỷ, tà ác không đổi được. Giết quỷ phải giết tận gốc. Tôi nghe kể liền sợ, chui ngay vào chăn, với tay ra bịt miệng mẹ lại, bảo làm thế thì anh hùng mới là quỷ.

Người ta chặt đầu rút xương nhau để dựng lên chính nghĩa. Tôi không quan tâm chính nghĩa. Tôi chỉ hỏi rằng: vậy còn tôi thì sao?

Tôi ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình thế thôi.

Thuở tôi đi học, có đứa chỉ thẳng vào mặt tôi bảo mày là con nhà quan, mặc áo dài đẹp đi học, đâu biết nhà bọn tao nghèo, anh em năm sáu đứa thay nhau một cái áo dài, phải giữ gìn kẻo về cha mẹ mắng. Một đứa đổ mực lên áo tôi, bảo cho chừa thói nhà giàu hiếp đáp nhà nghèo đi.

Chắc tôi chưa kể với ông, mẹ tôi gốc Hà Bắc. Mẹ quý từng phân vuông của tà áo, bảo cái hồn thanh thoát xứ Bắc không lẫn vào đâu được. Làm việc nhà sợ bẩn áo dài, mẹ đành lấy ào bà ba mà mặc, một tay mẹ lau sạch sàn nhà mấy gian, nấu hết trong nhà mấy bữa. Con mẹ ít phụ, mẹ bảo cứ ngồi chơi đi, mẹ làm rồi cũng xong đâu vào đấy. Không phụ mẹ nhiều thì phụ ít, chỉ quan trọng nhất là đừng làm bẩn áo dài, mẹ thấy sẽ rất xót. Đêm ấy, mẹ giặt hoài không hết đi vết mực, bảo áo này thôi không mặc nữa, lưng quay đi cho tiếng thở dài.

Ai cho người ta quyền ca thán? Ai định hình chính nghĩa cho người ta bấu víu vào mà chì chiết nhau? Ai ban luật, ai cầm quyền, ai trông quản, ai biết, ai hay, ai nói, ai đánh, ai thắng, ai thua, ai sống, ai chết?

Ông đã dựng cờ khởi nghĩa, hẳn nghe tôi nói thế này rất khinh?

Ông đã nhìn thấy máu xương người người đổ xuống cho chính nghĩa, ông không nghi vấn chính nghĩa, ông định hình chính nghĩa.

Đừng nhìn tôi như vậy, tôi chỉ hỏi thôi. Chỉ đơn thuần là hỏi thôi.

Tôi muốn van xin, cầu khấn một con đường, bởi tôi không còn biết con đường nào nữa. Tôi đi chưa nhiều, nhưng tôi nghi vấn rất nhiều. Tôi đặt mọi dạng câu hỏi mà chính mình không thể trả lời để rồi bế tắc, sau đấy ban cho bản thân đặc quyền ca thán về bi kịch.

Ai cho tôi ca thán?

Ông đã kể cho tôi có người trong nghĩa quân mất cha mẹ anh chị em cùng lúc, cắn vào tay để không ra tiếng khóc, nuốt ngược nỗi đau mà nuôi chí trả thù. Tôi thấy họ hay ho và kiên định quá.

Đừng nhìn tôi đầy nghi hoặc. Tôi chỉ đơn giản là thán phục và ngóng vọng điều mà mình không làm được. Tôi chỉ yếu đuối trong bi kịch của bản thân mình. Tay tôi chặn tầm nhìn bản thân. Hồn tôi đóng cửa. Tôi chỉ thấy tôi trong không gian của tôi. Ở nơi này. Ngay tại đây. Nước mắt này. Nỗi đau này.

Tôi đã nghi hoặc bản thân mình. Tồn tại là vì đâu? Vui sướng buồn khổ như thế nào? Có tâm hồn nào không trong như nước? Có hồn nào xanh như lá, đỏ như máu, trắng như tơ, đen như mực?

Có một màu sắc nào cho mỗi hình hài, mỗi tâm tư…

Sắc màu luôn đẹp. Món ăn đẹp khi có đủ sắc màu. Mẹ tôi nấu bún thang, bảo món này rất hài hòa màu sắc. Vàng trứng, nâu giò, trắng thịt gà, đỏ ruốc tôm, xanh rau răm. Âm dương hài hòa, tình lý thuận hòa, ăn ngon mà thấy quý từng sợi mỏng tang, mà tự nhiên thấy xót khi nắng rót vào tô không óng lên váng mỡ. Sao mà đẹp quá quý quá khéo quá…

Sao mà phải chết?

Sống chết đều có số, người ta tin vậy. Số của bản thân thì lại bí hiểm vô cùng, không sao đoán được. Các ông bà thầy bói làm ăn được lắm, vì khi người ta khổ quá thì chỉ biết trông vào số phận mà thôi. Nghèo ba đời giàu ba họ, âu là cái số cả. Họ coi chỉ tay, mắt mũi miệng mồm, một hồi đoán y như thánh. Vậy mà có thánh nào phán cha mẹ tôi chết đâu. Người phán thì thánh còn không cãi được. Thánh ở trên trời không quản nổi mặt đất cho con người giết nhau.

Hôm qua, tôi nằm mà không ngủ được, trộm nghĩ rằng mọi sự luôn có thể đổi khác nếu một thứ nhỏ nhặt nhất thay đổi. Giả như hôm nào đấy tôi không ăn bún thang, cha tôi sẽ không chết. Giả như hôm nào đấy tôi nghe lời mẹ quét nhà, mẹ tôi sẽ không chết. Giả như hôm nào đấy tôi mặc áo trắng chứ không phải áo đen, cha tôi sẽ không chết. Giả như hôm nào đấy tôi đi ngủ sớm hơn một khắc, mẹ tôi sẽ không chết. Giả như hôm nào đấy tôi không vào cung, cha mẹ tôi sẽ không chết.

Giả như tôi không có trên đời, cha mẹ tôi sẽ không chết.

Lê Hiên.

Lê Hiên.

Lê Hiên.

Mái hiên mưa rơi xuống, cánh chim bay qua không thấy nơi bắt đầu, vô phương tìm nơi kết thúc, miệng nhẩm hát một khúc cải lương.

Hoa hiên vàng rũ rượi sau cơn mưa, kể tội đời thừa qua từng cánh lá.

Bát canh hoa hiên mùa hè mát tới ruột gan.

Tại sao lại là Lê Hiên?

Tôi đã phản bội chính mình mất rồi. Tôi không dám tin bản thân mình nữa.

Ông hãy cho tôi con một đường, không phải để tôi sống vì vốn tôi không chết được, mà là một con đường làm tin để tôi thấy lại bản thân mình trong chính mình và trong nhiều người khác, để tôi lại thấy bát canh hoa hiên thật thơm, mái hiên mùa nào còn tươi nguyên rực rỡ mơ ước bay lên trời cho tột cùng cuồng vĩ.

Cho tôi đôi cánh, cho tôi như con chim, để lại bay lên trời như tâm trí ngày xưa.

Đau đớn đôi cánh mất. Đau đớn không lớn lao. Đau đớn nhỏ bé bóp lấy trái tim từng hồi. Và ghê tởm. Tôi thấy máu thịt. Tôi lại thấy máu thịt. Đầu cha tôi còn vết nứt máu chảy loang, loang vào hồn tôi đỏ hoét. Đầu mẹ tôi còn chỏng chơ ngoài đường đất, giun bọ lúc nhúc rỉ từng miếng thịt miếng xương, hay con chó hoang nhà nào đã gặm lấy rồi chạy mất. Con chó khốn nạn sẽ bị dòi bọ làm lở loét mồm, vì đầu mẹ tôi là thứ kinh tởm tràn đầy bệnh dịch.

Sao ông lại bịt miệng tôi? Tôi biết thân mình run, mắt mũi mình chảy nước, răng lại va nhau cồm cộp, như hôm nào tôi ra Bắc đợt đông cùng mẹ.

À, đừng nhắc mẹ tôi nữa.

Đừng!

À…

Đây là tro mẹ tôi?

Đây là tro cha tôi?

Thì ra con chó hoang khốn nạn đã không tha đi mất, và lũ côn trùng đáng kiếp cũng chẳng lúc nhúc bên trong.

Tôi lại muốn khóc quá. Đang khóc mà vẫn muốn khóc thêm. Thèm được khóc lắm.

Tạ ơn ông, tạ ơn ông, ngàn lần vạn lần tạ ơn ông!

Mẹ của tôi, mẹ thanh thoát cao sang áo dài Hà Bắc của tôi, mẹ trong giấc mơ tôi…Đẹp nguyên cùng ngọn lửa này. Và cha tôi, xa gần mờ ảo, vùi cùng ngọn lửa này. Tạ ơn ông đã giữ lại nguyên thơm ao sen Nam Thành, hương sen Hà Bắc. Đừng chôn nó đi, hãy đốt nó lên cùng muôn trùng tro bụi.

Đừng cản tôi. Gió sẽ đưa tro bụi này về nơi tro bụi cần đến, bởi tro bụi là để gió mang đi. Tôi không cần giữ lại, bởi khi tôi nắm lấy mớ tro trong tay, hương thơm của cái chết thanh sạch đã ướp vào mũi, và tôi luôn nhớ hoài cha mẹ tôi, Lê Hiên tôi. Thả gió bay đi là những điều không còn đáng giữ, để tôi viết nốt một trang này mà còn cười tròn vẹn.

Cười sao, Lê Hiên?

Có quan trọng gì đâu một hồn mục rữa? Giấc mơ là một nỗi niềm mục rữa, khi ta không làm chủ được bản thân ta. Trông thấy mẹ tôi trong mơ có vui sướng gì đâu, nhưng không có thần phật thánh chúa nào cho tôi cầu khấn mà xua đi tâm tư ấy. Tôi chẳng muốn giữ mẹ lại, chỉ muốn xua mẹ đi thật mau, phiền trách mẹ đừng làm khổ tôi nữa. Tôi nhớ thương mẹ hoài hoài trong tâm tưởng, chỉ xin mẹ đừng vào trong giấc mơ của tôi trong hình dạng con quỷ mất đầu. Hãy để áo dài Hà Bắc là áo dài Hà Bắc.

Mẹ tôi kể chuyện ngày xưa rằng áo dài Hà Bắc là áo lụa trắng, không phải trắng xóa chói mắt như ánh mặt trời, mà là trắng nhạt, tưởng như pha chút tím, tưởng như pha chút xanh, tưởng như pha chút xám, nhưng vẫn là trắng. Áo lụa trắng, quần lụa đen, các cô các cậu Hà Bắc đi vào tranh, vào thơ, vào nhạc. Mẹ bảo các cô mặc áo dài rất đẹp, nhưng các cậu đất Bắc mới là chồi xanh người ta muốn hái, lụa thơm người ta muốn mua.

Các cậu đã vào độ dậy thì. Khuôn ngực trẻ tươi căng dưới nền áo, cần cổ trắng khỏe lộ ra mấy phân, tay chân nhanh thoăn thoắt, đào trái mọng tròn, bắp đùi thon gọn, các ông khách phương xa đến chỉ có mà mê. Cả con gái cũng mê, bởi con trai đã đẹp thì đậm đà lắm. Mê thế nên mới có nhiều lầu xanh, và rũ dưới áo dài Hà Bắc là chất dâm đãng giả kiêu kỳ đài các của các cậu. Các cậu đẹp và rất hay hứng tình, thỏa lòng khách thì ít mà thỏa lòng mình thì nhiều.

Không, mẹ tôi không kể đoạn sau, chỉ là tôi nghe lén cha nói với mẹ. Hôm đấy tôi được ông quan bát phẩm đòi xem mặt, ông về thì mẹ tôi vén tóc thằng con mà bảo ô hay, Hiên thì ra lớn lên đã rất đẹp rồi. Cha chặc lưỡi nói đẹp mà dâm như bọn trai Bắc thì cũng như không.  Mẹ gạt phắt đi, nạt nộ cha một lần hiếm có trong đời. Khắc sau, họ tưởng tôi ngủ rồi nên mới bàn chuyện người lớn, không biết tôi đứng nghe sau vách, máu chảy rân rân trong người.

Trộm nghĩ rằng cái đẹp và dâm đãng kia cao sang quá, ước gì mình với tới thôi.

Tôi soi gương. Mẹ bảo tôi đẹp, ông quan bát phẩm bảo tôi đẹp. Một vài người khác bảo tôi dễ nhìn. Ông có thấy tôi đẹp không?

Trong cung có anh Kha đẹp lắm. Cả lứa thanh nam không ai đẹp bằng anh. Người ta bảo anh Kha là chuẩn mực của cái đẹp, hút hồn người từ phút đầu tiên. Tôi thật cũng mê anh lắm, được thân thiết cùng anh trò chuyện, nhìn anh gần thật gần, thấy tim mình đập nhanh hơn vì anh đẹp quá.

Và anh dâm quá.

Tôi biết anh hay tự thỏa mãn bản thân mình, lại còn thông dâm với con trai chồng, rồi chán chê anh con trai anh mới quấn quýt gợi tình với ông chồng hoàng đế. Tôi biết hộp mứt anh đặt dưới gầm giường có giấu thuốc kích dục, vì một hôm tôi ăn thử đã thấy nóng ran, và nhìn mặt anh say ngủ đẹp đến mê người, tôi phải chạy về nhà để giải phóng hết cơn nóng ấy. Đỉnh trời trắng như áo dài lụa trắng, tức là có pha tím, pha xanh, pha xám, nhưng vẫn trắng. Cơn nóng dịu xuống một phút lại căng lên đầu lưỡi. Cứ thế cứ thế, trắng xóa chiếc áo dài cũ. Chiếc áo ấy tôi lén đốt đi khi mọi người đi xem hát bên cung bà hoàng.

Trắng khiết thanh sạch của tôi, bi kịch gương vỡ của tôi, sẽ có một ngày tôi nhiễu từng giọt trắng xóa nóng hổi lên mặt anh Kha!

Đầu mẹ tôi rơi.

Sọ cha tôi vỡ.

Nước mắt tôi chảy.

Đôi cánh tôi bay.

Ông cứ hối tôi mở miệng làm gì, chẳng phải tôi đã nói nãy giờ rất nhiều đấy thôi, ông Kháng?

Một cái chớp mắt thế mà mau. Nghĩ chẳng bao nhiêu cũng nhức đầu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro